giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tà kiến ← Mạn → Sân



Mạn (māna)

Mạn (māna) là sự kiêu ngạo, khinh khi, so bì, sánh hơn, sánh bằng, sánh thua …v.v… Tâm sở mạn có tướng trạng là sự ngạo nghễ (unnatilakkhaṇo), có nhiệm vụ là tự đề cao (sampaggaharaso), có biểu hiện là muốn khoe khoang (ketukamyatā paccupaṭṭhāno), nhân gần là tham bất tương ưng kiến (diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭhāno). Tâm sở mạn nếu có mặt, chỉ có trong 4 tâm tham ly tà kiến. Tâm sở mạn là tâm sở bất định, khi có khi không.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Mạn (māna): Cũng như Tà Kiến, Ngã Mạn là sản phẩm của si và tham. Khi Si là sự ngăn che tầm nhìn của trí tuệ, Tà Kiến là khiến người ta thấy sai và tâm sở Tham khiến người ta ưa thích trên những thứ mình ngộ nhận thì tâm sở Mạn là trạng thái tâm lý so sánh: Cái này hơn thua hay bằng cái kia.

Một cách đại khái thì có ba thứ Ngã Mạn:
1. Đồng Mạn (māna): So kè cái này bằng cái kia.
2. Ti Mạn (omāna): Sự mặc cảm tự ti, hay cho cái này thấp hơn cái kia.
3. Thượng Mạn (atimāna): Tức sự tự tôn, hay cho cái này hơn cái kia.

Ngã mạn còn được phân thành hai trường hợp là Như Thật Mạn (yathāvamāna) là khái niệm so sánh đúng với sự thật như hơn thì cho là hơn, thua thì cho là thua. Thánh Hữu Học vẫn còn thứ ngã mạn này. Trường hợp thứ hai là Hư Vọng Mạn (ayathāvamāna), tức ý niệm so sánh không đúng sự thật, như mình kém mà cứ tưởng là bằng hoặc hơn người. Thứ ngã mạn này chỉ có ở phàm phu.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Ngã Mạn (māna): (bắt nguồn từ căn mani: nghĩ ngợ)

Ngã mạn, cũng như tà kiến (diṭṭhi), là kết quả phụ (hay sản phẩm phụ) của si (moha) và tham (lobha). Si trợ sanh ra tà kiến (nhận định sai) về sự tồn tại của ‘chúng sanh’ và cho rằng chúng là thường, lạc, ngã và tịnh. Cũng thế, tham đeo bám những chúng sanh này, nhất là pháp đại diện cho chính nó.

Ngã mạn nhìn tự thân này như là ‘ta là giỏi nhất, ta biết nhiều nhất, ta không có đối thủ trong thế gian’.

Tâm sở ngã mạn là ỷ mình, đem so sánh hay cống cao.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Seyyomasmīti ādinā maññatīti = māno: Tự ỷ mình so sánh hơn người v.v… gọi là ngã mạn.

Ngã mạn có 3 nhóm ba:2
- Ỷ hơn (seyyohamasmi) (quá mạn – atimāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ hơn, 2 là bằng ỷ hơn, 3 là thua ỷ hơn.
- Ỷ bằng (sadiyohamasmi) (māna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ bằng, 2 là bằng ỷ bằng, 3 là thua ỷ bằng.
- Ỷ thua (hīnohamasmi) (tự ti, ti mạn – omāna) có 3 cách: 1 là hơn ỷ thua, 2 là bằng ỷ thua, 3 là thua ỷ thua.

Tục ngữ có câu: ‘Trèo cao té nặng’, sự kiêu căng hay ngã mạn không phải là đức tính tốt để tự hào.

Hai cách trên ỷ hơn và ỷ bằng thường hay gặp và dễ nhận. Nhưng 3 cách sau thuộc về ỷ thua thì đáng cho là chẳng có hoặc sai. Vậy xin dẫn chứng một vài trường hợp như là có cách ỷ rằng: Họ giỏi thây kệ họ, tôi dở mặc kệ tôi, giàu nghèo v.v… cũng thế, đó là thua ỷ thua. Tôi cũng vẫn như ai, nhưng ngặt thất thế hoặc lỗi thời, đó là thua ỷ bằng. Còn bằng người kia mọi phương diện mà nghĩ rằng: Tôi thua thây kệ tôi, đó là bằng ỷ thua. Hơn ỷ thua như kinh Trung Hoa nói: “Thượng thượng nhân hữu một ý trí” nghĩa là bậc xuất chúng siêu quần nhưng xét cạn chưa khỏi có phần sơ thất là phải dở, thua lại nghĩ rằng: “Hạ hạ nhân hữu, thượng thượng trí” biết đâu là thấy kẻ hèn tối tăm cũng có trí cao siêu.

Ngã mạn (māna) là một trong mười pháp triền hiện hành. Nó chỉ hoàn toàn bị đoạn tận khi bước vào dòng Thánh Arahaṃ.

Kattha katamaṃ mānasaññojanaṃ? Seyyohamasmīti māno sadisohamasmīti māno hīnohamasmīti māno, yo evarūpo māno maññatā maññitattaṃ unnati unnamo dhajo sampaggāho ketukamyatā cittassa, idaṃ vuccati mānasaññojanaṃ.
Ngã mạn triền trong khi có ra sao? Cách so sánh cho rằng ta tốt hơn họ, ta bằng họ, ta thua họ, sự so sánh, thái độ so sánh, lối so sánh, lúc nào có trạng thái như thế tức là tự nâng cao, đem mình sánh cho bằng kẻ khác, tự so đo với người, tâm cống cao, tánh cần so sánh này gọi là ngã mạn triền (mānasaññojana).

Bốn ý nghĩa của ‘ngã mạn’:
- Trạng thái là kiêu ngạo (Unnatilakkhaṇo).
- Phận sự là tự cao (Sampaggaharaso).
- Thành tựu là kỳ vọng (Ketukamyatāpaccupaṭṭhāno).
- Nhân cận là có tham bất tương ưng tà kiến (Diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭthāno).

Tham (lobha) cùng với hai pháp khác trong bọn, là tà kiến (diṭṭhi) và ngã mạn (māna) có nhiệm vụ kéo dài vòng đời hay vòng sinh tử mà thường được gọi là saṃsāra (vòng luân hồi). Trên thực tế, tham (lobha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna) được gọi chung là pháp chướng ngại (papañca dhamma).
Ba tâm sở ‘tham, tà kiến và ngã mạn’ gom chung lại gọi là tham-phần là bọn tâm sở tham, chỉ hợp trong vòng tâm tham.
 


 

Tà kiến ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Sân

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com