giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tác ý ← Tầm → Tứ



Tầm (vitakka)

Tầm (vitakka) là sự hướng tâm đến cảnh. Tâm sở tầm có tướng trạng là dán tâm vào cảnh (ārammaṇe cittābhiniropanalakkhaṇo), có nhiệm vụ là làm cho tâm và cảnh sáp vào nhau (āhananaparihānanaraso), có biểu hiện là tâm được dẫn đến cảnh (ārammaṇe cittānayanapaccupaṭṭhāno). Tâm sở tầm chỉ có mặt trong 55 tâm hữu tầm là 3 tâm sắc giới sơ thiền, 8 tâm siêu thế sơ thiền, 3 ý giới và 41 tâm dục ý thức giới.


(trích Triết Học A Tỳ Đàm)

Tầm (vitakka): Là tâm sở có chức năng giới thiệu đối tượng. Trong khi tâm sở Tác Ý chỉ đơn giản là sự nhắm tới thì tâm sở Tầm lại làm chuyện giúp tâm khắn khít với đối tượng. Ta có thể nói tâm sở Tác Ý giống như bánh lái tàu, tâm sở Tầm giống như nhóm thủy thủ chèo thuyền và tâm sở Tư thì giống như người cầm đầu nhóm chèo thuyền ấy. Tâm sở Tầm cũng là một trong các chi thiền, giúp chận đứng Hôn Thụy. Dĩ nhiên nó chỉ được gọi là chi thiền đối với người hành giả mà thôi. Và nó cũng chính là chi pháp chủ yếu để làm nên Chánh Tư Duy (sammāsankappa) trong Bát Chánh Đạo.

(trích Vô Tỷ Pháp Tập Yếu - TL Tịnh Sự - tb.2019)

Tầm (vitakka) hay nghĩ ngợi (Vi + căn takk: Nghĩ)

Tầm (vitakka) là trạng thái tìm, áp sát, dán áp hay đưa tâm và tâm sở đồng sanh vào cảnh. Như vị cận thần thân tín nhất của vị vua giới thiệu hay mang một ai đó đến vị vua, tương tự như thế, tầm mang tâm và những tâm sở câu sanh đến cảnh.

Có Pāḷi chú giải như vầy: Vitakkanaṃ = vitakko: Cách tìm kiếm cảnh, gọi là tầm.

Như đã giải thích phía trên, tác ý (manasikāra) hướng hay dẫn dắt tâm và tâm sở câu sanh đến cảnh, trong khi tầm (vitakka) áp sát, đưa những pháp câu sanh vào cảnh.

Tầm (vitakka), tác ý (manasikāra) và tư (cetanā) có thể được cho thấy thêm nữa bằng cách so sánh chúng với những người trong một con tàu đua đến đích. Tác ý ví như bánh lái – người điều khiển con tàu. Tầm ví như người chèo thuyền trong thân tàu và Tư ví như nhóm trưởng của những người chèo, không chỉ tự chèo mà còn đốc thúc những người khác chèo với khả năng của họ và cắm lá cờ chiến thắng khi con thuyền đạt đến đích.

Tầm áp sát, đưa tâm và những tâm sở câu sanh đến những cảnh khác nhau, dẫn đến những lộ tâm khác nhau; còn được gọi là tư duy.

Tầm là 1 trong 5 chi thiền. Tầm ngăn chặn hôn trầm thùy miên (thīna-middha). Khi tầm được phát triển và trau dồi, nó trở thành chi thiền đầu tiên của thiền thứ nhất. Tầm cũng là chi thứ hai gọi là chánh tư duy (sammā-saṅkappa) trong tám Thánh đạo.

Katamo tasmiṃ samaye vitakko hoti? Yo tasmiṃ samaye takko vitakko saṅkappo appanā1 vyappanā cetaso abhiniropanā sammā saṅkappo-ayaṃ tasmiṃ samaye vitakko hoti.
Tầm trong khi có ra sao? Khi nào có sự tìm cảnh, nghĩ ngợi, suy xét, toan tính, cách đem tâm đến cảnh, cách đem tâm áp vào cảnh, cách đem tâm khắn khít và chánh tư duy. Như thế gọi là tầm có trong khi ấy.

Bốn ý nghĩa (aṭṭha) của tâm sở tầm:
- Trạng thái là đưa tâm và tâm sở tâm đến cảnh (ārammaṇe cittassa abhinirodhana lakkhaṇo).
- Phận sự là làm dịp gặp cảnh (āhanappariyāhanaraso).
- Thành tựu là tâm đặng đến cảnh (ārammaṇe cittassa ānayapaccupaṭṭhāno).
- Nhân cận là phải có cảnh (ārammaṇapadaṭṭhāno) và 3 uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya).
 


 

Tác ý ← ← Liệt kê 52 Tâm Sở → Tứ

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com