← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 33

Thứ Sáu, ngày 06/09/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

PHIỀN NÃO

Thưa đại chúng, sáng nay chúng ta học chương tiếp theo của bộ Thắng Pháp Tập Yếu (Abhidhammatthasaṅgaha), đó là chương nói về Phiền-não. Tên tựa đề trong nguyên tác là “Pháp Bất Thiện”, nhưng mà tôi cố ý dùng chữ Phiền-não cho nó gần gũi với bà con hơn. Trong đó, xài “Pháp Bất Thiện”, có hẳn một chương.

Thưa với đại chúng, chương này nè nói riêng, và chủ đề Phiền-não nói chung, nếu mà không có được nhìn từ góc độ thông thoáng mà cứ khư khư [mà] bữa hổm tôi kêu là học cái kiểu “thủ tiết” ý, thì một là nó chán lắm, thứ hai nữa là nó cũng không có gì để học. Nhưng mà không, cái vấn đề Phiền-não, cái đề tài về Phiền-não nó sâu, nó rộng lắm lắm luôn. Ở trong kinh Sa Môn Quả của Trường Bộ Kinh Nam Truyền, trong kinh đó mà đặc biệt là Sớ Giải của kinh đó, cho chúng ta biết một chuyện rất là đặc biệt, đó là: Sáu Trần mà mình tiếp xúc mỗi ngày nó giống nhau.

Thí dụ như một vị Phật, một vị La Hán – một Đức Phật, một vị La Hán thì cũng nhìn thấy là cây cỏ, hoa lá, chim muông, hồ nước, núi non như mình vậy đó, chứ không phải là cái các Ngài thấy là khác. Y như mình vậy đó. Rồi mình là một kẻ phàm phu nhưng mình là con người, thì mình cũng nhìn thấy những cái đó như các Ngài vậy đó. Nhưng mà cái cách thế – cái góc nhìn – cái tâm thái – tâm trạng – cái cảm xúc – cái khả năng nhận xét – cái nền tảng tâm thức thì không giống nhau.

Chuyện nhẹ thôi. Trong một bài giảng cách đây hai hôm ở Houston… Bữa nay tôi về tới Florida rồi… Thì tôi có nói rằng là trong cái nền tảng tâm thức như thế nào mà Thái tử Tất Đạt nhìn thấy một xác chết, một người bệnh và một người già thì Thái tử chán đời bỏ đi tu. Còn như mình thì mình đã có bao nhiêu lần mình nhìn thấy người già, bao nhiêu lần mình thấy người bệnh, bao nhiêu lần mình thấy xác chết, bao nhiêu lần mình nhìn thấy người xuất gia tu hành, bao nhiêu lần trong đời mình, mà mình vẫn trấm trơ trấm trất, nó không có đi tới đâu hết. Đấy! Cho nên trong đó nói thế này, là: Tùy vào căn cơ của mình mà mình có một cái cảm thức, có một cái nhận xét, một cái tâm trạng, một cái cảm giác đối với Trần Cảnh khác nhau. Và cái này mới ghê nè. Cái này mới ghê. Là do tiền nghiệp, thói quen thiện ác nhiều đời, khuynh hướng tâm lý, rồi môi trường sống, mà khi đối trước Trần Cảnh chúng ta có phản ứng tâm lý ra sao. Tôi nhắc lại nha.

Chính cái phản ứng đó nó là tâm lành hay là tâm xấu, thì trong vô số kiếp luân hồi, đã là phàm phu thì gieo trồng rất nhiều ác nghiệp và thiện nghiệp. Mà đã có ác nghiệp, thiện nghiệp, và có quả lành và quả xấu, quả khổ. Đó là một chuyện. Chuyện thứ hai là bây giờ mình sinh ra mà mình gặt hái quả lành đó, quả xấu đó đó nó là một chuyện khác. Hồi xưa mình gieo, giờ mình gặt. Nhưng nếu mà kiếp này mình chứng quả A La Hán thì mọi chuyện nó tới đây hết. Nhưng mà không, phàm phu mình còn thêm nữa, bây giờ mình gặt hái quả lành thì mình đón nhận bằng tâm tham. Đấy! Thí dụ như bây giờ mình giàu có, rồi nhan sắc, rồi tiếng tăm, rồi quyền lực, rồi tình cảm tùm lum, cái gì mình cũng may mắn hết, thì mình đón nhận cái đó bằng tâm tham – Mình chỉ say đắm hưởng thụ. Còn nếu mà mình đón nhận những quả xấu ốm đau, bệnh tật, nghèo đói, đấm đánh chửi, oan ức, tai nạn, thì mình đón nhận bằng tâm sân.

Thì có nghĩa là do nhân lành, nhân xấu đời trước mà bây giờ mình sướng khổ. Và trước cái sướng khổ của bây giờ là cái phản ứng tâm lý của mình, nó lại tiếp tục tạo ra sướng khổ cho đời sau. Tức là cái nhân nó tạo ra quả. Và cái quả nó lại tác động nhân. Và cái nhân này nó tiếp tục tạo ra quả. Nó cứ tiếp tục vòng vòng vòng vòng vậy đó. Nhân thì tạo ra. Nhớ nha.

Nhân thì tạo ra quả, mà quả thì nó là tác động nhân.

Cái quan trọng nhất là mình làm chủ được cái tâm trạng, cái cảm xúc của mình. Thì trong Chú Giải của kinh Sa Môn Quả nói một chuyện rất là đặc biệt. Tức là tâm thái của mình trước Trần Cảnh nó ra sao, thì nó tùy thuộc vào nhiều lắm, nhiều yếu tố, thí dụ như hồi nãy tôi có nói là thói quen thiện – ác nhiều đời, rồi khuynh hướng tâm lý căn bản của mình. Thì trong đó Đức Phật dùng hình ảnh rất là đặc biệt. Ngài nói khi một người mà bị bệnh, cái lưỡi của họ nó có vấn đề, nó không có nếm được chính xác cái vị của thức ăn giống như những người khỏe mạnh. Thậm chí nó không giống như mình nè, trước đây mình không khỏe, mình nếm cái gì cũng thấy nó nhạt nhạt, nó đắng đắng, nó nhẫn nhẫn. Còn cái mũi mà mình, một là không có nghe mùi, còn hai nữa đó là mình nghe nó ra cái mùi khác. Nó ra cái mùi khác, nó không có chính xác. Đấy!

Thì người mà sống bằng cái nội tâm phiền não họ đánh giá, họ nhận xét, họ đón nhận 6 Trần theo cái hướng đó. Họ không có được cái nhìn trung thực. Tức là nó là nó thôi. Đằng này đó là mình dặm vá, mình thêm bớt, mình vẽ rắn, thêm chân, tô hồng, chuốc lục. Đấy! Thì từ đó nó mới nảy sinh vấn đề.

Còn một hành giả mà gọi là có học giáo lý… Tôi luôn luôn nhấn mạnh chữ "Có Học Giáo Lý". Tôi rất là e ngại khi mà tôi nghe một người nào đó mà họ tu hành, tu Tứ Niệm Xứ mà họ không học giáo lý, tôi sợ dữ lắm luôn! Sợ lắm luôn! Cái cảm giác nó giống như là tôi nghe nói ai đó ăn kiêng vậy đó. Ai đó đang theo đuổi một liệu trình, một phát đồ điều trị, mà trong khi mù tịch không biết gì hết, hoàn toàn giao phó cho Y, Bác sĩ, tôi sợ lắm! Bởi vì cái người có kiến thức nó vẫn hơn. Yeah! Mà so ra thì cái chuyện mà mình giao phó mọi sự cho Bác sĩ chữa trị nó còn đỡ, còn cái này mới sợ nè: là uống thuốc nam, cái thuốc nam là cái dễ sợ nhất. Tại vì Bác sĩ người ta được đào tạo, còn ớn nhất là thuốc nam, uống thuốc bắc. Hiện giờ tôi có biết một người quen bị breast cancer – ung thư ngực. Lẽ ra là từ buổi đầu mà họ giao cái đó cho bên Tây Y nó hay quá. Mà họ bị ru ngủ bởi những cái gọi là kiến thức lang băm, lang vườn. Thí dụ như họ sẵn sàng uống ba cái lá mơ, lá ổi gì đó, uống thời gian dài. Thật ra cái đó độc hay không thì chưa nói, chuyện đầu tiên là mình uống làm mất đi thời giờ chữa trị nghiêm túc. Nhớ cái đó! Ngán chỗ đó. Tôi cố ý đang nói lạc đề chút xíu rồi mới quay lại chủ đề Phiền-não. Nha. Có nghĩa là thay vì nếu mình trị liệu đúng hướng, đúng đường, đúng Thầy, đúng thuốc, thì mình đâu có mất thời gian vậy. Mình chết không phải là vì mình uống tầm bậy, mà mình chết là do mình mất cái thời gian vàng, mình hoang phí thời gian vàng để chữa trị. Nhớ! Mình chết là chết cái đó đó. Đó là một. Còn cái thứ hai nữa, đó là thuốc bắc với thuốc nam nó có cái vấn đề như thế này nè: là khi mà tôi giả định là Thầy hay, thuốc giỏi nha. Thầy hay, thuốc giỏi nha. Thuốc hay, Thầy giỏi. Cho tôi nói luôn trường hợp đó luôn đó, nhưng mà mình phải nhớ rằng trong cái lá ổi, lá me, lá mơ, lá mít, phải không? Nó có thành phần để chữa cái bệnh cao máu, nhưng mà thí dụ như trong đó nó có những thành phần mà nó lại gây bệnh khác. Nó có những tác động tiêu cực lên trên một phần nào đó trên cơ thể của mình. Cái đó là thuốc bắc với thuốc nam nó có chuyện đó. Thí dụ mình hốt nguyên thang nó chữa bệnh đau cột sống mà nó phá cái bao tử mình không thương tiếc. Thí dụ như vậy. Hoặc nó cái thuốc đó nó rất là có hại cho mấy người bị sỏi thận, mấy người bị cao máu, mấy người bị tiểu đường. Đấy! Nó khổ vậy đó! Có nghĩa là mình chữa cái này nhưng mà nó lại phá cái bệnh đó, gây tạo ra cái bệnh khác. Cho nên đây là lý do tại sao mà tôi phải nhấn mạnh vấn đề học giáo lý là chỗ đó.

Là mình tu thiền nó giống như mình đang chữa bệnh. Mình tu thiền nó giống như mình đang ăn kiêng vậy đó. Mà mình không có kiến thức, mình cứ giao cái mạng của mình cho ông Thầy ngán lắm. Mà cái bệnh của mình giao cho Bác sĩ thì còn hy vọng, chứ còn cái tâm của mình nó vô tướng, vô hình, mà mình đi mình trông cậy, mình giao cho ông Thầy mà bản thân mình không biết gì hết, thì thiền là thiền cái gì? Hả? Tôi nhớ hoài mấy cái buổi, mấy cái cuộc đối thoại mà làm cho tôi ngán luôn. Bên Thụy Sĩ có, Việt Nam có, cứ gọi phone xong cái: "Thưa Sư, con xin phép con ngưng ở đây, vì con sắp tới giờ vô ngồi thiền", mà cách đây mới có hai phút là họ hỏi tôi mấy vấn đề liên hệ chuyện Tứ Niệm Xứ. Mới cách đây có 2 phút. Mà thông qua câu hỏi đó cho biết rằng họ mù tịch, rồi bây giờ họ nói họ xin phép họ ngồi thiền. Tôi không biết họ ngồi thiền cái gì? Rồi cái này còn tang thương nữa. Tôi kể chuyện đó cho một vị Sư bạn nghe, vị đó trả lời thế này: "Thôi kệ nó, miễn nó ngồi yên là được rồi". Cái thái độ dễ dãi này là nó làm hại biết bao nhiêu Phật tử. "Thôi kệ ngồi yên là tốt rồi". Quý vị nghĩ giống như bây giờ mình thấy người ta ăn kiêng, mình nói “thôi kệ nó, bớt thịt, bớt mở, bớt dầu, bớt chiên, là tốt rồi”. Một cách nói rất là thiếu trách nhiệm. Rất là thiếu trách nhiệm! Có một vị thích tổ chức thiền lắm, mà bản thân vị đó thì không có kiến thức, thì tôi cũng ngại. Mình không nỡ nói. Nói nhẹ nhẹ: “Nói chắc phải cho học giáo lý”, thì vị này nói: "Thôi kệ, cho ngồi tốt rồi". Cái đó tôi chống cái đó. Cái đó không có nên. Rồi.

Giờ tôi quay trở lại. Phiền-não là một chủ đề rất là quan trọng, bởi vì mình cũng không biết hết cái gì về nó. Phiền não đó là cái gì? Nó là cái phản ứng tâm lý thôi. Phản ứng tâm lý trên một cái nền tảng tâm thức có vấn đề. Nói về thiện pháp, thì cái nền tảng tâm thức đó không có Văn – Tư – Tu. Nói về Trí Tuệ đó, [tức là] không có Văn – Tư – Tu, không có kiến thức giáo lý. Không có kiến thức thì làm gì có nhận thức? Mà không có nhận thức thì làm gì có hành trì? Đó là nói về Trí.

Thứ hai, cái Phiền-não đó là phản ứng tâm lý của người đã không Trí mà lại không có nhiều cái khác nữa. Ví dụ như là Tàm, Úy nè, Niềm tin nè, Tinh tấn nè, khả năng Chánh niệm nè, khả năng định tâm nè, khả năng tập trung tư tưởng. Nói chung là cái 25 mình bị thiếu. 25 bị thiếu. 25 Tâm Sở Tích Cực mình bị thiếu. Chính vì mình bị thiếu, bắt buộc hễ mình 25 bị thiếu, bắt buộc là mình phải mạnh về 14. Đó là cái luật, mình không thể nào chối cãi được. Mình nói: “Không, không, không! Tôi 25 tôi yếu, nhưng mà tôi biết 14 nó độc lắm nên tôi né”. Vậy anh né anh xài cái gì? Hả? Anh né anh xài cái gì? Khi mà 25 anh thiếu là bắt buộc 1000% là anh phải xài cái 14 Tâm Sở Tiêu Cực. Chỉ có La Hán thôi là không thiện, không ác. Chứ còn mà phàm phu là hễ không thiện là phải ác. Không ác là phải thiện. Chứ không có cái vụ mà lửng lơ con cá vàng. [Vụ đó] là không có. Nhớ nha! Làm ơn nhớ dùm cái đó! Mà có những người không học giáo lý, rồi cứ là ba chớp ba nháng, thầy ba nước lạnh, thầy tám nước sôi, rồi đi rồi tự nghĩ ra ba cái loại mà tâm rỗng rang, tâm vô niệm, vô chấp, vô sở trụ gì đó, mà trong khi đó mù tịt không có học về Tâm Pháp. Đồng ý mình học về Duy Thức, mình học về A Tỳ Đàm cũng là con vẹt thôi, mà ít ra mình là vẹt nó đỡ hơn là mình không có kiến thức để làm vẹt. Toàn là tưởng tượng không. Nghĩ sao không hiểu mà ăn uống thì cẩn thận, sợ bệnh, sợ chết, mà trong khi đó đời sống tâm linh thì rất là bất cẩn. Thì điều đó cho thấy mình nè, mình đã coi nhẹ cái tâm linh, coi nhẹ cái tinh thần cỡ nào? Trong khi cái thân xác bằng xương, bằng thịt, bằng gân, bằng da này nè, thì mình coi trọng nó. Ăn uống rất là cẩn thận, tìm hiểu sách vở, nghiên cứu thầy thợ tùm lum, mà trong khi đó là về mặt tâm linh thì “trời ơi!”.

Tôi ớn nhất là mấy cái từ mà "rỗng rang", "vô niệm", "vô chấp". Tôi sợ lắm! Bởi vì là nó mù tịt, nó không biết gì hết, [thì] làm gì có cái vụ mà cái từ mà từ mơ hồ đó. Nó phải có cái phải rõ ràng chứ! Nó phải có công thức chứ! Nó phải có thành phần chứ! Đường hướng hoạt động, nó có lộ trình, nó có quy trình chứ! Đằng này không! Đồng ý. Tôi biết nhiều người sẽ chống, xăn áo nhảy vô cãi, nói rằng tại sao đời sống tâm linh mà xài mấy cái chữ nặng nề? Kệ nó! Nó nặng nhưng mà khi sống Chánh-niệm trên nền tảng Kiến-thức một thời gian nó sẽ nhẹ dần, nhẹ dần những kiến thức. Chúng ta không còn bị ám ảnh bởi kiến thức, nhưng mà với cái sự soi sáng của kiến thức chúng ta đi vững vàng hơn. Nhớ cái đó!

Dưới sự soi sáng, sự trợ lực của kiến thức, chúng ta sẽ đi vững hơn.

Còn cái chuyện mà mình thấy nó nặng của con sáo, con vẹt, yên tâm đi, từ từ từ từ nó sẽ nhẹ dần. Giống như mình buổi đầu tập thể thao, buổi đầu mình ăn kiêng, buổi đầu mình nấu ăn, buổi đầu mình chưng hoa, thì mình phải chấp nhận những kiến thức là thô thiển, kiến thức bài vở trường lớp trẻ con. Nhưng mà lâu ngày khi mà nó quen rồi đó, thì cái gọi là ám ảnh của kiến thức, tự động nó rớt dần, nó rơi dần, nó rụng dần. Phải tin chuyện đó! Buổi đầu quý vị biết [rằng] giống như mình mới tập lội, mình cứ nhớ văng vẳng hướng dẫn của người dạy lội, dạy bơi. Mình mới đi xe đạp cũng vậy, mình mới đi trượt tuyết cũng vậy, mình cứ nhớ văng vẳng lời hướng dẫn: “Phải vầy, phải vầy!”, “Đừng thế này!”, “Đừng thế kia!”. Nhưng mà khi nó đã quen rồi đó, nói theo kiếm hiệp – “Kiếm là người, Người là kiếm, Tâm kiếm hợp nhất”, thì lúc đó như Mạc Đại Tiên Sinh vậy. Chỉ cần cây đàn là đã đủ rồi. Một ngón tay, một nhánh cây khô là đủ rồi, chứ không có cần phải vũ khí ghê gớm, bảo kiếm, trường thương. Không cần! Tâm với kiếm là một. Người với kiếm là một. Ở đây cũng vậy. Phải học giáo lý rồi sống chánh niệm! Tôi luôn luôn chủ trương cái đó.

Học giáo lý nó là pháp học. Sống chánh niệm nó là pháp hành.

Cứ vậy đó. Thì nó ứng dụng vậy đó. Ứng dụng một cách gọi là nhịp nhàng và thông minh như vậy, lâu ngày thì cái nặng nề kiến thức [mà] tôi gọi là nỗi ám ảnh của từ chương, nó sẽ được gột rửa, nó sẽ vơi giảm, nó nhạt nhòa dần. Phải không? Còn đằng này chưa gì hết mà nói chuyện trên mây, phải không? Không cần học rồi giữ tâm vô niệm, vô chấp, vô sở trụ, rỗng rang gì đó. Nói nghe hay, tới hồi nay mai mà đau nó giật trào máu, mới biết tu cái gì!

Tôi gặp rồi. Tôi đã gặp rồi. Tôi đã gặp rồi. Chuyến tôi về Mỹ, duyên số sao không biết, mà tôi đi thăm ngay chóc hai người cận tử không. Một người đã đi rồi – Một cụ tôi thăm 6 tiếng sau là cụ mất. Giờ còn sót một cô tại Mỹ, thì bây giờ cổ sống coi như nó di căn lên trên não. Tội cổ… Giờ chỉ chờ đi thôi, không biết lúc nào. Cứ sáng ngày dậy thấy bả còn biết bả còn thôi, chứ còn tính bằng giờ đồng hồ. Mà bây giờ gặp còn biết hỏi này, hỏi kia. Biết hỏi, mà tôi thấy ngán quá, bởi vì giáo lý không chịu học. Thì chính vì trên cái nền tảng thiếu giáo lý thì làm sao sống chánh niệm? Hả?

Chánh niệm là nền. Đức Phật Ngài gọi Chánh niệm là “sabbatthika”, có nghĩa nó là nền cho các thiện pháp. Sabbatthika – Nền cho các thiện pháp. Mà bây giờ muốn sống chánh niệm, nghe đến “chánh niệm” thì đơn giản thiệt, nhưng mà chỉ biết tỉnh thức trong hoạt động thôi, rồi ngoài ra không biết gì hết. Không biết cái gì nó đang diễn ra ở thân, ở tâm này. Phải học chứ! Phải học! Đấy!

Thiếu hai cái này thì sao ta? Nó bèn tạo ra một cái thứ phản ứng tâm lý trước 6 Trần. Phản ứng tâm lý đó nó có cái tên là Phiền-não. Đấy! Và trên cái nền tảng đó, tâm thức chúng ta nó là một cái lưỡi của người bệnh, cái mũi của người bệnh, cái xúc giác của người bệnh. Đấy! Khi mà mình bệnh, mình rờ đâu mình cũng thấy nó tê tê tê tê. Đấy! Có! Có! Tôi bị bệnh mấy lần. Tôi sốt, sốt mê man, tới lúc mà tôi tỉnh dậy, tôi rờ cái gì tôi cũng thấy nó tê tê tê tê tê hết. Mấy ngày nay nó cũng đâu có sốt, mà sao mấy ngón tay cũng muốn nè. Mấy ngày nay, nó cũng tê tê. Rờ đâu nó cũng tê. Hơi lạ đó. Lạ lắm. Giống như mình rờ điện vài Volt vậy đó. 5 Volt, 8 Volt vậy đó. ngộ lắm! Rồi. Cái mũi mình không có ngửi cái mùi trung thực, không có ngửi đúng cái mùi như nó là. Lưỡi cũng vậy. Thì chính từ cái chỗ đó cho mình thấy rằng là mình hiện giờ cơ thể đang có vấn đề, mà các vị tưởng tượng xúc giác, khứu giác, vị giác, có vấn đề là mình làm sao mình sống? Sao sống đây? Làm sao mình sống? Thì phải chữa sao cho ba cái đó nó phục hồi như cũ.

Thì cái phản ứng tâm lý của mình trước 6 Trần nó y chang như vậy. Cái này không phải tôi nói, cái này kinh nói. Làm ơn coi dùm kinh Sa Môn Quả, mà đặc biệt đọc commentary – Sớ Giải của kinh đó! Phật tử Việt Nam tuyệt đối là phải biết nguồn kinh điển này – Nguồn Sớ Giải. Tôi là không có cuồng tín! Tôi không có cuồng tín cho cái nguồn nào là số một, nhưng mà tôi tuyệt đối tin tưởng một điều là chúng ta phải cần đến những nguồn tham khảo. Tôi nói rất là chậm và rất là chính xác ở chỗ này. Bây giờ có tin hay không tin mặc xác! Nhưng mà đầu tiên phải có nguồn tham khảo. Còn đằng này nghe người này chê, nói kinh điển chép lại không đáng tin. Tôi nói thật, nói câu đau lòng. Nói thì nghe nó sang, nghe nó trí thức, biết hoài nghi, rồi biết đặt vấn đề, rồi nghe nó sang, nhưng mà thực ra anh có nghiên cứu chưa? Luận điệu đó luận điệu của học giả, mà học giả Âu Mỹ. Anh có nghiên cứu chưa? Và nói còn thê thảm nữa là mấy cái tay này đọc được sách ngoại ngữ không? Người mà chống họ có đọc được không? Họ có đọc nổi không? Thí dụ họ nói được tiếng Anh, họ nói tiếng Thái, nhưng mà nói để đi ăn giỗ, nói để đi mua đồ, nói để đi sân ga phi trường chứ họ có đọc sách nổi không? Có đọc được các nguồn kinh điển không? Mà bôi bác, nói rằng sách chép không đáng tin, mà trong khi trên đầu mình thờ Phật. Xin lỗi, cái áo trên người mình mặc, miếng cơm mình ăn là của Phật, mà bây giờ mình nói là lời Phật không đáng tin, thì ngồi mình tự mình ngẫm lại coi mình sao vậy? Hả? Áo mặc là áo của Phật. Cơm ăn là cơm của Phật. Cái nhà mình ở là nhà của Phật. Viên thuốc mình uống là của Phật. Mình thầy chùa mà. Đấy! Mà bây giờ mình nói không tin, mình nói mấy cái đó không đáng tin, vậy mình tu theo ai? Lạ lùng! Cái đó rất là quan trọng. Nhớ nha.

Cho nên cái Phiền-não… Phiền-não tôi nhắc lại. Nó sâu chỗ này nè. Là mình học như vẹt, mình chỉ biết là Tham, Sân, Si thôi. Nhưng mà làm ơn nhớ giùm nó chính là cái nhìn bệnh hoạn trên một nền tảng tâm thức thiếu căn bản. Định nghĩa Phiền-não là định nghĩa như vậy đó. Nó là cái nhìn bệnh hoạn, một cái nhìn tiêu cực trên một cái nền tảng bệnh hoạn. Tức là trên một cơ thể bệnh hoạn. Nha! Nó mới cho ra một cái khứu giác, một cái vị giác, một cái xúc giác, một cái thị giác, một cái thính giác có vấn đề. Ví dụ như khi bị bệnh lỗ tai mình bị ù, mình nghe cái gì cũng o o, ve ve, o o, ù ù... Thính giác có vấn đề. Hoặc là mắt, mình nhìn cái gì nó cũng chập chờn, chập chờn, chập chờn. Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Chưa kể là cái trí giác của mình, lúc đó mình suy nghĩ cái gì nó cũng không tới. Bệnh mà! Bệnh!

Thì đó là nói về chuyện thế gian, còn bây giờ nói về chuyện Phiền-não mình nè. Chuyện Phiền-não mình nó chính là cái nhìn bệnh hoạn của một cái tâm thức bệnh hoạn. Thì gọi là Phiền-não.

Thí dụ như cái đó trong cái nhìn của vị La Hán nó chỉ là đất, nước, lửa, gió thôi. Nhưng mà mình á, bệnh mình là gì? Bệnh tâm thần. Mình đủ thứ bệnh hết á. Và trong đó có bệnh tâm thần nữa. Tức là mình nhìn cái bông, mình nhìn thấy nó màu tím, rồi nó gợi nhớ cho mình bao nhiêu thơ ca, văn học, nó gợi nhớ cho mình bao nhiêu cái món ăn, bao nhiêu cái tình cảm, bao nhiêu cái kỷ niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm, blah…blah…blah... Cuối cùng cái đóa hoa tím nhỏ xíu đó nó làm nền tảng cho nguyên một chuỗi phiền não tham ái, say đắm, đắm đuối, gieo nhân luân hồi. Coi đã không? Rồi chỉ vì một cái ánh mắt của ai đó làm cho mình nổi điên lên.

Chẳng hạn như ngày hôm qua… Tôi nè! Tôi đang giảng mà tôi đem tôi ra nè! Đấy! Có một lớp học bên Houston, người ta mời chúng tôi về tháng 10 này nè, mà chỉ vì hai người thôi, mỗi người buông một câu, mà tôi quyết định tôi từ chối, tôi không có về đó nữa. Mà tôi biết, tôi biết tôi ngồi trên máy bay mà tôi biết, tôi biết cái này mà. Không cần A La Hán, A Na Hàm nữa là người ta đã là coi hai câu đó không ra gì, nhưng mà tôi chỉ vì hai cái câu đó mà tôi quyết định tôi không qua Houston. Thì tôi diễn dịch thế này: Hai người này nè là đại diện cho nguyên Houston. Đấy! Mà Houston thì theo tôi nhận xét thông qua hai người này, thì các vị thắc mắc là sao mà tôi lấy người này là đại diện, thì cái chuyện đó nó dài lắm. Đại khái là tại vì mình tiếp xúc thấy nó na ná với nhau, thì mình phàm phu mà! Ẩu lắm! Nhưng mà tôi vẫn bảo vệ “cái ẩu” của tôi trong trường hợp này. Thì tại tôi thấy họ giống nhau, cho nên hai người này lên tiếng, [thì] có lẽ mấy người kia tôi nghĩ cũng vậy. Thì trong nhận xét đó, ở Mỹ rất là khó tìm những cái người cư sĩ mà có nhu cầu học giáo lý – Tôi nghĩ như vậy.

1- Ở Mỹ thì tôi nghĩ chỉ có người đến với Đạo là do xa xứ, nhớ quê, thèm gặp đồng hương, bèn tìm đến Chùa, đến Chúa. Ở đó có những đoàn, gặp đồng hương, lâu ngày thành Phật tử hồi nào không hay.
2- Trường hợp hai là trong nhà có ông bà, bố mẹ bệnh hoạn rồi vấn đề tang chế, rồi gởi xương, gởi hình trong chùa đó, rồi không biết đem đi đâu, gởi chùa rồi lâu lâu lên thăm hũ xương, thăm tấm ảnh trên chùa rồi riết thành Phật tử luôn. Đấy! Có! Trường hợp hai.
3- Trường hợp ba là do tình cờ ngẫu nhiên bạn bè rủ.
4- Trường hợp bốn là bản thân có vấn đề buồn không biết chia sẻ cho ai, chạy vô chùa lắng nghe, nghe thấy cũng ngộ ngộ, được được, rồi lâu ngày đi luôn.

Và tuyệt đối là không có nhu cầu đi sâu, đi xa và lên cao trong vấn đề học hỏi giáo lý. Không có nhu cầu! Vì cái nhịp sống bên đây nó rất là thực dụng. Nó rất là vật chất. Bên Châu Âu vậy mà khá, nhưng mà bên Châu Âu lại có những vấn đề khác. Nhưng mà có điều, bên Châu Âu, tôi làm cái lớp tôi có hứng thú hơn, chứ Mỹ là không. Mỹ là không! Thứ nhất nó có tới 800 lý do, mà thứ nhất là mình thấy đó là cái cơ hội mà gặp lại nhau lần nữa nó cũng hơi khó. Bởi vì tôi làm Kālāma mà. Cái chuyện mà tôi về đây để tôi dạy các nơi khó lắm. Bởi vì tôi không có thời gian. Tôi về đây sửa sang Tịnh Thất xong chút tôi phải ngồi… Cái này (cái đầu) là tôi xài nó nhiều lắm. Một tuần tôi phải mất hai ngày để mà tôi đi rao bán cái ý tưởng. Xài chữ “rao bán” nó hơi “phàm”, nhưng mà tôi phải có một đời sống tâm linh như thế nào để mà một tuần có hai ngày tôi giảng kinh cho người ta chứ. Tôi đâu có rảnh. Trong khi bỏ đi, bay đi chỗ này chỗ kia rất là phiền, nó mất thời gian. Người ta lâu lâu học một lần, mình đi rồi người ta phủi mông, người ta đi người ta quên sạch hết. Tôi biết mà. Tôi biết. Tôi dạy nhiều lớp lắm. Ở bên Houston nhiều lớp lắm. Cali cũng nhiều lớp lắm. Virgnia có. Có cả Atlanta nữa. Có. Mà tôi biết mình đi xong chừng tháng sau họ gọi phone, nghe những gì họ nói, tôi nói: “Rồi xong luôn! Hốt xác! Nó quên sạch!”. Mà nó quên những cái cốt lõi, những cái mà mình gọi là dốc lòng trao truyền. Quên sạch! Tức là chỉ qua một cái buổi nói chuyện có 15 phút, nó phán mấy câu, “rồi…”, tôi nói: “rồi…”. Tôi khấn trước với vong linh Mẹ tôi, nói: “Mẹ ơi con không có đi nữa… Con ở nhà con thờ Phật mà con nhớ Mẹ chớ con không đi nữa...”. Tào lao quá, quá tào lao! Mà đã viện tới vong linh của Mẹ là đã nặng lắm rồi đó, lắm rồi đó. Vì đó là cái người mà phải nói là tôi thương tôi quý vô bờ. “Mẹ ơi con không có đi nữa, ở nhà con chỉ thờ Phật và nhớ Mẹ thôi”. Đấy! Cho nên chỉ vì hai câu nói của hai người, mà họ là cái gì? Vậy đó! Mà thông qua cái nhãn quan, thông qua tấm filter, cái miếng lọc của phàm phu, tôi bèn từ bỏ thiện chí không muốn về. Khiếp không? Thì trên chuyến bay trên, tôi giật mình khi thấy rằng đó là, chỉ hai người mà làm thay đổi cái đại cục. Đấy! Và sáng nay tôi giảng cho bà con nghe về Phiền-não, tôi phải đem cái chuyện của tôi ra như là một minh họa sống động nhất cho các vị thấy.

Qua cái tấm lọc, cái filter của phàm tâm, chúng ta nhìn vấn đề nó lạ lắm.

Trong khi các vị A La Hán thì không. Chứ khả năng tư duy của mình nó không tới đâu hết. Mình học nên nhớ cái này, cái thấy của mình lúc mình đắc đạo nó không – nó tuyệt đối không giống với cái thấy của mình lúc học. Nhưng mà phải có học mới dẫn tới chuyện hành trì và chứng đắc. Chứ còn tôi bảo đảm 1000% là cái thấy mà lúc mình đắc, nó không giống cái thấy lúc mình học. Mình có thể chứng minh thế này, đó là cà phê. Mình đọc 1000 trang về cà phê, mình có am tường về bao nhiêu thứ cà phê, phải không? Robusta, Arabica, rồi Espresso, Nespresson, rồi Trung Nguyên, rồi ba cái gì của Việt Nam. Nói về Việt Nam là “G” – G7, G8, tùm lum hết. Cà phê uống liền tùm lum hết. Mình đọc không, mình không uống cái gì hết. Một ngày kia, mình pha một ly Trung Nguyên mình uống, thì lúc đó mình thấy là những gì mình học về cà phê nó không có sai. Làm sao sai được? Người viết sách cà phê đó là ông tổ cà phê mà. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chứ đâu phải là ai viết sách về cà phê. Ổng viết 8000 trang. Ổng viết chứ không phải người khác viết, trợ lý đặc biệt của ổng viết. Đấy! Nhưng mà đọc để đọc vậy, ổng hướng dẫn đủ cách hết. Cuối cùng chính mình phải đi mua cà phê, chính mình xay, rồi mình pha, rồi mình uống, thì mình mới cảm được những điều đó, thì cái gọi là mùi và vị cà phê lúc bây giờ nó không có giống như cái tưởng tượng của mình trước đây khi mà mình chưa uống.

Chỉ có đọc sách thôi, nhưng mà phải có kiến thức. Có những cuốn sách hướng dẫn du lịch, nó tả Kim Tự Tháp, nó tả Angkor của Campuchia, cái Machu Picchu của Peru, nó tả cái Kim Tự Tháp của Nam Mỹ. Nó tả cho đã. Thật ra mình phải đọc, mình không đọc mình biết cái gì? Và làm sao có cảm hứng để mà đi tới mấy chỗ đó? Hả? Biết cái gì? Và làm sao có cảm hứng để mình đi? Làm sao có cái gợi ý để đi đến chỗ đó? Phải đọc! Nhưng mà đi tới nơi mình mới thấy những gì mình đọc nó không có giống như những cái mình thấy. Chúng tôi từng đến Vatican, thì Vatican mà trong cái con mắt của tôi đó nó không giống Vatican trong tưởng tượng của tôi. Tôi từng đến Vatican, đến thăm chùa, mình thấy cây cột của họ đó, là mình phải xài cái chữ là “hồn phi phách tán, hồn phi phách tán”. Cái cây cột của họ kinh khủng lắm. Nhưng mà nó lạ một chỗ, tôi nhìn Vatican chuyện đầu tiên tôi nhớ kinh Phật. Thì ra không học giáo lý, không thực tập, mà chỉ toàn là tưởng tượng về Phật, về cứu cánh giải thoát, thì nghìn đời nghỉ không ra. Giống như cái Vatican này. Không đặt chân tới nó thì đừng hòng, đừng hòng. Không có đặt chân đến nhà thờ Đức Bà, không đặt chân đến nhà thờ Thánh Tâm của Pari thì đừng hòng mà hình dung được cái kiến trúc kinh hoàng của những cái nơi chốn đó. Chưa từng đi Áo thì chưa từng biết rằng có những nhà thờ nó như núi vậy. Mà cứ đọc sách không là không tưởng tượng ra được. Không tưởng tượng được. Ở đây cũng vậy đó. Phải học giáo lý rồi có thực tập hành trì.

Tôi nhắc lại cái chủ đề Phiền-não sáng nay, đó là:

Anh mà thiếu cái nền tảng kiến thức giáo lý, không có Văn-Tư-Tu, thì coi như là khi mà anh đối diện với Trần Cảnh, anh có một cái nhìn nó rất là tật nguyền, rất là bệnh hoạn, và cái nhìn tật nguyền đó, cái nhìn bệnh hoạn, cái nhìn sai lệch đó, cái nhìn không trung thực đó, nó có cái tên gọi là Pháp Bất Thiện hoặc là Phiền-não.

Chỉ vậy thôi. Khi mình sống theo lời Phật, dầu còn là phàm phu, là mình đang tập nhìn cái vấn đề ở góc độ trung thực nhất, ở một cái góc nhìn, ở vị trí mà có thể nhìn nó trọn vẹn nhất. Mặc dù chỉ là cái nhìn vay mượn, nhưng ít ra góc nhìn khá nhất so với các góc nhìn khác. Còn mình nhìn từ cái góc ghét và thích đó là sai rồi.

Nó có ba góc nhìn: Thích, Ghét và góc nhìn của Trí-tuệ. Thích, Ghét là nó nằm bên cái cách nhìn bất thiện, cái nhìn của ác pháp. Còn cái nhìn có Trí-tuệ là cái nhìn của thiện pháp.
Thì đây nó có ba góc nhìn:
1- Nhìn để mà thích
2- Nhìn để ghét
3- Nhìn để hiểu

Mà trong vô số kiếp luân hồi là chúng ta hiếm bao giờ chọn cái góc nhìn để hiểu lắm. Chúng ta cứ đứng từ hai cái góc nhìn để ghét và nhìn để thích. Thế là "Thôi rồi, Lượm ơi!". Cứ mở mắt ra là dầu muốn dầu không, dầu biết hay không, dầu có chủ ý hay không, thì cứ mở mắt đầu ngày là cứ đi tìm cái thích và cứ đi tìm cái ghét. Đấy!

Và tôi nhắc lại lần nữa, một cách vô tâm, một cách vô thức, một cách vô tình, một cách ngẫu nhiên, một cách tình cờ, một cách ngẫu nhĩ, cứ mở mắt ra là mắt, tay, mũi, lưỡi là sáu đứa – 6 chóp mạnh đứa nào đứa nấy đi làm việc. Nó kiếm, nó kiếm cái để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Để chi? Để nó xác định cái gì thích và cái gì ghét. Coi đã không? Thì cái động thái đó được gọi là Phiền-não. Động thái tâm lý đó được gọi là Phiền-não. Sở dĩ Phiền-não mà mình thấy được Đức Phật Ngài kể ra có nhiều cách, có những cái tên gọi khác nhau. Thí dụ như có chỗ Ngài nói là Tứ thủ, Tứ bộc, Tứ phối, Tứ phược, Tứ kết. Thật ra nó chỉ là tùy trường hợp mà Ngài gọi nó. Có lúc Ngài gọi là:
• Tứ Lậu là những pháp rò rỉ.
• Gọi là Tứ Phối, Tứ Phược là “những pháp trói buộc”.
• Còn năm Triền là sự ngăn che.

Tùy trường hợp. Tùy trường hợp mà tôi chốt lại cái này:

Thích hay ghét đều có một cái tính năng là ngăn che, là trói buộc.

Tôi nói không biết bao nhiêu lần, mình cứ nghĩ là thích mới bị trói buộc. No! Cái mình ghét nó cũng trói mình. Chẳng hạn như ngày hôm qua tới giờ tôi hơi phiền, có tí phiền, vì một hai câu nói của mấy người Houston mà tôi ngủ thì thôi, mà tôi giật mình dậy đi vào nhà tắm, tôi cũng nhớ họ. Đó là cột chứ gì nữa? Cột. Đó là cột đó. Yeah! Đó là cột. Rồi cũng tại Houston, tôi thương một người. Tôi đi về tôi nhớ ánh mắt nụ cười của họ, mặc dù tôi đâu có sờ tay họ đâu, tôi đâu có cầm tay họ đâu, nhưng mà họ cứ phảng phất trong lòng của tôi. Họ ám ảnh tôi. Thì cả cái người tôi thương và người tôi ghét đều là trói tôi hết. Mỗi người trói một cách. Có anh thì là, cái mà tôi ghét á, thì đó là một sợi dây xích bằng sắt rỉ sét, nó làm cho tôi bị đau. Còn cái anh kia là một cái sợi dây xích mà bọc nhung. Nhưng cái nào cũng nó cũng giam nhốt tôi hết. Dây xích mà bọc nhung, nhung mềm, nhung êm, nó giam tôi trong một căn phòng của khách sạn năm sao với cái diện tích là 100m vuông. Còn bên kia là cái phòng giam 100m vuông, mà cái dây xiềng nó bằng sắt, nó sét, nó dính đầy máu của những tù nhân cũ, và của những người đã chết, của những người bị bệnh. Đấy! Dây xích nó gớm vậy đó! Còn bên đây là cái dây xích này nó thơm phức, êm ái, trong một cái căn phòng vàng son 100m vuông của khách sạn năm sao Dubai. Đấy! Thì tôi hỏi bà con nó khác với giống nhau cái gì? Chụp hình, quay phim, rõ ràng rằng căn phòng mà 100m vuông của khách sạn năm sao, thì phải nói nó sang thiệt. Tất cả cái gì mà mạ vàng được là nó mạ hết. Cái bồn tắm là một khối cẩm thạch. Một khối cẩm thạch. Cẩm thạch nguyên khối nó tạt, nó đục, nó đẽo, nó khoét ra để ngâm, có điều là cái chân mình luôn luôn có sự dây xích, mình không thể ra khỏi cái phòng được. Còn bên kia là một cái phòng giam lạnh lẽo, dưới nền gạch lạnh vào mùa đông, mà ở trên thì cái vách tường nó nóng vào mùa hè, mái tole cao ngang đầu, cũng chừng đó diện tích, còn sợi dây xích coi như là sét rẹt, dính đầy máu khô. Một cái căn phòng đầy dán và chuột, phân và nước tiểu, thì mình thấy hai bên khác nhau rất là nhiều, nhưng mà nó có điểm giống nhau. Đó là nó giam nhốt cái kẻ đang có mặt trong đó. Đấy. Nó giam nhốt cái kẻ đang có mặt trong đó, không cho cái kẻ đó biết cái gì là trời cao đất rộng, không cho kẻ đó biết cái gì là thế giới bên ngoài, trăng sao hoa lá, không cho phép tôi được biết những thứ đó. Giống nhau chỗ đó.

Cho nên trong kinh Sa Môn Quả, các vị vào đọc đi! Không nói nữa! Mệt! Nha! Chỉ cho các vị biết vào trong đó để thấy Đức Phật Ngài mô tả Phiền não nó ra sao. Nó là một cái nhà ngục nó giam nhốt. Nó là một cái chứng bệnh, nó làm cho người ta có một cái vị giác, một cái khứu giác, một cái xúc giác, một cái thính giác, một cái thị giác sai lệch. Nó là một cái món nợ. Nó là một cái sự nô lệ. Thời nay chỉ có Oshin, cái người làm công bây giờ nó không có dễ sợ đâu. Cái nô lệ ngày xưa nó kinh khủng lắm. Cái nô lệ mà Đức Phật Ngài dạy rằng:
1- Phiền-não nó buộc chúng sanh trở thành nô lệ.
2- Phiền-não nó buộc chúng sanh là bị giam nhốt như là một tù nhân.
3- Phiền-não nó buộc chúng sanh phải có một cái vị giác, xúc giác, khứu giác sai lệch

Hay lắm! Có những cái ví dụ của Ngài rất là xuất sắc. Ngài mô tả cái Phiền-não, Phiền não là vậy. Chính vì khi chúng ta bị giam nhốt trong cái mình thích, giam nhốt trong cái mình ghét, thì trong cả hai trường hợp chúng ta đều là người bị tù. Đấy! Mà thường phàm phu, đặc biệt là người không học giáo lý, thì không thấy cái đó cứ tưởng là trong cái mình ghét mới gọi là tù. Bây giờ mình đang trong một cái cuộc là tình ái lăng nhăng cực kỳ lãng mạn sao ai thấy gọi là tù? Nhưng mà trong cái nhìn bậc thánh nó là tù. Vì mình đang bị giam nhốt trong đó, mình không có biết cái gì ngoài ra. Cái này mới đáng ngại nè. Chứ phải mà cái mật ngọt đó mà nó còn thiên thu á thì không nói gì, ít bữa nó không như mình nghĩ, hoặc bản thân mình rồi cũng sẽ bị thay đổi, hoặc là cái đối tượng đó thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, môi trường thay đổi, [thì] lúc đó kêu trời. Lúc đó kêu trời: Trời không ơi! đất không hỡi! Vấn đề là chỗ đó. Đạo Phật không phải bi quan, Đức Phật chỉ cho mình biết là:

Mọi thứ do duyên mà có. Có trong hình thức là lắp ráp. Rồi mai này cũng do duyên mà mất đi. Đặc biệt những gì mình thích, những gì mình ghét, hoàn toàn là do hiểu lầm, hoàn toàn là do những cái nhìn bệnh hoạn. Nếu mà nhìn đúng nó như nó là, thì chúng ta không có gì để thích, không có gì để ghét. Mà khi không có thích rồi ghét, thì chúng ta không cần thiết phải theo đuổi và trốn chạy, thì làm gì có thất bại trong theo đuổi? Làm gì có thất bại trong trốn chạy? Mà nếu không có thất bại làm gì có khổ? Chúng ta khổ là vì chúng ta thất bại. Thất bại trong cái chuyện trốn khổ và tìm vui. Thất bại trong cái chuyện theo đuổi cái thích và trốn chạy, phủ nhận, từ chối, tống khứ cái ghét. Vì thất bại cho nên chúng ta mới bị khổ.

Làm ơn nhớ lại có phải như vậy không? Mà nhiều người nó ngu lạ lắm. Nghe chúng tôi giảng thì không chịu nghe, mà cứ đi dò xét coi cái mặt chúng tôi lúc giảng ra sao, rồi đi tìm hiểu về cái con người chúng tôi ra sao. Đúng là chuyện này chúng tôi không nên nói, nhưng mà vì lòng đại bi chúng tôi mới nói. Những bài giảng này các vị tuyệt đối nên nghe! Nha! Đừng có tiếp tục ngu xuẩn là mua bánh mì, mà không coi cái bánh mì đó nó ra sao, mà cứ đi dò cái thùng bánh mì, cái bà bán bánh mì, cái buổi sáng mua bánh mì, cái chỗ bà bán bánh mì chỗ đứng nó ra sao, mà trong khi bánh mì của bả thì không chịu coi. OK. Chúc các vị một ngày vui và thông minh.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/s2B6z24CpzM?si=WTsRi766E1sGfMzm

---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240906/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 33 ngày (06-09-2024.docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản