Lớp Phật Pháp Căn Bản 37 Thứ Năm, ngày 10/10/2024 Lý Ngọc Nga ghi chép. Tử Du hỗ trợ từ ngữ Pali. THIỀN Thưa Đại chúng, chúng ta tiếp tục học các chương còn lại của bộ Thắng Pháp Tập Yếu. Và như tôi đã giới thiệu từ trước thì bộ này nó có nhiều cách để mà mình tiếp cận: 1- Học như là một người tinh chuyên, nghiên cứu sâu sắc nhất như có thể để trở thành một, học theo cách nhìn của một học giả đó về bộ đó. 2- Cách thứ hai là học bộ đó một cách khái niệm để mình nắm bắt căn bản bộ nói cái gì. 3- Cách học thứ ba đó là mình tham khảo đại khái để mà có nền tảng tu tập Tuệ Quán. Bộ đó đó nhiều người thấy nó khô, thấy bộ đó khô lắm, và không nghĩ rằng bộ sách đó là nền tảng căn bản cho hành giả Tứ Niệm Xứ. Nghe qua thì rất là kỳ. Bởi vì Tứ Niệm Xứ là một cái gì đó rất là sinh động, trực quan, tại sao phải dựa vào sách vở khô khan, cứng nhắc như vậy? Nhưng mà không! Chúng ta phải có cái nền trước cái đã. Phải có cái nền! Thí dụ như là một nhạc sĩ, một họa sĩ, trước khi mà họ thật sự bay bổng trong cảnh giới sáng tác, thế giới của cảm hứng thì một cách căn bản họ phải nắm được những nguyên tắc. Ví dụ như hội họa là họ phải có những nguyên tắc của hội họa, và âm nhạc là phải có nguyên tắc của âm nhạc, thơ ca văn chương cũng vậy. Tức là trước khi chúng ta thật sự chắp cánh bay bổng vào khung trời lồng lộng đó, thì chúng ta cũng phải có những kiến thức rất là từ sơ cơ cho đến căn bản khái lược. Chứ mình không thể nào mà mình nói rằng nghệ thuật là bay bổng, nghệ thuật là cảm hứng, mà cảm hứng là vô bờ, cảm hứng là không biên giới, rồi mình muốn sao thì muốn là không được! Vì đó là ngoài đời. Còn nói trong đạo, thì đời sống nội tâm của một hành giả Tuệ Quán thì cái cần nó là một cái nhìn trực quan và thông thoáng tháo gỡ, tháo cởi, chứ không phải bị ràng buộc. Nhưng mà trên nền tảng của tháo gỡ, tháo cởi đó đó, chúng ta phải có một nền tảng kiến thức để chúng ta không bị đi lạc. Nhớ nha! Cái đó quan trọng lắm nha. Không bị đi lạc. Giờ tôi ví dụ chuyện nhẹ thôi, chuyện nhẹ nhàng thôi, tức là đời sống tỉnh thức của mình, mình muốn có một đời sống tỉnh thức – làm gì biết cái nấy tâm trạng, cảm xúc và hoạt động lớn nhỏ đều được ghi nhận, mà trong quá trình đó có cái gì xảy ra mình biết. Mình biết cái này là Ngã-mạn nè, mình biết cái này là Kiêu-ngạo nè, mình biết cái này là Bủn-xỉn nè, mình biết cái này là Ghen-tị nè. À! Mình biết cái này là giận nè, mình biết cái này đó là tham nè. Phải biết chứ. Biết thôi rồi bỏ qua, chứ không phải là chìm sâu ở trong đó. Không có ngồi đó mà cắm đầu phân tích thì không. Không có phân tích, chỉ biết nó là nó vậy thôi, rồi tiếp tục, đang theo dõi hơi thở thì cứ tiếp tục theo dõi hơi thở. Đang lặt rau, đang rửa chén thì cứ tiếp tục lặt rau, rửa chén một cách chánh niệm, tỉnh thức, chứ không không có làm gì hơn. Không có việc gì hơn nữa. Rồi từ từ, từ từ ở trên cái nền tảng của Chánh niệm, của Trí tuệ đó đó, nếu đủ duyên lành Ba La Mật thì nó nảy ra cái gì lúc đó quý vị biết. Nó nảy ra cái gì là các vị biết, chứ còn bây giờ mình nói sớm quá đó, thì chỉ có trật nhiều hơn trúng. Trật nhiều hơn trúng! Sáng hôm nay chúng ta học tiếp một chương nữa mà chúng tôi đã cân nhắc rất là nhiều là có nên nói chương này trước hay không. Đúng ra chúng ta học chương về Duyên, rồi mới học về Thiền hay là chúng ta học chương về Thiền trước rồi học Duyên sau. Thì thôi, thì nhân trận bão Milton vừa qua ở tại Tampa mà chúng tôi đang có mặt, chúng tôi nghĩ thôi thì nói trước về Thiền đi. Học trước chương về Thiền để có xài liền. Thưa bà con, trong vô số kiếp luân hồi ở bất cứ cảnh giới nào là chúng ta cũng vẫn quẩn quanh ở trong hai thứ: 1- Nói về sự hiện hữu đó là sự hiện hữu của 6 Căn, 6 Trần. 2- Còn nói về hoạt động cũng chỉ là hoạt động của 6 Căn trước 6 Trần. Chỉ vậy thôi. Từ hiện hữu cho tới hoạt động chỉ quẩn quanh trong 6 Căn, 6 Trần. Rồi thỉnh thoảng gặp Minh Sư, Thiện Hữu, trước 6 Trần chúng ta có một cái nhìn khác, để mà từ cảnh giới thấp kém chúng ta ngoi lên được một tí. Xong rồi đó. Ngoi lên được ít lâu chúng ta quay xuống trở lại như cũ, và cứ như vậy trong vô lượng kiếp luân hồi, cho đến bao giờ gặp được Phật có đủ duyên lành giác ngộ giải thoát, chứng Thánh – Niết Bàn, không còn sanh tử thì thôi. Chứ còn chuyện mà thỉnh thoảng từ ở dưới đáy sâu sanh tử mà ngoi lên chút đỉnh rồi chìm xuống trở lại chuyện đó xảy ra thường lắm. Ngoi đây có mấy cách. Trước hết trước khi nói "ngoi đầu" lên, thì mình phải nói chữ "cắm đầu" trước. Cắm đầu trước rồi mới là tính chuyện ngoi đầu sau. Cắm đầu trong cái gì? Có nghĩa là cũng 6 Căn, 6 Trần, nhưng mà chỉ có Thích và Ghét thôi. Tôi thích màu tím nè, tôi ghét màu đen nè, tôi thích ngọt nè, tôi ghét chua nè, thích đẹp nè, ghét xấu nè, thích mát ghét nực nè, thích ấm ghét lạnh nè. Thí dụ như vậy. Và cứ như vậy, 6 căn, 6 Trần, mà mình gọi là cứ gục mặt cắm đầu trong đó không có ra được. Từ thân phận của con ong cái kiến, con giun con dế, cho đến Thiên Chủ Đế Thích, Đại Phạm Thiên, thì cứ quẩn quanh chừng đó thôi, cứ thích trong đó thôi, chứ còn không có biết gì hết. Đó gọi là cắm đầu. Rồi bây giờ tới “ngoi đầu” nè. Ngoi nó có hai cách ngoi. 1- Cách một tức là cũng 6 Căn, 6 Trần đó thôi, nhưng mình nhìn thế giới, mình nhìn xã hội, mình nhìn cộng đồng, mình nhìn con người, nhìn tập thể và cá thể, tự nhiên mình nảy ra cái ý mình biết thương. Tôi nhắc lại: Dầu cá thể hay tập thể đều cũng là 6 Trần thôi, nhưng mà lúc này mình nhìn mình biết thương, biết lưu tâm, biết bố thí nè, biết phục vụ nè, biết bố thí, biết phục vụ, biết có đức hiếu sinh, biết giữ giới, đó là không sát nè, không trộm rồi không dâm, không dối, không tửu nè – Biết. Có đời sống đạo đức thì đó gọi là ngoi đầu cấp 1. Thay vì đó giờ mình chỉ biết cắm đầu ở trong cái thích ghét, buồn vui, bây giờ mình biết ngoi đầu lên, có nghĩa là xưa giờ chỉ biết thích ghét, buồn vui, bây giờ thì mình nhìn thế giới mình biết thương. Cái này là cái mà động vật cấp thấp nó không có. Con chó, con heo, nó không biết cái này, con giun, con dế nó không biết cái này. Ví dụ như con những con thú mà sống bầy đàn thì nó chỉ ái luyến bầy đàn đó thôi, chứ nó không có cái nhìn xa hơn. Nhưng mà mình là con người ở trường hợp mà ngoi đầu cấp một, thì mình thương. Cái thương của mình, cái lưu tâm của mình, nó vượt khỏi bản thân, vươn khỏi gia đình, nó vươn khỏi dòng họ, nó vươn khỏi những mối quan hệ quen biết, có liên hệ đến tình cảm quyền lợi của mình, mà mình biết nghĩ xa hơn, biết quan tâm đến cái bên ngoài cái vòng rào của gia đình, của dân tộc, của đất nước, của chủng loại, mà mình biết thương rộng ra muôn loài chúng sinh, để biết bố thí, để biết giữ giới, để biết từ tâm, để biết yêu thương, để biết trắc ẩn, để biết động lòng. Đấy. Đó là ngoi lên cấp 1. 2- Ngoi lên cấp 2 là sao? Tức là cũng 6 Căn, 6 Trần đó, nhưng mà xưa giờ thì nó có tới 50 ngàn tỷ cái thứ vật chất để mình quan tâm. Áo quần, ăn uống, rồi nam nữ, trai gái yêu đương, thù hận, thương ghét, phải không? Đủ thứ hết. 50 ngàn tỷ thứ Trần Cảnh, nhưng mà ở trường hợp mà ngoi đầu thứ 2 này nè thì chúng ta gom 50 ngàn tỷ cái thứ vật chất đó vào còn có 10 thứ thôi, đó là: Đất, Nước, Lửa, Gió, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Hư không, Ánh sáng. Có nghĩa là hành giả tu tập Thiền-định chứ không phải là Thiền-tuệ.Thiền-quán không phải, mà tu tập Thiền-định. Tức là họ chỉ là trong 50 ngàn tỷ thứ vật chất đó mình gom lại còn có 10 thứ thôi. Tức là chỉ tập tập trung niệm đề mục Đất, Nước, lửa, gió, cái này phải vào Thanh Tịnh Đạo rồi, nha. Phải vào Thanh Tịnh Đạo coi phần Định, người ta dạy cách tu Thiền. Tức là ngày xưa giờ mình lăng xăng, lăng xăng, chứ có bao giờ mình biết ngồi lại để mình theo dõi hơi thở không? Có không? Không. Hồi đó giờ mình đi đám ma là mình chỉ có hai cảm giác: một là thương nhớ, đau lòng, còn hai thấy ghê, thấy sợ. Nhưng kể từ bây giờ khi mà mình tu tập Thiền-định thì mình nhìn cái xác nhìn bằng một tâm cảm, nhìn bằng một nhận thức khác.Thí dụ như vậy. Hơi thở. Có ai mà sống trong đời này không có thở? Có phút nào mình không có thở không? Không có. Nhưng mà kể từ lúc mình tu tập Thiền-định thì mình biết theo dõi hơi thở ra vào, ra vào, ra vào. Đây là cách ngoi đầu thứ 2. Có nghĩa là 50 ngàn tỷ thứ vật chất mình gom lại còn có 10 đề mục. Để mà mình gom tâm tập trung tư tưởng thôi. Người đủ duyên luôn luôn – Tôi luôn luôn nói câu đủ duyên. Phải đủ duyên! Có nghĩa là tiền kiếp đã từng… Tiền kiếp gần chứ không phải tiền kiếp xa nha. Tiền kiếp xa thì ai cũng giống nhau hết. Tiền kiếp xa thì ai cũng ngũ nghịch đại tội, ai cũng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng giống nhau hết. Nhưng mà tiền kiếp gần, thì những tiền kiếp gần mà mình từng tu Thiền, đắc Thiền, chứng Thiền, có thần thông, có Thiền-định, có về Phạm-thiên nha. Những tiền kiếp gần nó còn để lại một dư âm, dư hưởng, dư vị – Nó còn để lại một thói quen, còn để lại một lực đẩy, còn lưu lại một lực đẩy để mà mình dễ dàng tu tập Thiền-định mình đắc chứng, tối thiểu là Sơ-thiền và cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thông qua 10 đề mục đó. Đương nhiên đó là nói tắt. Còn mà nói cho chi tiết chút thì 10 đề mục này là nó chỉ đưa mình đến tận cùng của Thiền Sắc Giới thôi. Sáng nay tôi giảng chương về Thiền. Thứ nhất là tôi nói về Thiền-định, là Thiền tập trung tư tưởng (Concentration meditation). Thiền thứ hai đó là cái gì? Insight meditation, có nghĩa là thiền Tuệ-quán hay là thiền Nội-quán. Nói Nội-quán thật ra không có nội ngoại gì hết. Insight là kiểu người Mỹ họ nói. Vipassanā có nghĩa là nhìn trong, nhìn ngoài, nhìn ta, nhìn người bằng một cái nhìn gọi là trực quan, khách quan, trung thực. Hồi xưa giờ mình nhìn vạn hữu ở đời, mọi thứ trên trần gian này mình nhìn nó như là mình muốn. Còn bây giờ nó sao mình thấy nó như vậy. Mình thấy nó như nó là. Có 2 cách quan sát thế giới: 1- Quan sát thế giới qua hiện tượng. 2- Quan sát qua bản thể. Quan sát hiện tượng nghĩa là quan sát vỏ ngoài của nó thôi. Còn quan sát bản thể là ngó sâu vào bên dưới lớp da ngoài của nó. Đó là cái nhìn về bản thể. Thí dụ như chiếc xe mình nhìn trên hiện tượng là Lamborghini, Mercedes, Mercedes, Lexus, Corolla Maxima, v.v… Xe đạp, xe Honda hai bánh, ba bánh, bốn bánh. Đó là nhìn trên hiện tượng. Còn nhìn trên bản thể đó là một đống phụ tùng, nhìn sâu hơn nữa đó là một đống kim loại, nhìn sâu hơn nữa đó là một cơ cấu vận hành của vật chất căn cứ trên những nguyên tắc vật lý để có thể vận hành một cổ máy. Đó là nhìn theo mặt bản thể. Đó là ví dụ thôi nha. Chứ còn theo A Tỳ Đàm, cái nhìn trên bản thể là nhìn thấy rằng mọi thứ vật chất đều dựa trên nền tảng của Đất, Nước, Lửa, Gió, Hư không, Ánh sáng, để mà vận hành theo các Duyên. Duyên còn thì nó vận hành hiện hữu, tồn tại. Duyên hết thì nó biến mất. Chỉ vậy thôi. Đó là nhìn bản thể. Trong cái nhìn bản thể thì không có nam – nữ, đực – cái, trống – mái, đẹp – xấu, trên – dưới, trong – ngoài, gần – xa, đen – trắng, cao – thấp, mập – ốm. Không còn những khái niệm đối đãi đó nữa. Không còn những khái niệm nhị nguyên đó nữa. Nhớ cái đó! Đó gọi là cái nhìn bản thể. Chúng ta có hai cách nhìn. Và về đường hướng, cách thế, cách thức thì chúng ta có 2 cách quan sát thế giới: 1- Cách một là nhìn nó như ý mình muốn. 2- Cách hai nhìn nó như nó là. Trong 2 cách nhìn, 2 cái đối tượng bản thể và hiện tượng nó cũng như vậy. Thế giới có 2 góc nhìn, nhìn về bản thể nó có 2, mình nhìn về hiện tượng có 2. Nhìn về hiện tượng nãy tôi nói rồi. Nhìn về hiện tượng nhìn cái vỏ ngoài đó nó có 2 cách nhìn: Nhìn nó như nó là và nhìn nó như mình muốn. Rồi bản thể cũng vậy: Nhìn nó như nó là và nhìn nó như mình muốn. Thí dụ như tôi nói 1000 tỷ lần là cái thí dụ người mà biết chơi Bonsai, họ nhìn một cái gốc cây mục họ thấy trong đó núi non trùng điệp của hang hốc, rồi có ông Tiều, rồi có vị Sơn-tăng, rồi có thôn nữ thấp thoáng lẩn khuất ở trong đó. Còn người mà không có biết Bonsai là mấy bà nội trợ của tôi là bả thấy gốc cây mục là bả nghĩ tới chuyện đem đi chụm thôi. Thấy chưa? Nhiều và nhiều nữa. Tức là mỗi người tùy vào cái trình độ, cái nền tảng tâm thức, mà mình đánh giá ngoại Trần nó tùy thuộc theo khả năng của mình. Từ đó nó mới có cái câu là: "Trình độ dẫn đến thái độ" là vậy. Thái độ nghĩa là cái phản ứng tâm lý của mình trước ngoại Trần. Hiểu không? Rồi. Đại khái nó là như vậy đó. Như vậy thì thế giới nó có 2 góc nhìn: 1- Góc nhìn về bản thể. 2- Góc nhìn về hiện tượng. Ở mỗi bản thể và hiện tượng đó nó lại có 2 hướng nhìn nữa, đó là: 1- Nhìn như mình muốn. 2- Nhìn như nó là. Mình mới đem 2 cách nhìn này mình quan sát bản thể và quan sát hiện tượng. Cứ như vậy. Và cuộc sống nó cứ lặp đi lặp lại từ đời này sang kiếp khác. Cho nên tiếng Phạn gọi nó là “saṃsāra”. Có nghĩa là gì? Là lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại một cái vòng tròn quẩn quanh. Cái này quan trọng lắm lắm luôn. Mà Tuệ-quán là gì? Tuệ-quán là trước hết là mình phải nhìn thế giới qua hiện tượng, và về lâu về dài nó chuyển sang bản thể hồi nào mình không hay. Là một. Thứ hai, buổi đầu là mình chưa biết Phật-pháp thì mình nhìn nó như là mình muốn. Kể từ lúc là hành giả Niệm-xứ là mình phải bỏ cách nhìn đó đi, mà mình chỉ còn nhìn nó theo nhìn nó như nó là. Dầu đó là hiện tượng hay bản thể thì phải tập sự nhìn nó như nó là. Ừ. Nhìn cái lá biết sớm muộn gì nó cũng héo, cũng khô, cũng rụng, cũng mục, cũng thành đất. Nhìn nó như nó là dầu đau lòng cách mấy cũng phải thấy như vậy. Trong kinh Phật dạy dầu muốn dầu không mỗi ngày phải nhớ mấy điều sau đây: ☆ Ta thích hay ghét cái việc đó, chỉ cần nó là thiện – ác, thì ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cái thiện – ác mà mình làm. Nghe kỹ không? Dầu cái việc đó ta thích hay ta ghét, miễn là nó nằm trong cái thiện – ác, thì khi mà ta thực hiện, đó là ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cái việc ta làm. Đó là cách nhìn mà như nó là. Chứ còn đằng này là mình không biết Phật-pháp mình cứ tưởng là đâm heo, thuốc chó, giết người, cướp của, giết người, cưỡng bức phụ nữ cái đó mới là ác. Chết rồi! Đâu có! Hiểu vậy nghèo quá! Một cái ý bất mãn người khác, hấy, nguýt, lườm, liếc người khác đã ác rồi. Châm một câu mà để cho người ta đau đầu cho người ta mất ngủ, cho người ta lên máu, châm một câu mà cho người ta tan nhà nát cửa, chia loan rẽ phụng thì đã là ác rồi. Một câu nói vành môi thôi nha chứ không cần mà phải máu lệ nó tràn ra đó mới gọi là ác. Tới đó là chết bà rồi! Không có cần, cái đó là ghê quá rồi! Đằng này mình chỉ phang ra câu để cho người ta bực bội, cho người ta đau lòng đó là đủ ác, phải không? Mình phải có cái gan mình thấy cái đó. Phải có cái gan thấy cái đó, quan sát nó như nó là, có cái gan, và đi xa hơn nữa là mình phải có đủ khách quan và trung thực để mình quan sát mình như là mình đang quan sát một người khác. Trong kinh nói là hãy quan sát mình. Trong kinh trong bộ Kālāma 3 tập có một cuốn mà tôi trích dẫn bài kinh đó: ☆ Hãy nhìn mình như một người đang ngồi mà nhìn người khác đang đi, một người đang đi nhìn người khác đang nằm, một người đang nằm nhìn người khác đang ngồi. Giống như vậy. Phải khách quan như vậy đó. Cái objective với cái subjective – hai cái nhìn này rất quan trọng. Cái objective view và cái subjective view rất là quan trọng. Thế giới này nó ra sao là bởi gì? The world is what you see – Thế giới này nó chính là cái mà anh nhìn thấy. Anh thấy nó ra sao thế giới nó như vậy. Các vị biết tôi nè. Tôi là người đang hầu chuyện với các vị. Tôi có một sở thích rất là quái đản các vị biết không? Là tôi rất là mê những ngày trời xanh, nắng vàng, mây trắng. Cái đó là bình thường. Nhưng mà tôi còn rất mê những ngày mà u ám, gió lạnh lạnh se se. Có. Tôi cảm, tôi cũng mê được nó nữa, Tôi mê, tôi thích lắm. Thích những lúc buổi chiều đó. Bây giờ tôi già rồi chứ hồi tôi trẻ mấy chục năm trước, tôi rất là bệnh hoạn ở chỗ là tôi thích buồn các vị biết không? Thích buồn. Nó đang OK vậy đó tự nhiên thích buồn. Thích trời âm u rồi nước sông nó dâng lên, rồi có cái mùi hơi nước tanh tanh đó, rồi gió đâu nó thổi về, rồi nghe, hoặc là sau một cơn mưa, rồi trời chưa kịp nắng, rồi nghe trong gió có một chút hoa lài, hoa lý, nhớ ông bà ông vải gì nó bâng khuâng, nó lâng lâng nhè nhẹ vậy đó. Khoái lắm. Tức là cái thế giới này nó ra sao là do mình nhìn nó. Chứ thật ra thì đâu có ngày nào buồn. Đâu có ngày nào buồn. Nhưng mà khi mình thích thì nó không phải là ngày buồn nữa. Mình thích nó. Còn hễ mình ghét nó thì nó không có ngày nào là đẹp hết. Nhớ không? Mà người tu tập Tuệ Quán thì phải sao ta? Nhìn nó như nó là. Mặc dù anh đang quan sát về hiện tượng hay bản thể, nhưng mà lúc nào anh cũng phải nhìn nó như nó là. Từ một chiếc lá, một giọt nước, một vệt sương trên đầu lá, ngọn cỏ đến một ngọn núi, một hồ nước. Đó là những hiện tượng, thì mình cũng phải nhìn nó với một nhận thức rất là rõ: Đó là mọi thứ là do Duyên mà có, thích ghét là do hiểu lầm, do hoàn cảnh đẩy đưa, do tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý. Chỉ nhớ nhiêu đó thôi. Mọi thứ thích, ghét, buồn, vui, ở đời là do 3 cái đó. Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Ừ. Chỉ vậy thôi. Tôi nói hoài còn nhớ không? Tiền nghiệp là sao? Tức là do nghiệp thiện ác quá khứ mà nó đẩy mình vào môi trường sống hiện tại mình làm con chó, con heo, con mèo, con vịt, con chuột, con rắn gì đó, thì trong thân phận hình hài đó đó, mình quan sát thế giới nó ngang với cái tầm nhận thức của mình. Các nhà khoa học cho mình biết những loài mà bốn chân, nói chung là trừ loài người ra, loài động vật mà gọi là lưng với đầu mà ngang nhau thì nó không có khả năng là quan sát thế giới qua 3 chiều không gian. Tụi nó chỉ có 2 chiều thôi. Mà khi nó không có khả năng quan sát thế giới qua 3 chiều không gian thì sao ta? Nó nhìn thế giới khác đi nhiều lắm luôn. Nhiều lắm luôn. Và khi 6 Căn chúng ta không đủ, mình nhìn thế giới nó khác. Thí dụ mình bị mù, mình bị điếc, mình bị nghẹt mũi, lưỡi mình nó mất vị giác, thân mình mất xúc giác. Hoặc là khi về ý thức mình bị tâm thần, hoặc mình bị say rượu, hoặc là mình đang bị buồn ngủ, hoặc là mình đang giận, đang vui, thì mình nhìn thế giới nó khác đi. Cả 6 Căn mình nói là của mình? Không. Của Duyên. Của Duyên nha. Tức là mắt có vấn đề, tai có vấn đề, mũi, lưỡi, thân có vấn đề, rồi ý thức có vấn đề, thì mình nhìn thế giới sẽ khác đi nhiều lắm. Và cái anh mà tu tập Tuệ Quán là ảnh phải biết cái chuyện này, ảnh phải có cái nhận thức này, ảnh quan sát thế giới này. À thì ra không có cái gì là hằng số tuyệt đối hết. Không có. Tất cả nó là nó vậy thôi. Còn chuyện mà người ta đánh giá nó ra sao thì tùy thuộc vào nền tảng tâm thức của mọi cá nhân, và nền tảng đó nó gồm có tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Do tiền nghiệp anh phải làm người người Do Thái, do tiền nghiệp anh phải làm một người đàn bà Châu Phi, rồi trên nền tảng, trên thân phận hình hài của một người Do Thái, một người Châu Phi đó anh có những cái thích nó không giống dân tộc khác. Và khi anh thích cái gì thì anh sẽ ghét cái ngược lại. Thế là người đàn bà Do Thái đó có những cái thích không giống ai, và có những cái ghét không giống những dân tộc khác, chỉ giống đồng bào của bả thôi. Bởi vì khi mình thích cái gì mình sẽ ghét cái ngược lại. Và khi ghét cái gì mình sẽ thích cái ngược lại. Nhớ không? Hành giả Tứ Niệm Xứ phải hiểu như vậy. Phải hiểu rằng trên đời này cái gì đi nữa, những cái gì mình thích và ghét, nó chỉ là những giá trị mặc định, ước lệ, và rất là tương đối, rất là tương đối. Máu tươi và phân động vật mình nghe là mình đã lợm giọng, phải không? Vậy đó mà có những cái loài nó mê đắm mê đuối, mê đắm mê đuối, phải không? Máu tươi và phân động vật, rồi xác động vật còn kinh khủng nữa. Xác động vật mà phải trương phình, phải chảy nước bốc mùi, mình nghe là mình đã thấy lợm giọng. Nhưng mà nó có những loài đó là nó nghe cái mùi đó là nó mê mệt, nó đắm đuối. Có. Có những loài mà nó nghe mùi mà xác động vật ấy nó điên lên được, sung sướng, đắm đuối, đê mê, hưng phấn, phấn kích, phấn khởi, hồ hởi, phấn khởi. Trong khi mình nghe nói xác động vật là mình đã nổi da gà rồi, phải không? Hành giả Tứ Niệm Xứ hiểu là hiểu cái đó. Hiểu: À thì ra tất cả mọi giá trị trên đời, mọi thang giá trị trên đời đều rất đổi tương đối. Nhớ nha! Thì đó là hành giả Tuệ-quán. Sáng hôm nay chúng ta học về chương là chương về chữ Thiền. Chữ Thiền ở trong Phật Giáo Nguyên Thủy nó có hai là: 1- Ārammaṇūpanijjhāna, có nghĩa là Thiền Định, Thiền Samatha đó. 2- Còn Lakkhaṇūpanijjhāna là Thiền-quán, tức là quan sát bản tướng như chân như thật của vạn hữu. Đó là Thiền-quán. Vậy có hai thứ: Một là Ārammaṇūpanijjhāna là Thiền-chỉ, và thứ hai nữa là Lakkhaṇūpanijjhāna là Thiền-quán. Một cái là tập trung vào Cảnh, còn một cái là Quán-chiếu bản tướng của nó một cách sinh động, trực quan. Nhớ nha! Chúng ta có tất cả là bao nhiêu cách nhìn, thì có nghĩa là có bao nhiêu cách sống. Và có bao nhiêu cách nhìn, có bao nhiêu cách sống thì cũng có bấy nhiêu cái đường đi, lối về, chốn về. Và cũng từ đó nó hình thành nên bao nhiêu là thân phận, bao nhiêu là thứ hình hài, bao nhiêu là thứ chủng loại, bao nhiêu là kiếp đời buồn vui, trôi nổi thăng trầm. OK. Nói nhiều cũng vậy thôi. Cho bà con một cái nền, rồi khi nào có nhu cầu thật sự, xin mời. Ta mời nhau về Kālāma, ta mời nhau sang Thụy Sĩ chúng ta học sâu hơn, rộng hơn. Chứ còn một lớp học dạy cho đại chúng không chuyên mà từ muôn phương không thấy mặt nhau, thì bà cố tôi không có dám giảng sâu, giảng chỉ thêm khổ cái thân già của tôi thôi. Chúc các vị một ngày vui./. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. ☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây: https://www.youtube.com/live/8--VcwoudOo?si=OjGEAkWk0ZrHiVRc --------------------------- Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
Youtube video Xem thêm: |