giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tưởng ← → Nhứt hành



Tư (cetanā)

Tư (cetanā) là sự cố ý, cố quyết, điều hành pháp đồng sanh.
Tướng trạng là chủ tâm (cetayitalakkhaṇā)
Nhiệm vụ là đầu tư (āyūhanarasā)
Biểu hiện là sự tổ chức (saṃvidahanapaccupaṭṭhānā)
Nhân gần là ba danh uẩn còn lại (sesakhandhattayapadaṭṭhānā)


(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Tư (cetanā): Ngoại trừ Thọ và Tưởng, tâm sở này được xem là tâm sở chủ lực để điều động các tâm sở đi cùng. Nó đưa từng tâm sở hướng về mục đích nào đó của hành động, từ pháp Hiệp thế (lokiya) đến Siêu thế (lokuttara). Chính vì lẽ này, Đức Phật dạy rằng tâm sở Tư là yếu tố then chốt để tạo nghiệp.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Tư (cetanā) (bắt nguồn từ √citi + e = ceteti, cetayati, cetanā)

Tâm (citta) mang ý nghĩa là nhận biết, trong khi cetanā () được dùng với ý nghĩa là cố quyết, sắp xếp, đốc thúc (abhisandhāna) và càng, tích thêm, cố thêm (āyūhana).

Tâm sở tư (cetanā cetasika) là cố quyết và đốc thúc pháp câu sanh cùng khắn khít với cảnh. Hay tư là sự cố quyết hành động phối hợp với những trạng thái danh pháp đồng sanh với chính nó biết theo cảnh của tâm; tợ như một trưởng tông hay tợ như một chủ nông trại luôn làm tròn những nhiệm vụ của anh ấy và kiểm soát việc làm của người khác cho được tốt đẹp. Tư làm tròn phận sự của nó và kiểm soát, điều chỉnh phận sự của những danh tâm sở câu sanh với nó.

Tư hành động theo những tâm sở tâm, hành động trong việc bắt cảnh và theo đuổi để hoàn thành nhiệm vụ; do đó, tư là pháp cố quyết hành động.

Theo Aṅguttara Nikāya – Tăng Chi bộ kinh 6. Mahāvaggo Đức Phật có dạy:

“Cetanāhaṃ, bhikkhave, kammaṃ vadāmi. Cetayitvā kammaṃ karoti – kāyena vācāya manasā.”
Tư chính là nghiệp (kamma). Do đó Ta nói, này chư Bhikkhu, ngay khi tư sinh khởi, chúng sanh tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý.

Nghiệp có hai loại là nghiệp câu sanh và nghiệp biệt thời. Nghiệp câu sanh là tâm sở tư (cetanā) cùng sanh với tâm (citta) v.v… Nghiệp biệt thời (nānakkhanikakamma) là mãnh lực sẽ tạo quả và sắc nghiệp do tâm sở tư phối hợp với tâm thiện hay bất thiện để ảnh hưởng lại.

Do đó, tư đóng vai trò quan trọng trong tất cả hành động – nó cố quyết dù cho hành động thiện hay bất thiện. ‘Tư’ là tâm sở tâm quan trọng nhất trong tâm hiệp thế (lokiya), trong khi trí (paññā) là tâm sở tâm quan trọng nhất trong tâm siêu thế (lokuttara).

Ngoại trừ thọ (vedanā) và tưởng (saññā), tất cả 50 tâm sở tâm còn lại, với tư đứng đầu, được chỉ rõ là hành uẩn (saṅkhārakkhandha) là 1 trong 5 uẩn hiện hữu.

Katamā tasmiṃ samaye cetanā hoti? Yā tasmiṃ samaye tajjāmanoviññāṇadhātusamphassajā cetanā sañcetanā cetayitattaṃ -ayaṃ tasmiṃ samaye cetanā hoti.

Tư trong khi có ra sao? Khi nào có sự tính làm, cách định hành động, thái độ cố quyết hành động sanh từ xúc phối hợp cùng ý thức giới. Như thế gọi là tư có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở tư:
- Trạng thái là cố quyết hay cố ý (cetayitalakkhaṇā).
- Phận sự là lo cách bắt cảnh của pháp câu sanh (āyūhanarasā).
- Thành tựu là sắp đặt cho pháp câu sanh (saṃviddhanapaccupaṭṭhānā).
- Nhân cận là có 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattayapadaṭṭhānā) tức là thọ uẩn, tưởng uẩn và thức uẩn.

Tham khảo:

Tư , nói theo thời gian thực hiện hay tạo nghiệp thì có ba, đó là tư tiền, tư hiện và tư hậu.

Tư này khi phối hợp với tâm đổng lực (javana) lúc trước khi hành động, gọi là “tư tiền”, ngay khi hành động gọi là “tư hiện” và sau khi hành động gọi là “tư hậu”.






Nếu nói theo Dị thời ‘nghiệp duyên’ (kammapaccayo) ở “Chương 8: Paccaya”, thì:

Kusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānākkhaṇikakammapaccayena paccayo.
Pháp thiện trợ pháp vô ký bằng dị thời nghiệp duyên.

Tư thiện trợ những uẩn quả và sắc nghiệp bằng Dị thời nghiệp duyên, có pháp thực tính là tâm sở tư phối hợp với tâm thiện sanh trước trong đời này hay đời trước diệt rồi để lại chủng tử (bīja) trợ tạo tâm quả thiện; kể cả tâm sở và sắc nghiệp.

Một cách nữa:
  • Tâm sở tư hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng đủ “tam tư” thuộc về bậc thượng, đã sanh trước trong đời này hay đời quá khứ để lại chủng tử tạo 16 thứ tâm quả thiện, 33 tâm sở và sắc nghiệp của người ở cõi Dục giới.
  • Tâm sở tư hiệp với 4 tâm đại thiện tương ưng mà thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” sẽ trợ tạo 4 đại quả bất tương ưng và 8 quả thiện vô nhân.
  • 4 tâm đại thiện bất tương ưng đủ “tam tư” trợ tạo 12 quả như vừa nêu.
  • 4 tâm đại thiện bất tương ưng thiếu “tư tiền” hoặc “tư hậu” thì chỉ trợ tạo 8 quả thiện vô nhân mà thôi.

→ Nghiệp sơ thiền thiện trợ tạo sơ thiền quả.
→ Nghiệp nhị thiền thiện trợ tạo nhị thiền quả.
→ Nghiệp tam thiền thiện trợ tạo tam thiền quả.
→ Nghiệp tứ thiền thiện trợ tạo tứ thiền quả.
→ Nghiệp ngũ thiền thiện trợ tạo ngũ thiền quả.
→ Nghiệp không vô biên xứ thiện trợ tạo không vô biên xứ quả.
→ Nghiệp thức vô biên xứ thiện trợ tạo thức vô biên xứ quả.
→ Nghiệp vô tâm sở xứ thiện trợ tạo vô tâm sở xứ quả.
→ Nghiệp phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện trợ tạo phi tưởng phi phi tưởng xứ quả.
→ Nghiệp sơ đạo trợ sơ quả.
→ Nghiệp nhị đạo trợ nhị quả.
→ Nghiệp tam đạo trợ tam quả.
→ Nghiệp tứ đạo trợ tứ quả.

Nếu đạo có thiền bậc nào thời quả cũng đặng thiền bậc ấy.

Akusalo dhammo abyākatassa dhammassa nānakkhaṇikakammapaccayena paccayo
Pháp bất thiện trợ pháp vô ký bằng dị thời nghiệp duyên.

12 tâm bất thiện quá khứ đời này hoặc các đời trước để chủng tử (bīja) hay ảnh hưởng mãnh lực tạo 7 thứ tâm quả bất thiện và sắc nghiệp, nhưng nghiệp sanh chung với tâm điệu cử tạo quả tái tục không đặng.

Nghiệp Hành

Hành (saṅkhāra) nghĩa là nghiệp hành (kamma saṅkhāra) hay 29 tư (cetanā) phối hợp với 17 tâm thiện hiệp thế (lokiyakusala citta) và 12 tâm bất thiện (akusalacitta).

Vô minh duyên Hành

Hành có 3:
  1. Phúc hành (puññābhisaṅkhāra) đại diện cho 13 tư phối hợp với 8 tâm đại thiện (mahākusala citta) và 5 tâm thiện sắc giới (rūpāvacarakusala citta). Gọi chung là ‘phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo (kaṭattā rūpa) sanh trong cõi Dục (Kāma loka) và cõi Sắc (Rūpa loka).
  2. Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra) đại diện cho 12 tư phối hợp với 12 tâm bất thiện (akusala citta), được gọi chung là ‘phi phúc hành’ vì nó trợ cho danh uẩn quả bất thiện (vipāka nāmakkhandha) và sắc bị tạo sanh trong 4 cõi Khổ (Apāya loka).
  3. Bất động hành (aneñjābhisaṅkhāra) đại diện cho 4 tư phối hợp với 4 tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta), được gọi chung là ‘bất động hành’ vì nó trợ cho sự sống bất động vô sắc (arūpa).

 


 

Tưởng ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Nhứt hành

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com