giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tín ← Niệm → Tàm



Niệm (sati)

Niệm (sati) tâm sở chỉ nên hiểu đơn thuần là một tính chất đẹp của tâm tịnh hảo, chưa nói đến khái niệm tu hành, vì tất cả tâm tịnh hảo đều có thuộc tánh niệm (saticetasika). Ở đây niệm tâm sở có nghĩa là nhận biết đối tượng (cảnh) một cách chính xác. Tướng trạng của niệm là tỉnh táo, không lơ là (apilāpanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là không nhầm lẫn (asammosarasā), có biểu hiện là trông chừng cảnh (ārakkhapaccupaṭṭhānā), nhân gần là sự nhớ chắc (thirasaññāpadaṭṭhānā).

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Niệm (sati): Là sự tỉnh thức không xao lãng trong lúc tâm biết cảnh. Định nghĩa rốt ráo nhất của Niệm là sự biết rõ cái gì đang xảy ra. Ngữ căn của chữ sati có nghĩa là Nhớ, và theo giáo lý A-tỳ-đàm, khi ta nhận biết được cái gì đang xảy ra thì nó đã biến diệt và trở thành quá khứ rồi. Đó là lý do chữ Niệm thường được hiểu là sự ghi nhớ, nhưng sự ghi nhớ này gắn liền với thực tại trước mắt, không phải là sự ghi nhớ theo cách hồi tưởng hay ký ức.

Sớ Giải ví dụ một loại tâm thiếu chánh niệm giống hệt trái bầu khô trôi trên nước, không có điểm dừng cố định. Niệm yếu thì nhiều lắm chỉ có thể giúp người ta ghi nhận được đầy đủ mọi sự đang xảy ra cho mình hay nhớ lại những chuyện cũ cần thiết mà thôi.

Với chánh niệm hùng hậu, ngoài khả năng tỉnh thức hiện tại, người ta còn có thể ôn lại đầy đủ những quá khứ thật xa, kể cả kiếp trước. Đối với hành giả tu Tuệ quán, chánh niệm có vai trò của một người gác cổng để kiểm soát sáu căn. Trên hành trình giác ngộ giải thoát, chánh niệm luôn là một pháp tánh cần thiết, từ Ngũ quyền đến Thất Giác Chi và cả Bát Thánh Đạo.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Niệm (sati) (bắt nguồn từ căn √sar, nhớ, biết theo)

Sati’ là ‘niệm’, lưu tâm, nhớ đặng, nhớ ghi, tỉnh táo, hay biết theo pháp đang diễn tiến. Trạng thái chính của ‘niệm’ là ‘không trôi đi’, tức là, không cho phép không hay biết pháp đang diễn tiến. Khi một người không có đủ ‘niệm’, vị ấy không nhớ những điều được thấy hay nghe; như những cái nồi và những trái bí ngô rỗng trôi đi trên dòng nước.

Có 4 câu Phật ngôn:
1 là niệm pháp tỉnh của đời,
2 là người có niệm hằng đặng tiến hoá,
3 là người có niệm được hưởng an vui,
4 là người có niệm thời hằng ngày đặc biệt.

Với ‘niệm – sati’, chúng sanh có thể nhớ lại những sự kiện ở quá khứ. Niệm (sati) có thể được tu tập, phát triển. Khi ‘niệm’ được phát triển cao độ, vị ấy đạt được sức mạnh nhớ về những kiếp quá khứ. Do đó, niệm (sati) có phận sự nhớ.

Đức Phật nhắc nhở các đệ tử mỗi ngày không quên những nghiệp thiện và luôn nhớ thực hiện tâm nguyện phấn đấu để thoát khỏi tất cả khổ.

Nếu một người luôn ‘niệm’ hay ‘biết theo’ ở 6 cửa, ‘ghi nhớ’ những gì mà vị ấy quan sát chỉ là ‘thấy, thấy’ hay ‘nghe, nghe’, v.v… vị ấy có thể ngăn chặn những phiền não thâm nhập tâm. Trong ý nghĩa này, niệm (sati) được ví như người gác cổng ngăn chặn những kẻ trộm cướp không cho thâm nhập vào thành phố.

Niệm (sati) cũng là 1 trong 5 pháp quyền, là 1 trong 5 pháp lực, là 1 trong 7 giác chi (bojjhaṅga) và là chi thứ bảy trong 8 Thánh đạo.

Katamaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye sati anussati paṭissati sati saraṇatā dhāraṇatā apilāpanatā asammussanatā sati satindriyaṃ satibalaṃ sammāsati-idaṃ tasmiṃ samaye satindriyaṃ hoti.
Niệm quyền trong khi có ra sao? Khi nào có niệm, phụ niệm, hồi quang, nhớ đặng, thường nhớ, vẫn nhớ, không lơ đãng, không quên, niệm quyền tức là niệm, niệm lực, chánh niệm. Đó là vẫn có niệm quyền trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của sở hữu niệm:
  • Trạng thái là cách tâm không lơ lãng (apilāpanalakkhaṇā) hay cách nhớ đặng luôn luôn (anussaraṇalakkhaṇā).
  • Phận sự là không mê mờ, quên lãng (asammosarasā).
  • Thành tựu là không cho cảnh xa lìa tâm (ārakkhapaccupaṭṭhānā).
  • Nhân cận là có sự nhớ chắc (thiragaññāpadaṭṭhānā) hay tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna-padaṭṭhānā).

17 nẻo sanh niệm:
  1. Niệm phát sanh do hiểu biết (abhijānatosati): là những sự vật, nghĩa lý đã từng quen, khi gặp, lúc cần dùng thì những cách hiểu biết ấy phát hiện nơi tâm rất dễ.
  2. Niệm phát sanh do gom góp (kuṭumbikāyasati): là những vật gom góp để vào một chỗ thì tâm đặng chú ý nhiều lần, nên khi cần đến, nhớ ngay lại liền nơi chỗ ấy hay là như tiền dồn hết trong túi, khi dùng thò tay vào túi lấy ra có liền.
  3. Niệm phát sanh do thức thô (oḷārikaviññāṇatosati): là do tâm hoạt động thô như là: Nóng giận, buồn nhớ hay thất tình, hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ, rất mạnh nhớ lại cái gì đã qua hoặc hiện tại. Nhưng cũng có khi nhớ đến sự này sự nọ, như giận này nhớ đến oán thù khi xưa.
  4. Niệm phát sanh do vật chạm thức (hitaviññāṇatosati), như khi bị đánh là ta đau ta biết ta đau. Hoặc gặp cảnh xúc thích hợp sướng thân thì ta biết ta sướng, hay là nhớ lại sự sướng, sự đau như thế nào.
  5. Niệm phát sanh do không vật chạm thức (ahitaviññāṇatosati) như là khi nhớ đến vật này, vật nọ, chớ khỏi lo thân đụng chạm chi cả.
  6. Niệm phát sanh do đồng ấn chứng (sabhāganimittatosati), như gặp nhân vật tương tự như nhân vật đã gặp thì nhớ đến nhân vật thường quen.
  7. Niệm phát sanh do ly ấn chứng (visabhāganimittatosati) như là sự vật ta đã thường quen, dù cách xa nhau trải qua bao lâu có khi khỏi gặp sự vật tương tự mà cũng nhớ lại.
  8. Niệm phát sanh do hứa (kathābhiññāṇatosati), như là đã có hứa hẹn, lúc đến giờ dễ nhớ lại ngay.
  9. Niệm phát sanh do nêu (lakkhaṇatosati), tức là làm dấu, sau gặp liền nhớ.
  10. Niệm phát sanh nhờ nhắc nhở (saranatosati), như là những sự vật đã qua ta không đặng nhớ, nhờ kẻ khác nhắc giùm liền nhớ lại đặng.
  11. Niệm phát sanh do đầu đề (muddhatosati), như là ta thấy đầu đề nhớ đặng cả bài.
  12. Niệm phát sanh do đếm tính (gaṇanatosati), như là những sự vật mà ta không nhớ được ngay đó, nhờ đếm đi tính lại mới nhớ ra.
  13. Niệm phát sanh do thuộc lòng (dhāraṇatosati) là những gì ta đã thuộc nhuần, nhớ đâu đặng đó.
  14. Niệm phát sanh do tu tiến (bhāvanātosati), tức là hành tứ niệm xứ rất chuyên môn thì có trớn, cảnh đến niệm liền.
  15. Niệm phát sanh do coi bổn (potthakanibandhanatosati), tức là nhờ coi sách mà được nhớ tới những gì ngoài sách ấy có liên quan tới.
  16. Niệm phát sanh do cất để (upanikkhepatosati) là những vật cất có trật tự khi muốn lấy rất dễ.
  17. Niệm phát sanh do thường quen (anubhūtosati) là những sự vật đã thường làm và gặp rất nhiều lần thì đến lúc hoặc gặp trường hợp vẫn nhớ vật thường quen rất dễ. Sách Trung Hoa có câu: “Thế thượng vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên” nghĩa là trên đời không gì khó hết, đối với mọi người đều do tâm không chuyên môn mới thấy ra khó.

Mười bảy nẻo sanh niệm ở trên là từng trường hợp và đủ loại hạng chúng sanh. Còn về phần bậc tu cao, nên cần tìm thực hành:

Nhân trợ sanh niệm giác chi:
  1. niệm-lương tri (sati-sampajañña),
  2. tránh người lẫn và hay quên (muṭṭhassatipuggalaparivajjanatā),
  3. thân cận người có niệm vững vàng (upaṭṭhitassatipuggalasevanatā),
  4. chăm chú với thân tâm hành động (tadadhimuttatā).

Tâm Sở Niệm là 1 trong 19 tâm sở tịnh hảo biến hành (sobhaṇa sādhāraṇa cetasika) phối hợp với tất cả tâm tịnh hảo (sobhaṇa citta) là: 24 tâm dục giới tịnh hảo, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và hoặc 40 tâm siêu thế.
 


 

Tín ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Tàm

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com