← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 30/10/2022
Kalama tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép

Vấn đáp zoom Chủ nhật 30/10/2022
  • Tu nữ xuất gia
  • Ăn ngọ
  • Bồ Tát chứng thánh quả
  • Giới đàn
  • Vi diệu pháp
  • Tứ thiền
  • Phi nhân
  • Phước tuệ
  • Phân biệt cúng dường


  • Tu nữ xuất gia

    Hỏi: Không có năng lực ngoại ngữ nên xuất gia tu nữ ở đâu?
    Đáp: Câu trả lời vắn tắt thôi.
    Chuyện đầu tiên, không ngoại ngữ không sao, không biết cô này cổ có bổn sư gần nhất hay là ai? Bổn sư gần nhất hiểu không?
    Bổn sư gần nhất = Người mình thường gặp, người mình thọ giới quy y gọi là bổn sư gần nhất. Tất cả chư tăng đều là thầy mình hết. Riêng vị thầy bổn sư là vì mà:
    (1) Vị truyền giới cho mình
    (2) Vị mà mỗi lần có chuyện mình hay liên lạc
    gọi là vị bổn sư gần nhất.
    Thứ nhất, hỏi qua ý vị đó, nếu vị đó cưu mang được mình, mình về ở chùa vị đó thì đó là lựa chọn một.
    Lựa chọn 2, chuyện này với tôi rất khó nói. Chuyện này đối với tôi giống như hỏi tôi “ Muốn lấy chồng biết lấy thằng nào?” Tại vì, thật ra tôi không biết quý vị muốn thằng đẹp trai hay thằng nhà giàu hay thằng học giỏi, nó kẹt vậy. Cho nên, giờ tôi chỉ góp ý chung chung thôi chứ còn phải cho tôi biết thích thằng nào? Đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, con cán bộ, nhà mặt phố, bố làm to hay là cái gì đó.
    Cho nên, chuyện đầu tiên, Tu = Có muốn học giáo lý hay là tu là vô cạo đầu, giữ Bát giới rồi mỗi ngày 2 buổi công phu, quét lá, nấu ăn, chờ chết. Nó có loại tu nữ đó. Tôi nhắc lại, có loại tu nữ: Thọ bát giới, ngày 2 bữa công phu, chờ chết, là tu nữ đơn giản nhất.
    Trường hợp tu nữ thứ hai, tu nữ cạo đầu, thọ 8 giới, coi ở đâu có trường thiền chạy tới đó xin dự. Nếu vậy thì chỗ ở không quan trọng. Nếu mà để ý trường thiền nào được nhào vô, đâu có khóa thiền nhào tới tu thì trú xứ đâu cũng được hết, thậm chí tu tại gia cũng được. Tại vì, mình cứ nghe đâu có khóa thiền mình nhào tới.
    Còn cái kiểu tu nữ tìm cửa Phật gửi thân để ăn mày lộc Phật thì cái đó phải coi coi sư phụ mình là ai, những ngôi chùa quen biết là ai. Loại tu nữ thứ hai là chỉ thích tu thiền thôi, thì ở nhà cũng được, hoặc tìm chỗ nào đó, một sư cô, một tu nữ nào đó hợp với mình mình về ở chung với họ, mình share phòng, share cốc với họ cũng được.
    Trường hợp 3, làm tu nữ có ý đi trọn đường tu một cách căn cơ = Có học có hành đàng hoàng. Đây là mẫu hình tu nữ riêng tôi đặc biệt khích lệ. Có nghĩa là dầu cư sĩ hay tu nữ mà tinh thần bắt buộc phải học giáo lý, không thể nào vô sương sương mất 40 năm ai hỏi chỉ biết niệm Phật không thì kẹt lắm.
    Cho nên:
    1. Trường hợp một: Chỉ gởi thân.
    2. Trường hợp hai: Hành giả đơn thuần.
    3. Trường hợp ba: Học và hành kết hợp, thì trong trường hợp này bắt buộc tìm nơi nào có thể kềm cặp cho mình học giáo lý.
    Tôi xa xứ lâu lắm cho nên đến bây giờ tôi không biết ở đâu có thể nhận tu nữ vào để dạy. Tôi chỉ gợi ý, quý vị liên lạc. Thí dụ:
    1. Thượng tọa Chánh Minh (Vũng Tàu),
    2. Thượng tọa Giác Giới (Vĩnh Long),
    3. Thượng tọa Khải Minh
    4. Thượng tọa Minh Huệ
    5. Thượng tọa Giác Lộc (Hóc Môn)
    6. Thượng tọa Bửu Hiền
    Đây là những vị tôi biết và tôi hoàn toàn tin tưởng là có thể hỗ trợ cho chí nguyện xuất gia của quý vị, dầu nam hay nữ. Đó là dành cho người không biết ngoại ngữ.
    Nếu các vị có ngoại ngữ, đặc biệt là có điều kiện sức khỏe, đi xa bôn ba được, tài chánh thì không có nhiều, có lòng hiếu tu hiếu học, theo ý tôi nên đi Thái Lan, Miến Điện. Tôi thích Miến Điện hơn, nếu quý vị thích Thái Lan, thì. Như bản thân tôi, các vị hỏi, tôi nói thiệt: Trước 30 tôi về Thái, sau 30 tôi về Miến, tại vì ở Thái nó vui hơn. Còn nếu tu rốt ráo, tinh chuyên, miên mật thì về Miến. Còn nếu các vị có quen biết ai bên Tích Lan thì cứ đi. Nhưng mà tôi xin nói thiệt: Qua kinh nghiệm quan sát của tôi hầu hết, khoảng 95%, đúng ra tôi nói 100 mà không dám, 95% những vị tăng ni du học Miến Điện đều xuất sắc hết. Còn Thái với Tích thì tôi không có ý kiến. Trong quan sát của tôi thì tôi không muốn có ý kiến. Riêng Miến Điện đối với tôi là 95% đều xuất sắc. Tùy quý vị thôi.
    Đặc biệt, người không biết ngoại ngữ coi mình là trường hợp nào trong 3 trường hợp:
    1. Kiếm chỗ gửi thân
    2. Hành giả tinh chuyên
    3. Có học có hành thì làm ơn nhớ dùm mấy địa chỉ tôi vừa nói.


    Ăn ngọ

    Hỏi: Cách ăn ngọ, không ăn phi thời vẫn đủ năng lượng cho một ngày?
    Đáp: Hỏi lộn chỗ rồi. Cái này bác sĩ, dược sĩ, bèo bèo là y tá hoặc bên Mỹ có chuyên gia dinh dưỡng.
    Tôi chỉ góp ý 3 gạch đầu dòng:
    1. Kinh nghiệm làm sao đừng thèm ăn sau 12h. Mình phải xài kinh nghiệm rất là đời. Đó là sợ chết.
    Bởi vì, theo tôi biết nếu ăn uống đàng hoàng thì 1 ngày như vậy, buổi sáng nhẹ nhẹ thôi, miếng ya-ua, miếng trái cây thôi, mà cũng coi kỹ loại nào sáng ăn được, loại nào không ăn được, thí dụ trái hồng, đói bụng ăn không nên. Còn chuối thì chỗ nói được, chỗ nói không. Riêng tôi thì sáng sớm tôi điểm tâm bằng ya-ua. Còn buổi trưa thì các vị nhớ chừng chừng. Tôi nói vừa Đông vừa Tây, tôi vừa kết hợp Tàu, Nhật, Âu Mỹ mình ăn thức ăn trong một ngày nhiều màu, nhiều vị là tốt. Đừng vì mê một ngón mà ăn tới ăn lui, đặc biệt bổ sung fiber, chất xơ, rất là tốt, nó giúp cho ruột, giúp cho ung thư, nó hỗ trợ, ngừa bịnh, nhưng đặc biệt các sinh tố, mình để ý, đủ màu, đủ vị là tốt, không tập trung. Đủ vị = Đắng cay chua mặn ngọt phân đều đặn, không có gì quá nhiều, nhưng đắng, cay, chua, mặn, ngọt. Còn màu, đó giờ mình không để ý chứ thật ra cái màu quan trọng lắm: Màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu tím, màu đen như nho đen hoặc dâu đen, hoặc là màu cam như màu cà rốt. Thì đủ vị, đủ màu, đặc biệt là chất xơ.
    Cái đó là tôi chỉ gợi ý thôi, ăn ít là ít buổi nhưng mình có thể ăn no bụng, và sau đó mình chỉ nhớ, khoan chuyện tu hành, giới luật, dẹp dẹp dẹp. Chỉ nhớ chuyện thôi: Ăn ít sống lâu. Nếu mà sợ chết cứ nhớ cái đó. Ăn ít sống lâu. Lâu ngày nó quen. Còn riêng về Phật học, giới ăn phi thời có 3 ý nghĩa:
    - Thứ nhứt là : Tiết kiệm thời gian. Thêm một bữa ăn là phải mất rất nhiều thời gian, từ chuyện sắm sửa, chế biến, tiêu thụ, dọn dẹp này nọ tùm lum. Cho nên, chuyện đầu tiên, ăn ngày một bữa tiết kiệm thời gian rất là nhiều, từ chuyện đi tìm thức ăn, chế biến, này nọ. Thứ nhứt là tiết kiệm thời gian.
    - Thứ hai là: Tiết dục = Bớt cái thích. Là vì sao? Phải nói rằng 90% bữa ăn của mình trong ngày do mình thích, chứ nhu cầu chỉ có 10% thôi, 90% là do mình thích. Cho nên ăn ngày một buổi là mình tiết dục. Nhưng tôi phải mở ngoặc đơn, trừ trường hợp người đó họ bệnh, thí dụ họ ăn một buổi, một bữa ăn họ ăn không nhiều họ phải chia nhiều bữa, nó có trường hợp như vậy. Có nhiều người họ ăn một lần không nhiều được họ phải chia nhiều bữa thì trường hợp này mình không đụng tới. Đa phần là chúng ta hoàn toàn có thể ăn một ngày một buổi đàng hoàng.
    - Cái thứ ba là Hạn chế nghiệp sinh tử. Cái này hơi trừu tượng, hơi mang tính tâm linh nhưng đó là sự thật. Hạn chế sanh tử có nghĩa là bớt thích lại, trong 5 dục mà mình còn nhiều cái thích trong 5 dục cơ hội mình chứng thiền rất là khó, cơ hội mình quay lại cõi Dục rất là lớn. Tại sao quay lại cõi Dục đáng sợ? Là vì, trừ ra Bồ Tát được thọ ký, cơ hội có mặt ở cõi Dục đáng ngại lắm, thà là cứ về Phạm thiên rồi chư Phật ra đời mình xuống. Chứ còn quẩn quanh trong cõi Dục rất là đáng sợ, nguy cơ trùng trùng. Như ngài Anuruddha – Đệ nhất thiên nhãn, trong 300 kiếp trước khi gặp Phật, ngài cứ Phạm thiên, Phạm thiên, Phạm thiên, ngài Ca Diếp cũng vậy, Phạm thiên, Phạm thiên, cứ xuống đây được ngày bữa chán, dzọt lên trển nữa. Về Phạm thiên, thứ nhứt là mình dứt hẳn chuyện gieo thập ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa, nhiều chuyện, đâm thọc, dứt hẳn, về Phạm thiên. Đồng thời cũng không còn thích trong Dục, không còn bất mãn, hờn giận. Trong khi mình về cõi Trời thì đúng là sát sanh không làm nhưng mình còn bị kẹt trong hưởng thụ năm trần. Và hưởng thụ trong năm trần, hễ tắt thở phát rồi là xuống thẳng dưới kia luôn, gọi là rớt mà rớt không phanh. Nhưng riêng Phạm thiên thì không. Người muốn về Phạm thiên phải chứng thiền. Về Phạm thiên rồi, cơ hội quay trở lại làm người rất cao, thói quen ly dục được trưởng dưỡng. Cho nên, chuyện ăn uống, tình cảm là 2 nhu cầu lớn nhất trong một đời người. Rồi cái thứ 3, 4, 5, 7, 8, 10 mới tiếp tục là nhà cao, cửa rộng, quần là áo lụa, chăn êm nệm ấm, điều kiện đi lại,… Chủ yếu là nam nữ và ăn uống là nặng nhất. Thì giới ăn chiều giúp mình hạn chế bớt nghiệp sanh tử là vậy đó.
    Cái thứ 2 thứ 3 nghe giống nhưng nó khác nhau. Cái thứ hai chỉ là tiết dục thôi. Cái thứ ba là nó rút ngắn vấn đề sanh tử.
    Đó là 3 lý do phải ăn 1 bữa. Còn nếu mình không tin Phật pháp, mình cứ nghĩ ngoài đời thôi: Dây nịt càng dài, cuộc đời càng ngắn. Tây nó nói vậy đó. Cái đó tôi tin “Dây nịt càng dài, cuộc đời càng ngắn” Ăn chiều, ăn trễ, mỡ không có chỗ tiêu thụ nó làm xấu người mà bệnh, càng có tuổi, tiểu đường, bụng phệ, cholesterol, … mà mình vận động thì thường mình hay lười lắm, mà thích tiêu thụ.
    Về mặt dinh dưỡng làm ơn hỏi mấy sếp chuyên gia dùm, tôi chỉ góp ý trong phạm vi của tôi thôi.


    Bồ Tát chứng thánh quả

    Hỏi:Một vị Bồ Tát Chánh Đẳng Giác trong khi thực hành 30 pháp Ba La Mật có khi nào chứng một trong 4 thánh quả không?
    Đáp: Tuyệt đối không.


    Giới đàn

    Hỏi: Làm thế nào biết giới đàn có thành tựu hay không và vị sa-di, tỳ-kheo đó có đắc giới hay không?
    Đáp: Nói vắn tắt, tôi nói sơ sơ rồi tôi cho tài liệu.
    1. Đương sự phải hội đủ điều kiện, thí dụ: không bị trọng bệnh lây nhiễm, không kỳ hình dị tướng làm cho người khác e sợ, không kỳ hình dị tướng để người ta coi thường màu áo sa-môn, không bị tâm thần, không nợ nần, đó là những điều kiện căn bản, hoặc là gia đình cho phép. Đó là điều kiện bản thân người thọ giới. Đó là điều kiện ở người thọ giới.
    2. Điều kiện tăng chứng: Sa-di không quan trọng sao cũng được, nhưng tỳ-kheo thì giới đàn đó phải có ít nhất 4 vị tỳ-kheo trong sạch = không phạm 17 trọng giới. Đó là nói vắn tắt
    Nói chi tiết, bà con vào google đánh chữ Thành tựu giới phẩm Pa Auk Sayadaw (câu hỏi 106). Trong đó cũng đã có người hỏi ngài Pa Auk chuyện này và ngài đã trả lời rất là dài, rất là sâu, rất là rộng, bài đó được phổ biến rộng rãi trên internet bằng tiếng Việt, tiếng Anh.
    Biết chữ Pa Auk không? Chữ này cũng nhọc nhằn lắm, có người đọc là Pa Auk, có người đọc là Bắc Âu, có người đọc là Bắt Ốc. Có bà đó gặp tôi hỏi hòa thượng Bắc Âu, tôi suy nghĩ “Bắc Âu đâu có Phật giáo Nam tông ta?” Bắc Âu là chỉ có Na Uy, Thụy Điển, có cái hội Pali nhưng mà cũng toàn cư sĩ không, làm gì có hòa thượng nào Bắc Âu? Bả nói, không, Bắc Âu người Miến Điện. Rồi có bà, bả đọc hòa thượng Bắt Ốc. Tôi nói trời ơi, Việt Nam có hòa thượng Cua, có nhưng mà Cua là tên xưa thôi chứ vô tu người ta hiện lắm. “Bắt Ốc” nghe gian ác quá.


    Vi diệu pháp

    Hỏi: Vi diệu pháp có phải đức Phật thuyết hay sản phẩm của đời sau?
    Đáp: Câu này tôi trả lời chắc cả ngàn lần, mệt lắm. Nó như thế này.
    Xét về mặt tôn giáo thuần túy, mình cứ mở Tam Tạng Pali là mình gặp tạng A Tỳ Đàm nằm thù lù trỏng. Đó là chuyện thứ nhất, nói về tôn giáo.
    Thứ hai, trong Chú giải của tạng Kinh, tạng Luật đều có nhắc tới tạng A Tỳ Đàm, đặc biệt trong lịch sử kết tập có cho biết buổi đầu A Tỳ Đàm được kể vào 2 bộ phận sau đây:
    (1) Nếu toàn bộ Phật pháp được kể thành 9 phần, trong đó, tạng A Tỳ Đàm nằm ở phần ký thuyết (Veyyākaraṇa).
    (2) Nếu Tam Tạng kể là 5, A Tỳ Đàm kể chung vào Tiểu Bộ kinh.
    (3) Nếu Tam Tạng là Tạng A Tỳ Đàm.
    Và có một chữ ăn gian. Đời sau, họ gọi A Tỳ Đàm là Tạng Luận. Đó là cách gọi Phật tử Nam tông cứ mở miệng là “Kinh- Luật – Luận”, thật ra người ta đang chửi cha mà mình không biết. Bên Khổng Giáo, người ta chia kỹ lắm, Kinh và Thư. Kinh = Cái của thánh nhân; Thư = đời sau viết bình giải. Còn bên Phật giáo mình Kinh = Cái gì Orginal; Luận = Mấy cái đời sau.
    Có những vị tông phái khác gọi A Tỳ Đàm = Luận nghĩa là họ công khai đẩy A Tỳ Đàm ra ngoài Tam Tạng. Mà họ quên một chuyện, nếu đẩy A Tỳ Đàm ra ngoài thì lúc bấy giờ sao gọi “Tam Tạng”? Nếu bỏ A Tỳ Đàm ra ngoài thì 3 tạng là Tạng Kinh, Tạng Luật rồi còn gì nữa? Nó cũng kẹt.
    Chuyện thứ nhất giải thích về Tôn giáo thuần túy. Chuyện thứ hai, xét về mặt học thuật. Câu này không phải bốn tiếng đồng hồ nó mới đủ.
    Xét về mặt học thuật, vị nào thắc mắc cái này, thì vị đó làm ơn: Dò lại dùm trong Tạng luật. Giờ nói tạng Luật trước đi, tạng luật ít, nói tạng Luật trước. Có những điều kiện bắt buộc phải có để làm hòa thượng truyền giới cho người ta, trong đó có 1 cái phải biết A Tỳ Đàm một cách căn bản, biết nói cho học trò biết rằng: Con và tất cả chúng sinh, cùng vô lượng vũ trụ trời đất trăng sao chỉ là được cấu tạo bởi Tâm, Tâm Sở, Sắc pháp; Vị thầy minimium, at least phải nói cái đó cho học trò biết, mới làm thầy bổn sư được, trong tạng Luật ấy. (mười sáu nhóm năm của phần “Nên ban phép tu lên bậc trên” – Đại Phẩm, tụng phẩm thứ 7, Luật tạng)
    Trong chú giải của Atthasalini của bộ Pháp tụ, bộ A Tỳ Đàm đầu tiên – Dhammasaṇgani, trong đó có nói rằng: Vị pháp sư tối thiểu, nếu không chứng thánh, phải là người biết A Tỳ Đàm, không thể nào giảng Kinh, giảng Luật mà mù tịt A Tỳ Đàm.
    Vừa rồi có một bà con nào đó post cho tôi thấy, Việt Nam giờ có bản dịch Chú giải bộ Pháp tụ- dịch giả Siêu Thành (bổ sung: NXB Hồng Đức) thì bà con nên tìm cái đó để đọc. Trong đó nó có nói rõ 2 chuyện:
    - Chuyện thứ nhứt là Pháp sư giảng đạo, giảng 2 tạng Kinh & Luật cho người ta bắt buộc phải biết A Tỳ Đàm.
    - Chống báng A Tỳ Đàm = Kín đáo, lặng lẽ, âm thầm chống báng Phật trí, từ chối Phật trí, nhất thiết chủng trí của đức Phật. Cho nên, mình đi vô đây mình ham dễ dễ, mình thấy A Tỳ Đàm khô, khó, mình oải mình quẹo, còn nặng hơn là chống. Như vậy mình đang vô tình mình chống báng Phật chất, Phật chủng, chủng tử Phật đạo. Ghê như vậy. Trong đó nói như vậy đó.
    Nãy giờ tôi đi một vòng, giải thích tôn giáo thuần túy, giải thích về mặt học thuật;
    Chuyện thứ 3, bà con dò xem trong tạng Luật, tạng Kinh coi 2 tạng nói cái gì, và coi kỹ nội dung A Tỳ Đàm nói cái gì. Thí dụ, như trong tạng Kinh, đặc biệt là tạng Kinh, cứ Tứ thiền, Sơ Nhị Tam Tứ thiền, cứ là Tứ Niệm Xứ, cứ là Bát Chánh Đạo. Nhưng mà xin hỏi: Nếu anh không học A Tỳ Đàm, xin hỏi, anh giải thích thế nào về Bốn Đế? Nếu anh không biết A Tỳ Đàm? Tôi xin đảm bảo một điều, nếu các vị học A Tỳ Đàm các vị sẽ thấy: Các vị không thể hiểu tạng Kinh nếu thiếu A Tỳ Đàm. Còn người mù tịt thì thôi, người không biết A Tỳ Đàm thì họ hiểu tạng Kinh bằng cách họ tra từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân hoặc tiếng Hán của Đào Duy Anh, hay là từ điển Lê Văn Đức Lê Ngọc Trụ gì đó. Tra được, tra kiểu “Tầm, Tứ, Thắng Giải = Thắng là gì, Giải là gì” nhưng nếu họ có học A Tỳ Đàm, họ sẽ hết hồn thấy rằng, không cách nào hiểu được Bốn Đế chỉ theo tạng Kinh thôi. A Tỳ Đàm đừng đụng tới nha, không được đụng. Mở Kinh tạng : Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, Tiểu Bộ mở ra, coi trong đó đức Phật Ngài nói Sơ Thiền Ngài nói cái gì? Ngài nói Sơ Thiền Ngài nói sao? “Ở đây, vị tỳ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có Tầm, có Tứ, … ở đây vị tỳ-kheo lìa tầm có Tứ chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh;” và cứ như vậy, các tầng thiền sau vị ấy : Ly hỷ thì chứng Tam thiền, ly Lạc, khổ chứng Tứ thiền; lìa bỏ Sắc tưởng thì chứng Vô Sắc. Nói như vậy không, trong Chánh tạng nói như vậy, nói dành cho những người hữu duyên. Còn nếu không có A Tỳ Đàm thì tôi không có tài nào hiểu nổi vụ “ly hỷ trú xả” là sao?
    Việt Nam mình chữ “xả” xài ẩu lắm. Mấy bà nội trợ nghe nói “sả” cũng hiểu nữa. Sả là mấy cọng tròn tròn đó.
    Cho nên:
    1. Xét về thuần túy tôn giáo
    2. Xét về học thuật
    3. Xét về nội dung kinh điển: Coi nội dung 2 tạng kia nói cái gì và A Tỳ Đàm nói cái gì.
    4. Xét về lịch sử mang tính khoa học. Làm ơn mình dò lại thời điểm kết tập đầu tiên có A Tỳ Đàm hay không? Chứ đừng có nghe người ta toàn là đồn không à. Coi kỹ lại coi kỳ kết tập 1 có A Tỳ Đàm hay không? Rồi kỳ kết tập 3, A Tỳ Đàm được bổ sung 500 câu hỏi của ngài Mục-kiền-liên-tử Đế-tu (Moggalliputta- Tissa).
    Tôi nhắc lại lần nữa. Tôi khẳng định trước bà con, tôi không nói: Tôi không chọn A, không chọn B. Tôi chỉ nhắc một chuyện thôi: Coi A Tỳ Đàm nói cái gì. Một là xét trên sử, xét trên học thuật chuyên môn thì đúng là A Tỳ Đàm có từ trước. Thứ hai, giả định mình không tin cái đó thì ít nhất mình xét trên nội dung A Tỳ Đàm nói cái gì, có phải A Tỳ Đàm là một bộ phận KHÔNG THỂ TÁCH RỜI đối với Kinh & Luật hay không? Coi coi phải không? Nếu nó là một bộ phận KHÔNG THỂ TÁCH RỜI vậy chúng ta có nên nói đó không phải lời Phật không?
    Tôi nói có nghe kịp không? Cẩn thận cái đó.
    Và tôi nhắc lại lần nữa.
    Làm ơn coi kỹ coi A Tỳ Đàm nói cái gì.
    Sẵn đây tôi mách luôn, ở Việt Nam, các vị đến gõ dùm tôi mấy địa chỉ này,
    - Hỏi ngài Thanh/ ngài Hộ Pháp, núi Dinh.
    - Hỏi sư Chánh Minh
    - Hỏi ngài Giác Giới
    - Hỏi ngài Bửu Hiền
    - Tại sao tôi phải chọn? Tại đây là những vị mà tôi tạm cho là có thẩm quyền và họ có tài liệu.
    - Ngài Khải Minh
    - Ngài Minh Huệ (Long Thành)
    - Vị nữa dành riêng cho những vị ở miền ngoài: Thượng tọa Tường Nhân ở Huế, có khoảng 10 năm liên tục hướng dẫn Phật tử Hà Nội học A Tỳ Đàm. Mặc dù trước đây miền Trung không phải là mảnh đất màu mỡ để phát triển A Tỳ Đàm nhưng bây giờ thông qua thượng tọa Tường Nhân và những vị tăng sinh du học ở Miến, dần dần các Phật tử ngoài đó, người ta mới biết A Tỳ Đàm là cái gì.
    Tôi cũng xin nói rõ rằng: Ngay cả trong chư Tăng cũng có nhiều dị kiến, nhiều quan điểm sai biệt khi trả lời câu hỏi này.
    Tôi xin nhắc lại lần nữa.
    Mình “y Pháp bất y nhân” = Theo pháp, không nương người.
    Quý vị có thể nặng lòng với một người mình vẫn xem là sư phụ hoặc mình nặng lòng với một người chỉ vì người đó nổi tiếng, người đó tu lâu, người đó có thân phận đặc biệt,… nhưng mà nhớ: Nếu là nói đúng thì một cư sĩ cũng có thể đúng. Đã sai thì một vị cao tăng vẫn có thể sai. Chứ đừng bị ám ảnh bởi nhãn hiệu. Cái đó khổ lắm. Chúng ta đã vì nhãn hiệu trầm luân vô lượng kiếp rồi. Cho nên, cẩn thận cái đó.


    Tứ thiền

    Hỏi: Vì sao trong Kinh, thiền Sắc giới có 4 tầng, trong A Tỳ Đàm kể 5?
    Đáp: Nó như thế này, ở trong Chú giải mới nói đến 5 tầng, chỉ có trong A Tỳ Đàm và Chú giải tạng Kinh. Nhớ nha, 2 địa chỉ: Trong tạng A Tỳ Đàm bộ Dhammasaṇgani và Chú giải kinh tạng có nói tầng thứ 5. Nhưng riêng kinh tạng Chánh kinh, bản gốc chỉ nói 4 thiền.
    Nó rất đơn giản. Vì sao? Vì nó có nhiều cách tính. Tức là mình thấy dựa theo cõi & dựa trên chi thiền mà kể là 4 hay 5, chứ không có gì khác. Thí dụ, Tam thiền yếu quá thì có thể ở tầng Nhị thiền. Tam thiền yếu quá có thể sanh về tầng nhị thiền mà ở, chính vì vụ đó nên chỉ còn có 4 cõi thôi.
    Rồi còn Chi thiền, mình thấy: Sơ thiền bỏ tầm, Nhị thiền bỏ Tứ, Tam thiền bỏ Hỷ, Tứ thiền bỏ Lạc. Rồi khi hỷ và lạc bỏ rồi thì xả thế vô, cho nên lên Tứ thiền còn Xả và định. Còn thiền Vô Sắc, tính ra thiền Vô Sắc cũng là tầng Tứ thiền luôn, nếu nói theo tạng Kinh. Nếu nói theo A Tỳ Đàm thì thiền Vô Sắc cũng là Ngũ thiền luôn. Nhưng có điều, đề mục để tu thiền Vô Sắc nó không phải là sắc pháp. Thí dụ, trong đề mục Sắc giới có đề mục “hư không” thì:
    Hư không trong thiền Sắc giới= khoảng hở vật chất của 2 cái gì đó: 2 vách, lề, ven, biên, thí dụ miếng ván có khe giữa, hoặc khe cửa, lỗ gió, vách tường có chỗ lủng, thí dụ vậy. Thì đề mục hư không của thiền Sắc giới phải là khoảng trống giữa 2 ven, 2 lề, 2 biên vật chất. Nhưng mà riêng hư không của Hư không vô biên thì không. Mà nó là hư không trừu tượng = Ở đâu không có vật chất, ở đó là hư không. Hư không vô biên nó khác Hư không trong đề mục Sắc giới chỗ đó đó.
    Cho nên, ở đây mình thấy, dầu kể theo tạng Kinh hay A Tỳ Đàm giống nhau, vấn đề là Cõi, tính theo cõi, các cõi có bị trùng. Có nghĩa là: Tầng thiền cao, nhưng phẩm chất yếu thì nó xuống cõi thấp đâm ra dồn có 4 tầng, không có cõi Ngũ thiền. Chỉ có 4 cõi thôi. Nhớ cái đó.
    Cho nên, ở đây không hề có sự mâu thuẫn.
    Để kỹ, quý vị làm ơn vô quyển Giáo lý A Tỳ Đàm quyển 1 coi dùm cái đó.


    Phi nhân

    Hỏi: Một người thường bị phi nhân quấy phá do nguyên nhân nào? Những người phạm giới : Trộm cắp, nghiện ngập, nói dối, lừa gạt,.. có dễ bị phi nhân quấy phá không? Đức Phật dạy “không tạo bất kỳ hình thức kết nối nào với phi nhân” có đúng không, nếu đúng trong bài kinh nào?
    Đáp: 1. Chuyện đầu tiên câu nói rằng “Không có kết nối với Phi nhân” Tôi không thấy.
    Tôi chỉ biết có cái này: 1. Không gần gũi người ác = Người bất thiện. Đó là trong kinh có nói.
    Trong kinh có câu thứ hai “Vị tỳ-kheo hành phạm hành không có lòng sanh về các cõi trời”. Cso nói cái đó.
    Trong kinh Đại bát Niết Bàn, đức Phật có dạy, trách nhiệm người xuất gia, tôi đang nói người xuất gia trước, tập trung chuyên tu, pháp học & pháp hành đó là nói gọn, còn nói rộng là 37 Bồ Đề phần, ngoài ra ba hình thức lễ nghi, kiếng bái, bái sám, không thích hợp cho người xuất gia. Người xuất gia chỉ có tu Tứ Niệm Xứ và học Tam Tạng. Đó là nói người xuất gia.
    Cho nên người xuất gia tránh là tránh cái gì? Tránh người ác, người xấu.
    Còn chuyện kết nối phi nhơn, đó là chuyện tào lao, chuyện vô lý. Mình có thấy nó đâu mà mình kết? Nếu mình làm đúng lời Phật, thì tất cả những đối tượng nào không liên quan gì đến chuyện tu học là mình cũng không liên hệ. Chứ đâu có mắc chứng gì mà lựa riêng phi nhơn ra chi?
    Giống như nói: Một đứa học trò giỏi là nó chỉ tập trung lo bài vở ở trường và ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Hết. Chứ tự nhiên mình tách riêng ra: Học trò giỏi là nó không kết nối với tụi bán vé số, không chơi với tụi đánh giày,… chuyện đó không cần thiết.
    Một đứa học trò giỏi chỉ biết có trường lớp, sách vở và gia đình nó thôi. Nói vậy là được rồi. Tự nhiên tách riêng ra đám đánh giày, đám bán vé số, mấy người bán hàng rong chi? Đó là ruồi bu. Cho nên chuyện đó là bậy.
    2. Nói người đó bị phi nhơn phá là cái bậy thứ 2 nữa.
    Dựa vào đâu mà mình nói người đó bị phi nhơn? Sao không nói họ bị tâm thần? Thời nay ngáo đá nhiều lắm. Ngáo đá là do dùng các chất kích thích. Hoặc là do bẩm sinh người đó thần kinh có vấn đề; Hoặc là do một cú sốc tâm lý nào đó; Nhiều lắm:
    - Một là cú sốc tâm lý;
    - Hai là bẩm sinh tâm thần có vấn đề;
    - Thứ ba nữa là do mình sử dụng chất kích thích;
    - Thứ tư mới tới sự can thiệp tiêu cực của người khuất mặt . Tuy nó là ¼ nhưng thực ra theo tôi nó chỉ 1 % trường hợp thôi. Kể trường hợp thì có 4 đúng, nhưng riêng 3 trường hợp kia : (1) Sử dụng chất kích thích; (2) Bẩm sinh tinh thần có vấn đề (3) Bị cú sốc tâm lý nó mới làm mình ngơ ngơ ngáo ngáo. Ba cái trường hợp này nó chiếm tới 99%. Chỉ có 1% duy nhất, còn lại nó bị sự can thiệp tiêu cực của hàng phi nhơn quấy rối mình.
    3. Nếu đã là phi nhơn thì có cách là mấy người tỉnh, chứ đương sự là coi như xong rồi đó, còn có người tỉnh thôi, người tỉnh tụng kinh rải tâm từ, hồi hướng, hòa giải, thương lượng.
    Chớ còn, đương nhiên đã nói phi nhơn, họ không chịu nhả thì không có thuốc men thầy bà nào được hết trơn. Tôi không tin chuyện đó. Như vậy, làm ơn nhớ dùm.
    Đại kỵ của Phật tử: Một là “nghe nói”, nghe ba chớp ba nhoáng. Hai là tưởng tượng. Tôi nghe mùi Việt Nam rất là nặng: “Là kinh nào Phật dạy không nên nối kết…” ruồi bu. Tại vì, như hồi nãy tôi nói khi anh tập trung chuyện nên làm thì tất cả những gì ngoài ra đều là chuyện không nên làm, chứ mình không cần lấy riêng trường hợp nào hết.
    4. Rồi chuyện cuối cùng, nói người bê bối dễ duôi, bê bối phi nhơn dễ nhập là sai. Vì sao?
    Theo trong kinh, Phi nhơn ở đâu ra? Nó cũng trong thế giới loài người ra, đúng không? Hễ trong thế giới loài người nào thì trong phi nhơn y chang vậy. Trong thế giới loài người nó có những thằng du côn nể mặt người lớn tuổi, nể mặt phụ nữ, nể mặt người tu hành. Có. Nhưng tôi biết có mấy thằng lưu manh nó khoái ăn hiếp mấy người hiền. Nó lạ lắm.
    Thí dụ, Việt Nam được xem là dân tộc anh hùng là vì sao? Là vì một ông thầy tu đi ngoài đường cả làng nó bu lại “thầy chùa, thầy chùa” chứ bên nước ngoài theo tôi biết không có chuyện đó. Tôi ở bên này mấy chục năm tôi không biết trường hợp người ta đầu trọc đi ra đường cả xóm đổ ra chọc. Tôi thấy không có. Và đặc biệt, mấy thằng xăm mình, mấy anh xăm mình, cạo đầu, cả xóm không dám chọc, mà đè thầy chùa chọc, tại nó biết thầy chùa không làm gì nó. Đó là tánh anh hùng của dân tộc Việt Nam 4000 năm văn hiến. Phi nhơn y chang vậy.
    Phi nhơn nó có loại phi nhơn khoái phá người tu. Phi nhơn có loại khoái phá người trong phạm vi năng lực của ảnh. Thí dụ như, mấy người không có đức độ gì hết mà lê la nghĩa trang, đường vắng, nhà hoang, thí dụ như vậy, thì ảnh phá. Một là xâm phạm chỗ ở người ta người ta bực người ta phá. Hai là người ta nghịch ngợm, thấy người nào phá được thì phá cho vui, muốn coi thằng này nó chạy kiểu gì, mình hiện ra cười cười coi nó chạy kiểu gì. Nhưng mà đó là trường hợp 2, thấy người nào phá được thì phá, phá cho vui. Hoặc là mình xâm phạm họ bực họ phá, nhưng trường hợp 1 là có những loài phi nhơn đặc biệt khoái phá người tu thôi. Vì nó thích vậy đó. Như người mình vậy đó. Có nhiều khi mình thích phá người hiền, phá người mình cảm thấy an toàn, vô hại.
    Hoặc là như tr ong kinh nói Ác ma rất ghét mấy người tu hành chân chánh, đối với Ác ma đó là cái gai trong mắt, mà người “được” Ác ma phá người đó là bậc đại nhân, cỡ ruồi bu Ác ma không thèm nhìn tới đâu. Ác má phá là tầm như các bậc đại thánh, ngài Mục Kiền Liên, ngài Anan, chứ cỡ dưới mức đó là Ác ma không có rảnh. Đại khái vậy.


    Phước tuệ

    Hỏi: Quy y Tam Bảo - Nhật tụng Kālāma có câu : “Quy y Phật noi gương thiện thệ, nguyện một đời Phước tuệ song tu” hiểu là tu chỉ, tu Quán, đúng không?
    Đáp: Phước huệ là gì? Phước huệ ở đây có nghĩa là Phước vô lậu & Hữu lậu. Nghe kịp không? Phước dẫn đến quả Nhân thiên & Phước dẫn đến trí tuệ giải thoát.
    Hễ mình còn trong cõi Nhân thiên thì mình còn cần ăn, mặc, ăn ngon, mặc đẹp, sức khỏe, nhan sắc, trí thông minh, quyền lực, tình cảm,… mình cần tùm lum. Đó gọi là Phước luân hồi.
    Nhưng đến Giải thoát, mình cần một thứ một: Đó là bao nhiêu công đức
    “Phước lành con đã tạo ra - Các đời quá khứ hay là đời nay - Nghiệp chưa cho quả phút nào - Nguyện thành Pháp Ðộ để vào thiện căn - Sau nầy dù tạo mấy lần - Từ đây cho đến vô sanh Niết Bàn – Hễ làm chuyện tốt sẵn sàng - Mỗi điều hạnh phúc thành đoàn Nhân Duyên - Giúp cho phiền não sớm yên - Trợ mau giải thoát kế liền kiếp sau - Nếu trễ chẳng gặp Phật nào - Nhằm kỳ Ðộc Giác làm sao cũng thành”
    Con chỉ nguyện có một chuyện thôi: Tất cả phước lành nào chưa cho quả con dồn hết vô tài khoản giải thoát, có hiểu không? Có hiểu tài khoản không? Không hiểu tôi cho gởi vô đó vài chục ngàn nó hiểu, nó bớt ngu.
    Tất cả công đức chuyển hết vô tài khoản giải thoát. Nó gọi là Huệ. Mình cần cái Huệ thôi. Còn mình còn luân hồi thì “ Kẻ hành nhân trên đường vạn lý” mà cũng cần trạm dừng mát mẻ, có cái ăn cái mặc, có bóng mát, bóng râm, cho nó dễ chịu nhưng mục đích cuối cùng của mình là có thánh trí giải thoát. Phước huệ là vậy.


    Phân biệt cúng dường

    Hỏi: Kinh “Phân biệt cúng dường” mình hiểu đối tượng cúng dường quan trọng như thế nào. Ngày xưa gặp đâu mình cúng dường, không cần biết đối tượng, có lòng bi mẫn thì cúng dường. Nhưng bây giờ, trong tâm có sự tính toàn, muốn cúng dường được phước lớn, chú tâm đến đối tượng cúng dường, nó có sai không?
    Đáp: Nó như thế này.
    Phật pháp khác ngoài đời tí, chỗ này: Ngoài đời, công thức thấy chỗ nào có lời có lãi nhiều thì mình dồn hết chỗ đó. Nhưng nó kẹt cái trong đạo không phải vậy.
    Trong Đạo nó có 2 trường hợp. Nghe cho kỹ nha.:
    1. Khi phân tích thì đức Phật Ngài cũng nói trường hợp này phước nhiều trường hợp phước không nhiều bằng.
    2. Nhưng mà đối với một người hành thiện lánh ác, hễ thấy ác là tránh hễ thấy thiện là làm, bất kể là ác gì cũng tránh mà bất kể thiện gì cũng làm.
    Cho nên trường hợp một, Ngài phân tích cho mình thấy ờ đây nè, trường hợp này phước nhiều. Đó là trường hợp một. Ngài nói cho mình biết vậy. Nhưng mà trường hợp hai, người đã có lòng hành thiện lánh ác thì ác gì cũng lánh và thiện gì cũng làm. Miễn sao việc đó mình thực hiện không ép mình, không ép người. Thí dụ, ép mình = vì làm công đức đó mà mình bị khó khăn, chật vật gì đó trong cuộc sống; ép người = Vì công đức đó mình khiến ai đó khó xử.
    Thí dụ, ngày Quốc tế phụ nữ, bà xả bả có ý coi mình coi có quà cáp hay coi mình có đưa bả đi đâu chơi không. Còn đằng này mình vô mình nói: Mai để lên núi Dinh cúng cho ngài Hộ Pháp cái máy lọc nước. Coi như là rồi xong. Các vị tưởng tượng, một năm bả làm như là con bò, những công việc nội trợ là những công việc vô danh không có lương, tệ hơn osin. Mà trong khi trong bụng cũng mong mong ngày phụ nữ, 8.3 chứ không lẽ “Hôm nay mồng tám tháng ba tôi giặt dùm bà cái áo của tui” hoặc là “Hôm nay mồng tám tháng ba chị em phụ nữ đi ra đi vào” thì buồn quá. Thậm chí, người ta còn nói Tại sao giỗ tổ Hùng Vương ngày 10.3 vì ngày 8.3 ổng quên mua quà cho nên ngày 10.3 là ngày giỗ ổng luôn. Nó có lý chứ không phải không.
    Cho nên, nếu mình làm phước, mình làm công đức gì đó mà nó đem lại sự gây khó cho mình hoặc tạo ra cái gì đó không thoải mái cho người khác thì phải xét lại. Chỉ trường hợp đó thôi. Chứ còn bao nhiêu trường hợp còn lại, hễ công đức nào làm được, thì nên làm, không có phân biệt đối tượng. Vì sao? Vì nên nhớ cái này, có 2 gạch đầu dòng quan trọng:
    1. Nói trên mặt kỹ thuật, technique là đúng cúng cho đối tượng này phước nhiều hơn đối tượng kia, nhưng mà nó có trường hợp thứ hai.
    2. Tấm lòng thiện tâm nó đạt tới cảnh giới vô biên nó mới đem đến công đức vô lượng được.
    Nói trong room nghe kịp không?
    Trong bài kinh Cúng dường phân biệt, đức Phật Ngài cho biết: Ruộng này tốt hơn ruộng này. Đúng. Đó là Ngài nói đến đối tượng thôi.
    Nhưng chỗ khác Ngài cho mình biết: Con làm công đức với tâm lý thế nào thì công đức sẽ theo đó mà tính. Thí dụ, như tâm vô lượng sẽ đem lại công đức vô lượng. Nhớ cái đó, có.
    Mình thấy trong các công đức đâu có công đức nào vô lượng đâu, được gắn chữ Appamañña đâu, riêng Tứ vô lượng tâm được đức Phật Ngài xác định, trong Nhật tụng Kālāma quyển 3, “Này các tỳ-kheo, trong các công đức sinh tử, các công đức hữu lậu, công đức tu tập Bốn Vô lượng tâm là công đức tối thắng, tối thượng”. Bởi vì sao? Vì đã nói vô lượng là nó không có hạn chế, không có biên giới, không có giới tuyến. Khi đạt tới tâm không còn bị hạn chế, nó mới vô lượng. Còn khi mình bị bó thì công đức nó ít.
    Thí dụ, mình cúng dường với đức Phật mà bằng tình riêng không bằng cúng dường Tăng chúng có Thế Tôn trong đó. Cúng dường đến Tăng chúng có đức Phật là tọa chủ là số một. Trường hợp số 2, cúng dường cho Tăng chúng lòng không phân biệt, chỉ nghĩ đây là Tăng bảo. Tăng Bảo là đại diện cho Thế Tôn, đại diện cho giáo pháp, nghĩ như vậy, công đức vô lượng. Còn nhiều hơn là cúng dường cho một cá nhân nào đó mà mình nghĩ đây là khả kính, đây là sư phụ của tui, đây là vị đắc A La Hán, Lục Thông, Tam Minh và Bốn Trí Vô Ngại, theo tôi biết khi mình khư khư như vậy thì công đức nó ít hơn. Tác ý đến Tăng, nghĩ rằng đây là biển Tăng, ruộng phước của đời, đây là đại biểu, đại diện cho Thế Tôn, cho Giáo pháp, cho Tăng Bảo. Nhớ.
    Cuối cùng, các vị vào trong Tăng Chi, phần 5 pháp, có câu chuyện, trong Chánh kinh.
    Vào một đêm kia, một trong bốn vị thiên vương trong Tứ Thiên Vương có công việc, đi ngang ngôi làng nghe tiếng tụng kinh của một bà tín nữ, trong kinh nói rõ kinh gì, kinh pariyana, trong Tiểu Bộ. Vị này dừng lại nghe. Nghe tụng xong, vị này dùng thần thông cho bà tín nữ thấy gương mặt của mình đẹp, trong kinh nói gương mặt vàng, bả nhìn thấy, trong kinh kêu là bhadramukha mình dịch “Kim diện Phật” ở đây ai biết Lục Tiểu Phụng không ta? Lục Tiểu Phụng là một nhân vật trong kiếm hiệp, mặt ổng đẹp lắm. Thì bà tín nữ hỏi vị nào đẹp quá vậy? Vị đó nói : Tôi là Vasravana, thiên vương Tỳ Sa môn, có việc đi ngang đây, nghe bà chị tụng kinh tôi dừng lại tôi nghe. Tôi hoan hỷ lắm. Tôi muốn tặng bà chị món quà.
    Câu chuyện này rất quan trọng. Nó quan trọng chỗ nào? Nó quan trọng nhiều điểm, riêng chỗ này là nó quan trọng nè: Mưa trên trời rơi xuống không phân biệt nơi chốn nhưng nếu mình là miếng đất dọn sẵn thì cơn mưa giúp rất là nhiều, nhưng nếu mình là miếng đất đầy cỏ dại thì mưa xuống chỉ có hai thôi, hoặc mình là nền xi măng hay miếng ny-lông thì mưa xuống trớt quớt, trôi hết. Ở đây cũng vậy. Trong cuộc đời này có rất nhiều cơ hội tốt cho chuyện gì đó. Bất kể, nhưng mình gọi chung là cơ hội tốt. Nếu mình không trang bị sẵn điều kiện để đón nhận những điều kiện đó thì coi như trớt quớt. Nhớ nha.
    Ở đây cũng vậy. Nếu người Việt Nam mình nghe ông này nói “tôi cho bà món quà” thì có lẽ mình tưởng vàng hả, bạc hả, nhưng mà không. Bả lắng nghe, ổng nói “tôi muốn cho bà món quà, đó là: Tôn giả Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên đang có việc đi ngang qua làng này vào buổi sáng sớm, cả 500 vị không có gì ăn sáng hết”. Đó là món quà tôi tặng cho bà đó.
    Trong room nghe hiểu không? Các vị có coi đó là món quà lớn không? Chứ tui đọc tới đó là tui thấy ước gì tôi gặp món quà đó là nó đã. Bả nghe bà chết điếng rồi, nghe 2 vị tổ sư đi ngang với 500 vị bụng đói là bả sướng điếng. Bả mới lập tức, bả là đại gia mà, bả chỉ cần quay qua bảo ban mấy câu là 500 phần ăn sáng tinh tươm, chỉn chu. Xong Bả cho người ra đầu làng đứng chờ, chờ 2 bậc long tượng, đại đệ tử tới mới thỉnh, rước các vị vào.
    Các vị vào các vị ngồi xuống rồi mới hỏi: Làm sao bà biết chúng tôi đi ngang?
    Bả nói: Dạ, con đâu có phù phép gì mà biết. Cái ông đó đó, bả mới kể lại.
    Ngài Xá Lợi Phất mới khen : Người bình thường làm sao có thể diện kiến nói có thể tiếp xúc được với Thiên vương như vậy, trong khi sư tỷ có thể được cơ hội đó.
    Cái bả nói: Chưa đặc biệt đâu, cái này mới đặc biệt nè, bạch Ngài, trước mặt bốn chúng, Thế Tôn đã xác nhận con đã chấm dứt 5 hạ phần kiết sử, sau đời sống này, con không quay lại cõi Dục.
    Ngài Xá Lợi Phất nói: Lành thay, một người cư sĩ mà như vậy.
    Bả nói: Bạch Ngài, chưa đâu còn nữa. Con có thể chứng nhập Sơ Nhị Tam Tứ thiền rẹt rẹt như lấy đồ trong túi.
    Ngài Xá Lợi Phất nói: Sādhu, Lành thay. Sư tỷ là một cư sĩ mà như vậy.
    Bạch Ngài chưa đâu còn nữa.
    Cái này bà con banh lỗ tai ra nghe nè.
    “Bạch ngài còn nữa. Khi đối diện trước chúng tỷ kheo cúng dường, con không hề có phân biệt ai là A La Hán ,ai là Tu Đà Hườn, ai là phá giới, ai là trong sạch, đối với con khi con đặt bát cúng dường cho chúng tỳ-kheo con không hề phân biệt”. “Bạch Ngài, đây mới là điều đặc biệt của con. Và Thế Tôn biết chuyện đó”.
    Là mình thấy cái đó mới ghê đó. Có nghĩa là bả đắc Tứ thiền, mà Tam Quả A Na Hàm, Bất Lai Phàm trần. Mà một trong những điều gọi là nét son của các vị đó là không phân biệt. Đạt đến cảnh giới đó. Mặc dù mấy vị đó không cầu công đức nữa, hết rồi tại vì Tam Quả là dzọt về trên Tịnh Cư mấy vị đâu cần ba vụ Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc dưới đây nữa. Đâu cần. Nhưng nói về mặt kỹ thuật, tấm lòng đó cho công đức không bến bờ nào kể xiết. Bất khả tư nghì.
    Cho nên, một trong năm pháp đặc biệt của bà, trong đó có cái: Đối trước chúng tăng con cúng dường không phân biệt.
    Thì ok, trách nhiệm thì tôi trưng dẫn hết cho bà con nghe, còn bà con muốn hiểu sao thì hiểu./.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com