giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Dục ← Si → Vô tàm



Si (moha)

Si (moha) là sự tăm tối, mù quáng, không hiểu biết điều đáng hiểu biết. Tâm sở si có tướng trạng là sự mù quáng của tâm (cittassaandhabhāvalakkhaṇo) hay không hiểu biết (aññāṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là che đậy bản thể thật của cảnh (ārammaṇasabhāvacchādanaraso), có biểu hiện là hành không chân chánh (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno). Si tâm sở chính là căn si (mohamūla).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Si (moha): Là sự mê muội, bất thông đối với bản chất của đối tượng.

Nói một cách chuyên môn thì si ở đây là sự u mê không hiểu được bốn khía cạnh
  1. Vô Thường (anicca),
  2. Khổ (dukkha),
  3. Vô Ngã (anatta) và
  4. Bất Mỹ (asubha).
Do không thấy được tốc độ sanh diệt chớp nhoáng của Danh Sắc (nāma, rūpa) nên ta mới có những quan niệm Thường (nicca), Lạc (sukha), Ngã (atta) và Đẹp (subha).

Nói bằng ngôn ngữ hiện đại, tâm sở Si giống như người đạo diễn điện ảnh: Ông ta khiến người khác vui, buồn, thương, ghét ngay trên những thứ hoàn toàn giả tạo.

Tâm sở Si là thành tố chủ đạo cho các tâm bất thiện, cùng với Vô Tàm và Vô Úy làm thành ba tâm sở Bất Thiện Biến Hành (akusalasādhāraṇa) xuất hiện trong các tâm bất thiện.

Trong trường hợp đặc biệt, tâm sở Si được định nghĩa là sự Vô Minh (avijjā) trong Tứ Diệu Đế (cattārāriyasaccani).

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Si (moha): (bắt nguồn từ căn muh: Mê mờ)

Si (moha) là sự tối tăm, mờ ám, không chịu lý đáng biết, không biết, không thấy, chẳng hiểu thấu, không biết bản thể thật tướng của cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Ārammaṇe muyhatīti = moho: Mê mẩn, mê mờ trong cảnh gọi là si.

Tất cả chúng sanh hữu tưởng và vô tưởng được tạo bởi danh pháp (nāma) và sắc pháp (rūpa) là những pháp tồn tại với bốn tướng phổ thông là vô thường (aniccā), khổ (dukkhā), vô ngã (anattā), bất tịnh (asubha).

Vì si che chắn pháp nhãn của chúng ta và ngăn che chúng ta khỏi sự thấy biết bản thể thực tính của các pháp, chúng ta không thể thấy sự sanh diệt vô cùng nhanh và không ngưng nghỉ của danh (nāma) sắc (rūpa) và bốn tướng phổ thông đã đề cập phía trên. Khi không thể thấy bản thể thực tướng của các pháp, chúng ta bị lúng túng cho những tướng đối lập là thật tướng; do đó, chúng ta thấy các pháp là thường (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha).

Si là nguyên do của sự nhận định sai hay tà kiến này dẫn đến một chuỗi những quả không mong muốn bao gồm khổ và sự khổ sanh nối tiếp liên tục.

Vì thế, si như người đạo diễn của một bộ phim đạo diễn tất cả nhưng chúng ta không hề nhận thức được; như chúng ta không thể thấy người đạo diễn trên màn hình chiếu phim. Si quả thực là căn nguyên của tất cả điều xấu xa và khổ trong thế gian.

Si là pháp dẫn đầu của tất cả tâm sở tâm (cetasika) bất thiện. Si và 3 pháp còn lại trong si-phần (vô tàm-ahiri, vô úy-anottappa và điệu cử-uddhacca) phối hợp với tất cả tâm bất thiện; do đó, chúng được gọi là bất thiện biến hành (akusala sādhārana).

Vì si tương phản với sự sáng suốt hay trí nên được gọi là ‘avijjā’ (vô minh). Si làm vẩn đục sự hiểu biết của chúng ta về nghiệp, quả của nghiệp và tứ Thánh đế.

Katamo tasmiṃ samaye moho hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye aññāṇaṃ adassanaṃ anabhisamayo ananubodho asambodho appaṭivedho asaṃgāhanā apariyogāhanā asamapekkhanā apaccavekkhanā apaccakkhakammaṃ1 dummejjhaṃ bālyaṃ asampajaññaṃ moho samoho avijjā avijjogho avijjāyogo avijjānusayo avijjāpariyuṭṭhānaṃ avijjālaṅgī moho akusalamūlaṃ, ayaṃ tasmiṃ samaye moho hoti.

Si trong khi có ra sao? Cách vô tri, sự bất kiến, chẳng hiểu thấu, không chịu lý đáng biết, chẳng hiểu theo chơn chánh, không thấu đáo, không cần dùng theo đúng đắn, không công nhận lối đầy đủ, chẳng phán đoán, chẳng suy xét, không chịu làm cho minh hiển, tệ hèn, ngây ngô, khờ khạo, không biết chi, sự mê mờ, sự say mê, sự mê hoặc, cũng là vô minh, vô minh bộc, vô minh phối hợp, vô minh tùy miên, vô minh chi phối, vô minh là chốt gài. Si cũng là căn bất thiện có trong khi nào, đây gọi là si có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở si:

- Trạng thái là trái với trí (añānalakkhāno) hay không biết cái đáng biết (andhabhavalakkhāno).
- Phận sự là che ngăn cảnh chơn thể mà nhận theo sự vật tốt xấu v.v… (Ālambasabhā-vacchādanaraso) hay là phận sự không thấu rõ chơn như bản thể (appaṭivedharaso).
- Thành tựu là mờ tối (andhakārapaccupaṭṭhāno) hay là làm cho không thể tiến hành theo pháp chơn chánh sáng suốt (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno).
- Nhân cận là tác ý không khéo (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno) tức là tâm khai ý môn xoay chiều hướng cho tâm bất thiện sanh. Nó cần được xem là căn của tất cả pháp bất thiện.

Bốn tâm sở si, vô tàm, vô úy và điệu cử gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là tâm sở bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.
 


 

Dục ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Vô tàm

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com