← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 27

Thứ Năm, ngày 24/07/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

NHÀ TÙ & GIẢI THOÁT

Hôm nay là ngày thứ năm, ngày hôm qua chúng tôi nhận được clip của một người quen. Dễ thương thôi, nhưng mà nó gợi ý cho chúng tôi một việc rất là đặc biệt. Lúc chúng tôi nhìn clip và chúng tôi có ý nghĩ là sẽ có lúc nói chuyện với bà con đại chúng về cái clip đó, tức là sáng nay. Cái clip đó là câu chuyện về một cậu bé chắc khoảng 3 tuổi, cậu bé nghịch ngợm lắm, cậu bé lăng xăng sao đó đi vào phòng, rồi đóng lại. Mà bây giờ đối với người lớn mình thì cái chốt khóa nó không là gì hết, mình chỉ lấy hai ngón tay mình chỉnh nhẹ cái là mình đã có thể mở và đóng cửa rồi. Nhưng mà đối với một đứa bé nó nhỏ quá, chắc nó 3 tuổi, thì nó không có đủ trí khôn để nó làm chuyện đó, tức là tự nó ngẫu nhiên nó xoay, nó vặn thì được, nhưng khi mà cửa phòng đã nhốt rồi thì nó không có nghĩ ra cách để nó mở cửa. Đó là chuyện thứ nhất: tự nó không biết cách. Và cái này mới là nghiệt nè: là tự nó không biết, mà ở bên ngoài hướng dẫn nó cũng không được. Cuối cùng trong nhà phải dùng chìa dự phòng. Ở đây chúng tôi có chìa đó để ngừa trường hợp vậy đó. Nhiều khi mình lỡ tay đóng từ bên trong.

Thì cái clip đối với chúng tôi nó lớn chuyện lắm, rất là lớn chuyện. Lớn chuyện ở chỗ nào? Tức là clip đó nói về chuyện một đứa bé 3 tuổi, nhưng mà buồn thay, nó lại cũng chính là câu chuyện của tất cả người lớn của chúng ta ở trong cái room này, trong cuộc đời này, trong giáo pháp này của Đức Phật. Đấy.

Có nghĩa là đứa bé nó chưa đủ lớn khôn để biết được hai chuyện.
1- Thứ nhất là nó không hề biết rằng những cái thao tác của nó đã tự giam nhốt nó. Đấy. Đó là chuyện thứ nhất.
2- Chuyện thứ hai, khi nó bị giam nhốt rồi, nó không có biết làm sao để mà nó giải thoát.

Tất cả chúng ta cũng vậy. Tất cả chúng ta đều là những hài nhi tóc bạc, những đứa trẻ sống lâu khi mà chúng ta là chính xác mắc đúng vào hai cái lỗi đó.

(1) Lỗi một là trong từng giờ, trong từng ngày, chúng ta kín đáo tự giam nhốt mình bằng rất là nhiều chuyện mà mình không có ngờ. Thí dụ như là một quan hệ xã hội, một quan hệ riêng tư, tình cảm, công ăn, việc làm, rồi một đầu tư về nhà cửa đất đai, có ý muốn mua đất, ý muốn cất nhà, ý muốn tìm một job, rồi một cuộc hôn nhân, rồi bao nhiêu dự án, dự kiến, cho tương lai. Tất cả những cái mình toan tính nó đều là những cái ổ khóa mà mình từng bước, từng bước mình tự giam nhốt mình trong đó mà mình không biết.

Chưa hết. Cái này mới đau nè. Một ngày kia mình biết Phật-pháp bắt đầu mình coi nhẹ cái chuyện gọi là tình cảm, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, nhan sắc, sức khỏe. Mình coi nhẹ hết. Bây giờ mình chuyên tâm mình học đạo và hành đạo, có người còn thêm cái hoằng đạo nữa chứ. Hoằng đạo. Thôi giờ mình nói cái hành đạo, cái học đạo. Tức là mình không biết gì hết, cái mình đi học giáo lý, nghiên cứu kinh điển, lớp nào cũng theo, khóa nào cũng dự, thầy bà nào mình cũng tới, và mình có một chuyện mình không có biết được rằng, trong Trung-Bộ-Kinh, bài kinh Xà-Dụ, thì Đức-Phật Ngài dạy rằng có nhiều cách học giáo lý, có nhiều cách học mà có những cách học nó giúp mình, có những cách học nó hại mình. Đấy. Mình học bằng cái tâm niệm Ngã-mạn, Tà-kiến, Tham-ái, Ái-mạn, Kiến. Ở trong đó ghi rõ như vậy. Trong Chú-giải ghi rõ như vậy. Học đạo mà học bằng tác động của ba thứ Ái, Mạn, Kiến, học để mà xây dựng một cái tủ sách trong đầu, để xây dựng một cái "tôi", xây dựng một cái than phận, xây dựng một cách nhìn của thiên hạ dành cho mình. Đấy. Thì lúc bây giờ mình học đạo cái kiểu đó, đó là tự mình giam nhốt mình giống như một đứa bé mà nó tự nhốt nó, mà nó không biết rằng cái chuyện nó làm là giam nhốt.

(2) Và cái đau thứ hai đó là sau khi nó tự giam nhốt, nó lại không biết làm sao để nó ra khỏi cái đó. Tháng được có mấy ngày Bát-quan, hoặc là một năm được 3 tháng hạ, tháp tùng với Tăng-ni nhập hạ, ngồi Thiền, giữ Bát-quan, như vậy coi như là xong rồi đó, nhất rồi đó, nhìn mấy người mà không có làm được như mình, thấy họ thua mình xa lắm, rác rưỡi, phải không? Thấy người ta là rác rưỡi, là thấp kém, thiếu phước, thiếu trí, thiếu tu, còn mình thì đó như vầy là mới ngon nè, ngon lành nè. Đó, các vị thấy tức là ngày xưa mình bị giam nhốt trong cái gì và bây giờ mình bị giam nhốt trong cái gì. Đó là trong pháp học.

Rồi trong bao nhiêu công đức khác, ngoài kiến thức giáo lý nó làm cho mình tự hào, tự đắc, tự kiêu, tự mãn, tự tôn, tự đại ra đó, thì nó còn có bố thí, bố thí nhiều quá nó cũng giam cái cách tư duy lúc mình bố thí. Không khéo nó hình thành một cái thứ gọi là Tâm-thức Thí-chủ – Thấy việc mình làm ghê gớm, ai không được như mình là thấp kém, không ra gì hết.

Bố thí, giữ giới, học đạo, rồi tới ngồi thiền nữa chứ. Mình ngày ngồi mấy tiếng đồng hồ, một năm mình dự được mấy khóa, đi Miến Điện, đi Tích Lan, Ấn Độ hành hương, ngồi thiền Phật-cảnh, thì coi như là thấy mình số một. Nhưng mà có một chuyện rất là đáng tiếc là mình không hề biết rằng công đức nào cũng là công đức.

Công đức là chuyện nên thực hiện, nhưng cái Tâm-thức mà được mình nuôi dưỡng trong những lúc mà thực hiện công đức – chuyện đó quan trọng lắm. Như một đứa bé nãy tôi nói, 3 tuổi, nó loay hoay, loay hoay, nó không biết là nó đang nhốt nó. Và bi kịch thứ hai đó là, sau khi nó bị nhốt rồi nó chỉ biết khóc thôi, nó không biết sao ra.

Thì sáng nay trên bài giảng này muốn nói cái gì? Tôi muốn nói đến hai chuyện.

Chuyện thứ nhất là: “Hãy cẩn trọng với những thứ có thể giam nhốt mình”.
Và thứ hai là: “Con đường, giải pháp để mà tự cứu thoát mình”.

Đó là nội dung của bài giảng.

Hôm trước trong bài giảng trong khóa học ở Kālāma. No, no. Thụy-Sĩ. Tôi có nói đến hai hình thái giải thoát mà rất là nhiều người học Phật, rất nhiều và rất nhiều người học Phật thờ ơ, không để ý. Tôi không nói là họ không biết, nhưng mà thờ ơ.

Giải thoát nó có "Chánh giải thoát" và "Tà giải thoát". "Chánh giải thoát", "Tà giải thoát" nghĩa là sao? Có nghĩa là tất cả chúng ta là phàm phu thì lúc nào và lúc nào chúng ta cũng bị giam nhốt ở trong những, có ít nhất là hai cái "nhà tù", cái "nhà tù nhân" và "nhà tù quả".

"Nhà tù quả" trước đi. "Nhà tù quả" có nghĩa là những cái gì mà tiền nghiệp quá khứ của mình đã tạo, bây giờ nó đến lúc nó báo ứng. Thí dụ như mình sinh ra trong một hình hài không có đẹp, không khỏe, trong một gia cảnh khó khăn, túng quẫn, mình sinh ra trong một điều kiện thể chất sinh học nó không cho phép mình được nhanh nhạy, thông minh, như người khác. Mình sanh ra lỗ tai mình nghe nó cũng yếu, mắt mình nhìn thấy cũng yếu, phổi thận của mình nó cũng có vấn đề, rồi huyết áp, rồi tiểu đường, rồi cholesterol, rồi sỏi thận tùm lum hết. Thì tất cả những chuyện bệnh tật, nghèo túng hay là sự chậm chạp – tất cả những cái đó nó thuộc về tiền nghiệp, quả của tiền nghiệp, mà đã dính vô đó rồi là khó thoát. Tôi hỏi các vị nè, chiều cao của tôi là 1m60, do cái nghiệp tôi nặng 54kg, 54kg – 1m60, mà mặt mũi tôi các vị thấy, đó là tiền nghiệp. Bây giờ kiếp này là tôi chỉ có cách là tôi chấp nhận nó thôi. Bệnh tùm lum, thước tấc thiếu. Phải không? Thiếu thước tấc vậy đó, ký lô vậy đó, rồi bệnh tùm lum ở trong mà bây giờ tôi làm sao thoát đây? Đó. Tôi đang bị giam nhốt trong cái quả, hoặc là mình xuất thân trong một gia cảnh bần hèn, là cứ ở với Cha Mẹ cũng nghèo khó, mà lấy vợ lấy chồng cũng khó, khi cái nghiệp nghèo mà nó ám rồi đó là khó lắm, phải không? Đấy. Rồi bệnh, rồi ngoại hình, ngoại hình thì mặt mũi cũng không giống ai, nhiều khi cũng ước ao chứ, ước ao, ước ao giống cái này, cái kia, mặt mũi, tay trán, răng miệng, muốn lắm mà không được. Ừ, không được. Thì như vậy là chuyện đầu tiên là mình bị giam nhốt trong "quả". "Nhà tù quả".

Còn "nhà tù nhân" là sao? "Nhà tù nhân" nó gồm có hai. Đó là Nhân-thiện và Nhân-ác.

Tôi hay nói rằng toàn bộ đời sống của chúng ta đó là bị giam nhốt trong ba cái nhà tù. Nãy tôi nói Nhân – Quả là tôi nói gọn, chứ còn nói cho rộng là ba. Tức là Tiền-nghiệp, Khuynh-hướng-tâm-lý và Môi-trường-sống. Thì cái thứ ba mình chỉnh được.

"Nhà tù" thứ ba mình chỉnh được. Môi trường sống mình chỉnh được. Nhưng mình nói vậy chứ cũng không phải ai cũng muốn chỉnh là chỉnh đâu. Môi trường sống nhiều khi bà con muốn bỏ đi lắm mà đi không có được. Có, có. Nó nhiều lắm.

Nhưng mà hai cái đầu là khó lắm. Một là tiền nghiệp. Bây giờ là nghiệp quá khứ nó đã xong rồi bây giờ làm sao mà mình điều chỉnh nó đây?

Thứ hai là khuynh hướng tâm lý. Đấy. Khuynh hướng tâm lý này gọi là "nhà tù nhân" nè. Có nghĩa là mình trót nhiều đời là mình đã bủn xỉn, nhiều đời mình có tật là đố kỵ, ghen ghét, tỵ hiềm, nhiều đời là mình tà kiến, nhiều đời là mình tham nhiều, sân nhiều, phóng dật, thất niệm, thiếu định nhiều đời lắm. Đấy. Cho nên bây giờ biết Phật-pháp, một là đi nghe đạo thì cũng nghe bằng tâm thái của người nhiều phiền não, cũng đạo này mà người bỏn-sẻn nhiều, ganh-tị nhiều, tham nhiều, mạn nhiều, tà-kiến nhiều, [thì] họ nghe khác. Người mà nhiều từ-bi, nhiều trí-tuệ, nhiều chánh-niệm, [thì] họ nghe khác. Tôi dám bảo đảm như vậy. Bằng chứng là cũng Phật-pháp, cũng Tam-tạng đó mà mình thấy có người nghe xong thành Ngài Xá Lợi Phất, có người nghe xong thành Ngài A Nan, có người nghe xong thành Đề Bà Đạt Đa, và có người nghe xong thành chúng ta. Đó, mấy người mình đó, mình trong room này cũng nghe y chang vậy đó. Những gì Ngài Xá Lợi Phất nghe mình cũng nghe y chang vậy, không có khác gì hết, nhưng mà nghe xong người ta thành vậy đó. Còn mình nghe xong mình thành vậy. Đấy. Khuynh hướng tâm lý, nền tảng tâm thức. Bốn chữ tôi hay dung: “nền tảng tâm thức”. Đấy.

Cho nên là chúng ta bị giam nhốt trong đó, và chúng ta có hai cách thoát. Thì “thoát” đây nghĩa là gì? “Thoát” đây nghĩa là "thoát nông nổi" và "thoát trưởng thành".

"Thoát nông nổi" có nghĩa là mình chỉ đi trốn được cái nghèo, rồi đi giải phẫu thẩm mỹ [để] trốn cái xấu, trốn cái già, trốn cái nhăn, trốn cái khó nhìn. Đó là giải thoát cái kiểu mà thiển cận.

Còn "giải thoát sâu sắc" là gì? Là giải thoát từ trong nội tâm. Tức là mình vẫn nghèo đó, mình không thoát cái nghèo, nhưng mình vẫn có thể an lạc được với cái nghèo, an lạc được với cái bệnh, an lạc được với cái xấu, an lạc được với cái chậm chạp, an lạc được với những cái điểm bất cập của mình – Đó là giải thoát. Nhưng mà nó nhiều cấp. Giải thoát cái kiểu sương sương, tức là tiếp tục sống ở trong sự ám ảnh của vật chất, nhưng mà được an lạc, đó là giải thoát kiểu Dục-giới. Còn giải thoát kiểu Đáo-đại là sao? Có nghĩa là Ly-dục, không dính mắc trong vật chất, chứng đạt các tầng Thiền-định – Đó là tầng hai. Đó là giải thoát hai.

Giải thoát một có nghĩa là, tôi nhắc lại, giải thoát một là ngay trong hình hài vật chất này nè, chúng ta vẫn có thể được an lạc với những gì mình có. Đó cũng là kiểu giải thoát.
Còn giải thoát hai tức là Ly-dục rời xa ám ảnh vật chất để chứng đạt từ Sơ-thiền trở lên.
Còn giải thoát ba có nghĩa là phải chứng thánh, tối thiểu là Tu Đà Huờn, tức là dứt hẳn Thân-kiến và Hoài-nghi. Thân-kiến và Hoài-nghi dứt hẳn thì người đó chắc chắn sẽ chứng La-Hán trong vòng bảy kiếp trở lại. Vấn đề mà vị này đã giải quyết nó nhiều giống như một dãy Himalaya, và vấn đề tồn đọng lại nó chỉ là mấy viên sỏi thôi. Tối thiểu là Tu Đà Hườn.

Vậy thì giải thoát nó có nhiều cấp độ:
1- Giải thoát kiểu Dục-giới
2- Thiền-định
3- Chứng-thánh.

Thì đối với những "nhà tù" mà tôi nói đó: "nhà tù" tiền nghiệp nè, khuynh hướng tâm lý nè, môi trường sống, trong ba cái "nhà tù" đó, thì tôi gom lại còn có hai, đó là "nhà tù nhân" và "nhà tù quả" thôi. Trong đó, tiền nghiệp và môi trường sống thuộc về "nhà tù quả", do tiền-nghiệp quá khứ mà bây giờ mình phải sinh ra, đầu thai bằng Tâm-tái-tục đó, Tâm-đầu-thai đó, hình hài đó, thân phận đó, bối cảnh, hoàn cảnh, môi trường đó. Còn "nhà tù nhân" là mệt mỏi lắm. Có nghĩa là trong nhiều đời mình huân tập cái thiện, cái ác như thế nào, thì bây giờ nè, mình phải sống với nó. Có một điều, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chết sống với nó suốt đời. Nếu mà chúng ta có lòng muốn giải thoát, muốn lìa bỏ những thói xấu, huân tập những đức lành, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng mấy ai làm được? Vì sao? Vì rằng có hai thứ giải thoát mà chúng ta thường không để ý, đó là "Chánh giải thoát" và "Tà giải thoát". "Chánh giải thoát" là giải thoát thứ thiệt. Còn "Tà giải thoát" đó là không có thoát gì hết mà hiểu lầm tưởng là thoát. Đó gọi là "Tà giải thoát".

"Tà giải thoát" nó có hai.
Trường hợp một là đi từ cái "nhà tù" này qua cái "nhà tù" khác.
Đó được gọi là "Tà giải thoát". "Tà giải thoát" là vậy đó, chán người này, ly dị, tưởng sao đi tái hôn với người khác. Đấy. Chán môi trường này chạy qua môi trường khác, cũng giống y chang vậy. Hoặc là bỏ hết đi tu, tưởng sao vô tu bị vướng kẹt trong danh lợi, rồi vướng kẹt ở trong những cái… Ví dụ như giữ giới trong sạch thấy mình hay, học đạo ba mớ thấy mình hay, ngồi thiền ba mớ thấy mình hay, đạo tràng phật tử bu quanh thấy mình hay, mình nổi tiếng mình thấy mình hay, mình có chút uy tín, quyền lực, chức vụ, mình thấy mình hay. Nghĩa là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác thôi. Cái đầu trọc lóc nhưng mà cũng y như cư sĩ vậy. Đó là "Tà giải thoát" nó có hai. Một là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác.

"Tà giải thoát" thứ hai là gì?
Là mạ vàng dây xiềng dưới chân. Tức là thay vì dây xiềng đó là nó bằng sắt, bằng đồng, xấu quắc, phải không? Nó bị rỉ sét, nó bị lên ten, bây giờ mình mạ vàng, bọc bạc, mạ vàng, thì nhìn vô nó sang lắm, sang lắm, nhưng mà thật ra mình vẫn bị "ở tù", mình vẫn ở yên một chỗ. Nhưng có điều cái dây xích đó nhìn thấy thích liền, dây xích mà mạ vàng nhìn đã lắm, dây chuyền mình đeo thì nó có mấy chục gram là mình thấy đã rồi, đằng này nguyên một dây xích cả trăm kí lô, dài mấy mét, phải không? Dài mấy mét, mà cả trăm kí lô mà nó vàng rực lên, nhìn sao không sướng mắt được. Nhưng mà ngó kỹ lại đi, chính nó đang giam mình cái phòng chỗ biệt giam, chính nó giam nhốt mình ở trong không gian chật hẹp đó mình không biết.

Vậy thì "Tà giải thoát" nó có hai. Một là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác. Có, có giải thoát nha. Nhưng mà thoát cái này nó chun qua khác y chang vậy. Còn cái thứ hai tệ hơn, tiếp tục ở lại chỗ cũ, nhưng mà mạ vàng cái dây xích. Có nghĩa là sao? Tự cho mình là một người chồng nhiều trách nhiệm, một người mẹ nhiều trách nhiệm, một đứa con nhiều trách nhiệm, tự cho mình là một người cư sĩ tu hành chân chánh, có bố thí, có giữ giới, có nghe pháp, có ngồi thiền. Đời sống cư sĩ của tôi vậy còn chê, còn đòi gì nữa? Tôi thấy tôi hay rồi. Có nghĩa là đúng, những gì mình nói đúng hết, đúng hết đúng tất tần tật. Nhưng mình ngó kỹ lại coi. Ngó kỹ lại coi mình vẫn tiếp tục ở trong cái không gian đó, nhưng mà kể từ hôm nay, những cái gì ràng buộc mình là được mình áo lên đó một cái lớp màu rất là đẹp, mình mạ vàng đó.

Như vậy thì "Tà giải thoát" nó có hai.
1- Một là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác y chang.
2- Hai là tiếp tục ở yên một chỗ nhưng mạ vàng dây xiềng dưới chân.

Cái này là Chú-giải nói chứ không phải tôi. Tức là "Tà giải thoát" nó có hai trường hợp: một là chuyển đổi y chang, hai là tiếp tục dậm chân tại chỗ. Nhưng mà trong điều kiện lấp lánh, lung linh và lộng lẫy. Chỉ vậy thôi. Ừ. Nhớ nha.

Rồi "Chánh giải thoát" nó cũng có hai. "Chánh giải thoát" một là phá nát cái nhà tù – Đó là xuất gia, chứng đạo, phải không? Xuất gia, chứng đạo, chứng thiền, thì được gọi là phá nát "nhà tù". Trường hợp hai là tiếp tục ở trong cái "nhà tù" đó nhưng vô hiệu hóa. Đấy. Có nghĩa là sao? Có nghĩa là cái ổ khóa đó mình muốn mở lúc nào mình mở, cái song sắt đó thì mình đã cưa rồi, mình đã cưa hết mấy song rồi, cho nên bây giờ là nhìn mình, lúc tên này đang ở tù, đúng, nhưng mà bây giờ cái ổ khóa đó là mình giữ chìa. Yeah. Mình giữ chìa. Còn mấy cái song sắt là coi như mình cưa nó nát bét rồi. Cho nên mình muốn đi cửa cái thì đi, muốn đi cửa sổ mình đi.

"Chánh giải thoát" nó có hai:
1- Một là phá nát "nhà tù", có nghĩa là xuất gia, chứng đạo.
2- Còn trường hợp thứ hai đó là vô hiệu hóa "nhà tù". Có nghĩa là tiếp tục là một cư sĩ, tiếp tục nếp sống xưa giờ, nhưng mà có thể lìa bỏ lúc nào cũng được.

Trong kinh nói có bốn trường hợp:
1- Thân giải thoát mà tâm không giải thoát.
2- Tâm giải thoát mà thân không giải thoát.
3- Thân tâm đều giải thoát.
4- Thân tâm đều không giải thoát.

Thân giải thoát mà tâm không giải thoát là sao?
Là không có tài sản, không có gia đình, cái gì cũng không. Nhưng mà tâm thì phiền não còn nguyên không mẻ một gram. Đấy. Đó gọi là thân giải thoát mà tâm không giải thoát.

Trường hợp thứ hai, tâm giải thoát mà thân không giải thoát có nghĩa là sao?
Có nghĩa là thấy vậy đó, thấy sống như người ta vậy đó, nhưng mà tâm thì rất là OK. Bây giờ mà tắt thở cái là đi lên liền vậy đó. Người này được gọi là vô hiệu hóa "nhà tù".

Còn trường hợp thứ ba là mới sang. Thân tâm đều giải thoát. Có nghĩa là một đời sống vật chất, y áo, phải không? Của tu sĩ, và nội tâm là nội tâm của thánh hiền, trường hợp này gọi là phá nát "nhà tù". Thì trong bốn cái hạng này, chỉ có cái hạng mà gọi là tâm giải thoát mà thân không giải thoát, hoặc thân tâm đều giải thoát, thì hai cái hạng này được xem là "chánh giải thoát". Nhớ nha.

Như vậy thì "Tà giải thoát" nhớ nha, nó có hai:
1- Một là từ "nhà tù" này đi qua "nhà tù" khác.
2- Trường hợp hai, ở yên tại chỗ chỉ có mạ vàng cái dây xích dưới chân mình thôi, nhớ nha. Rồi.

(Các vị tắt dùm cái mic. Tại sao cái room này nó rất là lạ? Cái duyên nó mãn rồi. Hồi thì mở trễ, rồi hồi thì đi giao cho mấy cái người mà technic trục trặc, um sùm bát nhã. Mãn duyên rồi. Duyên mãn nó vậy đó. Vô tôi thấy hai người lạ quắc, mà thấy bệnh quá)

Rồi. Như vậy thì "Tà giải thoát" nó có hai. Một là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác, mà tưởng là mình đã giải thoát. Đó gọi là "tà" đó. "Tà" thứ hai là gì? Là mạ vàng. Cái thứ nhất là có xê dịch, có di chuyển. Nha. Nhưng mà tưởng sao đi vô cái "nhà tù" khác giống như vậy. Còn trường hợp thứ hai là tệ hơn nữa. Tiếp tục ở yên tại chỗ nhưng mạ vàng. Thì tất cả mình coi phàm phu mình là 1000% là đều bị kẹt trong hai cái này. Đấy. Tức là từ cái phòng giam này chuyển qua phòng giam kia, chỉ vậy thôi. Còn trường hợp thứ hai là tệ nữa. Tức là ở yên tại chỗ, nhưng mà mình mạ vàng nó. Mình nhân danh này, nhân danh kia, để cho thấy mình không có tệ, mình không có thua ai hết. Tôi là một người cha, một người mẹ, một người vợ, một người chồng rất là OK. Một người con rất là OK. Một người phật tử rất là OK. Nhưng mà ngẫm lại cái kiểu tu mình là tu sao? Tự xiềng, hoặc ngay cả một tu sĩ cũng vậy, cũng tự cho mình một cái nhãn hiệu, một cái nhãn mác nào đó, mình làm đạo tràng đệ tử cũng có đồ chúng, rồi mình cũng dịch kinh, dịch sách, rồi mình cũng có dạy thiền, dạy giáo lý, rồi mình thấy vậy là đòi gì nữa? Nhưng mà No, cái đó chỉ là mạ vàng cái dây xiềng dưới chân mình thôi. Mà mình, ngay cả cất chùa, trên danh nghĩa quay phim chụp hình và từ ngữ. Nha. Quay phim, chụp hình và từ ngữ. Thì mình thấy cất chùa đó là chuyện tốt, nhưng mà cái đó chỉ có trời biết thôi. Thì lúc mình suốt thời gian mà cất chùa 3 năm, cái lòng mình có nghĩ đến Tam-bảo không? Mình có nghĩ rằng mình góp sức để mà xây dựng đạo tràng cho tứ chúng muôn phương tu học, hay là mình gầy dựng một cái "tôi" to đùng trong thông qua cái chùa đó? Cái chùa đó mình lén lén mình nghĩ đó là tài sản của mình, mặc dù mình không dám lấy xài riêng. Đúng. Nhưng mà mình vẫn nghĩ nó là sự nghiệp của đời tu chứ, cái đạo nghiệp một đời của mình chứ. Đấy. Rồi trong ba năm cất đó đó, là mình coi như cái đầu mình chỉ có tiền bạc, sổ sách, chi thu, kêu gọi quyên góp, rồi xi măng, sắt thép, cát đá, thầy thợ, chứ làm gì có tu trong lúc đó. Khó lắm. Chính mình biết mà. Cho nên trường hợp này được gọi là mạ vàng dây xích thôi. Mình là một người cư sĩ mình cũng chỉ mạ vàng thôi nếu mà mình không có tu, thật sự mình không có tu.

Vừa rồi ở bên Virginia, Mỹ, có một bà cụ, mà tôi nói tên ra trong room chửi nữa. Nói chắc tôi muốn mua lòng cái bà đó, nên thôi tôi dẹp tôi khỏi nói tên đi. Có bà cụ đó học trò của Ngài Kim Triệu. Tôi nói các vị nghe rất là kỳ, tôi là chắc chắn các vị biết tôi ông sư là tôi không có đeo tượng Phật rồi đó, không có đeo trước ngực, mà tôi cũng không có hoan hỉ khi thấy người khác đeo tượng Phật bởi vì người mình nó nhơ nhớp lắm, rồi mình đeo tượng phật nó không có hay. Rồi tôi cũng không có muốn một căn phòng, một ngôi chùa mà tượng đầy trong ngoài tràn ngập, là tôi cũng không hoan hỉ. Bởi vì mình tôn kính Ngài quá đi, cho nên mình chỉ thờ đơn giản ở chỗ nào đó rất là tôn nghiêm, mà bức tượng, một bức hình mình phải lựa nữa. Nhưng mà có một chuyện như vầy, tức là có những hình ảnh mà bên ngoài tượng Phật ra đó nha, có những hình ảnh, mà mỗi lần tôi nhìn người tôi nghe nó nhẹ. Thí dụ tôi nhìn hình ảnh của bà Acchaan Naeb hay là của Ngài Acchaan Chah đó, tôi nhìn nó nhẹ lắm. Mà sao nó lạ. Cái duyên. Tôi thờ kính, tôi quý mến, tôi thần tượng Ngài Ledi nè, ông U Ba Khin nè, ông Goenka nè, nhưng mà ngộ lắm, tôi chỉ thích nhìn bà Acchaan Naeb. Kỳ vậy đó. Cái duyên. Tức là quý lắm các vị kia tôi thờ trên đầu á, nhưng mà không có, nhìn không phải mình chê, nhưng mà nhìn mà gọi là nuôi dưỡng đạo tâm mà tôi thích nhìn hình bà Acchaan Naeb. Ngộ vậy. Thì ở đây, vừa rồi ở bên Virginia có một bà cụ. Tôi rất là muốn treo hình bả trong phòng của tôi. Các vị nghe có kỳ không? Đối với tôi, bà đó đúng là giải thoát. Tôi đâu biết bà chứng cái gì, nhưng mà tôi có tiếp xúc với bà, tiếp xúc với cụ lúc mà cụ còn sống, cụ mát mẻ lắm, cụ mát mẻ lắm luôn. Với người lạ, với con cháu, với người quen nè, lạ nè, con cháu nè, với Chư Tăng, với Phật tử, cụ mát mẻ lắm. Mà ánh mắt của cụ là tôi nghĩ ánh mắt của cụ nó không có từ chối. Mà cụ chánh niệm lắm. Các vị hỏi tôi sư có đắc gì không sao sư biết? Thì mình nhìn đó, mình nhìn cụ đi đứng chánh niệm lắm, mà người từ tâm lắm, mà khi cụ mất thì Ngài Kim Triệu cũng có tổ chức một buổi lễ riêng để tưởng niệm một viên ngọc của đạo tràng khu vực Virginia, DC đó. Và các vị nghe rất ngạc nhiên, tôi nói tôi không có đeo tượng Phật, trong phòng tôi không muốn treo nhiều, nhưng mà rất nhiều. Đúng. Bởi vì tìm được một cụ như vậy không phải dễ. 90 rồi, mà tỉnh táo, mà minh mẫn, mà mát mẻ lắm luôn. Và một người, một bà cụ, một người cư sĩ mà tôi mong có một cái hình nhỏ nhỏ để trong phòng của tôi [để] những khi mà có cần đến một cái sự chia sẻ, một sự trấn an, một sự an ủi, một tí niềm tin về Phật-pháp thì chỉ liếc nhìn cụ thôi. Đó là một bà cụ nha. Một bà cụ. Tự nhiên nhớ tới đâu nói tới đó. Thì bà con nào online thì tự biết chứ còn tôi nói tên tuổi thì nói là tôi mua lòng, mà có khỉ gì đâu mua? Là con của cụ, cháu của cụ, bản thân cụ, không có cái gì để mà trông đợi hết trơn. Nhưng mà đẹp lắm. Phải nói cụ là một người Phật tử rất là đáng để bản thân tôi chiêm ngưỡng.

Tôi quay lại, rất nhiều, rất nhiều người mình ý, mình tu là mình tu kiểu "lượm ve chai", chứ không phải là tu "kiểu đổ rác". Tu kiểu "lượm ve chai" là cứ lượm, lượm, lượm kiến thức, rồi ba cái công đức như là bố thí, giữ giới, ngồi thiền, mình toàn cứ thu gom, thu gom, mà khi mình tu tập mà với một tâm thức thu gom, kiểu "lượm ve chai" nó nhiều hệ lụy lắm. Còn tu "kiểu đổ rác" là sao? Cứ thấy rác là liệng. Cũng bố thí, cũng ngồi thiền, cũng nghe pháp, cũng học giáo lý, nhưng mà với tâm thái của người đi đổ rác. Học để chi? Cho nó bớt dốt. Bố thí để chi? Cho nó bớt bỏn sẻn. Tùy hỷ để bớt cái ganh tỵ, ngồi thiền để bớt vọng động, bớt thất niệm, tức là làm cái gì cũng chỉ để bớt thôi, chứ không phải để được. Làm này để được phước, làm cái này, bố thí này để được giàu được nhan sắc, được quyền lực, học để được trí tuệ, ngồi thiền để được chánh niệm, được sự giác ngộ, được sự giải thoát.

Có hai kiểu: một người tu để được, được, được, được, được, một người tu để bớt, bớt, bớt, bớt, bớt, đấy. Đó gọi là giải thoát. Và tôi nói rất là nhiều lần. Tu hành, đặc biệt là hành giả tu thiền có hai trường hợp: tu để chứng thánh và tu để không còn là phàm. Tu để không còn là phàm có nghĩa là sao? Có nghĩa là cứ thấy cái gì mà nó tanh tanh là biết đó là phiền não, ganh tỵ, bủn xỉn, tỵ hiềm, nhỏ mọn, sân si, phải không? Biết liền. Biết nó là nó sẽ mất. Buổi đầu thì biết nó còn nguyên, nhưng mà lâu ngày biết nó, nhận diện nó: “nó, nó, nó nè, nó là tỵ hiềm, cái này là bủn sỉn nè, cái này là xấu nè”. Khi mà nhận diện nó sẽ mất. Tu vậy là tu để không còn là phàm. Tôi cho là kiểu tu này an toàn. Bởi vì mình biết phàm là cái gì, mình cứ thấy phàm là mình nhận diện liền. Còn mình tu để thành thánh thì nghe nó sang nhưng nó nguy hiểm lắm. Là bởi vì mình có biết thánh ra làm sao đâu. Cho nên tôi hay nói hoài, mình thấy lạ lạ tưởng thánh, tự nhiên thấy nó mát lạnh, nó nhẹ nhàng là thánh rồi đó, hoặc là lâu quá thấy người mình nó an vui, an lạc, đi đứng nhẹ nhàng, đầu óc mình sao lúc này tỉnh táo, minh mẫn, sáng, hiểu ra được nhiều chuyện mà mình xưa giờ không có hiểu. Rồi, vậy là thánh rồi, đúng không? Quá nguy hiểm.

Cho nên tu có nhiều kiểu. Tu kiểu đổ rác. Tu kiểu lượm ve chai. Tu kiểu mà, tu với mục đích không còn phàm, tu để thành thánh. Tu kiểu thả diều và tu kiểu thả chim. Thả diều, thả chim, nghĩa là cứ hành động mà không có trông đợi gì hết. Đó là thả chim. Còn thả diều tức là nói thả mà còn có sợi dây. Đấy. Sáu pháp tu. Thì sáu pháp đó, trong đó có cái gọi là "Chánh giải thoát", và có cái gọi là "Tà giải thoát".

Và tôi nhắc lại, nội dung tôi muốn nói sáng nay là cái gì? Đó là hãy cẩn trọng trong từng ngày, xem những gì mình làm, mình nói, mình tư duy: Nó có phải là "nhà tù" nó nhốt mình hay không? Thứ hai, nếu ngộ nhỡ mình bị thì làm sao mình thoát, chứ đừng có để rơi vào bi kịch, hoàn cảnh đáng thương của đứa bé mà đầu bài giảng tôi nói. Nó không có biết là loay hoay như vậy là tự nhốt mình trong phòng. Thứ hai, nó không hề biết làm sao mà để mở được cái chốt đó đi ra ngoài. Ba tuổi… Mình thấy clip đó mình tưởng là tại nó ba tuổi nó mới mắc lỗi đó. No. Chúng ta 100 tuổi vẫn mắc lỗi đó, có một điều là đứa bé đó nó bị giam nhốt ở trong cái căn phòng vật chất, còn mình bị giam nhốt trong cái căn phòng tinh thần. Nó khác nhau nhiêu đó thôi. Mà mình thì là học đạo, hành đạo, mình không biết cái đó, không có ngờ rằng… Các vị nhớ cái này mới ghê nè. Nãy tôi có nói "nhà tù" có hai: "Nhà tù nhân", "Nhà tù quả". "Nhà tù quả" do những cái gì do tiền nghiệp quá khứ nó tạo ra cho mình bây giờ. Còn "Nhà tù nhân" tức là đời sống tâm thức. Ghê lắm quý vị. Tôi nhắc lại: Ghê lắm.

Chúng ta luôn luôn và luôn luôn, sống và tư duy trên nền tảng tâm thức cũ của mình. Hiếm lắm, hiếm người nào mà thỉnh thoảng nhìn lại coi đây là vấn đề của mình, hiếm lắm luôn. Thường là chúng ta thường như 99,9% là chúng ta cứ tiếp tục đi tới trên cái nền tảng tâm thức của con người cũ. Cho nên Tây nó có một câu hay lắm: "Đi du lịch không chỉ là tìm về những vùng đất mới, mà còn là đi tìm một cái nhìn mới". Câu đó rất là hay. Đi du lịch không phải chỉ là tìm về những vùng đất mới, mà còn tìm thêm những cái nhìn mới, cái view mới. Cái đó quan trọng lắm. Thí dụ như bây giờ mà mình đi toàn cầu đi, Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc, mà mình đi đâu mình cũng mang cái tâm trạng của người thất tình, của người làm ăn thua lỗ, của người bị sỏi thận, của người bị cao máu, người bị ung thư, thì tôi nói bây giờ các vị có đi năm châu, bốn biển cũng vậy thôi. Trong khi đó mình về sa mạc là mình phải vui với sa mạc. Ở đây tôi không nói đạo nha. Tôi đang nói đời nha. Mình về sa mạc là mình quên hết, mình chỉ biết có những dãy cát sa mạc thôi. Về biển, về đảo, đi đâu vui đó nha, đi đâu vui đó chứ không có… (Các vị chờ tôi một tí ti… Alô, các vị còn nghe không? Dạ rồi, cảm ơn).

Thưa với bà con, sáng nay tôi muốn nói với bà con chuyện này: Sự hiện hữu của tất cả chúng sinh trong cuộc đời này, sự hiện hữu, sự có mặt, sự tồn tại, của tất cả chúng sanh trong cuộc đời này, dầu đó là một con ruồi, hay là con voi, hay là một vị hoàng đế, thì chỉ là sự hiện hữu của 6 Căn, 6 Trần, và tất cả mọi hoạt động của chúng. Đó là sự hiện hữu đó nha. Sự hiện hữu chúng ta chỉ là sự hiện hữu của 6 Căn, 6 Trần. Còn tất cả hoạt động khác và hiện hữu khác, thì tất cả hoạt động của chúng ta cũng chỉ là hoạt động của 6 Căn trước 6 Trần hết. Từ chuyện mà săn bắn, câu cá, buôn bán, vẽ tranh, làm thơ, viết nhạc, tụng kinh, ngồi thiền, chứng thiền, đắc đạo, tất cả đều là hoạt động của của 6 Căn trước 6 Trần. Nha. Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng.

Tại sao tôi đang giảng vụ "nhà tù" mà tôi quẹo qua bên đây? Là bởi vì thế này, các vị nhớ kỹ chúng ta có ba cái, có hai cái "nhà tù". Nói ba cũng được mà hai cũng được. Ở đây, "Nhà tù nhân", "Nhà tù quả", thì bây giờ tại sao mình bị giam nhốt? Là bởi vì trong nhiều đời mình sống nặng lòng với cái gì, mình thường bị ám ảnh bởi cái gì, thì ám ảnh với cái gì, nặng lòng với cái gì, chính cái đó nó trở thành "nhà tù" cho mình. Đấy. Thí dụ như có những người đời đời sanh ra là thích ngồi thiền, thích ly dục, mình thấy hay quá, quý quá, nhưng nếu mà không có biết Phật-pháp thì thích ngồi thiền, thích chứng thần thông nó cũng là kiểu "nhà tù", mà "nhà tù" sang nhất trong Tam-giới. Nó sang lắm, nhưng mà tưởng sao nó cứ quẩn quanh hoài. Cứ về Phạm-thiên rồi rớt xuống đọa, được ít lâu do thói quen tu thiện quay trở lại tu tiếp, tu tiếp là cũng về Phạm-thiên ở nữa. Ví dụ như vậy. Cho nên là nhớ cái đó, tức là cái gì mà mình bận tâm nhiều mà không có được ý thức giải thoát, thì những cái mà mình bận tâm, mình nặng lòng nó trở thành "nhà tù" nó giam nhốt chính mình. Nha.

Rồi thì tôi quay lại 6 Căn, 6 Trần. Muốn giải thoát, chuyện đầu tiên mình phải coi đó là thường mình bị nhốt trong cái gì? Nút thắt ở đâu thì gỡ ngay chỗ đó, té ở đâu phải đứng lên ngay chỗ đó, mình tháo gỡ ngay chỗ đó. Đấy. Thì các vị coi kỹ lại trong Kālāma, không phải Kālāma, ở trong Kinh Nghiệm Tuệ Quán, bộ Kinh Nghiệm Tuệ Quán của chúng tôi, của chúng tôi dịch thôi, trong đó có phần mà gọi là chúng tôi trích dịch từ Chú-giải của Sammohavinodanī, tức là Chú-giải của bộ Phân Tích; bộ Sumaṅgalavilāsinī là chú giải Trường-bộ, thì trong đó có nói rõ, Chú-giải của Sāratthappakāsinī – Chú-giải của Tương-ưng nữa, tức là cho mình biết những điều kiện nào để mà mình làm việc tốt hơn đối với phiền não bản thân, đối với thiện pháp bản thân. Trong đó nói rất rõ, làm ơn kiếm quyển đó nha. Quyển Kinh Nghiệm Tuệ Quán, trong đó có nói rất là rõ cái đó.

Thí dụ như bây giờ muốn trau dồi Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, thì mình cần đến những điều kiện nào? Và muốn giảm nhẹ và dứt hẳn các Triền-cái như là Tham-dục, Sân-độc, Hoài-nghi, Trạo-cử, thì mình phải làm sao? Và toàn bộ, chúng ta nhớ, toàn bộ những giải pháp đó đều là nằm gọn gàng ở trong 6 Căn, 6 Trần.

Thí dụ như mình nói là mình Chánh-niệm, Chánh-niệm là trong tâm mình đúng không? Mình muốn trau dồi Chánh-niệm, Chánh-niệm trong tâm chứ đâu phải trong thân mình, đúng không? Đấy. Rồi muốn trau dồi Niềm-tin, trau dồi pháp Hỷ, mấy cái đó thì toàn là tâm chứ đâu có nào là thân đâu, đâu có nào là Sắc-pháp. Toàn là tâm Danh-pháp hết. Nhưng nhiều đời quá khứ chúng ta đã sống và sinh hoạt với cái sự tác động của 6 Trần nó quen rồi, cho nên bây giờ đó, mình cũng phải mượn lại 6 Trần để mình giải quyết vấn đề của 6 Căn.

Thí dụ như bây giờ một vị hành giả mà muốn tu Chánh-niệm tốt hơn, muốn tu Từ-tâm tốt hơn, muốn tu Định-tâm tốt hơn, muốn tu Trí-tuệ tốt hơn, thì sao ta? Ngoài những yếu tố tâm lý như thường xuyên niệm tưởng cái này, cái kia, thường xuyên ghi nhớ, tìm hiểu cái này, cái kia, nó còn có cái gì nữa? Chỗ ở, gặp gỡ thầy bạn, thực phẩm, điều kiện, thời tiết. Đó. Nhớ cái đó nha. Cái đó rất là quan trọng. Chứ đừng có nói tu mà cực đoan, nói tu là tu tâm không cần tướng là sai. Bây giờ thời tiết ở xứ lạnh mình phải ăn mặc sao? Mặc lơ mơ là chết đó. Thí dụ như Thuy-sĩ lúc mùa lạnh mà cao điểm, nó ló cái này á là nó chết. Có nhiều lần tôi cảm giác [rằng] búng là gãy. Các vị biết nó ló chỉ có một ngón tay này thôi, cái găng của tôi nó bị rách, nó ló đâu là nó lạnh buốt cái đầu ngón tay. Lạnh vậy đó. Cho nên lúc đó muốn tu là phải áo quần đàng hoàng – Chuẩn. Nhưng mà về Châu Á thì sao? Nóng quá, thứ mà 49 và 39, 42 đó làm sao tu? Thì lúc đó trú-xứ, y phục phải chuẩn, phải chuẩn mới được. Chứ còn mà thứ 39, 42 mà lơ mơ là chết. Kỳ rồi tôi về tôi biết. 39, 42 [thì] tôi nói không có suy nghĩ được. Trang phục rất là quan trọng. Đấy. Cho nên mấy cái đó là vật chất đúng không? Nhưng mà, tôi nhắc lại, mình đã nhiều đời rồi, mình sống chung với lũ rồi, rất là nhiều đời mình sống vật lộn buồn vui, sống chết, trong cái tương quan của 6 Căn, 6 Trần, cho nên bây giờ để giải quyết nó đó là mình cũng phải quay lại để làm việc với nó trong một mục đích tích cực. Nhớ nha. Nhớ cái đó rất là quan trọng.

Chứ đừng có nói là tu tâm là quên cái tướng, cái tướng nó quan trọng lắm. Thí dụ như bây giờ nói Chư-Phật ba đời dạy là dạy mình tu tâm. Các vị nhớ ba lời dạy tôi dạy không? “Không làm các điều ác – Thực hiện các hành lành – Giữ gìn tâm trong sạch”. Thì toàn là mình thấy tâm không chứ có cái nào tướng không? Làm gì có tướng ở đây. Hả? Tâm không à. Nhưng tại sao có hình thức xuất gia? Tại sao? Là bởi vì chính cái tướng nó hỗ trợ cho cái tâm. Thí dụ như bây giờ mình khoác người cái áo này mình ngại có những cái chỗ mình không có tới, phải không? Thí dụ như có lần đó tôi cũng đi, có người quen ở trên Las Vegas, có, có người quen trên đó, cũng đưa đi vòng, mà mình đi ngang mấy chỗ mà người ta ăn mặc, mà nó trời ơi đó là mình không dám đứng. Mình đang đi trên đường nha, mà mình thấy Las Vegas… Ai đi thì biết ngoài đường mà nó có những chỗ nó kỳ lắm, ngoài đường chứ không phải là trong phòng riêng đấy. Mà mình nhớ mình ông sư là phải lướt nhanh. Thấy cái tướng nó có lợi dữ lắm, có lợi lắm. Không có đi sớm về khuya, không có giao tiếp những người mà khả nghi. Nơi chốn, con người, thời điểm, cách thức. Đấy. Tất cả những cái này là đều phải cẩn thận. Vì sao? Vì mình đang bị, mình dính, mình đang bị, đang được ràng buộc trong cái tướng, Tăng tướng. Nhớ nha.

Hành giả cũng vậy. Tại sao mà những Thiền-viện người ta đề nghị mình mặc đồng phục? Nó có tới 800 lý do. Thứ nhất là những đồng phục đề nghị hầu hết 99% nó đều bằng chất liệu vải mát, hút mồ hôi. Thứ hai nữa là mặc đồng phục như vậy đó là nó xấu quắc, cho nên khoác lên người cái áo rồi là những người mà làm đẹp đều bó tay hết, bó tay hết. Ví dụ như bây giờ không có không có đề nghị đồng phục, thì quần là áo lụa đồ tùm lum, còn bây giờ mà người nào cũng mặc giống nhau, hỏi đẹp, đẹp cái gì? Hả? Đẹp cái gì? Những người nào mà thích chưng diện, trang điểm mà đưa bộ đồng phục giống như… Xin lỗi, giống như áo tù vậy đó. Từ “áo tu” với “áo tù” nó giống nhau y chang. Thì khi mà trong cái tướng đó đó, cái tướng hành giả đó, nó làm cho mình buông hết bao nhiêu cái chuyện mà làm mắt, làm môi, làm tóc, làm tay. Hỏi chứ bây giờ đồng phục là đẹp với ai? Mà trong đó đâu ai nhìn mình đâu, toàn đi ngó xuống đất không à, đâu có ai nhìn mặt mình đâu. Bây giờ mình có đẹp như tiên, xấu như quỷ cũng không ai nhìn mình nữa. Rồi thêm trên người ai cũng mặc áo tù… áo tu cũng giống như áo tù vậy mà đẹp là đẹp cái gì?

Chính vì vậy cho nên: thứ nhất, chất liệu vải được lựa chọn để hành giả thoải mái, kích thước thoải mái, phùng phình vậy đó, mà nó thông thoáng; thứ [hai] nữa là nó xấu quắc. Vậy thì coi như người ta không có thời gian để làm đẹp. Thứ [ba] nữa là sao? Là khi mà đồ đạc đơn giản vậy thì giặt phơi kiểu nào cũng không sợ mất, không sợ bị trầy, không sợ bị rách, nó như cái tâm hoàn toàn tháo gỡ. Đó. Quý vị thấy ghê chưa? Tu tướng, cái tu tướng quan trọng. Và cuối cùng khi mà mình khoác lên người áo hành giả như vậy, chiều mình đâu có dám đi ra ngoài. Như mấy anh, mấy cậu, nhiều khi giấc chiều muốn đi uống chút đỉnh gì ngoài phố cũng kỳ, phải thay đồ khác, chứ còn nếu không thay là không dám mặc bộ đồ đó, thì cái thiền viện nằm ở đó, mình trong đó, trong thiền viện mà mình bước ra là người ta nhìn mình người ta biết mình là hành giả rồi, mà đầu có tóc nha, đầu có tóc người ta biết mình là cư sĩ chứ. Biết chứ sao không biết. Nhưng mà mình mặc trên người áo hành giả mình dám đi đâu?

Cho nên cái giải thoát là gì? Giải thoát nghĩa là mình làm việc với 6 Căn, 6 Trần, và mình vay mượn tất cả những cái gì mà nằm trong 6 Căn, 6 Trần để mình tu. Cái áo cũng là 6 Căn, 6 Trần chứ cái gì? Áo đó, cái áo, cái quần, rồi cái cách mình đi đứng từ tốn, chánh niệm, chững chạc, khoan thai. Cái đó là tướng chứ đâu phải tâm. Nhưng mà nó liên quan mật thiết.

Muốn giải thoát là phải giải quyết triệt để vấn đề, mà muốn giải quyết nó là phải coi vấn đề nó từ đâu nó ra. Đấy. Cho nên muốn giải quyết vấn đề, chuyện đầu tiên là anh phải coi vấn đề nó nằm ở đâu? Vấn đề nó là cái gì?

Cho nên tôi quay lại, bài giảng này tôi bắt đầu từ câu chuyện một đứa bé 3 tuổi, tự nhốt mình mà không biết, và khi mình bị nhốt không biết làm sao để thoát. Thì nãy giờ tôi nói rồi. Trong bài giảng này tôi đề nghị, tôi đề cập đến hai hình thái giải thoát: đó là "Chánh giải thoát" và "Tà giải thoát". "Tà giải thoát" nó là từ "nhà tù" này qua "nhà tù" khác – Một. Thứ hai nữa là mạ vàng dây xích dưới chân mình. Còn cách giải thoát nó có hai. Một là phá nát nhà tù luôn, thênh thang một cõi đất trời. Còn cái hai [là] nhà tù để nguyên nhưng mình đã vô hiệu hóa. Có nghĩa là sao? Ổ khóa hết khóa được rồi, ổ khóa phá banh rồi, rồi mấy cái song sắt cưa hết, cưa hết. Cho nên trên hình thức quay phim chụp hình, đúng là mình tiếp tục ở trong cái "nhà tù" đó, nhưng mà mình muốn ra ra, vào vào. Đó là những người mà nhìn cái tướng phàm mà tâm bắt đầu nó giống thánh rồi. Còn nếu được là thánh thì nhất, còn tối thiểu vô hiệu hóa "nhà tù".

Thì hôm nay bà con tự xét đi. Bà con tự xét xem coi mình có khả năng phá nát "nhà tù" hay không? Là ly dị hoặc là từ hôn, hoặc là bỏ hết gia tài cho người ở lại rồi một mình mình lên núi lên rừng, vào các thiền viện tu hành. Đó là phá nát "nhà tù". Còn không nữa, vô hiệu hóa là sao? Thu xếp như thế nào đó để có thể an lạc, tự tại tu tập tại nhà, hoặc thỉnh thoảng có thể đi đâu đó vài tháng không sao, hoặc có thể gieo duyên 1, 2 năm không sao, thì đó được gọi là vô hiệu hóa "nhà tù". Còn đằng này là nói chi đã mà cuối cùng mình không có khả năng vô hiệu hóa "nhà tù". Vô chùa là dính cái chùa, mặc áo tu dính cái áo tu, có đệ tử dính đệ tử, có tí danh lợi dính danh lợi, rồi ngoài đời thì coi như là có chồng dính chồng, có vợ dính vợ, có con dính con, có nhà dính nhà, thì cái đó là tù nhân chánh hiệu. Còn bây giờ mình phải đến với cảnh giới "Chánh giải thoát". Nó gồm có một là phá nát "nhà tù" – chứng thiền, chứng đạo. Đó gọi là phá nát. Còn thứ hai ít ra cũng vô hiệu hóa. Nhớ nha.

Thì bài giảng sáng nay tôi nhắc đến cái gì? Đó là xin bà con hãy nhớ rằng sống là phải lạc quan, nhưng "Cư An Tư Nguy", đấy. Sống là phải lạc quan nhưng mà " Cư An Tư Nguy". Lạc quan đây không có nghĩa là mình nhìn đời màu xanh rồi quên Phật. No. Lạc quan ở đây là thấy nó là mù sương, sướng khổ đều là mù sương không có gì đáng để nặng lòng, thì đó là lạc quan. Lạc quan một cách tích cực. Lạc quan một cách tiêu cực tức là tin cậy, tin yêu, cuộc đời này bằng cái nhìn của trẻ con. Cứ nghĩ rằng mình sẽ đời đời kiếp kiếp đẹp hoài, trẻ hoài, giàu hoài, sung sướng hoài, phải không? Đó là lạc quan kiểu trẻ con. Còn lạc quan kiểu của bậc Thượng-trí là sao? Biết tất cả là mù sương, bây giờ nó đắng cỡ nào, nó ngọt cỡ nào, nó thơm cỡ nào, nó thối cỡ nào, thì cũng chỉ là mù sương và an lạc với cái nhận thức đó. Phải sống lạc quan. Tuy nhiên "Cư An Tư Nguy" là sao? "Cư An" là sống trong cái lúc vô sự, mà "Tư nguy" là lòng vẫn đau đáu, canh cánh nghĩ đến chuyện xấu nhất có thể xảy ra. Đó gọi là “Cư An Tư Nguy”. Nhớ nha. Cái đó rất là quan trọng. Mà pháp tu mình còn có " Thao Quang Dưỡng Hối", có nghĩa là lúc mệt mỏi thì nghĩ ngơi để mà chờ một thời điểm thích hợp để mà thực hiện một chuyện khác, gọi là "Thao Quang Dưỡng Hối". Nghe đạo là phải nhớ mấy công thức đó. Còn không đó là "Kinh Quyền Hành Tàng". Tôi thuyết pháp hay nhắc hoài mấy chữ này cho mấy người dốt, tức là nhớ giáo pháp không có nhiều, chỉ cần nhớ chừng này.
"Kinh Quyền Hành Tàng". "Kinh" nghĩa là sống phải biết nguyên tắc, phải biết nguyên tắc, phải học giáo lý, phải có kiến thức, chứ không thể nào tu theo cái kiểu mà hễ ai lạ lạ là nhào theo là cái đó bậy. Phải có kiến thức và phải sống có nguyên tắc, chứ không phải muốn làm gì thì làm. Tôn trọng nguyên tắc gọi là "Kinh". Còn "Quyền" có nghĩa khả năng linh hoạt quyền biến, không có cứng ngắc như là robot. Sống không phải theo kiểu lập trình. Nha. Đó gọi là "Quyền". Còn "Hành" có nghĩa là tùy lúc, coi lúc nào có thể thực hiện được, hoạt động, thực hiện, xắn áo, phải không? Xắn áo nhảy ra làm việc, đó là "Hành". Còn "Tàng" là coi cái lúc nào mà thấy cần phải rút lui ẩn thân, gọi là " Kinh Quyền Hành Tàng", "Thao Quang Dưỡng Hối". Đó là mình tu [thì] phải nhớ mấy cái chữ đó. "Cư An Tư Nguy" nghĩa là lúc sống ở trong cái lúc vô sự phải nghĩ đến tình huống xấu nhất, bởi vì mình không biết mình chết lúc nào. Trong cái room này có nhiều người tôi biết chắc là có khả năng sống đến 90. Tôi biết chắc luôn. Nhưng mà tôi cũng biết chắc rằng trong cái room này nè có những người đó không có quá 10 năm. Tôi biết chắc luôn. Tôi không biết là trong room là bao nhiêu người, nhưng mà tôi chỉ cần mà trên 100 người thôi, phải không? Thì tôi biết trong room này có những người là không thể nào quá 10. Nói không phải để cho mình buồn, mình sợ, nhưng đó là sự thật. Thì "Cư An Tư Nguy" là sống ở trong một điều kiện an lành nhất thì cũng phải nghĩ đến tình huống xấu nhất. Nhớ cái đó.

Thì trong bài giảng này tôi nhắc đến cái gì? Nhắc đến cái chuyện là:
1- Hãy cẩn trọng. Đừng để mình tự giam nhốt mình.
2- Chuyện thứ hai, biết cái cách tháo gỡ hoặc là vô hiệu hóa cái "nhà tù" mà đã giam nhốt mình.
3- Thứ ba, chúng ta luân hồi, chúng ta hiện hữu, chúng ta hoạt động toàn là 6 Căn, 6 Trần, thì bây giờ cũng phải trên cái nền tảng đó mà giải thoát.

Thì cái nền tảng đó nó gồm có cái gì? Ngoài cái chuyện hành trì, bố thí, giữ giới, học đạo, ngồi thiền, phải không? Thì còn có cái chuyện gì để quan tâm đến, trú xứ, thầy bạn, điều kiện sinh hoạt như thực phẩm, thuốc men, rồi thời tiết. Tại sao tôi nhắc kỹ như vậy? Là bởi vì có nhiều người họ không được học cái này, họ tu tập không có tiến bộ. Thí dụ như bây giờ mình thương thầy quá, mình tin ông thầy đó, thầy ở núi Két, núi Tượng, núi Ông Cấm, núi Bà Đen, núi Dinh, núi Thị Vải. Thích quá, nhưng mà tại sao lên đó tu không tiến bộ. Là vì sao? Là mình coi kỹ lại coi [là] thời tiết, y phục, của mình ổn định chưa? Thực phẩm mình OK chưa? Phòng ốc của mình OK chưa? Phòng mình mà kế bên nhà bếp tối ngày nghe bằm bằm, xắc xắc. Phòng mình kế bên đống rác ruồi nhặng hôi rình, nước thải đen ngòm chảy róc rách, [thì] làm sao tu? Đấy. Mà nhiều khi chỉ có chút xíu đó thôi mà không có biết, rồi bây giờ có pháp môn nào bằng trời đi nữa, Ngọc-hoàng Thượng-đế xuống cũng không cứu mình được. Nha. Thực phẩm không hợp lý, y phục không hợp lý, phòng ốc không hợp lý. Nói như vậy không có nghĩa là mình tu mình phải sướng. No. Hiểu sai. Không phải. Nhưng mà mình phải để ý.

Các vị biết không? Trong suốt chuyến bay kỳ rồi chúng tôi từ ở Thụy-sĩ về Mỹ, hễ ngủ thì thôi mà thức dậy nó cứ bực mình hoài. Là tại sao vậy? Móng tay. Trước khi đi quên cắt. Trời ơi, nó khó chịu dữ lắm. Tại vì khi cái móng mình… mà tôi dài đây không phải dài như mấy cô, dài so với tôi mọi khi. Khi mà nó dài vậy, mà cái tật tôi hay gỡ hay tháo cái này, cái kia bằng móng lắm, mà khi nó dài quá đó nó yếu. Mặc dù mình cắt sát thì là bậy, cắt sát không được, nhưng mà để dài quá vậy mình cảm giác dễ bị tét. Mà mình tháo gỡ cột dây vậy đó, mà cái móng nó dài nó khó chịu lắm. Mà chỉ vì cái móng tay chưa có cắt, tôi ngồi máy bay tôi cứ nhìn hoài, tôi nói trời ơi cái này bậy quá bậy, sao có cái đồ bấm lấy bỏ vô túi rồi, cái nghĩ sao moi ra. Khổ vậy. Rồi chưa kể là tôi bị cái chứng nhỏ xíu thôi, đó là móng tôi nó bị, cái khóe, cái móng nó hay bấm nó hay đi vô trong thịt lắm. Đau lắm. Cái bàn chân này nếu mà tôi là nông nhân nó thúi móng chắc chắn luôn chứ không phải chắc. Chắc chắn. Tức là cái móng người ta nó đẹp, còn cái móng của tui là nó cứ xỉa vô thịt, cho nên lâu lâu phải cắt khóe một lần, chứ không là nó nhức dữ lắm. Nó nhức mà đi không được, phải bấm lấy nó ra. Cho nên con người tôi lúc nào cũng có đồ bấm móng trong người hết á. Không có khó chịu dữ lắm. Các vị thấy không? Trang phục không thích hợp. Rồi xà phòng tắm không thích hợp. Đấy. Thực phẩm không thích hợp, hoặc chỉ thiếu một chút thôi, cái đồ bấm móng tay mà không có, hoặc là kim chỉ. Có cuộn chỉ với hai cây kim, cây kim lớn, kim nhỏ [mà] thấy vậy chứ quan trọng lắm. Bây giờ tôi hỏi xứ lạ quê người ở trong thiền viện nó rách [thì] mình làm sao? Không lẽ mình đi gõ cửa từng phòng mình hỏi mượn. Các vị nghĩ nó vô duyên không? Chứ tôi thấy vô duyên, quá vô duyên. Nhu cầu của anh mà nhất là anh là hành giả mà anh đi gõ cửa làm phiền người ta, nam nữ tôi không cần biết, tôi chỉ biết là hễ xứ lạ quê người là phải có đồ bấm móng tay. Mà tôi cũng khai thiệt luôn, người ta gớm mình dữ lắm. Đồ bấm móng là kẹt lắm người ta mới đưa chứ người ta gớm dữ lắm, không ai xài chung hết. Cái đồ bấm móng nè, rồi kim chỉ là dầu đàn ông, đàn bà, già trẻ, không cần biết, đi là phải lận theo, đặng lỡ nó rách, nó tét, nó xước, nó sờn [thì] tự xử. Nhiều lắm quý vị.

Trong khi đó là mình muốn tu hành giải thoát là… Hồi nãy giờ tôi kể nghe ớn nhưng mà phải có trang bị. Muốn giải phóng một vùng đất, muốn giải phóng quê hương thì sao ta? Phải có quân đội. Mà quân đội phải được trang bị. Đó là hành trình tu hành giải thoát. Không ai mà thích tổ chức quân đội, không ai thích vũ trang hết, nhưng mà muốn được giải phóng thì phải xài tới vũ trang. Ở đây cũng vậy. Mình muốn được giải thoát thì mình cũng phải có những cái tư cụ, phải có những cái trang bị cần thiết chứ. Thì mình luân hồi, mình đau khổ là vì 6 Căn, 6 Trần, thì bây giờ mình cũng mượn lại 6 Căn, 6 Trần để mà có được giải thoát. Nhưng mà nhớ [rằng] cái mình gọi là giải thoát đó là "Chánh giải thoát" hay là "Tà giải thoát"? Quan trọng lắm.

OK. Hẹn gặp lại các vị… (Đúng một tiếng đồng hồ rồi) thứ năm tuần sau, và mong rằng mỗi một tuần một bài giảng nhỏ nhỏ vậy thôi, để bà con bỏ túi. Có nhiều người hỏi chi? Không có được gì đâu? Nhưng mà để ngó lại, xét lại, để nhìn lại, cái kiểu hiểu của mình, cái kiểu tu của mình. Chứ còn kiểu mà nói đi chùa mấy chục năm tôi thấy nghi lắm. Cái đầu trớt quớt à. Mà nhất là nghe đạo mà không để ý nghe cái gì, mà cứ để ý người ta nói kiểu gì. OK. Chúc các vị ngày vui. Nay trong room toàn người lạ không.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/BAgz7FW6GAU?si=_uuHerrfwPL_9p57

---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏


Youtube video
Xem thêm:

← Giáo Lý Căn Bản