Lớp Phật Pháp Căn Bản 51 Thứ Năm, ngày 23/01/2025 🟠 Tứ Đế Lý Ngọc Nga ghi chép bài, Tử Du hỗ trợ chữ Pāḷi Thưa đại chúng, trong buổi học hôm nay chúng ta học qua chương mới, tiêu đề mới, đó là TỨ ĐẾ. Chúng tôi cũng đang cân nhắc xem coi có nên quay lại tiêu đề vừa rồi hay không? Đó là tiêu đề nói về chữ Giới. Uẩn - Xứ - Giới - Đế. Thì tiêu đề về Giới, 18 Giới, 6 Giới, 18 Giới, theo chúng tôi nói như vậy thì chưa có tới, về cả Chánh Kinh lẫn nội dung tổng quát của tiêu đề đó, dựa chương đó hoặc là dựa trên giáo lý tổng quát, thì nói như vậy thì chưa. Thì chúng tôi chỉ nhắc lại một chút thôi, nhắc lại một chút đó là cho người sơ cơ, thế giới gồm có vô lượng vũ trụ và vô lượng chúng sinh, gồm có nhiều cách phân tích, có lúc Đức Phật Ngài dạy rằng thế giới này nó chỉ gồm có 18 Giới, tức là: - 6 Căn, 6 Trần và 6 Thức. Từ một hạt bụi cho đến mặt trăng, mặt trời, từ chim muôn, cầm thú cho tới con người, cây cỏ, đất đá, tất cả đều nằm gọn ở trong 18 Giới, nằm trong 6 Trần, 6 Thức và 6 Căn thôi. Và còn có chỗ thì Ngài nói gọn rằng vô lượng vũ trụ và tất cả chúng sinh chỉ nằm gọn ở trong 6 Giới thôi, đó là: - Đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Thức này nè, từ đất, nước, lửa, gió, hư không đó, thì 5 cái này nó tạo nên toàn bộ cái gọi là vật chất. Còn cái thứ 6 là thức, thì trong đó nó bao gồm bao nhiêu là vấn đề, phiền não, rồi phàm thánh, rồi thiện ác, rồi luân hồi, rồi giải thoát, tất cả đều nằm trong chữ "thức". Tất cả chúng ta nếu mình không có biết Phật Pháp thì mình nghe câu nói này là mình thấy nó kỳ, nhưng mà người biết Phật Pháp thì sẽ thấy câu nói đó rất là bình thường. Đó là chúng ta là những cọng rong, cọng rêu thôi chứ không có gì hết, có điều cọng rêu mà mình thấy bằng mắt trong thế giới thực vật thì nó chỉ có đất, nước, lửa, gió, và hư không thôi. Nhưng mà riêng chúng ta còn thêm cái thứ 6 nữa, chúng ta cũng là một cọng rêu bé mọn, tầm thường thôi, nhưng mà chúng ta có thêm một thành tố nữa, nó gọi là "thức", tức là tâm, tâm thức, tâm linh tinh thần, đó là điểm khác biệt giữa chúng ta với cây cỏ, đất đá. Phải không? Đó là tại sao mình phải học để biết về mình như vậy? Là bởi vì khi mà mình học về cái gọi là vũ trụ và chúng sinh, mà nó thông qua mấy cái thành tố đó đó, mới có dịp để mình thấy rằng mọi thứ ở đời này, thứ nhất là nó là giả hợp, giả danh. Giả hợp là sao? Có nghĩa là cái gì nó cũng do sự tổng hợp kết nối của rất là nhiều thành tố rời rạt mà nên. Còn giả danh là sao? Giả danh đây có nghĩa là tất cả những khái niệm, những tên gọi, cho các sự vật ở đời, thì bản thân nó cũng chỉ có những giá trị rất là mặc định, rất là ước lệ, thí dụ như hôm trước tôi có nói, người Nhật khi mà họ nói về "biển", chữ "biển" họ gọi khác, người Pháp, người Đức, người Do Thái, họ gọi về "biển" gọi bằng chữ, một tên gọi khác. Người Việt, người Lào, người Thái, người Campuchia, mình gọi chữ "biển" bằng tên gọi khác. Đó là (một). Thứ (hai), cái tâm tình, cái tâm trạng, cái cảm xúc, của mỗi cá nhân con người mình, khi mà mình nói tới "biển" thì mỗi người có một cảm xúc khác nhau không giống nhau. Có những người họ có những kỷ niệm rất là đẹp về "biển", họ có hảo cảm, họ có tình cảm đẹp tích cực với "biển", nhưng có những người họ nghe nói tới "biển" này, (một) là họ mù tịch, cả đời họ chưa biết biển là gì. Ví dụ như người Lào hoặc là người Mông Cổ, người Tây Tạng, nếu mà không đi xa đó, nếu mà không có internet, không có ở một kiếp sau về chỗ tốt hơn hay là tệ hơn. Chỉ vậy thôi. Phải không? Tôi ôn cho các vị về bài giảng vừa rồi về 18 Giới hoặc là 6 Giới. Thì bữa nay tôi nói về tiêu đề là 4 Đế, tiêu đề này bắt buộc chúng ta phải nói chuyện với nhau cũng khoảng vài buổi, chứ buổi thì không đi đến đâu hết. Vì Giáo Lý Tứ Đế nó rất là sâu và rộng. Ở đây trong bài giảng đầu tiên trưa nay thì tôi chỉ nói đến khái niệm thôi. Tứ Đế là 4 Sự Thật. 4 Sự Thật mà chúng ta bắt buộc phải biết, nếu mà chúng ta có lòng cầu đạo giải thoát. Thì bắt buộc chúng ta phải biết 4 Sự Thật đó. Sự thật đầu tiên là mọi thứ ở đời đều là khổ hết. Khổ cách này hay cách khác. Khổ ở đây có thể là cái đau đớn, khó chịu, mà khổ ở đây cũng có thể là cái bất toàn, bất trắc. Cái gì mà nó là mong manh chớp tắt thì cái đó gọi là khổ. Trong kinh có câu tiếng Phạn: "yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ", Cái gì mà nó không có bền, không có trụ mãi với thời gian thì bản thân cái vô thường đó chính là khổ. "yadaniccaṃ taṃ dukkhaṃ" "yaṃ dukkhaṃ tadanattā" Cái gì mà là khổ thì cái đó là vô ngã. Có nghĩa là cái gì mà vừa vô thường vừa khổ thì nó không có đáng. Nó không có đáng để mình nghĩ nó là "tôi" là "của tôi". Và đồng thời, đó là nói về ý niệm, còn nói về trong thực tế, thì làm gì có cái gì để mình gọi là "tôi"? Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, ở trong từ điển Phật Pháp không hề có chữ "một", bởi vì cái gì trong đời này nó cũng là một khối tổng hợp hết, nó được kiến tạo, được xây dựng, bởi vô số thành tố, chứ không có cái gì là một hết. Nha. Không có gì là một. Cái đó rất là quan trọng. Cho nên mọi thứ đời là khổ là vậy đó. Mọi thứ ở đời là khổ là bởi vì mọi thứ nó do "duyên" mà có, rồi cũng do "duyên" mà mất đi. Và đồng thời bản thân sự hiện hữu, sự tồn tại của bất cứ cái gì trên đời này nó cũng là sự hiện hữu của một khối tổng hợp. Ừ. Vậy mình thấy nghĩ lại cũng nản chứ. - (Một) là không có cái gì là một, để mình khả dĩ gọi đó là "tôi" hay "của tôi". Tất cả là một khối tổng hợp. - (Hai) khối tổng hợp này nó do các "duyên" mà có, rồi cũng do các "duyên" mà nó mất đi. Thí dụ, như mà nó là một căn nhà đó, trong những thứ tiếng mà nó có chia số ít, số nhiều, thì căn nhà nó là số ít, đúng không? Căn nhà là số ít, nhưng mà có biết bao nhiêu thứ điều kiện rời rạc để làm nên ngôi nhà đó. Ừ. Rồi chuyện nhỏ xíu, đó là mình nói cọng rau đi, cọng rau thơm mình mới ăn trưa nay trên bàn ăn nè, mình thấy cọng rau nó cũng số ít, nhưng mà thật ra nó là một khối tổng hợp của rất là nhiều, nhiều, nhiều, nhiều, nhiều thành tố hóa chất sinh học để làm nên cọng rau thơm đó, chứ không phải chỉ đơn giản là có cọng dưới đất nó mọc lên, mình gọi là rau thơm, không phải. Mà nó là vô số những điều kiện sinh học, những điều kiện vật chất, sơ sơ là mình thấy là: - Điều kiện, khí hậu, thời tiết, rồi các chất, các thành phần sinh tố, dưỡng tố vi lượng nằm ở trong đó, thì nó mới làm nên cọng rau. Xong chưa? Sự thật đầu tiên mình phải biết mọi thứ là khổ, là khổ vậy đó. Nãy giờ nói tan nát là để thấy mọi thứ nó là khổ, bởi vì nó không có gì là bền hết. Hôm nay chúng ta khỏe, chúng ta trẻ, chúng ta đẹp, chúng ta thấy chùa miểu là chúng ta muốn vô cúng dường cầu phúc, chứ chúng ta cũng không nghĩ đến chuyện mà buông hết để mà vô sống đạo như là Phật dạy. Nha. Nhưng tới một lúc nào đó mình có nhu cầu, thì thường là trọng bệnh nan y, hay là tuổi già, sức yếu gần đi rồi, thì mình lúc bấy giờ mới bắt đầu có cái ý lành là muốn đi tu học. Chứ còn thật ra đó, thì các vị có quyền không có tin, phải không? Mà tôi cũng nói câu tàn nhẫn nha. Quý vị có thể không tin mà bản thân tôi cũng chẳng mong quý vị tin nữa, bởi vì tin cái kiểu mà không học giáo lý đó, phải không? Thì nay mai gì đó, gặp thầy bà khác là quý vị cũng bỏ cái cũ, cho nên bây giờ là chúng tôi đạt đến mức độ "máu lạnh" mà coi như là "không tưởng". Có nghĩa là giảng là giảng như vậy, mà đa phần lớn là giảng cho mình thì nhiều, chứ còn nếu mà nói giảng cho thiên hạ thì chúng tôi không có hy vọng, nhưng mà trách nhiệm thì phải nói, đó là: "Thử một lần sống theo lời Phật đi, một ngày, hai ngày, sống bằng Chánh niệm, phải không? Sống bằng Chánh niệm”. Tôi không muốn nói chữ kiểm soát nó nặng lắm. Chữ kiểm soát nó nặng quá đi, nó phản lại tinh thần của Tuệ Quán, mà chỉ nhẹ nhàng nhận diện cái gì nó đang xảy ra? Nó đang diễn ra, đang xảy đến? Chỉ vậy thôi. Nhưng mà anh không học giáo lý thì anh biết cái đó là cái gì? Anh biết cái đó là đất, nước, lửa, gió? Làm sao anh biết cái đó là tham, sân, si? Đó là trí tuệ, từ bi, chánh niệm? Anh đâu có học cho nên anh đâu biết, phải không? Cho nên phải học giáo lý. Còn những ai không cần học mà vẫn đắc, thì tôi xin nói thiệt, - Thứ nhất, mấy người đó không có nhiều đâu, đừng có dựa vô họ. - Thứ hai, Thầy của họ là ai? là Đức Phật, Ngài Xá Lợi Phất, các bậc hiền thánh, nha. Cho nên gọi là khi họ gặp các Ngài, các Ngài biết rõ, nhìn cái lỗ mũi của họ là các Ngài đã biết người này muốn cái gì? Nhìn cánh mũi của họ là các Ngài biết rằng người này là căn cơ có chứng đạo, chứng thánh hay không? Và người này cần nghe cái gì? Nhớ nha. Còn như mình thời nay thì mình không có duyên để mà gặp những bậc đó, bắt buộc mình phải học giáo lý nha. Rồi. Chuyện đầu tiên là mình nói sơ sơ về cái gọi là khổ. 1- Khổ Đế, Đầu tiên đó là mọi thứ đều là khổ. 2- Tập Đế, Là niềm đam mê trong khổ. Nhớ cho kỹ: - Thứ nhất, mọi thứ ở đời đều là khổ, khổ cách này hay cách khác, bản thân vô thường nó cũng là một cái khổ. - Thứ hai, đó là "Tập Đế", nếu mọi thứ là đều là khổ, thì "Tập Đế" nó là niềm đam mê trong bất cứ cái gì, mà đã là đam mê trong bất cứ cái gì thì cũng có nghĩa là nó đam mê trong cái khổ mà nó không biết. Nó chỉ sợ có cái khổ cảm giác thôi. Cái gì làm cho nó đau đớn, khó chịu, sân si, sợ hãi, tức tối, đố kỵ, tị hiềm, thì cái đó nó sợ, nó mới quan tâm. Còn cái khổ mà Đức Phật Ngài dạy đó, khổ mà Phật dạy khác với khổ thế gian nha. Khổ thế gian chính Đức Phật Ngài có nhắc tới, mà Ngài dạy rằng khổ thế gian nó chỉ là 1/3 cái khổ mà Phật dạy thôi. Phật dạy khổ tới 3 lận. - (Một) là sự có mặt của những cái gì làm cho mình khó chịu. - (Hai) thứ nhất là sự có mặt của những gì làm cho mình khó chịu, và thứ hai là sự vắng mặt của những gì mà làm cho mình dễ chịu. Trời nóng là khổ, quạt máy nó đang quay mà tự nhiên nó tắt, thì cái ngừng lại nó cũng là cái khổ, sự biến mất của cái mát cũng là khổ. Bản thân cái nóng là khổ, mà sự biến mất của cái mát mẻ cũng là khổ. Đó gọi là "Hoại Khổ". - Khổ thứ (ba) mới là mệt, mới là trừu tượng nè. Thứ ba gọi là "Hành Khổ". "Hành Khổ" có nghĩa là bất cứ cái gì cũng phải lệ thuộc vô số điều kiện để được tạo nên, thì cái này gọi là "Hành Khổ", phải không? Rồi. Thì "Khổ Đế" là bao gồm 3 khổ này, nhưng mà "Tập Đế" là gì? "Tập Đế" là nó yêu mê, thích thú, trong một thứ nào đó giữa cuộc đời này, mà thứ nào đó trong cuộc đời này nó cũng đều là khổ. Cho nên "Tập Đế" chính là niềm đam mê trong khổ. Đam mê để mà đầu tư khổ mới. - Sự thật thứ ba đó là, muốn hết khổ thì phải là một sự vắng mặt của niềm đam mê thích thú, nếu mà còn đam mê thích thú vào một cái gì đó, người hay là vật, hay là một trạng thái, một trạng huống, một sự kiện, thì coi như chưa giải thoát. - "Diệt Đế" đây chính là sự vắng mặt tuyệt đối của niềm đam mê trong khổ. Ba cái nhận thức về Khổ - Tập - Diệt này cộng lại nó làm thành đế thứ tư, đó là "Đạo Đế". Tức là con đường thoát khổ. Tức là kẻ nào mà thường xuyên sống bằng 3 nhận thức: - (Một) là mọi thứ đều là khổ. - (Hai) thích cái gì cũng là thích trong khổ. - (Ba) muốn hết khổ đừng có sống trong trong niềm đam mê nữa. Thì (ba) cái này nè, (ba) cái này này chính là con đường thoát khổ. (Ba) cái nhận thức này nè, kẻ nào mà giữ giới nè, ngồi thiền nè, bố thí mà luôn luôn canh cánh bên lòng bằng (ba) cái nhận thức này, thì đó chính là người đang có mặt trên con đường thoát khổ. Xong chưa? Rồi. Tôi thưa với bà con một chuyện rất là quan trọng, trong chương mà nói về 18 Giới, giảng về 32 thể trược hay không tả được. Hay lắm luôn. Thí dụ như mình cứ nghe nói thôi, nghe học lóm, lóm, nghe mấy vị Pháp sư, Giảng sư, Tăng ni, nói thân này là bất tịnh, nhưng mà nó thiệt, hiểu mà cho tới nơi tới chốn, hiểu đủ để mà tu đắc định, đắc thiền, đắc đạo, bằng đề mục Bất Tịnh, thì bắt buộc chúng ta phải vào đọc ở trong tiêu đề 18 Giới. Phải không? Còn trưa nay chúng ta học về tiêu đề Tứ Đế, thì tôi xin xác định rằng ai mà muốn tìm hiểu về "Tánh Không" "Suññatā" bên Bắc Truyền, vị nào, mà nhiều vị không biết, tưởng là "Tánh Không" là đặc sản của Phật Giáo Đại Thừa. No. Trong kinh điển Nam Truyền nói về "Tánh Không" đó, đặc biệt là Sớ Giải của chương mà gọi là "saccavibhaṅga" này nè, chương tôi đang giảng nè, chương này là nằm ở trong bộ thứ 2 của A Tỳ Đàm 7 bộ, nói về "Tánh Không" thì phải nói chính là phần này. Tức nghĩa là bộ "Madhyamakakārikā" của Ngài "Nāgārjuna" - Trung Quán Luận của Ngài Long Thọ, nếu mà người nào đọc quyển đó, quyển "Madhyamakakārikā", đọc quyển đó rồi đọc lại ở bên Sớ Giải bộ phân tích "Vibhaṅga" mà tôi đang giảng nè, đọc cái kia trước rồi đọc cái này, hoặc là đọc cái này rồi mới đọc cái kia, cái nào cũng được. Thì các vị sẽ giật minh, thì ra tinh thần của "Tánh Không" đã được Phật Giáo Nam Truyền nói tới rất kỹ. Kỹ lắm luôn, nha. Kỹ lắm luôn. "Tánh Không" là gì? Là ở đây không nhà, không có cái gì đáng gọi là nhà cửa, con người, nam nữ, không có cái gì để mình gọi là phàm thánh mà theo nhận thức của phàm phu. Thí dụ như mình nói đó là bậc thánh, mà thật ra đó, nó gồm các thành tố là, tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mật, đàm, mũ, máu, mồ hôi, phẫn, nước tiểu, phải không? Thánh nào đi, thánh phàm thì mình lúc nào mình cũng hiểu lầm mình tưởng là có một A, B, C, F gì trong đời này. Nhưng mà thật ra không. Thánh khác mình điểm, tức là ngoài cái thân y chang như mình, thì các Ngài không còn phiền não, các Ngài không có thích trong cái gì, mà hễ không thích thì không có ghét, mà không có thích thì không có đi tìm, mà không có đi tìm thì không có thất vọng, mà hễ không có thích thì không có ghét, mà không có ghét thì không có trốn chạy, mà hễ không có trốn chạy thì cũng không có thất vọng. Còn mình thì sao? Thích tùm lum. Cho nên nếu mà tìm không được cái mình thích là thất vọng. Mà hễ có thích thì phải có ghét. Mà hễ có ghét thì phải có trốn chạy, mà trốn chạy không thành công cũng khổ. Còn bậc thánh thì không. Bậc thánh biết rất rõ mọi thứ nó là lắp ráp, nó là đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Nó chỉ là 5 Uẩn, 12 Xứ, 18 Giới. Các Ngài biết rằng ở đây không có cái gì mà khả dĩ gọi là "tôi" hay "của tôi" hết. Phần đó không có. Nhớ nha. Nhớ cái đó rất là quan trọng. Thì "Tánh Không" ở đây là vậy đó. "Tánh Không" ở đây là không có một cái gì mà mình gọi là cái lá me hay là lá bàng, không có. Tánh Không, không có cái gì để gọi là ông A, bà B. Không có cái gì để gọi là thánh là phàm, gọi giả danh để hiểu thì được, nhưng mà chấp chặt là sai. Tánh Không ở đây nó không phải là không có, tôi nhắc lại, Tánh Không ở đây nó không phải là "Nothing" mà nó là "Nobody" - "Không có ai", chứ phải là "Không có gì". Nhớ nha. Nhớ cái này, nó không phải là "Nothing" mà nó là "Nobody". Tánh Không là vô ngã đó. Thí dụ như 12 Duyên Khởi cho mình biết rằng thế giới này nó vận hành trên các nguyên tắc Nhân Quả: - Nhân tạo ra Quả, - Quả tác động Quả, - Quả tác động Nhân, - Nhân tác động Nhân, - Nhân tạo ra Quả. Cứ vậy nó làm vòng vòng, nguyên một vòng tròn gồm 12 mắt xích. Chứ còn thực ra, là tất cả vũ trụ nó chỉ vận hành theo Nhân Quả chứ còn ngoài ra không có gì hết. Nhớ không. Thì tôi nhắc lại, trong chương, trong tiêu đề mà nói về Bốn Đế này nè, thì các Ngài nói rất sâu, rất rộng về cái gọi là Tánh Không. Có nghĩa là theo mô tả trong kinh, vũ trụ này nó là một cục bột tròn vo vậy đó, nói theo nghĩa bóng nha, nói theo nghĩa bóng không phải nghĩa đen, nghĩa bóng, nó là cục tròn vo vậy đó, thì trong đó nó có đủ thứ hết, phải không? Đủ thứ hầm bà lằng trong đó, đủ thứ, thì ở trong cục tròn vo đó, nguyên cái cục tròn vo đó nó có cái tên là khổ. Ừ. Cái cục tròn vo đó có tên gọi là khổ. Mà trong cục tròn vo đó nó có thiện, có ác, có sướng, có vui, gom chung lại tôi gọi là khổ. Theo tinh thần của A Tỳ Đàm nguyên thủy, nguyên cục tròn vo đó là khổ. Nhưng mà trong đó có cái thiện, cái ác, thiện nào cũng là khổ, nhưng mà: - Bát Chánh Đạo thì nó vừa là khổ, mà nó vừa là con đường thoát khổ. - Còn cái ác nào cũng là khổ, nhưng mà riêng Tham Ái nó vừa là khổ mà nó vừa là con đường tạo ra khổ. Nó là cội nguồn, nguồn cơn của đau khổ. Nhớ nha. Nhớ cái đó. Lý Nhân Quả ở đây là vậy đó, có nghĩa là nó cứ liên tục cái này nó tạo ra cái kia. Cái kia nó tạo ra cái nọ. Nhân tạo ra Quả, rồi Quả tác động Quả, Quả tác động Nhân, Nhân tác động Nhân. Mà cứ vậy nó làm nên cái vòng tròn mình gọi là "Khổ Đế" hay là vòng tròn của cái gọi là "Duyên Khởi". Nha. Cho nên bài giảng đầu tiên giới thiệu cho bà con về Bốn Đế là tôi nhắc lại như vậy: - Mọi thứ ở đời này đều là khổ, - Thích cái gì cũng là thích trong khổ, - Muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa. - Sống bằng ba nhận thức này chính là con đường thoát khổ. Thì tôi vừa nói nãy đó, "Tánh Không" mà thông qua, xuyên qua Giáo Lý Tứ Đế là sao? Là thấy rằng ở đây chỉ có Nhân và Quả thôi. "Tập Đế" nó tạo ra "Khổ Đế", và "Đạo Đế" nó dẫn đến, nhớ nha, "tạo ra" và "dẫn đến" nha. - Tập Đế nó tạo ra Khổ Đế, - Đạo đế nó dẫn đến Diệt Đế. Thì ở đây tôi nhắc lại là nội dung của Tứ Đế này nó sâu ở chỗ là nói về Tánh Không rất là độc đáo. Trước hết cho mình thấy rằng: - Nhân nó cũng là Tánh Không, - Quả cũng là Tánh Không, - Thiện ác là Tánh Không, - Sướng khổ là Tánh Không. Là tại sao? Nghe cho kỹ nè, không đây là gì? Không đây là "Nobody" chứ không phải là "Nothing" nghe cho kỹ nè. Tại sao Nhân Quả đều là Tánh Không? Nghe cho kỹ: - 6 Căn chỉ được gọi là 6 Căn khi nó làm điểm tựa cho 6 Thức để nhận biết 6 Trần. Nó khổ vậy đó. Chứ còn bản thân nó là không thể nào mình gọi con mắt, con mắt nó không thể nào là 6 Căn, con mắt nó không thể nào là Nhãn căn, nếu mà nó không có tính năng là nhìn thấy. Thí dụ như một xác chết nó nằm đó, thì mình thích thì mình cứ gọi, mình nói đây là mắt, phải không? Đây là lỗ tai, đó là do mình thích gọi, một phần, với phần nữa bây giờ mình không kêu mắt, không kêu tai, mình kêu hai cục thừ lừ đó bằng cái gì? Hả? Nếu bây giờ người ta chết ngắt rồi, mà mình không có kêu hai cái đó, đây là mắt, đây là tai, mình kêu cái gì? Bắt buộc mình cũng phải gượng gạo tạm thời, khiên cưỡng mà gọi nó đây là mắt, đây là tai, chứ thật ra đó là hai cục thịt. Chỉ khi nào nó còn sống, con mắt mới gọi là con mắt, bởi vì con mắt đó tính năng của nó là gì? Là làm gì ta? Để thấy. Còn lỗ tai là chức năng để nghe, nhưng mà bây giờ nó chỉ là cục thịt, nó không còn hai đó nữa, thì tôi nhắc lại, mình thích thì mình cứ kêu, nhưng mà trong bụng mình phải hiểu ngầm rằng đây là chỉ là hai miếng thịt thôi, chứ không phải gọi là nhãn căn, nhĩ căn được. Cho nên Tánh Không là sao? - Nhân chỉ được gọi là Nhân khi mà nó tạo ra Quả. - Quả chỉ được gọi là Quả khi nó được tạo ra bởi Nhân. - Thiện được gọi là thiện bởi vì nó thúc đẩy người ta hành thiện, và nó tạo ra các Quả hỷ lạc. Tức là bản thân nó phải làm cái gì đó, tất cả những cái tên gọi đó, trên cuộc đời này đều phải dựa vào tính năng và phẩm chất của nó hết. "We are nothing but relationship". Chúng ta không là gì hết. Vũ trụ này là không là gì hết. Tất cả chỉ là những mối tương quan, những mối liên hệ thôi. Nó sâu là sâu chỗ này, phải không? Ừ. Cho nên nói đến Tứ Đế là phải nói đến Luật Nhân Quả, mà nói đến Nhân Quả là phải nói đến Tánh Không. Nhân là không, mà Quả cũng là không là chỗ đó. Ừ. Thí dụ như mình cứ nghĩ rằng có một thằng Tèo, có một thằng Tí, rồi gì nữa? Hai đứa này nó đi vô chùa, nó đi làm phước, và nó ra xã hội nó phụng sự nhân sinh, rồi cái gì nữa? Đó gọi là công đức, rồi kiếp sau nó sanh ra nó giàu, nó khỏe, nó giỏi, nó đẹp, mình gọi đó là mình. Cứ nghĩ như vậy đó, thì mình mới còn có chấp ngã. Còn đằng này mình sẽ hiểu rằng đủ nhân, đủ duyên, hạt giống nảy mầm, ra cái cây. Chưa. Chưa. Còn nữa. Đủ nhân, đủ duyên, cái mầm đó nó mới thành cây lớn, đủ nhân, đủ duyên, thì cây đó nó mới trụ được 5 năm, 10 năm. Chứ có nhiều cây nó không đủ duyên, nó bị chướng duyên, bị nghịch duyên nó mới vừa nhú mầm bị người ta đạp chết rồi, nha. Cho nên phải đủ duyên thì hạt mầm nó mới nảy chồi. Rồi đủ duyên thì chồi đó nó mới lớn mạnh, nó thành ra cây to, cây cổ thụ, cây đại thọ. Nha. Mà chưa hết đâu. Nó đủ duyên là đủ trong bao lâu? Thí dụ nó đủ trong 50 năm, thì đó là cây đại thọ 50 tuổi, rồi nó đủ duyên trong 300 năm, thì đó là cây đại thọ 300 tuổi, mình nhớ nha, Việt Nam mình có cây gì đó mà thuộc về Quốc Sản, nó tới 700 tuổi, không biết có đúng hay không. Nhưng mà thôi. Chỉ ví dụ cho bà con biết vậy thôi. Có nghĩa là bản thân Nhân nó là Tánh Không, là bởi vì nó chỉ được gọi là Nhân trong vai trò tạo Quả - Và Quả chỉ được kể là Quả khi nào người ta nói đến mối tương quan của nó với Nhân. Cho nên nói Tánh Không là gì? Tôi nhắc lại. Tứ Diệu Đế là trong Chú Giải này ghi rất là rõ: - Chỉ có sự khổ không có ai bị khổ, đó là Tánh Không của "Khổ Đế". - Thứ hai, chỉ có nguyên nhân tạo ra khổ chứ không có người tạo ra khổ. Đó là Tánh Không của "Tập Đế". - Thứ ba, chỉ có sự vắng mặt, sự chấm dứt đau khổ chứ không có cái gì, không có cái cục, cái gì đó để gọi là người thoát khổ, phải không? Không có. Chỉ có sự thoát khổ chứ không có người thoát khổ. - Thứ tư, chỉ có con đường hành trì, chứ không có kẻ đi theo con đường đó. Cái này những người trong kinh Đức Phật Ngài dạy rất rõ, cách đây 4 ngày, chúng tôi đang làm, đang soạn, đang hoàn chỉnh bản thảo Kālāma 4, thì có đi ngang bài kinh đó, có đi ngang bài kinh có nội dung tương tự như vậy. Tôi nhắc lại, tức là chỉ có con đường hành trì, chứ không có người hành trì, người mà không học đạo nghe này rất là sốc, nhưng mà thật ra cái đó là có thật. Thí dụ như có một vị Tỳ Kheo đó đang bị bệnh Đức Phật đến thăm, Ngài hỏi thế này: - "Ngươi có đau đớn lắm không? Có chịu đựng được không?". Vị Tỳ Kheo nói: - "Bạch Thế Tôn, đau quá, đau lắm, con đau đến mức mà con nghĩ thôi giờ chết hay hơn, đau quá con gồng không nổi, con chịu không nổi nữa, con đã trân mình quá lâu ngày rồi, chịu không nổi". Thì Đức Phật Ngài dạy thế này: - "Đừng có hoang tưởng rằng tôi đang đau, cơn đau này là của tôi, mà con phải bình tĩnh ghi nhận rằng, thay vì nói đây là tôi đang đau, cơn đau này là của tôi, trên xương tôi, trên thịt tôi, thì bây giờ vị Tỳ Kheo chỉ hiểu rằng cơn đau đang có mặt cho do các duyên". Hết. Do các duyên mà cơn đau đang có mặt. Chỉ vậy thôi. Nó khác với chuyện là tôi đang bị đau. Lúc bây giờ khi mà mình nghĩ rằng tôi đang bị đau, là mình gắn cái đau vào trong ý niệm ngã chấp, nó đau dữ lắm. Nhưng khi mình đã nói rằng cơn đau đang có mặt, thì lúc bây giờ rõ ràng mình đã là người nhảy ra khỏi cuộc chơi rồi, ở ngoài mình nhìn vào rồi. Ở trong mình nhìn ra, ở trên nhìn xuống, và ở dưới nhìn lên, có nghĩa là mình hoàn toàn tách khỏi thực tại. Mình đã dùng tới tuyệt kỹ của Cầu Thiên Nhậm là "Thủy Thượng Phiêu", có nghĩa là đi trên mặt nước, là đi băng qua hồ nhưng mà chân không dính nước. "Thủy Thượng Phiêu". Sống trong thế giới tứ đại nhưng mà lòng không bị mắc dính trong tứ đại. Nhớ nha. Cái đó rất là khó. Thì bà con nào có lòng cầu giải thoát thì nên lưu ý bài giảng trưa nay, bài giảng trưa nay mới có khơi màu thôi, mới có khơi màu, mới có giới thiệu về Bốn Đế thôi. Thì tôi nói sơ sơ, nói đến 4 Đế là nói đến 4 Sự Thật, đồng thời nhớ rằng muốn chứng thánh phải thấy ra 4 Sự Thật đó, và điểm rất là độc đáo vô cùng và vô cùng độc đáo. Tức là thông qua tiêu đề gọi là 4 Đế, thì các Ngài đã lồng vào đó nội dung Tánh Không rất là tuyệt. - Tánh Không của Nhân, của Quả. - Tánh Không của khổ, của tập, của diệt, của đạo, của khổ là gì? Chỉ có sự đau khổ, không có ai bị khổ. - Tánh Không của Tập Đế là gì? Chỉ có con đường dẫn đến khổ, chứ không có ai tạo ra khổ. - Thứ ba, chỉ có sự chấm dứt đau khổ, chứ không có ai giải thoát. - Thứ tư, chỉ có con đường hành trì, chứ không có ai hành trì, không có ai có nghĩa là vậy đó. Có nghĩa là sao ta? Tức là các thành tố tâm lý cộng lại nó làm một cái việc mà mình gọi là "tu hành". Đấy. Tôi đang nói bằng một cách định nghĩa rất là kỳ. Các thành tố tâm lý nó nắm tay nhau lại để nó thực hiện những thao tác nào đó, mà mình gọi là tụng kinh, là chưng hoa, là cúng Phật, là lễ bái, là thiền hành, là thiền tọa. Nhớ cái đó. Gọi là Tánh Không là chỗ đó đó. Mà đặc biệt, đọc cái này thì tôi cũng phải nói thêm, tôi thiết tha mong mỏi trong nước có một bản dịch cho tới nơi, tới chốn về gọi là 18 tiêu đề của Phật Pháp, phải không? Thì để cho bà con tụng đọc và nghiền ngẫm mỗi ngày, tại sao tôi cần bản dịch đàng hoàng? Là bởi vì dịch kinh nó có hai, ba trường phái, ngán. Trường phái (một), là ôm từng chữ mà dịch y chang từ điển, bản dịch này đọc không nổi, nha. Trường phái thứ (hai) là chơi fantasy, trường phái tôi kêu là classic nhưng mà trường phái thứ hai là Fantasy, có nghĩa là ngẫu hứng, tung tẩy tiếng Việt trên bản dịch, cho nên đọc vô thì nó có thơ mộng nhưng mà khả nghi lắm, tin không có được. Đấy. Mà trong khi đó bản thân chúng tôi là cũng tạm tạm gọi là "cái thằng" viết văn, "cái thằng" làm thơ, nhưng khi mà chúng tôi thực hiện bộ Kālāma chúng tôi phải quên mình đi, chúng tôi phải làm việc bằng một hóa thân rất là khác. Có nghĩa là ở đó chúng tôi không có đem cái tâm tư, tình cảm, ngẫu hứng mà can thiệp sâu vào trong ngôn từ câu chữ của Kālāma, chúng tôi phải gọi là vận dụng lại, tận dụng lại bản dịch của Hòa Thượng Minh Châu một cách triệt để, và đương nhiên thì khỏi phải nói nhiều, nay mai bà con cầm quyển Kālāma Nhật Tụng lên, thì bà con sẽ thấy trong đó chúng tôi đã có ít nhiều can thiệp một vài chỗ. Mà có đưa ra lý do, chứ không phải tự nhiên của bậc tiền bối tiên hiền, cổ đức, tự nhiên mình nhào vô cái mình thay đổi. Những khi thay đổi như vậy thì tôi có nghĩ, có thể đây là lỗi ấn loát, chứ tôi cũng không tin, có nhiều lỗi nó to bằng trời, nó to tày đình, to tày liếp, tôi cũng ngán, tôi không có tin. Tôi không có tin là Ôn Minh Châu mà phạm cái lỗi đó, mà tôi nghi rằng do mấy cái tay tổ mà đánh máy đó, cái thời mà như là computerized thời này nè, điện toán hóa toàn cầu cái gì đó, rồi làm cho cái bản dịch nó rối, nó khó hiểu, chứ tôi ước ao Tăng Ni sinh, một phần mấy vị trong nước cũng nhiều lắm, làm ơn tặng giùm cho Phật Tử bản dịch của bộ mà Chú Giải "Vibhaṅga" này nè, còn thế nào trong room này cũng hỏi tại sao Sư không làm? Nói thiệt, bây giờ già lắm rồi, bây giờ cầm sách giảng thì được, chứ ngồi mà rị mò, rị mò đó, rồi tra thì ngán lắm, nha. Ừ. Thì tôi xin nhắc lại là tuần sau chúng ta sẽ quay lại với tiêu đề 4 Đế. Bữa nay tôi chỉ nhắc sơ thôi, nói đến 4 Đế là mình nói đến 4 Sự Thật, mà phải thông qua 4 Sự Thật này, một người có đủ nhận thức ngon lành 4 Sự Thật này thì người đó mới có thể chứng thánh. Đó là (một). Thứ (hai), là chúng ta phải biết Tứ Đế là cái gì? Thứ (ba) học về Tánh Không của cái gọi là Tứ Đế. Mà học về Tánh Không của Tứ Đế cũng chính là học về Tánh Không của Luật Nhân Quả. Ừ. Thì sâu lắm. Vậy là chúng ta có dịp chúng ta học về 4 Đế nè, về Nhân Quả nè, về Tánh Không nè, và đương nhiên, thì cốt lõi của bất cứ tiêu đề nào trong kinh điển đó là làm sao mà mình tìm ra được một mối nối, một nhịp cầu giữa lý thuyết và thực hành. Làm sao mà một hành giả Tứ Niệm Xứ khi mà đọc vào trong bản Chú Giải này, phải không? Thì người ta thấy ra được những cái nhắc nhở, những cái gợi ý rất là lớn. Còn đằng này cho đến bây giờ thì theo chúng tôi biết, thì cho đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có bản dịch này, ngày xưa có một bản dịch đọc vô nhức đầu quá, có, có rồi, có dịch mà đọc vô chịu không nổi. Nha. Bà con đừng có ép tôi nói ai dịch nghen. Rồi. Thì đọc vô nhức đầu quá, cho nên bộ Chú Giải đó nó có tên là "Sammohavinodanī". Nha. Thì bữa nay giới thiệu sơ sơ vậy thôi, rồi tuần sau, phải tuần sau không ta? Bữa nay thứ năm hả? Còn, còn, chúng tôi còn ngày cuối, còn một ngày nữa trước khi chúng tôi bay về Ấn Độ. Và mong là gặp lại một ít bà con bên Ấn Độ. Và chúng ta sẽ có những buổi nói chuyện rất là thú vị. Và tôi cũng tin là cũng có tí cần thiết cho những người đã, đang và sẽ đặt chân lên mảnh đất Thiên. Và đồng thời đó là, ngày 2 tôi bay, thì ngày 12 tôi về trở về Kālāma, thì ở đó bắt đầu một lớp học mới. Như vậy thì thứ năm tuần sau gặp lại bà con. Chúc bà con một ngày vui. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 🍀 Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây: https://www.youtube.com/live/93n5TCo0IOg?si=tLX1UldImakH9QCF ---------------------------🍀 Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
![]() Xem thêm: |