Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 10/11/2022

1. Quả duyên
2. Duyên trợ qua Cách thức
3. Trùng dụng duyên
4. Thường cận y Duyên
5. Dị Thời Nghiệp

↑ trở lên

Quả duyên

Nhắc lại: Vạn pháp ở đời do Duyên mà có. Tất cả duyên ấy nằm trọn trong nhiều cách kể:
1. Nằm gọn trong Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực là một cách kể.
2. Tên gọi các pháp tùy theo duyên ấy mà được gọi như thế nào.

Ở đây, mình thấy 24 Duyên, chia thành 3 nhóm:
- Các điều kiện hỗ trợ bằng bản chất của mình.
- Các điều kiện hỗ trợ bằng cách thức riêng.
- Các điều kiện hỗ trợ bằng những thời điểm thích hợp.

Thí dụ: Tăng già lê, y của ông sư, trong trường hợp ngủ nó là cái mền đắp, trường hợp mình không đắp thì nó là tấm trải, xếp tư lại, các vị đọc kinh tạng có thấy không? “Lúc bấy giờ Thế Tôn đang trên đường du hành, ngang làng nào, nhìn vào một gốc cây, ngài Anan hiểu ý Thế Tôn, đã trải tư tăng-già-lê và Thế Tôn đã nằm trên ấy” Hoặc là “Bài pháp thoại của Thế Tôn đã kéo dài đến nửa khuya, Thế Tôn nói với tôn giả Xá Lợi Phất: Này Xá Lợi Phất, chúng tỳ-kheo chưa bị hôn trầm, hãy thuyết pháp cho họ. Nay ta đã mỏi lưng, ta muốn nằm nghỉ. Nói rồi, Thế Tôn xếp tư tăng-già-lê, nằm nghiêng về hông phải, chánh niệm tỉnh giác cho đến khi ngồi dậy”. Cho nên, cũng lá y đó thôi, nhưng tác dụng của nó tùy lúc. Có lúc giúp cái này, có lúc giúp cái kia.

Như vậy thì, tất cả các Duyên ở đời nằm ở 3 nhóm:
(1) Giúp bằng bản chất của nó: Thí dụ, nghiệp thiện, nghiệp ác, nhân tham, nhân sân, nó là loại dưỡng tố nào trong 4 dưỡng tố. Nó là chi thiền nào trong các chi thiền, chi đạo nào trong các chi đạo. Trong trường hợp đó gọi là các điều kiện hỗ trợ cho đối tượng hỗ trợ bằng bản chất của nó.
(2) Sáng nay mình học loại duyên thứ hai, đó là giúp bằng cách thức.
(3) Nhóm 3, giúp bằng thời điểm.

Quả duyên

Trong nhóm 1, mình học về bản chất, mình sót một duyên là Quả duyên.

Toàn bộ dòng chảy hiện hữu của chúng sinh gồm có 2 thứ thôi: Nhân – Quả, và đây là nguyên tắc vàng phải nhớ: Không có một thứ gì trên đời này mà không nhờ các điều kiện khác để có mặt. Bản thân nó đã là quả của một chuỗi nhân duyên nào đó; Bản thân nó vừa là Quả của một chuỗi nhân, và hoàn toàn có thể là Nhân cho một chuỗi Quả khác.

Thí dụ như: Con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ tụi mình, bạn biết không?

Cái gì trên đời cũng do các nhân duyên, các điều kiện mà có, và tự thân nó vừa là Quả mà cũng vừa là Nhân cho một cái khác. Như vậy, Quả duyên chiếm một vai trò rất là quan trọng. Nhưng mà như thế này, cái này mới quan trọng.

Nó có trường hợp nó giúp người ta bằng Nhân – cái này dễ hiểu rồi.

Có trường hợp nó phải là Quả nó mới giúp được. Vì sao? Vì Quả nó khác Nhân ở chỗ là nó không có khả năng tạo ra, nó không có khả năng tác động.

Nhân – Quả trong A Tỳ Đàm có 2 loại:

1. Nhân – Quả báo ứng:
Nhân lành (13, 25) cho Hỷ Lạc, sướng thân sướng tâm, 6 trần như ý;
Nhân xấu (13,14) cho khổ thân khổ tâm, 6 trần bất toại.
Cái đó được gọi là Nhân Quả báo ứng.

2. Nhân – Quả kỹ thuật:
Nó không liên hệ gì Nhân – Quả báo ứng hết, mà nó chỉ mang tính kỹ thuật thôi.
Có nghĩa là sao? Tác động – Phản ứng thôi, Cause – effect.

Nó không có tính thiện, ác gì ở đây hết. Thí dụ, ngọn đèn nó tắt thì bóng tối xuất hiện; Ánh sáng biến mất thì bóng tối xuất hiện. Ở đây không có thiện ác gì hết, ở đây hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Mình ăn uống bất cẩn thì mình bị bệnh, ở đây không có báo ứng gì ở đây hết, hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Trong cơ thể mình có những thứ nó bị thiếu thì nó gây bệnh, cái gì đó nó dư thì nó gây bệnh, cái gì đó nó xáo trộn, nó không đi đúng trật tự cũ thì nó gây bệnh, nó rối loạn là nó gây bệnh. Thì cái đó gọi là Nhân Quả kỹ thuật.

Nhân Quả báo ứng được gọi trong tiếng Pāli là Kammavipāka = Nghiệp báo & Dị thục.
Nhân Quả kỹ thuật được gọi là Hetu - phala.

Cho nên, sẵn nói cái đó bà con mới bỏ được Tà kiến này. Cho rằng, mọi thứ là do nghiệp quá khứ cho nên tôi ăn lút cán luôn. Nếu nghiệp tui bị bệnh là tôi bị bệnh. Như vậy, mình thấy nó sai chỗ này, nói là Nhân Quả báo ứng, thì đúng mình đổ cho nghiệp, mà mình quên nó còn Nhân - Quả kỹ thuật nữa, mình ăn tầm bậy là mình bị bệnh. Hoặc là, giờ tôi gõ, gõ là nhân, tiếng động là quả, tiếng động nó là nhân và tôi bị giật mình là quả. Cái Nhân – Quả này lúc bấy giờ chỉ là Nhân – Quả kỹ thuật chứ không phải Nhân – Quả báo ứng.

Còn Nhân – Quả báo ứng là vầy: Do tôi hào sảng cho nên kiếp sau tôi giàu, do tôi có Từ tâm nên kiếp sau tôi đẹp, tôi sống lâu, do tôi thường xuyên học hỏi đời sau sanh ra tôi có trí tuệ, do tôi sống chánh niệm nên đời sau sanh ra tôi có trí nhớ. Thì cái đó là Nhân – Quả báo ứng.

Còn Nhân – Quả kỹ thuật thì nó diễn ra hà rầm trong đời sống của mình. Nhớ cái đó.

Như vậy, phân tích rốt ráo các vị thấy, Nhân thì mình hiểu rồi. Còn cái Quả, có những trường hợp, trong đời sống mình cái Quả chiếm một vị trí rất quan trọng. Tôi ví dụ, do nghiệp thiện ác đời trước mà bây giờ mình đầu thai bằng tâm nào để đi vào cõi tương ứng. Tâm đầu thai nó là quả đâu phải nhân. Nhưng mà, chính vì chuyện anh đầu thai vô cõi nào, cho nên bây giờ anh khổ, lạc, sướng, khổ khác nhau.

Mỗi thiện, ác nó cho 2 thứ Quả:
- Quả tái sinh = Tạo ra tâm đầu thai về cõi nào đó.
- Quả bình sinh = Sau khi lọt lòng rồi đời sống còn lại của anh là quả bình sinh.

Tôi sát sanh nhiều quá cho nên tôi sanh vào cảnh giới yểu thọ, thí dụ tôi sanh làm mấy con vi sinh, hoặc tôi chui vô bụng một bà mẹ suy dinh dưỡng, một bà mẹ bệnh hoạn. Do nghiệp sát sanh nó sanh vô chỗ đó để mà thọ quả.

Sẵn đây, tôi nói luôn. Câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” trong đạo mình không có. Nghiệp ai làm nấy chịu. Hoặc nói : Cha đó thất đức nên con chả chịu khổ, không phải. Mà phải hiểu vầy: Chính vì chả thất đức, chả tạo quá nhiều ác nghiệp cho nên chả không có con chăm sóc tuổi già. Cho nên, nó khiến những đứa nào yểu thọ chui vô làm con của chả. Vô nuôi được 2 tuổi lên đường, 4 tuổi lên đường, 6 tuổi lên đường. Thì không phải do chả thất đức rồi mấy đứa con nó chết, không phải, mà chả trở thành chỗ ghé của mấy đứa yểu nó chui vô làm con.

Như vậy nghe nó hợp lý hơn. Chứ tự nhiên, tui là một chúng sanh sanh tử, bố tôi cũng là một chúng sanh sanh tử, mắc chứng gì ổng ác mà bắt tui chịu? Mà vì bố tôi ác, ổng không đủ phước để có con kế thừa, không có người chăm sóc tuổi già, ổng phải bị neo đơn, heo hút, và thế là những tên nào yểu yểu là nó đi đâu? Nó kiếm chỗ đó nó chui. Nó phải chui vô đó.

Nghiệp nó hay lắm, nó xếp vừa khít.

Hồi đó tôi nhớ, Việt Nam các vị có biết thời đi xe than không, nó chen, nó lấn lên chật quá thì: "Cậu ơi chật quá" Thì thằng lơ trả lời thế này: "Nó xóc hồi nó đều." Nghiệp nó hay lắm. Mình thấy rõ ràng, bà đó sao bả đẻ thằng con như vậy. Mà yên tâm. Nghiệp nó sắp hay lắm, nó sắp hồi vừa khít, đúng đứa con đó vô trong đó, vô vừa khít luôn: Đẹp mà nghèo, giàu đẹp mà bị cái này, giàu đẹp khôn mà bệnh, … Nghiệp nó kiếm chỗ nó lắp hay lắm.

Có nhiều bà lấy chồng, tôi biết, mấy người Phật tử, lấy chồng giàu cực kỳ luôn, mà ông chồng ghẻ lạnh. Số giàu, số đẹp đủ thứ mà tạo nghiệp ghẻ lạnh. Ngày xưa bả ghẻ lạnh với ai sao đó mà bây giờ giàu, đẹp lấy chồng mười mấy năm trời chỉ chơi với búp bê thôi, không thấy bóng chồng. Dễ sợ.

Còn có người tôi biết, xấu hoắc, nghèo mà chồng cưng như trứng. Cái nghiệp nó hay lắm. Nó xếp sao mà xấu hoắc, nghèo. Đúng đó là quả xấu, nhưng lại có quả tốt hồi xưa bả ân cần niềm nở với ai nên bây giờ bả sanh vô gia đình xấu hoắc mà ông chồng cưng như trứng.

Cho nên, Quả nó hay chỗ là: Nhân tạo ra Quả, nhưng Quả lại tiếp tục là điều kiện tạo ra một cái khác. Trong trường hợp này được gọi là Quả duyên.

Tại sao Quả duyên được nhấn mạnh ở đây. Bởi vì cho các vị thấy rằng, không có mắt xích nào trong đời sống để mà mình coi thường hết. Chuyện thiện ác là cái quan trọng rồi. Nhưng mà quả thiện, ác tiếp tục đáng để mình chú ý.

Người không tu khi nhận quả lành thì tâm tham, khi nhận quả xấu bằng tâm sân. Như vậy thì, đối với người không tu, khi nhận quả lành hay quả xấu đều là điều kiện để tiếp tục tạo nhân xấu.
Còn cha tu, dầu nhận quả lành hay quả xấu thì chả tiếp tục lấy đó làm điều kiện để chả tiếp tục tạo nhân tốt, chả đón nhận nó bằng: Chánh niệm, bằng Trí tuệ, bằng Từ tâm, bằng Kham nhẫn,… cho nên một vị thánh thì khỏi nói rồi, hành giả phàm phu, khi gặp cái khổ đó lại tiếp tục là điều kiện để họ tu, trong cái đói cái bệnh, cái lạnh lại tiếp tục là điều kiện cho họ tu tiếp. Còn thứ phàm phu như mình, hễ sướng thì quên tu mà khổ quá quên tu luôn.
Trong trường hợp đó mình gọi là Quả duyên.

Như vậy, mình đã học xong nhóm 1 – Nhóm các duyên hỗ trợ cho nhau bằng bản chất của mình.

↑ trở lên

Duyên trợ qua Cách thức

Nhóm 2 – Các điều kiện hỗ trợ cho đối tượng bằng các cách thức, gồm có các duyên sau đây:

1. A giúp B bằng cách có mặt trước. Trong đời sống mình thấy có chuyện này không? Có. Tức là do có người ở nên chính phủ mới kéo dây điện, kéo nước tới. Đúng không? Do có người ở người ta mới để tiệm tùng, quán xá. Trường hợp đó gọi là Tiền sanh duyên = A giúp B bằng cách có mặt trước.

2. A giúp B bằng cách có mặt sau. Chính vì chính phủ biết chỗ đó sẽ có khu dân cư nên chính phủ chạy điện về trước, trường hợp này có. Trong trường hợp chính phủ chạy điện về sau dân trường hợp đó gọi lại Hậu sanh duyên. Cho nên, nhớ kỹ cái này: Tất cả mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi câu nói của mình nó đều có thể là tiền sanh, hoặc hậu sanh duyên cho một cái gì đó. Nó hay dữ lắm.

3. A giúp B bằng cách cùng có mặt. Có nhiều thứ trong đời đứa giúp và đứa được giúp phải cùng tương tác trong một lúc.

4. A giúp B bằng cách vắng mặt. Thằng cũ phải đi, thằng mới mới tới. Giờ mình muốn cái mới, cái đẹp thì mình phải dẹp cái cũ, cái xấu đi. Chứ còn tự nhiên đi mấy cặp ngà voi, mấy tượng cẩm thạch về mà nhà trời đất ơi bù-long con tán, sao nó đẹp. Phải đem cái cũ đi.

Nói tới đây tôi mới nhớ. Tôi ghét nhất đi đâu mà mấy nhà có treo bức sơn mài, cô gái ba miền. Sao tôi thù cái đó còn hơn cái gì. Hoặc là Phúc – Lộc – Thọ, Mai – Lan – Cúc – Trúc, Chùa Một Cột, Bến Thành,… mà cứ treo hoài. Không biết nó đẹp cái gì. Sau này tôi tìm hiểu, chủ nhà cũng không có khoái nhưng mà không có treo người ta nói thiếu. Nó nản muốn chết luôn. Vậy là mình sống theo người ta.

Cho nên, trong kinh nói cái này hay nè.

Chúng sanh trong đời gồm có 3 hạng:

1. Lấy đời làm trọng ( attādhipateyya). Lúc nào cũng dư luận dị nghị, thiên hạ nói sao nói sao. Mỗi lần thuyết pháp, tôi nhớ Việt Nam ngày xưa con gái bị chồng đánh, nhà chồng hắt hủi không dám đón con về sợ mang tiếng chồng bỏ. Thà nhìn con chết chứ không có rước về. Tôi có biết một bà đó ở bên Việt Nam, ở Cây Gõ, bị nhà chồng hành hạ quá bả chạy về nhà nói với mẹ, con về sống với má. Bà má nói câu này: Má có tiền mua hòm cho con chứ má không có tiền mua gạo nuôi con, con đi về nhà chồng đi, nhà mình không mang tiếng được. Thế là con nhỏ về tự tử. Mà thà là con bả tự tử, còn bả dự đám ma cái mặt bả ngửa vậy nè, tại vì con bả nó biết cư xử. Khủng khiếp như vậy. Hoặc bên Pakistan hoặc Afghanistan, vì mặt mũi gia đình, con gái tui nó đi ngoại tình thì chính tui phải liệng đá con mình, nguyên cái làng nó liệng thì đúng nhưng mà gia đình tui, vợ chồng tui phải nhào ra liệng, liệng cục phải bự mới được khen. Không được liệng trúng, phải liệng trật đặng cho nó lâu chết. Sĩ diện.

Ngay cả đời tu, nhiều người họ tu vì người khác không phải cho mình, tu sao cho người ta ngó coi nó được. Chùa phải có cái này, có cái kia. Nhưng mấy cái đó không quan trọng. Mình tập trung cho pháp học, pháp hành, chứ mình không cần trang bị tùm lum, giống chùa này chùa khác. Theo tôi cái này không quan trọng. Cho nên, có những người lấy đời làm trọng là như vậy.

2. Lấy mình làm trọng (lokādhipateyya). Lấy cảm xúc, sở thích, thích ghét bản thân, còn ngoài ra là bất chấp.

3. Hạng thứ ba dcj đức Phật khen, là lấy pháp làm trọng (dhammādhipateyya). Cái gì đúng thì theo, không lấy cảm xúc bản thân, cũng không lấy tiếng đời. Cái đó quan trọng lắm.

Các vị nghe các vị biết lựa nhóm nào, đúng không? Lấy mình làm trọng thì bèo quá, mà lấy đời làm trọng khổ quá. Chỉ có lấy Pháp làm trọng, cái gì phải thì theo.

Như vậy, mình thấy, mình có sơ sơ là:

(1) Tiền sanh duyên = Giúp bằng cách có mặt trước.

(2) Hậu sanh duyên = Giúp bằng cách có mặt sau.

(3) Đồng sanh duyên = Giúp bằng cách cùng có mặt.

(4) Ly khứ duyên & Vô hữu duyên = Giúp bằng cách vắng mặt, lìa khỏi.

(5) Giờ tiếp theo cái nữa là Tương ưng Duyên = Giúp nhau bằng cách hòa tan vào nhau thành một khối. Thí dụ như, Nam nữ ngoài đời, yêu đời muốn gắn kết với nhau giúp nhau bằng tương ưng duyên.

(6) Bất tương ưng duyên = Giúp nhau bằng cách 2 đứa độc lập nhau, mỗi đứa một góc riêng, hoàn toàn độc lập, cách biệt.

Một tín nữ muốn hộ trì ông sư thì nên bất tương ưng duyên. Khi nào các vị thấy ông sư nào bê bối là các vị nhắc liền: Sư ơi Sư Bất tương ưng duyên nghe sư. Chứ còn tôi thấy khuynh hướng giúp nhau bằng tương ưng duyên nó đã hơn, nhưng mà nó mệt lắm.

Như quý vị nhớ thế này. Trong ly nước chanh, nước, muối, đường, chanh phải tương ưng. Nhưng mà cái ly với cái muỗng phải Bất ương ưng duyên. Rồi như ly café mình thấy: Cái xác nó phải Bất tương ưng, mà đường – café – sữa là tương ưng, xác mà tương ưng là thấy bà luôn.

Bữa tôi bị rồi, cái túi bị lủng! Tui rót thấy sao đi lẹ vậy ta? Tui dòm tui thấy trời đất ơi nó một cõi đi về trỏng, giang sơn thu về một mối. Trịnh – Nguyễn không thèm phân tranh nữa. Có hiểu không? Lẽ ra Tây Sơn với Chúa Nguyễn phải 2 góc chứ, đằng này tao quýnh cho mày một chùm, giang sơn thống nhất, ba miền một nhà, khỏi uống luôn, đổ. Cho nên, trường hợp đó gọi là bất tương ưng duyên.

↑ trở lên

Trùng dụng duyên

(7) Giúp nhau bằng cách Trùng dụng duyên. Là sao? Là đối tượng đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, thì nó cũng là một cách giúp nhau.
Các vị có thấy con thoi dệt vải không? Hoặc là nhịp tim của mình, một công việc được lặp đi lặp lại nhiều lần nó trở thành lực tác động, đúng không? Các vị có nhớ đồng hồ quả lắc không? Hoặc là các vị có nhớ dynamo của xe đạp, nó tạo ra điện không? Bánh xe nó cứ lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại nó mới tạo ra lực. Như vậy trường hợp đó gọi là Trùng dụng = Sự nhận biết đối tượng được lặp đi, lặp lại nhiều lần.

(8) Vô Gián duyên = Sự tiếp nối liên tục cũng là một lực đẩy.
Trùng dụng là khác, cái gì đó lặp đi lặp lại liên tục nhiều lần. Còn cái này là sự tiếp nối liên tục. Hai cái này khác nhau.

Nghe nè. Ngày nào các vị cũng tới thăm tôi hết gọi là Trùng dụng hay Vô gián? – Trùng dụng.

Và, trong suốt 30 ngày, ngày nào cũng cho tôi ăn mỳ gói không cho món khác? = Vừa Trùng dụng = có món làm hoài; vừa Vô gián = không xen món nào vô hết, cứ mì gói ăn lúc nào thằng nhỏ mắt nó đỏ lừ thì thôi;

Có một hành giả Việt Nam, bên Tây, đi qua tu bên Thái, mê khô Sặc, mà không ăn rau, suốt một tháng ăn khô, cuối cùng đi ra máu, về Tây luôn, tại vì Vô Gián duyên mà lại Trùng dụng nữa.

Cho nên, theo tôi biết, trong thực phẩm phải thay đổi, đừng ăn lún một thứ, nó phải có cái này cái kia.

Trùng dụng là gì? Là một cái đối tượng mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó gọi là Trùng Dụng.

Còn Vô Gián là sự tiếp nối liên tục không gián đoạn = Vô gián.

(9) Y chỉ duyên = A biết B bằng cách cho người ta dựa vào mình, chứ mình không thể đứng từ xa dược.

Thí dụ, con mắt nó là điểm tựa cho thần kinh nhãn. Vì mình không thể nào có nhãn thức mà thiếu nhãn căn. Trong kinh cũng nói thêm, không bao giờ có chuyện một người mù có thể luyện thiên nhãn được. Mặc dù thiên nhãn phải thấy bằng thần thông, nhưng nền tảng thiên nhãn phải là từ Nhục nhãn từ đó nó làm nền tu Thiên nhãn. Đó là một chuyện;

Chuyện thứ hai, trừ ra chư Thiên, Ngạ quỷ khuất mặt, không bao giờ có chuyện người mù đắc thiên nhãn. Không bao giờ có chuyện thiếu thiên nhãn mà đắc tha tâm thông, chuyển đó không có. Vì người tha tâm thông họ phải nhìn xuyên thấu người kia, họ biết tâm người kia. Trong kinh ghi vậy, thì mình kể vậy thôi, các vị có thể thắc mắc. Thắc mắc qua Ấn Độ đến Bồ Đề đạo tràng hỏi.

Y chỉ duyên = A giúp B bằng cách cho người ta dựa vào mình. Mà trong đời sống có trường hợp đó không? Thí dụ bữa hổm đi dọc đường với cô Yến, Bình, đi dọc đường cô Yến bị trượt, thì lúc đó Bình phải giúp cổ bằng Y chỉ duyên hay Ly khứ duyên, bỏ đi luôn? – Y chỉ. Chứ tự nhiên nói, sư mới nói “Ly khứ” con dzọt luôn. Con đi từ xa con cầu nguyện cho cô. Không được. Lúc đó, nó phải giúp bả bằng cách cho bả tựa. Lúc bấy giờ không có chuyện hòa tan, độc lập, cách ly, mà lúc đó nổi bật là Tựa. Anh phải cho tui dựa, chứ lúc đó tui không cần xài chữ gì cao siêu, lúc đó tui chỉ cần chữ “dựa” thôi. Bữa nào chóng mặt mới biết. Trường hợp mình cần một bờ vai mình dựa là Y chỉ duyên.

Bữa nào vị thầy nghe cô nào nói, thưa thầy con thích Y chỉ duyên, con muốn hỗ trợ thầy bằng Tương ưng duyên, thì ông thầy : Thưa bà, bà làm ơn Ly khứ duyên và Vô hữu duyên. Còn các vị cúng dường thì nhớ Vô gián duyên. Còn thức ăn thì đừng bao giờ Trùng dụng duyên.
Hiểu không? Tui giỡn mà cho hiểu bài.

Một chuyện mà lặp đi lặp lại hoài = Trùng dụng.
Vô gián = Liên tục không gián đoạn.

Không gián đoạn có 2:

- Không gián đoạn Tục đế = Nếu ngày nào cô cũng tụng kinh thì là Vô Gián, nhưng mà Vô Gián của Tục đế. Ngày nào cô cúng tụng kinh nhưng thời kinh A với thời kinh B nó cách nhau bằng: Toa-let, bằng ăn, bằng uống, bằng nhảy dù,… nó đi nhảy về nó tụng tiếp mà, nhưng nó gián đoạn một khúc. Tục đế là ngày nào tôi cũng tụng hết.

- Không gián đoạn Chân đế = Sát-na này với sát-na kia. Sự tiếp nối liên tục của các sát-na tâm.

Thí dụ trong kinh nói một vị chứng Ngũ thiền, họ nguyện sanh về cõi Vô Tưởng, họ vừa tắt thở cái là họ rơi vào trạng thái không tâm, tâm tử vừa xuất hiện là không còn dấu vết gì về tâm thức, và lập tức trên cõi đó xuất hiện một bức tượng vàng, bức tượng đó nó ở trong tư thế họ ở dưới đây. Thí dụ, đang nằm, đi luôn, trên đó có bức tượng đang nằm, nằm để tay vậy nè. Còn nếu họ đang đi, bị trụy tim mà họ chết thì trên đó có bức tượng đứng. Nếu họ ngồi họ chết thì trên đó có bức tượng ngồi. Và như vậy, tử tâm nó nằm ở đây, và cách 500 đại kiếp không có tâm nào hết, khi hết 500 đại kiếp thì có 1 tâm đầu thai xuất hiện đằng kia, tâm đó và tâm này cách nhau 500 đại kiếp vẫn gọi là Vô gián, là vì sao? Vì khúc giữa không có thằng quỷ nào hết.
Tức là, em vắng nhà 20 năm tôi vẫn ôm cuộc tình tôi chờ, không có con nhỏ nào chen vô, gọi là Cuộc tình Vô gián. Hiểu không? Dầu 20 năm vẫn gọi là Vô gián. Còn đằng này, vừa đi kêu bà hàng xóm qua, cái đó không gọi là Vô gián. Đang nói nghiêm túc. 20 năm vẫn gọi Vô gián vì em đi rồi tôi vẫn ôm cuộc tình tôi chờ.

Gián = có thằng nào chen vào chính giữa, intervene.

Thí dụ như, dòng tâm thức mình vô số hữu phần, toán kêu n, nghe cái “đùng” lập tức:
Vừa qua – Rung động – Dứt dòng – Khai ngũ – Nhĩ ----
Thì mấy thằng này đối với nhau nó là Vô Gián nhưng nó có phải Trùng dụng không? Không.

Tức là tụi mình đứng khít nhau, không rời nhau = Vô Gián; Nhưng đứa ăn bánh xèo, đứa ăn bánh cam. Còn Trùng dụng là bánh cam hết, hoặc bánh xèo hết, hoặc bánh bèo hết.
Nãy tôi giỡn nhưng để cho lớp hiểu.
Ngày nào cũng ăn mì = Trùng dụng.
Trong 30 ngày không có món gì chen vô = Vô gián.
Còn nếu ngày nào cũng đem cơm tới cho tui, bữa món này bữa món kia = Vô Gián.
Giờ các vị mới thấy tại sao các vị suốt đời ngồi ở dưới không được lên đây, nó quên.
Trong khi Vô Gián = Liên tục, không cần giống nhau.

Thí dụ, tâm mệnh chung 500 kiếp trước và tâm tái tục này có phải là 1 không? Khác nhưng nó vẫn gọi là Vô gián. Vì ngày xưa lúc ông chết ông là Nhân loại, chứng Ngũ thiền, nhưng 500 đại kiếp sau thì tâm Tái tục là tâm Đại quả. Khác nhau chứ. Nhưng vẫn gọi là Vô gián vì nó không có cái nào chen vào.
Trùng dụng = có một thứ xài hoài.
Về tối nay dẹp không có kinh gì hết. Đọc bài mì gói đi.
30 ngày ăn mì gói liên tục = Vừa là Vô gián, vừa trùng dụng.
30 ngày ngày nào cũng ăn, mỗi ngày một món = Vô Gián.
Trưa nay ăn phở, Vô Gián, ngày nào cũng phở hết trơn, nhưng mỗi ngày một món. Ngày nào bếp cũng bằm bằm, xắt xắt không gián đoạn đúng không? Có ngày nào bà con ăn ngoài, đâu có.
Các vị phải học cái này các vị mới thấy, Thế giới này được tác động bởi vô số lực đẩy, bằng nhiều trường hợp:
1. Giúp nhau bằng bản chất.
2. Giúp nhau bằng cách thức.
3. Giúp nhau bằng thời điểm.
Hồi nãy giờ tôi trộn chung vừa cách thức vừa thời điểm luôn.

↑ trở lên

Thường cận y Duyên

(10) Thường cận y Duyên = Thói quen tâm lý; chuyện gì đó thành thói quen, thành nết.
Cái gì được lặp lại từ 2 lần trở lên = Thường cận y.

(11) Bất ly – Hiện hữu là cặp, giống nhau.
Hiện hữu duyên = Giúp nhau bằng cùng có mặt .
Bất ly duyên = Giúp nhau bằng cách không rời nhau.

Thấy cái thác nước không? Giọt trước giọt sau giống nhau y chang. Tất cả những gì giọt trước làm thì nó hoàn toàn có đủ ở giọt sau. Chính vì vậy nó làm nên một dòng thác. Có đúng như vậy không?

Học chỗ này từ đây về sau nghe chữ “Duyên” là thấy tùm lum hết, phải không? Chớ không phải cái gì cũng Duyên hết, chữ Duyên nói mơ hồ vậy không được.
- Giúp bằng bản chất của mình
- Giúp bằng cách thức nào đó
- Giúp nhau bằng thời điểm.

Có lúc các vị đến thăm ai đó, các vị đem lại một bao gạo. Nó cũng là một cách giúp. Nhưng có những người không nấu ăn được mình phải đem đến một nồi cơm, thì có những lúc đem tới bao gạo là không xài được. Nghe kịp không? Nó có thời điểm nữa. Rồi cách thức nấu. Thí dụ, bên đây có những người họ không ăn gạo thường được, họ ăn gạo lứt, họ ăn gạo brasmati. Hồi xưa trong nước tôi không biết vụ ăn kiêng đường.

Bác sĩ và bệnh nhân phải cùng có mặt mới làm nên buổi khám bệnh. Đúng không?
Trong thời gian đó, bệnh nhân có cần dựa vô bác sĩ không? Có cần không?

Có hiểu chữ dựa không? Hồi nãy tôi nói cô Yến đi xuống núi bị trượt, thằng cháu nó giúp cổ bằng cách cho cổ tựa. Còn cùng có mặt là khác. Tôi với cô cùng có mặt mà 2 người có cần đụng nhau không? Vậy nó không phải là Y chỉ duyên. Y chỉ là khi nào tôi dìu cô kìa.

Nghe sư cần, nhào xuống dìu sư, là khổ. Tức là không phải trường hợp nào giúp cũng nhào tới ôm. Không phải. Trường hợp đặc biệt, mình nhào tới ôm người ta lại là Y Chỉ. Còn cùng có mặt không hẳn là phải dựa. Như bác sĩ bệnh nhân đâu cần xà nẹo nhau, vừa vô ôm liền.

Bất tương ưng = 2 cái không hòa tan. Ví dụ Danh – Sắc, nó giúp nhau mà nó có thể tan vào nhau hay không?

Trong ly nước chanh thì nước, chanh, muối, đường, tụi nó giúp nhau bằng cách hòa tan, nhưng cái muỗng với cái ly có cần hòa tan không?
Khi cô quậy ly nước chanh cô có mong muối, đường, chanh, mật nó hòa không? Nhưng cô có mong cái muỗng nó mất cha nó không?

Cho nên, có những thứ nó giúp nhau nó phải hòa tan mới làm được chuyện. Nhưng có những thứ giúp nhau mà không cần hòa tan, và không nên hòa tan. Như nãy tôi nói hoài ly nước chanh đó. Tôi uống hay bỏ tí muối, muối chanh mật nước, hoặc muối chanh đường thì mấy cái này nó phải hòa nhưng cái ly cái muỗng thì không, hai thằng đó phải độc lập. Trong trường hợp đó, muối, chanh, đường, mật, nước phải giúp nhau bằng tương ưng duyên. Riêng cái muỗng, cái ly phải giúp bằng cách Bất tương ưng duyên.

Y chỉ = phải làm điểm tựa = Tôi bị liệt, tôi đi không nổi, kêu ông bạn qua dắt tôi đi toilet.
Hiện hữu = cùng có mặt nhưng mỗi đứa một nơi = Tôi bệnh, nhờ ông bạn tối qua ngủ dùm.
Các duyên hoàn toàn có thể gặp nhau.

Người ta kể như vậy, nhưng có những thứ một lúc nó làm một nùi.

Thí dụ, giờ tôi nói huỵch toẹt luôn: Khi tôi nhờ cha Lộc qua giúp tui là có Cảnh duyên. Tôi thấy chả lên giúp. Rồi có tiền sanh duyên, có hậu sanh duyên. Mình thấy tiền – hậu khác nhau thiệt nhưng mà có cái này mới có cái kia, vì cái này sẽ có nên mới có cái này, vì cái này đã có nên có cái này. Rồi có vật thực duyên. Có Quả duyên, Nghiệp duyên, Nhân duyên,… nó quất cho một ghe. Có chứ. Nhưng kể ra giống như nó khác vậy đó.
Giờ người mẹ giúp con bằng nhiều duyên đúng không? Mẫu tử duyên, tiền bạc duyên, sức khỏe duyên, thời gian duyên,… có đúng không? Đâu phải mẹ đẻ ra mình mẹ giúp mình, đâu có. Lỡ khi bà mẹ bị liệt bả đâu giúp. Cho nên, mẹ muốn giúp con là mẹ phải có rất nhiều duyên. Và đặc biệt, mẹ phải tốn tiền bạc duyên nữa.

↑ trở lên

Dị Thời Nghiệp

Tiếp theo là Hậu – giúp bằng cách có mặt sau.

Cảnh duyên: Thứ nhứt, anh là ai mà anh biết cảnh đó. Thứ hai, vì anh biết cảnh đó, mai mốt anh là ai, mai này anh sẽ là người như thế nào.
 Vì anh đã là người như thế nào nên anh quan tâm cái này.
 Vì anh quan tâm cái này mai mốt anh sẽ là người như thế nào.

Dị thời = Nghiệp thiện ác. Nghiệp thiện ác rất quan trọng, vì không có nghiệp thiện ác thì hôm nay đâu có nam, nữ. Đúng không? Tại sao có người ở Châu Phi, người ở Thụy Sỹ, người ở Châu Úc, có phải do Nghiệp không?

Hồi nãy tôi nói Nhân – Quả có 2: Nhân – Quả báo ứng (Vipāka) & Nhân – Quả kỹ thuật (Hetu-Phala).
Nhân Quả kỹ thuật = Nhân ở đâu, Quả ở đó.
Nhân – Quả báo ứng = Có trước, có sau, tiếng Hán kêu là Dị thời.

Như vậy, Nhân Quả có 2:
Nhân Quả dị thục = Nhân – Quả gắn liền nhau;
Nhân Quả báo ứng = Nhân một đường, Quả một đường. Cách đây 1000 kiếp tôi cúng dường cho một vị Phật cho nên, giờ tôi giàu. Cách 1000 kiếp tôi nguyền rủa thánh nhân cho nên tôi bị bệnh, bị xấu, bị chết yếu. Đó là Dị thời.
Nhân Quả kỹ thuật = Đấm tay vô tường, đau tay, đau liền tại chỗ, không phải “dấu răng tháng chạp, vết bầm tháng hai”.
Dị thục = Vipāka, thục là chín.

Như vậy, 24 duyên, gom gọn còn có:

1. Thường cận y = Thói quen

2. Tiền sanh

3. Hậu sanh

4. Vật thực : Vật thực cho tâm lý và sinh lý. Lớn chuyện nha. Thấy 2 đứa bé, một đứa ăn rồi chơi game hoài, là tinh thần của nó ăn toàn đồ độc không. Tinh thần nó bắn chéo chéo = Tinh thần đang ăn mì gói. Trong khi một đứa học bài, ra tập thể thao, bơi lội là nó khác. Có đúng không? Cho nên, tinh thần quan trọng lắm. Thực = Thực phẩm cho thân & tâm.

5. Dị thời Nghiệp = nghiệp thiện ác.

6. Cảnh duyên

7. Vô Gián là một lực đẩy rất quan trọng, có nhiều thứ ở đời nó chỉ cần nó có gián đoạn là nó không còn lực mạnh nữa. Mấy nay tôi băn khoăn là lớp này tôi e giảng thì hiểu mà giấc về lâu quá không tiếp xúc bài vở, quên. Cho nên, Vô Gián quan trọng lắm. Nghĩa là, xong lớp này về phải nhảy vô lớp gì khác học liền, chẳng hạn lớp online hoặc lớp intensive, chứ còn bị gián đoạn là… Cho nên Vô Gián rất quan trọng; Mà tình cảm nam nữ vợ chồng có cần Vô gián không? Rồi sức khỏe của mình, ăn uống cần Vô gián không?

8. Mạng quyền: Duyên này chưa có giảng.
Mạng quyền = Sức sống tiềm ẩn trong Danh & Sắc. Gồm có: Danh mạng quyền & Sắc mạng quyền.
Sắc mạng quyền = Sức sống sinh học là Sắc mạng quyền.
Danh mạng quyền = Sức sống từng sát-na tâm là tức là tâm sở Mạng quyền.
Hai cái đó được gọi là sức sống của Danh – Sắc. Không có nó Danh-Sắc sao sống? Chết ngắc!

9. Câu sanh – Duyên này cũng quan trọng.
Rất nhiều thứ trong đời sống này A với B không cùng có mặt thì coi như không thành tựu, đúng không?

Cho nên chín duyên này rất quan trọng. Vậy là 9 thứ. 24 gom gọn thành 9 duyên.

Nhưng mà trong trường hợp đặc biệt, gom gọn nữa, vòng luân hồi mình gom gọn nữa, dành cho người khả năng nhớ dở, hoặc là những người thích đơn giản thì chỉ cần gom lại có 4 duyên thôi
:
1. Cận y = Thói quen

2. Cảnh = Anh đã là ai nên anh mới quan tâm cảnh đó & Vì anh quan tâm cảnh đó, anh sẽ là người như thế nào. = Đối tượng quan tâm.

3. Nghiệp = Có 3: Nghiệp dẫn đọa (13, 14) ; Nghiệp dẫn siêu (13, 25) – Lý tưởng Nhân – Thiên; và Nghiệp dẫn giải thoát (13, 25) – Lý tưởng Niết Bàn. Lý tưởng = Intention. = Nghiệp thiện ác.

4. Hiện hữu = nghĩa rất sâu: Chính vì cái này có nên cái kia có. Chính vì cái này không nên cái kia không. Có nhớ câu đó không ta. Khoan. Còn nữa. Chỉ cần một thứ có mặt thì hàng tỷ vấn đề sẽ xuất hiện theo đó. Có đúng cái đó không ta? Chỉ cần có một cọng tóc xuất hiện trên hành tinh này là có hàng tỉ hệ lụy đi kèm theo nó, đúng không? Hiện hữu nó quan trọng chỗ đó đó. Chỉ cần có thôi.

Cho nên, đức Phật Ngài dạy thế này: Này các tỳ-kheo, giống như một miếng phân người dầu nhỏ xíu nằm trên que gõ thì cũng đáng để chán sợ. Cũng vậy, ta nói rằng, chỉ cần có một tí hiện hữu trong một thân phận, trong một cảnh giới nào đó thì ta cũng coi đó là thứ đáng để chán sợ.
Giờ hiểu không? Chỉ cần làm con vi trùng hết tuổi nó đi đâu? Nó đi vòng vòng mấy cõi, hiểu không?

Chúng sanh có 4 hạng:

1. Từ chỗ tối đi về sáng = Sanh ra trong điều kiện rất nghèo đói, bệnh hoạn nhưng mà nó lại phát triển về tâm linh để nó đắc cái là nó thơm phức luôn.
2. Từ chỗ sáng đi về tối = Sanh ra trong cảnh giới, môi trường, điều kiện perfect nhưng sống với 14.
3. Từ chỗ sáng hướng về sáng = Đẻ ra ngậm thìa bạc mà biết Phật pháp, ngồi thiền, học giáo lý - qua Thụy Sỹ đi chơi,…
4. Từ chỗ tối hướng về tối = càng ngày càng trộm cắp, phạm pháp.

Mình dòm coi mình thuộc hạng nào. Biết chứ.
Nhưng cái cao nhất của đạo Phật là gì? Dầu sanh ra ở đâu, quan trọng là về ánh sáng.
Cho nên, có câu này bằng vàng, vạch áo coi chỗ trống, xăm vô.

Ta không thể lựa chỗ sanh nhưng có thể lựa chỗ sống.

Ta không thể lựa chỗ sanh - hồi đó bà má đẻ chuồng heo, đẻ ruộng không vấn đề. Nhưng bây giờ mình có thể lựa chỗ sống. Có nhiều người ngộ lắm, má đâu tui ở đó, hồi đó ở đâu giờ ở yên đó. Có hạng người như vậy.

24 gom gọn lại 9; 9 gom gọn còn 4; Ai tự thấy mình ngu, khờ, nhớ dở nhớ 4 thôi. Nhưng, chỉ nhớ 4 mà không nhớ 21 còn lại là thiếu.

Nhà mình giàu nhưng mình sống đơn giản tốt hơn là không thèm giàu để đơn giản.

Cho nên, phải nhớ hết 24 nhưng mà khi cần ứng dụng trong đời sống, trong tu học, nhớ 4 thôi. Nhưng phải học cả 24.

Nhà phải có tài khoản vài tỷ sống đơn giản. Chứ giờ đi bán vé số sư nói sống đơn giản ăn rau luộc.
Tôi nhớ Việt Nam có câu:

Ái tình bỗng hóa cơn đau,
khi mơ mộng gặp cọng rau mỗi ngày.

Xưa yêu nhau mơ một túp lều tranh hai trái tim vàng. Nhưng tới hồi về mới thấy ngày nào có 1 món nhìn nó ớn. Cho nên là vậy.

Phải học rộng, phải đủ, phải dư rồi bỏ. Bồ Tát là vậy.
- Bồ Tát bố thí rất rộng, nhưng khi có quả lành bố thí thì Ngài vất đi.
- Bồ Tát gieo duyên hảo tướng, nhưng khi có hảo tướng thì Ngài coi thường hảo tướng.
- Bồ Tát gieo duyên quyền lực, nhưng khi có quyền lực Bồ Tát lại coi thường.

Có 2 nhân tạo ra quyền lực các vị biết không?
(1) Tánh tùy hỷ với người đang được sống trong nhân lành, quả lành.
(2) Phước cung kính với người hơn mình.

Bồ Tát cái gì Bồ Tát cũng tu hết. Cái gì 25 là làm ráo hết. nhưng khi quả 25 tới là ổng không thèm. Bồ Tát tránh 14, tu 25 nhưng trước 6 trần như ý Bồ Tát coi nhẹ. Khi coi thường 6 trần như ý thì trước 6 trần bất toại rất vững. Nó hay vậy đó.

Còn mình thì sao? Khoái tạo 14. Khoái hưởng quả 25. Thế là khi gặp quả 14, là nổi điên lên.

Bồ Tát – khi coi thường quả lành thì quả xấu đến tỉnh bơ.
Còn mình – Khoái quả lành là đã bậy rồi, còn khoái luôn 14 mới ghê. Chứ thật ra theo trong kinh, thích 14 là bậy 1. Khoái quả lành là bậy 2.

Bồ Tát chán 14, mà chán luôn Quả 25. Chỉ tu 25 vì Bồ Tát chọn cái 3 – Lý tưởng Niết Bàn.

↑ trở lên

← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com