giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Vô tàm ← Vô uý → Phóng dật



Vô uý (anottappa)

Vô uý (anottappa) là không sợ hãi, không kinh cảm, không e ngại. Tâm sở vô uý có tướng trạng là không sợ điều ác (pāpato anuttāsanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm điều ác hạnh (duccaritakaraṇarasaṃ), có biểu hiện là không ngần ngại làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không trọng người khác (paramagāravapadaṭṭhānaṃ).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Vô Úy (anottappa): Là sự không e sợ đối với ác nghiệp, giống như con thiêu thân đối với ngọn lửa. Vô Tàm và Vô Úy được xem là sản phẩm của tâm sở Si, dù cả ba luôn đi chung nhau.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Vô Úy (anottappa): (Na + ava + căn tap: Bứt rứt)

Vô úy là không có sự ghê sợ, cách không sợ hãi, khiến một chúng sanh không sợ hãi trong việc phạm vào những hành vi, lời nói và ý nghĩ bất thiện, là không tôn trọng ân đức của tha nhân (người khác).

Có Pāḷi chú giải như vầy: Na ottappatīti = anottappaṃ: Chẳng sợ sệt (với sự làm dữ) gọi là vô úy.

Trong bộ Nhân Chế Định (Puggala paññatti) (câu 62) có nêu:

“Người vô úy ra sao? Điều kiện vô úy ra sao? Sự vật lẽ thường đáng ghê sợ mà không ghê sợ cho đến dẫy đầy tội ác, như thế gọi là điều kiện vô úy. Kẻ đã hiệp với sự vô úy gọi là người vô úy”.

Không ghê sợ trước pháp đáng ghê sợ, không sợ hãi trước ác, bất thiện pháp. Đây gọi là vô úy.

Vô úy (anottappa) được ví như một loài bướm bị lửa thiêu đốt. Những con bướm đêm này không nhận thức hay lường trước được những hậu quả, bị thu hút bởi ánh lửa và lao vào ánh lửa. Cũng như thế, vô úy không nhận thức được những hậu quả, bị thu hút bởi những ác, bất thiện pháp và lao vào những ác nghiệp.

Vô úy được đề cập trong Tăng Chi bộ kinh (Aṅguttara Nikāya) (II. 6): “Có hai pháp xấu ác, đó là vô tàm và vô úy v.v…” Nên lưu ý rằng, sự liều lĩnh do vô tàm (ahiri) và vô úy sanh là quả của si (moha), nó che phủ tâm và làm lòa mắt khỏi sự thấy về quả của những ác nghiệp (kamma).

Katamaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti? Yaṃ tasmiṃ samaye na ottappati ottappitabbena, na ottappati pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ samāpattiyā, idaṃ tasmiṃ samaye anottappaṃ hoti.
Vô úy trong khi có ra sao? Trạng thái không ghê sợ với hành động xấu đáng ghê sợ, thái độ không ghê sợ với những tội ác có trong khi nào thì vô úy vẫn có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở vô úy:

- Trạng thái là không ghê sợ với sự tự làm ác (anuttāsamalakkhaṇaṃ) hay là không sợ sệt với cách tự làm ác (asārajjalakkhaṇaṃ).
- Phận sự là làm việc ác (duccaritakaraṇarasaṃ).
- Thành tựu là không lui sụt với cách làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ).
- Nhân cận là thiếu sự tôn trọng ân đức người khác (tha nhân) (paraguṇa agāravapadaṭṭhānaṃ).

Tâm sở vô tàm và tâm sở vô úy dù không làm ác cũng là bất thiện.

Bốn tâm sở si, vô tàm, vô úy và điệu cử gồm lại gọi là bốn si-phần (mohatuka) tức là bọn si, cũng gọi là tâm sở bất thiện biến hành (sabbacittākusala sādhāraṇa cetasika) làm nền tảng cho những pháp bất thiện và hiệp với tất cả 12 tâm bất thiện.
 


 

Vô tàm ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Phóng dật

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com