← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 09/10/2022

Kalama tri ân cô Vui ghi bài.

Vấn đáp Zoom Chủ nhật – 09/10/2022
Duyên
Sắc pháp
Tâm đổng lực
Pháp uẩn
Chiêm bao
Chánh kiến kiếp sau
Đại kiếp
Hựu
Bát Quan trai
Giờ Ngọ
Sân
Thương thích
Xuất gia ở Kālāma

Duyên
Hỏi: Câu “mọi sự tùy duyên” phải hiểu thế nào cho đúng Chánh pháp?
Đáp:
Câu đó rất nhiều người hiểu lầm, và từ đó nó dẫn đến chuyện dùng sai chỗ. Từ hiểu lầm dẫn đến chuyện dùng sai chỗ.
Tùy duyên đây có nghĩa là như thế này.
Cái đáng ngại nhất là chúng ta sống theo lối mòn, nghe kịp không? Sống theo lối mòn. Ví dụ: phải như vậy, phải như vậy thì tôi mới vừa lòng, không được như vậy thì tôi không vừa lòng, không được như vậy thì tôi sẽ không hành động, thì cái đó không nên. Mà cái quan trọng nhất là: Đời sống, hành động của người Phật tử, tăng ni, gọi chung là con Phật, Phật tử, cái quan trọng nhát là mình nhắm tới:
1. Cứu cánh (Diệt Khổ)
2. Đường hướng (Con đường Bát Chánh Đạo).
Trên con đường đó có bao nhiêu chuyện bất trắc thì mình theo đó mà giải quyết. Đó gọi là tùy duyên. Chớ không phải tùy duyên là mình muốn làm gì thì làm, rồi mình nói “tại vì tôi tùy duyên”.
Duyên đây có nghĩa là: Lúc nào trong đời sống và hành động có cứu cánh hướng đến & phải có đường hướng để đi, trong lúc nhắm đến cứu cánh và trong lúc đặt bước trên đường hành trì thì mình phải biết co giãn.
Thí dụ như, lẽ ra chương trình hồi đầu mình tính là mình đi 18, nhóm mình tu 18 người và sẽ che lều bạt, chỗ ăn chỗ ở như vậy đó. Nhưng giờ cuối con số nó không phải 18 mà nó ít hơn 18 hoặc nhiều hơn 18 vẫn ok. Đó gọi là tùy duyên. Rồi hồi đầu mình tính nấu cơm, làm bánh mì, giờ cuối chỉ có mì gói mình cũng ok. Hồi đầu mình tính uống nước chai, nước suối mà giờ cuối phải lấy nước bên đường để lọc uống một cách dã chiến cũng ok. Nhưng quan trọng nhất là: Đích đến của mình là gì, và hành trình mình đường hướng ra sao. Vẫn giữ nguyên. Tùy duyên mà bất biến. Đó, thì trường hợp đó là tùy duyên hiểu đúng tinh thần Phật giáo.
Mình lạm dụng chữ “tùy duyên”. Mình đi chùa mà mình giờ cuối, cái ý nghĩa, cái cứu cánh, cái tinh thần, đường hướng mình không giữ nguyên rồi mình đổ thừa “tùy duyên”, kinh nói “tùy duyên”. Cái đó sai.
Lúc nào cũng phải nhớ: Cứu cánh & Đường hướng phải kiên định. Nhớ nha. Cứu cánh & Đường hướng phải kiên định. Còn những xoay xở trên đường mình phải tùy hoàn cảnh mà tính thì cái đó được gọi là Tùy Duyên mà Đúng Pháp, tùy duyên một cách đúng pháp. Hiểu không? Tức là cô vẫn bảo đảm là cứu cánh và đường hướng của cô nó đúng như đã vạch, còn bao nhiêu cái thay đổi ngoài ra là tùy duyên, linh động, flexible. Rồi. Xong.

Sắc pháp
Hỏi: Toàn bộ vũ trụ theo Phật giáo chỉ gói gọn chữ “Duyên”. Đối với chúng sanh hữu tình có thể hiểu theo lý Duyên khởi, còn vật vô tri vô giác như mặt trời, mặt trăng, sao, cát, đất, gió, nước, núi, sông,… thì hiểu theo duyên như thế nào? Có theo 4 điều kiện tạo sinh Sắc pháp (Tiền nghiệp, tâm thức, nhiệt lượng, dưỡng tố) hay không?
Đáp:
Chuyện thứ nhứt, tất cả những gì nằm ngoài chúng sinh, chỉ có 1 thứ thôi: Đó là Sắc pháp. Vì sắc pháp có Sắc pháp trong và sắc pháp ngoài chúng sinh. Còn Danh pháp (tâm thức) bắt buộc là phải ở chúng sinh rồi. Nhưng mà ngoài chúng sinh là chỉ có 1 thứ thôi, đó là Sắc pháp. Sắc pháp có trong và có ngoài chúng sinh. Xong chưa? Nói như vậy, có nghĩa là ngoài chúng sinh chỉ có Sắc pháp.
Nói theo giáo lý Duyên khởi thì sao? Cứ nhớ thế này:
(1) Không có tâm nào mà không có cảnh, dầu vật đó nó nằm ngoài chúng sinh thì ít nhất vẫn là cảnh cho tâm biết. Có nghĩa là nó vẫn liên hệ tới chúng sinh. Hiểu không? Nếu nó không là chúng sinh, không thuộc về chúng sinh, ít ra nó cũng là đối tượng để chúng sinh nhận biết, đúng không?
(2) Hễ nói tới Vô minh duyên Hành, Hành duyên thức, mình nói Vô Minh phải dựa trên cái gì? Dựa trên Tâm chúng sinh, mà Tâm chúng sinh là phải có cảnh. Mà đã nói cảnh thì phải có cảnh trong & cảnh ngoài. Thấy chưa? Có liên hệ chứ.
Vô minh duyên Hành, tức là nghiệp thiện ác. Cũng như vậy. Chúng sanh tạo nghiệp thiện ác dựa vào đâu? Cũng dựa vào trong và ngoài bản thân mình, đúng không? Rồi Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục nhập. Thì Lục nhập, lại cũng là một lần nữa nhắc đến mối quan hệ trong và ngoài chúng sinh, mà đã nói trong và ngoài có nghĩa là mình phải bao gồm cả những thứ vô tri không thuộc về chúng sinh. Xong chưa? Rồi. Còn nữa.
Điều kiện tạo ra sắc pháp không bao giờ nằm ngoài 4 cái: Tiền nghiệp, tâm thức, môi trường thiên nhiên, chất dưỡng tố. Đây là 4 điều kiện bắt buộc để tạo ra Sắc pháp. Tùy chỗ mà điều kiện là gì. Dầu mặt trăng mặt trời ít nhất cũng thuộc cái thứ 3. Đó là do điều kiện thiên nhiên. Cái này để cho các nhà Vật lý họ giải thích cho mình nghe. Mà, đó là chưa kể trường hợp đặc biệt, theo trong kinh nói.
Nghe cho kỹ chỗ này.
Có rất nhiều thứ trong vũ trụ thoạt nhìn ta nghĩ nó không thuộc về chúng sinh, ta không ngờ rằng nó có mặt do duyên nghiệp của chúng sinh. Không biết nói nghe hiểu không? Thí dụ như mình thấy, trong thiên nhiên, do duyên nghiệp chúng sinh, cái này trong Trường Bộ Kinh nha, mở dùm tôi kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Trường Bộ Kinh), đức Phật Ngài dạy rằng: “do nguyên nghiệp chúng sinh mà những thực phẩm ngon dở, bổ dưỡng hay độc hại nó nằm trong rau trái, củ quả, nó tùy nghiệp chúng sinh mà cái này có hoặc cái này mất. Nó mất hoặc nó xuất hiện cũng là do duyên nghiệp của chúng sinh. Nhớ nha. Rau trái, củ quả, nhớ cái đó. Do nghiệp chúng sanh khiến những thứ thức ăn ngon mất dần, mà những thứ độc hại hoặc cay đắng, chua chát xuất hiện nhiều, là một. Có. Trong Khởi Thế Nhân Bổn nói như vậy. Là một.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, phần 4 pháp, đức Phật cũng có dạy một chỗ, Ngài nói rằng: Chuyện nắng, mưa, bão, tố, lũ, lụt, đôi lúc nó do thiên nhiên, đôi lúc do ý muốn những loài phi nhơn, những vị thiên nhân chưởng quản, đôi lúc nó do duyên nghiệp thiện ác của chúng sinh mà khiến cho mưa thuận gió hòa hay là thiên tai bão lụt, khiến trời đất trái tính trái nết. Nhớ như vậy. Nhiều lý do lắm. Nhớ cái đó. Có.
Cho nên, tuy mình nói có những thứ Sắc pháp bên ngoài chúng sinh trong Duyên khởi ra sao thì mình nói:
Thứ nhứt, đã nói Sắc pháp nó có mặt trong trời đất. Hễ có mặt trong trời đất này thì Một là thuộc về chúng sinh hai nó ngoài chúng sinh, mà dầu ngoài chúng sinh nó vẫn là đối tượng cho 6 căn nhận biết. Đó là chuyện thứ nhứt. Cho nên không thể nói nó không liên hệ, nó không thuộc về nhưng nó vẫn liên hệ.
Tiếp theo, đã là sắc pháp thì bắt buộc phải có nhân sanh. Bởi vì “vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt”.
Không hiểu thì hỏi thêm, riêng người giải thích thì tôi nghĩ rằng nói tới đó thôi chứ nói thêm một kiếp chưa đủ.

Tâm đổng lực
Hỏi: 1. Xin sư giảng về 3 loại đổng lực trong 7 đổng lực cho 3 loại quả khác thời gian : Hiện tại, kiếp kế tiếp, từ kiếp thứ 3 trở đi. 7 Đổng lực này có phải là cùng một loại tâm không? Khi đổng lực thứ nhất trổ quả, 6 đổng lực kế tiếp có trổ quả nữa không?
2. Tại sao đổng lực 1 cho quả trong đời, đổng lực thứ 7 cho kiếp tiếp theo nhưng đổng lực từ 2-6 lại kiếp thứ 3 trở đi?
Đáp:
Người này tôi không biết người này hỏi cái này bằng tâm thiện hay tâm ác. Tâm thiện là không biết rồi tìm hiểu. Hoặc tâm bất thiện là hỏi để mà khoe cho người ta biết là mình biết, mình mất thời giờ. Tôi vẫn không im lặng. Tôi chỉ nói vắn tắt thôi: Đây là lớp cho đại chúng, câu hỏi này hơi mang tính chuyên môn, nên viết tin nhắn hỏi riêng chứ còn trong lớp đại chúng tôi nghĩ người nghe hiểu được cái này khùng luôn. Tôi cố gắng. Nó như thế này.
Theo giáo lý A Tỳ Đàm, một tâm thiện/ tâm ác khi nó xuất hiện nó sẽ cho ra 2 thứ quả báo: Quả bình sinh & Quả tục sinh (tâm đầu thai kiếp sau).
Thí dụ, các vị đang đi trên đường, các vị gặp cọng rác, quý vị cúi xuống lụm, nhặt bỏ thùng rác, thì ngay lúc đó quý vị đã tạo cho tâm đầu thai kiếp sau rồi đó. Kiếp sau sanh ra sao ta? Sanh về chỗ sạch sẽ, văn minh, có lòng mà. Nhưng cái tâm đó chỉ đủ đưa về cõi đó thôi, còn chuyện về cõi đó mình đẹp xấu, khỏe bệnh, giàu nghèo, … thì cái đó là chuyện khác, phải nhờ vô số kiếp khác. Nhưng ít nhất, thì khi mình có lòng giữ vệ sinh cho công cộng, cho quần chúng, cho đám đông, ít nhất mình đã gieo nghiệp tái sinh về chỗ sạch ở. Hoặc là mình đang đi, mình xả rác, liệng cái là mình đang gieo nghiệp về chỗ dơ mình ở.
Có những người sanh ra ở chỗ dơ suốt đời, có những người sanh ra được ở chỗ sạch suốt đời. Ví dụ cho dễ hiểu.
Thì cái nghiệp đó là nghiệp tái sinh.
Còn nghiệp bình sinh là sao?
Nghiệp tái sinh là tâm thiện/ ác tạo ra tâm đầu thai về cõi nào đó tương ứng.
Nghiệp bình sinh có nghĩa là sau khi đầu thai rồi, 6 căn của mình đời sau thường biết được 6 trần như ý hay bất toại. Thí dụ, do nghiệp lành nào đó sanh ra làm người, người Việt Nam. Được làm người là phải do nghiệp lành rồi. Đó là nghiệp tái sinh.
Nghiệp bình sinh là sao? Có nghĩa là tui nhờ phước được làm người nhưng do nghiệp khác nữa. Quả bình sinh này thì chưa chắc. Quả bình sinh này có thể do nghiệp khác nữa nó cho tui về Việt Nam ở cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, ở Thị Nghè, dơ hầy; hoặc là cũng cùng là người Việt Nam nhưng tui ở Đà Lạt, ở Bảo Lộc, ở Sapa, ở Bana Hills, Đà Nẵng, chỗ sạch, đẹp, cho nên, nói gọn là Nghiệp có 2: Nghiệp bình sinh & nghiệp tái sinh.
Còn nói rộng, Nghiệp có nhiều trường hợp cho quả. Tôi nói vắn tắt vì đây là bài giảng cho đại chúng. Có nhiều người mù tịt tôi không biết gì hết, cho nên tôi nói vắn tắt thôi. Nghiệp thiện/ác có nghiệp nó cho quả:
- Nghiệp cho quả đời ngay này, nhãn tiền.
- Có Nghiệp cho quả kiếp thứ 2.
- Có Nghiệp cho quả từ đời 2 trở đi.
Nhớ cái đó.
Câu hỏi thứ ba, tại sao trong mấy tâm đổng lực cũng 7 sát-na đổng lực có cái cho quả đời này, có cái cho quả đời sau, có cái cho quả đời sau nữa? Là bởi vì, tùy sức mạnh yếu lúc nó mới xuất hiện, sức mạnh nó không như lúc giây phút cuối. Mà lúc đầu, lúc cuối sức mạnh nó không như 5 cái giữa. Đây là lý do vì đâu 7 tâm đổng lực cho quả báo ở 3 thời điểm khác nhau.
Tiếp theo. Câu cuối cùng. Trong trường hợp cho quả như vậy, cái không được nhắc đến có mất không? – Không mất.
Như hồi nãy tôi nói.
Tất cả các nghiệp thiện/ác đều cho 2 thứ quả : Quả tái sinh & Quả bình sinh. Có những cái đủ mạnh tạo quả tái sinh, còn những cái không điều kiện để tạo ra quả tái sinh thì nó cho quả bình sinh.
Thí dụ như, hiện giờ tôi đang tạo 100 nghiệp trong đó có nghiệp thiện, nghiệp ác đủ thứ hết. Tất cả những nghiệp đó, sức mạnh của nó, thí dụ, tôi đang nói ví dụ. Nhiều người đầu ngu như bò, đã nghe không nghe kỹ, lỗ tai thì điếc nữa.
Tôi ví dụ, 100 nghiệp đó do sức mạnh thế nào đó mà cùng cho quả kiếp kế này nè, cho hết. Thì kiếp kế tôi chỉ cần 1 tâm đầu thai là đủ rồi, nhưng mà tất cả nghiệp kia nó phải cho quả kiếp sau hết. Hỏi tại sao? Vì sức mạnh của nó. Vì mình đánh banh, mình cầm trái bóng mình ném thì coi như có lúc nó đi 70m, có lúc nó đi 71m, có lúc nó đi 69m, có lúc nó đi 52m. Thí dụ có 100 nghiệp nó cho quả kiếp sau, mà tôi chỉ cần 1 nghiệp đầu thai thôi, thì nghiệp nào mạnh nhất nó trở thành nghiệp đầu thai.
Cái này nói ra nó mênh mông lắm. Tức là:
- Nếu tôi ở cõi người, thì 100 nghiệp kia tùy trường hợp mà nó cho quả.
- Nếu tôi sanh về cõi trời, thì rất nhiều cái không đó vô hiệu, nó không có điều kiện để nó trổ.
- Nếu tôi về Phạm thiên thì coi như nó mất gần hết, nó mất gần như 99,9% luôn.
- Nếu tôi về Dục thiên thì nó cũng có được vài chục.
- Nếu tôi về cõi Người thì có thể 100 hoặc non 100 cho quả hết.
Sanh ra tôi giàu, đẹp, mà tui hay bệnh, tai tiếng dữ lắm, bị kẻ này thù người kia ghét tùm lum, nhưng có cái tôi rất thông minh, mấy cái đó không phải ngẫu nhiên mà nó là do 100 nghiệp tiền kiếp cùng lúc nó trổ. Thì cái nào nó đầu thai cho nghiệp tái sinh, còn cái nào nó không cho nghiệp tái sinh nó trở thành quả bình sinh hết. Mà quả bình sinh thì có nhiều loại:
- Có cái nó hiển hiện cho tôi thấy người khác đừng thấy : Thấy tui bệnh, tui đẹp, tui giàu, tôi ngu, tôi khôn,…
- Có những nghiệp ẩn. Có học đạo mới biết. Thí dụ: Có những người cả đời, đời sống nhìn ngoài bình thường mà không biết có gì mà cứ lo hoài, hoặc nó cứ bực bực, phiền phiền, cơ thể không có bệnh nhưng nó cứ ngứa ngáy, nó cứ day dứt, khó ở lắm. Đó cũng là cái nghiệp quá khứ. Còn có những người quay phim chụp hình mình tưởng họ không có gì hết nhưng mà do cái nghiệp nó tác động tự nhiên cứ vui vui hoài. Giống như có những buổi sáng tôi thức dậy, thấy vui vui mà không biết chuyện gì, người nó khỏe mạnh, thoải mái mà cái tâm nó vui vui. Là lúc quả lành nó trổ. Còn có những bữa quả xấu nó trổ mà ở hình thức nhẹ nhất là không có gì cụ thể điển hình, đúng, nhưng cái lúc đó người cứ nghe nó rêm rêm, nó nhức nhức, bác sĩ nói mình không bệnh, mình ok. Các vị hiểu không?
Nãy giờ tôi đã tranh thủ tôi gom hết mọi vấn đề nói thiệt là gọn, thiệt là ngắn. Nếu không hiểu thì uống thuốc chuyển kiếp chứ mấy chuyện đó mà nói cho hết thì biết kiếp nào.

Pháp uẩn
Hỏi: Về 84.000 pháp môn có các cách hiểu: (1). Do sai về dịch thuật, là pháp uẩn. 84.000 pháp môn được chưá trong tạng Kinh 21.000, tạng Luật 21.000, tạng Vi Diệu Pháp 42.000 = 84.000, có bài phân tích, cộng tất cả các bài trong kinh, Luật, Vi Diệu Pháp cũng không thể có con số 84.000. (2). Kiểu hiểu khác, mù mờ, phần đông Phật tử Việt Nam tin rằng niệm Phật A Di Đà chính là một.
Đáp:
Có 2 chỗ cho mình biết cách tính pháp uẩn:
1. Quyển sách mỏng thôi, gọi là Saddhammasaṅgaha của một vị tác giả người Tích Lan, vào trong google có, trong đó có cho mình cách tính sao ra 84.000.
2. Chú giải Tiểu Bộ Kinh, phần Trưởng lão Tăng kệ (Theragātha) & phần Apadāna, mục Tiểu sử ngài Anan. Trong đó ngài Anan có nói thế này: “Ta đã được học từ Thế Tôn 82.000 pháp uẩn và học ở các thầy bạn còn lại 2.000, tổng cộng 84.000”. Trong Chú giải giải thích tính sao ra 84.000.
Tính sao ra 84.000? Cái này bắt buộc phải biết 2 chuyện này mới nói với nhau được:
- Phải biết Pāli, cách tính nó có liên hệ văn phạm Pāli.
- Phải cứng giáo lý. Tức là mấy vấn đề giáo lý. Thí dụ, tất cả pháp thiện được gọi là 1, tri túc là 1, một pháp uẩn. Tức là một vấn đề giáo lý được kể là một pháp uẩn, hoặc là từng vế, từng mệnh đề của pháp thoại cũng được kể là 1 pháp uẩn. Tùy cách kể. Tùy thích thôi. Nó đã có bản dịch tiếng Anh rồi, bà con.
Nếu cả 2 cái đều mù tịt thì tôi giảng tới Tết cũng không hiểu. Như bữa hổm tôi nói, dốt đặc, đi cầu cá vồ xé tờ báo thấy chữ “phóng xạ” đi hỏi tùm lum thì không ai giải thích cho mình hiểu hết trơn. Hoặc là mới học lớp 3, mà chữ proton, photon bà cố người ta giải thích không nổi nữa. ok.
Tôi mách cho biết ở đâu ra 84.000, và cách tính nó. Địa chỉ là như vậy đó.
Còn vụ niệm A Di Dà
Tôi không có ý kiến, chỉ nói rằng.
Pháp môn tu tập, đường hướng tu tập nó cũng là một pháp môn. Một vấn đề giáo lý cũng là 1 pháp môn. Tôi chỉ nói tới đó thôi.
Còn chuyện nói rằng niệm A Di Đà cũng là một pháp môn thì tôi không ý kiến. Chẳng hạn bây giờ tôi nói: Ăn Oshawa cũng là một pháp môn thì tùy, Yoga cũng là một pháp môn, khí công cũng là một pháp môn, thể dục thẩm mỹ cũng là một pháp môn,… thì tùy thích.
Nhưng đừng có ẩu tả khi mình tùy tiện sử dụng chữ “pháp môn” trong mọi tình huống. Tôi chỉ nói như vậy. Bởi vì, muốn nói gì thì nói phải coi Kinh điển Tam Tạng đàng hoàng, chứ mình không thể nào mình dựa vô một cuốn sách tiếng Việt Nam hoặc một ông thầy, bà, sư cô, tăng ni nào đó mà mình bái làm sư phụ rồi họ phán sao mình tin vậy, cả đời lấy nó làm Cẩm nang tu học, kim vàng thước ngọc, thì tôi đề nghị cái đó không nên. Bởi vì sao? Tôi nhắc câu cuối cùng.
Cái miệng của mình ăn, mình muốn bỏ gì vào mồm cũng phải tính toán coi nó có hại, có làm cao máu, tiểu đường, có hại tim mạch, bao tử, thận, gan, lá lách, phổi,… hay không. Tại sao cái đưa miệng mình cẩn thận mà cái đưa vô đầu mình lại ẩu? Ai nói mình cũng nghe miễn là xuôi tai là mình đút vô đầu. Tại sao mình bỏ vô mồm mình thì mình cẩn thận. Tại sao mình nhét vô đầu mình thì mình lại coi thường, là mình thấy xuôi tai là mình nhét vô đầu, mình ừ, mình gật? Ok?

Chiêm bao
Hỏi: Những hành động suy nghĩ bất thiện trong chiêm bao có tạo nhân quả không?
Đáp: Trong A Tỳ Đàm nói rằng: Giấc chiêm bao không tạo nghiệp. Trong giấc chiêm bao không tạo nghiệp. Trong đó ghi vậy thì tôi trả lời vậy thôi chứ không ý kiến nha. Trong kinh ghi như vậy, những buồn vui, những suy nghĩ này nọ trong giấc chiêm bao nó không gây nghiệp. Thí dụ, mình nằm chiêm bao mình thấy sát sanh, cái gì đó thì cái đó trong A Tỳ Đàm gọi cái đó là nghiệp thụ động, nó không cho quả. Chỉ vậy thôi.

Chánh kiến kiếp sau
Hỏi: Một phàm phu có chánh kiến khi mất đi, tục sanh kiếp khác thì chánh kiến đó có mất đi không? Kiếp sau sanh vô gia đình tà kiến phải làm sao?
Đáp:
Các vị tìm uttamapurisadīpani trong google có – Cẩm nang bậc thượng nhân, trong đó ngài Ledi Sayadaw ngài nói về lý tưởng Phật đạo.
Phật đạo đây nghĩa rộng không phải nghĩa như bên Bắc truyền chỉ có một. Bên đây cầu quả Thinh văn cũng là Phật đạo, cầu quả Độc Giác cũng là Phật đạo, cầu quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cũng là Phật đạo. Nói chung là: Cầu quả giải thoát là Phật đạo.
Trong đó ngài có nói câu thế này, ngài có nói rằng:
(1) Trong mỗi kiếp sống như vậy cơ hội mang thân người đã hiếm mà gặp Chánh pháp còn hiếm nữa. Có nghĩa là 2 cái hiếm này cùng lúc gặp nhau trên 1 thân người cực hiếm.
(2) Thứ hai nữa là mỗi một kiếp sống như vậy, mình có làm phước, mình có huân tập bao nhiêu đi nữa, thì nó chỉ là một chủng tử, một hạt giống nhỏ xíu. Luân hồi mình như một trái cầu tuyết, nó càng lăn càng lớn. Khi nó lăn, nó cuốn vô đó nào là rác rến, giấy vụn, bao bì, chai lọ, … hạt bồ đề nó nhỏ xíu, mà nó cứ lăn hoài như vậy. Chừng nào gặp Phật ra đời, Ngài nhìn xuyên quả cầu mình to như cái núi vậy đó, nhưng với Phật nhãn, Ngài nhìn xuyên Ngài thấy, ờ đứa này có hạt bồ đề, thì Ngài mới thuyết pháp cho mình nghe để nuôi dưỡng hạt bồ đề đó cho mình chứng đạo. Còn Ngài nhìn vô khối cầu tuyết của mình đường kính 80km, mà Ngài nhìn xuyên không thấy có cái hột nào thì thôi.
(3) Phật lực vô biên – Phật trí vô cùng – Phật tâm vô lượng không thể độ người vô duyên. Chỉ một chữ “vô duyên” là nó chấp hết. Nó chấp hết, vô lượng vô biên, vô cùng gì đó dẹp hết, chỉ có vô duyên là không ai độ được mình hết. Nhớ nha.
Cho nên, mỗi kiếp sống như vậy, mình nói mình có Chánh Kiến chỉ gieo chủng tử. Như nãy tôi nói, gieo chủng tử, mai này gặp thánh hiền thì các vị nhìn thấy các vị khai thị, khai ngộ, khai căn; còn nếu không gặp thì hạt giống theo thời gian nó lớn dần, nó lớn đến một mức nào đó mà không cần ai khai thị, tự nó bung ra thì thành một cây bồ đề, từ trong trái cầu tuyết đó, đó là lúc mình thành Phật Độc Giác = trên không thầy, dưới không trò. Cái đó rất là lâu. Bởi, trong kinh có câu: “Nếu trễ chẳng gặp Phật nào, nhằm kỳ Độc Giác làm sao cũng thành” là như vậy đó. Nhưng mà nó lâu à.
Trong kinh nói rằng, nếu không được thầy khai thị, khai căn thì tự mình tìm đạo mất tối thiểu 2 A-tăng-kỳ 100.000 đại kiếp trái đất thì mới có thể tự ngộ, kinh có nói như vậy. Mà ở đây, ai có đọc thì biết, kinh có nói như vậy.
Nếu không có thầy khai ngộ. Giống như ngài Xá Lợi Phất mà không có ngài Asajji mà tự mình tìm ra con đường giải thoát thì phải mất tối thiểu là 2 A-tăng-kỳ, cộng với con số lẻ là 100.000 đại kiếp trái đất thì mới nghĩ ra con đường tự ngộ, tối thiểu. Người đó, tuy mất 2 A-tăng-kỳ nhưng mà khi tự ngộ rồi không có khả năng độ sinh. Nhớ nha.
Cho nên, tôi trả lời câu hỏi đó thôi.
Chủng tử Chánh kiến nó vẫn còn đó, nhưng kiếp sau sanh ra, thì đã nói rồi, trái cầu tuyết càng lăn càng lớn, cuốn vào nó bao nhiêu dị kiến, tà kiến, vọng kiến, điên đảo kiến, thì chánh kiến mình chỉ là một cái hột nhỏ xíu đó thôi. Thì dĩ nhiên:
(1) Mình sanh ra chỗ nào,
(2) Thường gặp ai,
(3) Công việc gì,
(4) Đầu óc thường suy tư cái gì, nghĩ cái gì.
4 cái này: Ở đâu, thường gặp ai, công việc thường nhật là gì, cái đầu mình thường nghĩ về cái gì thì 4 cái này nó có hỗ trợ cho chủng tử Chánh kiến & Tà kiến của mình. Nó có phần thôi, chứ không chắc lắm. Có phần hỗ trợ.
Trừ ra mình có nguyện lớn. Tôi đề nghị nguyện mấy điều sau đây:
(1) Đời đời sanh ra có thánh hiền con xin gặp.
(2) Đời đời sanh ra cho con tính cẩn trọng, cái gì con không rõ thì con chịu khó tìm hiểu chứ con không phang ẩu, yes/no một cách bừa bãi. Sanh ra có đầu óc tỉnh táo, cẩn trọng.
(3) Giàu nghèo sang hèn con không kiểm soát được nhưng con chỉ mong khi con cần làm phước con có điều kiện. Bản thân con có thể sống nghèo sống khổ như chó như heo được, nhưng khi con cần làm phước thì xin cho con có điều kiện. Luôn luôn có điều kiện để tạo công đức.
(4) Xin cho con có cơ hội đắc chứng thiền định dễ dàng. Ly dục. Bởi vì con đường luân hồi nhanh nhất, ngắn nhất, an toàn nhất chỉ có một, đó là của mấy ông nội đắc thiền. Mấy cha đắc mấy cha về Phạm thiên hoặc là chả đắc chả có thần thông nhớ kiếp trước thì đỡ. Chứ còn người hưởng dục mà luân hồi thì dầu bố thí bằng trời mà hưởng dục thì chuyện đọa cầm chắc. Vòng luân hồi chỉ có mấy cha đắc thiền kha khá chút. Nhớ.
Phải có nguyện, chứ không rất là khó. Ok. Xong.

Đại kiếp
Hỏi: Một đại kiếp là thời gian đủ 4 giai đoạn: thành- trụ- hoại – không của 1 trái đất, thời gian thọ ký Sariputta do Phật Anomadasi là 1 A-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp, có phải là thời gian 10^140 +10.000 kiếp trái đất liên tục tồn tại hay không?
Đáp:
Đúng vậy.
Có nghĩa là 1 A-tăng-kỳ là một con số. Bởi vì A-tăng-kỳ có 2 nghĩa:
1. Là đơn vị thời gian.
2. 1 con số.
Thí dụ chữ “năm” trong tiếng Việt Nam có 2 nghĩa: (1) Đơn vị thời gian, năm/ year = 12 tháng, 365 ngày, nhưng nó còn có nghĩa là con số 5, number five. Thí dụ người ta nói “năm năm” thi phải hiểu chữ năm trước là con số, chữ sau là đơn vị thời gian ( 5 năm). Hiểu không?
A-tăng-kỳ có 2 nghĩa: 1. Đơn vị chỉ thời gian; 2. Con số.
Tron trường hợp nói về ngài Xá Lợi Phất nó là một con số. Còn đơn vị chỉ thời gian là sao? Đức Phật Ngài dạy rằng, giả định, có một cái thùng gỗ đựng đầy hột mè, mỗi cạnh bao nhiêu đó, tại sao tôi không nói rõ, vì tùy bản dịch, mình giả định thùng gỗ mỗi cạnh là 1km đi, thì mỗi 100 năm có người lấy ra 1 hạt, lấy chừng nào hết thùng gỗ đó thì kể là 1 A-tăng-kỳ đơn vị thời gian. Hiểu không? Ok. Rồi, xong.

Hựu
Hỏi: Hựu trong tản mạn Hựu (Chuyện phiếm thầy tu) có nghĩa là gì?
Đáp:
Hựu = thêm lần nữa.
Thí trong Lão Tử “huyền chi hựu huyền chúng diệu chi môn”. Hựu = một lần nữa. Chỉ vậy thôi.

Bát Quan trai
Hỏi: Giữ giới Bát Quan trai ăn một cữ trước ngọ, sau đó không ăn nữa, chỉ uống nước lọc, nếu cần thiết nhưng khi bệnh dùng nước trái cây, ngũ cốc, không bệnh uống nước đường có phạm giới không?
Đáp:
Tôi biết tôi nói cái này sẽ va vấp nhiều chống đối. nhưng mà tôi cũng nói thiệt, đường hoằng pháp nó chông gai lắm, phải chịu thôi.
Đó là: Đa phần người Việt Nam vừa hiểu sai vừa hiểu cạn Bát quan trai. Lý tưởng của Bát quan trai là cái gì?
Không phải là con số 8, không phải 8 học giới, không phải, mà Bát Quan trai nó là phương thức thu thúc, kiểm soát, chế ngự 6 căn. Nhớ cái đó.
Chớ không phải mình như em bé, học lớp 2, cứ giữ đúng 8 điều đó. Tôi có gặp rồi, tôi có gặp người họ hiểu vậy đó. Họ hiểu là: Bát quan là giữ con số 8, thí dụ không nghe nhạc, nhưng mình coi phim được; hoặc là mình không ăn chiều, không xài mỹ phẩm, không đeo nữ trang nhưng mình có thể cầm phone chat, đọc tin tức, mình alo, mình viết tin nhắn được, theo tôi đó là sai.
Sai nghĩa là gì?
Tại vì mình hoàn toàn không hiểu tại sao Phật dạy mình không ăn chiều? Mình hoàn toàn không hiểu. Mình hoàn toàn không hiểu tại sao Phật cấm mình không thưởng thức ca múa nhạc kịch, cũng không hiểu tại sao Phật không cho xài mỹ trang, mỹ phẩm, hương liệu, mình cũng chẳng hiểu vì sao Phật cấm mình xài giường cao chiếu rộng, hoàn toàn mình như một đứa bé còn nằm ngửa bú bình. Mình không hiểu. Cho nên mình cứ hiểu y chang, không cho gì mình tránh cái đó. Sai. Hiểu vậy vừa cạn, vừa buồn cười lắm.
Mà nó như thế này. Tại sao Ngài cấm không cho ăn chiều?
- Nếu nói trên nhu cầu cơ thể, một bữa ăn trưa đàng hoàng đủ rồi, ăn thêm chỉ có dư thôi, nó chỉ có hại cho sức khỏe thôi. Nhớ cái đó.
- Mất thời gian. Hễ có thêm bữa ăn là nó đẻ ra một tỷ hệ lụy, mình ăn thể nào cũng có mời người khác ăn, hễ ăn là có mua sắm, có chuẩn bị, có chế biến, có rửa ráy, nồi niêu,… một bữa ăn thật ra mình mất có 15 phút, nhưng chuẩn bị trước và chuẩn bị sau hệ lụy của nó phải mất tầm tầm 1-2 tiếng đồng hồ, chưa kể tốn kém.
- Hôi hám, khói lửa, mùi màng, phiền phức.
Cho nên, chỉ riêng giới ăn chiều, nó vừa kích thích phiền não, tiêu phí thời gian, tổn hại sức khỏe mà vô vàn hệ lụy khác kể không hết, không xiết. Hương liệu, mỹ phẩm, nữ trang,… Hạn chế chuyện: Kích thích phiền não, tiêu phí thời gian, dùng thời gian đó để học đạo, để mà thiền định. Đó, Bát quan hiểu vậy đó.
Tránh 2 điều căn bản:
- Hạn chế kích thích phiền não.
- Tiêu phí thời gian, thời gian dùng để làm cái gì? Trau dồi pháp học pháp hành.
Hiểu như vậy thì 8 cái Bát quan nó mới có ý nghĩa, chứ còn Bát quan mình hiểu theo nghĩa trẻ con bú bình có nghĩa là tui không phạm đúng 8 điều đó thôi. Tôi không ăn chiều, hễ ăn sau 15 phút là phạm, tùm lum.
Theo tôi thì không. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Nếu là tôi, quý vị hỏi tôi, tôi nói thẳng.
Có một bữa ăn chánh thật đàng hoàng, một bữa thôi nha. thì 1 giờ, 1h30. Các vị hỏi tôi tôi vẫn cho các vị ăn, mà các vị hứa, không ăn chiều, một lần thôi nha, chứ còn chiều “sư ơi cho con ăn thêm” là không được. Nếu đúng lòng tu, 1 lần thôi nha, tại trưa quý vị trễ đúng không? Đúng. Tại sao trong kinh đề buổi trưa? Vì buổi trưa là phần giữa của ngày. Sớm quá thì thời gian mình nhịn đói ngắn lại, mà trễ quá thì mình sẽ đi ngủ với một bụng đầy. Trong thiền viện Kālāma có câu này, tôi đã đặt thợ ghi rồi: “Hãy thức với tâm rỗng và hãy ngủ với bụng trống ”
Cái đó không phải tôi, mà mấy cái tiêu chuẩn của mấy thiền viện Hàn Quốc, họ có ghi câu đó.
Hãy thức với tâm rỗng và hãy ngủ với bụng trống
- Thức với tâm rỗng = Không hờn giận, không thương thích, không toan tính, không nhỏ mọn, không tị hiềm. Gọi là thức với tâm rỗng.
- Ngủ với bụng trống = buổi chiều, tuy nhiên, nếu mình là người bị tiểu đường, bao tử, hoặc là bị vấn đề về sức khỏe cần cái gì đó lấp vào bụng, trong trường hợp đó mình có thể linh động, nhưng chính mình chứ không ai mà biết hết, chính mình lúc mình đưa cái gì vào mồm mình biết đây 100% nó là thuốc, không phải hưởng thụ. Mà nó chỉ ý nghĩa trị liệu, không phải hưởng thụ. Còn nếu mình đưa vào lúc mình tự mình dối “đây là trị liệu” mà chính mình biết đây là hưởng thụ thì cái đó Bát quan mình không tròn.
Mình không có lỗi gì với Phật hết, nhiều người đi gạt nói là lỗi Phật. Mình không có lỗi gì với ai hết. Với mình. Cái giới mình giữ không tròn thì mình có lỗi với mình chứ không có liên quan gì. Đừng có đi gạt người ta nói lỗi với Phật, với pháp. Dẹp. Dẹp. Dẹp. Tào lao. Vì mình đâu có liên quan gì với Ngài. Mình có tu hay không tu không mắc mớ gì Ngài hết. Mình đem cả họ giết lấy máu rửa tượng Phật, Phật cũng không được gì; Mình có đốt chùa, phá tượng Phật cũng không mất gì. Cái chánh là mình. Nha.
Cái chánh là Pháp học mình học không tới thì mình ngu xuẩn và tà kiến, ngộ nhận, điên đảo ráng chịu. Pháp hành: Mình hành sai hành trật, ngộ nhận cái đó là phần của mình thì ráng mà chịu.
Giới ăn chiều phải nhớ như vậy. Có nghĩa là. Giới ăn chiều nói riêng và Bát Quan trai nói chung:
(1) Kích thích phiền não
(2) Tiêu phí thời gian
Mình giữ để mình tránh 2 chuyện đó. Và trường hợp thứ ba :
(3) Gieo nghiệp xấu, thí dụ: Sát sanh gieo nghiệp xấu, trộm cắp gieo nghiệp xấu.
Có những giới mình hành, giữ để tránh nghiệp xấu. Còn tối thiểu, có những giới bản thân nó không gieo nghiệp xấu thì tối thiểu nó cũng kích thích phiền não và tiêu phí thời gian.

Ngọ
Hỏi: Vấn đề thời gian ngọ, cũng không cần chính xác ngay trước ngọ?
Đúng. Chính xác. Nhưng có điều, hồi nãy tôi giải thích rồi. Tại sao xưa nay 26 thế kỷ, ai ai cũng đồng ý là nó có mốc giờ, hồi nãy có nói rồi, vì nếu không có mốc giờ tượng trưng thì nó loạn. Hiểu chữ loạn không? Đứa thì 9h nó ăn, đứa 12h nó ăn, đứa 4h nó ăn, thì nó loạn. Bắt buộc phải quy định, “nè, nhớ nha, giữa ngày”. Mà nãy tôi có giải thích tại sao giữa ngày nữa. Bởi vì, khi ăn giữa ngày thì thời gian chịu đựng bao tử nó ok hơn. Còn đằng này mình ăn trễ quá thì mình sẽ ngủ với cái bụng nặng, hoặc mình ăn sớm quá, 8h mình ăn rồi thì nó sẽ đói sớm, cho nên người ta lấy cái mắt giữa là đúng nhất.
Còn chuyện bên Hán tạng nói “chư Phật ăn buổi trưa, ngạ quỷ ăn buổi tối” tôi xin khẳng định là tào lao, nó không khoa học gì hết. Mà cái khoa học là mình ăn vào lúc đó là mình tính chính xcs. Ngày là gì? Ngày là thời gian mình hoạt động mạnh nhất, giờ trưa giờ ngọ là đòn gánh gánh hai đầu. Tức là buổi sáng mình đã làm việc nửa ngày và sau nửa ngày đó mình lại tiếp tục hoạt động thêm nửa ngày nữa. Như vậy, giờ ngọ là giờ chuẩn nhất, lý tưởng nhất để mà ăn. Cái thứ hai, Ăn thời điểm đó là đảm bảo tối nay bụng mình ok. Chứ nếu ăn trễ chút là tối nay nó nặng, mà ăn sớm chút là bụng nó đói trào máu. Cho nên, ăn giờ đó là giờ chuẩn. Phải nói như vậy. Thứ ba, ăn vào giờ đó, đi tìm thực phẩm giờ giấc hợp lý. Nếu mình ăn trễ quá cũng mệt, đi sớm quá cũng mệt. Cho nên, tìm thực phẩm là lấy giờ trưa là đi bát tiện nhất.
Nó tới 1000 lý do, càng nói càng thấy giờ trưa là giờ chuẩn nhất. Tuy nhiên, chuẩn nhất không có nghĩa là trật là chết. Khi mình hiểu trật là chết là lúc đó là bậy. Không biết nói hiểu không ta?
Nó tượng trưng thôi, cho nó đừng có loạn nhưng khi mình ôm khư khư, mình nói sau 12 là phá giới, là đứt giới, là phạm giới, ăn vậy là thà chết tui không ăn là Thành ra Giới cấm thủ. Nha. Ok.

Sân
Hỏi: Cuộc sống hàng ngày con thường xuyên bị dính mắc và có tâm sân khi gặp 2 thứ : mùi thuốc lá và tiếng ồn Karaoke. Khi đó con cảm thấy rất khó để tập trung, quay lại hơi thở và rất khó để quan sát. Xin sư chỉ dạy cách quán chiếu giảm bớt sân hận?
Đáp:
Mở Trung Bộ Kinh, bài kinh thứ 2 - Nhất thiết lậu hoặc, trong đó đức Phật dạy rất rõ.
Phật tử Việt Nam có một bệnh cực nặng đó là bệnh “sợ kinh cắn”, người ta sợ muỗi, sợ rắn, sợ ma, sợ chuột, sợ gián nhưng Phật tử Việt Nam chỉ có bệnh mà chỉ có Trời cứu có nghĩa là “sợ kinh cắn”, không dám xem kinh, sợ kinh cắn.
Trong Trung Bộ Kinh, bài số 2 Ngài dạy rất rõ. Ngài nói: Con đường hành trì đối diện phiền não có 7 cách.
Đừng bắt chước người ta “tu phải nhẫn con, mình tu là thầy dạy con nhớ nha tu một chữ Nhẫn, ráng gồng”, còn có ông thì “con nhớ lời thầy, mình là phải quán chiếu”. Trật lất. Nếu dạy kiểu đóng khung vậy là tôi khẳng định là trật. Bởi vì sao?
Vì chính trong bài Tất cả lậu hoặc (chỗ này sư nói Căn bản pháp môn, nhưng là nói nhầm) đức Phật Ngài dạy, có 7 cách để đối phó phiền não, trong đó Ngài nói,
(1) Có trường hợp đứng yên lại nhìn thẳng vào nó. Đó là trường hợp quán chiếu.
(2) Có trường hợp, không nói gì hết, gồng mình chịu đựng.
(3) Có trường hợp, tránh sang đường khác mà đi.
(4) Có trường hợp, hiểu thấu vấn đề thì tự nó mất. Ví dụ, ban đêm mở cửa thấy cục thù lù, không biết cái gì, sợ, bật đèn pin lên, “ồ đó là cái thùng hồi chiều tưới cây quên dẹp”. Khi mình hiểu thấu vấn đề thì mình không sợ. Thì ở đây cũng vậy, có những cái mình sợ, mình giận, mình khó chịu, khi mình chịu khó suy nghĩ tới nơi thì nó sẽ hết.
(5) Có trường hợp, phát triển một thiện pháp mang ý nghĩa đối lập: Thí dụ mình bị 5 triền cái, 3 tà tư duy thì lúc đó phải tu tập Bốn Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo hay là Thất giác chi.
Nhớ cái đó. Có 7 cách. Không phải trường hợp nào mình cũng đương đầu đối diện, trân mình chịu đựng. Có trường hợp phải tránh.
Ở đây, tôi quay lại câu hỏi.
Nếu mà mình có thể thu xếp có không gian khác mà nó không có khói thuốc, không có tiếng ồn thì mình có thu xếp được hay không? Tại vì người hỏi tôi không thấy mặt nên tôi không biết họ có thu xếp mà né được hay không. Nếu thu xếp né được thì nên né. Và nên nhớ.
Thân người khó được, kiếp người mong manh, đừng vì một lý do ruồi bu kiến cắn nào đó mà ráng nấn ná lại để mà ở chỗ không ra gì, tu tập khó khăn, thì tôi xin thành thật “chia buồn cùng tang quyền”. Tôi có gặp người đó rồi. Tôi gặp nhiều lắm.
Thân người khó được, Chánh pháp khó gặp, mà lại có lòng tu mà lại có dấu hiệu tiến bộ nữa chứ, tất cả bỏ hết chỉ vì “ kệ, ráng, bỏ đi cũng kỳ” chỉ vì chữ “kỳ” mà cuộc đời họ trở thành đống phân mắc mưa. “Kỳ” hoặc là “sợ người ta nói”, đi vậy bà xã buồn, đi vậy ông xã buồn, đi vậy mấy đứa nhỏ buồn, phải ở lại coi chừng mấy đứa cháu nội, cháu ngoại, bởi vì tụi nó cũng thương mến tay mến chân,…
Rốt cuộc, đối với mấy người đó tôi nhìn họ tôi thấy giống mấy con thú. Có nghĩa là, cứu không được. Tôi biết tôi nói thế này rất nặng. Nhưng tôi vẫn phải nói. Tôi nhìn họ như những con thú vì cứu không được nữa. Tại vì: Phật pháp khó gặp, thân người khó được mà vãn tìm cách nấn ná thì trong mắt tôi anh là con gì đó. Bởi vì, anh nói anh tin Phật chứ anh không có tin. Nếu anh không tin thì anh đi chết ráng chịu. Ok?
Cho nên: (1) thu xếp né. (2) Nếu không thu xếp được thì hạn chế, có cách nào bớt khói thuốc, bớt tiếng ồn hay không? Chứ còn đẳng này hỏi chung chung thì. Cuối cùng, né không được, bớt không được, thì mới tính tiếp, tính ba cái quán chiếu gì đó. Thôi giờ mình hút thuốc luôn cho nó không khó chịu, nó hát karaoke, thì ra mình đề nghị nó hát Bolera tại tui không thích Chachacha, Tango, Pasodope. Nhưng tôi nói vậy đại khái đứa nào thông minh nó hiểu.

Thương thích
Hỏi: Biết không nên tham ái nhưng nếu lỡ thích một vị sư thật nhiều phải làm sao để từ bỏ sự mong nhớ về người ấy? Quả báo của việc phá một người tu tập là gì?
Đáp:
Xét về mặt xã hội, xét về mặt giới luật, thì thương ai đó, từ thầy chùa, du đãng, tổng thống, linh mục không có tội. Xét về pháp luật, xét giới luật thì không có tội. Nhưng xét về tinh thần giáo pháp, từ thương con chó đến thương ông vua đều có lỗi. Bởi vì, mình thương, mình thích là mình có lỗi. Lỗi với ai? Mình có lỗi với mình. Yeah. Khi mình thương hay mình ghét một người là mình đã có lỗi, đầu tiên là mình có lỗi với mình trước.
Khi ta thương một người nào đó, một vật nào đó, hoặc là ta ghét một người một vật nào đó, chuyện đầu tiên là ta đã có lỗi với mình bởi tự mình đưa mình vào cõi khổ, cảnh khổ.
Trên đời không ai thương mình bằng mình hết. Nếu mình không hiểu chuyện đó mà tiếp tục thích và ghét một người, một vật thì ráng chịu. Ở đây không có sư sãi gì hết. Đừng có đem sư bà gì. Dẹp. Dẹp.
Cứ nhớ: Khi ta thích hay ghét một người, một vật thì chuyện đầu tiên là ta đang ngược đãi bản thân, đưa mình vào một cái khổ. Hết.
Câu trả lời có nhiêu đó thôi.
Quả báo phá người tu tập là gì?
Nó như thế này, tôi không phải tôi quên phần sau. Bởi vì, nếu mình chỉ đơn giản là thương thì có lỗi bản thân. Còn mình cố ý “phá” là mình ghét người ta mình mới “phá”. Hiểu không?
Khi có lòng mình “phá”. Động từ “phá” ở đây nha, động từ “phá” mình cố ý mình phá thì phá đạo, phá người hành đạo.
Kẻ nghe chuyện thôi.
Đời Phật Ca Diếp, có một đôi bạn thân nhau lắm hai ông thiện nam thân quý nhau lắm. Tôi đặt tên là ông A, ông B. Ông A, bữa đó ngày thọ Bát Quan, ông thọ Bát quan trai, còn ông B không thọ, ổng tới ổng thăm ông B. Ông thọ Bát Quan trong sạch tới thăm ông kia. Ông kia mời ông này ăn xoài chín, buổi chiều, ông Bát Quan trai ổng nói “hôm nay tôi không ăn, cảm ơn”ông kia tìm cách ổng ép, ổng ra vẻ giận dỗi, mời mọc thuyết phục, ổng làm đủ cách hết, rồi ổng gò, ép, thồn dzộng, nhét, cán ông này, cuối cùng ông này ăn.
Ý ổng, lúc đầu là ổng có lòng thương bạn, vì xoài ngon lắm. Sau đó là ổng có ý nghịch “bày đặt giới hạnh, tôi dồn coi mày nuốt không”. Ổng chết rồi, trong thiện chí ban đầu mời bạn ăn trái xoài ngon lúc đó là tâm lành, nhưng mà lúc ý nghịch “mày giữ giới tao ép coi mày giữ giới nổi không” là ý ác. Khi cái ác cái thiện trộn lại đẩy chả vào cảnh giới rất đặc biệt là cảnh giới Vemanika cảnh giới Á thiên. Giống như Hoa hậu là người đẹp nhất, Á hậu là chỉ thua hoa hậu thôi. Á thiên có nghĩa là dưới chư Thiên một bậc. Mà Vemānika từ chữ vemāni = cung điện, là Ngạ quỷ có cung điện riêng. Có nghĩa là, tùy người, có người sanh vào đây đêm sướng ngày khổ, ban đêm sống như tiên, ban ngày sống như địa ngục, có người thì ngày sướng ngày khổ, có người tuần sướng tuần khổ, có người tháng sướng tháng khổ, có người một quý sướng một quý khổ, có người 6 tháng sướng có người 6 tháng khổ, có người một năm sướng một năm khổ, có người ba năm, người tám năm, người mười năm,… thì tùy. Nói chung sướng khổ chen nhau vậy đó. Lúc làm tiên, lúc làm quỷ.
Ông thiện nam, do lòng lúc đầu mời bạn ăn trái ngon, ổng được sanh về cảnh giới này làm chủ một vườn xoài ngon, thơm lắm, đẹp lắm. Nhưng mà do tâm muốn người ta phá giới ổng phải chịu quả, ngoài giờ hưởng lạc như vị trời, ổng phải chịu lửa đốt, côn trùng chích châm, đau đớn quằn quại, máu me lầy lụa vậy đó. Hổng nhiều, cứ 12 tiếng sướng, 12 tiếng khổ. Hoặc ngày sướng ngày khổ, tuần sướng tuần khổ vậy đó. Thì nếu có lòng “phá” thì nó như vậy.
Nếu đơn giản mình thương người ta thôi, mà không có động tay động chân gì hết thì chuyện đầu tiên mình có lỗi với mình. Chỉ vậy thôi. Tức là tự mình chuốc khổ. Mà không hẳn phải thương, khi mình ghét một người một vật chuyện đầu tiên là mình đang ngược đãi bản thân, bởi vì khi người ta ghét một người, người ta mong người đo bị nạn cũng giống như mình uống thuốc độc mong người ta chết vậy đó. Có nghĩa là người khác có chết hay không chưa biết, nhưng mà chuyện đầu tiên là mình uống mình đi trước cái đã.
Đây cũng vậy, khi mình thương, mình ghét một người thì chuyện đầu tiên mình chuốc họa là chuốc cho mình trước cái đã. Ok. Xong.

Xuất gia ở Kālāma
Hỏi: Trung tâm Kālāma có nhận nữ xuất gia làm tu nữ không? Nếu có, cần học và chuẩn bị gì? Nếu không được xuất gia ở Việt Nam, muốn qua đó học hay tham gia tất cả các khóa tu thì liên hệ ai chỉ dẫn, vì con chưa được đi nước ngoài bao giờ.
Đáp:
Câu trả lời chỉ có 3 giây thôi.
Thứ nhứt, đừng bao giờ hồn nhiên thơ ngây dại dột thiển cận nông nổi có ý về Kālāma vì Kālāma chỉ là chỗ ở cho hành giả bốn phương về tu thiền thôi. Và Kālāma không đi theo truyền thống nào hết: Lúc mời Pa Auk lúc mời bên U Pandita, lúc mời bên Mogok, lúc mời bên Chanmyay, Mahasi, về giảng, mỗi một lớp, mỗi một khóa tu mình thỉnh các vị dạy cho mình một đề mục: Niệm Phật, niệm Từ tâm, niệm Bất tịnh, niệm hơi thở, niệm tiểu oai nghi, lúc Chỉ, lúc Quán.
Kālāma được xây dựng với mục đích tạo điều kiện tốt nhất về ăn, ở, vệ sinh, chỗ đó rất là mát cho hành giả muôn phương. Chứ còn bà con muốn có ý học hành gì đó thì một tỷ địa chỉ tại Miến Điện chứ không nhất thiết phải về Kālāma. Kalama không phải chỗ đào tạo. Kālāma là chỗ để hành giả về tu tập với sự hướng dẫn của các thiền sư Miến Điện và Thái Lan, dòng thiền Ajahn Chah, Ajahn Naeb thôi. Thái Lan mình dự trù mình thỉnh 2 dòng thiền đó. Còn Miến Điện thì bao la, Miến Điện có nhiều dòng thiền: Dòng thiền U Ba Khin, dòng thiền Goenka, Mogok, Mahasi, U Pandita, Pa Auk, Shwe Oo Min, Thein Gu,… thỉnh về đó. Chứ còn Kālāma không phải là cái chùa để bà con về đó ở thì không có. Cái đó không có.
Còn muốn tu học thì bà con có thể rà soát trên internet nó vô số. Đặc biệt, email: kalamatawyacenter@gmail.com bà con sẽ nhận được vô số câu trả lời ngon lành cho chí nguyện đó. Chúc bà con ngày vui./.
Trong thời gian từ ngày 01-20/11/2022 : Lớp chủ nhật, thứ hai tạm nghỉ./.
Trong thời gian 20/11/2022 – hết tháng 12/2022, thời gian chưa có chính xác, bà con nào rảnh thì liên lạc với chúng tôi, chúng ta sẽ hẹn gặp phi trường Madalay (Myanmar). Đây là duyên rất lớn sau 3 năm trời chúng tôi mới trở lại. Ngày đi Kālāma chưa thôi nôi, trở về Kālāma coi như đã biết đi biết chạy. Mong có ngày tôi ngồi tại Kālāma giảng chứ không phải ngồi tại Thụy Sỹ.


Mục lục
    1. Pháp đàm 04/09/2022
    2. Pháp đàm 18/09/2022
    3. Pháp đàm 25/09/2022
    4. Pháp đàm 02/10/2022
    5. Pháp đàm 09/10/2022
    6. Pháp đàm 16/10/2022
    7. Pháp đàm 23/10/2022
    8. Pháp đàm 30/10/2022
    9. Pháp đàm 27/11/2022
    10. Pháp đàm 04/12/2022

    ← trở về trang Vấn Đáp

    © www.giacnguyen.com