Lớp Phật Pháp Căn Bản 31 Thứ Năm, ngày 22/08/2024 Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng Tử Du ghi chép chữ Pāḷi CẤU TRÚC VÀ VẬN HÀNH TÂM THỨC CỦA CHÚNG SINH Như chúng tôi hứa hôm trước, thì kể từ cái buổi giảng vừa rồi trở đi, chúng tôi sẽ hướng dẫn các vị học các chương, học nguyên bộ đó. Học nguyên bộ Thắng Pháp Tập Yếu, tức là kiến thức căn bản về A Tỳ Đàm, để một là các vị tự học tốt hơn, còn hai nữa là các vị mù tịt thì có cái khái niệm biết A Tỳ Đàm nó là cái gì, biết nó là cái gì. Dầu không có thời gian học hoặc là không có ý thích học, thì ít ra cũng biết A Tỳ Đàm là cái gì. Nghe người ta nói không biết gì hết. A Tỳ Đàm là nói về những gì trong ta, ngoài ta, chung quanh ta, xa hoặc gần, không có giới hạn, thì để chúng ta hiểu rằng mình là ai, mình là cái gì giữa trời đất vũ trụ này và cái gọi là trời đất vũ trụ, thật ra nó là cái gì. Và cái chuyện mà mình cần phải làm ngay bây giờ nó là cái chuyện gì. Cái đó là cái quan trọng. Đó là mấy cái: 1- Mình là ai? Mình là cái gì trong cuộc đời này? 2- Cái gọi là cuộc đời, là thế giới, là vũ trụ thực ra nó là cái gì? 3- Cái thứ ba nữa đó là ngay bây giờ mình cần phải làm gì? Đó là nội dung A Tỳ Đàm, chứ A Tỳ Đàm không phải là một bộ môn giáo lý mà thuần túy lý luận cho vui như nhiều người hiểu lầm. Tuần trước chúng tôi giới thiệu cho các vị về khái niệm Người và Cõi, có nghĩa là chủng loại Chúng-sinh và các Cảnh-giới một cách sơ sài. Rồi tôi chỉ ôn lại thôi. Trước hết là phải nhắc lại vấn đề cấu trúc của Vũ-trụ và Chúng-sinh nó chỉ gồm có hai thứ thôi. Đó là Phần-hồn và Phần-xác. Tôi cố tránh không có dùng từ Phật học nha. Phần-hồn và Phần-xác. Phần vật chất – phần tinh thần. Cái gì mà nó thuộc về chúng sinh thì bên cạnh yếu tố vật chất nó còn có yếu tố tinh thần. Còn cái gì mà ra ngoài chúng sinh thì nó chỉ là vật chất thôi. Cái gọi là vật chất ở đây đó, thì mình có trăm ngàn cách để phân tích, để giải thích. Nhưng mà nói gọn lại thì nền tảng của vật chất theo trong kinh, theo giáo lý A Tỳ Đàm thì cái nền tảng của vật chất nó chỉ là những trạng thái. Mà gom gọn lại là bốn trạng thái cứng, mềm, mịn, nhám, nặng, nhẹ thì gọi là Đất. Có nghĩa là kể cả những phân tử, những nguyên tử, những điện tử, những quang tử, những proton, photon, electron, thì nó đều có đủ bốn cái thành tố đó. Có nghĩa là đất, nước, lửa, gió trong đó. Thì đất ở đây nó có nghĩa là cái gì mà nặng, nhẹ, mịn, nhám, cứng, mềm, có thể choáng chỗ hoặc không có choáng chỗ. Rồi. Trạng thái thôi. Trạng thái thứ hai đó là Nước. [Trong] đất, nước, lửa, gió, thì nước cũng chỉ là trạng thái thôi, chứ không phải nước hiểu theo nghĩa thông thường của mình. Nước trong A Tỳ Đàm nó là trạng thái tan chảy, ngưng tụ và kết dính. Trạng thái đó đó được gọi là nước, phải không? Tan chảy, ngưng tụ và kết dính. Thứ ba là lửa. Lửa trong A Tỳ Đàm là tất cả các nhiệt độ, nóng – lạnh cỡ nào thì cũng đều gọi chung là lửa. Khía cạnh nhiệt độ của vật chất thì gọi là lửa. Còn gió tức là trạng thái xê dịch, di động, thúc đẩy, trương phồng, áp suất. Xê dịch, thúc đẩy. Có cái "xê dịch" nha. Nhớ từng chữ nha. Xê dịch, thúc đẩy, trương phồng, áp suất, nén, dồn. Hoặc là xê dịch, nhúc nhích, rồi dời đổi thì những trạng thái đó gom chung lại nó là gió. Còn nói về Phần-hồn thì chúng sinh nó gồm có hai trường hợp đó là Thiện với Ác. Thánh nhân thì nằm ngoài Thiện-Ác, còn phàm phu thì có hai cái thiện và ác. Có lúc mình sống thiện, có lúc sống ác. Sống thiện là mình sống với không phải chỉ có một cái tâm thiện. Không phải có một cái tâm thiện rồi mình sống với nó. Không phải. Mà được gọi là tâm thiện ở đây là nó gồm ba thành tố. Đó là cái biết không có thiện – ác, phàm – thánh. Cái biết đó gọi là Tâm-thức, nó cộng với các Tâm-sở. Tâm-sở đây nó gồm có những Tâm-sở trung tính không Thiện – Ác. Các vị nghe này muốn hiểu, muốn tìm hiểu phải ghi xuống thôi. Những Tâm-sở trung tính, những Tâm-sở này nó giúp cho Tâm-thức hoàn tất cái biết. Nhưng mà thiện ác tính sao? Cộng tiếp, cộng tiếp, cộng tiếp. Cái Tâm-thức là cái biết nó là một, là con số 1 đi. Rồi các cái Tâm-sở trung tính mà đi kèm với nó đó, không có thiện ác nha, thì nó gồm 13 nữa, đó là nó giúp cho Tâm-thức hoàn tất chức năng ghi nhận, nhận thức, nhận biết. Còn Thiện – Ác là mình phải cộng tiếp. Tức là 1+13+14. Tức là những cái thành tố tâm lý tiêu cực thì nó cho ra tâm xấu, tâm ác, tâm bất thiện. Cái này tôi giảng là vì lòng từ bi, chứ còn cái này là phải học trực tiếp thôi. Chứ còn tôi nghe nhiều người họ nói là học qua online cái này là không có hiểu. Ít ra cho các vị một cái khái niệm, phải không? Thì vấn đề nghe, người Việt Nam mà nếu tôi không lầm là mình không có cái thói quen ghi chép, hoặc làm biếng. Chứ đúng ra là mình lấy note, lấy ghi chú là nó dễ nhớ hơn. Rồi tâm thiện cũng là 1+13, nhưng mà không phải cộng với 14 mà cộng 25 – những thành tố tâm lý tích cực. Cái gọi là chủng loại chúng sinh là sao? Tức là cái loài nào sống nhiều với tâm ác, thì nó sẽ trở thành một chủng loại chúng sanh nào đó. Nó trở thành bằng cách nào ta? Bằng cách là tái sinh. Tức là hết cái kiếp sống này nè, thì mình tái sanh vào những cái cảnh giới, vào những cái chủng loại, cái thân phận, những cái hình hài mà nó tương ứng với cái xấu, cái ác, cái bất thiện của mình trong quá khứ. Thí dụ làm con ong, cái kiến, rồi chó, heo, mèo, gà, rồi trâu, bò đó. Hoặc là khi mình sống nhiều với tâm lành thì sẽ tái sinh vào những cái cảnh giới trời người – chư thiên và loài người. Nhưng mà không phải vĩnh viễn nha. Không phải vĩnh viễn. Tức là mình có bất thiện cỡ nào đi nữa, mình có sa đọa bao lâu đi nữa, thì sẽ có một lúc mình trở lại cái thân phận trời – người. Ở đâu? Ở đâu? Cái gì nó đẩy mình trở lại vậy? Đó là cái thiện nghiệp trong vô số kiếp luân hồi, vô số kiếp vòng luân hồi nó thăm thẳm. Chính ở trong Tăng-chi Đức Phật Ngài dạy đó là sữa Mẹ mà mình bú trong dòng luân hồi của mỗi người... Mỗi người đó nha! Sữa Mẹ mình bú nó nhiều hơn là nước trong bốn biển. Nước mắt và máu mà mình đổ ra trong vòng luân hồi của mỗi người nó nhiều hơn nước trong bốn biển. Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương, Ấn Độ Dương coi như là nó không có bằng. Số nước trong bốn biển nó không có nhiều bằng sữa Mẹ, máu và nước mắt mà mình đổ ra trong vòng luân hồi đó giờ. Các vị thấy khiếp. Rồi. Trên dòng sanh tử thăm thẳm đó đó, chúng ta có vô số ác nghiệp và thiện nghiệp, thì những khi ác nghiệp mà nó trổ, thì nó đưa chúng ta vào những cảnh giới nào đó thấp kém, đau khổ, tăm tối, mù mịt. Khi mà mình đang bị sa đọa như vậy đó, nhằm lúc mà cái thiện nghiệp nào đó trong quá khứ nó trổ quả đó, thì chúng ta lại trồi lên. Cái vấn đề là khi chúng ta trồi lên mà chúng ta gặp môi trường sống văn hóa, văn minh, mà lại gặp gọi là Minh-Sư, Thiện-Hữu – Bạn lành, Thầy tốt, thì họ dìu dắt hướng dẫn mình làm lành, lánh dữ thì khá. Còn nếu mà mình từ con ong, cái kiến mình trồi lên, mà mình lại không gặp bạn lành, mình tiếp tục sống bậy bạ là mình lọt xuống trở lại nữa. Nó khổ vậy. Nó khổ chỗ đó. Nó khổ cái chỗ là cơ hội mà mình trồi lên thì nó cũng hơi hiếm. Tại vì sao? Thì nghiệp quá khứ, nghiệp lành xưa hễ đến lúc nó trổ thì nó cho mình lên. Tại sao gọi là hiếm? Hiếm ở đây là bởi vì [trong] cái khuynh hướng tâm lý của mình, cái ác nó nhiều hơn cái thiện [thì] nó lấn. Ở trong Phật-giáo mình nó vốn không có chuyện bù trừ. Nhưng mà có chuyện lấn lướt. Nhớ nha. Ghi cái câu này: “Không có chuyện bù trừ, nhưng mà có lấn lướt”. Bù trừ là sao? Bù trừ có nghĩa là lấy cái này bù cái kia thì không có. Thí dụ như tôi đi ăn cướp, tôi lấy tiền cất chùa, thì cái phước đó là nó xóa đi cái tội ăn cướp. Cái đó là bậy. Nha. Không có cái chuyện đó. Không có cái chuyện mà đi ăn cướp, giết người, đốt nhà, xong xuôi rồi lấy tiền đó về cất chùa là cái phước đó nó dẹp, nó xóa sạch, nó chuộc được cái tội ác kia thì không. Nhưng mà lấn lướt là gì? Ở trong Trung Bộ Kinh, bài mà Đại Nghiệp Phân Biệt, cuối kinh Đức Phật Ngài có dạy bốn trường hợp. Có trường hợp thiện nghiệp mạnh nó lấn thiện nghiệp yếu. Tức là thay vì vào thời điểm đó đó là mình sẽ được một quả lành nhỏ nhỏ, nhưng mà lúc đó có một thiện nghiệp khác nó mạnh hơn, thì nó dẹp cái kia. Nghiệp mạnh nó sẽ trổ quả. Như vậy thì có hai trường hợp thiện và hai trường hợp ác. Thiện nghĩa là nghiệp thiện mạnh nó lấn nghiệp thiện yếu. Hoặc là thiện mạnh nó lấn ác yếu. Rồi tới ác cũng vậy. Ác mạnh nó lớn ác yếu. Có nghĩa là ngay lúc đó lẽ ra là mình có bị hai cái nghiệp. Một là bị người ta đánh. Hai là bị người ta giết. Nhưng mà cái nghiệp bị giết thì đương nhiên nó nặng hơn rồi, thì lúc đó mình bị giết xong là cái vụ đánh coi như bỏ qua. Như vậy thì cái nghiệp thiện, cái nghiệp ác, nó cũng có hai trường hợp. Đó là ác mạnh nó lấn ác yếu; ác mạnh nó lấn thiện yếu. Mà cái bị lấn có mất không? Chưa chắc. Chưa chắc là sao? Có nghĩa là nó lấn đến mức nào đó nó hết cái thời hạn cho quả, thì nó trở thành gọi là Vô Hiệu Nghiệp (ahosikamma). Nó lấn lúc mà hết cái hạn mà cho quả đó. Nhưng mà có một điều là cái thời gian mà gọi là cái hạn của nó thì ngắn – dài rất là khó nói. Bởi vì tùy nghiệp mạnh – yếu nữa, và lâu – mau. Lâu – mau nghĩa là mình tạo nghiệp đó bao lâu rồi. Và nghiệp đó lúc mình tạo bằng cái tâm mạnh hay yếu, đối tượng nó ra sao. Đối tượng mà mình nhắm tới để mà tạo nghiệp nó ra sao nữa. Cho nên nói gọn là mạnh – yếu. Cho nên nói lấn là lấn vậy đó. Có nghĩa là thay vì là đến bữa đó nó cho quả, cái giờ đó nó cho quả, cái phút đó nó cho quả, nhưng cái khác mạnh hơn nó lấn. Lấn nhưng mà nó vẫn nằm đó nó chờ, nó chờ lúc nào mà có cơ hội là nó trổ. Còn việc mà nó trở thành vô hiệu là hiếm. Rồi. Cho nên nói là phải nói cho nó hết vậy đó. Cho nên nói ôn chứ gần như mình học bài mới rồi. Rồi thì chủng loại Chúng Sinh là sao? Như tôi vừa nói dài dòng nãy giờ đó. Là do nghiệp thiện, nghiệp ác [mà] mình đi vào một cái thân phận, một cái hình hài nào đó, một cái chủng loại chúng sinh nào đó và cái cảnh, cái thân phận đó không phải là vĩnh viễn, nó cứ trồi lên, nó lặn xuống. Nó trồi lên lặn xuống, lúc siêu lúc đọa. Nhưng mà nhớ cái này, chủng loại là ở đâu ra? Là do cái kiểu sống của mình. Chính cái đời sống tâm lý của mình nó dẫn đến chuyện mình đi vào chủng loại nào? Tiếp theo là cảnh giới. Đã nói chủng loại là phải có không gian cư trú chứ. Phải có chứ. Phải có người, phải có cảnh chứ. Thì không gian cư trú ấy nó phải tương ứng với chủng loại chúng sinh đó. Tương ứng là sao? Thí dụ như cũng trên mặt đất này, nhưng mà mình làm chó, làm heo thì cái chỗ ở mình làm sao giống con người được. Con chó, con heo làm sao mà chăn êm nệm ấm, quần là áo lụa, cung son gác tía, nhà cao cửa rộng được. Cũng là trên mặt đất này, chứ không phải là địa ngục, không phải là cảnh giới gì cao xa. Nhưng mà trên mặt đất này, nghiệp nó khiến cho cảnh giới cư trú nó khác nhau. Ngay trong một cảnh giới đó nha. Trên một không gian, trong một không gian mà có nhiều cảnh giới khác nhau. Mình thấy có một cái khác biệt rất là lớn giữa căn nhà Phú Mỹ Hưng và căn nhà lụp sụp ở quận 8 bên bờ Bình Đông, bên Rạch Cát, bên quận 8 là mình thấy rất là khác lắm luôn. Bên cầu Rạch Ông, Tân Quy, Nhà Bè đồ đó. Ngày xưa chứ bây giờ tôi hết biết rồi. Ngày xưa mình nghe nói quận 8 là ai cũng ngán, bởi vì bên đó là ruộng. Mang tiếng là Sài Gòn nhưng mà bên đó là ruộng. Mang tiếng là Sài Gòn, là ven đô làng Việt Nam, nhưng mà thấy rõ ràng là cái người mà sống ở quận 3, quận 1, quận 10, quận 5, là nó khác, khác lắm luôn. Đó là giống như cái cõi riêng vậy đó. Quận 3, quận 1, quận 5, quận 10. Trong khi đó mình nhích ra chút xíu ra tới quận 8 là thấy trớt quớt. Bây giờ mình có ba cái Thảo Điền Quận 2, Phú Mỹ Hưng gì đó là mình thấy đời sống nó khác biền biệt. Nó khác xa mấy cái xóm lao động, mấy cái khu mà nhà cấp 4, xóm ổ chuột hồi xưa mà bên bờ kênh Thị Nghè mà tôi hay nói hoài. Thì cái cảnh giới nó ở đâu? Là nó ứng với hai thứ. Nha. Nhớ nha. Cái này phải ghi nha. Cái gọi là Cảnh Giới Tái Sinh nó ứng với một trong hai thứ: 1- Một là nó ứng với Tâm-thức của mình. Mình tâm thức mà hạn hẹp. Thí dụ như là chỉ biết đói ăn, khát uống, giao phối và tự vệ, thì bắt buộc mình phải đi vào cảnh giới thấp kém. Đó gọi là Cảnh-giới tương ứng với Tâm-lý. 2- Trường hợp thứ hai là Cảnh-giới nó tương ứng với Tiền-nghiệp. Có nghĩa là trường hợp tâm lý mình không có tệ, nhưng mà do tiền nghiệp đến lúc nó trổ thì bắt buộc mình phải chung vô cái chỗ thấp kém. Thí dụ như Bồ-tát. Bồ-tát mà kể từ lúc được Thọ-ký coi như là một nhân vật đặc biệt nhất trong vũ trụ, trong vô lượng vũ trụ. Khi một vị mà phát nguyện thành Phật mà đã được thọ ký là vị đó… Trong tiếng Pāḷi thì có 2 từ. Gọi là “niyata-bodhisatta”, tức là Bồ-tát nhất định, Bồ-tát cố định không có dời đổi chí nguyện. Từ thứ hai nó là “buddhaṅkura”. “Aṅkura” là cái mầm, cái chồi, cái mục măng. “aṅkura” là mầm, chồi, măng. Mà “buddhaṅkura” này có nghĩa là vị Phật tương lai mà hiện đang ở cái mức độ là bắt đầu, ở giai đoạn bắt đầu, nhưng mà chắc chắn. Chẳng hạn như mình có lớp mầm, lớp mẫu giáo, nhưng mà mấy đứa mà học lớp mầm, lớp mẫu giáo thì chưa chắc sau này nó học hết tiểu học, chứ đừng nói trung học, đại học. Nha. Nhưng mà bên Bồ Tát Đạo là khác. Khi mình đã gọi là “buddhaṅkura”, mầm mà mầm Phật-Đà thì bắt buộc phải thành bởi vì mình được Chư Phật thọ ký rồi. Tại sao có cái chuyện đặc biệt này? Là bởi vì Chư Phật không có nói hai lời. Chư Phật thấy chính xác 100% không có khác đi Chư Phật mới nói. Cho nên mình phải tu tập ở cái tầm nào đến mức Chư Phật Ngài biết rằng mình không có dời đổi được nữa thì Chư Phật thọ ký. Chữ thọ ký hoặc là huyền ký trong tiếng Pāḷi là “byākaroti”, danh từ là “byākaraṇa”. Mình nghe tưởng cái gì ghê gớm nhưng mà đó chỉ là xác nhận lời tiên đoán thôi. Tiên đoán và xác nhận thôi – Claim. Mỹ kêu “claim” – tiên đoán, xác nhận. Chứ còn không phải là Chư Phật thêm bớt gì trong cái Đạo nghiệp của vị Bồ-tát. Không có. 100% là vị Bồ-tát tự quyết, tự xử, tự lo mọi thứ. Có điều là theo cái nguyên tắc, theo cái luật của vũ trụ, khi mình phát nguyện thành Phật mà công đức tu hành của mình đến một lúc nào đó mà nó đủ trở thành gọi là không thể dời đổi, bất thối chuyển, thì lúc đó Chư Phật sẽ Thọ-ký với mình, phải không? Mà khi Chư Phật đã nói rồi thì không bao giờ khác đi được. Bồ-tát đó gọi là Bồ-tát cố định hay là Bồ-tát bất thối, phải không? Bồ-tát bất thối. Vậy đó. Khi đã là Bồ-tát bất thối rồi, cũng có nhiều kiếp cũng làm rất là nhiều cái ác nghiệp. Phàm mà. Mà đã là ác nghiệp thì sao? Cái khả năng đọa là chuyện đương nhiên, cố nhiên, dĩ nhiên. Cho nên là trường hợp đọa nó có hai. 1- Một là cảnh giới sa đọa. Nói chung Đọa hoặc Siêu. Nhưng mà trường hợp một là cái cảnh giới đó nó tương ứng với Tâm-lý của mình. 2- Trường hợp thứ hai là nó tương ứng với Nghiệp của mình. Nhớ nha. Nhớ ghi hai cái này. Nếu mà cảnh giới đó mà nó tương ứng với tâm thức của mình đó thì coi như mình ở lâu lắm. Thí dụ như là Ngài Mahākaccāyana – Đệ Nhất Luận Nghĩa, có khả năng diễn bày, giảng giải rộng rãi những lời Phật vắn tắt. Thì trong kinh nói vị này suốt 100 ngàn đại kiếp không có biết đọa là gì. Bởi vì cái tâm lành, tâm sạch, tâm hướng thượng, hướng thiện. Lành, sạch, hướng thượng, hướng thiện. Cứ sanh ra là cứ làm lành, làm thiện, rồi cứ lại tiếp tục như vậy hoài hoài hoài hoài không có rớt được, không có rớt xuống, không có bị đọa một trăm ngàn đại kiếp như vậy. Đại kiếp trái đất chứ không phải kiếp sống. Trường hợp đó được gọi là Cảnh-giới tương ứng với Tâm-thức. Cái đó thì bền. Còn Cảnh-giới mà nó tương ứng với Tiền-nghiệp thì không chắc. Thí dụ như Bồ-tát có kiếp Ngài phải xuống địa ngục, có lúc Ngài phải làm chó, làm bò. Thí dụ như làm con chim, con cá gì đó, thì cái đó là Cảnh-giới tương ứng với Nghiệp. Một mảnh vụn của Nghiệp trong quá khứ. Tiếng Pāḷi gọi là “kamma-chidda”, là cái “gap”. Trong tiếng Mỹ là “gap” – cái khe hở đó. Tức là nghiệp lành lâu lâu có mấy cái khe bất thiện, và có nhiều người sống bất thiện lâu lâu có mấy cái khe lành. Cho nên là họ đang bị đọa mà tự nhiên có những lúc họ trồi lên OK trong một, hai kiếp rồi họ lặn xuống tiếp. Còn có một vài vị, có những vị mà cái thiện nó nhiều, mà cái ác nó ít, thì thỉnh thoảng lâu lâu cũng có cái khe để cho mình lọt xuống một chút. Lọt ít lâu rồi mới trồi lên. Lâu lâu lọt xuống chút. Còn mấy anh mà nghiệp ác nhiều lâu lâu anh trồi lên chút. Còn anh này lâu lâu lọt xuống chút vậy đó. Rồi. Như vậy thì đọa đây nó có hai. Cảnh giới cư trú nó có hai: 1- Một là nó thuận ứng với Tâm-thức của mình. 2- Hai là nó thuận ứng với Tiền-nghiệp của mình. Đó là tôi ôn lại bài cũ. Còn bài hôm nay là bài mới. Đó là bài Cấu Trúc Và Vận Hành Tâm Thức Của Chúng Sinh. Nghe cái từ thấy ghê không? Mà tôi chỉ nói có 3 phút thôi. Chỉ có 3 phút thôi. Cấu trúc và vận hành của đời sống tâm thức chúng sinh. Thì cái cấu trúc học rồi. Học rồi! Có nghĩa là cứ 1+13+14; 1+13+25. Bà con nào thấy đuối quá thì có hai cách: 1- Một là ngay bây giờ Online tự học, hoặc là tìm đến thầy bạn, ngay bây giờ tự Online tìm học, tự học, hoặc là tìm thầy bạn học nhóm. 2- Trường hợp hai, chọn lựa hai đó chính là nếu muốn học với chúng tôi thì bắt buộc các vị học trực tiếp về Thụy Sĩ hoặc là Kālāma. Mỹ thì họ không có duyên. Và chỗ đây chúng tôi từ chối tất cả, từ chối tất cả các lời mời. Từ chối tất cả! Có trường hợp chúng tôi từ chối thẳng rồi chúng tôi không có trả lời luôn. Họ để tin nhắn. Bởi vì bữa nay nói luôn là chúng tôi mới nghe bà con than phiền, nói: Tại sao Sư hay than? Đó là sự thật. Già rồi. Mà cứ tới là giảng ABC. Giảng xong bà con lại quên sạch. Tôi đã biết cái đó rành lắm. Bà con quên sạch. Rồi có cái này nói ra dễ hiểu lầm, nhưng mà đã nói rồi nói luôn. Là bà con không có cái chọn lựa, không biết mình cần cái gì. Nghe nói có ông Thầy, ông Sư nào mở lớp rồi cũng nhào tới học. Học xong ít bữa cũng theo thầy tư nước lạnh, thầy tám nước sôi tùm lum hết vậy đó. Tôi hơi nản. Quý vị không có lập trường, không có niềm tin, không có xác tín để mà biết mình cần cái gì. Bây giờ có 800 ông thầy, có 800 lớp học, thì quý vị cũng không có khá hơn được. Tại vì chính các vị biết là các vị cũng không biết mình cần cái gì. Chính mình mà mình không biết, thì ai mà dám kiếm mình chi? Ai mà dám tìm tới! Bây giờ mình có mời người ta, mình có tổ chức lớp lang mời người ta cũng không dám về nữa. Bởi vì người ta thấy trước là mình không có lập trường. Và người ta biết chỉ cần người ta quay lưng đi một cái là mình: 1- Một là mình buông xuôi 2- Còn hai nữa là thầy bà bây giờ thì… Mà cái này tôi cũng nói thiệt luôn là tôi dốt. Tôi nói không phải khiêm tốn nha. No, no, no! Không phải khiêm tốn. Cái này nói thiệt. Tôi mở mắt cho các vị nhìn tôi nè. Tôi dốt. Trong cái hàng ngũ Tăng Già, tôi là người dốt. Nhưng có cái này, thà là tôi giảng xong quý vị đi hỏi ông Sư Miến Điện. Cc vị nói ông Sư Miến Điện, nói ông Sư Toại Khanh mới vừa giảng vậy đó, thì tôi yên tâm. Chứ còn quý vị đi hỏi mấy cái như ông Sư Tích Lan, ông Sư Thái, ông Sư Campuchia, hoặc là v.v… thì tôi rất là sợ. Bởi vì thầy bà thường là choảng nhau. Thầy bà là choảng nhau. Nha. Tôi chỉ tin có Miến Điện thôi. Khi tôi giảng xong, quý vị đi hỏi sư Miến Điện thì tôi yên tâm, chứ còn ngoài Miến Điện tôi không tin ai hết. Đó là cái câu nói rất là dễ giận đó nha. Nhưng mà phải nói thiệt. Đó là lý do tại sao tôi từ chối là vậy. Tại sao tôi ngán Úc là chỗ đó. Đã bao nhiêu lần rồi, cứ tình cờ, tình cờ chứ không phải tôi rình, mà tình cờ thôi, tức là cứ có một vị đến Úc, rồi bà con ta nói nhang đèn, hương đăng. Ta nói rầm rộ, cũng chứng tỏ mình ham tu, ham học. Thầy bà vừa rút một cái là mời tiếp một vị khác. Mà hai cái vị này nè choảng nhau về quan điểm, chỏi nhau về quan điểm. Mình biết chắc luôn, rồi cũng nhang đèn, cũng rầm rộ, trải chiếu hoa, rồi cung nghinh, rồi võng lộng, nghi trượng. Thì tôi ngồi tôi thắc mắc, tôi nói: Ủa, lạ vậy ta? Bây giờ họ muốn cái gì? Họ muốn cái gì mình không biết. Cứ hồi thuốc nam, hồi thuốc bắc, hồi thuốc tây. Đương nhiên mình tu là mình tu nói riêng, và đời sống mình nói chung là mình có quyền chọn lựa, nhưng mà có một điều tùy trường hợp, không phải lúc nào cũng vậy. Bởi vì người ta không biết mình muốn cái gì. Quý vị nghĩ sao, Quý vị? Bây giờ tôi ví dụ nè. Tôi biết rằng trong số những người tôi quen ở ngoài Bắc, có một người chuyên gia gọi là chuyên viên hướng dẫn về Yoga, trong Nam tôi có biết một người chuyên viên hướng dẫn dưỡng sinh Thái Cực Quyền. Rồi một người ở miền Tây là dạy về Dịch Chân Kinh. Thì mấy cái này nó tốt dữ lắm, nhưng mà quý vị thấy người mà hướng dẫn tôi là tập Yoga ngoài Hà Nội. Tôi đang ví dụ thôi nha. Tôi đang ví dụ chứ chuyện đó không có. Tôi đang ví dụ. Thì tôi gặp cái bà Yoga là tôi nhào theo bả đâu được có… thì tôi tổ chức tôi mời bả về mà. Tôi với mấy chục mạng nữa. Về cái là bả hướng dẫn đâu được tuần lễ, 10 ngày gì. Bả vừa đi xong rồi, tôi rước cái ông Thái Cực Quyền về. Thì cái ông Thái Cực Quyền ổng về đâu được có tuần lễ, 10 ngày ổng đi, rồi tôi rước cái ông Dịch Chân Kinh, rồi Ngũ Cầm Hí. Rồi ổng vừa đi xong là bắt đầu tôi đi rước qua ông thầy tư nước lạnh, tám nước nóng, nước sôi, đạo dừa, đạo ổi gì đó. Về tôi cũng bắt ấn, trì chú, phun nước lạnh gì tùm lum hết. Thì mấy cái người mà dạy Yoga, dạy Thái Cực Quyền họ mới hoang mang không biết là tôi muốn cái gì. Chứ không phải là họ không có muốn mình thờ họ. Không phải. Nhưng cái mà họ hoang mang là họ không biết tôi muốn cái gì. Thế là lần sau tôi mời họ sợ. Tại vì cái nào ra cái đó. Thấy chưa? Đấy. Đó là lý do tại sao mà chúng tôi ngán thiệt. Thì cái lớp thứ năm này nè, chúng tôi nhận lời và vẫn tiếp tục duy trì tới hôm nay chỉ vì một cái niềm tin nhỏ xíu thôi. Tức là có những người họ muốn cầu đạo mà bơ vơ, thì chúng tôi chỉ gợi ý cho họ rằng là cái hộp quẹt tôi thì không có gas. Hộp quẹt tôi chỉ có viên đá lửa thôi. Rồi tôi đứng ở cuối đường tôi xẹt xẹt xẹt xẹt vậy nè, cho họ thấy rằng là nếu You muốn, thì You đi về cái hướng này nè. Ở trong đây You có tới 100 thứ You lựa chọn. Not me only. Nha. Không phải chỉ riêng mình tôi đâu. Không phải. Nhưng mà ít ra tôi, hộp quẹt tôi không có gas, không có xăng, tôi chỉ có có một viên đá lửa, tôi cứ đứng cuối đường tôi xẹt xẹt xẹt xẹt. Tôi là muốn cái gì thì lại đây nè, lại đây nó có nguyên một rổ ở đây nè. Đèn pin, đèn điện, đèn gas, đèn dầu, đèn solar thì tùm lum đây nè. Nhưng mà khả năng tôi chỉ có hộp quẹt hết gas, phải không? Thì cái lớp thứ năm này là nó chỉ là viên đá lửa. Còn chuyện các vị sau khi mà thấy xẹt xẹt như vậy các vị về các vị tìm cái gì đó, thì cái đó nó không có nằm trong phạm vi là trách nhiệm của chúng tôi. Nha. Thì sáng nay là tôi giảng về bài tiếp theo đó là Cấu Trúc Và Vận Hành Của Đời Sống Tâm Thức. Nghe nó ghê gớm nhưng mà nó đơn giản thế này. Cái cấu trúc thì nãy mình học rồi. 1+13+14, 1+13+25 đó. Thì đó là cấu trúc của nó đó. Còn cái vận hành của nó là sao? Tôi chỉ nói mấy câu thôi rồi tôi dẹp tôi không giảng nữa. Xong bữa này. Toàn bộ đời sống của chúng ta nó chỉ là một chuỗi dài của hai thứ Tâm-thức đó là Tâm-nhân và Tâm-quả. Học cái này mới thấy ghê nè. Có nghĩa là do cái Tiền-nghiệp quá khứ mà chúng ta có 6 Căn đời này. Nhớ nha. Do Tiền-nghiệp quá khứ mà chúng ta có 6 Căn đời này, và mỗi lần từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai, mỗi lần mà chúng ta làm một cái nghiệp thiện, nghiệp ác, tốt – xấu nói chung, thì nó cho ra hai thứ Quả. Đó là Quả Bình Sinh và Quả Tái Sinh. Quả Tái Sinh là tâm đầu thai cõi này, cõi kia. Còn Quả Bình Sinh là những gì mà mình nhận được sau giây phút đầu thai, thì đó gọi là Quả Bình Sinh. Mà đây là tôi đang giảng cho cái người mù tịt về A Tỳ Đàm, cho nên mấy cái tay mà học A Tỳ Đàm kiểu A Tỳ Đàm cực đoan nghe vậy là săn tay áo nhào vô cãi, rồi đăng đàn mở room chửi um sùm, thì cái truyền thống dân tộc mình là như vậy, phải không? Tức là bất biết, chẳng hạn như kỳ rồi tôi về Việt Nam tôi giảng cái vụ mà Rải Tâm Từ. Trời đất ơi, có một cái tay đó là thôi... tra cứu kinh điển rồi lên rồi dè bỉu, khích bác, chống đối, châm biếm, làm tum lum, mà họ không hề biết rằng tôi nói cái đó trong hoàn cảnh nào! Trong hoàn cảnh nào! Thì cái kiểu biết một mà không biết hai đó! Trời ơi, nó ngựa non háo đá! Tôi cũng ngán. À! Đúng rồi! Mấy người đó cũng có cái công. Đối với tôi, mấy người vừa có công, vừa có ơn. Chính họ làm cho tôi có một cái tuổi già mà nó an nhàn. Nó nản ấy. Rồi để họ đấm đá lung tung, rồi họ giành cái sân chơi. Xong vô tới họ bắt đầu lại dìm sâu Phật Pháp vào trong bóng đêm. Cứ vậy đó. Thì do Tiền-nghiệp quá khứ mà chúng ta phải có một Tâm-thức tái sinh vào đâu đó, trong cái kiếp kế này nè. Đấy. Cứ như vậy hết đời này sang đời khác. Mà tâm đầu thai đó là quả, là quả của một thiện – ác nào đó trong quá khứ. Bản thân tâm đầu thai nó là tâm quả. Và sau cái giây phút đầu thai đó, chúng ta lại tiếp tục sống với tâm quả nữa. Tâm quả gì? Quả gì? Hồi nãy tôi nói rồi. Mỗi thiện – ác quá khứ nó cho ra cái Quả Bình Sinh và Quả Tái Sinh. Quả Tái Sinh là nó tạo ra Tâm Đầu Thai cho mình đi đâu đó. Còn Quả Bình Sinh là gì ta? Là cái Tâm Nhãn Thức, Nhĩ Thức,… sau cái đầu thai rồi đó. Mà mình thấy cái gì, thích hay là mình ghét; mình nghe cái gì mà mình thích hay là mình ghét; ngửi, nếm, đụng, cái gì mà mình thích hay mình ghét, thì những cái chuyện mà mình ghi nhận đời sống như ý hay là bất toại, cái đó là Quả của quá khứ. Vấn đề là chỗ này. Đầu thai vào kiếp này là Tâm Quả – những cái mà mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thích hay là ghét đó. Cái đó là Tâm Quả, đúng không? Nhưng mà cái vấn đề là cái phản ứng tâm lý khi mà mình gặp cái mình thích, gặp cái mình ghét, cái phản ứng tâm lý đó gọi là Tâm-nhân. Giờ tôi tôi dùng cái mã số nha cho quý vị dễ nhớ. - Tất cả Tâm-thiện nó có mã số là A1. - Tất cả các Tâm-quả là A2. Xong chưa? Rồi. Do Tâm A1 đời trước mà ta có Tâm A2 đời này. Và Tâm A2 chính là cái Tâm mà mình dùng nó để mình ghi nhận gọi là 6 Trần, phải không? Thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng đó là Tâm A2. Nhưng khi mà mình thấy nghe, ngửi, nếm, đụng, mà cái phản ứng tâm lý của mình nó ra sao, thì cái phản ứng tâm lý nó quay trở lại là A1 nữa. Nó lại là Tâm-nhân nữa. Giờ tôi nhắc lại, tôi đọc như là công thức nha. - Do Tiền-nghiệp quá khứ nên đời này tôi sanh ra có 6 Căn. - 6 Căn đời này là Quả của thiện-ác quá khứ. - Nhưng rồi với 6 Căn này nè, nó là Quả nhưng mà tôi lại thích hay là ghét trong 6 Trần. Như vậy tiếp tục tôi lại tạo nhân mới để có 6 Căn khác trong đời sau. Cái chuyện mình nhận được Quả-xấu hay là Quả-tốt, cái chuyện đó không quan trọng bằng cái phản ứng tâm lý của mình trước cái đó. Người ta chửi mình đó là chuyện của người ta. Cái nhân xấu của người ta, nhân xấu A1 – A1 của người ta. Và cái chuyện mà mình bị cái lỗ tai của mình mà mình nghe người ta chửi đó là A2. Nhưng mà vấn đề ở chỗ đó là phản ứng tâm lý mình khi mình nghe người ta chửi, mà mình chánh niệm, trí tuệ, từ bi thì mình không sao. Ổn. Nhưng mà đằng này mình hái cái quả cũ, mà mình lại tạo nhân mới bằng cách là mình sân si, mình phản ứng, mình xung đột, mình mâu thuẫn, mình kình chống với người ta là lúc đó mình đang gieo Nhân-xấu cho đời sau. Đại khái như vậy. Rất là đơn giản. Không học thì nó rối, mà đại khái nó đơn giản như vậy. - Do tiền nghiệp thiện ác quá khứ mà ta đầu thai vào đâu thì đó là Quả Tái Sinh. - Còn Quả Bình Sinh tức là sau khi đầu thai rồi ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng những thứ ta thích hay ta ghét thì đó là Quả. - Mà phản ứng tâm lý trong lúc nhận Quả nó lại là Nhân. Đúng rồi, bây giờ nói như vậy cho nó dễ nhớ. - Do Tiền nghiệp quá khứ mà ta đầu thai vào đâu, do Tiền nghiệp quá khứ mà kiếp này ta nhận được những gì – Đó là Quả. - Rồi khi ta nhận Quả mà phản ứng tâm lý của ta ra sao – Nó lại là Nhân. - Chính Nhân này lại tiếp tục tạo ra đời sống khác, tạo ra Tâm đầu thai và tạo ra 6 Căn và 6 Trần. - Chính vì Tiền-nghiệp quá khứ mà bây giờ 6 Trần của mình nó như ý hay là nó bất toại. Như tôi nói 1000 lần, 5000 lần, có những cảnh giới, có những không gian cư trú mà người ở đó họ thường xuyên tiếp xúc với 6 Trần bất toại. Thí dụ như địa ngục, hoặc như trong thân phận làm chó, heo, mèo, gà, thì 6 Trần những gì họ thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thì nó kỳ cục lắm. Hoặc là trong cảnh giới loài người mình nè, thì nó có những khu vực cư trú mà người dân ở đó là từ bé đến già, hầu hết thời gian là tiếp nhận 6 Trần như ý. Thí dụ như là Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ. Bắc Mỹ thì 50/50 - Mỹ với Canada là 50/50, Tây Âu thì 30/70 (tức là 70 như ý, mà 30 bất toại). Còn Bắc Âu là coi như 8 cho đến 90% là như ý. Như ý là sao? Cảnh đẹp, môi trường trong lành, thiên nhiên sạch đẹp, mà tổ chức xã hội, tình trạng chính trị, giáo dục, kinh tế cực kỳ ổn định. Quyền học, quyền sống, quyền phát biểu, quyền tín ngưỡng, tuyệt đối được tôn trọng. Quyền sống, quyền học hỏi, quyền thông tin, cho và nhận thông tin, quyền đi lại, nói chung là cái nhân quyền ở nghĩa rộng nhất được tôn trọng. Đấy. Bởi vì tôi nói 1000 lần, đó là mang thân người chưa có ăn thua gì đâu, mà mang thân người nó phải hội đủ những điều kiện sau đây, tiêu chuẩn sau đây, thì mới được gọi là thân người 10 điểm. Còn mà thân người 4 điểm, thân người 3 điểm thì nhiều lắm, trên thế giới bây giờ thân người, mang người thân người đó, nhưng mà tiêu chuẩn sống chỉ là 3 – 4 điểm trên 10 thôi. Chứ 10 trên 10 là cái gì? Đơn giản lắm. Đó là điều kiện giáo dục. Điều kiện giáo dục có nghĩa là cái chuyện mà mình lấy 4 năm đại học không phải là chuyện khó. Có nhiều quốc gia là Chính Phủ miễn phí 12 năm phổ thông. Miễn phí. Nhưng mà dù miễn hay không miễn không cần biết. Nhưng mà nói chung là cái điều kiện giáo dục, có nghĩa là cái chuyện một người dân mà có được bằng đại học không phải là chuyện hiếm, phải không? Và bằng đại học đó đủ để cho họ hành trang vào đời. Vào đời là sao? Kiến thức đủ để sống đời, và thu nhập có được từ cái bằng đại học đó đủ để duy trì đời sống kinh tế của họ, đời sống vật chất của họ. Giáo dục đó gọi là điều kiện giáo dục. Chứ còn mà học muốn có được bằng đại học là khó, mà học xong cái bằng đó thiệt ra nó không có giá trị, không có dạy, dạy là cái gì đâu không, mấy cái phi thực tế, phi thực dụng là không xài được, phải không? Cho nên thứ nhất là điều kiện giáo dục, là được lấy bằng đại học, mà cái bằng đó là giá trị thiệt. Rồi thứ hai là điều kiện về Y tế. Một đất nước mà người dân không có ngán ngại khi mà phải vào nha sĩ, vào bệnh viện, không có ngán ngại tiền bạc khi mà phải tiểu phẫu, đại phẫu. Chứ còn một đất nước mà mỗi lần nghe bệnh một cái là phải bán nhà, bán cửa, cầm cố sổ đỏ, sổ hồng. Trong nhà có một người bệnh một cái là cả dòng họ xanh mặt, cả dòng, cả họ mà xanh mặt là thua. Phải có điều kiện về Y tế. Mà điều kiện đây là từ cái tài chánh để lo y tế, mà cả chất lượng thuốc men, y sĩ, bệnh viện, cơ sở hạ tầng phải chuẩn. Như vậy là điều kiện Y tế. Đầu tiên là điều kiện giáo dục. Điều kiện Y tế. Thứ ba là điều kiện truyền thông. Là người dân phải có đủ các điều kiện để tiếp nhận tất cả các nguồn thông tin không giới hạn, không bị tường lửa, không bị chặn đầu này bít đầu kia, phải không? Đó gọi là điều kiện về thông tin. Thứ tư nữa là điều kiện đi lại. Có nghĩa là muốn đi đâu thì đi. Passport quyền lực. Đấy. Và những cái chuyện mà nghe người ta đồn đó, nói là có trực thăng dân sự, mình muốn đi cho biết thì không có. Nghe nói có du thuyền, có Cruise, mình muốn đi cho biết thì không có. Nghe nói có tàu cánh ngầm, nghe nói có xe lửa tốc hành vài tram km/h, mình muốn đi cho biết thì không có. Mỗi kỳ nghỉ hè mình có thể chơi trong nước hoặc đi ra nước ngoài thì không có. Đó gọi là điều kiện đi lại. Thì có những cái đất nước mà người dân nghe nói Ca-nô là họ mù mịt. Ca-nô là họ chỉ thấy trên trên trên Tivi hay là trên báo, chứ còn cả đời họ không có rờ được Ca-nô chứ đừng có nói là du thuyền. Nha. Còn này xe lửa, rồi Ca-nô, rồi trực thăng, rồi máy bay, rồi nghe nói có ghế thương gia, ghế hạng nhất, thì chẳng qua kẹo thôi, chứ nếu muốn cũng không có phải là ngoài tầm tay, không phải là bất khả thi. Đó. Thì như vậy muốn đi bằng phương tiện nào cũng không giới hạn, muốn đi đến nơi nào cũng không giới hạn, thì đó được gọi là điều kiện đi lại. Vậy mình chốt lại. Một thân người mà hoàn hảo là phải hội đủ được bốn điều kiện: 1- Điều kiện giáo dục. 2- Điều kiện y tế. 3- Điều kiện truyền thông. 4- Điều kiện đi lại. Ít nhất đây là 4 cái ít nhất. Còn không thì thiếu 1, thiếu 2, 3, hoặc có chỗ thiếu cả 4 luôn, thì quá tệ. Thì nhớ nha. Do Tiền-nghiệp mà chúng ta đầu thai vào thân phận, hình hài và cảnh giới nào thì đó là Quả quá khứ, và sau khi đi vào Cảnh-giới đó, cái thân phận hình đó, chúng ta nhận được 6 Trần như ý hay bất toại thì đó lại là Quả nữa. Nhưng mà cái nó mệt ở chỗ là khi mà mình đón nhận Quả đó là cái phản ứng tâm lý của mình ra sao thì đó lại là Nhân. Thì toàn bộ cái gọi là Cittavīthi, có nghĩa là cái Lộ Trình Tâm Thức, cái quy trình diễn biến của Tâm-thức, nó chỉ có Tâm-quả, Tâm-nhân, Tâm-quả, Tâm-nhân tiếp nối nhau hoài hoài hoài hoài vậy đó. Tâm-quả là mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng nó là Tâm-quả. Rồi cái phản ứng tâm lý của mình trước những cái quả mà thích và ghét đó lại là Tâm-nhân. Cho nên người không có tu, khi mà nhận được cái Quả-lành thì họ nhận bằng Tâm-tham, lại là tạo Nhân-xấu. Khi họ nhận cái Quả-xấu thì họ lại nhận nó bằng Tâm-sân, lại là tạo Nhân-xấu nữa. Nói chung là người không có tu thì dầu nhận Quả-lành hay Quả-xấu đều tiếp tục tạo Nhân xấu. Còn người có tu, đặc biệt là người có học giáo lý, đặc biệt là người có học giáo lý và sống chánh niệm, thì dầu nhận Quả-lành hay Quả-xấu, thì họ đều tạo Nhân-lành. Bởi vì họ đón nhận tất cả các Trần-Cảnh bằng chánh niệm, trí tuệ. Đấy. Nhớ nha. Mình tu là mình khác người ta chỗ đó. Những cái đắng cay ngọt bùi đó là Quả quá khứ, còn cái phản ứng tâm lý của mình trước những Trần-Cảnh ngọt bùi đó là Nhân hiện tại để cho Quả tương lai. Nhớ nha. Toàn bộ cái diễn biến Tâm-thức của mình chỉ là Nhân với Quả. Mình ghi nhận cái đắng, cay, ngọt, bùi là Quả. Phản ứng trước đắng cay ngọt bùi là Nhân. Cho nên Ngài Ledi Ngài có dạy mình câu thế này: "Khi người khác xử tệ với ta đó là Nhân-xấu của họ. Khi ta phản ứng, có cái phản ứng tâm lý bất thiện, vậy đó là Nhân-xấu của ta". Thay vì mọi chuyện nó dừng lại ở đó, người ta đối xử tệ bạc với mình nó là Nhân xấu người ta. Người ta đánh chửi mình đó là Nhân xấu của người ta. Và cái chuyện mình bị đánh chửi đó là Quả. Tới đó là được rồi. Mình biết đây là Quả của mình là được rồi. Không có tiếp tục gọi là bất mãn tạo ra Nhân mới, còn đằng này mình thù hằn và có phản ứng. Đấy. Có phản ứng. Mình chửi lại, mình đánh lại, thì lúc bấy giờ là mình vừa nhận ngay Quả xấu mà vừa tạo thêm Nhân xấu. Đương nhiên cái này tôi xin nói là tôi giảng mà tôi run. Tôi run là bởi vì người mà chấp nhận cái này là tôi không tin là được 1% nữa. Bởi vì bình thường mình là cơm gạo áo tiền, bình thường mình không có lo Đạo, mình không có lo sống Đạo, mình không có tư duy trong đạo, phải không? Mình chỉ nghe giảng như vậy nè, nghe cho biết thôi. "Khi người khác xử tệ ta, thì đó là Nhân xấu của họ. Phản ứng tâm lý của ta đó chính là Nhân thiện ác của ta". Nhưng mà mình không có thường sống trong đó. Mình không thường sống bằng cái tư duy này. Lúc đụng chuyện cái hiểu biết này xài không được. Tôi xin xác nhận nha. Tất cả Phật-pháp, không riêng gì điều tôi đang nói, không riêng gì điều tôi đang nói, mà là tất cả Phật-pháp hoàn toàn vô dụng nếu mà ta không có thực tập. Nếu ta không có thực tập! Nha! Rồi dân mạng xã hội nó cắt khúc. Nó cắt cái chỗ là "Tất cả Phật-pháp đều là vô dụng". Nó cắt cái khúc đó đó, rồi nó mới đem lên mạng. Nó cắt khúc đó thôi, nó không dám cắt thêm đâu. Nó đâu có dám. Cắt khúc đó thôi. Mới đem lên mạng nói là Sư Toại Khanh chửi giáo pháp. Không phải. Mà dân mạng Việt Nam là 4000 năm văn hiến. Một dân tộc anh hùng luôn luôn thích làm chuyện quang minh lỗi lạc này. Tôi nhắc lại: "Tất cả Phật-pháp đều là vô ích nếu mà mình không có thực tập". Các vị thử nghĩ coi có đúng không? Không có thực tập là đều vô ích. Nó giống như là nắng gió mây trời vậy đó. Nó không giúp được gì cho một cái người dốt nát. Không giúp được! Tại vì tôi cần, tôi biết phơi nắng là tốt cho xương, cho da, đúng không? Rồi tốt cho xương, thì tôi biết mới phơi, rồi lúc nào là lúc nên phơi nắng, lúc nào là lúc nên tránh nắng. Tôi phải biết thì lúc đó cái nắng nó mới giúp cho tôi được. Rồi nắng gió, rồi nước, nếu mà tôi biết khai thác đó, tôi có phong điện, tôi có thủy điện, tôi có quang điện, ánh nắng mặt trời tôi có hết. Đằng này tôi không có biết gì hết. Thì bao nhiêu triệu năm trên trái đất này lúc nào không có gió, lúc nào không có nước, lúc nào không có nắng, nhưng mà vấn đề là người ta có biết khai thác nó hay không. Chứ bây giờ có biết bao nhiêu đất nước, có biết bao nhiêu dân tộc trên thế giới này cũng có nước, cũng có nắng, cũng có gió, mà ban đêm không có điện. Yeah! Có nhiều lắm. Không phải có nhiều, mà là hầu hết, hầu hết trên thế giới, hầu hết những cái vùng mà gọi là ngoài trừ ra xứ tiên tiến là cứ cúp điện liên miên, liên miên, hoặc lệ thuộc dòng điện của láng giềng. Còn nếu mà cái dòng điện trong nước thì cà chập, cà chờn, cà chập, cà chờn vậy đó. Có. Có. Mà tối ngày cứ tưởng mình trên mây, cứ tưởng mình là gì hay lắm, nhưng mà lệ thuộc đủ thứ hết. Cho nên tôi nhắc lại, nắng, gió, và nước ở đâu cũng có, nhưng không phải ở đâu người ta cũng biết đến thủy điện, phong điện và quang điện. Cái đó không chắc. Ở đây Phật-pháp cũng vậy. Phật-pháp là tuyệt đối vô ích nếu mà chúng ta không biết thực tập. 1- Thứ nhất là không có kiến thức. 2- Thứ hai là không có nhận thức. 3- Thứ ba là không có thực tập hành trì. Thì Phật-pháp không giúp được gì hết. Bây giờ các vị hỏi, đi hỏi tất cả các vị Cao Tăng coi có đúng không? Bây giờ người ta đè mình ra người ta tụng hoài mình được cái gì? Mình chưa có biết đọc, biết viết, mà nó cứ đè ba cái cuốn đại số đạo hàm gì của cấp ba. Nó đè mình ra nó đọc hoài vậy đó. Ba cái phương trình đạo hàm gì nó đọc hoài cho mình nghe, mà mình chưa biết đọc viết. Quý vị nghĩ sao? Nghĩ sao? Chuyện vậy mà không hiểu. Chuyện đơn giản vậy mà không hiểu. Không biết đọc, không biết viết, mà cứ nghe người ta đọc ba cái sách hình học với đại số, người ta đem ra người ta đọc hoài ba sách vật lý cấp 3 người ta đem ra người ta đọc hoài vậy đó rồi trách. Trách là tại sao mà tôi căn cơ thấp kém, thiếu duyên, thiếu phước, tôi không có hiểu. Tại vì mình không chịu học mà làm sao mà nghe hiểu nổi. Làm sao mà nghe hiểu nổi? Cho nên làm ơn nhớ giùm là ta đang sống trên cái nền của Tiền-nghiệp, nhưng mà trên cái nền ấy, ta tiếp tục tạo ra cái Nhân mới cho đời sau kiếp khác. Mà Nhân mới đó chính là phản ứng tâm lý chúng ta trên cái nền của Quả cũ. Nghe kịp không? Nhân mới nó được thiết lập trên nền của cái Quả cũ. Do Quả cũ ta có hình hài này và ta có 6 Trần tương ứng với cái Quả đó. Còn cái phản ứng tâm lý chúng ta trước 6 Trần đó, nó mới làm nên cái hình hài mới cho kiếp sau. Thì toàn bộ cái đó được gọi là "Quy trình diễn biến tâm thức". Tức là Nhân – Quả – Nhân – Quả. Giảng cho cái người mù tịch không biết gì hết. Còn mấy cái tay A Tỳ Đàm cực đoan xăn áo nhảy vô cãi thì xin chúc phúc. OK. Còn quý vị nào muốn học sâu thì bắt buộc, thì nãy tôi có nói rồi. Một là phải học nhóm, kiếm thầy bạn học nhóm. Hai là phải ghi danh học trực tiếp tại Kālāma hoặc Thụy Sĩ. Chúng ta biết rằng là lớp học vừa rồi ở Thụy Sĩ, nói một cách công tâm, đừng có nghĩ tầm bậy, tầm bạ, phải không? Khoe. Không phải. Có khỉ gì đâu khoe? Chúng ta có 80 người mà 10 quốc gia, 10 quốc tịch, 10 tấm Passport khác nhau. Kỳ này cái lớp 2024 vừa xong. Vừa xong hôm tháng 6 hả? 6. Thì bây giờ là cuối tháng 8 nè. Thì cái danh sách mà cho lớp năm 2025 là nó gần đầy rồi. Gần đầy. Mà chúng tôi nghĩ rằng chắc chốt lại 50. Không biết giờ cuối nhiêu. Nhưng mà cái 50 đó là gần đầy. Có nghĩa là họ phải bay từ Việt Nam qua, bay từ Mỹ qua, còn Châu Âu là khỏi nói. Châu Âu thì đi xe lửa, xe hơi, nhưng mà Việt Nam với Mỹ qua là gần đầy 50 đó rồi. Thì bắt buộc. Nhiều người nói tôi ác, nhưng mà tôi nói thiệt. Nếu mà anh không có thiết tha thì anh không dám bỏ tiền, anh không có dám bỏ thời gian, bỏ cái công sức để anh đi học. Khi mà anh dám bỏ ba cái thứ này nè: Thời gian, Tiền bạc, Công sức, thì lúc đó Phật-pháp có khó, có đắng, cỡ nào anh cũng nuốt được. Còn đằng này mà anh cứ ngồi yên, anh rước thầy bà về đó, thì tôi không tin, bắn tôi chết tôi cũng không tin. Vì tâm lý phàm tôi biết mà. Mình muốn đi cầu Pháp là phải chịu cực thì sức nạp nó mới khá. Còn cứ mình ngồi yên, mình chờ sung rụng thì tôi không có tin. Tôi không có tin đâu nha. OK. Bây giờ là… Hay quá, vừa đúng giờ! Xin gặp lại bà con thứ năm tuần sau. Nãy giờ các vị có nghe không? Có nghe đủ không? (BTC: Dạ có nghe đủ Sư ạ) Không, có nghe đủ không? (BTC: Dạ có, nghe đủ ạ) Dạ rồi, cảm ơn. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. ☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây: https://www.youtube.com/live/kUCiHTNZB_A?si=IzXuTM5WkCbMlsxl --------------------------- Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
Youtube video Xem thêm: |