← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 25/09/2022
BTC xin tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép

  • Đọc A Tỳ Đàm
  • Thân kiến
  • Tâm Xả
  • Lão tử duyên Vô minh
  • Đồng tính bẩm sinh
  • Tam nhân
  • Tẩm bổ
  • Sắc uẩn
  • Tứ Niệm Xứ
  • Xá lợi
  • Dự khóa thiền


  • Đọc A Tỳ Đàm
    Hỏi: Sau 2 quyển Tìm hiểu triết học Phật giáo và triết học A Tỳ Đàm của Phật giáo truyền thống, người học Phật có cần đọc thêm giáo lý A Tỳ Đàm 1&2 không?
    Đáp: Nội dung mấy cuốn sách đó khác nhau. Tôi xin trả lời bằng 2 gạch đầu dòng:
    - Tôi giới thiệu cuốn sách nào thì tôi chịu trách nhiệm, chứ không có nghĩa là những sách mà tôi giới thiệu là những cuốn sách số 1 thì không phải. Các vị có thể tìm hiểu thêm. Đó là chuyện thứ nhứt.
    - Chuyện thứ hai, nội dung mấy quyển hoàn toàn khác nhau. Cho nên, nếu muốn tìm hiểu cho rộng thì quyển nào cũng cần. Xin nói rõ là không có quyển nào tôi viết hết, mấy cuốn A Tỳ Đàm hay là Thiền Quán, tôi chỉ dịch thôi, không có quyển nào tôi viết hết. Cho nên, bà con có thể tìm bản gốc, đều có sách tiếng Anh hết để bà con đọc.

    Pháp Chân Đế
    Hỏi: Các pháp chân đế: Tâm, tâm sở, sắc pháp, Niết Bàn, khi quán chiếu các đối tượng trên, hành giả bằng tưởng tri hay thực chứng để tuệ tri? Hiện nay có pháp tu nào để thực chứng pháp Chân đế hay chỉ học cho biết hoặc khá hơn là chỉ để sửa mình?
    Đáp: Chúng ta có 2 cách nhìn về thế giới: Cách nhìn thế giới hiện tượng & nhìn thế giới bản chất. Ở ngoài đời cũng vậy thôi, chúng ta cầm ly một nước chúng ta có 2 cách nói: đây là ly nước trà, nước chanh, nước cam, nước suối,.. cũng có cách nói H20 cộng các nguyên tố hóa học. Tùy trường hợp chúng ta sống với thế giới hiện tượng hay thế giới bản chất.
    Tất cả những cái chúng ta đã học về Bốn pháp Chân đế, rõ ràng, đã nói Chân đế học qua sách, qua thầy thì rõ ràng là học qua khía cạnh tục đế. Tại sao học? Học để thấy rằng: Thế giới có 2 cách nhìn, để có thể chứng thánh, để có thể cắt được phiền não chúng ta phải có cái nhìn xuyên thấu. Muốn có cách nhìn đó thì trước hết chúng ta phải vay mượn kiến thức, chữ nghĩa.
    Ngay trong câu hỏi chúng tôi đã nghe được cái mùi của ác ý nhưng mà chúng tôi vẫn nói. Có nghĩa là, các vị có ác ý bài xích cho rằng: Có cách nào đi tắt không?
    Xin nói rằng, chỉ có đức Phật hoặc các ngài thánh tăng, ngài Anan, ngài Ca Diếp,… các vị nhìn cái duyên của người ta các vị có cách nói rất là ngắn, không phải dài dòng như phàm phu của mình. Thí dụ như đức Phật Ngài chỉ dạy đơn giản rằng : “Vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt” có người họ nghe vậy họ chứng thánh rồi. Rồi có lúc ngài nói : “Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ở đây không có ai thấy, không có ai nghe” chỉ nói vắn tắt như vậy thôi. Nhưng người dạy phải là người như thế nào, người nghe phải là người như thế nào thì trong trường hợp đó mình mới không cần kiến thức giáo lý.
    Còn hôm nay, người thầy cỡ như đức Phật và các đại đệ tử của Ngài không còn nữa. Và, trò hôm nay không giống trò ngày xưa. Cho nên, chúng ta phải nhờ đến kinh điển. Nếu các vị tự thấy mình có bản lãnh, có khả năng, không cần phải thông qua kinh điển giáo lý, tự ngồi trực nhập Chân đế, thì tôi xin chúc mừng, là các vị nhục thân Bồ Tát giữa thời mạt pháp.
    Riêng bản thân tôi, tôi vẫn chủ trương phải lấy kinh điển làm nền trước, trên nền đó mình mới đi tiếp. Tôi ví dụ như: Bản đồ nó chỉ là tờ giấy với vài vệt mực ngoằn nghèo trên đó thôi, nó không phải là con đường để mình đặt bàn chân mình trên đó. Cái chỗ mình đến nó là chỗ có đất, đá, cây cỏ chứ nó không phải là một miếng giấy. Tuy nhiên, cả con đường lẫn đích đến đều nằm trên tờ giấy của bản đồ thì mình phải nhờ cái bản đồ để mình đi. Còn quý vị hỏi thôi giờ có cách nào không cần bản đồ để đi hay không thì nếu quý vị có khả năng tôi xin chúc mừng, riêng tôi thì phải xài bản đồ. Hoặc bây giờ tối tân hơn thì tôi phải xài cái smartphone trên đó có cái google maps hoặc mình mua hẳn cái navigator chứ còn nói rằng không cần gì hết, mà ngồi tại chỗ đến thẳng nơi mình muốn không cần một hướng dẫn nào hết thì cái đó tôi chịu thua.

    Thân kiến
    Hỏi: Khi một người nói, “tôi chịu trách nhiệm về lời nói này, về việc làm này” là người đó còn thân kiến có phải không?
    Đáp: Tùy trường hợp.
    - Thứ nhất, chuyện đầu tiên mình phải nói, 99,9% phàm phu khi phát biểu như vậy đều có ngã mạn & thân kiến. Mình phải nói như vậy. Chuyện đầu tiên phải xác nhận là phàm phu, vì phàm phu không có cách nào rời thân kiến được hết.
    - Câu nói “tôi chịu trách nhiệm… ” bản thân câu nói nó không có lõi, mà nó là trong một vài trường hợp là câu nói cần thiết. Khi nó là một câu nói cần thiết trong một trường hợp cần thiết thì câu nói đó không có lõi, và nó hoàn toàn có thể được phát biểu bằng thiện chí, mang ý nghĩa khẳng định, để gây tạo khẳng định cho người nghe. Trong trường hợp đó, nó không có lõi và trong trường hợp đó nó được xuất phát từ động cơ thiện chí. Còn chuyện phàm phu chưa chứng Tu Đà Hườn thì phải nói khó mà có một biểu hiện nào ngoài thân kiến, lúc nào cũng dính liền thân kiến.

    Tâm Xả
    Hỏi: Thế nào là tâm xả?
    Đáp: Câu này giống như hỏi "Đồ bổ là sao?"
    Tôi khẳng định 1001 lần tôi chưa có bằng cấp, học vị nào ngoài đời hết, cho nên ở đây tôi chỉ nói ví dụ thôi. Không có gì dễ bị chửi cho bằng gặp y tá, gặp dược sĩ, gặp bác sĩ mà hỏi họ chứ “đồ bổ là cái gì?” Bởi vì, chữ đó nói trong ngôn ngữ dân gian ngoài đời thì được, chứ trong ngôn ngữ khoa học thì chữ “đồ bổ” rất mơ hồ. Thí dụ người mình nói “ăn đi, cái này đồ bổ nè ráng ăn đi, ăn đi tẩm bổ” nó rất mơ hồ.
    Việt Nam mình hay có cái màn, nghe nói có gì bổ thì đem dzộng vô ăn, cho má ăn, cho ba ăn, cho con ăn, cho chồng ăn, cho vợ ăn cho người thương mình ăn. Theo tôi biết, bên Âu Mỹ không có như vậy. Bên Âu Mỹ không có khái niệm gặp đồ bổ là ăn mà họ thường xuyên đi bác sĩ định kỳ, bác sĩ nói họ thiếu cái gì thì họ bổ sung cái đó, bác sĩ nói họ dư cái gì thì họ ngăn cái đó, kiêng cái đó chứ họ không có khái niệm đồ bổ mơ hồ như người mình.
    Ở đây cũng vậy, một người có học giáo lý, nói rõ luôn là học giáo lý A Tỳ Đàm, không bao giờ có tâm xả. Bởi vì nó chỉ có cái này, nói về cảm thọ thì có 5 thọ: Khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Thọ xả là cảm giác không phải vui, không phải buồn, không phải khổ, không phải sướng. Cảm giác này nó có thể đi với tâm thiện, có thể đi với tâm bất thiện. Đó là nói về cảm thọ.
    Còn một trường hợp nữa, đó là thí dụ trong tâm thiện nó có: Tâm thiện thọ hỷ, và tâm thiện thọ xả, thiện hào hứng và thiện hờ hững. Tâm thiện hờ hững là tâm thiện thọ xả.
    Rồi tâm thiền, thiền bậc thấp thì có thọ hỷ, thọ lạc, nhưng thiền bậc cao thì không còn hỷ, lạc chỉ còn thọ xả. Như vậy, nói tâm xả giống như nói “đồ bổ” vậy, nó mơ hồ lắm.
    Theo tôi biết, nhiều người hiểu tâm xả là tâm buông bỏ. Cái đó kêu tên gì cũng được nhưng mà kỵ không được kêu tâm xả. Bởi vì Xả, theo trong A Tỳ Đàm, Xả có 2 nghĩa:
    (1) 1 trong 5 cảm thọ, khổ lạc ưu hỷ xả, nếu chỉ nói là Tâm xả thì chưa rõ tâm phàm, tâm thánh, tâm thiện, tâm ác, tâm nhân, tâm quả, chưa nói, chỉ nói khía cạnh thọ xả thì nó rất mơ hồ.
    (2) Xả trong 4 Phạm trú: Từ, Bi, Hỷ, Xả thì tâm đó phải kêu Xả Vô lượng, hoặc Xả phạm trú chứ không được kêu tâm xả không.
    (3) Nếu hiểu tâm xả là tâm buông bỏ là tâm đó do mình chế ra, chứ còn theo trong A Tỳ Đàm tâm mà gọi là tâm buông bỏ là tâm đi kèm tâm sở Vô tham gọi là tâm xả, nhưng mà cái đó là gượng lắm. Một người biết A Tỳ Đàm không bao giờ nói chuyện mơ hồ như vậy. Giống như một người biết thuốc không bao giờ nói “đồ bổ” cái đó mơ hồ lắm. Nói ăn cái này có D, vitamin A, D, C, cái này bổ da, cái này bổ mắt, không ai kêu “đồ bổ” hết, nó mơ hồ lắm.

    Lão tử duyên Vô minh
    Hỏi: Trong lý 12 Duyên khởi, Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức,… vậy lão tử duyên vô minh hay cái gì khác duyên Vô minh?
    Đáp: Nếu một nggười có biết thì không hỏi câu này. Người không biết tôi e nói không hiểu. Nó khổ vậy đó. Vì đây là buổi pháp đàm cho đại chúng. Tôi xin nói thiệt, tôi kỵ 2 hạng:
    - Không biết gì hết, lâu lâu lục đại trong kinh thấy chỗ nào lạ hoắc móc ra hỏi, thí dụ, mình chưa biết đọc biết viết mà tự nhiên mình hỏi người ta “phóng xạ là cái gì?” mình đang ngồi trong cầu cá vồ, cầm tờ báo lên thấy chữ “phóng xạ” mới gọi phone hỏi người bạn hỏi “phóng xạ là cái gì” thì tôi nghĩ cái này chửi chết. Đó là trường hợp thứ nhứt là mù tịt, dốt đặc tự nhiên coi kinh lụm một câu xách ra hỏi.
    - Muốn cho người ta biết là mình biết. Mà trường hợp này cũng đáng trách, là bởi vì, mình hãy nhớ rằng, đại chúng, đụng tới chuyên môn là đại chúng họ phát khùng rồi. Nhưng mà tôi vẫn nói, sau khi tôi dằn cho nhớ.
    Từ đây về sau nhớ tránh dùm 2 câu:
    Thứ nhứt, đừng ngồi cầu cá vồ xé tờ báo thấy chữ “phóng xạ” hỏi, trong khi mình chưa biết đọc biết viết.
    Trường hợp thứ hai, đừng hỏi để cho người khác biết là mình có biết cái đó.
    Chúng ta không có thời giờ cho 2 câu này.
    Ở đây, Giáo lý duyên khởi cho người ta biết vòng tròn sanh tử là một vòng tròn khép kín. Tức là, đức Phật không có nói con gà có trước cái trứng hay cái trứng có trước con gà, Ngài không có nói. Ngài chỉ nói: “Muốn có trứng thì phải có con gà”. Câu thứ hai “Muốn có con gà phải có cái trứng”. Tùy mình chọn. Mình muốn có con gà thì mình đi kiếm cái trứng, còn muốn có cái trứng thì mình đi kiếm con gà mái. Ngài không cho biết cái nào có trước trong trái đất này. Đầu tiên lịch sử trái đất cái nào có trước Ngài không nói. Mà Ngài chỉ nói, muốn có con gà phải có cái trứng, mà muốn có cái trứng thì phải có con gà mái, cộng vô con gà trống. Ngài nói như vậy. Đây cũng vậy.
    Vòng tròn luân hồi của mình nó là một vòng tròn khép kín. Cái nào cũng có thể là điểm bắt đầu hết. Vòng tròn sanh tử nó là một vòng tròn tiếp nối giữa Nhân & Quả. Người Vô Minh không hiểu Bốn Đế, tôi không giải thích Bốn Đế ở đây, tôi mệt lắm rồi, tôi giảng Bốn Đế tôi đếm là 2500 tỷ lần rồi, tôi không giải thích nữa, thì người không hiểu Bốn Đế khi họ gặp quả xấu, thì quả xấu đó lại là điều kiện để họ tạo nhân xấu. Thí dụ như quả xấu là gì? Là bệnh, là nghèo, là già, là chết, thí dụ như vậy khi họ gặp cảnh bất toại đó là cái cớ họ tiếp tục gây tạo phiền não, tạo nhân mới để luân hồi. Còn khi họ hưởng quả lành, hưởng vị ngọt như đẹp, giàu, sướng, tình cảm, tiền bạc, danh vọng, chức vụ,… thì họ lấy cái ngọt để làm cớ để họ tiếp tục luân hồi nữa.
    Như vậy thì, kẻ phàm phu trước cái già, cái bệnh, cái chết, sầu, bi, khổ, ưu não, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần,… thì kẻ phàm phu đứng trước cái khổ này họ xem đó là cái cớ để họ tiếp tục tạo thêm phiền não mới để họ đi về cõi mới. Khi họ đứng trước cái ngọt thì họ lại tiếp tục, thí dụ, sắc thinh khí vị xúc, sắc đẹp, tiếng hay, mùi ngon,.. thì họ lại tiếp tục họ lấy đó làm cái cớ để họ tạo thêm nhân mới.
    Cho nên ở đây mình nói Vô minh duyên hành là một cách nói. Không bắt đầu từ Vô minh bắt đầu từ xúc: Do có xúc cho nên có thọ, không sai.
    Đọc Tương ưng bộ kinh, Tiểu bộ kinh phần Độc Giác truyện, phần Kinh Tê Ngưu, Chú giải sẽ thấy cái đó. Tức là Giáo lý duyên khởi có thể bắt đầu từ, nói Vô minh duyên Hành cũng được, khi trường hợp đó muốn nhấn mạnh tầm độc hại của Vô minh, mình nói bắt đầu từ xúc, thọ, ái, cũng được và sau cùng, để trả lời câu hỏi, các vị hỏi tôi: Lão tử duyên vô minh thì phải trả lời thế này.
    Bản thân lão tử không đủ để duyên vô minh, mà do khi bị lão tử, già bệnh chết, kẻ còn phàm phu phản ứng tâm lý bằng cách nào? Nó phản ứng tâm lý bằng đứng trước vị đắng thì phản ứng tâm lý bằng cách là phiền não. Khổ quá nó phản ứng bằng ý niệm trốn khổ tìm vui, chính ý niệm đó trong kinh có thuật ngữ “Tứ lậu”. Còn nếu không muốn xài Tứ lậu thì mình xài chữ bình thường, có nghĩa là đứng trước cái khổ mình có phản ứng tâm lý là phiền não. Mà chính phiền não này bên trong nó có vô minh, chính vô minh nó tiếp tục tạo các nghiệp thiện ác, các nghiệp thiện ác nó cứ tạo… nó làm cái vòng tròn mới, đó là cách nói dành cho người không chuyên nghiệp.
    Còn cách nói chuyên nghiệp là: Do phản ứng tâm lý trước sầu bi khổ ưu não, già chết, lão tử đó, phản ứng tâm lý đó có tên gọi Tứ lậu, mà Tứ lậu ở đây cũng là Tham ái & Tà kiến thôi chứ nó không có khỉ gì hết. Và đương nhiên, ở đâu có tham ái & tà kiến ở đó có vô minh núp lùm trong đó. Chính Tứ lậu làm nền cho vô minh.
    Cho nên, nói gọn lại, kẻ phàm phu chưa hiểu Bốn Đế, chưa trừ được Thân kiến thì cứ tiếp tục, trong cái khổ lại đi tạo cái khổ mới. Gọi theo từ chuyên môn là trong cái khổ lại nảy sinh Tứ lậu (dục lậu, kiến lậu, vô minh lậu, ) từ dục lậu, kiến lậu đó bốn cái lậu này, nghe tứ lậu cho nó sang thật ra nó cũng là vô minh thôi. Vô minh, tham ái, tà kiến chứ không có khỉ gì hết. Thì Tứ lậu này nó lại làm nền cho Vô minh. Cứ như vậy cho nên trong kinh có câu Pāli như thế này, đúng ra thì tôi cũng không thiết tha gì nói Pali chỗ này nhưng phải nói cho bà con đi rà trong google.
    Jarāmaraṇamucchāya, pīḷitānamabhiṇhaso; Āsavānaṃ samuppādā, avijjā ca pavattati.
    Ngài Tịnh Sự dịch gọn lại là :
    Chúng sinh già chết khổ sầu, cũng do pháp lậu dẫn đầu vô minh.
    Nếu không hiểu, nghe kỹ câu trả lời sẽ hiểu.

    Đồng tính bẩm sinh
    Hỏi: Như con được biết, người đồng tính bẩm sinh không thể xuất gia, nếu xuất gia không thành tựu, nếu họ tiếp tục là cư sĩ tu tập thì sẽ có thành tựu không ạ? Trong lịch sử Phật giáo có trường hợp nào cư sĩ có vấn đề giới tính tu tập và đắc chứng không?
    Đáp:
    Nó như thế này. Hôm trước tôi có nói đồng tính có 2 trường hợp: Đồng tính bẩm sinh và đồng tính do hoàn cảnh. Hoàn cảnh thì khỏi nói. Nhưng bẩm sinh là sao? Bẩm sinh ở đây có nghĩa là nó có vấn đề sinh học hay không? Trong room hiểu chữ sinh học, đừng ép tôi phải giải thích, tôi mệt lắm. Vấn đề sinh học về thể xác.
    Vấn đề quan trọng nhất, tuy bẩm sinh họ là đồng tính nhưng nói theo A Tỳ Đàm, tâm tái tục rất quan trọng, tâm đầu thai của họ đó. Tâm đầu thai rất quan trọng, nếu họ đầu thai bằng tâm tam nhân thì dầu họ có bị trục trặc về giới tính đi nữa, họ vẫn có khả năng chứng đạo, nếu họ tu đúng. Còn nếu đồng tính bẩm sinh + vấn đề sinh học bị trục trặc về thể xác mà trong khi đó họ lại đầu thai bằng tâm nhị nhân, hoặc vô nhân thì họ không có khả năng chứng đạo. Cho nên, ở đây quan trọng nhất chuyện họ đồng tính hay không đồng tính không quan trọng, bẩm sinh hay môi trường không quan trọng mà quan trọng nhứt là : Họ đầu thai bằng tâm gì? Họ có tu đúng phương pháp hay không? Đó là gạch đầu dòng thứ nhứt.
    Gạch đầu dòng thứ hai. Thời đức Phật từng có người rối loạn giới tính mà họ chứng La Hán. Có. Dĩ nhiên, trong room này đủ thành phần trong đây hết, tôi nói nó hơi phong thần nhưng mà kệ nó, mặc xác, mình lấy kinh giải kinh.
    Trong hàng đại đệ tử cao đồ của đức Phật có một vị, là ngài Mahā kaccayana trong kinh nói ngài đẹp lắm, ngài đẹp đến mức nhiều khi những vùng sâu vùng xa, họ thấy dáng ngài đi từ xa họ nói “Satthā agatoti” Đạo Sư về, Phật về, Phật về, Thế Tôn về rồi, Đạo Sư về làng, Đạo sư về làng” từ xa mà họ nói vậy đó, đẹp như vậy. Và, do ngài đẹp như vậy. trong kinh nói ngài đẹp từ da, răng, môi, má, mắt, đẹp toàn tập, cho nên, phụ nữ đàn bà họ gặp họ thương đã đành, đàn ông gặp cũng đuối nữa. Có ông đó là ông Soraya, ổng thấy ngài đi bát như vậy, ổng nhìn bàn tay, nhìn cái môi, nhìn con mắt ngài, mi cong, ổng nói “bà xã mình mà có vậy hay biết nhiêu”. Và, theo trong kinh mình có lòng bất kính thánh nhân mà bất kính sau lưng tội nhẹ bởi vì tâm nó không mạnh. Nhưng khi mình có lòng tôn kính hoặc bất kính trực diện thì tội và phước nó lớn lắm. Thí dụ, bây giờ mình lạy Phật mà mình lạy nhắm mắt mình tưởng Phật hoặc trước tượng Phật mình tưởng Phật thì công đức không bằng mình lạy trực tiếp con người bằng da, bằng xương, bằng thịt của ngài, 32 hảo tướng.
    Ở đây cũng vậy, ông này có lòng bất kính mà trực diện, cách ngài chỉ có 1-2 gang tay thôi, cho nên, lập tức ổng biến thành nữ. Trước khi thành nữ ổng là cậu công tử có 2 đứa con. Khi biến thành nữ rồi, cơ thể biến đổi thì tâm lý biến đổi, ổng bắt đầu thích đàn ông. Một phần xấu hổ không muốn về nhà, một phần ổng về gặp vợ ổng, hai đứa gặp nhau không lẽ dành áo đầm, cho nên ổng trốn qua xứ khác, ổng có chồng, rồi đẻ ra 2 đứa con. Lâu ngày cũng nhớ quê cha đất tổ. Một ngày kia xứ lạ quê người gặp bạn xưa, mới hỏi lại xóm làng ngày xưa, mới nói thiệt, tôi nhớ tôi về không có được. Thì người bạn xưa khi gặp trong hình hài nữ họ nhận không ra, khi nghe ổng khai thiệt, người bạn nói, ngài vẫn còn sống, tới xám hối ngài đi, chứ ngài tịch cái là đời ông xong luôn, nếu ông còn muốn trở lại thân nam. Ông này mới tức tốc tìm tới ngài ổng sám hối. Sau khi xám hối xong ổng phục hồi giới tính như cũ. Ổng chán đời ổng đi tu. Khi ổng đi tu, mấy ông sư bạn còn phàm cứ theo hỏi, chọc ổng hoài: Trong bốn đứa con (một cặp do vợ ông sanh, một cặp do chính ông sinh) cặp nào ông thương? Thì ổng nói: Của mình rứt ruột ra 9 tháng 10 ngày cưu mang thì mình thương hơn. Mà họ theo hỏi hoài ổng bực, một ngày kia ổng xấu hổ, trốn vô chỗ vắng ổng tu, ổng đắc A La Hán. Khi ông đắc rồi, nhiều vị khách tăng tới nghe chuyện lạ mới tới hỏi, cũng hỏi câu cũ: Trong hai cặp thương cặp nào? Ngài trả lời thế này: Nhất thiết chúng sanh đều là bình đẳng, không có con tôi con người gì hết.
    Thời đức Phật thánh tăng đông lắm, cho nên, thời đó mình nói chuyện hơi mơ hồ là người ta hiểu ngầm tự xưng là thánh nhân. Còn ngày nay nói kiểu mơ mơ ta nói mình nói phét, mình chảnh chọe thôi. Thời Phật họ hiểu ngầm tự xưng là thánh, thời đó thánh đông lắm. Chư tăng nghe vậy vào thưa với Phật “Bạch Thế Tôn, ông sư Soriya ổng kiêu ngạo, hỏi ổng mình hỏi chơi vậy mà ổng trả lời giống như ổng A La Hán vậy” Đức Phật nói “Đúng. Con trai Như Lai đã là một vị La Hán. Khi vị đó trả lời “nhất thiết chúng sanh đều bình đẳng, không có phân biệt ai hết, ai ta cũng có lòng đại bi giống nhau thì Soriya nói thật chứ không nói dối, không phải tự phụ kiêu mạn”
    Như vậy câu chuyện đó, cho mình thấy, thời đức Phật, có những người trục trặc giới tính, vì lý do nào đó, miễn họ đầu thai bằng tâm tam nhân, tâm đầu thai hợp trí.
    Các vị sẽ hỏi tôi, Tâm đó ở đâu ra? Nó như thế này.
    Kiếp xưa mình làm công đức bằng tâm nào thì chính tâm đó nó sẽ tạo ra tâm đầu thai cho mình về cõi lành. Thí dụ, ngày xưa mình trong kiếp sống nào đó mình tạo công đức bố thí trì giới bằng tâm thiện có trí đi cùng thì tâm đó sẽ tạo tâm đầu thai cho kiếp nào đó ở tương lai. Mình được đi đầu thai bằng tâm có trí, A Tỳ Đàm gọi là tâm Tam nhân. Còn mình làm công đức kiểu ai rủ thì làm, không có tư duy, thì công đức đó được đó được làm với tâm thiện ly trí, vô trí, tâm đó sẽ tạo ra tâm đầu thai về cõi lành nhưng sanh ra thì cũng có thể, đẹp trai con nhà giàu hỏi giỏi, bằng cấp ngút ngàn nhưng mà không có khả năng thấu đáo những vấn đề trừu tượng, siêu hình, tâm linh. Không có khả năng.
    Mình có thể lấy bằng bác sĩ, tiến sĩ, có thể là một học giả, có thể là nhà khoa học có giải Nobel nhưng mình tuyệt đối mình không có đủ tầm để hiểu vấn đề thiền định hay Đạo Quả mình hiểu không nổi. Cho nên, tâm tam nhân là vậy đó.

    Tam nhân
    Hỏi: Làm thế nào nhận biết mình hay một người là tam nhân?
    Đáp: Cái đó không quan trọng.
    Xin hỏi, vậy chứ, tôi giả định cô muốn học đàn, thì cô đi học đàn hay đi tìm hiểu bác sĩ, tiến sĩ, học giả, bác học để cô hỏi cô có khả năng học đàn hay không, hay là cô muốn đi học cô bỏ tiền cô đi học? Cô nói đi. – Dạ, con bỏ tiền đi học.
    Tôi cũng vậy. Me too. Tôi thích học vẽ, tôi thích học đàn tôi bèn đi học ngay. Chứ tôi không đi tìm hiểu tôi có khả năng trở thành một nhạc sĩ, một họa sĩ hay không, chuyện đó không thành vấn đề. Tôi thích tôi đi học. Rồi sức tôi tới đâu tôi sẽ thành tựu tới đó. Nghe kịp không?
    Trước khi đi tôi đi học võ tôi cũng tới võ đường tôi đóng tiền tôi học, muốn đi học vẽ, học võ được học vẽ được nhưng nhớ đừng học võ vẽ thôi, chứ còn muốn học cái gì thì tôi cứ ghi danh tôi học. Tôi không cần tìm hiểu tôi có khả năng gân cốt đủ mạnh, đủ cứng, để trở thành võ sư hay không, chuyện đó không quan trọng. Ở đây cũng vậy.
    Thấy đời là khổ, thấy tấm thân này là khổ, thấy sự hiện hữu này là khổ, bèn học đạo, bèn hành đạo, còn chuyện có chứng đạo, liễu đạo hay không hạ hồi phân giải, nghe kịp không? Chứ mình TUYỆT ĐỐI KHÔNG CẦN THIẾT phải xác định mình có đủ duyên chứng hay không. Bởi vì 2 cái bậy:
    - Cái bậy thứ nhứt: Ai là người có thể giúp cho mình xác định được mình là loại người nào?
    Giả định người đó nói đúng, người đó có khả năng, người đó là vị A La Hán chứng Lục thông, có khả năng, giả định, mà mình biết để làm cái gì? Để mình kiêu ngạo à? Trong khi mình phải nỗ lực tu cái đã. Còn nếu lỡ vị đó phán “kiếp này con không có khả năng” coi như mình bại xuội, buông luôn cũng không nên. Mà mình nghĩ rằng, mình có khả năng để chi? Cho nên, tốt nhất không cần phải buông xuôi vì mặc cảm, mà cũng không cần tự đại vì tự tôn, mà cứ nhắm mắt chuyên tâm miên mật tu học đó là chuyện cần thiết.
    Và tôi nhắc lại, tôi muốn học võ, muốn học vẽ, tôi muốn học đàn, muốn học nhạc, tôi bèn ghi danh đi học, tôi chẳng hề đi tìm hiểu khả năng tôi có thể đi tới đâu, tôi thề với cô tôi sẽ không bao giờ làm chuyện ngu xuẩn đó.

    Tẩm bổ
    Hỏi: Tẩm bổ loại trừ trường hợp trị bệnh bằng những món như yến sao, nhung hươu,… có bất thiện không? Theo con nghĩ, dù những món đó không do mình cố ý tìm kiếm mua về nhưng việc sản xuất những món này có gây hại đến những loại vật đó, xin sư giảng rõ.
    Đáp:
    Trước khi trả lời câu hỏi này tôi phải hơi lạc đề chút. Lạc nhưng mà cần, có những trường hợp lạc mà cần. Đó là, có một hiểu lầm cực lớn, vô cùng lớn ở rất nhiều Phật tử mà dường như cả Tăng ni nữa, tại tôi có nghe giảng, khi họ giải thích, có người thì giải thích, có người hiểu rồi họ kể lại cho tôi nghe. Nói chung, có rất nhiều người hiểu lầm Tam tịnh nhục: Không thấy - Không nghe - Không nghi.
    Không thấy họ định nghĩa là không thấy con vật bị giết. Không nghe là không nghe tiếng con vật nó kêu.
    Thì xin thưa, trên đời không có cái gì nó bậy cho bằng định nghĩa này. Định nghĩa không nghe có nghĩa là không nghe con vật nó kêu. Tôi hỏi nha, có ai nghe con cá nó kêu không? Có ai nghe con nghêu, sò, ốc, hến nó kêu không? Có không? Chỉ có con heo, con bò, con dê, con cừu, con chó, nó mới kêu khi bị giết thôi. Chứ tôi hỏi con cá, con tôm, con tép, nghêu, sò, ốc, hến, cua, ghẹ, mấy con seafood có con nào nó kêu không? Nghĩa là nó không kêu là mình có quyền xực láng hết đúng không? Sai.
    Trong tiếng Pāli, không thấy - không nghe - không nghi là sao?
    Không thấy là adiṭṭhaṁ, Không nghe là asutaṁ, không nghi là aparisaṅkitaṁ
    Adiṭṭham – có nghĩa là hông tận mắt thấy người ta giết con đó cho lát sau mình ăn.
    Asutaṁ - không nghe ai đó nói trực tiếp hay gián tiếp râm ran, đồn thổi, nói rằng: Hôm nay ông A, B, C, F,… ổng sẽ làm gà đãi sư, ổng đãi cô, đãi chị. Mình nghe như vậy mà mình vẫn ăn thì không được. Không thấy nhưng mình có nghe loáng thoáng thì cũng không được chứ không phải nghe tiếng con đó. Chứ nếu nghe tiếng con đó hiểu vậy thì kẹt quá. Tôi nhắc lại, chỉ có con bò, con dê, con cừu, con chó nó mới kêu chứ mấy con kia nó có kêu đâu. Cho nên, không thấy giết, không nghe thấy ai, không nghe con người, không nghe ai nói gì hết.
    Aparisaṅkitaṁ - Không phải là nghi, aparisaṅkitaṁ có nghĩa là liên tưởng, hình dung, nghi ngờ, đoán mò, parisaṅkita nghĩa nó rộng như vậy đó. Liên tưởng là sao? Nhà ở giữa đồng, xa chợ, mà không hàng quán gì hết, mình ghét chút xíu mình thấy có thịt gà mình ăn, mình nghĩ, chắc con gà này mới xử nè, chứ gần chợ búa phố xá maybe họ ra chợ họ mua, còn đằng này giữa đồng không mông quạnh, mình không thấy phố xá tiệm tùng gì hết, mà nhà dột cột xiêu, mình là khách mình về, một là mình nghe tiếng gà nó kêu quang quác là khỏi nói rồi, nhưng đại khái lát sau mình thấy có cá tươi, thịt tươi mình ăn, mình nghĩ cái này chắc nó mới làm để đãi mình. Khi mình nghĩ vậy đó, có lòng ngợ ngợ nghi nghi là không nên ăn. Bởi vì, khi mình biết vậy mình ăn là ít nhiều mình có đồng thuận, đồng tình, đồng ý trong chuyện người ta giết chóc.
    Tôi là ông sư Nam tông, tôi cũng phải nói thiệt. Nhiều người hiểu lầm, Nam tông không phải là đạo ăn mặn mà Nam tông là có thể ăn mặn, chứ không phải là đạo ăn mặn, cái đó là sai. Ăn mặn đây là tùy duyên. Tùy duyên đây là sao. Có nghĩa là nguyên thủy, chư Tăng đi bát, bữa đó họ để chỉ chén cơm thôi, cơm rang, họ rang thì mình đâu biết chay mặn gì trong mình đâu biết, nếu mình có lòng mình nghi rang bằng mỡ heo, họ bỏ nước mắm, mà mình nghi không ăn là chết. Thế là một ngày gia tài chỉ có một bữa ăn thì bắt buộc phải ăn, chứ nếu có thể lựa chọn, nghe tôi nói thiệt chậm nha: Nếu có thể lựa chọn thì không nên cố ý tìm mua đồ mặn để ăn. Và, như kẻ nào mới vừa chửi xéo tôi đó, Tức là, tôi xin nhắc lại, “tôi xin chịu trách nhiệm câu nói này” , nếu có thể lựa chọn, thí dụ nhà chùa có nhà bếp, có thể đi chợ, thì không nên có ý dặn người ta mua đồ mặn. Bởi vì, cái này tôi cũng phải nói thiệt, là nếu thường xuyên suy niệm thì mình giả định người thân mình nằm trong đám gà heo thịt cá thì mình có nuốt nổi không. Thí dụ như vậy. Mình phải thờ ơ lắm mới vậy.
    Trong đời có 2 hạng:
    - Một là chuyên tu đại bi như lời Phật dạy (xem dùm kinh Jivaka hoặc kinh siha) vô google tìm dùm hai kinh đó, đức Phật dạy rất rõ, ở đây vị tỳ-kheo khi ăn món ăn Tam tịnh nhục, cũng phải ăn bằng lòng đại bi thì cái ăn đó vô tội. Tam tịnh nhục chưa đủ, phải ăn bằng lòng đại bi. Tức là, luôn luôn có lòng đại bi với chúng sanh, khi ăn như vậy, vị đó chỉ nghĩ rằng: “Lấy đất nước lửa gió nuôi đất nước lửa gió” thôi, nhưng với điều kiện là anh không có sự lựa chọn. Trên nền tảng của sự không lựa chọn ấy, anh lại liên tục là người thường xuyên sống trong lòng đại bi thì ăn thịt cá lúc bấy giờ nó vô tội nó không có tội. Còn nếu món ăn đó nó mắc vào trong tam tịnh nhục và bản thân anh không phải là người thường xuyên sống đại bi, cộng với cái thứ ba còn tệ nữa, anh lại thường có ý muốn ăn ngon, anh bị lệ thuộc khẩu dục, thì trong trường hợp đó, ăn cái gì thuộc về thịt thà cá mắm đều có lỗi ít nhiều hết.
    Nha, 3 cái: (1) Mắc vào tam tịnh nhục (2) Anh không thường xuyên sống trong đại bi (3) Anh có lòng tìm món ngon.
    Nói như vậy có nghĩa là những thứ như yến, nhung,… bây giờ tôi mới trả lời câu hỏi, nếu lòng thấy ray rứt thì không nên dùng. Bởi vì hôm nay chúng ta có một tỷ thứ thuốc bổ để thay thế. Tôi cũng phải nói thiệt, cũng có người cho tôi ba cái yến, thì lâu lâu lần, chắc các vị nhìn tướng tôi, nhìn da mặt tôi thì biết, nghe nói ăn yến da đẹp lắm. Da tôi xấu hoắc, biết tôi ăn không nhiều. Nhưng mà tôi nói thiệt, tôi không thấy ăn nó xi nhê gì hết. Riêng tôi, tôi nghĩ mình không nên lệ thuộc nó, bởi vì thứ nhứt Lòng ray rứt không nên ăn. Thứ hai, nó không phải là thứ duy nhất trên thế giới này để có thể giúp mình bồi dưỡng. Còn ba cái lộc nhung còn bậy nữa. Món đó nó còn hiếm hơn yến nữa. Tôi biết cái đó mà, cái sừng non. Cho nên, nếu lòng ray rứt thì không nên ăn, còn nếu nó lỡ có sẵn trong nhà thì theo tôi ăn cái đó là vô tội. Nếu lỡ sẵn có thì vô tội. Còn mình dặn người ta, mình đặt hàng thì không nên.
    Có 2 trường hợp không nên: (1) Dặn người ta để mình đặt mua thì không nên, (2) Khi ăn mà nghe lòng ray rứt cũng không nên ăn bởi vì nó lọt vào trường hợp thứ 3 là parisaṅkita. Cho nên, lỡ sẵn có rồi thì không nên bỏ, nếu ngại thì có thể cho ai đó. Nếu ray rứt thì không nên ăn. Mình ăn mà ray rứt thì nó không bổ dưỡng nữa, nó bổ thân mà hại tâm thì không nên ăn.

    Sắc uẩn
    Hỏi: Đối tượng thức trong sắc uẩn, là suy nghĩ; Quán pháp cũng là suy nghĩ, nhưng con chưa phân biệt được khi nào là thức trong sắc uẩn và khi nào là trong quán pháp?
    Đáp:
    Câu này hoàn toàn tôi không hiểu họ hỏi cái gì. Bởi vì, cũng phải nói tôi không giỏi A Tỳ Đàm, nhưng cái câu này tôi nghe có mùi hơi đụng chạm A Tỳ Đàm, nhưng người này hoàn toàn mù tịt về A Tỳ Đàm hỏi câu quái gở như vậy. Tôi xin trả về nơi sản xuất. Câu này nghe rất là kỳ, nó vừa thiếu chuyên nghiệp mà nó vừa mất thời gian.
    Tôi không muốn nó thành cái tiền lệ, ra cầu cá vồ xé tờ báo thấy từ “phóng xạ” đi hỏi tùm lum. Tôi thù cái đó lắm. abc không chịu học, cứ ăn khúc bánh mì nhai nhai coi trong đó nó ghi cái gì ngộ ngộ, chữ không biết cứ thấy ngộ ngộ hỏi vậy. Vì để tránh tiền lệ đó nên tôi không trả lời.

    Tứ Niệm Xứ
    Hỏi: Làm quen với thiền Tứ Niệm Xứ phải bắt đầu từ đâu?
    Đáp:
    Người này hoàn toàn mù tịt không biết Tứ Niệm Xứ là cái gì. Câu này đối với tôi giống như hỏi “Làm cách nào tiến gần đến sân bay?” thì tôi hỏi :Biết sân bay là cái gì không? Anh tới sân bay để anh làm cái gì? Để anh đi máy bay hay anh tới khủng bố hay anh xin làm tạp dịch trong đó? Tự nhiên hỏi câu “Làm cách nào tiến gần sân bay” anh phải hiểu sân bay là cái gì, và hạng người nào cần đến sân bay. Anh hoàn toàn anh không biết anh mới hỏi câu quái đản vậy. Làm sao để đến gần sân bay? Thì tôi xin chịu thua vì người này mù tịt họ không biết sân bay là cái gì? Tôi xin thưa, sân bay là chỗ người ta đổ rác, nói vậy cũng được vì người hoàn toàn không biết sân bay là cái gì thì mình định nghĩa sân bay là chỗ đổ rác.
    Tôi chỉ nói vắn tắt, may ra người này hiểu: Không hề có chuyện làm quen pháp môn Tứ Niệm Xứ. Vì pháp môn Tứ Niệm Xứ là sự quay về nhìn lại thân tâm của mình để thấy nó là Vô Thường – Khổ - Vô Ngã. Mà nó sao thì mọi thứ còn lại trong trời đất này cũng Khổ - Vô Thường – Vô Ngã. Để chi? Để không còn tiếp tục thích ghét cái gì trong đời này nữa. Đủ duyên thì với nhận thức này sẽ giúp ta chứng thánh, không đủ duyên thì cũng là gieo duyên cho đời sau kiếp khác, và ngay trong hiện tại an lạc hiện tiền. Đó là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Tùy anh, anh hỏi tui cách nào để làm quen thì tui nghĩ rằng, chuyện đầu tiên anh phải coi anh có hiểu được gì về pháp môn Tứ Niệm Xứ hay chưa.

    Xá lợi
    Hỏi: Nếu 5000 xá lợi đức Phật gom lại thuyết pháp một lần cuối, mình phải tu học và nguyện như thế nào để gom đủ phước báu có mặt trong lần thuyết pháp đó? Hay so với trình độ của một người tầm thường như con bây giờ thì nên quên đi?
    Đáp:
    Nói vắn tắt thôi, chuyện xá lợi gom lại không phải là kinh điển chính thống mà nó là của Chú giải đời sau, Chú giải Trường Bộ, Chú giải Tiểu Bộ, Chánh tạng không thấy nói. Tuy nhiên, có rất nhiều chuyện trong đời, tôi không nói có hay không, nhưng tôi nói nếu chuyện đó xảy ra thì không có gì lạ. Tôi có đọc Chú giải, tôi có đọc bản Pāli nói về 5000 năm xá lợi gom lại.
    Nhưng có chuyện thế này, lúc đó chỉ có chư thiên chứ lúc đó nhân loại nó tệ lắm. Nhân loại lúc đó không có đủ sức để hiểu. Mình không cần thiết phải nguyện. Bây giờ cứ dốc sức tích lũy Thất Thánh sản: Tín (Chánh Tín) ,Thí, Giới (Giữ giới), Văn (Siêng học Phật pháp), Tàm – Úy (biết thẹn – biết sợ tội lỗi), Trí (trau dồi trí tuệ bằng cách học giáo lý và tu tập tuệ quán - Tứ Niệm Xứ) thì 7 món này trong kinh gọi là Thất thánh sản (ariyadhana) thì khi nào đủ tiền tự nhiên nó có cái bến nó tấp vô. Cái bến đó có thể là 5000 năm khi xá lợi gom lại. Còn không, từ đây đến nó, nếu đủ duyên có thể chứng ngay kiếp này, hoặc kiếp sau hoặc 5 kiếp, 8 kiếp nữa chứ không nhất thiết ngu dại gì nguyện ngay chóc 5000 chi.
    dCái đó là suy nghĩ rất tiểu thừa. Bởi vì, chưa gì hết mình đã có mặc cảm mình ngu, mình kém là không được, rất là tiểu thừa. Tiểu thừa là tiểu thừa như vậy. Tiểu thừa là suy nghĩ cạn cợt chứ không có hệ phái nào nó ngu mà chọn hệ thống giáo lý tiểu thừa nó theo. Mà tiểu thừa đây là cá nhân tiểu thừa. Cái thứ tiêu nha, bại chủng, mạ tiêu, giống thúi, chưa gì hết mà mình có mặc cảm vậy là không được. Mà ngay bây giờ cứ tận lực.
    Như nãy tôi nói, muốn học vẽ thì học, muốn học võ thì học, muốn học nhạc thì học, còn chuyện mình tận lực mình học nó đưa mình tới đâu thì mai mốt, trước mắt thích thì cứ nhào vô học, thấy cái đó cần thiết thì cứ nhào vô học, rồi theo năm tháng mà thành cái gì thì mai mốt biết. Đây cũng vậy. Cứ tích lũy 7 món tài sản của Thánh nhân : Tín, Thí, Giới, Văn, Tàm, Úy, Tri, khi nào nó đủ thì tự động nó có cách.
    Trong Chú giải Tiểu bộ kinh, Chú giải bộ Apadana cả chú giải Tăng chi phần 5 pháp có câu thế này, có 5 quả báu của một người tu tập tinh tấn:
    (1) Chứng quả thuở bình sinh, nghĩa là lúc đang khỏe, đang trẻ.
    (2) Chứng quả lúc cận tử.
    (3) Về trời gặp vị nào đó người ta dạy cho.
    (4) Nếu về trời vẫn không đắc gì hết, thì khi gặp Phật là bậc tốc chứng, đắc nhanh. Bây giờ mình nỗ lực đi, nếu mình đắc thuở bình sinh không được thì đắc lúc cận tử, nếu lúc cận tử không được thì về trời gặp các vị thánh nhân họ dạy cho mình, nếu không được nữa thì khi gặp Phật mình cũng được ngôi vị tốc chứng, đắc nhanh.
    (5) “Nếu trễ chẳng gặp Phật nào, nhằm kỳ Độc Giác làm sao cũng thành” nghĩa là trong kinh nói, có những lúc lâu quá trời lâu mà không có chư Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, thì những người họ có Ba La Mật sâu dày, trước đây họ chưa từng nguyện cái gì hết chỉ nguyện giải thoát thôi, trải qua thời gian quá dài không gặp chư Phật ra đời, tự động họ chuyển nguyện thành Độc Giác. Mà lúc đó họ cũng không biết Độc Giác là cái gì. Họ không biết. rHọ chỉ thiết tha làm sao tôi đủ sức tự tôi tìm ra con đường giải thoát. Cho nên, trong kinh mới xác định: Pháp môn Tứ Niệm Xứ nếu không được ai dạy, mà tự mình mày mò tìm ra, thì chúng ta phải mất thời gian tối thiểu là 2 A Tăng Kỳ 100.000 đại kiếp mới nghĩ ra pháp môn Tứ Niệm Xứ để mà chứng đạo.
    Hôm nay, có một số vị khi họ học giáo lý rồi họ đọc sách Tây sách Tàu triết Đông triết Nhật triết Ý triết Tây Ban Nha họ thấy một vài điểm theo họ là điểm đồng họ mới nói rằng thật ra tinh thần Tứ Niệm Xứ, tinh thần Vô Ngã, tinh thần Duyên Khởi đã có bàng bạc ở khắp nơi thì đó là những cái ngộ nhận, tà kiến bởi vì những cái đó, nếu không phải từ nguồn Phật pháp ra, thì chỉ có Độc Giác và Chánh Đẳng Giác mới tự nghĩ ra, tự phát hiện ra, chứ không có người nào ngoài 2 vị này tự nghĩ ra mà không cần thầy hết. Nhớ nha. Còn hôm nay họ đọc họ thấy Krishnamurti, Lão Tử, Aristote, Platon, Socrates, thấy điểm hao hao hoặc đọc trong Thánh kinh họ thấy điểm hao hao, họ nói đó là điểm đồng thì tôi xin nói rõ đó là ẩu. Bởi vì họ đọc như vậy có nghĩa là họ không tin đức Phật lắm. Người không tin quả vị Chánh Đẳng Giác hiếm hoi họ mới đi họ thấy bên hàng xóm láng giếng có cái giống giống vậy. Chứ nếu họ biết rằng cái ông nội họ là kim cương, của ông nội mình để lại là viên kim cương thì họ nhìn ba cái thủy tinh, pha lê họ không nghĩ như vậy. Còn khi mình không biết cái ông nội mình để lại là kim cương, thì mình thấy thủy tinh, pha lê, mình thấy giọt sương trên đầu cỏ mình tưởng lầm là cái đó giống như cái của ông nội tui. Mà quên rằng, viên của ông nội mình là viên kim cương. Nó khổ chỗ vì mình không hiểu. Cho nên, mình đi đâu mình thấy nó lấp lánh mình tưởng.

    Dự khóa thiền
    Hỏi: Sắp tới các vị đại thiền sư Miến Điện sẽ về Việt Nam mở các khóa thiền con phân vân không biết nên đi hay không vì con đã đi cũng nhiều, trải nghiệm cũng nhiều cuộc sống ở thiền viện cũng như trường thiền, tự nhiên một ngày con thấy “that’s enough” bên trong con không có mong muốn đi thêm nữa và thấy mệt mỏi với việc tìm cầu từ bên ngoài. Có phải con đang dễ duôi lười biếng không? Hay chính mong muốn đi trường thiền là tâm tham cầu pháp?
    Đáp:
    Câu này trả lời rất là ngắn, trả lời có 3 giây thôi.
    Thứ nhứt, tôi nghe chữ “nhiều” là tôi đã ghét rồi. Chữ “nhiều” ở đây là họ tính trên đồng hồ, nó nhiều giờ, tính trên tờ lịch là nó nhiều ngày, nhiều tuần lễ, nhiều tháng thì gọi là nhiều. Chứ còn vấn đề tâm linh mà nhiều thì bà cố tôi cũng không biết đâu là nhiều. Có hiểu không? Bố thí, trí giới, học đạo, ngồi thiền, từ tâm,… tất cả tôi không biết cái gì gọi là nhiều tôi không biết. Bởi vì, Tu thiền định phải đắc thiền, đắc định; còn Tu Tuệ quán thì phải đắc Đạo đắc Quả, hễ mà chưa đắc gì hết thì tôi chưa biết sao gọi là nhiều. Đó là cái thứ nhất. Cho nên, làm ơn bỏ chữ “nhiều” mình mới khá được. Cái nhiều của mình chẳng qua mình tính trên đồng hồ, tính trên tờ lịch nó nhiều.
    Thứ hai, nếu lòng thấy không thoải mái thì mắc chứng gì phải đi? Nếu lòng không thoải mái thì không cần thiết phải đi vì đi không thoải mái đi chi?
    Điều thứ ba, cho rằng có lòng thích như vậy là tham ái, nghe thì sang thiệt nhưng mà nó bậy lắm. Bởi vì, cho rằng thích học đạo là tham, vậy quý vị có chắc ở nhà quý vị không tham không? ở nhà vợ chồng, con cái, ăn uống, mua sắm, du lịch, tranh ảnh, internet, tivi tùm lum quý vị có chắc quý vị ở nhà không có tham?
    Thôi thì thì tôi giả định, tôi không thèm giải thích, tôi mệt lắm rồi, tôi giả định, có lòng học đạo là tham, thôi thì tham cái này vẫn tốt hơn. Nếu không đi chỉ vì nghĩ đó là tham thì tôi khuyên nên tham cái học đạo đi. Chứ theo A Tỳ Đàm thì chữ “muốn” nó rộng rãi lắm. Vị A La Hán cũng có cái muốn, nhưng cái muốn của ngài là tâm sở Dục chứ ngài không có tâm sở Tham. Còn mình có cả 2. Cái muốn trong thiện pháp là tâm sở Dục trong tâm đại thiện chứ đâu hẳn là tâm tham. Còn mình, mình cứ ôm tiếng Việt Nam mình cứ thấy chữ “muốn” là mình đồng nghĩa, xin lỗi nha, trai gái, nhậu nhẹt, shopping, du lịch,… tất cả đều là muốn hết. Không có đúng. Trong ngay cả tiếng Mỹ nó còn to want, to like… chứ đâu có phải chỉ có một chữ đâu. Mà tiếng Việt Nam mình có chữ “muốn”không à. Mình chữ “muốn” nghĩa rất là negative. Ok?
    Vậy tôi đã trả lời xong.
    1. Không có gì là nhiều đâu, nếu nghĩ là nhiều không đi đó là bậy.
    2. Nếu nghĩ đó là tâm tham, thôi thì tham cái này tốt hơn tham ở nhà.
    3. Nếu thấy ray rứt thì không nên đi.
    4. Tập thể dục cho đến bao giờ kiệt sức thì thôi chứ không có tập thể dục nào nó dư. Ăn kiêng chỉ có tốt chỉ trừ khi ăn kiêng đến mức kiệt sức thì phải coi lại, hít thở khí trời cho đến bao giờ mình buồn ngủ thì thôi, nắng lên thì thôi chứ còn ăn kiêng, dưỡng khí, thể dục mấy cái này không bao giờ dư; Và, cứ tcó điều kiện thì nên ăn kiêng, có điều kiện thì nên thể dục, có điều kiện thì nên hít thở trong lành, chứ không bao giờ có chuyện dư. Mỗi lần gặp được bậc minh sư thiện hữu là cơ hội mình làm tốt hơn, làm sạch sẽ, làm ngon lành hơn thân tâm của mình. Mắc gì mình phải tìm lý do mình từ chối?
    Đó là bốn gạch đầu dòng gởi cho người hỏi./.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com