Vô Sở Hữu (ākiñcaññāyatanabhūmi) | [ ← ] [ → ] |
Vô Sở Hữu (ākiñcaññāyatanabhūmi) Vô sắc giới gồm có 4 cõi dành cho những vị Phạm thiên đã đắc Ngũ thiền Sắc giới và nhàm chán sắc pháp, rồi tu tập các đề mục Vô sắc. Người 4 cõi này tái tục bằng 1 trong 4 tâm Quả Vô sắc. Tâm Vô Sở Hữu Người hữu duyên lại đi xa hơn, xét rằng hư không là hữu hạn vì còn bị thức biết và thức cũng không phải là vô tận vì chỉ biết được cái hư không hữu hạn kia nên hành giả lại lần nữa sanh tâm nhàm chán cả hai thứ bằng cách tập chú vào khái niệm thứ ba: Natthi kiñcanaṃ (không còn gì nữa cả). Trong tâm tưởng vị ấy lúc này cũng đã chối bỏ vừa Hư Không vừa Thức và đạt tới trình độ Vô Sở Hữu Xứ. Một người có huệ căn, như bồ tát Tất Đạt chẳng hạn, không thể xem tầng thiền Vô sắc thứ ba này là cứu cánh sau cùng khi thấy rằng cái biết trong thiền Vô Sở Hữu Xứ dầu gì cũng chỉ là bước nhảy đầu tiên ra khỏi hai đối tượng hữu hạn kia. Như một người không thể an tâm khi nhận ra mình vẫn còn ở ngay phía trước nơi chốn đang rất muốn rời bỏ. Đương sự phải đi xa hơn cho cảnh cũ khuất hẳn tầm mắt. Bốn tầng thiền Vô sắc được kể là ngũ thiền vì y cứ trên ngũ thiền mà có. Có thể nói đây là tầng ngũ thiền nhàm chán Sắc pháp, như tầng Vô Tưởng cũng là ngũ thiền nhưng dành cho người nhàm chán Danh pháp. Sự nhàm chán trong các tầng thiền này chưa phải là rốt ráo và thiền Chỉ tịnh cũng không phải là giải pháp cao nhất nên sự không tâm ở cõi Vô Tưởng hay sự vô hình ở cõi Vô sắc cũng chỉ là những cứu cánh tạm thời. Sự nhàm chán rốt ráo đối với Danh Sắc phải y cứ trên Tam Tướng và giải pháp xuất ly phải là con đường Tứ Niệm Xứ. Điều cần ghi nhận thêm là năm tầng thiền Sắc giới khác biệt nhau ở số lượng thiền chi. Bốn tầng thiền Vô sắc chỉ khác biệt nhau ở đối tượng ghi nhận, còn thiền chi thì ở tầng nào cũng có hai là Định và Xả. Các tâm Vô sắc giới nói chung cũng được chia thành ba phần Thiện, Quả và Tố với những chi tiết giống hệt như ở tầng thiền Sắc giới. |