Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 06/11/2022

1. Cấu tạo của chúng sinh
2. Phản ứng tâm lý
3. 3 tâm niệm
4. Bồ Tát đạo
5. Sắc pháp
6. Bài kinh Vô Ngã
7. Ngài Ca Diếp
8. Văn Tư Tu
9. Thế nào là đủ?
10. 37 Bồ Đề phần.
11. Lửa
12. Tại sao mình phải học đạo?
13. Thiện Ác Buồn Vui
14. Tham & Sân
15. Nghiệp
16. Dục Thiên & Phạm Thiên
17. Có và Không có
18. Nhân - Quả - Lành - Xấu
19. Sự hiện hữu này là gánh nặng
20. Hạnh phúc: tương đối và tuyệt đối
21. Giá trị một con người
22. Chỉ & Quán

↑ trở lên

Cấu tạo của chúng sinh

Cấu tạo của chúng sinh: phàm thánh, siêu đọa; mỗi chúng sinh như vậy từ đức Phật đến chúng sinh thấp kém, nhỏ bé nhất thì cũng gồm có 2 phần: Danh & Sắc, hay là phần hồn & phần xác.

  1. Sắc gồm có: nền tảng là 4 đại + 24 thứ vật chất đi kèm, gọi là 28 thứ Sắc pháp.
  2. Danh pháp gồm có 2 công thức:
    • 1+13+14 và
    • 1+13+25

Có nghĩa là, cái Tâm chỉ là cái biết, không thiện ác, phàm thánh gì hết; 13 Tâm sở trung tính, chính là những thành tố tâm lý bắt buộc để hoàn tất một cái biết; 14 thành tố tâm lý tiêu cực, hoặc 25 thành tố tâm lý tích cực.

Tại sao có cái này? Ngày hôm qua tôi có nói, tâm thiện là cái biết đơn thuần đi kèm 25 tâm sở tích cực, để chi? Để nó đón nhận 6 trần từ góc độ tích cực. Tích cực là nhìn với Chánh niệm, nhìn với Trí tuệ, nhìn với Kham nhẫn, nhìn với Tha thứ, với bao dung, với Từ tâm. Nếu nó nhìn bằng 14 thì nó nhìn từ góc độ tiêu cực, gồm có: Ganh tị, bủn xỉn, nhỏ mọn, tà kiến, tham đắm, bất mãn, đối kháng, phản đối, trốn chạy,…

Các vị cũng phải đồng ý rằng, khi mình nhìn, mình nghe bằng tâm thái tiêu cực thì dứt khoát là bất thiện. Bắt buộc.

Thí dụ, quý vị nhìn hoa, biết là hoa. Trong lúc nhìn biết mình đang nhìn, đang ngắm hoa nó khác. Còn đằng này, mình nhìn với ý chiếm hữu, chiếm dụng nó là nó khác. Hoặc khi các vị nhìn một vật dơ, vật xấu mà nó có bất mãn thì không tốt bằng mình nhìn với sự hiểu biết nó là cái gì. Nó vẫn tốt hơn nhìn với sự bất mãn. Có đúng không?

Hoặc thí dụ như tiếng ồn. Đức Phật Ngài cũng nghe tiếng ồn chứ, nhưng Ngài chỉ biết đó là âm thanh thôi, âm thanh lớn, âm thanh bé. Riêng mình, mình suy diễn quá xa để mà mình bực mình, thì cái đó là mình đã nhìn vấn đề từ góc độ tiêu cực.

↑ trở lên

Phản ứng tâm lý

Trong A Tỳ Đàm ghi rất rõ, vì đâu có chuyện trước 6 trần chúng ta có phản ứng tâm lý khác nhau. Là vì các điều kiện sau đây:

1. Thói quen bất thiện nhiều đời: Trong kinh có câu Sân quen thành nết, hoặc là gặp gì cũng thích, gặp gì cũng bực mình lâu ngày thành nết.
Tôi có biết một vài người quen, họ có thói quen lạ lắm, gặp gì cũng chê. Rồi có người còn tệ nữa, gặp gì cũng xin. Mà họ đem về họ không có xài, họ đem về họ liệng. Thí dụ, gặp mình có cái chuông, họ khen cái chuông này hay quá, nhà con cái chuông bị hư rồi, hoặc là gặp mình có 2-3 tượng Phật họ thỉnh 1 tượng, mà về họ không có thờ. Đúng là người thờ Phật họ không có xin. Nói là không tham mà gặp gì cũng xin. Đó là thói quen.

2. Do công đức quá khứ: Người phước nhiều hay ít. Đây là chuyện dễ hiểu lầm nhưng không thể không nói. Nghe cho kỹ.
Người phước nhiều họ có cơ hội, có thiện tâm hơn người ít phước. Có nghĩa là, phước nó sẽ tạo ra phước, tội nó sẽ là điều kiện tạo ra tội. Thí dụ, tôi nghèo quá, tôi đi đâu tôi nhìn vật chất lòng tôi nặng lắm, biết không? Khi tôi xấu, tôi dễ ganh tị với người đẹp lắm, biết không? Khi tôi nghèo tôi dễ tham lắm. Khi tôi bệnh tối ngày người ta kêu cái mặt như bị táo bón, biết không? Hoặc là đau khổ như bệnh trĩ, đi đâu mặt cứ nhăn nhăn. Khi thiếu một phước thì nó lại là điều kiện cho một ác tâm nào đó xuất hiện. Nói như vậy không có nghĩa là những người phước nhiều không phiền não. Nói vậy là sai. Nó chỉ là điều kiện thôi.

Như trong kinh kể Bồ Tát Tất Đạt, đức Phật mình trước khi thành đạo, ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Anan, Ca Diếp, trước khi thành đạo, các vị không thiếu cái gì hết. Các vị còn nhớ tôi nói cuộc đời hoằng pháp đức Phật gồm có 45 năm không?

Thì 15 năm đầu = Sơ Giác thời; 15 năm giữa = Trung Giác thời; 15 năm cuối = Hậu Giác thời.

Trong 15 năm đầu toàn là dân đại phước không. Họ thấy đức Phật, họ nhìn đức Phật họ mến quá họ tới họ quỳ họ xin xuất gia, cạo tóc đắp y. Ngài như thế nào họ như thế đó. Họ thấy Ngài đi đứng chậm rãi họ cũng chậm rãi. Ngài đi bát họ đi bát. Ngài chánh niệm họ chánh niệm. Ngài có tam y bình bát không có gì hết thì họ cũng bắt chước tam y bình bát không có gì hết.

Nhưng đến 15 năm giữa – Trung Giác thời, thành phần xuất gia ngoài lý tưởng giải thoát bắt đầu chen cái khác. Thí dụ như trong hàng đệ tử đức Phật có ông cư sĩ Jīvaka, tiếng Hán kêu Kì Và, ổng là thầy thuốc, ổng rất giỏi. Hôm nay các vị về Băng Cốc mấy chùa lớn gặp ông râu ria tùm lum thờ trong chùa là ổng đó, nhất là mấy chỗ Mát-xa Thái. Ông này chữa bệnh thần kỳ. Có nhiều người họ bị bệnh, mà ông này ổng là cư sĩ ổng dành hết thời giờ chăm sóc chư tăng cho nên ổng không phải là thầy thuốc chữa cho đại chúng, hầu hết chữa cho mấy người không tóc không. Thế là có rất nhiều người bị bệnh, họ cạo đầu đắp y để nằm cho ổng chữa.

Hoặc là có nhiều tông phái ngoại đạo, họ thấy các vị tỳ-kheo được tôn kính, được các vị lớn như Pasenadi, Visakhā, hay Cấp Cô Độc thì họ xuất gia để hưởng cái đó. Cho nên, về sau bắt đầu nó phức tạp. Riêng 15 năm đầu toàn các vị cầu giải thoát. Cho nên, giới luật lúc đầu không có; Khi từ giai đoạn 2 – 15 năm thứ hai trở đi, đức Phật cấm tùm lum hết: Tỳ-kheo không được giữ y dư, tỳ-kheo không được giữ thức ăn qua đêm,… cấm là vì có nhiều cha ôm bát đi thấy mai trời xấu, chắc mai mưa, hôm nay đi bát nhiều để dành mai khỏi đi. Hoặc là họ để bát món ngon quá giờ mình ăn hết ngày mai chắc gì được món giống vậy, thôi ém vậy để dành. Từ đó mà phòng nào phòng nấy chuột, gián, kiến,… tha hồ, rất là phiền. Tức là cái thứ hai: kém phước quá khứ. Khi thiếu phước quá khứ rồi, đi tu khó lắm.

3. Khuynh hướng tâm lý: Một vị Bồ Tát – là tiếng Hán phiên âm của Bodhisatta = chúng căn, huệ căn, ngộ tính.

Hán phiên âm : Hoa Thịnh Đốn âm là Washington. Trong Pāli có một số chữ như Ma Ha Tát = Mahāsatta = Bậc đại sĩ (bản Hán dịch).

Tại sao tôi đánh một vòng hơi lạc đề? Những chúng sanh được gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát là họ có khuynh hướng tâm lý giải thoát. Một người cầu giải thoát họ có khuynh hướng tâm lý sau đây:
* Vô Tham
* Vô Sân
* Vô Si
* Ly Hội = Ngán đám đông
* Viễn ly = Sống một mình
* Thường tỉnh thức
* Họ quý thời gian lắm, họ chỉ ngủ khi nào họ bị đuối, họ không gượng được họ mới ngủ. Còn mình là cứ đúng giờ ngủ, thích an dưỡng.

Như trong kinh đức Phật dạy, có những hạng người sau đây ít ngủ, có nhớ không?

• Nam, nữ nhớ nhau
• Ăn trộm
• Nhà vua
• Người cầu giải thoát: Họ chỉ ngủ khi nào họ gượng không được thôi.

Đó là Ngài kể vắn tắt chứ mấy người bị tiêu chảy sao ngủ?

↑ trở lên

3 tâm niệm

Cho nên, những gì chúng ta làm hôm nay, chúng ta có 3 tâm niệm:

(1) Chúng ta hành thiện và chúng ta không thể làm ác.
(2) Hành thiện để bào mòn phiền não.
(3) Nếu không đủ duyên chứng thánh đời này thì hành thiện bây giờ là nền tảng cho việc tu tập đời sau.

Tôi quay lại vụ 14. Trong công thức hình thành nên tâm lý chúng sanh gồm có 2 công thức: (1+13+14) (1+13+25) Tùy vào thói quen bất thiện nhiều đời, kém phước, khuynh hướng tâm lý tiêu cực, tùy vào 3 cái này, cho nên thái độ của mình khi nhìn trần cảnh, mình sống nhiều với 14 hay 25 là do mình.

Cho nên, có người hỏi tôi: Sư ơi sư, làm sao mình biết mình có Ba La Mật nhiều ít? Không cần biết nhiều, ít. Mình chỉ cần coi cái thái độ của mình trước trần cảnh chứ không cần biết nhiều ít. Cứ nhìn thẳng vô đời sống mình. Mình sống nhiều với 14 hay 25? Cái đó mới quan trọng. Chứ mình biết mình có Ba La Mật làm chi ? Cái quan trọng nhứt là mình coi mình sống sao.

Tôi có cơ may tôi tiếp xúc với nhiều vị tăng ni cư sĩ, tôi thấy chuyện đó có thiệt. Có nhiều vị chuyện buông bỏ họ rất là dễ, buông bỏ vật chất, nhưng vấn đề sĩ diện của họ rất là nặng. Họ bố thí rất là dễ nhưng nói gì làm họ tự ái là tới chết không quên. Có nhiều người rất rộng rãi nhưng tánh ganh tị rất là nặng. Có nhiều người bủn xỉn, keo kiệt nhưng họ không có ganh tị. Nghe kịp không?

Như tôi kể hoài chuyện mấy cô Phật tử ở Mỹ. Cổ bỏ tiền cổ cúng cho ông thầy đi Ấn Độ, mà ông thầy đi về đem khăn quàng với chuỗi cho người khác mà quên đưa bả là chết với bả, mà trong khi bả cúng mấy ngàn cho ông thầy đi Ấn Độ, sá gì xâu chuỗi đó, bả cúng cho thầy Đồng Ấn 5000$ để bay từ Việt Nam qua Ấn Độ bả cúng được, mà thầy về thầy cầm mấy cái khăn mà thầy đưa cho người ta trước, đưa cho bả sau là bả đốt chùa.

Bả không có bủn xỉn nhưng bả nặng về ganh tị. Ganh tị kinh khủng. Nhưng ngược lại, có người, họ lại bủn xỉn nhưng họ lại không ganh tỵ. "OK, thầy muốn cho ai thầy cho còn dư thì cho con, màu gì cũng được." Cho nên, tùy thuộc vào những điều kiện kiếp này và kiếp trước mà thái độ tâm lý của chúng ta đối với trần cảnh không giống nhau.

Và, tôi ôn lại chuyện ngày hôm qua.

Tất cả những cái này đều được thu gọn trong 1 chữ, là chữ gì? Chữ Duyên – Conditions. Vạn pháp ở đời có mặt, phát triển, biến mất đều từ một chữ Duyên. Và trong tất cả thứ duyên ấy, gom gọn gồm mấy thứ duyên?
– Duyên trợ sinh & Duyên trợ lực.

Mỗi thứ duyên gồm mấy trường hợp?
1. A giúp B bằng cách có mặt trước
2. A giúp B bằng cách có mặt sau
3. A giúp B bằng cách cùng có mặt
4. A giúp B bằng cách vắng mặt

Mỗi sinh hoạt lớn bé của mình trong đời sống và những người những vật mình gặp trong đời sống không có gì là ngẫu nhiên hết, các vị có biết chuyện đó. Các vị đừng nói với tôi, tôi đi ra trạm xe bus gặp ông Tây đứng đó là ngẫu nhiên, bởi vì tui với ổng không hẹn, và cũng chỉ thấy nhau rồi chia tay, ông đó với tôi vô nghĩa. Sai, không phải vô nghĩa đâu. Nó để lại dấu vết gì đó mà mình không ngờ. Thí dụ, mình gặp ổng, mặt ổng có nét giống người mình ghét, thoáng có cái bực mình, mặt ổng giống người mình mến để lại cho mình xúc cảm. Những cái đó mình không có ngờ. Và một chuyện nữa, nếu mình không gặp ông Tây đó, có thể mình gặp người khác, nó sẽ phiền hơn hoặc sẽ vui hơn. Cho nên chuyện mình gặp một người nào đó không phải là ngẫu nhiên, không phải là vô nghĩa. Chuyện mình đến một nơi nào đó không phải ngẫu nhiên, không phải vô nghĩa. Những chuyện gì xảy đến trong đời mình không phải ngẫu nhiên, không phải vô nghĩa. Nó đều có ý nghĩa nhất định của nó. Tức là, nếu kiếp trước mình tạo nghiệp gì đó, mà hôm nay nó trổ thì người mình gặp không phải ông đó mà gặp một ông say rượu, tấn công mình, nghe kịp không? Nhưng do tiền nghiệp nó khiến, hôm nay mình không bị gì hết, nên mình gặp một người vô hại.

Nghe kịp không? Cái đó rất là quan trọng. Một chiếc lá rớt trên người mình không phải là ngẫu nhiên, bởi vì nếu không phải một chiếc lá mà là nhánh cây nó lại là chuyện khác.

Nhớ chuyện ông đó ổng ngồi ổng tránh nắng dưới gốc cây, ngoài rẫy có gốc cây giữa cánh đồng trống, ổng vô ngồi tránh nắng. Ổng thấy có dây bí rợ nó bò dưới đất ổng nói: "Ông trời không khéo, dây bí nhỏ xíu mà trái to đùng." Rồi ổng ngồi gốc cây trâm, trái nhỏ vậy nè, ổng nằm ổng ngủ. Lát sau trái trâm rớt trúng ổng, ổng nói: "Trời ơi, nếu mà trái trâm to như trái bí rợ là mình tiêu rồi."

Có hiểu không?

Mà các vị để ý coi, hầu hết mấy trái nhỏ nhỏ là nằm trên cao, chỉ có trường hợp đặc biệt là dừa khô với sầu riêng, mà hầu hết sầu riêng rụng ban đêm, chứ nó rụng ban ngày là mềm xương rồi. Cho nên, không phải nó ngẫu nhiên, tất cả đều có một lý do. Đây là lý do khiến cho những người có khuynh hướng Tà kiến họ gặp những cái đó họ đổ là phải có đấng gì đó sắp xếp. Nghe kịp không?

Tất cả cây cối từ khi mọc lên không có cây nào vuông hết, tất cả đều tròn tròn, chứng tỏ phải có ai đó "gọt" nó đúng không? Đó là Chúa trời. Khuynh hướng tà kiến. Trong khi mình là người Phật tử mình nghĩ: Vạn pháp do duyên. Còn lý do tại sao mà nó như vậy, có thể mình biết không hết, nhưng mà mình chỉ hiểu ngầm: Vạn pháp do duyên. Đại khái như vậy.

Tôi ôn lại để cho bà con nhớ.

Cấu tạo chúng sinh gồm phần hồn, phần xác; Phần xác gồm 4 đại và 24 sắc phụ thuộc. Nghe đơn giản nhưng nó cũng lớn chuyện thế này.

Tùy thuộc vào 3 cái hồi nãy tôi nói, tùy thuộc khuynh hướng chúng sinh mà mình thích và ghét cái gì. Có những chúng sinh do trình độ hiện giờ, khuynh hướng tâm lý, và tiền nghiệp họ sống nặng về vật chất hay nặng về tâm linh. Thí dụ, trong một gia đình, một cha một mẹ cùng một dòng máu, nhưng có đứa con thích hội họa, có đứa thích âm nhạc, có đứa thích nấu ăn, có đứa thích thời trang. Đó là trong một gia đình. Còn trong một biển người mênh mông, có người họ nặng về đời sống tâm linh, họ thích suy nghĩ về chính trị, về triết học, về văn chương, thơ ca nhưng có người họ lại thích những cái rất là phàm phu, thích ăn mặc đẹp, thích ăn ngon, ….
Nghe cho kỹ chỗ này.

• Tùy thuộc tâm lý chúng sinh mà mình sống nhiều 14, 25. Đó mới là một chuyện thôi.
• Chuyện thứ hai, ta dùng 14 đó để sống trong 6 trần hay dùng cái 25 sống trong 6 trần.
• Trong 14 đó ta nặng trần lắm, hoặc khi ta sống với 25 ta nặng về trần nào.

Thí dụ, một chục người Phật tử đi vào chùa, có người vào chùa nhào xuống bếp rửa chén, nấu ăn, chùi cầu; có đúng không? Họ khoái cái đó lắm. Có những người nhào vô chùa, thăng lên chánh điện, bắt đầu thắp nến thắp hương quỳ xóc xóc ống tre, có không? Khấn hoài. Cúng thì ít mà khấn thì nhiều dữ lắm. Rồi có người vô chùa là nhảy vô thư viện đọc sách. Có người vào chùa thích nghiên cứu sách vở, có người thích ngồi thiền, có người thích phục vụ, có người thích cầu nguyện, và có người vào chùa chỉ thích bố thí thôi. Vào chùa quăng cọc tiền, cho xây cái này đập cái kia sơn cái nọ, sơn sửa tùm lum, đúc chuông đúc tượng. Đúng không? Các vị thấy không? Cũng là có niềm tin nơi Tam Bảo nhưng chọn lựa của mình khác nhau.

Đó là tâm thiện. Giờ qua đến tâm ác.

Cái tham của mình cũng khác nhau. Có người họ háo danh, họ sẵn sàng bỏ bao nhiêu tiền cũng được miễn là có tiếng, có mặt mũi thôi. Tôi còn biết chuyện động trời nữa, có những ông ổng dám đem vợ hiến cho sếp để lên chức, có biết cái đó không? Còn có ông sẵn sàng đốt nhà tự tử chỉ vì vợ ổng ngoại tình thôi. Vợ ổng là số 1. Đúng không? Và có ông, chuyện gì ổng cũng bỏ hết miễn là túi tiền ổng nó phình ra thôi. Và tôi biết có nhiều người phụ nữ túi tiền quan trọng, nhưng có những người dám đốt của túi tiền cho cái này (mặt) nó đẹp. Bơm cái này, thẻo cái kia, cắt cái nọ tùng xẻo lăng trì miễn sao ngó cho nó được thôi. Có không? Thấy rõ ràng chưa. Trong khi một đứa nó tay chân mặt mũi đen sì miễn sao nó có tiền thôi. Còn có đứa lấy tiền đi mua nhan sắc.

Cho nên, đức Đại Lai Lạt Ma nói rằng: Chúng ta phải cẩn trọng. Có những người bán tuổi trẻ để mua tiền, bán sức khỏe để kiếm tiền, bán sĩ diện, bán danh dự, bán nhân cách để lấy tiền, đến một lúc có đống tiền rồi thì... (quá trễ).

Hoặc có ông bác sĩ, người Brazil, ổng đoạt giải Nobel, ổng lên trên giảng đường trung tâm phát giải Nobel của Na Uy, Oslo, ổng lên phát biểu thế này: Kính thưa toàn thể quý vị, thế giới hôm nay đang đứng trước một bi kịch, chúng ta cứ tập trung những cái tào lao mà những cái quan trọng chúng ta không tập trung. Chúng ta tập trung làm sao cho đẹp, làm sao cho gợi cảm mà trong khi chứng bệnh Alzheimer chúng ta không nghiên cứu. Sẽ có một ngày chúng ta thiệt là đẹp mà không biết đẹp để làm gì.

Có hiểu không? Tại tôi nói tôi giấu chứ ổng nói nhiều lắm.

Bởi vì cái quan trọng là cái này (đầu). Cho nên, tùy căn cơ chúng sinh mà chúng ta sống nhiều với 14, 25. Và, tùy vào căn cơ của mình mà khi mình sống với 14, 14 của mình nó chìm sâu trần nào trong 6 trần, hoặc là khi chúng ta sống với 25, chúng ta lấy cái 25 đó để sống nhiều với trần nào trong 6 trần. Nghe kịp không? Chính cái chọn lựa ấy, hình thành nên Mentality (Tư duy) và Personality (Nhân cách) của mình trong đời sau. Cái đó rất quan trọng. Chứ đừng nghĩ rằng, gặp gỡ tăng ni, vào chùa cúng dường, nghe pháp là giống nhau. Không. Khác nhau.

Cho nên, nói theo A Tỳ Đàm, mình thấy tâm tham có 8, tâm thiện cũng có 8.
Tâm tham gồm: Thọ hỷ, thọ xả, đi với tà kiến, không đi với tà kiến, bị tác động hay tự phát.
Tâm thiện cũng y chang vậy. Tâm thiện có đi với trí hay không, tâm thiện thọ hỷ hay thọ xả, thiện hờ hững hay thiện hào hứng, thiện bị tác động hay thiện tự phát. Kể gọn có 8, nhưng trong thực tế, có vô số.

Bởi vì sao? Vì tâm tham đầu tiên là tâm tham hào hứng, tự phát, có đi tà kiến, mình gọi là tâm tham số 1. Nhưng mà nó khổ chỗ là số 1 của A nó không giống B. Vì sao? Vì Tà kiến nó có thiên hình vạn trạng, và cái hào hứng nó cũng thiên hình vạn trạng, và cái cảnh để tham cũng khác nhau. Thiện cũng vậy. Cho nên, quỳ trước đức Phật mỗi vị có bổn nguyện khác nhau. Có người gặp Phật, Phật cũng giảng 37 Bồ Đề phần.

↑ trở lên

Bồ Tát đạo

Có người thắc mắc tại sao Nam truyền không mặn mà Bồ Tát đạo? Tức là xúi người ta thành Phật. Vì nó có lý do thế này. Con đường để trở thành Thinh văn, Độc Giác, Toàn Giác giống nhau. Chỉ 37 Phẩm Bồ Đề thôi. Nhưng có một điều, tùy cái đầu. Có vị họ không muốn có thầy; muốn tự đắc rồi vô núi tịch luôn, làm Độc Giác. Họ cũng tu 37 đó. Còn có vị họ muốn trên không thầy mà dưới có thể độ được rất nhiều người, thì cũng tu 37 đó thành Phật Tổ Như Lai – Toàn Giác. Còn có vị đi một mình ớn quá, đi không nổi, nhưng nếu tui thành tựu đứa nào theo tui tui cũng giúp, thành Thinh văn. Cũng 37 đó.

Trên thế giới không có trường học nào dạy người ta để được giải Nobel, không có trường nào dạy người ta làm tổng thống, thủ tướng. Cũng cái trường y chang vậy, vẫn Yale, vẫn là Stanford, vẫn là Columbia, vẫn là Princeton... nhưng từ cái trường đi ra, đứa nào căn cơ thế nào thì nó thành ra thế nấy… Đâu phải bác sĩ ông nào cũng giống như ông nào. Có ông lấy bằng bác sĩ xong lại thành giáo sư bác sĩ, đi dạy mấy cha bác sĩ khác. Có ông bác sĩ lấy bằng xong mở phòng mạch là đủ rồi. Có cha lấy bằng bác sĩ xong nhảy vô bệnh viện làm, không muốn mở phòng mạch; Có những cha bác sĩ lấy bằng bác sĩ kiếm tiền nuôi vợ con. Có những ông lấy bằng bác sĩ vì ổng mê ngành y và ổng tiếp tục lấy bằng đó, lấy kiến thức đó để ông nghiên cứu về ngành y. Tùy khuynh hướng tâm lý của mình thôi.

Tôi biết có rất nhiều dược sĩ, họ lấy bằng họ đi bán thuốc; Có người họ lấy bằng họ mở pharmacy họ kiếm nhiều tiền lắm. Nhưng có người không có mở, coi đứa nào cần người bán tao nhảy vô bán dùm, lấy lương tháng thôi.

Ở đây cũng vậy. Dạy đạo giải thoát Ngài chỉ dạy 37 thôi. Ngài dạy, hãy sống với 25, đừng sống với 14. Ngài có một câu đó thôi: Sống với 25 đừng sống với 14. Nhưng khi Ngài nói ra như vậy, căn cơ người nghe nó tiếp thu khác nhau. Có người nghe “Hãy sống với 25 đừng sống với 14” họ nguyện thành Phật. Có người họ nghe Ngài nói họ nguyện thành Thinh văn, đi cho nó lẹ; Chỉ vậy thôi.
Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng.

↑ trở lên

Sắc pháp

Giờ tôi quay qua sắc pháp. Muốn nói sắc pháp mà tôi phải đánh một vòng vậy đó.

Trong Sắc pháp. Tùy thuộc ta sống nhiều 14, 25 và sống nhiều trong trần cảnh nào mà ta sanh ra đời có đủ 6 căn hay không, ta có đủ 28 sắc pháp hay không. Nghe cho kỹ nha.

Nếu mình đam mê vật chất nhưng thiếu công đức, mà lại tạo nhiều ác nghiệp, rất có thể chúng ta phải sanh lại cõi Dục mà bị khuyết tật = Mù, điếc, …
Còn nếu mình nhàm chán vật chất, tu tập thiền định, sanh về cõi trời thì trên đó mình không đủ 6 căn, trên đó mình chỉ có nhãn, nhĩ thôi. Mà cái thiếu đó là cái thiếu của nhà giàu.

Các vị có đồng ý với tôi, có những thứ trong villa của triệu phú không có mà nhà nghèo có, các vị có đồng ý cái đó không? Không có vì thiếu nhưng cái thiếu đó là cái thiếu do tui giàu. Còn có những thứ thiếu là do mình nghèo. Hai thứ khác nhau chớ.

Thí dụ, trong phòng ngủ của tôi, trong phòng tắm của tôi các vị không gặp phấn son, không gặp mascara, không gặp mấy cái gì hết, mấy cái đó đâu phải tôi nghèo, mà vì trẫm không có xài. Nhưng nếu trong phòng một người con gái từ 18 -25 mà không có cái đó là nghèo thiệt đó. Trong đó chỉ có chai dầu cù là là nghèo thiệt đó. Ăn rồi nó chỉ có xức rún chứ không biết xức đâu. Nhưng mà riêng tui thì được, tui có quyền, tui có quyền chứa dầu cù là, vì tôi chỉ xài tới đó thôi.

Ở đây cũng vậy.

Tùy thuộc anh sống nhiều với 14 hay 25 mà anh sống nhiều với trần cảnh nào mà anh sanh ra anh có đủ 6 căn hay không. Trường hợp anh không đủ có 2 trường hợp: (1) Anh không đủ do thiếu phước hay (2) Anh không đủ do anh không cần.

Còn chuyện nữa, tuỳ thuộc anh sống nhiều 14, hay 25 mà khi anh sanh ra, giả định như anh có được 6 trần thì 6 trần của anh là như ý hay bất toại. Nó còn chuyện đó nữa.

Cái này mới quan trọng nè. Tùy thuộc căn cơ của mình, mà mình chăm chú vào trần nào trong 6 trần. Và từ đó, trong 28 Sắc pháp, mình sanh ra mình có loại sắc nào. Một người tu tập thiền định, không màng 5 trần – sắc, thinh, khí, vị, xúc; có nghĩa là trong 5 trần đó đương nhiên không có tình cảm nam nữ. Theo trong kinh kể người nhàm chán 5 trần người đó không có tình cảm nam nữ. Hiểu không? Các vị mở Tăng Chi Bộ Kinh, bài kinh đầu tiên Ngài dạy rằng: Ta không thấy trần cảnh nào cuốn hút người nam bằng trần cảnh từ nữ giới. Và cũng không có trần cảnh nào cuốn hút nữ giới bằng trần cảnh từ nam giới. Nhớ cái đó. Bởi cho nên, người nhàm chán 5 trần, người đó sẽ chấm dứt nam nữ.

Chúng sanh có 3 cấp: Dục – Sắc – Vô Sắc. Từ Sắc giới trở lên người ta không có vấn đề giới tính. Chưa hết, còn chuyện nữa. Các cõi Dục thiên, càng cao thì vấn đề giới tính càng nhạt nhòa. Cho nên, hôm nay thích ăn ngon, thích yêu đương đó là chủng tử để trở lại cõi thấp. Vì cõi cao, vấn đề ăn ngon, mặc đẹp, yêu đương nó không có nữa.

Trong kinh nói, cõi Dục thiên thấp nhất là cõi Tứ Thiên Vương. Lên cõi nữa là cõi Đao Lợi, hai cõi này có đời sống tình cảm giống hệt nhân loại; yêu đương nhau, có sự gắn kết 100%. Nhưng ở cõi Dạ Ma chỉ ôm nhau là xong. Lên cõi Đâu Suất nắm tay là xong. Lên cõi Hóa lạc thiên, nó chỉ nhìn nhau nó cười là xong. Hóa lạc thiên, nó thích ai nó chỉ cần nhìn người đó thôi. Nhìn bằng ánh mắt ái nhiễm là xong.

Cho nên, mình có thể nói thế này: Khi thương, ghét ai càng ít căn càng tốt. Có hiểu không?

Thí dụ, tôi đi phố, tôi thấy nó bán Rolex. Tôi đứng tôi dòm, tôi dòm bằng gì ta (mắt)? Xong. Rồi tôi đi về. Tôi có khổ không? Không. Còn đằng này tôi làm đủ cách tôi rước nó về. Nó là 18.000, có cẩn hột... Làm sao tôi kiếm ra cái đó? Hoặc là anh nhìn cô nào đó. Mình thấy nó coi cũng được rồi thôi đi về. Đằng này mình cõng nó đi về là chết cha luôn. Người ta nói rằng: Người bị xe cán chết không tức, người bị thịt cán mới tức. Một nốt ruồi nặng mấy chục gram mà chỉ vì cái nốt ruồi đó mà cõng mấy chục ký về. Hiểu không? Chỉ vì một cái má lúm đồng tiền mà cõng mấy chục ký về. Mà cái lỗ hõm nó bây lớn, nằm đây nè (trên má), mà muốn rước cái lỗ đó về mình phải rước mấy chục ký còn lại.

Tôi biết có bà sư cô Việt Nam bà mất rồi. Trước khi bà đi tu bà thương một người con trai hàng xóm chung vách. Việt Nam hay có màn chung vách lắm, bên bển 5 đứa con trai, bên đây 5 đứa con gái rồi cứ khoét lỗ nhìn qua bên kia, bên kia chắc chắn có nhìn lại rồi. Thì bả chấm đứa anh cả, vì ảnh có hàm răng rất đẹp. Đầu hôm sớm mai ra vào chạm mặt cuối cùng dính. Lấy nhau về mới biết ảnh thế nào. Đàn bà khiêu vũ giỏi người ta kêu vũ nữ. Đàn ông khiêu vũ giỏi người ta kêu vũ phu. Ổng đánh bả 1 tháng đánh 31 ngày. Người ta có rằm, 30 ổng không có, ngày nào đánh ngày nấy. Mà ổng đẹp, ổng cười rất là đẹp. Nhưng vẫn có con bình thường. Sau này lớn tuổi ổng đi xuất gia. Bả đi làm sư cô ở chùa khác. Khi bả lớn tuổi, bả đâu mắc cỡ nữa, bả kể cho nghe. Ngày xưa chỉ vì hàm răng của ông mà bả bị đánh mấy chục năm.

Cho nên, tùy thuộc mình sống nặng với cái gì thì cái mình rước tương ứng với cái mình thờ nó. Nghe kịp không?

Tùy thuộc mình sống 14 hay 25; tùy thuộc mình sống nặng với trần cảnh nào trong 6 trần mà ta có đủ 28 sắc pháp hay không, ta có đủ 6 căn hay không và cái thiếu và đủ có 2 trường hợp: Thiếu và đủ do mình không cần hay là do mình thiếu phước; Nhớ nha. Cái đó rất quan trọng. Đúng ra, nếu quý vị về nghe bài giảng lại, hôm qua các vị đã có cái sườn rất là vững về bản thân mình và về thế giới.

↑ trở lên

Bài kinh Vô Ngã

Và, khi đức Thế Tôn thành đạo có 2 tuần thôi, Ngài có giảng một bài kinh mà tôi nghĩ rằng một vị thuộc lòng Tam Tạng cũng thấy bài kinh đó là toàn bộ Phật pháp. Tại vì mình không biết hết Tam Tạng mình thấy bài kinh chỉ là một mảnh của Tam Tạng. Thật ra, người học hết Tam Tạng họ biết. Có những bài kinh là toàn bộ Tam Tạng. Vì mình không biết, mình thấy nó là một mảnh. Nhưng khi biết rồi thì thấy bài kinh đó là toàn bộ Tam Tạng. Đó là bài kinh Vô Ngã. Nghe cho kỹ.

“Này các tỳ-kheo, Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức là Vô thường. Cái gì Vô thường thì cái đó là Khổ. Cái gì là Khổ thì cái đó không đáng để ta gọi là Ta hay Của Ta”.

Nguyên cái chúng sanh này, mình có nhiều cách phân tích, mình nói, nguyên tấm thân này mình kêu nó thành phần hồn, phần xác, Danh và Sắc cũng được, hoặc mình chia 5 Uẩn cũng được. Ở đây biết 5 Uẩn đúng không? Có cần tôi giải thích 5 Uẩn không?

(1) Sắc uẩn = Vật chất, cái gì rờ được, ngửi được, chạm được.
(2) Thọ uẩn = Những cảm xúc của thân và tâm khó chịu hay dễ chịu.
(3) Tưởng uẩn = Tất cả những gì thuộc về kinh nghiệm, hồi ức, kiến thức, tưởng tượng, liên tưởng, hình dung.
(4) Hành uẩn = Khía cạnh thiện ác của nội tâm mình.
(5) Thức uẩn = Cái biết của 6 giác quan.

Đó gọi là 5 Uẩn.

Ngài dạy rằng, 5 cái đó luôn luôn nó vô thường. Không có cái gì tồn tại quá 1 sát-na hết. Nó tồn tại bằng cách đắp đổi, sanh diệt liên tục. Cái gì vô thường thì cái đó khổ. Và chữ Khổ ở đây hơi kẹt. Đa phần cứ nghĩ Khổ = Khó chịu, đau đớn. Không phải.
Khổ có 2: Khổ cảm giác & Khổ bản chất.

(1) Khổ cảm giác = Đó giờ mình nói, khó chịu về thân, tâm;
(2) Khổ bản chất = Sự bất toàn, bất trắc, gọi là khổ.

Như tôi hay ví dụ: Một người bị đánh thì cái đánh là khổ cảm giác. Đúng không?

Nhưng khổ bản chất là sao? Tối tối nào mình cũng thấy ảnh đi nhậu. Chính cái đi chơi đêm là mình thấy nó làm cái nền cho chuyện ảnh bị đánh, bị cướp, có đúng không? Bản thân chuyện đi chơi đêm nó đã là một cái khổ rồi. Chiều nào, các vị thấy, trời sập tối là chả cặp chai rượu đi lè nhè lè nhè, ngán quá. Nhìn chả tôi ớn quá, thế nào cũng bị đập. Hiểu không?

Tôi nhớ có cha đó. Chả đi nhậu, tối chả đi về, hàng xóm thấy chả vừa đi vừa đếm: 1, 2, 3, còn thêm 4 cục là về tới nhà. Tại chả cứ đập đầu vô cột điện. Chả đếm mấy cục u trên trán chả. Bữa đó chả nhậu xỉn quá, bà vợ kêu thằng con: Tèo Tèo đi dắt ba mày về, ba mày xỉn. Thằng Tèo nó đang học bài; Ba ngày nào Ba cũng đi nhậu, Ba biết đường Ba về mà. – Không, Ba mày cứ đếm cột đèn, bữa nay đèn nó nhổ 2 cây. Ổng không nhớ đường. Khổ vậy đó. Khổ lắm.

Cho nên, tùy thuộc căn cơ của mình mà 5 uẩn của mình nó khác nhau. Và, cả 5 uẩn đó luôn luôn có 2 cái khổ, một là khổ cảm giác, hai là khổ bản chất. Nghe kịp không? Thì cái khổ bản chất đó chính là cái mình không để ý: Cái gì bất toàn, bất trắc, không nằm trong dự liệu, không nằm trong trù tính của mình nó là bất trắc. Bất trắc ở đây có 2 trường hợp:

• Một là do tiền nghiệp = Tôi đang đẹp, đang khỏe, đang giàu, đùng cái do tiền nghiệp tôi bị bệnh, bị phá sản, đó là do tiền nghiệp. Mà, nó còn có cái thứ hai nữa.
• Do bản chất pháp hữu vi = Hoa nó hết thời hạn nó phải bị tàn. Cái đó không phải do nghiệp mà do bản chất pháp hữu vi.

Mấy cái này phải ghi xuống.

Một là do tiền nghiệp, tự dưng tôi bị đụng cái bùm, hoặc là tôi bị táng gia bại sản. Nhưng nó có chuyện thứ hai nữa cái đó là pháp hữu vi.

Thí dụ đức Phật: chuyện ngài 80 tuổi là do nghiệp hay do pháp hữu vi? Trong kinh kể cái này mới xúc động nè: Có lần đó buổi chiều ngài Anan xoa bóp cho đức Phật, ngài nói: Bạch Thế Tôn, thật là chuyện đáng ghi nhận, Thế Tôn ngày xưa có 32 hảo tướng màu da sáng ngời mà hôm nay cái lưng Thế Tôn bị khòm một chút và da không còn sáng ngời.

Đức Phật Ngài dạy: Này Anan, Ta bây giờ giống như chiếc xe cũ, muốn tiếp tục chạy là phải ràng rịt bó cột tùm lum hết.

Đức Phật, công đức vô lượng mà còn như vậy. Cho nên, có một sự thật rất phũ phàng. Đức Phật Ngài dạy: Mỗi chúng sinh giống như một bình gốm, ngay lúc nó ra lò nó đã kín đáo cưu mang thân phận bể vỡ. Tôi khoái câu kinh đó.

Người Tây Tạng họ vẽ lại bức tranh duyên khởi. Vô minh duyên Hành. Vô minh là họ vẽ hình người mù. Hành họ vẽ là ông thợ gốm. Tại sao? Hồi đó tôi đọc tôi không hiểu; Giờ tôi đọc tôi thấy khoái. Tại sao? Bản chất của gốm là gì? Là vỡ. Mà tất cả những thiện ác mình làm chỉ là trò chơi của con nít thôi.

Cho nên bên Catholic, bên Cơ – Đốc, có câu chuyện thế này. Đức Chúa trời đâu có bao giờ cười mà muốn chọc cười đức Chúa trời chỉ có một cách là nói cho ngài biết những dự tính của mình. Ở đây có ai hiểu câu chuyện đó không? Muốn chọc cười đức Chúa trời thì kể ngài nghe dự tính của mình.
Giống như một đứa bé 3 tuổi nó kể cho ông nội nó nghe. Bữa nay con leo núi, con ăn pizza nè, con đi ăn kem nè. Nhưng mà ông nội dắt đi. Nó đâu có tiền, mà nó đâu có tự đi được. Mà chả 3 tuổi, chả leo lên lòng ông nội chả kể. Ông nội chỉ có cười thôi. Vì tất cả những cái nó kể ổng thầu hết. Nghe kịp không? Nó khoe: Ông nội biết không, bữa nay mình không ăn cơm, ăn pizza, về ngủ tới 2 giờ chiều rồi đi ăn kem nè, 4 giờ đi bơi nè,…. ổng tính cho đã xong, nhưng mà ông nội chịu hết nha. Chúa trời ổng nghe ổng cười ở chỗ là: Mình tính những cái ổng sắp xếp cho mình.

Ở đây cũng vậy, một người biết Phật pháp rồi, mình phải hiểu. Tất cả những trù tính của mình nó chỉ là trò hề thôi. Nghe kịp không?

Thí dụ, giờ tôi làm ác, tôi đi câu cá để tôi tìm vui, tôi đi săn bắn, cắm trại, tôi đi leo núi để tìm vui. Hoặc tôi đi làm thiện, đi bố thí để tìm vui, tôi đi trì giới, ngồi thiền, đối với mình đó là chuyện quan trọng. Nhưng đối với một người họ biết trước mọi sự họ nhìn nó mắc cười lắm. Cho nên trong kinh nói, một bậc thánh, khoan nói chuyện diệt trừ phiền não, một bậc thánh họ nhìn cuộc đời này khác mình ở chỗ là: (1) Họ biết trước mọi sự nó sẽ ra sao; (2) Mọi sự nó đang ra sao. Họ biết: Từ đâu mà nó đến cái này? Hiện giờ nó đang ra sao? Sau này nó sẽ ra sao. Bậc thánh biết rõ cái đó. Dầu vị đó không có thần thông.

Không biết trong room có hiểu cái đó không? Bậc thánh dầu không có thần thông nhưng ngài nhìn mọi sự ở đời ngài biết, nó từ đâu nó tới, hiện giờ nó đang ra sao và nó sẽ ra sao. Khi biết rõ cái đó, ngài không còn hứng thú với cuộc đời nữa.

Khi ngài nhìn một ngôi nhà lớn, ngài biết: Ngôi nhà này do mồ hôi nước mắt hoặc do lừa đảo, lật lọng, trốn thuế, mà có. Thí dụ vậy. Và hiện giờ ngài biết mấy người ngồi trong nhà gia đạo đang bất hòa, đang có vấn đề; và ngài biết sớm muộn ông chủ nhà cũng bị đi tù. Ngài nhìn ngài nản.

Hoặc là ngài nhìn tấm thân của mình ngài biết do tiền nghiệp quá khứ bây giờ mình là nam, là nữ, và ngài biết trong đó nó gồm có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, phẫn, nước tiểu,… Và tương lai ngài biết, nó nhiều lắm 30 năm nữa là... cho không ai lấy.

Như trong kinh kể chuyện. Một cô danh kỹ (callgirl hạng sang) tên là Sirimā, cổ là Phật tử, Phật tử mà làm danh kỹ, cái nghiệp của cổ. Vương tôn công tử muốn qua đêm với cổ tốn 1000 đồng vàng, để được ngủ với cổ một đêm, mà chưa chắc ngủ, chỉ uống trà, nghe nhạc,… vậy thôi. Một đêm 1000 đồng. Một ngày kia, cổ bị bạo bệnh cổ chết. Chư tăng đi bát vẫn giữ giới luật nhìn xuống đất nhưng nghe người ta bàn, về thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn, chúng con nghe cô tín nữ Sirimā mới mất. Bấy giờ cổ đang còn rất là trẻ, cổ mất sớm. Đức Phật mới cho người báo với ông vua, nói rằng: Đừng có chôn nàng liền, hãy thông báo ai cần ở gần nàng chỉ cần trả 100 đồng thôi. Thông báo ngày đầu tiên không ai đến. Đức Phật Ngài dặn cứ giảm dần đến lúc cho không. Bữa sau giảm xuống còn 50, không ai đến. Giảm xuống còn 25 không ai đến. Cho không, và cuối cùng ngủ mà có thưởng. Ấn Độ nó nóng banh xác, nó chết 3 bữa mà ngủ với nó có thưởng thì ông Kiên, ông Nhân sao chứ tui là tui ớn rồi. Không cần 3 ngày. Hoa hậu mà tui biết nó làm biếng thở rồi là tui hơi khớp. Quý vị tin không? Lớp này ai đẹp nhất? Mà nếu tắt thở, tối gởi bên nhà tôi, thì tôi thà ra sân tôi ngồi chớ tôi ngại lắm. Hiểu không? Nghĩa là bả chưa kịp sình nhưng mà bả cứng ngắc vậy tôi thấy không xong.

Đừng nghĩ đức Phật Ngài ác. Tại vì nguyên cái thành phố đó đều là Phật tử mới có chuyện đó. Ngài chỉ mượn cái đó để Ngài dạy cho mọi người một bài học: Các con thấy chưa, cách đây có 2 ngày thôi, muốn rờ tới nó là 1000 đồng vàng, giờ cho không mà còn có thưởng không đứa nào dám rớ.
Đúng ra 3 ngày tôi thấy hơi quá, chứ mình xác định là nó đi rồi là không ai rớ hết.

Tôi hay kể hoài chuyện vị thượng tọa bên Mỹ. Tụng cho đám tang đó. Tụng sáng một thời, trưa một thời, tối một thời. Bữa đó, tụng thời tối xong mới chào Phật tử: Thôi gia đình ở lại, mai chư tăng đến tụng nữa. Chào xong, vị đó đi ra xe, lấy xe lái về chùa. Mà gia đình cứ đi theo: Dạ, Mô Phật. Thượng tọa về, thượng tọa về. Ổng ngại: Thôi quý vị vô đi nha, chư tăng đi về. Mà sao thấy gia đình đi theo hoài, ra tới parking luôn. Thì vị đó mới lấy làm lạ nói: Tối rồi các vị về cho nhà quàn họ đóng cửa chứ. Lúc đó, họ cử người gan dạ nhất trong đám ra nói: Bạch thượng tọa, tụi con để mấy giỏ xách trong đó mà không dám vô lấy. Mà là người thân đó. Ổng thượng tọa tưởng họ mến ổng, cho nên ổng cứ: Thôi quý vị vô đi, chư tăng về mai gặp nữa. Nhưng mà nó không chịu đi, nó cứ bịn rịn, vấn vương, lưu luyến, vân vê tà áo. Tới hồi nó đưa ổng ra tới parking, ổng thấy lạ sao tiễn sâu quá ổng hỏi sao kỳ vậy, nó mới nói thiệt: Giờ mấy cái giỏ LV, Gucci trong đó mà tụi nó không dám vô lấy, tại cái xác nằm ở đó. Mà nhân viên thì nó chờ mình rút hết đặng nó đưa cái đó vô trong mấy cái hộc. Nghe ghê không? Mà trước đó mấy ngày này nọ, vợ chồng, mẹ con, anh chị tùm lum. Tới hồi nó xanh lè rồi là ớn.

Cho nên, tôi quay lại bài kinh hồi nãy. Bài kinh rất là gọn. Nghe cho kỹ.

Này các tỳ-kheo, Sắc – Thọ - Tưởng – Hành – Thức là vô thường. Cái gì vô thường cái đó là Khổ; Cái là là Khổ thì cái đó không đáng để các người thấy đó là Tôi, là Của Tôi.

Này các tỳ-kheo, 5 uẩn, dầu là Quá khứ - hiện tại – vị lai, xa- gần, thô-tế, trong - ngoài, thắng -liệt (xịn – dởm) đều như vậy cả. Đều là Vô thường, Khổ, Vô Ngã.

↑ trở lên

Ngài Ca Diếp

Trong kinh nói, ngài Ca Diếp chứng Lục Thông, Tam Minh và Bốn Trí Vô Ngại rồi cả đời chỉ ở trong hang Pipphali thôi, không đi đâu hết.

Mỗi ngày ngài đi khất thực, ngài ôm bát ngài đi xong về ngài phải trèo đá ngài vô trong hang. Ngài thọ lắm, ngài trẻ hơn đức Phật. Đức Phật tịch rồi, ngài sống thêm mấy chục năm nữa. Ngài sống 120 tuổi.

Lúc Thế Tôn trụ thế thì ngài cũng hơi già rồi. Đức Phật Ngài nói rằng: Ca Diếp đã có tuổi hãy về sống bên cạnh Như Lai cho đỡ vất vả.

Ngài Ca Diếp nói: Bạch Thế Tôn, vì nghĩ đến người đời sau, con muốn làm gương cho họ thấy, con đã hoàn tất đạo nghiệp nhưng con vẫn tinh tấn. Vì cái chân của con còn leo núi được.

Mà tại sao tôi kể chuyện lạc đề đó ở đây? Là bởi vì, mình không có thần thông, mình ao ước mình có thần thông mình qua đỉnh tuyết bên kia mình coi cái gì ở bển, hoặc là mình muốn biết đáy hồ có gì ở bển. Nhưng, đối với vị họ đã chứng La Hán thì sao? Quá khứ - hiện tại - vị lai, xa-gần, thô-tế, trong - ngoài, thắng -liệt họ thấy nó giống nhau. Nếu các vị không tin tôi nói các vị nghe.

Các vị nhìn xuống bãi cỏ dưới, các vị có đủ siêng để đi vạch từng cọng cỏ để đo đứa nào dài đứa nào ngắn không? Tại sao không ? Vì đó là làm chuyện rất là vô lý. Tự nhiên đo thằng này tấc tám, thằng này tấc bảy,… mà cọng nào cũng như cọng nào hết. Các vị hiểu không?

Giống như một lần, bên Mỹ tôi đến chùa bà sư cô kia. Bả nói đưa tôi đi mua đồ với bả. Tôi ra xe tôi chờ mà chờ lâu quá không thấy bả. Lâu quá tôi không thấy bả, cuối cùng tôi đi vô. Tôi thấy bả đang lụp chụp trong chánh điện, tôi tức quá tôi nói: "Cô ơi, cô đếm chân nhang hả cô, sao lâu quá?" Vậy mà bả cũng trả lời thế này: "Chân nhang có gì đâu mà đếm sư." Tại vì tôi chờ quá lâu. Chỉ có đếm chân nhang mới lâu như vậy thôi. Mà các vị có hứng làm chuyện đó không? Đổ nguyên đống chân nhang ra ngồi đếm.

Tôi mới kể hoài chuyện 2 con một hột nhớ không?

Tức là một thằng tù, 10 năm bị nhốt trong đó nó không biết kể chuyện, không biết ca hát, không biết chuyện tiếu, không biết kiếm hiệp, không biết chuyện Tàu, không biết gì hết, nó cứ nghe người ta kể chuyện ma thì nó rùng mình, kể chuyện cười thì nó cười. Thằng đại bàng nói: Bao nhiêu năm mày nghe ké không, hôm nay tới phiên mày kể đi.
Nó nói: Em có chuyện gia đình kể được không? Mà chuyện nó vô duyên lắm. Thằng đại bàng, nói ngáp nói: Kể cho anh em ngủ, kể đi.
Nó nói: Hồi đó nhà em bán gạo, mà mỗi năm đến mùa nước ngập gia đình em phải khiêng gạo lên trên cao, cho nước nó đừng có ngập. Bữa đang khiêng thì cái bao bị lủng. Phần gạo bị rớt bố em thấy ít bố em bỏ, chỉ khiêng mấy bao nguyên lên. Kiến nó cứ tha: 2 con một hột nó tha, rồi cứ 2 con một hột, 2 con một hột,… Đám tù nó coi coi có chuyện gì nữa, mà ảnh cứ “2 con một hột, 2 con một hột” ảnh kể hoài ảnh nhắm mắt ảnh kể tiếp. Thì đám tù ngủ hết. Thằng đại bàng ngủ giật mình d6ạy thì thấy thằng này ngủ mà vẫn “hai con một hột ” nó mới chửi thề: Cái chuyện gì kỳ vậy ? – Không anh, mới có mấy lít gạo chứ chưa hết. Từ đó về sau, mỗi lần tù kêu nó kể chuyện, nó nói, còn nửa bao nữa nha, là tù nó hết hồn.

Chuyện này có nhiều người nghe câu chuyện hiểu lầm là câu chuyện cười, nhưng đối với tôi, câu chuyện này rất rất là Phật pháp. Khi mình không biết Phật pháp mình thấy cái này quan trọng cái kia quan trọng: Nhan sắc, tình cảm, danh vọng, mặt mũi, chức vụ, tuổi thọ,…nhưng tới khi biết đạo thì cứ “hai con một hột, hai con một hột,…” Hiểu không? Đi làm để sống, sống để đi làm, đi làm để sống, trẻ lấy cái mặt đi chảnh chọe, già đi bơm, bơm lúc nào hết bơm thành Thẩm Thúy Hằng... Xong chôn.

Có nghĩa là nó cứ cái nhịp như vậy, lặp đi lặp lại, mà do cái Vô minh của mình, mình không thấy. Đầu tư cho con, con nó cũng theo lối mòn của mình, cứ hai con một hột, hai con một hột, mà cứ hết thế hệ này qua thế hệ khác. Cho nên, trong tiếng Phạn có chữ Saṁsāra = Lặp đi lặp lại.

Trong kinh đức Phật dạy thế này: Khổ có 3. Hồi nãy tôi nói khổ cảm giác và khổ bản chất là nói gọn. Còn nói rộng là lấy 2 cái đó chia làm 3 :
(1) Khổ Khổ = Những gì làm mình đau đớn, buồn tủi, khó chịu. Sự có mặt của những gì làm cho ta khó chịu.
(2) Hoại Khổ = Sự vắng mặt của những gì làm cho ta dễ chịu.
(3) Hành Khổ = Bản thân mọi hình thức hiện hữu là hành khổ. Nó là nền cho 2 khổ trên.

Các vị nghe hiểu không? Khi một bậc thánh họ nhìn vũ trụ này giống như mình nhìn một bãi cỏ, họ không còn hứng thú nữa. Họ không còn hứng thú để họ đi tiếp. Còn mình, tại sao mình còn nhựa sống để mình đi tiếp? Là bởi vì đám cỏ trước mặt mình. Tại sao mình còn hứng thú? Vì chúng ta là những con dế. Khi chúng ta là những con dế thì bãi cỏ đó là một khu rừng và có nhiều thứ để mình khám phá, đúng không? Nhưng các ngài là những con voi, là những con người, các ngài nhìn vô bãi cỏ các ngài nản lắm.

Trên đời có mấy nghề nản nhất là nghề: Nhổ tóc sâu. Tôi biết có chuyện này. Có ông Việt kiều về nước, rồi ổng cứ đi ra tiệm mấy cô lấy ráy tai, nhổ tóc sâu, ổng mến cô đó quá đi, ổng vừa nhổ ổng than: Trời ơi, mai mốt anh sói đâu còn tóc cho em nhổ nữa. Bả nói: - Không, anh đeo tóc giả em nhổ tiếp. Miễn là có tiền cho em thôi. Cứ nhổ cái đầu 100$. Tóc giả đeo lên nhổ tiếp. Gì chứ cái nghề đó nó nản dữ lắm.

Nghe cho kỹ nè. Chuyện mình đi lấy chồng là Hành Khổ. Rồi mình về nhà chồng mà mình bị hành hạ đó là Khổ Khổ. Còn chuyện thằng chồng lâu lâu nó về thăm mình rồi nó đi mất mấy tháng là Hoại Khổ. Rất là dễ hiểu.

Chuyện mình có mặt bên nhà chồng, sống với người lạ = Hành Khổ.
Chuyện mình bị mẹ chồng, em chồng nó hành ngày 8 cữ = Khổ Khổ.
Còn chồng lâu lâu nó về thăm lần rồi nó đi mất tiêu = Hoại Khổ.

Vậy gom chung lại nó là một đống khổ.

↑ trở lên

Văn Tư Tu

Tùy thuộc ta sống nhiều với trần nào trong 6 trần mà ta sanh ra có đủ 6 trần hay không, có đủ 5 Uẩn hay không.

Và lý do tu tập tứ niệm xứ là để thấy rằng 5 uẩn dầu xa gần, thô tế, trong ngoài, xịn hay dởm (thắng hay liệt) nó cũng chỉ là 5 uẩn, không gì ngoài ra.

Đây chính là lý do vì sao các bậc thánh không thích cái gì không ghét cái gì. Nghe cho kỹ cái này.

Khi ta không thích cái gì thì ta cũng không có lý do để ghét cái gì. Vì sao vậy? Vì khi ta thích cái gì đó có nghĩa là ta đang kín đáo ghét cái ngược lại. Thí dụ, ta thích ấm ta ghét lạnh, khi ta thích mát ta ghét cái nực. Luôn luôn. Mà bậc thánh thì không. Vì không thích cái gì nên cũng không có ghét cái gì. Còn mình do có thích cho nên mới có ghét. Chính cái thích là cái gốc của cái ghét và cái ghét là nền của thích. Còn bậc thánh cả 2 cái đó ngài không có cho nên ngài không bị khổ.

Vị thánh có thể bị bệnh hoạn, vị thánh có thể bị tai nạn, vị thánh có thể bị tuổi già làm khó, làm khổ nhưng mà vị thánh nhìn cái khổ, cái khó đó như mình nhìn một cái cây đang héo vậy. Nói có hiểu không ta? Tức là vị đó không để cái cây đó làm khổ tâm của mình. Nghe kịp không?

Thí dụ, nhà mình có chậu cây lâu ngày không tưới nó bị héo, hoặc là mình ngủ một giấc sáng dậy thấy cái cây gió thổi bị gãy thì vị thánh nhìn cái thân có vấn đề giống mình nhìn cái cây ngoài thềm, ngoài ban công bị gãy vậy đó, lòng rất là nhẹ nhàng.

Có chuyện này rất quan trọng. Tất cả chúng ta hôm nay rồi sẽ già, rồi sẽ chết. Cái quan trọng nhất là phải học giáo lý ngay bây giờ. Vì nếu không chứng thánh đời này thì ít ra khi già, khi cận tử chúng ta cũng sẽ ra đi bằng sự thanh thản có được từ trí Văn (kiến thức có được từ nghe), trí Tư (có được từ suy nghĩ). Tối thiểu cũng phải có được cái đó. Đúng ra mình nói vậy hơi nghèo. Mình có quyền nhắc đến cái thứ 3 là trí Tu – kinh nghiệm mình thực tập thường ngày. Chớ không phải nói vậy mình không có trí Tu. Có nhưng mà ít nhiều là do thực tập.

Sẵn tôi nói luôn, đa phần Phật tử làm biếng học giáo lý. Đa phần là số nhiều. Cái thứ hai, rất nguy hiểm: Khi mình tự nghĩ mình có nhiều giáo lý rồi mình lại không quan tâm đến suy tư. Vì các vị phải biết cái này: Cái biết của người lười suy tư khác cái biết của người thường suy tư. Có biết cái đó không? Nó khác hay giống? Khác chứ. Một bên nuốt cái ực xong, còn một bên có tiêu hóa, vì có trường hợp ăn không tiêu nữa, rồi có trường hợp ăn bị tiêu chảy nữa. Có không. Và, có rất nhiều Phật tử học giáo lý xong bị tiêu chảy. Tự nhiên trở nên dễ ghét hơn. Lẽ ra mình ăn vào mình phải khỏe, đẹp da, đẹp tóc. Ở đây ăn vô bị tiêu chảy, bị đau bụng, bị mửa tùm lum. Mà trường hợp đó có. Các vị có thấy người học đạo càng học càng thấy ghét. Tôi thấy đầy lớp rồi đó.

Như vậy thì coi chừng: Học nhiều mà không có tư duy, hoặc là có tư duy mà không hành trì.

Trong Tăng Chi Bộ, phần Năm Pháp (trong Kalama có bài kinh đó), đức Phật dạy thế này: Người chỉ thường xuyên tụng đọc mà không có tư duy, không có hành trì gọi là saccayabahulo (chuyên gia đọc tụng), hạng thường xuyên suy tư không có hành trì gọi là takkabahulo (chuyên gia nghĩ ngợi). Chỉ có hạng thứ 3 biết cái gì sống hết mình với cái đó là dhamma vihari (người sống đạo). Chỉ có hạng này mới có thể đối phó với già, bệnh, chết.

Sẵn tôi nói chuyện này rất quan trọng.

Ngày nào chưa chứng thánh thì đừng bao giờ thấy đủ trong kiến thức, trong thiện pháp, vì sao vậy? Vì riêng mặt kiến thức, chúng ta có thuộc lòng Tam Tạng đi nữa, sau đây là những lý do không nên lấy đó làm đủ, là vì sao? Mình nhớ thế này:

(1) Cái biết của phàm phu luôn trong tình trạng cần chỉnh sửa có nhiều khi đập hết xây lại nữa.
(2) Cái biết của mình không đủ thay đổi con người mình, có nghĩa là tham, sân, si còn nguyên.
(3) Mình có mang được cái đó đi sang đời khác hay không? No. Những cái gì mình học hành bây giờ chỉ để lại chủng tử thôi. Chứ khiêng nguyên con là không.

Nếu các vị không tin, hỏi các vị một câu thôi: Những gì Bồ Tát Tất Đạt học với vô số chư Phật quá khứ Ngài có đem theo được từng kiếp không? Chỉ để lại thói quen, học lại nó nhanh, chứ không thể nào Ngài khiêng đi. Tới khi Ngài thành Phật, những gì Ngài giảng có phải là những gì Ngài học không? Không phải là toàn bộ, đúng không?

Đây cũng vậy. Cái đó rất quan trọng. Nhớ cái đó.

↑ trở lên

Thế nào là đủ?

Tại sao không nên lấy làm đủ với cái mình biết ?
• Thứ nhứt, vì kiến thức mình luôn luôn trong tình trạng cần chỉnh sửa.
• Hai, những cái đó không đủ làm thay đổi con người của mình vì sao vậy? Vì cái biết của mình không đủ. Cái biết của văn, tư, tu nó không có đủ.
• Cái thứ ba, mình không thể mang nó đi theo đời này kiếp khác.
• Cái thứ tư, cái biết của mình luôn luôn nằm dưới vô số người khác.

Trong khi đó, cái biết của thánh nhân thì không. Cái biết của tầng thánh Sơ Quả - tầng thánh thấp nhất, Cái biết của ông thánh dầu ông thánh đang ở cõi người hay cõi Đao Lợi thì cái biết về Bốn Đế của mấy ông Sơ Quả giống nhau. Có đồng ý cái đó không? Cái biết A La Hán dầu cõi Phạm thiên hay A La Hán cõi người giống nhau. Cái biết của các vị đó về Duyên khởi, về Bốn Đế giống nhau.

Riêng phàm phu mình thì không, 2 ông pháp sư Tam Tạng ngồi gần nhau đều thuộc cùng ngày cùng tháng cùng năm nhưng kiến thức 2 ông về 3 Tạng không giống nhau. Các vị có đồng ý cái đó không? Tại vì nó không có chuẩn mực căn bản. Thuộc lòng giống nhau, đúng, nhưng khi diễn giải thì mỗi ông có dấu ấn cá nhân trong đó. Có biết dấu ấn cá nhân không? Nhớ cái đó, cái đó rất quan trọng.

Ngày hôm qua tôi hỏi bà con: Để nửa ly nước trước 2 ông Tam Tạng. Một ông nói "còn tới nửa ly", một ông nói "chỉ còn nửa ly". Vậy là thấy mệt rồi. Có hiểu tôi nói gì không? Đám đệ tử theo ông kia nói còn tới nửa ly, nó thấy nhiều quá. Còn đám theo ông nói chỉ còn nửa ly là nó thấy ít quá. Chỉ riêng 2 cái đó là thấy tu học của đệ tử khác rồi. Khiếp vậy đó. Mà 2 ông đâu có nói sai. Ông nào cũng nhìn nhận, còn nửa ly hết, mà cách nói, thái độ tâm lý, cảm xúc nhận xét, quan điểm, lập trường, chủ trương mấy ổng nó khác. Chỉ nửa ly nước mà mỗi ông nói một cách.

Có những vị khi trình bày về Phật pháp họ trình bày về hướng cộng, và có vị trình bày về hướng trừ. Các vị có nghe không? Hướng cộng là mình nghe tự nhiên mình có hứng mình muốn luân hồi nữa, mình muốn thành Phật, mình muốn độ sanh, mình muốn kiếp sau sanh ra giàu, đẹp, đệ tử rần rần, cất chùa, tụng kinh niệm Phật, cả hành tinh thành đạo tràng. Có nhiều vị họ giảng mình nghe mình muốn vậy lắm.

Nhưng có nhiều vị, họ giảng mà chỉ muốn vô trong núi đi tu liền vậy đó. Có không?

Như tôi nói thiệt, nếu qua làng Mai thích lắm. Làng Mai mỗi ly nước mình uống vào là cả 3 đời tổ tiên, uống 4000 năm văn hiến, và mỗi giọt nước mắt của con có mây trời, mưa, suối, nguồn, thác, tùm lum hết. Từng giọt nước được chuyển hóa vào lòng con sau đó lên trời thành mây, mình thấy mình muốn sống nữa.

Nhưng có nhiều vị chẳng hạn bên Miến Điện có ngài Shwe Oo Min, ngài xanh lè, ốm nhách, khô queo, mà nhìn có ai sướng chứ tui nhìn ngài tui muốn Niết Bàn luôn vậy đó. Hiểu không?

Cho nên, người phàm mình, có 4 cái:
(1) Cái biết đó luôn luôn trong tình trạng cần chỉnh sửa
(2) Cái biết đó không đủ thay đổi con người mình
(3) Cái biết đó mình không thể mang theo đời đời kiếp kiếp. Chỉ cần bị cái gì gõ cái boong cái là không chết, chỉ khùng thôi. Là xong. Đúng không?

↑ trở lên

37 Bồ Đề phần.

37 Bồ Đề phần là sao? Nói 37 Bồ đề phần cho nó sang, thật ra nó chính là 13 + 25 thôi. Nghe kịp không?

Vấn đề là tại sao nó được xem là 37? Là bởi vì thế này: Ngày hôm qua tôi có nói, đường vào rừng chính là đường ra rừng. Vấn đề là coi mặt mình hướng về cái gì? Cũng có mặt trên con đường đó mà lưng mình đưa về phố là mình đang vào rừng. Cũng con đường đó, mặt mình đưa về phố là mình đang ra rừng.

Mình vẫn có Từ bi, Chánh niệm, Trí tuệ, Thiền định, Kham nhẫn,… nhưng mà lòng mình hướng đến chuyện chấm dứt sanh tử thì mình đang giải thoát; Còn nếu mình sống bằng (13 + 25) mà lòng muốn tiếp tục sanh tử thì lúc bấy giờ lòng mình đang quay mặt vô trong sanh tử, mình đang đi vào sanh tử. Và, trong vô số kiếp luân hồi, chúng ta đã từng là Phạm thiên cõi cao nhất – Phi tưởng phi phi tưởng. Chúng ta từng là người bị đọa ở cõi địa ngục sâu nhất.

Sâu nhất là sao?

Trong kinh nói có cõi địa ngục tên là Cõi địa ngục sen hồng. Thật ra sen hồng là dịch gượng, rất là gượng. Chữ Pāli Paduma có 2 nghĩa, bản Hán dịch là hồng liên, còn ý nữa là tên của một con số. Chẳng hạn trong toán học hiện đại nó có một con số Gogon = 10^160, còn A-tăng-kỳ = 10^140. Biết lũy thừa không? Còn con số Paduma không tính bằng số zero được mà tính thế này: có một cái thùng, mỗi cạnh 2m, trong đó đựng đầy hột mè, mỗi 100 năm lấy ra 1 hột, lấy chừng nào hết thùng đó thì thôi.

Nói tới đây tôi nhớ một chuyện. Ngày xưa có một ông vua bên Tàu ổng muốn khen thưởng ông quan có công, hỏi Khanh muốn cái gì? Ông quan nói, dạ thần chỉ muốn bệ hạ cho thần lúa gạo để đem về làng của thần cho dân nghèo nó ăn. Ông vua hỏi, khanh muốn bao nhiêu? Nói, dạ đổ đầy bàn cờ tướng thì thôi. Ở đây, ai biết chuyện đó không? Ông vua nói, đầy bàn cờ tướng, trẫm cho khanh 1000 bàn. Ổng nói, không đừng nói vậy, đầy một bàn thôi. Tới hồi kiểu bội số (2 lũy thừa 64), ông vua ổng khùng luôn.

Tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lý của mình mà 37 đó là con đường trở lại cảnh giới nhân thiên hay là con đường chấm dứt sanh tử.

Các vị cũng biết, trong ngành dược của thế giới bây giờ, nó có những chất mà có thể chữa bệnh hoặc giết người có đúng không? Tùy mình dùng nó vào mục đích gì. Ở đây cũng vậy, thiện pháp của mình, có người còn có lòng cầu sanh tử, tất cả thiện pháp là chất liệu luân hồi. Khi có lòng giải thoát thì tất cả thiện pháp là chất liệu giải thoát hết.

↑ trở lên

Lửa

Chúng ta có đồng ý với nhau một chuyện thế này. Toàn bộ nền văn minh nhân loại đều gắn liền ngọn lửa, có đúng không? Con người bắt đầu văn minh khi nào? Khi biết xài lửa. Hồi đầu là tận dụng lửa rừng, sau đó lửa do mình nhen nhóm, rồi từ đó người ta mới biết nấu nướng, làm gốm, rồi mới biết đun chảy kim loại,…Cũng chính lửa đã thiêu hủy tất cả các nền văn minh nhân loại, có đúng không? Thí dụ, cung A Phòng của Tần Thủy Hoàng bị Hạng Vũ đốt cháy trong 3 tháng. Đại học Nalanda của Phật giáo, thuở cực thịnh, có đến 15.000 sinh viên toàn cầu về học, có 3.000 vị giáo sư dạy cho 15.000 sinh viên, lực lượng hùng mạnh như vậy. Ngài Huyền Trang ngài Giới Hiền đều là người ở đó. Khi Hồi giáo họ vào họ đốt phải mất mấy tháng mới đốt hết trường Nalanda.

Như vậy, mình thấy nền văn minh Constantinople của Thổ Nhĩ Kỳ, nền văn minh A Phòng của Tần Thủy Hoàng, nền văn minh Nalanda của Ấn Độ,… tất cả đều là bị lửa nó hủy hết. Các vị đồng ý cái đó hả? Và, chúng ta cũng biết rằng, luật vần xoay của thế giới: Một cây thông có thể làm ra 1 triệu que diêm, 1 que diêm có thể đốt cháy 1 triệu cây thông.

Lửa như công đức vậy. Chính công đức nó tạo ra mọi thứ, làm nền cho Phật trí, Phật đạo, làm nền cho các cảnh giới nhân thiên, nhưng cũng chính tâm thiện nó đẩy chúng ta vào cái khổ.

Tôi hỏi các vị nha. Ở đời này mình mê cái gì? Mình mê cái ngọt đúng không? Mà cái ngọt là do cái thiện nó tạo ra phải không? Chúng sanh phàm phu anh nào cũng có tham ái hết. Nhưng tham ái nổi bật là tham ái của mấy anh có phước, đúng không? Chứ thí dụ bây giờ, nói xin lỗi, mình nhìn cái hầm cầu thì tụi nó cũng là tham ái vậy nhưng nó không phải là biểu tượng của tham ái. Nhìn thế giới con người mới thấy khiếp. Các vị đặt chân vào mấy resort, mấy cái spa, hoặc mấy chiếc cruise du thuyền các vị mới thấy tham ái của chúng sanh dễ sợ. Chưa hết, các vị về trời, các vị thấy đời sống của chư Thiên, mỗi cha một lâu đài bằng vàng, bằng 7 báu mà cao cả trăm cây số, vàng rực, và nó di chuyển trong mây, dĩ nhiên ở đó ngoài khí quyển nhưng cái mây đó là do họ muốn. Thơm phức và mát lạnh, sung sướng, họ sống mấy chục triệu năm, đẹp lộng lẫy.

Trong kinh nói, một người đủ phước sanh thiên, trong hình hài già cỗi, xấu xí, bệnh hoạn này, chỉ cần nó đủ phước nó hước một hơi thì nó sẽ có cảm giác giống như nó thức dậy. Thức dậy từ một giấc ngủ nặng nề. Đang ngủ giật mình nghe âm thanh du dương, thơm ngát, mát lạnh, và nghe tiếng "Welcome to Tavatiṁsa, xin chào mừng bạn đến với Đao Lợi." Đã vậy đó.

Ngược lại, địa ngục thì sao? Khi đọa địa ngục trong kinh nói giống như mình giật mình thức dậy mình thấy mình ở trong lò bánh mì vậy đó. Nó nóng rần rần, lửa cháy mà nghe tiếng rên la, gào thét, van xin, rồi mùi tanh của máu, mùi than, mùi lửa, mùi củi, mà nhiệt độ ngàn độ. Gớm ghê nhất là nghe mùi tanh của máu, mùi hôi thối của phẫn và nước tiểu, và tiếng gào thét trong đó. Đó là đi địa ngục. Khi tôi bị cảm, tôi đi xông hơi là tui cứ nhớ trong kinh nói. Mình trùm cái mền lên xông mũi, tôi nói cỡ này đủ khùng rồi, không cần hơn nữa chứ bắt tôi xông trong 1000 năm thì chết luôn. Ở đây có ai xông, biết không? Nó ngộp mà nó nóng dữ lắm.

Cứ như vậy, dòng luân hồi không biết bao nhiêu lần chúng ta bị xông như vậy. Các vị biết nhiều người họ sợ kim dữ lắm. Họ thấy xách cây kim là họ ớn rồi. Rồi thấy mấy cái mâm để dao kéo, đẩy vô, khẩu trang, là thấy lạnh lắm. Có cái này mới ghê, tiễn nhau phi trường còn hi vọng gặp nhau chứ tiễn nhau vô phòng mổ chưa chắc trở ra. Dòng luân hồi chuyện đó được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

↑ trở lên

Tại sao mình phải học đạo?

Giờ tôi trở lại 37 Bồ Đề phần.

Phải nói những chuyện ngoài lề cho các vị thấy: Tại sao mình phải học đạo? 37 Bồ đề phần chính là nội dung của (13+25), nhưng tùy thuộc căn cơ của mình mà nó được gọi là (13+25) hay được gọi là 37 Bồ đề phần. 13+25=38, vậy mình kêu tắt 38 đi nha. Tùy thuộc căn cơ của mình mà nó là 38 hay 25. Nhớ cái đó.

Một chuyện quan trọng nữa. Nghe cho kỹ.

Tùy vào chuyện kiếp xưa ta sống nhiều với 14 hay sống ít và trong 14 đó ta sống nhiều với cái nào trong 14, cho nên, bây giờ khi ta tu tập cái 25 của mình nó theo đó mà bị ảnh hưởng. Nghe kịp không? Cho nên, trong kinh mới nói, những đề mục tu tập Tứ Niệm Xứ, là gồm: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Những đề mục đó, mình hợp đề mục nào là do 14, 25 của mình kiếp xưa. Cái này phải vô tìm trong Thanh tịnh Đạo chứ ở đây tôi không có nói hết.

Trong Thanh Tịnh Đạo, phần giảng về đề mục bất tịnh, trong đó nói rằng: Có những người thích người khác phái chỉ thích giọng nói, thích nụ cười, ánh mắt, thích cái duyên dáng, thích cách hành xử, hoặc có người họ thích cái hình thể, thâm xác của người khác phái. Hoặc có người thích ăn ngon, có người thích mặc đẹp, có người thích cái gì đó trong đời sống vật chất.

Tùy thuộc vào cái thích đó mà khi lựa đề mục tu tập, mình phải lựa cái mà nó thể giúp cho mình phá được cái thích đó. Có hiểu không?

Có những người họ nặng về chuyện ăn uống, họ nặng chuyện áo quần, thì phải tu đề mục nào thích hợp để nó phá cái đam mê đó. Để không còn thích nữa. Chứ không phải đứa nào cũng đè nó ra: Niệm Phật đi con, niệm Phật đi con. Buổi đầu thì gượng, nhưng buổi sau muốn đi sâu là mình bệnh đâu phá đó. Bị nhức răng thì mình không thể nào cho nó uống thuốc xổ được. Nhức răng phải đè ra nhổ răng hoặc lấy chỉ máu chứ không thể nào bệnh này chữa thuốc kia.

Có những cái, thí dụ đề mục niệm Phật chỉ thích hợp cho người nhiều niềm tin. Người trí nhiều thì họ phải niệm đề mục về sự chết, về bốn đại, hoặc là trong tam tướng, thì trong kinh ghi rất rõ:

  • Người đức tin nhiều, khi quan sát Danh- Sắc họ thấy khía cạnh Vô thường rõ.
  • Người định nhiều, khi họ quan sát, theo dõi thân tâm vào ra buồn vui, thiện ác thì họ thấy cái Khổ rõ. Người Định nhiều mặn mà với khía cạnh Khổ. Có người họ quan sát Danh- Sắc là cái mà đập vô đầu họ, họ thấy đời là Khổ.
  • Trí mạnh thì thấy Vô ngã nổi bật. Họ nhìn vào họ thấy nó là sự lắp ráp, ở đó không có tôi, không có ta, ông A, bà B gì hết, chỉ thấy là đồ ráp không. Không có một chiếc xe nào trong đống phụ tùng và cũng không có đống phụ tùng nào trong chiếc xe. Là vì sao? Vì ráp cái đống đó lại nó ra “chiếc xe”, mà tháo chiếc xe ra thành đống phụ tùng. Cái này phải la người trí họ mới mặn mà với khía cạnh Vô ngã.

Có người nhìn ở đâu cũng thấy Khổ. Còn có người nhìn đâu cũng thấy gãy đổ, điêu tàn, Vô thường. Có người họ nhìn đâu họ cũng thấy: Có cái gì đáng gọi là tôi? Họ nhìn cái sự lắp ráp. Tùy vào căn cơ mỗi người.

Đề mục thích hợp là gì? Có 2:
1. Thích hợp vì khi mình tu tập đề mục đó Niệm, Định, Tuệ mình nó mạnh.
2. Nhưng nó còn trường hợp thứ hai là thích hợp vì sau này mình đắc đạo với cái gì.

Giống như tôi hay dùng ví dụ đứa bé nhà quê lên phố học, nhớ không? Ông bố với bà mẹ bàn với nhau: Cho về ở với cậu Ba thì cậu Ba cưng chiều, ở với cậu Ba sướng lắm. Nhưng kềm cặp để lấy bằng thi đậu là cậu Tư. Như vậy, cả 2 cậu đều thích hợp hết, đúng không? Muốn con mình ở sướng thì cho về ở với cậu Ba. Cậu Ba cưng cháu lắm. Chứ giao cậu Tư, thấy cậu Tư khó mà mình nóng ruột luôn. Nhưng mà nếu nói kềm cặp, học hành là phải nói cậu Tư. Cho nên, "OK, tùy, up to you."

Có người giống như cô đó, cổ đẹp rồi trai làng theo đuổi cổ, đứa thì giàu mà xấu, đứa đẹp mà nghèo. Má cổ thấy cổ đi một lúc 2 đứa luôn, nói: Giờ con tính sao? Con làm một lúc 2 đứa coi kỳ lắm con. Nó nói: Con tính rồi, ban ngày con ở nhà cha giàu mà xấu, ban đêm về ở với cha đẹp mà nghèo.

Hiểu không? Có nghĩa là mình tu, có nhiều khi mình lựa, mình thích hợp cái nào mình theo cái đó, khi tâm nhuần nhuyễn rồi. Tại có những đề mục mình biết nó giúp mình phá được phiền não, nhưng mình ớn nó quá. Thí dụ, đề mục tử thi, mình nghĩ chỉ có tử thi giúp mình phá được ái, nhưng nhìn nó ớn quá, thôi giờ mình nằm nhà mình tu hơi thở cho nó chắc ăn. Khi nào nó vững rồi, hết sợ ma mới kiếm cái kia ra mà ngồi. Nó có trường hợp đó.

Phật tử Việt Nam không có cơ hội đó đâu. Chứ bên Thái Lan, có những bệnh viện từ ông sếp đến bác sĩ, y tá đều là Phật tử hết. Khi mình có nhu cầu, mình đề nghị, bệnh viện họ sẽ tạo điều kiện cho chư tăng cả chục vị đi vô phòng mổ ngồi coi chơi vậy đó. Coi giáo sư với mấy sinh viên thực tập làm việc. Vô nó cắt ngang, nó lật cái tóc lên là còn cái sọ dừa không, rồi nó mới tách mấy cái khớp ra cho mình coi trong nguyên một nùi, nguyên hũ chao trong đó, rồi kéo ra cái rẹt, nó banh ra, nó đem nguyên chùm để đây: Gan, bao tử,… bên Thái Lan có chuyện đó.

Tôi có nhiều hình đó lắm, mà giờ giữ lâu quá thấy ớn, thấy ghê quá.

Hôm nay tôi giảng các vị thấy nó hơi mất vệ sinh. Nhưng phải có một ngày các vị đi 3 bước thế này:
• Bước 1: Thích cái này thích cái kia.
• Bước 2: Nhìn đâu cũng gớm.
• Bước 3: Không còn thích gì hết và phải kèm không còn gớm thì mới ok, chứ kiểu không biết dơ thì thua.

↑ trở lên

Thiện Ác Buồn Vui

Bốn định nghĩa: Thiện – Ác – Buồn – Vui.

Thiện = 6 căn biết 6 trần bằng (13+ 25 ) => Sau này sanh ra có 6 trần như ý.
Ác = 6 căn biết 6 trần bằng (13+14) => Tạo ra 6 trần bất toại.
Khổ = 6 căn biết 6 trần bất toại.
Lạc = 6 căn biết 6 trần như ý.
Như ý = Thiện (13+25).
Bất toại = Ác (13+14).

Người không tu học, khi 6 căn biết 6 trần như ý hay 6 căn biết 6 trần bất toại thì họ lại quay lại với công thức (13+14). Người có tu học khi biết cảnh bất toại hay như ý họ quay lại với (13+ 25). Chính vì 6 căn biết 6 trần bằng (13+25) cho nên sau này mình sanh ra mình mới có 6 trần như ý. Còn (13+14) nó sẽ tạo ra 6 trần bất toại. Nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Nó còn phần sau mới ghê. Người có tu học, dầu biết cảnh bất toại hay như ý vẫn quay lại với công thức (13+25). Còn người không tu học, dầu bất toại hay như ý vẫn là (13+14). Đó là nói về công thức cho nó hơi technique.

Giờ nói bình dân. Người có tu học khi chịu quả lành, quả ác đều lấy đó làm cơ hội tạo nhân lành. Người không tu thì quả ác hay quả lành đều tạo ra nhân xấu. Hiểu không? Nó sáng trưng rồi đó. Nguyên chuyện tu hành có nhiêu thôi. Người có tu khi gặp quả ác, quả lành là điều kiện tạo nhân lành. Mình không có tu gặp quả ác, quả lành là điều kiện tạo nhân xấu.

Giờ học tới cái thứ 3 mới ghê. Câu C nè.

Trong 14, nói gọn là Tham – Sân – Si. Khi mình sống nhiều với Tham là "Luôn đi tìm 6 trần như ý để thích". Mặc dù trong đời sống có mặn có ngọt, nhưng tên nào tham nhiều thì nó có khuynh hướng đi kiếm cái ngọt. Trong kinh nói cái này mới hay:

Trong bãi cỏ có đủ thứ chua cay mặn ngọt nhưng con kiến có xu hướng kiếm ngọt.

Người Tham nhiều, 14 của họ thì Tham nổi bật. Người Sân nhiều thì trong 14, Sân nổi bật. Người Tà kiến nhiều thì trong 14 Tà kiến nổi bật. Người Nghi nhiều thì trong 14 cái Nghi nổi bật.

Ở trên là công thức gọn. Giờ nói công thức chi tiết.

Người sống nhiều 14, khi gặp cảnh bất toại, Sân xuất hiện, gặp cảnh như ý thì Tham xuất hiện.
Tà kiến Hoài nghi chen được vào cái nào trong 3 cái? – Tham.
Còn Hoài nghi chen được vào cái nào trong 3 cái? – Si.

Nói tắt là 14 nhưng không bao giờ 14 có mặt cùng lúc hết. Có khi các vị tham nhiều thì mình giống như con kiến, đi tìm cái ngọt. Trong kinh nói nhiều cái hay lắm. Còn người tâm sân nhiều, giống như cục sắt. Nó luôn có khuynh hướng hấp thụ cái gì mặn, trong room biết cái đó không ta? Thí dụ, gần biển gió mặn, cái gì mình thấy dấu hiệu nước mặn hiện rõ nhất? Hiểu không? Tâm sân nhiều như cục sắt. Tâm Tham nhiều như con kiến vậy. Có nghĩa là: Nước biển khi gặp ngọt, đắng, chát nó không hiện rõ nhưng cục sắt có khuynh hướng đi tìm cái mặn để xác định "tôi là cục sắt."

↑ trở lên

Tham & Sân

Chắc các vị cũng ngạc nhiên thời đức Phật làm gì có sắt. Thời đức Phật có sắt – tiếng Pāli là ayo = cục sắt. Hôm nay chúng ta biết rằng tại Ấn Độ có cái Iron pillar – cột sắt 1500 năm không rỉ, công nghệ luyện kim người Ấn Độ đi từ rất là lâu cho nên người ta biết đến Sắt từ rất là lâu.

Trong luật quy định, bát của chư tăng chỉ làm bằng 2 thứ vật liệu thôi: Sắt (ayopatta) hoặc bằng đất (mattikāpatta). Hôm nay các vị giàu sang không thể làm bát bằng cẩm thạch, bát bằng vàng - nhưng vậy là sai luật. Luật chỉ cho là dùng bằng sắt. Cho nên, hôm nay bên Miến Điện du di là inox có thể dùng như sắt được. Không được dùng quý kim hay kim loại độc như chì hay đồng. Cái đó có trong luật; rất là khoa học.

Tôi nhắc lại. Nói đến phiền não là nói 14. Thực tế, có người Tà Kiến nặng, có người Tham nặng, có người Si nặng, và cứ khi gặp trần cảnh như ý và bất toại thì anh Tham nhiều có khuynh hướng tìm cái ngọt. Cho nên khi ảnh gặp cảnh bất toại ảnh sao ta? Bắt buộc phải ghi công thức mới. Tham có 2. Sân có 2.

Tham có 2: Muốn có được cái mình thích & Muốn tránh cái mình ghét. Đó là 2 cái tham.
Sân có 2: Bất mãn vì phải gặp thứ mình ghét & Bất mãn vì không có cái mình thích.

Hiểu hả? Như vậy thì qua 2 định nghĩa mình thấy rõ ràng: Đối với người Tham nhiều gặp cảnh đắng hay ngọt họ đều có thể tham. Còn anh Sân, ảnh gặp cảnh đắng hay ngọt đều có thể sân. Vì sao vậy? Gặp cảnh đắng ảnh, cảnh chát, ảnh chua ảnh sân đúng rồi. Gặp cảnh ngọt, ảnh cũng sân. Vì sao? Vì ảnh không thoải mái vì ảnh không chịu được sự vô thường của nó. Hiểu không?

Trong room có hiểu trường hợp đó trong đời mình không? Tôi nhớ nhà thơ Cung Trầm Tưởng có câu thơ rất là đời:
“Ôm em trong tay hôm nay mà nhớ em ngày tới”.
(Có nhau trong tay nhưng cứ nghĩ ngày mai mất.)

Một người bên Úc, một người bên Pháp, người bên Hà Lan gặp nhau, ít bữa chia tay mỗi đứa đi về một nơi. Bây giờ đang gặp nhau mà tự nhiên nó buồn trước rồi. Cho nên nhà thơ Du Tử Lê có một câu thơ mà tôi rất là thích:
“Vết răng tháng chạp, dấu bầm tháng 2”.

Trong room có hiểu cái đó không? Câu đó nó hay ghê lắm. Anh nào đầu tào lao nghe nó rất là đời, nhưng anh nào biết Phật pháp thì câu đó hay lắm.
"Vết răng tháng chạp, dấu bầm tháng 2" là sao? Tức là, ngay bây giờ mình gặp nhau là đã tham, sân, phiền não rồi = tức là Vết răng tháng chạp. Còn dấu bầm tháng 2 là mai này khi chia tay rồi, về bên kia nó tiếp tục phiền não khi nghĩ về nhau, có đúng không? Cho nên cắn nhau tháng này mà bầm tháng sau là vậy đó.

Tại sao phải tu Tứ Niệm xứ? Tu Tứ Niệm Xứ là không có chuyện dấu răng tháng này dấu bầm tháng khác. Tu tứ niệm xứ là mọi thứ tại đây, bây giờ - right here right now. Cho nên, người tu Tứ niệm xứ: Chuyện đầu tiên, dầu cảnh như ý hay bất toại, người tu Tứ niệm xứ đều lấy đó làm nhân lành. Thứ hai, nếu giả như có phiền não thì người tu Tứ Niệm Xứ chỉ phiền não ngay lúc đó, không có phiền não trước phiền não, không nghĩ chuyện cũ để phiền não, không nghĩ chuyện sắp tới để phiền não. Sâu chỗ đó. Học A Tỳ Đàm mới thấy chỗ đó.

↑ trở lên

Nghiệp

Như vậy, bài giảng bữa nay là cái gì?
Chuyện thứ nhứt, trong vòng luân hồi, đương nhiên chúng ta do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống chúng ta tạo các nghiệp thiện ác, có lúc thiện nhiều ác ít. Nói tới đây nó lòi ra chuyện nữa.

Chúng sanh trong đời có 3 hạng :
• Hạng 1: Thiện > Ác.
• Hạng 2: Ác > Thiện.
• Hạng 3: 50-50 Thiện – Ác.

Sẵn tôi nói luôn chuyện hơi lạc đề nhưng sợ quên. Chuyện Hộ niệm:
• Người Thiện > Ác: Không cần ai hộ niệm
• 50-50 Thiện – Ác bằng nhau phải có hộ niệm mà phải có nhắc nhở.
• Nhưng Ác > Thiện : Rất khó.

Dĩ nhiên, cái đó là nói tổng quát. Nói chi tiết thì nhiều hơn là nhiều ở mức nào. Và, thiện – ác bằng nhau là sao? Vì thiện, ác nó vô hình làm sao mà tính, làm sao mình đo bằng cân, bằng mét, bằng thước được? Thì tính thời gian sống thiện sống ác cái nào nhiều hơn.
Chưa hết. Càng nói càng lạc đề mà không nói lại quên.

Để nói rằng nghiệp đó là nghiệp thiện nặng hay nhẹ, mạnh hay yếu còn tùy thuộc nhiều lý do:
• Đó là nghiệp đáo đại hay nghiệp dục giới.
◦ Nghiệp đáo đại: Tầng thiền càng cao cho quả càng mạnh.
◦ Nghiệp dục giới, gồm nghiệp thiện & nghiệp ác.

Dục giới là cái gì? Chúng sanh chia 3 cấp:
• Cấp 1: Dục giới = sống chết buồn vui trong 5 trần cảnh .
• Cấp 2: Chán dục thích ngồi thiền bằng đề mục vật chất
• Cấp 3: Vô Sắc = Chứng thiền sắc, chán, tu tập đề mục Vô Sắc.

Nghiệp đáo đại từ thiền Sắc trở lên, tầng thiền càng cao thì cho quả càng mạnh, càng nặng.

Nghiệp Dục giới thì khác. Thiện Dục giới nó tùy thuộc 3 điều kiện:

1. Đối tượng mình tạo nghiệp: là tập thể hay cá nhân? Có đức độ hay không có đức độ?

2. Tâm trạng lúc mình tạo nghiệp mạnh hay yếu: Thí dụ tâm Tham vô trợ thọ hỷ khác tâm hữu trợ. Hiểu không? Tâm sân cũng vậy. Tâm Sân vô trợ mạnh hơn hữu trợ. Hữu trợ = Bị tác động. Thí dụ, có nhiều khi chuyện đó mình không giận lắm, mà do người ta tác động mình tức. Nhiều khi không giận thằng đốt nhà mà giận thằng hút gió, có biết không? Có biết cái đó không? Thí dụ, vợ chồng người ta gây nhau vậy, có gì đâu “Trời ơi, chị hay quá nghe, em vậy là em bỏ lâu rồi”, nó độc hơn vịt xiêm nữa đó, độc lắm. Đó là nói với bả. Xong qua nói ổng “Nhìn bả em tiếc cho anh, hồi đó anh lấy con Lan thì đỡ quá rồi ”. Mà cứ như vậy, 2 vợ chồng nó chém nhau, mình về mình trùm mền ngủ. Thứ đó nó còn ác hơn thứ chém nhau nữa. Bởi, người ta thù thằng hút gió hơn thằng đốt nhà là chỗ đó. Theo dân gian, hút gió = kêu gió về. Thì tâm sân đó tâm sân hữu trợ.
Còn tâm tham hữu trợ là sao? No, không muốn ăn nữa, nhưng thấy bánh xèo chiên giòn quá, cũng ráng làm miếng; no, mà thấy pizza mỏng quá cũng làm miếng. No mà thấy nấm hơi bị nhiều, làm miếng. No mà thấy ớt khô hơi nhiều, bỏ cũng uổng, làm miếng; Đó là tham hữu trợ. Hoặc là thấy cái mặt nó không đẹp lắm nhưng thấy hơi thơm thơm thấy cũng được. Thì cái đó gọi là hữu trợ.

3. Tác dụng của hành động: Thí dụ bây giờ tôi gặp vị A La Hán tôi thương quá, mà lúc đó hết giờ cơm rồi, tôi cúng ngài trái xoài thì trên nguyên tắc ngài nhận, ngài vẫn nhận vì lòng đại bi thì ngài nhận. Trong khi đó, cũng trái xoài đó mà hồi nãy khi ngài chưa có đồ ăn mà tôi cúng cho ngài là tôi khỏe quá rồi. Hoặc là ngài sắp rời khỏi Thụy Sỹ tôi cúng cho ngài cái mền lông thì các vị nghĩ sao? Mà trong khi mấy ngày nay ngài lạnh run vật vờ không ai cúng. Tới bữa nay vé đã sẵn, ngài sắp lên máy bay thì tôi quỳ xuống, đội lên đầu “Đây là cái mền tốt nhất Thụy Sỹ chịu được 200 độ âm”. Ngài nói “Con à, cảm ơn con mà con cúng lộn rồi, mấy ngày nay trẫm lạnh muốn chết con không cúng, nay trẫm sắp bay con mới cúng, mà con biết trẫm đi đâu không? Trẫm bay Ấn Độ, mùa hè nè” Cúng thêm tội nữa.

Cho nên,
• Một là Đối tượng: Cá nhân hay tập thể, đức độ hay không đức độ.
• Hai là tâm trạng: Tâm thiện hợp trí hay ly trí, hữu trợ hay vô trợ, thọ hỷ hay thọ xả, hào hứng hay hờ hững, bị tác động hay tự phát mãnh liệt. Còn tâm bất thiện cũng vậy, có đi với tà kiến hay không, có bị người ta tác động hay không? Nghe kịp không?
• Thứ ba, là tác dụng của hành động. Thí dụ, mình giận mình tát nó cái nó khác mà mình giận mình đâm nó cái khác. Vì tác dụng của 2 cái đó nó khác nhau. Hiểu không? Nhớ, tác dụng của hành động; Giống như ngay cả việc thiện cũng vậy.

Trong Tương Ưng đức Phật dạy thế này: Cũng là Bố thí, cũng là Phục Vụ, cũng là Cung kính nhưng công đức nào để lại tác dụng cho đại chúng thì không giới hạn số lượng, để lại hiệu quả cho đám đông và trong thời gian dài thì công đức đó lớn hơn cho một cá nhân, và để lại trong thời gian ngắn.

Trong kinh đức Phật dạy thế này, đó là:
Trồng rừng, làm cầu, làm đường, đào giếng nước, thì Ngài nói đó là những công đức mà đối tượng không hạn chế, đúng không? Mình không biết bao nhiêu đứa sẽ đi trên con đường đó, và thời gian thì cũng khó, vì con đường biết bao lâu cho hết đi. Cầu, đường, giếng nước là công đức vô lượng, vì đối tượng trên đó là không thể kể xiết. Bởi vì tác dụng rất lớn.

Dầu cúng dường cái gì đi nữa, nếu nói về phước bố thí không cái nào bằng cúng dường Tứ phương tăng. Mà trong chú giải ghi rõ. Nghe cho kỹ. Cho dầu cất một cốc lá, mỗi cạnh chỉ có 2m thôi, đủ để cho một người nằm, bằng lá, với tác ý rằng: "Tất cả người xuất gia tu hành đều có thể ngủ, nghỉ qua đêm, tu hành thiền định, sống an lạc trong chòi lá này, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, pháp môn, chỉ mong tất cả hàng xuất gia đều có thể ngủ, nghỉ qua đêm, suốt ngày, có chỗ này để nghỉ ngơi, dưỡng bệnh, và tu tập". Thì với tác ý đó công đức là vô lượng.

Trong khi mình cất chùa to Phật lớn mà chỉ mong trở thành đại gia được lưu ý thì phước nhỏ xíu. Vì sao? Vì cái lòng mình hướng tới là sự nổi tiếng. Trong khi người ta cất cái chòi lá, mà nhất là Miến Điện, trong mấy khu rừng có nhiều hành giả, chư tăng hay đi ra đi vào. Bên Thái Lan cũng có, mấy vị “thu-đông” = dhutaṅga, tức là mấy vị trì hạnh đầu đà. Mấy bìa rừng đó mà xa xa quý vị làm mấy cái chòi lá, với lòng nghĩ mấy cha sẽ có chỗ trú nắng, trú mưa. Thì công đức đó là coi như vô bờ.

Mà rất tiếc mình không học giáo lý tối ngày vô gặp mấy thầy “cúng đi con cúng đi con” mà không dạy cho mấy cái này. Không chịu dạy mấy cái vụ này. Một cốc lá mỗi cạnh 2m. Tại sao phải 2m? 2m là chiều dài tối thiểu để một con người có thể nằm. Trong kinh nói hoan hỷ lắm, chỗ nào nằm được, chỗ đó ngồi được. Cho nên, mỗi cạnh 2m là mình đứng được, ngồi được, nằm được. Mỗi cạnh 2m hết, đó là minimium, còn nếu rộng hơn là công đức vô lượng.

Cho nên, ở cõi Dục, phước và tội tùy thuộc 3 điều kiện đó.

Riêng ở cõi thiền, tầng thiền càng cao thì công đức càng lớn. Vì sao vậy? Vì độ ly dục càng cao, và sự vắng mặt của phiền não cũng càng nhiều.

Như vậy, tôi nhắc lại. Nghe kỹ.
• Tùy thuộc tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống mà ta sống nhiều 14 hay 25. Đó là một chuyện.
• Chuyện thứ hai, đối với người có tu gặp quả lành hay quả xấu họ đều lấy làm điều kiện tạo nhân lành. Người có tu tập bị chửi vẫn lấy đó làm điều kiện để tu, người ta quỳ xuống người ta lạy mình cũng lấy đó làm điều kiện để tu. Trong khi người không có tu học, khi bị chửi, phiền não, khi được người ta cung phụng, hầu hạ, lễ lạy phiền não. Như vậy, mìn nhắc lại, người không có tu, khi gặp quả lành hay quả xấu đều tiếp tục tạo nhân xấu. Còn người có tu, dầu gặp quả lành hay quả ác đều lấy đó làm điều kiện tạo nhân lành.
• Còn một chuyện rất quan trọng: Tùy thuộc việc ta sống nhiều với phiền não nào.

↑ trở lên

Dục Thiên & Phạm Thiên

Bà con nhớ 28 sắc pháp không? Tùy thuộc khuynh hướng tâm lý của mình mà lòng mình nó chốt lại ở thứ sắc pháp nào, lòng mình có thiết tha với sắc pháp hay không? Nếu có lòng mình thiết tha với thứ sắc pháp nào?

Có người sống nhiều với mắt = coi trọng cảnh sắc.
Có người họ sống nhiều với lỗ tai, họ chú ý âm thanh, với tiếng động.
Có người họ chú ý nhiều đến giới tính.

Người sống ly dục họ sẽ đi về cảnh giới không có giới tính, ở đó không có khí, vị, xúc. Phạm thiên dầu có mắt, tai thì cảnh Sắc trên đó không phải để họ thưởng thức, hưởng thụ. Chẳng qua vì họ còn vướng một chút vật chất trong đề mục cho nên họ mới về cõi mà nó có nhà, cửa, khu vườn nhưng không phải là chỗ để họ thưởng thức.

Trong Chú giải nói hoa viên trên Phạm thiên nó là cái gì? Nó là chỗ phản ảnh chỗ ngày xưa họ ở dưới này thôi. Chỗ họ tu thiền dưới dây thôi, chứ không phải chỗ họ thưởng thức như ở cõi Dục.

Còn mấy ông Dục thiên, thì các lâu đài ở cõi Dục thiên là do lòng thiết tha của họ ở cõi Dục. Thí dụ, ngày xưa ở cõi người tôi thiết tha kiến trúc Tây Ban Nha thì khi về trời, lâu đài tôi nó có gì đó rất là Tây Ban Nha. Ở đây tôi thích kiến trúc Tàu, thì khi về trời kiến trúc tôi phảng phất... Tập Cận Bình. Nói chung, tùy vào cái thích của tôi ở đây mà lâu đài tôi trển nó vậy. Và, trong kinh nói cái này mới đặc biệt. Ở cõi Dục, chư Thiên, thức ăn của chư Thiên họ muốn ăn lập tức có thức ăn, thức ăn vào miệng họ có thể điều khiển theo ý muốn chứ không phải bằng sự chế biến bên ngoài, họ đang ăn mà nghĩ “chua chút đi” thì nó chua chút, ngọt hơn chút thì nó ngọt hơn chút, đắng hơn chút nó sẽ đắng hơn chút, trong Pali gọi là thiên thực. Thức ăn của chư thiên được điều chỉnh bằng chính ý muốn của họ. Đó là cõi Dục thiên.

Còn Phạm thiên là chỗ mấy ông đắc thiền thì không có chuyện đó. Mấy ông đắc thiền không có chuyện ăn uống. Mấy ông cứ suốt ngày ngồi nghe mát lạnh, rợn rợn hoài, giống như trúng gió vậy đó. Chứ không có vụ ăn uống.

↑ trở lên

Có và Không có

Có một chuyện, rất là quan trọng. Hồi sáng tôi nói mà các vị không để ý. Chỗ đó rất là sâu. Quý vị mà tự nghĩ ra thì quý vị đã đắc đạo rồi. Tôi nói tôi để ý thì nguyên đám nó gật mà nó đứng đơ mặt vậy nè. Sáng tôi hơi buồn. Tôi nghĩ, ước gì, sáng nay có một người chỗ đó họ hiểu được là đắc chỗ đó đó. Mặc dù tui chưa đắc. "Sợ một mai thành Chánh Giác – đường trần gian ai dìu bước em đi. "

Hạnh phúc và đau khổ có 2 đường tới = Do có cái gì và do không có cái gì.

Người không học Phật pháp đa phần cứ nghĩ Hạnh phúc = Có cái gì. Phải có cái gì nó mới đã. Nhưng mà không, đó là cách nghĩ nghèo nàn và thấp kém. Ở một chiều cao hơn, sâu hơn thì nó như thế này. Chúng sanh trình độ thấp chỉ biết một thứ hạnh phúc đến từ nguồn có. Họ không biết rằng có một hình thức cao hơn là đến từ Không. Mặc dù, chuyện đó xảy ra hàng ngày của họ, nhưng họ không có bận tâm. Mà tôi nói có đúng không? Đa phần chúng ta lúc nào cũng, hạnh phúc là "muốn sướng hả con"? Thêm, thêm, thêm vào.

Nhưng mà mình quên rằng, nó có thứ hạnh phúc cao hơn thứ "thêm vào" đó nhiều. Đó là "bỏ ra".

Có 2 vợ chồng đi shopping, đi chung khi về đến nhà bà vợ vui vì mua được thứ bà thích. Ông chồng vui vì liệng được đống nãy giờ ổng cầm. Tôi đi tiệm đồ cũ tôi biết. Lúc tôi cầm được mấy thứ tôi thích, đó là một hạnh phúc. Mà đi đường dốc, tuyết, tôi hả họng vậy nè, mà tôi về tới cái cột đèn gần nhà tôi mừng lắm quý vị biết không? Tại sao vậy? Sắp buông. Sắp buông. Đếm từng cột điện. Ở ngoài vô, tất cả 6 cây, đi được 4 cây là mừng dữ lắm. Mà hồi nãy đừng có mua thì nó mấy cây kệ cha nó đúng không? Tại vì mình vác quá nặng đi, cho nên mình đếm từng cây một. Mà thứ, càng đếm càng lâu. Hiểu cái đó không?

Chúng sanh trình độ thấp có cái nghĩ rất là bậy là hạnh phúc đến từ nguồn có. Ở trình độ cao hơn thì hạnh phúc đến từ nguồn không. Không có 2: Không tuyệt đối & không tương đối.
Không tương đối = Không có quả khổ là hạnh phúc. Tu thêm bước nữa, không có nhân khổ là hạnh phúc.
Bước 1 – không có Quả khổ là hạnh phúc.
Bước 2 – Không có Nhân khổ là hạnh phúc.

Theo các vị ngoài đời họ có bước 2 chưa? Cái quan trọng là không có 14. Chứ còn 6 trần bất toại cái đó tự nó không ghê. Mà ngoài đời toàn sợ 6 trần bất toại, chứ người ta không sợ 14. Nhậu thì không sợ mà lại sợ bị xơ gan. Chứ dân có trình độ là nó sợ rượu chứ không sợ xơ gan, vì đối với dân có trình độ nó xa lắm. Thí dụ, cha Kiên chuyện xơ gan chả đâu bị. Thấy rượu là chả lạnh rồi, chả thấy giấc chiều seafood linh đình chai này chai kia là chả lạnh xương sống. Nhưng đối với cái dân dốt thì đâu có ngán, khi nào cái bụng chang bang mới ngán. Nó gặp là nó làm tới thôi.

↑ trở lên

Nhân - Quả - Lành - Xấu

Chúng sanh đa phần sợ quả xấu chứ không sợ nhân xấu.

Chúng sanh có 5 trình độ:
• Trình độ 1: Không có quả xấu là hạnh phúc = Không thấy quả khổ là thấy sung sướng rồi.
• Trình độ 2: Không nhân xấu là hạnh phúc = không thấy nhân khổ là thấy sung sướng.
• Trình độ 3: Thiện còn liên hệ Dục, còn cái đó là còn khổ.
• Trình độ 4: Thiện còn liên hệ vật chất là còn khổ.
• Trình độ 5: Còn dính líu trong Danh sắc là còn chưa khá = Tu tập Tuệ quán.

Tôi đâu dám chê ai làm phước. Mà tui thấy cảnh bà con tụ họp nhau bằm bằm xắt xắt để chuẩn bị lễ, tui ngán lắm, quý vị biết không? Tui thấy quý vị áo quần đơn giản, đi kinh hành, tôi lại vui theo. Cái thiện đó mình thấy nó có vẻ an tòan. Còn tôi thấy mấy bà mấy cô, bà thì lặt rau, bà thì rửa tàu hũ, bà thì chuẩn bị chiên xào, thì đó cũng là cái thiện đúng không? Mà cái thiện đó cũng me mé cái... phiền. Có những hạng hành giả, họ thấy cái thiện là tốt, nhưng cái thiện còn dính líu, cọ xát, va chạm với 5 dục, họ thấy cái thiện đó đáng ngại. Cho nên trong kinh nói, một vị La Hán khi không có hình thức xuất gia, vị đó phải Niết Bàn lập tức trong 1 tuần lễ. Bởi vì đời sống cư sĩ không dung chứa nổi tâm hồn vị La Hán.

Mình giờ còn dự lễ dâng y, đội y lên đầu, được bỏ tiền ra ấn tống kinh sách, đội mấy cuốn kinh, mình quỳ xuống mình dâng, mình thấy "Trời ơi đã quá, sung sướng quá." Nhưng có một ngày, khi mình tu tập Tứ niệm xứ, mình thấy cái thiện đó rất là thô. Mình chỉ thích được, hít ra thở vào trong tỉnh thức, tắm rửa, ăn uống tỉnh thức. Khi nào cần làm phước thì chỉ cần nhỏ nhẹ, cầm bao thơ đến đưa cho chỗ cần, đây phần của tui, rồi rút lui về đi trong chánh niệm. Lúc đó mình mới thấy kiểu làm phước đó nó đẹp, nó sang hơn kiểu ngày xưa. Còn ngày xưa, mình đi vô chùa, mình ngủ vật vờ, mình bàn tán "Tui nói bà nghe cái này vui mà mắc cười lắm" là thua. Tôi thấy cái đó tôi ngán.

Gặp bà con chuẩn bị đồ ăn trên đó tôi ngán. Bởi vì tôi nghĩ, cười cười với nhau không biết nó sẽ gây nhau lúc nào. Cho nên, cái Thiện còn mang tính cọ xát va chạm là cái thiện rất khả nghi. Đó là lý do vì sao cái thiện Dục đáng sợ.

Lên tới thiện Sắc giới, tối ngày chỉ biết hơi thở, xanh, vàng, đỏ, trắng, đất, nước, lửa, gió, hư không, ánh sáng thôi. Nhưng có tầng nữa, họ thấy thiền còn liên hệ ba thứ đó, họ thấy nặng quá đi. Họ mới hướng tới thiền Vô Sắc.

Nhưng mà người học A Tỳ Đàm, tu tập Tuệ Quán thì họ thấy rằng, còn dính líu trong 3 cái Danh Sắc là còn chưa có khá. Bởi vì sao? Còn kẹt trong Vô Sắc là còn có chỗ thích. Không có cái gì trên đời này mà nó đủ bền để mình có thể bám nó trong thiên thu vĩnh cửu. Đó là cái thứ nhất, họ quán Vô thường.

Thứ hai, họ quán tính siêu đọa. Họ thấy, cõi Vô Sắc dầu cao cách mấy nhưng có lúc hết tuổi thọ, thì cõi cao nhất cũng phải rớt xuống cõi thấp nhất mà thôi. Cho nên, người tu Tứ Niệm Xứ là họ thấy phải tu đến mức bỏ hết. Cho nên, Rốt ráo của Phật giáo là chỗ đó.

Có nghĩa là ngày xưa không biết đạo sợ Quả khổ. Giờ biết đạo rồi sợ nhân khổ. Và mình chỉ thiết tha trong nhân lành. Nhưng biết đạo thêm nữa là mình sẽ ngán luôn nhân nào là thiện thô, mình chỉ hướng đến thiện tế. Và, rốt ráo hơn nữa thì thiện ác buồn vui dầu tế dầu thô thảy đều đáng tránh. Đây chính là nội dung bài kinh hồi sáng.

“Này các tỳ-kheo 5 uẩn là vô thường. Cái gì là vô thường cái ấy ta nói là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy là vô ngã, không đáng để ta gọi đó là tôi, là của tôi. Này các tỳ-kheo, cho dầu đó là Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức, quá khứ, hiện tại, vị lai, thô - tế, xa - gần, trên - dưới, trong – ngoài, thắng – liệt (xịn hay là dởm).”

Và có một bài kinh, cũng trong Kālāma “Này các tỳ-kheo, giống như miếng phân người dính trên que gỗ thì nó cũng đáng gớm giống như một đống phân lớn”. Có hiểu cái đó không? Quý vị có tin chuyện đó không? Một đống phân lớn với một miếng phân dính trên que gỗ có đáng gớm tương đương không? Tương đương hay khác nhau? Có nghĩa không có cái nào dám bỏ trong túi, phải không? Một đống nặng 2kg, với một cái que dích miếng bỏ trong túi, đối với tôi là "the same."

Cho nên, Ngài nói: Một miếng phân người dầu nhỏ xíu dính trên que gỗ cũng đáng gớm. Cũng vậy, bất cứ hình thức hiện hữu nào dầu thô hay tế đều được Như Lai thấy nó đáng chán giống như nhau. Tức là, dầu đó là thân phận một vị hoàng đế, thân phận của một con ruồi hay là sự hiện hữu của vị Phạm thiên thì trong cái nhìn của đức Phật thảy đều đáng chán hết. Miễn là sự hiện hữu đó là điểm bắt đầu cho hiện hữu khác. Miễn nó là điểm bắt đầu thôi.

↑ trở lên

Sự hiện hữu này là gánh nặng

Các vị biết, hột mè. Hột mè tuy nhỏ nhưng nó chứa trong đó toàn bộ hình hài, phẩm chất, tuổi thọ, kích thước của một cây mè tương lai, có đúng không? Hoặc một con tinh trùng tuy nó nhỏ xíu nhưng nó chứa trong đó hình hài, thân phận sinh học của một con người tương lai. Có đúng không?

Cũng vậy, đức Phật Ngài thấy rằng, hễ còn một chút dấu vết của hiện hữu, đủ để mồi lửa cho một khu rừng tương lai là Ngài nói đó là đáng chán.
Tôi nhắc lại lần nữa. Cái này tôi nói đi nói lại hoài.

Cho đến bao giờ mình không thấy sự hiện hữu này là gánh nặng, là khổ, cho đến lúc đó đừng nói chuyện tu học Phật pháp.

Có cái này quan trọng mà tôi nói thấy bà con đơ đơ nhiều. Tại sao mình thích, ghét cái gì đó? Toàn do tiền nghiệp & khuynh hướng tâm lý. Trên đời không có gì đáng để mình thích và cũng không có cái gì thật sự giá trị đáng như mình mong đợi.

Thí dụ, ở trên núi cái vị nhìn xuống, thấy nguyên dề cơm cháy sáng sáng ở dưới không? Nó là khu phố ở dưới đó. Trong cái dề đó, có đốm nhỏ xíu là căn hộ, đốm đó trị giá cả triệu không ít, nhà hồ, nhà waterfront mà, cả triệu, mà mình cả đời vì đốm nhỏ nhỏ đó mà mình bôn ba, các vị có tin chuyện đó không? Mình thấy nó quan trọng lắm. Khi mình thấy nó quan trọng mình mới đầu tư cả cuộc đời và hi sinh cả vô lượng kiếp sau chỉ vì đốm nhỏ nhỏ đó thôi. Mà không có gì phũ phàng cho bằng, sẽ có một ngày mình phải buông hết.

Tôi ở Thụy Sỹ tôi biết có nhiều chuyện rất là buồn. Có rất nhiều ngôi nhà đẹp bên sườn đồi, bên bờ hồ mà vô thừa nhận, vì không có người thừa kế.
Gần nhà chị Hồng có một château, một lâu đài đẹp lắm. Nó truyền đâu mấy đời, đến đời cuối cùng không có con trai, mà chỉ còn 2 đứa con gái, một đứa giống bị tâm thần, một đứa suốt ngày sợ ánh nắng trốn chui trốn nhủi. Cuối cùng đem hiến cho nhà nước. Phía trên là lâu đài to đùng thế này. Xuống chân đồi là nó có nguyên một khu đất, được bọc tường xung quanh, trong đó có một căn nhà rất khang trang. Trước khi 2 chị em hiến cái château đó cho nhà nước, họ cho miếng đất đó cho người quản gia. Sự nghiệp to đùng của một dòng họ, gia tộc to đùng cuối cùng vô tay 2 người: Chính phủ và quản gia. Hồi xưa mình biết, họ đã làm bao nhiêu chuyện để sở hữu tài sản đó. Tôi tả không được, các vị nhìn mới biết, khùng luôn, đẹp lắm. Nó đẹp đến mức nó trở thành chỗ tham quan cho du khách mà. Thời gian tôi ở dưới thỉnh thoảng tôi hay lên trên đó. Nó đẹp lắm. Nó đẹp kinh hoàng, mà nó lớn, nó sang lắm. Nó mấy trăm năm rồi, thế hệ sau cùng chắc cách đây vài chục năm. Nó cất cũng mấy trăm tuổi. Nhưng mà nó phũ phàng lắm.

Tôi đi bờ hồ, có rất nhiều nhà nằm vị trí kim cương, đẹp, đá tảng mà rêu phong, cổng sắt bị sét luôn, ổ khóa gần như hòa tan vào cánh cửa luôn, nó sét, vì lâu quá không có người về. Vô thừa nhận. Sở dĩ, tôi đem chuyện lạc đề ra tôi nói, là bởi vì, tất cả những cái gì mình thấy thích thật ra đều do tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý mình thấy nó quan trọng thôi. Chứ trong mắt loại chúng sanh này nó nhìn sở thích của chúng sanh kia nó cười. Các vị có biết không?

Thí dụ, bây giờ đồ ăn hồi trưa quý vị lấy túm lại bỏ vô thùng rác, gớm muốn chết. Chứ các vị vừa đi thì mấy con chồn, mấy con chuột thì cái đó nó biến thành party. Có hiểu tôi nói gì không? Mình thì mình liệng, còn ngửi ngửi, vô rửa, còn với tụi nó là party.

Cái này mới phũ phàng nè. Chiều nay các vị mới mua 1 chiếc Rolex 50.000 cẩn hột. Tắt thở rồi, làm ngạ quỷ, các vị nhìn cái đồng hồ đó mắc cười lắm. Vì sao? Vì lúc đó mình đang khát nước. Có hiểu tôi nói gì không? Nó khát cháy cổ, nhìn cái Rolex đó mắc cười lắm.

Chưa, trong kinh kể cái này mới ghê. Mấy con ngạ quỷ, các vị có nghe chữ Mồ hoang mả lạnh = Không ai tới thăm. Các vị có nghe chữ Bồi táng, tùy táng = Mấy đồ quý chôn theo, tụi ăn trộm mộ mê lắm. Nhưng khi mình làm phi nhơn mình đi lang thang đầu sông cuối sông, đầu ghềnh cuối bãi, mình gặp biết bao nhiêu đồ quý, hiểu không, nhưng lúc đó thiết tha nhất của mình là gì? Khát nước. Vì Ngạ quỷ có nhiều loại, có loại đói cả đời như vậy nó thấy đống phân nó cũng mừng nữa. Có đứa gặp đống phân nó ăn được, có đứa gặp đống phân nó vừa chạm vô thành lửa. Phân mà ăn không được. Có con, gặp nước, nó vừa chạm vô nó sệt sệt uống không được, có con chạm vô thành lửa, có con chạm vô thành máu. Mà tại sao cái thành khác nhau? Nó sợ cái gì thì sẽ thành cái đó.
Thí dụ, hồi xưa tôi là công nhân cầu đường, tôi gặp dầu hắc tôi sợ thì giờ tôi thành ngạ quỷ tôi đụng nước nào cũng thành dầu hắc. Hồi xưa tôi gớm mùi tanh của máu thì giờ tui đụng nước nào nó cũng thành ra máu. Miễn cho nó thành nước gì mà tôi ... Cho nên, lúc đó không cần Phi tưởng phi phi tưởng, không cần Phạm thiên Đế Thích, chỉ cần làm loại hơi khác, ngay trên mặt đất này, thì cái mà quý của thằng này, thằng kia nhìn không ra gì hết. Đúng không?
Như các vị biết đi cầu cá Việt nam không? Mình mới vừa lên mình ngồi cái là nguyên sư đoàn, mà trong khi mình gớm muốn chết, lỡ đạp trúng là đi cà thọt cà thọt, trong khi nó thì bữa đó là party.

Tôi còn biết chuyện. Chuyện thật, người thật. Có một thằng bé ở Mỹ Tho lại nhà hàng xóm chơi. Chuyện đó ông hàng xóm kể cho tôi nghe. Ổng cho nó ăn chuối ăn bánh cho đã, đang ăn nó nhăn mặt vậy nè, ổng hỏi: Cái gì vậy?
– Con muốn đi cầu quá.
Ổng nói: Đó, ra cầu cá nè.
– Không, con về cho cá con ăn.
Bố tiên sư nó, mình cho nó ăn thì được, tới lúc nó muốn ra nó đem về cho cá của nó. Trời đất ơi. Giờ hiểu chưa?

Nếu mà nó không có nhu cầu nuôi cá thì cái đó chỉ là đồ bỏ thôi. Nhưng khi nhà nó cũng có cái cầu là bắt đầu nó có cái "Tôi và Của Tôi." Sợ chưa?

Nói tới đây, tôi nhớ chuyện. Có bà sư cô đi Ấn Độ, đang đi trên đường thì cả đám xin bác tài cho xuống. Bác tài lựa chỗ OK rồi thì "Xuống đi." Cả đám tràn xuống, đứa vô bụi, đứa vô gốc cây hết. Riêng có bà sư cô Việt Nam, thấy nó trống lổng mới kêu tourguide: "Nó trống lổng vậy tôi biết đi chỗ nào?" Tourguide nói "OK, có cách rồi." Nó vô kiếm cái xô đưa bả. Bả nói "Tôi làm gì với cái này đây?" "Cứ trùm lên đầu hết mắc cỡ."

Dễ sợ. Cho nên gặp các vị cầm xô tôi hay thắc mắc lắm.

↑ trở lên

Hạnh phúc: tương đối và tuyệt đối

Các vị có nhớ hồi nãy tôi nói, Hạnh phúc có 2 nguồn là Có & Không . Đau khổ có 2 nguồn Có và Không. Đau khổ dễ hiểu rồi. Còn Hạnh phúc có 2 nguồn. Nãy có chỗ này các vị không để ý nè. Đau khổ có 2 nguồn, Có và không. Hạnh phúc cũng có 2 nguồn Có và Không, nhưng tôi có thêm Tương đối và tuyệt đối. Tại sao bên Khổ tôi không nói chuyện đó mà bên Hạnh phúc tôi lại nói?

Vì Đau khổ là Hữu vi. 100%. Đã nói hữu vi dứt khoát là tương đối.

Nhưng An lạc thì có thể dính chút vô vi trong đó. An lạc phải định nghĩa lại.
An lạc có 2 nguồn, (1) từ cái có, (2) từ cái không.
(1) từ cái có: Có quả lành là hạnh phúc, có nhân lành là hạnh phúc.
(2) từ cái không: Từ sự vắng mặt của cái gì đó mà mình được hạnh phúc.
Lại có 2: Tương đối và tuyệt đối:
◦ Vắng mặt của phiền não ở phàm phu hay thánh nhân.
◦ Vắng mặt của hưởng Dục ở người hưởng dục hay thiền.

Thí dụ người đang hưởng dục thì mọi khi giờ này là ăn nhậu, ca hát. Bữa nay mình vô đây mình học, bữa nay mình không nghe chồng con, vợ con nói léo nhéo bên tai mà mình ngồi giữa đám bạn đạo thế này, tạm thời phiền não vắng mặt. Mình thấy sung sướng. Đúng không? Nhưng sung sướng này kéo dài được bao lâu? Được tiếng đồng hồ lát sau lên trển là “alo”, nó phiền rồi. Cho nên nó chỉ là tương đối.

Lên mức cao hơn, đó là sự an lạc của người chứng thiền. Mỗi lần họ muốn nghỉ ngơi họ hít 3 hơi, 1,2,3,4 ra biết ra, vào biết vào, là họ nhập vô Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền. Cái đó có thể kéo dài trong 1 giờ, 2 giờ, 3, 5 giờ. Nhưng cũng chưa phải tuyệt đối. Rồi mai này họ chết, họ về Phạm thiên, họ có thể sống trên đó 1 đại kiếp, 2 đại kiếp,… 500 đại kiếp. Rồi thì sao? Hết cái đó thì lại "bùm", xong.

Muốn rốt ráo là phải không còn nữa. không còn cơ hội tái tới tái lui nữa. Và, có cái này rất quan trọng, tôi chỉ muốn nói cầu may thôi. Chứ tôi cũng ớn không biết quý vị có chịu nổi không. Đó là, tôi nhắc lại câu hồi nãy: Hạnh phúc vốn dĩ không có thật, chỉ có giải pháp cho đau khổ thôi. Nực quá, được mát là hạnh phúc. Đó giờ mình cứ nghĩ mát là hạnh phúc, thật ra mát là solution, giải pháp cho cái nực. Nhớ ai quá gặp mừng là giải pháp cho nỗi nhớ. Ngứa quá khó chịu, gãi được thấy đã thì gãi là giải pháp cho ngứa, nếu không có cái ngứa, không có cái đã. Không có cái khát uống nó không ngon, không đói uống nó không ngon. Cho nên, cái quan trọng nhất ở đây Hạnh phúc đến từ đau khổ, và nó là cách giải pháp giải tỏa đau khổ nào đó, bất cứ hạnh phúc nào, kể cả hạnh phúc thiền định.

Hạnh phúc thiền định đến từ nguồn nào? Giúp mình lìa khỏi 5 triền.

Sẵn tôi nói luôn. Bây giờ mình có cái mình thích mình thấy là hạnh phúc. Sẽ có ngày thấy không có cái gì để thích, để ghét mới là hạnh phúc. Cái này hơi khó chấp nhận. Bây giờ mình nghĩ mình có cái mình thích là hạnh phúc, sẽ có một ngày mình thấy mình không còn muốn gì nữa hết. Cái đó mới đã.
Nghĩa là, đi Tàu, qua Ấn Độ hành hương, ai cũng mua sắm tùm lum, còn mình nhiều lắm là mình bấm ghi vài cái hình cái thôi. Chứ còn nhiều kẻ, cảnh đẹp không thèm nhìn cứ bấm pặc pặc. Cái đó là chuyện rất bậy, cảnh thật không nhìn, cứ chụp toàn cảnh tào lao, tối về coi cảnh giả. “Trời ơi, bà thấy không, tuyết rơi nè”. Thật ra mình chụp đâu có bằng trong internet, internet còn nhiều hình đẹp hơn, nó chụp bằng máy cơ, máy chuyên. Muốn coi vô đó coi. Còn mình vài tấm tượng trưng thôi. Đằng này, gặp cảnh thật mình chê. Đi Ấn Độ, đi Trung Quốc lo chụp hình, lo mua ì ạch ì ạch.

Trong khi, sẽ có một ngày các vị thấy, chụp hình vài cái tượng trưng, hoặc chụp dùm cho người ta thôi. Bản thân không mua sắm gì hết. Xách cái đãy hoặc đeo ba lô đi tưng tưng, trong đó có chai nước, thấy chán kiếm chỗ nào ngồi, chờ bà con lên xe, trong khi ngồi chờ, ngồi thở. Thấy chờ lâu quá, chửi một hai tiếng. Phải có vụ chửi nữa. Có nhiều đứa không chửi nó không tỉnh. Chỉ vậy thôi. Về khách sạn tụi nó lăng xăng kéo đồ, còn mình cứ thanh thản xách ba lô lên phòng, đóng cửa, leo nằm cúng facebook. Rất nhẹ nhàng, rất thanh thản.

Trong khi đó, ngày xưa hạnh phúc mình đến từ nguồn gì? Phải có cái này, phải có cái kia. Còn bây giờ nó đến từ nguồn không. Tôi nói hoài: Có một thời, mình hạnh phúc là vì có người mình thương. Sẽ có một thời hạnh phúc vì vừa ra tòa sáng nay. Trong đời người đàn ông, có 2 ngày rất khó quên: Một là ngày cưới vợ, hai là ngày ly dị. Đã lắm. Ngày đầu tiên đã là vì mình có được người mình thương. Ngày thứ hai đã là vì tối nay ngủ một mình.

Bữa hổm tôi có nói, vì sao người đàn ông độc thân và có vợ mập ốm khác nhau? Vì độc thân, nửa đêm đói bụng, mở tủ lạnh không có gì hết. Còn đàn ông có vợ, nửa đêm mở tủ lạnh, có đồ ăn. Đó là lý do đàn ông có gia đình và không có gia đình mập ốm khác nhau. Một bên là không có gì ăn, trở vô ngủ tiếp. Một bên là chán bà vợ quá nhảy ra tủ lạnh đầy đồ ăn.

Cái đó không phải chuyện đùa, tôi muốn nói thế này.
• Tùy cảnh giới mà hạnh phúc của ta đến từ nguồn nào. Từ nguồn có hay không.
• Tùy cảnh giới mà đau khổ của ta đến từ nguồn nào.

Có người họ khổ vì tủ lạnh họ không có đồ nhưng có người họ hạnh phúc vì tủ lạnh họ không có đồ. Các vị biết không? Lâu lâu mở tủ lạnh ra nó trống mừng lắm các vị biết không? Vì sắp được ăn đồ mới. Còn có người họ lại khác, họ mở tủ lạnh thấy đầy hết họ hạnh phúc vì hễ cần là có. Nhưng tôi biết có những người mở tủ lạnh ra không có đồ họ rất là thích. Có những người được ở trong căn phòng không có đồ họ rất là hạnh phúc. Nhưng có những người hạnh phúc vì phòng họ tha được những món đồ họ thích về. Tùy trình độ, tùy khuynh hướng tâm lý mà nguồn hạnh phúc ta đến từ đâu, và đau khổ chúng ta đến từ đâu.

↑ trở lên

Giá trị một con người

Nhìn kiểu hạnh phúc & đau khổ mỗi người ta có thể đánh giá được con người đó. Câu này đúng hay sai?

Câu này còn ghê nữa nè: Giá trị một con người tương đương những gì có thể làm cho anh ta hạnh phúc / đau khổ. Có hiểu cái này không?

Thí dụ, đối với một người con gái, cho nó một thỏi son là nó đã sướng rồi. Vậy giá trị nó chỉ ngang thỏi son thôi. Hiểu không? Trong khi có những người phải cho nó bạc triệu nó mới hạnh phúc, dưới bạc triệu nó không thấy đã. Giá trị đứa phải bạc triệu trở lên.

Và chuyện bực mình cũng vậy. Giá trị con người tương đương với cái gì làm ta bực mình. Khi mình nhớ vậy, mình sẽ sống với 25 nhiều hơn 14. Mấy cái này nghe nó hơi trừu tượng nhưng mà tập cái đó. Cái đêm nay tôi chốt lại, muốn nói cái này.

Tùy thuộc trình độ của chúng ta.

Cứ nói trình độ hoài, sáng giờ chưa định nghĩa, không biết quý vị có nhớ không? Trình độ là hiểu bản chất các pháp, 6 trần không ngọt như mình nghĩ. Tùy thuộc hạnh nghiệp mà mình thích 6 trần hay không thích. Nhớ hoài cái đó nha. 6 trần mình thích hay không thích là do duyên nghiệp của mình mà đối với mình 6 trần nó có hấp dẫn hay không.

Đêm nay các vị phải nghe lại bài giảng này mới hiểu điều tôi nói.

Phải định nghĩa từng bước.
• Tùy thuộc khuynh hướng tâm lý và tiền nghiệp mà mình thích, ghét cái gì.
• Chính cái làm cho mình thích, mình ghét có giá trị tương đương con người của mình.

Tôi có thể chứng minh. Các vị thấy thái tử Tất Đạt không? Ngai vàng có đủ để làm cho Ngài đam mê không? Mấy tầng thiền định Ngài đắc Ngài còn chê. Còn mình bây giờ thì sao? Có được chút gì đó, giám đốc một công ty nho nhỏ thôi, mình có cái nhà vài tỉ thôi, mình có chút tiếng tăm trong xã hội thôi là mình thấy đủ rồi. Giá trị mình chỉ tới đó thôi.

Còn Bồ Tát Tất Đạt thì không. Không phải kiếp chót, vô số kiếp, Ngài coi ngai vàng như thùng rác, đối với Ngài cái đó không đủ làm cho Ngài phê. Rồi Ngài đắc thiền, có thần thông, ngài dời non lấp biển, kêu mưa gọi gió đối với Ngài cái đó thường lắm, không biết Ngài đắc thần thông, đắc thiền định bao nhiêu lần.

Trong kinh nói, ngài Anuruddha, Đệ nhất thiên nhãn, trước khi gặp Phật mình, 300 kiếp liên tục ngài làm Phạm thiên, vì đại nguyện ngài phải xuống gặp Phật làm đại đệ tử có biệt hạnh đệ nhất thiên nhãn, chứ thật ra lòng của ngài với 5 dục nó nguội ngắt. Có lần ngài ngồi thiền trong rừng có mấy trăm cô tiên nữ xuống. Mấy cổ nghĩ hình ảnh một vị La Hán ngồi thiền giữa rừng đẹp thiệt, mình tới mình cúng dường cho ngài, mà chị em mình biết cúng gì giờ, ngài không cần gì hết, thôi giờ nhảy múa. Ngài ngồi ngài nhìn, ngài nghĩ: Xanh hết đi, nó xanh lè hết; Rồi ngài nói, vàng khè hết đi, tụi nó vàng khè, rồi đỏ rực, trắng bách. Túi nó nói: Ngài không thưởng thức mà biến tuọi con hết màu này đến màu kia chóng mặt quá! Rồi tụi nó lạy nó đi mất tiêu.

Chuyện này quan trọng, mình kể chuyện này cho bà con ngủ sớm. Chuyện này tôi nhớ tôi kể nhiều lần.

Một buổi trưa có ông thọ thần ở trong rừng nhìn thấy một cô gái xuống suối tắm, cổ cởi từng món trên người xuống. Ổng mới nghĩ, nghe đồn mấy cô này là gái đẹp mà sao mình nhìn trớt quớt vậy ta? Chắc tại mình là thần không thích gái đẹp! Thế là ổng rùng mình thành con chim cú. Lúc bấy giờ ổng không thèm nhìn cổ mà lo đi kiếm mấy con chuột trong bụi. Ổng nói: Chết cha, mình đi ngắm gái mà đi kiếm chuột. Thôi giờ làm con chuột đi, khi ổng rùng mình thành con chuột thì đi kiếm hột này hột kia ổng ăn. Chết cha, ngắm gái mà vậy đâu được! Vậy con gì mà thích đẹp? Con bướm! Khi ổng rùng mình thành con bướm thì ổng đi kiếm cái bông. Bà kia tắm muốn bệnh cảm luôn mà ổng không thèm dòm, ổng cứ lo mấy cái bông. Ổng mới nói: Trên đời, đứa nào mê gái ta? Đàn ông! Khi ổng rùng mình thành thằng thanh niên, thì lúc bấy giờ mới chịu nhìn bả tắm. Hiểu không?

Câu chuyện đó quý vị hiểu cái gì không? Là tùy thân phận mà mình thích hay không thích cái gì đó. Trên đời này không có cái gì là giá trị tuyệt đối, không có cái gì đẹp tuyệt đối, xấu tuyệt đối mà tùy thân phận, tùy nhu cầu mà ta đến với nó hay không đến với nó. Giờ hiểu chưa?

Câu chuyện đó rất là sâu, mà kể ra cả đám nhìn đơ cái mặt: "Sao ông thần gì ngu vậy?" Không phải.

Trên đời không có vị ngọt tuyệt đối. Nhớ, cái đó rất quan trọng.

↑ trở lên

Chỉ & Quán

Trong kinh ngài Xá Lợi Phất dạy: "Này các hiền giả, Ai tuổi đáng chị hãy xem là chị. Ai đáng tuổi mẹ hãy xem là mẹ, ai đáng tuổi em gái hãy xem đó là em gái."

Hồi đó tôi đọc tôi thấy kỳ kỳ. Nhưng các vị hiểu ý ngài không? Cũng người con gái đẹp mà chỉ cần mình biết là chị ruột tự nhiên hết lửa. Đêm trăng, đang đi, có người con gái mặc áo màu sáng, xỏa tóc ngồi nghiêng, thơm thơm, mình thấy cũng mon men lại gần coi kiếm chác được gì không. Khi lại gần: "Tèo, chưa ngủ hả mày?" Nó nản. Chị Hai. Đó là chị Hai. Nó nản lắm. Nhưng nếu không phải bả mà là con Lan, con Cúc, con Đào, con Yến gì đó là nó phê. Nhưng nghe biết chị Hai mất lửa. Mà chưa kể, là bà già còn đổ nợ nữa. Hồi đó tôi đọc tôi không thấy phê, nhưng mình nghiệm ra rất là hay.

Chỉ cần mình đổi giá trị qua cái này, mình đổi, các vị học toán có nhớ đổi phân số không? Thí dụ 4/20 hoặc 1/5 giá trị nó giống do mình đổi cái hình thức nó khác liền. Chỉ do mình không chịu đổi. Chính vì mình ôm cái đó mình mới khổ lên khổ xuống.

Tôi chốt lại.

Sống nhiều với 14 = Chúng ta đang từng bước mở đường đi về hướng dưới.
Sống với 25 = Chúng ta từng bước mở đường đi lên hướng trên.
Nhưng xuống cõi nào là tùy thuộc cái gì trong 14, và đi lên tới đâu là tùy thuộc cái gì trong 25.

Ngày nào còn hưởng dục, còn thích ngắm, thích nhìn, thích nghe, thích ngửi, thì lúc đó trong vũ trụ có vô số thứ để chúng ta thích, ghét. Có được cái mình thích đó là hạnh phúc, mà phải gặp cái mình ghét gọi đó là đau khổ.

Sẽ có ngày khi mình chán dục thì vũ trụ này không phải là vô số cái để mình nhìn mà nó chỉ còn lại 10 thứ : Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng. Cuộc đời vẫn vậy thôi, trong mắt mọi người vẫn vậy, nhưng đối với một hành giả tu thiền chỉ nó chỉ còn 10 thứ đó thôi. Lúc đó hành giả ăn rồi cứ ngồi quán đề mục “trắng, trắng, trắng,…” “vàng, vàng, vàng,… ” Hoặc là thở ra, thở vào chứ hành giả không thiết tha cái khác.

Có nghĩa là, trước đây khi mình còn hưởng dục, có vô số thứ để mình thích và ghét. Nhưng giờ mình không còn thích, ghét nữa, mình chỉ tập trung vào có 1 trong 10 thứ này thôi. Và khi mình tập trung, nhu cầu ít đi thì khổ ít đi. Đúng vậy không?

Hồi xưa tùm lum cái mình thích, mà không có cái mình thích mình cũng khổ. Có tùm lum cái mình ghét mà tránh không được cũng khổ. Tôi nhắc lại, ngày xưa có vô số cái mình thích, mà không được, cũng khổ. Mà có vô số cái mình ghét, tránh không được, cũng khổ. Còn bây giờ, gom cả vũ trụ nó chỉ còn chừng đó thôi (10 đề mục htiền chỉ thôi). Nhưng mà chưa, đó là mới tu Định.

Còn nữa. Qua tu Tuệ.

Hành giả lúc tu Định thấy rằng: "Tôi" tu định và định là "của tôi". Lúc tu Tuệ, hành giả sẽ không thấy: Tôi đang tu tuệ hay Tuệ là của tôi. Hai cái khác hay giống?

Khi đang tu định, mình thấy, "Tôi" đang tu Định, và Định này "Của Tôi".

Còn khi đang tu Tuệ thì không. Nếu tu Tuệ tu đúng thì không nghĩ tôi đang tu tuệ hoặc tuệ này là của tôi, mà lúc đó mình quan sát thiện ác buồn vui như quan sát người khác vậy.

Tôi chốt lại bằng câu chuyện thế này, hi vọng bà con nghe hiểu. Câu chuyện này trong thiền.

Trong đêm tối ta chèo xuồng trên một dòng sông đêm, bỗng có chiếc thuyền tông vào thuyền của ta. Nếu trên thuyền có người hay không có người cảm giác khác hay giống? Khác chỗ nào?

Đây cũng vậy, khi chưa tu tứ niệm xứ, nhìn thấy bóng dáng ai đó mình mới có giận. Tu Tứ niệm xứ phải đạt đến mức: Không thấy trên những trần cảnh hướng về mình không có người nào hết chỉ có pháp diễn biến thôi. Dĩ nhiên, cái này hơi khó. Nhưng mà hiểu không? Khi thấy cũng chiếc thuyền đó mà thấy có người.

Thí dụ, một tiếng chửi. Vị La Hán khi bị chửi như coi như chiếc thuyền không người. Còn mình khi bị người ta chửi mình coi mình bị tông bởi một chiếc thuyền có người. Hiểu hả? Nó sâu chỗ đó, nó rất là sâu.

Tôi nói rất nhiều lần. Một tờ giấy, một cọng rơm thả trên lầu xuống, không sao hết, vì nó nhẹ. Nhưng một cái tô, một cục đá thả từ trên xuống thì nó khác, vì nó nặng. Khi mình thấy mình quan trọng mình dễ trở thành đối tượng bị tấn công. Khi mục tiêu bị bắn càng to thì càng dễ bị bắn. Mục tiêu càng nhỏ càng khó trúng. Khi cái tôi mình càng bự thì mình càng dễ bị tổn thương, có đúng không?

Tôi nhớ. Có một ông quan lớn, đến hầu một vị thiền sư. Ổng đưa một cái danh thiếp, chức vụ một ghe trỏng, ổng đưa cho ông thị giả, ông thị giả vào đưa cho vị thiền sư. Ngài cầm thấy đề chức vụ tùm lum, ngài nói: "Ra nói ông khách, phòng thầy chật không chứa nhiều người vậy được". Ông thị giả ngạc nhiên, ra nói ông quan lớn: "Dạ, sư phụ nói thất sư phụ chật lắm, không chứa được nhiều người." Ổng nói: "Đâu có, nói sư phụ ta đến có một mình." "Hổng biết, sư phụ nói vậy đó." Ông này dân ăn học mà, ổng hiểu rồi, ổng kêu tiểu đồng đưa cây viết, ổng gạch bớt chức vụ, chỉ để có 1 chức thôi là Lại Bộ Thượng Thư, tên ổng với Lại Bộ Thượng Thư. Đưa vô ông thiền sư nói: "Cũng còn 2,3 đứa, phòng còn chật lắm." Ra đưa ổng, ổng nói: "Ta biết rồi." Xé bỏ. "Vô nói sư phụ: Thằng Tèo tới hỏi đạo."

Hiểu không? Vô nói sư phụ, thằng Tèo tới hỏi đạo, kêu bằng thằng Tèo, thượng thư gì gì dẹp hết. Lúc đó sư phụ mới mở cửa cho ổng vô.

Khi mình đến một nơi mà mình nhiều thân phận quá. Nhiều người trong chúng ta rất là mê thân phận.
Cho sám hối trước. Tui hổng có ý xúc phạm trong nước. Nhưng sao trong nước mình ai cũng chức vụ dài quá. Hòa thượng gì đó, chủ tịch hội đồng trị sự, kiêm trưởng ban … còn vụ tiến sĩ, học vị gì đó. Cái đó nó hơi mệt. Tôi không dám đụng tới nhưng thấy hơi bị dài, thân phận nhiều quá. Khi mình nhiều thân phận quá mình trở thành cái bia bự, mình dễ bị bắn. Cho nên đức Phật Ngài dạy, người tu giữ tâm đối với trần cảnh, tâm người tu như lá sen với nước, như mành lưới với gió, hạt cải đầu kim.

Lá sen với nước nó trớt quớt; Lưới và gió nó trớt quớt, khung thành đá banh thấy không, gió vô không được. Và hạt cải đầu kim, đầu kim nhọn, mà nhỏ, hạt cải tròn mà cứng nó dính không được. Còn mình đụng đâu dính đó. Khi cái tôi mình trương ra bự mình dễ bị tấn công.

Cho nên, có một kinh nghiệm rất là đẹp đó là: Hãy sống bằng tâm trạng của một tử tù. Khi mình biết mình sắp bị bắn mình có khả năng chịu đựng rất nhiều thứ trong đời. Hoặc là khi bác sĩ nói các vị ung thư kỳ cuối khả năng chịu đựng các vị lớn hơn, đúng không? Hiểu tôi nói gì không? Ba cái đôi co, hấy nguýt, lườm liếc bình thường nó quan trọng, giờ mình cầm kết quả thấy kỳ cuối, ai muốn chửi thì chửi, quởn thì chửi, nó không quan trọng nữa.

Khi có chuyện quá lớn thì mấy cái kia thành nhỏ đi.

↑ trở lên

← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com