Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com

Bài giảng 07/11/2022

1. Quan sát hơi thở
2. Dòng luân hồi
3. Vô minh
4. Duyên khởi
5. “Hả - ra - ăn”
6. A La Hán & tâm Đại Tố
7. Vô lượng
8. Lộ trình sanh tử chiều xuôi
9. Duyên sinh chiều ngược
10. Uống thuốc chữa bệnh
11. Chuyện đời phũ phàng
12. Không phân biệt
13. Thích & Ghét

↑ trở lên

Quan sát hơi thở

Tôi khích lệ bà con tỉnh thức với hơi thở. Nghe cho kỹ. Ở nhà ga, sân ga, phi trường, trạm xe bus, trên xe lửa, trên máy bay, trên xe hơi hoặc bất cứ giây phút nào ngồi không, không có chuyện gì thì mình sống với hơi thở của mình. Là sao? Mình quan sát hơi thở. Nhưng mà nghe kỹ: Quan sát mà không điều khiển. Điểu khiển khác, quan sát khác. Theo dõi nó, thấy nó vào đầy phổi tự động nó đi ra, nó ra lúc nào đó tự động nó đi vào, bằng chứng là mình ngủ mình vẫn thở được, đúng không? Cho nên, hơi thở vốn dĩ không cần điều khiển. Tại vì mình muốn điều khiển thì mình điều khiển. Thật ra mình không cần điều khiển mà mình chỉ theo dõi nó thôi. Mà theo dõi cần kỹ thuật.

Mình chia tất cả 6 đợt:
Đợt 1: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 5.
Đợt 2: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 6.
Đợt 3: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 7.
Đợt 4: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 8.
Đợt 5: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 9.
Đợt 6: Hít vào thở ra đếm 1. Hít vào thở ra đếm 2…. Cứ vậy đếm đến 10.

Nhớ. Chỉ tới 10 mà thôi. Quý vị đếm dùm tôi tổng cộng mấy hơi? Chín mươi mấy hơi đúng không? Cứ chín mươi mấy hơi làm đi làm lại, làm đi làm lại.
Đây là thiền Định không phải thiền Tuệ.

Tại sao phải có thiền định trước? Vì tâm mình lăng xăng từ xưa đến giờ. Đó là cách mình cột nó lại. Còn sau khi mình cột nó lại mình làm việc gì đó là mai mốt tính tiếp. Đó là phần giáo lý mình học đây. Nhưng mà chuyện đầu tiên là mình phải có khả năng đó.

Những người hướng dẫn đoàn như ông Kiên, ông Nhân lận lưng cái này khi đám đông đông mình bày họ. Mình dắt họ ra rừng mình bày họ. Cả đám bày họ. Chứ mình dắt họ đi mà mình không có gì bày họ thì không được. Phải bày họ cho họ yên. Có nhiều khi nếu họ có duyên, mình đi 10 về có 8 vì 2 đứa kia bay rồi. Bữa nay đi mà tôi thấy mà mất người nào là biết bay rồi. Thí dụ, mất cô Vân là biết bả đắc rồi. Bả đắc dưới gốc cây nào, bả nằm xải tay.

Nhưng nghe hiểu không?

1 tới 5, 1 tới 6, 1 tới 7, 1 tới 8, 1 tới 9, 1 tới 10. Ít nhất là 5, nhiều nhất là 10. Các vị thử đi. Nó đặc biệt lắm.
Đó là phần mấy ngày nay nói hoài mà không nói cái đó cho bà con lận lưng.

↑ trở lên

Dòng luân hồi

Sáng nay mình học về 12 Duyên khởi theo cách mới cho người dốt đặc cán cuốc.

Duyên khởi là gì? Là lộ trình sanh tử mỗi chúng sinh được diễn ra như thế nào. Lộ trình sanh tử của chúng sinh từ con dòi tới Phạm thiên, từ Phạm thiên tới con dòi, rồi từ con dòi trồi lên Phạm thiên, hành trình đó diễn ra như thế nào?

Và tôi nhắc lại, Phật dạy: Trong dòng luân hồi đó, này các tỳ-kheo thật khó mà tìm ra người nào chưa từng là mẹ, là cha, là con của mình, kể cả đó là người mà bây giờ mình đang thù, kể cả người bây giờ mình không quen biết. Chúng sanh nó trùng trùng như vậy mà nó đông đến mức đến mức tìm một người chưa từng là thân quyến đỏ con mắt. Trong kinh nói như vậy. Đó là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai, trong kinh nói: Dòng luân hồi dài tới mức chưa từng có cảnh giới nào cao nhất và thấp nhất mà mình chưa tới. Cái này tôi nói hơi phong thần chút, bà con có quyền không tin nhưng mà lỡ nói thì nói luôn. Cảnh giới cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng chỉ có Tâm không có Thân. Nó thọ tới 84.000 đại kiếp. Cảnh giới thấp nhất là Địa ngục Không gian dành cho người đoạn kiến bất trị, không sửa được. Họ không tin gì hết. Địa ngục đó như thế này. Mấy địa ngục kia, tuổi mình còn đếm được. Riêng địa ngục này tuổi thọ nó ngang với Phi tưởng Phi phi tưởng. Nó là 84.000 đại kiếp. Có nghĩa là theo mô tả trong kinh, khoảng cách các vũ trụ (mỗi vụ trụ trong đó gồm có mặt trăng, mặt trời, mars, venus, saturn…). Khoảng cách vũ trụ này vũ trụ kia xa tới mức mặt trời, mặt trăng không rọi tới được. Địa ngục không gian nó nằm ngay chỗ đó. Và ở đó, chúng sanh bám vào vách của địa ngục, nó không thấy gì hết, lâu lâu đụng nhau thì biết “đây có người”. Nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm nó cấu xé nhau nên nó rớt xuống một vũng nước, trong kinh gọi là nước cường toang, axit cực mạnh. Nó tan ra, rồi nó lại quay lại đeo bám như dơi vậy đó. Suốt 84.000 đại kiếp. Nó lâu như vậy.

Đó là nói về thời gian. Còn nói về không gian thì có nhiều cảnh giới chúng ta có mặt. Đức Phật dạy rằng: Trong các loài chúng sinh chư Thiên, Phạm thiên, loài người và loài sa đọa, ta chưa thấy loài nào nó phức tạp, đa dạng, phong phú như loài bàng sanh. Trong các cảnh giới bàng sanh, loài sống trong nước, trong chất lỏng, chất sệt, chất nhầy, chất dịch nhiều hơn loài trên khô, trên cạn. Bởi vì nó là môi trường lúc nhúc lúc nhúc.
Và, những cảnh giới tôi vừa nói, tất cả chúng ta ở đây, chưa có chỗ nào chúng ta chưa từng đặt chân tới.

Trong Nhật tụng Kālāma có mấy bài kinh đó: “Này các tỳ-kheo, sữa mẹ mà các ngươi bú trong dòng luân hồi nó nhiều nước hơn nước bốn biển. Nước mắt mà các ngươi đổ ra nó nhiều hơn nước trong bốn biển, máu mà các ngươi đổ ra khi bệnh hoạn, khi tai nạn nó nhiều hơn nước trong bốn biển” Máu, nước mắt, sữa mẹ mà mình đổ ra trong dòng luân hồi nhiều hơn nước bốn biển. “Này các tỳ-kheo thật là vừa đủ để nhàm chán, thật là vừa đủ để xả ly” Chán. Đủ rồi.

Mà, tôi nhắc lại lần nữa.

Hôm nay chúng ta thấy cái này ngọt ngào cái kia hấp dẫn chẳng qua do tiền nghiệp nó đưa mình vào cảnh giới đó. Có nhớ bài giảng ngày hôm qua không? Hôm nay mình mang thân người, nếu mình là nữ, mình thấy áo quần, lụa là, phấn son hấp dẫn. Mình là con người, đàn ông thì mình thấy cơ bắp, xe cộ, thể thao là hấp dẫn. Rồi mình thấy châu báu, vàng ngọc, kim cương là hấp dẫn. Tài sản, rồi mấy cái chứng khoán là hấp dẫn. Chỉ cần mình tắt thở rồi làm mấy loài sống trong mấy cái hốc, mấy cái kẹt thì mấy cái mình từng đam mê đó đó mình thấy mắc cười lắm.

Như trong kinh nói về những cảnh giới chúng sinh, viên sỏi bên đường đối với rất nhiều chúng sinh đó là cả ngôi nhà trong đó, mà mình không biết. Càn Thác Bà là một loại chư thiên sống tùy phước. Có những ông Càn Thác Bà làm chủ nguyên cây cổ thụ to. Có những ông chỉ sống trong trái cây, hễ trái rụng ông qua chỗ khác ở. Hoa, trái, lá, củ, rễ, thân. 6 cái. Phước nhiều thì làm chủ nguyên cây. Phước ít thì sống trong cái lá, lá rụng đi qua lá khác, hoa rụng qua hoa khác, trái rụng qua trái khác. Hoặc là có ông ổng chỉ ở đúng cái rễ đó thôi. Trường hợp bị mộc đè quý vị biết không? Đó là trường hợp có những cái cây có họ dựa trong đó. Khi cái cây bị đốn đem về họ không có chỗ ở họ phải đi theo cây đó. Mình cưa về làm tủ, làm giường. Tối mình thấy nó trèo lên tuột xuống, trèo lên tuột xuống là vậy đó.

Thời đức Phật có vị tỳ-kheo vào trong rừng đốn cây làm cốc. Đốn nhầm cây của ông đó, ổng không có chỗ ở. Trong kinh nói, đúng ra ổng bẻ cổ vị sư đó rồi. Nhưng ổng nhớ một chuyện, cha này là tỳ-kheo. Ổng về ổng méc Phật: Chỗ con ở mà ổng vô ổng đốn như vậy. Đức Phật nói: Trong chùa Kỳ Viên còn một cái cây chưa có chủ, ngươi đến đó ở đi. Cho nên, trong luật tỳ-kheo, tỳ-kheo không được đào đất, không được vô cớ nhúm lửa, đốn cây – bất trảm thảo, làm cỏ không được, không được khạc nhổ trên cỏ xanh, không được khạc nhổ trên nước sạch. Đó là luật tỳ-kheo.

↑ trở lên

Vô minh

Đánh một vòng để các vị thấy dòng luân hồi dễ sợ như vậy. Và, hành trình nào đã làm nên những cuộc lăn trôi sinh tử đó? Hành trình đó có tên là Duyên khởi hay Y tha khởi hoặc Y tương sinh. Vòng tròn đó giảng một cách chuyên môn dễ bị khùng lắm. Cho nên, tôi chỉ nói vắn tắt.

Dòng luân hồi của mình là sự tiếp nối của Nhân – Quả. Có nhớ ngày hôm qua tôi nói không? Phật không có nói con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà. Ngài chỉ nói vắn tắt: Muốn có trứng thì kiếm gà mái, muốn có gà mái thì kiếm trứng. Ngài chỉ nói tới đó thôi. Nghe kịp không? Chứ Ngài không nói cho mình biết cái nào có trước.

Đó là, 6 căn biết 6 trần bằng (13 + 14) thì là ác. 6 căn biết 6 trần bằng (13 + 25) là thiện. Còn thêm chuyện nữa. Khi 6 căn biết 6 trần bằng (13+14) thì tạo ra 6 trần bất toại. Còn 6 căn biết 6 trần bằng (13+25) thì nó tạo ra cái như ý - tức là nhìn được cái muốn nhìn, nghe được cái mình muốn nghe.
Bây giờ sáng nay mình học Duyên khởi là mình bắt đầu từ đó.

Do vô minh không biết mọi thứ: Thiện, ác, buồn, vui là khổ và là nguồn khổ.

Giờ tôi hỏi: Trong 4 cái thiện, ác, buồn, vui cái nào là khổ, cái nào là nguồn khổ? Thiện, Ác là nguồn khổ, nhưng mà đó là cách nói đơn giản. Cách nói rốt ráo: Cả 4 cái thiện, ác, buồn, vui đều là khổ hết. Nhưng riêng trong đó thiện, ác vừa là Khổ vừa là nguồn khổ. Khổ chia gọn có 2. Là gì?

Như vậy, tôi đang vui vẻ nhảy tưng tưng trong quán rượu có phải là khổ không? Khổ gì? Khổ bản chất. Tại sao vậy? Khổ bản chất là vì nó bất trắc, bất toàn.

Theo các vị tôi nhảy tưng tưng được bao lâu? Theo các vị, đằng sau cái nhảy tưng tưng là bao nhiêu chuyện có thể xảy ra cho tôi phải không? Tôi đang cười phải không? Tôi đang vui quá mà. Nhưng mà đức Phật Ngài nói: Không đâu. Không biết chuyện gì đằng sau cái đó.

Cho nên trong kinh nói, có một lần đức Phật dạy: Này các tỳ-kheo, ta nhìn thấy một tỳ-kheo ngủ gục trong rừng ta vẫn yên tâm rằng vị này lát nữa hết ngủ sẽ tiếp tục tu. Nhưng ta nhìn thấy vị tỳ-kheo gần gũi cư sĩ ta nghĩ rằng vị này khó mà tinh tấn. Hiểu cái đó không?

Phật tử mình hơi khờ cái chỗ này. Thí dụ, mình thấy vị thầy mà vui vầy với đại chúng mình thấy hình ảnh đó rất là đẹp vì thầy hướng dẫn tâm linh cho chúng con. Nhưng mà thật ra mình phải hiểu ngầm. Một ông thầy mà mất quá nhiều thời gian cho cái vụ “chăm sóc chúng con” là thầy quên chuyện của thầy.

Bởi vì nhớ cái này: Ngọn đèn nó rọi đâu rọi chứ nó không bao giờ nó rọi dưới chân nó được. Có hiểu cái đó không? Và xưa nay, thằng bán vé số không bao giờ trúng số, có đúng không? Ai trúng số? Người bán hay người mua? Cho nên, tôi đang bán vé số “vé số chiều sổ, vé số chiều sổ” “chưa đến 4h30 chưa biết ai hơn ai” Có biết câu đó không? Cho nên, cứ nhớ cái này: Mình lãnh đạo đại chúng nhưng mà không khéo mình là người bán vé số. Mà đứa làm theo mình là đứa mua vé số. Mà xưa giờ, đứa trúng toàn là đứa mua không à. Nhiều lắm, nó chia cho mình mớ. Nghe kịp không?

Cho nên, cái đó rất là quan trọng.

Thiện – Ác – Buồn – Vui là khổ và nguồn khổ. Hỏi cái nào khổ? Cả 4 cái đó đều là khổ. Nhưng hỏi Nguồn khổ là gì? Mình lấy riêng 2 cái: Thiện & Ác, nó vừa là Khổ vừa là Nguồn khổ. Hiểu hả?

Chính vì không biết 4 cái này nên ta mới có phân biệt cái này là cái tôi thích cái này là cái tôi ghét. Chạy trốn cái ghét và đi tìm cái thích bằng các nghiệp thiện ác. Khi mình buồn quá, mình có bao nhiêu cách giải quyết? Mình buồn chuyện nhà, buồn chuyện tiền bạc, mình có nhiều cách giải quyết; đúng không? Có người họ tìm đến Phật pháp, có người tìm quán nhậu, câu cá, du lịch, săn bắn, bài bạc, … nhiều cách giải quyết khác nhau.

Các vị có nhớ bên Tàu có câu:
Rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu thêm.

Đó là cách giải quyết của chúng sinh.
Trong kinh dùng ví dụ thế này: Chúng sanh không biết Phật pháp như con bò khát nước đi uống nước muối, hoặc là uống nước sôi. Mình giải quyết cái khổ này bằng cách tìm đến cái khổ khác.

↑ trở lên

Duyên khởi

Cho nên:
1. Do Vô Minh (Nhân) không biết Thiện ác (Quả) => Phân biệt thiện, ác (Nhân) => Chạy trốn (Nhân)
2. Từ nghiệp thiện ác, nó mới tạo ra tâm đầu thai (Quả), Các giác quan (Quả) , Xúc, Thọ, (Quả)
3. Khi gặp thọ Khổ, Ưu thì có Ái là ý muốn trốn chạy; Khi gặp Hỷ Lạc thì có Ái là muốn đầu tư, phát triển và giữ lại. (Nhân) Khổ ưu = khổ thân khổ tâm. Hỷ lạc = Sướng thân sướng tâm.
4. Ái ở cấp độ sâu nặng đi kèm Tà Kiến = Thủ (Nhân). Thủ đây là gì? Grasping. Khi mình có cái thích, mình enjoy mới có grasping.
5. Từ thủ (Nhân), quay lại tạo các nghiệp thiện ác (Nhân) = Nghiệp Thủ. Nghiệp Thủ tạo ra Sanh Hữu = Tâm đầu thai các cõi (Quả) => Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần…
6. Rồi quay trở lại, do Vô minh trong Bốn đế (Nhân) không biết Thiện ác (Quả) => Phân biệt thiện, ác (Nhân) => Chạy trốn (Nhân)
7. Từ nghiệp thiện ác, nó mới tạo ra tâm đầu thai (Quả), Các giác quan (Quả) , Xúc, Thọ, (Quả)
8. Khi gặp thọ Khổ, Ưu thì có Ái là ý muốn trốn chạy; Khi gặp Hỷ Lạc có ái là muốn đầu tư, phát triển và giữ lại. (Nhân) Khổ ưu = khổ thân khổ tâm. Hỷ lạc = Sướng thân sướng tâm.
9. Ái ở cấp độ sâu nặng đi kèm Tà Kiến = Thủ (Nhân). Thủ đây là gì? Grasping. Khi mình có cái thích, mình enjoy mới có grasping.
10. Từ thủ (Nhân), quay lại tạo các nghiệp thiện ác (Nhân) = Nghiệp Thủ. Nghiệp Thủ tạo ra Sanh Hữu = Tâm đầu thai các cõi (Quả) => Sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần…
Nó cứ đi vòng vòng như vậy.



Do Vô minh ở mỗi người khác nhau nên cách giải quyết đau khổ cũng khác nhau: Giải quyết bằng (13+14) hay (13+25).
Trường hợp (13+14) ở mỗi chúng sanh cũng không giống nhau: Sống nhiều với phiền não nào trong 14 và tạo nhiều ác nghiệp nào trong các ác nghiệp. Để từ đó có nhiều trường hợp sa đọa không giống nhau.

Đừng bao giờ nghĩ ta biết rồi, rồi làm lơ. Thật ra, tôi tìm cách tô đậm cái biết của các vị mà các vị ngồi làm lơ thì suốt đời nó mờ căm. Mà tôi thấy trường hợp đó nhiều lắm, cứ ngồi ngáp “biết rồi, biết rồi” tới hồi hỏi thì không biết.

Dốt có 3 trường hợp:
1. Biết cái không đáng biết
2. Không biết cái đáng biết
3. Cái đáng biết thì biết lơ mơ

Đại kỵ “biết rồi, biết rồi, khổ lắm nói mãi” mà hỏi ra thì không biết. Mấy cái đó tôi dễ nổi điên lắm. Họ xác nhận họ biết rồi. Hỏi lại thì lóng ngóng. Tôi mong có một ngày quý vị nửa đêm 2h sáng dậy hỏi quý vị phang cái ào. Đến mức đó, nó thành ra của mình mới được. Đến lúc đó quý vị đi tu Tuệ quán mới được. Hít vào thở ra, biết tham, biết sân, biết si, ái, mạn, kiến, nghi,… biết này là Khổ, biết này là Tập, biết này là Diệt, biết cái này là cái nào trong 12 Duyên khởi. Biết rẹt rẹt. Còn đàng này ngồi đếm coi nó thuộc cái nào là thua rồi.

Trường hợp (13,25) cũng rất phức tạp :
1. (13,25) trong tâm thiện Dục giới => Sanh về Nhân – Thiên. Dục giới = Buồn, vui sống chết với 5 trần cảnh.
2. (13,25) ở người ly dục chứng thiền Sắc – Vô Sắc trong các tâm thiền => Sanh về các cõi Phạm thiên.
3. (13,25) ở hành giả Tuệ Quán chia 2 trường hợp:
a) Đủ duyên chứng các tầng thánh Hữu học => (13,25) chỉ dẫn đến các cõi Dục, Thiên, Phạm thiên trong tối đa 7 kiếp.
b) Nếu đủ duyên chứng La Hán (13,25) => Đại Tố = Chuyên làm các việc trước đây phải làm bằng tâm thiện, nhưng các tâm Đại Tố ấy không cho quả báu đời sau.

↑ trở lên

“Hả - ra - ăn”

Tôi thiết tha mong các vị xuống núi thành con người khác liền. Năm nào cũng đội cái mâm đi mà cái đầu trống lổng uổng lắm. Tôi gặp Việt Nam nhiều lắm, rất là nhiều. Cứ vô cúng bái tiền muôn bạc vạn, cúng mấy chục năm mà cái đầu cứ bơ bơ. Tới hồi gần chết rước thầy về tụng mà không biết cái gì hết, nghe không hiểu gì hết, cứ ngáp ngáp, hước hước không.

Tôi nhớ bên Việt Nam, có bà đó tu 40 năm. Tới hồi bả hấp hối, mấy sư xuống nói “Không có gì sợ, mình chết mình đi về chỗ tốt hơn”. Bả hước hước bả nói “Con đâu có sợ, con tu mấy chục năm con cứ nhất tâm niệm Phật thôi, buồn vui gì cũng Hả - ra – ăn(g) hết” Thì mấy sư nói “Bà niệm cái gì?” Bà niệm là “Hả - ra - ăn” Người ta là Á-ra-hăng (Arahaṁ- Hồng danh đức Phật) mà bả không nghe kỹ bả cứ “Hả - ra - ăn” mà bả niệm. Suốt 40 năm cứ “hả - ra - ăn” “hả - ra - ăn”. Không chịu học. Ở đâu có lễ là có bả. Cũng quỳ lạy bái sám, lâu lâu bả nghe pháp bả cũng nổi da gà da vịt, bả cũng hoan hỷ tùm lum, mà bả không hiểu cái gì hết. Cái đó là cái đại kỵ.

Thờ Phật, lạy Phật phải hiểu Phật dạy cái gì. Mình có hiếu với má vì mình biết má là ai, với mình có công ơn gì mới gọi là hiếu. Còn đằng này tự nhiên thằng nhỏ ở trong cô nhi, 60 tuổi, tìm được má, thì kêu tui hiếu thì cũng gượng thôi chứ hiếu nỗi gì được. 60 năm nay tôi đâu gặp bả đâu. Tôi với bả không có kỷ niệm gì hết, tôi cũng chẳng ơn nghĩa gì với bả, bắt tôi kêu bằng “má” là “má” cái gì.

Ở đây, cũng vậy, rất nhiều người thờ Phật theo kiểu đó, kiểu đứa con lưu lạc. Tức là, biết được Phật, nghe tin Phật nhưng nó trớt quớt.

Nhưng nó có 2 trường hợp:
1. Không biết = Vô minh
2. Hiểu nhầm = Tà kiến.

Đều giống nhau. Không thấy = đui. Thấy tùm lum tà la = loạn thị, loạn sắc.
Thờ Phật vì hiểu Phật quý hơn mình thờ bằng niềm tin.

Bên Chúa nói “Phúc thay cho kẻ nào không thấy mà tin”
Nhưng bên đạo Phật mình nói: Phúc thay kẻ nào đã tin còn ráng tìm hiểu để thấy. Cái đó quan trọng.

↑ trở lên

A La Hán & tâm Đại Tố

Nếu đủ duyên chứng La Hán thì (13+25) là tâm Đại Tố chuyên làm các việc trước đây phải làm bằng tâm thiện. Nhưng các tâm Đại Tố ấy không cho quả báu đời sau. Có nghĩa là trước khi chứng La Hán, bất cứ tâm lành nào: Từ bi, Chánh niệm, Trí tuệ, Thiền định,… mấy cái đó còn có tác dụng cho Quả đời sau. Nhưng khi chứng La Hán rồi thì lập tức mấy ông 25 này tạo ra tâm Đại tố giống hột thóc đã luộc rồi. Nhìn bên ngoài y như hột còn sống nhưng đem đi gieo không được.

Vị La Hán cũng ăn uống tắm rửa, cũng cười cười, ai cần cũng lại giúp, cũng quét nhà, cũng xách nước y như mình, nhưng mà họ không còn tạo nghiệp, họ không còn hưởng cái gì từ cái tâm đó hết, vì họ làm bằng tâm Duy tác = Chỉ làm thôi. Trong khi, chỉ dưới La Hán một bậc, là A Na Hàm làm việc lành còn để lại quả đời sau. Vì sao vậy? Vì trí tuệ trong Bốn Đế ở vị La Hán là không còn góc khuất nào mà ngài không thấy. Ngài thấy rõ vô cùng rõ: Mọi hiện hữu đều là Khổ.

Riêng vị A Na Hàm, hiểu trên lý thuyết là vậy nhưng trong đáy sâu tâm hồn, khi hành thiền vị ấy vẫn thấy chỗ này ngọt, chỗ kia ngọt trong Thiền. Vị A Na Hàm giống như một bệnh nhân ở trong bệnh viện ung thư kỳ cuối. Vị đó biết rõ mình bị ung thư kỳ cuối, biết rõ những cái hoa này là hoa trong bệnh viện, biết rõ. Nhưng một buổi sáng mai nào đó, gió mát mát, trời xanh bát ngát nắng hồng người ta đẩy xe lăn ra ngoài khuôn viên bệnh viện thì đau có đau, nhói có nhói râm râm nhưng thấy bông đẹp cũng nhìn, thấy giọt sương đọng trên cánh hoa vẫn nhìn. Nhìn xong vẫn nhớ: hoa bệnh viện. Và có thể ngày mai mình không được ngắm nữa. Nhưng vẫn còn tí, giống vị A Na Hàm vậy.

Còn mình thì sao? Mình giống như một đứa bé vậy. Mình hoàn toàn tin yêu, tin cậy và tín nhiệm, mình thấy nó là Tôi và Của Tôi. Nhưng vị A Na Hàm thì không. Vị A Na Hàm biết mấy thứ này là giả nhưng ngồi thiền còn thấy chút gì ngọt ngọt.

Vị A La Hán thì không. Vị A La Hán biết rất rõ mọi thứ chớp tắt, chớp tắt. Mọi thứ nó chỉ là sóng và hạt thôi. Mình chỉ nói miệng, trong đầu mình vẫn len lén tin nó có gì đó. Bằng chứng, sóng và hạt... Nhưng đứa nào tát mặt mình, mình tát nó 2 cái, đúng không?

Thật ra vị A La Hán không có phiền nữa. Mình có những cái mà mình khác La Hán nhiều lắm. Thí dụ. Nghe cho kỹ cái này, tôi rất muốn quý vị nhớ cái này.
1. Mình sống bất thiện.
2. Sống thiện nhưng còn cầu quả báo đời sau.
3. Sống thiện còn mong người khác biết. Cái này khó vượt qua lắm. Mong người khác biết mình tốt, mong người khác biết mình không có xấu.
4. Phải đến mức nào đó, không màng cuộc đời nó nghĩ gì về mình. Mình chỉ biết là không làm bậy và chỉ hành thiện thôi. Còn cuộc đời đánh giá sao không quan trọng. Thì cảnh giới này mới cao.

Cho nên, tu có 2 cách:

  1. Cách tu của người thả diều = Cũng bố thí, ngồi thiền nhưng cột sợi dây nhỏ nhỏ - mong cho người ta biết. Thí dụ 3h sáng mình chưng bình hoa thiệt là đẹp, ông Nhân chưng, nhưng sáng ngày ra “Ông Kiên này khéo tay quá” là ông Nhân không chịu. Hoặc là 2 anh em dắt đoàn đi Miến Điện, Tích Lan tùm lum mà ông Nhân bỏ thời gian kèm cặp giáo lý, hướng dẫn ngồi thiền mà người ta cứ đè ông Kiên ra người ta khen không. Nó khó chịu chứ.
  2. Cách tu của người thả chim = Mình buông ra, chim bay đi đâu thì bay, cứ hành thiện.

Cho nên, bên Tây nó có câu thế này: "Thà mình xứng đáng được khen mà bị chê, còn hơn đáng bị chê mà được khen."
Và chuyện nữa. Ông Roosevelt hồi ổng chưa là tổng thống Mỹ, hồi ổng còn vô danh, có đêm nhà ông bị trộm, nó lấy tùm lum hết, ông mới viết thư cho bạn nói nhà tôi bị trộm. Thì bạn nó gởi thơ an ủi ổng. Ổng nói thế này. “Tôi kể ông nghe vậy thôi chứ sau vụ trộm tôi vẫn vui vì 3 lý do:
1. Nó lấy đồ không đáng kể
2. Lấy đồ mà không giết tôi
3. Thằng ăn trộm không phải là tôi”

Và chưa hết, ông Voltaire (Pháp), ổng giỏi lắm, giỏi ghê lắm. Viện Hàn Lâm của Pháp rất nhiều ông dở hơn ổng nhưng do chạy chọt, quen biết, tiền bạc,.. làm viện sĩ viện hàn lâm. Giống như mình hội viên hội nhà văn mà viết tiếng Việt chưa sạch. Riêng ổng thì không. Thì có nhiều người nói ổng: Tại sao ông không liên hệ để vào viện hàn lâm? Ổng nói thế này (tôi thích câu này): "Thà xứng đáng làm viện sĩ nhưng không được làm viện sĩ để ai gặp mình họ cũng tiếc, tại sao mình không được vào đó. Chứ tui sợ cảnh vào trong đó mà không xứng đáng, cứ nghe người ta nói “thằng cha đó không xứng đáng có mặt trong đó”. Hai cái đó tôi thấy cái sau thảm hơn.

↑ trở lên

Vô lượng

Cho nên, cái này mới quan trọng, banh lỗ tai nghe nè. Các vị nghe chữ “vô lượng” không? Thường mình hay chúc nhau “công đức vô lượng”. Vô lượng là sao? Muốn có công đức vô lượng thì Tâm phải vô lượng, tức là:

(1) Không phân biệt đối tượng, chuyện cần làm là làm;
(2) Bản thân không bị gò bó trong quả báu, mong được cái này cái kia.

2 cái Tâm vô lượng này cộng lại cho quả vô lượng. Đều là đại gia, đều bỏ bạc tỷ ra cúng dường nhưng mong người ta biết, là nó đâu vô lượng nữa. Hoặc là đấu nhau, nghe nói bà kia 3 tỷ, mình ném 5 tỷ “cho mày chết luôn” thì đó là không còn vô lượng nữa. Bố thí mà mong người ta biết, bố thí để mong kiếp sau khá giả thì không phải vô lượng.

Mà muốn quả báu vô lượng là tâm phải vô lượng trước rồi quả báu mới vô lượng. Nhân nào quả nấy. Cái này rất khó. Khó lắm. Cho nên, đây là lý do vì sao Phật hiếm. Hiếm lắm. Cực hiếm.

Hiếm có người giác ngộ là vì sao? Tôi nhắc lại lần nữa:
1. Sống bất thiện
2. Sống thiện còn mong người khác biết, còn mong cái gì đó
3. Sống thiện kiểu thả chim, không phải thả diều. Thường mình thả diều. Đều có chữ “thả” hết nhưng một bên thả rồi buông luôn, còn một bên thả rồi còn (kéo kéo), coi đồng hồ, kéo dây về ngủ. Tùy thuộc mình tu kiểu gì.

Nếu chưa chứng thánh (1 trong 4 tầng thánh kể trên) thì vòng tròn (luân hồi) trên đây sẽ được lặp đi lặp lại vô số lần đủ khiến máu lệ của mỗi người nhiều hơn nước trong 4 biển. Đương nhiên, đó chưa phải là điểm dừng sau cùng. Có nghĩa nó không phải một biển mà vô số biển.

Giờ mình nhìn vô mình biết mình tu cái gì rồi đó.

Xưa hòa thượng bổn sư tôi, trước khi ngài tịch, ngài nói: Bắc truyền có Lục độ, Nam truyền có Thập độ. Trong Thập độ của Nam truyền thì cái Ba La Mật cuối cùng là Xả. Ngài nói, cái đó không phải ngẫu nhiên mà để đàng cuối đâu. Khó nhất. Bố thí thấy ghê nhưng cái đó còn dễ. Trong chùa, hầu như mình dễ gặp người hào sảng, Trì giới thấy vậy trong đám thầy chùa có. Tâm lý xuất gia – có. Nhẫn nại – có. Cái gì cũng có, mà riêng Xả rất là khó.

Tôi chỉ nói riêng một phần trong tạng Luật thôi.

Tạng luật tỳ-kheo thì tỳ-kheo có nhiều hạng:

  1. Ác tỳ-kheo = Không giữ giới gì hết.
  2. Thiện tỳ-kheo, gồm có:
    1. Bậc Hạ: Phật cấm chế gì giữ y chang, không thêm bớt = Phật cấm không được giữ y dư, ok tôi chỉ giữ đủ y mặc thôi, nhưng ai cho y xịn tôi vẫn có quyền nhận. Bữa nào không ai cúng thì tôi ôm bát đi, có ai cúng thì tôi lại nhà ăn bào ngư, yến sào tùm lum hết.
    2. Bậc thượng: Ngoài giới tỳ-kheo giữ thêm mấy hạnh đầu đà có nội dung ly dục nữa. Đúng ra là giữ giới là không giữ y dư, nhưng ổng còn ghê hơn cái nữa là:
      1. Ổng không mặc y do người ta may sẵn người ta cho, mà chính chả phải đi lượm vải đầu đường xó chợ về may, nhuộm, mặc.
      2. Suốt đời không ăn muỗng nĩa trong nhà, chỉ ăn bằng cái gì có trong bát thôi.
      3. Suốt đời không sống nơi có mái che, hoàn hang động, gốc cây thôi hoặc nghĩa trang.
      4. Suốt đời giữ hạnh nhất tọa thực = đã lỡ ăn xong một buổi dầu chỉ là một chén cháo thì coi như là finish. Nhất tọa = Ngồi một lần. Mấy vị đó nếu mình thường mình cúng gì cho mấy vị chắc bụng chứ còn nếu gặp mình muốn phá ổng dễ lắm, mình cho chén cháo là đời ổng tàn, vì quất chén cháo xong không ăn nữa, là một chén mà trụ thế 24h. Đời chàng héo.
        Đó là thượng tỳ-kheo.

    Nhưng trong cái thượng này, chia ra mấy nhánh:

    (1) Trì hạnh đầu đà thiểu dục tri túc nhưng còn mong người khác biết.
    (2) Cái thứ hai mới ghê: Tri túc thiểu dục nhưng không mong người khác biết.

    Hạnh đầu đà có 3 hạng - Tôi đang nói riêng Hạnh khất thực = suốt đời ăn khất thực, trong bát, không ăn trong chén, dĩa.

    • Hạng 1: Lệ thuộc người = Tôi biết đám Hamburg họ thương tôi, mà suốt đời tôi giữ hạnh đầu đà, cho nên tôi luôn ở gần họ. Nay bà Điệp để bát, mai bà Yến để bát, mốt ông Khương để bát, bữa nọ cha Lộc để bát... Hiểu không? Mà họ biết tôi thích ăn cái gì nữa. Canh chua, rồi đậu xào, nấm nướng bơ,... họ biết. Cho nên, tôi vẫn đầu đà nhưng tôi lệ thuộc người, tôi chỉ ở gần đệ tử của tôi thôi.

    • Hạng 2: Khá hơn, không lệ thuộc đệ tử nhưng Lệ thuộc cảnh. Tôi biết ở Sydney đi bát ăn ngon hơn Brisbane, hoặc là ở Brisbane có trái cây tươi còn Sydney toàn ăn đồ hộp không cho nên tôi về Brisbane. Tôi không hề bị trói buộc bởi ông Nhân, đúng nhưng tôi lệ thuộc cái cảnh. Về Châu Á dễ đi bát hơn, Châu Âu ăn pho mai riết ớn quá đi. Như vậy là lệ thuộc cảnh.

    • Hạng 3: Cái này mới ghê. Không lệ thuộc người, không lệ thuộc cảnh. Khi nào biết người ta phát hiện mình là bậc ly dục, lập tức bỏ đi. Tại sao có hạng thứ 3 này? Đó là người thiết tha cầu giải thoát. Vị đó biết rằng, chỉ cần có một tý, một gram mong mỏi về danh hay về lợi thì thời gian sanh tử dài hơn một chút, vị đó luôn luôn ám ảnh cái đó, còn một chút thích, dầu thích danh hay thích lợi thì thời gian sanh tử dài hơn một chút. Họ bị/được ám trong đầu họ cứ văng vẳng vậy mới là hạng thứ 3. Không thiết tha muốn người khác biết mình là ai. Bỏ đi là sao? Khi mình biết người ta biết thì nó bu lại làm phiền mình; và mình rất dễ mọc rễ ở đám người đó, nó sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề.

    Hiểu không? Cô thử tưởng tượng, ở đây nguyên đám đàn ông, đứa nào cũng mê cô, nếu cô là người đàng hoàng, cô nên ở đây không? Cứ mình ra đánh răng, cha Nhân nhào vô, em cần kem không? Mình đi tắm là cha Nhân nhào vô, em cần xà bông không? Mình đi ăn, Hào nhào vô, muỗng nĩa nó hầu. Nếu cô là người đàn bà đàng hoàng, là một hành giả, tôi khuyên cô nên đi. Có hiểu không?

    Tôi biết có nhiều người đàn bà dã man lắm, nó chỉ yêu được một thằng nhưng nó muốn thằng nào cũng chết hết. Có cái đó không? Cái đó không được. Mình là đàn bà chính chuyên, thấy chỗ nào có mùi dê hơi nặng là đi liền. Còn đàng này cứ “em chả em chả” mà cứ lượn lờ. Như vậy là tôi chê.

    Hỏi: Người tu hạnh đầu đà phải biết luật ?

    Dĩ nhiên. Hai hạng đầu tiên nó không phạm, nhưng mà chưa khá. Dính người không được, dính cảnh không được, và cái thứ ba, dính mình.

    ↑ trở lên

    Lộ trình sanh tử chiều xuôi

    Sáng nay mình học về Lộ trình sanh tử chiều xuôi. Chiều xuôi có nghĩa là do Vô Minh trong Bốn đế mới có phân biệt thích, ghét, buồn, vui thay vì phải thấy tất cả là Khổ, đằng này do Vô Minh nên mới có phân biệt màu gì màu gì. Trong kinh nói giống như một đống rác, mình là người đầu óc tỉnh táo, đã nói rác mình có lụm gì ở đó đem về ăn không? Nhưng chính vì mình bị ba trợn, cho nên mình nhìn vô đống rác, mình thấy cái này ăn được, cái này màu tím, bỏ vô túi, cái này ăn được bỏ vô miệng. Hiểu không? Nhưng đối với người tỉnh táo thì đã là rác thì “bùm” - bỏ qua.

    Ngày xưa ở Sài Gòn tôi đi học tiếng Tàu ở đường trường Lý Phong. Chiều nào cũng vậy, trên đường Nguyễn Trãi, tôi gặp một cô trần trụi, mà ngày nào cũng vậy, cổ ngồi đống rác cổ bươi cổ ăn, vừa cười cười vừa nói, chiều nào đi ngang cũng gặp cổ. Mà thương nhất là vậy, có những buổi trời mưa. Việt Nam mình nhiệt đới đúng không? Cho nên khi mưa mình mới biết đống rác nó nóng, bình thường mình không biết nó nóng mà khi mưa xuống nó lên khói, mà nàng vẫn chỗ ngồi đó, thủy chung, vẫn không mặc gì hết. Tôi đâu nhìn kỹ mà đi qua cả năm trời mà, nàng ngồi xổm trên đó nàng ăn, nàng mở mấy cái lon, nàng mở mấy cái hộp ra nàng lục, giục xong nàng đi lụm cái khác nàng ăn. Nếu đó là người thân của mình, chắc mình đau lắm. Hiểu không?

    Ở trong cái nhìn của bậc thánh vũ trụ này và vô lượng vũ trụ khác đều là đống rác, không có gì để lụm bỏ túi, không có gì lụm bỏ miệng hết. Nhưng có điều, vì vô minh cho nên mình phân biệt cái này màu gì, cái này ngon, cái này dở cho nên mình mới có thích và ghét. Vì có phân biệt thích ghét buồn vui sướng khổ nên mới trốn chạy cái này, theo đuổi cái kia. Mà hai việc trốn chạy & theo đuổi ấy được ta thực hiện bằng cách nào? Làm ác / làm thiện. Thay vì mình mua chiếc xe nó rẻ đây mình quất chiếc đắt tiền, để chi? Để phục vụ cái thích của mình.

    Đó. Vấn đề nằm chỗ đó. Vấn đề mình cứ, vì muốn trốn cái nhà cấp 4 cho nên mình mới làm đủ thứ chuyện hết. Vì mình hướng tới cái nhà bạc tỷ nên chuyện gì mình cũng làm hết. Vì trốn cái này theo đuổi cái kia cho nên mình mới theo đuổi các nghiệp thiện - ác. Từ chỗ làm các nghiệp thiện - ác nên mình mới có tâm đầu thai về các cõi.

    Thí dụ: Làm thiện về cõi trên. Làm ác về cõi xuống. Cái đó là nói vắn tắt. Nói đầy đủ khi nãy nói rồi. Thiện có nhiều cấp. Cảnh giới đi về trên cũng có nhiều cấp. Làm ác có nhiều cỡ thì đi xuống cũng có nhiều cỡ. Như mình thấy mình làm heo nó khác, làm dê nó khác. Rồi trong thế giới động vậy nó có những con bò, bay, máy, cựa. Có con thì bay, có con thì lội, có con thì chui rúc, có con suốt đời nằm trong sình. Tùy hạnh nghiệp của mình mà bị đọa cũng khác nhau. Ngay cả làm chó, các vị thấy không? Làm chó Việt Nam, thỉnh thoảng bắt đầu “rựa mận, rựa mận” “củ sả, riềng khô, lá mơ.

    Các vị chắc ngạc nhiên tại sao tôi biết nhiều? Tôi đọc nhiều lắm. Cái gì cũng đọc. Có người đó hỏi tôi: Sư tu hồi nhỏ mà sao sư biết cái đó? Sư có thử cái đó chưa? Tôi hỏi thế này: Tôi có thể kể cho ông nghe về Võ Lâm Ngũ Bá và Lục mạch Thần kiếm, tôi đâu có võ công. Hiểu không? Lạ lắm. Nhiều người họ nghe tôi kể chuyện ông Diệm, Bảo Đại... họ ngạc nhiên. Trong khi tôi kể chuyện Phạm Ngũ Lão họ không ngạc nhiên. Trong khi chuyện Phạm Ngũ Lão nó xưa hơn chứ, mà họ lại ngạc nhiên tại sao tôi biết.

    Làm chó mà chó xứ nghèo, xứ giàu khác nhau. Các vị có biết một chuyện, người Việt Nam không biết có biết không chứ bên Nam Hàn là xứ ăn thịt chó các vị có biết không? Xứ văn minh lắm, mà nó ăn thịt chó. Chó Singapore, chó Mã Lai còn hi vọng chứ chó Đại Hàn rất là mệt.

    Mà nói đến chó tôi nhớ chùa đó có ông thầy thỉnh thoảng ổng cũng ăn. Phật tử cúng. Nó bưng vô nói “thầy thầy, giả cầy, giả cầy, rựa mận”. Thì ổng nói “Có khách vô con đừng nói cái đó kỳ lắm, con nói là tàu hũ”. Bữa có khách vô, chó nó sủa ở ngoài, ổng nói “Con ra coi cái gì kỳ vậy” Nó nói “Dạ, tàu hũ chùa cắn tàu hũ xóm”. Tại vì ổng không cho nói chữ “chó”, nó thơ ngây mà, không cho nói thì nó sửa lại “Dạ, tàu hũ chùa cắn tàu hũ xóm”.

    Có cặp vợ chồng đó rổ rá cạp lại, chàng lận lưng 2-3 đứa, nàng lận lưng 2-3 đứa, về lấy nhau đẻ ra thêm mớ nữa. Bữa đó tụi nó đánh nhau, ông chồng nói: Em ra coi tụi nhỏ nó làm gì ngoài sân. Bả đi ra rồ bả vô bả nói: Mệt quá anh ơi, con anh, con em đánh nhau với con chúng ta.

    Đó là nãy giờ mình học về Lộ trình sanh tử:
    Chiều xuôi: Do có cái này => Có cái kia.
    Chiều nghịch: Do không có cái này => không có cái kia.

    Duyên khởi nãy giờ mình học có chiều thuận thôi: Do có Vô minh => nghiệp thiện ác => Tâm đầu thai các cõi => Có các giác quan: Thấy, nghe, ngửi, nếm đụng => Thưởng thức 6 trần => Có thích, gồm có 2 (Ái) = (1) Gặp cảnh đắng muốn trốn (2) Gặp cái ngọt muốn ở lại với nó. Ái sâu nặng => Thủ => Nghiệp thiện ác => Tâm đầu thai => Già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần.

    – Ái biệt ly (thương phải xa),
    – Oán tằng hội khổ (ghét phải gần).

    Để giải quyết mấy cái này thì sao? Quay lại tuần hoàn cũ. Làm các nghiệp thiện ác tiếp tục. Nó cứ đi vòng vòng, gọi là Duyên sinh chiều thuận.

    ↑ trở lên

    Duyên sinh chiều ngược

    Giờ học Duyên sinh chiều ngược.

    Khi không có Vô minh trong Bốn đế => Không có tạo nghiệp thiện, ác => Không tiếp tục tạo tâm đầu thai về các cõi => làm gì có 6 căn, 6 xúc, 6 thọ. Không có 6 xúc, 6 thọ, 6 căn => Làm gì có 6 Ái, 6 ái = Thích trong mắt, tai, mũi, lưỡi,... trong sắc, thinh, khí, vị... => không có tứ thủ => Không có 2 hữu (nghiệp hữu & sanh hữu) => Không tạo nghiệp thiện ác có nghiệp hữu, sanh hữu => không có tâm đầu thai. Hễ mình có ý đầu tư thì mình có lối về.

    Đây là câu chốt lại: Khi ta có ý đầu tư thì ta có lối về. Khi ta không có ý đầu tư thì ta không có lối về.

    Do có vô minh mới có các nghiệp thiện ác. Do không có vô minh nên không có nghiệp thiện ác. Nhưng có một câu hỏi lớn ở đây: Bây giờ tôi còn phàm thì sao? Thì đây là câu trả lời. Nếu hết Vô Minh, không có nghiệp thiện ác, nhưng nếu mình biết Phật pháp mà vẫn còn vô minh thì sao? Thì bớt ác nghiệp.

    Do Vô minh cho nên mình mới phân biệt thích, ghét. Do đó mới có chuyện ác và thiện, đúng không? Hôm nay, tuy mình vẫn còn Vô Minh nhưng mình biết Phật pháp thì mình cắt cái ác đi. Tôi thù nhất câu “giảm nghiệp” mơ hồ lắm. Mà phải là cái ÁC. Mình phải nói rõ chữ ÁC. Chứ còn “giảm nghiệp”, ăn rồi ngồi không “giảm nghiệp”.

    Sẵn tôi nói luôn, cái này quan trọng.

    NGỒI YÊN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ GIẢM NGHIỆP.
    NGỒI YÊN TUY KHÔNG TẠO NGHIỆP THÂN, NGHIỆP KHẨU NHƯNG VẪN TẠO NGHIỆP Ý.

    Ông sư kêu giảm nghiệp thì bèn ngồi im. Ông chồng muốn làm gì thì làm. Như có ông đó, ổng cứ tới giờ vợ ông làm việc là ổng cứ ngồi đọc báo, ngậm điếu thuốc, cứ “Em, xong chưa? Em, xong chưa?” Bả nói “Sao anh không xuống giúp em tay” Ổng nói “Ngày cưới anh đã hứa là không bao giờ phụ em”. Em làm có chết em chịu chứ anh hứa với 2 họ rồi, suốt đời này, anh không bao giờ phụ em.

    Bởi, thấy không ai thủy chung bằng đàn ông Úc hết. Thấy mấy bà làm mà mấy ông cứ ngồi, mấy thầy không phụ là đúng rồi, nhưng mấy ông cũng không phụ luôn. “giữ lời nguyền thủy chung son sắc, cho bà làm cho chết luôn tôi không phụ”.

    Cho nên:
    • Nếu không biết Phật pháp = trốn khổ tìm vui bằng cả thiện lẫn ác.
    • Biết Phật pháp = trốn khổ tìm vui bằng thiện thôi. Mà cái thiện có nhiều cấp, hồi nãy nói rồi:
    ◦ Thiện cầu quả nhân thiên
    ◦ Thiện cầu được người khác biết
    ◦ Không bằng thiện của người thẳng đường đi, thiện của người thả chim, không phải của người thả diều.

    Đến một lúc nào đó, với cách thiện thả chim sẽ có ngày nó dẫn đến chuyện không còn vô minh. Còn nếu thiện kiểu thả diều thì nó cứ xà quần, xà quần.

    Tại sao có người thành Phật? Vì Ngài đã vô lượng kiếp Ngài hành thiện kiểu thả chim. Còn mình vô lượng kiếp mình cũng hành thiện mà thiện thả diều, mình hành mà có sợi dây mình kéo. Mình bố thí nhưng mà có ràng buộc. Hiểu không? Có ngồi thiền, có niệm Phật nhưng mà có dính "cái tôi, của tôi".

    ↑ trở lên

    Uống thuốc chữa bệnh

    Nên nhớ một chuyện nữa, cái này quan trọng: Học đạo cho giỏi, bố thí cho nhiều, phục vụ cho nhiều… tất cả những chuyện đó là chuyện nên làm chứ không có gì đáng hãnh diện, là vì sao? Là vì tất cả những lần làm công đức chỉ là những lần ta uống thuốc chữa bệnh thôi. Không ai khùng điên gì cảm thấy tự hào rằng sáng nào tui cũng uống một bụm thuốc hết trơn, trừ thằng ba trợn thôi. Chỉ có người ba trợn, chỉ có thằng khùng mới hãnh diện sáng nay tôi uống một bụm thuốc, mỗi viên thuốc trị giá 50$. Vì theo tôi biết, chỉ có bệnh nặng thuốc mới đắt tiền thôi. Chứ còn bệnh cảm, tiêu chảy tiền thuốc không bao nhiêu. Mà cứ một viên 50-70$ là biết thằng cha đó bệnh nặng rồi. Hiểu không? Cho nên, không có ai hãnh diện khi mỗi ngày mình uống quá nhiều thuốc.

    Cũng vậy, mỗi công đức mình làm, mỗi giây phút các vị ngồi thiền, niệm Phật, rải từ bi,... những giây phút đó đều là những giây phút mình uống thuốc. Tôi đang nói nghĩa đen, không phải nghĩa bóng, những chuyện đó mình làm là mình lấy 25 mài 14.
    Trong khi những người không biết Phật pháp mỗi lần họ làm thiện thì 25 của họ bị tác động bởi 14. Người không biết Phật pháp đến lúc làm thiện vẫn bị 14 kéo áo. Trong khi người làm thiện thứ thiệt ảnh lấy 25 mài 14.

    Có phân biệt được cái này không?

    Cái Thiện này mới dẫn đến chuyện chấm dứt Vô Minh. Chấm dứt Vô Minh thì không còn chuyện không phân biệt thiện, ác. Tôi biết bài giảng này rất nhức đầu, tôi ráng giảng cho nó hết.

    Người không biết Phật pháp chỉ quan tâm thích, ghét, buồn, vui thôi. Biết Phật pháp quan tâm hành thiện lánh ác. Nhưng cái này mới ghê: Tới hạng thứ ba: Biết ác nên tránh, thiện nên làm không phải để cầu quả sanh tử mà để chấm dứt sanh tử thiện ác buồn vui. Hạng này hơi hiếm. Vì sao? Vì trong chúng ta, người thật sự không muốn hiện hữu nữa hạng này rất hiếm. Xem lại ngay cả mình. Miệng mình nói như két “Đời là biển khổ” chẳng qua là vì mình... khổ thiệt. Chứ nếu mình sướng chút xíu thì còn khuya. Một tháng mà các vị kiếm 1 tỷ đô la, đêm ngủ dậy “bùm” trở thành 18 tuổi hết, cơ bắp chỗ nào cần phồng nó phồng, chỗ nào cần eo nó eo, 1 tháng vô 1 tỷ, thì các vị có về đây học đạo không? Còn khuya. Giờ không chết 100 tuổi mà các vị sống 1 triệu năm coi: "Vô chùa làm gì? Mất vui." Tôi báo cho các vị biết.

    Cho nên, khi nghĩ cái đó mình mới thấy: Lòng tu của mình chưa đạt. Trong khi Bồ Tát ngày xưa trong khi làm chư thiên Phạm thiên Ngài vẫn biết đây là đồ giả. Người như vậy mới thành Phật được, còn mình hễ sung sướng là mình quên. Có cái vụ trùm mền, ngủ quên trong hạnh phúc.

    Tất cả những chiến thắng của mình trong đời sống dầu trên tình trường hay thương trường chỉ là cờ lau tập trận, nghĩa là trò chơi trẻ con, nguyên đám chăn trâu cầm cờ lau “Tiến lên! Tiến lên” Nhưng trong mắt người lớn đó là trò chơi trẻ con. Cũng vậy: Tất cả những thành tựu về chính trường, chiến trường, thương trường, tình trường, .. tất thảy chỉ là cờ lau tập trận, chỉ là trò chơi, vì sao? Vì chỉ cần chút xíu xảy ra, chỉ cần tay mình không nhúc nhích được thì quý vị mới thấy lời tui nói là đúng.

    ↑ trở lên

    Chuyện đời phũ phàng

    Tôi đã từng đi đến thăm Phật tử tôi thấy. Giàu biết bao nhiêu, đẹp biết bao nhiêu, tới hồi ngủ dậy nó không nhúc nhích gì hết. Mà đời nó phũ phàng lắm. Mới bịnh nó còn ngó được, bịnh khoảng 6 tháng, nó có mùi, tại mình nằm lâu. Dầu sạch cách mấy, nó có mùi của người nằm lâu. Nhà nghèo thì nó hơi khai khai, nhà giàu nó có mùi chua chua. Tại sao? Vì nhà giàu có osin nhưng nói vậy chứ nó cũng ẩu. Tôi thầy chùa, tôi có đi thăm bệnh tôi biết, nằm lâu, nó có cái mùi.

    Mà yêu đương gì nữa? Vợ nằm đó chừng 6 tháng mà mình thì thấy ở ngoài bao nhiêu chim, bướm dập dìu... còn bà xã mình nhìn thấy ớn quá. Mà hễ nó càng khổ nó càng mặc cảm, mà càng mặc cảm nó hay có những câu chì, câu bấc. Biết không ? “Tôi biết rồi, giờ tôi già, tôi xấu, tôi bệnh” Trời, nó càng nản nữa, nó càng ớn, nó càng oải. Ngày xưa gia tài này là 2 người nắm tay nhau mà tạo dựng, tới phiên bả lăn đùng nằm ra thì đừng cấm nó nghĩ bậy. Tôi ghét nhất vụ “ngồi làm thơ”. Tôi là người làm thơ nhưng đời sống tôi rất lạnh lùng. Không có “ảnh thương con lắm, bả thương con lắm”. No. Nằm liệt thì biết. Chẳng qua nó đang rình coi di chúc viết gì thôi. Nó biết mình viết gì rồi thì... còn khuya.

    Cái bậy nhất của người già Việt Nam là chia gia tài cho con quá sớm, nó mà nó nắm hết là nó đá bà già đi. Biết không? Anh nuôi đi, chị nuôi đi, em nuôi đi. Ngay thành phố tôi ở, bà cụ có 5 đứa con, ngày xưa 2 vợ chồng vượt biên qua, đi chùi cầu, rửa chén, vừa làm vừa lấy bằng kỹ sư, có một gia tài rất ngon, 2 vợ chồng sống bên đó được 40 năm, rồi tới hồi có dâu, rể. Tôi nghĩ cái này do dâu, rể nhiều hơn, tại tụi nó người dưng. Nó xúi sao, kêu ông bả chia. "Ba má đâu cần giữ, để lại cho tụi con, tụi con lo." Lúc mà chia rồi, về ở nhà thằng cả được mấy bữa là con dâu cái mặt nó lạnh ngắt. Nó mới đá qua thằng ba. Ở với nó được mấy bữa nó đá qua thằng tư... Thế là nó đá vòng vòng, cuối cùng về ở với thằng út. Mà con dâu út nó không vui. Ở được mấy năm nó đối xử lạ lắm. Thì ông già chết, đem thiêu, cho vô cái hũ. Con dâu út nó sợ ma, kêu gởi trong chùa đi, mà lúc đó chỗ tôi ở không có chùa, không có chỗ gởi. Thằng chồng năn nỉ: Để anh tìm cách đưa Ba về xứ. Giờ gởi chùa lạnh lẽo quá, để gởi về chùa cho bà con hương khói. Bữa kia thằng chồng nó không ở nhà, đứa con dâu út nó gây gổ gì với bà má, nó hất hũ xương. Mà nói đem về xứ, thật ra con cái ở nước ngoài hết, về xứ về với ai? Bả buồn, bả bệnh. Các vị biết không? Thuốc bác sĩ cho bả giấu, bả tự sát bằng cách không uống thuốc. Cuối cùng bả chết. Khi bả chết, đứa con phát hiện một túi thuốc. Nó hối hận, nó mới về Việt Nam nó làm 10 bức Quan Âm, mỗi bức 3m cho các chùa để xin lỗi má. Tôi nghe cái đó tôi ghét lắm. Tin con. Xin lỗi, thân này của mình, mình tin không được mà đi tin con. Con luôn gắn liền với dâu và rể, mà dâu và rể là người dưng.

    Ông đó ổng đem lúa lên tỉnh bán, ổng mua được hộp bánh, ổng tính đem về cho con, mà ổng ngồi ổng nghĩ “Vợ mình là con người ta, con mình do vợ đẻ ra, suy đi nghĩ lại chẳng bà con chi, không ăn thì để làm gì”. Mình thấy cái đó nó dã man thiệt, nhưng mà thiệt ra là vậy. Vợ mình là con người ta, con mình do vợ đẻ ra, suy đi tính lại chẳng bà con chi.

    Tôi nhớ có bà kia, bả vô than với sư phụ: Tụi con đẻ ra đứa nào cũng thương hết, mà bên nhà chồng con thích con trai hơn con gái. Sư nói sao cho bà má chồng con bỏ suy nghĩ đó đi. Sư phụ nói để bữa nào gặp bả sẽ nói. Bữa đó khi bả lên chùa Sư phụ nói xa xa gần gần, có duyên sự gì đó không phải khơi khơi nói: Người ta thích trọng nam khinh nữ chứ sư thấy cháu nội không chắc ăn, cháu nội không biết của ai chứ cháu ngoại là của mình. Nói giỡn giỡn mà thấy bà nhíu mày suy nghĩ đó nha.

    Nói đây tôi mới nhớ.

    Có thằng về nói với ba “Ba, con thương con Lan”. Ổng nói “Con Lan nó là em cùng cha khác mẹ”. Bữa sau nó “Ba, con thương con Cúc” “Không được, cũng cùng cha khác mẹ luôn” Tổng cộng nó yêu 8 đứa mà đứa nào cũng cùng cha khác mẹ. Bắt đầu nó nản quá, nó nói với má, má nói “Không sao, con không phải con ổng. Con lấy hết luôn, không có bà con gì hết, thích là xử thôi”. Đó là lợi ích của sự ngoại tình.

    Lớp này lạ lắm, giảng đàng hoàng nó ngáp mà nói bậy thì nó khoái. Đúng ra tôi không ham mà thấy bà con buồn ngủ quá, mà tôi cũng buồn ngủ nữa, thì cùng nhau dìu “qua cơn mê” vậy thôi. OK?

    ↑ trở lên

    Không phân biệt

    Trở lại học về Duyên sinh chiều ngược. Chiều ngược là sao?

    Không có vô minh trong Bốn Đế thì không có phân biệt buồn, vui, thích, ghét. Không phân biệt không phải ba trợn, khùng là không thấy có cái gì để thích, để ghét. Chứ đừng nghe không phân biệt, mấy thằng ba trợn đắc A La Hán hết, không phải. Không phân biệt có nghĩa thấy tất cả đều là “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Ngày hôm qua tôi có chứng minh cho các vị thấy: Tất cả là đồ giả? Tôi có nói vàng, ngọc nhớ không? Mình mang thân người nó còn giá trị chứ mai này làm thân khác thì...Hiểu không Rồi có những thức ăn mà dân tộc này ăn được mà dân tộc kia ăn không được. Dân tộc, chứ tôi không nói loài nha. Loài còn thảm nữa. Như có những dân tộc nó không ăn mắm được. Có đúng không? Mắm kho nhiều đứa ăn không được. Có đứa ăn sầu riêng không được. Sushi không phải ai cũng ăn được, sầu riêng không phải ai cũng ăn được, mắm không phải ai cũng ăn được, phô mai xanh của pháp không phải ai cũng ăn được, mùi của nó lên tới thiên đình luôn. Chao chùa, chao đó ai nghiện thì chỉ có chết, ai ăn không được nghe mùicũng chết.

    Nói tới chết, tôi nhớ có 2 bà đó đi xe đò, một bà đòi kéo cửa lên, một bà đòi kéo cửa xuống, rồi cãi lộn. Thì thằng lơ nó nói: Dễ lắm, cứ kéo lên cho bà này chết rồi kéo xuống cho bà kia chết luôn.

    Cho nên, ở đây: Không phân biệt là Không thấy có gì để phân biệt thế là không phân biệt. Hiểu cái này không? Một bên, không đủ trí óc để phân biệt. Một bên thấy không có gì để phân biệt nên không phân biệt. Và vì không có phân biệt thích, ghét, buồn, vui => Không theo đuổi, trốn chạy gì hết.
    Không có Vô Minh => Không có nghiệp thiện ác => không có tâm đầu thai các cõi => không có 6 căn, 5 uẩn => không có 6 thọ, 6 xúc, 6 ái...

    Cứ như vậy nó không có sự tiếp nối trong dòng chảy luân hồi nữa. Đó là một chuyện.

    Chuyện thứ hai, hồi nãy tôi có nói. Giả định trong trường hợp mình vẫn còn vô minh thì làm sao? Khi mình học giáo lý Duyên khởi thay vì do Vô Minh mình trốn khổ tìm vui bằng 2 nghiệp thiện & ác, thì giờ mình chỉ trốn chỉ bằng nghiệp thiện thôi. Rồi thêm bước nữa, thiện thô và thiện tế.
    Thiện thô = thiện dục.
    Thiện tế = “bùm” (hướng đến giải thoát).

    Hồi nãy thầy Đồng Ấn có đề nghị chúng ta sẽ có buổi học về các đề mục Thiền định. Tại sao xanh, vàng, đỏ, trắng, cái đó có gì đâu dòm nó, tại sao mình nhìn nó chăm chăm?

    Khi biết Phật pháp mà vẫn còn Vô minh thì mình hạn chế ác nghiệp. Dĩ nhiên, nghe “hạn chế” tưởng dễ. Buổi đầu, chỉ hạn chế được thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện, chứ ý nghiệp khó lắm. Nhưng trong ý nghiệp đó mình tránh những cái nào mình thấy quá nguy. Thí dụ, ba cái vụ Nhỏ mọn, ti tiện, ganh tị, bủn xỉn quá nặng thì mình giảm từ từ. Ác giảm được bao nhiêu thì giảm. Còn Thiện thì từng bước vượt khỏi thiện thô. Tức là thích làm thiện mà cầu sanh tử, mong người khác biết - gọi là thiện thô. Trong dòng sanh tử mình phải đi theo hướng đó (vượt khỏi thiện thô) thì mới ra khỏi được.
    Nếu mình tiếp tục sống ác thì không có gì để nói rồi. Nếu tiếp tục sống thiện thì cái thiện mà không hiểu được những điều này thì cái thiện đó vẫn là thiện quẩn quanh.

    Và, tôi nhắc lại một lần nữa. Điều tôi nói không biết bao nhiêu lần.

    Chỉ với đời sống chánh niệm + kiến thức giáo lý chúng ta mới có cơ hội thấy được tấm thân này là khổ, thấy được mọi hiện hữu là gánh nặng. Thiếu 1 trong 2 cái này đừng hòng nói chuyện thoát khổ. Vì sao? Vì khi anh không thấy nó là khổ thì anh làm sao sợ nó? Nếu không thấy nó là khổ thì không thể nào lấy kiến thức giáo lý để mà thấy. Tin tôi đi. Không thể nào. Không thể nào lấy kiến thức giáo lý mà thấy thân này là khổ, thấy mọi hiện hữu là khổ.

    Học giáo lý & sống chánh niệm ta mới thấy được Thân này là khổ. Nếu bà con không tin, ngồi yên lại trong vòng nửa tiếng coi nó có khổ không. Tại vì mình thất niệm mình thấy nó vui quá, thấy trời xanh mây trắng, nắng vàng, thấy trời ơi có gì đâu khổ, vui quá vui quá... Nhưng ngồi yên lại. Chuyện đầu tiên mình thấy 2 đầu gối mình có chuyện rồi. Sau 2 đầu gối tới mỏi vai. Ngồi lâu bắt đầu nghe rột rẹt, ngồi lâu tâm nó phóng, ngồi lâu nghĩ toàn chuyện buồn, chuyện xấu không. Lúc đó mới biết cái thân này là khổ. Vì ta không sống chánh niệm, lăng xăng lăng xăng, ta không thấy.

    Người chưa biết đạo thấy đời sống là 1 dòng, 1 cái line 30 năm, 70 năm. Tôi vui được 6 tháng, 4 tháng. Nhưng khi biết đạo rồi, đời sống này nó không có dài như mình tưởng, mà nó là từng đốm: Thiện, ác, buồn, vui. Mà thiện thì ít, ác thì nhiều. Buồn thì nhiều mà vui thì ít.
    Tiếp tục tu thấy không còn là đốm nữa mà nó là những chấm thôi, chớp tắt, chớp tắt, thiện, ác, buồn vui nó đến rất nhanh. Mà do ta thiếu chánh niệm và thiếu giáo lý cho nên ta không có cơ hội sống hết mình với chánh niệm.

    Cho nên, Chánh niệm được gọi là Thắp sáng hiện hữu, soi rọi cái gì đang diễn ra. Chỉ có lúc này mới thấy được Thân này là khổ. Nếu không sống chánh niệm không sống tuệ quán thì tôi hứa 1 triệu năm bà con không thấy thân này là khổ. Trừ khi đổ bệnh, trừ khi tuổi già đến, trừ phi cận tử. Mà tới lúc đó là quá muộn rồi.

    Nếu bà con hỏi tôi một lời khuyên sống như thế nào? Thì tôi nói thế này: Sống như thế nào để có thể ra đi mọi lúc một cách thanh thản, không sợ hãi không tiếc nuối. Và tôi nói thêm. Rất nhiều người trong lớp này hoặc nghe online hiểu nhầm: Đạo Phật u ám. Nhưng mà không. Tin tôi đi.

    Nói gọn: Tu để thấy thân này là khổ, thân này là gánh nặng.
    Nói sâu: Khi ta thấy nó là khổ, là gánh nặng ta buông bớt sự nắm chặt nó, khi ta buông bớt bắt đầu ta bớt khổ vì nó.

    Hiểu không?

    ↑ trở lên

    Thích & Ghét

    Nên nhớ cái này quan trọng: Cái thích nó làm ta khổ nhiều hơn cái ghét.

    Có đúng vậy không? Tại khi mình ghét là mình đã có ấn tượng mình buông nó từ xa. Trong lớp này tôi ghét chị Điệp cho nên tôi tránh, tôi đỡ khổ. Còn đằng này, tôi khoái bà Yến mới đuối. Hiểu không? Tôi mến chị Yến, cho nên về tôi cứ nghĩ. Mà bà Yến bả đâu như ý tôi muốn. Có hiểu tôi nói không? Tôi rất quý chị, lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ chị, mà chị đâu có như ý tôi muốn. (Thế là tui khổ.) Còn bà Điệp tôi không thích bả, tôi nghe bữa nay có ăn bánh xèo, mà tôi hỏi: Có bà Điệp không? Nếu có, thì tôi không qua. Xong. Nghe kịp không? Còn đằng này, tôi nghe có bà Yến là tôi nhào lên rồi. Mà trong khi tôi lên tới thì bắt đầu tôi thấy: Sao bả không thèm dòm tui, bả không thèm chào tui, bả không có vui vẻ với tui, rồi tui thấy bả lo múc cho mấy thầy không thèm múc cho tui, ... đủ thứ chuyện hết. Tại vì, khi tôi bắt đầu mến bả là tôi với bả bắt đầu nảy sinh vấn đề. Có bao nhiêu chuyện. Còn đằng này, bà Điệp tôi không thích. Đủ rồi. Finish. Hiểu không?

    Cho nên, nghe nói: Tu là để thấy thân này là khổ. “Chết rồi, vậy suốt đời mình sống với cái cảm giác đó”. Yên tâm, thấy nó là khổ để buông nó. Mà khi anh buông nó anh mới thấy nó nhẹ. Chứ còn thường mình chỉ dừng lại ở chỗ: "Tôi thấy đời là khổ" là chết rồi. Vậy thì bi quan quá. No. Không phải vậy.

    Phật còn đi xa nữa. Đức Phật dạy mình thấy đời là khổ, thấy đời là gánh nặng, để chi? Để không ôm nó nữa. Không ôm nó nữa thì sao ? Thì nhẹ. Vấn đề nằm trong chữ Nhẹ. Sẽ có ngày mình chứng kiến người, vật, cảnh thay đổi mà lòng thanh thản. Và cuối cùng là mình. Khi mình có thể quan sát mình như mình quan sát người khác thì mình có thể an lạc.

    Dĩ nhiên, trên mặt lý thuyết, tôi nói bà con gật gật cho vui. Cái tôi thiết tha mong là kỳ sau nhìn cách các vị đi đứng nói năng tôi biết các vị có chánh niệm hay không. Học giáo lý làm nền, rồi sống chánh niệm.

    Muốn biết thân này là khổ dễ lắm. Thử ngồi yên chút đi. Thấy trước hết là vụ hơi thở - nãy có nói đếm số. Tu định trước, tu tuệ sau. Cột tâm lại trước. Cứ hít vô thở ra đếm 1, hít vô thở ra đếm 2, làm chín mươi mấy số vậy rồi làm tiếp. Sẽ có một ngày bà con thấy, chánh niệm trong hơi thở không phải là công phu mà nó là sự hưởng thụ vì sung sướng. Tin tôi đi. Khi các vị được, các vị không cần nói cho tôi biết. Nếu các vị nói, rất là vui, vui lắm. “sư ơi, con giờ chỉ chờ cơ hội để con ngồi con đếm thở thôi”. Nó nhẹ lắm. Mà nó chữa tim mạch, trầm cảm, căng thẳng, stress, nó chữa được hết.
    Không phải mình chữa bệnh, cái đó là bạc lẻ thôi, nhưng phải nhìn nhận cái bạc chẵn, là mình bớt được phiền não. Cái trước mắt mình được an lạc.

    Ngài Ledi Sayadaw là một vị cao tăng của Phật giáo Miến Điện và cũng của cả thế giới. Ngài là vị tăng sau cùng mà những công trình viết lách bằng tiếng Pali của ngài là những công trình sau cùng được đưa vào Đại tạng Phật giáo Nam truyền. Người của thời này mà những công trình được đưa vào Đại tạng. Ngài sanh 1846 và ngài tịch năm 1924, chết cùng năm với Lenin. Trước khi ngài chết, ngài giỏi như vậy đó, ngài chỉ truyền tâm ấn lại cho một người đệ tử thất học đó là ông Thet, người Miến Điện gọi đủ là SayaThet. Ổng thất học. Tuy chữ nghĩa của ổng không nhiều nhưng ổng đã thấm được cái này, và ngài nói chư tăng: Tôi mất rồi, chư tăng Phật tử có thắc mắc về đạo hỏi ông này. Ngài chỉ có đúng một mình mà ổng là người nhà quê, chữ nghĩa không rành. Ổng Thet sau đó ổng truyền cho đúng một người đệ tử là ông U Ba Khin. Mà ông U Ba Khin ổng dạy đệ tử đông lắm, mà chỉ có 1 người ổng tâm đắc, là ông Goenka.

    Mà vui lắm, ông Goenka lúc gặp ông U Ba Khin ổng nói thiệt: Thầy ơi, con bị chứng migrain (nhức nửa đầu), con khổ quá, mà con nghe đồn nghe nói ngồi thiền bớt hả thầy? Thì ông U Ba Khin trả lời thế này: Phật pháp không phải là chỗ bệnh viện, lời Phật không phải là thuốc hiểu theo nghĩa đen của thế gian, tôi không hứa là tu thiền nó hết, nhưng cái này tôi hứa: Tu cho đúng thì nó dứt cái căn nhức đầu của nhiều kiếp chứ không phải nhức đầu của đời này. Ổng này nói đùa, thì ông kia thử. Buông hết. Ông Goenka là doanh nhân mà buông hết. Chỉ hít vào thở ra, thời gian sau, biết rõ mình đang thở ra thở vào với cảm giác gì, thêm nữa, biết mình đang thở ra thở vào với tâm trạng gì, tham, sân, si ái, mạn kiến nghi. Đến một ngày, ổng nói rằng, ổng không biết cái bệnh đó còn hay không nhưng mà ổng không biết nó nữa. Ổng không màng nó nữa. Vì sao ? Vì đối với ổng, cái giống gì cũng để ổng nhìn hết trơn. Ổng nói, cái giống giãi gì cũng để ổng nhìn hết.

    Hồi xưa mình còn biết đây là thiện, đây là ác, đây là buồn, đây là vui, mình ngồi thấy mát mình thích, rồi tới hồi mình muốn cho nó hết nực. Nhưng mà sẽ có một ngày mình không còn muốn cái mát ở lại và không còn muốn cái nực ra đi mà lúc đó cái nào mình cũng nhìn hết trơn. Nghe hiểu không?
    Lúc đầu mình còn quan tâm chuyện, tuy là thiền nhưng nó mát thích hơn đúng không? Nhưng sẽ có một lúc, đứa nào cũng để mình nhìn hết, biết mình đang khó chịu, biết mình đang dễ chịu, lúc đó đứa nào càng nổi bật mình nhìn nó càng rõ hơn. Đứa nào càng rõ nhìn nó càng sướng.

    Lúc đó không còn thiện ác, chỉ nhìn nó sanh diệt thôi.

    Cho nên, buổi đầu còn có thiện ác, cuối cùng chỉ có sanh diệt. Chính cái đó là cửa ngõ dẫn vào giác ngộ. Lúc đó chỉ thấy đây là Khổ và nguyên nhân sanh khổ thôi. Cho nên, trong Bốn Đế không có thiện, ác. Có nhớ cái đó không? Trong Bốn Đế chỉ có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong Bốn Đế không nhắc lại thiện, ác nữa. Biết đây là khổ và nguyên nhân sanh khổ thôi.

    Vì trong nhãn quan của một bậc thánh thì thiện ác buồn vui đều là khổ và nhân khổ hết. Hiểu không? Lúc đó không chuyện thiện ác như hồi trước đây, ở cấp độ dưới. Lên trên thì chỉ còn Khổ và Nguồn khổ, chỉ thấy mọi thứ đang chớp tắt, chớp tắt thôi. Và, để tu được những gì mình nghe, mình nói, mình hiểu như vầy là phải ngồi xuống sống chánh niệm, không thể nào cứ làm việc lý thuyết với nhau hết khóa học này tới khóa học khác, cứ xách đồ trượt tuyết qua đây hoài, học hoài. Và cứ ngồi dòm đồng hồ “Sư, còn 10 phút nữa Sư”.

    Sẽ có một ngày bà con sẽ thấy. Tôi mong học thì cứ học, phải có giáo lý mới học được, nhưng tôi mong núi này là một đạo trạng, là một thắng duyên, từ trong kinh gọi là thắng duyên, để bà con lên đây học, xong rồi dành thời giờ đi đâu đó với nhau. Mình nói đi chơi cũng được, mà đi vận động cơ thể cũng được, để trả nợ mỡ, đường cho đời.

    Thật ra nội dung sáng nay nhiều lắm. Đừng ham giảng nhiều. Vấn đề là mình nạp vô được bao nhiêu. Mình thấy 2 chai nước biển treo đầu giường mình tưởng giống nhau. Không. Chai này thuần túy là serum thôi, còn chai này là bơm tùm lum trong đó, nước mắm, nước tương, xì dầu, tàu hũ trong đó. Sáng nay tôi hốt cho quý vị mấy chai luôn.

    ↑ trở lên

← Khóa học 11/2022 - Beatenberg
[04/11][05/11][06/11]
[07/11][08/11][09/11]
[10/11][11/11][13/11]
Xin tri ân cô Hồ Thị Vui ghi chép
© www.giacnguyen.com