Tâm Sở nghĩa là những pháp hợp với tâm và thuộc về sở hữu của tâm. Katame dhammā cetasikā: Vedanākkhandho saññākkhandho saṅkhārakkhandho, ime dhammā cetasikā. Chư pháp tâm sở trong khi có ra sao? Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Những chơn tướng này gọi là chư pháp tâm sở. (Dhs.768) Ekuppādanirodhā ca, ekālambaṇavatthukā. Cetoyuttā dvipaññāsa, dhammā cetasikā matā. Nên biết rằng có 52 tâm sở kết hợp với tâm, chúng cùng sanh, cùng diệt, bắt cùng một cảnh và nương cùng một vật với tâm. Tâm sở (cetasika) là một trong những nhân trợ cho tâm sanh, chúng luôn tùy thuộc, nương vào tâm (cittanissitalakkhaṇaṃ). Chúng chi phối, tác động tâm thành bất thiện, thiện hay vô ký khi chúng sinh khởi và chúng là những pháp thuộc về sở hữu của ‘tâm’. Có những câu Pāḷi chú giải như vầy: Cetasi bhavaṃ = cetasikaṃ: Câu sanh với tâm (trong thuộc quyền sở hữu) gọi là ‘tâm sở’. Cetasi niyuttaṃ = cetasikaṃ: Hợp với tâm khắn khít, nên gọi là ‘tâm sở’. Avippayogavasena cetasi niyuttāti = cetasikā: Luôn luôn hợp với tâm bằng mãnh lực không lìa hay rời nhau, nên gọi là ‘tâm sở’. Theo ‘bốn nhân trợ sanh tâm’ thì tâm sở là một trong bốn nhân: 1. nghiệp quá khứ (atītakammaṃ), 2. tâm sở (cetasika), 3. cảnh (ārammaṇa) và 4. vật (vatthu) làm nhân (hetu), làm duyên (paccaya) trợ cho tâm sanh. * Tất cả tâm sở đều có bốn ý nghĩa chung như sau: 1. Trạng thái là nương đỗ tâm (cittanissatalakkhaṇaṃ). 2. Phận sự là sanh ra không lìa tâm (aviyoguppādanarasaṃ). 3. Thành tựu là biết chung một cảnh với tâm (ekārammaṇapaccupaṭṭhānaṃ). 4. Nhân cận là phải có tâm sanh (cittuppādapadaṭṭhānaṃ). Pháp thực tính của tâm sở có 52 pháp luôn phối hợp với tâm. Mỗi tâm sở đều có bốn đặc điểm như sau: 1. tâm sở đồng sanh (ekuppāda) với tâm. 2. tâm sở đồng diệt (ekanirodha) với tâm. 3. tâm sở bắt cùng cảnh (ekārammaṇa) mà tâm bắt. 4. tâm sở nương cùng một vật (ekavatthuka) với tâm. Trong cả bốn đặc điểm này, ba đặc điểm đồng sanh, đồng diệt, cùng cảnh, hiện bày với sở hữu nhất định. Còn đặc điểm thứ tư là ‘nương cùng một vật’ không phải là đặc điểm nhất định. Những tâm sở này khi sanh trong cõi Ngũ uẩn thì cần phải nương vật sanh, nhưng nếu sanh trong cõi Tứ uẩn thì không cần thiết phải nương vật đặng sanh. Để nhận rõ tam tướng của pháp hữu vi (bị tạo), bậc tu tiến phải thấy biết theo những trạng thái thực tính của từng pháp hữu vi (danh và sắc) trong giai đoạn tu tiến quán minh sát (vipassana), bằng cách này hay cách khác, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai. Trước tiên vị ấy cần hiểu những trạng thái riêng của từng pháp hữu vi qua từ ngữ theo lời dạy của Đức Phật trong Tam tạng Pāḷi (Tipitaka Pāḷi), chú giải (aṭṭhakathā) hay sớ giải (tīkā). Tiếp theo phần tâm (citta), tâm sở (cetasika) là những pháp có 4 đặc điểm đồng với tâm, cũng cần được thấy biết rõ bằng tuệ quán. Tất cả 52 tâm sở được phân thành 3 nhóm, gọi là “rāsī”, như sau: “Aññasamānarāsīcetasika – nhóm sở hữu tợ tha” có 13 tâm sở. “Akusalarāsīcetasika – nhóm sở hữu bất thiện” có 14 tâm sở. “Sobhaṇarāsīcetasika – nhóm sở hữu tịnh hảo” có 25 tâm sở. Hay còn gọi là 13 tâm sở tợ tha, 14 tâm sở bất thiện và 25 tâm sở tịnh hảo. Phân Loại Tâm Sở I. Tâm Sở Tợ tha (Aññasamāna cetasika) (13): (A) Biến hành tất cả tâm - (Sabba citta sādhāraṇa) (7) (B) Biệt cảnh - (Pakiṇṇaka) (6) II. Tâm Sở Bất thiện (Akusala cetasika) (14): (A) Si-phần - (Mohacatukka) (4) (B) Tham-phần - (Lobha) (3) (C) Sân-phần - (Dosa catuka) (4) (D) Hôn-phần (2) (E) Hoài nghi (1) III. Tâm Sở Tịnh hảo (Sobhaṇa cetasika) (25): (A) Tịnh hảo biến hành (Sobhaṇa sādhāraṇa) (19) (B) Giới phần (Virati) (3) (C) Vô lượng phần (Appamaññā) (2) (D) Trí quyền (Paññindriya) (1) |
Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự