giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tư ← Nhứt hành → Mạng quyền



Nhứt hành (ekaggatā)

Nhứt hành (ekaggatā) là sự gom tâm vào một điểm trên đối tượng.
Tướng trạng là không phân tán (avikkhepalakkhaṇā),
Nhiệm vụ là tập trung các pháp đồng sanh (sahajātānaṃ sampiṇḍanarasā),
Biểu hiện là lắng đọng (upasamapaccupaṭṭhānā),
Nhân là lạc (sukhapadaṭṭhāna).
[Nhân gần của nhứt hành là lạc, tức là nhân phát sanh định, nhứt hành chi thiền].


(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Định hay Nhất Hành (ekaggatā): Là tâm sở có nhiệm vụ đưa tâm và các tâm sở đồng sanh tập trung vào một đối tượng, giúp tâm được ngưng tụ không phân tán. Giống như chất nước liên kết cát đá trong một khối bê tông. Khi đi ngoài các tâm thiền thì nó được gọi là Nhất Hành, nhưng khi được trau dồi một cách cố ý trong pháp môn thiền định thì cũng là nó nhưng lúc này được gọi là samādhi. Đây là một trong năm thiền chi của tâm Đáo đại (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định).

Tâm sở này là yếu tố phải có của tâm thức giúp ta có được khả năng chú ý và tập trung.
  • Chánh Định (sammāsamādhi) là tâm sở Định trong 42 tâm gồm 8 tâm Đại thiện, 8 tâm Đại tố và 26 Đổng lực Kiên cố.
  • Tà Định (micchāsamādhi) là tâm sở Định trong 12 tâm bất thiện.
  • Định Lực (samādhibala) là tâm sở Định trong 72 tâm Hữu Định, ngoại trừ 16 tâm không đi với Cần và tâm si Hoài Nghi. (73 tâm hữu Cần trừ si Hoài Nghi).
  • Định quyền (samādhindriya) là tâm sở Định trong 8 tâm Đại thiện, 8 tâm Đại tố và 26 Đổng lực Kiên cố.
  • Định Giác Chi (samādhisambojjhaṅga) là tâm sở Định trong 8 tâm Đại thiện, 8 tâm Đại tố và 26 Đổng lực Kiên cố.


Chánh Định (sammāsamādhi):
Gồm 3 loại định
  1. Sát-na Định (khaṇikasamādhi, sự định tâm trong từng phút),
  2. Cận Định (upacārasamādhi, thời điểm sắp chứng Kiên cố định) và
  3. Kiên cố định (appanāsamādhi, từ Sơ thiền trở lên) trong quá trình Tam Học.


Kể theo Bát Chánh Đạo thì trật tự Tam Học được bắt đầu từ phần Tuệ, nhưng trong tu tập thực tế thì hành giả phải bắt đầu từ Giới Phần trước. Không có Giới Phần thì không thể có Định Phần. Định ở đây là Cận Định và Kiên cố Định. Thiếu một trong hai Định này thì không thể có Tuệ Phần đúng mức, tức Tuệ Phần có khả năng đoạn trừ phiền não. Nói vậy có nghĩa là kể cả một người chưa từng tu thiền định cũng vẫn phải có tối thiểu khả năng Cận Định trong khoảnh khắc cao điểm của Tuệ quán (từ sau Hành Xả Tuệ).
Cho nên tâm thánh đạo thấp nhất cũng phải là Thánh Đạo Sơ thiền có lý do là vậy.

Định được chia thành 3 là Sát-na-Định, Cận Định và Kiên cố Định. Định từ Sơ thiền trở lên thì được gọi là Kiên cố Định. Trong 3 cái thì ngon lành nhất là Kiên cố Định. Tu Thiền chỉ samatha mà đắc từ Sơ thiền trở lên thì được kể là Kiên cố Định. Tuy nhiên trong lúc tu tập Tuệ quán vipassana thì cái Định mà chúng ta xài không có cần tới Kiên cố Định mà mình chỉ cần Sát na Định thôi, mình cần tới đó thôi. Dĩ nhiên cái người có đắc thiền thì cái Sát na Định của họ ngon lành hơn người không có đắc thiền.

Ở đây có 2 chuyện phải nhớ: Tu Tứ niệm xứ mình không có xài tới cái Định trong các tầng thiền. Mình chỉ cần Sát-na-Định thôi, tức là cái Định tạm thời trong từng phút từng phút.

Trích bài giảng KTC.7.28 Thất Giác Chi - Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép


(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Ekaggatā (Eka + agga + tā) nhất hành, nhất tâm hay sự tập trung, chăm chú trên một cảnh; hay vô phóng dật (avikkhepa)

Nhất hành (ekaggatā) là sự không tán loạn, không lau chau, chăm chú, đình trụ tâm và tâm sở trên một cảnh. Nhất hành ngăn ngừa những pháp câu sanh khỏi sự tản mạn, dao động và cố định những pháp ấy trên một cảnh; tợ như nước kết dính những chất với nhau thành một khối bê tông; ví như trụ đá cố định vững chắc không thể bị lay động bởi giông bão.

Nhất hành là 1 trong 5 chi thiền. Khi phát triển và tu tiến pháp an chỉ, pháp này được gọi là định (samādhi); là nhân của tất cả sự đình trụ, lựa chọn, chăm chú hay sự không tán loạn (định) của tâm.

Katamā tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti? Yā tasmiṃ samaye cittassa ṭhiti saṇṭhiti avaṭṭhiti avisāhāro avikkhepo avisāhaṭamānasatā samatho samādhindriyaṃ samādhibalaṃ sammā samādhi-ayaṃ tasmiṃ samaye cittassekaggatā hoti.
Nhất tâm trong khi có ra sao? Khi nào tâm đình trụ một chỗ, vững lòng vắng lặng, không tán loạn, không lau chau, tâm không bối rối, pháp chỉ, định quyền, định lực và chánh định có trong khi nào, thì nhất tâm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở nhất hành:
- Trạng thái là không tán loạn (avisāhāralakkhaṇā) hoặc không phóng dật, không lau chau (avikkhepa).
- Phận sự là gom tóm chư pháp câu sanh (sahajātānaṃ sampiṇdanarasā).
- Thành tựu là hiện bày vắng lặng (upasamapaccupaṭṭhānā).
- Nhân cận là có câu hành lạc (tam thọ) (sukhapadaṭṭhānā).

Điều này là lấy phần nhiều hay định mạnh hoặc cách gián tiếp.
 


 

Tư ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Mạng quyền

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com