Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 04/11/2022

1. Bài khai giảng 04/11/2022

↑ trở lên

Bài khai giảng 04/11/2022

Khóa học Thụy Sỹ tháng 11/2022

Chuyện đầu tiên, chúng ta mỗi sáng bắt đầu lúc 8h cho nên bà con hoan hỷ sắp xếp sinh hoạt cá nhân, điểm tâm như thế nào đó để 8h mình có mặt trong lớp. Đó là một chuyện. Vẫn trong gạch đầu tiên mình mở ngoặc vì chỗ này khí hậu tốt và có cái để nhìn, cho nên buổi sáng sớm nếu bà con nào thu xếp được mình sắp xếp đi bộ. Đi bộ cá nhân, đi một người hoặc rủ bạn đi. Thu xếp sao để cho có đi bộ, có điểm tâm hay tắm rửa gì thì cũng 8h có mặt trong lớp.

Lớp học sẽ kết thúc vào lúc 10h hoặc 10h30 tùy quý vị. Cái đó chắc chắn mình sẽ linh động.

Gạch đầu dòng thứ 2 đó là, cái này đúng ra không nên nói nhưng mà lỡ nói luôn. Là bà con sắp xếp chuyện ăn uống, mỗi phòng ăn riêng hay ăn chung với nhau? Nấu nướng, rửa ráy, thu dọn chia đều nhau. Đó là 2 chuyện.

Chuyện thứ 3, nội dung học cái gì. Cái này mới mệt nè. Trong lớp của mình, trình độ chênh lệch, là sao? Có những vị theo dõi từ lâu, có những vị mới tinh. Cho nên, chúng tôi cố gắng sắp xếp nội dung nó dung hòa sao đó mà để người cũ vào lớp này vẫn thấy có cái mới để mà học, và người mới họ vẫn theo kịp lớp học chứ không phải họ bị đuối. Với, tôi cũng phải nhắc lại một câu thơ, nghe nó rất là đời nhưng nó cần thiết cho lớp này. Đó là câu thơ của nhà thơ Trịnh Vũ Hoài, ổng có câu thơ thế này:

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹpXứ người mênh mông sao nhỏ hẹp. Khi mình xem một vùng đất là đất khách thì vị trí nó trong tim mình rất là nhỏ.
Quê nhà một cõi nhớ mênh môngNhiều khi mình xa xứ 40 năm mình vẫn nhớ một chén rau luộc, một bữa ăn chiều mưa với mẹ, với bà ngoại.


Các vị có nhớ câu này không?

Tôi xin trả lời câu hỏi: Tại sao có những người đi chùa quá lâu năm mà vẫn không thiết tha với Phật pháp?

Bởi vì, Phật pháp trong lòng họ là "đất khách". Từ đó, nó mới ra chuyện "mênh mông" mà sao nhỏ hẹp. Còn câu thứ hai, "Quê nhà một cõi nhớ mênh mông". Quê nhà ở đây là Vợ con, nhà cửa, tiền bạc,... cho nên, miệng mình nói "mình là Phật tử", "mình đi tu học",... tùm lum hết nhưng thật ra là "quê nhà" của mình chính là chuyện thế tục, cho nên luôn luôn mình dành cho nó một nỗi nhớ rất lớn. Khi quý vị dành cho chuyện thế sự một nỗi nhớ QUÁ LỚN thì làm sao Trái tim của quý vị còn có chỗ để Phật pháp dựa vào trong đó? Cho nên, vấn đề là chỗ đó. Học như thế nào mà sau 10 ngày ở đây, Phật pháp trở thành "quê nhà" chứ không còn là "đất khách" như xưa giờ nữa.

Rất nhiều người bị cái đó. Tức là, họ nghĩ Phật pháp là trách nhiệm của Tăng, ni, còn mình là Phật tử, mình có gia đình, nó không quan trọng. Thật ra, tôi mong quý vị thấy rằng Phật pháp không phải là môn học biết được thì tốt, mà là PHẬT PHÁP LÀ MỘT MÔN HỌC PHẢI BIẾT NẾU CHÚNG TA MANG THÂN PHẬN CON NGƯỜI. Vì sao vậy? Vì rằng các vị lên Beatenberg, cái này tôi nói không biết bao nhiêu lần, các vị lên đây, nó đẹp như thế này, nhưng chắc chắn không phải ai lên đây cũng thấy nó đẹp. Vì sao?

Thứ nhứt, người mù.
Thứ hai, người đang mang trọng bệnh trong người.
Thứ ba, người đang quá nhiều nợ nần.
Thứ tư, người trốn truy nã, hoặc trốn sự truy sát của kẻ thù.

Khi mình có quá nhiều vấn đề như vậy, mình lên đây mình sẽ không ngắm cảnh được. Có nhận ra cái đó không?

Phật pháp cũng vậy. Chúng ta có quá nhiều vấn đề thì Phật phát có sờ sờ ra đó, một tủ đại tạng và 100 vị pháp sư Tam tạng ngồi đó đối với mình Phật pháp bấy giờ vẫn là chốn "đất khách", mình không tìm ra đó một chốn "quê nhà", một chốn quay về. Còn nếu một ngày nào đó, quý vị tự thấy rằng: Mang thân phận này, cái để mình hướng tới không phải là cơm áo gạo tiền, mà nó còn có cái gì đó nằm ngoài chuyện cơm áo gạo tiền nữa. Thì lúc bấy giờ, quý vị mới có cơ hội để mà thấy Phật pháp là cần thiết. Cái đó là cái điều tôi muốn nói trong lớp học này. Nó là như vậy.

Trong lớp học này thì nói thiệt đừng có buồn. Ngày hôm qua tôi đi chơi với bà con, thấy tôi cười, nhưng tôi để ý mình nên dạy bà con cái gì. Thấy mê chơi nhiều quá. Tôi ngồi tôi đếm đếm thì thấy đám mê chơi hơn nửa lớp rồi. Ở đây, nói thiệt, trừ chư tăng ra, chứ còn đám Hamburg mà tôi hay nói đùa Hamburger, mấy vị bên Đức, cô Hòa, ông Hào là 50-50, còn ông leader này ổng chỉ là trách nhiệm dắt khách đi thôi, chớ không có học. Đếm lại trong lớp này là 1/3 học thôi. Như vậy, tôi hỏi ý quý vị, quý vị thống nhất với nhau rồi cho tôi biết: Quý vị muốn tôi cho quý vị một cái nền tảng từ đầu tới đuôi, rồi về tự học, hay là các vị muốn tôi đưa các vị đến một góc trời nào đó mà các vị muốn?

Có hiểu tôi nói không? Thí dụ, quý vị muốn tôi hướng dẫn một đoạn Phật pháp, vừa đủ để các vị về tu thiền. Hay muốn mình có một cái khái niệm căn bản để từ đây về sau, về tự học lấy? Thỉnh ý chư tăng trước. Lớp này dành cho Phật tử, không phải cho chư tăng, nhưng mà xin chư tăng cho ý kiến. Chứ còn xin nhắc lại, lớp này không phải dành cho quý thầy.

(Thầy Đồng Ân) - Ý kiến riêng con thì thấy được học nhiều hay hơn sư cho một đoạn đem về.

- Tức là học từ đầu đến đuôi? Dạ, cảm ơn thầy. Với có chuyện nữa, lớp này mình có cho người khác nghe phải không ạ? Cho nên, nếu chỉ nội mình thôi thì dễ hơn. Như vậy thì tôi nói trước. Lớp này có nội dung gồm 4 tiêu đề sau đây :

1. Tổng quát Phật học, Phật học là cái gì.
2. Mối liên quan giữa lý thuyết và thực hành.
3. Mối quan hệ giữa Kinh tạng Pali và các hệ phái khác ở trong một chừng mực hạn chế cho phép.
4. Điểm quan hệ giữa 3 tạng với nhau.

Thì tôi cho rằng đó là nội dung lớp học 10 ngày này.

Còn nội dung sáng hôm nay, trước hêt tôi sẽ giới thiệu về cái gọi là:
1. Chúng sinh là cái gì?
2. Thế giới là cái gì?
3. Lý do mà đức Phật ra đời.
4. Nội dung tổng quát mà đức Phật dạy mình là cái gì?
5. Vì đâu chúng ta phải học giáo lý thay vì chúng ta chỉ đơn giản theo đuổi một phân môn đơn giản nào đó mà thôi.
6. Sau cùng, cũng mong thông qua lớp học này, các vị biết về đọc sách gì. Cái đó là cái tôi mong.

Sau lớp học này, mình không xem Phật pháp là đất khách nữa, mà đó là quê nhà, chớ không phải đất khách. Còn, mình, đa phần, mình đi chùa, gặp gỡ tăng ni nghe giảng, đa phần là coi Phật pháp là cái gì đó xa lạ, và cái chính của mình là cuối cùng cũng trở về đời thôi. Đó là chuyện đáng tiếc.

Cũng mừng là kỳ này bà con thấy ham chơi, nhưng qua đây cũng hơi đông. Trường hợp những vị ham chơi thì bữa nào nghe được thì nghe, còn không quý vị cứ việc tung tăng, không nhất thiết mọi người có mặt trong đây đều phải có mặt suốt. Và tôi cũng sẽ cố gắng để những vị mới vào theo kịp, và những vị cũ có cái mới để mà nghe. Thí dụ, như khi tôi trình bày Bản chất của chúng sinh, thì đối với các vị sơ cơ tôi sẽ trình bày sơ sơ những thành phần cấu tạo nên một chúng sinh, nhưng đối với các vị biết tôi sẽ lấy một chút trong phần intensive, lớp nâng cao/chuyên sâu để các vị có cái để ghe. Chỉ vậy thôi.

Bây giờ ôn lại nha.

Sáng 8h mình học cho tới 10h hoặc 10h30. Tại sao có cái rưỡi ở đây? Là trường hợp bà con giải lao, mất hết nửa tiếng rồi. Chứ còn bài thì dài đúng 2 tiếng. Cứ 1 tiếng chúng ta nghỉ 15 phút, cho nên nó thành ra 10:30. Chỉ vậy thôi. Chứ học thì học có 2 tiếng thôi.

Nãy giờ quên, buổi chiều học từ 2h-4h. Hôm nào bà con có việc riêng hoặc bị bệnh gì đó thì mình có thể co giãn, học sớm chút để nghỉ sớm hoặc học trễ chút để nghỉ trễ.

Lớp mình tất cả đều có skype hết thì mình có tin tức gì mình 1-2h sáng bà con có thể gửi tin vào cho nhóm biết.

Và trong lớp này có chư tăng ở đây. Chúng ta phải nhớ rằng ở đây không có một chút phân biệt Nam - Bắc truyền gì hết. Ở đây, thật sự mà nói, nói một cách nghiêm túc, khách quan, chúng ta là người một nhà. Bởi vì nói theo bên Thiền tông thì tánh giác không có Nam, Bắc - dầu về địa lý hay về tâm linh. Và mong các vị dành chư tăng lầu 3 cho tiện chăm sóc. Mặc dù các vị Việt Nam thân quen nhiều hơn nhưng mà các vị bên Úc với chúng ta 1à một nhà. Thức ăn nấu 2 nơi, ăn một nơi.

Mỗi ngày chúng tôi cũng qua dùng sáng với chư tăng, dùng sáng và dùng trưa.

(Kiên) - Có cần đọc trước tài iệu gì không ạ?
- Không có tài liệu gì hết.

↑ trở lên

← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com