Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 05/11/2022

1. Thế Giới & Vũ trụ
2. 14 & 25
3. Tu hành là gì?
4. Tu tập là cái gì?
5. Thế nào là tâm bệnh?
6. Vòng luân hồi
7. Cả 14 và 25 đều là đổ dổm
8. 37 Bồ Đề phần
9. Bốn Sự Thật
10. Góc nhìn qua Giáo Lý
11. Kālāma
12. Thờ Phật.
13. Tinh tấn & Dễ duôi
14. Phật pháp
15. 13 Tâm Sở tợ tha
16. Sáu căn tánh
17. Tà kiến
18. Mạn & Sân
19. 25 Tâm Sở tích cực
20. Chánh Tư Duy
21. Duyên
22. Trí
23. Tưởng và Thức
24. Có và Không có
25. Đắc Đạo
26. 6 năm khổ hạnh
27. Tóm lược

↑ trở lên

Thế Giới & Vũ trụ

Trước hết, nói đến thế giới là có 2 khía cạnh mà chúng ta thường chú ý : Không gian và thời gian.

Thế Tôn nói riêng, và chư Phật ba đời mười phương nói chung, về thời gian không có nói thế giới bắt đầu từ lúc nào. Và về không gian cũng không nói rằng cho đến bao xa thì không còn chúng sinh nữa, bởi nó có vô lượng vũ trụ.

Về thời gian không nói bắt đầu lúc nào thì các Ngài không nói con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà. Các Ngài chỉ cho biết rằng: muốn có trứng phải có con gà mái, muốn có con gà mái thì phải có trứng. Chỉ có bao nhiêu đó thôi. Đó là về thời gian.

Về không gian, Thế Tôn nói riêng, chư Phật ba đời mười phương nói chung không có nói cho đến bao xa là hết chúng sinh. Các Ngài chỉ dạy cho mình biết rằng: Tùy thuộc vào căn cơ giống nhau bao nhiêu mà chúng ta cộng trú với nhau ở khoảng cách xa, gần. Thí dụ, giống nhau nhiều thì làm thân quyến. Ít hơn chút thì cùng làng xã, ít hơn chút thì cùng quận huyện, ít hơn chút cùng vùng miền, ít hơn chút thì cùng một đất nước. Cứ như vậy. Như vậy, thì do có điểm tương đồng mà chúng ta có mặt trong một hành tinh, một thế giới. Mỗi một thế giới như vậy có 1 mặt trăng, 1 mặt trời.

  • 1000 lần thế giới có mặt trăng – mặt trời như vậy nó làm nên 1 tiểu thiên thế giới.
  • 1000 tiểu thiên là 1 trung thiên.
  • 1000 trung thiên là một đại thiên.
  • 10.000 đại thiên như vậy là địa bàn hoằng dương của một đức Phật, gọi là Phật sát thức là khu vực từ tiếng Phạn là Setra còn Pali là Khetta.

Có một vấn đề được bỏ ngỏ, không nói đến trong kinh điển Pāli, đó là bên ngoài Phật sát này còn có bao nhiêu Phật sát khác, có bao nhiêu cõi Phật khác. Thì chỗ này trong Nam truyền không có nói tới. Chính chỗ bỏ ngỏ này, các tổ đời sau mới triển khai là ngoài Phật sát này có vô lượng Phật sát khác. Tùy hạnh nguyện mỗi vị Bồ Tát trong lúc tu tập Ba La Mật mà khi thành Phật rồi Phật Sát mỗi vị có nét riêng. Thí dụ như Phật Sát của đức Phật Đông Phương Dược Sư Lưu Ly Quang, Phật sát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi Phật sát có một đặc điểm riêng.

Nhưng đặc biệt, khu vực hoằng pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là khu vực Ngũ trược đạt thế, khó khăn cho nên cõi mà Ngài ra đời là cõi Sa-bà, trong tiếng Phạn là saha = kham nhẫn. Là vì ở cõi này có nhiều chuyện để mà chịu đựng lắm. Mà tùy hạnh nguyện chư Phật mà các Ngài chọn Phật sát thế nào. Đó là theo Nam truyền.

Nam truyền chỉ nói đến Phật sát này thôi chứ không nói đến chuyện hiện giờ có bao nhiêu vị Phật khác ra đời ở các Phật sát khác. Cái đó thì trong Nam truyền bỏ ngỏ không nói đến.

↑ trở lên

14 & 25

Tùy thuộc vào điểm giống nhau của mình và chúng sanh chung quanh bao nhiêu mà chúng ta có mặt ở trong một địa phương nhỏ, trong một hành tinh, trong một tiểu thiên, trung thiên, đại thiên và sau cùng, có mặt trong cùng Phật sát.

Nếu nói theo kinh điển Nam truyền, cứ một Phật sát như vậy, nó giống như một ổ ếch vậy. Ở đây có biết ổ ếch không? Ổ ếch gồm rất nhiều cái trứng, nó bầy nhầy một dề như vậy. Thì một Phật sát chỉ là một ổ ếch thôi, mà nó vô lượng ổ ếch như vậy. Còn các vị hỏi có bao nhiêu ổ ếch thì đó là một thứ tà kiến. Vì sao vậy? Vì khi mình biết rằng, sự hiện hữu mỗi chúng sinh nó chỉ là một khối tổng hợp của Danh Sắc, chớp nhoáng, sanh diệt, chớp tắt, thì lúc ấy mình không còn tha thiết gì khái niệm, có đông hay ít, xa gần, trong ngoài nữa. Khi mình quan tâm đến cái đó là một thứ Tà kiến, trong 62 Tà kiến gọi đó là Hữu biên kiến hay là Vô biên kiến. Rồi. Đó là nói tổng quát về thế giới.

Giờ nói về chi tiết.

Mỗi chúng sinh như vậy, một cách căn bản, nói tổng quát gồm 2 phần chính, dầu là con dòi hay con ruồi cho đến một vị hoàng đế, cho đến một vị trời Phạm thiên, thì chỉ có 2 phần thôi: Danh & Sắc.

Sắc = 28 sắc pháp = 4 đại + 24 Sắc phụ thuộc. Đó là phần vật chất/ Sắc pháp / phần xác.

Phần hồn, phần Danh pháp, phần tâm linh, tinh thần gồm 2 cấu trúc sau đây:

1. Tâm chỉ là cái biết, không có thiện ác, không phàm thánh, chỉ là cái Tâm + 13 Tâm sở trung tính + 14 tâm sở tiêu cực = tâm ác.
2. Tâm thức là cái biết đơn thuần + 13 tâm sở trung tính + 25 tâm sở tích cực = Tâm thiện.

Tại sao có 13 Tâm sở này? Bởi vì 13 tâm sở này giống như chất dung môi trong hóa chất, là chất trung hòa để kết nối các thành phần hóa chất khác, chứ còn bản thân nó không thiện ác gì hết.

Sáng nay mình học tổng quát. Trong suốt nhiều kiếp luân hồi lâu đến mức trong kinh nói “sữa mẹ mình bú nhiều hơn nước trong bốn biển, nước mắt mình khóc nhiều hơn bốn biển, máu mà mình đổ ra do bệnh và do tai nạn nhiều hơn nước trong bốn biển” . Trong suốt thời gian đó, chúng ta cứ sống quẩn quanh với 2 công thức này : (1+13+14); (1+13 +25).

Nhưng mình phải hiểu ngầm mình sống bằng (1+13+25) hơi hiếm mà mình sống với (1+13+14) nhiều.



Đây là lý do vì đâu Phật dạy : Cơ hội được mang thân người nó hiếm hoi và khó khăn hơn là một con rùa mù, ở dưới biển, 100 năm trồi đầu lên một lần, mà tình cờ nó chun vào được lỗ ván trôi trên biển. Nó khó vì mình biết đạo rồi mà vẫn một ngày 24 giờ đồng hồ mình sống bất thiện nhiều hơn thiện. Thời gian sống ác nhiều hơn thiện không biết bao nhiêu lần. Cho nên tuy mình nói 14, 25 thật ra mình sống với 14 nhiều. Đây là cái thứ nhất, vì đâu có bài kinh rùa mù.

Thứ hai, chính vì mình sống nhiều với 14 cho nên ngay cả khi biết Phật pháp thì cơ hội tu tập tinh tấn rất khó, rất ít. Đa phần mình sống trong thói quen bất thiện.

“Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng” = Làm thiện khó như leo cao, làm ác dễ như tuột xuống thấp. Đó là cái thứ hai.

Thứ nhất, mang thân Nhân – Thiên khó.
Thứ hai, để sống trong tâm thiện rất khó.

Cái thứ ba, chính vì mình sống ác dễ hơn sống thiện cho nên trong suốt đời chúng sinh thường khổ ưu nhiều hơn hỷ lạc. Trừ chư thiên, mà số chư thiên ít hơn loài sa đọa, ít hơn rất là nhiều. Giờ tôi nói về xứ nóng cho dễ: mình lấy cái vá, cái mai, cái thuổng thọc xuống đất, một vá một là đào lên biết bao nhiêu chúng sinh ở dưới, đặc biệt là xứ nóng. Trong khi một quận một huyện một xã một tỉnh thì con người mình đếm được. Nhưng mình lấy cái vá, cái thuổng mình thọc xuống đất thì đào lên thí không biết bao nhiêu con. Hoặc là ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam, buổi sáng ra ngoài đồng, các vị nhìn thấy mấy con bù mắt, nó nhiều không kể được, nhiều vô thiên lủng. Chưa kể là loài sống trong nước.

Cho nên, trong kinh nói đức Phật Ngài dạy: Ta không thấy một chủng loại chúng sinh nào đa dạng, phức tạp hơn loài bàng sinh. Mà trong các loài bàng sanh loài sống trong nước, trong sình nhiều hơn loài sống trên khô, trên cạn. Bởi vì các dịch chất là môi trường để sinh sôi các chủng loại sinh vật mạnh hơn trên cạn.

Tôi nói tổng quát bà con nghe lại.

Mỗi chúng sanh gồm 2 phần: Danh & Sắc / Hồn & Xác.

Phần Danh gồm có 2 công thức Thiện & Ác. Trong công thức ác (1 + 13+ 14) chính cái 14 này là nền tạo ra tam độc : Tham, Sân , Si. Nó là cái nền để tạo ra 5 triền cái, 6 triền cái. Nó là cái nền để mình nói đến 10 kiết sử, 10 phiền não, 108 phiền não, 1500 phiền não. Nhớ nha. 14 này nó ra hết mấy thứ đó. Tứ bộc, tứ phối, tứ kết, tứ thủ, thì cũng đều từ 14 này ra. Tất cả cái ác trên đời từ 14 tâm sở tiêu cực mà ra.

Qua cái thiện, (1+13+25) thì tất cả cái thiện trên đời đều lấy từ trong 25 ra. Gồm 10 Ba La Mật (Nam truyền), 6 Ba La Mật (Bắc truyền), 37 Bồ Đề phần, Thập thiện, đều nằm hết ở trong 25 này thôi.

↑ trở lên

Tu hành là gì?

Nghe cho kỹ.

Chuyện đầu tiên, bớt sống với 14, sống nhiều với 25. Đó là nói tổng quát.

Cái thứ hai, 25 xưa giờ trong vòng luân hồi mình sống là 25 hữu lậu, có nghĩa là mình sống thiện:

(1) Trong ý niệm Thân kiến: Tôi làm thiện, Tôi đạo đức, Tôi tốt đẹp, Tôi hay ho, Tôi dễ thương Tôi đáng quý, Tôi đáng mến, Tôi đáng kính, Tôi dễ gần. Luôn luôn là như vậy. Sống trong nền tảng Thân kiến.

(2) Sống trong ý niệm cầu phúc = Mình sống thiện với ý niệm hiện tại là cầu danh, mong người ta biết, mong cho đời sau kiếp khác thuở lai sinh mình được hưởng những gì mình tạo, như vậy được gọi là phước hữu lậu, công đức hữu lậu.

Công đức vô lậu = Bao nhiêu việc thiện mình làm chỉ nhắm đến cứu cánh không còn thiện ác buồn vui nữa. Còn nếu hành thiện lánh ác còn mục đích trốn khổ tìm vui thì vẫn còn nằm trong thế giới hữu lậu. Cho nên, cũng 25 đó, nhưng 25 có 2: 25 vào rừng & 25 ra rừng = Con đường vào rừng cũng là con đường ra rừng, vấn đề là các vị quay mặt hướng nào.

Hôm nay các vị nghe pháp, học đạo, bố thí, lễ Phật, phục vụ, hồi hướng, cung kính, thuyết pháp, thính pháp, tất cả công đức đó, nếu để nhắm đến ý nghĩa Ba La Mật với công đức này để chấm dứt sanh tử không còn phiền não nữa, thì đó được gọi là công đức Ba La Mật. Còn khi thực hiện công đức ấy mà với cái lòng cầu danh hiện tại hoặc cầu phúc vị lai thì gọi là công đức hữu lậu. Nhớ nha.

Chuyện tôi muốn nhấn mạnh đây là gì? Đó là nãy tôi có nói chữ “Thân kiến”.

Do không hiểu rằng: Thân tâm này, vũ trụ này vốn dĩ chỉ là sự kết nối giữa các thành tố. Có điều do mình sống nhiều với 14 thì những thành tố mà nó cấu tạo nên thân, tâm này toàn là quả bất thiện. Còn khi mình sống thiện thì những thành tố đó được tạo ra từ quả lành. Khi mình sống với quả lành thì mình được hỷ lạc vui tâm sướng thân. Còn khi mình sống với quả xấu thì mình sẽ bị khổ ưu = cực thân, khổ tâm. Chỉ vậy thôi.

Một chuyện quan trọng nữa. Nghe cho kỹ chỗ này.

Nói đến thế giới là nói đến 2 thứ: Hạnh phúc & Đau khổ. Nói đến hạnh phúc & đau khổ là mình phải nói đến chuyện thích & ghét. Chính thích & ghét nó mới tạo ra hạnh phúc & đau khổ.

Do có cái mình thích = Hạnh phúc
Chịu đựng cái mình ghét = Đau khổ

Hạnh phúc và đau khổ ghi ra từ Thích ghét. Mà thích, ghét đi ra từ đâu? Thích, ghét đi ra từ 3 nền tảng: Tiền nghiệp, Khuynh hướng tâm lý, môi trường sống.

Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống mà nó tạo ra ý niệm thích ghét khác nhau. Thí dụ, do tiền nghiệp mà tôi sanh làm con thú thích ăn thịt sống. Do tiền nghiệp mà tôi sanh làm con cọp thì khi tôi có được thịt sống tôi thấy hạnh phúc, chứ các vị đưa con cọp miếng bánh xèo con cọp nó không thích. Có đúng vậy không? Các vị đưa cho con beo một đĩa xà lách thì thua. Đúng không?

Trong lớp này, tôi chỉ biết đám bên Đức đưa họ đĩa xà lách họ cười chứ đưa họ đĩa snack là họ khóc. Đám ăn chay mà gặp nước mắm là mửa đó. Trong khi đám còn lại, ăn không có nước mắm là giận. Đúng vậy không? Việt Nam không có nước mắm là không phải Việt Nam. Trong khi có đám nó nghe nước mắm là nó mửa.

Cho nên, do tiền nghiệp mình sanh vào chủng loại nào? Cộng với khuynh hướng tâm lý, cộng với môi trường sống mà thích ghét không giống nhau. Vì thích ghét không giống nhau cho nên hạnh phúc, đau khổ không giống nhau. Có hiểu không ta?

Nếu mình hiểu rốt ráo, hạnh phúc của tôi từ chỗ tôi thích cái gì, ghét cái gì. Và cái thích, ghét của tôi do cái gì? Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống.

Do đó hôm nay phải cảnh giác với những gì mình thích, ghét trong từng phút, từng giờ và từng ngày. Chính những cái thích, ghét ấy nó là tham ái, nó mới tạo nên sở hành, hạnh nghiệp của mình.

Nghe kỹ chỗ này.

Thích ăn ngon không tạo công đức, đời sau sanh ra làm loại ăn tạp. Thích mặc đẹp mà không tạo công đức đời sau sanh ra làm loài lòe loẹt, diêm dúa, làm con sâu cũng đủ thứ màu hết. Có đúng không? Đủ thứ màu hết. Mà làm người cũng vậy. Làm người mình thấy hễ đàn bà tùm lum màu hết. đám râu ria mình thì màu ít hơn. Nhớ cái đó.

Cho nên, sáng nay mình ôn tổng quát:
1. Vũ trụ là gì?
2. Mỗi chúng sinh là gì?
3. Mỗi thân phận chỉ mang tính tạm thời thôi: Con dòi hôm nay có thể là ông hoàng ngày mai, ông hoàng hôm nay có thể thành con dòi ngày mai.

Nhớ cái đó. Trong đạo Phật không có chỗ đứng cho thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Nhớ nha. Charles Darwin là từ mấy loài tăng lên. Bên đạo Phật không có. Bên đạo Phật thì chúng sanh luân chuyển, luân chuyển, từ thấp lên cao gọi là đi vòng vòng, gọi là Saṁsāra cakka.

Đó là ôn tổng quát nha. Hồi nãy giờ nếu các vị để ý, cho người sơ cơ có cái bỏ túi. Còn cho người intensive có cái sườn để mai mốt kềm người ta học cái gì. Kềm người ta bắt đầu từ chỗ nào.

↑ trở lên

Tu tập là cái gì?

Nãy tôi có nói giờ tôi ôn lại.

Là bớt sống với 14, tập trung sống nhiều với 25. Một chuyện.

Chuyện thứ hai: Bớt sống 14 là sao?

Thế Tà kiến bằng Chánh kiến.
Bớt Hôn thụy (làm biếng, buồn ngủ) bằng Tỉnh thức.
Bớt Ganh tị, bỏn xẻn bằng Vô tham & tùy hỷ.

Bớt là bớt vậy đó. Chớ mình chưa diệt nổi đâu. Nhưng mà mài mòn.

Có một pháp tu, đa phần 99% Phật tử Việt Nam không để ý. Cứ nghe nói “tu” là nghĩ đến chuyện cao siêu. Chứ thật ra: Biết mình đang ác là thiện, đúng không ta? Thí dụ, đó giờ mình không biết, mình nghĩ là đi vào chùa, gặp tăng ni, gặp tượng Phật mới là tu. Thật ra, mình ngồi ở bất cứ nơi nào, mình biết mình đang tham, đang sân, biết đây là bủn xỉn, đây là ganh tị, đây là tật đố, nhìn biết mình đang như vậy, thì đó là tu.

Tôi nói thật lòng của tôi. Tôi nhìn một người Phật tử biết họ đang nhìn họ bằng một sự khách quan trung thực, tôi quý hơn là một người Phật tử sáng nay đội cái mâm đi vòng vòng vòng vòng dâng y mấy cái chùa mà lòng ganh tị, bỏn xẻn. Hiểu không? Hiểu tôi nói gì không?
Ngồi nhìn biết mình đang bầy hầy đó là tu. Chứ không phải đi tìm ở trên trời.

Tu như con dòi mà gặp tôi cứ hỏi "Sơ thiền là sao?" Tôi nói "Dẹp dẹp dẹp!" Không có thiền gì ở đây. Cứ ngồi nhìn mình đang có bao nhiêu con dòi là còn ghê hơn đắc Sơ thiền nữa. Mà họ không tin, họ tưởng tôi nói đùa. Nhìn thấy mình hôi rình, dòi không, biết mình có bao nhiêu cái dơ đang diễn ra - đó là tu. Chứ không phải Sơ thiền, Tam thiền. Tôi xin chịu trách nhiệm câu nói đó. Vì đứa nào đắc tự nó biết, nó giấu thấy bà nội. Tu mà để khoe là chưa có gì để khoe hết.

Nên nhớ câu này: Trên đời này chỉ có một hạng người duy nhất đáng để có cái đem khoe là hạng không muốn khoe. Hạng đó đáng để đi khoe thôi mà xui, nó đến mức nó không muốn khoe nữa.

Khi mình còn có lòng muốn người ta biết mình hay là cái hay chưa đủ để khoe. Có hiểu tôi nói không? Đứa giàu ba mớ, nó còn muốn người ta thấy nó xịn, nó xài đồ hiệu. Còn cái thứ giàu thứ thiệt nó giấu muốn chết luôn. Có biết cái đó không? Nó sợ người ta mượn tiền, sợ cướp giết, sợ bị giựt tiền, sợ tùm lum hết. Thứ giàu ba mớ nó mới muốn người ta biết nó giàu.

Ở đây, với người tu thứ thiệt tôi chỉ nói một chuyện đơn giản.

Nếu quý vị an lạc với pháp môn hơi thở, nếu quý vị an lạc được với pháp môn đó, thì quý vị gặp đám đông các vị sợ như sợ giặc. Ở đây có ai tin chuyện đó không? Tin thì gật. không tin đừng có gật. Không biết gì mà gật gật kiếp sau làm mấy con kỳ nhông ăn rồi gật gật.

Tôi nhắc lại lần nữa, người tìm được sự an lạc trong chánh niệm hơi thở người đó sợ đám đông hơn sợ giặc. Nó cứ thèm coi chỗ nào vắng vắng nó làm vậy nè, nó thở. Tin tôi đi.

Thiền hơi thở buổi đầu là công phu để nỗ lực. Đến lúc nào đó là nó là sự hưởng thụ. Ở đây, tôi nói có hiểu không? Có hiểu sự hưởng thụ không? Sẽ có lúc nào đó là sự "enjoy".

Hồi đầu đau muốn chết mình ráng mình ngồi mình gồng mồ hôi mồ kê. Sẽ đến lúc nào đó Chánh niệm trong hơi thở là một sự hưởng thụ không phải là một công phu nữa. Nó là một sự hưởng thụ. Nhưng mà rất tiếc, bà con không quen bà con nghe hơi kỳ kỳ.

Như vậy, sáng nay tôi nói cái gì? Tôi nói chung về vũ trụ, về thế giới, về chúng sinh. Và cái mà tôi chốt lại làm nền cho các bài học sau: Tu hành là chuyển hóa 14 qua 25. Đó là nói tổng quát. Còn bắt đầu vô nói chi tiết.

Thay thế thất niệm = Chánh niệm. Thất niệm là sự vắng mặt của chánh niệm, giờ mình lắp chánh niệm vào.

Có nhiều người nói rằng, tôi bận rộn, tôi không có thời gian để tu tập Tứ Niệm Xứ. Người nói như vậy vì người đó không biết Tứ Niệm Xứ là cái gì. Nghe cho kỹ chỗ này.

Pháp môn Tứ niệm xứ là pháp môn chánh niệm không hề làm thay đổi một nhịp sống của mình. Nhịp sống xưa giờ sao mình cứ tiếp tục sống như vậy. Mình vẫn ăn uống tắm rửa nhưng xưa giờ mình vừa tắm mà mình vừa nghĩ chuyện khác ngoài ra chuyện tắm, mình đang ăn, đang đánh răng mà mình nghĩ chuyện khác ngoài ra chuyện đang đánh răng, đang ăn. Còn bây giờ mình làm cái gì mình sống hết mình với chuyện mình đang làm. Hết mình là sao? Mình làm trong sự tỉnh thức. Mình biết rõ mình đang làm cái gì. Chỉ vậy thôi.

Thay vì xưa giờ mình ăn mà đầu mình nghĩ chuyện khác. Hoặc mình ăn mà mình không biết mình đang ăn. Còn giờ mình đang ăn mình biết rõ mình đang ăn. Nó chỉ là thay thế. Giống như hồi xưa giờ mình làm bếp bằng con dao cán nhựa, giờ mình đổi qua con dao cán gỗ. Mình không thể nói rằng, tôi không có thời gian, giờ tôi bận lắm, cho nên tôi tiếp tục xài dao cán nhựa.

Tôi xin hỏi mấy bà nội trợ: Chuyện các vị thay đổi con dao có làm mất thời gian hơn không? Có chắc không? Tức là đó giờ mình xài dao cán nhựa giờ đổi qua xài dao cán gỗ. Đúng không? Đó giờ mình ăn mà mình không biết gì hết, giờ đổi lại mình ăn mà mình biết. Chỉ vậy thôi.

Tức là cái đầu mình luôn luôn làm việc đúng không? Mà thay vì từ hồi đó giờ nó làm việc ngoài ra chuyện mình đang làm, giờ nó vẫn làm việc mà làm việc bằng tập trung vào việc mình đang làm. Và ở đây, những người nào chưa từng học giáo lý, chưa từng tu Tứ niệm xứ thì nghe pháp môn này rất là kỳ. Các vị nghĩ: Tôi sống hết mình với cái tôi đang làm có gì đâu hay?

Thử đi. Trong vòng 1 tuần lễ, 1 tháng các vị sẽ thấy sự chuyển hóa rất lớn. Cũng giống như. Quý vị muốn bớt đường, bớt mỡ trong người thì tôi khuyên quý vị nên chạy bộ, nên bớt thịt cá, ăn nhiều rau cải… các vị không có tin. Ủa sao mà chạy bộ, rồi rau cải, uống nhiều nước... sao nghe nó hơi kỳ kỳ, không mắc mớ gì đến sức khỏe. Cứ thử đi. Bớt thịt cá lại , ăn nhiều rau trái củ quả, thường xuyên vận động, giữ đầu óc lạc quan hướng thượng, tự nhiên trong một tháng bác sĩ sẽ cho các vị những nhận xét rất là tốt. Mà không chịu làm, cứ ngồi lý luận thì hơi khó, hơi bị khó.

Cái quan trọng tôi muốn nói ở đây thế này. Đúng ra cái này của lớp intensive tôi lấy ra chút cho các vị nếm thử coi.

Cốt lõi của Tứ Niệm Xứ là quan sát mọi thứ bằng một thái độ khách quan. Nghe kịp không? Cái này kinh nói không phải tôi nói.

Đức Phật Ngài dạy: “ Ở đây, tỳ-kheo quan sát chính mình như là một người đang ngồi nhìn người đứng, người đang đứng quan sát người ngồi”. Bài kinh này có trong Kālāma rồi. Mà rất tiếc là quý vị không có để đọc.

Cái này rất là khó, vì thường nếu không nhắc chỗ này: Mình quan sát mình từ góc độ chủ thể. Ở đây không có chủ, tất cả là khách hết. Nói cho rốt ráo, không có chủ làm gì có khách. Quan trọng nhất là không nhìn ở góc độ chủ thể có nghĩa là sao? "Tôi" đang tham, "tôi" đang sân, "tôi" đang thiện, "tôi" đang có chánh niệm, "Tôi" đang có thiền định, "tôi" đang có trí tuệ, "tôi" đang kham nhẫn... Không được. Mà mình nhìn mình biết rằng: Tham đang có mặt, sân đang có mặt. Chứ không phải là “Tôi đang tham, tôi đang sân” 2 cái này khác nhau giống?

↑ trở lên

Thế nào là tâm bệnh?

Trong kinh có kinh nghiệm đức Phật đi thăm bệnh như thế này. Ngài thăm bệnh một vị tỳ-kheo Ngài dạy thế này: Dầu thân có bệnh nhưng đừng có để tâm bệnh. Thế nào là tâm bệnh?

Tâm bệnh là luôn ám ảnh là “tôi đang bị đau, cơn đau đang có mặt trong cơ thể của tôi”. Trong khi đó mình chỉ ghi nhận: Cơn đau đang có mặt, và nó đang mất đi. Nó khác phải không? Nó khác chuyện "Tôi" đang bị đau, cơn đau này đang có mặt trong "cơ thể của tôi". Khác nhau nhiều lắm.

Mà vấn đề không thực tập thì không được. Phải thực tập mới thấm cái này.

Cho nên, nhớ kỹ. Chuyển hóa là gì ? Bớt sống nhiều với 14, sống nhiều với 25. Bớt bằng cách nào? Bớt ở đây là sao? Nghe cho kỹ.
Khi ta sống nhiều với 25 tự động 14 nó bớt. Chứ không phải đi đè thằng 14 đập cho nó bể khiêng thằng 25 vô. Không có. Mình sống nhiều với 25 thì tự nhiên 14 nó bớt.

Trong kinh đức Phật dạy: Ánh sáng có mặt, lập tức bóng tối biến mất. Chứ không cần khiêng bóng tối bỏ sang bên, khiêng ánh sáng vào. Có đúng không? Cái chuyện đơn giản, đem đèn vào đi thì tự nhiên ánh sáng có mặt và bóng tối biến mất. Khi ta sống nhiều với 25 tự nhiên 14 biến mất. Nghe kịp không? Làm ơn nhớ kỹ chỗ này. Khi ta sống nhiều với 25 tự nhiên 14 biến mất. Chứ còn mình không cần khiêng 14 bỏ ra ngoài. Khiêng cái giường cũ ra mới khiêng giường mới vào là chuyện ngoài đời. Chuyện trong tâm mình không phải như vậy. Khi anh sống nhiều với cái này tự nhiên cái kia nó biến mất. Đó là chuyện đương nhiên.

Và đây tôi nói chuyện nữa, rất nhiều người nói với tôi, trí nhớ họ rất kém, họ nghe pháp họ quên, họ không nhớ. Tôi có nói thế này, mà tôi hi vọng các vị hiểu. Tủ quần áo các vị bỏ bớt đồ rách ra thì mới có chỗ trống bỏ đồ mới, đồ hiệu vào. Trong tủ treo toàn đồ giẻ không, hỏi làm sao ba cái Gucci, Prada chỗ nào mình treo đây? Ở đây mấy bà đi shopping biết cái đó mà. Làm ơn khiêng, nhứt là đi shopping về nhớ liệng mấy túi giấy ra chứ nhiều khi mấy túi giấy đem đút vô làm gì có chỗ trống? (nhưng mà nhớ giữ hóa đơn mai mốt đem đi trả.)

Đại khái. Không có cái trí nhớ nào tệ hết, vấn đề mình quan tâm cái gì thì tự nhiên mình nhớ cái đó giỏi. Tôi dám khẳng định trí nhớ các vị ở đây không có ai kém tui hết, tui tin chắc như vậy. Mà tại tui quan tâm cái gì tui nhớ cái đó nhiều. Các vị không tin tôi nói cho nghe.
Trong tất cả người quen các vị, các vị có nhớ từng chi tiết về từng người quen không? Thí dụ, Hào bên Sydney, có 8 chị em, chị lớn lấy chồng ly dị rồi giờ đang cặp ông khác, chị Ba về Việt Nam làm ăn, chị Tư giờ qua Mỹ lấy chồng, chị Năm qua Nhật, chị Sáu sanh 2 đứa con mà có đứa sanh đôi, thí dụ như vậy. Hiểu không? Tất cả những cái đó các vị nhớ hết, phải không? Chính vì mình quan tâm cái đó cho nên khi mình học đạo, cái đầu mình nó đầy nó không có chỗ nhét nó vào chứ thật ra trí nhớ ở đây không ai kém ai hết. Dĩ nhiên, ngài Anan tôi không dám đụng tới. Tôi đang nói đám mình ở đây nè. Không ai kém ai hết. Vấn đề là mình quan tâm cái gì, thế là cái tủ mình đựng cái gì?

Tiểu thừa là cái gì? Tức là tự sống bằng cái đầu mặc cảm, tự ti, khi ta quan tâm cái gì tự nhiên ta sống nhiều cái đó. Hễ mình sống nhiều với cái tào lao thì mình tự ti thôi. Chưa gì hết là đã tự đưa mình xuống thứ mạ khô, giống thúi, tiêu nha bại chủng, là do mình. Chúng ta không nên mặc cảm, chúng ta phải có niềm tin thế này: Ngay bây giờ ổng là ông thầy, ổng là ông sư giảng cho mình nghe. Nhưng kiếp vừa rồi hoàn toàn mình có thể là ông thầy mình ngồi trên mà ổng ngồi ở dưới nghe. Các vị có tin chuyện đó không? Luân hồi mà.

↑ trở lên

Vòng luân hồi

Có câu chuyện thế này. Có một vị thánh ngồi trên núi với một đứa đệ tử, ngài đang ngồi ngài nhìn xuống núi ngài mỉm cười.

Đệ tử hỏi: Có chuyện gì sư phụ nói cho con nghe vì sao sư phụ mỉm cười.

Sư phụ nói: Ôm kẻ thù trên tay, lấy chân đạp mẹ, lấy đũa gắp thịt cha. Ta nhìn cảnh đó ta cười.

Học trò nói: Sư phụ nói rõ hơn.

Sư phụ nói: Có thấy cái nhà dưới núi đang bốc khói không? Khói chiều. Nhà đó trước đây gây gổ với hàng xóm, chỉ vì một ranh đất mà gây nhau như thù giết cha.

Trong kinh nói chúng ta có 2 cách đến với nhau:
1. Do oan trái chúng ta có thể đến với nhau, cột nhau.
2. Do thương nhau chúng ta cũng đến với nhau.

Có tin chuyện đó không? Cho nên mới có trường hợp cưới nhau để về làm khổ nhau, hoặc cưới nhau về làm cho nhau hạnh phúc. Hoặc như Devadatta nhớ không? Ổng gắn kết với đức Phật bằng lòng oan trái. Cho nên chúng ta có 2 cách để đến với nhau: Ghét nhau mà ghét sâu đậm cũng đến với nhau, miễn là hạnh nghiệp nó tương đồng. Cái ác cái thiện tương đồng, đủ đẳng cấp là mình đến với nhau.

Ông hàng xóm ghét nhà này quá, ổng ghét hàng xóm nhưng ổng đủ phước làm người rồi khi ổng chết ổng sanh làm con nhà hàng xóm. Khi làm con thì ông này vẫn bồng. Bồng con mà. Còn bà mẹ chết do tâm ái luyến con rồi chết làm con chó trong nhà. Người cha chết làm con cá ở dưới ao sau nhà. Thì đứa con lúc nó vớt con cá lên nó đâu biết cha của nó. Nó vớt lên nó nghĩ vẫn là thức ăn. Còn người mẹ làm con chó trong nhà. Nó đang ăn, con chó chồm chồm thì nó lấy chân nó đạp. Tức là nó đạp mẹ nó, và nó đang lấy đũa rỉa thịt cha nó, và trên tay nó đang bồng kẻ thù.

Vị thánh, không phải ngài ham vui, nhưng ngài cười để có cái cớ cho học trò nó hỏi, ngài nói. Cho nên ngài nói: Ta cười là vì ta thấy tội khổ luân hồi: Ôm kẻ thù trên tay, lấy chân đạp mẹ, lấy đũa gắp thịt cha. Là như vậy đó. Trong vòng luân hồi.

Ok các vị có thể không tin chuyện đó. Lấy từ góc độ khoa học thì tôi thấy chuyện đó bình thường. Có nghĩa là, trong một sự kết nối hợp lý thì chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Thí dụ, chỗ nào có rong rêu, chỗ nào có hoa cỏ. Hễ có đủ điều kiện thì rong rêu có mặt. Các vị cũng phải đồng ý với tôi chuyện tôi nói rất nhiều lần: Có những loại cây mà nó chỉ hợp với một số vùng đất nào đó. Có đúng không? Thí dụ cây đước, cây mắm nó mọc dưới nước, hoặc có những cây nó mọc vùng sỏi đá, có những loại cây nó mọc vùng đầm lầy, có những loại cây phải mọc trong lá khô cỏ mục. Đại khái như vậy. Duyên nghiệp chúng sanh. Môi trường thích hợp thì mấy cái đó nảy sinh ra. Và chúng ta phải nhớ cái này.

Đầu óc của mình mình học khoa học giỏi cách mấy mình phải nhớ thế này.

Vật chất nó có vô số hình thức để tồn tại chứ không phải chỉ có một. Tôi nói cái này rất nhiều lần các vị còn nhớ không? Chẳng qua chúng ta có đủ khả năng để nhận biết nó hay không. Thí dụ ở đây ai học vật lý thì biết, có những tần số âm thanh mà lỗ tai con người mình không nghe được, có biết cái đó không? Còn có những ánh sáng mà mắt mình không nhìn thấy được. Có đúng không? Điều đó không có nghĩa là nó không có. Nhớ cái đó.

Cho nên, tôi không buộc các vị phải tin Phật. Tôi không có quyền buộc mà cũng không có khả năng buộc các vị phải tin Phật. Phải tin lời Phật, phải tin giáo lý. Không có. Nhưng tôi chỉ gợi ý chuyện nhỏ thôi: Những gì ta không thấy đừng ẩu tả phán là không. Trong đầu óc khoa học phải nhớ câu thần chú này: Muốn bác cái gì, phải có bằng chứng. Muốn tin cái gì cũng phải có bằng chứng.

Tôi hay kể hoài chuyện tôi giảng ở Việt Nam, có ông thiếu tá cách mạng về hưu, tôi giảng xong, ổng xuống hỏi tôi: Thầy chứng minh được có địa ngục, tôi theo thầy.
Tôi nói: Tôi không chứng minh được nhưng mà nếu ông chứng minh được là không có, tôi theo ông.

Hiểu không? Ông đòi tôi chứng minh là có thì ông theo tui. Nhưng tôi không làm được, chỉ xin là ông chứng minh được là không, tôi theo ông. Mà tôi nhìn ánh mắt, tôi nghĩ chắc tối đó về ông suy nghĩ nhiều.

↑ trở lên

Cả 14 và 25 đều là đổ dổm

Cho nên, mình phải cẩn thận cái đó. Mình tưởng mình dân trí thức “tôi không tin kinh điển, lời Phật, cái đó mê tín, dị đoan, thầy bà bày tào lao” Cái câu đó nghe sang đó nhưng cẩn thận cái này. Vì đâu anh không tin? Có 2 cách anh không tin. Nghe kỹ cái này.

Có 2 cách mình không tin:
1. Mình tìm được bằng chứng xác định nó không có.
2. Mình không tìm được bằng chứng xác định nó có.

Cho nên, nhớ cẩn thận cái đó.

Ông Socrates nói : Cẩn thận không bao giờ thừa.

Cho nên, sáng hôm nay, bài học rất là ngắn thôi, tôi ôn cho các vị biết khái niệm của kinh Phật nói về Thế giới là sao? Có vô số ổ ếch nó trôi nổi. Và trong kinh đức Phật Ngài lưu ý cho mình biết mình chỉ là một con lúc nhúc trong cái ổ ếch đó thôi. Ngài không nói con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà. Mà Ngài chỉ nói: Muốn có con gà cần có cái trứng - Muốn có cái trứng cần có con gà. Cho biết: Vì đâu con có tấm thân sanh tử này, và vì đâu có nước mắt, vì đâu có nụ cười. Nếu con không muốn có nước mắt, thì con phải sống nhiều với 25, nếu con muốn có nhiều nụ cười thì sống nhiều với 25. Nếu con muốn sống với nước mắt thì con sống nhiều với 14. Và sau cùng, Ngài kèm câu cuối mới ghê:

Cả 14, 25 đều là đổ dổm.

Câu thứ ba này mới ghê.

Câu thứ nhứt: Muốn sống nhiều với nước mắt, đây 14. Muốn sống nhiều với nụ cười, đây 25. Nhưng mà ta nói cho con nghe: Cả hai thứ này trong vòng luân hồi, nó đắp đổi cho nhau. Con 25 một lúc nào đó con sẽ quay về 14 và con 14 lúc nào đó con sẽ quay về với 25. Vì sao? Vì trong vòng luân hồi môi trường sống nó đẩy đưa con.

Tôi đã nói rất nhiều lần. Trong vòng luân hồi, mỗi người chúng ta như trái cầu tuyết. Còn nhớ cái đó không? Tuyết nó cứ lăn lăn, mà mỗi lần nó lăn như vậy nó cuốn theo nó những chủng tử thiện, bất thiện, thiện, bất thiện, có điều có lúc nào đó nó cuốn nhầm hột Bồ đề, chủng giác ngộ. Xui là chúng ta lăn rất nhiều kiếp mà chúng ta chưa bao giờ cán nhầm hạt bồ đề hết. Cho nên bao nhiêu Phật ra đời Ngài nhìn không có hột nào hết Ngài cho qua luôn. Trong khi Ngài nhìn ngài Vô Não, biết Vô Não không? Cái ông ăn cướp, Ngài nhìn thấy hạt bồ đề cho nên Ngài xuất hiện Ngài đem ổng về. Nhớ chuyện đó không? Còn như mình, mình là ông vua, mình là hoàng hậu, mà Ngài nhìn thấy chứa toàn thứ tào lao, toàn là mắt mèo không, Ngài cho nó qua đi luôn.

Cái quan trọng mình học đạo để mình kiếm 1,2 hột bỏ vô trong trái cầu của mình đặng chư Phật ra đời Ngài biết, Ngài lấy cái hột đó ra. Đặng Ngài tưới tẩm cho mình chứng đạo. Còn đằng này rất nhiều người đến gặp Ngài nhưng Ngài nhìn vô trái cầu không thấy hạt Bồ đề chỉ thấy mắt mèo không.

Cho nên: Những gì tôi hướng dẫn các vị tôi mong một chuyện, tôi chỉ cấy trong các vị vài hạt bồ đề. Các vị có thể không tin, nhưng cái quan trọng nhất trong kinh nói, sau này có thể ngay trong kiếp này các vị gặp một vị khác, biết đâu, vị đó tưới tẩm những gì các vị nghe bây giờ, hoặc là kiếp sau gặp ông thầy khác, hoặc sau nữa gặp một vị Phật, gần nhất là Phật Di Lạc, Ngài ra đời, Ngài nhìn các vị Ngài biết có cái hột.

Như thời Phật có lần đó, mọi khi Thế Tôn khi khất thực rất sớm, đi chung với chư tăng. Hôm đó, đức Thế Tôn cố tình đi bát trễ, biết đi bát không? Bữa đó Ngài cố tình đi trễ, cận giờ Ngài mới đi, có 2 vợ chồng già họ dọn cơm họ sắp ăn, họ thấy Ngài ôm bát đứng trước nhà. 2 vợ chồng mới đem cơm ra để vô bát cho Ngài. Mọi khi Ngài mở nắp bát. Hôm nay họ đi tới, Ngài lấy tay chận lại. Mà họ nhìn vô trong họ thấy trống lổng không có gì hết, mà để vô thì Ngài chận.

Tiếng Pāli đồ ăn là Bhikkha và Bhikhu là người xin ăn. Ổng mới hỏi Ngài: Bhikkhu mà sao chê bhikkha? Ăn xin sao chê đồ ăn?
Ngài trả lời: Bhikkhu không chỉ có nghĩa đó, nó còn có nghĩa nữa, người nào hiểu cấu tạo của mình là Danh Sắc người đó mới xứng đáng gọi Bhikkhu.

Nghe rất là kỳ đúng không? Ổng bả vừa nghe xong ổng bả chứng A Na Hàm liền, cả 2 vợ chồng. Vì sao vậy? Là vì trong đời Phật Ca Diếp, tức là một vị Phật quá khứ, hai ông bà này đi chùa cứ nghe mấy ông thầy cứ giảng Danh Sắc Danh Sắc nghe hoài mà không hiểu gì hết. Chỉ biết mơ hồ thôi, Danh Sắc là 2 thành tố tạo nên cục này. Chỉ nhớ nhiêu đó thôi. Danh Sắc là 2 thành tố tạo nên cục buồn, vui, thiện ác này là do Danh Sắc chứ không có ai hết.

Mà ổng bả chỉ nhớ có bao nhiêu đó thôi, chỉ nhớ được 1% bài giảng sáng nay thôi, rồi cứ luân hồi nhiều đời, khi Phật ra đời, Phật nhìn mặt ổng bả, Ngài biết cái hột đó tới lúc ra mầm rồi, cho nên Ngài mới đem câu đó ra trả lời. Ngài cố ý. Ôm bình bát đến đứng trước nhà, cố ý từ chối bữa ăn. Các vị biết cái này còn ứa nước mắt nữa. Bữa đó Ngài nhịn đói luôn. các vị biết không? Bởi vì chư Phật không đi bát 2 lần. Bữa đó coi như đói.

Với tui, tui có thương, tui mà ôm bát tới thì tui kêu đệ tử nấu nguyên nồi cà ri ở nhà rồi. Nhưng mà không. Ngài thì không. Khi Ngài ôm bát như vậy có nghĩa là bữa đó Ngài nhịn. Chư Phật không đi bát hai lần, nhớ nha. Ngài xuất thân là ai? Một ông vua. Khi thành Phật rồi Ngài sống như vậy đó. Tất cả vì chúng sinh.

Có những lần, Ngài đứng cho người ta chửi, họ chửi xong rồi, Ngài trả lời cho người ta trở thành Phật tử, và bữa đó coi như Ngài đói. Như có lần đó, Ngài đi ngang cánh đồng, gặp ông đó đang cày ruộng, ổng ngừng cày ổng nói “Ngày nào cũng đi xin hết, sức vóc vậy mà không biết làm kiếm ăn”. Ngài nói: "Không. Không phải ngày nào cũng xin, ta chỉ xin đời này nữa thôi." Ngài mới đọc bài kệ:

Đời này sang đời khác
Phàm phu mãi sanh tử
Đời này sang đời khác
Nông phu mãi cày ruộng
Đời này sang đời khác
Người lành được sanh thiên
Đời này sang đời khác
Người ác bị sa đọa
Chỉ riêng bậc hiền thánh
Không đời này đời khác.

Ổng nghe vậy ổng buông cày xuống “Thế Tôn đến đây là vì con. Đây là bữa cơm trưa con đem theo con ăn bữa nay, con xin dâng cho Ngài”. Phật nói, chư Phật không ăn cái gì do mình nói ra mà có. Lại đói nữa. Chỉ vì độ một người như vậy mà phải nhịn đói. Nhưng mà không sao.
Hóa duyên phận sự phải hành
Dù không vật thực tâm lành vẫn vui
Pháp hỷ thiền định có rồi
Tâm luôn an lạc như trời Phạm thiên

Đói vậy thôi, chứ Ngài về Ngài để cái tay vậy một phát nó đã hơn mình ăn cơm. Để tay vậy cái sướng hơn mình ăn cơm nhiều. Trong kinh nói, sức khỏe Ngài tốt là tối Ngài dưỡng thần bằng cái đó đó, để tay vậy nè (tư thế ngồi thiền). Mình không có. Để vậy mình đói. Trưa nay nhà bếp không thèm nấu, kêu sư lên để vầy đi sư là thầy chùa chết cả đám luôn.

Nghe kỹ chỗ này.

Chính vì không hiểu những gì tôi nói sáng giờ, cho nên nó mới nảy ra chuyện:
- Không biết rằng mọi hạnh phúc và đau khổ đi ra từ thích ghét
- Không biết mọi thích ghét, đi ra từ tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống.

Khi không biết những điều này, khi gặp quả lành mình cứ cắm đầu vô đó mình hưởng như con bò khát nước. Cái này ví dụ trong kinh có nói. Khi không biết gì hết thì gặp cảnh đời vừa ý: Sắc, thinh, khí, vị, xúc, mình cắm đầu vô đó như con bò khát nước. Khi mình gặp cảnh bất toại thì mình giống như con bò cắm đầu vô lu nước muối, giải khát bằng nước muối có hiểu không? Có nghĩa là, chúng ta chạy trốn khổ này bằng cái khổ khác. Có đúng vậy không?

Sẵn tôi nói luôn. Trong kinh nói cái này mới ghê.

Không hề có hạnh phúc mà chỉ có giải pháp cho đau khổ. Đói - Ăn là hạnh phúc; Nhớ thương – Gặp lại là hạnh phúc; Ngứa quá - Gãi là hạnh phúc; Mỏi lưng quá – được nằm là hạnh phúc; Khát nước quá – được uống là hạnh phúc. Như vậy tất cả những hạnh phúc trên đời đều là giải pháp cho đau khổ, chứ không hề có hạnh phúc. Có hiểu cái đó không? There is no happiness but only solution.

Dĩ nhiên người không học đạo nghe câu này rất kỳ, nhưng tất cả hạnh phúc của chúng ta, thí dụ không khát mà rót nước thì nó không là hạnh phúc. Mà cái thứ đang khát... bây giờ tôi mới nhớ, nếu ai hỏi tôi trên đời nước gì ngon nhất, tôi sẽ nói là Trà đá Việt Nam. Đang khát mà nó đem ly trà đá ra ... Nhưng mà tôi thấy cảnh họ làm trà đá tôi hết muốn uống luôn.

Trên đời không có nước nào ngon bằng nước đá Việt Nam hết. Nó pha nước cống uống vẫn ngon vì mình đang khát. Tôi nói hơi quá, thật ra nước cống uống vẫn ngon nếu có nước đá. Giống mấy người thích ăn ớt, hỏi tại sao thích ăn ớt, họ nói nhà nghèo ăn gì cũng dở, có ớt cay, ráng lùa.

Cho nên, hạnh phúc & đau khổ là 2 mặt của đồng tiền. Vì không hiểu chỗ này cho nên ta mới gọi đây là hạnh phúc, đây là đau khổ. Thật ra, không có đau khổ thì không có hạnh phúc. Cho nên, trong kinh nói, không có dục ái thì không có sân. Không có đam mê trong sắc, thinh, khí, vị, xúc thì không có bất mãn. Mà không có bất mãn thì không cóđam mê. Hai cái nó đi chung với nhau.

Ở đâu có Dục ái ở đó có Sân, ở đâu có Sân ở đó có Dục Ái. Đây chính là lý do vì đâu Dục Ái và Sân luôn luôn được kể thành cặp. Thí dụ, Nhị Quả giảm nhẹ Dục Ái và Sân. Có đúng không? Tam Quả dứt hẳn Dục Ái và Sân, đúng không? Muốn chứng Sơ thiền phải vắng mặt Dục Ái & Sân, đúng không ta?

Nhớ cái đó, rất quan trọng. Sáng nay tôi muốn cho bà con một cái nền để bà con biết mình học cái gì.

↑ trở lên

37 Bồ Đề phần

Sẵn tôi ôn lại luôn. Toàn bộ giáo pháp đức Thế Tôn giảng dạy trong 45 năm gom gọn lại nằm trong 37 Bồ Đề phần, nghe 37 nó nhiều quá nhưng mà coi kỹ lại thì 37 đó chính là Bát Chánh Đạo, mà Bát Chánh Đạo nói gọn lại là Tam học.

Cho nên, trong kinh nói có vị tỳ-kheo già thích Phật, thương Phật, kính Phật đi vào xuất gia, mà vô thấy tỳ-kheo giữ mấy trăm giới ngán quá, sợ không nhớ giới không làm tỳ-kheo được vào lạy Phật xin hoàn tục. Phật hỏi vì sao muốn hoàn tục? Nói vì giới nhiều quá, nhớ không hết. Phật nói: Thôi, ngươi trường hợp đặc biệt, ngươi giữ 3 giới thôi: Thân, khẩu, ý thôi. Thân sắp làm gì, khẩu sắp nói gì, ý đang nghĩ gì, biết rõ. Ngươi kiểm soát 3 cái đó thôi. Trong tích tắc vị này chứng La Hán. Nghe kịp không? Có bài kinh đó.

Nhưng đừng nghe vậy mà mình bỏ hết chỉ giữ 3 giới. Vấn đề là mình giữ không giống ổng. Mình thành A-tu-la không thành A La Hán. Nhớ cái đó.
Cho nên, nói rộng là 37, nói gọn chỉ còn Tam học thôi. Và, khi học A Tỳ Đàm, phiền não mình chia thành 14. Tất cả pháp thiện mình chia 25. Nhưng mà gom gọn 25 lại chỉ có Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.

Vô Tham = Không dính mắc, đam mê, thích thú cái gì.
Vô Sân = Không bất mãn, chống đối, đối kháng cái gì.

Vô Si = biết rõ 4 đế.

Thứ nhất, biết rõ mọi hiện hữu ở đời là khổ.
Thứ hai, biết rõ bất cứ đam mê nào cũng là đam mê trong khổ và tạo ra khổ khác;
Thứ ba, biết rõ rằng muốn hết khổ thì không có đam mê trong gì nữa;
Thứ tư, ba nhận thức đó cộng lại chính là con đường thoát khổ.

Hễ còn kẹt trong mấy cái không biết đó được gọi là Si.

Cái này dĩ nhiên trong bài giảng đầu tiên và trong đây có nhiều bà con sơ cơ nên sẵn tôi nói. Các vị thấy không? Theo đạo mấy chục năm mà không học giáo lý này thì nghe mấy cái này như vịt nghe sấm.

Cho nên, giảng đạo mấy ông giảng sư giảng cho Phật tử ổng cứ thèm ăn mặn vì có nhiều người giảng cho Phật tử họ thèm món vịt tiềm vì họ thấy đây là giảng cho bầy vịt - "nước đổ đầu vịt." Rồi có lúc giảng Phật tử họ thèm ăn phở bò, vì nhìn họ khờ. Có người khi giảng Phật tử thèm ăn phô-mai. Chính quý vị xúi chúng tôi ăn mặn chứ không ai hết. Giảng hồi tự dưng thèm vịt tiềm, vì như nước đổ đầu vịt vậy đó.

Việt Nam mình có 2 câu. Mình nói gì mà người ta không hiểu thì mình nói: “Nước đổ đầu vịt”.
Khi mình giảng Phật tử mà thấy họ không hiểu thì sao? Đầu vịt muốn nó thấm nước thì đổ nước sôi.
Còn “Nước đổ lá môn”: lá môn muốn nó thấm nước thì làm cho nó dập, cho nên phải chửi cho dữ vô.

Vậy sáng nay các vị đại khái nhớ tôi nói cái gì phải không?

Tôi mong khi tôi đứng dậy đi về bà con học nhóm với nhau. Ôn lại nha.
1. Vũ trụ được cấu tạo ra sao?
2. Mỗi chúng sanh được cấu tạo ra sao?
3. Hành trình tu học thật ra là gì? Đó chính là thế chỗ 14 bằng 25. 14 đó chính là gốc của tất cả những pháp bất thiện thuộc thân, khẩu, ý.

Còn 25 đó chính là cái nền của tất cả pháp lành từ Ba La Mật, cho đến 37 Bồ Đề phần.

Và, trước khi rời lớp tôi chốt lại câu này. Tôi nói hoài, tôi nhắc riết mà tôi quê luôn.

Giáo lý phải học, nhưng khi đưa vào hành trì, sẽ có một lúc bà con quên sạch những gì mình đã học. Chứ không phải khiêng hết mấy bài số 5, số 8, 14, 25 khiêng vào để hành thiền. Không phải. Học cho biết. Rồi sẽ có ngày các vị quên hết những gì mình đã học nhưng mình làm đúng những gì mình đã học. Có hiểu tôi nói không?

Mình mất mấy năm lấy bằng Dược sĩ, nhưng mình ăn uống, mình đi chợ, chế biến thức ăn bằng cái đầu của một Dược sĩ. Lúc nấu ăn mình đâu xài kiến thức của mấy năm trời đại học, đúng không? Nhưng mình vẫn làm đúng y cái mình học trong mấy năm. Hiểu hả? Chứ không phải mỗi lần nấu ăn là khiêng hết vô trong đầu mấy năm đó nhưng lúc mình vẫn nấu trên "cái nền" của mấy năm đó. Hiểu không? Như người nấu ăn giỏi, họ học nấu ăn trong vòng 8 năm. Khi họ luộc rau thôi, họ vẫn luộc bằng kiến thức của một người đầu bếp giỏi. Có điều lúc đó họ không cần nhớ những gì họ học trong 8 năm. Nhưng họ vẫn luộc sao rau giòn, xanh, mà nó vẫn chín.

Tôi ví dụ, các vị biết, tôi có một món luộc đậu đũa tôi rất là tâm đắc, đó là: Nấu nước sôi thiệt là sôi, bỏ đậu vào, lấy ra liền, bỏ miếng muối, cho miếng dầu oliu xóc xóc, miếng đậu vẫn xanh, vẫn giòn, mà nó chín. Oliu làm cho nó béo, muối làm cho nó đã, hao cơm.

Mấy cái đó phải học.

Có biết cách luộc rau cho giòn, cho xanh không? Mấy cái đó mình có thể mất rất nhiều thời gian nhưng lúc mình làm mình không cần nhớ ai đã dạy cho mình, mình không nhớ lý thuyết nhiều, cứ làm đúng những gì mình học theo tự động.

Sẽ có ngày, bà con ngồi yên thế này. Thở trong chánh niệm. Ra biết, vào biết. Đang thở biết rõ: mình đang thở ra với tâm tham, thở vào với tâm tham. Đang biết mình có tâm đố kỵ, đang biết đây là bủn xỉn, biết rất rõ, lúc đó ba con số 15, 28, 23,… dẹp. Chỉ biết cái gì đang có mặt.

Tứ niệm xứ là gì? Tứ niệm xứ là nhìn rõ cái gì đang diễn ra tại đây và bây giờ, không suy nghĩ, không đánh giá. Có nhớ không?

Thiền là đại kỵ suy nghĩ. Chỉ biết rõ nó là gì là được rồi. Nghe kịp không?

Trong kinh nói thế này. Giống như người ta đang cưa gỗ, người ta không cần nhìn xung quanh, người ta chỉ nhìn chỗ lưỡi cưa nó cứa vào gỗ thôi. Chứ còn lúc đó mình không cần phải nhìn phía này nhìn phía kia làm chi, mình chỉ nhìn chỗ này mình đang cưa coi lữa cưa có cần đem để mài không.

Hành thiền tứ niệm xứ đơn giản như vậy : Biết rõ cái gì đang diễn ra.
Nó có những từ: Thắp sáng hiện hữu, hay là chánh niệm tỉnh giác = Biết rõ cái gì đang diễn ra.
Nghe nó rất bình thường. Nhưng mà đó chính là hành trình dẫn đến giải thoát. Tại sao vậy?

Khi nhìn rõ cái gì đang diễn ra ta sẽ thấy được rất nhiều chuyện:
1. Biết rõ rằng mọi thứ đang vô thường. Nó bây giờ không phải cái trước đây. Cái lát nữa sẽ không giống cái bây giờ. Nó chỉ giống nhau chứ không bao giờ có cái là một. Similar not the same. Nhớ câu này, chắc phải xăm lên trán. Mọi thứ diễn ra có thể giống nhau nhưng nó khác nhau. Không có cái gì, trong A Tỳ Đàm nói, không có cái gì tồn tại quá 1 sát-na.
2. Muốn tu tập phải học giáo lý. Biết xong rồi khi mình vận dụng vào trong thực hành nó quên hết tất cả.

Nên nhớ thế này. Cái này tôi nói chắc các vị bị sốc.

Tại sao kinh điển nhiều quá vậy? Do mình chứ không do ai hết. Giáo lý gom lại có chút xíu mà vì trên đường hoằng pháp đức Phật gặp quá nhiều căn cơ khác nhau. Cho nên mỗi người Ngài có cách nói khác nhau. Chỉ dạy nấu canh chua mà gặp thằng Tèo Ngài nói khác, gặp thằng Tí Ngài nói khác. Nghe kịp không? Thế là nó đâm ra quá nhiều công thức canh chua. Mà thật ra gom lại thì chỉ có một.

Mình giỡn nhiều quá để người ta biết hay để người ta tưởng mình giỡn, 2 cái khác hay giống? Mình tu, buổi đầu mình học giáo lý, tất cả những cái biết mình đều là tưởng. Khi chứng đạo thì "cái biết" thành ra là "biết". Có phân biệt được cái này không? Tiếng Mỹ là "I think" và "I know", 2 chữ này khác nhau. "I think" là tôi nghĩ, tôi tưởng như vậy. Nhưng "I know" là tôi biết.

Khi mình không học giáo lý mình toàn sống với tưởng thôi. Thật ra, nếu giáo lý mình học đúng nguồn thì thời gian mất không có nhiều và mình học được bao nhiêu mình đem xài được liền tại chỗ. Nghe kịp không? Có một hiểu lầm rất là lớn của người Phật tử mình là: Lý thuyết và thực hành tách rời ra. Thật ra, ở đây ai đi học nấu ăn và may vá chắc biết, từ lý thuyết qua thực hành cách nhau một sợi tóc. Tôi nói vậy đúng không?

Thí dụ bữa nay tôi chỉ các vị cách kết các loại nút thắt, nút vải, nút bấm, núi cài, nói xong tui đưa bàn máy các vị làm được, đúng không? Tức là khoảng cách từ lý thuyết qua thực hành.

Hoặc là tôi chỉ nói canh chua làm sao cho nó ngon. Thí dụ, có nồi canh chua tôi chưa từng thấy ai nấu, trái thơm xay nát ra, thử một lần đi, ăn khùng. Các vị làm thử đi. Trái thơm, đừng xắt miếng, xay nát, làm canh chua, tuyệt vời. Nhiều khi mình ăn canh chua mấy chục năm mà mình không biết cái món đó.

↑ trở lên

Bốn Sự Thật

Bốn Sự thật quan trọng của đạo Phật:

  1. Sự thật đầu tiên mà mình PHẢI biết : Mọi thứ ở đời đều là Khổ.
  2. Mình thích cái gì, mình ghét cái gì cũng là thích, ghét trong Khổ.
  3. Muốn hết khổ thì không thích nữa.
  4. Ba nhận thức trên cộng lại là con đường thoát khổ.

Trong con đường thoát khổ, cái đầu tiên là Chánh Kiến; là Cái Nhìn.

Con mắt mình có tốt mình mới thấy được ngọn núi tuyết. Nhưng trong số những người mắt tỏ nhìn thấy tuyết không phải ai cũng thích núi tuyết. Có đồng ý cái đó không? Có nhiều người họ nhìn tuyết họ không thích, có nhiều người họ thích tuyết họ nhìn họ mê, có nhiều người họ chưa từng thấy tuyết mà họ còn muốn trong phòng khách họ treo một bức tranh hình tuyết, họ mê đến như vậy. Có những người đứng trước núi tuyết họ không có cảm xúc gì hết. Có người về vùng đất này họ chỉ thích hồ thôi. Có người về vùng đất này họ thích núi tuyết, có người về vùng đất này họ thích rừng thông. Ở đây có nhiều loại người khác nhau về xứ này. Có người thích tuyết, có người thích hồ, có người thích núi, có người thích rừng. Nghe cho kỹ chỗ đó.

Ở đây cũng vậy.

Chúng ta đến với Phật pháp tùy thuộc vào nhu cầu của mình mà mình có nghe Phật pháp hay không, đó là một chuyện.
Chuyện thứ hai, tùy thuộc nhu cầu trình độ của mình mà mình thích Phật pháp mình thích ở khía cạnh nào.

Chuyện đầu tiên, do nhu cầu và do trình độ của mình mà mình có thích Phật pháp hay không?
Chuyện thứ hai, giả định mình nằm trong nhóm thích Phật pháp thì mình thích quan tâm cái gì của Phật pháp.

Còn nếu mình không thích Phật pháp đâu phải đơn giản nằm trong một nhóm đâu. Trong nhóm không thích Phật pháp lại chia ra nhiều nhóm:
Không thích Phật pháp mà có thích hưởng thụ không? Thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thích nhà cao cửa rộng, thích có một mái ấm gia đình, coi nặng tình cảm gia đình, vợ chồng, con cái, coi nặng tình cảm thân quyến, máu mủ… Tùy thuộc não trạng của mình mà mình thích cái gì. Và, cái này quan trọng nhất. Tùy thuộc vào nhãn lực của mình mà mình thấy được bao xa. Các vị biết cận thị phải không? Cận thị là thấy gần mà không thấy xa. Còn viễn thị là thấy xa mà không thấy gần. Còn loạn thị là thấy tùm lum. Còn siêu thị là gặp đâu bán đồ sale là nhào vô. Mình thấy có rất là nhiều thứ thị ở đây, có bệnh siêu thị, bệnh này bệnh tốn tiền nhất. Bởi vì bệnh cận thị với bệnh viễn thị đi bác sĩ nó cho cặp mắt kiếng, chừng vài trăm, nhưng bệnh siêu thị có nhiều người họ lên tới bạc triệu luôn đó.

Cho nên, tùy thuộc vào trình độ của mình mà mình chọn cái gì, và mình chọn cách nào. Cho nên trong tiếng Mỹ, trong trường hợp này là mình chọn: What, How, How long, How much. Mình quan tâm cái gì, quan tâm kiểu nào, quan tâm bao lâu và bao nhiêu.

Thí dụ như, trong Phật tử tôi thấy rõ ràng, có nhiều nhóm:
1. Hoặc là thích phục vụ, thích nấu nướng, dọn dẹp, chùi cầu, lau nhà. Nhóm một là nhóm thích phục vụ.
2. Nhóm 2 là nhóm thích bố thí. Nhóm quan tâm chuyện cầu phúc: Thích đúc chuông, xây chùa, ấn tống,… thích bỏ tiền ra.
3. Nhóm thứ ba là nhóm thích lễ lạy, ăn rồi cứ lên xóc xóc ống tre, kiếm ông cố nội ở trỏng.
4. Thích học giáo lý.
5. Khoái cái này, cứ nghe thiền là hành thiền, giáo lý không quan trọng, làm phúc không quan trọng, cứ vô là thiền.

Tổng cộng là 5 nhóm. Mà trong nhóm thích hành thiền nó lại chia ra nhiều nhóm:

1. Có người thích hành thiền bằng cách bản thân đi ngồi thiền.
2. Có một số thích việc ngồi thiền nhưng họ chỉ thích ủng hộ người ngồi thiền thôi. Có nhiều người họ cúng cho Kālāma nhiều tiền lắm, "Vì con thấy thiền con thích lắm, con thích cúng cho thiền sư, con thích cúng thức ăn cho hành giả, thích xây dựng thiền viện, nhưng mà con chưa có thiền được." Họ lo kiếm tiền để ủng hộ người ta tu thiền.

Cho nên, cái này mới là cái quan trọng : Tại sao phải học giáo lý? Nghe cho kỹ. Bởi vì thế giới này nó ra sao tùy thuộc vào con người của chúng ta. Có hiểu câu này không? Tùy thuộc cách nhìn của chúng ta – "the world is what you see". Câu này phải xăm lên trán. Thế giới này nó chính là cái gì mà anh nhìn thấy.

Câu này rất là quan trọng, nghe kịp không? Thí dụ, thằng ăn trộm, ban đêm sáng trăng, nó đi trong bóng trăng, nó khác một cặp tình nhân đi trong trăng, phải không ta? Nó khác. Cặp tình nhân đi trong bóng trăng thì trời ơi “trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá, ánh sáng tuôn đầy các lối đi, tôi với người yêu đi nhè nhẹ, êm đềm chẳng biết nói năng chi...” Còn thằng ăn trộm nó cứ dòm dòm nó coi chỗ nào leo được. Còn một hành giả thì sao? Đi trong ánh trăng lại khác.

Và người làm rớt chìa khóa thì sao? Những cái này rất quan trọng.

Câu chuyện này là câu chuyện tôi rất muốn kể cho các vị nghe. Câu chuyện này tôi kể bữa nay là 3000 lần rồi. Có anh chàng đó đi nhậu với đám bạn. Anh đi nhậu xong đám bạn chở anh về trước nhà ảnh. Thì đám bạn thả ảnh trước nhà xong, thấy anh bước xuống mà không thấy ảnh đi vô, ảnh đi vòng vòng ở cột đèn đường ảnh săm soi thế này, mà ảnh đang say dữ lắm. Đám bạn bỏ ảnh xuống, xong thấy ảnh vậy nó quay xe lại, hỏi: "Kiếm gì vậy?" Cái ảnh nói : "Tao đi kiếm chìa khóa". Thì đám bạn hỏi: "Ông biết ông làm rớt ở đâu không mà ông kiếm ở đó?" Ảnh nói : "Tao không nhớ, tao chỉ biết ở đây có đèn thôi."

Không phải chuyện cười đâu mà cười.

Chúng ta luôn luôn đi tìm giải pháp cho đời mình thông qua những gì mình có. Hiểu không? Thí dụ như bây giờ mình có nhan sắc thì mình xài cái nhan sắc mình cho chuyện kiếm tiền, kiếm sự nghiệp, kiếm tình yêu.

Có nghĩa là, mình khổ quá thì mình đi tìm con đường thoát khổ bằng những gì mình có thôi. Giống như anh chàng này ảnh đi tìm ngay cột đèn chỉ vì nó có ánh sáng, mà bạn hỏi là: Mày nhớ rớt ở đâu? Làm rớt ở quán rượu hay làm rớt ở dọc đường? – Tao không cần biết, tao chỉ biết ở đây có đèn thôi. Và, rất nhiều người chúng ta ở đây giải quyết bằng cách, đèn ở đâu tìm ở đó.

↑ trở lên

Góc nhìn qua Giáo Lý

Cho nên, đức Phật Ngài dạy vì đâu phải học giáo lý. Học giáo lý để mình có cái nhìn rõ ràng về cuộc đời, nhìn nó như nó là. Và, làm ơn nhớ câu này, chúng ta có 2 cách để nhìn:

1. Nhìn nó như nó là = Nó sao mình nhìn như vậy.
2. Nhìn nó như mình muốn.

Thí dụ: Tại sao mình có thương người này người kia? Tại sao một rừng người, tại sao mình không lấy con Lan, con Cúc, con Hường, con Yến, mà tại sao mình lấy con Đào? Tại vì mình đánh giá con Đào từ góc độ của mình.

Có hiểu 2 cách này không ta? Hai cách này khác nhau phải không?

Trong kinh có câu chuyện này rất là sâu nè, mà nhiều người nghe tưởng chuyện cười.

Một buổi trưa đó, ông vua ngồi trong hoàng cung, ổng nhìn ra con đường trước cung điện. Ổng thấy có một anh chàng nhà nghèo gánh nước thuê, ảnh đi ảnh vừa hát nắng chang chang vậy đó. Ông vua ngạc nhiên, trời nóng như vậy, mình ngồi có người hầu, người quạt mình còn chịu không nổi mà tại sao thằng quỷ đó nó vừa gánh nước vừa "la lá lá la"? Ổng mới kêu lính lôi thằng đó vô.

Ổng hỏi: Làm nghề gì vậy?
– Làm nghề gánh nước.
– Sao vui quá vậy?
– Dạ, vui chứ. Bởi vì, hạ thần gánh nước mấy năm trời, để dành tiền, bữa nay đã dồn được 2 đồng tiền vàng rồi, mà chỉ cần thêm 1 đồng nữa là lấy vợ được, cô làng trên cổ hứa 3 đồng là cổ lấy liền, bữa nay được 2 đồng, khỏe rồi. Gánh thêm chắc cuối năm nay là được đó.

Ông vua thấy, một bữa ăn của ổng cả chục đồng vàng, mà thằng này để dành mấy năm được có 3 đồng thôi. Thì ổng mới hỏi thử:
– Nếu bây giờ ta cho khanh 1000 đồng vàng khanh có thích không? Nó nói: "Chắc chết chứ con sống sao nổi."
Ổng nói: – Nếu ta cho khanh 10.000 đồng vàng, khanh có hạnh phúc không? Nếu ta cho ngươi một nửa đất nước này, ngươi có thích không?
– Thích dữ lắm.
Ổng hỏi đùa:
– Một nửa đất nước này giáp rừng, một nửa giáp biển, ngươi thích nửa nào?
– Dạ thôi, lấy bên phía giáp rừng đi.
– Sao vậy?
– Tại vì thần giấu 2 đồng vàng bên phía giáp rừng.

Hiểu không? Có nghĩa là, cho nó một nửa đất nước thì cái đầu nó vẫn... (ghim hai đồng tiền nó chôn.)

Tại sao mình yêu người đó? Vì người đó có cái gì đó nó gắn liền với mình. Có nhiều người họ yêu một người nào đó vì người đó giống mẹ của họ, có không? Có. Hoặc có khi họ yêu người đó vì người đó giống người yêu cũ.

Như có thằng đó nó về, nó nói: "Chắc con lấy con Lan quá Ba." Ông bố hỏi Tại sao?
– Tại vì con thương mẹ lắm, mà con Lan có nhiều nét giống mẹ lắm.
Ông bố nói:
– Thôi con, một mình bố khổ đủ rồi.

Có hiểu không? Tại vì nó thương mẹ nó quá, cho nên nó thấy ai giống mẹ nó thì nó cưới. Nó đâu biết ông bố nó đã kêu trời không thấu rồi. Mà chuyện của mẹ nó thì nó đâu có biết. Tại sao mà ba nó sợ mẹ nó? Lại là một câu chuyện khác. Đêm đó ba má nó đang ngủ, nghe cụp cụp, má nó lắc lắc:
– Anh ơi, nhà có trộm.
Ổng nói: – Trộm trộm gì, ngủ đi, không mắc mớ gì mình hết.
– Anh nói gì kỳ vậy? Trộm vô nhà.
Ổng nói: – Mà em sợ cái gì?
– Nó vô nó lấy tiền.
– Ngủ đi, anh lấy em mấy chục năm vẫn không biết em giấu tiền ở đâu, thằng trộm làm sao biết?

Tức là, nó có những chuyện mà "người trong cuộc mới biết người trong kẹt" là chỗ đó. Chỉ có trong cuộc mới biết trong kẹt nó khổ cỡ nào, mà vì mình thích cái gì thì mình bèn khiêng cái đó về mình lạy, mình thờ. Trong khi cái thằng kia nó sợ gần chết.

Cho nên, có cái thằng đó đi uống rượu say. Bạn nó hỏi:
– Sao mày buồn quá vậy?
– Tao chẳng những buồn, mà tao còn muốn chết luôn á.
– Tại sao vậy?
– Vợ tao nó ngoại tình. Nó lấy thằng bạn thân của tao.
Thằng bạn nó nói: – Vợ mày lấy bạn mày, bây giờ mày muốn trả thù nó không?
– Muốn, tao muốn nó chết.
– Không cần nó chết, cứ để yên cho nó lấy con vợ lựu đạn đi là cách trả thù nó.

Hiểu tôi nói gì không? Cho nên, tôi trở lại vấn đề.

Tùy thuộc giác quan của mình mà mình nhìn vấn đề ngọt đắng và theo đó, mà mình thích và ghét. Và, bao nhiêu khổ nạn, từ đó mà ra.

Tại sao mình học Phật pháp? Để mình có cái nhìn khác về thế giới này.

Hồi xưa giờ mình nhìn thế giới theo cách của mình bằng cách mình muốn, cách mẹ cha dạy mình, các thầy cô trường lớp sách vở, xã hội dạy cho mình. Bây giờ mình biết Phật pháp để nhìn nó từ một góc độ khác: "Nhìn nó như nó là", một cái nhìn không thông qua lăng kính, không thông qua khái niệm, ước lệ, máy móc mà cuộc đời nó dạy mình.

Thí dụ, một người cộng sản trung kiên, họ nhìn cái gì cũng nhìn từ lăng kính Mác- Lê. Một người Hồi giáo họ nhìn cái gì họ cũng nhìn từ lăng kính của kinh Qoran, một người đạo Chúa Catholic họ nhìn cái gì cũng nhìn từ góc độ Tân ước, Cựu ước. Một người theo Do Thái giáo họ nhìn cái gì họ cũng dựa theo lăng kính của Talmud. Một người bên Khổng giáo họ nhìn cái gì cũng nhìn từ Tứ Thư, Ngũ Kinh.

Nhưng riêng người Phật giáo thì không. Người Phật giáo không phải nhìn theo lời Phật dạy mà nhìn theo cách mà Phật hướng dẫn. Có hiểu hai cái này khác nhau không?

Phật tử nhiều người hiểu lầm là theo Phật là ăn món Phật nấu. Không phải. Mình ăn cái món Phật "dạy mình nấu". Hai cái này giống hay khác? Khác phải không? Đừng hiểu lầm theo Phật là ăn món Phật nấu. No. Phật dạy cách mình nấu. Nếu con thấy hợp lý, con nấu theo lời của ta đi. Phật không bắt mình chấp nhận lời Ngài, Ngài kêu mình thử nghiệm. Cho nên đây là lý do, trong ý nghĩa giáo pháp có câu

Ehipassiko” = Thách thức thử nghiệm.

↑ trở lên

Kālāma

Đức Phật là vị giáo chủ duy nhất trên thế giới có câu nói này: "Chớ vội tin, chớ vội bác cái gì khi chưa kiểm nghiệm."

Đây là một câu duy nhất trên thế giới một ông giáo chủ dám nói câu đó: Đừng tin ai, đừng vội bác, đừng vội tin mà chưa kịp kiểm nghiệm.

Trong kinh Kālāma có bài kinh đó. Tôi mê chữ "Kālāma" vì trong đó có câu đó. “Đừng tin điều gì đó vì đó là người mình quý kính, vì đó là sư phụ tôi nói” No! Sư phụ mình không phải là thước đo của thế giới, sư phụ mình không phải là thước đo của vũ trụ. Nên nhớ, sư phụ chỉ là người gợi ý.

Phương pháp giáo dục cao nhất không phải là nhồi sọ mà là gợi ý.

Làm ơn, các vị xem cách giáo dục trẻ con của người Âu Mỹ và người Châu Á có đúng không? Người Châu Á mình là cứ đè thằng nhỏ ra, banh óc ra, đổ mực vô. Nhưng người Âu Mỹ thì không, nó dạy theo cách gợi ý, cách dạy nó vệ sinh, ăn uống, xếp hàng. Người Âu Mỹ dạy theo cách gợi ý, đề nghị. Còn người Châu Á mình là cứ đè nó ra mà "hướng dẫn". Cho nên, cách giáo dục của người Châu Á chỉ tạo ra những bộ máy. Còn người Âu Mỹ rất giỏi về cơ khí, công nghệ nhưng họ lại tạo ra con người thật. Còn ở Châu Á, cách giáo dục của mình lại tạo ra những bộ máy. Có nghĩa là "Anh phải nghe tôi!" Các vị có nhìn thấy những trường học, công ty của người Đại Hàn, các vị ngán lắm. Họ sợ ông chủ kinh khủng. Các vị biết cái đó không? Đứng thẳng hàng chào, cúi đầu vầy nè.

Như bên Mỹ cái ông CEO khi vô họp ổng ngồi ở trên, nhân viên ngồi ở dưới. Nhưng mà lát nữa tới giờ ăn thì sao? Xếp hàng, đứa nào đứng trước đứa đó lấy đồ ăn trước. Các vị biết cái đó không? Tôi thích cái đó. Cho nên, cách giáo dục cao nhất không phải là nhồi sọ, bắt "anh phải tin tôi", mà là "tôi chỉ đề nghị" một cách nhỏ nhẹ và lễ phép, "anh thử nhìn đi", "you try your best"... nó hay hơn là "anh phải nghe lời tôi."

Và, buổi sáng này tôi muốn nói câu rất quan trọng. Theo Phật pháp không phải ăn cái Phật nấu cho mình ăn, mà là mình nấu theo lời dạy của Ngài, tự mình nấu rồi mình ăn món mình nấu. Cho nên, nên nhớ cái này quan trọng.

↑ trở lên

Thờ Phật.

Có người hỏi tôi: "Muốn tìm một bức tượng Phật vừa ý thì theo Sư có chuẩn mực gì hay không?"

Thì tôi nói thế này: "Phật đẹp xấu tùy thuộc cái mình hiểu về Ngài."

Thí dụ, trong kinh nói 32 hảo tướng của Thế Tôn không phải ngẫu nhiên mà có. Mỗi tướng như vậy được tựu thành từ những công đức như thế nào. Nghe kịp không?

Khi nhìn cặp mắt đẹp của Phật thì biết ngày xưa Phật không có nhìn ngang liếc dọc, hấy nguýt, nhìn người khác bằng tâm sân hận, thù oán, ganh tị, đố kỵ. Phật có môi và răng rất đẹp vì kiếp xưa Phật đã có khẩu nghiệp tuyệt vời. Phật có một thân tướng trang nghiêm vì nhiều đời Phật có tam nghiệp đoan nghiêm. Phật có khả năng nối kết đại chúng dưới đệ tử của Ngài vì nhiều đời Ngài chỉ là người hàn gắn chứ không thích chia rẽ. Nghe kịp không? Cho nên nhìn thân tướng của Phật, có được bao nhiêu thân tướng là bấy nhiêu mô tả minh họa về công đức mà Ngài đã sống. Chứ không phải thờ Phật là vì tìm cái tượng quý bằng chất liệu ngọc, ngà,… No. Dầu bức tượng gỗ đi nữa nhưng vẫn là một bức tượng toát ra được bao nhiêu nét.

Thí dụ ông Kaiser Wilhem ổng là người Đức, là Bá tước, ổng nói rằng: "Trong phòng tôi có một bức hình Phật. Mỗi lần tôi buồn phiền, tôi nhìn lên trán của Ngài, tôi thấy trên vầng trán đó không có chỗ cho sự ganh ghét, đố kỵ, nhỏ mọn, toan tính. Tôi nhìn lên ánh mắt và vầng trán của hình Phật tôi thấy ở đó không có sự hờn giận, ham hố, đam mê vật chất. Tôi nhìn lên vầng trán đó tôi chỉ thấy sự bao dung, độ lượng, thông tuệ, cảm thông và chia sẻ." Thờ Phật phải thờ vậy đó. Chứ còn đa phần mình thờ Phật theo cách thích tượng đẹp. Người Thái thích cơ bắp, tượng Phật nhìn như lực sĩ fitness. Việt Nam cải lương thì tượng Phật phải đẹp trai. Mình thờ Phật mình lại thờ theo cách đó.

Các vị có nhớ câu chuyện "Tượng Phật mũi đen" không? Tôi có kể chuyện đó chưa? Có một cô tiểu thư cổ giàu lắm, cổ đi tu. Cổ không muốn thờ tượng Phật bằng chất liệu rẻ tiền, cổ đúc riêng một bức tượng vàng để cổ thờ. Và cổ nghĩ rằng tượng vàng là phải đốt trầm chứ không đốt nhang rẻ tiền được. Thế là cổ mua loại trầm đắt tiền để cúng tượng Phật vàng, nhưng mà cổ nhìn xung quanh mấy bức tượng khác cổ nghĩ trầm đắt tiền mà để lan qua mấy bức tượng bằng gỗ, cổ không muốn, mà cổ muốn bao nhiêu trầm phải dồn vô bức tượng bằng vàng mới đúng. Thế là cổ làm cái ống dẫn từ cái đỉnh nó chĩa thẳng vào tượng kia. Một thời gian sau, mấy bức tượng kia vẫn tiếp tục đẹp, riêng bức tượng vàng đen thui ngay chỗ (mũi) này.
Câu chuyện đó không phải câu chuyện cười. Câu chuyện đó muốn nói rằng, chúng ta thờ Phật bằng lòng ngã chấp. Đức Phật thông qua nhãn quan của mình nó ra hình thù như vậy đó. Thờ Phật là thờ cái linh hồn của giáo pháp, thờ con đường của Ngài đã đi, chứ không phải thờ bằng hướng đến một thần tượng do mình dệt, mình vẽ nên. Đa phần chúng ta thờ Phật là chúng ta thờ theo mô hình mình dựng sẵn. Cái đó là thờ người chết, chớ không phải thờ người sống. Đức Phật rất là sinh động. Có hiểu không? Thờ những đức lành của Ngài chứ không phải thờ bóng hình quá khứ. Nhớ cái đó.

Đây là lý do vì đâu trong đạo Phật có 2 cách bày biện bàn thờ.
1. Thờ người chết = Bức tượng ở bên đây, chung quanh mình bày tùm lum.
2. Thờ người sống = Bổn sư ngồi ở đây, chung quanh phải đơn giản.

Vì sao vậy? Vì mình giả định một lát Ngài có bỏ chân Ngài bước, không có bị vướng! Còn mình ở đây mà mình bày quá nhiều là ý mình muốn cúng giỗ Ngài đó. Có hiểu tôi nói gì không? Khi tôi ngồi đây mà quý bày quá nhiều là quý vị không muốn tôi ra khỏi đây. Nhưng các vị biết tôi là người sống thì phải chừa đường cho tui đi chứ. Hiểu không? Có biết cái đó không?

Cho nên, thờ Phật có 2 cách:
1. Thờ người chết là cúng quá nhiều, bức tử đạo sư, muốn Ngài chết đi để con lạy cho có phước.
2. Thờ Phật sống là sao? Con coi Ngài như người sống, một lát Ngài có thòng chân xuống Ngài vẫn đi được. Mặc dù mình biết chuyện đó không bao giờ xảy ra.

Nghe cho kỹ, câu này quan trọng nè. Khi ta thờ tượng đơn giản thì cái đầu ta mới đủ chỗ trống để ta nghĩ đến chuyện khác. Nghe hiểu không? Trong một căn phòng đơn giản, căn phòng đó mới có chỗ trống để mình khiêng mấy đồ quý vào. Còn căn phòng bày đầy hết thì không có chỗ trống nữa. Trên bàn thờ cũng vậy, mình làm sao mình nhìn lên mình thấy Phật chớ không thấy cái khác. Để chi? Để còn có chỗ trống mình còn nhìn thấy bao nhiêu đức lành của Ngài. Chứ bàn thờ mà bày đầy lên thì khi mình nhìn thấy “một màu xanh xanh, một màu vàng vàng, pha một chút tím tím”. Hoa cúng Phật chứ không phải hoa để ràng buộc bàn thờ. Lấy hoa tô điểm Phật chứ không phải lấy Phật tô điểm hoa. Và cái quan trọng nhất trong đời sống là làm ơn phân biệt cái gì chánh và cái gì phụ.

Và, trong bài giảng sáng nay, tôi đã nhắc bà con một điều mà tôi đã nói chắc cũng hơi bị nhiều lần.

Các vị có phân biệt được một luống hoa có cỏ mọc hay một luống cỏ mà có hoa chen?
– Ông gật ông nói ông phân biệt cách nào?
– Dạ, tỷ lệ giữa 2 cái.
– Chính xác. Phân biệt được không? Hai cái luống, cái nào cũng có hoa cái nào cũng có cỏ nhưng mình phân biệt được một bãi cỏ có hoa nó khác một bãi hoa có cỏ. Thì mình nhìn vào lòng mình mỗi ngày mình coi mình là người thiện, người ác dễ lắm. Tự mình nhìn mình: Một bãi cỏ có hoa, hay là một đám hoa có cỏ. Phải biết cái chính phụ.

Trên bàn thờ cũng vậy. Thờ sao mà nhìn vào mình biết là thờ Phật chứ không phải thờ ba món đồ mình cúng. Các vị vô facebook thí thấy. Có nhiều người tôi nhìn vô bàn thờ của họ tôi không biết họ thờ cái gì. Có một lần ở Thụy Sỹ có một cô, cổ mời tôi tới nhà ăn trưa. Ổng chồng cổ cũng mới mất. Tọi đến tụng kinh cho cổ. Tôi hỏi: Bàn Phật ở đâu? Cô chỉ cái giá nhiều ngăn. Bàn Phật bây lớn vậy nè mà nằm chen với ba hũ dầu cù là, rồi mấy cuốn sách, rồi chuỗi rồi chuông,… coi như tượng Phật bây lớn, nằm chìm trong đống đồ đó!

Đừng nói gì bà đó, bên Mỹ tôi gặp nhiều bàn thờ lạ lắm. Cái gì mà không biết liệng đâu bèn đem bỏ bàn thờ. Biết cái đó không? Thí dụ, đi chùa, mấy ông thầy cho xâu chuỗi, giờ bỏ trong bếp không được. Bỏ đâu? Bàn thờ! Gặp mấy thầy cho tượng Phật, nặng quá đeo không được mà cũng xấu hoắc mà không biết để đâu. Bàn thờ! Rồi ai cho mấy cái bông sen của Trung Quốc bằng nhựa đèn chớp chớp đó. Bàn thờ! Cuối cùng tôi nhìn cái bàn thờ tôi không biết tôi lạy cái nào trong đó. Bức tượng bây giờ chìm trong mấy cái đồ trùng điệp trên đó.

Mấy cái này không phải là kinh nghiệm bày biện bàn thờ. Mà tôi đang nói kinh nghiệm tu học. Hãy sống như thế nào để mình biết rõ trong tâm mình cái gì là chính. Đa phần chúng ta bị một cái rất là bậy là chúng ta không biết cái gì là chính. Khi không biết cái gì là chính, là phụ, thì không biết phát triển cái gì. Thế là cho nó mọc tràn lan luôn. Trong khi mình phải biết rõ, mình là một luống hoa có cỏ hay là một luống cỏ có hoa. Phân biệt được không? Cái tỷ lệ nó quan trọng lắm.

Đó là trường hợp ít, nhiều. Ít nhiều thì dễ rồi. Hoa nhiều biết là luống hoa, còn cỏ nhiều biết là bãi cỏ. Nhưng có trường hợp nó bằng nhau thì sao?

Tôi hỏi các vị nha. Ở trong đây có nửa ly nước, nó có 2 cách nói: Nó còn tới nửa ly, hoặc chỉ còn nửa ly. Khác không?

↑ trở lên

Tinh tấn & Dễ duôi

Trong kinh nói, người tinh tấn tu hành so với người không tinh tấn khác nhau chỗ nào? Người tinh tấn tu hành họ có 3 đặc điểm:

1. Không chê điều thiện nhỏ mà không làm.
2. Không chê điều ác nhỏ mà không thèm tránh.
3. Biết quý thời gian.

Người như vậy được gọi là người tinh tấn.

Còn người dễ duôi là gì? Là coi thường điều thiện nhỏ rồi không thèm làm. Là sao? Ở chung tập thể, gặp tờ giấy rớt, cúi xuống lụm hày là để kệ nó? Chính vì "kệ nó" cho nên hầu hết khu dân cư Châu Á rác không. Có phải không? Cô kia cổ ăn hạt dưa, phun, liệng! Ông này uống lon nước, bóp bóp, liệng! Ông kia mở nút chai, liệng! Ông nội, lấy tờ giấy vò, liệng! Cữ nghĩ "Có miếng giấy đâu có bao nhiêu?" Nhưng nó tới 1000 người liệng giấy thì nó thành bãi rác.

Cho nên, đặc điểm của người lành là: Không coi thường điều ác nhỏ rồi không thèm tránh, không coi thường điều thiện nhỏ không thèm làm, và điều thứ 3 là điều rất quan trọng, đây là đặc điểm của người tu, là Biết quý thời gian. Bởi vì chúng ta nhớ thế này, thời gian là thứ duy nhất trong cuộc đời này một đi không trở lại. Cái gì mình cũng tìm được nhưng thời gian là không. Và, tôi đã nói rất nhiều lần.

Thời gian trong đời người có 4 thứ thời gian:
a. Thời gian vàng = Lúc cơ thể và tâm trí của mình còn ngon lành, mình có thể điều động nó như mình muốn. Muốn học gì thì học, muốn đi đâu đó thì đi, muốn làm gì thì làm. Đó là thời gian vàng.
b. Thời gian bạc = Trí nhớ mình hơi giảm tí, sức khỏe hơi giảm tí.
c. Thời gian đồng = Chắc biết rồi. Mình không thể làm những thứ mình muốn và mình không thể nhớ, không thể hiểu cái mình muốn như hồi xưa. Đó là thời gian đồng.
d. Còn thời gian chì = Mấy cha nằm liệt. Chì là liệt.

Cho nên, trong lớp này tôi không biết có bao nhiêu vàng, có bao nhiêu bạc, thấy đồng hơi bị nhiều. Hiểu hả? Và, một chuyện quan trọng tôi hay nói hoài: 100$ đổi ra 5 tờ 20$ thì dầu mới, cũ, lành, rách khác nhau nhưng giá trị mỗi tờ 20$, giá trị bằng nhau. Đúng không? Nhưng thời gian trong đời người không phải như vậy. Mình chia thời gian trong đời người thành nhiều lần 10 năm thì mỗi 10 năm giá trị khác nhau phải không?

• 10 năm đầu đời không bằng 10 năm tiếp theo. 10 năm đầu đời ngu quá.
• 10 năm tiếp theo, khá hơn nhưng còn nông nổi, mới 20 tuổi.
• 10 năm tiếp theo, sung sức, sáng suốt, nhiệt huyết.
• 10 năm tiếp theo, chín chắn, chững chạc, là 40.
• 10 năm tiếp theo là 50, cũng còn xài được.
• Nhưng mà 10 năm tiếp theo là downhill.

Cho nên, 100$ đổi ra 5 tờ 20$, tờ nào cũng giá trị giống nhau, nhưng từng 10 năm trong đời mình giá trị không giống nhau. Cho nên, mình phải biết quý thời gian từng ngày từng giờ quý.

Tôi đang nói với tất cả chân thành. Bây giờ tôi đã bắt đầu sợ đám đông, bây giờ tôi đã bắt đầu sợ những cuộc hàn huyên thù tạc. Bởi vì, nó chỉ có lợi khi nào nó giúp được gì đó cho đời sống tâm linh của mình. Còn không nó rất là phí. Vì sao? Vì sẽ có một ngày mình không còn nhớ được cái mình muốn nhớ, và coi chừng một ngày mình không muốn đọc sách nữa. Cái đó có không? Cái đó là một cái rất là đáng ngại. Có một ngày không muốn đọc sách, không còn muốn nhớ, không còn muốn quan tâm nữa, sẽ có một ngày mình sẽ sống với cái gì đơn giản nhất, như con nít vậy đó.

Bởi, bên Thiên Chúa có câu chuyện thế này. Một ngày kia, trong buổi sơ khai thiên lập địa, Chúa cho muôn loài sống bằng nhau. Con khỉ nó nói, nhảy lên lăng xăng mệt quá, con không muốn sống lâu đâu. Mấy con cá, con tép nói bơi dưới nước lạnh lắm, nó cũng không muốn sống lâu. Rồi con cọp, con beo,… mỗi con đều đưa lý do hết. Cuối cùng, Chúa nói : Thôi, mấy đứa không muốn sống lâu thì trả lại hết cho ta đi. Thì riêng con người nó nói: "Con sống thông minh nè, biết hưởng thụ, biết sản xuất, biết tùm lum, thôi cho con đi." Thì Chúa nói "OK, tụi nó không xài, cho con hết." Thế là trong đời con người mình có mấy năm làm khỉ, có mấy năm làm heo, có mấy năm làm bò,… và cuối đời có mấy năm làm chó. Ăn rồi cứ ngồi ngó ra đường vậy nè.

Câu chuyện đó dĩ nhiên là câu chuyện cười. Nhưng mà hiểu không? Có nghĩa mình sống không khéo, mấy năm trong đời mình làm toàn con gì không.
Đang làm người, đang nhiệt huyết học hành, ghi chép. Tới lúc có tiền thích làm heo, thích ăn xong nằm sướng, xức dầu, mặc khăn lụa, đeo Rolex,… thấy rất là sang, nhưng mình sống như con heo vậy đó. Rồi tới về già nằm liệt một chỗ, ăn xong nằm như con trăn vậy. Do mình thôi.

Và, giá trị của một đời người là do mình biết vận động, hoạt động, biết sống hữu ích cho mình và cho người khác. Giá trị của một con người không phải nằm ở chỗ anh nhận được cái gì mà nó nằm ở chỗ anh cho ra được cái gì. Tôi nói có đúng không?

Ví dụ, bà Tuyết bả mới trúng số được 1 triệu nhưng mắc mớ gì tôi. Cái vấn đề là 1 triệu bà có chia tui được mấy trăm không, cái đó mới quan trọng. Hiểu không? Vậy giá trị của con người là anh cho ra được cái gì, anh cống hiến, anh hi hiến, anh đóng góp cho người khác được cái gì. Chứ còn chuyện anh nhận được bao nhiêu, cái đó không giá trị. Cho nên, có nhiều người sống lâu chỉ là góp phần chen lấn, sống lâu chỉ là góp mặt chứ không phải đóng góp.

Và từ đó, nó mới dẫn đến chuyện tới hồi mình chết. Cái chết của mình nó là sự vắng mặt chứ không phải là sự mất mát cho cuộc đời. Có người sống lâu thành ra đồ cổ và có người sống lâu thành ra đồ cũ. Thí dụ ngài Pa Auk ngài sống lâu ngài thành đồ cổ. Ngài Sitagu sống lâu thành đồ cổ. Ngài Mahasi sống lâu thành đồ cổ. Ngài Ajhan Chah sống lâu thành đồ cổ. Bà Dipa Ma sống lâu thành đồ cổ. Còn đa phần chúng ta sống lâu thành đồ cũ.

Mà các vị thấy cổ - cũ nó khác nhau không? Mình nghe đồ cũ là muốn ói rồi. Khác nhau chỗ nào cô?
– Đồ cổ - quý, mà đồ cũ – bỏ. Đúng. Mà nhiều người sống lâu là đồ cũ thôi.

Cho nên, cái đó rất là quan trọng.

↑ trở lên

Phật pháp

Và nên nhớ thế này. Phật pháp chỉ dành cho người có trí, dành cho người có nhu cầu. Chỉ có niềm tin thì không đủ. Bên Thánh kinh có câu này “Phúc cho kẻ nào không thấy đã tin”. Nhưng bên đạo Phật thì ngược lại “Phúc cho kẻ nào đã tin rồi ráng tìm cái để thấy, để hiểu ”. Khác nhau.

Bên Thiên Chúa có câu đó, biết không? “Phúc cho kẻ nào chưa thấy đã tin”. Bên đạo Phật mình không có nói kỳ cục vậy. Bên đạo Phật mình, dầu con đã lỡ tin, con phải tìm hiểu tại sao con tin.

Cho nên, có một điểm khác biệt rất lớn giữa phàm và thánh:

Thánh nhân thấy rõ những điều mình tin cho nên tin chết bỏ điều mình thấy.
Còn phàm phu không hiểu lắm điều mình tin cho nên không tin lắm điều mình hiểu.

Có hiểu chuyện đó không?

Thánh nhân, họ hiểu rõ điều họ tin. Vì vậy, họ tin điều họ hiểu. Còn mình, mình không hiểu lắm điều mình tin, cho nên mình không tin lắm điều mình hiểu. Bằng chứng, có nhớ câu thơ ngày hôm qua tôi nói không?

“Đất khách muôn trùng, sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc, nhớ mênh mông”


Khi Phật pháp chỉ là đất khách thì nhu cầu học Phật pháp không có nhiều. Khi biến Phật pháp thành quê nhà mình mới có nhu cầu. Và, có rất nhiều người tôi nhìn mặt tôi thấy, Phật pháp đối với họ chưa phải là nhu cầu lớn. Mặc dù tôi muốn nói câu này: Chính Phật pháp, đúng ra từ lâu mà giờ mình phải sửa lại, các vị học Phật pháp các vị sẽ thấy chính Phật pháp cứu mạng các vị.

Cứu mạng là sao? Các vị biết sống giàu có một cách thông minh, biết sống nghèo khó một cách thông minh. Biết sống chung với lũ, với những máu lệ cuộc đời các vị có thể sống thoải mái hơn. Chính Phật pháp đã giúp các vị chuyện đó. Các vị có thể sống với bệnh, sống với tuổi già, sống với cô đơn, bằng Phật pháp.

Tin Phật pháp, hiểu Phật pháp, thấm thía Phật pháp đến một mức mà các vị không sợ sự cô đơn, mà lúc đó thèm được cô đơn. Bởi vì có 8 đặc điểm của giáo pháp.

Bà dì ruột của đức Phật đến hỏi đức Phật:
- Bạch Thế Tôn, người học Phật dựa vào đâu để biết đó là lời Phật?

Gọi là Bát đoán Phật pháp. “Bát đoán Phật pháp” là 8 tiêu chuẩn, dựa vào đó mình biết có phải Phật pháp hay không.

1. Pháp môn càng hành trì càng giảm ham thích trong vật chất.
2. Càng hành trì càng muốn sống một mình.
3. Càng hành trì càng e sợ đám đông.
4. Càng hành trì càng trở nên tinh tấn.
5. Càng hành trì càng trở nên an lạc.
6. Càng hành trì càng trở nên ly dục, thiểu dục.
7. Càng hành trì càng trở nên dễ nuôi (sao sống cũng được).
8. Càng hành trì càng ít có tích tập.

Sẽ có một ngày, các vị thấy rằng, mỗi một lần các vị ngồi trước mâm ăn, các vị biết rằng các vị đang tưới cây. Đó là đã thành công, đã đi một bước rất xa. Có làm được chuyện đó không? Hiểu tôi nói gì không?

Mỗi lần ngồi trước mâm ăn, biết rõ mình đang tưới cây. Lúc bấy giờ, ăn không phải là sự hưởng thụ, nó không phải là khoái lạc, không phải là hưởng thụ, mà lúc đó mình biết, mình đang tưới cây. Thì đó là coi như mình đang đi một bước rất là xa.

Mỗi lần mình khoác áo lên người, cái này kinh dạy, trong luật tỳ-kheo dạy:
1. Mỗi lần khoác áo, vị tỳ-kheo phải nhớ rằng: Thân này là bất tịnh, tấm áo này khi khoác vào người cũng sẽ bất tịnh như thân mình.
2. Khi ăn vị tỳ-kheo suy niệm rằng: Món ăn sẽ trở nên bất tịnh khi nó chạm vào thân bất tịnh này.
3. Chỗ ở: Chỗ ở này sẽ trở nên bất tịnh khi tấm thân bất tịnh này vào, ra.

Phải thường xuyên suy niệm vậy. Đó là suy niệm về bất tịnh.

Còn suy niệm vô thường đó là: Cuộc đời này là thời gian của nhiều bữa ăn, nhiều lần mưa nắng, nhiều mùa trăng, nhiều lần đêm, nhiều lần ngày đã làm nên cuộc đời này. Ta phải làm sao để từng hơi thở của ta nó xứng đáng với giá trị của con người, trong kinh Phật, là làm sao trong mỗi hơi thở mình sống với chánh niệm, với hơi thở, với thiện pháp, bởi vì đời sống này nó là sự cộng ghép của nhiều hơi thở vào ra. Có đúng không? Thì giá trị của đời sống này nằm ở chỗ: Mình tận dụng được bao nhiêu phần trăm của đời sống đó.

Tôi nói một lần nữa: Trước đây mình không học giáo lý, mình tưởng phải đi chùa, phải đi Ấn Độ, phải gặp cao tăng thì mới làm công đức.

Thật ra, trong Kālāma có bài kinh đó. Đức Phật Ngài dạy:
1. Dầu có làm bao nhiêu công đức thì phước không bằng làm thất Tứ phương tăng = chỗ ở cho tứ phương tăng, chỗ tăng chúng lui tới.
2. Nhưng, làm cái đó vẫn không bằng mình ngồi yên mình rải từ tâm đến muôn phương.
3. Nhưng, đến muôn phương không bằng an trú trong vô thường tưởng.

Ngồi ghi nhận, biết rằng, đang thở ra, đang thở vào. Đang thở ra bằng tâm tham, đang thở vào bằng tâm tham, đang thở ra bằng tâm sân, đang thở vào bằng tâm sân. Biết rất rõ. Và, từ từ, khi cái đó vững rồi, nhìn chung quanh biết rằng, thân này vô thường như thế nào.

Yathā imaṁ tatha etaṁ = Thân này sao, kia y chang vậy.

Tất cả chỉ là lắp ráp của 4 thứ: Thiện - ác- buồn – vui, thiện - ác – buồn – vui. Bốn cái này nó đắp đổi, nó vận hành suốt một ngày, nó làm nên 24 giờ, nó làm 7 ngày trong tuần, 4 tuần trong tháng, 12 tháng trong năm và cứ như vậy nó làm nên mấy chục năm của mình, chỉ là : Thiện – ác – buồn – vui, chỉ là những lần thở ra, thở vào.

Thì đức Phật dạy rằng, sống với một suy niệm như vậy đó được gọi là đời sống xứng đáng. Nếu nói trên tinh thần giải thoát, thì đây là công đức lớn nhất trong các công đức. Mà hồi trẻ tôi đọc cái đó tôi không thấm. Bây giờ tôi mới thấy đúng.

Bởi vì, công đức gì đi nữa không bằng chuyện buông bỏ hết.

Chúng sanh có 4 hạng:
  1. Hạng 1: Chỉ biết thích, ghét, buồn, vui = Ngày chưa biết đạo, mình chỉ biết thích, ghét, buồn, vui thôi. Chỉ quan tâm cái gì làm mình thích, cái gì làm mình ghét, cái gì làm mình vui, cái gì làm mình buồn.
  2. Hạng 2: Làm lành lánh dữ để trốn khổ tìm vui = Tới lúc biết đạo mình quan tâm cái gì thiện, cái gì ác. Để chi? Để trốn khổ tìm vui.
  3. Hạng 3: Làm lành lánh dữ để không còn thiện ác buồn vui = Tu tập để không còn sanh tử, thiện ác, buồn vui.
  4. Hạng 4: Thánh.

Nhớ.
Tôi thấy bà con cũng thấm rồi. Giờ mình ngưng ở đây.

↑ trở lên

13 Tâm Sở tợ tha

Mỗi chúng sanh gồm có:


  1. Phần xác – Sắc: 4 (sắc đại hiển) + 24 (sắc y sinh).
  2. Phần hồn - Danh :
    1. 1+13+14 = Ác;
    2. 1+13+25 = Tốt.

Chiều này mình học cái 13.

Từ một con ruồi cho đến ông thánh ngồi tòa sen thì công thức có bao nhiêu đây thôi. Có nghĩa là phần xác của đức Phật cũng là (4 + 24) còn phần xác của mình cũng (4+24). Mà tại sao không nói 28? Vì 4 cái chánh và 24 cái đi ra từ 4 cái đó. Nhớ nha.
Giờ qua tới phần hồn. Tôi xài cho chữ Danh đó.

Phần Danh gồm:
  • 1 là Cái biết. Thí dụ, con mắt thấy hình ảnh, màu sắc = cái biết của con mắt. Trong cái biết không có thiện ác. Lỗ tai, (gõ) một ông thánh cũng nghe, con ruồi cũng nghe, mình cũng nghe, bản thân cái biết đó không có thiện ác. Nghe kịp không? Bản thân cái biết nó không có thiện ác. Nhưng nó kẹt ở chỗ là nó cộng với 13.
  • 13 cái này vẫn là neutral, trung tính, chưa có thiện ác gì hết. Nhưng cái thiện ác nó bắt đầu nằm ở phía sau con số 13 này nè. Trong lớp nghe hiểu không ta? OK. Giờ nghe nè.

    Các vị có biết máy chụp hình không?

    Cái máy chụp hình phần ống kính = 1, màn trập = 13; Phim = 14/25. Có hiểu không?

    Tạm ví dụ thôi, tôi chưa đồng ý nhưng mà phải tạo ví dụ vậy đó. Thí dụ, đức Phật Ngài đi bát, có người đi ngang thì Ngài cũng thấy có người đi ngang, như mình vậy. Và con bò nó cũng thấy người đi ngang. Mà người đi ngang đó là ai? Thí dụ là một cô gái đẹp. Thì đức Phật Ngài cũng nhìn thấy một cô gái đẹp đi ngang, con bò cũng nhìn thấy một cô gái đẹp đi ngang, một đứa con gái nó cũng nhìn thấy cô gái đẹp, một thằng con trai cũng nhìn thấy cô gái đẹp, nó cũng nhìn thấy cô đó. Nhưng mà 4 cảm nhận khác nhau, đúng không ta?

    Đức Phật Ngài nhìn cô gái đẹp Ngài có thích không? Nhưng Ngài biết đây là một người đẹp không? Con bò? Rồi tới người phụ nữ nhìn thấy cô gái đẹp có biết đây là cô gái đẹp không? Mà có thích không? Nhưng một thằng con trai phàm phu nó nhìn cô gái đẹp thì nó thích.

    Như vậy, đây có 4 hạng: Đầu tiên, một ông thánh, biết là gái đẹp nhưng không thích. Thứ hai, một người con gái biết đó là cô gái đẹp nhưng không thích. Thứ ba, con bò không có khái niệm gái đẹp, nó không thích. Cái thằng thứ tư mới ghê, nó biết đây là gái đẹp và nó thích.

    Như vậy thì mình thấy ở đây có phần giống nhau không ta? Có giống chứ. Đức Phật Ngài nhìn Ngài biết, một người phàm phu nhìn cũng biết. Vậy giống nhau chỗ này. Nhưng mà giống con bò ở chỗ nào? Con bò có nhìn thấy không? Cả 4 đều nhìn thấy không? Vậy giống nhau ở phần thấy, đúng không ta?
    Nhưng mà đằng sau cái phần thấy đó. Đó là lý do vì sao mình thấy 2 công thức trên nó giống nhau phần đầu, đúng không ta? Giờ hiểu chưa? Có hiểu không?

    Đức Phật cũng (1 +13), nhưng sau cái 13 của Ngài là 25. Rồi đức Phật cũng (1+13) mà sau đó 25.

    Nhưng cái này quan trọng nè, cái 25 này có 2 trường hợp:

    (1) 25(–) = Đức Phật Ngài nhìn thấy, và 25 của Ngài là 25 (–). Ngài vẫn nhìn, và với trí tuệ, Ngài nhìn, Ngài biết đây là cảnh chân đế, Ngài thấy: đây là cảnh sắc, đây là bốn đại; Nếu cảnh tục đế thì Ngài biết đây là một người nữ, nếu người đó đẹp thì Ngài biết đẹp là do quả thiện quá khứ. Nếu nhìn theo Chân đế, nhìn rốt ráo thì Ngài biết : Đây là Danh - Sắc, đây là bốn đại. Hết. Khi Ngài nhìn khía cạnh Tục đế, hơi đời chút, thì Ngài biết đây là cô gái mà người ta gọi là đẹp. Chứ không phải Ngài, đối với Ngài là không có đẹp. Cái mà thiên hạ gọi là đẹp, và cái đẹp ấy do quả lành của cổ thời xưa mà có. Hiểu không? Và tới đó thôi. Ngài cũng xài 25, nhưng 25 Ngài là 25 (–) là sao? Là cái 25 Ngài không để lại quả lành trong kiếp sau.

    (2) 25(+) = 25 mình là 25 (+). Mình nhìn cô gái mà mình nhìn bằng tâm tham, tâm sân là 14. Nhưng mà mình nhìn bằng tâm thiện, thì sao? Cái 25 của mình là 25 (+) = Để lại quả báu cho kiếp sau. Mình nhìn cô đó mình nhớ : Ồ, hôm trước lễ chùa cũng có cổ đi nè. Hoặc mình nhìn cổ mình có tâm Tùy hỷ, biết cô này kiếp trước cổ có làm lành sao đó giờ cổ mới được như vậy.

    Nhưng mà đối với bậc thánh thì các ngài cũng xài 25, nhưng 25 các ngài không để lại quả báu. Tôi giảng tới đây là bắt đầu tôi hơi run rồi. Tại vì tôi không biết là lớp có nghe kịp không?

    Có nghĩa là, giống nhau ở cái 1- (tâm) là cái biết đơn thuần không thiện ác phàm thánh. Nhưng tới phần 2 là phần 13 tâm sở trung tính.

    13 Tâm sở trung tính là cái gì? Về mặt technique, về mặt kỹ thuật, để hoàn tất một cái biết phải cần những "yếu tố" nào: Thí dụ, yếu tố cảm giác = tâm sở Thọ, yếu tố tập trung = tâm sở Định. Giờ tạm thời chỉ nhìn cái đó mà không nhìn cái khác = tâm sở Thắng giải.

    Cái này bắt buộc các vị phải học nhóm rồi. Tuy nói abc, cũng vừa vừa chứ làm quá, tui mua bình sữa luôn á.

    Ở đây tôi chỉ kềm tới đó thôi. Có nghĩa là, về mặt kỹ thuật để hoàn tất một cái biết bắt buộc phải có một cái biết đơn thuần (1) + 13 yếu tố tâm lý cần thiết. Nhưng mà đó chỉ mới hoàn tất cái nhìn thôi. Đằng sau cái nhìn ấy, là ta tạo nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện thì còn tùy thuộc chuyện 13 ấy cộng với cái gì? Cộng với 14 hay 25.

    Giờ tôi hỏi các vị, có bao giờ các vị đau bụng vì ăn đồ ăn không ? Bây giờ coi tôi nấu nè, tôi chế nước sôi vô, nấu nước sôi lên, có độc chưa? Chưa. Tôi cho muối vô, tôi cho đường vô... Thì đức Phật giống mình tới đó thôi. Ngài giống giống mình tới đó thôi. Nhưng mà sau đó mình cho nước cốt hư vô, sữa hư, cream hư vô thì quất nó vô là đau bụng. Nhưng mà Ngài thì không có vậy. Ngài xài nguyên liệu mới tinh. Nguyên liệu đã qua xét nghiệm, còn nguyên liệu của mình là dỏm. Phần đầu, Ngài với mình giống nhau. Phần thêm phía sau là phần mình làm hư. Nhớ cái đó.

    Chiều nay mình ôn cái đó. Tôi chỉ nhắc tổng quát: 13 cái đó là 13 nguyên liệu căn bản của một nồi thức ăn, gồm có: Muối, đường,… vậy thôi. Nhưng mà cái quan trọng là đằng sau nguyên liệu căn bản này, những nguyên liệu theo phía sau mấy cái căn bản đó, tiếng Mỹ kêu là "optional", tùy chọn, phần đó mới mệt đó. "Background", "basic" giống nhau nhưng qua tới "optional" là hơi mệt rồi. Có nghĩa là, có người bỏ cái 14 vô, có người bỏ 25 vô.

    Mà mình tu là sao? Khi sống nhiều với 25 là tự nhiên 14 nó bị "replaced", bị thế chỗ. Nói thế cho nó ghê chứ thật ra 25 có mặt thì ông kia (14) tự động vắng mặt.

    13 là những thành tố căn bản, gồm có khía cạnh cảm giác, khía cạnh tập trung, khía cạnh đầu tư ý thức (Tâm sở Tư), khía cạnh hồi ức (Tâm sở Tưởng). Hồi ức là gì? Tại sao tôi nhìn vào đó tôi biết đó là tiếng Anh, một lát sau tôi nhìn vào đó tôi biết là tiếng Đức. Mà một đứa bé 2 tuổi nó nhìn nó có biết tiếng gì không? Và, lúc ấy nó chú ý cái gì? Chú ý cái chữ màu gì. Cái tưởng của nó tới mức màu gì thôi, và cái chữ có giống chữ cô giáo dạy nó hồi sáng hay không? Hồi sáng cô giáo viết chữ "a" viết vậy nè thì bây giờ nó nhìn vô “Ồ, cái này giống chữ 'a' hồi sáng”. Chứ nó không biết chữ đó là chữ gì.

    Là mình thấy cái tưởng khác nhau. Người Pháp gặp chữ đó nó tưởng nó làm việc khác, người Việt gặp chữ đó tưởng khác, chữ Dung và chữ Loan trong tiếng Việt Nam mình, nhưng chữ “dung” và “loan” thì nó hiểu khác, đọc khác luôn, là cái tưởng mình khác nhau.

    Bởi cho nên, có ông thuyền trưởng, ổng chìm thuyền, ổng tấp vô một hoang đảo. Ổng gặp một cô gái đẹp ăn mặc tả tơi hết, cổ đi tới cổ nói: "Em cũng bị chìm tàu, nhưng mà không sao, ở đây có anh rồi, em có tất cả những gì mà đàn ông mơ ước." Ổng mở mắt ra: "Cô có Whisky hả?" Có hiểu không? Tức là trong đầu cha này là cha nghiện rượu, cho nên khi nghe “em có tất cả những gì đàn ông mơ ước” thì chả chỉ nghĩ đến whisky thôi...

    Có nghĩa trong cái đầu của mình, đối với đám Hamburg mà tôi gọi phone nói: Tới tôi học đi, kỳ này tôi có chuẩn bị đồ ăn cho quý vị xuất sắc lắm, thì quý vị hiểu là đồ chay. Vì tôi thân với họ tôi biết. Còn cái đám ăn mặn mà tôi nói vậy là họ nghĩ đến cái gì? Lobster! Hiểu không?

    Như vậy thì, để hoàn tất một cái biết ta phải cần đến nhiều yếu tố tâm lý bắt buộc cần phải có, cần và đủ, thì yếu tố đó nằm trong 13. Đức Phật cũng xài 13. Nhưng tới phần sau là hơi mệt rồi đó.

    Basic thì Ngài với mình giống nhau, nhưng phần tùy chọn, "optional" thì Ngài lại bỏ cái của Ngài vào. Tuy nhiên cái 25 của đức Phật là 25(-) còn 25 mình là 25(+). Trừ là sao? Ngài cũng có trí tuệ, Ngài cũng có Từ Bi, Ngài cũng có Tùy hỷ, nhưng tất cả của Ngài, mang tiếng là Thiện nhưng là cái thiện của người giác ngộ lý Bốn đế, cái thiện đó không để lại hậu quả đời sau. Giống như hột thóc bị luộc. Mình ăn cơm mình lụm được hột thóc, hình dáng giống hột lúa nhưng nó bị luộc rồi, chủng tử cho quả dị thục nó không còn nữa, y báo, chánh báo nó không còn nữa.

    Riêng mình thì sao? Riêng mình mình cũng có hột thóc, nhưng hột thóc của mình là hột thóc còn sống, chỉ cần búng xuống dưới sình một phát 3 giây là nó lên mầm liền. Nhớ nha.

    Cái này tôi lấy một phần bên lớp intensive, chứ đám mới mới nghe dễ bị khùng nè.

    Các vị có nghe chữ Thiện & Bất thiện không?

    - Chữ thiện cô áo cam định nghĩa là gì?
    - Là... không ... ác!

    Theo A Tỳ Đàm định nghĩa "thiện là không ác" là không đúng. Bởi vì có cái gì "không ác" nữa không? Trong A Tỳ Đàm, Vô ký cũng không ác. Cho nên, trong A Tỳ Đàm không nói vậy được.

    Định nghĩa lại đi, tâm thiện, pháp thiện, việc thiện là gì? Phật tử tới giờ này hỏi Thiện là gì trả lời không được. Dễ sợ chưa. Bây giờ mới thấy đi chùa quý vị bị một lỗ hổng, lỗ đó đủ để con voi nó chui lọt - cô thấy không? Là Phật tử tới giờ này hỏi thiện là gì suy nghĩ cả buổi luôn. Thấy chưa?

    Chữ thiện hiểu theo người đời Thiện = Lành, Tốt, từ thiện, tâm thiện.

    Nhưng trong kinh điển Nguyên thủy, chữ “thiện” không hề có nghĩa là tốt, là lành, mà nó có nghĩa là "khéo". Ngay cả trong tiếng Hán, Thiện là khéo. Thí dụ, thiện xạ, thiện chiến – thiện là khéo. Trong A Tỳ Đàm chữ thiện, tiếng Tàu dịch rất là sát, chữ kusala trong tiếng Phạn, nó đi ra từ 2 tiếng này: Kusala hoặc kosala = khéo, tinh thông, giỏi.

    Khi mình nhìn một cái gì đó, khi mình nghe một cái gì đó bằng tâm thiện, mình nghe bằng 25 là mình đánh giá vấn đề theo hướng tích cực. Đó gọi là khéo. Còn khi mình nghe, mình nhìn cái gì đó bằng tâm trạng bất thiện nghĩa là không có khéo. Thí dụ như, mình đang ngồi mình nghe giảng, mình nghe người ta ho. Nếu nghe bằng 25 thì sao? Mình nghĩ tội nghiệp người đó bệnh. Còn đằng này nếu mình nghe bằng 14 là mình... quạu. Mà khi đức Phật Ngài nghe tiếng ho giữa pháp hội Ngài có sân không? Mà Ngài tội nghiệp người đó có vấn đề. Đúng không? Thì khi mình đánh giá một trần cảnh bằng tâm thái tiêu cực được gọi là nhận biết bằng tâm bất thiện, nhận biết bằng 14.

    14 gồm cái gì? Trong đây gồm có: Tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, bủn xỉn, ganh tị, hôn trầm, thụy miên,… là nằm trong 14.

    Còn 25 là gì? Đây tôi không kể theo trong đây các vị nghe các vị khùng, tôi đang nói theo phổ thông, gồm có: Từ Bi Hỷ Xả, Trí tuệ, Chánh niệm, Yêu thương, bao dung,… thì cái đó là nhìn vấn đề theo hướng tích cực.

    Tức là khi ta nhìn vấn đề bằng khía cạnh tích cực là lúc đó ta đang xài cái 25. Còn khi nào mà ta nhìn nó bằng khía cạnh tiêu cực. Nhìn để đam mê thích thú, bất mãn, tống khứ, đào thải, trốn chạy, tiêu diệt, trừ khử, đó là những thái độ tiêu cực đúng không?

    Còn mình nghe bằng : Thấu suốt, cảm thông, chia sẻ, yêu thương, tội nghiệp, trắc ẩn, xót xa, đó là tích cực, thì lúc đó ta đang sống bằng 25. Xong chưa?

    Tu hành là thay thế cái nhìn tiêu cực bằng cái nhìn tích cực. Còn từng cái từng cái trong 25 bắt buộc học sách hoặc học với bạn rồi. Nhớ cái đó bắt buộc, mình đi ngàn dặm qua đây mình phải chịu hơi cực chút. Coi trong quyển A Tỳ Đàm nói rất rõ, 14 là gì 25 là gì.

    ↑ trở lên

    Sáu căn tánh

    Tại sao pháp Phật có tới 8 muôn 4 nghìn? Là vì căn cơ chúng sanh vô cùng và vô cùng phức tạp. Bởi vì tất cả chúng sanh trong đời, con số thì vô lượng nhưng gom gọn thì có 6 khuynh hướng tâm lý sau đây:

    1. Dục tính = Thích đủ thứ, nặng về thích thú.
    2. Nộ tánh = Bất mãn bực mình, thường xuyên bất mãn, rất dễ bực mình. Nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương, sạch quá nó nói, dơ nó cũng nói, ốm chê, mập chê, vừa vừa cũng chê, đen chê, trắng chê,…
    3. Độn tánh = Đầu óc mù mờ không có khả năng soi rọi gì hết, đè lỗ tai, banh con mắt ra, đổ mực vô không hiểu luôn.
    4. Đãng tánh = Lăng xăng, buông bắt, nghe ai nói gì cũng thấy hay, ai sao làm vậy, ai xúi bậy cũng làm theo.
    5. Mộ tánh = Tánh rất dễ tin, nặng về niềm tin.
    6. Ngộ tánh = Có khả năng soi rọi, phân tích.

    Đó là nói gọn, nhưng nói rộng nó tới 63 tính. Là sao? Có đứa tánh nóng mà thông minh, có đứa tánh nóng mà chậm; có đứa tham tùm lum mà thông minh, có đứa tham tùm lum mà chậm, có đứa đức tin mạnh, trí cũng mạnh, có đứa đức tin mạnh mà trí chậm, có đứa tham nhiều đức tin mạnh,… nói chung các vị học Toán có nhớ không? Có nghĩa là nó đi tùm lum, và trong đó có những anh một mình ảnh quất cho một đống tánh luôn. Tham mạnh, sân mạnh, si mạnh mà lại đức tin mạnh, mà lại đãng tánh, bởi cho nên nó mới ra một lũ tới 63 tính. Chính vì cái 63 này nó rắc rối nữa.

    Thí du trong đó có hạng 48. Cô Yến cũng 48, mà cái 48 cùa cô Yến khác 48 của ông Nhân. Vì sao vậy? Vì tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống của cô Yến không giống ông này. Cho nên, phân loại cô Yến là tham nhiều, sân nhiều, trí cũng nhiều; ông này cũng tham nhiều, sân nhiều, trí nhiều nhưng cái tham cô Yến khác cái tham của ông Nhân. Cô Yến rất thích cảnh sắc, ông Nhân rất thích cảnh thinh. Tôi cũng 48 mà tôi rất thích cảnh mùi, thầy thượng tọa Đồng Ấn cũng 48 mà ổng thích vị.

    Hiểu không? Cũng ái nhiều nhưng mỗi em ái một kiểu. Rồi trong đám thích cảnh sắc nó lại chia ra 1001 nhánh. Có người thích sắc họ thích đi du lịch, có người thích sắc là thích hội họa; còn có người cũng thích sắc, thích hội họa nhưng thích ngắm thôi, có không? Rồi mùi cũng vậy, có người thích mùi thiên nhiên, có người thích mùi nhân tạo. Vị cũng vậy, xúc cũng vậy. Có người xúc thích da thịt, có người thích xúc chăn đệm mền gối,…

    Cho nên, nói gọn là 6, rộng hơn là 63, còn nói chi tiết là vô số. Chính vì chỗ này nên khi đức Phật Ngài ra đời thuyết pháp, Thế Tôn trụ thế có 45 năm thì chừng ấy kinh điển, nếu Thế Tôn trụ thế 1 triệu năm thì vô số là vì sao? Trên mỗi bước chân hoằng pháp Ngài gặp những đối tượng khác nhau và Ngài ngó vào căn cơ của nó mà Ngài cho pháp thoại hợp với nó.

    Thí dụ, Ngài gặp 10 đứa, đứa nào cũng 48 hết, nhưng hồi nãy tôi nói 48 đứa nào cũng khác nhau phải không? Thế là pháp thoại hơi có chỉnh sửa chút.
    Giờ nghe hiểu hả?

    Và, cái này mới quan trọng.
    Với phàm phu của mình, ai cũng có 14, 25 hết. Nhưng có kẻ 25 mạnh hơn 14 và có kể 14 mạnh hơn 25. Có đúng không?
    Trong 14 ấy, có kẻ mạnh về Si, có người mạnh về Tham, có người mạnh về Sân; Và 25 cũng vậy, trong đám mạnh 25 thì người mạnh về A, B, C, F,… có hiểu không?
    Chính 14 mỗi người khiến 25 không giống người khác. Thí dụ bây giờ trong 14 tôi có tâm ganh tị nhiều, thì Tùy hỷ của tôi hơi bị yếu.
    Và ngược lại, 25 của tui có tác động đến cái 14 của tui.

    Như vậy thì:
    • Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, và môi trường sống mà ở mỗi chúng sanh 14 nhiều hơn 25 hay 25 nhiều hơn 14.
    • Ngay trong 14 ấy, cũng có cái mạnh, cái yếu khác nhau. Và trong 25 ấy, ở mỗi người cũng có cái mạnh cái yếu khác nhau.
    • Chính 25 của mỗi người khiến 14 của họ nó khác người ta. Chính 14 của họ khiến 25 của họ khác người ta.

    Hiểu không?

    ↑ trở lên

    Tà kiến

    Cái này mới ghê. Tùy thuộc tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, và môi trường sống mà nội dung 14, 25 ấy khác nhau. Thí dụ, nói Tà Kiến. Tà Kiến của mình, có người thường kiến, có người đoạn kiến. Có hiểu cái đó không? Tà kiến là thấy sai.

    Tất cả phàm phu sanh tử đều là do Tà kiến. Tà kiến là thấy sai, gồm có 2:


    1. Thường kiến, có 3:

      1. Tin có một đấng gì đó như Allah, Chúa Trời… ngự trị trên một cõi cao đời đời bất diệt tạo ra muôn loài.
      2. Tin có một cõi gì đó vĩnh hằng, đời đời bất diệt.
      3. Tin có một cái tôi, thân xác này rã đi cái tôi ấy chui vô xác khác, như con chim đổi lồng.
      Tất cả phàm phu đều tin như vậy hết, tôi chết rồi hồn sẽ xuất, đi chỗ này chỗ kia. Trong A Tỳ Đàm, chuyện đó không bao giờ có vì tâm sanh diệt mỗi sát-na thì làm gì có chuyện có cái gì đó đi từ nơi này qua nơi kia. Cho nên mình nghe ai nói xuất hồn, vong đi là sai. Trong A Tỳ Đàm không nhìn nhận có cái gì tồn tại quá 1 sát-na. Nó cứ tiếp nối nhau, hết tâm này tới tâm kia. Mà rất tiếc mình có 10 ngày sao mình đụng tới cái vụ đó được. Buddhist psychology – tâm lý học Phật giáo, giờ đổi vé ở lại 8 tháng thì may ra.
    2. Đoạn kiến, có 3:

      1. Vô hành kiến = Cho rằng không có thiện ác gì hết, thích thì làm, thiện ác giống nhau.
      2. Vô nhân kiến = Cho rằng, mọi thứ ngẫu nhiên mà có, không cần nhân duyên gì hết.
      3. Vô hữu kiến = Phủ nhận triệt để những gì mình không thấy được, không hiểu được và không chứng minh được.
      Thí dụ, kiếp trước kiếp sau, ma quỷ, nhân quả báo ứng, sự hiện hữu của hiền thánh mình đâu biết ai hiền thánh đâu, vụ đó chứng minh không được, dẹp, vụ đó không có. Khuất mày khuất mặt mình chứng minh không được, dẹp. Kiếp trước kiếp sau mình cũng không hiểu, dẹp. Cõi này cõi kia không thấy, dẹp. Cái gì mình không thấy thì mình bỏ hết, mình không tin.

    Trong khi một thái độ bình tĩnh là gì? Cái gì mình không thấy, nếu thấy nó là cái cần thiết thì mình đi tìm lý lẽ để mình xác minh xác định. Còn thấy chuyện đó không cần thiết thì bỏ qua một bên. Nhưng không bao giờ nên dại dột phủ nhận chuyện mình không hiểu. Bởi vì, tôi hỏi thiệt trong room nha, nếu các vị nghĩ nếu cái gì mình không biết, mình phủ nhận thì máy bay không có thật đúng không? Thì trong lớp này đâu mấy người hiểu được cấu trúc, vận hành của máy bay. Các vị hiểu không ? Mà các vị thấy có gì bậy cho bằng, mình sống ở thế kỷ này mà mình không tin có cục sắt bay trên trời, cũng kẹt lắm. Nhớ cái đó.

    Như vậy, thì mình thấy, nói gọn thì Tà Kiến có Thường & Đoạn, nói rộng thì có 6, rộng nữa lên 62. Và, nếu nói như vậy thì mỗi người có một kiểu tà kiến khác nhau đúng không?

    Như vậy, trong kinh nói Tà kiến có nhiều nguồn, gọn lại có 2 nguồn:
    1. Tà kiến do nhận thức bản thân – do mình tư duy bản thân
    2. Do mình học hỏi, tiếp thu từ người khác – từ sự hướng dẫn, dạy dỗ, tác động của người khác khiến cho mình lọt vào một trong 6 Tà kiến này.

    Vậy nãy giờ tôi nói, cái tham đã khác, Tà Kiến cũng khác, và cái Hoài nghi, nghi hoặc từ đó nó cũng khác nhau. Có người nghiêng nặng về cái này, có người nghiêng nặng về cái kia. Có người họ thắc mắc là không biết chuyện báo ứng có không, rồi có người thắc mắc không biết đức Phật có thiệt không, có người họ thắc mắc không biết cõi trời, địa ngục có thiệt không, có người thắc mắc không biết kiếp trước kiếp sau có hay không, có người thắc mắc người khuất mày khuất mặt có hay không? Tùy người, mỗi người có cái thắc mắc khác nhau.

    ↑ trở lên

    Mạn & Sân

    Tới Mạn, Mạn là gì?

    Mạn hiểu của người không học, nghe Ngã mạn họ hiểu là Tự đắc. No. Tự đắc chỉ là 1 trong 3 mạn thôi: So bằng – So hơn – So thua.
    1. So hơn = mình hơn họ.
    2. So bằng = nó tới đâu tui tới đó tui đâu có ngán. Có nhỏ đó vô chùa hái trái cây, ông thầy thấy nó phá quá ổng la nó, nó về nó méc má nó, nó nói ông thầy đánh con, ba nó chạy vô: Sao thầy đánh con nít? Có gì thầy nói người lớn chứ. Ông thầy nói: Bần tăng chưa đánh ai hết. Nói, không thầy đánh mà thầy chửi nó. – Bần tăng chưa chửi ai hết; Ờ, thầy liệu chứ đụng con tôi không được đâu; - Bần tăng chưa ngán ai hết. Cái đó gọi là so bằng, nghĩa là ông tới đâu trẫm tới đó.
    3. So thua = Có thằng đó, giang hồ vặt, nó xăm 3 chữ đ, nó gặp thằng nào yếu hơn nó, nó định nghĩa là : Đụng đâu đánh đó. Còn thằng nào bự hơn nó nó nói : Đang đau đừng đánh. Có lúc nó so hơn có lúc nó so thua, mà nó xăm mình nghe. Rồi cũng nó nữa, nó vô tù, đại bàng – tù cũ thấy thằng này ốm nhách, xanh lè, nghiện mà, có xăm con gì đây nè đang xòe cánh, đại bàng nó bực lắm: Xăm gì đó? Ốm nhách mà cũng xăm nữa. – Đâu có đại ca, xăm con cút. Hết con xăm rồi xăm con cút. Nó nói: Ở tù thèm con gì xăm con đó. Mà hồi xưa, lúc nó xăm là xăm con đại bàng. Mà thằng xăm nó xăm xấu nên có cánh chấp chới vậy thôi, nhờ vậy nó sống không cũng mềm xương rồi.

    Có nghĩa là trong đời sống mình luôn luôn, liên tục hơn – thua, hơn – thua,…

    Mặc cảm cũng là ngã mạn, tôi biết tôi không bằng ai, tôi biết ông hơn tôi nhiều, … đó cũng là ngã mạn vì so thua.

    Còn so hơn là: Mấy người làm gì bằng tui, so hơn.

    Còn so bằng là người ta tới đâu mình tới đó, tui đâu có thua nó đâu, tôi đâu ngán nó đâu.

    Như vậy thì, ngã mạn mỗi người khác nhau. Có người so hơn, so bằng, và so thua.

    Chưa hết. Lý do để kiêu mạn cũng khác nhau. Có người kiêu mạn vì nhan sắc, có người kiêu mạn vì gia thế, tài sản, sức khỏe, trí tuệ, học thức, quyền lực, quan hệ xã hội,… Có đúng không ?

    Cho nên, chỉ riêng cái mạn là mình đã khác nhau.

    Mạn, kiến, nghi, tham, sân, si, hôn thụy, trạo cử,… lý do hoàn toàn khác nhau. Ngay cả sân, tật, lận, hối cũng khác nhau.

    Sân = bất mãn.
    Tật = ganh tị.
    Lận = bủn xỉn.
    Hối = ray rứt chuyện cũ: Tại sao mình làm chuyện đó và tại sao mình không làm chuyện đó.

    Ở mỗi người, những phiền não đó cũng không giống nhau. Có người cái hối của họ thường họ hay ray rứt mình không làm, có người họ ray rứt tại sao mình làm chuyện đó. Có hiểu không? Mấy người hay bộp chộp thì hay ray rứt tại sao mình làm chuyện đó. Tại sao mình nói chuyện đó, tại sao mình nghĩ ra chuyện đó. Nhưng có những người họ chậm, suốt đời họ hối tại sao mình không làm như vậy, tại sao mình không nói như vậy, tại sao mình không nghĩ ra chuyện đó. Hối có 2.

    Như vậy tôi giảng xong 14 rồi đó.

    ↑ trở lên

    25 Tâm Sở tích cực

    Giờ tôi giảng qua 25.

    25 là sao? 25 cũng là những thành tố tâm lý thôi nhưng nó mang tính tích cực.

    Có nghĩa là mình nhìn vấn đề, mình nghe vấn đề, mình nghĩ vấn đề bằng khía cạnh tâm lý tích cực, gồm có từ bi, chánh niệm, trí tuệ thì cái đó được gọi 25.

    Các vị phải đọc trong sách thêm. Cái này tôi chỉ nói cái sườn thôi.

    Ở đây tôi giới thiệu món ăn chứ không phải tôi dạy nấu ăn. Nhớ cái đó. Nhớ câu hồi sáng tôi nói không? Mình đến với đức Phật là nấu ăn theo hướng dẫn của Ngài chứ không phải theo cái món mà Ngài nấu sẵn cho mình ăn. Và, đức Phật càng không đút vô miệng mình như nhiều người tưởng lầm, cái gì cũng chờ Phật độ.

    Cái đó là một cái rất là kẹt.

    Bình thường không nhớ Ngài, tới lúc tai nạn mới cầu Phật độ thì cái đó là không xong. Vì nếu mình nghĩ Phật có thể giúp mình trong nhiều tình huống như vậy, bình thường không tu, tới lúc đụng chuyện Ngài giúp được mình thì hóa ra đức Phật không có Từ Bi? Vì nếu Phật có thể độ mọi người tại sao giờ quá nhiều người khổ vẫn còn đó, hiểu không?

    Nếu nói rằng chư Phật có thể độ được tất cả, không kể Nhân duyên, không kể Phật duyên, Phật chất của mỗi người, cứ gặp ai Ngài cũng độ thì không phải. Đức Phật là Toàn Giác = Cái gì Ngài cũng biết, nhưng PHẬT KHÔNG PHẢI LÀ TOÀN NĂNG CÁI GÌ CŨNG LÀM ĐƯỢC. Cái đó không đúng. Cái gì Ngài cũng biết. Phật biết căn cơ từng chúng sinh từ 1 vị Phạm thiên cho đến con dòi Ngài nhìn Ngài biết. Nhưng Ngài chỉ độ được người hữu duyên.

    Cho nên, nhớ 3 cái này:

    Phật trí vô biên – Phật lực vô cùng – Phật tâm vô lượng; không độ được người vô duyên.

    Trong tiếng Việt Nam mình, chữ Tâm – Ý – Lòng nó đồng nghĩa đúng không? Nhưng Phật tâm khác “phật ý”, có hiểu không? Giống như bể với vỡ giống hay khác. Nhưng người tu yêu sợ "đổ bể", còn người đời yêu sợ "đổ vỡ". Có hiểu cái đó không? Tôi cũng yêu tùm lum mà tôi sợ đổ bể nghĩa là sao? Sợ người ta biết. Còn người đời họ yêu mà họ sợ đổ vỡ là sợ nó bị "broken", còn đổ bể là "leaking". Cho nên, bể với vỡ là đồng nghĩa nhưng có những tình huống bể, vỡ khác nghĩa. Thí dụ như, đó là một cuộc tình mà tôi rất trân quý, tôi sợ nó đổ vỡ. Rồi câu thứ hai, đó là một cuộc tình hơi tế nhị tôi sợ nó đổ bể. Có đúng vậy không? Nhớ cái đó. Cho nên, mấy cô cẩn thận vụ đó, coi ổng sợ đổ vỡ hay đổ bể, với mình ổng sợ đổ vỡ còn với bà hàng xóm ổng sợ đổ bể.

    25 là cái nhìn nào mà nó được hình thành, được tác động, được cấu tạo bởi trí tuệ, chánh niệm, từ tâm, cái nhìn tích cực, nhìn bằng 25. Chính cái nhận thức, suy nghĩ đó, hành động được tác động bằng những thành tố tâm lý đó được gọi là Thiện. Mình nói bằng 25 được gọi là lời thiện, là Chánh Ngữ. Mình làm bằng 25 là Chánh Nghiệp. Mình nghĩ bằng 25 là Chánh Tư Duy. Nhớ cái đó. 25 quan trọng, rất quan trọng.

    ↑ trở lên

    Chánh Tư Duy

    Sẵn tôi nói luôn: được gọi là Chánh Tư Duy là bởi sao? Là bởi nó được hỗ trợ bởi 7 cái còn lại mới được gọi là Chánh Tư Duy. Nghe kịp không? Được gọi là Chánh kiến (cái thấy đúng đắn) là vì được hỗ trợ bởi 7 cái Chánh còn lại. Chánh tư duy là suy tư đúng đắn, nhưng suy tư ấy phải được hỗ trợ bởi 7 cái còn lại. Và Chánh ngữ, nghiệp, mạng cũng vậy. Tức là, được gọi là Chánh ngữ là nó được hỗ trợ bởi 7 cái còn lại. Tám cái hỗ tương với nhau. Chứ không thể nào nói "Con kiếp này chắc Bát Chánh con tu được bảy Chánh, vì Chánh ngữ con buôn bán hay nói dóc lắm..." là không được!

    Hoặc có ông đó Phật tử, nói với tui: "Con cái số con không biết số khổ hay số hưởng mà con đào hoa dữ lắm, chắc con bỏ Chánh nghiệp qua một bên." Cái đó không được.

    Ông đó bên Úc, hên là ổng già rồi ổng không đi nữa, chứ tôi gặp ổng tôi run muốn chết, thả ông vô lớp này là ba bữa nó nhảy lầu hết. Đàn ông do ghen, đàn bà do tức, nhảy hết, ổng đào hoa lắm.

    Cho nên, không thể nào có vụ tu Chánh này bỏ Chánh kia. Là sai. Vì sao? Vì cái anh này được gọi là Chánh vì có 7 cái Chánh kia nó núp lùm, nó hỗ trợ. Đó là mấy cái căn bản. Nhớ nha.

    Thêm nữa. Các vị nhớ 37 Bồ Đề phần gồm có : Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo. Kể là 37, gồm 7 nhóm, nhưng tùy căn cơ chúng sanh mà Phật dạy nhóm nào. Chứ nội dung của từng nhóm hoàn toàn là một, là tương tức.

    Thí dụ, một người tu tập Ngũ căn là tu tập Ngũ lực. Người tập Ngũ căn là Tu tập Thất giác chi, Bát Chánh đạo, … mặc dù mình kể ra thấy nó hơi khác khác. Nhất là nhìn chi pháp. Mình nhìn chi pháp mình thấy, Tứ chánh cần, tâm sở nó là Tâm sở cần. Như vậy trong Bát chánh đạo nó thuộc Chánh tinh tấn đúng không? Sai. Bởi vì sao? Tính chi pháp là tâm sở Cần, nhưng mình coi kỹ Tứ chánh cần gồm có mấy? Thận – Trừ - Tu – Bảo.

    • Thận cần = Prevention = Nỗ lực ngăn ngừa điều ác chưa đến là ta phải cần 7 Chánh đạo còn lại.
    • Trừ cần = Nỗ lực chặn đứng ác đang có.
    • Tu cần = Nỗ lực phát triển cái thiện chưa có.
    • Bảo cần = Nỗ lực giữ cái thiện đã có.

    Khi phân tích như vậy ta thấy 37 nó nằm chần dần trỏng. Vì nếu không đủ 37 sao nó có thể: Ngừa ông chưa tới, chận ông đang có, tu ông chưa có, giữ ông đã có. Sao làm được, làm kiểu gì? Nhưng người ta kể thì kể gọn vậy thôi.

    Tôi nhớ gì tôi nói cái đó.

    Các vị có nghe nói trực quan tài. Ông già chết có 4 đứa con, mỗi đứa trực quan tài = hầu linh sàng. Nó đứng yên, khách lạy nó trả lễ. Má nó chia, mai đám tang của bố, thằng Tí, thằng Tèo, con Lan, con Cúc mỗi đứa thay phiên nhau đứng hầu quan tài cho bố. Khi kể là mình nghe nói thằng Tí, thằng Tèo, con Lan, con Hương. Bốn đứa, nhưng mình phải hiểu rằng, bên cạnh thằng Tí còn vô số đứa khác nhưng nói cái chánh là người ta chỉ nhớ một đứa thôi. Chứ không lẽ một mình thằng Tí đứng chực sao. No. Nói chuyện trực quan tài mình chỉ lấy một đứa nhưng phải hiểu ngầm rằng có bao nhiêu đứa khác hỗ trợ cho thằng Tí đứng hầu quan tài. Vì sao? Vì thằng Tí nó cần cái gì là có liền, đúng không? Thằng Tí nó cần cái gì là có liền.
    Cho nên, nói ngày mốt ông Kiên lái xe đưa đoàn đi chơi, ngài mai ông Nhân, bữa kia ông Lộc, bữa nọ ông Khương, mình chia ra, nhưng mình phải hiểu ngầm, một mình ông Lộc không thể nào đưa mọi người đi được, ít nhất phải có người ngồi trên đó, ông Lộc có chuyện gì là có người tiếp ứng liền. Ông Lộc không thể đi một mình đi, vì sao? Vì ổng lái xe đưa đoàn. Cho nên, mình nói ngày mốt ông Lộc lái, đúng, nhưng. Mình phải hiểu ngầm không thể nào ông Lộc một mình làm chuyện đưa đoàn được hết.

    ↑ trở lên

    Duyên

    Để hình thành một cái biết hoàn chỉnh nó cần các điều kiện. Những điều kiện ấy được gọi chung một chữ: Duyên – Conditions.

    Duyên là tất cả những điều kiện, những hỗ trợ cho các pháp vận hành, đó gọi là duyên. Duyên ở đây có 2: Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực.
    Chiều nay chỉ nhiều đây đủ quý vị lấy vé máy bay về rồi. Nghe nè.

    Vạn hữu trong cuộc đời đều tồn tại bằng một chữ Duyên.

    Duyên gồm có 2: Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực.
    Duyên trợ sinh = Những điều kiện khiến cho cái gì đó chưa có được có mặt.
    Duyên trợ lực = Những điều kiện giúp cho cái gì đó phát triển.

    Thí dụ, do hột giống nó nên có cái cây, là trợ sinh. Khi có cái cây rồi, thời tiết, mưa gió,… làm cho cái cây phát triển, là trợ lực. Nếu duyên trợ sinh đó bị trục trặc gọi là duyên diệt. Điều kiện khiến cho duyên trợ sinh mất gọi là duyên diệt.

    Vạn hữu do Duyên. Duyên gồm có 2: Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực. Cả 2 duyên này, mỗi duyên gồm 4 trường hợp:

    1. A giúp B bằng cách có mặt trước = Do có tôi ở đây bà con mới tới.
    2. A giúp B bằng cách có mặt sau = Vì quý vị tuần sau sẽ đến, vì lớp học tuần sau đến nên giờ tôi đi đâu tôi cũng phải về đây.
    3. A giúp B bằng cách cùng có mặt = Lớp học có thể nào có thầy mà không có trò không? Đám cưới cô dâu chú rể phải cùng lúc. Bệnh nhân bác sĩ phải cùng lúc.
    4. A giúp B bằng cách vắng mặt = Có nhiều thứ trên đời hình thành nhờ sự vắng mặt của một cái khác. Có không? Không li dị làm sao lấy người mới. Hiểu không? Do sự vắng mặt cho cái này mới có chỗ cho cái kia chứ.

    Mỗi thứ trên đời này, tôi bảo đảm các vị, không nằm ngoài 4 cái này. Có hiểu không? Cái (đầu) này hơi bén chút xíu là hiểu liền.

    Tôi bảo đảm các vị, tối nay về suy nghĩ coi: Trên đời có cái gì nằm ngoài 4 cái này không?
    * Mọi thứ trên đời do các duyên mà có
    * Duyên gồm có Duyên trợ sinh & duyên trợ lực
    * Duyên trợ sinh gồm 4 trường hợp; Duyên trợ lực gồm 4 trường hợp. Giống nhau:
    1. A giúp B bằng cách có mặt trước
    2. A giúp B bằng cách có mặt sau
    3. A giúp B bằng cách cùng có mặt
    4. A giúp B bằng cách vắng mặt

    Đừng gật đầu tin vì ông sư nói. Các vị nghĩ có phải trong cuộc đời nó không nằm ngoài cái này không?

    Sẵn tôi nói luôn. Trước mắt hôm nay tại đây chúng ta với nhau, rõ ràng mấy cái này là lý thuyết. Nhưng mai này khi tu tập Tuệ Quán các vị sẽ có dịp thấm thía mấy cái này. Khi các vị ngồi như thế này, các vị nghe nó đau, và các vị có ý muốn đổi tư thế, lúc đó các vị biết, do cái đau làm duyên cho muốn đổi, muốn đổi nó lại tác động cho cái đổi. Nó đi từng bước vậy. Do ngồi lâu mới dẫn tới cái đau, mà do cái đau nó mới dẫn tới cái muốn đổi, có cái muốn đổi nó mới dẫn đến cái đổi. Từ cái đổi nó dẫn đến cái thoải mái. Như vậy các vị thấy đời sống là sự ráp nối không? Do ngồi lâu mới mỏi, từ mỏi mới đổi, đổi xong mới thoải mái. Thoải mái thường tham nhiều hơn thiện, đúng không? Như vậy mình thấy từ Sân chuyển qua Tham đúng không? Nhưng khi mình theo dõi mình theo dõi bằng chánh niệm. Mình biết cái đau này là khổ thân mà khó chịu là khổ tâm, cái muốn đổi tư thế là tham, đổi xong thấy thoải mái là tham. Chứng tỏ lúc đó mình nhìn. Tuy nãy giờ mình thấy phiền não không nhưng tâm quan sát được phiền não đó chính là tâm thiện.

    Cho nên, người có học A Tỳ Đàm, người có học giáo lý niệm xứ, các vị có thể tu bất cứ nơi đâu. Và từ đó suy ra, ta hoàn toàn có thể chứng đạo trong toilet, ta hoàn toàn có thể chứng đạo trên giường bệnh, chứng đạo lúc đang nằm, đang ngồi, đang đi, đang đứng, đang ăn, đang uống, ta hoàn toàn có thể làm được chuyện đó. Thay vì trước giờ mình nghĩ chỉ có thể chứng đạo trong lúc ngồi xếp bằng, đúng không? Và ngồi xếp bằng là chúng ta phải ngồi chỗ trang nghiêm, có hoa, có tượng Phật, đúng không? Vậy hóa ra, mình thu gọn không gian chứng đạo vào vài mét vuông. Nhưng khi mình hiểu đạo rồi thì không gian chứng đạo mình là vô tận, và không có giới hạn. Đó là lý do vì sao phải học giáo lý.

    Hồi đó giờ mình nghĩ là: Đắc đạo chỉ có nhờ hành thiền, mà hành thiền phải xếp bằng, xếp bằng ở đâu? Xếp bằng chỗ trang nghiêm. Thế là mình tự đóng khung mình lại. Thật ra, ở đâu có tâm tu, ở đâu có trí tuệ, ở đó hoàn toàn có thể chứng đạo. Vấn đề mình có đủ duyên giác ngộ hay không mà thôi.

    Cho nên, chiều nay đặc biệt về Duyên.

    Vậy quý vị ôn được không?

    Mỗi chúng sanh gồm có 2 phần: Sắc và Danh: (1+13+14) = tâm ác; (1+13+25) = tâm thiện. Tu có nghĩa là bỏ 14 bằng 25.

    Hành trình hoán chuyển này hoàn toàn là sự tác động của duyên.

    Và duyên gồm có 2: Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực. Mỗi cái trợ sinh, trợ lực gồm có 4.

    Các vị nói được vậy tôi hơi mừng mừng. Giờ tôi hỏi thêm.

    Chuyện các vị nhờ đi chùa mà thấy chuyện tu học mình nó dễ hơn, vậy nó có nằm trong mấy cái này không? Như vậy, cái chùa lúc bấy giờ trợ sinh hay trợ lực? – Cả hai.
    Nhờ thấy cái chùa mới có đạo tâm là trợ sinh.
    Nhờ thấy cái chùa, hình ảnh tăng ni hình ảnh tượng Phật mà đạo tâm mạnh thêm. Lúc bấy giờ là trợ lực.
    Nhờ chùa có trước mà mình có đạo tâm sau = A giúp B bằng cách có trước.
    Vì nghĩ chuyện tu học sau này mà mình tinh tấn = A giúp B bằng cách có mặt sau.
    Và những điều kiện mình có được ở trong chùa, sinh hoạt thoải mái = A – B giúp nhau bằng cùng có mặt.
    Mình tránh được những gương mặt mình không muốn thấy, tránh được những chuyện đời, chuyện gia đình, nhờ sự vắng mặt chuyện thế gian mình mới tu tập = A giúp B bằng cách vắng mặt.

    Đúng không?

    Các vị có đồng ý với tôi hành thiền trong chùa dễ hơn ở nhà không?
    Vì sao vậy? Vì trong chùa nó thiếu những thứ mà ở nhà mình đầy. Như vậy có phải A giúp B bằng cách vắng mặt không? Giờ hiểu không? Mình không biết đạo mình tưởng A giúp B phải cùng có mặt. No.

    Đức Phật Ngài dạy:
    • A giúp B bằng cách có mặt trước = Tiền sanh duyên
    • A giúp B bằng cách có mặt sau = Hậu sanh duyên
    • A giúp B bằng cách cùng có mặt = Câu sanh duyên/ Đồng sanh duyên
    • A giúp B bằng cách vắng mặt = Ly khứ duyên/ Vô hữu duyên.

    Giờ hiểu chưa?

    Như vậy, kể từ hôm nay, khi mình nói mình làm cái gì mình phải nhớ. Bất cứ cái gì đang có mặt cũng có thể tác động cho ta, và những thứ vắng mặt nó cũng có thể tác động cho ta. Như vậy, trong nhà mình muốn thêm cái gì vào mình cũng phải nhớ cái thêm vào nó có thể tác động đến mình, và cái mình liệng bỏ cũng có thể tác động đến mình không?

    Dễ sợ chưa? Hồi đó giờ mình nghĩ A giúp B bằng cách phải có mặt. No! Không nó cũng tác động nữa. Thí dụ, lan can mình xưa giờ lúc nào cũng có cái võng nằm ngoài hết. Mỗi lần mình ra đó mình hay nằm lắm. Bước ra tập thể dục đứng quơ quơ, liếc thấy cái võng là sà qua nằm. Tập riết cái này (ngực) không nở mà bụng nở. Hiểu không? Khi nhận ra chuyện đó trẫm bèn đi liệng cái võng, liệng cái ghế bố đi. Thì cái liệng đó có ảnh hưởng đến hoạt động của mình không? Có chứ. Thay vì hồi đó ra quơ quơ thấy ghế bố là sà xuống. Còn bây giờ ra quơ quơ dòm thấy ghế bố mất tiêu nên chịu khó quơ tiếp. Như vậy, vẫn là tác động, là vì nó mà thầy không ra.

    Giờ hiểu chưa? Có nghĩa là sự có mặt của cái gì đó nó ảnh hưởng đến mình, đúng. Nhưng sự vắng mặt nó cũng ảnh hưởng nữa. Mình thấy cái đó mình mới: Ồ, thế giới này thế giới của Duyên
    .
    Vắng mặt một cái gì đó đời ta là A. Có mặt một cái gì đó đời ta là B. Đúng vậy không?

    Và, nghe cho kỹ chỗ này.

    Tất cả hạnh phúc – đau khổ trên cuộc đời này chỉ có từ 2 nguồn:
    1. Có cái gì đó
    2. Không có cái gì đó

    Đúng không? Như vậy thì Có & Không lúc này đều là duyên đúng không?

    Hạnh phúc đến từ cái có và cái không, đúng không?
    Có cái gì làm cho mình hạnh phúc? Sức khỏe, tiền bạc, nhan sắc, quyền lực, tình cảm,…Đây là những cái có làm cho hạnh phúc.
    Còn không có cái gì làm mình hạnh phúc? Không nợ, không bệnh, không thù oán,…
    Và Đau khổ?
    Có gì làm mình đau khổ? – Bệnh, nợ, thù,…
    Không gì làm mình đau khổ? – Tiền bạc, sức khỏe, nhan sắc, kiến thức, uy tín xã hội, quyền lực, tình cảm,…

    Như vậy, tất cả cái có và cái không nó đều là cái nguồn cho Hạnh phúc & Đau khổ đúng không? Mình học đạo là mình phanh phui mấy cái mà hồi đó giờ mình sống trong đó mà mình không nhìn ra.

    ↑ trở lên

    Trí

    Nên nhớ cái này. Trong chỗ sáng thì cận thị, viễn thị mới có vấn đề. Chứ trong chỗ tối thui cận thị, viễn thị không có vấn đề đúng không?

    Trí gồm có 3: Văn – Tư – Tu.

    Có cái gần giống trí mà không phải trí đó là Tưởng.

    Cái biết ở trong đời gồm có 3:

    1. Cái biết của Thức = Cái biết của các giác quan, cái biết trực quan, directly, có sau biết vậy. không đánh giá, nhận xét, không qua lăng kính gì hết.
    2. Cái biết của Tưởng = Cái biết thông qua kinh nghiệm, kiến thức, hồi ức.
    3. Cái biết của Trí = Cái nhận thức của ánh sáng tâm linh biết cái này là thiện, ác, nên, không nên.

    Nếu không có trau dồi thì chúng ta không có cái biết thứ 3. Chúng ta toàn là cái biết của Thức và của Tưởng không. Bằng chứng là mình thấy một người già bị lẫn, một người say rượu, một người tâm thần và mấy đứa trẻ phần lớn họ sống bằng Thức & Tưởng, phải không? Họ không biết cái gì nên và không nên. Đói là nó ăn, lạnh thì nó co ro, nực thì nó tháo bung ra không hề biết mắc cỡ. Có đúng không? Không có đẹp, xấu, dơ, sạch, nên hay không nên, nó không có khái niệm của tôi và của người khác đúng không? Nhưng khi mình là người tỉnh táo, một người trường thành, một người có giáo dục, một người có ăn học thì mình mới có thêm cái biết thứ 3: Cái biết của Trí.

    Ở đây cũng vậy. Trong đời sống đa phần mình sống bằng cái biết của Tưởng không. Thí dụ cái này sao mình biết kêu nó bằng kim loại mà không kêu nó bằng nhựa? Đó là cái biết của Tưởng. Sao mình nói cái này màu tím mà không nói cái này màu xanh? Đó là do kiến thức, hồi ức, kinh nghiệm, do cha mẹ, sách vở, trường lớp, xã hội dạy cho mình biết cái này không phải màu xanh.

    Nhưng cái biết bằng Tưởng nó không dẫn đến trí tuệ giác ngộ, nó không dẫn đến sự cắt đứt phiền não bằng cái biết của Trí.

    Cái biết của Trí = Biết rằng mọi hiện hữu ở đời là Khổ. Biết cái này là sắc pháp, cái này là vật chất do các duyên mà có, có rồi phải mất đi. Cái biết đó mới là cái biết của Trí, cái biết đó mới dẫn đến sự cắt đứt phiền não. Còn có những cái biết kia nó chỉ là đắp tô phiền não thôi. Nghe kịp không?

    Cho nên, hồi nãy tôi có nói thế này: Trong bóng đêm mịt mù thì cận thị, loạn thị, viễn thị không thành vấn đề nữa. Khi một đầu óc nó mụ mị, muội lược, tăm tối thì mấy tà kiến tạm thời nó không là vấn đề. Hiểu tôi nói không? Có biết con oyster không? Con hàu. Mấy con đó nói theo A Tỳ Đàm, cái tâm nó sử dụng rất là ít, khi nó sống tăm tối nó không còn cận thị, viễn thị, loạn thị. Còn chúng ta sống trong ánh sáng của chúng sanh cao cấp thế là mình cũng có lúc có trí có lúc không trí. Nhờ vậy từ đó nó mới lòi ra Nghi và Tà Kiến. Hiểu không?

    Mình học đạo để mình né mấy cái này. Không học thì nó kẹt vào bóng tối. Nếu có học mà không học chánh pháp thì nó lọt vô Tà kiến. Giờ mình học làm sao mà không tối mà cũng không tà. Hiểu tôi nói không?

    Người không học đạo, chỉ biết thế giới này qua vỏ ngoài thôi, có nghĩa là: Đẹp xấu, xa gần, trong ngoài, trên dưới, …. Nhưng người học đạo thì biết cái ruột của nó nữa: Biết rằng cái này là thiện, cái này là ác. Chứ ngoài đời chỉ cái gì có lợi nhuận nó mới xử thôi còn ngoài ra là nó bỏ. Đa phần xã hội mình là làm gì lợi nhuận, công an đừng sờ gáy là được, chứ còn nó chết kệ cha nó. Thí dụ, mình đấu thầu mình dở đủ trò cho trúng mánh còn chuyện thằng kia thua thầu về nó nhảy lầu, vợ nó nhảy khùng khùng tưng tưng không thành vấn đề. Nhưng trong đạo thì mình không như vậy. Mình phải biết Chánh Mạng. Biết cái đó ra tay cái là trúng thầu nhưng mà không nên, trúng vụ này coi bộ nuốt không trôi, vì ác là mình không nên ra tay. Hiểu không?

    Cho nên, mình học đạo mình biết: chuyện này xét theo thế gian nên làm, nhưng xét theo Phật pháp không nên làm. Hiểu không? Ngày không biết đạo mình chỉ chú ý 4 chữ : Thích, ghét, buồn, vui. Ngày biết đạo rồi mình chú ý thêm Thiện, ác. Nhưng biết đạo thêm chút nữa mình thấy rằng, còn thiện còn ác, còn buồn còn vui là còn sanh tử.

    Tuy nhiên, biết là biết trong đầu nhưng trong đời sống bình thường mình phải tuân thủ luật chơi của chúng sanh. Thí dụ mình học trong phòng lab, H2O là nước, nhưng ra tiệm nước mình không kêu H2O mà mình kêu là nước chanh. Chứ ra đó mà quất mớ công thức H2O, Acid, glucose,… là tới tết luôn nó không biết nó bán cái gì nữa.

    Cho nên, sẵn đây tôi kể một chuyện.

    Có một thằng mù nó tới chơi nhà bạn nó. Tới lúc nó về, bạn nó nói: Trời tối rồi, về đi cha. Ảnh nói: Tao bị mù mà ban ngày ban đêm cũng giống nhau. Thằng bạn nói: Đúng ông mù nhưng ban ngày ông đi người ta thấy tránh, ban đêm người ta đâu thấy đường tránh.
    – Đúng rồi, để tao về.
    Đang đi, thằng bạn nói:
    – Để tui đưa ông cây đèn.
    – Tao đui tao đâu cần đèn;
    – Không, ông không cần thấy người ta nhưng người ta phải thấy cái đèn của ông chứ.
    – Đưa cái đèn đây.
    Là hai vụ: Vụ thứ nhất, đi trước khi trời tối; Vụ thứ hai: cầm đèn. Giờ tới vụ thứ 3 mới ghê nè.
    Chả đi được nỗi, có chả kia đụng chả cái rầm, chả nói:
    – Bộ đui sao không thấy cái đèn?
    – Cha ơi, đèn cha tắt rồi.

    Có nghĩa là tuy cái đèn thằng đui nó không cần nhưng nó phải có đèn cho người ta thấy. Chuyện này rất là sâu. Mình sống ở đời, có nhiều lúc phải để ý. Như đức Phật với cái nhìn xuyên thấu của đức Phật thì không có nam nữ, đực cái, trống mai, đẹp xấu, trên dưới, xa gần, trong ngoài. Nhưng khi Ngài đi bát, Ngài gặp vũng sình Ngài tránh chứ đâu phải Ngài có trí tuệ quá Ngài dẫm luôn, không có đâu. Chẳng hạn bên đây có những bãi mìn (phân bò) không bị thương vẫn đi cà nhắc, mình gặp mình phải tránh chứ. Mình đi bát mình gặp mình phải tránh chứ. Còn ờ đây mà nói “Không, sư nói chỉ có Bốn đại thôi” rồi đạp luôn. Thì cứ đạp, nhưng làm khổ chúng sanh khác. Nó về nó trây banh nhà bếp là coi như một mình nó chiếm lĩnh thị trường luôn. Nó là bốn đại, nhưng đừng làm khổ người khác.

    ↑ trở lên

    Tưởng và Thức

    Không biết Phật pháp ta sống thuần túy bằng Tưởng và Thức. Tuy nhiên, Tưởng và Thức ấy ở mỗi người khác nhau. Tưởng và Thức ở một đứa bé khác Tưởng và Thức ở người trưởng thành. Tưởng và Thức ở người có học nó khác người không có học. Tưởng và Thức ở người biết Phật pháp và người không biết Phật pháp không giống nhau. Tưởng – Thức ấy ở phàm và thánh không giống nhau. Thánh vẫn sống bằng Tưởng và Thức như hồi nãy tôi nói. Bậc thánh biết rõ cấu tạo cái này là đất, nước, lửa, gió. Nhưng mà bậc thánh biết rằng, (cái ly) ở trên mà rớt trúng cái này (cái đầu) thì bốn đại này sẽ phì ra một cục, cho nên, bậc thánh để (cái ly)hơi sâu vô chút. Khi ngài để sâu không phải ngài chấp, mà ngài biết rằng bốn đại này trúng cái bốn đại này rất là phiền, mất công kiếm bốn đại khác nó chữa cho.

    Còn mình thì mình cái này cũng bốn đại, cái này cũng bốn đại nhưng mình chấp. Cái này là của tôi, cái này thuộc về tôi và tôi là chủ cái này. Nó hơi lệch chút xíu vậy đó. Cho nên, không biết Phật pháp mình sẽ sống bằng Tưởng và Thức. Biết Phật pháp rồi, thì mình thêm được cái biết bằng trí. Tuy nhiên, trí phàm không bằng trí thánh. Đó là một chuyện.

    Ngược lại. Thánh họ cũng sống bằng Tưởng và Thức, nhưng Tưởng và Thức của thánh nó không phải là cái nền cho phiền não. Mình hỏi vị A La Hán cái này là cái gì? Ngài vẫn nói, cái này là bình giữ nhiệt, nếu cần ngài vẫn nói bằng ngôn ngữ của mình. Nhưng ngài biết rất rõ nguyên thủy nó chỉ là bốn đại thôi. Và, ngài biết bàn tay ngài cầm cũng là bốn đại, và biết rằng, bốn đại này với bốn đại này khi đi đủ duyên thì nó có mặt và duyên hết thì nó "bùm" (tan biến mất). Ngài luôn luôn nhớ như vậy cho nên chiều nay cái này bị mất ngài không buồn. Mai cục nợ này mất ngài cũng không bị sốc. Còn mình thì sao? Mình nói như két: Cái này bốn đại, cái này bốn đại, bốn đại này rớt trên bốn đại này, bốn đại này chửi: Bố tiên sư đứa nào để ngu thế!
    Hiểu không? Nó khác. Tức là mình cũng biết giống như ngài. Nhưng cái biết của mình là cái biết vay mượn.

    ↑ trở lên

    Có và Không có

    Trong kinh Kālāma quyển 1, bài Kaccanagota sutta có câu rất hay: Này Kaccana, ở đây chúng sanh phàm phu trong đời sống với 2 khái niệm có và không có. Từ đó mới sanh tham và bất mãn. Bậc thánh biết rõ mọi thứ vô ngã, vô thường. Cái biết ấy, này Kaccana, ở đây tự thân, tự thể nghiệm thân chứng không phải là cái biết vay mượn.

    Các vị coi trong Kālāma bài đó. Rất dễ sợ bài đó.

    Nếu hôm nay tôi có một khu vườn thiền thì thay vì tôi tạc ba cái tượng Phật, tượng Bồ Tát tôi sẽ tạc mấy câu lạnh xương sống đó đó. Thứ nhất, mỗi lần tôi nhìn tôi phê hơn nhìn cái tượng. Vì sao? Vì cái tượng mình biết, cái tượng đâu có giống Ngài đâu. Đúng không? Trong khi mình để mấy câu đó thì mình tin đó là lời Ngài. Đó là chuyện thứ nhứt. Thứ hai, khách vào họ gặp tượng Phật họ không có gì hỏi nhưng họ gặp mấy câu đó thế nào họ cũng hỏi và mình có dịp trả lời.

    Cho nên, mình thờ pháp thay vì mình thờ mấy cái tượng. Bởi trong kinh nói, tháp cetiya/stupa nó có nhiều kiểu:
    1. Thờ Xá Lợi, xương hiền thánh (sarīracetiya)
    2. Thờ lời dạy của hiền thánh (dhammacetiaya)
    3. Tháp thờ mấy vật dụng (Parikkhāracetiya) thí dụ: y, bình bát,..

    Nhưng trong 3 cái tháp thì tháp thứ 2 quan trọng nhất. Tháp thờ Pháp, thờ lời dạy của người đó.

    Có một lần đó tôi về Cali, tôi đi ngang Chapman Colleage, rất nổi tiếng ở Orange. Tôi thấy tượng bán thân của bà Marie Curie, tượng đó nhìn cái tên biết bả, nhưng câu ở dưới mới ghê, câu ở dưới làm cho tôi bần thần, tôi móc cái phone tôi chụp và tôi nhớ tới bây giờ. Câu đó thế này:

    The world is not to be feared, but understood.
    Thế giới này không có gì để cho mình sợ mà nó là cái cần mình hiểu nó.

    Câu đó rất quan trọng. Mai này trên giường bệnh cũng nhớ cái đó. Cái chết không phải là cái để cho mình sợ mà là cái phải được hiểu biết. Cái câu nó sâu kinh hoàng. Cho nên, cái tượng bà Marie Curie tui nhìn tui không muốn lạy mà tui lạy câu nói của bả. Chưa chắc cái tượng giống bả.

    Có bà nhà giàu bả lại nói với họa sĩ, vẽ cho tôi cái hình thiệt là đẹp mà thiệt là giống. Họa sĩ nó nhìn: "Dạ, giống thì không có đẹp mà đẹp thì không có giống." Cho nên, hôm nay mà tui gặp ba cái chân dung tui sợ lắm. Chân dung nào đẹp tôi nói không biết có giống bà kia không? Mà hễ nó đẹp nhiều khi nó không giống, nó giống nhiều khi nó không đẹp.

    Nói tới đây nhớ chuyện nữa. Có ông chồng dắt bà vợ đi coi triển lãm. Ổng đang đi coi ổng thấy bức tranh lõa thể, vợ của ổng. Ổng nói: Trời ơi, em ngồi cho thằng đó vẽ hả? Bả nói: Không, nó vẽ bằng trí nhớ. Các vị có hiểu không?

    Như vậy:
    1. Tùy thuộc trình độ của mình mà mình sống nhiều với cái gì. Sống nhiều với Thức, với Tưởng hay sống nhiều với Trí.
    2. Thứ hai nữa, Ai giúp cho mình sống nhiều với cái nào: Chỗ ở, thầy bạn, công việc thường nhật tức là môi trường.

    Chính vì những cái đó nó làm cho mình sống nhiều với cái gì. Quan trọng lắm.

    Tôi hỏi thiệt quý vị, quý vị về đây, chung quanh hầu như không có người, núi cao, tuyết trắng, hồ xanh, rừng thẳm, cái này (đầu óc) làm việc khác. Giờ tôi đem quý vị về ngôi nhà bằng tôn cao 2,5m, Sài Gòn 37 độ, ở ngoài con nít đá banh, vợ chồng nhậu nhẹt đánh lộn um sùm, hát karaoke, ống cống to đùng kế bên hôi rình, chuột cống lượn ghẻ đầy không có lông, xe ba bánh lượn đầy, các vị học A Tỳ Đàm không nổi, đúng không? Tôi nghĩ cái đó các vị không có cửa đâu. Cái đó mà đắc được cũng lạ. Thà tôi chọn 6 năm khổ hạnh trong rừng chứ tôi không chịu đắc kiểu đó ghê quá.
    Mà đừng có cười. Có người do 14 và 25 họ có nét đặc thù thế nào đó cho nên khi họ tu Ba La Mật, họ cũng có kiểu tu rất đặc thù. Cho nên, họ sẽ đắc đạo trong môi trường tôi vừa nói.

    ↑ trở lên

    Đắc Đạo

    Tôi hỏi thiệt quý vị, quý vị về đây, chung quanh hầu như không có người, núi cao, tuyết trắng, hồ xanh, rừng thẳm, cái này (đầu óc) làm việc khác. Giờ tôi đem quý vị về ngôi nhà bằng tôn cao 2,5m, Sài Gòn 37 độ, ở ngoài con nít đá banh, vợ chồng nhậu nhẹt đánh lộn um sùm, hát karaoke, ống cống to đùng kế bên hôi rình, chuột cống lượn ghẻ đầy không có lông, xe ba bánh lượn đầy, các vị học A Tỳ Đàm không nổi, đúng không? Tôi nghĩ cái đó các vị không có cửa đâu. Cái đó mà đắc được cũng lạ. Thà tôi chọn 6 năm khổ hạnh trong rừng chứ tôi không chịu đắc kiểu đó ghê quá.
    Mà đừng có cười. Có người do 14 và 25 họ có nét đặc thù thế nào đó cho nên khi họ tu Ba La Mật, họ cũng có kiểu tu rất đặc thù. Cho nên, họ sẽ đắc đạo trong môi trường tôi vừa nói.

    Đắc đạo có 4 trường hợp:
    1. Tu sướng đắc nhanh
    2. Tu sướng đắc chậm
    3. Tu khổ đắc nhanh
    4. Tu khổ đắc chậm

    Ở đâu ra 4 cái này? Do 14, 25 của mình nó dàn xếp, nó thỏa thuận với nhau sao đó mà kiểu tu của mình bây giờ nó làm cho mình mai này sẽ đắc đạo trong môi trường như thế nào đó.

    Nghe hiểu không? Có nhiều người cũng tu nhưng kiểu tu của họ làm cho người khác khó chịu. Vì cái bố thí của mình mà làm cho bà xã khó chịu, làm cho con khó chịu. Vì cái giữ giới, vì cái ngồi thiền của mình mà làm cho người khác khó chịu. Thì mai này trước khi đắc đạo mình phải bị khó chịu một tăng để trả cái nợ cũ.

    Tôi nhớ hồi đó trong nước tôi có ông sư bạn bằng tuổi tui. Gia tài có cái đèn dầu, 2 anh em ở chung phòng, mình đang đọc sách, ổng cũng đang đọc sách. Ổng che cái lưng vậy nè. "Sư sư, tránh dùm tui, tui đang đọc sách."
    – Sư đọc cuốn gì?
    – Cuốn "Đắc nhân tâm, sống sao được lòng người đó."
    Sư đọc 1000 cuốn tui cũng muốn giết sư như thường.

    Chuyện có thiệt. Một vị sư trụ trì, giờ lên hòa thượng rồi, ở miền Tây, sư đó nóng tính mà sư tốt lắm. Bữa đó sư la Phật tử mà la hoài cổ không hiểu:
    – Cô có hiểu không? (gằn giọng)Tôi đang nói bằng tâm Từ, tôi không chửi cô.
    Mà cổ khóc: Con gặp sư con phạm lỗi là sư mắng con.
    – Không. Tôi không mắng cô. Tôi nhắc cô, nói với với cô bằng Tâm Từ, cô hiểu không? (giọng nạt) Sao cô điếc hay sao? Tôi nói (gằn giọng) bằngTâm Từ.
    OK. Sư đó nói đúng. Tôi biết sư đó. Sư rất là thương bả. Mà bả ngu quá đi, nói hoài mà cứ phạm lỗi hoài. Mà nhắc là bà cãi, cãi thì nhắc nữa mới bực, bực mới nạt. Nạt thì bả bảo la bả. Sư này nói đúng "Tôi la cô bằng tâm từ" nhưng rất tiếc ngay lúc đó Từ nó không phải là đại bi mà là... đại bác. Mà tôi đứng kế bên mà tui còn teo. Thấy ổng hằm bả mà tui sợ luôn.

    ↑ trở lên

    6 năm khổ hạnh

    Thì tùy kiểu tu của mình mà mai này mình chứng kiểu gì.

    Các vị biết Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni tu quá trời A-tăng-kỳ mà tại sao phải qua 6 năm khổ hạnh, các vị biết không? Trí của Ngài trong kinh nói, mấy chục vị Phật mới có một vị hạnh trí tuệ. Đa phần là hạnh đức tin và tinh tấn. Mấy trăm mới có một vị hạnh trí tuệ, có nghĩa là không có tệ mà tại sao kẹt vụ 6 năm? Nói ẩu là do Ngài thị hiện. Thật ra, theo trong A Tỳ Đàm, nếu nói thị hiện thì mấy vị Phật khác bộ không có lòng từ hay sao phải để Phật Thích Ca thị hiện cái đó?

    Trong A Tỳ Đàm nói là do tiền nghiệp kiếp xưa, từ đời Phật Ca Diếp. Trong kiếp đó Ngài là công tử thông minh cực kỳ, Ngài có một người bạn thân là thánh cư sĩ. Người bạn đó thấy ngài thông minh quá, người bạn mới nghĩ thế này, nó mà nó gặp Phật là khỏe, cái đầu quá đã luôn. Người bạn mới nói với Ngài:
    – Nghe tui đi, đến hầu Phật một lần, nghe Pháp một lần, tôi hứa với ông là cuộc đời ông nó 180 độ luôn.
    Biết ổng nói sao không? Bồ Tát của mình nói:
    – Tui nghe nói đầu trọc là tui ghét rồi!
    Theo Bà La Môn ngày xưa, đầu trọc là thành phần hạ liệt, giống thời mình bây giờ là dân xăm mình vậy đó. Họ coi đầu trọc như mình coi đám xăm mình vậy đó. Người bạn cứ kéo riết Ngài bực. Bữa đó Ngài hỏi:
    – Ông nói cho tôi một lý do, tại sao tôi phải đến thăm cha đầu trọc đó? Người bạn nói rằng:
    – Ngài là bậc Đại Giác, cái gì Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, và đức lành nào Ngài cũng có.
    Bồ Tát phán câu thế này:
    – Thành Phật đâu phải dễ, cha đó là ai mà làm Phật được?

    Chỉ một câu bất kính đó thôi, Ngài phải trả nghiệp 6 năm trong rừng. Cứ ngồi thiền mà lúc gần tới tự nhiên quẹo qua hướng khác, gần tới nó quẹo qua hướng khác. Cứ như vậy. Suốt 6 năm như vậy. Cách Ngài tu khổ hạnh, các vị làm ơn coi dùm tôi, Kinh Sư Tử Hống – Trung Bộ, mình đọc mình thấy thương Ngài luôn. Một ông vua, một hoàng tử, mà Ngài khổ hạnh bằng nhiều cách khi Ngài đi cầu đạo. Ngài đắc thiền trước, Ngài đi vô gặp mấy ông thầy dạy cho Ngài đắc tới Phi tưởng Phi phi tưởng, nhưng mà do cái nghiệp tiền kiếp. Thay vì mấy vị Phật khác người ta lấy cái thiền làm nền để người ta đắc đạo tu Tứ Niệm Xứ, Ngài lại không làm vậy. Ngài đắc thiền xong, tự nhiên Ngài quẹo. Ngài nghĩ : Sao nó không đắc hả ta? Còn có pháp môn nào không? Khổ hạnh chưa thử. Thiền chưa tới đâu, qua thử Khổ hạnh.

    Các vị biết, Ngài bò vô trong chuồng bò, Ngài ăn phân bò xong Ngài về Ngài đi đại tiện ra Ngài ăn cái đó lần nữa. Ngài thấy cũng không đắc gì. Ngài đổi tông, chơi nhịn. Không ăn gì hết, nhịn xanh lè mà rờ bụng đụng lưng, rờ lưng đụng bụng, Ngài tả cái mông Ngài giống như móng lạc đà, cặp mắt Ngài sâu như giếng. Coi trong kinh Sư tử hống nói rõ. Da Ngài nó gần như bong tróc. Rồi Ngài thấy không xong, Ngài đổi qua tông khác, tông viễn ly. Có nghĩa là Ngài khấn thế này: Từ đây ta sẽ tu pháp môn không thấy ai hết, thấy người là ta bỏ chạy. Dĩ nhiên, Ngài đâu có dày dép, đứng trong rừng mà thấy có người thợ săn, thấy ông tiều phu, thấy trẻ chăn bò, thấy người là Ngài bắt đầu chạy. Ngài khấn không thấy người. Đủ cách hết. Rồi Ngài lõa lồ giữa rừng. Ban ngày đi phơi nắng, ban đêm ngâm dưới suối. Tức là Ngài hành hạ Ngài đủ cách hết, suốt 6 năm như vậy.

    Cuối cùng, khi cái nghiệp hết tự nhiên Ngài “bùm” sáng bừng. Thành Phật.

    Ngài tu nhiều kiếp mà cuối cùng chỉ do câu nói như vậy: "Cha đầu trọc đó là ai, là cái gì mà thành Phật mà làm bậc Đại Giác." Chỉ vì câu đó thôi.
    Cái này không phải tui nói. Các vị lật trong Kālāma 2, trong đó có một loạt kinh Phật hạnh, tức là mình tu gì để thành Phật, Phật tướng – khi thành Phật có được tướng gì, mỗi tướng do cái gì mà có. Kinh Phật nạn – Những nạn trong đời của Phật là do cái gì mà có, thí dụ bị người ta độn bụng vu oan, trong đó mấy cái tôi kể có bản Pāli, có xuất xứ hết.

    Quyển Kālāma là quyển tôi rất mạnh dạn giới thiệu với bà con vì nó có xuất xứ, và có tiếng Phạn kế bên cho nên, không em nào can thiệp sâu vô nội dung được. Chứ tui sợ quởn quởn mấy đại ca nội dung Nikaya in tè le hột me, trong khi mấy đại ca tán banh xác trỏng “theo trẫm nghĩ” là thua. Lúc nào cũng phải có bản tiếng Phạn kế bên, dầu mình nghi ngờ là kinh này do người đời sau chép. Nhưng ít ra, có cái gì đó để mình dựa. Còn mấy bố cứ mênh mông mấy bố suy diễn thì hơi bị ngán.

    Cho nên, tùy thuộc vào rất là nhiều duyên: Chỗ ở, thầy bạn, công việc, môi trường sống nó khiến cho mình sống nhiều với cái biết nào, cái biết của Thức, của Tưởng hay của Trí. Và, cũng tùy vào mỗi điều kiện ấy mà cái biết của Thức ở mỗi người không giống nhau, cái biết bằng Tưởng ở mỗi người không giống nhau. Quan trọng là chỗ đó.

    ↑ trở lên

    Tóm lược

    Đặc biệt, chiều nay tôi cũng vui là tôi giảng được chữ “Duyên” đó.

    Học như con nít đi.
    Mọi thứ ở đời do các điều kiện mà có.
    Cũng do các điều kiện mà mất đi.
    Do các điều kiện mà nó trở nên mạnh mẽ hay bị suy yếu.
    Tất cả đều là những điều kiện.
    Những điều kiện ấy, gom gọn trong 2 thứ:

    1. Duyên trợ sinh (janakapaccaya – originate/ creating) và
    2. Duyên trợ lực (upatthambhakapaccaya - supporting)

    Duyên ấy gồm có 4 trường hợp:
    1. A giúp B bằng cách có mặt trước
    2. A giúp B bằng cách có mặt sau
    3. A giúp B bằng cách cùng có mặt
    4. A giúp B bằng cách vắng mặt.

    Hiểu hả? Tôi mong các vị chiều nay thuộc bài này. Chữ Duyên trong đạo Phật.

    Có nghĩa là, cái gì trên đời này cũng có tác động lên tôi, dầu cái đã có sẵn hay cái chưa có hay cái đang có hoặc cái không có. Do đó, trong đời sống này tôi sẽ sắp xếp như thế nào mà cái gì cần có thì nó có, cái gì cần không thì nó không. Bởi vì có những cái có giúp cho tôi tốt hơn, có những cái không giúp tôi tốt hơn. Và, có những cái có làm tôi tệ hơn và có những cái không làm tôi tệ hơn. Có đúng không?

    Từ đây về sau chỉ tu 2 chữ đó thôi.

    Chữ Duyên kinh khủng như vậy đó.

    Học cái đó mới thấy : Ồ thì ra. Đây là những vấn đề vốn dĩ nó tồn tại từ bao đời, nhưng học đạo mình phanh phui ra: Ồ, thì ra nó là như vậy.

    Rất là quan trọng. Mà nó gọn. Tôi muốn thông qua lớp này, bà con học được giáo lý mà nó gọn. Và, kể từ hôm nay mình tin Phật trên một nền tảng sáng trưng chứ không phải một cái mù mờ. Mình tin mà cấm tìm hiểu là không được, cấm trẻ em dưới 18 tuổi là không được. Phải tách bạch.
    Các vị biết Mỹ có chữ "transparency" – bạch hóa. Chữ đó rất quan trọng. Nghe. Chính phủ nào được minh bạch thì chính phủ đó, chính phủ không có vùng cấm là chính phủ tốt. Có hiểu chữ “vùng cấm” không? Cơ quan điều tra và cơ quan truyền thông đều có thể rờ được. Thí dụ, Mỹ, vụ ông Bill Clinton nhớ không? Là báo chí, truyền thông, cơ quan điều tra, tòa án đều có thể mò mẫm từng cm. Đó, đất nước đó đất nước tốt. Thứ hai, tổ chức cá nhân nào mà khía cạnh "transparency" càng nhiều thì càng tốt.

    Và sau cùng, tất cả bác sĩ đều phải đồng ý với tôi, chữa trị gắn liền với "transparency" đúng không? Ông phải biết rõ cái răng ra sao ông mới nhổ được, phải không? Chứ đâu thể nào ông mơ hồ ông đè ra thích nhổ cái nào nhổ, đâu được. Ông phải biết rõ cái răng tôi nó đang như thế nào, để ông biết cái nào cần rút chỉ máu, cái nào cần trám, cái nào cần nhổ. Làm răng giả, có nhiều cách: implant, hay làm bằng cách trồng thẳng hoặc lấy sứ chụp.

    Ngay cả làm nail cũng vậy. Mình phải biết bàn tay người ta trường hợp nào làm nước, trường hợp nào làm wax mình phải biết chứ. Còn đằng này mơ hồ cứ đè ra wax nhổ sạch bách đâu có được.

    Cho nên, làm nail, làm răng, mổ xẻ,… everything, cái gì cũng "transparency", biết rõ đối tượng đó mình mới làm việc với nó được. Tu hành cũng vậy. Cái gì cũng phải rõ, sáng trưng mới làm việc với nó được. Hiểu không?

    Không bạch hóa không giải quyết được vấn đề. Và nơi nào trong nhà mình góc nào là góc tối thì mới có gián, chuột, bụi và rắn. Đúng không? Hiểu không? Gián, chuột, rắn rít, bụi bặm toàn chỗ tối không. Đó là những góc chết. Trong tâm hồn con người mình, trong tâm hồn chúng sinh càng nhiều góc chết càng tồn đọng nhiều vấn đề. Có hiểu góc chết không? Ở đây, trong room ai là nội trợ thường dọn dẹp nhà cửa chắc biết chuyện đó. Có những chỗ đồ nhiều quá mình chỉ quét sơ sơ thôi, biết không? Mình sợ bể đồ.

    Trong cái này cũng vậy. Có những vấn đề giáo lý tại sao mình không chấp nhận được nó? Tại vì nó đụng tới cái mình thích. Có cái đó không? Phật dạy Vô ngã – Vô thường, riêng thằng cha mình đang ghét không lúc nào thằng đó Vô thường được hết, nó phải chết mình mới yên. Có không? Phật dạy mọi thứ Vô ngã – Vô thường nhưng con nhỏ mình đang mê nó quá thì mọi thứ trừ ra em. Có không? Hoặc là, Phật dạy mọi thứ Vô thường, trừ ra gia tài của mình, trừ ra cái đó.

    Có anh chàng đó vô gặp sư phụ, thiền sư, ảnh nói: Sư phụ ơi, Vô lượng tâm là sao sư phụ? Sư phụ nói: Vô lượng tâm là con trải lòng Từ Bi, con mong cho mọi người đều được thoải mái như con bây giờ. Tất cả không phân biệt nha. Nó nói: Dạ. Bao nhiêu con cũng trải trừ cha hàng xóm thôi. Thằng đó con chịu không thấu, con nuốt không trôi, con ngửi không vào. Tu vậy có được không sư phụ? Sư phụ nói, được nhưng hào quang con có một lỗ tối thui chịu không? Chỗ thằng đó đó. Con phải giải quyết dứt điểm thằng đó thì hào quang con mới perfect được. Hiểu hả?

    Chuyện này là chuyện cười nhưng mà hiểu không?

    Nhớ cái đó, cái đó rất quan trọng. Tu sao đắc vậy. Còn nếu mình tu chỉ niệm không cái đầu không tu là mốt thành Phật sen mọc đầy hết mà trong nguyên xi. Không có giỡn. Tu mà chỉ có niệm không thì mai mốt cái đầu sình toàn phần. Sen nằm ở đây thôi. Còn thiền cũng vậy. Thiền có nhiều loại thiền: Thiền Ấn Độ và thiền Mông Cổ. Ấn Độ là tu có Định, có Huệ. Còn thiền Mông Cổ là Cổ cho thẳng và Mông cho vững. Tu kiểu đó mai mốt chỉ về Mông Cổ thôi. Còn thiền Ấn Độ là phải lo cục này (cái đầu). Tu gì đắc đó. Mà ớn nhất là mấy chả chỉ niệm mà không có tu, mốt sen nó mọc đầy đây nè, sình toàn phần còn lại. Cái đó tôi nói đùa nhưng mà thật. Tu cái nào đắc cái đó. Tu cái này đắc cái này. Tu tâm đắc tâm.

    Ok. Bây giờ đúng 2h rồi mình nghỉ.

    ↑ trở lên

  • ← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
    [04/11][05/11][06/11]
    [07/11][08/11][09/11]
    [10/11][11/11][13/11]
    Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
    © www.giacnguyen.com