giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tuỳ Hỷ ← Tuệ quyền



Tuệ quyền (paññindriya)

Tuệ quyền (paññindriya) hay tâm sở trí tuệ, là căn vô si (amohamūla).
Trí tuệ (paññā) là sự hiểu biết, sự sáng suốt của tâm.
Có tướng trạng là sự hiểu biết đúng đắn (yathābhūtapaṭivedhalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm cho đối tượng sáng tỏ (visayobhāsanarasaṃ), có biểu hiện là không si ám (asammohapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là khéo tác ý (yonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).
Tâm sở tuệ quyền có mặt trong 79 tâm tịnh hảo là 12 tâm dục giới tương ưng trí, 27 tâm đáo đại và 40 tâm siêu thế.

(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Trí Tuệ (paññācetasika): Là khả năng hiểu biết thấu suốt (không phải cái biết trực nhận của Thức hay cái biết kinh nghiệm của Tưởng). Đối với hành giả tuệ quán hay thánh nhân thì đây là cái biết tự thân (không qua việc nghe hay đọc của người khác) về Tam Tướng hay Duyên Khởi của Danh Sắc, Ngũ uẩn. Chức năng của Trí Tuệ (paññā) là loại bỏ si mê (moha), cũng gọi là Vô Minh (avijjā).

Tâm sở Trí Tuệ có nhiều từ đồng nghĩa:
Paññā: Trí
Ñāṇa: Tuệ
Amoha: Vô Si

Thẩm Như Ý Túc (vimaṃsa) hay Trạch Pháp Giác Chi (dhammavicaya) hoặc Chánh Kiến (sammādiṭṭhi) trong Bát Chánh Đạo… nói cách nào cũng là tâm sở Trí Tuệ.

Tâm sở Trí Tuệ khi được phát triển chung với Định ở mức cao nhất sẽ thành ra Thắng Trí (abhiññā) để biết những chuyện nằm ngoài khả năng nghe nhìn thông thường của chúng sinh, dù vẫn là cảnh Tục đế. Khi trí tuệ được phát triển cùng với chánh niệm ở mức rốt ráo nhất thì sẽ dẫn đến thánh trí (thánh đạo, thánh quả và trí Phản Khán).

Phản khán tức là trí nhìn lại (paccavekkhaṇañāṇa):
* phản khán phiền não đã trừ
* phản khán phiền não dư sót
* phản khán thánh đạo đã chứng
* phản khán thánh quả đã chứng
* phản khán Níp-bàn đã thấy bằng thánh đạo

5 trí phản khán này đem nhân với 4 tầng thánh trừ 1 (vì vị A-la-hán không còn phiền não dư sót để phản khán) thành ra có 19 trí phản khán.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Trí Quyền (Paññindriya) = Vô si (Amoha)

Pa = đúng đắn; ñā= biết; paññā= theo nghĩa đen là biết đúng.

Paññā là trí hay sự sáng suốt và indriya là quyền điều hành.

Trí Quyền (Paññindriya) là cai quản trong phần hiểu biết thấu đáo, tức là phần sáng suốt của tâm hoặc gọi trí hay gọi tuệ (paññā, ñāṇa) cũng là một pháp. Trí Quyền là có quyền trong sự hiểu biết thực tính của các pháp như chúng đang là, tức là thấy về vô thường (aniccā), hổ (kdukkhā) và vô ngã (anattā). Bởi vì trí khắc chế vô minh, nó được gọi là amoha (vô si, không mê mờ hay tuệ). ‘Trí’ có thể dỡ bỏ màn che của si (moha) khỏi sự vẩn đục pháp nhãn của chúng sanh và loại bỏ sự chìm đắm trong bóng tối do si (moha) hay vô minh (avijjā), nó được gọi là minh(vijjā).

Trí quyền (paññindriya) được gọi theo thông thường là ‘tâm sở trí (paññā cetasika)’. Trong Vô Tỷ Pháp (Abhidhamma), trí (paññā), tuệ (ñāṇa) và vô si(amoha) là đồng nghĩa. Vô si (amoha) là một trong ba căn thiện, là một trong bốn ý nghĩa đạt đến mục đích của chúng sanh như ý túc (iddhipāda), paññā mang tên tuệ phân tích hay thẩm (vīmaṃsā).

Sau khi đã thanh tịnh giới rồi tiến hành tu tập pháp chỉ đạt đến thanh tịnh tâm, trí (paññā) đảm trách vai trò quyền lực của thông hay trí siêu phàm(abhiññā). Khi đã phát triển cao độ, trí trở thành một giác chi(bojjhaṅga) dưới tên gọi là trạch pháp(dhamma vicaya) và cũng là một chi trong tám Thánh đạo dưới tên gọi là chánh kiến (sammā diṭṭhi). Tột đỉnh của trí là trí toàn tri của Đức Phật.

Katamaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti? Yā tasmiṃ samaye paññā (pajānanā) vicayo pavicayo dhammavicayo sallakkhaṇā upalakkhaṇā paccupalakkhaṇā paṇḍiccaṃ kosallaṃ nepuññaṃ vebhavyā cintā upaparikkhā bhurī medhā parināyikā vipassanā sampajaññaṃ patodo paññā paññindriyaṃ paññābalaṃ paññāsatthaṃ paññāpāsādo paññāāloko paññāobhāso paññāpajjoto paññāratanaṃ amoho dhammavicayo sammādiṭṭhi-idaṃ tasmiṃ samaye paññindriyaṃ hoti.
Tuệ quyền trong khi có ra sao? Khi nào có tuệ là sáng suốt, khôn khéo, nhận rõ, hiểu thấu, lương tri, trạch pháp, lựa chọn, nghiên cứu, hiểu biết rõ đặc tính, thấu vi tế, cách trí thức, cách hiểu rành, sự nghĩ ngợi, suy xét rõ, gạn xét, quán xét, lương tri, tuệ như ngọc, tuệ như đèn, tuệ như ánh sáng, tuệ như gươm, tuệ như vũ khí, tuệ như đại địa, tuệ như hoàng cung, tuệ như kẻ dẫn đường, (tuệ trừ tuyệt phiền não), cũng là vô si, tuệ quyền, chánh kiến có trong khi nào, thì tuệ quyền vẫn có trong khi ấy.

Trí, tuệ quyền, chánh kiến, tuệ lực, lương tri, (pháp) quán là pháp bản thể thực tính.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở trí:
- Trạng thái là thông thấu hiểu rõ đúng đắn (yathābhutapaṭivedhalakkhaṇā).
- Phận sự là làm cho cảnh rõ rệt (visayobhāsanarasā).
- Thành tựu là không mê với cảnh (asammohapaccupaṭṭhānā).
- Nhân cận là tác ý khéo (yonisomanasikārapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là pháp quyền đầy đủ
(indriyaparibakatāpadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là xa lìa phiền não (kilesaduribhāvapadaṭṭhānā), hoặc nhân cận là tái tục bằng tâm ba nhân (tihetukapaṭisandhikatāpadaṭṭhānā).

Trí (ñāṇa) và tuệ (paññā) tuy khác tên mà là một pháp thực tính, tức là trạng thái sáng suốt, trạng thái thấy biết rõ cùng sanh với tâm.

Trí tuệ tóm lại có 3:
  1. Trí văn là do nghe, học mới đặng hiểu biết thấu đáo những nghĩa, lý sâu sắc, cao siêu, như pháp lý bậc cao của nhà Phật hoặc triết học cùng toán học cao hay những tài nghề khó khăn.
  2. Trí tư là tự tâm sáng suốt, nghiên cứu tìm tòi đặng trải nghiệm, hiểu biết những điều nằm ngoài kiến thức sách vở. Người thế gian thường nói đó là trí thiên tư, chớ kỳ thật là do duyên nghiệp đã tạo trước kia.
  3. Trí tu là những tuệ phát sanh do tu hành tỏ ngộ đắc chứng khi hành tứ niệm xứ, hoặc tuệ sanh chung với tâm thiền.

Bốn nhân trợ sanh bất tương ưng trí:
  1. Nghiệp trước không quen nết trí là đời quá khứ ta không thường dùng trí nên bây giờ rất khó phát sanh.
  2. Sanh nhằm cõi đa sân; nhất là cõi Nam Thiệm Bộ Châu (trái đất này) trong thời kỳ tuổi thọ ít, sự ác tăng nhiều, việc quá đa đoan làm cho tâm người khó yên tịnh, thiếu nhân cận của trí, như câu: “Thủy thái thanh, ắt vô ngư. Nhân thái cẩn, ắt vô trí”- nghĩa là nước quá trong ắt không cá, người quá gấp ắt không trí.
  3. Không tránh được phiền não: hay bị phiền não phát sanh, thường bị cuốn theo phiền não.
  4. Gặp khi ngũ quyền không đủ mạnh là thời kỳ đức tin, tinh tấn, chánh niệm, chánh tịnh và trí tuệ chưa đủ, còn yếu kém, vì thiện duyên hay căn lành các đời trước đã tu tập, nhất là Pháp độ (pāramī) chưa đầy đủ cho nên trí tuệ khó phát sanh.

Nhân Trợ Sanh Trí có 40:
  1. Bốn nhân trợ cho tương ưng trí:
    1. Có nghiệp quen nết trí là trước kia hay dùng trí, nay còn trớn, thành tánh nết đã quen, như thế trí dễ sanh.
    2. Sanh nhằm cõi vô sân chỉ cho cõi Sắc giới và Vô sắc giới.
    3. Xa lìa phiền não là lúc không bị những phiền não phát sanh thì trí tuệ mới dễ phát sanh.
    4. Gặp khi ngũ quyền mạnh như các bậc đã đầy đủ Pháp độ, nhất là Bồ tát kiếp chót v.v…

    Muốn tạo trí tuệ phải tìm hiểu những nguyên nhân trợ sanh cũng như sắm thuyền có đủ thiết bị mới có thể ra khơi. Đây ví như thuyền bát nhã, vì trí có thể giúp đưa người đến bờ kia là Níp-bàn.

  2. Tám nhân tỉnh trí:
    1. chặng còn trẻ tuổi;
    2. quyền tước đang tăng;
    3. cố gắng tìm học hỏi;
    4. thôi xã giao với ngoại giáo;
    5. cố gắng khéo dùng lòng;
    6. cố đàm luận trao đổi ý kiến;
    7. ưa mến tài, trí;
    8. ở chỗ đáng tiến hoá.

  3. Bốn nhân trợ tạo trí:
    1. Tin ân đức bậc Ứng cúng: Tin chắc rằng bậc Phật Toàn giác giáo chủ ngôi pháp bảo, cả bậc Bích Chi Phật và Thinh Văn tứ quả, đều có ân đức, không còn phiền não nên rất đáng cúng dường; mới gọi là Ứng cúng. Người có đầy đủ đức tin, căn lành, phước duyên đã đến thì các Ngài sẽ trợ giúp cho trí hóa phi thường; nhờ vào đức tin đối với bậc Ứng cúng.
    2. Nghe Phật pháp cao siêu: Nhờ đó đặng biết điều cao siêu phi thường chưa từng biết. Đó là đã tạo ra trí tuệ.
    3. Không dể duôi lừng lẫy: Người luôn có niệm sẽ có nền tảng cho những trí tuệ phát sanh dễ dàng.
    4. Suy xét pháp đã nghe: Suy xét pháp lý vô thường, khổ não, vô ngã cho đến Níp-bàn. Nhận thật trúng rõ đó là trí. Nếu những pháp cao đã nghe mà chưa hiểu thấu, nhờ suy xét sẽ đặng tỏ ngộ.

  4. Chín nghiệp trí: Nghiệp trí là việc làm giúp trí tuệ phát sanh.
    1. Khi thuyết pháp cho người nghe thì phải chuẩn bị, suy xét đến pháp ta sẽ nói, giúp nhận thức được rõ ràng hơn trước.
    2. Dạy nghề không tội lỗi là dạy các nghề không tạo ác, chẳng nhiễm tục trần, đúc kết những kinh nghiệm, đưa ra các sáng kiến giúp người học mau hơn khi ta học.
    3. Dạy chuyện không tội lỗi như là nhắc lại tích xưa, chuyện cũ v.v… những chuyện cổ nhân đã dùng trí mà không phải tạo tội, hay là những việc, những sáng kiến mà cổ nhân đã làm và gặt hái thành công.
    4. Dạy tài không tội lỗi là chỉ dạy và giúp đỡ cho người khác phát triển khả năng đặc biệt của họ, chẳng hạn như biệt tài tổ chức, điều khiển, gieo cảm tình, trình bày mạch lạc và lưu loát, hướng dẫn quần chúng… miễn là những tài năng đó không tạo nên ác nghiệp (tội lỗi). Đây cũng là hành động giúp phát sanh trí tuệ vì khi muốn chỉ dạy cho có kết quả, bản thân người dạy cần phải xem xét tỉ mỉ, tìm hiểu trình độ khả năng và kiến thức tâm tánh của người học rồi ta mới áp dụng phương pháp thích hợp để có kết quả tốt.
    5. Trọng người thuyết pháp là kính trọng và tôn quý vị pháp sư có công dạy dỗ ta điều lợi ích trong Phật pháp. Trọng pháp sư cũng chính là trọng Phật pháp. Nhờ sự chỉ dạy của thầy mà ta dễ lãnh hội và thấu hiểu Phật pháp dễ dàng hơn, hầu đem ra thực hành mở mang trí tuệ; vì phần lớn Phật pháp đều chú trọng về sự tiến hóa của tâm.
    6. Cầu thuyết pháp cho nghe là thỉnh pháp sư giảng giải Phật pháp, như vậy dễ mở mang thêm trí tuệ, phá hoài nghi và cuối cùng diệt được vô minh khi trí tuệ nhờ ‘nhân duyên’ tròn đủ mà phát sanh đến mức tột đỉnh.
    7. Làm phước nguyện sanh trí tuệ là tạo phước lành rồi nguyện được phát sanh trí tuệ. Phần đông chúng sanh làm phước được dễ dàng là nhờ tin rằng làm phước có nhiều cách thì quả phước cũng có nhiều loại khác nhau; tùy thuộc vào nguyện lực. Trường hợp này làm phước (đức tin) đi kèm trí tuệ cộng với mãnh lực của lời nguyện, quả báo trí tuệ sẽ phát sanh.
    8. Tự soạn sách cao Kinh chánh là nghiên cứu, phiên dịch, soạn thảo những sách về triết lý cao siêu hoặc những Kinh ghi chép 84.000 pháp (uẩn) của Đức Phật đã giáo truyền (Tam tạng). Công việc này cần vận dụng nhiều trí tuệ là nhân để trí tuệ phát sanh lên mãi mãi.
    9. Bố thí những Kinh chánh là những Kinh dạy chánh pháp của Đức Phật. Chánh pháp là những pháp hợp chơn lý, nhằm mục tiêu diệt trừ hết phiền não, mở mang trí tuệ và đưa người (hành pháp) đến giải thoát Níp-bàn.
      Nếu ta chưa đủ khả năng để thuyết pháp, soạn dịch Kinh thì ta có thể hiến tài sản, chi tiền của ra để in Kinh sách, ấn hành hoặc thỉnh pháp sư thuyết pháp, dạy đạo… đó cũng là hình thức bố thí pháp. Quả báo của sự bố thí pháp là trí tuệ phát sanh và sẽ được giải thoát sau này.

  5. Bảy nhân phát trí:
    1. ưa gặp trí thức học hỏi (paripuccatā),
    2. thân, đồ, chỗ ở sạch sẽ (vatthuvisuddhikiriyā),
    3. gìn giữ lục quyền (indriyasamattapaṭipādanā),
    4. tránh người si mê (duppaññūpuggalaparivajjanā),
    5. thường gặp bậc trí thức (paññavantapuggalasevanā),
    6. cố tìm Phật pháp cao siêu (gambhūrañāṇacariyapaccavekkhanā),
    7. ưa tìm pháp giải thoát (tadadhimuttatā).

  6. Tám nhân đắc trí:
    1. kính sư (cung kỉnh ông thầy),
    2. cần vấn (siêng năng học hỏi),
    3. thanh tịnh (vắng lặng, êm ái),
    4. trì giới (thu thúc giới hạnh),
    5. cố văn (bền chí nghe pháp),
    6. tự cần (siêng năng),
    7. thuần niệm (niệm mạnh),
    8. quán uẩn (suy xét uẩn sanh, diệt).

 


 

Tuỳ Hỷ ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com