Lớp Phật Pháp Căn Bản 29 Thứ Năm, ngày 08/08/2024 Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng Tử Du ghi chép chữ Pāḷi ÔN TẬP: KHÁI NIỆM THƯỜNG THỨC CỦA PHẬT GIÁO VỀ THẾ GIỚI Có nhiều bà con liên lạc với chúng tôi và họ đề nghị là quay lại lớp A Tỳ Đàm, có nghĩa là có bài vở cho bà con ghi chép như là mấy cái buổi đầu vậy đó, mà tôi thấy cái đó cũng hay. Bắt đầu bài giảng hôm nay, chúng tôi ôn lại một chút để ôn lại phần A Tỳ Đàm mấy chục bài giảng trước, không biết bà con còn nhớ không? Vấn đề là tôi ngán giảng Online [ở] chỗ là mình không biết ai học, ai không học, cho nên giảng giống như giảng cầu may vậy đó. Bà con còn nhớ tôi giảng về khái niệm Phật-sát, tức là trước khi học cái gì mình phải học cái nền trước. • Mình là ai ở trong trời đất này? Trước hết, mình là ai trong trời đất này? • Và trời đất này nó vốn là cái gì? Ví dụ như một Phật-sát nó gồm có bao nhiêu cái thế giới? Bây giờ trong mỗi cái vũ trụ như vậy nó gồm có bao nhiêu cảnh giới? • Và mình là ở đâu trong những cái cảnh giới đó? Kể cả trường hợp chúng ta không phải là Phật-tử, chúng ta là một nhà khoa học, thì Phật-pháp hoàn toàn có thể cung cấp cho chúng ta những cái thông tin rất là khoa học. Tôi nhắc lại một lần nữa một chuyện rất là quan trọng, đó là Phật-pháp nguyên thủy, Đức Phật Ngài giảng một nội dung phổ quát về vũ trụ, chứ Ngài không có nói chi tiết. Là vì sao? Là vì vô số lý do. Thứ nhất là Ngài chỉ nói một cách phổ quát ở trong Tăng-chi bộ thôi, để cho chúng ta hình dung được là mình là đang ở đâu. Chỉ vậy thôi. Và cái cách nói phổ quát đó hoàn toàn có thể thích hợp với bất cứ nền văn minh nào, từ thời của Ngài cho đến cái hiểu biết của Chư-thiên, Phạm-thiên, đến những vị có thần thông, hay là cái cách tuyên bố đó đem so với nền khoa học hiện đại, thì vẫn có thể dung hợp được, còn nói về chi tiết quá thì không. Ngài không nói là vì nhiều lý do lắm. Thứ nhất là những vị mà thật sự có thần thông họ thấy được, họ không cần thiết nói chi tiết, còn người không có thần thông càng nói càng hoang mang. Chưa kể khi mà chính Ngài nói chi tiết quá trở thành cái tiền lệ cho người đi sau thích phân tích [mà] càng phân tích càng rời xa cái sự thật. Cho nên Ngài chỉ nói phổ quát cho mình biết rằng nó có vô lượng thế giới, có vô lượng cảnh giới là được rồi. Và với một cái não trạng của người mà học hỏi khoa học hôm nay mà bình tĩnh, có thêm chữ "bình tĩnh" nữa nha, chúng ta thấy cái chuyện mà có vô số cảnh giới chuyện đó không có gì là lạ, không có gì là khó tin. Đấy. Nhưng mà đừng có bàn sâu, bàn sâu là bậy. Không được. Nhưng mà một cách là khái quát, một khái niệm khái quát thôi thì được. Còn người nào mà họ có thần thông, họ tận mắt thấy cái đó chuyện của người ta. Nhưng mà mình chỉ biết rằng có vô lượng chúng sinh và có vô số cảnh giới là được rồi. Thì bây giờ mình ngồi mình dò dò trước mặt mình nè, phải không? Mình thấy cái loài mà vi sinh, cái loài thủy sinh là mình thấy biết bao nhiêu cảnh giới trong đó, phải không? Bây giờ mà trong lòng đất, nó là một cái cảnh giới bạt ngàn ở dưới, trong lòng đất, phải không? Rồi trong nước là một cảnh giới bạt ngàn, mà nước [thì] các vị biết nó có nhiều nhất. Nước biển có nhiều tầng. Ánh nắng mặt trời chỉ rọi xuống 200m. Từ mặt trời rọi xuống biển được có 200m thôi. Đó là biển sạch, chứ còn biển Ba-Động, biển Gò-Công thì thua, biển Bạc-Liêu là thua. Tôi đang nói biển này [tức] biển sạch. Thí dụ biển Nha Trang hay là biển Maldives, hay là biển Clearwater của Florida, Mỹ. Thí dụ như biển sạch đó, thì tối đa đó là trên nó rọi xuống 200m. Thì trong 200m, đó là một cảnh giới [mà] nó có rất là nhiều loài động vật trong đó. Nhưng mà dưới 200m đó là bắt đầu nó lại là cảnh giới khác. Những loài sinh vật trong đó nó bắt đầu nó khác đi, khác đi sức ép áp suất của trái đất, của nước. Càng xuống sâu thì cái môi trường sống nó càng khắc nghiệt và khốc liệt, và nó càng khác đi nhiều lắm. Tức là chỉ riêng nước và đất thôi. Đất mà mình đào xuống 10m trở lại đó là một cảnh giới, nhưng mà qua khỏi 10m đó cảnh giới khác của loài yếm quang, yếm khí [mà] tôi hay nói. Đó là nước, là đất. Chưa nói đến những loài mà khuất mày, khuất mặt mình không thấy được bằng mắt thường. Nha. Chưa. Cho nên nếu ai hỏi tôi về các cảnh giới thì tôi trả lời thế này, qua nhiều cái thêu dệt vẻ vời của đời sau làm hỏng đi cái tinh thần uyên nguyên của Phật giáo nguyên thủy truyền thống. Đức Phật vốn dĩ Ngài chỉ nói một cách khái quát thôi [để] cho mình biết rằng có vô lượng chúng sinh với vô số duyên nghiệp khác nhau, và từ đó nó dẫn đến chuyện có vô số cảnh giới để mà tương ứng, xứng hợp với các nhóm chúng sinh. Chỉ vậy thôi. Thì mình học chuyện đầu tiên là mình phải học các cảnh giới một cách khái quát để mình biết rằng: thì ra ngoài cái xã hội loài người, nó còn nhiều cảnh giới khác như tôi mới vừa nói đó. Nước nó là một cảnh giới, mặt đất là một cảnh giới, rừng sâu là một cảnh giới, sa mạc là một cảnh giới, vùng băng tuyết Nam Bắc Cực là một cảnh giới. Chỉ sơ sơ là mình thấy đó là cảnh giới mà ở cái mức độ nhẹ nhất. Ở mức độ nhẹ nhất là mình thấy ở Châu-Úc, là cái thảm gọi là thảm thực vật, nó đã khác không giống những chỗ còn lại, phải không? Đó là một cảnh giới – Cảnh giới hiểu theo cái nghĩa hẹp nó vậy đó. Rồi ở mỗi gia đình nó cũng là cảnh giới. Mình thấy rõ ràng là nhà giàu nó khác, nhà nghèo khác chứ. Mức sống, nội dung, phẩm chất trong đời sống vật chất nha. Chứ chưa nói đến tình cảm, tâm linh. Chưa. Chỉ riêng cái khoảng vật chất thì người nhà giàu nó là một cảnh giới, anh nhà nghèo là một cảnh giới. Mà trong đám nhà nghèo nó có vô số kiểu nghèo, rồi trong đám nhà giàu nó có vô số kiểu giàu, hoặc là có những cái mà trong thế giới thượng lưu chỉ có trong đó họ biết nhau thôi. Đấy. Chỉ có trong đó nó biết nhau, và trong cái đám nhà nghèo của mình nó có những cái mà đám nhà giàu nó không biết, không cách nào nó biết được hết. Nó là một cảnh giới. Cảnh giới nghĩa như vậy thôi. Ở tầm vĩ mô, thì mình thấy là có vô lượng vũ trụ và vô lượng chúng sinh, ở chiều vi mô thì mình thấy rằng cấu tạo của mỗi ngọn cỏ, lá cây, của mỗi cơ phận sinh học trong thân xác con người, thì nó là gồm bao nhiêu phân tử tế bào li chi, lít chít mà mình học Đạo Giải-thoát thì mình liệu có cần biết nhiều về cái này hay không? Thì câu trả lời phân hai. Nếu mà chỉ chia chẻ li chi, lít chít, rồi suốt đời vùi đầu trong đó như là một khoa môn học thỏa mãn tri thức, thỏa mãn lý luận, thì không nên. Nhưng mà nếu chỉ học thoáng qua để có cái khái niệm rằng là không có gì là một, cái gì cũng là đồ lắp ráp, phải không? Học để biết tới đó thôi thì nên học. Học ở cái mức nào đó thì ngừng. Ví dụ như mình thấy riêng chuyện nấu ăn thôi đó. Người đầu bếp khách sạn 5 sao ở Mesola [thì] người ta cũng chỉ tìm hiểu đến mức nào đó người ta ngừng, chứ không lẽ suốt đời mà đào sâu thì khỏi nấu ăn luôn. Thí dụ như họ biết rằng là món nào ăn với rau nào, rau om, ngò gai, húng lủi, tía tô, kinh giới. Họ biết rất là rõ rau nào, mà tại sao cái món đó phải ăn với thì là, tại sao món đó phải ăn kinh giới. Họ nhìn kinh giới, họ biết đây là lá kinh giới, nhìn thì là, biết đây là thì là. Đấy. Tới đó thôi. Chứ còn [đối với] một người đầu bếp, họ không có cái nhu cầu biết bao nhiêu cái là thành phần dược tính ở trong từng loại rau. Thì cái đó không cần thiết. Họ không có đủ thời gian. Thì là trong đó gồm có chất gì chất gì, nó giúp cho mình chữa bệnh gì, nhưng mà cái tác dụng phụ nó là nó hại cái gì trong cơ thể của mình, cho cơ thể của mình,… Đấy. Thì cái phần này người đầu bếp không cần thiết phải quan tâm sâu như vậy. Đương nhiên rảnh rảnh thì cũng có thể đọc, nhưng mà cái đó nó không phải là chuyện quan trọng của anh nhà bếp. Anh nhà bếp là làm sao biết trường hợp nào xài rau nào, liều lượng bao nhiêu, nhìn mặt biết nó là rau gì. Đó. Anh đầu bếp chỉ biết tới đó thôi. Biết nhìn nó là biết nó rau gì; trường hợp nào dùng nó và liều lượng bao nhiêu; và để ở trong cái món ăn là để vào lúc nào: sống hay là chín, lúc nó nóng hay lúc nó nguội. Chỉ vậy thôi. Chứ còn đào sâu quá thì không còn thời gian để nấu ăn nữa nha. Ở đây cũng vậy. Mình học đạo là mình học có nhiều cách. Học đạo để trở thành hành giả; học đạo để trở thành học giả. Đấy. Hai cái. Học để trở thành học giả là chúng ta thuộc lòng kinh-điển giống như cái máy copy hoặc là máy cassette vậy đó. Thuộc làu làu càng nhiều càng tốt. Còn học để trở thành hành giả là mình học để vừa đủ. Các vị sẽ hỏi tôi vừa đủ là sao? Thì tôi phải nói là tùy người. Có người họ phải mất tới 3 năm là vừa đủ, có người chỉ cần một tuần lễ là vừa đủ. Đủ là sao? • Đủ để họ sống tỉnh thức, chánh niệm. • Đủ để họ không có hoang mang nghi hoặc cái chuyện tào lao tầm bậy, không cần thiết. • Đủ để họ có thể tự trả lời những cái điểm nghi vấn từ xưa giờ của chính họ. Chỉ vậy thôi là đủ, phải không? Chứ còn mà không có một cái định mức, không có tiêu chuẩn nào để gọi là đủ cho tất cả mọi người. Cái đó không có. Nhớ nha. Rồi. Thì tôi ôn lại, mấy buổi học đầu tiên của cái lớp này nè, tôi có nói A Tỳ Đàm – Cấu trúc của thế giới, phải không? Một mặt trăng, một mặt trời như vậy đó. Một sao kim, sao hỏa, sao mộc, sao thổ vậy đó. Chính một Thái-Dương hệ vậy đó. Mỗi cái đó, chính hành tinh đó nó là một Thái-Dương hệ. Mà 1.000 Thái-Dương hệ vậy là 1 Tiểu-Thiên thế giới, mà 2.000 Tiểu-Thiên nó là 1 Trung-Thiên, 3.000 Trung-Thiên nó là 1 Đại-Thiên, phải không? Mà 10.000 Đại-Thiên thế giới vậy đó nó là một Phật-Sát hay là địa bàn Hoằng-Pháp của một Đức Phật Chánh-Đẳng-Giác, phải không? Rồi. Đó là vĩ mô – Thế giới vĩ mô. Thế giới vĩ mô là sao? Tức là mỗi một chúng sinh, phàm phu mình hay là Thánh, phàm và Thánh, có cấu trúc tâm sinh lý giống nhau, chỉ khác nhau chút xíu là có những cái mà Bậc Thánh không có mà mình có, có những cái mình có mà bậc thánh không có. Khác tí thôi, nhưng mà một cách căn bản, cấu trúc thân – tâm, hồn và xác ở phàm thánh giống nhau. Đó là gì? 1. Xác ở đây có nghĩa là đất, nước, lửa, gió – tấm thân sinh học mình – đất, nước, lửa, gió. Rồi từ đó nói rộng ra nó thành ra là phải cộng thêm 24 cái trường hợp vật chất nữa, thì trường hợp đó được gọi là Sắc-Pháp hay là "phần xác" hay là cơ thể sinh học. 2. Còn tiếp theo là phần hồn hay là phần tâm linh, phần tinh thần, thì nó chỉ gồm có hai công thức rất là đơn giản. Hai công thức. Tâm-thức là cái "biết", chỉ là cái "biết" thôi. Cái "biết" của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có thiện-ác gì trong đó hết, phải không? Rồi Tâm-thức cộng với 13 Tâm-Sở-Trung-Tính. Tâm-sở đây nghĩa là những khía cạnh tâm lý. Ghi nhớ, cảm giác, hồi ức thì cái đó gọi là Tâm-Sở-Trung-Tính. Vậy thì cái "biết" là 1 cộng với 13 Tâm-Sở-Trung-Tính để làm nên một cái "biết" hoàn chỉnh, phải không? Cái này tôi nhắc tới, nhắc lui một triệu lần rồi, nhưng mà bây giờ làm sao ra Tâm-thiện, Tâm-ác đây? Đây là hai công thức: Tức là 1+13+14 (14 Tâm-Sở-Tiêu-Cực gồm tham, sân, si,…). Nói theo từ ngoài đời là sân hận, nhỏ mọn, toan tính, tiếc của rồi đó, phải không? Hờn dỗi đó. Thì nó là 14 Tâm-Sở-Tiêu-Cực. Tức là 1 cộng với 13 nó làm lên cái "biết" thôi, nhưng cái "biết" đó [mà] biết tiêu cực hay tích cực thì cộng thêm 14 Tâm-Sở nữa. Còn tâm thiện, tâm lành là cái gì? Đó cũng là cũng theo công thức 1+13, nhưng mà cái này nó không phải cộng 14 tiêu cực mà nó cộng với 25 tích cực – 25 Tâm-Sở Tích-Cực. Thì cái này tôi nhớ tôi đã giải thích rồi. không biết sáng nay trong buổi học này, số người nghe là đã có nghe mấy bài giảng này chưa? Đó. Nó khổ vậy đó. Cái lớp cứ nhảy ra, nhảy vô, nhảy ra, nhảy vô. Rồi có những gì họ thấy không cần thiết, thì tôi cũng xin nói thiệt, nếu thấy không cần thiết là thôi đừng có đi vô bàn ra, tán vô, mệt lắm, phải không? Học mấy cái này thì nó hơi nhức đầu. Học cái nền rồi mai mốt quên. Nhớ nha. Tôi chủ trương học rồi quên. Nhưng mà thà học rồi quên, mai mốt gặp chuyện thì nó bung ra có cái mình xài, nó vẫn tốt hơn là nói rằng học rồi quên học chi. Rốt cuộc cả đời làm Phật-tử mấy chục năm không biết gì hết. Đấy. Rồi. Cái tiếp theo nữa, các vị nghe kỹ nè. Có hai công thức làm nên Tâm-thức hay là Tinh-thần của một người mình là nó gồm: Công thức Thiện và Công thức Bất thiện. ◉ Công thức thiện thì nó là 1+13+25. ◉ Công thức bất thiện là 1+13+14. Thì cái con số 14 bất thiện, 14 tiêu cực này nè, nó chính là tất cả những cái tội ác, nó làm nên tất cả những cái tội ác qua Tam-nghiệp, tức là Thân – Khẩu – Ý của mình. Tức là làm bậy, nói bậy, nghĩ bậy đều dựa trên 14 này hết. Đâm cha, chém chú, cướp của, giết người, lừa thầy, phản bạn, mãi quốc, cầu vinh, phải không? Coi thường đại nghĩa. Tất cả những cái đó đều là 14, nằm trong 14 hết. Mình sát sanh, hại vật, giết mối, chuột, kiến, dán, hay là tàn sát, đồ sát cả một cái thành phố, thì cũng chỉ là 14 tiêu cực này. Còn tích cực là tất cả những hạnh lành trên cuộc đời này từ phàm đến thánh. Đã nói lành đều nằm hết ở trong 25 này. Thập Độ, Thập Thiện, Lục Độ gì đó nằm hết trong cái 25 này. Nhớ nha. Còn nguyên tắc vận hành của nó là bắt buộc mình phải học. Thí dụ như là để gọi là tâm lành, tức là 1+13+25, thì mình phải học sâu vô mình mới biết. Thí dụ như nó là cái diễn biến tâm lý lúc mình bố thí nó ra sao. Chứ còn nếu mà nói chung chung, nói tức là 1+13+25 thôi, nhưng mà diễn biến tâm lý lúc mình bố thí, diễn biến tâm lý lúc mà mình ngồi thiền, diễn biến tâm lý lúc mà mình đắc thiền, chứng đạo, diễn biến tâm lý nó ra sao; diễn biến tâm lý lúc mình sát sanh, mình hại người, mình nói bậy, mình nghĩ bậy, mình làm bậy, thì diễn biến tâm lý lúc đó ra sao, thì cái này bắt buộc phải học chi tiết rồi. Mà cái này thì tôi xin hứa rằng đó là chỉ có học trực tiếp mặt giáp mặt thôi. Chứ còn tôi đã có kinh nghiệm đầy mình trong cái vụ này. Giảng trực tiếp trước mặt mà nó còn không hiểu thì hỏi chứ giảng kiểu mà phong long, kiểu mà cầu may kiểu này, thì tôi không – không đủ siêng, không đủ siêng. Tôi nói rồi mấy vị buồn. Chứ như cái lớp bên Úc, tôi chán ở chỗ là bởi vì bên đó là 15 kiếp mới có Tăng-Ni đặt chân qua bên đó, rồi học là học cái gì? Hả? Học cái gì? Giờ kỳ này tôi qua tôi giảng ba tuần bên bển nè. Ba tuần. Rồi sáng đi học, rồi trưa về nhà, bởi vì ở ngay địa phương của họ mà. Thích thì ghé, ghé học xong rồi ngáp lên ngáp xuống, kiếm chỗ nào vắng vắng vùi cái đầu ra ngủ. Ngủ xong rồi lết về nhà. Xong đó tối, rảnh xách xe quay trở lại. Mà ba tuần như vậy chỉ khổ thân già của tôi. Mà tôi xin thề độc là tôi đi rồi là nó sẽ quên sạch. Cho nên không. Giờ tôi đang nghiên cứu dữ lắm luôn. Tôi đang nghiên cứu coi có cách nào trả cái tiền mà mướn chỗ. Mấy cái người họ không biết mướn hay là họ mượn thì mình cũng không có biết. Khỏi qua Úc luôn. Xa xôi quá. Mà sao lúc này sao hơi thở nó ngắn ngắn, nó sắp tịch rồi, ăn không được, ngủ không được. Mà bây giờ tôi đang ở Mỹ nè. Quý vị biết không? Tôi đang ở Mỹ nè. Tôi phải bay về Thụy Sĩ mất 10 tiếng. Thụy Sĩ bay về Thái 10 tiếng. Rồi Thái bay qua đó cũng tròm trèm 10 tiếng nữa. Có nghĩa là mất 30 tiếng đồng hồ, mất 30 tiếng để về đó giảng. Đấy. Cho nên là sáng nay tôi chỉ giới thiệu một chuyện thôi. Tôi phải ôn cho các vị biết cái mô hình, cái cấu trúc của cái gọi là thân – tâm, của cái vận hành của nó, vận hành của thân và tâm. Có cái thân nữa nha. Cái thân nữa. Ví dụ như vận hành của thân này, diễn biến của thân này nè, trong lúc giây phút đầu đời nó ra sao. Mà là đã nói chúng sinh phải nói hai chuyện. Thứ nhất là chủng loại. Thí dụ như nó gồm có bốn chủng loại là Noãn, Thai, Thấp, Hóa. Noãn là sanh ra bằng trứng. Thai là sanh ra nguyên con. Thấp là sanh ra trong điều kiện thiên nhiên ẩm thấp. Còn hóa là đột hiện. Bốn loại này, thì cấu trúc sinh học và diễn biến sinh học nó khác nhau. Đó là nói về chủng loại. Thứ hai, nói về thời điểm, thì trong một đời người sống có ba thời điểm là Đầu đời, Bình sinh, Cận tử. Thì ở ba thời điểm này, cái vận hành của thân xác cũng không giống nhau. Nhớ nha. Bà con học trực tiếp, học là bay thẳng qua, chỉ có bay thẳng qua Thụy Sĩ thôi, hoặc là về Kālāma. Còn Việt Nam thì các vị biết cũng hơi khó. Mình cứ là đông đảo trên chục cái phiền lắm. Cũng hơi khó, hơi khó. Còn ở Mỹ thì không có. Mỹ thì quý vị biết rồi, mang tiếng nó là quốc gia chứ nó mênh mông. Nó giống như một cái Châu lục vậy đó. Rồi số người học thì nó rải rác, rồi giờ giấc thì nó trớt quớt. Cho nên ở Mỹ là cái chỗ mấy năm trước tôi có dạy ABC. Có. Giờ dạy không nổi nữa. Dạy cho người sơ cơ dạy không nổi, còn nếu dạy intensive thì chịu thua. Ở Mỹ là coi như không có duyên. Thụy Sĩ thì được. Bà con qua Thụy Sĩ trước đi chơi sau học. Qua tốt nhất là Kālāma. Như sáng nay nè, tôi ôn tập lại cho bà con thấy: • Thế nào là Phật-Sát? • Thế nào là cấu trúc tâm lý và sinh học chúng sinh nói theo A Tỳ Đàm? Và chúng ta ở ngoài đời chúng ta học trung học, chúng ta thấy rõ ràng là nói tới con người [thì] mình có nhiều cách nói. Mình nói về con người, con vật, động vật trên thế giới này nói chung [thì] có nhiều cách nói. Mình nói qua ngành Sinh vật học cũng được, mà mình nói qua Văn, Sử, Địa cũng được. Ai đi học thì biết cái đó. Thí dụ như giờ mình nói về con người, mình nói về qua Văn, Sử, Địa. Thí dụ như mình nói là diện tích Việt Nam bắt đầu hình chữ S từ năm nào; dưới triều Vua nào; người Việt Nam gồm có bao nhiêu dân tộc anh em; rồi từ trước đời nhà Trần, đất Việt Nam tới đâu; từ đời nhà Trần tới đời Vua Gia Long thì đất Việt Nam mình tới đâu; như vậy thì hình chữ S có từ lúc nào, do công trạng của ai; rồi qua tới các Châu-lục khác, Nam Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu, mỗi vùng đất có nền văn minh như thế nào; văn minh Viking, văn minh Aztec, văn minh Tiểu Á, Trung Á, văn minh Châu Phi. Đấy. Đó là mình nói về con người qua Văn, Sử, Địa. Nhưng con người mà nói qua Hoá học (Chemical), con người mà nói qua Biology (là Sinh vật học) là khác nữa. Đấy. Con người nói qua khía cạnh lịch sử, qua khía cạnh văn hóa, qua cách tín ngưỡng – tôn giáo lại khác. Thì ở đây cũng vậy, cái gọi là thân – tâm của chúng sinh mà nói theo A Tỳ Đàm thì nó là một cách nói rất là khác. Khác là sao? Ở đây không có Chư-thiên, không có loài người, không có nam – nữ, đẹp – xấu, mà nó chỉ là thành tố tâm sinh lý cộng hưởng, cộng ghép, cộng sinh, cộng tác lại để mà làm việc thôi. Nhớ nha. Nhớ cái đó. Ví dụ như cái gọi là ngón tay của mình nè. Cái gọi là ngón tay thì mình gọi theo khái niệm thế gian là ngón tay. Thì ngôn ngữ, [tiếng Anh gọi là] “finger”, tiếng Tàu gọi là "chỉ (指)", tiếng Thái kêu là “Nîw (นิ้ว)”, tiếng Việt Nam kêu là "ngón". Thí dụ vậy. Là cái này nè. Nhưng mà A Tỳ Đàm nói không. Không có “finger”, không có “Nîw (นิ้ว)”, không có ngón, không có "chỉ (指)". Không có. Mà nó chỉ là đất, nước, lửa, gió làm nên cái này. Như vậy thì theo lời đề nghị của một số bà con, họ muốn chúng tôi có một dịp giảng về cái gọi là "Khái niệm thường thức của Phật-giáo về Thế giới". Chúng ta như tôi nói rất là nhiều lần, Chúng ta có hai cách nhìn về thế giới này. Cách một là nhìn qua "hiện tượng", và cách nhìn thứ hai là cách nhìn qua "bản thể". Cách nhìn qua "bản thể" là nhìn vậy đó. Chia con người gồm có thân và tâm. Thân – Tâm là công thức 1+13+14 hay 1+13+ 25, hoặc là đất, nước, lửa, gió. Đó là con người nhìn qua "bản thể". Còn con người mà nhìn qua "hiện tượng" là sao? Tức là nhìn qua góc cạnh xã hội, lịch sử, nhân văn, khảo cổ, nhìn từ những cái góc độ của thế gian, nhìn để mà thấy trong đó có nam, có nữ, có già, có trẻ, mập – ốm, cao – thấp, đen – trắng, đẹp – xấu. Đó là cái nhìn qua cái khía cạnh "hiện tượng". Và đương nhiên đạo Phật là đạo giải thoát, cho nên khi mà nói phân tích con người qua khía cạnh "bản thể" thì phân tích sao để cho hành giả có thể thông qua đó mà quán triệt, mà thấu đáo, nhận thức rốt ráo cái tính là tùy duyên và lắp ráp để mà nhàm chán, buông bỏ. Nhưng mà nó có trường hợp Phật-pháp phải được phân tích qua khía cạnh "hiện tượng" để cho người ta hiểu. Thí dụ như mình cứ nói là 13+14+ 25. Thì nếu mà nói vậy thì làm gì? Hỏi chứ con heo, con bò, rồi chư thiên, rồi người, vua chúa, nam – nữ thì tính sao? Cho nên có trường hợp y như ở ngoài đời. [Thí dụ như là trong] khoa học, có lúc họ nói về con người toàn là chất này, chất kia không, nhưng có lúc cũng là khoa học mà người ta phân tích qua các phân tử đơn bào, đơn tử tế bào, sinh thực vật, phải không? Rồi cũng có lúc người ta phân tích con người theo góc độ y học thì người ta lại nói khác. Chứ còn nếu mình chỉ nói chất này, chất kia thì sao mình mổ được? Sao mổ? Kiến thức mổ mình đâu thể nào mình đem thuần túy kiến thức hóa chất, mình còn phải học là cơ bắp, gân, xương, cấu trúc chằng chịt trong đó chứ đâu phải mình chỉ lấy đơn giản tập trung học cái chemical thì sao mình mổ. Đấy. Như vậy thì mình thấy, cũng là con người mà có cái lúc mình phải học về chemical, có lúc mình phải học về anatomy. Anatomy – Giải phẫu hình thể. Phải học cái đó. Ở đây cũng vậy, trong A Tỳ Đàm dạy rất rõ. Thế giới này nếu mà về tâm sinh lý, tâm lý thì nó gồm 1+13+25 – Nói về tâm. Còn về thân, về phần xác, tức là 4+24, tức là 28. Đó là nói về bản thể. Còn nói về hiện tượng là sao? Sáng nay nè, là bắt đầu tôi nói sơ về cái gọi là trong kinh, trong A Tỳ Đàm gọi là cái thế giới nhìn qua hiện tượng, nhìn qua vỏ ngoài, nó gồm có nhiều từ gọi là “parikappa”, có nghĩa là biến kế; hay là “sammuti” là Tục-Đế; hay là “paññatti” là chế định. Vậy mình có sơ sơ là mình có ba chữ rồi đó. 1- Parikappa 2- Sammuti 3- Paññatti Ba chữ này nó đều cái nghĩa chung là “conventional world”, có nghĩa là thế giới qua cái gọi là góc nhìn mặc định, ước lệ (ước C đó), mặc định, ước lệ, giả định. Thì trong A Tỳ Đàm nói đó, mình phải học cả cái "hiện tượng", cả cái "bản thể" để hiểu về thế giới này hơn. Nói về hiện tượng thì thế giới cái gọi là chúng sinh hay là cây cối, đất đá, chỉ là đất, nước, lửa gió và tâm thức thôi. Nhưng đó là nói bản thể. Còn hiện tượng là sao? Nó gồm có các thứ sau đây: Thời gian chế định. Thời gian chế định nó nhiều lắm. Nó tới mấy chục cái chế định. Ở đây sáng nay tôi chỉ giảng có mấy cái thôi. Mấy cái căn bản, mấy cái phổ quát. - Thời gian chế định - Không gian chế định - Hình thức chế định - Chúng sinh chế định Và cái cuối cùng đó là cái gì? - Biểu hiện chế định Bắt đầu nghe tôi giảng từng cái. Thời gian nè, không gian nè, chúng sanh nè, hình thể nè, biểu hiện. Tôi giảng 5 cái thôi. Thời gian chế định là sao? Có nghĩa là xuân, hạ, thu, đông, đêm, ngày, sáng, tối, nhanh rồi trễ, muộn, chậm, phải không? Nhanh, trễ, muộn, chậm, xuân, hạ, thu, đông, đêm, ngày, sáng, tối, thì đó được gọi là "Thời gian chế định". Chế định nghĩa là cái này nó không có thật, phải có con người, phải có cây cỏ đất đá, phải có cái gì cụ thể, điển hình, thì mới có khái niệm thời gian. Không có mặt trăng, không có mặt trời thì làm gì mà có, rồi không có trái đất, phải không? Thì làm gì mà có đông, tây, nam, bắc? Làm gì có ngày đêm? Mà nhất là không có chúng sanh, không có con người, thì làm gì… Nếu mà không có ai để mà ghi nhận cái chuyện đông, tây, nam, bắc, thì mấy cái đó làm gì có. Thấy chưa? Cho nên chuyện đầu tiên, thời gian đó là cái chế định. Nó là cái mặc định tương đối, nó là một concept, nó là một khái niệm, chứ nó không có thật cái thời gian. Có nghĩa là tùy lúc mà mình thấy thời gian nó qua mau, có lúc mình thấy nó chậm, có lúc mình thấy nó làm như nó không có luôn, nó nhanh đến mức mà nó không có luôn. Có. Có lúc 3 tiếng đồng hồ mà thấy nó không có. Hoặc là có lúc thấy nó rất là lâu. Chỉ có 15 phút thấy rất là lâu. Cho nên thời gian nó có nhiều thứ thời gian: là thời gian sinh học, đó là thời gian của cơ thể mình; rồi thời gian tâm lý; rồi thời gian địa quyển; rồi thời gian vật lý. Thời gian vật lý là mình thấy như thời gian của cái đồng hồ. Còn thời gian sinh quyển là mình thấy giống như là xuân, hạ, thu, đông, rồi hóa thạch, rồi cây cỏ. "Sông xưa rày đã nên đồng, Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai. Đêm nghe tiếng ếch bên tai, Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò". Đó là thời gian sinh quyển. Có nghĩa là những cái vùng đất mà ngày xưa đó là nó là biển [thì] bây giờ nó là đất liền. Có những cái chỗ mà ngày xưa mình thấy đó là đất liền [thì] bây giờ nó là biển, nó chìm xuống dưới biển. Có khoa học nhìn nhận cái đó. Có. Có nhiều di tích ngày xưa chìm dưới biển vì ngày xưa nó là đất liền. Có những cái chỗ như Ngũ-Hành-Sơn Đà Nẵng [thì] bây giờ nó là đất liền, nhưng ngày xưa nó là biển. Cho nên có rất là nhiều dấu vết đại dương hóa thạch, những cái loài mà ốc, rồi nghêu, sò, ốc, hến còn dính ở trong cái trần hang Đà Nẵng đó. Thì thời gian địa quyển là mình phải tính bằng triệu năm, bằng tỷ năm. Đấy. Còn cái thời gian mà sinh học của con người thì mình cứ căn cứ vô cái gì ta? Răng, da, phải không? Răng, da, rồi ngũ tạng, tiểu đường, rồi cao máu, rồi sỏi thận, rồi loét bao tử. Rồi phải nhìn cái màu da, nhìn màu tóc, nhìn cái răng rụng biết được người này già hay trẻ. Đấy. Đó là thời gian sinh học. Còn thời gian tâm lý là tùy lúc mà mình thấy nó lâu hay mau. Mà dầu thời gian sinh học, hay là thời gian địa quyển, hay là thời gian tâm lý, thì thời gian gì đi nữa, hoặc là thời gian vật lý, thì tất cả cái gì nó cũng phải có cái điểm tựa, từ đó nó mới hình thành khái niệm thời gian. Đấy. Cho nên trong A Tỳ Đàm nói chuyện đầu tiên: “Ngũ uẩn vạn pháp giai không” là sao? “Giai không” là vậy đó. Chuyện đầu tiên là thời gian nó vốn không có thật. Thời gian nó là không gian chiều thứ tư. Đó là thời gian đó, nó vốn không có thật. Phải có cái gì đó nó mới có thời gian. Thời gian nó là cái bóng của cái hình gì đó, phải có cái gì đó nó mới có cái bóng. Thứ hai nó là không gian chế định, có nghĩa không gian nó cũng không có thật. Ví dụ như là đông, tây, nam, bắc, trên, dưới, trong, ngoài, rộng, hẹp, thì mấy cái này đó là cũng không có thật. Nghĩa là nó phải có cái gì đó, từ cái gì đó nó mới ra cái khái niệm về không gian. Thí dụ như là quý vị học tiểu học, quí vị nhớ là thầy cô dạy mình buổi sáng nhìn mặt trời, thì cái hướng mà mặt trời mọc đó là hướng đông, sau lưng ta lúc đó tự nhiên, đương nhiên, cố nhiên, dĩ nhiên, mặc nhiên, đó là hướng tây, đúng không? Bên tay phải mình là hướng nam, bên tay trái mình là hướng bắc. Thì mình thấy rõ ràng, trước hết phải có mặt trời, rồi phải có thân xác này nữa, phải có cái thằng đứng nhìn nữa mới ra đông, tây, nam, bắc, đúng không? Chứ bây giờ cả một cái vùng không gian mênh mông không có hành tinh, thiên thể, không có mặt trăng, mặt trời, thì làm gì có cái gọi là không gian? Như vậy là thời gian nó là giả, nhưng mà cả cái không gian nó cũng là giả. Ngay cả cái gọi là cao – thấp, dài – ngắn, trong – ngoài, đôngm tây, nam, bắc, tất cả đều là giả. Nó có được là nhờ những điều kiện, những cái để so sánh, nó có cái gì đó tương đối, đối đãi nó mới có. Cho nên người ta… trong Phật-pháp mình có câu nổi tiếng đó là “We’re nothing but relationship”. Vũ trụ này là con số không. Tất cả chỉ là những mối tương quan. “We’re nothing but relationship”. “Chúng ta không là gì hết, chỉ là những mối tương quan”. Thí dụ mình gọi đó là cái cây, tại sao mình không gọi nó là cỏ? Mà tại sao mình không gọi nó là rong rêu? Tại sao mình gọi nó rong rêu, mình kêu nó là cọng rong, mà sao không kêu nó là cọng cỏ? Cái nào trong nước mình gọi là rong, cái nào trên nền ẩm gọi là rêu, hoặc là cái nào nó có lá, có củ, có rể, có thân, có cuống, thì mình gọi là cây, là cỏ. Đấy, thấy không? Nghĩa là phải có cái điểm tựa gì đó. Cho nên cái mình thấy nó ghê gớm. Như là mình thấy không gian, thời gian là hai vấn đề cực lớn của thế giới. Nó là vẫn là đồ giả. Giả là chỗ đó. Thời gian chế định – Không gian chế định là vậy đó. Nó không có thật. Rồi tới Hình thể chế định. Có nghĩa là đất đá mà nó ở một cái lượng lớn như vậy, nó kéo dài như vậy, thì mình gọi đó là đồi, nhưng mà cũng lượng đất đá, cây cỏ đó mà ở cái mức độ nào mình gọi là núi, mà ở mức độ nào mình gọi là ngọn núi, ở mức độ nào mình gọi là dãy núi, rặng núi. Thấy chưa? Dãy núi, rặng núi, ngọn núi, rồi trường hợp nào mình chỉ gọi nó là đồi. Có trường hợp nào mình không kêu “đồi”, mình chỉ kêu “cái gò” thôi. Trường hợp nào? Rồi có trường hợp nó còn dưới gò, nó là còn có đống thôi, rồi có trường hợp dưới đống, nó còn có cái cục thôi, cục đất. Hết. Cục đất, đống đất, gò đất, đồi đất, rồi tới núi đất, núi đá, dãy núi, rặng núi, ngọn núi. Thấy chưa? Phải dựa. Cái đó gọi là Hình thể chế định là vậy, hoặc là vuông – tròn, dài – ngắn, lục giác, bát giác, đa giác, bình hành, hình than, hình thoi. Đấy. Cái này là Hình thể chế định, có nghĩa là căn cứ vào những cái gọi là chi tiết, những khía cạnh của Toán học, của Hình học, thì mình gọi nó là hình tròn, hình vuông, hình bát giác. Tại sao nó có chế ra cái gọi là hình vuông hay là hình chữ nhật? Là bởi vì có dài, có ngang, chiều dài, chiều ngang mới là hình chữ nhật, còn bốn cạnh bằng nhau thì phải gọi là hình vuông. Thí dụ như vậy. Thì rõ ràng mình thấy là tất cả mọi thứ trên trái đất này mình gọi là đẹp, là xấu, là này kia, [thì] toàn [là] hình thể thôi. Thế nào là một người đẹp? Là mọi cái cơ phận, mọi cái chi tiết, mọi cái bố cục, nó hợp lý, nó tuân theo tỉ lệ vàng, thế là mình gọi nó là đẹp. Chỉ vậy thôi, phải không? Nó gọi là hình thể chế định là vậy đó. Ly tách, muỗng nĩa, dao kéo, núi non, kênh rạch, sông hồ, nhà cửa, tất thảy đều nằm ở trong cái gọi là hình thể chế định là như vậy. Như vậy mình vừa học xong Không gian chế định - Thời gian chế định - Hình thể chế định, rồi qua tới cái gì nữa? Là Chúng sinh chế định. Là sao? Tức là tùy theo cái duyên nghiệp của mỗi loài mà khi chết rồi quay lại, có loài thì mình gọi là con cá, con tép, rồi tại sao cũng hao hao nhau mà có con mình gọi là con tôm? Mà tại sao mình kêu gọi là tôm càng? Tại sao có con lobster? Rồi tại sao có con tép? Rồi tại sao có tép bạc? Rồi có tôm thẻ? Rồi nhỏ nữa, nhỏ từ từ, cho tới con ruốc. Con ruốc mình thấy nó giống nhau mà chỉ đổi tên chút xíu. Chỉ vì Duyên nghiệp. Duyên Nghiệp. Cũng trong nhóm họ mèo, con thì beo, con là sư tử, con thì mèo nhà, con thì mèo rừng. Rồi cũng có loài bò sát, con là thằn lằn, cắc kè, kỳ nhông, kỳ đà, con dong, con diết, tùm lum hết, gọi là Chúng sanh chế định là vậy. Tức là tùy thuộc vào cái duyên nghiệp mà khi sinh ra có những tập tính sinh hoạt và đặc điểm sinh học. Đấy. Tập tính sinh hoạt và đặc điểm sinh học. Chính cái này nó làm nên cái sự khác biệt giữa muôn loài chúng sinh. Và A Tỳ Đàm gọi đó là "Chúng sinh chế định". Như vậy là mình học xong rồi. Không gian chế định nè, Thời gian chế định nè, rồi Hình thể chế định, Chúng sinh chế định, rồi gì nữa? Nó tới mấy chục. Chỉ nói mấy cái nền thôi. Rồi mới tới cái gọi là "Biểu hiện chế định". Đó là màu cờ, sắc áo. Đấy. Mấy cái biển hiệu. Ví dụ như người ta nhìn cái biển hiệu người ta biết: Ồ, đây là cái tiệm may nè! Cái này là nhà thuốc tây nè! Cái này là chợ Bến Thành nè, Bình Tây nè! Rồi, rồi, rồi thấy rồi! Olympic từng đoàn đi vô, rồi nhìn màu cờ biết là: Uruguay nè, Brazil nè, Na Uy nè, Thụy Sĩ nè, Do Thái nè, Đức, Nhật nè, Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bổn nè! Ở đâu ra? Ở đâu ra? Màu cờ. Và nhiều lắm quý vị. Thí dụ mình thấy trên ti-vi, mấy công-ty Lữ hành mà nó chiếu quảng cáo, nó đâu có nói rõ ở đâu, mình chỉ liếc qua mình thấy Eiffel là biết của Pháp, tượng Nữ thần tự do là biết của Mỹ, thấy cái Vanderburgh là mình biết của Đức, rồi mình thấy cái cầu bắc ngang cái hồ đầy hoa biết là Lucerne của Thụy Sĩ. Rồi mình thấy mấy cái tháp của Lào. Rồi mình nhìn thấy chùa Một Cột, hồ Gươm, bản Dốc, mình biết là Việt Nam, rồi mình thấy Tô Châu, Hoàng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, mình biết là Trung Quốc. Ở đâu vậy? Cái đó được gọi là “Biểu hiện chế định”. Màu cờ sắc áo, và những dấu vết, đặc điểm, những nét đặc trưng, đặc hữu của vùng miền, tổ chức cá nhân, đoàn thể, mà thông qua đó chúng ta biết cái đó là cái gì, thuộc về cái gì. Thì cái đó gọi là "Biểu hiện chế định". Tất cả là đồ giả không là vậy đó. Giả không. Có nghĩa là có một thời Việt Nam mình, thời Đại Việt, mình chỉ xài cờ đuôi nheo, cờ ngũ sắc, cờ ngũ hành, rồi từ từ qua các thời triều đại, các chế độ mình thấy cờ Việt Nam nó đổi đủ thứ hết: cờ của Việt Nam Cộng Hòa, cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cờ của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đủ thứ cờ. Rồi xưa giờ mình thấy chỉ riêng cờ không là biết bao nhiêu quốc gia rồi. Hôm nay nó lòi ra chuyện nữa, là cờ của các lực lượng quân sự bên Miến Điện vui lắm. Đủ thứ cờ, mà đặc biệt là cờ của phiến quân. Đó là lúc khẩn cấp họ không nghĩ ra màu cờ, họ chạy qua Việt Nam mình họ lượm đại cờ Việt Nam đem qua xài đỡ. Vui lắm. Đám phiến quân ý, nó cảm tình Việt Nam, rồi nó qua Việt Nam nó lấy, chạy riết qua lượm mấy cờ lên, rồi nó dán lên mấy cái niềng xe đạp. Lá cờ Việt Nam dán lên đâu chục niềng xe đạp, nó ra lá cờ phiến quân. Dân Đức – cái dân cơ khí thì nó kêu là cờ Audi. Việt Nam mà logo Audi. Còn mà bình dân như cỡ tôi thì tôi gọi đó là mấy cái niềng xe đạp. Tức là cờ Việt Nam gắn mấy cái niềng xe đạp vô là nó ra cờ phiến quân. Đấy. Mà nó ở đâu ra cái đó? Nó ở đâu ra? Thì đó gọi là "Biểu hiện chế định". Người ta nhìn màu áo, người ta biết đây là đồ của Nam Hàn, của Hàn Quốc, của Việt Nam, của Nhật Bổn, đây biết là áo của Ma-sơ, đây là áo của Sư-cô. Đấy. Ma-sơ, Sư-cô khác nhau phải không? Khác nhau. Rồi cũng là người không có tóc, nhưng mà mình nhìn, mình thấy: ở đây là Nam-tông nè, Bắc-tông nè, Khất-sĩ nè. Đó. Rồi mình cũng thấy thả xuống nước con nào cũng bơi, mà tại sao mỗi con cá mang tên khác nhau? Cá voi, cá nục, cá ngừ, cá thu, cá nhà táng, cá ông gì tùm lum hết. Tại sao vậy? Căn cứ vào những đặt điểm sinh học, những tập tính sinh hoạt, những vẻ ngoài của từng con. Nó gọi là biểu hiện. Gọi là "biểu hiện sinh học". Nhớ nha. Rồi. Cái vẻ ngoài đó. Vẻ ngoài. Vậy thì mình sáng nói tới mấy chục, nhưng tôi chỉ gom lại những cái phổ quát để bà con hình dung thế nào gọi là thế giới qua hai góc nhìn: Góc nhìn hiện tượng và Góc nhìn bản thể. Góc nhìn bản thể đó là nó chỉ vậy thôi. Nó chỉ gồm Danh và Sắc, phần hồn, phần xác. Phần xác gồm có 4+24. Còn phần hồn thì nó gồm 1+13+14 hoặc 1+13+25. Đấy. Cái này tôi đã giảng chắc cả mấy ngàn lần. Giờ dẹp không có giảng nữa. Giờ ghét không có giảng nữa. Đó là phần bản thể. Còn phần hiện tượng nữa đó là căn cứ trên 4 cái gì? Căn cứ trên cái là tiền nghiệp nè, tâm lý nè, rồi thiên nhiên, chúng sinh, phải không? Rồi các điều kiện sinh hoạt, điều kiện dưỡng tố mà nó làm nên những cái – cái đó là về bản thể. Rồi từ đó trên cái nền bản thể đó nó làm ra những cái vẻ ngoài, và đa phần chúng sinh mình, đa phần nghĩa là 99,9% là mình cứ sống theo vẻ ngoài thôi. Tức là nguyên tảng băng sơn như vậy, cái phần chìm nó gấp đôi cái phần nổi, thì mình không màng tới cái phần chìm, mình chỉ liếc cái mặt nổi hết trên. Mà nói vậy là còn nhẹ. Chứ thật ra chúng ta là những con kiến chạy quanh trái xoài, mà không biết rằng bên trong cái vỏ đẹp này nè, thì mủ xoài rất là chát, mà xuyên qua cái chát đó là cái phần cơm xoài rất là ngon, xuyên qua cái phần cơm đó là tới phần hột, phần hột nó gồm có hai phần, phần vỏ hột và phần lõi hột. Nó từng phần, từng phần [mà] mình không biết. Mình chỉ là một con kiến chạy quanh trái xoài thôi. Mình biết mà không có biết nhiều. Hoặc là mình đi máy bay, mình nhìn xuống mặt đất khiếp lắm. Những dãy phố bạt ngàn ở dưới đất. Lên trên máy bay mà ở độ cao vài cây số, nhìn xuống nó giống như dề cơm cháy vậy đó. Cái thế giới này mình thấy nó có nhiều góc nhìn vui lắm. Một Nhà Khoa học họ nhìn thế giới này từ góc độ hóa học, góc độ vật lý, phải không? Một Nhà Sử học họ nhìn thế giới qua góc độ sử học. Nhìn nó ngộ lắm. Thí dụ như tôi biết, tôi nói này cái đám mạng xã hội Việt Nam nó chửi tôi chết. Việt Nam mình ăn rồi chửi 4 ngàn năm văn hiến, đặc biệt tấn công những kẻ vô hại đối với mình, đó là tánh anh hùng. Thì tôi muốn nói cái này, tôi đang giảng kinh Phật, nhưng mà tôi nói giảng về cái là Tục-đế Chế-định – cái hiện tượng này, tự nhiên tôi muốn đề nghị các vị nghe một cái mà các vị biết thế nào cũng chửi, đó là cái phần đầu, phần dạo đầu của cái phim mà gọi là Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tôi thề tôi không có coi phim đó, tôi vô tôi online, tôi thấy nó giới thiệu lời hát, cái lyric – cái lời hát mà của phim Tam Quốc Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hay lắm quý vị! Nó gom gọn lại 5000 năm lịch sử Hoa Hạ của Trung Quốc. Nó gom lại bao nhiêu là ngàn năm lịch sử của toàn thế giới. Hay lắm quý vị! Hay lắm! Hay, hay lắm luôn! Ừ, hay lắm luôn! Một cách ngẫu nhiên thôi, tôi được biết nội dung của bài nhạc phim Bao Công, bài mà “Uyên Ương Hồ Điệp Mộng” rất là phật giáo. Và trường hợp hai đó chính là bài, là phần lời dẫn nhập của phim Tam Quốc Diễn Nghĩa. Hay lắm quý vị! Thì thế giới này mình nhìn từ góc độ mà sinh vật học nó khác, nhìn từ góc độ vật lý nó khác, nhìn từ góc độ hóa chất nó khác, mà nhìn từ góc độ lịch sử nó khác. Chẳng hạn như có những lúc tôi ngồi, tôi chỉ điểm sơ lại mấy nghìn năm lịch sử của thế giới, trong đó có Việt Nam, gom gọn là cái gì? Là những trận lửa. Người dựng lên, người đốt cháy, người cất xây, người đập đổ, rồi bao nhiêu xác người ngã xuống. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô". Cứ một người làm tướng mà nổi tiếng thành danh, làm nên sự nghiệp, thì bao nhiêu cái xác đổ xuống. Xương họ thành gạch, thành đá, để mà lót đường cho bao nhiêu người khác dẫm lên, và trên cái nền tảng máu xương đó, bao nhiêu chế độ, triều đại tiếp tục thay phiên nhau được dựng lên rồi bị đạp đổ, được dựng lên rồi bị đốt cháy. Cứ như vậy trên mỗi một mảnh đất " “Nhứt khoảnh điền, thiên niên vạn chủ ", một mảnh đất ngàn năm là có cả bao nhiêu là người khác, người chủ đến và đi trên đó, mà đi trong cái máu và lệ của cuộc trầm luân sanh tử. Đó là lịch sử của thế giới qua cái góc nhìn hiện tượng là vậy đó. Tức là mình nhìn li chi, mình thấy mình là trai lớn lấy vợ, gái lớn có chồng, ráng có cái mái nhà rồi có con, có cái. Xin lỗi chứ cái đầu mình như con tép vậy đó! Mình chỉ nghĩ tới đó thôi, chứ nếu mà mình có cái tầm nhìn mà phổ quát, một cái nhìn mà xa rộng, sâu cao thì ngán lắm. Lịch sử thế giới nó không phải là cái nhà của mình không! Ra khỏi cái nhà, ra khỏi cái ao làng, ra khỏi quận huyện, ấp làng, xã tỉnh đi! Ra khỏi vùng miền khu vực đi! Ra khỏi đất nước của mình đi! Ra khỏi châu lục của mình đi! Ra khỏi cái bán cầu của mình đi! Ra khỏi cái hành tinh của mình đi! Mình phóng cái tầm nhìn nó gọi là bao la hơn một tí đó [thì] Thế giới tùy cái góc nhìn ở cao [mà] cao bao nhiêu, tùy cái góc nhìn rộng [mà] rộng bao nhiêu, sâu [mà] sâu bao nhiêu, thì mình mới thấy [rằng] thì ra thế giới này nó có nhiều góc nhìn lắm lắm luôn. Góc nhìn của thế gian, góc nhìn của người biết Đạo, biết Phật-pháp, của người không biết Phật-pháp, góc nhìn của người thường tư duy, của người không thường tư duy, của người uyên bác, của người không uyên bác, góc nhìn của hành giả, của người không phải hành giả, của người có thực chứng, của người không có thực chứng. Cái góc nhìn của người theo Đạo Chúa, Đạo Hồi, Đạo Ấn, Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão, đạo tùm lum. Đấy. Thì nói chung là tùy cái góc độ, tùy cái trình độ của mỗi người mà chúng ta chọn một cái góc nhìn, một cái tầm nhìn, một cái quãng nhìn, mà cái độ xa, độ cao, độ rộng, độ sâu, không giống nhau. Đấy. Thì sáng nay tôi muốn giới thiệu các vị một cái góc nhìn khác của đạo Phật về Thế giới. Bữa hổm mình học về thế giới qua cái bản thể. Sáng nay tôi giới thiệu với các vị một cái góc nhìn mới đó là đạo Phật nhìn về thế giới này qua cái khía cạnh hiện tượng. Đấy. Thì giảng cho vui thôi, chứ cái chế định này nè, phần chế định này mà có thời gian tôi nói cho các vị nghe đó là một tuần. Thí dụ như cái chế định này mà ở trong 3 Tạng đặc biệt lắm. Chế định này trong Tạng-luật nó như thế nào? Chế định này ở trong cái gọi là Dục-giới đó ra sao. Thí dụ như ở Dục-giới chế định nó vui. Chế định Dục-giới là nó gồm có nam – nữ nè, ngon – dở, thơm – thúi, nhưng mà chế định ở trên cõi Phạm-thiên nó đâu có, nó đâu có giống vậy, rồi chế định mà ở trên cõi Vô-sắc nó đâu phải vậy. Chế định mà ở Phàm-phu nó khác, mà chế định ở Bậc-thánh nó khác, khác chứ. Khác. Tại sao mà cũng nhìn, Bậc-thánh họ cũng biết đó là nam – nữ [mà] tại sao họ không rung động? Còn mình cũng biết phân biệt nam – nữ [mà] tại sao mình nhìn mình rung động? Nó nhiều chuyện lắm. Rồi bên trong Tạng-kinh, Tạng-luật. Trong Tạng-luật thì một cái miếng cơm mà mình không xin phép là mình không được lấy, vì đó là phạm giới, mà trong A Tỳ Đàm nói không, trong A Tỳ Đàm nói "vạn pháp là vô ngã", không có tôi, không có anh, không có chủ quyền, không có vật sở hữu, không có kẻ cai trị và người bị trị. Tất cả chỉ là Sóng và Hạt. Tất cả chỉ là những đốm nắng, những làn sương chớp nhoáng, không có khái niệm chủ quyền, chủ thể, khách thể gì, không có. Trong A Tỳ Đàm nói vậy. Nếu vậy tại sao mà mình phải có Tạng-luật? Khổ vậy đó. Rồi A Tỳ Đàm nói không có cái vụ mà không có nói kiểu như bên Tạng-kinh. Tạng-luật [thì] bên đó là chạm tay nhau [với] người khác phái là phạm giới. No. Trong A Tỳ Đàm đâu nói mấy chuyện đó. Trong A Tỳ Đàm chỉ nói là tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi. A Tỳ Đàm chỉ nói vậy thôi, chứ A Tỳ Đàm không có vụ mà phạm này, phạm kia. Cho nên phải học cả ba Tạng giống như một người học sinh ngoài đời. Họ phải học Toán nè, Lý nè, Hóa nè, Văn nè, Sử nè, Địa nè. Phải học cả 6 cái này, để chi? Họ có ít nhất là hai cái nhìn khác nhau về thế giới. Một là cái nhìn thông qua bản thể và một cái nhìn thông qua khoa học. Và cái nhìn thông qua hiện tượng, tức là thông qua xã hội, thông qua văn hóa, thông qua lịch sử, mà mình chỉ có một cách nhìn thông qua khoa học thì sống sao? Sống với ai? Nhưng mà chỉ có một cái nhìn, gọi là cái nhìn dân gian mà thiếu đi cái nhìn khoa học thì cũng không được. Lấy cái gì mà mổ xẻ, hả? Lấy cái đầu của một người mà thiếu khoa học, anh lấy cái gì mà anh mổ xẻ? Cơ thể con người này mà ở một người mà không biết chữ nó hiểu khác, một anh biết chữ ảnh hiểu khác nha. Đấy. Mà mình muốn mổ người ta là hiểu như thế nào? Đấy. Cho nên học Phật để làm học giả, làm hành giả. Hai cái khác. Học để thỏa mãn cái tri thức, thỏa mãn cái tò mò, để mà thỏa mãn cái óc lý luận là khác. Còn học để mà là tư duy, hành trì, tìm lấy một hướng đi, tìm về cứu cảnh giải thoát thì mình phải học khác. Đấy. Thì sáng nay chỉ nói điểm sơ sơ cho bà con thấy Đạo Phật có rất là nhiều cái để cung cấp cho quý vị. Có điều tại các vị đi học, các vị đi vào chùa, các vị không học giáo lý, các vị đâu có ngờ Phật-pháp kinh khủng như vậy. Nha. OK. Chúc các vị một ngày vui. Mở mắt ra đúng chóc một tiếng đồng hồ. Chúc các vị một ngày vui. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. ☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây: https://www.youtube.com/live/choeHe2x1TQ?si=tXStt7VCwPgGxSof --------------------------- Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
Youtube video Xem thêm: |