← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 04/09/2022
BTC xin tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép

  • Chư Phật Nhập Niết bàn
  • Vừa học vừa tu
  • Bát Chánh Đạo & Giác ngộ
  • Giảng & Hành
  • Thực hành Tứ Niệm Xứ
  • Sát na Đắc chứng
  • Thánh Nhân
  • Giới tính thứ 3
  • Đại vọng ngữ
  • Tụng Tam Tạng bằng Pali
  • Địa chỉ Thụy Sỹ
  • Trung tâm Kalama
  • Không phải là ta
  • Giới tính người khác
  • Niệm Hơi thở và Hồng Ân
  • Chú giải
  • Kim Cương Thừa
  • 16 tầng thiền Tuệ


  • Chư Phật Nhập Niết bàn

    Hỏi: (Không rõ vì không kịp ghi âm phần câu hỏi và phần đầu trả lời)

    Đáp: Bằng cách giảm dần các hoạt động sinh học. Không biết tôi nói vậy các vị nghe hiểu không? Có nghĩa là cái thân mình nó muốn sống thì phải có tim, mạch, máu huyết, lưu thông, chạy rần rần, bao tử, gan thận làm việc tùm lum. Đức Phật cũng vậy. Cơ thể của Ngài cũng phải làm việc rần rần như vậy. Nhưng bây giờ Ngài Niết Bàn bằng cách Ngài nhập thiền, giảm dần các hoạt động sinh học cho đến lúc nó lắng đọng hoàn toàn, toàn diện, triệt để rồi Ngài mới ra đi. Đó là chuyện thứ nhất.

    Chuyện thứ hai, đọc kỹ, Ngài kết thúc ở Tứ thiền, có đúng không? Đọc kỹ Chánh Tạng coi có đúng không? Làm ơn, người Phật tử Việt Nam sợ Chánh Tạng đến mức cứ đọc của thầy này thầy kia mà Chánh tạng không có đọc. Đọc dùm tôi Trường Bộ Kinh, bài kinh Đại Bát Niết Bàn, chứ không Narada gì hết, tôi sợ nhất. Vì bữa nay là Narada, ngày mai là Mahasi, Phật thì không theo mà cứ theo tổ không tôi nhức đầu lắm.

    Các vị tìm hiểu tham khảo với tôi các vị dễ giận lắm, vì mấy cái đó tôi nói mạnh lắm. Mình thờ Phật chứ mình không thờ tổ. Các vị tưởng tượng, Phật thì chỉ có một thôi, mà trong khi sư phụ, thầy tổ thì rất là nhiều. Các vị thử tưởng tượng trong room có 80 Phật tử mà có 80 ông thầy, có phải Phật giáo nó loạn hay không? Làm ơn quay về một gốc dùm tôi. Đó là Tam Tạng có một thôi thì anh em mới một nhà được. Còn đàng này cứ người này Narada, người Mahasi, người Ajahn Chah, tui nghe nói Ajahn Chah nói vậy, Ajahn Naeb nói vậy, Ledi nói vậy, Mahasi nói vậy… rầu lắm. Cái này, chỉ có Tam Tạng với Chú giải thôi thì được.

    Trong đó nói rõ, chư Phật Niết Bàn, khi ra khỏi Tứ thiền thì các ngài tịch. Tại sao vậy? Vì khi tâm trú vào Tứ thiền hơi thở không còn nữa. Cho nên chư Phật ra đi rất là nhẹ, vì tâm mệnh chung xuất hiện ngay cái lúc mà bản thân Ngài cũng không còn hơi thở, không còn một cách tự nhiên chứ không phải do cái phổi nó làm việc không nổi. Không phải. Mà trước đó, tâm Tứ thiền xuất hiền là Hơi thở biến mất. Nhớ cái đó. Tâm Tứ thiền xuất hiện là hơi thở biến mất. Cho nên, ngay thời điểm đó tâm mệnh chung xuất hiện và Ngài viên tịch luôn.
    Và, ở đây không có chuyện Ngài giữ Chánh Niệm, lý do đầu tiên là Ngài phải dàn xếp cơ thể sinh học của Ngài giảm dần mọi hoạt động cho đến lúc triệt để Ngài mới ra đi. Đó là chuyện thứ nhất.

    Chuyện thứ hai, những vị cỡ các đại đệ tử trở lên, thí dụ như ngài Anan, ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp,… trở lên từ đó đến các vị Độc Giác, Toàn Giác, thì chuyện nhập thiền đối với các vị rất là dễ. Dễ đến mức mà trong kinh xài chữ idhi là thần thông á. Idhi = thần thông là do mình dịch theo Tàu. Chữ Idhi trong tiếng Pali là “Ý muốn” có nghĩa là các Ngài muốn an trú trong tầng thiền nào là lập tức vào đó ngay, các Ngài an trú vào trong các tầng thiền đó dễ như mình muốn có phiền não là có liền vậy đó. Không biết nói vậy có hiểu không?

    Tôi nói các vị đừng có giận nha. Vì đây là lớp giảng đại chúng chứ không phải lớp intensive cho nên tôi giảng tôi giấu, có nhiều chuyện tôi muốn nói mà tôi không dám nói vì nói ra sợ họ không có hiểu. Tức là, tốc độ tâm chúng sanh nó có nhiều trường hợp:

    - Một, tốc độ từ phiền não này qua phiền não kia. Tốc độ đó, phàm phu mình là vô địch.
    - Hai, tốc độ từ tâm bất thiện qua tâm thiện.
    - Ba, tốc độ từ tâm thiện dục giới qua tâm thiện đáo đại.
    - Bốn, tốc độ từ thiền này qua thiền kia.

    Phàm phu mình chỉ có khả năng đi từ phiền não này qua phiền não nọ thôi: Từ tham qua sân, sân qua tham, rồi mình đi rất là nhanh. Nhưng mà khả năng từ Bất thiện qua Thiện là khả năng này mình rất yếu. Nhưng làm được, rất yếu. Trong khi đó tốc độ từ thiền này qua thiền kia hoặc từ tâm hiệp thế sang tâm siêu thế thì khả năng này coi như mình không có. Đối với chư Phật các Ngài có khả năng từ thiền này qua thiền kia rất nhanh, từ tâm hiệp thế qua tâm siêu thế rất nhanh. Và ngược lại, từ tâm Siêu thế qua tâm Hiệp thế rất nhanh. Cho nên, chuyện nói là Ngài “nhập thiền” mình thấy chữ “nhập” là mình thấy mệt rồi, nhưng mà ở Ngài chuyện đó rất đơn giản, Ngài chỉ muốn thôi “Ta sẽ như vậy, ta sẽ làm như vậy ” là lập tức cái tâm diễn biến rất là nhanh.

    Và ở đây, lý do thứ nhứt là Ngài dàn xếp các hoạt động của tấm thân sinh học cho nó giảm dần, giảm đến mức triệt để rồi Ngài mới tịch.
    Thứ hai là, chuyện các Ngài nhập thiền rất là dễ.
    Thứ ba, tất cả chư Phật từ đời sống cho đến nội tâm, suốt cuộc đời không có lệ thuộc vào biên giới nào hết.

    Cho nên khi đản sanh là chư Phật đản sanh ở biên giới. Không biết trong room còn nhớ không? Biên giới giữa quê nội và quê ngoại, hai đất nước, và Ngài cũng không sanh ra trong mái nhà, những sự kiện trọng đại trong đời đức Phật không diễn ra trong mái che. Thí dụ: Đản sanh cũng phải ngoài trời trống, thành đạo cũng phải ngoài trời trống, chuyển Pháp luân cũng phải ở ngoài trời trống, và Niết Bàn cũng phải ở ngoài trời trống. Bởi vì mức độ vĩ đại của các Ngài không có mái che nào chịu nổi sự kiện đó. Những sự kiện đó cũng phải diễn ra ngoài trời trống. Kể cả khi Ngài thuyết tạng A Tỳ Đàm Ngài xuống thì chân cầu thang mà Ngài bước xuống không phải trong sân chùa, sân nhà, sân cung điện, mà là ở một khoảng đất trống, chỗ đó ngoài cổng thành Saṇgassa. Những sự kiện lớn đều phải diễn ra ở chỗ không thuộc về một nơi chốn nào. Cho nên, khi Ngài nhập thiền trước khi Niết Bàn là Ngài xuất, nhập, xuất nhập, nhập vào thiền Sắc, ra Sắc, vô Vô Sắc, ra Vô Sắc, trở lại thiền Sắc, 2.400.000 lần như vậy, và lần cuối cùng, Ngài nhập Niết Bàn giữa ranh giới của thiền Sắc và thiền Vô Sắc. Có hiểu không?

    Tui nói đám đông ai hiểu thì hiểu. Trách nhiệm thì tui nói chứ còn quý vị đặt câu hỏi nãy tui nghe tui đã run dùm rồi, họ hỏi nhưng mà mình nói họ không có hiểu.
    Rồi bây giờ lát tui tắt room ai biết thì học nhóm đi. Biết học nhóm không? Học nhóm có nghĩa là, bạn bè với nhau gom thành nhóm 5, nhóm 3 rồi người này chỉ vẽ người kia gọi là học nhóm.

    Mình có 60 phút, mà mình hết 6 phút là 1/10 rồi nha. Tại sao tôi tiết kiệm? Không tiết kiệm, một là mệt tui, hai là bà con hỏi tùm lum hết. Bây giờ mình làm việc với nhau, tôi cho các vị một tuần chỉ có 1 giờ ngồi thôi.


    Vừa học vừa tu

    Hỏi: Mình cần pháp học trước hay vừa học vừa tu tứ niệm xứ cũng được?

    Đáp: Mình hỏi ngăn ngắn là người ta biết mình hỏi cái gì rồi. ok. Mà tôi cũng trả lời ngắn thôi.

    Có tất cả 4 trường hợp :
    1/ Có những người do căn cơ của họ mà họ phải học trước hành sau;
    2/ Hành trước thiếu chỗ nào họ mới học sau;
    3/ Vừa học vừa hành, học tới đâu hành tới đó.
    4/ Chỉ tập trung hành thôi.

    Thế nào cô cũng hỏi Tại sao có trường hợp này? - Đây, trong Chú giải Pháp cú có nói rõ thế này.

    Đời người chia 3 giai đoạn:
    - Giai đoạn 1: Thanh niên, thời gian học 3, hành 1.
    - Giai đoạn 2: Trung niên, học 2, hành 2. Nghĩa là thời gian chia đôi.
    - Giai đoạn 3: Lão niên.

    Các vị hỏi tôi Thanh niên là từ tuổi nào hả sư thì cái này các vị tự mình đoán thôi. Tại vì tôi đâu biết tình trạng sức khỏe các vị ra sao? Người đó sức khỏe họ tốt thì tuổi thanh niên của họ kéo dài từ 15 – 30 là Thanh niên, 30-50 là trung niên, sau 50 là lão niên. Đó là mức tính trung bình. Nhưng mà có những người họ èo uột tử nhỏ nên có nhiều người tôi biết, 30 họ đã già ngay khi còn trẻ. Già ngay khi còn trẻ, khỏe ngay khi còn bệnh. Cho nên, đối với họ, già trẻ khỏe bệnh là trộn thành một. Cho nên, khoảng thanh niên, trung niên, mỗi người dài ngắn khác nhau. Bắt đầu ở tuổi nào, kết thúc tuổi nào rất là khó nói. Cho nên, tự quý vị đoán ra thôi. Tự mình đoán ra được.
    - Biết đạo lúc tuổi thanh niên 3/4 thời gian học, 1/4 hành (= tu tuệ quán /thiền định);
    - Đến tuổi trung niên: nửa học nửa hành, tức là nửa thời gian học nửa thời gian hành;
    - Tuổi lão niên 3 hành 1 học.
    - Còn Cận tử là 100% hành. Biết cận tử không? Cận tử là mình đoán mình không còn được bao lâu, thí dụ, ung thư kỳ cuối hoặc mình biết mình bị cao máu, tiểu đường, tim mạch loại nặng, thì mình gọi đó là cận tử.

    Như vậy mình thấy ở đây, trong đời mình có 4 giai đoạn:
    1- Thanh niên: 3 phần học, 1 phần hành.
    2- Trung niên: 2 hành, 2 học.
    3- Lão niên: 3 hành, 1 học.
    4- Cận tử: 100% là hành.

    Tôi trả lời vắn tắt là vậy thì tự quý vị liệu chứ bắt tôi nói thêm mệt.


    Bát Chánh đạo hội tụ để giác ngộ

    Hỏi: Khi nào biết các chi pháp Bát Chánh đạo hội tụ để giác ngộ?

    Đáp: Đây là một câu hỏi tào lao nhất trong đời tôi được nghe.

    Học giáo lý, sống chánh niệm. Đó là câu trả lời tắt. Còn câu trả lời đủ là giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh.

    Giới tịnh = Mình đã vị thế nào? Cư sĩ thì giữ tròn giới cư sĩ, xuất gia giữ tròn giới xuất gia. Đó là giới tịnh.
    Tâm tịnh = Phải tu tập thiền Samatha.
    Kiến tịnh = Phải học giáo lý và tu tập Tuệ Quán. Giáo lý đây là học A Tỳ Đàm mới gọi là Kiến tịnh. Là biết rõ thân tâm này nó được cấu tạo ra sao, ở đâu nó tới, nó sẽ đi về đâu thì đó là Kiến tịnh. Đó là biết về 12 duyên khởi đó.

    Như vậy tôi nhắc lại nha.
    Phải tu tập Giới – Định – Tuệ hoặc nói gọn là Pháp học, Pháp hành. Còn chuyện làm sao biết đủ thì có học A Tỳ Đàm thì tôi nói các vị hiểu. Có học giáo lý, có sống chánh niệm thì khi duyên Ba La Mật đủ thì nó đủ chứ mình không cần phải biết chừng nào nó đủ.
    Mà, Làm sao mình biết? Làm sao mà biết được khi tâm mình như con bò làm sao mà biết.

    Làm ơn giữ giới dùm. Tu Định học dùm. Tu Tuệ học dùm. Có biết mấy cái này chưa? Không có biết mấy cái này nhào vô hỏi ngang xương hỏi làm sao mà biết nó đủ thì đi chết đi. Ok.


    Giảng Sư Không Hành

    Hỏi: Thưa sư, cho con hỏi, có người nói rằng: Con không nên nghe sư giảng pháp vì sư chỉ là giảng sư thôi. Điều đó đồng nghĩa, nghĩ sư không có pháp hành. Thưa sư, nhưng con nghe lại rất thấm thía những lời sư dạy. Vậy là sao?

    Đáp: Tôi hứa với các vị một chuyện. Tôi đi mua bánh mì, chưa bao giờ mà tôi đi tìm cuộc đời của người bán bánh mì, nếu tôi thấy cái ổ bánh mì đó ăn được thì tôi mua. Tôi đi máy bay, tôi chưa bao giờ tôi tìm hiểu thân phận, cuộc đời, lịch sử của phi công, của tiếp viên hàng không, tôi thấy họ bán vé thì tôi thấy tin được thì tôi mua hãng đó. Ok?
    Rồi. Ở đây cũng vậy.

    Điều quan trọng nhất là ông sư đó nói cái gì. Chuyện mình nói ổng không hành, tôi hỏi các vị một chuyện: Ai nói các vị biết ông sư đó có hành? Ai nói các vị biết ông sư đó không có hành? Toàn là đồn không. Tiếng Việt Nam kêu là lời đồn. Có hiểu chữ lời đồn không?

    Tôi không hề phiền khi người ta nói tôi chỉ là giảng sư. Tôi không hề phiền cái đó. Nhắc lại lần nữa. Tôi không phiền khi người ta nói tôi chỉ là giảng sư, nhưng tôi nhắc các vị cẩn thận: Chớ vội tin ai đó lời đồn cho rằng ông sư đó có hành. Đó là chuyện cần cẩn thận. Cần cẩn thận nha. Tôi nhắc lại lần nữa. Chuyện các vị nói ai đó là giảng sư không hành, chuyện đó không quan trọng. Mà cái này quan trọng nè: Nếu các vị bỏ ông A, chỉ vì nghe đồn cho rằng ông đó không có hành thì các vị tin ông B đúng không? Vì ông B có hành? Xin hõi dựa vào đâu biết ông B có hành?

    Vị mới vừa hỏi đó, Tự hỏi lòng mình đi. Ông sư A mình nghe nói ổng chỉ là giảng sư thôi, câu đó hay đó, nghe đồn ổng là giảng sư ổng không có hành. Như vậy thì trong đời này các vị bỏ ông A, các vị theo ông B phải không? Hay là không theo ông nào? Bắt buộc phải có ông mình theo chứ. Hay là mình tu không cần thầy. Còn nếu nói tui tu không cần thầy thì các vị quá cao tôi không dám đụng tới. Người tu không cần thầy tôi không dám đụng tới. Còn nếu các vị nói tôi tu tôi cần thầy, tôi cần vị nào có pháp học, thì tôi xin nhắc các vị cẩn thận cái này: Dựa vào đâu mà nói vị đó có hành?

    Sẵn đây tôi phang luôn, cái này mích lòng tôi cũng nói. Hãy cẩn thận với những vị mà nghe lời đồn: Vị đó có giới. Bởi vì, tôi xin nói thiệt. Giờ tôi đang nói Giới – Định – Tuệ nha.

    Lời đồn cho rằng “Vị đó có Giới”

    Xin hỏi các vị:
    - Trước mặt Phật tử có ông sư nào ngu dại mà phạm giới cho Phật tử thấy không? – Không.
    - Trước mặt Phật tử có ông sư nào thô tháo để cho Phật tử họ coi thường không? – Không.

    Ít nhất cũng là thu thúc cò, ít nhất cũng là đạo đức giả. Thì cái chết của Phật tử là chỗ đó. Cái chết chỗ là cái họ đánh giá ông sư dựa vào cái họ thấy, họ nghe. Đây là điểm chết. Mình hè nhau mình nói ông A, có giới, mà xin hỏi:
    - Dựa vào đâu mà biết ông A có giới?
    - Nói ông A có tu thiền, trời biết ông A có tu thiền.

    Làm ơn nhớ dùm, đừng có cho rằng, đi Miến Điện về, mắt lim dim, mặc y màu đà, đi đứng chậm chạm như vừa xuất viện thì gọi là thiền. Tôi khuyên hãy cẩn thận. Bởi vì, tôi nói thiệt. Tôi ra ngoài đường, ra ngoài chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, tôi lụm một thằng du đãng, tôi về tôi cho tiền nó tôi dặn nó “cứ gặp đám đông đi đứng như vậy dùm tôi” thì tôi hứa, nó làm cho các vị coi. Chuyện đó tôi làm được. Tôi ra Cầu Muối, Chương Dương, Khánh Hội tôi làm được. Tôi kiếm một thằng tôi nói “bây giờ cứ lim dim sẽ có bạc triệu” Rồi về tôi sẽ huấn luyện nó, đi đứng, ăn mặc, y áo ra làm sao, và tôi nói “cứ gặp đám đông thì diễn dùm tôi chút xíu sẽ có bạc triệu” thì tôi nghĩ nhiều thằng nó làm được lắm.

    Cái quan trọng của một ông sư, bữa nay tôi nói luôn, là Tri kiến. Vì sao? Vì Tri kiến là cái người ta có thể kiểm chứng được bằng sách vở.
    Ông sư đó nói ra cái gì mình có thể kiểm chứng bằng sách vở. Chứ còn ba vụ lim dim là một, y áo trang nghiêm là hai, ăn nói từ tốn là ba. Ba cái này tôi xin nói, tôi ra chợ Ông Lãnh tôi hốt về một rổ, chỉ cần tôi dặn dò nó “con nhớ cẩn thận, con trang nghiêm con có bạc triệu, con trang nghiêm con có một rừng đệ tử ” thì tôi hứa, tôi kiếm một rổ về cho các vị, vừa kho, vừa ăn, vừa xào, vừa phơi khô không hết.

    Cái khó ở chỗ: ÔNG SƯ ĐÓ DẠY MÌNH CÁI GÌ? CÁI ĐÓ CÓ THỂ KIỂM CHỨNG QUA KINH ĐIỂN HAY KHÔNG?
    Còn nếu mình không có khả năng kiểm chứng thì không còn gì để nói nữa. Nhớ cẩn thận cái đó.
    Tôi nhắc lại: Tôi không hề phiền khi các vị có nhận xét như vậy về tôi. Vì lòng đại bi tôi khuyên các vị nên cẩn thận: Đánh giá một vị không nên vì lời đồn. Tôi nói hai chữ rất rõ Lời đồn. Nha. Và tôi nhắc lại: Cái mà các vị nhìn thấy được, cái mà các vị nghe được cái đó không tin được. Chỉ nên tin cái gì mình kiểm chứng được. Thì theo tôi, nếu mà cho tôi chọn, Thà tôi chọn ông sư nói gì tôi kiểm chứng được, chứ còn chuyện ông sư đó y áo trang nghiêm, ăn nói từ tốn, thì hai cái đó tôi không tin vì 2 cái đó không đủ cơ sở để tôi kiểm chứng ông sư đó đàng hoàng.
    Sẵn tôi nói luôn. Cái chuyện mình diễn mình y áo trang nghiêm, đi đứng lừ đừ, không nhận tiền gọi đó là tu tôi không tin.
    Bởi vì, họ biết rằng, với thời buổi hiện tại, nhãn hiệu rất quan trọng.

    Nếu thật sự mình chân tu không cần tiền thì, tôi nói thiệt nha, không nên đi dự lệ và cũng không cần cho người khác biết tôi không giữ tiền. Đằng này lễ nào cũng đi, đám đông nào mình cũng chường mặt ra để rồi cho người ta biết là tôi không nhận tiền, hoặc có trường hợp còn tệ nữa, dắt theo kappiya, ai đưa tiền chỉ qua Kappiya, kêu kappiya cất dùm vì sư không nhận tiền. Nhìn thì đẹp, quay phim nhìn thì đẹp nhưng mà ngồi ngẫm ngẫm, nó rất là thâm độc. Nó thâm ở chỗ là: Gầy dựng một thứ niềm tin rất tật nguyền cho người ta. Các vị tưởng tượng đi. Tiền đâu phải trái lựu đạn mình không dám đụng? Để mình bắt đệ tử giữ, rồi tối về nó báo cáo bữa nay lễ mình nhận được bao nhiêu hoặc là nó chuyển thẳng vô nhà băng, nó báo cho mình biết là trương mục trong nhà băng hiện giờ có 8 tỷ, 15 tỷ, chuyện đó đối với tôi không phải là giữ giới.

    Một chuyện nữa là: Đôi khi KHÔNG PHẠM GIỚI CHƯA CHẮC LÀ GIỮ GIỚI.
    Thí dụ bây giờ có người nuôi mình ăn mặc như cưỡng, mình cứ ngồi im thế này, cái gì cũng có người lo hết. Thì nhìn qua, mình đâu có sát sanh, đâu có trộm cắp, đâu có tà dâm, nói dóc, uống rượu, đâu có làm gì đâu, thì nhìn vô giống như là giữ giới mà thật ra chưa có gặp thử thách, chưa gặp cám dỗ để mà phạm, chưa gặp hoàn cảnh để mà phạm thì đừng tự cho mình là người có giới.

    Một chuyện nữa rất là quan trọng: GIỚI CHỈ ĐƯỢC GỌI LÀ GIỚI KHI NÀO MÌNH CỐ Ý NGĂN TRÁNH.
    Thí dụ, gặp cám dỗ mà tôi vượt qua, gặp thử thách mà tôi vượt qua cái đó mới gọi là giới. chứ còn bình thường tôi quên mất chuyện giữ giới thì cái đó không gọi là giữ giới. Thí dụ, tôi đang ngủ sao gọi là giữ giới? Tôi bại liệt, tôi hôn mê sao gọi là giữ giới? Giữ giới có nghĩa là: Khi nào trước một thử thách, một cám dỗ tôi đủ sức vượt qua thì cái đó gọi là giữ giới. Còn nếu nói không làm chuyện bậy là giữ giới thì chưa chắc. Bởi vì, một dứa bé nằm nôi nó đâu làm bậy? Một người đang nằm ngủ đâu có làm bậy? Một người đang hôn mê đâu có làm bậy? Một ông cụ bà lão bị lú lẫn mất trí nhớ ngồi thiêm thiếp trên giường, trên xe lăn họ đâu làm gì đâu mà bậy? Vậy nói họ giữ giới hay sao? Nhớ cẩn thận.

    Phật tử Việt Nam mắc một cạm bẫy cực lớn, đó là: Nhìn thấy tăng ni có sở hành khả nghi, ám muội từ đó sanh lòng bất mãn và chuyển qua quan sát, chiêm ngắm thờ phụng những vị mình cho là trang nghiêm. Xin hỏi. Trang nghiêm đó rất là nguy hiểm. Cái quan trọng nhất là Tri Kiến.

    Bởi vì, một ông sư có 2 diểm tựa: Tri kiến & Giới hạnh.
    Giới hạnh thì rất là khó nói. Tôi phải thừa nhận, tôi rất tôn kính những vị giữ giới, nhưng mà phải nói thêm giữ giới mà không có tri kiến thì rất khả nghi. Bởi vì, biết cái gì mà giữ? Chỉ biết là giới cấm cái đó thì không làm nhưng không biết vì sao giới cấm. Còn tri kiến nó có cái lợi thế này: Bản thân mình, nếu là chân tu thì tri kiến giúp mình tự tu; Thứ hai, nếu có người cần tu mình hướng dẫn họ tu. Còn nếu ông sư chỉ biết lim dim, đi đứng trang nghiêm mà không có tri kiến thì: Bản thân biết cái gì mà tu? Và khi người ta hỏi, biết cái gì mà dạy cho người ta? Và, nếu một ông sư có tri kiến thì những gì mình nói người ta hoàn toàn có thể kiểm chứng qua kinh điển, kiểm chứng qua những vị cao tăng. Còn riêng chuyện lim dim, lim dim thì theo tôi cái đó không đủ. Tôi dựa vào đâu tôi biết ông sư đó có giới?

    Còn chuyện nói ai đó không phải là thiền sư thì xin các vị cẩn thận. Tứ Niệm Xứ không phải là ngồi yên mới là Tứ Niệm Xứ. Nếu mình nói ông A không phải là thiền sư như vậy ông B là thiền sư đúng không? Chắc chắn rồi. Nếu ông B không phải thì ông C, ông F, ông N, là thiền sư. Hay tất cả 24 mẫu tự không ông nào là thiền sư hết? Như vậy thì, cuối cùng, cái mà quý vị cho là ông sư nào đó có hành: 1/ Nghe lời đồn; 2/ Do các vị quan sát bằng mắt.

    Và tôi xin nói, một lần cuối cùng, trước khi chốt câu trả lời: Những gì các vị thấy chưa chắc đâu, những gì các vị nghe đồn, chưa chắc đâu. Có cái này chắc nè: Những tri kiến ổng nói ra. Tôi tin chắc. Vì sao? Tôi có thể kiểm chứng được. Tôi có thể kiểm chứng tri kiến của một lời phát biểu, tôi có thể kiểm chứng nội dung một bài pháp thoại tôi kiểm chứng được qua kinh điển. Nhưng riêng chuyện ông sư đó trang nghiêm đi đứng, đi nói với Phật tử “Sư là hành giả, sư ở bên Miến Điện 8 tháng, 8 khóa, 10 khóa” thì tôi xin thưa thiệt, quý vị có trình độ thì quý vị kiểm chứng chứ tôi nghe cái lí lịch đó tôi chịu thua, tôi không biết đường đâu tôi rờ.

    Không giữ tiền mà nói tu, tôi không chắc. Đi đứng trang nghiêm mà nói đó là tu, tôi không chắc, Y áo ngon lành, tôi không chắc. Ăn nói từ tốn, nói rằng đó là tu, tôi không chắc. Nhưng có cái này chắc: Những gì ông nói ra, những gì ổng viết ra, tôi tin. Vì sao? Vì tôi có thể kiểm chứng được.
    Ok. Tôi đã trả lời xong câu hỏi rồi.


    Thực hành Tứ Niệm Xứ

    Hỏi: Khi con thực hành Tứ Niệm Xứ như sư hướng dẫn trong các bài giảng thì con thấy Thân thọ con không dễ chánh niệm, trong tất cả các oai nghi, các giây phút nhưng khi thực hành quán Thọ, Tâm con thấy con dễ nắm bắt hơn. Vậy con cần luyện tập thuần thục quán Thân rồi mới tiếp tục quán Thọ, Tâm, hay không nhất thiết phải quán Thân thật tốt rồi mới qua quán Thọ, Tâm?

    Đáp: Câu trả lời nếu mà đầy đủ là phải một kiếp. Còn trả lời vắn tắt thì chỉ có 2 phút thôi.

    Tại sao phải tu tập Tứ Niệm Xứ? Tu tập Tứ Niệm Xứ để quan sát thân – tâm, tức là quan sát Danh – Sắc. Tùy vào căn duyên mỗi người mà chúng ta đi vào cửa nào. Nghe kịp không?
    Mình giả định trí tuệ giác ngộ là căn nhà đi. Trí tuệ giác ngộ nằm trong phòng khách. Phòng khách mình đặt tên là Trí tuệ giác ngộ, thì có nhiều cửa vào phòng khách đó. Tùy người có người hợp cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc, có người chui cửa sổ, có người leo từ nóc xuống. Tùy. Cái quan trọng nhất là cái nào mình thấy nó giúp cho mình có niệm, có tuệ tốt. Và, đây là câu hỏi của một người, tôi không biết mặt nhưng tôi ngờ rằng người này không học A Tỳ Đàm. Vì người học A Tỳ Đàm không hỏi câu này. Bởi vì: Bằng cách nào mình quan sát được danh - sắc, bằng cách nào để từ chỗ nhận diện, hạn chế, cuối cùng chấm dứt phiền não cái đó là cái quan trọng. Còn chuyện quan sát Thọ/ Thân/ Tâm/ Pháp thì phải nói là người học A Tỳ Đàm nói chung và lý thuyết Tứ Niệm Xứ nói riêng đều hiểu rằng: Tứ Niệm Xứ không hề có chuyện tu từ từ cái này qua cái kia.
    Nhớ nha.

    Chính ngài Pa Auk nói rất rõ : Tùy căn duyên mỗi người, có người tu Định trước Tuệ sau. Có người Tuệ trước Định sau, còn nữa, có người quan sát Sắc trước Danh sau, có người Danh trước Sắc sau, tùy căn duyên mỗi người. Mình thấy cái nào hợp thì mình đi. Đi như thế nào, mình tiếp tục chánh niệm, đi như thế nào mà thấy 5 quyền tốt hơn: Tín tốt hơn, Niệm, Định, Tuệ, tốt hơn thì cái đó là mình đi đúng. Cái nào càng đi càng thấy rối thì 1- Xét lại, mình hiểu đúng chưa; 2- Mình đã hành đúng chưa; 3- Mình đã tinh tấn đủ chưa? Chưa kể tới trường hợp thứ tư nữa, đó là Ba La Mật. Mình đâu có biết Ba La Mật mình đủ hay thiếu? Cho nên, chuyện căn bản là: Tận lực, hết sức, dốc lòng. Còn chuyện có chứng đắc gì hay không thì để Ba La Mật nó lo. Chuyện quan trọng nhất là: Không nên bận tâm đi cái nào trước. Bởi vì các vị biết thế này, một hành giả muốn tu tập Tứ Niệm Xứ phải học căn bản về lý thuyết Tứ Niệm Xứ, đúng không? Mà trong một ngày như vậy, trong Chú giải ghi rõ: Cái nào nổi bật thì ghi nhận cái đó. Thí dụ, tôi đang đi, thì trong giây phút 3h 26 phút, cái nổi bật trong chánh niệm của tôi bây giờ là tư thế đang đi, giở bước đạp, ngay bây giờ không có gì để tôi ghi nhận hết mà chỉ có giở, bước, đạp thôi; tôi ghi nhận; Ngay lúc đó, tôi nghe cái “đùng” tôi giật mình thì ngay lúc đó giở, bước, đạp không còn nổi bật nữa mà cái gì ta? Cái giật mình. Lúc bấy giờ cái giật mình nó nổi bật thì lúc bấy giờ tôi mới ghi nhận “sợ, sợ, sợ” Hoặc lúc đó tôi giận, tôi nghe cái “đùng”, có nhiều người họ không sợ mà họ chuyển qua họ giận, họ giận chỗ là : Đứa nào người ta đang tu thiền mà nó phá. Nếu mình đang sợ thì mình ghi nhận sợ, sợ, còn nếu mình đang giận thì mình biết rõ giận.

    Như vậy các vị thấy không? Từ ghi nhận bước chân giở, bước, đạp chuyển qua ghi nhận tâm trong vòng chưa tới 1/10 giây. Đang ghi nhận bước đi, đang ghi nhận giở, bước, đạp thì nghe cái đùng là mình chuyển qua liền : sợ à, sợ à hoặc là giận à giận à liền tức thì. Hoặc lúc đó, mình không niệm sợ niệm giận mà mình niệm thọ: khó chịu, khó chịu, ưu, ưu thọ đang có mặt, biết rõ thọ ưu đang có mặt. Khi biết rõ đây là thọ ưu đang có mặt thì biết rõ niệm thọ, còn biết đây là tâm sân thì là đang niệm tâm. Hoặc mình ghi nhận chuyên môn hơn thì ghi nhận Sân triền cái thì lúc bấy giờ đang ghi nhận Pháp quán niệm xứ. Không biết tôi nói vậy hiểu không?

    Giảng phải thấy mặt. Tôi không phải hiểm nhưng tôi muốn bà con phải qua Thụy Sỹ, hoặc là tôi đi về chỗ các vị, mà chuyện đi về chỗ các vị hơi bất tiện, cho nên sẵn quý vị đi Thụy Sỹ đi chơi, sẵn tới học luôn thì được. Tôi phải thấy mặt tôi mới giảng được.

    Thì như vậy, nhớ. Không có phải hỏi Sư ơi cái nào trước? Không có cái nào trước hết. Cả 4 luôn. Cái nào nổi bật thì ghi nhận cái đó. Duyên mình chín chỗ nào mình đắc ngay ở đó.
    Thí dụ, anh nói với tôi anh hợp đề mục Thân quán. Nhưng trong lúc anh đang ghi nhận giở, bước, đạp hoặc nhai, nuốt, hoặc cầm lên biết cầm lên, để xuống biết để xuống, nhưng vừa lúc đó anh ghi nhận tâm tham vừa xuất hiện, anh ghi nhận “tham à” có thể anh đắc ngay lúc đó.

    Ngày xưa đến giờ mình tưởng mình hợp với Thân quán niệm xứ, mà không, lúc đắc, có thể mình đắc bằng Thọ quán hoặc Tâm quán hoặc Pháp quán. Rất có thể. Bởi vì cái tâm khó khắn chặt vào cái nào, Niệm và Tuệ chín muồi chỗ nào thì mình chứng thánh ngay lúc đó. Cho nên, nhớ, phải học cả 4 đề mục. Học kỹ.

    Và dĩ nhiên, tôi cũng phải nhắc thêm ở đây. Câu hỏi này liên quan đến câu hỏi vừa rồi quý vị hỏi tôi. Thầy bà nào đi nữa thì mình cũng phải nghiên cứu thêm kinh điển, là một; Đối chiếu với nhiều truyền thống khác nhau, nhiều sư phụ khác nhau, đừng có vì tình riêng mà cắm đầu cắm cổ thờ một vị, rất là nguy hiểm. Bởi vì, thời nay, không còn ngài Xá Lợi Phất, không còn ngài Anan, Ca Diếp, không còn đức Phật nữa, mà mình toàn là đang làm việc với những ông Tăng thời mạt pháp.

    Cho nên, nên nhớ, hướng dẫn nào nó cũng đều ít nhiều mang dấu ấn cá nhân trong đó hết. Dấu ấn cá nhân là sao? Là tôi thích cái gì thì tôi nói nhiều cái đó. Tôi ghét cái nào thì tôi tránh cái đó hoặc mạt sát cái đó. Nhớ nha.

    Cho nên, trên nguyên tắc lý thuyết là cả 4 niệm xứ mình phải học kỹ và nên tham cứu trên kinh điển, học hỏi với nhiều thầy khác nhau và nếu cần thì nên có một nhóm bạn đạo mà mình tin cậy, rồi cùng nhau trao đổi. Đại kỵ của thời này là cắm đầu ngồi thờ ông lim dim nào đó, ông sư ngồi thiền hay ông sư ngồi thừ.
    Nhớ cái đó. 2 cái đó rất dễ dẫn đến ngộ nhận. Mà tại sao tự mình đào hố chôn mình?


    Sát na Đắc chứng

    Hỏi: Khi sư nói chứng ngay liền lúc đó thì trước đây sư có nói “từ giây phút chuyển từ phàm qua thánh chỉ có 1 sát-na” Khi chứng như vậy, tự bản thân biết? Không cần ai ấn chứng?

    Đáp: Chính xác. Khi chứng thánh là tự mình biết. Là vì sao?

    Giờ tôi nói Sơ Quả đi.
    Vị Sơ Quả = từ Phàm qua Tu Đà Hườn, ngay lúc đó vị đó biết rõ, thân kiến, hoài nghi không còn nữa. Ở đây tôi không nói Giới cấm thủ. Giới cấm thủ là kể thêm cho vui thôi, chứ cái chánh là Thân kiến, hoài nghi.
    Thân kiến = Cho rằng thân này tâm này là tôi, là của tôi.
    Hoài nghi = Hoang mang về giáo lý Duyên khởi, hoang mang về giáo lý đức Phật, hoang mang về Tứ Đế, hoang mang về Tam Tướng, nói Vô thường vô ngã mà không biết trên đời có gì nó không vô thường, vô ngã hay không? Nghi ngờ đức Phật không biết đức Phật dạy có đúng hay không? Đức Phật không biết có phải là người có thật hay không?... Cái hoài nghi ở đây là Hoài nghi về giáo pháp, về Tam Bảo, về Tứ Đế, về Duyên khởi. Ngay lúc chứng thánh người ta biết ngay là từ bây giờ mình không còn hoang mang, nghi hoặc như vậy nữa. Và, điều này mới đặc biệt nè: Ngay giây phút chứng thánh người ta biết rất rõ, biết rất rõ, theo mô tả trong kinh, nó rõ như tia chớp trên trời, sáng lòa như vậy đó.
    Họ biết rõ: Khổ đế là gì? Tập đế là gì? Mọi hiện hữu ở đời là khổ. Cái gì còn sanh diệt là khổ. Thích thú trong sanh diệt là khổ. Không còn thích trong khổ mới hết khổ. 3 nhận thức này cộng lại chính là con đường thoát khổ. Nghe kịp không?

    Mọi sanh diệt là khổ. Thích thú trong cái gì còn sanh diệt là nguyên nhân sanh khổ, muốn hết khổ thì đừng thích thú trong đó nữa. Ba nhận thức này cộng lại là con đường thoát khổ.
    Vị đó hiểu được như vậy đó, hiểu bằng trí tuệ bản thân không thông qua sách vở, không thông qua lời dạy của thầy bà nào hết. Cái biết tự mình nhận ra, không cần ai ấn chứng, xác nhận là con đắc cái gì cái gì.

    Mình đắc mà mình không biết thì cái đó không phải thánh trí. Còn các vị có tin hay không thì tùy. Nhưng mà, chính vị đó biết.

    Ngoại trừ trường hợp này đặc biệt. Nó có trường hợp này, nằm trong ngoặc đơn, đó là Tăng thượng mạn, tiếng Pali gọi là adhimāna. Có nghĩa là, tự nhiên trong một thời gian dài một ngày, hai ngày, ba ngày, một tuần, mình thấy (mình thấy, mình tưởng thôi) tâm mình không tham, không giận, không thích thú, không nghi hoặc, đợt này niềm tin, tinh tấn, chánh niệm tốt quá, nói chung pháp lành mênh mông, pháp ác không thấy, bèn tự cho mình chứng thánh. Cái đó là Tăng thượng mạn.

    Nhưng nhắc lại, lần nữa. Tốc độ tăng thượng mạn diễn ra từ từ và rất là lâu. Nó đòi tới 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm, nó mới hình thành từ từ. Thì cái đó là Tăng thượng mạn. Riêng trí tuệ giác ngộ thì không. Tích tắc họ biết liền.

    Và, cái này quan trọng. Cái này phải xăm lên người, vạch áo coi chỗ nào trống thì xăm: Người đắc Tu Đà Hườn, họ thấy rõ Niết Bàn là cái gì. Và, họ không hề thấy họ hay. Người chứng thánh họ không thấy cái chứng thánh là cái hay ho để rồi coi thường người khác. Riêng Tăng thượng mạn thì có.

    Người dính tăng thượng mạn = Thấy mình hay hơn người khác (Giới mình hay hơn Giới người khác, Định mình hay hơn Định người khác, Tuệ mình hay hơn Tuệ người khác...) Đó là dấu hiệu của Tăng thượng mạn. Tăng thượng mạn là hiểu lầm mình đắc, mà trong khi đó Tăng thượng mạn đi kèm sự nắm chặt. Còn thắng trí nó lạ lắm. Thấy rõ để rồi không có cái gì để nắm, để dựa hết. Cái đặc điểm của Thắng trí là gì? Đặc điểm của Thắng trí là Buông, là Giải Thoát.

    Đặc điểm của Tăng thượng mạn = Dính vào cái mình cho mình đã đắc.


    Thánh Nhân

    Hỏi: Đời nay, mình còn thánh nhân không?

    Đáp: Trong kinh dạy thế này: NGÀY NÀO CÒN CÓ NGƯỜI TU ĐÚNG BÁT CHÁNH ĐẠO THÌ NGÀY ĐÓ TRÊN ĐỜI CÒN CÓ THÁNH NHÂN.

    Ngày tôi còn bé, tôi đọc cái này trong Trường Bộ, tôi khó chịu lắm, thấy câu này giống như huề vốn. Nhưng bây giờ, tôi đọc trong Chú giải tôi mới hiểu. Thì ra đây là câu trả lời hay nhứt. Thời gian, nào, không gian nào còn có thánh nhân? Thì câu trả lời hay nhất là: Thời điểm nào, nơi chốn nào có người tu đúng Bát Thánh đạo thì thời đó có thánh nhân. Thế nào cũng có người hỏi thêm, sao không thấy thánh nào hết? Thì đây là câu trả lời: Thánh thứ thiệt không khoe, không dán nhãn, không treo bảng hiệu. Còn thánh dởm là tìm mọi cách cho người ta nghĩ rằng mình là thánh.

    Thánh thứ thiệt: 1- Họ vô rừng sâu núi thẳm; 2- Nếu họ còn sống chen chúc, len lỏi trong đám phàm là mình nhìn họ mình cũng không biết. Bởi vì, thánh thứ thiệt khiêm tốn cực kỳ, họ không mong người khác biết họ là thánh.
    Chỉ có điều, vì lòng đại bi các ngài thường tránh tiếp xúc với người có thể gây trọng nghiệp ở ngài. Thí dụ, trong kinh nói, một vị A La Hán thì phải đi xuất gia chứ không thể sống ở hình thức cư sĩ. 1- Hình thức đó nó không thích hợp với đời sống nội tâm của La Hán; 2- Hình thức cư sĩ chỉ gieo họa cho người ta thôi. Người ta thấy mình tóc tai, quần áo tùm lum người ta xúc phạm, rồi người ta chỉ đi xuống thôi. Cho nên, vì đại bi mà vị đó tránh đám đông, chứ không phải vị đó tránh để người khác biết ngài là thánh. Nha. Nhớ cái này rất quan trọng.

    Cho nên hỏi Sư ơi thời này còn thánh hay không thì tôi đã trả lời: Thời nào, nơi nào còn người tu đúng Bát Chánh đạo thì thời đó, nơi đó còn có người chứng thánh.
    Và, trả lời luôn câu thứ hai: Sao không thấy? – Dạ, Thánh là cái vô hình vô tướng, không thể lấy mắt mà nhìn. Cứ thấy cha nào lim dim mà cho là thánh thì sai, hoặc nghe đồn, thấy cha nào chùa to Phật lớn, đệ tử rần rần, nghe đồn nghe nhiều người khen cha đó là thánh thì cái đó là dởm. OK?


    Giới tính thứ 3

    Hỏi: Một người có giới tính thứ 3 (đồng tính, lưỡng tính) theo như con tìm hiểu và được biết thì không thể thọ giới tỳ kheo, vậy người đó có thể thọ Sa di không? Con có thể tìm hiểu và đọc thêm phần giới luật này ở nguồn tham khảo nào?

    Đáp: Câu thứ nhất: Cái gọi là người đồng tính có 2 trường hợp: Đồng tính bẩm sinh và đồng tính do môi trường hoàn cảnh.
    Đồng tính bẩm sinh là sao? Tức là, theo trong A Tỳ Đàm, người này do tiền nghiệp quá khứ họ bị rối loạn sắc pháp, thí dụ, họ mang thân nam nhưng lại có sắc tố nữ trong người; mang thân nữ có sắc tố nam. Đó gọi là bẩm sinh.
    Có trường hợp nữa là Đồng tính do cọ xát/ hoàn cảnh. Có nghĩa là sao? Mình sống trong môi trường chung quanh toàn người đồng bóng, mình dễ bị lắm. Thí dụ, bây giờ bên cạnh tôi người đó họ cứ dẹo dẹo hoài, họ cứ õng ẹo riết thì lâu ngày tôi bị nhiễm lúc nào tôi không hay. Thì trường hợp đó được gọi là đồng tính do hoàn cảnh.
    Nếu là đồng tính do bẩm sinh: Tuyệt đối không được xuất gia. Nhớ nha. Dầu là Sa-di, cũng không được. Vì sao? Vì người này biết nhét vào đâu? Tăng không được, ni không xong. Có hiểu không? Nó kẹt ở chỗ. Cho nó xuất gia, dầu Sa-di đi nữa, giờ đem nhét vào đâu? Đem qua khu mấy chị cũng không được, mà đem qua khu mấy anh cũng không được.
    Còn trường hợp nữa, có những vị mình thấy, nhất là bên Thái Lan, có rất nhiều vị tăng, tôi tận mắt thấy, tôi vô Mahachulalongko tôi gặp, mấy vị sư bạn ổng chỉ “đó, đó, mấy anh, mấy chị hai của tui đó”, khoảng mười mấy vị õng ẹo nhìn đã lắm, mang dép màu tím, mang đãy màu tím, khăn giới cũng hơi tím tím, da trắng muốt, đi nhìn thấy ghét ghê lắm... mấy vị đó mình không chắc họ bẩm sinh hay do hoàn cảnh, nhưng mà phải nói đó là những hình ảnh dễ gây phản cảm cho quần chúng.
    Cho nên, chuyện đầu tiên, vị nào bóng mà bóng chìm, thì còn cho xuất gia.
    Chứ còn nếu mà bóng bẩm sinh, hai là bóng đạo lộ, bóng nổi thì không nên, bởi vì nó dễ gây phản cảm cho hình ảnh tăng già lắm. Nhớ cái đó.

    Câu thứ hai: Tìm hiểu thêm giới luật ở nguồn nào? Xin hỏi người này có đọc được ngoại ngữ không? - Có thể đọc tiếng Anh.
    Đọc trong quyển Đại Phẩm đầu tiên của Tạng Luật , có bản tiếng Việt, có tiếng Anh. Tại sao tôi hỏi? Trong trường hợp các vị không có bản tiếng Việt, thì đọc bản tiếng Anh.
    - Luật, Đại phẩm, Chánh tạng là một.
    - Quan trọng nhất là đọc phần commentary, đọc chú giải quyển đó.

    Quyển Luật đầu tiên, phần giảng về 4 Bất Cộng trụ, phần giảng về Bất cộng trụ đầu tiên.

    Vị tỳ-kheo có 227 giới trong đó có 17 trọng giới, tức là 210 kia là giới nhỏ. 17 trọng giới thì trong 17 trọng giới đó gồm 4 Đại trọng giới bất khả phục hồi + 13 trọng giới Khả phục.

    Trong 4 Bất khả phục hồi có giới đầu tiên (Dâm - Đạo - Sát - Vọng)
    1. Dâm = Hình thức quan hệ với người hay với thú.
    2. Đạo = Lấy trộm/ cướp công khai hoặc lén lút một món vật chất đủ để pháp luật can thiệp. Giống như ở Mỹ, công khai lấy trộm một vật 20$ ngoài siêu thị là đủ cảnh sát họ bắt mình rồi. Thì trường hợp đó ở Mỹ là 20$, còn nước khác thì tôi không biết.
    3. Sát = Sát nhân, giết người không phải giết muỗi, ruồi, chuột, gián, kiến, rắn. Kể cả trường hợp phá thai. Giúp người ta phá thai, gợi ý người ta giết người thì trường hợp này cũng được kể là sát.
    4. Vọng = Đại vọng ngữ không phải nói dối trương trường hợp thông thường mà chỉ một trường hợp duy nhất Mạo nhận hiền thánh, gạt người khác tin rằng mình đắc thiền định, Đạo Quả, Thần thông. Cái đó gọi là Đại vọng ngữ. Chứ còn mình gạt lấy tiền, gạt tình người ta thì chưa đủ để gọi là đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ có nghĩa là Mạo nhận hiền thánh, tự nhận mình đắc này đắc kia mà trong khi bản thân không đắc.

    Như vậy, 4 cái Đại trọng giới gồm: Dâm – Đạo – Sát – Vọng.

    Phần giảng về giới Dâm giảng rõ về vấn đề giới tính này. Cho đến bây giờ Việt Nam phần Chú giải, Việt Nam chưa có phần tiếng Việt. Bản chánh Tạng có ngài Nguyệt Thiên, Indacanda dịch. Các vị vào đọc thêm trong đó nha. Hoặc là nếu mà giỏi tiếng anh nữa, có điều kiện thì đọc Buddhist Monastic Code của ngài Thanissaro, ngài người Mỹ, tên Mỹ là Geoffrey DeGraff, bộ này rất nên có nếu muốn tìm hiểu về giới luật. Bộ này rất quan trọng. Bộ này cả ngàn trang đó.


    Đại vọng ngữ

    Hỏi: Cái sư nói là chỉ cho tỳ kheo, đặc biệt đại vọng ngữ. Còn cho người cư sĩ, thì không phạm khi họ nói họ chứng thánh?

    Đáp: Cư sĩ thì thoải mái. Giới thì không phạm, có giới nào cấm cái đó, họ chỉ phạm giới nói dối thôi. Nhưng tội thì nặng. Tội mình tranh thủ niềm kính ngưỡng của người khác, tội đó nói về nghiệp là tương đương một ông sư phạm.

    Còn nói về giới thì chỉ có ông tăng phạm thôi, còn mình cư sĩ thì mình mạo nhận như vậy nhiều lắm phạm ngũ giới, nói dối thôi. Nhưng mà nên nhớ thế này, mạo nhận có 2 trường hợp: Mạo nhận thân & Khẩu.
    Mạo nhận bằng khẩu = Bằng cách nói trực tiếp hay gián tiếp gieo cho người ta, hướng dẫn sai lệch, về niềm tin cho người ta, cho người ta tin rằng mình chứng thánh. Thì đó được gọi là mạo nhận bằng khẩu nghiệp.
    Còn mạo nhận bằng thân nghiệp là sao? Trong kinh kể có vị đó, thấy Phật tử. Ổng cất cái cốc trong lùm cây, ổng thấy Phật tử vào, ổng bước vô phòng, ổng lẻn cửa sau đi mất tiêu, Phật tử vào gõ cửa hoài không thấy “Sư ơi, Sư ơi”. Lát sau ổng đứng sau lưng người ta. Hỏi “Sư ở đâu vậy sư? Hồi nãy con thấy sư trong phòng con gõ cửa” - Ổng nói “ Người xuất gia đi đứng tự tại lắm con”. Bữa sau họ đi, họ thấy ổng chỗ nào đó, mới vừa thấy ổng mất tiêu, rồi ổng lại đứng sau lưng nữa, “Trời ơi, sư làm con giật mình, mà sao sư đứng đây con không hay” - “Người xuất gia mà con, sao con hỏi cái đó chi?” Trời ơi, nó tin như sấm. Cái đó mà gặp Việt Nam là chết. Nó đội lên đầu ăn cho đã luôn. Mà cái gì, Việt Nam khoản ngu là xuất sắc.


    Tụng Tam Tạng bằng Pali

    Hỏi: Tụng Tam Tạng bằng Pali mà chưa hiểu rõ được ý nghĩa có phải làm thiện thiếu trí không?

    Đáp: Nó như thế này. Nó có 2 trường hợp:

    1- Hoàn toàn mù tịt, không biết mình đang đọc cái gì thấy người ta đọc thì bèn đọc theo. Thì nhiều lắm chỉ được cái phước tinh tấn thôi.

    2- Mình hoàn toàn mù tịt mình không biết gì cái mình đang đọc nhưng mình có nghe ai đó nói cái này là kinh từ bi, cái này là kinh tứ niệm xứ, mà cái từ bi mình cũng hiểu láng máng từ bi là sao, Tứ niệm Xứ đại khái là sao, Tứ Diệu Đế mình biết đại khái nó ra sao, 12 Duyên khởi mình biết đại khái, kiến thức nền mình có rồi, giờ mình đọc cái mình mù tịt, nhưng mình biết đại khái mình đang đọc cái đó. Giống như mình xách túi vải đen trong đó đựng vàng dù mình không thấy vàng nhưng mình biết mình đang xách vàng, mình cầm cái túi đó với tất cả sự cẩn trọng.

    Ở đây cũng vậy. Tuy mình đọc cái mình không hiểu, nhưng ít ra mình có nghe người ta nói cái đang đọc nội dung là gì, thì trường hợp này vẫn tốt hơn trường hợp 1. Trường hợp 1 là hoàn toàn không biết gì hết, người ta rủ đi Ấn Độ bèn đi, qua tới nơi, người ta đưa mình 1 cuốn, cứ cắm đầu đọc, không biết trong đó nói cái gì, vừa đọc vừa liếc liếc coi có ai quay phim để mà tối cúng facebook thì trường hợp đó là quá tệ. Tụng kinh mà để cho người ta cúng Phây là tệ lắm. Trường hợp 2 là không hiểu nhưng nghe ai đó giới thiệu nội dung đại khái của cái mình đang đọc, thì vẫn tốt. Bằng chứng là hầu hết những người tụng kinh Pali, hầu hết đâu biết mình tụng cái gì. Chỉ đoán mò, đang tụng kinh Từ Bi, đang tụng kinh Tam Bảo, chứ số người mà đọc kinh Pali mà hiểu từng câu mà biết mình đang đọc cái gì thì tôi e không nhiều lắm đâu.


    Địa chỉ của sư ở Thụy Sỹ

    Hỏi: Xin hỏi địa chỉ của sư ở Thụy Sỹ để có cơ hội trực tiếp.

    Đáp: Không cần thiết, vì nãy giờ tôi trả lời rất nặng lời, tôi cho địa chỉ có nghĩa là tự sát, không dại gì cho.

    Gì chứ Việt Nam nó thù tôi lắm. Các vị biết, nước uống bây giờ nước không mùi là tôi đã không uống rồi. Nó bỏ xenya cho chết à? Kỳ rồi có người gởi cho tôi mấy chai thuốc Fucoidan mà tôi coi kỹ nắp mở ra chưa tôi mới dám uống.


    Trung tâm Kalama

    Hỏi: Con tìm hiểu về Kalama trên website toaikhanh.com. Con đã đọc các bài viết về Kālāma trên website. Có thắc mắc về chi phí các khóa cần chuẩn bị cho khóa tu học khi về trung tâm Kālāma?

    Đáp: Cái đó phải hỏi các hãng bay, các vị đi hãng nào, các vị đi từ đâu, có trang sức hay không? Thí dụ đi từ Việt Nam, Hà Nội, Đà Nẵng hay Sài Gòn. Cái đó tôi đâu có biết. Tôi đâu biết các vị đi Sài Gòn/ Đà Nẵng/ Hà Nội qua tới Mandalay hay là từ Sài Gòn qua Bangkok từ Bangkok bay Mandalay cái đó tôi đâu có biết. Cái đó phải hỏi hãng máy bay.
    Cho nên, tôi nhắc lại. Vấn đề máy bay các vị tìm hiểu không phải tôi. Cái này coi online thì biết.

    Thứ hai, chi phí tại Kālāma, ăn, ở không tốn tiền. Không tốn tiền. Mặc thì các vị đem cái gì mặc cái đó, đem xà lỏn mặc xà lỏn, đem áo dài mặc áo dài, ok. Chứ Kālāma là ăn ở không tốn tiền, điện nước không tốn tiền. Sướng như khách sạn. Chỉ tốn tiền máy bay. Thuốc men bệnh hoạn tự lo. Kālāma không biết.

    Vô đó mà nói em ung thư kỳ cuối Kālāma chi cho em 50 triệu là cái đó Kālāma không có. Trong đó thuốc tiêu chảy, nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, Kālāma có. Kālāma có điểm tâm sáng theo tiêu chuẩn Châu Âu, gồm có: Pho mai, bơ, sữa tươi, bánh mì. Việt nam thì bún mì gói, cháo trắng. Cơm trưa thì 70% ăn chay, 30% nước mắm tôm khô cho bớt phần sát sanh. Nhưng nói như vậy là ăn ở, điện nước miễn phí. Nhưng nhớ đừng xách bàn ủi theo.


    Thân thể này không phải là ta

    Hỏi: Người đã thấy lần đầu tiên, thân thể này không phải là ta, chỉ là công cụ giao tiếp xã hội, sau đó không thấy lại như vậy nữa nên xuất gia tu tiếp hay vẫn là cư sĩ?

    Đáp: Tùy duyên. Đạo Phật là tùy duyên.

    Có nghĩa là, nếu mình thấy là cư sĩ vẫn tu tốt hoặc là tốt hơn thì nên là cư sĩ. Nếu thấy đời sống xuất gia giúp cho mình tốt hơn thì nên xuất gia. Tuy nhiên, đó là câu trả lời cực kì tóm tắt. Bởi vì muốn xuất gia không phải là chuyện dễ. Tin tôi đi. Là bởi vì, nó vô vàn chướng ngại: Ở đâu, trú xứ là nơi đâu, thầy bạn là những ai, ... Nếu tôi có người chí thân, đó là con ruột của tôi, mẹ ruột của tôi mà xuất gia thì tôi đề nghị qua Miến Điện. Mà tôi biết chắc không phải người Việt Nam cũng có điều kiện đó. Mặc dù chi phí để tu học bên Miến Điện nó không đắt, nếu không được ở Miến Điện thì tôi đề nghị qua Thái. Đó là tôi đề nghị nếu là người chí thân chí ái của tôi.

    Như quý vị trong room quý sống chết tôi đâu có màng. Nếu thiệt sự tôi thương thiệt thì tôi đề nghị các vị đi qua Miến Điện. BỞI VÌ TU LÀ PHẢI HỌC.

    Tôi nói thiệt: Muốn nấu nồi canh chua không có kiến thức lấy gì mà nấu? Không biết đậu bắp, không biết giá, không biết me, khóm, lấy gì mà nấu? Chỉ nấu nồi canh chua mà dốt quá lấy gì nấu?

    Việt Nam không phải là thiếu người dạy, nhưng điều kiện ở Việt Nam rất khó. Những vị có điều kiện dạy thì họ không có điều kiện nuôi mình. Nó khổ vậy đó. Vị có điều kiện nuôi chưa chắc họ dạy, trong khi Miến Điện có cả hai. Cho nên, hỏi tôi nên xuất gia hay không. Dầu các vị có thấy thân các vị là của ai, của quý vị hay của tôi không quan trọng, cái quan trọng nhất đó là: Xét theo điều kiện mình hiện có coi cái nào tốt? Đừng chê đời sống cư sĩ.

    Nghe câu này khi tôi chốt câu trả lời: Làm một cư sĩ tốt vẫn hay hơn làm một ông sư xấu, đừng ham làm thầy chùa.


    Quán chiếu giới tính người khác

    Hỏi: Sống trong môi trường thiền viện mà thấy những vị xuất gia nhưng có tình cảm đồng giới với cư sĩ thì sao? Vậy là trộm tăng tướng đúng không?

    Đáp: Chuyện thứ nhất, mình đã là hành giả, thì đừng có nhìn người khác. Đây là cái bậy đầu tiên các vị mắc phải. Tôi đồng tính là chuyện của tôi. Nhưng mà chuyện đầu tiên, các vị không lo tu thiền mà cứ lo quán chiếu giới tính người khác thì các vị tu lộn rồi. Ok? Có hiểu không? Đó là cái bậy thứ nhất.

    Cái bậy thứ hai. Họ xuất gia mà họ phạm thì có sư phụ họ, có chư tăng, nếu cần mình thấy họ kỳ quá, họ õng ẹo, nhún nhảy mình thấy kỳ quá thì mình gặp riêng người đó mình nói, hoặc là mình nên liên lạc với sư phụ của vị đó, hoặc lên nói thẳng với thiền sư. Đó là trường hợp mình thấy nó quá. Rồi mình trở về mình tu.

    Đại kỵ là vào chùa hoặc vào thiền viện mà cứ để ý người này như thế này, người kia như thế kia thì chuyện đầu tiên là mình bậy trước. Nếu các vị là chí thân, chí ái với tôi. Thì tôi chỉ có một câu: Kệ người ta, mình vào đây là mình tu thiền, mình sống chánh niệm, còn người ta có mấy giới tính kệ người ta. Ok?

    Bữa khác đúng 1 tiếng thôi. Bữa đầu tiên, làm cho hết luôn đi.


    Niệm Hơi thở và Hống Ân

    Hỏi: Con thấy mọi người thiền hơi thở rất nhiều, con thích thiền niệm Ân đức Phật, vậy con cứ thiền niệm Ân Đức Phật có được không ạ?

    Đáp: Đây là một câu hỏi rất tào lao.

    Bởi vì, thứ nhất, các vị thấy người ta thiền hơi thở mà thiền hơi thở là thiền quán hay là thiền chỉ? Thiền để làm cái gì? Phần đó các vị không biết. Không biết thiền Chỉ là gì, thiền Quán là gì, cũng không biết tu Chỉ để làm cái gì. Không biết cái đó là gì, không biết làm gì, là thấy bậy rồi. Mà khi không biết cái đó các vị mới có câu hỏi này.

    Cũng giống như mình nói, tui thích me quá, tại sao tui thấy ông kia ăn xoài, vậy có nên chuyển qua ăn xoài không? Câu hỏi này nó cũng ngớ ngẩn cỡ đó đó. Tôi thích ăn chua quá, tôi thích ăn me sống, ăn ổi ngâm cóc dầm, giờ thấy ông kia ổng ăn xoài chín, tôi có nên đổi qua ăn xoài chín không? Ít nhất mình phải hiểu, tại sao mình ăn chua, tại sao ông kia ăn xoài chín, ăn đồ ngọt.

    Đây là câu hỏi rất là bậy.

    Chuyện đầu tiên, người hỏi câu này hoàn toàn không biết ý nghĩa, mục đích của các đề mục hơi thở và niệm Phật. Đúng ra tôi phải giải thích thêm mà tôi ghét quá tôi nói tới đó thôi. Không hiểu mới hỏi như vậy. Giờ mà ngồi giải thích Niệm Phật là gì, tu hơi thở là gì thì 8 năm mới hết câu hỏi này. Người này hoàn toàn không biết gì hết. Người này tôi khẳng định không biết gì hết. Có khả năng người này là con chiên Cơ Đốc nữa. Ok. Cho qua câu khác.


    Chú giải

    Hỏi: Sư bảo nếu học Phật thì đọc Chánh tạng, nếu không hiểu thì đọc Chú giải. Chú giải đó tìm ở đâu?

    Đáp: Cái này nói thiệt, là bây giờ thế này, chú giải ở Việt Nam tôi biết chỉ khoảng trên dưới 10 cuốn. Trong đó nhiều dịch giả. Các vị vào phatgiaonguyenthuy.com hoặc không nữa, muốn chắc ăn, vào google đánh “chú giải kinh tạng, chú giải luật tạng” tự động người ta dẫn tới trang đó. Tôi chỉ biết vậy thôi chứ tôi không đọc trang đó.

    Nếu quý vị đọc được ngoại ngữ thì tuyệt vời. Nếu trường hợp tìm sách tiếng Việt không có, mua sách ngoại ngữ không có, thì sau đây là những địa chỉ mà các vị ở Việt Nam nên gõ cửa:
    1. Lên gặp ngài Thanh núi Dinh.
    2. Gặp ngài Bửu Hiền, chùa Pháp Bảo - Mỹ Tho.
    3. Gặp ngài Giác Lộc, chùa Trúc Lâm – Hóc Môn.
    4. Gặp ngài Khải Minh ở chùa nào tôi không biết.

    Ở Hoa Kỳ thì các vị vào địa chỉ này: pariyatti.org vào đó nguyên một tủ trong đó.

    Thầy bà đều khả nghi vì mỗi vị một ý là mình chết. Trong đó Chánh tạng chỉ có một, Chú giải chỉ có một, trong khi thầy bà mỗi thầy một ý là mình khùng luôn. Mà cái này mới đau nè, theo đạo mấy chục năm, mà theo nhầm ông thầy dỏm mất mất chục năm, thân người khó gặp, chánh pháp khó gặp, tôi đề nghị, mình phải biết quý tri kiến của mình.


    Kim Cương Thừa

    Hỏi: Sư cho con kiến thức tổng quát về Kim Cương Thừa?

    Đáp: Vắn tắt thì ráng banh lỗ tai mà nghe.

    Nguyên thủy, Phật còn tại thế, giáo pháp chỉ có 1 thôi. Đó là, nói gọn là 37 Bồ đề phần, nói rộng là Tam Tạng gồm 84.000 pháp môn, chư tăng các thế hệ truyền thừa nhau học hành và dạy tức là học đạo, hoằng đạo và hành đạo, ai có duyên thì có thêm cái nữa là Chứng đạo, còn không thì Học đạo, Hoằng đạo và Hành đạo. Nội dung là 37 Bồ Đề phần, 84.000 pháp môn.
    Khi Phật viên tịch rồi, nảy sinh nhánh thứ 2, gọi là Mahayana, chủ trương hội nhập ta bà quảng độ chúng sinh, sử dụng vô lượng phương tiện có thể tùy duyên thoải mái, họ có thể diễn dịch nhiều vấn đề giáo lý, đặc biệt những vấn đề kinh điển Nguyên thủy bỏ ngỏ. Ví dụ: Tinh thần Bồ Tát Đạo, trong kinh điển nguyên thủy không có chỗ nào.
    Các vị nhớ chỗ này, khi tôi lên nói chuyện trên internet tuy trước mặt tôi có vài chục người thôi, nhưng tôi vẫn luôn luôn cẩn trọng biết đâu có vài bậc cao đức thạc học họ nghe, cho nên tôi chịu trách nhiệm điều tôi nói.

    Có nghĩa rằng, có rất nhiều vấn đề của Phật giáo nguyên thủy, của kinh điển nguyên thủy bị bỏ ngỏ, chẳng hạn như vấn đề Bồ Tát đạo. Trong kinh điển Pali không hề có một dòng nào, MỘT DÒNG, MỘT HÀNG nào đức Phật khích lệ đệ tử nguyện thành Phật hết trơn, dù Ngài nhắc đến chư Phật quá khứ. Có. Nhưng tất cả nội dung tu hành từ Thinh văn, Độc Giác, Toàn Giác thì nội dung chỉ có 37 Bồ Đề phần, tức là: Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Niệm Xứ,....

    Nhưng sở dĩ có 3 hạng là vì tùy căn cơ những người, cũng học đại học giống người ta, cũng học trường đó, cũng học ngành đó, cũng học giáo sư đó mà ra làm tỷ phú, có người cũng học ngành đó ra làm môi giới địa ốc, cũng người học làm ngành đó mà đi bán bảo hiểm, có người học ngành đó ra đi làm thuê cho người ta. Nghe không? Trên thế giới không có người chuyên đào tạo tỷ phú hết trơn. Cũng kiến thức đó, tùy căn cơ nó ra thành Bill Gates, Warren Buffett, thành Google, Amazon, Tesla gì đó là do căn cơ mỗi cá nhân chứ còn không có trường nào đặc biệt dạy ra làm mấy ông nội đó hết. Nhớ không? Đó là Phật giáo nguyên thủy.

    Nhưng khi qua tới Phật giáo Phát triển, các vị mới thấy lý tưởng Phật đạo quá hay, bị bỏ ngỏ, các vị triển khai, dựa vào những mảnh vụn rời rạc trong kinh điển nói về Phật đạo, triển khai, mở rộng, đào sâu những chi tiết đó để làm nên một bộ phận Bồ Tát Đạo. Và, nói rộng ra nữa, Phật giáo Đại thừa, về mặt giáo lý, Đại thừa gốc chỉ triển khai Phật giáo gốc thôi. Càng về sau, khi du nhập qua Tàu, Nhật, Mông Cổ, Tây Tạng, Việt Nam,... càng lúc đi càng xa. Chứ còn đại thừa tại Ấn Độ chỉ triển khai Nguyên thủy.

    Còn Kim Cang Thừa là sao? Kim Cang Thừa là có những cá nhân, họ chủ trương rốt ráo, đi nhanh, ôm nguyên Tam Tạng của Nguyên Thủy nó nhàm chán quá, mà đi theo Đại Thừa nó lê thê quá, giờ họ muốn con đường tắt. Chẳng hạn, dòng thiền, Prasanghika dòng thiền này tập trung xoáy sâu giáo lý Trung Quán, bộ Trung Quán của ngài Long Thọ, Nāgājuna, họ đào sâu vào giáo lý Duyên khởi, hoặc có những vị họ đào sâu trong kinh tạng, trong A Tỳ Đàm để trong một khoảnh khắc nào đó lìa bỏ triệt để sự bám chấp vào trong thân tâm này. Thì gọi là Kim Cang Thừa.
    Dĩ nhiên, tôi nói thế này các vị trong room không đồng ý.

    Các vị đọc kỹ nội dung Vajarayana trong đó họ chủ trương sử dụng Thần chú. Người không biết thì chửi cái đó, chửi nặng lắm, chửi là tà kiến, là mê tín. Bởi do mình không hiểu Kim Cang Thừa, chứ tinh thần rốt ráo của Kim Cang Thừa, dĩ nhiên, đây là một bước đi khá xa và khá bạo, so với truyền thống nguyên thủy. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận họ có điểm xuất sắc của họ. Có nghĩa là, họ chủ trương tu tập triệt để một góc cạnh giáo lý nào đó.

    Thí dụ: Họ có thể dùng lưỡi chạm vào một vết thương, họ tu tập từ tâm họ có thể dùng lưỡi chạm vào một vết thương. Tu tập bất tịnh họ có thể chạm vào đống mủ máu của người bị bệnh hoặc xác chết. Tu Bất tịnh tu triệt để vậy đó. Còn khi nói về tu hạnh Nhẫn là họ tu triệt để đến mức, giữa trời nắng chang chang, giữa tuyết phủ họ vẫn trần người ra để mà họ tu. Họ chỉ niệm có một chuyện.

    Bên Phật giáo Nguyên thủy chỉ có Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng.

    Nhưng bên Kim Cang Thừa có tới Tứ Bảo: Phật Bảo – Pháp Bảo – Tăng Bảo và Sư Bảo. Sư Bảo là Sư phụ của mình. Và họ chỉ dốc lòng họ tin đúng một bài kinh nào đó của kinh điển, hoặc một lời nhắn nhủ nào đó, một tâm pháp, tâm ấn nào đó của sư phụ là họ sống chết với cái đó. Cả đời họ chỉ tập trung cái đó. Sống chết với họ là chuyện nhỏ. Kim Cang Thừa, tinh thần là tu như Kim Cang là vậy đó.

    Chứ còn bên Phật giáo Nguyên thủy rất là mênh mông, tùy duyên. Một ngày có bốn đề mục con phải nhớ: Niệm Phật, niệm Chết, niệm bất tịnh, niệm từ tâm. Thí dụ vậy. Con tu tứ niệm xứ làm gì biết nấy, việc chùa con vẫn làm việc bình thường. Con vẫn có thể nghe pháp, học đạo, giữ chánh niệm, tu từ tâm, lễ Phật, quét tước, chấp tác, lao dịch, thoải mái. Nhưng đó là Phật giáo Nguyên Thủy.

    Còn Phật giáo Bắc truyền thì có thể hội nhập xã hội.

    Riêng Phật giáo Kim Cang Thừa họ rốt ráo lắm. Tôi nhắc lại nha. Họ chọn một bài kinh nào đó, một bộ phận giáo lý nào đó thậm chí một câu nói của sư phụ, thậm chí một câu thần chú nào đó rồi chuyên tâm vào đó một cách rốt ráo 100%.

    Tôi nghĩ rằng, cái thừa nào nó cũng có cái hay của nó. Tôi đặc biệt tán thán những khía cạnh tích cực của các thừa. Vì mỗi thừa họ phải có lý do hay ho sao đó nó mới xuất hiện và tồn tại. Bởi vì, nếu không có đủ lý do thì nó không xuất hiện. Hoặc nếu nó thiếu lý do thì nó chỉ xuất hiện mà không tồn tại. Còn đằng này nó có lý do xuất hiện và lý do tồn tại và thậm chí nó còn đường quảng bá, xiển dương qua các thế hệ thì tôi nghĩ quý vị phải để ý.

    Tuy nhiên, nếu mình thấy mình không có thời giờ thì thôi. Chứ còn nếu có thời giờ thì nên tìm hiểu vì đâu có Kim Cang Thừa, cũng hay. Chẳng hạn, tinh thần Vô Ngã của Kim Cang Thừa họ đào sâu rất sâu. Đôi lần tôi cũng trộm nghĩ, có lẽ, ở diện hẹp thì ở thiền viện, còn ở diện rộng, có lẽ tùy căn cơ, khi nhận Phật tử, có một vài đối tượng mình có thể cho họ tu theo Kim Cang Thừa, theo hướng này. Có nghĩa là dạy cho họ một đề mục thôi. Một đề mục: Niệm chết, niệm bất tịnh, niệm Phật, niệm hơi thở, niệm từ tâm,… Và, kèm với lời nhắn nhủ: Người còn đề mục còn, người mất đề mục mới mất. Đó là kiểu tu của Kim Cang Thừa.


    16 tầng thiền Tuệ

    Hỏi: Khi chứng đạo thì chỉ trong tích tắc, sao có bài viết chia 16 tầng thiền tuệ thì không đúng lắm? Trạng thái tâm khi thấy Tuệ diệt một cách nhanh chóng như vậy thì trạng thái lúc đó là bị sót?

    Đáp: Thứ nhứt, 16 tuệ chỉ là diễn tả quá trình tu tập thôi. Diễn tả quá trình thôi.

    Chứ còn chứng đạo, người học A Tỳ Đàm tôi giảng rất là dễ, còn không học không giảng được. Giai đoạn từ phàm qua thánh chưa tới 1/1000 giây. Sở dĩ có Tuệ là các ngài phân tích cho thấy, nếu tu Tứ Niệm Xứ cho đúng, ở người trí chậm, thì họ mới lần lượt trải qua các giai đoạn. Chứ hỏi như Bồ Tát Tất Đạt làm gì có 16 tuệ, ngài Xá Lợi Phất làm gì có 16 tuệ, ngài Anan làm gì có 16 tuệ.

    Tuệ đây là những khía cạnh.

    Nghe kỹ nha. Tôi, Toại Khanh, chịu trách nhiệm lời tuyên bố này: Cái gọi là Thiền Tuệ chỉ là các khía cạnh của trí Tuệ quán mà thôi.

    Thí dụ như, hành giả buổi đầu mới tu tập còn sơ cơ thì phải quan sát thấy thân tâm của mình đang diễn biến ra sao, từ từ mới thấy thân tâm này vô ngã vô thường do duyên mà có, thấy nó là vô ngã vô thường là Tuệ Quan Sát. Thấy nó do duyên mà có là trí liễu Duyên.

    Trí quan sát Danh Sắc của thân tâm gọi là Sammāsana ñāṇa.Thấy nó là do Duyên mà có là Paccayapariggaha ñāṇa. Thấy nó Diệt nhiều hơn Sanh gọi là Bhaṇga ñāṇa. Có lúc thấy rõ cả sanh và diệt là Udaya bhaya ñāṇa. Lúc quán chiếu thấy kinh cảm chỉ có thở ra không có thở vào là chết, sanh tâm kinh cảm là Bhaya ñāṇa. Tới Adinava ñāṇa thấy thân tâm này là gánh nặng. Nibbida ñāṇa là Tự nhiên thấy chán không muốn giữ lại thân tâm này nữa.

    Tất cả những cái này đều là khía cạnh của cái gọi là trí tuệ Niệm Xứ. Nha. Chứ nó không phải là hành trình bắt buộc mà một hành giả phải trải qua để chứng thánh. Làm ơn nhớ dùm cái đó.

    Đã là những khía cạnh thì sao? Nó có thể trong tích tắc thôi. Nghe đức Phật Ngài giảng “Mọi thứ do duyên mà có, có rồi sẽ mất đi” Ngay lúc nghe cái đó là vị đó có tất cả cái này, thấy được thân tâm này chỉ là Danh Sắc, Thân tâm này do duyên mà có, có rồi phải mất đi, thân này là gánh nặng ngày nào bỏ được nó thì mới là giải thoát. Tất cả những cái đó.

    (hết).

    BTC xin tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com