← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 35

Thứ Năm, ngày 26/09/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép.
Tử Du hỗ trợ từ ngữ Pali.

NGHIỆP

Chúng ta đã học đại khái về cái gọi là Phiền Não hay là Nghiệp Bất Thiện, chúng ta đã học đại khái cái gọi là Công đức Phước báo hay là Pháp lành, Pháp thiện, thì bài giảng tiếp theo sáng nay là chúng ta bàn về chữ NGHIỆP. Nó cũng là một chương, một chương trong đó, bàn về chữ Nghiệp. Và tuần sau chúng ta sẽ học về chữ Tái Sinh. Phần này Ngài Ngài Saddhamma Jotika của Miến Điện, Ngài soạn rất là kỹ, nhưng mà vì chúng ta trong room này nè là nhiều trình độ khác nhau, và đương nhiên là chúng tôi chỉ nhắm đến cái đối tượng đại chúng không chuyên, cho nên là các vị muốn đọc sâu, đọc rộng thêm thì các vị bắt buộc phải tìm đọc quyển bộ A Tỳ Đàm của chúng tôi, bộ A Tỳ Đàm 2 cuốn, (bắt buộc), bộ A Tỳ Đàm, giáo lý A Tỳ Đàm, còn trong khuôn khổ và thời lượng hạn chế của bài giảng thứ năm như kiểu này nè, thì chúng ta chỉ nhắc một cái đại lược, và chúng tôi cũng hy vọng là bằng cái cách nói đơn giản nhất, để giới thiệu cho bà con thế nào là chữ Nghiệp. Chữ Nghiệp trong Phật Pháp truyền thống, chúng ta có thể nói là nói chuyện với nhau suốt đời về chữ Nghiệp cũng không hết, chứ đừng có nói mà trong một, hai tháng, một, hai năm, nói gì là một buổi giảng ngắn như thế này. Nhưng mà chúng ta đương nhiên chúng ta cũng có cách, có cách để có khái niệm Nghiệp là cái gì? Dành cho đối tượng đại chúng, thì chúng ta cứ nhớ cái này, chúng ta đã học xong về cái gọi là bất thiện ở một con người, và thế nào là lòng lành ở một con người, và chính cái lòng lành đó, cái bất thiện đó, nó chính là cái Nghiệp của mình. Hiểu nôm na vậy đi, phải không? Là Nghiệp của mình.

Ở ngoài đời có rất là nhiều trường hợp, người ta xài chữ Nghiệp người ta chỉ cho cái gì xấu. Thí dụ như trong truyện Kiều là: "Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". Thì chữ nghiệp đó người ta hiểu theo nghĩa xấu, nhưng mà trong Phật giáo mình, đặc biệt trong giáo lý A Tỳ Đàm, thì nghiệp tốt hay là nghiệp xấu đều là nghiệp. Bởi vì cái nào nó cũng dẫn đến những hệ quả, trước mắt là đắng hay là ngọt, nhưng mà chung cục thì cái nào cũng đắng hết. Đấy. Miễn là còn luân hồi là đắng, cái điểm đặc biệt của Phật Pháp mình chỗ đó đó.

Mình làm chuyện xấu, mình nghĩ xấu, mình nói chuyện bậy, thì cái đó nó gieo nghiệp xấu. Đúng. Thì hễ gieo nghiệp xấu thì kiếp sau mình sẽ bị gặt cái quả xấu, mình phải chịu, mà nghiệp xấu là cái gì? Quả xấu là cái gì? Nói cho nó rõ luôn. Quả xấu tức là 6 Trần bất toại. Có nghĩa là khi mình nói bậy, nghĩ bậy, làm bậy, thì đời sau sanh ra mình sẽ bị 6 Trần bất toại. Bất toại nghĩa là không có như ý. Có nghĩa là mình phải thấy những cái mình không muốn thấy. Mình phải nghe những cái mình không muốn nghe. Ngửi, nếm, đụng, và tư duy, thì đời sống mình, gia tài mình chỉ có 6 Căn, 6 Trần, nếu mà mình dùng 6 Căn của mình để mà mình tạo ra các nghiệp qua 3 cửa: Thân, Khẩu, Ý, phải không? Thì đời sau sinh ra mình cũng có 6 Căn nhưng mà 6 Căn nó bắt toàn cảnh xấu không. Nhớ nha. Các vị có đi chùa làm phước, hay là đốt nhà, cướp của, giết người, câu cá, săn bắn, hay là từ thiện, phúc lợi, bao nhiêu chuyện của quý vị làm á, thì gom gọn lại nó chỉ là hoạt động của tam nghiệp Thân, Khẩu, Ý, hoặc nói rộng hơn nó chỉ là hoạt động của 6 Căn. Nếu mà mình thông qua 6 Căn mà mình làm các nghiệp xấu, thì đời sau sinh ra đó là, cũng có 6 Căn nhưng mà mình bị 6 Trần bất toại. Bệnh tật nó cũng là 6 Trần bất toại. Nghèo đói cũng là 6 Trần bất toại. Bị đánh đập, bị hành hạ, bị tai nạn, thì cũng là 6 Trần bất toại. Phải tập quen như vậy. Nha. Tập quen học thuật ngữ Phật Pháp là vậy. 6 Trần bất toại. Thì nghiệp thiện cũng như vậy mà hiểu. Khi mà mình làm các nghiệp Thân, Khẩu, Ý, nói, nghe, và suy nghĩ, làm, nói, và suy nghĩ mà bằng các nghiệp lành, thì đời sau đó là, nói đời sau là xa đó, chứ còn thật ra ngay hiện tại, người mà sống bằng tâm lành, trước mắt họ được an lạc cái đã. Trước mắt họ được an lạc cái đã. An lạc bằng Nhân. Rồi sau này mình an lạc bằng Quả, phải không? Nhưng trước mắt hễ sống lành là nó vui, vì trong A Tỳ Đàm nói rất rõ, bản thân của tâm lành, nó gồm có những thành tố tâm lý tích cực, đấy.

Thí dụ như là không giận nè, không tham, không dính mắc nè, yêu thương nè, bao dung nè, thấu suốt nè, tôi tránh không có xài từ chuyên môn, phải không? Chữ thấu suốt đây nghĩa là Trí Tuệ đó. Yêu thương, bao dung là Bi và Tùy hỷ đó, phải không? Thì các vị tưởng tượng đi, một tâm trạng mà nó có hội đủ những thành tố tích cực đó, thì đương nhiên là nó thoải mái rồi.

Còn một tâm trạng mà coi như nó gồm những thành tố tâm lý tiêu cực như:

- Toan tính, hờn giận, sợ hãi, đố kỵ, bủn sỉn, phải không? Hờn giận rồi đó là dứt khoát, dính mắc rồi đó, coi như dứt khoát là nó phải khổ rồi, chưa nói tới đời sau kiếp khác. Ngay hiện tại mà anh sống bằng một tâm thái chất đầy những thành tố tâm lý tiêu cực, thì làm sao mà anh hạnh phúc được? Đấy. Cái đó rất là khoa học. Cực kỳ khoa học. Chứ ở đây không có cái chuyện mà báo ứng nhân quả mà theo tinh thần tôn giáo tín ngưỡng mơ mơ hồ hồ. Không có. Ở đây A Tỳ Đàm nói rõ lắm, nói rất là rõ đó là, khi mà anh sống bằng một cái tâm trạng mà gọi là tiêu cực, bệnh hoạn, mang một nội dung là hại mình, hại người, thì làm sao mà anh sung sướng được? Thử đi. Các vị thử đi. Khi nào các vị ra tay mà giúp người bằng một cái hành động, một cái nghĩa cử, một cái động thái, một câu nói, kể cả một cái suy nghĩ mà thương người đó là tự nhiên mình thấy sướng, thấy sướng, mà cái này là các vị tự chứng minh đó. Tự chứng minh. Khi nào sống bằng lòng lành thì nó sướng, mà nó hay cái chỗ này nè, đứng trong mưa, trong nắng, lạnh lẽo, nóng bức, kể cả đói bụng luôn, phải không? Mà chỉ cần có tâm lành là nó sướng. Nó sướng liền. Đấy. Nó sướng liền. Còn mà mâm vàng chén ngọc, phải không? Mâm vàng chén ngọc, lụa là gấm vóc, phải không? Mà tâm hồn trục trặc, đấy, thì nó như là nằm trên cái giường chông vậy. Như là nằm trong cái lò hấp bánh mì, nó nóng bức, mà nó ray rứt, mà nó đau khổ, mà nó không... đại khác là không còn chữ nào để nói, đại khác nói chung là khổ đó. Mà khi anh sống bằng cái tâm lành ấy, phải không? Thấu suốt, bao dung, buông bỏ, tha thứ, chia sẻ, thì cái nóng, cái lạnh của nắng, của mưa, nắng gió mưa sương, là coi như không nghĩa lý gì hết. Tin tôi đi. Nó lạ lắm. Thì cái đó mình thấy rõ ràng, là chỉ riêng cái khoản nhân thôi đó, khi mình sống với nhân thiện, với nhân xấu, là mình đã thấy rõ ràng cái chuyện sướng khổ rồi, nói gì là quả báo của đời sau kiếp khác. Đấy. Nhớ nha. Một chuyện nữa, hồi nãy tôi mới vừa nói đó, nghiệp có nhiều cách nói, Tam Nghiệp là Thân, Khẩu, Ý cũng được, mà nói nghiệp tức là hoạt động của 6 Căn cũng được.

Rồi bây giờ nói qua nghiệp thiện ác là cái gì? Bữa hổm nói rồi. Đó chính là phản ứng tâm lý của mình trước 6 Trần. Hết. Đấy. Cái phản ứng tâm lý của mình trước 6 Trần.

Phản ứng tâm lý của mình trước 6 Trần, là mình nhìn một người khổ, một người nghèo, phải không? Nhìn một ngôi chùa, nhìn một người cần giúp đỡ, nhìn một người tu hành, mà cái phản ứng tâm lý mình lúc đó sao ta? Cái phản ứng tâm lý tích cực, thì đó gọi là thiện. Còn cái phản ứng mà tiêu cực, thì đó gọi là bất thiện. Chỉ vậy thôi. Thiện hay ác chỉ là phản ứng tâm lý thôi. Đấy. Thì tùy thuộc vào cái phản ứng tâm lý của anh trước 6 Trần mà nó dẫn đến cái chuyện là 6 Trần tương lai của anh, nó là bất toại hay là như ý, nó rất là rõ ràng. Nhớ nha. Rất là rõ ràng. Và nói tới nghiệp thì đương nhiên chúng ta phải quay lại 4 nguyên tắc Nhân Quả . Bắt buộc 4 nguyên tắc Nhân Quả. Chết cũng phải nhớ 4 nguyên tắc đó. 4 nguyên tắc đó là nó cực kỳ căn bản luôn, mình không phải Phật tử thì cũng nên biết 4 nguyên tắc Nhân Quả đó:
- Một là Nhân tạo ra Quả.
Nhân tạo ra Quả cái này là ai cũng hiểu rồi, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, là ai cũng hiểu rồi. Mình lấy ngón tay mình gõ xuống bàn thì tự nhiên cái động thái đó là nhân quả đó. Đấy. Cái gõ là nhân, mà tiếng động là quả đó, đấy, phải không? Rõ ràng Nhân tạo Quả.
- Nhưng mà Quả tác động Quả, có, nghĩa là cái hệ quả này nó dẫn đến vô vàn những hệ quả khác.
Nói một cách chuyên môn nha, là cái này tôi đã nói mấy ngàn lần, nhưng mà trong room này nhiều người phải nghe lại, phải nghe lại. Nghe đến mức mà nó nhuyễn như cháo, nhuyễn đến mức mà đụng chuyện là nó bật, nó bung ra khỏi đầu mình liền, nhớ ngay, cái đó mới là xài được. Còn cái thứ mà nghe rồi, nghe rồi, biết rồi, biết rồi, đó là xài không có được, đụng chuyện là phải nhớ, nhớ để đưa vào đời sống, nhớ 4 cái này tôi tin là lập tức an lạc. Lập tức an lạc, và lập tức đời sống có định hướng. Đời sống có định hướng.

Chuyện đầu tiên đấy là Nhân tạo ra Quả. Đấy. Nhân nào tạo ra Quả đó. Nhưng mà cái thứ hai là Quả tạo ra Quả. Thí dụ như khi mà mình đang chịu khổ, hoặc là mình đang được sướng, thì cái sướng và khổ đó là Quả của Thiện Ác quá khứ, thì trên môi trường sướng và khổ đó đó, chúng ta lại tiếp tục có điều kiện để có thêm những cái sướng khổ tương ứng. Thí dụ như bây giờ do Quả bủn xỉn của tôi, tôi nghèo, đấy, xong chưa? Rồi do nghiệp bạo hành, bạo lực của tôi kiếp trước, bây giờ sanh ra tôi bị bệnh tật. Do cái tật mà gọi như ba xàm, ba láp, đâm thọc, phải không? Chia rẻ. Đời này sanh ra tôi bị chúng ghét. Thì bây giờ các vị thấy nè, nghèo, bệnh, mà chúng ghét, thì sao ta? Đó là ba cái Quả, đúng không? Đấy. Thì trên nền tảng của ba cái Quả này, các vị hình dung ra đời sống tôi ra sao? Lập tức là bao nhiêu cái xấu của cuộc đời, nó cứ dễ đổ lên đầu tôi lắm. Chuyện đầu tiên là nghèo cái đã, nghèo là đi đâu thấy người ta khinh rồi đó, nghèo là đi đâu thấy người ta nghi ngờ rồi đó, nghèo là đi gõ cửa này, cửa kia rất là khó, công việc không có chạy, nghèo mà.

Mình có nguyên tắc ở trong nước mình, giàu thì người ta ghét, cái chuyện đó là không phải Quả mà nó do tâm lý. Chuyện mình giàu mà người ta ghét là Nhân xấu người khác, chứ không phải Quả xấu của mình.

Giàu người ta ghét.
Nghèo người ta khinh.
Thông minh người ta giết.

Thì đó là cái nguyên tắc của thế gian, nhưng mà trong A Tỳ Đàm thì nói thế này, chuyện mà người ta thương ghét anh 50% là ở phía người khác, tánh người ta xấu, phải không? Người ta ganh tị, tỵ hiềm, đố kỵ gì đó chuyện của người ta, nhưng mà 50% là nằm ở phía mình. Một là cư xử trong hiện tại của mình, hai là Quả xấu của đời trước, mình làm sao cho chúng nó ghét, tại đâu phải ai đẹp cũng bị người ta ganh ghét, người ta hại, đâu phải ai giàu cũng bị người ta ganh ghét, người ta hại, đâu phải. Có những người giàu rất dễ thương. Có những người đẹp rất dễ thương. Có những người giỏi, những người thông minh rất là dễ thương. Nhưng mà có những người cứ giàu, đẹp, giỏi, là bị chúng nó phang cho trào máu, nhớ cái đó. Cho nên là Nhân tạo ra Quả là ai cũng hiểu rồi. Nhưng mà cái thứ hai là Quả tạo ra Quả. Trên cái nền của Quả thiện, Quả ác, chúng ta dễ dàng đón nhận vô số những Quả khác tương ứng, đó là Quả tác động Quả. Đó là nói theo thế gian. Nói theo trong A Tỳ Đàm khi anh đã đầu thai vào trong cảnh giới nào đó, do nghiệp lực tiền kiếp, thì anh đã lọt vô cảnh giới, lọt vô chủng loại đó rồi đó, là anh có nhiều cơ hội để mà anh gặt hái những quả Thiện Ác tương ứng. Hễ mà làm con chó rồi đó, là mình phải gánh nhiều cái khổ của con chó, không phải là mang thân chó không đâu, mà còn vô số nghiệp khác, Quả khác tương ứng.

Mà mình sanh vô làm con nhà giàu, thì mình lại nhận được rất nhiều Quả lành khác tương ứng, nó sẽ trổ ngay trong cái thân phận nhà giàu của mình, đấy. Còn nếu mình làm chó đó, thì coi như nhiều cái Quả lành nó bị chặn đứng. Ví dụ như lẽ ra buổi chiều hôm đó đó, theo Quả xưa buổi chiều hôm đó là mình được, (tôi hay ví dụ hoài đó), mình được khen nè, được mời ăn nè, được tán tụng nè, nhưng mà mình xui chỗ, lúc bữa đó, cái kiếp đó mình sanh làm thân chó, thì vào ngay cái thời điểm mà lẽ ra đó, mình nhận được phước kia đó, phước được mời ăn nè, được ngợi khen, được mời phát biểu nè, thì ngay cái lúc đó đó, nhằm kiếp mình mang thân chó là coi như Quả kia bỏ, bỏ, phải không? Còn nếu mà mình mang thân người đó, mà lại giàu có, thì có những nghiệp xấu, mình cũng tránh được rất là nhiều nghiệp xấu.Thí dụ như mình không có bị người ta giết thịt. Hoặc như trên Chư Thiên đó là những nghiệp mà tai bay họa gởi, cây ngã đá đè người ta không có bị. Bởi vì trong chú giải của kinh Đại Nghiệp Phân Biệt nói rất rõ chuyện đó, tức là nó có những trường hợp mà Quả nó bị ngăn chặn bởi Nhân. Và có những trường hợp Quả nó bị ngăn chặn bởi Quả. Đấy. Thí dụ như cái thiện mình mạnh quá, thì nó cũng lấn lướt những cái Quả yếu hơn. Đó là nói về Nhân chặn Quả. Rồi Quả chặn Quả. Nghĩa là ngay cái lúc đó đó là Quả khác nó mạnh hơn, thì nó lấn Quả yếu. Đấy. Nhớ nha.

Cho nên trường hợp một được gọi là
1- Nhân tạo ra Quả, này hiểu rồi.

2- Quả tác động Quả.

Trường hợp thứ ba là:
3- Quả tác động Nhân.

Tức là khi mà do tiền nghiệp mình sinh ra trong một thân phận nào đó, thì mình sẽ làm thiện hay làm ác dễ hơn. Trong một thân phận, một hình hài, một hoàn cảnh, một điều kiện, một môi trường nào đó, mình làm ác nó dễ lắm, mình làm thiện rất khó, rất khó. Thí dụ như mình làm cọp beo, sư tử, rắn rít, chuột dán, trùn dế, thì hỏi chứ làm sao mà làm thiện đây? Đấy. Hoặc làm người mà ở vùng sâu, vùng xa, dân bộ tộc, dân bộ lạc, bán khai, rừng sâu, núi thẳm, thì hỏi biết cái gì mà làm thiện đây? Cứ là làm sáng ăn trưa, làm trưa ăn chiều, làm chiều ăn tối, kiểu đó làm sao làm thiện đây? Làm sao mà hiểu gì về văn hóa nhân bản, nhân văn, làm sao hiểu nổi? Làm sao có những khái niệm đạo đức xã hội tối thiểu, làm sao có? Chưa kể không cần bộ lạc, bộ tộc gì hết, chỉ cần mình dân ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng sâu, ngoài rừng thẳm núi cao, biên giới biển đảo xa xôi, thì cái chuyện mà làm lành nó khó lắm. Các vị nào từng đi xa, đi nhiều thì biết, ở những vùng, nó trời ơi, điều kiện tiếp cận với văn hóa, văn minh nó hạn chế cực kỳ. Hình như là Zero chứ không phải hạn chế. Zero luôn á. Nhớ nha.

Thì trong cái điều kiện hoàn cảnh, môi trường, bối cảnh đó đó, thì mình thấy đó là Quả đó, nhưng mà Quả này nó tác động Nhân. Là đã lọt vô cái đó rồi, thường là 99,9% thường là làm toàn chuyện ác không, phải không?

Mờ sáng là nó mò cua bắt ốc, mờ sáng là đã phải giăng lưới, giăng câu, rồi lờ lợp, đăng đó, chứ làm gì có cái chuyện mà ngồi nghe pháp, chép kinh, rồi tụng niệm, rồi ngồi thiền, giữ giới, rồi bố thí, làm gì có? Phải không? Đó gọi là Quả tác động Nhân.

Nhân tác động Nhân là sao? Làm ác nhiều đời, bây giờ sanh ra gặp điều kiện là ác tiếp, thói quen. Mà làm thiện nhiều đời, bây giờ sanh ra đó là, hễ gặp thiện là nhào vô làm, gặp ác thì ngại, gớm tay, ngại tay, nhát tay. Đấy. Còn mà hễ ác quen rồi đó là gặp thiện, gặp cơ hội làm thiện nó cũng chùng tay, chùng, có chùng, nó cũng do dự lắm, nó lăn tăn lắm. Trường hợp đó là Nhân tác động Nhân.

Tôi nói không biết là bao nhiêu lần, Bồ Tát Tất Đạt thấy cái gì? Ngài đâu có thấy cái gì lạ đâu. Ngài thấy y như mình vậy đó. Thì cũng xác chết, rồi cũng người bệnh, rồi cũng người già, thầy tu, bốn cái này mình cũng thấy hà rầm mỗi ngày chứ quý hiếm gì, phải không? Thái tử Tất Đạt có thấy, mình tưởng là thấy cái gì ghê gớm, chứ thấy bốn cái đó cũng thường lắm, phải không? Thấy xác chết, thấy đám ma, thấy đám cưới, thấy người bệnh, thấy người già, mấy cái đó cũng thường, thấy thầy tu thì cũng bình thường đó, nhưng mà do cái Nhân của Ngài tu quá nhiều kiếp đi, Nhân lành, Nhân giải thoát nhiều lắm. Cho nên bây giờ Ngài vừa gặp là Ngài dễ có cái tâm xuất ly tu hành liền. Đấy. Mà người không học A Tỳ Đàm thì không biết tâm lành là Nhân, tâm ác cũng là Nhân. Chỉ có sướng khổ là Quả thôi, phải không? Chứ thiện ác là Nhân. Thì cái lòng mà muốn đi tu đó là Nhân đó chứ. Lòng lành đó là tâm thiện đó, đấy. Còn mình á, thí dụ như cái ác mình, tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi nhiều quá, cho nên sanh ra đó là cứ hễ 6 Căn mà gặp 6 Trần là mình cho ra những cái nhận thức, những cái nhận xét, những những cái cảm nhận, những cái phản ứng, rất là bậy bạ, rất là tật nguyền, rất là sai trái, sai lệch. Lẽ ra là buông bỏ, tha thứ, bao dung. Còn mình nó hả? Cái nào mà ôm được thì ôm. Dính được thì dính. Mắc được thì mắc. Cái nào bất mãn, chống đối, mâu thuẫn, xung đột, thì cứ thế mà làm tới, đấy. Mình cứ là thích và ghét. Thích và ghét. Cả đời mình chỉ có thích và ghét. Từ cái nền tảng của thích và ghét, từ chuyên môn gọi là Tham và Ưu. Từ cái thích ghét này, chúng ta là nảy ra bao nhiêu nghiệp xấu. Mà trong khi đó có một ít người thì cũng sống trong cái thích và ghét đó, nhưng mà người ta hướng tới cái lành, cái thiện, buồn quá, bệnh quá, giận quá, là nghĩ đến chuyện đi tu. Một là xuất gia, hai là cũng tu thiền ngắn hạn, đấy. Gieo duyên. Còn có người buồn quá, giận quá, sợ quá, chán quá, là cứ đi kiếm chuyện tầm bậy để làm không hà. Đấy. Nhớ nha.

Vậy mình thấy rõ ràng, nó có một cái mối tương quan rất là lớn giữa:

- Nhân với Quả.
- Quả với Quả.
- Quả với Nhân.
- Nhân với Nhân.

Đấy. Nhớ. Như vậy thì hôm nay chúng ta thấy có một sự khác biệt nào giữa những người có tu và không tu? Có chứ. Hồi nãy tôi nói rồi. Trước 6 Trần Cảnh đắng hay ngọt, thì người có tu, có đạo, có học đạo, phản ứng tâm lý tích cực. Còn trước Trần Cảnh đắng hay ngọt, cái anh mà không có biết đạo, không có tu tập, không có thực tập hành trì, ảnh phản ứng tiêu cực. Đó là Nghiệp đấy. Thì cái nghiệp thiện ác của mình là nó từ hai nguồn tác động. Một là Nhân thiện ác quá khứ. Mà một phần thứ hai nữa là nó do cái Quả, Quả thiện ác. Nhưng mà mình đâu có chịu thua. Mình đâu có chịu thua, do cái Quả xấu đời trước bây giờ mình sanh ra là xấu, là nghèo, đói, bệnh, dốt, đúng không? Thì bây giờ mình có nhiêu, trên cái nền tảng nào mình cũng tu được hết. Đấy. Đói nghèo, bệnh khổ, thì mình tu theo kiểu đói nghèo bệnh khổ. Mà nhung lụa gấm vóc, sung sướng, vàng son, thì mình tu tập theo kiểu gấm vóc, vàng son. Cỡ nào cũng tu được hết. Và nhớ cái này. Cái này không phải là tôi an ủi, mà đó là sự thật, sự thật, đừng có bắt chước người ta nói "Phiền não tức cảnh bồ đề", cái đó nói trên trời lắm, trên mây lắm. Nhưng mà cái này có thiệt. Là có những pháp môn mà mình phải tu khi mình nhìn thấy cái đắng nó dễ hơn. Thí dụ như giờ mình thấy chúng sanh nó khổ, thì mình mới có lòng đại bi chứ. Mình thấy chúng sanh nó sướng mình có lòng tùy hỉ, đúng không? Ừ. Rồi phải gặp chuyện sao đó mình mới nhẫn, mới xả chứ, phải không? Đúng không? Nó có những trường hợp, mà phải nói là nhờ cái đắng mình mới tu được nhiều pháp môn đặc biệt. Đấy. Chứ còn mà nó ngọt quá cũng khó tu, phải không? Mà tôi nói lại một tỷ lần, là anh phải thấy cái thân xác này, cái hình hài này, cái sự hiện hữu, sự tồn tại này, nó là của nợ, nó là gánh nặng, thì anh mới ngồi lại anh nghe tôi nói mấy điều này, đấy. Chứ còn anh còn thấy anh trẻ, khỏe, giàu, đẹp, thì anh đi về anh ngủ đi. Nha. Anh đi ngủ đi. Chứ những nội dung thế này nó không có hợp với người mà yêu đời. Tôi không có kêu gọi bà con phải sống gọi là chán đời, yếm thế, bi quan, tiêu cực, nhìn đời qua lăng kính màu xám. Không phải. Tôi chỉ đề nghị một cái nhìn clear, rõ ràng, nó sao thấy nó như vậy, đấy. Thấy nó chớp tắt thì thấy nó là chớp tắt. Đắng ngọt, đẹp xấu, tất cả đều chớp tắt. Đạo Phật kêu gọi mình thấy cái chớp tắt. Chứ còn thật ra đạo Phật cũng không có bắt buộc mình phải thấy cuộc đời nó đen thui. No. Mà Ngài chỉ nhắc mình là thích hay ghét gì đi nữa, hãy nhớ cái gì cũng vô thường. Đây là một nguyên tắc rất là quan trọng, mà lẽ ra đó là bà con phải trả bạc tỷ để mà thuộc lòng, để học được nguyên tắc này. Bạc tỷ mà tôi nghĩ chưa đáng đó. Đó là mỗi khi mà mình giận quá, mình sợ quá, giận quá, sợ quá, hãy nhớ rằng cái này rồi cũng qua đi. Khi mình thích quá, mình vui quá, mình cũng nhớ cái này rồi cũng qua đi. Chưa. Cái này chưa phải cái bạc tỷ đâu. cái bạc tỷ là cái sau. Khi mà mình giận quá, mình sợ quá đó, thì mình cứ nhớ cái này, chính Đức Phật đã xác định Vạn Hữu là Vô Ngã, Vô Thường. Chính Đức Phật đã dạy mình đừng có đam mê trong cái vị ngọt của trần thế, có không? Có không? Coi kinh có chỗ đó không? Chính Ngài đã nhiều lần, vô số lần, bằng vô lượng phương tiện, Ngài kêu gọi là đừng có đam mê vào cái vị ngọt của đời sống. Điều đó có nghĩa rằng mình cũng không nên quá sợ hãi trước cái vị đắng ở đời sống. Đấy. Nhớ cái câu này quan trọng lắm. Mỗi khi mình giận quá, sợ quá cứ nhớ, khi mà Ngài dạy mình không có nên đam mê trong cái vị ngọt là vì nó vô thường. Không có gì khả dĩ có thể tin cậy, thì điều đó cũng có nghĩa là khi mình gặp chuyện gì mà nó quá đắng cay, mình cũng nhớ rằng nó cũng phù phiếm, nó cũng mong manh, nó cũng phù du, hư ảo, ảo hóa như là cái vị ngọt vậy. Đấy. Nhưng mà nghĩ như vậy để làm chi? Để mình có được sự bình tâm. Nhớ. Được cái sự bình tâm. Mà sự thật đó là như vậy chứ không phải đây là cái mẹo, không phải, đó là sự thật đó. Là sự thật đó. Ngọt cách mấy thì cũng không đáng để dính mắc, vì nó vô thường chớp tắt, mà nó đắng cách mấy, nó cũng vô thường chớp tắt. Mà nói thấy cái thân này là gánh nặng, là gánh nặng hiểu theo nghĩa này nè, là thật sự sự có mặt của mình trong cuộc đời này vốn dĩ là nó không cần thiết, nó vô nghĩa, vô vị, vô dụng, vô ích. Nó nặng ở chỗ là nó một đống chữ vô, vậy mà mình phải cưu mang nó, thì nặng là nặng như vậy.

Cái quan trọng nhất là không có khổ vì đắng, và không có dính mắc gì với cái ngọt mà phải chán, nếu cần bỏ chữ chán cũng được. Quý vị bỏ hết cũng được, chỉ xin một chữ thôi. Chữ BUÔNG. Chữ đó đó. Có vị vui lắm. Có vị hiểu chữ buông có nghĩa là thiếu trách nhiệm mới vui chứ. Vị đó không đồng ý, không đồng ý tu là buông, vị đó nói làm chồng phải lo cho vợ, làm vợ phải lo cho chồng, làm con phải lo cho Cha Mẹ, Cha Mẹ phải lo cho con, người nhà phải lo cho nhau. Mắc cái gì? Tại sao mà tu nói buông? Các vị hiểu chữ buông theo cái nghĩa rất là trẻ con. Cái này không có nên nha. Chữ buông đây nghĩa là anh vẫn sống bình thường, cực kỳ bình thường nữa là khác, dễ thương hơn ngày xưa nữa là khác. Nhưng buông đây có nghĩa là lúc nào cũng chân trong chân ngoài. Lúc nào cũng là tay nắm tay buông. Biết. Biết. Vì trách nhiệm vẫn phải làm. Nhưng mà nhớ mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Và cái này nè, nó có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Các vị biết bao nhiêu công trình? Bao nhiêu dự án? Đấy. Bao nhiêu ước mơ? Bao nhiêu trù tính? Trù hoạch, kế sách, đều phải gác ngang khi có một người nào đó tự nhiên lăn đùng ra chết. Nhiều lắm, trên thế giới này nó nhiều dữ lắm, nhiều lắm lắm luôn. Như mình thấy ông Steve Jobs, ổng ra đi ổng để lại bao nhiêu cái giấc mơ dở dang cho Apple, hôm nay Apple vẫn hoạt động đó, nhưng mà phải nói là rất nhiều và rất nhiều ước mơ Steve Jobs ấp ủ phải bỏ, bỏ ngang, nhiều lắm. Có thể nếu ổng còn sống thì cái iPhone 16 ghê gớm hơn là cái mà mình thấy trước mắt nữa. Tôi nói thôi chứ tôi cũng chưa có, đừng có nghĩ tầm bậy. Thì đó là đại khái như vậy đó. Có nghĩa là mình làm gì cũng nhớ, trách nhiệm thì phải làm, nhưng mà ta nè, có thể ra đi bất cứ lúc nào. Đề án nè, công trình nè, dự án nè, rồi có thể nó cũng sẽ kết thúc. Và ngay cả nó đã ra công trình thành phẩm rồi, tác phẩm ngon lành hoàn chỉnh rồi, thì nó tồn tại được bao lâu? Tất cả những thành quả ghê gớm của con người trong xây dựng kiến trúc, trong văn hóa, thậm chí là chính trị cũng sụp, đó Pol Pot đó, một đời gầy dựng, đó, Mao Trạch Đông đó, một đời gầy dựng, Cuba đó, một đời gầy dựng, rồi Hitler đó, một đời gầy dựng, xây dựng tùm lum bao nhiêu ý tưởng, tới hồi lăn ra chết, tất cả kết thúc. Giấc mơ của Pol Pot mãi mãi không bao giờ trở thành sự thật, giấc mơ của ông Mao Trạch Đông, giấc mơ của Hitler, mãi mãi không bao giờ thành sự thật. Mà ổng đi rồi thế hệ sau lên thay thế. Chúng tôi chủ trương chùa nên có đất rộng trồng cây. Chứ còn tôi không có thiết tha cái chuyện mà gọi là xây dựng vàng son hoành tráng, là vì 8 ngàn lý do, trong đó có những lý do rất là căn bản đó là chùa cần cây, cần lá phổi thiên nhiên, chứ chùa không có nên bê tông nhiều. Thứ hai, hạn chế tối đa sự tốn kém. Thứ ba, nói thiệt với nhau đi, sống trong rừng cây nó sướng hơn trong căn phòng sang trọng, cần máy lạnh thì có góc nào đó thôi, chứ không cần phải vàng son, máy lạnh khác, vàng son khác. Rồi còn gì nữa? Trụ trì đời này mà chết lăn ra rồi đó, là ông sau ổng lên, chỉ cần có điều kiện là ổng đập sạch. Trừ phi đó là công trình di tích gì đó, chứ không lẽ mình nói kỳ, nhiều vị tôi nghĩ trong bụng thôi, chứ ổng cũng muốn chùa cháy lắm. Tại vì đập thì không dám, mà để cho cháy tự nhiên, để cho mình làm lại cái mới. Có. Tôi biết 1000% là có. Nó nản lắm. Bị cái ông trụ trì cũ đó, một là không có tham khảo, hai là cũng hơi củ chuối âm lịch, kiến trúc nó tật nguyền, không cái gì ra cái gì, ông sau ổng thấy vậy đó. Còn ông trước thì ổng thấy ổng là đỉnh cao của kiến trúc vũ trụ, nhưng mà ông sau không có thấy. Cho nên mình cứ ngồi mình cong xương sống chổng mông ra mình làm bao nhiêu công trình mình thấy ghê gớm. Đấy. Đời sau nó bỏ hết. Rồi gia đình mình cũng vậy. Con mình cũng vậy. Mình đi mua đồ cổ mình chơi, như ông Vương Hồng Sến đó, tưởng sao? Vương Hồng Bảo chết trước ổng. Đấy. Rồi cái tưởng sao ổng đem hiến nhà nước. Bây giờ tôi nói đi ngang cái phủ, cái tên, cái gì vân, vân, vân gì của ổng đó, ổng hiến không có ra cái gì hết. Cái nhà xưa hồi xưa nó là cái ngôi nhà cổ kiểu như nhà rường, còn bây giờ đi ngang các vị nhìn coi, nó tiêu điều, nó như một ngôi miếu bỏ hoang vậy đó. Đau lắm. Đau lắm luôn. Rồi thành cổ nhà Hồ ở Thanh Hóa, đấy. Rồi Lũy Thầy, rồi thành Tà Côn ở Bình Định, đấy. Còn cái hoàng thành Huế là do họ sửa chữa nó còn, chứ không thôi nó cũng tiêu tùng rồi. Những cái mảng tường bao quanh hoàng thành mà chưa kể nó sửa không ra cái gì hết. Cung An Định nó sửa ta nói nhìn nó thêm nhục, đấy. Cho nên hành giả sống hiểu được nghiệp báo, sống cẩn thận, sống có trách nhiệm với mình và với đời, đúng. Nhưng mà trong cái tinh thần trách nhiệm đó, chúng ta vẫn không nên quên các pháp do duyên mà có. Có rồi phải mất đi. Trách nhiệm thì phải làm, nhưng mà nhớ, mình chỉ cần nín thở 10 phút thôi, là bao nhiêu đề án công trình gì của mình ý, đời sau chắc gì có kẻ kế thừa, mà nếu có kẻ kế thừa, chắc gì nó tiếp nối con đường của mình. Cho nên bao nhiêu cái ấp ủ rất là mong manh, mà bao nhiêu cái đầu, bao nhiêu thế hệ cứ quên mất chuyện đó, bao nhiêu thành quả, chính trị, thể chế, xây dựng lên, thấy dân khổ thì giúp, chứ còn đừng có mong mà gầy dựng một cái truyền, một cái thể chế mà muôn đời, chuyện đó không có. Lịch sử nhân loại chứng minh rồi. Không có. Tần Thủy Hoàng, rồi Khang Hi, Thịnh Thế rồi đó, không có, dóc sạo, không có. Nó được một giai đoạn nào đó thôi. Bởi vì thế giới nó là một dòng chảy. Thì bất cứ một cái học thuyết, một cái đường lối nào, nó cũng chỉ là giải pháp tạm thời ngắn hạn. Nó chỉ là một cái đáp án ngắn ngủi cho bài toán khó trong thời điểm đó thôi. Khi mà nó không còn là bài toán khó, không còn là bài toán để giải nữa, thì đáp án kia nó trơ trẻn, nó ngớ ngẩn, nó ngờ ngệch lắm, đấy. Khổ vậy đó. Khổ lắm.

Cho nên chỏng mông đi theo đuổi một cái đường hướng văn hóa, tôn giáo, chính trị, xã hội nào đó, tôi nghĩ là phải tùy duyên. Tinh thần cái kiểu tùy duyên đạo Phật rất là hay. Thấy đời khổ thì thương ra tay giúp, nhưng mà để coi coi nó làm sao, nó cần mát thì mình cho mưa, nó cần ấm thì mình cho tí nắng. Thí dụ như vậy thì được. Chứ còn mình cứ theo đuổi một con đường là làm sao? Cả đất nước này mưa thiên thu, mưa vạn đại. Sai. Mà mình muốn cho cả đất nước này cứ nắng hoài, nắng ấm, nắng đẹp, nắng chan hòa. Sai. Bởi vì không có phải lúc nào nắng cũng là số một. Không phải lúc nào mưa cũng là số một. Làm ơn lấy cái đầu tiểu học là cũng hiểu cái đó rồi.

Cho nên cái nghiệp ở đây nó là vậy đó. Và đương nhiên hễ nói tới nghiệp thì chúng ta phải nói theo kinh tí, hơi lan man tí. Nghiệp nó có nhiều trường hợp. Thí dụ như nói về thời gian mà để cho Quả đó, thì mình thấy:
- Hiện nghiệp là có những nghiệp thiện ác nó cho quả ngay đời này là nhãn tiền.
Có những nghiệp nó cho quả đời sau, tôi nói gọn, tôi nói nhiều bà con khùng. Nó có 4 trường hợp. Tôi chỉ nói có 2 thôi. Một là có những cái nghiệp nó cho Quả ngay đời này, có những cái nghiệp nó cho Quả đời sau. Rồi trong cái số đời sau
đó, nó lại có những trường hợp là có những cái nghiệp mà nó, trong đạo Phật không có cái chuyện bù trừ, không có chuyện đi ăn cướp rồi lấy tiền cất chùa hết tội, cái đó không có. Nhưng mà có cái vụ này, là trong những cái nghiệp đời sau đó, đúng vào thời điểm nào đó, tôi đặt tên tạm thời nghiệp đó là nghiệp X1. Đúng vào cái thời điểm đó là X1 nó cho Quả. Nhưng mà cái X2 nó mạnh hơn, nó lấn X1. X1 tiếp tục chờ đợi một lúc nào đó, khi mà nó đến lúc nó cho Quả thì cái X4 nó lại xuất hiện nó mạnh hơn, thế là X1 lại chờ nữa, chờ đến một lúc nào đó nó hết hạn thì thôi. Đó là theo trong A Tỳ Đàm giải thích là Vô Hiệu Nghiệp đó. Nhớ nha.

Như vậy nghiệp nói cho dễ nhớ đi:
- Một là cho Quả đời này.
- Hai là cho Quả đời sau.
Và cho Quả đời sau thì có hai trường hợp, một là nó có điều kiện là nó ra liền. Nhưng có trường hợp là khi nó không có điều kiện thì nó cứ chờ, chờ đến lúc nó quá hạn thì xong, đấy. Đó là nói về nghiệp là theo thời gian.

Rồi trường hợp nữa là nghiệp nói theo sức mạnh đó là, nghiệp đó nó gồm có:
- Trọng Nghiệp.
- Thường nghiệp.
- Khinh thểu nghiệp.
- Cận Tử Nghiệp.
Trọng Nghiệp là sao? Là những nghiệp thiện ác mà được thực hiện với ba tiêu chuẩn sau đây:
1- Tâm lúc thực hiện quá mãnh liệt đi. Thiện mãnh liệt hoặc là ác mãnh liệt.
2- Đối tượng đó là một cá nhân đức độ hay là một tập thể đông người.
Một cá nhân đức độ hay là tập thể đông người, nói gì là một tập thể đức độ thì khỏi nói rồi, nha. Khỏi nói. Cái đó không cần nói. Chỉ nói một cá nhân đức độ hay là một tập thể đông người, thì nghiệp thiện, nghiệp ác, mà nhắm tới một trong hai đối tượng này nè là nó cho Quả rất là mạnh.
3- Thứ ba là tác dụng.
Có nghĩa là tâm mạnh nè, đối tượng trọng đại nè, mà cái thứ ba là tác dụng, là nó có gây ra được cái gì hay không? Thí dụ như tôi bỏ thuốc độc để tôi đầu độc nguyên một cái thiền viện 400 người, nhưng mà may mắn là có người phát hiện kịp, đấy. Cho nên chỉ có chết con chó chùa thôi. Con chó nó hớp cái nó lăn ra nó chết. Thì như vậy, nhờ vậy cái nghiệp tôi nó cũng nhẹ đi phần nào. Còn đằng này là tâm tôi ác cực kỳ, mà đối tượng nó là nguyên một trường thiền, mà tác dụng của hành động nó là gì? Là chết quá trời người luôn. Đó. Phải có ba cái đó mới là Trọng Nghiệp. Nhớ nha.
Trường hợp đó là Trọng Nghiệp.

Thứ hai là Thường Nghiệp. Thường Nghiệp là những cái nghiệp thiện ác mà mình cứ làm hoài hoài hoài hoài hoài hoài, nhiều năm, nhiều tháng trong đời, phải không? Ví dụ như cứ là đập đầu cá, cắt cổ gà, chọc tiết, chích điện chó mèo, dìm chết chó rồi đó, phải không? Mà đại khái là đâm heo thuốc chó đó, mà làm hoài, sáng nào cũng vài con, sáng nào cũng vài con. Hoặc là làm thiện. Ví dụ như ngày nào cũng tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, bố thí - Tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, bố thí, mà cứ làm hoài hoài vậy cả đời, nó gọi là Thường Nghiệp, phải không? Thường nghiệp. Ác cũng có Thường Nghiệp, mà thiện cũng Thường Nghiệp. Cái gì mình làm hoài hoài.

Thứ ba là Khinh Thiểu Nghiệp. Có nghĩa là sao? Có nghĩa là những nghiệp thiện ác mà lâu lâu làm lần. Thí dụ như lâu lâu có người rủ đi câu, rủ đi nhậu, rủ đi đánh bài, lâu lắm 3, 4 tháng có lần, có khi 1, 2 năm có lần.

Có lần lên rừng đi săn bắn, bẫy thú, bắn chim, đánh cá chơi, đi câu thể thao đó mà, lâu lâu làm lần. Hoặc là tu thiền, lâu lâu có người rủ đi qua Miến Điện tuần, hai tuần vậy đó. Nhưng mà mười năm đi được có hai, ba lần vậy đó. Đấy. Rồi có nghe pháp, rồi cũng lâu lâu tiện cũng xề cái mông vô nghe tí, câu, hai câu vậy đó, hiểu, không hiểu gì cũng kể là nghe. Đấy. Cũng gật đầu, cũng Sādhu, rồi nhét nhúm tiền lẻ vô thùng phước điền vậy đó, rồi đi về, cũng lâu lắm à, giáp năm, năm vậy đi đâu lần, hai lần vậy đó. Đó gọi là Khinh Thiểu Nghiệp. Thiện ác cũng đều có những cái nghiệp mà lâu lâu làm lần.

Rồi còn Cận Tử Nghiệp là sao? Tức là nghiệp thiện ác mà mình làm trong lúc mà sắp đi. Tại sao nghiệp đó được kể riêng? Tại sao? Là bởi vì cả đời mình chỉ có một lần làm cái nghiệp đó thôi. Bởi vì cận tử có một lần, chứ làm vì có cận tử hai, ba lần, đấy. Làm vì có vụ cận tử hai, ba lần? Cận tử có một lần thôi. Nó đặc biệt ở chỗ đó. Thứ nhất là cả đời chỉ có một lần làm cái nghiệp đó. Thứ hai, cái tâm trạng của người cận tử đó đặc biệt lắm, đặc biệt lắm. Cả đời mình chỉ có một vài lần là mình trải qua tâm trạng cận tử, tâm lý cận tử. Mặc dù giây phút cận tử này chỉ có một, nhưng mà tâm lý cận tử thì có rất là nhiều, cũng có rất nhiều cơ hội, rất nhiều cơ hội. Nhưng mà gọi là Nghiệp Cận Tử thì chỉ có một, phải không? Nghiệp Cận Tử thì chỉ kể có một thôi. Còn tại sao tôi nói tâm trạng cận tử có nhiều? Là có mấy lần mình chết hụt, suýt chết. Thì nói chung là những lần mình đối diện với cái chết, cái tâm lý của mình đặc biệt lắm, nhất là những người lính, những người tử tù được gọi là đặc xá, những người mà từng được nghe thần chết gõ cửa đó, thì nếu mà họ có huệ căn, nếu có huệ căn. Nha. Phải có chữ "nếu" nha. Nếu có huệ căn, thì sau đó họ nhìn cuộc đời nó đẹp lắm. Nó đặc biệt lắm. Họ buông bỏ rất tốt, yêu thương rất tốt, tốt lắm luôn. Cư xử biết điều, biết chuyện lắm luôn. Người mà từng bị thần chết gõ cửa. Còn cái thứ mà nó chưa biết gì đó, tối ngày cứ hài nhi tóc bạc, sống lâu mà vẫn yêu đời, rồi chừng nào chết là mới run bắn lên, cái đó là thứ dỏm. Chứ người có huệ căn là hiểu rằng tâm lý mà lúc cận tử, cái gì
cũng buông hết. Và lúc đó là lúc thấm thía nhất tất cả những tấn tuồng giả trá của cuộc đời, lúc đó mình thấy ra hết, thấy ra hết, quan trọng lắm luôn nha. Cái giây phút cận tử quan trọng lắm. Và trong tinh thần nhà Phật mình, cả đời mình là để chuẩn bị cho hai giây phút:
1- Giây phút đắc đạo.
2- Giây phút cận tử.
Tức là bao nhiêu chuyện mình làm là để nhắm đến chuyện đắc đạo. Nếu đắc không được thì nó có cái chuyện giây phút thứ hai rất là đáng để mình đầu tư đó là giây phút cận tử. Mình làm sao mà để có một cái chết thanh thản, nhẹ nhàng, buông bỏ. Chứ còn ngán nhất là cái chết tiếc nuối, sợ hãi, bất mãn, sân hận, đó là mệt à, cái đó mệt.

Cả đời mình nó là nhắm tới hai giây phút quan trọng đó. Giây phút đắc đạo. Nếu có. Còn không nữa đó, thì phải là chuẩn bị cho giây phút cận tử. Nếu chẳng may mà mê man thì thôi. Nhưng nếu không mê man, thì cái tâm lý lúc cận tử nó phải ngon lành lắm, ngon lành lắm mới có giây phút cận tử ngon lành, phải không? Cái đó rất là quan trọng. Nghiệp
nó có nhiều trường hợp. Nghiệp cho Quả ngay bây giờ hoặc cho đời sau. Rồi nghiệp nói về mạnh yếu. Hễ nói tới nghiệp bắt buộc là mình phải nhớ mấy cái đó.

Rồi nó cũng có trường hợp, mà mình thấy đó là nghiệp phân tích theo Cảnh giới và Chủng loại. Thí dụ như Nghiệp Dục Giới. Nghiệp Sắc. Nghiệp Vô Sắc. Đấy. Là sao? Người mà sống hưởng dục, khi mà họ làm thiện thì cái thiện họ vẫn quẩn quanh ở trong cõi dục, nhớ nha.

Còn người mà có đắc thiền thì cái thiện của họ nó không có đưa họ trở về cõi trời người Dục Giới. Mà nó đưa họ lên trên. Đấy. Tâm Thiện Thiền. Thì trong đó nó có cái Sắc Giới tức là cái này nói nghe rồi khùng, người không có học nghe ngán, thôi tôi nói sơ sơ thôi.
Tức là đó là hai cảnh giới thiền của người còn thân xác và không còn thân xác. Nói nó dễ hiểu vậy đi, phải không? Rồi. Như vậy thì mình thấy rõ ràng nghiệp nó có nhiều cách phân tích, mà trong đó mình thấy rõ ràng là trên nền tảng tâm thức nghiệp báo và trình độ hiện tại của anh, mà cái việc anh làm nó cho cái Quả báo như thế nào, nó tương ứng với cái con người của anh, nhớ nha. Tương ứng với con người của anh. Thí dụ như mình có trí tuệ nhiều, thì mình bố thí đó là cách bố thí của người có trí, đời sau sanh ra vừa giàu, vừa khôn. Còn nếu mình không có trí tuệ, bẩm sinh không thông minh mà lại không chịu học giáo lý, kiến thức bách khoa hạn chế nghèo túng, đấy. Thì khi mình sống thiện, mình làm thiện, thì đời sau sanh ra cũng sung sướng, nhưng mà vẫn tiếp tục cũng lề mề, chậm chạp, phải không? Có. Đấy. Trên nền tảng nào thì nghiệp nó sẽ cho ra Quả tương ứng với nền tảng tâm thức, nền tảng trình độ, nền tảng nghiệp lý tương đương, tương ứng. Nó rất là quan trọng. Nha.

Thì hôm nay cả ngày chúng ta đó, chúng ta không có đợi nguyên một ngày mình nó là cứ mỗi một giây phút mà chúng ta nói làm và tư duy, thì đều là giây phút tạo nghiệp hết, nó dễ sợ như vậy. Các vị hỏi là thời gian bao lâu? Tôi nói “ai biết”. Thì từ cái khoảng cách của câu nói này qua câu nói kia, suy nghĩ này qua suy nghĩ kia, hành động này qua hành động kia, lâu mau tôi đâu có biết, tùy người. Mà chỉ biết rằng nói làm mà tư duy mà bằng thiện ác trong từng phút, trong từng giây, đó chính là nghiệp. Một ngày như vậy mình tạo rất là, không phải rất nhiều, mà là vô số lần nghiệp. Mà đương nhiên, nếu mà chúng ta khách quan trung thực và chận thật, thì chúng ta thấy rằng trong đó là nghiệp xấu nhiều, nghiệp xấu nhiều lắm. Tập làm sao, nghe nói nè, tập làm sao mà khi nhận Quả đắng hay Quả ngọt, vẫn lấy đó làm cái đề mục tu tập. Đắng là tu kiểu đắng. Mà ngọt là tu kiểu ngọt. Đó là một. Thứ hai đó là tu Quả. Còn tu Nhân là sao? Cứ nhìn cái này biết đây là tâm xấu, nhìn cái này biết là tâm lành, nhìn đâu? Nhìn trong tâm mình ấy, đó là tu Nhân. Tu Nhân là tu vậy đó. Chữ Nhân ở đây phải hiểu là vậy đó. Tu Nhân và tu Quả. Tu Quả đây có nghĩa là đắng cay, sướng khổ cỡ nào, đắng cay, ngọt bùi, sướng khổ, thì cứ lấy đó làm đối tượng, làm đề mục để mà tiếp tục phát triển. Chẳng hạn như hồi nãy tôi nói đó. Gặp người khổ là khởi đại bi, mà gặp người sướng thì khởi tâm tùy hỉ, không ganh tỵ. Giúp được ai thì giúp, bố thí được là bố thí. Có cơ hội nghe Pháp là nghe Pháp. Có cơ hội ngồi thiền được là ngồi thiền. Thì đó gọi là tu Quả. Còn tu Nhân là sao? Tôi không biết anh tu cái gì, mà tôi chỉ biết anh có cái khả năng kịp thời nhận diện đâu là thiện ác đang có mặt trong lòng mình, đối với tôi anh là Á Thánh rồi. Tôi không biết anh tu cái gì, anh đắc tới cái gì tôi không biết. Tôi cứ giả định anh là phàm đi, phải không? Tôi giả định anh là phàm, mà anh là người luôn luôn kịp thời phát hiện thiện ác trong lòng mình, thì trong lòng tôi dầu anh là phàm phu, nhưng mà trong lòng tôi, cá nhân chúng tôi - Toại Khanh - anh là Á Thánh. Nghĩa là anh không phải hoa hậu mà là á hậu rồi đó. Á Thánh. Anh là Á Thánh, chứ anh không có chữ nào mà hay hơn chữ đó, anh là Á Thánh rồi đó. Thánh Thánh Demi, Demi Saint, Demi Nobleman đó, đại khái như vậy. Nhớ cái nghiệp ở đây. Mình tu là gì? Tu là mình thấy rõ cái phản ứng của tâm lý khi mà 6 Căn làm việc với 6 Trần. Phản ứng tâm lý đó nó có cái tên gọi là Nghiệp. Và người biết Phật Pháp rồi, trong chuyện tạo nghiệp là cẩn thận, đúng. Mà trong cái việc mà chịu Quả của nghiệp, lại tiếp tục phải cẩn trọng, phải cẩn trọng. Vậy tôi nhắc lại nha:
- Luôn thấy rõ rằng ta đang thiện hay đang ác, đó chính là tu.
- Luôn thấy rõ rằng đây là Quả xấu, đây là Quả thiện, đều là vô ngã, vô thường, lại cũng là tu. Tu Nhân và tu Quả là như vậy đó. Nãy giờ thời gian ngắn thôi, nhưng mà chữ nghiệp tôi nghĩ, đối với người sơ cơ, nếu có lòng học đạo, và nếu không có chê chúng tôi, thì nghe tới nghe lui cái phần này, thì tôi nghĩ các vị có một chút căn bản, để mai mốt nói tới chữ nghiệp làm ơn hiểu cho nó tới chút.

Thì chúng tôi nhắc lại một chuyện cuối cùng, trước khi khép lại bài giảng hôm nay. Tức là tùy thuộc vào tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, mà chúng ta có nhiều thiện hay là nhiều bất thiện. Thứ hai, là người biết đạo rồi, thì dầu nhận Quả nghiệp lành hay là Quả nghiệp xấu, thì cũng lấy đó làm cái chỗ tu hành. Mà phát hiện được nhân lành, nhân xấu có mặt trong mình, cũng là đang tạo nghiệp đó, nhưng mà nghiệp lành, nghiệp giải
thoát. Nhớ nha.

Nghiệp thì nó cũng có nhiều trường hợp cho Quả đời này và cho Quả đời sau. Và nghiệp cũng có nhiều thời điểm để thực hiện. Đấy. Thường làm hay là thỉnh thoảng làm, hay là làm lúc cận tử. Nghiệp Cận Tử ở đây là gì? Hồi nãy tôi cũng có nói, bây giờ tôi nói thêm chút nữa. Đó là những cái gì mà chúng ta gọi là tư duy, nói năng và hành động trước cái lúc mà ra đi. Tư duy là gì? Thí dụ như mình quán chiếu mọi thứ là vô thường, sướng, đau, khổ, buồn, tiếc nuối, tất cả là vô ngã, vô thường, phải không? Thấy. Nhớ lại Phật Pháp, đấy. Nhớ lại Phật Pháp, đó là Nghiệp Cận Tử đó. Nghiệp cận tử thiện, còn nghiệp cận tử bất thiện là khỏi nói rồi. Tiếc nuối, sợ hãi, hờn giận, tức tối, căm ghét, phải không? Đó cũng là Nghiệp Cận Tử, nhưng mà đó là nghiệp xấu, phải không? Nhớ cái đó. Thì cả đời của mình là mình sống để nhắm đến hai cái giây phút quan trọng nhất đó là: Giây phút đắc đạo, mà nếu không có đắc, ít ra cũng có cái giây phút cận tử để mà chú ý. Thì chữ nghiệp đại khái nó là như vậy đó. Đại khái chữ nghiệp như vậy. Tôi nhắc lại lần nữa. Trong mỗi phút giây chúng ta đang sống với Nhân và Quả, mỗi phút, mỗi giây đó, chúng ta đang sống với Nhân và Quả. Nhân chính là cái thiện ác trong mỗi phút. Còn Quả chính là cái sướng, khổ, buồn, vui trong mỗi phút, mỗi giây, nha. Cái người mà có học đạo là nhìn nhân, nhìn vào cái Nhân biết nó đang nó là thiện hay ác. Nhìn Quả biết nó là sướng hay khổ. Và luôn luôn nhớ rằng cái gì cũng vô ngã, vô thường, do nhân duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất đi. Tiếp tục sống có trách nhiệm trong thân phận hiện tại của mình, hữu duyên thì đi xuất gia làm hành giả. Còn thiếu duyên tiếp tục ở ngoài đời. Như tôi đã nhiều lần nói, tu hành là nhắm đến mục đích giải thoát. Mà giải thoát thì có hai:
- Chánh Giải Thoát.
- Tà Giải Thoát.
Tà Giải Thoát là đi từ cái phòng giam này qua phòng giam kia, tưởng mình đã giải thoát. Trường hợp hai Tà Giải Thoát là mạ vàng dây xích, dây xiềng cái chân mình, thấy nó đẹp hơn tưởng vậy là ổn rồi đó. Còn Chánh Giải Thoát là sao? Phá nát cái phòng giam. Đấy. Phá nát cái phòng giam bỏ hết để mà đi xuất gia, buông hết mọi sở hữu, mọi tình thân đi xuất gia và đắc chứng thiền định, đạo quả. Thì đó được gọi là phá nát nhà giam. Nhưng mà trường hợp thứ hai, vẫn trong hình hài một người cư sĩ, một người vợ, một người chồng, một người Mẹ, một người Cha, nhưng đã vô hiệu hóa phòng giam, có nghĩa là mình có cái chìa khóa. Đấy. Cứ ở bình thường vậy đó, nhưng mà có cái chìa khóa, khi nào thích mở đi ra chơi, rồi tối vô lấy chìa khóa mở đi vô nằm ngủ cho nó mát, phải không? Còn khi nào cần lấy chìa khóa mở đi ra. Ở đây cũng vậy.
Có rất nhiều người thấy họ vậy đó, thấy họ bề bộn, phải không? Bị giam nhốt trong bối cảnh, môi trường, thân phận, hình hài, nhưng mà họ có chìa khóa, thích là mở đi ra, đi te te vậy đó. Tu phải tu như vậy mới là tu. Tu như vậy mới là làm chủ nghiệp mình đó là vậy đó. Cần là lấy cái chìa khóa mở đi ra te te vậy đó. Cần buông là buông. Mà cái chuyện này các vị nghĩ rằng ổng đang nói trên mây. Không. Chuyện này không phải trên mây, chuyện này trước mắt. Bởi vì nếu mà anh không có khả năng như vậy đó, là bây giờ anh lăn ra anh chết, anh chết kiểu gì đây? Hả? Anh chết kiểu gì? Bây giờ anh chưa là thánh đi nữa, ít nhất anh cũng phải nhớ rằng mình phải chết. Chắc chắn rồi. Mà mình bây giờ chìa khóa đứa nào giữ cái đã? Ai? Ai giữ? Mình là thằng chồng phải không? Mà con mình nó giữ chìa, vợ mình giữ chìa. Mà cái vui nhất là cái nhà nó lại giữ cái chìa, chiếc xe nó giữ cái chìa mới ghê chứ. Trong khi mình người chủ thật sự là mình phải là người giữ chìa. Còn đằng này mình không có khả năng an lạc là vì ai đó giữ chìa, cái vật gì đó, cái người nào đó, nó giữ chìa khóa, chứ mình không có khả năng để mà đi ra, đi vào là dở. Ừ. Cho nên mình nhớ cái câu:
- "Trăm năm trong cõi người ta, ai ai cũng được đi ra đi vào, nhỏ xíu tới như nước Lào, người ta vẫn được đi vào đi ra, đen thui như Angola người ta vẫn được đi ra đi vào, mênh mông tới như nước Tàu, người ta vẫn được đi vào đi ra, chỉ riêng Phật tử nhà ta, nữ nam, Tăng tục không ra, không vào".
Mình cứ nhớ hoài câu đó. Tu là phải có khả năng đi ra, đi vào.
Ok. Chúc các vị một ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/Z_7GHJYmWjw?si=HW0f22t1O5K8QkxH

---------------------------

Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240926/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 35 (26-9-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản