Lưu Ý:
Tài liệu do Cao-Xuân Kiên sưu tập và thiết kế.
Hy vọng góp phần hỗ trợ các bạn đạo tìm hiểu A Tỳ Đàm.
Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) không quản lý hay cố vấn nội dung trang này.

37 Phẩm Trợ Đạo

GIÁC PHẦN TẬP YẾU (bodhipakkhiyasaṅgaha)

Gồm 37 thiện pháp có công năng dẫn đến giác ngộ vốn được chia chẽ và phân nhóm từ Bát Chánh Đạo mà ra. Nghĩa là từng nhóm giác phần trong 37 Giác phần có nội dung tiêu biểu cho cả Bát Thánh Đạo và Đức Phật đã tùy duyên thuyết giảng nhóm nào đó trong các Giác phần để thích hợp với căn cơ với chúng sinh.

TỨ NIỆM XỨ (satipaṭṭhāna)

Là công phu phát triển chánh niệm y cứ trên 4 đề mục:

  1. Thân Quán Niệm Xứ (kāyānupassanāsatipaṭṭhāna): Lấy Sắc uẩn làm đối tượng ghi nhận.
  2. Thọ Quán Niệm Xứ (vedanānupassanāsatipaṭṭhāna): Lấy Thọ uẩn (vedanākhandha) làm đối tượng ghi nhận.
  3. Tâm Quán Niệm Xứ (cittanupassanāsatipaṭṭhāna): Lấy Thức uẩn và Tưởng uẩn làm đối tượng ghi nhận.
  4. Pháp Quán Niệm Xứ (dhammānupassanāsatipaṭṭhāna): Lấy Tưởng uẩn và Hành uẩn làm đối tượng ghi nhận.

TỨ CHÁNH CẦN (sammappadhāna)

Là sự nỗ lực nhắm tới mục đích giác ngộ sinh tử. Cần ở đây là tâm sở Cần (viriya) trong 8 tâm Đại thiện (mahākusalacitta), 9 tâm thiện Đáo đại (mahaggatakusalacitta) và 4 tâm Đạo (maggacitta). Tổng cộng là 21 tâm.

Kể theo Tạng Kinh thì Tứ Chánh Cần gồm 4 ý nghĩa:

  1. Ngăn ác pháp chưa đến (anuppannākusalapahāna).
  2. Trừ ác pháp đang xuất hiện (uppannākusalapahāna).
  3. Tu tập các thiện pháp chưa có (anuppannakusalabhāvanā).
  4. Phát triển những thiện pháp đã có (uppannakusalabhāvanā).

TỨ NHƯ Ý TÚC (iddhipāda)

Là 4 pháp nền tảng cho thiền định và Đạo Quả, tức các trí tuệ Đáo đại và Siêu thế. Trên tên gọi thì Tứ Như Ý Túc và Tứ Trưởng giống nhau, nhưng trong chi pháp thì Tứ Như Ý Túc chỉ gồm thiện pháp.

  1. Dục Như Ý Túc (chanda-iddhipāda): Là tâm sở Dục (chanda) trong 21 tâm thiện (kusalacitta).
  2. Cần Như Ý Túc (viriya-iddhipāda): Là tâm sở Cần (viriya) trong 21 tâm thiện.
  3. Tâm Như Ý Túc (citta-iddhipāda): Là 21 tâm thiện gồm 8 tâm Đại thiện, 9 tâm Đáo đại và 4 tâm thánh đạo.
  4. Thẩm Như Ý Túc (vimaṃsā-iddhipāda): Là tâm sở Trí Tuệ (paññā) trong 21 tâm trên.

NGŨ QUYỀN (indriya)

Gồm 5 yếu tố tâm lý không thể thiếu được trên hành trình giải thoát.

  1. Tín quyền (saddhindriya): Là tâm sở Tín (saddhā) trong 8 tâm Đại thiện, 8 tâm Đại tố và 26 Đổng lực Kiên cố.
  2. Tấn quyền (viriyindriya): Là tâm sở Cần (viriya) trong 42 tâm trên.
  3. Niệm quyền (satindriya): Là tâm sở Niệm (sati) trong 42 tâm trên.
  4. Định quyền (samādhindriya): Là tâm sở Định (ekaggatā) trong 42 tâm trên.
  5. Tuệ quyền (paññindriya): Là tâm sở Trí Tuệ (paññā) trong 42 tâm trên.

NGŨ LỰC (bala)

Nội dung giống hệt Ngũ quyền. Sở dĩ gọi là Lực vì Đức Phật muốn nhấn mạnh khía cạnh cần thiết của 5 quyền đối với sự tu tập.

  1. Tín Lực (saddhābala)
  2. Tấn Lực (viriyabala)
  3. Niệm Lực (satibala)
  4. Định lực (samādhibala)
  5. Tuệ lực (paññābala)
Trong thực tế tu chứng, Tín và Tuệ phải được cân bằng, vì Tín quá trội sẽ dẫn đến Cuồng Tín và Tuệ quá trội sẽ làm hỏng khả năng Định tâm. Cũng vậy, Cần và Định cũng phải được cân đối vì Cần quá mạnh sẽ dẫn đến Phóng Dật và Định quá mạnh sẽ dẫn đến Hôn Thụy. Riêng Niệm thì luôn cần thiết trong mọi lúc. Niệm chỉ có thiếu chớ không bao giờ dư.

THẤT GIÁC CHI (bojjhaṅga)

Có lúc toàn bộ hành trình giác ngộ được kể thành 7 vấn đề:

  1. Niệm Giác Chi (satisambojjhaṅga): Là tâm sở Niệm (sati) trong 8 tâm Đại thiện, 8 tâm Đại tố và 26 Đổng lực Kiên cố.
  2. Trạch pháp Giác Chi (dhammavicayasambojjhaṅga): Là tâm sở Trí Tuệ (paññā) trong 42 tâm trên.
  3. Cần Giác Chi (viriyasambojjhaṅga): Là tâm sở Cần (viriya) trong 42 tâm trên.
  4. Hỷ Giác Chi (pītisambojjhaṅga): Là tâm sở Hỷ (pīti) trong các tâm thọ hỷ rút từ 42 tâm trên.
  5. Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhaṅga): Là tâm sở Tĩnh Tánh (kāyapassaddhi), Tĩnh Tâm (cittapassaddhi) trong 42 tâm trên.
  6. Định Giác Chi (samādhisambojjhaṅga): Là tâm sở Định (ekaggatā) trong 42 tâm trên.
  7. Xả Giác Chi (upekkhāsambojjhaṅga): Là tâm sở Hành Xả (upekkhā) trong trong các tâm thọ xả rút từ 42 tâm trên.
Trạch, Cần và Hỷ Giác Chi đối trị Hôn Thụy.
Tĩnh, Định và Xả Giác Chi đối trị Phóng Dật.
Niệm Giác Chi thì cần thiết mọi nơi mọi lúc.

BÁT CHÁNH ĐẠO (maggaṅga)

Tức 8 chi phần của Đạo đế được chia thành 3 nhóm theo Tam học.

  1. Tuệ Thánh Đạo (paññāmaggaṅga)
    1. Chánh Kiến (sammādiṭṭhi): Là trí tuệ trong Tam tướng và Nhân quả.
    2. Chánh Tư Duy (sammāsaṅkappa): Gồm ly dục tư duy (nekkhammasaṅkappa) là những suy nghĩ chán sợ Dục lạc, Vô sân tư duy (abyāpādasaṅkappa) là những suy nghĩ chan chứa Từ tâm và Bất hại tư duy (avihiṃsasaṅkappa) là những suy nghĩ có Bi tâm đi kèm.

  2. Giới Thánh Đạo (sīlamaggaṅga)
    1. Chánh Ngữ (sammāvācā): Gồm sự kiêng tránh 4 thứ tà ngữ (nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói lời vô ích) và sự nói năng trên những đề tài dẫn đến sự trưởng dưỡng 10 thánh đạo (bát thánh đạo cộng với chánh trí và chánh giải thoát).
    2. Chánh Nghiệp (sammākammanta): Là sự kiêng tránh tất cả thân ác nghiệp.
    3. Chánh Mạng (sammājīva): Là sự kiêng tránh tất cả những sinh kế bất thiện.

  3. Định Thánh Đạo (samādhimaggaṅga)
    1. Chánh Tinh Tấn (sammāvāyāmo): Gồm Tứ chánh cần.
      1. Ngăn ngừa ác pháp chưa đến (anuppannākusalapahāna)
      2. Trừ bỏ ác pháp đang xuất hiện (uppannākusalapahāna)
      3. Tu tập các thiện pháp chưa có (anuppannakusalabhāvanā)
      4. Phát triển những thiện pháp đã có (uppannakusalabhāvanā)
    2. Chánh Niệm (sammāsati): Là sự tu tập Tứ niệm xứ.
    3. Chánh Định (sammāsamādhi): Gồm 3 loại định là sát-na định, cận định và kiên cố định (từ sơ thiền đến tầng vô sắc thứ tư) trong quá trình Tam Học.

 


Nguồn: Giáo lý A Tỳ Đàm (1) ấn bản I (2021) - trang 198 - 203

Tài liệu A Tỳ Đàm