← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 34

Thứ Năm, ngày 19/09/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

TÂM THIỆN

Chúng ta đã học về cái gọi là Phiền Não hay là Tâm Bất Thiện. Tôi nói gọn lại một tí cho bà con có khái niệm nha.

Vũ Trụ và Chúng Sinh nói chung, được cấu tạo bởi hai phần, đó là phần tâm linh (hay là tinh thần) và vật chất. Từ chuyên môn của nhà Phật gọi là Danh và Sắc. Sắc, ở đây tức là vật chất, tùy trường hợp mà nó được phân tích. Thí dụ như mình thấy thế giới bây giờ người ta phân tích thế giới vật chất qua vật lý, qua hóa học, qua sinh học, còn trong Kinh Phật mình thì có rất là nhiều cách để nói về cái gọi là vật chất. Cách mà phổ biến nhất đó là Bốn Đại – nền tảng cho tất cả các thứ vật chất.

Còn nói về tinh thần thì chúng ta biết rồi, nó gồm có hai phần, đó là phần Thiện và phần Ác. Chính cái Thiện này nè nó mới tạo ra các cảnh giới và các chủng loại, các cảnh giới tái sinh, các cảnh giới hiện hữu, và các chủng loại chúng sinh có mặt ở trong đó.

Cái tâm Thiện hay là tâm lành, tâm tốt, nó tạo ra những chủng loại chúng sinh cao cấp và những cảnh giới hiện hữu an lạc. Còn tâm xấu, tâm ác, tâm Bất Thiện, thì nó tạo nó dẫn đến những cảnh giới đau khổ, đọa đày tăm tối, nó dẫn đến việc đầu thai vào các chủng loại chúng sinh thấp kém.

Như vậy, mình đã học về thế giới, học về vũ trụ. Tại sao mình phải học? Học để mình thấy rằng mọi thứ nó được cấu tạo đại khái là như vậy. Ít nhất mình phải biết mình là ai, mình là cái gì trong trời đất vũ trụ này. Và đã nói là tìm hiểu về bản thân, thì chúng ta phải biết rõ cấu tạo tâm lý của mình nó ra sao. Các vị ở đây là những người đã có cái bằng đại học về các lãnh vực chuyên môn, thôi thì tạm thời trong giây phút này chúng ta thử lắng nghe Phật Pháp nói gì về cái gọi là đời sống tâm linh của chúng sinh. Trong đó, nó gồm có hai phần theo như tôi vừa nói đó là:

1- Tâm Bất Thiện, tâm ác, tâm xấu.
2- Và thứ hai đó là tâm lành, tâm tốt, tâm Thiện.


Cái tâm mà Bất Thiện nó chỉ đơn giản là cái thái độ tâm lý bệnh hoạn, như là một người đang có vấn đề về sức khoẻ, thì cái thính giác, cái khứu giác, cái vị giác, cái xúc giác của họ nó có vấn đề, nó không có cảm nhận được cái thực tế trung thực. Đấy! Ở đây một người mà có nền tảng tâm thức Bất Thiện nhiều đời, đại khái nói thẳng luôn đi, là phàm phu, thì chúng ta rất dễ bị tác động bởi ngoại trần, ngoại cảnh. Thí dụ như là:
1- Do tiền nghiệp quá khứ mình có mặt trong cảnh giới nào, trong chủng loại chúng sinh nào.
2- Và môi trường sống hiện tại của mình nó ra sao.
3- Và thứ ba là khuynh hướng tâm lý của mình.

Ba cái này cộng lại nó mới tạo ra cái thái độ nhận thức, cái thái độ tâm lý, cái gọi là cảm xúc và tâm trạng khi mà chúng ta gọi là đối diện với Trần-Cảnh. Đấy! Nếu mà cái nền tảng đó là nền tảng Bất Thiện, thì khi mà mình đối diện Trần-Cảnh mình sẽ dễ dàng… Không phải dễ dàng, mà là luôn luôn có một cái nhìn lệch lạc.

Thí dụ như cái đó thật ra mọi thứ nó hiện hữu trong hình thức chớp tắt.
1- Nguồn gốc của mọi thứ, nguồn cơn của mọi thứ nó chỉ là do các Duyên hợp lại, các điều kiện hợp lại, đó là cái thứ nhất.
2- Cái thứ hai nữa là mọi thứ nó chỉ có mặt trong một cái mô hình, trong cái cấu trúc lắp ráp tổng hợp.
3- Và cái thứ ba: đã có rồi thì phải mất đi.
4- Cái thứ tư: những gì mà mình thấy thích hay là ghét, nó hoàn toàn là chủ quan. Nó do nền tảng tâm thức, nó do nền tảng tiền nghiệp, mà bây giờ mình sinh ra trong cái hình hài, trong cái thân phận, trong một hoàn cảnh, trong môi trường nào đó; mình thích cái này mình ghét cái kia. Đấy! Và khi có được cái mình thích thì mình gọi nó là hạnh phúc, mà khi mình phải chịu đựng cái mình ghét mình gọi nó là đau khổ. Có được cái mình thích là hạnh phúc, mà không có được cái mình thích là đau khổ. Phải chịu đựng cái mình ghét đó là đau khổ, mà tránh được cái mình ghét đó là hạnh phúc. Đấy!

Nếu mà định nghĩa rốt ráo như vậy, thì cái hạnh phúc sướng khổ, buồn vui ở đời này, nó là một cái gì đó chỉ có ý nghĩa mặc định thôi, ước lệ thôi, chứ nó không có thật. Nếu mà mình biết Phật Pháp và mình sống gọi là thường xuyên liên tục miên mật ở trong Chánh Niệm và Trí Tuệ, thì cái mà cuộc đời nó nói là đắng hay ngọt mình xem giống nhau. Nó giống như mình nhìn một chiếc lá màu xanh và nhìn một chiếc lá khô màu xám, màu vàng, màu đen gì đó mình rất là thoải mái, phải không? Mọi chuyện mình chỉ nhìn nó: đây là lá vàng, đây là lá khô, đây là lá xanh, đây là lá non; đây là trái đắng, đây là trái ngọt, mình nhìn nó rất là thanh thản. Đằng này mình dán lên nó rất là nhiều cái nhãn hiệu, rất là nhiều cái khái niệm – khái niệm mặc định và nhãn hiệu ước lệ. Cho nên từ đó mới có thích và ghét, và có được cái thích là mình vui mà chịu đựng cái ghét là mình khổ. Như vậy, tại sao mà nó ra nông nổi, ra sự tình mà thích và ghét đó. Bởi vì mình đang bị bệnh Phiền Não. Cái khẩu vị của mình không chính xác, cái nhìn, cái nghe, cái sờ chạm, cái ngửi của mình nó không chính xác, cái nếm mình nó không chính xác. Nó không chính xác bởi vì nó không đúng thực tế. Lẽ ra mọi sự nó không có gì đắng, không có gì ngọt hết, nó đang chỉ đang chớp tắt thôi. Còn đằng này là mình có phân biệt, và trên cái nền tảng phân biệt đó mình có Thích và có Ghét. Và từ đó đau khổ hình thành. Thấy chưa?

Tâm thái mà gọi là bất bình thường đó đó, được trong kinh gọi là điên loạn hay là tâm thần. “Sabbe puthujjanā ummattakā” – Tất cả phàm phu đều là những người tâm thần hết. Bởi vì trên một cái không có gì quan trọng, thì phàm phu thay nhau mà dán lên nó những label, những nhãn hiệu, những nhãn mác, những khái niệm, những áp đặt, thế là nó mới có cái sự thích và ghét. Nó có cái tương tranh, giành giật, đấu đá, mâu thuẫn, xung đột, chống trái, nó mới có cái sự theo đuổi và trốn chạy. Hễ thành công thì vui, mà thất bại thì buồn. Đấy. Thì cái tâm thái đó được gọi là Bất Thiện.

Trong bài giảng sáng nay, sau khi đi một vòng ôn tập cho bà con, tôi nói qua chuyện thứ hai đó là Tâm Thiện. Tâm Thiện là cái gì? Nói ra cho nó ghê gớm, phải không? Nào là Bát Chánh Đạo, là Thất Giác Chi, là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Nói nghe ớn! Thập độ, Thập Thiện, Ba La Mật gì tùm lum. Toàn là những từ ngữ ghê gớm, chứ trong A Tỳ Đàm nói rằng bất cứ cái gì đã gọi là Thiện, dầu là Thiện ở thánh hữu học hay là ở phàm phu, thì đều là 25 hết. 25 Tâm Sở Tích Cực – 25 khía cạnh tâm lý tích cực.

Ví dụ như Từ – Bi – Hỷ – Xả, kham nhẫn, bao dung, yêu thương, mát mẻ, xả bỏ. Ví dụ như vậy. Thì cái đó 25 cái. Từ cái nền 25 này nó mới ra tùm lum hết – các pháp môn này, pháp môn kia. Nghe ghê gớm! Nhưng mà phải nói thế này, nếu mà mình trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, mà cái 25 đó nó được vun bồi, nó được là tô đắp sung mãn, đầy đủ, thì mình đủ duyên chứng Thánh. Tự chứng một mình hay là nhờ thầy khai thị cũng đều là chứng. Còn nếu không, thì chí ít trong hiện tại mình cũng có một cái nhìn trung thực là bởi vì mình là một người khỏe mạnh, cái lỗ tai mình nó nghe chính xác, cái con mắt mình nó nhìn chính xác, cái mũi, cái lưỡi mình nó làm việc chính xác, cái xúc giác của mình nó làm việc chính xác. Là vì sao? Là vì chúng ta có một cái nền tảng tâm thức tốt. Đó là nền tảng của 25 Tâm Sở Tích Cực.

Cái này bà con phải đọc sách A Tỳ Đàm của chúng tôi. Phải không? Chúng tôi chỉ giới thiệu sách chúng tôi và chúng tôi chịu trách nhiệm. Còn sách của người khác thì không. Tôi nhắc lại lần nữa, tôi không phải dám chê ai, nhưng nó có cái này, cái từ ngữ, cái từ ngữ ở sách của tôi, tôi có sự cân nhắc, có sự chọn lọc theo cách của tôi, nên tôi dám chịu trách nhiệm. Còn trường hợp như ở vị khác, cũng cái chữ đó họ có một cái chữ dịch theo kiểu của họ, thì làm sao tôi chịu trách nhiệm được mà tôi dám giới thiệu. Nha! Nhớ cái đó! Tại vì Việt Nam mình cho tới bây giờ mình chưa, vẫn chưa thống nhất với nhau những chữ dịch thuật ngữ Phật học. Nha! Cho nên là phải hiểu cái đó. Chứ không thôi thắc mắc tại sao tôi cứ nói sách “A Tỳ Đàm – Toại Khanh” là như vậy đó. Vì chữ dịch của mình, mình đã có cân nhắc, đã có chọn lọc.

Thí dụ như chữ “Cetanā”, đó là mình dịch theo Tàu, theo từ xưa, dịch là "Tư" rất là xa lạ với người Việt. Tôi dịch là "Chủ ý". Còn "Tác ý" đó lại là cũng dịch theo Tàu ngày xưa dịch sát tiếng Phạn, thì tôi dịch là "Cố ý". "Cố ý" có nghĩa là không phải "vô tình". Còn "chủ ý" có nghĩa là cái "mục đích", cái ý hướng nhắm tới cái gì. "Chủ ý" và "Cố ý" – hai cái khác nhau. Rồi. Chẳng hạn như vậy. Đó là những chữ mà tôi cân nhắc, tôi chọn lọc, chúng tôi cân nhắc, chúng tôi chọn lọc, chúng tôi chịu trách nhiệm.

Còn trường hợp như của vị khác họ dịch những chữ lạ, chẳng hạn như mới đêm nay nè. Bây giờ là 8 giờ sáng bên Mỹ, thì 8 giờ đêm vừa rồi có một người ở Atlanta, Georgia hỏi tôi Tâm Đại Hành là tâm gì. Thì tôi mới nói cho họ biết. Lại là nữa! Học Kinh Phật mà không biết chữ gốc, mình cứ ôm chữ dịch của người ta là chỉ có chết. Có chỗ thì dịch là “Đại Hành”, có chỗ dịch là “Đáo Đại”. Mình thấy nó đều từ tiếng Pāḷi là “mahaggata” hết. Tức là cái tâm mà nó đưa mình đến cảnh giới rộng lớn. Thì có chỗ dịch là Đại Hành, có chỗ dịch là Đáo Đại. Mệt mỏi lắm!

Rồi. Tôi quay trở lại đề tài của bữa nay.

Tâm Thiện là cái gì?
Là cái thái độ tâm lý tích cực của một đời sống tâm lý khỏe mạnh.

Khỏe mạnh là sao?
Là do sự huân tu đào luyện, trao dồi hàm dưỡng lâu đời. Phải không? Mà mình có ít, phàm làm sao mà không có, chỉ có ít thôi. Có ít cái lòng đố kỵ, tị hiềm. Mình có ít cái lòng bủn xỉn. Mình có ít cái lòng hờn giận, căm ghét, bất mãn, chống đối, mâu thuẫn, xung đột. Mình có ít cái lòng gọi là tham chấp, bám víu, ôm ấp, dính mắc. Đấy! Mình là có thói quen gọi là tư duy phản biện. Với chừng ấy nền tảng tâm thức, chúng ta nhìn vấn đề nó tốt hơn. Cái kiểu nhìn, cái cách nghĩ, cách nhìn, cách nhận thức, cách nhận diện đó được gọi là Tâm Thiện. Chỉ vậy thôi.

Tôi nhắc lại, một cơ thể khỏe mạnh là ăn uống, rồi nghe nhìn rất là OK. Còn một cơ thể mà bệnh hoạn thì ăn uống, nghe nhìn có vấn đề, ù tai, mắt mờ, lưỡi đắng, mũi ngửi không được, hoặc mũi ngửi ra mùi khác. Thí dụ như vậy. Còn đằng này một cơ thể khỏe mạnh thì cái nào ra cái đó.

Ở đây cũng vậy. Một người có nền tảng tâm thức tốt, thì nền tảng ở đâu nó ra? Tôi đã nói bao nhiêu triệu lần:
1- Phải là tiền nghiệp!
2- Do tiền nghiệp mà anh mới có được thêm cái thứ hai đó là môi trường sống hiện tại. Đấy!
3- Rồi cái thứ ba đó là khuynh hướng tâm lý của anh. Anh hiện giờ nè, trước mắt tôi, thì anh là một người đẹp, đúng không? Anh giàu đúng không? Có học vị bằng cấp, anh có uy tín, anh có quan hệ xã hội tốt, anh có tiếng tăm lừng lẫy, đúng không? Nhưng anh mới có đang hưởng quả lành thôi. Đấy!

Quả lành đó là cái hệ quả của tâm lành quá khứ. Nhưng mà khả năng nhận thức của anh thì tôi không chắc. Vì sao? Vì do tiền nghiệp mà bây giờ anh sanh ra trong một môi trường a, b, c, f,… gì đó, nhưng mà khuynh hướng tâm lý của anh thì sao? Hai người cùng giàu, đẹp, giỏi, tiếng tăm, thành tựu mọi mặt, phải không? Nhưng mà một người có khuynh hướng tâm lý là sinh tử, có khuynh hướng tâm lý là trầm luân, có khuynh hướng tâm lý là thích hiện hữu, thích hưởng thụ, thích sở hữu. Trong khi người kia thì họ cũng y chang như vậy. Họ cũng có mọi thứ y chang vậy, nhưng khuynh hướng tâm lý của họ là hướng đến sự buông bỏ. Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, chúng sinh có rất là nhiều hạng.

1- Cái hạng đầu tiên là kém nhất. Tức là chỉ biết sống bằng thế giới cảm tính thích, ghét, buồn, vui. Cái gì thích, cái gì ghét, cái gì buồn, cái gì vui, chứ ngoài ra ảnh không có biết Thiện – Ác là sao.

2- Anh thứ hai đó là ảnh biết Thiện – Ác là gì và ảnh biết làm là lánh dữ. Nhưng mà cái nhóm hai này nè, nó có hai trường hợp.
Một là có những người cả đời tu đặc biệt là tránh ác vì họ sợ khổ. Có người cả đời tu đặc biệt là làm lành, bởi vì họ thích sướng. Đấy! Thích sướng. Mặc dù cả hai hạng người này nó cùng chung một nhóm đều là làm lành lánh dữ, đều là biết nhân quả bảo ứng hết, nhưng mà rõ ràng nó có chia ra hai nhóm rõ ràng. Có người tu là cả đời chủ yếu của họ đó là tránh cái ác, tránh cái tội, họ sợ tội. Có người thì ham phước, mê phước. Đấy!

Cho nên có nhiều người mình thấy họ vô chùa nghe Pháp, bố thí, phục vụ lăng xăng vậy đó, vì họ ham phước, nhưng mà ba cái Bất Thiện họ không có tránh: nói xấu, nhiều chuyện, đâm thọc, tị hiềm, rồi cứ ăn rồi cứ đi tìm cái chỗ này chọt, thọc gậy bánh xe, đâm sau lưng thiên hạ.. Họ làm tuốt tuồn tuột. Tại vì họ yên tâm là họ đã có làm thí chủ dâng y rồi, họ đã có cúng vài tỷ rồi, họ có hùn hạp xây dựng thiền viện, học viện – Cái đó là ngon lành rồi. Còn bao nhiêu Bất Thiện họ không dòm tới. Họ chỉ tập trung kiếm phước để họ kiếp sau sanh ra đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi thôi. Đấy!

Nhưng mà nó có cái hạng thứ hai, nó cũng làm lành lánh dữ, nhưng mà cái chủ lưu, chủ đạo, chủ yếu của ảnh là ảnh tránh ác. Ảnh làm phước thì không có nhiều. Anh này thì làm phước yếu lắm. Anh này thì ngồi thiền, nghe pháp, bố thí, phục vụ hơi bị yếu. Nhưng mà ảnh giữ giới rất là tinh chuyên, giới luật rất là tinh chuyên, và ảnh tránh bao nhiêu được thì ảnh tránh. Tránh được bao nhiêu lỗi: không nói dóc, không đâm thọc, không tị hiềm, không đố kỵ, không bủn xỉn, không hại người bằng mồm. Miệng lằn lưỡi mối là không. Mồm miệng rắn rít là không. Ảnh sợ tội.

Còn cái anh kia là ảnh mê phước. Anh là thường nếu mình không có học đạo, cứ tập trung mà tránh tội, thì không có coi nặng chuyện tạo phước. Còn cái tay mà khoái làm phước, thì cái tay đó lại không có bận tâm chuyện tránh cái tội.

Đương nhiên tôi phanh phui ra cho hết để cho bà con thấy rằng mình nên tu kiểu nào. Nên tập trung tránh tội hay là tập trung tu phước? Hay là nên kết hợp cả hai. Đấy! Cả cái này gom chung là Tâm Thiện. Phải không? Dầu là tránh ác hay là hành Thiện đều là Tâm Thiện. Nhưng mà Thiện nó có hai kiểu vậy đó. Rồi.

Chuyện thứ hai mà tôi cho rất là quan trọng, đó là tùy thuộc vào nền tảng tâm thức của chúng ta như hồi nãy tôi nói: có người thích đi lên, có người thích đi xuống; có người thích đi ra, có người thích đi vào; có người thích đi tới, có người thích đứng yên, thích thụt lùi. Trên khuynh hướng tâm lý này nè, khi mình không biết Phật Pháp thì miễn bàn. Có nghĩa là mình làm toàn chuyện tầm bậy không: hại mình, hại người đời này, kiếp sau. Dẹp! Khỏi nói hạng này! Nhưng mà đang nói hạng mà tu hành nè! Cái hạng mà tu hành ấy, thì tùy thuộc vào họ nhóm nào: mhóm đi lên hay là đi xuống; khuynh hướng tâm lý đó là đi ra hay là đi vào. Có nhiều người đi chùa vậy chứ nghe nói Niết Bàn thì họ thấy xa lạ lắm. Họ mong kiếp sau sinh ra là giàu như vậy nè, đẹp như vậy, khỏe như vậy nè, tiếng tăm như vậy, thành công như vậy. Họ chỉ mong nhiêu đó thôi. Còn ba cái vụ mà chấm dứt sanh tử rồi cái gì đó đối với họ xa vời lắm, hoang đường lắm.

Cho nên mình thuộc về nhóm nào? Rồi có những người tấm lòng họ rất là lành, nhưng mà họ là vẫn bị cuốn hút trong vật chất, phải không? Thương người lắm, quý kính Tam Bảo, quý kính Đức Phật lắm lắm luôn. Bản thân tu hành, muốn người khác tu hành, ghét ác như thù, nói chung ngon lành lắm, nhưng vẫn thích hưởng thụ, thì cái Thiện của người này được gọi là Thiện Dục Giới. Thiện này nè là nó dẫn tới cái chuyện gì ta? Trở lại thân người, hoặc là nhiều lắm là sanh lên các cõi Dục Thiên. Có nghĩa là mấy ông tiên mà hưởng dục, vẫn còn ăn uống, nam nữ yêu đương tùm lum tà la hết, phải không? Vẫn còn thích âm thanh, rồi màu sắc, hình dáng nọ kia.

Hạng thứ hai nó thuộc về nhóm mà gọi là nhàm chán vật chất. Đấy! Nó nhàm chán vật chất. Nó thấy cái chuyện mà phải xài tới con mắt, phải xài tới cái lỗ tai, mũi lưỡi, rồi xúc giác, ảnh thấy cái đó nó mệt mỏi lắm, nó tào lao, nó rẻ tiền, nó thấp kém lắm. Thế là ảnh nhảy qua ảnh tu Thiền. Ảnh thích làm sao mà ngồi yên một chỗ mà ta nói cái tâm nó lắng thiệt là lắng, mát lạnh vậy đó, nhẹ bưng vậy đó, nhẹ bỗng vậy đó, thích vậy đó. Ảnh thích được chìm ở trong cảm giác đó 1 giờ, 2 giờ, 1 ngày, 2 ngày. Thích lắm! Khi chết rồi đó, với tầng thiền Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền mà ảnh có được ý, ảnh sẽ về một cái cõi mà ở đó đó là chỉ có ngồi thiền và hào quang nó xẹt thôi, chứ không ăn uống, không có nam nữ, không có cái chuyện hưởng thụ vật chất. Ảnh mê vậy đó. Trường hợp hai này nè được gọi là Tâm Thiền Đáo Đại – Thiện của những người thích thiền, phải không? Thiện đó Thiện Thiền. Còn cái Thiện nãy kêu là Thiện Dục. Còn cái Thiện này nè là Thiện Thiền.

Rồi có hạng chúng sanh thứ ba đó là ảnh không muốn thụt lùi, không muốn đứng yên, ảnh muốn đi tới; mà anh không muốn đi xuống, anh muốn đi lên; ảnh không muốn trở vào cái dòng sinh tử mà muốn đi ra; ảnh từ chối cái sự quyến rũ của đám đông, ảnh từ chối cái sự mời gọi của của đại chúng, ảnh muốn tách ra đi một mình; và ảnh không có muốn quay lui cái đám đông này nữa; quay lui cái vũ trụ, quay lui mọi hình thức sinh diệt, ảnh không muốn nữa. Ảnh muốn là chấm dứt sinh tử 100%. Nếu quả thật trên đời này có một cái trạng thái đó, ảnh nhắm tới trạng thái đó đó. Chứ ảnh thấy bây giờ sống một ngàn tỷ năm hay là 50 ngàn tỷ năm, thì cũng chỉ là đói ăn khát uống chứ có được cái gì. Bậc thượng thừa họ vậy đó!

Còn chúng sanh phàm phu của mình… Chữ “phàm” có nghĩa là bình thường, thì mình là do cái khuynh hướng tâm lý, cái nền tảng tâm thức nhiều đời, thích nghe nhìn, ngắm nghía, sờ chạm, ngửi ăn, thích thơm, thích ngon, thích đẹp, thích du dương, thánh thoát, lảnh lót. Nhưng mà họ thì không! Đối với họ cái thuộc về vật chất là cái rẻ tiền. Đúng! Còn cái Thiền Định đối với họ đó chỉ là cái phương tiện để mà Trí Tuệ nó được nuôi dưỡng. Thiền Định đối với họ không phải là họ tu thiền để được hưởng ba cái vụ mà mát lạnh rồi nhẹ bỗng, rồi có thần thông, rồi dời non lấp biển, kêu mưa gọi gió, rồi chết đi về Phạm Thiên. Cái đó đối với họ là rác luôn. Dầu là rác cao cấp cũng là rác. Còn chuyện mà hưởng thụ vật chất đó là rác mà rác có mùi, rác thực phẩm, thực phẩm mặn, không phải đồ chay nha! Thực phẩm mặn, nó thực phẩm mặn, đầu tôm xương tép. Còn ba cái mà Thiền Định gì đó đối với họ cũng là rác, nhưng mà đó là rác lành, rác không có mùi, rác chay, rác rau trái củ quả thôi. Nhưng cũng là rác. Họ mới lấy cái rau trái củ quả đó đó làm phân bón để mà họ trồng cây Bồ Đề Tuệ Giác, chứ họ không có chết trong đó. Trong khi phàm phu mình chỉ có hai nhóm thôi.

1- Nhóm một là chìm sâu ở trong cái đầu tôm xương tép hôi rình.

2- Nhóm hai đó là hoa lá cành. Nhưng mà hoa nào cũng héo, lá nào rồi cũng khô và rụng, nó sạch hơn cái đầu tôm xương tép – Đúng! Nhưng mà trong cách nhìn của người cầu Giải Thoát nó vẫn là rác. Rác sạch, rác lành thế thôi. Họ mới lấy rác lành này nè, họ trồng cây Bồ Đề, vun xới cây bồ đề Tuệ Giác. Để chi?
Để khi mà thành tựu Trí Tuệ giác ngộ họ thấy được các điều sau đây:

• Mọi thứ ở đời do Duyên mà có, do các điều kiện mà hình thành.

• Mọi hình thành nó đều ở trong cấu trúc của một khối tổng hợp, không có gì là một, không có gì là pure, không có gì là solid, không có gì là massive.

• Khối tổng hợp nào cũng do Duyên mà có, và khi đã có rồi đều phải mất đi.

• Thấy rằng tất cả những gì gọi là hạnh phúc và đau khổ đều do hiểu nhầm mà ra.
Tại sao gọi là nhầm? Là bởi vì tùy thuộc vào tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà đời này sinh ra ta thích cái gì, ta ghét cái gì. Khi có được cái ta thích ta gọi đó là hạnh phúc. Khi mà không có cái ta thích, ta gọi đó là đau khổ. Khi mà phải chịu đựng cái mình ghét, mình gọi đó là đau khổ. Mà khi né được cái mình ghét, mình bèn gọi đó là hạnh phúc. Họ hiểu rất rõ cái hạnh phúc và đau khổ nó chỉ là sự tưởng nhầm của một cái thằng khùng. Yeah! Một thằng khùng! Đấy! Mục đích của mình là mình trồng cây Bồ Đề Tuệ Giác để mình thấy cái đó, mà ở đây nó có hai cái thấy.

Cái thấy một là mấy cái thấy nãy giờ mới nói đó. Mà nó gồm có hai trường hợp, một là cái thấy của người có thiền, có đắc thiền, cái thấy này nó đã đời lắm – Cái thấy của một người lớn, cái thấy của một nhà khoa học, cái thấy của một người trưởng thành, cái thấy thực chứng, thực nghiệm. Còn cái thấy thứ hai là cái thấy của anh mà không có tu thiền, thì nó mang tính mày mò lắm! Nó lẩm cẩm lắm! Thì cũng thấy, đắc đạo là phải thấy giống nhau nha. Phải thấy. Nhưng mà thấy của cái người thiếu điều kiện, thiếu phương tiện, phải không? Người ta có telescope – viễn vọng kính, rồi người ta có microscope là kính hiển vi, rồi người ta có phòng lab, người ta có các phương tiện thí nghiệm, thử nghiệm, còn mình là chơi tay không bắt cướp. Đấy! Mình là tay không bắt cướp, có nghĩa là lấy công làm lời. Đấy! Mày mò tẳn mẳn, tỉ mỉ, tẳn mẳn, tỉ mỉ, tẳn mẳn, tỉ mỉ… Đấy! Moi cho ra thì cuối cùng cũng thấy nhưng mà nó cực lắm. Đấy! Khi mình thấy là tìm hiểu một cái giống lúa hay là một cái giống cây ở miền Tây Nam Bộ, mà một anh là kỹ sư nông lâm, ảnh có cái phòng thí nghiệm, mà có được sự hỗ trợ của những đồng nghiệp, thì công việc nó chạy. Còn nếu mình là một nông dân không biết chữ thì thôi nó mệt lắm. Cuối cùng cũng tìm ra, tìm sao không ra được, hai năm mấy người nông dân họ cũng phải tìm ra, họ mới có cái chuyện mà trồng lúa thành công chứ. Đấy! Rồi họ cũng có những vườn cây ăn trái, họ cũng phải thí nghiệm thành công chứ. Nhưng mà họ tuyệt nhiên không có được cái kiến thức chuyên môn của một kỹ sư nông lâm. Họ cũng không có được những cái phương tiện, những cái điều kiện nghiên cứu khoa học gọi là chuyên nghiệp, cho nên họ có phần vất vả hơn. Chỉ vậy thôi. Nha.

Cái Trí Tuệ tôi gọi là Trí Tuệ Giác, cây bồ đề Tuệ Giác nó có hai trường hợp:
1- Của anh có đắc thiền, lấy thiền nó làm phương tiện, làm điều kiện, để nghiên cứu, để quán chiếu.
2- Còn cái thứ hai nữa là cây Tuệ Giác này do một cái anh thiếu tùm lum điều kiện hết, thì duyên là duyên tôi nói cũng được. Cũng được. Nhưng mà nó có hạn chế nhất định, trong cái điều kiện làm việc của anh.

Sáng nay tôi giảng về Tâm Thiện là tôi nói cái gì? Tôi muốn nói rằng: Mỗi một phút giây trôi qua, tùy thuộc vào chuyện chúng ta nghe được cái gì, học được cái gì, đọc được cái gì, tư duy được cái gì, thực tập được cái gì, thì chính những cái gì gì đó đó nó mới hình thành lên một cái nền tảng tâm thức, sau này nó cho phép mình có một kiểu thái độ tâm lý ra sao trước 6 Trần.

Còn đằng này anh đi chùa mấy chục năm, anh luân hồi bao nhiêu ngàn tỷ kiếp, mà Phật Pháp anh không học, phải không? Anh đến Phật Pháp mà toàn là đi dè biểu, tị hiềm, đố kỵ, châm chọc, thọc gậy bánh xe hèn hạ, phải không? Nhỏ mọn, ti tiện thì không khá. Ba La Mật nó không cho phép. Mà nói thẳng ra, anh cũng không có cần biết người ta nói cái gì, anh chỉ biết con người đó là con người anh ghét, anh coi thường thôi. Thí dụ như vậy. Cuốn sách đó là của một người anh không thích, phải không? Có nghĩa là chưa gì hết mà mình quan sát Trần-Cảnh thông qua một cái màng lọc của cái quan điểm gọi là tật nguyền và chủ quan, thiên kiến, biên kiến, phiến diện, một chiều, một lề trái, thì trường hợp đó là không khá! Không khá! Nếu mình biết Phật Pháp mà mình còn tệ như vậy, nói gì là mình không biết Phật Pháp. Ở cả hai trường hợp này nó dẫn đến cái gì? Dẫn đến cái chuyện là nó cho mình một cái nhìn tật nguyền bệnh hoạn.

Còn Tâm Thiện là gì? Tâm Thiện là dầu biết Phật Pháp hay không biết Phật Pháp, mình luôn luôn cứ thẳng đường mà đi, lựa đường chánh mà bước. Với lộ trình đó, chúng ta mới hy vọng có được một nền tảng tâm thức, một thái độ nhận thức lành mạnh và hữu ích. Cái chữ “hữu ích” này rất là quan trọng. Anh sống làm sao mà lời anh nói ra nó lợi ích cho anh và cho người khác. Anh sống làm sao mà mỗi cái tư duy của anh, nó có lợi cho anh và nó có lợi cho người khác.

Khi anh còn phàm, tôi không trách cái chuyện mà anh có những bê bối. Đúng! Nhưng mà tôi nói huỵt tẹt luôn. Anh bê bối cái gì, sau 15 phút đó, anh làm ơn anh quay lại đường chánh dùm tôi. Anh đừng có tiếp tục kéo dài suốt ngày, suốt tháng, suốt năm và suốt đời. Đó là một.

Thứ hai, anh bậy mà anh biết anh bậy vẫn tốt hơn là anh bậy mà anh không biết anh bậy. Còn cái chuyện hỏi: Tại sao anh biết như vậy mà anh không có sạch 100%? Căn cơ! Căn cơ! Không phải tất cả những người biết cái đó họ đều là được điểm 10 hết đâu quý vị. Sai! Ai trong chúng ta? Ai trong chúng ta 18 tuổi trở lên không biết rằng sống vệ sinh là tốt? Ai? Ai trong chúng ta không bị tâm thần, không bị lú lẫn, không bị say rượu, mà lại trên 18 tuổi, lại không biết điều đó? Không biết rằng sống lành mạnh, sống sạch sẽ là tốt, sống vệ sinh là tốt. Ai? Ai không biết? Nhưng! Cái “nhưng” này mới quan trọng. Có mấy kẻ mà thích dọn dẹp, thích vệ sinh, thích thường xuyên dọn dẹp gọn gàng phòng ốc, nhà cửa, vườn tược, đất đai? Ai? Có được mấy ai? Mấy ai? Tôi đã từng tới bao nhiêu chùa rồi, người thì ta nói một rừng, mà chùa thì vẫn cứ bày. Chùa đó! Còn nhà Phật Tử thì sao? Y chang như vậy thôi. Ra đường thì bóng bẩy, lượn lờ, lấp lánh, lung linh và lộng lẫy. Về cái nhà của họ… Trời đất! Bước vô cửa 108 đôi dép, phải trái trộn lẫn vào nhau, chất trước nhà. Bước vô trong phòng khách họ phủi phủi cho mình ngồi xuống, nhìn chung quanh tôi nói tôi chóng mặt luôn. Mà nhà thì đàn bà một ghe, không ai biết dọn hết! Trong khi ai cũng biết, biết hết, biết hết, biết là vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp là tốt. Đấy! Mình bước vô nhà tắm của họ mình đi toilet trong vòng ba 3 phút mình muốn chết luôn vậy đó. Ta nói nó treo tùm lum ở trong đó. Rồi ba cái dầu gội đầu. Mình không muốn nhìn cũng phải thấy. Phấn son nó chất đầy, cái còn xài, không hết hay là hết, hết hay còn, nó quất đầy trong đó.

Nãy giờ tôi cố ý tôi đi lạc đề, tôi nói cái gì? Tất cả những cái kẻ bầy hầy đó tuyệt đối đều biết rất rõ gọn gàng là tốt, ngăn nắp là tốt, phải không? Sạch sẽ là tốt, vệ sinh là tốt. Tất cả đều biết. Nhưng mấy ai được như vậy? Phật Pháp y chang như thế thôi. Có mấy ai trong cuộc đời này mà có ứng dụng triệt để tất cả những kiến thức về y và dược? Được mấy người? Được mấy người tin tưởng, hiểu biết, và áp dụng triệt để các nguyên tắc y học và dược học? Có bao nhiêu người? Có chứ không phải không đâu. Nhiều lắm. Nhưng mà trong cái đám có đó đó, thì được 90%, 95%, 70%, 60%, 50%.

Tất cả những nãy giờ tôi nói cái gì? Tôi đang nói cái Thiện. Thiện nó có nhiêu kiểu lắm. Thiện của người đi lên, đi xuống; đi vào, đi ra; đi tới, thục lùi hoặc đứng yên. Cái Thiện của một người chỉ biết nghĩ tới mình. Cái Thiện của một người biết nghĩ đến người khác. Cái Thiện của một người chỉ biết có chuyện đời này, không mặn mà lắm chuyện sanh tử. Có người biết nghĩ chuyện xa, có một cái nhìn về viễn tượng, viễn ảnh. Có! Có những người có cái tầm nhìn xa, có người có cái tầm nhìn gần. Cũng đều là Thiện hết. Tùy thích mình muốn chọn cái nào là mình chọn.

Nhưng mà tôi chốt lại bài giảng sáng nay, đó là nếu tự thân không có khả năng phân biệt, phải chọn lọc cái gì nên và không nên trong cái điều mình nói, mình làm, mình tư duy, thì làm ơn mở lòng mình ra để mà học, đọc từ thiên hạ. Và nên nhớ càng khách quan, càng trung thực, thì cái mình nhận được hữu hiệu và hữu ích. Còn nếu chưa gì hết mà mình đóng khung, không chịu học đã là cái sai, mà khi học lại học bằng cái tâm thái chủ quan lại cũng sai tập hai.

Trong một bài giảng vừa rồi của chúng tôi tại Mỹ Houston, tôi có nói cái điều đại kỵ của người Phật tử là đừng có sống bằng tâm thức của cái chậu bonsai. Tôi gọi là tâm thức bonsai và tâm thức loài nhím đó là đại kỵ.

Tâm thức bonsai là sao? Trời cao đất rộng, phải không? Đất đai mênh mông, nhưng mà mình chỉ có thể lớn lên trong một cái chậu đất nhỏ xíu xìu xiu. Và cũng đúng ngày, đúng tháng ra hoa kết trái, và cứ tưởng vậy là hay. Nhưng mà thật ra mình là một phiên bản tật nguyền của thiên nhiên và vũ trụ. Đấy! Đó gọi là tâm thức bonsai. Mà đa phần chúng ta là tâm thức bonsai. Bố thí ba mớ, học hành ba mớ, giữ giới ba mớ, hành thiền ba mớ. Đấy! Là thấy đủ rồi. Đó là tâm thức bonsai.

Cái thứ hai cũng cần tránh, đó là tâm thức của loài nhím. Là sao? Các vị thấy rắn hổ nó còn sống vào nhau. Sư tử, cọp beo nó còn ôm, nó đùa nhau, chứ có ai thấy mấy con nhím mà nó giỡn với nhau. Làm gì có! Là bởi vì mỗi đứa nó là một tuyến phòng thủ, mỗi đứa là một trái cầu gai chống trái, mâu thuẫn, xung đột nội tại. Tự thân nó đã là một sự chống trái mâu thuẫn và xung đột đối với thiên hạ chung quanh, trời đất chung quanh. Đồng loại với nhau mà tụi nó không có thể ôm nhau được, thì nói gì là các giống loài khác.

Đa phần chúng ta đều sống trong cuộc đời này bằng tâm thức bonsai và tâm thức loài nhím là vậy đó. Tự thân thì hài lòng quá sớm với những thứ mình có, và đối với cuộc đời, mình là một con nhím xù lông, luôn luôn chống trái, mâu thuẫn và xung đột. Như vậy đó cái Thiện của mình tự nhiên nó đóng khung. Đương nhiên – Tất nhiên – Cố nhiên và Dĩ nhiên – Mặc nhiên. Đấy! Nhớ nha!

Sáng nay tôi nói về cái Thiện là như vậy đó. Ít thôi. Mà mong rằng đây là cái nền tảng để bà con về gọi là chiêm nghiệm và tư duy. Tôi xài từ trong nước, tôi trả lại trong nước. Chúc các vị một ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/yypFrC7LVzI?si=S8VMXdFMW7Ysnj4w

---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240919/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 34 (19-9-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản