giacnguyen.com

← 52 Tâm Sở

Tâm sở Tợ Tha



Tâm sở Tợ Tha (Aññasamāna cetasika)

Aññasamāna:
Añña = pháp khác.
Samāna = tợ, như, như nhau, giống nhau, bằng nhau.
Aññasamāna = như pháp khác, giống pháp khác, tợ pháp khác.
Aññasamāna cetasika được dịch là những sở hữu tợ như pháp khác hay ‘tâm sở tợ tha’.

Mười ba tâm sở tợ tha có thể phối hợp với cả hai loại tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa).
Chúng là những tâm sở trung lập và làm nổi bật đặc tính của những tâm sở cùng sanh.

Chúng được chia thành hai nhóm:
  1. Sabbacitta-sādhāraṇa (7) = tâm sở biến hành là những tâm sở thực tính phối hợp với tất cả tâm.

    Phasso vedanā saññā cetanā ekaggatā jīvitindriyaṃ manasikāro ceti sattime cetasikā sabbacittasādhāraṇā nāma.
    Xúc, thọ, tưởng, tư, nhất hành, mạng quyền, tác ý. Bảy tâm sở này gọi là những tâm sở biến hành tất cả tâm.

    Sabbacittasādhāraṇa khi chiết tự được ba phần: Sabba + citta + sādhāraṇa.
    Sabba = tất cả; citta = tâm; sādhāraṇa = biến hành, đi khắp, chung cả, công cộng. Gom ba phần lại thành sabbacittasādhāraṇa = khắp tất cả tâm, biến hành tất cả tâm.
    Bảy tâm sở biến hành phối hợp với tất cả tâm. Trạng thái biết cảnh bằng tâm được hoàn thành với sự trợ giúp của những tâm sở này.

    1. Xúc
    2. Thọ
    3. Tưởng

    4. Nhất Hành
    5. Mạng Quyền
    6. Tác Ý

    Bảy sở hữu thực tính thực hiện những giải pháp quan trọng và là những thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh bằng ý. Tác ý (manasikāra) là pháp đầu tiên đối diện hay chạm cảnh và chỉ dẫn tâm cùng danh pháp câu sanh với nó đến cảnh.
    Xúc (phassa) làm cho tâm và danh pháp câu sanh với nó xúc chạm cảnh. Thọ (vedanā) hưởng hương vị từ sự xúc chạm. Tưởng (saññā) nhớ tưởng cảnh và giúp nhận ra cảnh.
    Tư (cetanā) cố quyết làm theo tâm và danh pháp câu sanh thực hiện những nhiệm vụ tương ứng một cách hiệu quả cho đến khi phận sự bắt cảnh hay biết cảnh được hoàn thành.
    Nhất hành (ekaggatā) chăm chú, đình trụ tâm và danh pháp câu sanh trên cảnh. Nhất hành kết hợp những danh sở hữu với tâm cùng vào trạng thái không tán loạn trên cảnh – là một duyên, cũng là một thực tính cần thiết cho sự nhận biết cảnh.
    Mạng quyền (jīvitindriya) duy trì sự sống còn của tâm và danh sở hữu để chúng tồn tại và năng động đến hết mạng sống của chúng. Nếu không có ‘mạng quyền’ những pháp ấy sẽ diệt trước khi hoàn thành phận sự bắt cảnh và biết cảnh.

  2. Pakiṇṇaka (6) = tâm sở biệt cảnh là những tâm sở phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo.

    Vitakko vicāro adhimokkho vīriyaṃ pīti chando cāti cha ime cetasikā pakiṇṇakā nāma.
    Tầm, tứ, thắng giải, cần, hỷ, dục. Sáu tâm sở này gọi là những sở hữu biệt cảnh.

    Pakiṇṇaka - khi chiết tự thì được ba phần: Pa + kiṇṇa + ka.
    Pa = thường; kiṇṇa = rải rác; ka = không có ý nghĩa riêng biệt. Gom cả ba phần này lại thành “pakiṇṇaka = thường rải rác”, có nghĩa là 6 tâm sở này thường phối hợp với nhóm pháp hiệp thế, siêu thế, tịnh hảo, vô tịnh hảo, thiện, bất thiện, quả, tố, nhưng không phải tất cả. Khác với sự kết hợp của sở hữu biến hành (sabbacittasādhāraṇa cetasika) là phối hợp khắp và tất cả.

    Pakiṇṇaka cetasika = tâm sở biệt cảnh, những tâm sở phối hợp riêng với một số tâm tịnh hảo cũng như vô tịnh hảo. 6 stâm sở này có thể phối hợp với cả tâm tịnh hảo (sobhaṇa) và vô tịnh hảo (asobhaṇa), nhưng không phối hợp với tất cả mà chỉ phối hợp với những tâm nào mà chúng có thể phối hợp đặng.

    1. Tầm
    2. Tứ
    3. Thắng Giải
    4. Cần
    5. Hỷ
    6. Dục

Bảy sở hữu biến hành (sabbacitta sādhāraṇa cetasika) và sáu sở hữu biệt cảnh (pakiṇṇaka cetasika) gọi chung là mười ba sở hữu tợ tha (aññasamānarāsīcetasika), vì những sở hữu tâm này có trạng thái tợ như pháp khác, nghĩa là những sở hữu tâm này phối hợp với sở hữu tịnh hảo như tín, niệm v.v… cũng đặng, hay phối hợp với sở hữu vô tịnh hảo như tham, si v.v… cũng đặng. Khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu bất thiện thì chúng trở thành bất thiện, khi những “sở hữu tợ tha” này phối hợp với những sở hữu tịnh hảo thì chúng trở thành thiện hay tịnh hảo.
 


 

← Liệt kê 52 Tâm Sở

Nguồn: VÔ TỶ PHÁP TẬP YẾU
Biên soạn: Thera Santakicco – Trưởng lão Tịnh Sự

giacnguyen.com