← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 32

Thứ Năm, ngày 29/08/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

SẮC PHÁP

Kính thưa đại chúng, tiếp theo chúng ta sẽ học về chương bàn về Sắc-Pháp của A Tỳ Đàm. Sau bộ này nè, chúng ta sẽ tiếp tục học sang bộ khác. Chúng tôi thừa biết là bà con đại chúng nghe giảng chuyên môn, chuyên sâu cái này sợ lắm, nhưng mà bắt buộc phải tập cho bà con quen, chứ còn học giáo lý mà nội dung lan man thì khó lắm.

Sáng nay, chúng ta học về Sắc-Pháp. Trước hết là chúng ta đã học về Tâm-Pháp. Tâm-Pháp tức là cấu tạo và vận hành của cái gọi là tâm thức chúng sinh. Chúng ta biết rằng đó là tất cả chúng sinh trong cuộc đời này… Cái chữ “vô lượng” là tôi gạch dưới nha! Vô Lượng Vũ Trụ. Tất cả chúng sinh và vô lượng vũ trụ. Chúng sinh và vũ trụ được cấu tạo bởi hai thứ đó là Tâm và Vật.

Phần Tâm là chúng ta đã học đại khái rồi. Muốn học chuyên sâu thì bắt buộc phải về Thụy Sĩ hoặc là qua Kālāma. Còn Việt Nam thì trước mắt chúng tôi chưa có nghĩ ra một cái nơi nào để bà con có thể quy tụ về mà học trong thời gian một tháng. Chưa, chưa biết, chưa tìm ra.

Sáng nay mình học về một nửa của vũ trụ. Hôm đó mình học về Tâm, bữa nay mình học về Vật.

Vật ở đây có nghĩa là Sắc-Pháp – là gồm tất cả những gì thuộc về vật chất trực tiếp hay là gián tiếp. Người không học A Tỳ Đàm thì nghe cái này thấy hơi lạ. Tại sao có cái Sắc Pháp vật chất? Mà tại sao có cái thứ vật chất trực tiếp và gián tiếp? Ở vật lý bên ngoài, người ta có cái thứ vật chất tối, phải không? Vật chất tối hoặc là khái niệm chiều không gian thứ tư. Chiều không gian thứ tư là chỉ thời gian. Còn họ có cái thứ vật chất tối cũng là một thứ trừu tượng. Các phân tử, nguyên tử, quang tử và điện tử nó cũng là vật chất, nhưng mà nó vật chất gần như là trừu tượng.

Trong A Tỳ Đàm cũng vậy. A Tỳ Đàm cũng nói rằng có hai thứ vật chất: vật chất trực tiếp và gián tiếp.

Trực tiếp là sao? Là những thứ mà nó có nguồn gốc, nó có bản chất, bản thể, có thực tính, thì cái đó gọi là Sắc-Pháp trực tiếp. Còn Sắc-Pháp gián tiếp là những thứ phái sinh. “Phái” chứ không phải là “Pháp”. “Phái sinh” có nghĩa là nó có được từ mấy thứ kia.

Thí dụ như người học A Tỳ Đàm thì biết rằng Sắc-Pháp hay là Vật-chất nói gọn có bốn thôi. Trong Kinh-tạng kinh điển nguyên thủy, Đức Phật nói có bốn thôi nha. Nhớ nha. [Trong] kinh điển nguyên thủy, Đức Phật chỉ nhắc nói có số 4 thôi là đất, nước, lửa, gió. Rồi qua đến Phật Giáo hậu thời thì triển khai thành 28. Đấy. Tức là bốn đại – đất, nước, lửa, gió làm nền tảng cho 24 thứ Sắc phụ thuộc.

Vậy thì tổng chi chúng ta có 4+24 thành ra là 28. Mà trong 28 đó nó chỉ có 18 Sắc có thiệt. Tôi gọi là Sắc trực tiếp. Còn 10 Sắc còn lại đó thì nó được gọi là Sắc phụ thuộc hay là Sắc gián tiếp. Có nghĩa nó là cái bóng. Nó chỉ là cái bóng có được từ những thứ vật chất kia.

Thí dụ như khoảng cách, khe hở, giữa các phân tử, thì ở trong A Tỳ Đàm cũng gọi là một thứ Sắc-Pháp. Gọi là Sắc Giao Giới – “Giao Giới”. Và trong chữ Pāḷi thì gọi rất rõ là chữ “pariccheda” – khoảng cách giữa các nhóm Sắc, các nhóm vật chất, các nhóm phân tử, điện tử, quang tử. Khoảng cách giữa các nhóm cũng là một thứ vật chất mặc dù nó không có thật. Tức là nó có mặt là do mấy cái kia. Bản thân khoảng cách nó không là gì hết. Nó không có.

Tôi phải kể lại câu chuyện mà tôi đã kể 1000 lần là một thằng bé bên Thụy Sĩ nó ăn sáng với món phô mai Emmentaler. Cái món Emmentaler này bà con đánh Google tìm. Thay vì người ta đó là đặc ruột, nhưng mà đây là một cái thứ phô mai rất là lạ là nó có rất nhiều lỗ – lỗ lỗ lỗ lỗ – giống như là nó bị hư vậy đó. Thằng bé này nó kiếm chuyện với Má nó. Nó cà khịa thôi. Nó nói nó muốn ăn loại phô mai này. Thì Má nó hỏi tại sao. Thì thay vì nói phô mai ăn không có ngon, phô mai ăn nó hơi nhẫn nhẫn, mà nó không nói. Nó nói ghét mấy cái lỗ đó – mấy cái lỗ trên cái phô mai. Thì Má nó từ tốn, nhẹ nhàng, âu yếm, nói với nó: "Con cứ ăn. Con bỏ mấy cái lỗ đó lại. Con ăn cứ ăn, rồi con ghét thì con bỏ mấy cái lỗ đó lại". Thằng bé thì nó nghe thấy có lý, thế là nó cứ ăn hết. Biết đường đâu bỏ? Cái sâu sắc của câu chuyện nó nằm ở chỗ đó.

Có nghĩa là có nhiều cái trên đời này mình cứ nghĩ nó có, nhưng mà khi không có những thứ khác, thì cái này nè – cái mà bằng cái này nè – tự nhiên nó không có được. Đấy. Nhớ nha. Thí dụ như có rất là nhiều chuyện trên đời, nó có là vì ta nghĩ tới nó, chứ còn nếu ta không nghĩ tới nó, [thì nó] cũng không có. Hoặc là nó có là vì sự có mặt của những thứ khác, những thứ khác không có thì nó cũng không có.

Ví dụ như giá trị của hôn thú, giá trị của nhẫn cưới, mình muốn nói có thì có. Mình muốn nói không thì không. Đấy. Các vị có gia đình các vị biết. Mình không thương nhau nữa, thì bây giờ một rổ nhẫn cưới nó cũng không giá trị gì hết. Nó chỉ là một đống khoen kim loại vậy thôi. Nếu nó bằng vàng, bằng bạc, thì đem đi bán vậy thôi. Chứ còn nó không có giá trị pháp lý, nó không có giá trị tinh thần như là trước đây nữa. Giấy hôn thú cũng vậy. Nghĩa là mình quyết định xa nhau rồi, thì coi như là cái tờ đó không giá trị gì hết. Lúc đó còn thua giấy ly dị nữa. Nhiều lắm quý vị.

Và nhiều lần tôi nói về mặt tâm linh, về mặt vật chất. Mình đang nói nha: về mặt tâm linh cũng vậy. Tôi nhân cái này tôi nói cái kia. Nó có những chữ nghe nó đơn giản lắm, nhưng mà nó ghê gớm. Tại sao nó ghê gớm? Nó ghê gớm là bởi vì nó ảnh hưởng toàn bộ đời sống của từng người, toàn bộ đời sống của nhân loại trên hành tinh, và vô lượng vũ trụ. Nhưng mà bản thân nó là số 0 nó mới ghê chứ. Đó là chữ "CÓ" và chữ "CỦA". Đấy.
Tôi "có" cái này. Tôi "có" cái kia. Cái khái niệm "CÓ" là do mình nghĩ ra, chứ vốn dĩ nó không phải là một thực tại hằng hữu, nó không có. Do mình nghĩ thôi. Tôi "có". Tôi "có" cái này. Tôi "có" cái kia. Tôi có cái nhà. Tôi có cái xe. Tôi "có". Thật ra cái "có" làm gì nó có thật. Bản thân chữ "có" nó đã là không rồi. Bản thân chữ "có" đã là không. Nếu mà các vị muốn xăm mình, thì xâm cái câu này:
“Bản thân chữ 'CÓ' đã là 'KHÔNG'”.
Các vị nghĩ đi. Tôi "có" cái này. Tôi có đôi giày, tôi có mắt kính, dây nịch, đồng hồ, ba lô, đúng không? Tôi "có". Nhưng bây giờ chỉ cần người khác lấy, hoặc là nó hư, hoặc là tôi chán, người khác lấy. Một là tôi bị mất. Hai là bản thân nó bị hư. Hoặc thứ ba đó là tôi chán, tôi không muốn sở hữu nó nữa, thì lúc bây giờ chữ "có" nó không có. Trước đây mình có balo, mình có đồng hồ, đúng không? Bây giờ thì nó không có nữa. Hoặc là chữ "của". Cái đó là "của" tôi, nhưng mà chữ "của" này nó rất là mong manh. Mà chỉ vì hai chữ "có" và chữ "của" này mà chúng ta cày bừa, làm trâu, làm ngựa cả đời để mà vì hai chữ "có" và chữ "của" này, phải không?

Rồi có nhều cái nó giả mà mình không có biết. Không phải không biết, nhưng mà mình biết cho vui thôi rồi mình quên, phải không? Chứ cái hình hài này của mình, mình nói của mình nhưng, nói "của" nhưng nó rất mong manh lắm. Chỉ cần mà trục trặc cái là xong.

Thí dụ như tôi năm nay, thì tuổi tôi năm nay 55, thì muốn nói già thì già, nói trẻ thì trẻ, nhưng mà tôi biết nó có những dấu hiệu rất là kỳ cục. Ví dụ như có những khi mình đứng trước cái lavabo rửa mặt – bên đây kêu là cái sink. Mà đứng trước đó mình không biết phải làm gì. Nó quên mất. Cái đầu mình nó bị blank, nó bị bôi đen khoảng tầm 30 giây. Đó. Thì ra mình thấy những cái lúc đó chỉ cần mà tôi quên luôn là xong rồi. Mình quên luôn là xong. Nha. Nhớ cái đó.

Mà khi tôi giảng tôi hay đem thân tôi ra tôi nói, rồi có mấy bà con phản ánh nói là tôi than. Không phải! Tại vì bây giờ mình nói ai giờ? Nó kẹt chỗ mình nói ai? Bây giờ tôi lôi ông A, bà B ra đâu có được. Thế là tôi phải lôi tôi ra. Thì tôi có cái gì tôi nói cái đó. Mà tôi nghĩ bà con trong room có người bị cái đó. Có, có. Có người bị cái đó. Lâu lâu nó bị bôi đen khoảng chừng một quảng thời gian ngắn thôi, khoảng 30 giây vậy đó, là mình mất hẳn mọi cái nhận thức. Hết hồn, hết hồn. Mất hẳn mọi nhận thức nha. Rồi.

Bây giờ mình quay lại vấn đề Sắc Pháp hay là Vật Chất.

Vật chất đó là một nửa của cái gọi là chúng sinh hay là vũ trụ. Là một nửa. Nó lớn chuyện lắm quý vị. Nó lớn chuyện lắm! Sáng nay tôi nói về Vật Chất từ một cái góc nhìn khác, mà những cái tay A Tỳ Đàm cực đoan coi như là điên lên. Điên lên! Tại sao mà Sắc Pháp lại nói như vậy? Tôi xin thưa A Tỳ Đàm có nhiều kiểu học lắm.
1- Một là học vẹt. Có nghĩa là mặt chữ sao thì học y chang như vậy.

2- Cách học thứ hai: lên cái tầm hai đó là mình học để mình tìm ra được cái mối nối kết giữa ba Tạng. Đấy.

Mình thấy cái mối nối kết giữa ba Tạng. Nghĩa là mình thấy A Tỳ Đàm nó sừng sững ở trong Tạng Kinh, nó lừng lững ở trong Tạng Luật. Còn đằng này mình học sao không biết mà mình thấy trong Tạng Luật không có A Tỳ Đàm, rồi trong Tạng Kinh không thấy có A Tỳ Đàm ở trỏng, rồi mình bài xích, mình dè bỉu, mình bôi bác, mình chà đạp, mình phỉ báng là không được.

Cho nên cách thứ hai, trường hợp thứ hai đó là học A Tỳ Đàm để thấy ra cái mối nối kết giữa ba Tạng.

3- Và cái thứ ba là cái tôi cần nè. Là mình học A Tỳ Đàm để mình thấy mình trong đó. Mình đang học về mình. Mình đang học về vũ trụ, về vô lượng chúng sinh. Mình đang học về từng cái phút giây hiện hữu buồn – vui, thiện – ác, nhân – quả của mình. Mình thấy ra được cái con đường sinh tử. Thấy ra cái gọi là nghiệp lý nó lừng lững, nó sừng sững, rõ rệt, hiển lộ trong từng giây đồng hồ. Học A Tỳ Đàm cái ba là cái tôi cần.

Còn học như vẹt là cứ khư khư. Thí dụ như mấy con số tôi nói hoài. A Tỳ Đàm cấp một là ôm mấy con số, tức là 38, 41, 12, 47 cứ ôm khư khư như vậy mà mình quên một chuyện: mấy con số đó là số diễn dịch.

Sẵn đây tôi phang luôn. Xài chữ "phang". Tâm Sở là cái gì? Nó là những khía cạnh của cái gọi là tâm thức. Nó là những khía cạnh thôi. Thí dụ như một người mà còn đam mê ở trong vật chất (sắc, thanh, khí, vị, xúc), thì người này ở một lúc nào đó khi gặp cảnh bất toại, thì người này có khả năng sân si, bất mãn, thì trường hợp này trong A Tỳ Đàm gọi là Dục Ái và Sân – Một cặp trời sinh. Người còn đam mê ở trong vật chất thì người này dứt khoát là còn có khả năng bất mãn, sân si. Người mà còn biết ưu tư, buồn lo, thì là người này còn có hy vọng vui vẻ. Mà người đang có cái khả năng vui vẻ, hân hoan, thì người này có khả năng ưu tư, buồn lo. Thì cái cặp này được gọi là cặp Hỷ – Ưu. Tam thiền – Dẹp. Tam thiền – Diệt. Phải không? Rồi tiếp theo là hễ cái kẻ nào còn quan tâm đến chuyện sung sướng, thống khoái là cái kẻ này còn có cái nguy cơ, còn khả năng bị đau khổ: khổ thân và khổ tâm. Cho nên cái cặp này được gọi là cặp Khổ – Lạc. Đấy. Trong tâm thức anh, hễ có khía cạnh này thì có khía cạnh tương ứng, đối xứng.

Thí dụ như Dục ái và Sân nó là cặp. Sơ và Nhị Quả là giảm nhẹ. Sơ Quả là giảm bậc một. Nhị Quả là giảm bậc hai. Chứ đừng nghe học A Tỳ Đàm mà cứ tưởng là chỉ có Nhị Quả mới giảm nhẹ. Không! Sơ Quả họ đã giảm nhẹ Dục Ái và Sân so với phàm phu. So với phàm phu là vị Sơ Quả người ta đã giảm nhẹ Dục Ái và Sân. Giảm nhẹ dữ lắm. Giảm nhẹ là sao? Họ giảm nhẹ đến mức mà họ không thể nào, mà vì hai cái phiền não này, mà làm các nghiệp ác đủ dẫn tới sa đọa. Họ không thể nào vì hai cái Dục Ái và Sân mà dẫn đến cái chuyện gọi là phủ nhận Tam Bảo. Phủ nhận Tam Bảo, xóa nhòa cái nhận thức trước đây của mình về Tam Bảo, về Tứ Đế, về Duyên Khởi – Không!

Còn phàm phu mình, cái Dục Ái và Sân của mình nó đủ để mà mình làm các nghiệp sa đọa, nó đủ để mà mình xóa nhòa, từ chối Tam Bảo. Nó đủ để mà mình gọi là xóa nhòa cái nhận thức về Tứ Đế và 12 Duyên Khởi. Đấy. Dục Ái và Sân của phàm phu nó ghê như vậy. Nhưng mà riêng về vị Sơ Quả là người ta đã không có cái đó. Dục Ái và Sân người ta không có khả năng đó. Vậy là nó giảm nhẹ bậc một.

Còn giảm nhẹ bậc hai đó là lên tầng Nhị Quả. Là người ta chỉ còn có Dục Ái và Sân ở trong Ý Nghiệp thôi, chứ còn Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp họ không có nhiều như là vị Sơ Quả. Thí dụ như vị Sơ Quả còn có khả năng gọi là sinh hoạt vợ chồng ở đời cư sĩ, làm ăn buôn bán, tích lũy tài sản, nhưng mà riêng tới vị Nhị Quả đó là cái khả năng này coi như bị bào mòn rất là nhiều. Nhưng mà lên tới Tam Quả là không. Tam Quả là không có chuyện mà tình ái lăng nhăng, ăn ngon mặc đẹp là không.

Chứng Sơ Quả là tự nhiên, nếu là cư sĩ, thì tự nhiên có 5 Giới. Còn chứng Tam Quả đó là tự nhiên có Bát giới. Tự nhiên họ có Bát Giới là vì sao? Là vì họ không còn Dục Ái thì họ làm gì có cái nhu cầu nào mà để vi phạm Bát Giới. Họ không có Dục Ái. Thí dụ như đối với họ là chỉ ăn là vì đói, chứ họ đâu phải ăn là vì thưởng thức. Coi như giới mà ăn ngọ của họ là tự nhiên. Còn chuyện mà đàn ca, hát xướng, mỹ phẩm, hương liệu, giường cao, chiếu rộng, họ làm gì còn. Họ dứt hẳn Dục Ái thì làm gì họ cần nguyện giữ giới đó như mình. Tự nhiên nó mất. Cho nên nếu là Cư Sĩ – Nếu là Cư Sĩ nha! Cái đám mạng truyền thông làm ơn ghi cho kỹ cái này. Chứ đừng có cắt khúc rồi chửi bới! Đừng có để cho người ta coi thường 4000 năm Văn Hiến của mình nha! Nguồn gốc con rồng cháu tiên của mình. Nha. Rồi. Nếu là Cư Sĩ thì Sơ Quả là tự nhiên có 5 giới. Mà Tam Quả là tự nhiên có Bát Giới.

Nói cả buổi chưa có quay vô đề tài chánh Sắc Pháp. Bây giờ cái Sắc Pháp nè. Cái này nó quan trọng lắm nè.

Tùy thuộc vào tiền nghiệp Thiện – Ác của quá khứ, mà đời này ta sanh ra trong chủng loại nào, Cảnh giới nào. Nghe cho kỹ nè.

Chủng loại thí dụ như con chó, con heo, hay là conngười, hay là Chư Thiên, Phạm Thiên nha. Đó là chủng loại. Còn cảnh giới là cõi nào? Tùy thuộc vào cái tiền nghiệp, mà ta sinh ra trong chủng loại nào, trong cảnh giới nào và lệ thuộc của ta trên vật chất nó khác nhau. Đấy. Nó khác nhau.

Vật chất là cái gì? Định nghĩa, phải định nghĩa chứ. Định nghĩa vật chất là gì? Vật chất chính là 5 Trần Cảnh mà có thể đón nhận được bằng các giác quan vật chất, phải không? Đó là 5 Trần Cảnh vật chất, cộng với 5 giác quan đón nhận cảnh vật chất. Tức là 10 thứ. Nói gọn lại vật chất nó chính là 10 cái này.

Đó. Bắt đầu mấy người nhóm học A Tỳ Đàm bắt đầu nổi điên lên rồi. Đang điên! Tôi biết là họ đang điên. Đang điên! Tại sao không nghe nhắc cái khác? Có nghĩa là cái chánh – Sắc Pháp nó chỉ là 5 Trần Cảnh vật chất, và 5 giác quan đón nhận 5 Trần Cảnh đó. Còn mấy cái Sắc còn lại là phụ trợ, phò trợ, hỗ trợ, bổ sung.

Thí dụ như Sắc Giới Tính. Nếu mà anh không có Dục Ái, thì anh làm gì mà anh có cái hóc môn nam nữ, testosterone. Làm gì có? Đấy. Và vì anh còn có Dục Ái cho nên anh sanh ra anh mới mang hình hài nam và nữ. Để chi? Để anh enjoy, anh thưởng thức, anh hưởng thụ cái gọi là vị ngọt tình ái, lăng nhăng này nọ lọ chai. Đấy. Nhớ nha. Chứ còn mà anh giống như Phạm Thiên, anh đắc Sơ Thiền thôi là anh đâu có nhu cầu đó. Làm gì anh có? Cho nên Sắc Pháp nó có nhiều cách phân tích lắm, nhiều lắm. Như trong Chánh Tạng, Đức Phật Ngài nói chỉ có bốn thôi. Chỉ có bốn thôi. Trong Kinh Tạng chỉ nói có bốn thôi. Ai đọc Kinh Tạng mà 50 lần thì mới tin cái này. Chứ còn đọc kiểu mà lơ mơ, lơ mơ, chắc không có nhớ đâu. Phải không? Đọc 50 lần rồi “Sư ơi. Không có!”. Không có nói nhiều hơn số bốn. Chỉ nói bốn thôi. Chỉ có bốn thôi. Thì ở đây là tôi nói 10 là tôi đã nói rộng lắm rồi đó. Thì Sắc Pháp nó chỉ gồm có 5 Trần Cảnh vật chất và 5 giác quan ghi nhận Trần Cảnh đó.

Như vậy thì 4 Đại là nền tảng đương nhiên của 10 cái này. 4 Đại. Như vậy thì mình thấy là 4 Đại là mình trừ ra. Có đến 28 đúng không? 28 mà tôi chỉ lấy có có 10 thôi. Tại vì 4 Đại nó là nền tảng của 10 cái tôi vừa kể: 5 Căn – 5 Trần. Như vậy thì nó mới có 14. Rồi 14 còn lại là ở đâu? Dạ, nó hỗ trợ cho 14 cái này. Yeah. Hồi đó giờ mình chỉ có học là 24+4, còn bữa nay mình thấy là 14 hỗ trợ cho 14. Phân tích đó là cách phân tích mới. Mới nhưng mà không phải là do tôi chế. Có học A Tỳ Đàm sẽ thấy cái này. Khổ quá. Có. Có. Bên Thụy Sĩ có lần tôi giảng lớp A Tỳ Đàm, có người hỏi tôi: “Sao con nghe cái này thấy hay nè. Mà cái này Sư nghĩ ra hay trong kinh?”. Tôi nói: "Một, cái đầu bư của tôi chưa có đủ sức đâu. Chưa đủ sức nghĩ ra cái đó. Thứ hai, chị nghĩ nó có hợp lý hay không? Nếu nó là hợp lý thì không cần phải hỏi cái đó của ai. Không cần của ai! Còn cái nào mà chị không có khả năng kiểm chứng, thấy nó hơi kỳ kỳ á, phải không? Thí dụ như tôi kể chuyện ma, kể chuyện mơ hồ gì đó, cái đó là đòi tôi kiểm chứng. Chứ còn cái gì mà mình thấy rõ ràng 3 với 3 là 6, thì cái đó mình không cần phải hỏi sách nào? Nha!".

Rồi. Thì bà con nhớ Sắc Pháp. Tôi nhắc lại. Sắc Pháp này nó gồm có hai, tùy cách phân tích trong và ngoài chúng sinh. Thì tiếng Pāḷi có. Pāḷi có. Sắc Pháp mà trong chúng sinh do nghiệp tạo, do tâm lý tạo,... Bởi vì Sắc Pháp vật chất nó gồm có bốn trường hợp là:
1- Do tiền nghiệp.
2- Do đời sống tâm lý.
3- Do môi trường thiên nhiên.
4- Do chế độ dinh dưỡng.

Phải không? Tổng cộng lại là 4.

Thì kể theo nguồn gốc là bốn. Nhưng mà kể gọn có hai. Đó là “indriyabaddha”. Có nghĩa là Sắc Pháp mà nó liên hệ đến chúng sinh, nó liên hệ đến 5 Căn, nó liên hệ đến tiền nghiệp, thì gọi là “indriyabaddha”

Còn loại thứ hai là “anindriyabaddha”, có nghĩa là Sắc Pháp mà nó không có liên hệ tới chúng sinh, nó không liên hệ tới tiền nghiệp. Thí dụ như cây cỏ, đất đá, nếu có chăng thì nó có liên hệ gián tiếp thôi. Cho nên mình muốn kể hay là không kể đều được. Bởi vì nó vốn là không phải, nhưng mà trong những trường hợp đặc biệt thì mình kể là có liên hệ. Có trường hợp đặc biệt thí dụ như là do tác động, sự chiêu cảm của thiện – ác chúng sinh mà nó làm cho mùa màng thất bát hay là trúng mùa, thạnh mậu. Có. Chính sự chiêu cảm của thiện – ác chúng sinh mà nó làm cho gọi là “phong điều vũ thuận” – mưa thuận gió hòa, hay là trái mùa thất tiết, trái mùa trái tiết. Thì trong trường hợp đó đó, mình gọi là có liên hệ. Sắc Pháp đó tuy nó không thuộc về chúng sinh nhưng mà nó được tác động, nó được chiêu cảm gián tiếp từ cái gọi là Duyên Nghiệp hay là Nghiệp Thiện – Ác của chúng sinh. Nhớ nha.

Nhưng mà chốt lại thì cái Sắc Pháp đó có nhiều cách phân tích. Cách một là “indriyabaddha”. Cách một tức là chia hai.
1- Vật chất mà nó trực tiếp liên hệ chúng sinh, do đời sống tâm lý, do tiền nghiệp quá khứ tác động, thì được gọi là “indriyabaddha”.
2- Còn Sắc Pháp thứ hai là “anindriyabaddha”, có nghĩa là vật chất, Sắc Pháp mà nó không có liên hệ với chúng sinh. Có chăng nó là gián tiếp thôi.
Phải không? Nhớ nha! Rồi.

Thì bài này tôi muốn nói cái gì? Tôi chỉ nhắc bà con mấy chuyện gọn thôi.
1- Thứ nhất, đời sống này mình không thể nói chỉ có Tâm là sai. Mà nó chỉ có Vật là sai. Mà mỗi thứ nó là một nửa. Đó là chuyện thứ nhất.
2- Chuyện thứ hai là do nguồn gốc nào mà sự có mặt của vật chất trong đời sống chúng sinh? Đó là bởi vì tâm thức càng thô. Đấy. Tâm thức càng thô, mình có nhu cầu nhìn thế giới này một cách rắc rối nha. Tâm thức thô thiển nên mới nảy ra cái nhu cầu ghi nhận thế giới này một cách rắc rối. Từ đó mình mới có tới 6 Căn. Chứ còn ở các vị mà ở trình độ cao, thì họ không cần phải nhìn thế giới này thông qua 6 cách. Trường hợp rất là đặc biệt.

Trường hợp như Đức Phật Ngài có 6 căn. Ngài không phải là do Ngài thiếu trình độ mà Ngài phải sanh ra trong cõi 6 Căn – cái này sai nghe. Sai. Nhưng mà bởi vì bổn nguyện của Ngài là phải có mặt ở cõi 6 Căn để có thể độ được tất cả chúng sinh, phải không? Nhớ nha. Chứ còn quý vị biết mà. Trình độ của Ngài trước khi Ngài chưa thành Phật, kiếp chót chưa thành Phật là Ngài đã đắc Thiền Vô Sắc. Có nghĩa là nếu mà Ngài không có thành Phật, Ngài tiếp tục làm hoàng tử Tất Đạt, phải không? Tiếp tục làm đạo sĩ Gotama. Mà nếu không có chứng Phật Quả đó, thì cái kiếp đó mà Ngài tắt thở rồi là Ngài đã đi về Cõi Vô Sắc rồi. Mà không phải kiếp đó, trước đó, trước đó vô số kiếp trước đó là Ngài đã thừa chứ không phải đủ. Ngài không có đủ nha. Ngài là thừa. Ngài thừa sức để mà lìa bỏ Dục giới, Sắc giới, chứ đừng có nói mà Dục không, Sắc Ngài cũng buông luôn. Đấy. Ngài thừa sức. Nhớ nha. Chứ đừng có nghe giảng bắt đầu nhảy dựng lên: "Trời ơi, nói vậy là xúc phạm Đức Phật!". Đức Phật sanh Ngài cũng ở cảnh giới có 6 Căn. Đúng. Nhưng mà Ngài vì công việc. Ngài là một vị Tiến Sĩ nông lâm. Cần thì người ta xăn quần người ta bước xuống ruộng người ta làm việc, chứ người ta không có phải là hai lúa, là út nếp như mình. Người ta không phải mù chữ như mình. Người ta không phải là đẻ ra dưới gốc rơm bụi rạ như mình. Không phải. Người ta là ông Tiến Sĩ vì công việc mà phải xăn quần nhảy xuống ruộng. Nó khác nha. Rồi cái mình chụp hình, mình quay phim, mình nói: Đó. Ổng giống tôi. Ổng cũng xuống ruộng. Ổng cũng vọc sình giống con của tôi, v.v. No. No. Ổng là Tiến Sĩ, vì công việc mà nhảy xuống ruộng thôi. Nhớ nha.

Ở đây cũng vậy. Thì chốt lại là vì cái trình độ của ta nó thô thiển, mà ta mới có nhu cầu nhìn ngắm thế giới này một cách phức tạp. Tức là nghe nè, ngửi nè, nếm nè, đụng nè, sờ chạm, rồi tư duy. Mà cái tư duy của anh mà hưởng dục cũng là thấp kém. Tư duy cũng quẩn quanh trong cái chuyện hưởng dục.

Bây giờ tôi không có nói đến trong A Tỳ Đàm gọi là Cảnh Pháp. Cảnh Pháp cao siêu Thiền định, Đạo quả tôi không nói. Tôi đang nói đến Cảnh Pháp thế gian nè. Có bao nhiêu phần trăm nhân loại mà trong đầu có hội họa, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, khảo cổ, triết học, văn chương, thơ ca, có bao nhiêu phần trăm? Đa phần nhân loại, tôi nghĩ là không dưới 70%, nhắm mắt lại thì cái đầu cũng nghĩ cái này nghĩ kia. Trong A Tỳ Đàm gọi là Cảnh Pháp. Nhưng Cảnh Pháp đó vẫn là liên hệ đến cảnh dục, liên hệ đến cảnh vật chất. Yeah. Mặc dù cái gì họ suy nghĩ trong đầu này là cảnh trừu tượng. Trong A Tỳ Đàm gọi là Cảnh Pháp Trần. Nhưng mà Pháp Trần của người mà hưởng dục nó vẫn là quẩn quanh ở trong- gọi là Pháp Trần nhưng vẫn là cái bóng của Ngũ Trần, của Dục Trần. Họ nằm họ nghĩ bánh xèo, họ nghĩ đến du lịch, nghĩ đến quần là áo lụa, chăn êm nệm ấm, họ nghĩ những món đồ họ chưa mua được hay là đã mua rồi, món đồ đã bị thất lạc, họ đang nghĩ đến những thú vui, những trò tiêu khiển giải trí blah..blah…blah gì đó, phải không? Rồi.

Như vậy thì tùy thuộc vào tiền nghiệp, rồi khuynh hướng tâm lý chúng sinh mà chúng ta đi vào chủng loại nào, Cảnh giới nào, rồi ở đó lệ thuộc của chúng ta đối với vật chất nó là bao nhiêu, từ đó chúng ta có được bao nhiêu thứ vật chất.

Cho nên một người Phật tử, thí dụ như không phải vấn đề nào cũng giải quyết bằng cái kiểu duy tâm hay là duy vật. Bị bệnh mà cứ đè ra tàn nhang, nước lã, rồi tụng niệm, bái sám, rồi sám hối, rồi lạy lục. Quý vị nghĩ coi, bệnh nó có bao nhiêu cái nguồn gốc? Bệnh là do cái gì? Do di truyền. Bệnh là do cái gì? Do chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống. Bệnh là do cái gì? Là do cái gọi là tình trạng tâm lý. Bệnh là do môi trường sống nha. Môi trường sống nè, rồi hoạt động tâm lý nè: căng thẳng, hờn giận, ghen tuôn, sợ hãi, tức tối nè, hoặc là lạc quan, vui vẻ, hướng thượng, vị tha, bao dung. Mấy cái này mình thấy nó ảnh hưởng đến cái bệnh của mình nha. Đó là tâm lý.

Còn Tiền Nghiệp thì khỏi nói rồi. Ngoài đời kêu bệnh Căn, bệnh Quả đó. Đó là khỏi nói rồi. Đó là do Tiền Nghiệp. Nhưng mà nó có bệnh do sự can thiệp. Trong kinh nói do sự can thiệp của loài phi nhơn. Thì bà con trong room này không có tin thì thôi, coi như vụ đó bỏ qua, phải không? Bệnh là do thời tiết, do môi trường ô nhiễm dơ bẩn, rác rưởi, cống rãnh. Bệnh do chế độ ăn uống không hợp lý. Bệnh do sinh hoạt, hoạt động không hợp lý. Ăn rồi mà đứng hoài. Ăn rồi ngồi hoài. Ăn rồi mà nằm hoài. Đấy. Mình thấy mấy người mà làm mấy công việc mà đứng hoài, ngồi hoài đó, lâu ngày đó, cái chân họ gân mà nó phù ra. Nhìn nó ớn quá! Nhìn giống như mấy con giun đất nó bò dưới da vậy đó. Tội nghiệp lắm! Thì do chế độ ăn uống nè, rồi do đời sống tâm lý nè, rồi do tiền nghiệp nè, do môi trường sống nè, tác động thiên nhiên nè, rồi mới do sự can thiệp của các loài phi nhơn, của chúng sinh khác. Và coi như người ta đánh, đá, đấm, đạp, đục đẽo, mình cũng bị vấn đề về sức khỏe nữa, chứ đâu phải là do Tiền Nghiệp hoặc là do tâm lý không, do thiên nhiên không. Còn mình bị đánh, bị chém, bị xe đụng, bị tai nạn, cây ngã, đá đè, tai bay họa gởi cũng có thể bị. Cho nên nãy giờ tôi chỉ nói riêng cái bệnh thôi nha thì nó đủ thứ nguồn gốc.

Mà mình học A Tỳ Đàm để làm cái gì? Để mình thấy ra rằng:
1- Thứ nhất, vì đâu mà nó có Sắc Pháp? Sắc Pháp là cái gì?
2- Thứ hai, học để thấy rằng thế giới nó là lưỡng cực, phân quyền. Có nghĩa là một nửa là Tâm. Một nửa là Vật. Và không phải vấn đề nào ta cũng giải quyết bằng Tâm. Hoặc là chỉ giải quyết bằng Vật là sai. Mà tùy trường hợp. Nhớ nha.

Hành giả đi tu thiền mà sao nó bồn chồn, ray rứt, áy náy, không yên, không tập trung, không chánh niệm được, thiếu định, thiếu niệm? Thì mình phải coi coi nó có 800 lý do.

1- Một là do mình lười biếng, thất niệm, hoặc là tâm vọng tưởng nhớ chuyện nhà, nhớ tục sự. Đấy. Không dàn xếp nội tâm là nó cứ bồn chồn, nó ray rứt không yên.
2- Trường hợp thứ hai là do cơ thể có vấn đề.
3- Trường hợp thứ ba là môi trường. Vì nó nóng quá, bụi quá, ồn quá. Có. Có bụi quá, nóng quá, ồn quá, hôi hám quá, hôi thúi quá. Có. Nó ảnh hưởng Tâm ghê lắm. Rồi có một xung đột, mâu thuẫn nào đó với bạn tu, bị Sư Phụ la, rồi tum lum hết.

Chẳng hạn như chúng ta biết rằng có một kinh nghiệm nhỏ của các Thiền Sư, là khi một hành giả mà hai, ba ngày không có tập trung được, không có Niệm được, không có Định được, thì Thiền Sư sẽ hỏi những câu sau đây là:
• Có hứa với ai cái gì hay không mà chưa làm?
• Có dự tính làm cái gì mà chưa làm? Dự tính với mình nè. Một là dự tính với mình, mình có tính toán, mình có trù tính cái gì hay không mà mình quên mình chưa có làm. Hay là mình có thất hứa ai không.
• Tiếp theo là mình có làm cái gì mà phạm thượng, bất kính, xúc phạm người nào đó mà mình chưa xin lỗi không? Có không?
• Rồi là mình coi lại sức khỏe mình có OK không? Chỗ ở, áo quần, phòng ốc của mình có OK không? Hôi hám, bụi bậm, nực nội cũng làm cho mình bị phân tâm nữa, nhiều lắm.

Nãy giờ các vị nghe kể không? Trù tính cái gì mà chưa làm? Hứa với ai? Hứa hẹn cái gì mà chưa làm? Xúc phạm mà chưa xin lỗi? Hoặc là do vọng tưởng, vọng động, nhớ chuyện nhà, nhớ chuyện cũ với ai đó, xung đột, mâu thuẫn với bạn tu, sức khỏe có vấn đề, phòng ốc có vấn đề, thời tiết khí hậu bên ngoài có vấn đề.

Rồi bắt đầu vô sâu sâu nữa nè. Tiền nghiệp. Có. Có tiền nghiệp. Các vị không có tin thì tôi nói cho nghe, tiền nghiệp nó có ảnh hưởng đến tâm lý của mình. Thí dụ như nếu mà không có tiền nghiệp- Chuyện mình kêu Ba La Mật cho nó sang, chứ Ba La Mật nó là tiền nghiệp chứ là cái gì? Hả? Ba La Mật là tiền nghiệp chứ là cái gì? Thì nếu không có Ba La Mật, Thái tử Tất Đạt nhìn mấy cái hiện tượng mà già, bệnh, chết đó đó trớt quớt. Giống như mình vậy đó. Bây giờ mình gặp người già, người bệnh, rồi xác chết, đám ma, mình gặp biết bao nhiêu lần, mà cái đầu bư mình nó cứ trớt quớt à. Nhưng mà trong khi một Thái tử Tất Đạt là khác. Người ta đã tu bao nhiêu A Tăng Kỳ rồi, cái lúc mà nó chín mùi rồi đó, phải không? Là người ta nhìn người bệnh, người già, người ta sốc, mà sốc toàn tập, sốc mà lên tới óc, sốc nó tràn ra mà chịu không nổi, người ta phải bỏ nhà người ta đi trong đêm, ngay trong cái ngày đầu tiên. Nhớ nha. Ngày đầu tiên có được đứa con đầu lòng. Hai cái “đầu” một lúc. Ngày “đầu tiên” sự kiện mà chào đời của đứa con “đầu lòng”. Chứ không phải đứa con đầu lòng mà nó ra tháng, hai tháng, rồi có thời gian suy nghĩ. Đằng này ngày đầu tiên chào đón đứa con đầu lòng, mà con trai, mà nó đẹp như thiên thần. Đấy. Đẹp như thiên thần. Bỏ đi. Đi mà không có biết ngày về đó, chứ không phải đi là tuần sau, tháng tới. No. Không có tuần sau, tháng tới đâu. Đi là biền biệt sơn khê, là cố nhân đi không hẹn ngày về đó. Phải vậy đó. Mà ở đâu nó ra cái đó? Ở đâu nó ra thái độ? Ở đâu? Là tiền nghiệp, cũng là cái Ba La Mật. Đấy. Nhớ cái đó quan trọng lắm lắm luôn.

Thì bây giờ cũng vậy. Do tiền nghiệp nào đó, bây giờ nó làm cho mình gọi cái từ bây giờ là hết duyên. Đấy. Việt Nam mình có chữ kết duyên mà ít ai hiểu nghĩa chữ kết duyên. Kết duyên nó có hai:
1- Kết có nghĩa là kết thúc, có nghĩa là nó hết.
2- Kết là cột, buộc, nối, kết.
Kết duyên nó khác. Còn kết đây nghĩa là hết, giống như kết thúc vậy đó. Duyên đó nó mãn kết rồi. Duyên tu đó hoặc là cái duyên đó khiến ngay lúc đó nó bị gián đoạn. Đấy. Nhớ nha.

Như vậy thì chỉ riêng cái chuyện tu tập. Chỉ riêng nãy giờ tôi nói hai chuyện: Tu tập và Sức khỏe là mình đã thấy nó có cả hai nguồn Tâm và Vật. Đấy. Thì mình muốn giải quyết mình cũng phải tự mình rà coi cái gốc của ông này là Tâm hay Vật, và cái hướng giải quyết đó là thuộc về Tâm hay Vật. Nhớ cái này nha. Chứ còn mà người tu Phật mà kỵ nhất là cái gì? Cực đoan. Cực đoan kẹt lắm lắm luôn.

Trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật Ngài dạy rất rõ:
“Ta (ta là Ngài) là vibhajjhavādī – Ta nói chuyện lúc nào cũng là rõ ràng, phân tích, đa chiều, chứ không có ekaṃsavādī – phiến diện, một chiều, đóng khung”.
Nhớ cái đó. Phiến diện, một chiều, đóng khung – “ekaṃsavādī”. Mà Ngài là “vibhajjhavādī”, chứ không phải “ekaṃsavādī”. Lấy hai cái chữ này nè, vào Google tôi bày cho. Vào Google tìm đi, tìm chữ “vibhajjhavādī” rồi để “Majjhima Nikāya” là coi coi kinh nào. Phải không? Rồi trong đó, Ngài nói rõ: “Ta đó” – Ngài không có nói chuyện một chiều, Ngài không có đóng khung. Thí dụ như là cái đó phải vậy, cái đó phải vậy.

Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, pháp môn Tứ Niệm Xứ Ngài giảng rất là gọn, rất là sáng. Sáng nhưng mà gọn. Không có chi li, chi li như mấy ông Thiền Sư bây giờ. Tại sao? Là vì Ngài là Pháp Vương. Ngài là cha lành của ba cõi, hàng tỷ tỷ chúng sinh đang hướng về Ngài, mà mỗi người là một góc riêng riêng. Bây giờ mà Ngài nói quá chi tiết có nghĩa là Ngài tự đóng khung, mà Ngài là gì? Ngài phải có cái nhìn phổ cập, một cái nhìn mà phải nói là dành cho tất cả mọi người, cho mọi người, không có chữ “dành” mà hướng đến mọi người. Còn những cái kinh, những ông Thiền Sư bây giờ mà dạy chi tiết là tại sao nó chi tiết? Là bởi vì ổng lấy chuyện riêng của ổng ra, kinh nghiệm của ổng ra, ổng lấy đó làm cái tôn chỉ của ổng, cái cương lĩnh của ổng, mà khi mình lấy cái riêng thì mình chỉ độ được một gốc riêng thôi. Nhớ nha. Đức Thế Tôn thì không. Ngài nói ra cái gì tổng quát cái chung. Rồi hễ đứa nào có huệ căn, tự động trên cái nền chung này nè, nó đi thêm cái chi tiết. Cho nên trong Phật Pháp rất là lạ. Thí dụ như trong pháp môn Tứ Niệm Xứ là con đường cốt lõi duy nhất dẫn đến giải thoát. Nhưng mà Ngài dạy vậy đó. Quý vị coi trong Chánh kinh đó, rất là đơn giản rất là sáng, gọn. Phải xài cái chữ “sáng” và “gọn”. Còn bây giờ, trời đất ơi, sách thiền đó mênh mông đại hải, mình tưởng mênh mông là hay. Mênh mông là sao? Là các vị đi sâu và chi tiết. Mà đi sâu và chi tiết có nghĩa là đóng khung. Mà tại sao đóng khung? Là vì mấy bố lấy chuyện của mình đem ra và có một số mà nó khoái cái riêng của mình, nó bèn đi theo cái đó là đám riêng đấy. Chứ lời Phật là chung. Phật là cha của ba cõi. Ngài dạy chung.

Thí dụ, tôi ví dụ hoài, là như Ngài dạy nấu canh chua, Ngài chỉ nói là nước, muối, đường, bột nêm, rau mùi, và gia vị làm chua. Hết. Nước, muối, đường, bột nêm, rau mùi. Ngài chỉ nói rau mùi thôi, chứ Ngài không nói rõ rau gì. Rau mùi thì mình hiểu là ngò gai nè, ngò ôm nè, rau tần dài lá nè, kẹt kẹt huế nè. Đấy. Là tùy hỷ công đức, phải không? Mình có gì xài cái đó. Thích cái gì xài cái đó. Thì Ngài chỉ nói rau mùi thôi. Rồi tiếp theo Ngài nói gia vị làm chua chứ Ngài không có kể ra. Còn mình me bột nè, me nước nè, me trái nè, me vắt nè, me già nè, me non nè, mẹ dốt nè, rồi lá giang nè, rồi chanh nè, giấm nè, cơm mẻ nè, khóm nè, cà chua nè, cà chớn gì mình làm cho một rừng. Càng kể nó càng rối! Có những vị Thiền Sư họ rất là thích me vắt, cho nên khi họ hướng dẫn là cái nồi canh của họ nó rất là đặc biệt. Là họ đòi hỏi nào là có nấm nè, rồi có đậu bắp nè, rồi me là phải là me vắt nè. Rồi họ bài xích mấy cái thứ khác. Họ chê lá giang là lá rừng, lá dại, một thứ gia vị chưa được kiểm chứng y học tùm lum hết. Đấy.

Mà tự mình đóng khung, rồi từ cái chỗ đó mình đi bài xích chỗ này, chỗ kia. Trong khi Đức Phật không, Ngài chỉ nói rất là gọn. Ngài chỉ nói là rau mùi, thì các con cứ thấy cái mùi nào nó OK thì các con xài thôi. Đấy. Nhớ nha. Tới gia vị làm chua thì cái nào mình có, cái nào mình thích. Hai cái: một là có, hai là thích. Mình có cái nào, mình thích cái nào, mình xài cái đó. Đấy. Tứ Sanh Từ Phụ Thiên Nhân Chi Đạo Sư. Mênh mông vậy đó, khi Ngài dạy rất là rõ, rất gọn và rất là sáng. Rõ, gọn, sáng. Còn mình giờ đi sâu, đi xa, đi rộng làm tan hoang sự nghiệp. Cuối cùng hồi thì kinh sách thì bao la, nhưng mà mỉa mai nhất là nói thiền là đơn giản, mà sách thiền ta nói nhìn đống sách thiền tôi nói tôi muốn nhảy lầu luôn. Có. Có. Nhìn đống sách thiền của các trường phái, các thiền phái gom lại, mà trong khi tất cả Thiền Sư đều đồng ý thiền là con đường trong sáng giản dị. Coi đã không? Mà sách thiền mình chất lại, ta nói nó như núi vậy đó. Nhìn sách thiền ta nói chỉ muốn khùng thôi. Nhìn sách thiền là ta nói chỉ muốn điên thôi. Nhảy lầu thôi. Nhiều quá. Đọc không đã không hết rồi, đừng nói hành! Hành không nổi lấy gì mà chứng? Đấy. Nhớ không. Cho nên nói đến đời sống nói chung và chuyện tu hành nói riêng, nhớ hoài cái này:

Vật chất đó là một nửa vũ trụ, một nửa chúng sinh. Nguồn gốc của vật chất là nó do mấy cái đó: đó là nó do tiền nghiệp, do đời sống tâm lý, do môi trường thiên nhiên, và do chế độ dinh dưỡng. Đấy. Rồi. Tiếp theo nữa là tùy thuộc vào trình độ tâm lý của chúng sinh mà nó dẫn đến chủng loại và cảnh giới tái sinh và ở đó ta có bao nhiêu thứ Sắc Pháp; ta lệ thuộc bao nhiêu thứ Sắc Pháp, những vật chất; ta có được bao nhiêu thứ vật chất; ta lệ thuộc bao nhiêu thứ vật chất.

Ta thấy cấu tạo sinh học của các loài động vật nó khác nhau nhiều lắm. Ví dụ như mình thấy cấu tạo sinh học củ con ếch đâu giống con cào cào. Mà cấu tạo của con cào cào nó không có giống con rắn. Mà cấu tạo của con rắn nó không có giống con cá. Mà cấu tạo sinh học của con cá nó không giống như con tôm. Mà cấu tạo của con tôm không giống con heo. Mà cấu tạo của con heo nó không giống con người, phải không? Mặc dù nó cũng có một vài cái trường hợp hơi đặc biệt. Ví dụ như mình thấy mấy cái loài linh trưởng như con khỉ, con vượn, mình thấy con dã nhân – con chim Chimpanzee, con Gorilla, thì khỉ đột, tinh tinh gì đó, dã nhân gì đó, thì mình thấy nó giống con người, nhưng mà thật ra là những bộ phận mà có thể thay thế cho con người là con heo. Nó gần với người hơn mấy cái con tinh tinh, giả nhân, khỉ đột. Thấy vậy đó mà xài không được. Mà người mình cần thay là mấy con heo. Thí dụ như vậy. Nhưng mà nói gì thì nói, thì heo vẫn là heo, nó vẫn khác mình ngàn trùng viễn xứ, phải không? Nhớ. Cho nên sau buổi học làm ơn chốt lại mấy điều này nè. Chốt lại giùm.

Rồi còn ai học A Tỳ Đàm cái kiểu mà “chính chuyên” đó. Tôi kêu là “chính chuyên” đó, không có dám “lang chạ” đó. Phải không? Thì về mà “thủ tiết” đi! Mà có nhiều cái thủ tiết nó hay, nhiều cái thủ tiết dở ẹc. Phải không? Trong học thuật, trong tư duy, mà cứ lo “tiết hạnh khả phong”, cái thứ đó xài không có được. Thứ đó là tự đóng khung. Đấy. Nhớ nha. Rồi. Phải có khả năng “lang chạ” trong học thuật, trong tư duy.

OK. Chúc các vị một ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/5SPU_IqEv1M?si=guODNMWNTcLlKLYQ
---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240829/GIAO LY CAN BAN BUOI 32 (29-8).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản