Lưu Ý:
Tài liệu do Cao-Xuân Kiên sưu tập và thiết kế.
Hy vọng góp phần hỗ trợ các bạn đạo tìm hiểu A Tỳ Đàm.
Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) không quản lý hay cố vấn nội dung trang này.

Tĩnh Khinh Nhu Thích Thuần Chánh

Tĩnh Khinh Nhu Thích Thuần Chánh

  1. Tĩnh Tánh, Tĩnh Tâm (kāyapassaddhi, cittapassaddhi): Là trạng thái vắng lặng không rung động trong tâm và tâm sở. Chữ Tánh ở đây ám chỉ cho tâm sở. Bất cứ tâm thiện nào cũng cần đến khía cạnh yên tĩnh, không bị quấy rối bởi phiền não. Hai tâm sở này đối lập lại lòng Hối Hận (kukkucca). Khi được tu tập một cách cố ý thì hai tâm sở này chính là Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhanga) trong Thất Giác Chi. Hai tâm sở này giúp cho Hỷ (somanassa) và Lạc (sukha) của người tu thiền Chỉ tịnh được trở nên vi tế hơn. Và giúp cho Tấn quyền (viriyindriya) được ổn cố không nông nổi bồng bột. Đối với hành giả tu Tuệ quán thì hai tâm sở này giúp họ có được cái nhìn già giặn trong cảnh danh sắc. Lúc này chúng được gọi là Tĩnh Giác Chi (passaddhisambojjhanga).

  2. Khinh Tánh, Khinh Tâm (kāyalahutā, cittalahutā): Là trạng thái nhẹ nhàng thanh thoát trong các tâm thiện, không bị áp lực nặng nề của tâm bất thiện. Hai tâm sở này là pháp đối lập với Hôn Thụy. Theo Mūlaṭīkā, thì hai tâm sở này giúp tâm hành giả Tuệ quán trở nên linh hoạt hơn trước cảnh danh sắc bằng cách hạn chế số lượng Hữu phần xen kẻ (bhavaṅgavuṭṭhāna) giữa các tâm lộ. Tốc độ suy nghĩ của mỗi người nhanh chậm khác nhau một phần là do số lượng Hữu phần xen kẻ nhiều hay ít.

  3. Nhu Tánh, Nhu Tâm (kāyamudutā, cittamudutā): Là trạng thái linh hoạt, ôn nhu, không cứng cỏi (akakkhaḷatā), không ngoan cố (akathiṇatā) trong tâm thiện, giúp tâm khỏi bị Tà Kiến và Kiêu Mạn. Hai tâm sở này hỗ trợ cho tâm sở Tín và Vô Sân.

  4. Thích Tánh, Thích Tâm (kāyakammaññatā, cittakammaññatā): Là trạng thái thích nghi hay tương ứng của tâm trước cảnh, cho việc ghi nhận được dễ dàng hơn.

    Trong Sớ giải bộ Pháp Tụ là bộ Atthasālini giải thích rằng tâm sở này có chức năng thanh lọc đối tượng, giúp tâm có một cái nhìn trong sáng (pasāda) hơn về cảnh. Như vàng càng tinh ròng thì trong một số trường hợp sẽ dễ làm việc hơn.

    Theo Mūlaṭikā, hai tâm sở này kết hợp với cặp Nhu Tánh và Nhu Tâm sẽ giúp ta đối phó với các phiền não thô thiển đặc biệt là Dục Ái (kāmachanda) và Sân Độc (byāpāda).

  5. Thuần Tánh, Thuần Tâm (kāyapāguññatā, cittapāguññatā): Là trạng thái thuần thục hay lão luyện trong tâm thiện đối với cảnh. Nhiệm vụ của hai tâm sở này là loại trừ trạng thái vụng về, yếu kém của tâm thức. Người thiếu tâm sở Tín (saddha) một phần cũng do loại tâm sở này ở họ quá yếu và cũng chính vì vậy nên họ ít khi có được tâm thiện vô trợ (asaṅkhāracitta).

  6. Chánh Tánh, Chánh Tâm (kāyujukatā, cittujukatā): Là trạng thái đoan chính, thẳng thắn không quanh co trong tâm thiện. Hai tâm sở này là pháp đối lập với thói quen giả trá (māyā), lừa đảo (sātheyya), lẫn tránh sự thật. Cặp tâm sở này giúp tâm hành giả Tuệ quán có can đảm nhìn vào tánh vô ngã của danh sắc, và giúp tâm sở Tư (cetana) làm việc hiệu quả hơn. Hai tâm sở này khi kết hợp với cặp tâm sở Thuần Tánh & Thuần Tâm sẽ giúp ta có nhiều tâm thiện vô trợ hơn.
Sáu cặp tâm sở trên đây có một mối tương quan rất mật thiết với nhau:
  • Tĩnh Tánh, Tĩnh Tâm (kāyapassaddhi, cittapassaddhi) và cặp Khinh Tánh, Khinh Tâm (kāyalahutā, cittalahutā) hỗ trợ lẫn nhau.

  • Nhu Tánh, Nhu Tâm (kāyamudutā, cittamudutā) hỗ trợ Thích Tánh, Thích Tâm (kāyakammaññatā, cittakammaññatā).

  • Chánh Tánh, Chánh Tâm (kāyujukatā, cittujukatā) giúp cho Khinh Tánh, Khinh Tâm và Nhu Tánh, Nhu Tâm không khoan hòa thái quá đến mức mềm yếu và 2 cặp này ngược lại giúp cho Chánh Tánh, Chánh Tâm không khắt khe đến mức quá đáng.

  • Thuần Tánh, Thuần Tâm (kāyapāguññatā, cittapāguññatā) giúp cho Khinh Tánh, Khinh Tâm sự ổn định và lâu bền. Ngược lại cặp này giúp cho Thuần Tánh, Thuần Tâm được linh hoạt và cơ động hơn.

Sáu cặp tâm sở này trong Tạng A-tỳ-đàm được nhắc đến rõ ràng như vậy, nhưng ở Kinh Tạng thì chúng cơ hồ chỉ là những khái niệm được biết tới rãi rác và thiếu hệ thống. Chẳng hạn như bên Tạng A-tỳ-đàm có chữ pāguññatā là sự thuần thục, lão luyện thì bên Kinh Tạng chỉ dùng chữ kusalatā với nghĩa tương đương.

Về các cặp Khinh Tánh & Khinh Tâm, Nhu Tánh & Nhu Tâm, Thích Tánh & Thích Tâm thì trong Kinh Tạng chỉ nhắc đến chung chung như những khía cạnh tâm lý cần có ở một người tu tập.

Cặp Chánh Tánh & Chánh Tâm trong Kinh Tạng ta thấy được nhắc đến ở một vài chỗ như trong kinh Phúng Tụng của Trường Bộ và Từ Bi Kinh của Tiểu Bộ.

Riêng cặp Tĩnh Tánh & Tĩnh Tâm (passaddhi) có thể nói là nổi tiếng nhất trong sáu cặp vì đó là một trong bảy Giác Chi (passaddhisambojjhanga).


Trích: Triết học ATĐ (Dr MT Mon)

Tài liệu A Tỳ Đàm