← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 44

Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Giới thiệu Chú giải Bộ Phân Tích

Sau những cân nhắc, chúng tôi quyết định giảng bộ Sớ Giải "Sammohavinodanī" của A Tỳ Đàm, thì 7 bộ Chánh Tạng, trong đó gồm có 3 bộ Chú Giải.

Thì mình nghe đó là lấy 3 mà giải 7 thì mình thấy làm như là hơi ít, nhưng mà không, là tên sách thôi, tức là nội dung của 7 bộ gom vào trong 3 cuốn, thì bộ mà chúng tôi bắt đầu giảng đây nè, đó là bộ Sớ Giải thứ hai của tạng A Tỳ Đàm, trong đó nói đến 18 tiêu đề giáo lý cốt lõi. Giáo lý thì mênh mông, muốn nói bao nhiêu cũng được, phải không? Thì nói gọn lại có 5, 7, 8, 10, 15, 21, 40, nói bao nhiêu cũng được, nhưng mà dĩ nhiên là nó theo kinh nha. Kinh phân chứ còn chúng ta không có tự phân.

Thì riêng ở đây là Đức Thế Tôn, cái này chính Đức Phật khi mà Ngài giảng đến bộ A Tỳ Đàm thứ hai, thì Ngài gom hết tất cả vấn đề của thế giới nói chung, trong và ngoài chúng ta và vô lượng vũ trụ, gom lại còn có 18 vấn đề lớn thôi. Tức là biết được, nắm được 18 vấn đề đó từ góc nhìn của Phật Pháp thì mình không có còn hoang mang, nghi hoặc về bản thân, về thế giới nữa. Và biết rõ mình ở đâu mình tới, mình sẽ đi về đâu, mình được cấu tạo như thế nào, và chuyện quan trọng nhất là mình cần phải làm cái gì ngay tại đây và bây giờ.

Đó là 18 tiêu đề giáo lý đó giúp chúng ta giải quyết chừng ấy vấn đề. Biết rõ mình là ai, là gì trong trời đất này? Mình ở đâu mình tới? Mình sẽ đi về đâu? Và bây giờ là mình cần làm cái gì? Và cái gọi là thân, tâm thiện ác, buồn vui của mình nó cấu tạo rồi nó vận hành ra sao? Nó sanh diệt, nó vô thường, nó biến chuyển như thế nào? Đó là 18 tiêu đề giáo lý.

Thì trước hết, trước khi giảng vào bộ Sớ Giải này nè, chúng tôi muốn nhắc đến một chuyện, vấn đề đầu tiên được Ngài Xá Lợi Phất Ngài nhắc đến trong bộ "Pațisambhidāmagga", suýt một chút nữa là tôi đã giảng bộ đó rồi, nhưng mà cuối cùng thì chọn bộ này. Ở trong bộ "Pațisambhidāmagga" Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy cho chúng ta thấy rằng là thế giới này nó là một khu rừng, một khu rừng tối, một khu rừng đêm, khu rừng là thấy mệt rồi, còn đêm nó mệt hơn nữa. Khu rừng đêm. Chúng ta từ vô thủy luân hồi đó là những người mù, những người loạn trí, đã mù là mệt rồi còn thêm có loạn trí nữa. Mù mà còn khùng nữa mới ghê. Mù mà còn bị loạn trí.

Thì thỉnh thoảng trên bước đường mà lưu lạc đó đó, chúng ta gặp được môi trường sống gồm có chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, và thầy bạn tốt, để mình tiếp xúc gặp gỡ. Cái từ gọi là Minh-sư, Thiện-hữu kalyāṇasampavaṅka, kalyāṇamittatā, mà sẵn đây cho tôi lạc đề chút, nói cái này tôi ngứa miệng lắm, Việt Nam mình lâu nay nhất là gần đây có phong trào là thích tên Pāḷi, thích pháp danh Pāḷi, tên cho bản thân mình hay là cho nhóm của mình, mà tôi năn nỉ các vị lần nữa đó, tiếng Pāḷi nó giống y chang như tất cả ngôn ngữ trên đời, có nghĩa là mình không có nên tùy ý, tự ý, tùy tiện mà mình lắp ghép nó kỳ dữ lắm, kỳ lắm, phải không? Tự nhiên có cái nhóm là "Kusalā-Mettā", thì mình cứ nghe mang máng "Kusalā" là thiện, "Mettā' là bạn, hay là nhóm bạn lành hay là nhóm thiện hữu, mình ghép thành "Kusalā-Mettā", coi nó kỳ lắm, kỳ lắm, ai mà biết ngoại ngữ biết rằng người Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Tây Ban Nha, Do Thái, người ta không có tùy ý người ta ghép kiểu đó kỳ lắm, phải không? Kỳ lắm. Và cho tôi xin giấu địa chỉ cụ thể, bị dễ gây phiền, tức là có một chùa ở Việt Nam mình, chùa nổi tiếng, lấy cái tên Pāḷi rất là kỳ, tự ghép mà tự nhiên ngồi cái ghép, ghép lại, mà cái chán nhất là Chư Tăng Tích Lan người ta qua bên xứ mình, người ta thấy tên chùa cái người ta khó chịu lắm, bởi vì người ta toàn là Tổ Sư Pāḷi không à. Mà thấy cái tên đó nó kỳ dữ lắm, nó gượng dữ lắm. Họ hỏi nhau đã đành, mà họ lại đi hỏi một ông Sư Việt Nam ngồi bên cạnh họ hỏi chứ, sao mà chữ tên Pāḷi mà nó quê vậy? Nó quê vậy? Họ hỏi. Thì chúng ta biết rằng trong tiếng Pāḷi nó giàu lắm, nó không phải là cứ năm, ba chữ nó ghép ra. Thí dụ như là bạn lành, mình thấy chữ lành đây là "Kusalā", không phải. Chữ mà Đức Phật dùng là kalyāṇamitta, kalyāṇasampavaṅka, kalyāṇasahāya, chứ không phải là như mình xài "Kusalā-Mettā" do mình tự mình ghép rất là kỳ. Còn Giới, thí dụ như mình mình nghĩ là Giới-luật, người mà có Giới-luật trong sạch mình dịch là "kusalasīla" nó kỳ lắm, nó ba trợn, trong khi Pāḷi có cái chữ rất là đẹp, đó là pesala, tức là người mà có Giới-luật ngon lành. Thì trong Pāḷi mới giải thích cho mình pemanīya sīla tức là Giới đáng quý, đáng kính, đáng thương mến, viết tắt là pesala.

Tự nhiên nói lạc đề chút vậy thôi, tôi quay trở lại, thế giới này là một khu rừng đêm, mà chúng ta vừa mù mà vừa khùng, thì lâu lâu như vậy, trên bước đường đi do một phước lành nào đó mà được làm người, mình được gặp Minh-sư, Thiện-hữu mình bớt khùng chút. Mắt mình ngó thấy được chút. Các vị hỏi tôi bớt khùng chút là bớt sao? Thì các vị biết khùng có nhiều loại lắm, ví dụ như là, nói chữ "khùng" thì nó hơi nặng, nhưng mà mình tạm gọi có vấn đề là tâm thần ý, nó có nhiều loại, thí dụ như mình thấy lẫn của người già đi. Mình nói lẫn đi, là mình thấy có Alzheimer, có amnesia, lẫn nó có nhiều loại, tâm thần cũng vậy, nó có tâm thần mà tâm thần là giai đoạn có cơn, rồi có loại giai đoạn tâm thần mà thường trực, khùng có loại khùng mà sinh hoạt bình thường nhưng mà suy nghĩ nó hơi lệch lạc tí.

Thí dụ như họ sợ cái gì đó một cách không kiểm soát, họ thích một cái gì đó không kiểm soát, rồi ngoài cái giây phút đó ra thì họ là người bình thường. Cái đó cũng kể là khùng nữa, nhưng mà khùng nhẹ. Nói đừng có buồn chứ người Việt mình, bách khoa mình nó nghèo lắm, kiến thức bách khoa mình nó nghèo cho nên mình nghe nói mình sốc. Mình nghe nói tới chữ "khùng" đó cái mình khó chịu, hoặc là mình hình dung ra phải là nhảy tưng tưng vậy đó, rồi bốc rác mà ăn không biết dơ sạch, không biết mắc cỡ, đó là khùng, nhưng mà không.

Nói trên bệnh lý cái gọi là tâm thần nó nhiều lắm, sợ cái gì đó, thích cái gì đó, ghét cái gì đó, đam mê đắm đuối cái gì đó một cách không kiểm soát, và thỉnh thoảng thôi, thì cái đó cũng gọi là khùng. Ừ. Khùng.

Rồi có người khùng thường trực, nó đang ngũ dựng nó dậy nó cũng khùng, suốt ngày mười mấy tiếng đồng hồ nó cũng khùng, nó ngủ thì thôi mà hễ dựng nó dậy nữa khuya là nó khùng. Đó
là khùng chuyên nghiệp. Khùng chính thống. Còn có cái khùng không chuyên nghiệp, không chính thống đó là khùng cơn. Thì trong vòng luân hồi mình cũng vậy, lâu lâu mình tỉnh chút, nhưng mà cũng còn khùng lại ba mớ. Mình có những cái lệch lạc trong cái nhận thức, nhưng mà lệch lạc nhẹ thôi, nhẹ thôi. Sinh hoạt thì ngó cũng bình thường, cũng biết làm lành lánh dữ, cũng biết hiếu thuận, biết vị tha, biết trách nhiệm, biết thẹn, biết sợ, biết tùm lum hay lắm, nhưng mà nó còn giữ lại mớ khá khá để dằn túi, đó gọi là phật tử khùng.

Còn mù là sao? Tức là có những cái nó không chịu thấy, mù mà mù 100%, chúng ta chỉ biết có cái mù 100% thôi, nhưng mà trong tinh thần thì có, trong tinh thần về mặt tâm linh tinh thần có nhiều kiểu mù lắm. Mù là mù tịch không thấy gì hết. Thí dụ như con giun, con dế, phải không? Con trâu, con heo, đó là về mặt tinh thần coi như nó mù 100%. Nhưng mà con người mình nó có nhiều kiểu mù đặc biệt lắm. Tức là nó chỉ thấy được cái chuyện này mà chuyện kia hoàn toàn nó không có thấy. Giống như trong ngành Y có bệnh là bệnh mù màu, tức là có những cái màu nó thấy không có được, nó thấy cái màu này ra màu kia.

Rất là nhiều cái kiểu, về mặt tâm linh chúng ta có nhiều cách mù lắm, chúng ta do ghét mà chúng ta có một số chuyện chúng ta không chịu thấy. Do thích mà có số chuyện chúng ta không chịu thấy. Từ quan điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội, rồi có nhiều khi do cái dốt nữa, do cái dốt của mình, tùy thuộc vào kiến thức của mình, mà mình chỉ thấy được ở một số chuyện, một số chuyện mình không thấy, mình không ngờ được, không hình dung được, không nghĩ ra được.

Cho nên ông Einstein ổng có phân biệt rất rõ cái điểm khác biệt, ổng nói có điểm khác biệt rất lớn giữa cái gọi là cái "knowledge" và "imagination", tức là cái kiến thức và cái khả năng hình dung, tưởng tượng, ổng nói hai đó khác nhau xa lắm. Bởi vì cái kiến thức thì có thể trường lớp cho mình, nhưng mà cái khả năng hình dung là khó lắm. Hai anh đều là 4 năm đại học hết, cứ tạm cho đi, tạm cho là kiến thức giống nhau, nhưng mà "knowledge" nó là giống nhau, nhưng mà "imagination", cái khả năng hình dung nó khác nhau xa lắm. Có anh học xong lấy bằng đại học cái đi kiếm cơm, không có thêm một phát minh, phát kiến, phát hiện gì hết. Không có. Đối với ảnh là đúng bài thôi, đúng bài mới làm được, đúng bài, trúng tủ mới làm được, chứ còn ngoài bài, ngoài tủ ra chịu chết. Ông Einstein thì ông có cho mình biết rằng có một cái điểm khác biệt rất lớn, giữa cái gọi là kiến thức và khả năng hình dung. Ừ.

Thì Ngài Xá Lợi Phất Ngài cho mình biết, mình là vừa bị khùng và vừa bị mù trong vô số kiếp, thì lâu lâu mình lóe sáng lên được tí, nó tối trở lại, rồi nó mù trở lại, rồi nó khùng trở lại, thì cứ như vậy đến một lúc nào đó mà mình may mắn, mình gặp được Hiền Thánh. Hiền Thánh là cái gì? Là cũng những người thông tuệ. Nhưng mà cái thông tuệ của họ là người biết được con đường đi ra, đi ra khỏi cái quẩn quanh, cái lòng vòng của sinh tử. Chứ còn tất cả những Hiền Trí trong đời, nếu không phải là Hiền Thánh thì cứ con cò xanh nhảy quanh hòn đá, chờ nước cạn bắt cá, bắt tôm. Kiểu mà "Gà què ăn quẫn cối xay, kiểu mà kiến bò quanh miệng chén". Cứ là "Vân Tiên cõng Mẹ chạy ra, rồi gặp phải cột nhà cõng Mẹ chạy vô". Cứ như vậy đó. Mà cứ đi vòng vòng, vòng vòng vô số kiếp sữa Mẹ mình bú nhiều hơn nước bốn biển, lệ máu mà mình đổ ra nhiều hơn nước bốn biển, là không có chịu sáng mắt, không có chịu tỉnh trí. Không. Vừa khùng, vừa mù, vừa khùng, vừa mù.

Thì Ngài nói cho mình biết đến một lúc nào do duyên may hãn hữu nào đó gặp được Hiền Thánh, chúng ta bèn có 5 loại Trí sau đây:
1- Là Trí do nghe.
Trí do nghe mà có, do nghe, do học, do đọc, gom lại thành một nha. Nghe - học - đọc, gom lại thành một, tức là trí do nghe. Tiếng Phạn gọi là sutamaya.

2- Trí do thực hiện những biện pháp kiểm soát thân, khẩu. Tiếng Phạn gọi là saṃvareti, tức là Giới. Do thực hiện một số biện pháp là kiêm soát thân, khẩu bèn có thêm mớ trí nữa.
- Do nghe chúng ta hiểu được những điều mà mình chưa từng hiểu, chưa từng biết, chưa từng học và chưa từng hình dung, tưởng tượng ra, do nghe giúp mình mớ, bớt mù mớ, bớt khùng mớ. Giữa khu rừng khuya bất trắc trùng trùng thì mình sáng mắt được tí cũng đỡ, bớt khùng tí cũng đỡ. Do nghe. Trong kinh Đức Phật Ngài dùng một hình ảnh rất là độc đáo, đó là Ngài nói ông thợ mộc, ổng dùng cái nêm này ổng đánh văng cái nêm kia. Trong đây có ai biết cái đó không? Cái nêm đó nêm gỗ thợ mộc, giờ ổng muốn lấy cái nêm cũ ra ổng phải lấy cái nêm mới đánh bật nêm đó ra. Cái vị trí đó, cái không gian đó, nó chỉ vừa đủ cho một cái nêm thôi. Hễ cái mới vô thì cũ phải đi ra, cái cũ phải đi ra cái mới nó mới vô được. Trong cái chén, cái tô, cái tủ, cái thau, cái thùng, cái nồi cũng vậy. Cái cũ phải đi thì cái mới nó mới vô được. Cái đầu mình cũng vậy. Phải có kiến thức mới nó vô thì mấy cái cũ nó mới đi ra được. Mà tại sao phải bỏ cái cũ? Vì cái cũ mà mình khổ, vì cái cũ mà mình bị khùng, vì cái cũ mà mình bị mù, thì bây giờ phải thêm cái mới vô. Thì đương nhiên có những cái mới xài không được. Có. Và có những cái cũ xài được, nhưng mà không phải vì cái cũ xài được rồi mình ôm hết mấy cái cũ. Không phải vì cái mới xài được rồi mình ôm hết mấy cái mới. Không. Mà phải có lắng nghe để biết cái gì cần giữ lại, cái gì cần phát triển, cái gì cần giảm bớt, và cái gì cần triệt tiêu. Cái gì cần có, cái gì cần thêm. Nha. Bốn cái.
- Cái gì cần có,
- Cái gì cần thêm,
- Cái gì cần bớt,
- Cái gì cần dẹp luôn.
Mà ở đâu nó ra? Bước đầu phải nghe thôi. Phải nghe, phải học, phải đọc, thì nó mới có được khả năng chọn lọc đó. Khả năng chọn lọc đó không phải dễ đâu, rất là khó, phải nhờ nghe. Nhưng mà đủ chưa? Chưa. Nó có những cảnh giới mà không phải ai cũng biết, đó là cảnh giới của người có đạo đức và người không có đạo đức. Ở đây hồi nãy tôi nói động từ samvareti, mình sống có kiểm soát là mình bước một bước lên trên thềm nhà của Hiền Thánh, trong khi xưa giờ mình ở dưới ruộng không hà, mình ở dưới ruộng, mình dưới cống, mình dưới trong hố xí, nha. Thì tầm nhìn của mình nó hạn chế ghê lắm. Bây giờ mình phải tắm rửa cho sạch. Phải tắm cho sạch. Phải không? Kỳ cọ chân tay ngon lành, đầu tóc, tóc tai ngon lành, mang dép mang giày vô, phải không? Mới leo lên chỗ cao, chỗ sạch, chỗ thông thoáng, có nắng, có gió, để mà đứng. Thì lúc đó mình mới có cơ hội, mình mới tiếp xúc thêm rất là nhiều người, và có cơ hội để lui tới rất là nhiều nơi. Nha. Khi mình sạch sẽ đó. Khi mình sạch sẽ thì mình sẽ sống trong một tâm tình, một cảm xúc rất là mới. Tin tôi đi.

Mà tôi nghĩ nói vậy thôi, chứ mà trong room biết, khi mà mình mẩy mình nó dơ hầy vậy đó, phải không? Cái suy nghĩ mình nó khác. Mà cứ nghe lời tôi đi, tắm rửa sạch sẽ, phải không? Lên đèn cho nó ngon lành bóng láng. Phải không? Giày dép, mũ nón, dây nịch, đồng hồ, cà vạt, phải không? Ba lô ngon lành. Rồi bắt đầu mới bước ra phố. Chứ bây giờ mình mẩy sình không sao đi đâu? Nó kẹt cái chỗ là cái mình nó dơ không có đi đâu. Và có rất là nhiều người mình không thể gặp họ được ở trong cái hình thức như vậy. Mà tại sao mình phải sạch, mình phải ổn định, mình phải ở trong tình trạng được kiểm soát, thì mình mới có thể đi đến rất là nhiều nơi, và có thể gặp gỡ rất là nhiều người. Các vị tưởng tượng đi, một ông Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, một ông Tổng Giám Đốc có bao giờ mà ổng dừng lại ổng nói chuyện với một người mà mình mẩy dính phân mà từ trên đầu xuống tới chân không? Khó lắm.

Thứ hai, vị trí của ổng, thân phận của ổng, làm sao mà ổng có mặt ở cái chỗ đó được? Thế là đừng hòng gặp ổng, và trong cái hình thức như vậy, có những nơi chốn chúng ta không có đặt chân đến được. Chúng ta biết mà, nó có những nhà hàng, có những khách sạn mà không có mặc đồ "Vest" họ không có "Welcome". Không có. Có những tiệm ăn mình mặc xà lỏn, mang dép lê, dép tổ ong mình vô họ Ok. Có. Chẳng hạn như mấy quán ăn vỉa hè hoặc mấy quán bình dân. Nhưng mà những tiệm ăn mà coi như là cao cấp 5 sao, 3 sao, thì đừng có trách người ta khinh người, mà đó là nguyên tắc, phải không? Bảo vệ họ đứng trước chỗ lễ phòng, lễ tân, mà họ thấy mình mà cứ xà lỏn, áo ba lỗ, rồi đi chân trần hay là dép kẹp, dép tổ ong, dép lê dép tổ ong, họ nói thẳng, họ mời mình ra, rất khó.

Cho nên có những người mình không thể gặp, có những nơi chốn mình không thể tới, và đặc biệt bản thân mình khi mình dơ quá đó, cái tâm tình, cái tâm tư, cái cảm xúc của mình nó khác. Mình sạch sẽ rồi nó khác. Thế là cái trí đầu tiên là trí do nghe, học, đọc, gom lại thành một. Đó là trí do nghe.

Trí thứ hai đó là anh phải làm sạch thân, khẩu của anh. Anh phải làm sạch. Trong cái tâm tình, trong cái cảm xúc của người mà sạch, họ mới ngộ ra rất là nhiều điều mà hồi dơ họ không có thấy. Yeah.

Vì sao vậy? Vì ở đời sống sạch sẽ đó, ở đây là sạch sẽ về thân nghiệp, khẩu nghiệp, trong tâm tình đó, họ mới có cơ hội, họ mới có điều kiện tâm lý, để họ nhận ra một góc nhỏ cái gọi là đời sống của Hiền Thánh.

Còn suốt ngày cái đầu mình nó cứ nghĩ đến ba cái chuyện bất tịnh không, thì đừng hòng mà rờ tới được bậc thềm của Hiền Thánh. Mà bậc thềm người ta mình rờ không được thì làm sao mình đặt chân lên được? Mình phải có khả năng rờ chứ, trong cái tầm tay, trong cái tầm với của mình, bất cứ chỗ nào mình muốn bước lên thì cái đó nó phải nằm trong tầm tay của mình, trong bước chân của mình chứ. Còn mình không có khả năng rờ, làm sao mình bước lên được? Đấy. Phải rờ được. Rờ, rớ. Phải rờ, phải rớ được.

Thì trong đời sống có kiểm soát tức là có Giới-hạnh đấy, thì chúng ta mới có thể hiểu được rất là nhiều chuyện. Bởi vì sao? Vì chuyện này nên tránh nè, chuyện này làm được nè. Tại sao tránh? Tại sao chuyện này mình làm được? Chỉ nội mà hiểu cái đó không đã là trí rồi. Cái này không phải là chuyện dễ làm. Loài mà động vật cấp thấp nó không có khả năng này. Ngay cả con người mà mà thiếu phước, thiếu trí, cũng không có khả năng này. Họ không hiểu tại sao chuyện này nên và chuyện này không nên. Khó lắm. Phải không? Phải là người trí mới hiểu cái này nên và không nên. Đây là lý do tại sao mà nó có một loại Trí Tuệ, nó có loại ánh sáng, nó có mang cái tên là do Giới mà thành:
- Trí đầu tiên là do học mà thành, mà có.
- Trí thứ hai đó là do Giới mà thành, do Giới mà có, là chỗ đó đó. Tôi nói vắn tắt thôi để tôi đi qua bên bộ kinh kia, nha.
- Tới cái thứ ba đó là có những trí do (cái kia là tu Giới) là do tu Định mà thành, có nghĩa là Giới chỉ mới kiểm soát thân, khẩu thôi. Nhưng mà nó có một loại trí khả năng cao hơn một chút, khả năng là lìa bỏ thế giới vật chất.

Định nghĩa về Định, tu Định là phải kể từ hôm nay ai mà tin tôi, hoặc là có tham khảo nghiên cứu, làm ơn định nghĩa lại tu Định là cái gì? Làm ơn định nghĩa ít nhất là hai câu:
- Lìa bỏ sự bận lòng trong thế giới vật chất.
- Nhất tâm bất loạn trong một đề mục nào đó.
(Một) ở đây không có phải là suốt đời, suốt đời chỉ có một, mà có thể lúc đề mục này, lúc đề mục khác, nhưng mỗi khoảnh khắc chỉ một đề mục thôi. Cho nên tôi nói gọn, phải lìa bỏ sự bận lòng trong vật chất, rồi chuyên tâm vào một đề mục nào đó, thì được gọi là tu Định.

Thì lìa bỏ sự nặng lòng là cái gì? Nó gồm có hai, đúng ra là 5 Triền, mà bây giờ lớp này lớp không chuyên, nó khổ lắm, lớp này là lớp không có chuyên, cho nên tôi chỉ nói có 2 thôi. Có 2 tự nhiên có 5. Nha. Có 2 bèn có 5, nếu đủ duyên. Còn thiếu duyên thì đừng hòng. Thiếu duyên bây giờ tôi có nói 5 quý vị cũng trớt quớt. Cho nên ở đây tôi chỉ nói 2 thôi, phải không? Còn ba cái thứ mà học giả mọt sách đó thì chuẩn bị nhào vô chưởi,
ném đá, thì tùy, tùy hỉ công đức. Nhưng mà tôi đó, thì tôi chủ trương như vậy.

Phàm phu mình chỉ nói có 2 cái thôi, thì tự nhiên nó lòi ra 3 cái, dứt điểm giải quyết được 3 cái kia. Đó là sự bận lòng trong vật chất qua hai khía cạnh tâm lý là:
- Dục ái - Sân.
Bớt thích lại, không có muốn tìm cái để nhìn, không có thích thú khi nhìn, và cũng không tìm cái để nhìn. Không có thích thú khi nghe cái này, cái kia, và cũng không tìm cái để nghe. Ừ. Không có thích thú trong các mùi, cũng không tìm các mùi để ngưởi. Không thích thú trong các vị, mà cũng không tìm các vị để mà nếm. Không thích thú êm, mềm, mát, mịn, không thích thú trong đó và cũng không tìm nó để mà thưởng thức cái êm mềm, mát mịn, ấm mát, êm mềm, phải không? Ấm mát, êm mềm, trơn láng, mình không tìm và khi gặp nó thì cũng không có đắm say trong đó. Mà thứ hai là khi không được những cái mình thích thì không bất mãn. Khi gặp cái mà lâu nay mình ghét, bây giờ cũng không bất mãn, đối với vật chất, chỉ hai cái đó thôi.
- Không Dục và không Sân.
Chỉ nhớ hai cái đó thôi. Hai cái này mà nó ngon lành thì ba cái sau bèn tự mất. Bèn tự mất. Đó là Hôn-thụy, Trạo-hối và Hoài-nghi. Ba cái đó tự mất, nhưng mà hai cái này hai cái quan trọng nhất.

Ngay cả trong lộ trình mà chứng Thánh thì hai cái ông này rất là quan trọng.
- Nhị-quả giảm nhẹ Dục-ái và Sân.
- Tam-quả dứt hẳn Dục-ái và Sân.
Hai cái ông này quan trọng lắm luôn. Lắm luôn. Hai ông này quan trọng lắm luôn. Dàn xếp được hai ông này là sanh tử còn dứt, xá gì chuyện đắc Thiền. Tôi nhắc lại:
- Nhị-quả giảm nhẹ Dục-ái và Sân.
- Tam-quả dứt hẳn Dục-ái và Sân.
Rồi mình thấy:
- Tam-thiền thì trừ Hỷ-ưu.
- Tứ-thiền trừ Khổ-lạc.
Mình thấy cái đó nó đi từng cặp, từng cặp vậy đó. Cho nên là có những loại trí mà có được nhờ cái gì ta? Nhờ tu Định. Mà Định này là gì? Định nghĩa lại, là lìa bỏ cái sự nặng lòng trong vật chất, nặng lòng bên đây gồm có "thích" và "ghét". Rồi tiếp theo là cái gì ta? Là chuyên
chú vào một đề mục nào đó. Thì cái này gọi là tu Định. Phải lìa bỏ. Tại sao phải làm đúng hai cái này? Là bởi vì vô lượng vũ trụ nó là vô lượng trái lựu, mỗi vũ trụ là một trái lựu, mà trong một trái lựu vậy nó gồm có rất là nhiều hạt. Nhưng mà nó có bao nhiêu hạt thì mặc xác nó, chuyện đầu tiên là những cái hạt nó chia thành ba tầng:
- Dục, Sắc và Vô sắc.
Khi mà anh tu bằng trời đi nữa, nhưng mà anh còn mắc míu, anh còn dính líu, còn thích, còn ghét, ở trong Dục, thì anh còn ở tầng Dục-giới.

Muốn đi xa hơn là phải bỏ Dục, anh lên tầng Sắc. Bỏ tầng Sắc anh mới lên tầng Vô-sắc, và chứng Thánh là buông hết. Tức là chứng Thánh không cần phải chứng Thiền Vô-sắc, nhưng khi mà nghe về Vô-sắc là lòng họ dững dưng, chứ không phải nói về chứng A La Hán thì phải có Thiền, không có, không hẳn nha, không hẳn. Nhưng một người, một vị A La Hán dầu không có đắc tầng Thiền nào hết trước đó, nhưng mà họ không còn một chút cơ hội nào để quay lại với Dục, Sắc và Vô-sắc-giới hết, nhớ cái đó. Thì là có những Trí-tuệ nó có được từ tu Định là vậy đó.

Tu Định nghĩa là phải buông vật chất ra, buông này có nghĩa là không có thích, không ghét nữa, không trốn chạy, không kiếm tìm trong vật chất nữa, vật chất đây là những gì mình thấy, nghe, ngưởi, nếm, đụng, nha. Không tiếp tục thích và ghét, không năng lòng với nó nữa.

Rồi cái thứ hai là phải chuyên tâm vào một đề mục nào đó, thì mới được gọi là tu Định. Chứ còn tôi ớn nhất là định nghĩa lan man, lan man, ngán quá đi, định nghĩa lan man mạnh ai nấy nói, riết rồi mất cái đạo, mất ở chỗ nào? Không cần phải đập tượng, đốt chùa, đốt kinh, mà chỉ cần người ở trong đạo nói bậy, dạy bậy, học bậy, nhớ bậy, hiểu bậy và làm bậy, là cái đạo đó banh chành rồi. Chứ không phải cần phải đốt chùa, đập tượng. No. Không cần có một chính sách đàn áp tôn giáo, cấm chỉ tín ngưỡng. No. Không có cần. Mà cái nội bộ phá là đã nhất. Nha. Cái nội bộ phá là ngon lành nhất, chứ không có ai mà dẹp được mình hết. Chỉ có mình thôi. Cứ mạnh ai nấy nói. Làm ơn từ đây về sau hễ nói tới tu Định là làm ơn định nghĩa lại tu Định.

Tu Giới là gì? Là kiểm soát về cái điều, về cái việc mình làm và nói, đó là tu Giới. Định nghĩa vậy đó. Kiểm soát cái điều mình làm và nói để chi? Để biết cái gì nên và không nên. Đó gọi là tu Giới, gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp.

Tu Định là coi như anh phải lìa bỏ cái nặng lòng ở trong vật chất, gồm thích và ghét. Rồi chuyên chú vào một đề mục nào, đó gọi là tu Định.

Thứ ba là tu Tuệ. Tu Tuệ là xét thấy rằng tất cả những gì thuộc về Dục, thuộc về Thiền, đều là Vô-ngã, Vô-thường, do duyên mà có. Thấy rằng Giới, thấy rằng Định, thấy rằng bản thân Tuệ cũng là Vô-ngã, Vô-thường do duyên mà có. Ông Tuệ ổng độc chỗ đó, ổng độc đáo, ở bên Định thì phải chán Dục mới đắc Sơ-thiền, chán Sơ-thiền mới đắc Nhị-thiền, chán Nhị mới đắc Tam, chán Tam mới đắc Tứ, chán thiền Sắc mới lên thiền Vô-sắc, phải không?

Nhưng mà còn bên Tuệ còn độc đáo nữa. Bên Tuệ sống với Niệm và Tuệ và cũng chán luôn nó, thấy rằng còn có Danh, có Sắc, là còn có khổ. Nhưng mà chán này không phải là buông nha. Chán này không phải là không tiếp tục sống với nó nữa, không phải. Vẫn tiếp tục sống với Niệm và Tuệ. Vì sao? Vì không còn một cách sống nào khác, và ngày nào chưa chứng thánh thì bắt buộc phải sống với nó, sống với Niệm và Tuệ. Ngay cả người ta chứng thánh rồi, mà chứng La Hán rồi mà chưa Niết Bàn thì cũng phải sống với Niệm và Tuệ. Không phải là cái đó nó hay ho gì hết, mà vì cái đó nó là nếp sống duy nhất của một người không còn cái gì để nắm. Thế là người ta phải lây lất với nó chờ ngày tắt thở. Bài giảng này nó hơi sâu.

Cho nên những bà con mà sơ cơ nghe hơi đuối, phải không? Nhưng mà phải nói đạo Phật là dành cho người thấy đời là khổ, thấy cái thân này là gánh nặng, thì nghe bài kinh này mới hiểu.

Có nghĩa là ngày xưa mình chưa biết đạo mình thích tùm lum, biết đạo rồi cái mình thấy mình có công đức, phước báo, đức hạnh này, hạnh kia, thì mình thấy mình hay là dính vô cái khác. Nhưng mà qua đến tu Tuệ là khác. Tu Tuệ là anh thấy rằng tất cả thiện ác, buồn vui đều do duyên mà có, có rồi phải mất. Tất cả đều là hiện hữu tồn tại trong hình thức một khối tổng hợp. Sở dĩ ta hành thiện, lánh ác, là vì ta không thể sống khác được. Nhớ kỹ cái này. Sở dĩ ta hành thiện, lánh ác là vì ta không thể sống khác được, chứ bản thân cái thành thiện lánh ác nó không phải là cái gì đó ghê gớm để mà mình thấy mình hay. Ngay cả quả vị La Hán cũng không phải là cái gì đó để mà mình hãnh diện, chuyện đó rất là bình thường, hồi xưa mình vừa khùng, vừa mù, thì bây giờ mình hết khùng, hết mù, thì được gọi là A La Hán. Đáng kính thiệt. Nhưng mà trong mắt người ta kìa, chứ đối với bản thân mình, các Ngài không có lấy đó làm điều, các Ngài tuyệt đối, tuyệt, tuyệt đối, không hề thấy mình hay, không hề thấy mình là đáng hãnh diện, tự hào, tự đắc, tự tôn, tự mãn, tự đại, không có.

Và cái đặc biệt nhất trên đời này người mà xứng đáng để mà tự hào nhất đó là A La Hán. Mà vấn đề chỗ A La Hán người ta không thèm tự hào quả vị của người ta mới ghê chứ.

Cho nên tu Tuệ là cái gì? Tu Định là buông vật chất chuyên tâm vào một đề
mục nào đó để đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền, còn tu Tuệ là gì? Tu Tuệ là xét thấy rằng tất cả thiện ác, buồn vui, tinh thần, thể xác, hồn và xác đều là vô ngã, vô thường, do duyên mà có. Có rồi phải mất, và luôn tồn tại trong hình thức một khối tổng hợp. Đấy. Nhớ. Tu Tuệ.

Như vậy thì mình thấy
có tất cả các Trí:
1- Trí do nghe,
2- Trí do hành trì,
3- Trí do thực chứng.
Có ba loại trí. Nhưng mà chia ra thì nó thành nhiều. Trí do nghe, trí do nghe từ người khác, phải không? Trí do nghe từ người khác, rồi trí do hành trì ở bản thân, và trí do thực chứng.

Trí do hành trì bản thân nó gồm có ba, đó là:
- Trí do giữ Giới,
- Trí do tu Định,
- Trí do tu Tuệ.
Vậy thì tất cả mình thấy có 5 trí đúng không? 5 trí.
1- (Một) là trí do nghe từ người khác, trí đầu tiên là do người khác hà hơi tiếp sức, nắm tay dắt mình đi trong cuộc đời dâu biển tang thương.

Trí đầu tiên là do người khác có thò tay, nắm tay dìu dắt và hà hơi tiếp sức. Trí đầu tiên là trí nghe, nhưng mà tới trí tiếp theo là bắt buộc mình phải đi mình. Đó là:
2- Trí do kiểm soát thân, khẩu. Là trí do Giới mà có.
3- Trí do tu Định. Tu Định và chứng Định, chứng Thiền mà có.
4- Trí do tu Tuệ Quán mà có. Tất cả là thấy bốn trí. Vậy trí thứ năm là cái gì?
5- Trí thực chứng.
Khi mà anh chứng thánh rồi đó, là anh sẽ thấy rằng những cái điều mà người phàm có thấy. Chứng tầng cao thấy được những điều mà tầng dưới không thấy.
- Thứ nhất là chứng Sơ-quả rồi thấy được những điều mà phàm phu không thấy.
- Chứng Nhị-quả rồi thấy được những điều mà Sơ-quả không thấy.
Cứ như vậy. Thì tất cả Hiền Thánh ở tầng cao nhất
đều là được gọi là A La Hán. Nhưng mà quả vị Độc Giác thấy được những điều mà Thinh Văn không thấy, mặc dù đều là A La Hán, nhưng mà A La Hán Độc Giác là thấy được điều mà A La Hán Thinh Văn không thấy. Và A La Hán Chánh Đẳng Giác thì thấy được những điều mà A La Hán Độc Giác không thấy. Tuy nhiên đừng nghe như vậy rồi coi thường người ta. Không thấy cái gì? Con
đường giải thoát người ta thấy giống nhau. Con đường mà ra khỏi khu rừng tối hồi nãy tôi mới nói đó, người ta thấy giống nhau. Cả ba hạng Toàn Giác - Độc Giác và Thinh Văn đều thấy con đường nó giống nhau. Có một điều là Thinh Văn thấy là nhờ bậc Toàn Giác chỉ cho, chỉ thôi nha, còn lúc mà nhìn thấy là thấy bằng con mắt của mình. Nhiều người hiểu lầm chỗ này, hiểu lầm cứ tưởng là chắc Thinh Văn là nhờ bậc Chánh Đẳng Giác thấy dùm. No. Ngài nói thôi. Ngài nói là tọa độ đó, tọa độ đó, bắc vậy, nam vậy, đông vậy, tây vậy, con đi đó là con sẽ ra. Đó là Ngài nói trong lý thuyết vậy thôi. Nhưng tới lúc mà các vị Thinh Văn đủ duyên họ bèn thấy con đường nó lồ lộ trước mặt, rõ ràng trước mặt, dưới chân họ, họ bước đi bằng đôi chân của họ, tay họ cầm cây đuốc mà do chính họ mồi, họ thắp, họ đốt. Họ thắp đuốc lên họ đi. Thinh Văn đấy. Họ tay phải cầm đuốc và bước chân của họ là do chính bàn chân của họ đi. Chứ không có ai mà bồng ẵm, xốc vác, khiêng bế, không có. Không có. Đức Phật Chánh Đẳng Giác các Ngài chỉ nói lý thuyết, công thức thôi. Chứ Thinh Văn vẫn phải cầm đuốc mà đi, đi bằng đôi chân của mình. Chứ nếu nói Chư Phật mà có thể là hà hơi tiếp sức, nắm tay dìu dắt, bồng bế từng người, thì nghĩ như vậy nó đã vô lý ngay từ đầu rồi.

Thứ nhất nếu mà có cái chuyện đó, thì người ta mắc cái gì mà người ta phải tu tập khó khăn chi? Phải không? Người này giúp được người kia, cái đó nó vô lý dữ lắm, mỗi người phải làm thôi. Chứ nếu mà nói vậy thì Đức Phật Thích Ca đâu cần tu, đúng không? Chư Phật quá khứ đã làm dùm rồi, mà Chư Phật quá khứ cũng không cần làm nữa, Chư Phật quá khứ trước, trước, trước, trước đó người ta đã làm rồi, phải không? Người ta cứ độ cho đám sau, nhưng mà không có được, không có được.

Nên các Ngài có điểm giống nhau là con đường ra khỏi rừng các Ngài thấy, con đường vào rừng các Ngài thấy, các Ngài thấy biết cái này là đường sanh tử nè, biết cái này là đường giải thoát nè, biết. Nhưng có điều, Thinh Văn ngoài con đường ra và vào sanh tử đó, thì mấy cái bên lề đường và trong cả khu rừng đó, cái thấy rất là hạn chế. Thí dụ Ngài Xá Lợi Phất, ngoài con đường mà đi ra, đi vào khu rừng tối đó đó, Ngài biết thêm mớ nữa, Ngài biết rất là nhiều loại nấm ăn được và nấm độc không ăn được. Ngài biết rất là nhiều loại động vật mà nó lãng vãng, nó quẩn quanh con đường đó, Ngài thấy ong bướm, rồi chim cò, cọp beo, trăn rắn, Ngài thấy. Nhưng mà mấy con gần gần đó thôi, chứ còn kêu là cả khu rừng thì không.

Còn Phật Độc Giác thấy nhiều hơn, ngoài con đường đi ra, đi vào, các Ngài thấy nhiều hơn Ngài Xá Lợi Phất, nhưng vẫn không bằng Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Đức Phật Chánh Đẳng Giác thấy rõ con đường ra, con đường vào khu rừng. Thấy và thấy ở mức mà dạy người ta được. Và thấy luôn tất cả những thứ không cần thiết, cho nên Ngài mới dạy trong kinh Simsapa đó, Ngài nói điều mà ta thấy nó như rừng vậy đó, mà cái điều ta dạy nó chỉ là một nắm lá trong tay thôi. Nhớ cái đó. Vì sao vậy? Vì con đường ra rừng nó chỉ là một đường thẳng thôi, không có cần biết nhiều. Còn toàn bộ khu rừng còn lại thì các vị biết mà, tổng diện tích khu rừng nó 800 ngàn km vuông thì biết bao nhiêu chuyện, 1 triệu km vuông, nó là 1 tỷ km vuông, thì biết bao nhiêu chuyện trong đó. Còn con đường đi ra thì nó chỉ là một con đường thẳng thôi.

Thì mình học đạo để chi? Mình học giáo lý để mình biết, con đường đó nó gồm có, mình có thể gặp được những gì trên con đường đó, gồm có cái gì? Cái gì trên con đường đó mình cần lưu ý, cái gì ăn được, cái gì phải tránh, con gì là mình phải né từ đầu, con nào là lành thấy cho vui chứ không sao. Thí dụ, nhưng phải biết.

Thì tất cả Hiền Thánh là đều phải giống nhau trong cái thấy, cái biết, về con đường giải thoát. Còn ngoài ra cái biết, cái mà không cần thiết đó, thì vị này đương nhiên giỏi hơn vị kia. Đấy. Giỏi hơn vị kia. Bác sĩ ngoài đời cũng vậy. Bác sĩ, Kỹ sư học kiến thức căn bản trong trường nó giống nhau, nhưng mà cái biết phụ trội đó, cái biết bonus, cái biết...... thì mấy cha làm sao mà nó giống nhau được? Việt Nam mà mình thấy Bác sĩ mênh mông, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, người ta là Bác sĩ nhưng mà người ta biết thêm Phật Pháp. Rồi có nhiều cha Bác sĩ chỉ biết đúng cái ngàng Y của mình thôi. Đấy. Có cha Bác sĩ coi như Giáo Sư đi dạy cho Bác sĩ khác. Còn có ông Bác sĩ mở phòng mạch ở quê vậy đó, ba cái ấm đầu, chóng mặt, ói mửa, tiêu chảy nhẹ nhẹ vậy thôi. Có. Có Bác sĩ đại khái Bác sĩ gia đình á. Đại khái đó, còn có Bác sĩ chuyên khoa, rồi có ông Bác sĩ mà coi như là làm bệnh viện lớn, chuyên gọi là giải quyết những cái ca khó, những tay nguyên thủ lãnh tụ mà có chuyện là phải nhắc tới tên ông đó. Có những ông Bác sĩ mà không ngừng nghiên cứu về Y, về Dược. Có những ông Bác sĩ đứng lớp trên trường Đại Học Y để mà dạy, để mà đào tạo cho vô số thế hệ Bác Sĩ khác. Rồi có nhiều ông thì chỉ về quê đuổi gà cho vợ thôi, làm phòng mạch nhỏ nhỏ vậy thôi. Rồi có. Có hết. Thì ở đây mình thấy trí nó có năm.
1- Một là trí do nghe với sự giúp đỡ của người khác.
2- Trí thứ hai là do sống đời đạo đức phẩm hạnh, có kiểm soát thân, khẩu.
3- Trí thứ ba đó là do tu tập
Định, có nghĩa là lìa vật chất mà chuyên tâm bất loạn.
4- Trí thứ tư là tu tập Niệm Xứ, Tuệ Quán, buông hết mọi thứ, dù luôn sống Chánh-niệm và Trí-tuệ, nhưng vẫn chán Chánh-niệm và Trí-tuệ đó, thấy nó là thuốc chữa bệnh không là cái gì hay ho.
5- Trí thực chứng.
Là anh phải chứng anh mới thấy cái này, cái kia. Thực chứng. Thì từ đó nó mới ra trí này, trí nọ, nó mới có những cái khác biệt giữa vị thánh này với thánh khác. Không phải thánh nào cũng có đủ Tam Minh Lục Thông và Bốn Trí Vô Ngại.

Chẳng hạn như Thinh Văn và Độc Giác thì không thể nào có được sáu cái gọi là Như Lai Biệt Trí. Không có. Phải không? Rồi.

Như vậy chốt lại chuyện đầu tiên, chúng ta muốn gọi là giải thoát là phải ra khỏi rừng sanh tử. Mà anh muốn ra khỏi rừng đó, thì chuyện đầu tiên là anh bớt mù và bớt khùng cho tôi nhờ. Mà muốn bớt khùng, bớt mù, là anh phải sao ta? Anh phải học. Mới nói rồi. Anh phải học. Học nó làm cho con mắt anh nó sáng ra, cái đầu anh nó tỉnh ra, nhờ nó tỉnh nó bớt khùng. Nó sáng nó bớt mù. Sáng là nó bớt mù, mà nó tỉnh là bớt khùng. Còn hỏi bớt nhiêu thì tùy hỷ công đức. Phải không. Tùy hỷ. Thì trong room này quý vị nghe có người tiếp tục khùng, tiếp tục mù, cũng có người bớt mớ khùng, bớt mớ mù, có người thì cườm mây, cườm thịt, đấy. Lòa ít, lòa nhiều, đấy. Còn có người lớn tuổi tự nhiên liệng kiếng luôn không cần mang nữa, tự nhiên nó hết lòa, có, có người lạ lắm. Thì đến cái tuổi nào tự nhiên nó liệng bỏ, có cái này tôi tin tuyệt đối, tuyệt tuyệt đối, đó là, có lý tưởng giải thoát trong đầu, cái này quan trọng.
Phải có lý tưởng giải thoát trong đầu, rồi có học giáo lý, đấy. Đó là nói trong đạo.

Còn ở ngoài đời đó, thì người có kiến thức bách khoa càng nhiều càng tốt, thì sẽ có một ngày ở một cái lứa tuổi nào đó tự nhiên mình bừng sáng, có những cái biết hồi đó giờ nó rất là máy móc, nó chỉ là cái bù lon con tán, chứ không có là cái gì, nó nằm đầy ở trong đầu mình. Nhưng có một ngày tự nhiên mình bèn biết ráp nó lại thành cái máy để xài. Yeah. Tôi tuyệt đối tin mấy cái đó. Phải học giáo lý thôi, phải học, mà cứ nói là có biết bao nhiêu vị chống. Tu là học, lo học không. Cứ học. Cứ phải học, học giáo lý, thì nãy giờ tôi nói, chúng tôi nói trong Chánh Tạng Ngài Xá Lợi Phất nói mênh mông lắm, thế nào là trí do học? Đó. Chắc bữa nay không có nói qua bộ cái bài chánh được rồi đó. Cái này là bữa nay không có nói bài chánh đâu đó. Tôi nói tóm tóm mình nghĩ nha. Ngài nói thế nào là trí do học? Ngài nói cái giống gì cũng phải học hết. Nhưng mà nói vậy không có nghĩa là mình học tất cả các kiến thức của thế gian, làm gì có thời gian? Và kiến thức thế gian đó, mình học cho nhiều nó chỉ dẫn về đọa lạc thôi. Mà phải nhìn về vũ trụ, nhìn về chúng sinh, thông qua cái nhìn của Phật Pháp. Các Ngài mới gợi ý nè, thấy thế giới này quang chiếu chúng sinh qua hai khía cạnh Bản-thể và Hiện-tượng, Tục-đế và Chân-đế, Ngài Xá Lợi Phất nói đó, thấy qua khía cạnh Tục-đế là sao? Thấy biết rằng đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mật, đàm, mũ, máu, mồ hôi, phẫn, nước tiểu... bla, bla, bla.... đó là thấy qua Hiện-tượng.

Còn thấy qua Bản-thể là sao? Thấy rằng cái này, cái này nè, cái này là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, thấy được qua 12 Duyên-khởi:
- Vô minh duyên Hành;
- Hành duyên Thức;
- Thức duyên Danh-sắc;
- Danh-sắc duyên Lục-nhập;
- Lục-nhập duyên Xúc;
- Xúc duyên Thọ;
- Thọ duyên Ái;
- Ái duyên Thủ;
- Thủ duyên Hữu;
- Hữu duyên Sanh;
- Sanh duyên Lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Thấy được bốn Đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo, ghê như vậy đó. Phải thấy, thấy rõ được, hồi xưa giờ thấy qua hiện tượng, chỉ thấy đây là con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi, phải không? Bây giờ thấy qua Bản-thể là thấy rằng đây là Nhãn-thức, đây là Nhĩ-thức, Tỷ-thức, Thiệt-thức, đây là Nhãn-xúc, Nhĩ-xúc, thấy đây là Sắc-tưởng, Thinh-tưởng, Khí-tưởng, Vị-tưởng, đây là Thọ, đây là Tưởng, đây là Tư. Thấy như vậy đó. Thấy đó là thấy qua Bản-thể, Ngài nói rằng quan sát thế giới, nhìn ngắm thế giới, nhận thức thế giới, mà thông qua cái đó, mà là những cái này Ngài nói rõ hoàn toàn do học, học trước, học xong có một ngày mình nhìn lại nó mình hiểu nó ở một cái Level khác, ở một cái tầng khác, một cái tầm cao khác, như nãy tôi mới vừa nói xong. Cứ học đi, có một ngày mình bừng sáng ra, mình biết lắp ráp lại những cái biết của mình nó thành ra hệ thống hơn. Hồi đó giờ toàn bù lon con tán không, ba cái linh kiện thiết bị lút chút, lắc nhắc vậy đó, nhưng bây giờ mình bèn có biết ráp nó lại, để thành ra cái máy để mà xài, có được chiếc xe để mà chạy, có được cái Tivi để mà coi, có được cái Phone, có được cái lò nướng, có được cái máy lạnh, có được cái tủ lạnh, có được cái lò sưởi, mà xưa giờ thì nó nằm ta nói nó rời rạt từng đống, từng đống vậy đó. Bây giờ mình biết ráp, hồi đó giờ có cuộn dây điện mình không biết làm gì, bây giờ mình biết kéo dây điện mới ghê chứ. Mình biết lấy dây điện để tạo ra hơi lạnh, biết lấy dây điện tạo ra sức nóng, biết lấy dây điện tạo ra ánh sáng, biết lấy dây điện ráp với cái gì, cột vô cái gì, hàn vô cái gì nó tạo ra ánh sáng, ra hơi lạnh, ra hơi ấm, mà hồi đó giờ không biết. Chì nằm một đống, dây điện đồng nằm đống, rồi ba cái bù lon con tán, thùng, thau, nhựa, máy bắn keo gì hoàn toàn mình nhìn cho vui chứ mình không biết cái đó là cái gì. Nhưng mà cứ gom đó đi, rồi tự nhiên có một ngày cái nó biết ráp lại. Nha. Biết ráp lại. Nhớ cái đó.

Vậy là tất cả mình mà muốn học cái bộ gì đi nữa, thì chuyện đầu tiên để phá nghi đó, là không biết mình tu có nên học không ta? Thì cứ nhớ lại chương một của bộ "Pațisambhidāmagga" Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói là phải có trí mới làm ăn được. Trí ở đây nó gồm có 5:
- Trí do nghe,
- Trí do Giới,
- Trí do Định,
- Trí do Tuệ,
- Trí do thực chứng.
Phải không? Đó là kể chi tiết. Còn kể gọn là trí do học, do hành và do chứng. Tức là Trí Văn - Tư và Tu. Nhớ không? Rồi. Thì phải có cái nền này nè, thì bữa nay là phải giới thiệu cho những bà con mà sơ cơ biết tại sao phải học. Giới thiệu xong rồi đó, bắt đầu là tuần sau mình mới vô trong nội dung của bộ gọi là "Sammohavinodanī".
Chúc các vị một ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:

https://www.youtube.com/live/RkFiwm6TJhc?si=3EcJzTr9LLnck2GN

---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:

← Giáo Lý Căn Bản