Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 08/11/2022

1. Ly Dục
2. Hành trình giải thoát
3. Định – Tuệ
4. Hiện tượng & Bản chất
5. Chúng sinh
6. Thiền Quán
7. Cơ hội đắc đạo
8. Lâu - Mau, Khó - Dễ
9. Hữu Vi
10. Điều kiện

↑ trở lên

Ly Dục

Trong A Tỳ Đàm có gì? Có Tục đế, có chế định.

Tức là trong suốt nhiều đời, miễn là còn sống trong Dục mình chỉ biết cuộc đời qua Tục đế và Chế định thôi. Rồi một ngày nào đó, nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, nhờ vào thầy bạn mà mình biết ly dục.

Thế nào là sự nỗ lực bản thân?

Trong kinh gọi là Yoniso manasikāra là Như lý tác ý. Nghĩa là sao? Một ngày nào đó, trong cuộc đời của mình, tự nhiên mình biết nhìn đời mình chán. Hiểu không? Có nghĩa là, từ hồi bé, mình thấy đám ma là đám ma thôi, thấy người già là người già, người bệnh là người bệnh chứ mình không có cái gì đánh động mình hết. Bỗng nhiên có một ngày, mình nhìn người già, người bệnh, nhìn xác chết, đám tang mình bị đánh động. Biết chạnh lòng nghĩ lại. Giây phút chạnh lòng đó được gọi là Yoniso, giây phút khéo suy tư.

Nhưng mà chưa có đủ đâu. Nó khó lắm. Cái đó phải cộng với cái duyên ly dục nhiều đời. Tức là, nhiều lần chạnh lòng trong tiền kiếp, và nhiều lần chạnh lòng đó nó cộng lại thành cái duyên đắc thiền. Hiểu không?

Kiếp này tôi phải có phút giây chạnh lòng tôi mới ly dục được. Cô Yến, cô Điệp cũng chạnh lòng nhưng có điều tui, 30 kiếp về trước tui đã nhiều lần chạnh lòng như vậy. Còn mấy cô mới có chạnh có 2, 3 lần thôi, chưa chạnh nhiều. Mấy cô cũng khoái ngồi thiền tùm lum nhưng mấy cô ngồi không đắc. Hiểu không? Còn tôi kiếp này tôi biết chạnh lòng nhưng trước cái lần này tôi đã chạnh quá trời kiếp, cả trăm kiếp, cả ngàn kiếp về trước. Cho nên, bây giờ tôi có khả năng ly dục và tôi có khả năng đắc thiền.

Đắc thiền là sao? Tôi nhìn thế giới này còn lại có 10 thứ hồi sáng tôi nói. Mà trong kinh nói, bậc thượng thừa, đại trí như Bồ Tát tự động đắc thiền. Còn hạng hạ căn, phải có thầy kềm cặp. Tôi ly dục rồi tôi nghe ở đâu có thầy cũng ly dục tôi mới tìm tới ông đó, ông đó dạy tôi tu thiền. Và có nghĩa là ổng dạy mà cũng trầy trật tôi mới đắc. Đó là hạng hạ căn. Còn tui phải tìm đến thầy, thầy dạy cái rẹt đắc liền thì đó là trung căn. Còn tự tôi nghĩ ra, đó là bậc thượng căn. Hiểu không?

Đắc thiền là cái gì? Khi tập trung nhìn vô bát nước, nhìn vô cục đất, nhìn vô cái gì màu xanh, màu vàng,… trong tư tưởng nó đắc. Đắc là tư tưởng của mình với cái đó thành một.

Có nghĩa là, bây giờ, xưa giờ tôi chỉ niệm đề mục xanh, xanh,… vàng, vàng… nhiều lắm là được tập trung tư tưởng thôi. Nhưng mà đắc thiền là sao? Là với khả năng tập trung vào màu xanh, màu vàng đó, tôi có thể hóa hiện ra nhiều cái mà người ta không có ngờ. Thí dụ, người đắc thiền đề mục màu vàng, họ có thể tạo ra ánh sáng vàng. Và họ có thể biến mọi thứ thành màu vàng như ý họ muốn. Sự hóa hiện thần thông giữa 2 vị A La Hán thì có vị thị hiện thần thông nhanh, có vị chậm. Nhanh chậm là sao? Vị thứ nhất, nhìn khu rừng giữa mùa đông tuyết rơi, vị đó chỉ chú nguyện thôi “hãy xuất hiện một khu rừng thu”, thì nó xuất hiện một khu rừng trong đó màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Tốc độ hiện thông họ rất nhanh. Thay vì mình thì phải nhập định đề mục màu vàng, còn họ chỉ nghĩ tới màu vàng, họ nghĩ tới màu xanh, nghĩ tới màu đỏ thì lập tức có một khu rừng thu cho họ. Để có khu rừng thu đó họ phải nhập đề mục đất, đề mục nước, đề mục lửa, đề mục gió, đề mục xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng, họ làm cái rẹt 10 cái. Họ chỉ nghĩ đến nó ra. Còn vị thứ 2 chậm hơn. Tức là, “hãy có một khu rừng đi”, màu sắc điều chỉnh chậm hơn vị nọ. Hiểu không?

Trong kinh nói ngài Mục Kiền Liên, chuyện này hơi phong thần, tôi không muốn kể. Ngài Mục Kiền Liên hàng phục con rồng trong một tích tắc như vậy ngài phải sử dụng cả 10 đề mục Kasina. Liên tục liên tục vậy. Nhưng vị khác làm không được như vậy. Có nhiều chuyện liên hệ thần thông kể ra giống lớp phong thần lắm.

Nhưng mà tôi chỉ nói vắn tắt là khi vị đó ly dục, tập trung vào các đề mục Kasina đất nước lửa gió, xanh vàng đỏ trắng, thì vị đó với vũ trụ là một. Có nghĩa là, trước đây vị đó là một động vật, một sinh vật giữa trời đất này, chung quanh có đất, nước, lửa, gió. Còn bây giờ, vị đó với đất nước lửa gió là một. Vị đó muốn đất, nước, lửa, gió biến mất cũng được, mà muốn có thêm cũng được. Hiểu tôi nói không?

Chẳng hạn bây giờ tôi không có thần thông, tôi ngồi trong phòng này, tôi đâu có làm gì được cái muỗng này, tôi chỉ mở cửa sổ liệng nó thôi chứ tôi đâu làm được gì nó, tôi không có can thiệp sâu được. Riêng vị có thần thông, họ có thể làm cho nó biến mất cũng được, mà vị đó làm cho nó tự động nhúc nhích cũng được. Vị đó có thể làm nó thành màu xanh, màu vàng cũng được. Vị đó có thể biến 100, 1000 cái muỗng này cũng được. Nghe kịp không? Cái muỗng này, rồi bàn tủ, giường ghế trong cái phòng này, vị đó đều có thể làm được như ý mình muốn. Cái đó gọi là thần thông. Mà thần thông đó, tôi nhắc lại lần nữa, chỉ có thể thực hiện bằng khả năng ly dục và bằng khả năng nhập định. Định tâm của người ly dục, chứ khơi khơi không đủ. Đó là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai. Nghe cho kỹ.

Khi còn hưởng dục, ta 100% chìm sâu trong thế giới hiện tượng với các khía cạnh của nó gồm có: cao thấp, dài ngắn, đẹp xấu, trong ngoài, trên dưới, gần xa, xanh vàng, đỏ trắng,… nhưng đối với người tu thiền, họ không có màng mấy khía cạnh li ti đó, mà họ tập chú vào một phần của chế định thôi. Tức là, trước đây chế định phức tạp, còn giờ chế định đơn giản. Tôi nói tới đây không biết người nào bén bắt đầu nhận ra tôi muốn nói cái gì rồi.

Khi hưởng dục thì 100% Tục đế. Khi ly dục thì chỉ còn 1 phần của tục đế thôi. Có nghĩa là họ chỉ còn đất nước lửa gió chứ họ không có râu ria, chi tiết của đất nước lửa gió như trước đây. Hiểu không? Lúc bấy giờ họ chỉ chú ý đến một phần của tục đế thôi. Họ chú ý, đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng thôi chứ ngoài 10 cái đó ra họ không còn chú ý khía cạnh khác. Nghe kỹ nha.

Mà lúc này, giai đoạn này là giai đoạn định.

↑ trở lên

Hành trình giải thoát

Nghe cho kỹ, hành trình giải thoát là Giới – Định – Tuệ.

Giới = tránh cái gì bậy bạ của thân, khẩu.
Định = tránh tham thích, bất mãn trong vật chất.
Tuệ = một nửa tục đế và một nửa chân đế.

Ở đây, hoàn toàn là tục đế. Lên tới đây, là vẫn còn tục đế nhưng đơn giản hơn. Qua tới đây là tuệ nó đơn giản hơn thì bắt đầu đơn giản hơn nữa.

Có nghĩa là khi mình hưởng dục thì tất cả là tục đế hết, mà tục đế thấy nó rối không? Nhưng lên tới Định, vẫn còn tục đế nhưng tục đế đơn giản. Qua tới Tuệ, tục đế đơn giản hơn nữa. Và nó chỉ có một phần, phần sau là chân đế, có nghĩa là bản thể.

Có nghĩa khi hưởng dục là 100% Tục đế. Mà tục đế rối nùi. Tại sao rối, có ai hiểu không? Quá nhiều chi tiết đi. Giống như người ta bước vô người ta chỉ nghe ông thầy giảng thôi. Còn bước vô mà "Sư mặc áo màu gì màu gì..." là thấy nó ngu rồi. Trong khi ở đây, chỉ tập trung ổng giảng cái gì thôi. Đàn ông chú ý cái đó, chỉ có phụ nữ mới chú ý màu xanh, màu vàng thôi. Có hiểu cái đó không? Thường là phụ nữ họ hay thích mấy cái chi tiết, chứ đàn ông, họ gọn lắm. Giờ ông thầy mặc xà lỏn ổng ngồi ổng giảng, mà nếu ông thầy giỏi thì mình tập trung nghe ông thầy giảng. Chứ dòm thấy xà lỏn ông thầy rách thì chỉ có đàn bà.

Như vậy, ở cảnh giới Dục giới đã là tục đế, mà tục đế rối nùi. Lên tới Sắc giới thì sao? Cũng tục đế mà tục đế đơn giản. Rồi lên tới thiền Vô Sắc thì nó không còn sắc nữa, nhưng nó còn tục đế trong Danh pháp thôi. Danh pháp là phần hồn. Phần Dục giới còn dính trong phần Xác qua tới Vô Sắc nó chỉ còn tục đế phần Danh thôi. Qua tới Tuệ thì lúc đầu Danh và Sắc còn là Tục đế, sau thì Danh Sắc chỉ còn là chân đế thôi.

Tôi giảng vậy có thấy nó mờ dần không? Tức là, càng về sau nó càng vi tế dần, vi tế dần.

Giới - Định - Tuệ
Xanh: tục đế. Đỏ: chân đế



Mà các vị thấy cái Tuệ, tại sao lúc đầu nó còn màu xanh là sao ta? Ai giải thích tôi nghe được không?
– Còn dùng tục đế để đi, đứng, nằm, ngồi. Còn dùng tục đế để hít vào thở ra đó. Nhưng mà cái này, nó vẫn là tục đế nhưng nó không có nhiều. Vô sâu nữa thì sao? Nó mất. Vô sâu chỉ còn cái này là sân, tật, lận, hối. Vô sâu nữa nó chỉ còn sanh, diệt, Bốn đế, 12 Duyên khởi thôi. Và, trước khi chứng đạo nó không còn thiện ác, nó chỉ còn sanh diệt thôi.

Khi nó gọn vậy thì họ mới cắt phiền não được. Nghe kịp không? Nội ông chứng Sơ thiền là ông đã nản cái Dục rồi. Chứng Sơ thiền là mình chỉ còn biết đất, nước, lửa, gió thôi, cho nên mình nhìn người ta quần là áo lụa mình nản, là thấy nhức đầu rồi. Đừng nói thiền, nội mình sống đơn giản mà nhìn người mặc rắc rối mình có chóng mặt không? Như đàn ông đi ra đường thì nó mang đôi vớ, xỏ đôi giày, mang áo jacket là xong. Còn các bà thì "Chờ con chút sư..." bặm bặm (môi son). Rồi giờ đôi giày này không được, phải kiến đôi nào đi với jacket tím mới được, mắt kiếng thì Gucci không được Prada đi... nó làm rối cả buổi mới ra khỏi nhà được. Mà mấy người giản dị họ nhìn họ nản lắm. Như đi đâu kêu mấy ông thầy đi nhanh vì mấy ổng không có khỉ gì hết. Mấy ổng trời lạnh chỉ quất jacket với đôi giày thôi. Còn mấy ông cư sĩ thì chậm chút đỉnh. Lên tới mấy cô thì càng rối, càng mất thời giờ. Hiểu không? Càng lên cao càng đơn giản dần. Càng đơn giản thì họ bắt đầu nhìn đâu cũng thấy nản hết.

Càng lên cao, càng đơn giản dần. Khi càng đơn giản, họ càng nản cái rối.

↑ trở lên

Định – Tuệ

Giờ mình mới hiểu. Khi lòng mình như con dòi mình nghe A La Hán không hề thích cái gì, mình không tin. Mình phải đơn giản từ từ mình mới thấy. Thí dụ, có một chuyện các vị để ý nè. Nhà cửa Âu Mỹ khác châu Á chỗ nào? Ở đây ai từng ở Mỹ thì biết, mấy cái cơ sở ở Mỹ nhìn ngoài vuông vuông xấu hoắc nhưng vô trong rất là tiện nghi. Còn người mình, có ai đi qua Beijing hoặc Shanghai thì thấy: Trời ơi, café, siêu thị của họ nhìn thấy ghê lắm, nó rối từ trong ra ngoài. Chứ còn Âu Mỹ nó rất đơn giản. Để chi vậy? Để nó nhường chỗ cho những tiện nghi và an toàn. Còn người Châu Á mình nó rối mà vụ tiện nghi anh còn thiếu. Đúng không? Thử làm so sánh đi. Anh càng đơn giản anh mới có chỗ trống và tiền bạc cho tiện nghi và an toàn, chứ còn anh tập trung trang trí nhiều quá thì tiện nghi an toàn anh giảm đi.

Nội tâm mình cũng vậy. Khi mình có quá nhiều bận tâm thì mình không có tập chú vào mấy cái quan trọng.

Cho nên hồi sáng tôi giảng về thiền, giảng về Định, chiều nay tôi giảng về Tuệ. Tuệ là sao?

Ông tu thiền Định ổng chỉ tập trung tư tưởng vào 10 cái này. Còn ông tu thiền Tuệ là Tỉnh thức quan sát.

Định = Tập trung tư tưởng.
Tuệ = Tỉnh thức quan sát.

Một cái tĩnh, một cái động. Phải không? Một cái là tập trung tư tưởng, một cái là tỉnh thức quan sát. Quan sát cái gì? Quan sát xuyên qua lỗ hở, xuyên qua 6 lỗ hở: Mắt, tai, mũi, lưỡi,… ( 6 căn), là sao? Tôi đang theo dõi hơi thở, lúc đó tôi chỉ nhìn qua lỗ hở hơi thở thôi, chợt lúc đó tâm tham xuất hiện. Tôi biết rằng: tâm tham vừa có mặt. Rồi tâm sân vừa có mặt. Rồi xong. Lúc tôi đang ngồi, tôi nghe “đùng” một cái, thì tôi đang theo dõi hơi thở, lúc đó tôi chỉ ghi nhận: Nghe biết là nghe. Tức là tôi chỉ quan sát cái gì nổi bật.

Làm ơn nhớ: Quan sát cái gì nổi bật.

Cho nên, hôm nay các vị nói với tôi là các vị tu Thân quán, Thọ quán, … chứ thật ra chỉ có vị thánh tha tâm thông mới biết các vị đắc bằng cái gì thôi. Mình cũng không biết mình sẽ đắc với cái gì. Thí dụ, ông này ổng nói ổng hợp với Thân quán niệm xứ, nhưng mà có một lúc ổng đắc đạo bằng Thọ quán niệm xứ. Thân quán là ổng theo dõi hơi thở, theo dõi oai nghi đi đứng nằm ngồi,… nhưng có một ngày kia, trong lúc ổng đang theo dõi như vậy, ông nghe cơn đau nhói lên, ổng biết đây là khổ thọ, khổ thọ là Khổ đế. Nghe kịp không? Ổng biết ý muốn thoát khỏi cơn đau là Tập đế, ổng chứng thánh ngay chỗ đó. Nghĩa là ổng chứng thánh bằng Thọ quán niệm xứ. Mà đó giờ ổng tu Thân quán.

Cho nên, thiền định là tập trung tư tưởng vào một trong các đề mục. Còn thiền quán là tỉnh thức quan sát tất cả những gì diễn ra trên thân tâm của mình.

↑ trở lên

Hiện tượng & Bản chất

Hồi sáng tôi nói 10 đề mục đó là gồm 4 cái vỏ và 4 cái ruột của vũ trụ và 2 cái đính kèm. Nói vậy chưa đủ, phải thêm nữa. Trước đây mình chìm sâu trong 6 cảnh Dục. Có lúc tôi nói 5 Dục, có lúc tôi nói 6 Dục. Có nghĩa là 5 Dục hiện tại cộng với Dục ngoài hiện tại thành 6 Dục. Là sao? Tôi đang ăn bánh xèo là cảnh dục hiện tại. Nhưng ngày mai tôi nhớ lại cảnh ăn bánh xèo hôm nay thì đó là cảnh Dục, nhưng lúc bấy giờ nó thành ra cảnh Pháp rồi. Như vậy tổng cộng là 6 dục đúng không? Dục qua Mắt, dục qua Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, là 5. Giờ thêm dục qua Ý nữa là 6. Sáu Dục đúng không?
Như vậy: 5 Dục hiện tại + 5 dục ngoài hiện tại = 6 Dục. Cho nên, có lúc nghe 5, lúc nghe 6 là vậy.

Ở trong đề mục thiền chỉ, mình chú ý đến cái gì? 4 cái vỏ và 4 cái ruột của vũ trụ. Và trong mỗi đề mục đất nước lửa gió đó, thông qua mỗi đề mục đó, mình mới có dịp nhận rõ bản chất phù phiếm của 5 dục. Nghe kịp không? Mặc dù lúc bấy giờ chỉ tập trung tư tưởng thôi, nhưng mình xé thành phần đó ra.

Tôi ví dụ, trước đây mình có nước chanh, nước cam, nước mía, nước rau má,… giờ mình chỉ còn nhập chú vô protein, protein, acid, acid, glucose, thôi. Mình chỉ tập trung vô một thứ đó thôi. Tập trung vô bản chất, essence của nó chứ không tập trung hiện tượng. Trước đây hưởng dục còn để ý "nước này nước kia", giờ chỉ tập trung "bản thể" nó thôi.

Cái hay của mấy đề mục là chỗ đó. Tức là đi vào sâu trong tục đế. Nhưng có điều, nếu không có giáo lý, không có Phật pháp thì mình chỉ biết rằng mình vào sâu mà mình không biết mình đang đi vào sâu. Mà tự nhiên do khuynh hướng ly dục mà mình vào sâu thôi. Cũng giống như, một người không biết chữ, sau khi đi vào một khu vườn hái hoa hái trái cho đã, họ mới đi vào trong cái hang khu vườn đó. Trong lúc họ đi tại sao họ lại vào cái hang đó? Chỉ vì lý do đơn giản là không còn gì để ngắm nữa nên họ vào cái hang đó. Mà họ không biết gì về cái hang đó. Trong khi một ông tiến sĩ khảo cổ, ổng đi vào cái vườn ổng ngắm hoa cho đã xong, ổng thấy cái hang đó, ổng biết đây là di tích khảo cổ. Nghe kịp không? Hai cái khác nhau phải không? Ông này ông đi trong sự hiểu biết, còn ông kia đi trong sự không hiểu biết.

Ở đây cũng vậy. Người không học giáo lý, khi họ đắc thiền, họ đào sâu vào cảnh giới tục đế nhưng họ không biết nó là Tục đế, họ tưởng nó là cái cao nhất của thế giới, cho nên họ đắc Sơ thiền họ thấy Sơ thiền là số 1. Họ đắc Nhị thiền họ thấy Nhị thiền là số 1, đắc Tứ thiền - Tứ thiền là số 1, đắc Thức vô biên - Thức vô biên là số 1, Phi tưởng Phi phi tưởng thấy Phi tưởng phi phi tưởng là số 1.

Trong kinh nói ông A-tư-đà, nếu ổng là vị Bồ Tát hoặc nếu ổng là người có học giáo lý, cơ hội ổng gặp đức Phật rất lớn. Có nghĩa là khi ổng đắc thiền như vậy, ổng vẫn có cách để ổng bỏ tầng thiền đó, để ổng không sanh về cõi Vô Sắc. Đằng này, lúc thái tử chào đời được 7 hôm, lúc ổng xin gặp, vua Tịnh Phạn cho người bồng ra. Lúc ổng gặp thái tử ổng biết liền, ổng quỳ sụp xuống thì thái tử để chân lên đầu ổng. Rồi ổng khóc, rồi ổng cười, nước mắt chưa ráo là ổng vừa lau nước mắt vừa cười. Vua Tịnh Phạn hỏi : "Vì sao sư phụ vừa khóc, vừa cười?" Ổng là sư phụ của vua Tịnh Phạn mà. Ổng nói: "Ta cười là vì một đức Phật vừa ra đời, thời gian, ngắn nữa hành tinh này sẽ có một vị Chánh Đẳng Giác, đó là ta cười. Nhưng ta khóc vì tuổi thọ của ta quá ngắn, ta còn 7 ngày nữa thôi, ta không có duyên để gặp Ngài và ta sẽ sanh về cảnh giới không có hình tướng, làm sao ta gặp được."

Đó là trên mặt nổi của Kinh, nhưng ở mặt chìm là ổng không có khả năng bỏ cái ổng cho là số 1. Hiểu không?

↑ trở lên

Chúng sinh

Quay trở lại, chữ “chúng sinh” trong tiếng Pāli là Satta. Chữ Satta nhiều nghĩa lắm:
1. Sa + atta
2. Satta: √saj = dính.

Trong vũ trụ này không có thứ gì mà đụng đâu dính đó ngoài ra chúng sanh. Có hiểu tôi nói không? Một là nó dính bằng tâm tham, hai là nó dính bằng tâm sân. Có đúng vậy không? Đừng nói với tui là "keo dính". No. Cái tâm mình dính mới dữ dội. Có những thứ keo không dính, đúng không? Nhưng cái tâm mình có cái gì nó không dính được không? Nó muốn dính là nó dính. Một sợi tóc nó cũng dính được, nó còn suy diễn ra một mái tóc mới ghê. Có hiểu không? Rồi một hạt cát mình cũng dính được, trường hợp dính một con vi trùng mình cũng dính được. Đụng đâu dính đó, nó dính được cả những thứ mà keo dán sắt quỳ lạy luôn. Keo dán sắt dán gì không dính đúng không? Các vị có biết ngành hàng hải nó có những thứ keo dán dưới nước, ở đây có ai biết cái đó không? Xuống dưới nước nó dán cái bẹp, người nhái lặn xuống, dán cái bẹp. Nhưng những thứ keo ghê gớm đó vẫn không bằng tâm của mình. Tâm mình đụng đâu dính đó.

Trong kinh nói thế này. Ngài dạy, giống như có một cái chuồng, nhốt mấy con sau đây: Chim, cá, rắn rít, chồn cáo. Này các tỳ-kheo khi cửa chuồng mở ra thì con cá muốn nhảy xuống nước, nó tìm về nước; chim thì bay, chồn cáo rắn rít thì tìm về lùm bụi và hang hốc.

Cũng vậy, 6 căn của mình luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng. Đúng không? Mình ngồi vậy chứ lỗ tai mình luôn luôn sẵn sàng nghe, mình ngồi vậy chứ lỗ mũi mình sẵn sàng nghe mùi. Nó biết mùi chiên khô, kho mắm, lẩu, cà ri, bánh xèo nó nghe hết. Luôn luôn nó trong tình trạng chầu chực để nghe mùi, đúng không ta? Luôn luôn.

Cho nên, hễ mình đắc được tầng thiền nào là mình bèn dính vô trong đó, mà không đắc thiền, mình mang thân phận con này con kia thì mình dính vào cảnh giới mình đang có mặt. Mình bịnh, mình già, mình nghèo, mình xấu thì mình vẫn có cái mình dính trong đó. Nhớ chuyện bữa hổm cha gánh nước mấy năm để dành mấy đồng vàng cưới vợ nhớ không? Ông vua nói nếu trẫm chia một nửa đất nước cho khanh thì khanh sẽ chọn bên nào, bên giáp rừng hay giáp biển? Ảnh nói, bên giáp rừng vì ảnh lỡ chôn 2 đồng vàng bển. Cái đó có thiệt, chớ không phải không có.

Hoặc là có nhiều khi, hai đứa đó, tại sao mình lấy con Cúc mà không lấy con Lan vì con Lan nó phảng phất giống mẹ hoặc phảng phất giống người yêu cũ của mình. Nó phải có cái gì kiếm chỗ mình ghi. Chứ con Cúc con Lan hai đứa tương đương nhau mà. Hoặc trong hai đứa, đứa nào thích đi thể thao thì mình thích nó tại mình cũng thích thể thao. Còn mình không thích thể thao thì mình lựa đứa không thích thể thao. Mình thích đọc sách thì mình lựa đứa thích đọc sách. Thường thường như vậy. Luôn luôn lựa đứa mà nó có điểm gì đó : (1) Nó lấp đầy chỗ trống mình không có (2) cùng một phía với mình. Tình cảm nam nữ nó có 2 trường hợp phải không? (1) mình thương cái nó có thể bù trừ cho mình (2) Mình thương là vì nó với mình cùng đứng về một phía. Cho nên, đụng đâu dính đó là như vậy đó.

Mình có thể thương một người xấu, thương một người già, thương một người bịnh, thương một người nghèo, thương một người dốt, hoàn toàn có thể xảy ra, vì sao? Vì mình luôn luôn tìm một chỗ để mình có thể dính vào. Đó là đang nói về thiền Định.

↑ trở lên

Thiền Quán

Giờ nói về thiền Quán.

Thiền Quán khuynh hướng là tỉnh thức và buông bỏ.

Nội mình nghe pháp môn là mình thấy có cái mùi rồi. Định là gì? Tập trung, tập trung tư tưởng. Có nghĩa là nó hay hơn anh hưởng dục là anh hưởng dục thích tùm lum. Còn cha định tập trung tư tưởng thì chỉ biết có một cái đó thôi, nhưng chả lại dính trong đó.

Riêng cha tuệ Quán lại khác. Có 2 đặc điểm của Tuệ quán:

  1. Tỉnh thức = Biết rõ cái gì đang xảy ra, đang diễn ra, biết rõ mình đang như thế nào; Thân đang như thế nào, Tâm đang như thế nào.
  2. Buông bỏ = Khi mình nhận diện được nó thì mình không tìm ra lý do nào để dính trong đó. Nghe kịp không?

Bữa hổm tôi nhớ tôi có xài chữ transparency trong lớp, có nhớ không? Thế giới này sẽ khác đi nếu cái gì cũng transparency. Có nghĩa là cái gì cũng được bạch hóa. Như tôi nói rất nhiều lần: Có rất nhiều thứ giữa ánh sáng và sự quan sát của nhiều người nó không có được. Có không? Có chuyện gì mà giữa ánh sáng chói chang và sự quan sát của nhiều người mình không làm được. Có rất nhiều chuyện nó chỉ diễn ra trong góc tối. Thí dụ như: Chuột, bọ, rắn, rít, bụi bặm, nó chỉ xuất hiện chỗ nào là góc khuất của ngôi nhà thôi. Chỗ mình thường đi ra đi vào, ánh sáng chói chang, bà con đi lui đi tới thì làm sao có rắn rít, chuột, gián được.

Chúng sanh gồm có mấy cấp?
1. Hưởng Dục.
2. Ly dục = Vẫn còn kẹt, vì còn nhiều góc khuất.
3. Cầu giải thoát = Người tu tập Tuệ quán luôn luôn tỉnh thức và buông bỏ.

Tỉnh thức là biết rõ cái gì đang xảy ra, đang diễn ra, nghĩa là nó đang bạch hóa bản thân. Chính cái bạch hóa này tự thân nó là sự tỉnh thức thì tự thân nó là sự buông bỏ. Hiểu hả?

Tôi nói thẳng luôn: Tại sao tuổi học trò, chúng ta thích lấy hoa khô ép trong vở? Tại sao thích viết lưu bút? Bởi vì mình thấy nó hay. Chứ mình có chồng, 5 con chắc chuyện đó làm không nổi. Có đúng không? Giờ mà yêu nỗi gì, nó ngán muốn chết luôn. Hồi xưa khờ khờ mình còn tin tưởng tình yêu. Giờ, đối với tôi, tình yêu là tai nạn, là accident. Tại do tiền nghiệp gì đó mình khoái người nào đó thôi, chứ chúng ta hoàn toàn không có lý do gì thương người khác. Vì sao? Vì ngay cái cục này mình lo đã không xuể rồi. Mình mới vừa đi khám bác sĩ định kỳ xong xuôi, tháng sau nó bị ung thư. Có không? Khả năng đó có. Trong khi đó, phải lo thêm một người khác. Thì lo không xuể. Như vậy rõ ràng chuyện hôm nay chúng ta phải bận tâm vì người nào thì đó là một thứ tai nạn.

Nội dung thiền Quán là gì? Tỉnh thức và buông bỏ. Ở đâu có tỉnh thức, ở đó có buông bỏ, vì hiểu quá rõ nó.

Như tôi nói rất nhiều lần: Mình thử coi trên người mình chỗ nào đẹp nhất, mình phóng to ra 1000 lần thì mình hôn không nổi! Có biết cái đó không? Mình phóng to lên. Thí dụ như mái tóc huyền mà nó mới vừa xức dầu thơm, mình phóng to từng sợi tóc lên nó giống như ống nước bị lủng vậy, nó lỗ lỗ, nó rỉ dầu ra. Đó là sự thật. Tóc mình là một cái ống, nó như ống dầu bị rò mà giờ quất cho mày một núi ống vậy, mình quỳ sụp mình hôn không nổi. Mà nhờ mình không thấy.

Và, có nhiều chuyện các vị không có ngờ. Cái mặt của mình nó sần sùi hơn mặt trăng các vị có biết cái đó không? Một chuyện nữa, trái cam sành nó không phẳng bằng mặt địa cầu, các vị có biết chuyện đó không? Đây không ai biết chuyện đó. Trái cam sành thấy vậy chứ nó phẳng trong khi trái đất này có núi tùm lum nhưng tính trên chu vi thì nó phẳng, đó là chuyện mình không có ngờ.

Thí dụ, trong cơ thể mình bộ phận nào mạnh nhất, các vị có biết không? Cái lưỡi. Bộ phận bung bật, mạnh nhất là cái lưỡi. Cho nên, khi mình mù mịt, mơ hồ về thế giới này thì mình còn rất nhiều vướng kẹt với nó. Nhưng mà khi mình hiểu tách bạch nó ra thì không còn gì.

Cho nên, Tuệ quán là gì? Tuệ Quán chính là Tỉnh giác và buông bỏ.

Ở đời sống hưởng Dục, đụng đâu dính đó, đụng đâu dính đó. Đúng.

Chúng sanh sống bằng Dục là một, chúng sanh sống bằng Định là 2, chúng sanh sống bằng Tuệ là 3.

↑ trở lên

Cơ hội đắc đạo

Tu tập Tuệ quán là quan sát Danh – Sắc, tức những thiện, ác, buồn, vui đang diễn ra ở bản thân. Khi hiểu bản thân chỉ là chừng ấy thành tố thì ta cũng đồng thời hiểu rằng những chúng sanh mình nhìn thấy thảy đều không khác. Đó chính là tu Niệm xứ trên nội thân và ngoại thân.

Hành giả:
Nhìn vào quả lành để không tham,
Nhìn vào quả xấu để không sân.
Nhìn vào nhân xấu để nó không còn nữa. Và
Nhìn vào nhân thiện để nó được nâng cấp.

Nhìn về Quả có 2: Quả lành & quả xấu. Nhìn nó đang diễn ra.
* Nhìn vào lành = Đang giàu, đang đẹp, đang sướng,…
* Nhìn vào quả khổ = Nghèo, xấu, bệnh, bực bội, đau đớn,…
Nhìn về Nhân, có 2:
* Nhìn vào nhân thiện để nó được nâng cấp.
* Nhìn vào nhân xấu để nó không còn nữa. Tại sao? Nghĩa là, trong cùng lúc, không thể có 2 tâm. Chính tâm nhìn sẽ thế chỗ cho tâm bị nhìn. Hiểu hả? Khi ta biết đó là tâm ác thì tâm biết đó là tâm thiện. Đúng không? Nhưng khi ta biết đây là tâm thiện, thì 2 thứ đó cùng thứ => nâng cấp.

Nhưng không bao giờ có chuyện tâm ác nhìn tâm thiện. Nó không có khả năng đó. Khi nó biết là tâm thiện - ác, bắt buộc đó là tâm thiện. Nhớ cái đó, đặc biệt cái đó.

Cho nên khi ta học được chỗ này ta mới thấy ra, thật ra tu, cơ hội đắc đạo nó có trong mọi lúc. Là sao?
* Khi đang đau đớn cũng có thể đắc đạo, miễn là ta nhìn ra được “Đây là cơn đau đang có mặt”, khi đang sung sướng ta cũng có thể coi đó là thời đắc đạo, đó là Quả.
* Qua tới nhân, ta nhìn thấy Vô thường của tâm thiện cũng đắc đạo, mà ta nhìn thấy sự vô thường của tâm Bất thiện cũng có thể đắc đạo.

Cơ hội đắc đạo của Tứ Niệm xứ là trong mọi nơi, mọi lúc. Lúc nhìn vào nhân xấu, quả xấu, nhân lành, quả lành đều là cơ hội để mình đắc đạo. Trong kinh nói, có những vị họ đắc đạo trong cơn bịnh trầm kha, cận tử. Có vị đắc đạo trong lúc bị cọp nó tha.

Có vị đắc đạo trong lúc bị gãy chân. Tôi sợ chuyện đó nhứt đó, ghê hơn chuyện cọp ăn nữa. Chuyện là có ông triệu phú đó ông đi tu. Trước khi đi tu ông giao hết gia tài lại cho người em. Cô em dâu mới bàn với ông chồng: "Gia tài này mình ăn một đời đâu có hết, mà lỡ ông anh bữa nào ổng hứng hứng ổng về là ổng lấy lại. Tùy anh. Một là ổng, hai là em anh chọn ai." Dĩ nhiên, đàn ông mà, chả chọn bả. Chả mới thuê người vào khu rừng giết ông anh. Lúc đó ông anh đang tu, đang là tỳ-kheo.

Ông anh ông đang ngồi thiền, ổng thấy nguyên đám, ổng hỏi: Có chuyện gì? Ổng đâu biết gì đâu.Ổng thấy thằng nào thằng nấy xăm mình tùm lum hết, hỏi: Chuyện gì, có chuyện gì kiếm tui? Họ nói thiệt:
– Bữa nay giây phút cuối của ông tôi nói luôn, có người thuê tôi giết ông.
Ổng hỏi: – Hết cách rồi hả? Có cách nào khác không?
– Không, chỉ có cách ông chết thôi.
Thì ổng mới nói thiệt: – Tôi mới xuất gia, chưa tu được bao nhiêu, thôi cho tui xin 1 tuần được không?
– Không, một tuần lâu quá;
– Thôi,cho 3 bữa được không?
– Ba bữa cũng lâu quá. Tụi tui còn phải đi về nữa cho ông ba ngày tụi tui ở đâu? Ở đây với ông thì hơi nản.
– Vậy, cho một đêm được không?
Tụi nó bàn bạc với nhau cho đêm thì được, chứ giờ trời tối tụi nó ra ngoài cũng hơi khó. Nhưng mà không được, đêm tối thui lỡ ông trốn sao, đứa bàn trói, đứa tính tùm lum. Ổng nói:
– Thôi được rồi, muốn chắc ăn nhất, khỏi trói, lấy đá đập bể ống chân tôi đi.
Thì trong kinh nói, do nghiệp của ổng mới khiến ổng đề nghị vậy chứ tụi nó tính trói. Do cái nghiệp nó giục ông nói ra câu đó. Tụi nó nói coi bộ chắc ăn, khỏi trói, trói nhiều khi ổng còn lén ổng tháo được, hoặc có ai giải cứu, còn đằng này bể ống chân sao cứu. Thế là, nó lấy đồ đập bể ống chân ổng. Suốt đêm đó, đâu có thuốc giảm đau, mà ống chân bị bể. Quý vị có biết nó đau cỡ nào không? Mình mà nát ngón tay là mình khó ngủ rồi, còn đằng này bể ống chân. Suốt đêm, ngài cứ nhìn cơn đau đó mà ngài tu Tuệ Quán, rạng sáng ngài chứng La Hán.

Còn một vị nữa, đi kinh hành trong đêm, đi tới đi lui, walking meditation. Đi hồi nó mỏi quá đi, trong kinh nói cũng do cái nghiệp nó giục cho vị này có suy nghĩ thế này. Thay vì ta mỏi, thì ta nghỉ, ổng không chịu nghỉ, ổng bị ám ảnh câu “cơ hội đắc đạo không biết lúc nào” cho nên đi ngủ là bỏ mất cơ hội đó. Quý vị đừng ngạc nhiên là trên đời có những người suy nghĩ như vậy. Vì trong kinh nói, người sắp làm giàu đối với chuyện làm ăn họ sôi sục dữ lắm, thì người sắp đắc đạo họ cũng sôi sục. Ngay cả người bị sắp bị nạn họ cũng sôi sục để cái nạn đó nó xảy ra. Hiểu không? Nghiệp nó sắp trổ nó tác động cho suy nghĩ của mình, nó phải như thế nào đó để nó dọn chỗ cho cái kia xảy ra.

Thì vị này đang đi kinh hành nghe mệt quá, nghĩ trong bụng “Đi biết là đi cũng là thiền, ngồi biết là ngồi cũng là thiền. Thôi giờ mình bò đi, mình bò cũng là thiền” nghĩ vậy đó, thế là ổng bò. Nghĩ vậy mới ghê. Thì có cha thợ săn giữa đêm, rình thấy con gì bò bò thì nó chứ ai. Nên “bụp” một phát. Ổng đắc đạo với vết thương đó, với mũi tên ghim phân nửa đó. Nó giục, nó khiến cho tự nhiên nghĩ vậy.

Có nhiều vị đắc đạo bằng những cơn đau, nhưng có những vị họ đắc đạo bằng sự sung sướng. Thí dụ như có một vị tỳ-kheo trong hang, bên ngoài là khu rừng, buổi chiều cơn mưa lớn ập đến, ngài ở trong hang, ngài ngồi thiền mưa xong, ngài nghe mưa tạnh ngài bước ra ngoài, ngài vươn vai hít thở, ngài nhìn thấy từng lá rừng được rửa sạch, và nó mơn mởn, gió mát, mùi rừng, mùi hoa rừng, ngài mới suy nghĩ “Rừng được như vậy, tại sao tâm ta không được như vậy? Bởi vì tâm ta còn phiền não!” Ngài nghĩ vậy rồi ngài phát triển Tuệ quán chứng La Hán. Chứng La Hán trong một buổi chiều rất là đẹp, rất là mát, rất là sạch.

Còn có vị đắc đạo như nãy giờ các vị thấy không? Đắc thấy gớm ghê, máu me tùm lum hết. Do kiểu tu của mình. Mà ở đâu nó ra kiểu tu khác nhau? Do 14 và 25. Chính cái đó nó mới giục cho mình có kiểu tu rất là ngộ. Mà trong đời tu của tôi, tôi làm thầy chùa thấy có nhiều kiểu tu lạ lắm. Cũng là tu sĩ mà mỗi vị có kiểu tu, có vị chuyên tụng niệm, có vị chuyên thiền định, có vị chuyên nghiên cứu sách vở, có vị chuyên phục vụ, đi xuất gia bao nhiêu năm chỉ thích nấu bếp thôi. Còn có vị thích làm việc chùa, việc nặng, cái gì leo trèo, sơn phết, cạy gỡ, đục đẽo là vị đó tổng đại lý hết. Ngộ lắm. Chính cái thích đó nó mới dẫn đến chuyện mai này chứng đạo mình chứng kiểu gì.

Và trong cái bất thiện cũng vậy: Có người thích săn bắn, có người thích câu cá, có người thích đá gà, có người thích đá dế, đá cá lia thia,.. tùy kiểu ác mỗi người. Mà tôi thấy trong Phật tử mình cũng có kiểu thiện, kiểu ác khác nhau. Có người thì mình thấy họ chậm chậm nhưng họ sống rất là tâm lý. Trong hội chúng thế này. Trong lớp học thế này, họ để ý ai già, ai bệnh, tối họ rảo vòng kiếm mấy người đó họ chăm sóc, tôi có thấy. Bình thường ban ngày mình thấy họ cũng giống mình, nhưng mà gặp chuyện mới biết. Hoặc là đi rừng hôm qua họ hay kiếm mấy người già người bịnh họ dòm, ngộ lắm. Còn có người như ngày hôm qua lo tung tăng cho sướng thân thì thôi. Ngày hôm qua tôi không giúp ai vì tôi muốn nhường cái phước đó cho quý vị.
Hiểu không?

Rồi có người vô chùa không thích phục vụ mà thích chuyện khác. Đi đâu cũng vậy, len lén, rượt theo ông sư, hỏi đạo. Đi theo để hỏi vì nó nặng về cái này (đầu). Còn tên kia đi giống mấy bà già, còn tên kia tự nguyện vác đồ, làm ngựa thồ. Nó không giúp riêng ai hết nhưng nó sẵn sàng đưa lưng trâu ra giúp vác đồ cho đại chúng. Tôi có biết nhiều chuyện lắm.

Tôi không đi Ấn Độ mà tôi nghe nhiều người kể, có rất nhiều người Phật tử đi Ấn Độ, đi hành hương toàn làm ngựa thồ, biết không? Đi chuyên môn vác đồ cho Phật tử hành hương. Ngày xưa tôi ở Đà Nẵng, có cậu Phật tử đó mỗi lần đi biển Nam Ô, Xuân Thiều, tết bao nhiêu giày của Phật tử là nó đeo nguyên cái xâu vậy nè, để cho các cô thoải mái xong tới lúc về phố, lên xe nó ngừng lại tháo xâu chuỗi của nó ra bắt đầu nó phát “dép của ai, giày của ai”, mà đi chơi nó đeo nguyên xâu chuỗi y như Sa Tăng đi thỉnh kinh vậy đó, ngộ lắm. Mỗi người có cái hạnh.

Kiểu tu đó nó dẫn đến mai này khi chứng đạo mỗi người đắc một kiểu, mỗi người chứng một kiểu.

Như ngài Anuruddha, đệ nhất thiên nhãn, ngài sướng lắm, ngài là hoàng tử ngài bỏ hết ngài đi tu. Trong kinh nói, cả đời của ngài không bao giờ ngài biết chữ “không có”. Ngài ở trong nhà hỏi “Mẹ ơi có xoài chín không?”. Mùa đó không có xoài, nhưng chư Thiên họ cũng phải đem ở đâu về cho ngài. Bà mẹ nói “Không có con, mùa này làm gì có xoài?” Nhưng lát sau thấy trên bàn có một dĩa xoài. Phước như vậy đó.

Tới lúc ngài đi xuất gia cũng vậy. Xuất gia đắc A La Hán thì ngài đâu còn đòi hỏi nữa. Nhưng mà khi tự ngài trong thân thể ngài có nhu cầu gì đó là chư thiên đem đến cho ngài. Ngài không có muốn, nhưng tự nó có. Thí dụ, trong phòng ngài gió vô nhiều quá, cần cái gì khuất gió thì tự động giục khiến Phật tử họ đi ngang họ thấy thiếu cái rèm họ về họ mua họ gắn. Và ngài còn sướng hơn vậy nữa. Lúc ngài ở trên cõi trời, ngài có rất là nhiều tiên nữ, ngài đột ngột xuống đây để đi xuất gia, họ vẫn xem ngài là ông chủ. Cho nên, khi ngài xuống đây, ngài xuất gia, đắc A La Hán, ngài đi bát là ở nhà mấy bả dọn dẹp sạch sẽ hết. Có lần, ngài biết được chuyện đó, ngài nói “Đủ rồi, cảm ơn tấm lòng của mấy cô, từ nay về sau đừng lui tới đây nữa” Dễ sợ như vậy. Đặc biệt như vậy. Tức là, xuất gia, đắc A La Hán rồi vẫn có phước kinh khủng như vậy đó.

Trong khi đó có biết bao nhiêu vị tỳ-kheo trước sau cũng chứng La Hán mà trước khi chứng đói không có ăn, bệnh không có thuốc, mưa gió bão bùng không có mái che. Có. Nhiều lắm. Rất nhiều vị trước khi chứng La Hán bầm dập như vậy đó. Có vị 12 năm trời sống trong rừng mà chỗ vị đó vừa ý thì vị đó không ở, vị đó cố ý ở chỗ nào nó lam sơn chướng khí để thử thách mình, là mình thấy hơi đặc biệt, do suy nghĩ vị đó thôi.

Có vị thì lại đi tìm đến những chỗ thuận tiện đi bát đặng ông đi qua bà đi lại lỡ bệnh người ta biết. Còn có vị họ khoái đi vô càng sâu, càng cheo leo, càng nguy hiểm họ mới thấy đó là tu. Tu ở chỗ mà không thể có lòng mong đợi ai đến được thì mới chọn chỗ đó. Hiểu không? Vị này suốt 12 năm, ban đêm buồn ngủ ra suối, lấy cỏ khô, nhúng nước, đội lên đầu, một nửa ngâm dưới nước, một nửa lấy cỏ khô nhúng nước để trên đầu. 12 năm như vậy, cuối cùng chứng La Hán. Thì các vị thấy có nhiều vị họ có suy nghĩ rất là kỳ. Dĩ nhiên, tôi cũng thấy tán thán, đáng khen, đáng đảnh lễ nhưng thấy kiểu tu đó oải quá.

↑ trở lên

Lâu - Mau, Khó - Dễ

Tu có 3 bước: Giới – Định – Tuệ. Người thiếu phước duyên, Giới – Định – Tuệ phải trải dài trên một quãng đường. Riêng bậc đại duyên, đại trí, đại hạnh, cả 3 cái này chỉ diễn ra trong tích tắc. Có một trường hợp ngoại lệ là do bản nguyện quá lớn, nên hành trình ấy phải diễn ra trong một thời gian dài nhưng không hề khó nhọc. Chỉ trừ trường hợp do đương sự có bản thệ quá lớn. (Bản thệ là lời nguyện). Nên hành trình ấy diễn ra trong thời gian dài, nhưng không hề khó nhọc. Chỉ trừ trường hợp đó thôi. Còn nếu bà con không hiểu thì tôi giải thích.

Tôi dùng ví dụ này chắc các vị hiểu. Các vị biết Tây ba-lô phải không? Tây ba lô là đối tượng đi đâu cũng nhanh, gọn, lẹ hết, muốn là tới. Nhưng trên đời này có 2 hạng người luôn luôn đi đứng mất thời gian. Là ai? Một là người có quá nhiều điều kiện, và người thiếu điều kiện.

Người thiếu điều kiện đi đứng chậm chạp thì dễ hiểu rồi. phải không? Còn người có quá nhiều điều kiện đi đứng chập chạm là tại sao vậy? Phải chuẩn bị, vệ sĩ, rồi cái gì xe đưa đón, trực thăng, tùm lum hết rồi mới tới nơi được. Thiếu vệ sĩ đâu dám đi. Rồi chỗ đó, quãng đường đó phải có xe đưa vô, chưa tìm được tài xế đâu có đi được, phải chờ. Rồi cầu, đò tùm lum hết. Ông nội đó đi cũng chậm. Còn ông nội thứ hai là thiếu điều kiện quá nặng, đi cũng chậm. Chỉ có ông nằm giữa 2 cái này nè, ông không đến nỗi thiếu mà cũng không đến nỗi quá dư thì thằng cha này đi mới lẹ được. Nhớ nha.

Cho nên, đắc đạo cũng có 3 trường hợp:
1. Do thiếu phước duyên mà phải đi rất khó, rất chậm.
2. Rất nhanh rất dễ.
3. Cũng chậm nhưng không phải do thiếu phước mà do bản thệ quá lớn.

Thí dụ, như Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni, hay là ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên là mấy vị đó không có đắc cái rẹt, mặc dù ngài Xá Lợi Phất đắc Sơ Quả rất nhanh, nhưng mà để chứng La Hán ngài phải mất một tháng. Vì trong kinh nói, giống như một ông vua, ổng băng sông không giống như mình, mình ôm cây chuối là mình lội qua rồi, nhưng vua đâu có như vậy, vua là phải có thuyền rồng, rồi phải có thái giám, rồi phải có cung nữ, có vệ sĩ tè le, ngự lâm quân, chưa kể phải có thái y, bác sĩ Kiên đi chung chứ lỡ giữa sông ổng bị chóng mặt, ai cứu. Còn như mình mình cứ ôm bè chuối là dzọt qua mất rồi.

Cho nên, ở đây người chứng đạo có 3 trường hợp: Một, đi chậm vì thiếu điều kiện. Hai, đi chậm vì bản thệ quá lớn. Ba, nhanh chóng dễ dàng. Và cả 3 trường hợp đều do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, nó dẫn đến kiểu tu mà bây giờ mình mới ra sự tình như vậy đó. Nhớ cái đó, cái đó quan trọng.

Tu tập Tuệ quán là gì?

Tu tập tuệ quán là nhìn rõ cái gì đang diễn ra. Cái này chắc tôi phải nói rõ.

Nên nhớ, Tứ niệm xứ là con đường duy nhất để dẫn đến giác ngộ, cho dầu đó là Phật Tổ Như Lai hay là một vị cư sĩ dốt giáo lý. Hễ chứng đạo thì thông qua con đường Tứ niệm xứ. Tuy nhiên, Tứ niệm xứ ở hai trường hợp khác nhau. Ở Đức Như Lai khi Ngài chứng đạo, Ngài chứng tầng thiền cao nhất, ra khỏi đó, nhìn lại nó rồi quán 12 Duyên khởi Ngài chứng. Hiểu không?

Còn cái hạng thánh nhân ít phước là phải như hồi nãy tôi nói vậy đó. Phải trầy trật, phải giữ giới cho tâm nó tịnh, tu định cho tâm tập trung, dành thời gian tu tuệ, rồi từ từ có niệm, có tỉnh thức, buông bỏ từ từ. Còn mấy bậc đại trí họ làm cái rẹt. Nhất là kiểu đắc của Bồ Tát rất là sang. Ngài chứng hết tất cả các tầng thiền, ra thiền, nhìn lại nó và quán chiếu: Ở đâu có cái này, ở đâu có mấy cái mình vừa ra vừa vô này? Đó là do Sanh mà có, Sanh ở đâu có? Do nghiệp hữu. Nghiệp hữu do đâu mà có? Do Tứ thủ. Tứ thủ do 6 Ái, 6 Ái do 6 Thọ, 6 Thọ do 6 Xúc, 6 Xúc do 6 Xứ. 6 Xứ do Danh – Sắc đầu đời, Danh – Sắc đầu đời do Tâm thức tái tục. Tâm thức tái tục do Nghiệp thiện -ác, nghiệp thiện-ác do Vô minh trong Bốn đế. Vị đó thấy vậy đó.

Rồi, Vô minh trong Bốn đế mà mất thì nghiệp thiện ác mất => Không còn tâm đầu thai => Không có 6 căn => Không có 6 Xúc = > Không có 6 Thọ => Không có 6 Ái => Không có Tứ thủ => Không có 2 Hữu => không có Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, oán tăng hội, ái biệt ly. Vị đó thấy như vậy. Quán ngược quán xuôi như vậy, lập tức chứng ngộ vô thượng Bồ đề. Đó là trong bản Pāli nói như vậy.

Bên Bắc truyền thì nói rằng, quán Nhân duyên là chỉ có Bồ Tát Duyên Giác, Bồ Tát Độc Giác. Nhưng bên giáo lý Nam truyền thì nói rằng, nguyên lý Duyên khởi thì tất cả chư Phật ba đời mười phương đều chứng đạo bằng giáo lý Duyên khởi: Nhập thiền, xuất thiền, nhìn lại tầng thiền đó bằng nguyên lý Duyên khởi, quán xét ở đâu có cái đó, khi thấy như vậy lập tức vị đó chứng được quả La Hán và ngay lúc đó, vị đó thành tựu Phật trí vô thượng, từ chuyên môn gọi là sabbaññutañāṇa. Tức lả Nhất thiết chủng trí = Biết tất cả mọi sự.

Biết:
- Ta thế nào người khác như thế ấy
- Biết ta do duyên mà có thì cũng do duyên mà diệt
- Biết rõ chúng sanh do duyên thiện mà có hỷ lạc ở các cõi, do duyên bất thiện mà có khổ ưu ở các cõi.
- Biết Khổ ưu lâu đến mấy cũng vô thường, biết hỷ lạc lâu đến mấy cũng vô thường.
- Biết rằng ba cõi bốn loài thảy đều là sự đắp đổi, liên tục từ đời này sang đời khác.
- Biết rõ rằng, kẻ phàm phu đời đời sanh tử.
- Biết rằng bậc thánh nhân được viên tịch, không tái sinh.
- Biết rằng người ác luôn chịu khổ, biết rằng người thiện luôn hưởng lạc.
Biết rất rõ như vậy, chỉ trong vòng tích tắc, đó gọi là Nhất thiết trí.

Tôi nói mà tôi mệt luôn.

↑ trở lên

Hữu Vi

Nói đến thế giới là nói đến vô số vấn đề, vô số lãnh vực, khía cạnh, và trình độ. Mà có đúng vậy không? Nói tới thế giới đủ thứ chuyện có đúng không?
Nhưng trên căn bản, tất cả vấn đề có thể thu gọn trong khoảng trên 10 mục, dựa trên các khái niệm: Nhân – Quả, Danh – Sắc, Dục – Thiền, Hữu vi – Vô vi, Tâm – Cảnh, Chủ - Khách, Năng – Sở...

Tức là thế giới này có nhiều chuyện lắm, nhưng khi gom lại nó có mấy cặp như vậy đó. Hiểu không?

Thí dụ bây giờ. Trong lớp này 30 người, thì vấn đề nó nhiều lắm, đúng không? Hiểu chữ vấn đề không? Problem, người bệnh .. tùm lum nhưng mình có thể gom gọn vấn đề được không? Thí dụ, gom gọn về giới tính, sức khỏe, nghề nghiệp, hôn nhân,… hiểu không? Vấn đề thì nó nhiều lắm nhưng mình có thể gom lại được.

Ở đây cũng vậy, nói đến thế giới là nói đến vô số vấn đề, khía cạnh, lĩnh vực, trình độ, nhưng mà trong căn bản có thể gom gọn trong khoảng hơn 10 mục, gồm có: Nhân – Quả, Danh – Sắc, Dục –Thiên, Hữu vi – Vô vi, Tâm – Cảnh, Chủ – Khách, Năng – Sở…

Như ta cũng biết, vạn hữu do Duyên mà có, và phát triển, gồm gọn trong :
1. Duyên trợ sinh
2. Duyên trợ lực

Tùy thuộc vào bản chất của Duyên trợ sinh và trợ lực trong mỗi trường hợp mà ta gọi điều kiện ấy là duyên gì.

Như sự trưởng thành của một đứa bé phải nhờ vào tình cảm người thân, mới có thể lớn khôn, thì điều kiện ấy ta gọi là duyên gia đình. Đứa bé phải nhờ vào sự trợ giúp của những người dưng mới lớn khôn thì trường hợp này ta gọi điều kiện ấy là duyên xã hội. Đứa bé lớn khôn phải nhờ vào sức khỏe bẩm sinh để trưởng thành thì ta gọi đó là duyên sinh học. Đó, nó như vậy đó. Đây là lần đầu tiên tôi giảng 24 duyên cho người mù tịt không biết gì.

Hồi sáng tôi nói về 3 chướng. Có nghĩa là đời sống các vị luôn bị trục trặc, đã nói trục trặc là mình biết. Bất cứ ai trong đời cũng có lúc trục trặc chuyện nọ chuyện kia phải không? Có ai trong đây dám nói đời tôi không bị trục trặc không? Chỉ có một trường hợp thôi, đó là có một chuyến máy bay dân dụng, chở hành khách, hoàn toàn không cần tới phi công, bay tự động. Tới lúc sắp bay, hành khách nghe thông báo thế này: "Kính thưa quý hành khách, đây là chuyến bay dân dụng đầu tiên hoàn toàn tự động, được điều khiển trong cơ chế tự động không cần phi công, và cho đến giờ này vẫn không có gì trục trặc, trục trặc, trục trặc,…" Ngay trong lúc thông báo nó đã bắt đầu trục trặc, trục trặc,… Dễ sợ. Nó tối tân cách đó mà trong thông báo nó còn không xong, nói gì lúc nó đang bay, sợ thấy mụ nội luôn.

Cho nên, trên đời không có cái gì không bị trục trặc. Và, tất cả những trục trặc ấy trong cuộc đời chúng sinh dầu về tâm lý hay thể xác đều nằm 1 trong 3 điều kiện sau đây:
1. Nghiệp chướng
2. Quả chướng
3. Phiền não chướng

Đó là những cái cản trở sự sinh trưởng của mỗi chúng sinh. Những điều kiện giúp cho ta được hanh thông, suông sẻ, thì cái đó là điều kiện, là duyên. Những cái cản trở ta nó cũng là duyên mà nó là Chướng duyên. Còn cái kia là thuận duyên. Tất cả đều là duyên.

Không phải tất cả chúng ta làm vợ làm chồng, làm cha mẹ, con cái đều là do thuận duyên đâu, mà còn do nghịch duyên. Chúng ta phải do một cái oan trái nào đó, gặp nhau để làm khổ nhau. Phải không? Nếu ngày xưa lấy thằng bán bánh bao là đâu có khổ như lấy thằng bán bánh mì. Mà vì thằng này nó bán bánh mì kiếm tiền mua bánh bao là mình thấy tình hình nó khác rồi.

Cho nên, tất cả mọi thứ trong đời sống luôn luôn gắn liền với trục trặc. Mà những trục trặc ấy nó là duyên. Trong đời ai cũng có lúc được hanh thông thì hanh thông đó cũng là duyên. Có nghĩa là mọi thứ trong đời sống các vị, giọt lệ và nụ cười đều do duyên mà có. Đây chính là lý do vì đâu trong kinh gọi thế giới này là cảnh giới Hữu Vi. Mà chữ "hữu vi" này là mượn của Lão giáo chứ không phải trong đạo Phật. Vì chữ “vi” này không có hay. Hữu vi này trong tiếng Pāli là chữ Saṇkhata = Conditioned = Cái được tạo ra, bị tác động. Không có cái gì trên đời tự có hoặc tự phát triển mà không cần các điều kiện. Chuyện đó không bao giờ có. "Nothing is without conditions." "We are nothing but relationships." Chúng ta không là gì của nhau hết ngoại trừ các điều kiện. Hiểu không?

↑ trở lên

Điều kiện

Được gọi là “vợ” vì có thằng nó chịu làm “chồng”, được gọi là “chồng” vì có đứa chịu làm “vợ”. Được gọi là cha mẹ là bởi vì mình có con, chứ tự nhiên đứa nhỏ nó 3 tuổi thì nó làm cha mẹ ai được, nó chưa kịp có con. Hiểu không? Có bao nhiêu thứ trên đời này, nó được gọi tên, được nhắc nhở bởi vì nó phải dựa vào một cái khác. Được gọi là đói là bởi vì có cái no, được gọi là sướng bởi vì có cái khổ, được gọi là xa bởi vì có cái gần.

Cho nên, có một ông Phật tử đến hỏi vị thiền sư: Thưa ngài, Phật pháp có thể thu gọn trong một câu được không? Ngài nói “Được”. Ngài mới cầm một cây que, vẽ trên đất một đường. Ngài hỏi: “Đường vạch này dài hay ngắn?” Thì cậu Phật tử mới nói “Dạ thưa ngài, mình phải có cái gì mình so chứ”. Đúng không? Thì ngài nói: “Đó là toàn bộ Phật pháp. Chúng sanh sống trong đời này, mình khổ mình vọng chấp vì mình còn so sánh.”

Hiểu không? Ngày xưa mình ngủ không được vì bả không chịu nhận lá thơ của mình. Bây giờ mình ngủ không được vì bả không chịu ký giấy ly dị. Nó có cái so sánh. Tại sao có lúc mình thấy cái này dài cái kia ngắn? Ông Einstein ổng nói: “15 phút ngồi cạnh người mình ghét nó lâu hơn 1 tiếng ngồi cạnh người mình thương.” Có đúng không? Nó là so sánh. Thế giới này như vậy đó.

Cho nên, hiểu được cái đó mình thấy thế giới toàn là điều kiện không. Mọi thứ nó đều là điều kiện thì gọi là Saṅkhata, hữu vi, mà tôi nhắc lại lần nữa, chữ “hữu vi” mượn của Lão giáo.

Rất nhiều chữ trong Phật pháp mình các nhà phiên dịch đã mượn của Lão giáo chứ mình không có. Tôi ví dụ như chữ “thần thông”, mình nói đức Phật có thần thông, chư tỳ-kheo các vị thánh tăng có thần thông, chữ thần thông đó là chữ của Đạo giáo, nó gọi cho người có thể cảm được trời đất sau một thời gian tu tập đạo pháp theo quyển Nam Hoa Kinh – Trang Tử và Đạo Đức Kinh – Lão Tử. Họ nói, tu tập theo 2 quyển đó đạt đến tinh thần vô vi, được gọi là người đắc đạo và người đó có thể chiêu cảm với vũ trụ và khả năng chiêu cảm ấy được gọi là thần thông.

Các vị biết rằng, khoảng tầm tầm ngang ngang, suýt soát chút đỉnh, thời đức Phật, bên Tàu, Lão Tử, Trang Tử, một ông viết Nam Hoa, một ông viết Đạo Đức Kinh. Nguyên thủy, chỉ là 2 quyển sách triết học thôi. Đến đời nhà Hán có nhân vật tên là Trương Đạo Lăng ổng mới biến 2 quyển đó thành 2 quyển thánh kinh để lập nên Đạo giáo. Từ đó những học thuyết của Lão giáo được hình thành song song với những khái niệm, và chính khái niệm đó tạo ra từ ngữ. Ở đây có ai biết cái đó không? Khái niệm nó tạo ra từ ngữ.

Thí dụ, trước khi có computer, chữ "file", nó không có nhiều nghĩa như bây giờ, một nó là hồ sơ, tài liệu; hai nó là con cá thiều. hoặc là hồ sơ bằng giấy. Nhưng hôm nay có computer mình hiểu chữ "file" kiểu khác. Hoặc là "file" của criminology của tòa án, nó khác "file" trong công ty, có hiểu không?

Có nghĩa là "khái niệm nó dẫn đến ngôn ngữ", là vậy đó. Thì có những khái niệm bên Lão giáo nó hình thành nên từ ngữ của Lão giáo. Và, người dịch kinh bên đạo Phật, buổi đầu bối rối về cái chữ, thấy bên Lão giáo có nhiều chữ quá hay bèn khiêng về xài, và hôm nay người Phật tử không biết cái đó, tưởng chữ của mình. Thật ra, chữ “thần thông” là chữ dở ẹc, thấy có chữ “thần” là thấy dở rồi. nó dở ngay từ tố “thần”.

Ngày mai, tôi sẽ hướng dẫn các vị 24 duyên hệ.

12 Duyên sinh là lộ trình sanh tử của chúng ta, vì đâu có chuyện sanh ra, chết, rồi đầu thai trở lại, hành trình đó là lý Duyên sinh (Duyên khởi, Y tương sinh, Y tha khởi) Paṭiccasamuppada hoặc là Paṭiccasamuppanna, hoặc là Idappacayatā. Nó có 3 từ.

Nhưng riêng ngày mai mình học 24 Duyên là Paṭṭhāna = 24 nguyên tắc vận hành. Nó không bị gói gọn trong lộ trình sanh tử mà là mọi hình thức hiện hữu của vũ trụ, của chúng sinh đều được vận hành trên 24 thứ điều kiện tác động, trong đó gồm có: Điều kiện tác động giữa Nhân với Quả, Danh với Sắc, Dục với Thiền, Hữu vi – Vô vi, Tâm – Cảnh, Chủ - Khách, Năng – Sở,…

Mọi thứ ở đời phải dựa vào các điều kiện mới có mặt và sinh trưởng, thì dựa vào bản chất điều kiện đó là gì ta mới cho điều kiện đó một cái tên.

↑ trở lên

← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com