Lưu Ý:
Tài liệu do Cao-Xuân Kiên sưu tập và thiết kế.
Hy vọng góp phần hỗ trợ các bạn đạo tìm hiểu A Tỳ Đàm.
Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) không quản lý hay cố vấn nội dung trang này.

4 Tâm Sở cần phân biệt

4 Tâm Sở cần phân biệt

  1. Tư (cetanā) là sự cố ý, cố quyết, điều hành pháp đồng sanh.

    • Tướng trạng là chủ tâm (cetayitalakkhaṇā)
    • Nhiệm vụ là đầu tư (āyūhanarasā)
    • Biểu hiện là sự tổ chức (saṃvidahanapaccupaṭṭhānā),
    • Nhân cần thiết là ba danh uẩn còn lại (sesakhandhattayapadaṭṭhānā)

  2. Nhứt hành / Định (ekaggatā) là sự gom tâm vào một điểm trên đối tượng.

    • Tướng trạng là không phân tán (avikkhepalakkhaṇā)
    • Nhiệm vụ là tập trung các pháp đồng sanh (sahajātānaṃ sampiṇḍanarasā)
    • Biểu hiện là lắng đọng (upasamapaccupaṭṭhānā)
    • Nhân cần thiết là lạc (sukhapadaṭṭhāna)

  3. Tác ý (manasikāra) là tính cách của tâm thích ứng với cảnh.

    • Tướng trạng của tâm sở tác ý là chú ý đối tượng (sāraṇalakkhaṇo)
    • Nhiệm vụ là cột các pháp tương ưng vào cảnh (sampayuttānaṃ ārammaṇe saṃyojanaraso)
    • Biểu hiện là đối diện với cảnh (ārammaṇābhimukhabhāvapaccupaṭṭhāno)
    • Nhân cần thiết là cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno)

  4. Thắng giải (adhimokkha) là sự xác định cảnh, không do dự.

    • Tướng trạng là xác định (saniṭṭhānalakkhaṇo)
    • Nhiệm vụ là không do dự (asaṃsappanaraso)
    • Biểu hiện là quyết định (nicchayapaccupaṭṭhāno)
    • Nhân cần thiết là cảnh cần xác định (sanniṭṭheyyadhammapadaṭṭhāno)

Vai trò của tâm sở Tác Ý là khía cạnh chủ đạo cho hai tâm Khai môn. Chính nó đã giúp các tâm Khách quan (vithicitta) xô vẹt bức màn che của tâm hữu phần (bhavaṅga) để hướng đến ngoại cảnh. Tâm sở Tác Ý như người hoa tiêu cho một chiếc tàu.

Bảy tâm sở Biến Hành là bảy khía cạnh bất khả ly của tâm, giúp tâm có thể làm tròn việc biết cảnh.

Khi tâm sở Tác Ý đóng vai trò không để tâm đi lạc đường thì tâm sở Tư dẫn dắt các pháp đồng sanh làm tròn chức năng của mình để hướng đến mục đích của hành động. Xúc chính là sự gặp gỡ của căn với cảnh, để từ đó Thọ có mặt để cảm nhận và Tưởng là khả năng nhận diện đối tượng trên nền tảng những cái biết cũ. Tâm sở Định giúp các pháp đồng sanh gom chung một chỗ và Mạng Quyền chính là sức sống của tâm và tâm sở.

Niệm ?

Cũng nên phân biệt giữa tâm sở niệm (sati) và các tâm sở trên.

Tâm sở Niệm thuộc 19 tâm sở biến hành của các tâm tịnh hảo. Chỉ nên hiểu đơn thuần Niệm là một tính chất đẹp của tâm tịnh hảo, chưa nói đến khái niệm tu hành, vì tất cả tâm tịnh hảo đều có thuộc tánh niệm (saticetasika).

Ở đây tâm sở Niệm có nghĩa là nhận biết đối tượng (cảnh) một cách chính xác.
  • Tướng trạng của niệm là tỉnh táo, không lơ là (apilāpanalakkhaṇā).
  • Nhiệm vụ là không nhầm lẫn (asammosarasā)
  • Biểu hiện là trông chừng cảnh (ārakkhapaccupaṭṭhānā).
  • Nhân gần là sự nhớ chắc (thirasaññāpadaṭṭhānā).

Tài liệu A Tỳ Đàm