www.giacnguyen.com

THẤT TỊNH


Pháp môn Tuệ quán chính là công phu trau dồi Chánh Niệm trên 4 đề mục Thân, Thọ, Tâm, Pháp, tức Tứ Niệm Xứ. Một cách tối thiểu, hành giả tu Tuệ quán phải biết sơ qua các vấn đề sau đây: Thất Tịnh, Tam Tướng (3 pháp Ấn), 3 Pháp Tùy Quán, 10 trí Tuệ quán, 3 Giải Thoát môn. Những vấn đề này được trình bày vắn tắt trong Thất Tịnh sau đây.


Thất Tịnh gồm 7 pháp thanh lọc nội tâm phàm phu để họ trở thành thánh nhân. 7 pháp Thanh Tịnh này thật ra chỉ là cách trình bày rộng rãi của Tam Học mà thôi.


  1. Giới Tịnh
  2. Tâm Tịnh
  3. Kiến Tịnh
  4. Đoạn Nghi Tịnh
  5. Đạo Phi Đao Tri Kiến Tịnh
  6. Đạo Lộ Tri Kiến Tịnh
  7. Tri Kiến Tịnh


A. GIỚI TỊNH
(sīlavisuddhi)


Gồm 2 loại giới luật của hàng xuất gia và tại gia. Nếu hạng nào giữ tròn giới hạnh hạng nấy thì việc tu tập Chỉ Quán nói chung mới có thể tiến bộ. Giới tịnh có công năng làm sạch Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp, dĩ nhiên còn là một phần Ý Nghiệp.


B. TÂM TỊNH
(cittavisuddhi)


Ở đây là 3 Chi Đạo Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Nói ngắn gọn thì Tâm tịnh chính là Định Học, gồm Sát-na Định (khaṇikasamādhi, sự định tâm trong từng phút), Cận Định (upacārasamādhi, thời điểm sắp chứng Kiên cố định) và Kiên cố định (appanāsamādhi, từ Sơ thiền trở lên). Các loại Định này được gọi là Tâm tịnh vì có khả năng đè nén 5 Triền Cái.


C. KIẾN TỊNH
(diṭṭhivisuddhi)


Là khả năng thanh lọc tri kiến bằng sự hiểu biết căn bản về Danh Sắc (cũng là 5 Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới) qua các khía cạnh thực tính: Bản tướng (lakkhana), chức năng (rasa), điểm đặc trưng (paccupaṭṭhāna) và yếu tố cần thiết (padaṭṭhāna). Nói theo 10 trí Tuệ quán thì Kiến tịnh chính là Danh Sắc Phân Biệt Trí (nāmarūpaparicchedañāṇa).


D. ĐOẠN NGHI TỊNH
(kaṅkhāvitaraṇavisuddhi)


Là khả năng hiểu biết về 12 Duyên Sinh, 24 Duyên Hệ, lộ Tâm, lộ Sắc để thấy được cái gọi là chúng sinh gồm có những gì và thế nào là sự luân hồi siêu đọa.

Nhờ những hiểu biết này, hành giả mới bỏ được những nghi hoặc về bản thân và người khác theo cách nghĩ thường tình gắn liền với ngã chấp:
- Trước kiếp này Tôi là ai, ở đâu, sống ra sao.
- Hiện giờ Tôi đang là gì trong trời đất này.
- Mai này chết đi, Tôi sẽ ra sao.

Một hành giả có hiểu biết về Phật pháp luôn hiểu rằng dầu trong quá khứ, hiện tại hay tương lai thì cái gọi là chúng sanh bất luận cỡ nào cũng đều là các uẩn sinh diệt theo tác động của Nghiệp Báo và phiền não. Hành giả luôn hiểu rằng 5 uẩn ở đâu và lúc nào cũng luôn gắn liền với Tam Tướng. Cũng nhờ những nhận thức này hành giả tránh được 2 thứ Tà Kiến là Thường Kiến và Đoạn Kiến. Nói theo 10 trí Tuệ quán thì Đoạn nghi tịnh chính là Liễu Duyên Tuệ (pariggahañāṇa). Các vị chú giải Sư nói rằng một hành giả thành tựu được Kiến tịnh và Đoạn nghi tịnh coi như đã là một vị Sơ quả tương đối, gọi theo tên Pali là Cūlasotāpanna (Tiểu Tu Đà Huờn), so với người khác thì khả năng sa đọa thấp hơn nhiều. Hai trí Tuệ quán trên đây là nền tảng quan trọng trong pháp môn Tuệ quán.


E. ĐẠO PHI ĐẠO TRI KIẾN TỊNH
(maggāmaggañāṇa dassanavisuddhi)


Tịnh pháp này chính là hai trí Thẩm Sát Tuệ (sammasanañāṇa) và Sanh Diệt Tuệ (udayabbayañāṇa) trong 10 trí Tuệ quán. Thẩm Sát Tuệ là khả năng nhìn thấy Tam Tướng trong Danh Sắc, Ngũ uẩn. Sanh Diệt Tuệ là khả năng thấy được sự sanh ra và biến mất của Chân đế.

Nói chính xác thì phải từ hai trí Tuệ quán này trở đi thì hành giả mới thấy được cái gọi là 5 uẩn Chân đế thông qua bốn khía cạnh rốt ráo:

1. Bất cứ cái gì trong đời, dầu là Danh hay Sắc, cũng đều là những khối tổng hợp (kalāpa). Không gì có thể tồn tại độc lập mà không cần đến những mối tương quan với bao thứ khác. Nhận thức này được gọi là Tích Quán (kalāpasammasana).
2. Cái gì ở đời cũng là một giai đoạn. Hôm nay sẽ là hôm qua và ngày mai có lúc sẽ là hôm nay. Nhận thức này được gọi là Thời Quán (addhānasammasana). Bản chất của đời sống là sự trôi chảy không ngừng và mọi thứ luôn trong tình trạng Đang Trở Thành cái khác. Từ đó ba thời chỉ là một khoảnh khắc hiện tại ngắn ngủi vô cùng.
3. Cái gì ở đời cũng chỉ là những chuổi dài ghép nối trước với sau (santati). Như nói nhìn thấy, lắng nghe hay niềm vui, nỗi buồn… đều là những chuổi dài tâm lý được ghép nên bởi vô số sát-na trước sau. Nhận thức này được gọi là Liên Hợp Quán (santatisammasana).
4. Cái gì ở đời cũng chỉ tồn tại trong một sát-na. Không một đơn vị thời gian nào trong ngôn ngữ phàm phu có thể diễn tả được tốc độ sanh diệt cực kỳ mau lẹ của Danh Sắc Chân đế. Nhận thức này được gọi là Sát-Na Quán, thấy đời trong mỗi sát-na (khaṇasammasana).


F. ĐẠO LỘ TRI KIẾN TỊNH
(paṭipadāñāṇadassanavisuddhi)


Là bao gồm các trí Tuệ quán từ sau Sanh Diệt Tuệ cho đến Chuyển Tộc Tuệ.

  1. Sanh Diệt Tuệ (Udayabbhayañāṇa): Là giai đoạn trí Tuệ quán thấy ra được Tam Tướng trong Danh Sắc mà không vay mượn những cái biết từ việc đọc hay nghe người khác.

  2. Biến Diệt Tuệ (Bhaṅgañāṇa): Ở đây hành giả thấy được sự sanh diệt của Danh Sắc với một tốc độ mà xưa giờ chưa từng ngờ đến. Không ai có thể thấy được từng sát-na Danh Sắc sanh diệt thế nào, nên ở giai đoạn này cái mà hành giả thấy được tuy nói là sự sanh diệt nhưng hình ảnh nổi bật vẫn là cái diệt nhiều hơn sanh. Trong khi ở Sanh Diệt Tuệ thì sự sanh và diệt cơ hồ như giống nhau. Ở đây hành giả nhìn về Danh hay Sắc thì hầu như chỉ thấy khía cạnh biến mất của từng thứ. Đó là lý do trí này được gọi là Biến Diệt Tuệ.

  3. Kinh Úy Tuệ (Bhayañāṇa): Khi chỉ còn thấy sự biến mất của Danh Sắc, tâm trạng lớn nhất của hành giả lúc này là sự kinh cảm không thể diễn tả được. Hành giả thấy mình đang chết trong từng giây và nhìn ra toàn bộ thế giới cái gì cũng đang sụp đổ. Đây là cái thấy của trí tuệ như thật không phải sự tưởng tượng.

  4. Nguy Hại Tuệ (ādīnavañāṇa): Ở đây hành giả trực nhận ra bản chất của Danh Sắc không phải là những gì tốt đẹp như phàm nhân vẫn nghĩ. Đẹp xấu, buồn vui chỉ là ảo giác, những khái niệm kiên cố lâu bền đều là không thật, mọi thứ sanh ra chỉ để diệt đi.

  5. Yếm Ố Tuệ (nibbidāñāṇa): Đến đây thì sự kinh hoàng đã lắng xuống và thay vào đó là sự nhàm chán với mọi sự, kể cả chuyện tu tập công đức. Với hành giả lúc này thứ gì cũng là của giả. Thậm chí có người cũng vì tâm trạng này mà từ bỏ công phu Tuệ quán.

  6. Dục Thoát Tuệ (muñcitukamyatāñāṇa): Tuệ này là tâm trạng muốn vượt thoát Danh Sắc. Hành giả thấy mình như một người tù đang bị giam nhốt hay một con thú đang bị vướng bẫy.

  7. Quán Sát Tuệ (patisankhāñāṇa): Ngay sau lúc muốn vượt thoát Danh Sắc, hành giả hiểu ra rằng không có một con đường nào để thoát khỏi Danh Sắc ngoài việc tiếp tục nhìn ngắm nó sanh diệt cho đến bao giờ dứt sạch phiền não mới thôi.
    Nhằm minh họa các Tuệ vừa kể trên, trong Kinh có cho ta bức tranh về một người nông dân đi đánh cá bằng nôm. Anh này bước xuống ruộng và dùng nôm chụp xuống những chỗ nghi là có cá và sau cùng đã tìm thấy một chỗ bắt mắt nhất. Khi chiếc nôm được chụp xuống, anh nông dân thò tay vào trong và nắm lấy con cá đem ra ngoài. Anh ta bỗng dưng hết hồn vì cái cầm được trong tay không phải là cá mà là một con rắn độc với những vằn khoan trên mình và một cái đầu tam giác.
    Những chi tiết đó không hề hấp dẫn như ở một con cá và lúc này điều duy nhất mà anh nông dân muốn làm là quăng bỏ con rắn thật xa, càng nhanh càng tốt. Có điều là việc liệng bỏ con rắn độc không đơn giản như đối với một con cá, anh nông dân phải nắm chặt nó và lựa chiều mà vung tay để nó không thể quay đầu cắn mình. Chính khía cạnh muốn bỏ nó phải dựa vào nó là tượng trưng cho Quan Sát Tuệ. Từng thời điểm tâm trạng trước đó của anh nông dân cứ theo thứ lớp mà tượng trưng cho các tuệ Kinh Úy, Yếm Ố, Nguy Hại và Dục Thoát.

  8. Hành Xả Tuệ (sankhārupekkhāñāṇa): Với trí tuệ ở giai đoạn này hành giả có cảm giác giống hệt như anh nông dân sau khi quăng bỏ con rắn độc đi: Thanh thản, bình yên, không tiếc nuối. Hoặc giống như một người nam hay nữ lúc nhìn về người vợ hay chồng cũ của mình và biết rằng tình xưa đã hết. Không thương không ghét, chỉ là một sự hờ hững mà người ngoài không sao hiểu được. Hành giả lúc này nhìn về Danh Sắc cũng bằng tâm trạng đó: Không sợ, không chán, không muốn giữ lại cũng chẵng muốn xua đi, đại khái sao cũng được. Nói vậy có nghĩa là sự chán ghét hay sợ hãi đối với Danh Sắc vẫn là một thứ tâm trạng bồng bột ở giai đoạn chưa thuần thục, chín muồi. Bởi đó còn là những tâm trạng lệ thuộc tình cảm. Riêng với thứ Tuệ quán già dặn thì mọi thứ nằm ngoài những ghét thương. Ta đừng quên khoảng cách từ ghét sợ qua thương thích luôn gần hơn là từ sự hờ hững qua thương thích.

  9. Thuận Thứ Tuệ (anulomañāṇa): Với hành giả có đủ túc duyên (Ba la mật), sau Hành Xả Tuệ sẽ là Thuận Thứ Trí. Trong A-tỳ-đàm thì trí này chỉ diễn ra trong một sát-na và đối tượng của nó không còn là cảnh Danh Sắc nữa, mà là Níp-bàn.
    Trong kinh có cho ta một ví dụ. Ngày xưa những người đi biển thường mang theo vài con chim để nuôi trên tàu trong các chuyến hải hành. Khi đã xa bờ quá lâu ngày, muốn biết hướng nào có đất liền thì người ta chỉ việc thả đi một con chim. Nếu thấy được bờ ở hướng nào, chim sẽ bay về đó và không trở lại tàu nữa. Nếu không thấy được đất liền thì chim sẽ quay về tàu. Người ít duyên khi đến Hành Xả Tuệ thì tâm cứ quẩn quanh cảnh Danh Sắc. Trong trường hợp đủ duyên đắc thánh trí, thì tâm hành giả sẽ rời cảnh Danh Sắc mà hướng về Níp-bàn. Ta có thể hình dung tiến trình này qua các tâm lộ đắc đạo của người độn căn (mandapaññā) và của người lợi căn (tikkhapaññā). Nói theo tạng Kinh thì Thuận Thứ Tuệ gồm 3 giai đoạn: Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ, tức 3 sát-na tâm. Nói theo A-tỳ-đàm thì chỉ là một thứ tâm mà thôi.

  10. Chuyển Tộc Tuệ (gotrabhūñāṇa): Vẫn là phàm trí lấy Níp-bàn làm đối tượng chớ không phải cảnh Danh Sắc. Chính Trí này có chức năng chấm dứt chủng tử phàm phu.

  11. Thánh Tuệ (ariyañāṇa): Gồm sát-na thánh đạo (maggañāṇa) và sát-na thánh quả (phalañāṇa).

    Thánh đạo ở đây chỉ là một sát-na nhưng cùng lúc làm đủ bốn việc:

    1. Nhận ra Khổ đế
    2. Chấm dứt Tập đế
    3. Chứng ngộ Diệt đế
    4. Thành mãn Đạo đế.

    Ngay sau thánh đạo là thánh quả, không có thời gian xen kẻ. Đây là lý do Kinh gọi thánh trí là akālika (hiệu quả tức thì, vượt ngoài thời gian, giữa Đạo và Quả không có gián đoạn). Vô lượng kiếp sanh tử được kết thúc trong khoảnh khoắc.

  12. Phản Khán Tuệ (paccavekkhaṇañāṇa): Sau lộ đắc đạo chỉ vài tâm Hữu phần thì 5 tâm lộ phản khán sau đây sẽ tự nhiên xuất hiện theo thứ lớp:

    1. Lộ tâm Phản Khán Đạo (nhìn lại tâm thánh đạo vừa chứng)
    2. Phản Khán thánh quả
    3. Phản Khán Níp-bàn
    4. Phản Khán phiền não đã diệt
    5. Phản Khán phiền não còn dư sót.

    Ở trường hợp người chứng Tứ quả thì không có lộ Phản Khán thứ năm này.
    Như vậy khi kể trí Tuệ quán có 16 là kể hai Tuệ trù bị, gồm Danh Sắc Tuệ và Liễu Duyên Tuệ, tiếp theo là 10 trí Tuệ quán căn bản và bốn trí Tuệ quán phản xạ (tự có, không do can thiệp) là từ Tuệ Chuyển Tộc đến Tuệ Phản Khán.


G. TRI KIẾN TỊNH
(ñāṇadassanavisuddhi)


Ở đây chỉ cho các tâm thánh đạo vì mỗi tầng thánh gột rửa ít nhiều phiền não đến tầng cao nhất thì tất cả phiền não đều được đoạn trừ.

Nói chi tiết thì có tám hạng thánh nhân, nhưng trong thực tế thì chỉ có bốn tầng thánh quả. Vì mỗi tầng thánh đạo chỉ diễn ra trong một sát-na mà thôi.

  1. Thánh Sơ Quả (sotāpanna): Còn gọi là thánh Dự Lưu, Tu Đà Huờn hay Thất Lai là người đã dứt trừ được 3 phiền não Thân Kiến, Hoài Nghi, Giới Cấm Thủ. Từ sau lúc đắc quả, khi nào muốn an hưởng quả vị Níp-bàn thì vị thánh Sơ quả chỉ cần nhập vào Quả Định bằng cách quán sát Danh Sắc theo cách của người tu Tuệ quán rồi sau đó lộ Quả Định xuất hiện kéo dài trong nhiều giờ hay một tuần lễ. Trong suốt thời gian này vị thánh Dự Lưu chỉ sống có một loại tâm duy nhất là tâm Sơ quả.
    Có 3 trường hợp Sơ quả:

    1. Thất Trùng Sinh Dự Lưu (sattakkhattuparamasotāpanna): Tái sanh đây đó bảy kiếp ở cõi Dục giới rồi mới chứng A-la-hán.
    2. Gia Gia Dự Lưu (kolaṅkolasotāpanna): Chứng quả A-la-hán trong khoảng thời gian từ kiếp thứ hai cho đến kiếp thứ sáu.
    3. Nhất Chủng Dự Lưu (ekabījisotāpanna): Chứng A-la-hán ở kiếp thứ hai sau đời này.


  2. Thánh Nhị Quả (sakadāgāmi): Còn gọi là Tư Đà Hàm tức bậc Nhất Lai. Là tầng thánh thứ hai giảm nhẹ được Dục Ái và Sân, dĩ nhiên kể cả Si. Bậc thánh này chỉ có thể trở lại cõi Dục giới một lần trước khi chứng quả Níp-bàn.
    Có sáu trường hợp Nhất Lai:

    1. Chứng Nhất Lai ở cõi người, rồi cũng chứng A-la-hán ở cõi người.
    2. Chứng Nhất Lai ở cõi người và chứng A-lahán ở cõi trời.
    3. Chứng Nhất Lai ở cõi trời, rồi cũng chứng Ala- hán ở cõi trời.
    4. Chứng Nhất Lai ở cõi trời và chứng A-la-hán ở cõi người.
    5. Chứng Nhất Lai ở cõi người, sau đó sanh về trời rồi sanh lại cõi người mới chứng A-la-hán.
    6. Chứng Nhất Lai ở cõi trời, sanh lại cõi người, rồi trở về trời chứng A-la-hán.


  3. Thánh Tam Quả (anāgāmi): Còn gọi là Bất Lai hay A-na-hàm, là vị đã chấm dứt năm hạ phần kiết sử và không còn trở lại cõi Dục giới nữa. Vị thánh Bất Lai và A-la-hán có hai cơ hội để an hưởng quả vị Níp-bàn ngay khi còn sống đó là an trú Quả Định và nếu đã chứng thiền Vô sắc thì còn có thể nhập thiền Diệt Thọ Tưởng Định.
    Có năm hạng A-na-hàm:

    1. Chứng A-la-hán ở nửa trước (tiền bán) tuổi thọ trên cõi Tịnh Cư.
    2. Chứng A-la-hán ở nửa sau (hậu bán) tuổi thọ trên cõi Tịnh Cư.
    3. Chứng A-la-hán một cách khó khăn.
    4. Chứng A-la-hán một cách dễ dàng.
    5. Chứng A-la-hán sau khi đã sanh đủ 5 cõi Tịnh Cư.


  4. Thánh Tứ Quả (arahanta): Còn gọi là A-la-hán. Là vị đã chấm dứt tất cả phiền não, không còn gì phải làm thêm trong đạo nghiệp giải thoát nên cũng gọi là thánh Vô Học. Trong khi 3 tầng thánh thấp vẫn còn là tầng Hữu Học. Tất cả chư Phật Toàn Giác, Độc Giác và A-la-hán Thinh Văn Giác đều là những vị thánh Tứ quả giống nhau trên phương diện chấm dứt phiền não và chứng ngộ Níp-bàn. Nhưng do phước duyên mỗi cá nhân khác nhau nên bên cạnh những điểm đồng vừa nói vẫn có những điểm dị biệt giữa các vị:

    1. Có những vị A-la-hán không từng tu qua thiền Chỉ tịnh nên bên cạnh việc hết sạch phiền não không có thêm khả năng gì đặc biệt. Các vị được gọi là A-la-hán Tuệ Giải Thoát.
    2. Có những vị A-la-hán chứng đắc các tầng thiền Đáo đại trước hoặc sau khi chứng quả A-la-hán thì được gọi là Câu Phần Giải Thoát.
    3. Có những vị A-la-hán tu trọn cả Chỉ Quán nhưng ngoài trí Tứ quả chỉ có thêm 2 khả năng Túc Mạng Minh và Sanh Tử Minh. Các vị này được gọi là A-la-hán Tam Minh.
    4. A-la-hán Lục Thông là những vị A-la-hán có thể sử dụng cả ngũ Thông.
    5. A-la-hán Vô Ngại Giải là những vị A-la-hán có được 4 trí phân tích về Văn, Từ, Nghĩa Lý Phật ngôn và khả năng ứng đối (Nghĩa vô ngại giải, Pháp vô ngại giải, Từ vô ngại giải và Biện vô ngại giải).
    6. Vị A-la-hán nào cũng chấm dứt tất cả phiền não và sanh tử như nhau nhưng nói về ba khía cạnh phước báu, đức lành và trí tuệ thì hàng Thinh Văn không bì được với Phật Độc Giác và Phật Độc Giác không sao sánh được với vị Chánh Đẳng Giác.


Trích Giáo lý A TỲ ĐÀM (1) - Sư Giác Nguyên - tr 258



Hình sơ đồ - Bản Giải Siêu Lý Tiểu Học - TL Tịnh Sự - tr 90

www.giacnguyen.com