giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Mạng quyền ← Tác ý → Tầm



Tác ý (manasikāra)

Tác ý (manasikāra) là tính cách của tâm thích ứng với cảnh. Trong A tỳ đàm thì tâm sở tác ý có ý nghĩa đặc biệt. Tướng trạng của tâm sở tác ý là chú ý đối tượng (sāraṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là cột các pháp tương ưng vào cảnh (sampayuttānaṃ ārammaṇe saṃyojanaraso), có biểu hiện là đối diện với cảnh (ārammaṇābhimukhabhāvapaccupaṭṭhāno), có nhân gần là cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).


(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Tác Ý (manasikāra): Là tâm sở có nhiệm vụ dẫn tâm không đi lệch hướng để làm tròn chức năng nào đó của tâm (chức năng trong Tham, Sân, Si hay thiện Dục giới, thiện Đáo đại, thiện Siêu thế). Như sự cần thiết của tâm sở Mạng Quyền đối với các tâm sở đồng sanh, nhất là tâm sở Tư, ở đây vai trò của tâm sở Tác Ý là khía cạnh chủ đạo cho hai tâm Khai môn (Khai ngũ môn pañcadvārāvajjanacitta và Khai ý môn manodvārāvajjanacitta). Chính nó đã giúp các tâm Khách quan (vithicitta) xô vẹt bức màn che của tâm hữu phần (bhavaṅga) để hướng đến ngoại cảnh. Tâm sở Tác Ý như người hoa tiêu cho một chiếc tàu.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Tác Ý (manasikāra):

Tác ý theo nghĩa của từ là làm trong ý, là pháp đầu tiên ‘chạm trán với cảnh’ làm thành cảnh cho tâm; như răng cắn làm thành miếng ăn cho miệng và ‘hướng hay dẫn dắt những danh pháp đồng sanh đến cảnh’ là trạng thái chánh của ‘tác ý’, hay còn gọi là tác ý thành cảnh. Do đó, pháp này là pháp nổi bật trong hai tâm khai môn (āvajjana) – tức là, khai ngũ môn (pañcadvārāvajjana) và khai ý môn (manodvārāvajjana). Hai trạng thái của hai pháp này phá vỡ dòng tâm hữu phần (bhavaṅga), hình thành chặng đầu trong lộ trình tâm.

Có Pāḷi chú giải như vầy:

Ārammaṇaṃ manasipaṭipādāyatīti ārammaṇapaṭipādako: Làm thành cảnh cho tâm gọi là tác ý thành cảnh có pháp thực tính là sở hữu tác ý.

Như bánh lái chỉ dẫn con thuyền đến bến đỗ, tác ý (manasikāra) chỉ dẫn tâm và những sở hữu câu sanh đến cảnh. Không có ‘tác ý’ (manasikāra), những danh pháp còn lại ví như thuyền không bánh lái và chúng không thể nhận ra cảnh. Có câu châm ngôn ở Myanmar được truyền như vầy: “Nếu chúng ta không chú ý hay chăm chú, chúng ta sẽ không thấy cái hang.”

Một cách tổng quát hơn, tác ý (manasikāra) thường xuất hiện trong Kinh là yoniso-manasikāra (khéo tác ý hay suy xét sáng suốt) và ayoniso-manasikāra (không khéo tác ý hay không suy xét sáng suốt). ‘Khéo tác ý’ dẫn đến tâm thiện, trong khi ‘không khéo tác ý’ dẫn đến tâm bất thiện.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở tác ý:
- Trạng thái là dẫn dắt chư pháp tương ưng bắt cảnh vừa vặn (sāranalakkhaṇo).
- Phận sự là làm cho chư pháp tương ưng gắn kết với cảnh (sampayuttānaṃ ārammane saṃyojanaraso).
- Thành tựu là hướng vào cảnh (ārammaṇābhimukhībhāvapaccupaṭṭhāno).
- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno).

Manasikāra: Tác ý (作意)
Bộ Phân Tích có đề cập ‘tác ý’. Còn trong bản Thanh tịnh Đạo, Chương 14 - Uẩn xiển minh, phần hành uẩn do ngài Buddhaghosa (do thầy Ngộ Đạo chuyển ngữ) có chú giải về tâm sở ‘tác ý’ như sau:
Kiriya karo: Sự làm gọi là tác, manamhi kāro manasikaro: Sự làm trong ý gọi là tác ý.
Dù tạo ý sai lầm từ ý trước cũng gọi là tác ý.
Tác ý này có ba trường hợp:
  1. Tác ý tiến hành theo cảnh, còn gọi là tác ý thành cảnh ārammaṇapaṭipādako manamhi karoti manasikāro.
    Tác ý này có 4 ý nghĩa:
    - Sāraṇalakkhaṇo: Trạng thái là chú ý.
    - Sampayuttānaṃ ārammaṇe saṃyojanaraso: Phận sự là cột pháp tương ưng vào cảnh.
    - Ārammaṇābhimukhabhāvapaccupaṭṭhāno: Thành tựu là đối diện với cảnh.
    - Ārammaṇapadaṭṭhāno: Nhân cận là có cảnh.
    Tác ý là liên quan trong hành uẩn, nên thấy như người đánh xe vì làm cho các pháp tương ưng tiến hành theo cảnh.
  2. Tác ý tiến hành theo lộ tâm, đây là đồng nghĩa tâm khai ngũ môn.
  3. Tác ý tiến hành theo đổng lực, đây là đồng nghĩa tâm khai ý môn.
    Hai điều sau không cần lấy trong nơi đây.

 


 

Mạng quyền ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Tầm

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com