← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 27/11/2022
Kalama tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép

Vấn đáp Zoom 27/11/2022
* Dạ xoa
* Lý duyên khởi trong lộ tâm
* Bước đầu học Phật
* Nghe pháp trong lúc dùng bữa
* Sám hối
* Di chúc
* Người thân hư xấu
* Cửu phần giáo pháp
* Qua bờ bên kia
* Niệm ân đức Phật

Dạ xoa
Hỏi: Trong bài kinh Đức Phật cảm thắng Dạ xoa Alavaka, là người nhị nhân, theo A Tỳ Đàm người nhị nhân không thể đắc quả, xin sư giải thích?
Đáp:
Câu trả lời vắn tắt thôi.
Dạ xoa là một bộ chúng trong nhiều bộ chúng của Tứ thiên vương. Trong bộ chúng Dạ Xoa cũng có người vô nhân, nhị nhân, và tam nhân. Cũng có những vị Sơ Quả, Nhị Quả, chứ không phải Dạ xoa là phải vô nhân, nhị nhân không.
Trong các bộ chúng của Tứ thiên vương chỉ có Rồng, Kim Sí Điểu, một loại nữa gọi là Vemanikapeta – Á Thiên – Loài này là nửa chư Thiên, nửa ngạ quỷ, do tiền nghiệp đời trước có lúc tu lúc không. Có lúc thời gian tu nhiều rồi dễ duôi, có khi tu ít, dễ duôi, tùy chuyện mình tu nhiều dễ duôi hay tu ít dễ duôi tới lúc bị đọa làm loại này, tính theo chủng loại nó là ngạ quỷ, nhưng tùy cá nhân. Như hồi nãy tôi nói. Ví dụ, một ngày tu vài giờ dễ duôi vài giờ, hoặc là tu 5,3 ngày dễ duôi 5, 3 ngày, hoặc tu vài tháng dễ duôi vài tháng. Giống như có người lên bờ làm cư sĩ, hết thời gian lên bờ thì đi biển, đi đánh cá, hoặc hết thời gian làm trại chăn nuôi gia súc giết thịt họ quay trở về họ một năm có mấy tháng tu. Thí dụ vậy. Khi họ làm loài này, họ làm ngạ quỷ, nhưng do họ có tu nên ngày sướng đêm khổ hoặc đêm sướng ngày khổ.
Lúc sướng = như chư Thiên từ thức ăn tới dung sắc, hào quang, thần lực, y như chư Thiên vậy đó, y như chư Thiên Tứ Thiên Vương.
Lúc khổ = có trăm ngàn cách khổ, có người bị lửa đốt, có người bị côn trùng, thú dữ ăn thịt, chích, đốt,….
Nhưng mà đại khái có loài ngày sướng đêm khổ, đêm sướng ngày khổ, hoặc là tuần lễ sướng -tuần lễ khổ, 3 tháng sướng - 3 tháng khổ, 6 tháng sướng – 6 tháng khổ,… vậy đó. Loại này được gọi là thuộc về bộ chúng Tứ Thiên Vương, khi họ sướng giống chư Thiên, họ là bộ chúng Tứ thiên vương, lúc chịu khổ họ thuộc Ngạ Quỷ. Nhớ cái đó. Chỉ có loại đó thôi.
Loại thứ 2 là Kim Sí Điểu là một loại chim đại bàng. Loài thứ ba là rồng. Đây là những loài, bắt buộc phải hiểu nó tái sinh bằng tâm vô nhân, không nhân tố trí tuệ để đắc thiền đắc đạo. Chứ còn ngoài ra Dạ Xoa, Càn Thác Bà trong đó có đủ hết. Trong Dạ Xoa, Càn Thác Bà có nhị nhân, có tam nhân, và khi họ chứng quả rồi họ vẫn là Thánh nhân.
Chứ chuyện nói Dạ xoa là nhị nhân là hiểu sai, chứ cái đó không có.
Alavaka là vị Dạ Xoa Tam nhân.

Lý duyên khởi trong lộ tâm
Hỏi: Lý duyên khởi được áp dụng trong vòng sanh tử của chúng sanh, có người nói, lý duyên khởi được áp dụng trong trường hợp khác như trong một lộ trình tâm. Áp dụng như thế nào?
Đáp: Đúng rồi.
Học trên công thức có nhiều người hiểu lầm cứ tưởng lý Duyên khởi là chỉ có trong chuyện đời này kiếp khác. Thật ra, nếu có học A Tỳ Đàm, người hỏi câu này là người không học A Tỳ Đàm. Tôi chỉ vẽ hành trình duyên khởi trong 1 phút là các vị thấy.
Con mắt mình = Quả tiền nghiệp quá khứ. Do tiền nghiệp quá khứ mình mới có mắt, có lỗ tai, có cái mũi là quả Quá khứ. Quả quá khứ là sao? Do kiếp trước có Vô Minh nên mới tạo nghiệp thiện ác, do có nghiệp thiện ác liên hệ dục ái cho nên đời này mới sanh cõi Dục giới. Nghe kỹ không? Do Vô Minh, mình mới tạo nghiệp thiện ác rồi cũng do Vô Minh mình mới có Dục Ái. Chính Dục Ái đưa mình về cõi Dục giới, ở đó mình có mắt, mũi, tai,… Trong khoảnh khắc ngay bây giờ mình nghe âm thanh gì mình thấy thích = Ái. Trong lúc mình thích nó đã có Xúc, có 6 nhập – vì nó có nhĩ xứ mà, rồi có nhĩ xúc, nhĩ thọ - cảm thọ lỗ tai lúc nghe, rồi mới có Thinh Ái – nghe có cái thích. Ái đó ở mức sâu nặng gọi là Thủ. Hễ có Ái, có Thủ là ngay cùng lúc đó đã có tạo nghiệp hữu = Nghiệp thiện ác. Hễ có nghiệp hữu thì ngay lúc đó mình tạo Sanh hữu = Tâm đầu thai các cõi.
Như vậy, ngay khoảnh khắc tôi nghe giọng nói, tiếng cười, một câu hát mà tôi thích ngay lúc đó đã có Vô Minh. Không có Vô Minh sao có Ái được. Ngay lúc đó, bản thân cái Ái cũng là Hành, vì nó là 12 bất thiện mà. Như vậy thì ngay lúc đó có : Vô Minh, Phi phúc hành, Lục nhập, Ái, Thọ, Xúc, Thủ, Hữu. Như vậy, chỉ trong tích tắc 1 giây đồng hồ là 12 Duyên khởi đã nằm trong đó rồi.
Đó là tôi chỉ nói vắn tắt.
Người không hiểu thì phải chịu khó mở cuốn A Tỳ Đàm quyển 2 (ấn bản cũ dò mục lục phần Giáo lý duyên khời; Ấn bản mới thì trong cuốn 1), hoặc là đi học lớp. còn người không hiểu thì tôi tin chắc nói tới đây họ cũng không hiểu.
Đại khái như vậy. Đây là câu hỏi của người mù tịt hoàn toàn không hiểu gì về lý Duyên khởi, chỉ nghe loáng thoáng thôi. Kẹt, quý vị hỏi thì phải nói, khi tôi hỏi tôi biết chắc luôn, người biết A Tỳ Đàm không cần nghe câu trả lời này. Còn người không biết có nghe 1000 lần câu này cũng không hiểu.

Bước đầu học Phật
Hỏi: Phật tử mới bước đầu học Phật cần trang bị những kiến thức nào?
Đáp:
Câu này trả lời một tháng chưa hết cũng có thể trả lời trong mấy phút. Tôi nói lại, trả lời câu này mấy tháng không hết, nhưng trả lời ngắn gọn vài phút thôi.
Chuyện đầu tiên mà cũng là chuyện cuối cùng trong đạo Phật phải ý thức được rằng: Sự có mặt của tấm thân này là khổ. Dầu là sự có mặt của một vị trời hay của một con heo, con dòi, của một ông hoàng hay hành khất, ăn mày thì mọi sự có mặt đều là khổ. Chuyện đầu tiên phải có cái đó trước đã. Không có nhận thức này đừng nói chuyện gì nữa.
Đằng sau nhận thức này là phải học giáo lý. Có một điều, nếu mình là cư sĩ có ý đi xuất gia thì cái học bắt buộc phải quy mô, bài bản, sâu, rộng. Nếu mình chỉ là cư sĩ suốt đời không đi xuất gia, giữ 5 giới, 8 giới thì yêu cầu về kiến thức giáo lý đương nhiên là tự do, mình là cư sĩ mà mình không học không ai làm gì mình hết. Nếu có chút cẩn trọng thì dầu là cư sĩ cũng nên học căn bản về giáo lý.
Nói tới đây tôi hơi do dự bởi vì có rất nhiều Tăng ni, Phật tử trong nước chống A Tỳ Đàm. Các vị nghĩ A Tỳ Đàm không mắc mớ gì chuyện tu học. Mà nó khổ nỗi, không A Tỳ Đàm không hiểu kinh tạng. Như vậy, không học A Tỳ Đàm là chuyện đầu tiên bỏ hết 2 tạng rồi. Đối với tạng thứ 3, mình là cư sĩ mình không có nhu cầu học tạng Luật của tăng ni. Thích thì coi cho biết chứ mình không có nhu cầu. Như vậy, chỉ cần không cần học A Tỳ Đàm thì coi như 3 tạng không cần biết. Đây là lý do vì sao phải học A Tỳ Đàm. Không học A Tỳ Đàm không hiểu được tạng kinh. Mà không hiểu được tạng Kinh, chuyện đầu tiên là bỏ hết 2 tạng qua 1 bên. Rồi mình là cư sĩ, mắc mớ gì học tạng luật, bỏ thêm 1 tạng qua một bên là 3 tạng.
Trên đầu thờ Phật, lạy Phật, miệng nói tin Phật, tu Phật mà bỏ 3 tạng qua một bên thì tu cái gì?
Cho nên, bắt buộc phải học giáo lý A Tỳ Đàm. A Tỳ Đàm nó mênh mông lắm. Các vị bắt buộc phải quay trở lại, nhiều tài liệu lắm. Vào google đánh “A Tỳ Đàm, Vi Diệu Pháp, siêu lý học thích tài liệu nào của soạn giả nào, tác giả nào, dịch giả nào thì theo tác giả đó mình học, chứ làm sao tôi dám đề nghị học cuốn nào. Nghĩ sao nói vậy thôi.
Phải học giáo lý A Tỳ Đàm. Vì có học cái đó, trước mắt trong đời sống mình biết thế nào là thiện, thế nào là ác, thế nào là nên thế nào không nên. Học A Tỳ Đàm mình sẽ bỏ nhiều hoang mang nghi hoặc vớ vẩn mất thời gian. Đồng thời, khi bắt tay vào tu tập Tứ Niệm Xứ nó thông suốt, không bị vướng kẹt. Chứ còn thầy bà thiền sư gì đi nữa họ không thể nắm tay dắt đi từng bước được. Phần căn bản vẫn là mình. Thiền sư, sư phụ hỗ trợ một phần nào đó thôi. Đó là lý do vì sao tôi nói hoài.
Trong kinh đức Phật nhấn mạnh: Bổn phận của người tu Phật dầu xuất gia hay cư sĩ phải là Pháp học – Pháp hành.
Pháp học = bắt buộc học A Tỳ Đàm.
Pháp hành = sống Chánh niệm, tức là Tứ Niệm Xứ. Nhiều người hiểu lầm, tu Tứ Niệm Xứ phải là hành giả mặc áo màu gì, ở trong thiền viện. No. No. Học giáo lý & Sống chánh niệm đã là hành giả rồi. Còn chuyện bắt buộc có khóa thiền phải dự khóa 1 tuần, 2 tuần, một ngày mấy tiếng đồng hồ thì cái đó tôi khẳng định, nếu hiểu vậy là sai bét.
Trong kinh không có bài kinh nào xác định mình phải ngồi 1 tiếng, 5 tiếng, 10 tiếng không có. Mà trong kinh có nói thế này: Chánh niệm, tỉnh giác trong từng sinh hoạt lớn nhỏ; Chánh niệm- tỉnh giác trong từng cảm xúc, tâm trạng. Có. Trong kinh có nói cái đó, chứ trong kinh không có bài kinh nào đặt vấn đề phải ngồi bao lâu hết. Không có. Cũng không đặt vấn đề mình phải sinh hoạt theo khuôn thước lề lối nào, không có. Chỉ có người xuất gia thì phải tuân thủ giới luật người xuất gia thôi. Chứ còn người cư sĩ thì tung tăng tha hồ, miễn là đừng sống tà mạng thôi.
Cái quan trọng nhất là học giáo lý và sống chánh niệm trong điều kiện có thể.

Phụng sự Tam Bảo
Hỏi: Cận sự nam, cận sự nữ phải phụng sự Tam Bảo như thế nào cho hợp lẽ?
Đáp:
Câu này chỉ cần 3 phút thôi. Hộ trì có 3 cách:
1. Hộ trị vị học pháp = Hỗ trợ vị tăng ni có điều kiện để học tập, nghiên cứu, phiên dịch, in ấn,… gọi là hỗ trợ vị học pháp.
2. Hộ trì vị hoằng pháp = Mình coi thí dụ, ông sư A, sư B, chùa A, chùa B, mỗi tuần có mấy lớp giảng giáo lý hay mấy thời pháp lệ sám hối 30, 15, thì mình coi trong những lớp học, buổi đó mình làm cái gì cho việc dạy học cho vị đó được suôn sẻ thuận lợi thì mình làm là hỗ trợ người hoằng pháp.
3. Hộ trị vì hành pháp = Mình coi mấy vị hành giả, tăng ni cư sĩ khi họ cần chỗ ở, thuốc men, y phục, thuốc men, điều kiện sinh hoạt, họ cần cái gì thì mình chăm bẵm cái đó mình hỗ trợ thôi. Chứ mình không thể nào sức mình ôm đồm hết mọi chuyện.
Mình coi mình làm được cái gì. Có trường hợp mình tiện tay mình làm thì thôi, tôi không nói. Nhưng nếu mình dốc lòng muốn hỗ trợ tăng ni, Tam Bảo một cách hiệu quả thì mình phải xác định coi mình coi nặng cái gì mình tập trung một chuyện thôi cho hiệu quả. Thí dụ, đối với tôi, tôi thấy tăng ni nào cũng cần được hỗ trợ nếu vị đó nằm 1 trong 3 diện tôi vừa nói: Học pháp, hoằng pháp, hành pháp. Mình coi cái nào tiện thì mình hỗ trợ cái đó.
Riêng bản thân mình chỉ hỗ trợ mà mình không trang bị kiến thức giáo lý và không sống đạo, không chánh niệm thì tới già, tới bệnh, tới chết khổ lắm. Cho nên, hỗ trợ gì thì hỗ trợ nhưng chuyện đầu tiên, căn bản phải lo mình trước, sau mình mới tới người ta.

Nghe pháp trong lúc dùng bữa
Hỏi : Nghe pháp trong lúc dùng bữa có tạo nghiệp bị đọa không?
Đáp:
Tầm bậy tầm bạ nữa. Đó, thấy không? Cái người học A Tỳ Đàm không bao giờ hỏi câu vớ vẩn như vậy hết. Thấy chưa? Thấy chưa? Người học A Tỳ Đàm họ sẽ hiểu ngay một điều: Vạn pháp do duyên tùy thời tiến thoái.
Người học A Tỳ Đàm họ luôn luôn họ thuộc lòng câu thần chú này: VẠN PHÁP DO DUYÊN TÙY THỜI TIẾN THOÁI. Mọi sự ở đời mình không thể nào mình sắp xếp như ý mình được hết mà nó là duyên, do các điều kiện; Thứ hai là tùy thời tiến thoái, thí dụ, người ta giàu người ta có điều kiện sinh hoạt khác. Người ta có tiền, người ta có sức khỏe, người ta có thời gian, người ta có điều kiện sinh hoạt người ta khác. Còn giờ tui nghèo, thì tui cũng phải tu tập theo kiểu người nghèo chứ. Thí dụ, nhà tui là nhà cấp 4, có mấy mét vuông, xài bếp lò xo tắm ri-đô, con ngồi ăn bên đây, con tôi tắm bên kia, đứa thì ngồi học bài bên đây thì phải làm sao? Trong điều kiện như vậy đó thì tất cả cái gì trộn được thì tôi trộn hết.
Cái quan trọng nhất trong A Tỳ Đàm là chủ ý hành động – cetana. Chủ ý quan trọng. Chứ mình không có điều kiện mà mình đòi giống người ta thời điểm, nơi chốn, điều kiện, phòng ốc trang nghiêm thì kẹt lắm. Rất là kẹt.
Cho nên, mình cứ nhớ câu thần chú: VẠN PHÁP DO DUYÊN – TÙY THỜI TIẾN THOÁI. Có nghĩa là chuyện đầu tiên, do duyên đẩy tới đó mình làm tới đó, và tùy thời điểm có lúc mình thấy làm được tới đâu mình làm. Còn chuyện, đang ăn nghe pháp, ông sư ông giảng ngay lúc đó mà lúc đó mình không chịu ăn, chờ ổng giảng xong 12h khuya mình ăn mình ôm bụng vô ngủ? mình ăn xong mình phải đi tắm nữa chứ, hoặc là tranh thủ ăn xong đi làm giờ liền, mà giờ mình phải cung kính, mặc áo trắng, tắm rửa sạch sẽ, đốt trầm, ngồi nghe xong rồi thời gian đâu mà làm chuyện khác, rồi giờ giấc sinh hoạt khó khăn.
Cho nên, cứ thoải mái. Không lẽ tôi nói nó kỳ chứ mình mặc xà lỏn, ở trần mình nghe cũng được. Miễn là đừng có đi vào chùa với trang phục đó, không được. Trong chánh điện người ta mà mình mặc xà lỏn, áo ba lô vô chánh điện người ta mình ngồi cũng kỳ. Chứ còn ở nhà mình, đâu ai thấy mình đâu, quan trọng là mình nghe với chủ ý gì. Mình tranh thủ một tuần ông sư giảng có mấy tiếng đồng hồ, một tuần ổng giảng có 2 tiếng, 1 tiếng thôi, trong khi mình tranh thủ mình nghe, kể cả vô toa lét mình xách cái máy vô mình nghe, nghe được bao nhiêu mình nghe. Đại khái như vậy.

Sám hối
Hỏi: Cách sám hối trong quá khứ có loạn luân, bê bối trong tình cảm,…?
Đáp:
Trong Kālāma 3. Đó, nghe là biết, người này không đọc kinh.
Tôi nói lần nữa, Tôi rất khó xử khi tôi giới thiệu bà con đọc sách của tôi, riêng Nhật tụng Kālāma tôi không ngại vì cái đó không phải sách của tôi, tôi chỉ là người sưu lục và có dịch lại, một số bản dịch hơi tối thì có dịch lại, có bản Pāli kế bên chứ không phải do tôi sáng tác. Cho nên tôi mạnh miệng giới thiệu. Tức là tôi lựa mấy bài kinh tôi cho rằng đặc biệt gắn bó mật thiết với đời sống tu học của tăng ni, cư sĩ nói chung.
Đức Phật có dạy rất rõ: Đã làm phàm phu ai cũng có lỗi hết, mình chỉ nên nhớ đến cái lỗi với ý thức lấy đó làm kinh nghiệm từ bỏ không tiếp tục trong tương lai, còn nếu mình biến nỗi ray rứt thành vết thương rỉ máu thì không nên, mà chỉ nên ghi nhớ theo cách bệnh nhân nhớ đến giờ uống thuốc thì được. Bệnh nhân chỉ nhớ bệnh mình để uống thuốc, để sinh hoạt đúng cách theo lời dặn bác sĩ chứ còn mình nh để lo sợ buồn đau thì không nên.
Bệnh nhân có 2 cách nhớ về bệnh của mình:
(1) Nhớ để lo sợ buồn đau, nhớ để tiêu cực, bệnh hoạn.
(2) Nhớ để sinh hoạt đúng mức, đúng cách.
Ai cũng có lỗi lầm hết. Thay vì nhớ hoài chuyện cũ tại sao có bao nhiêu chuyện mới hay ho hơn mình không nhớ? Tự nhủ lòng câu đó. Thay vì nhớ chuyện cũ làm phiền mình, không lợi ích gì hết, mà có bao nhiêu chuyện mới hay ho mình không nhớ? Nếu cả tâm niệm này mà mình cũng không có được, không nhận thức được thì tôi bó tay. Tôi chỉ giúp tới đó thôi. Tôi chỉ giúp câu thần chú thôi.
Có nghĩa là, mỗi lần bị ray rứt nhớ thế này: Thay vì quay về chuyện cũ để lòng thêm xốn xang, ray rứt mất thời gian. Tại sao có biết bao nhiêu chuyện mới thí dụ một ngày mở kinh điển ra ghi chép điều mình tâm đắc, những bài học quan trọng cho đoạn đường sắp tới, cái đó mới quan trọng.
Chuyện thứ hai, đồng ý những ám ảnh quá khứ luôn luôn có thật. Tôi không phủ nhận cái đó. Bởi vì bữa hổm tôi có nói nhiều lần.
- Có người ray rứt chỉ để khổ.
- Có người ray rứt lấy làm kinh nghiệm sống.
- Có người chuyện qua rồi thì bỏ tập trung lo chuyện mới.
Bởi vì người ta có câu: Phạm lỗi lần 2 không còn là sơ ý, tai nạn mà nó là thói quen, cố ý. Có câu đó. Đây là những câu thần chú phải nhớ. Còn chuyện, đời sống mình không riêng gì chuyện tình cảm, mình còn có vô số bất thiện khác, nếu chuyện nào mình cũng biến thành nỗi đau ray rứt, vết thương rỉ máu thì không có cách nào tu học được hết.
Cho nên, nhớ có 3 hạng:
1. Hạng 1: Coi lỗi cũ là vết thương để sống đời đau khổ.
2. Hạng 2: Coi lỗi cũ là bài học để rút kinh nghiệm.
3. Hạng 3: Thấy chuyện gì không đáng nhớ thì bỏ qua, tập trung cho chuyện mới.
Đó là câu trả lời.

Di chúc
Hỏi: Đức Phật có dạy cách viết di chúc để lại tài sản cho người thân, cách sử dụng tài sản cho người thân không?
Đáp:
Câu trả lời có trong Kālāma 3.
Ông đệ nhất cư sĩ của đức Phật, trước khi mất dặn con cháu trong nhà thế này: Khi ta mất rồi, phải nhớ 4 điều:
1. Làm cách nào tiếp tục giữ lại niềm tin nơi Phật, Thế Tôn, A La Hán, Chánh Đẳng Giác.
2. Làm cách nào tiếp tục giữ lại niềm tin nơi Pháp là những gì Thế Tôn khéo dạy dẫn đến con đường thoát khổ.
3. Làm cách nào tiếp tục giữ lại niềm tin nơi Tăng là những vị đã thành tựu chặng 1, chặng 2, chặng 3, chặng 4 trong lộ trình tu chứng = 4 tầng thánh. Mình phải tin rằng: Đức Thế Tôn vĩ đại như vậy, giáo pháp vĩ đại như vậy và cũng có những con người đã kế thừa một cách xuất sắc những vĩ đại đó từ Phật, từ Pháp thì những hạng này được gọi là Tăng Bảo.
4. Đối với tài sản nên tùy thời, đúng người, đúng lúc mà hỗ trợ những vị tu tập chân chính.
Ổng dặn xong ổng mất.
Trong Kālāma. Không có đọc. Cứ chê. Người ta đã lựa. 12000 trang kinh tạng, người ta gom còn còn có 1200 mà không chịu đọc. Nó nản chỗ đó. Không chịu đọc. Chê kinh mắc. Tại sao người ta in người ta không cho không? Nó lấy đem về nó lót nồi, nó lót ngồi, nó thấy đồ miễn phí nó coi thường không thèm đọc. Chưa kể, tiền đâu in cái mới đây? Không lẽ lần nào cũng đi xin? Thế là đem bán, mà thấy mắc quá không thèm mua, cứ ăn rồi ngồi hoang mang nghi hoặc.
Còn trong kinh Bổn sinh có dạy: Tài sản người cư sĩ chia làm 4 phần:
1. Trả nợ cũ = Nuôi dưỡng cha mẹ ông bà, thầy tổ,…, người hữu ân nói chung.
2. Vay nợ mới = Nuôi dưỡng vợ con, giúp đỡ bạn bè, thân quyến, chòm xóm,…
3. Liệng bỏ hố sâu = Xài cho bản thân. Phần này được xem là liệng bỏ. Nghe liệng bỏ oải quá vì đúng, xài cho mình không được gì hết. Mà không có cái thứ 3 này không được. Phải có áo, quần, thuốc men, y phục chứ.
4. Chôn để giành = Làm phước.
Trong kết quả điều tra của đài BBC của Anh Quốc, người ta dò tìm mức độ hào sảng của các dâm tộc, quốc gia trên thế giới, người ta cho kết quả đặc biệt là dân Miến Điện là dân hào sảng nhất thế giới, người Miến Điện dám bỏ 1/4 thu nhập, các vị vào trong google đánh tiếng Anh cho sang “most generous people in the world” = Dân tộc hào sảng bậc nhất thế giới là Miến Điện, không phải tui nói.
Đó: 1 phần trả nợ cũ, 1 phần trả nợ mới là hết phân nửa rồi. 1/4 xài cho mình và 1/4 chôn để dành. Trong kinh nói rất rõ, trong ngôi nhà đang cháy, gia chủ bình tĩnh đem ra được cái gì thì đem. Trong tấm thân sanh tử này bệnh, già, chết, vô thường, khổ, vô ngã, mấy ngọn lửa liên tục thiêu đốt tấm thân giống như lửa đang cháy nhà, mình đem được cái gì ra mình đem. Cách đem tốt nhất là sống có người có ta.
Chúng sanh trong đời có 4 trường hợp:
1. Rộng người hẹp với mình = Đối với người ta mình rất rộng, đối với mình rất dè xẻn.
2. Rộng với mình hẹp với người = Đối với mình tới nóc, cho người ta xài đồ dởm.
3. Rộng với mình rộng với người = Làm phước mạnh, xài mạnh.
4. Hẹp với mình hẹp với người
Trong kinh nói có 3 cách bố thí:
1. Chủ nhân thí (sāmī dāna)= Mình xài đồ dổm mà cho đồ tốt. Mình cho giống như mình cho chủ mình, mình đối xử người khác như đối với người trên mình, gọi là chủ nhân thí.
2. Bằng hữu thí (sahāya dāna) = Mình xài cỡ nào mình cho cỡ đó. Mình xài 14 cho 14, còn mình xài 14 cho 12. Tôi biết có loại người nữa, mỗi lần đổi phone lấy cái cũ đi làm phước.
3. Nô lệ thí (dāsa dāna)= Mình cho đồ vất đi. Mình xài đồ xịn mình cho đồ dởm, đồ mình không muốn nhìn nó nữa.
Đó là những cách sử dụng tài sản của cư sĩ. Còn chuyện di chúc theo tinh thần đó.
Mình coi nếu con cái biết tu học biết bố thí thì mình để lại cho nó. Tùy trường hợp. Con cái đông mình để lại bao nhiêu phần trăm. Nếu có 1,2 đứa con biết tụi nó hào sảng dành hết cho tụi nó. Nếu tụi nó kẹo, tụi nó tà kiến, tụi nó không có niềm tin Phật pháp, thì phần nào để cho nó thì để, phần nào làm phước mình làm vì mìn biết mình tắt thở rồi tụi nó sẽ không bố thí cúng dường. Vậy cả đời mình làm quần quật như trâu như bò cuối cùng đưa hết cho tụi nó để tụi nó ăn tiêu kiểu thế tục thì hoang phí mồ hôi nước mắt mình quá. Cho nên, trước khi mình đi, mình thấy đứa này không giữ được thì. Thay vì nếu nó có tu học, chia sẻ quan điểm hào sảng với mình thì mình chia nó nhiều hơn, đằng này biết tụi này không làm phước gì hết thì mình lo phần mình chứ.
Tôi biết rất nhiều người cứ ngay ngáy lo con cái không biết làm phước mà cái gì cũng để hết lại cho con thì đừng có trách cả đời làm trâu làm ngựa của mình cho tụi nó ăn xài tiêu pha thì xin lỗi nha, đó là cái ngu ráng chịu.

Người thân hư xấu
Hỏi: Nhà có người thân trộm cắp và nhiều thói hư tật xấu, tuổi thành niên, chưa biết đạo nên làm thế nào?
Đáp:
Sắp tới, nửa tháng nữa tôi về Việt Nam. Tôi đang có plan tôi ghé Việt Nam tôi đi từ VN qua Miến vì tôi không bay hãng Thái, tôi tính bay Emirates về Việt Nam rồi vòng qua Miến. Nhóm đi chung với tui sẽ có người ở lại tu, cho nên:
1. Tôi có lớp giáo lý 10 ngày nửa tháng ở Kalama
2. Nếu không tôi chạy về châu Âu, về Mỹ.
Trả lời không khéo về Việt Nam nó chém tui thấy bà.
Nó như thế này.
Tàu nó nói: Nhà nào cũng có cuốn kinh khó đọc hết. Tôi chỉ nói vắn tắt thôi.
Nếu mình nói có lòng nghi ngờ người ta. Người ta tôi nói rõ người nào: em út anh chị bạn bè,… nó tới chơi rình hở nó rinh thì trong trường hợp đó chuyện đầu tiên là mình phải tự bảo quản lấy.
Tôi nhớ hoài lời sư phụ, cũng là sư cậu trước khi tôi đi xa. Lần đó tình cờ sư kể lại chuyện mất trộm trong chùa. Sư có nói thế này: Đám đông nào cũng có vấn đề hết, cho nên, tự mình phải cẩn thận để rồi không nghi ngờ ai hết. Đừng có tỏ thái độ coi thường, khinh rẻ, nghi ngờ ai hết. Một là làm người ta tổn thương. Hai là làm người ta thù ghét.
Cho nên, sư nói: Tại sao mình không biết tự giữ tài sản của mình? Nó có tới trăm ngàn cách, mà để cho nó mất rồi bắt đầu nghi ngờ, ra mặt khinh thường, nói gần nói xa làm cho mất mát tình cảm. Chi vậy? Chuyện nó đơn giản vô cùng là Phòng cháy hơn chữa cháy.
Tôi nhớ hoài câu đó. Chuyện đó nó xảy ra một chuyện, tôi kể vắn tắt.
Kỳ đó phái đoàn đi dâng y ở Định Quán, về trễ xe bị công an chận dọc đường, làm việc hơi lâu, lúc tới chùa Kỳ Viên ngủ nhờ, đúng về sớm thì an nhưng về trễ quá đi, về chùa 12h khuya, ghé chùa ngủ rạng sáng ai về nhà thì về, ai về chùa về. Đông lắm. Mấy chục mạng tràn vào chùa. Sư có nói, mấy vị sư, “phức tạp nghe, tự giữ mình nghe”. Rồi xong sư nói, khi đèn sắp tắt để đi ngủ, vị chịu trách nhiệm tắt đèn mở đèn cho đại chúng ngủ. Vừa tắt đèn sư thò tay rút cái dèm hồi nãy nèm ngoài mùng sư móc dèm bỏ vô trong. Khoảng 4h sáng hôm đó là sư nghe loi nhoi trong đám đông, người này bị mất người kia bị mất, trong đó có mấy ông sư đệ tử của sư nữa. Sư mới lấy ngón tay sư làm vậy “xuỵt. xuỵt”. Mình lại chùa người ta mình ngủ nhờ là người ta đã thương tình lắm rồi. Đồ mình không biết giữ mình ráng mình chịu chứ mình la làng thứ nhất là mất tình thứ hai mốt ghé ai cho ngủ nữa. Thứ ba mình biết ở đây ai người tốt người xấu mình làm xúc phạm người ta. Mất ráng chịu, hồi tối đầu hôm nói rồi.
Tôi nhớ hoài câu chuyện đó. Có nghĩa là mình nghi ngờ ai thì mình tự giữ phần mình để không nghi ngờ gì hết. Sẵn đây tôi nói huỵch toẹt luôn.
Chùa chiền, nhà cư sĩ, bất cứ nơi nào tôi đặt chân tới, tôi nói với tất cả chân tâm, chân thành của tôi, tôi cố gắng tin tưởng mọi người là tốt nhưng nó còn kẻ lạ ngoài chùa, ngoài nhà đó. Thí dụ, tôi ghé nhà cô A, cô B trong room này, như cô Mỹ tôi tin cô, tôi tin má cô, chị cô, em cô, chồng cô, con cô, ai tôi cũng tin nhưng có điều bạn của nhà tôi chịu chết. Thí dụ, con của mình, mà nó có bạn dắt về nhà, rồi nó có loại bạn của bạn nữa. Con mình là thằng Tí, bạn nó là thằng Tèo, thằng Tèo nó tới nhà mình còn dắt thêm bạn nó nữa, cho nên, về nhà của cô là dứt khoát tôi tin tưởng nhưng lúc nào tôi cũng trừ hao là bạn của cô hoặc hàng xóm nó qua nó chơi, mình đừng có trách.
Nó có loại người, người này lạ lắm, họ không phải người bất thiện nhưng có điều kiện là họ bèn chuyển hệ bất thiện. Nó có loại người đó nữa. Nhớ nha. Chứ đừng có ngồi làm thơ : Cửa thiền là thanh tịnh, nhà cư sĩ là chỗ an toàn. Không bao giờ tôi đi tôi niệm mấy câu trời ơi đó. Không có cửa thiền nào thanh tịnh hết vì cửa thiền nó cũng có đống rác, có tháp xá lợi thì cũng có đống rác kế bên. Lúc nào cũng vậy. Trong cơ thể một con người cũng có chỗ sạch chỗ dơ. Thì tại sao trong một ngôi nhà, trong một nơi chốn mà không có người tốt người xấu?
Cho nên, tôi chốt lại vấn đề: Nếu mình nghi ngờ ai thì mình giữ kỹ. Khuyên, nhắc không được thì đó là duyên nghiệp của họ, về phía mình mình ráng giữ kỹ để chi? Để ít nhất về mặt cư xử mặt mũi với nhau đẹp, không có gì khó nói.
Tôi chỉ nói vắn tắt vậy thôi.

Cửu phần giáo pháp
Hỏi: Xin sư giảng về Cửu phần giáo pháp?
Đáp:
Không chịu học, không chịu đọc. Giờ làm ơn mở dùm tôi A Tỳ Đàm.
Ở Việt Nam có quyển Phật Giáo Sử của tôi dịch không?
Làm ơn mở dùm tôi quyển A Tỳ Đàm, nhớ mang máng. CHƯƠNG I – Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi - Nền Tảng Phật Giáo - Bộ Sách Tỳ Khưu Hộ Pháp Biên Soạn (nentangphatgiao.com)
Thời đức Phật, khái niệm Tam Tạng có được nhắc tới, có, có được nhắc tới nhưng không có thường xuyên, liên tục, không nhiều bằng khái niệm cửu phần. Là vì sao?
Kinh Phật có nhiều cách chia lắm. Thí dụ:
1. Chia làm 5 là Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, Tiểu Bộ A Tỳ Đàm nằm trong Tiểu bộ. Thí dụ vậy, là cách chia 1.
2. Cách chia 2: Chia thành Tam Tạng . Tạng Luật gồm có 2 bộ Vibhaṇga và một bộ Khandhaka. Trong Tạng luật chia thành 8 cuốn cũng được, chia 5 bộ cũng được, chủ yếu là Vibhaṇga và Khandhaka. Tạng Kinh chia làm: Trường – Trung – Tương ưng – Tăng Chi – Tiểu Bộ là 5. Còn A Tỳ Đàm có 7 Bộ: Pháp Tụ - Phân Tích – Nguyên Chất Ngữ - Nhân Chế Định – Ngữ Tông – Song Yếu – Phát Thú. Đó là cách chia 3 tạng.
3. Chia làm 9 phần: Suttaṁ, geyyaṁ, abhudhammaṁ, veyyākaraṇaṁ… tất cả là 9 phần. Suttaṁ= là những bài kinh không có kệ
Geyyaṁ = Kinh có kệ pha lẫn.
Gāthaṁ= Kinh toàn kệ không.
Jataka = Câu chuyện tiền thân.
Abhudhammaṁ = Chuyện đặc biệt chỉ xảy ra khi chư Phật ra đời.
Veyyakaraṇam = Ký thuyết, là phần nói về đặc biệt là A Tỳ Đàm.
Giờ quý vị hỏi tôi không nói thì không được, nhưng mà bắt buộc vào Google tìm cái đó. Tôi nói cũng không nhớ. 9 phần như vậy: Kế kinh, Phúng tụng, Bổn Sanh, Như Thị Thuyết, Vị tằng hữu, Kệ ngôn,.. tất cả 9 phần.
Hỏi cho vui vậy thôi chứ tôi nói không nhớ đâu. Vào google đánh, hoặc vào trong Phật giáo sử của tôi có giảng rất rõ. Nếu các vị trả lời như vậy thì tôi vừa vui vừa buồn. Buồn vì quyển đó là quyển cần thiết cho người Phật tử Việt Nam mà cho đến giờ không còn nữa. Nhưng vui là có cớ tôi về sửa bản thảo đem in, thì chúng ta sẽ có ấn bản mới.

Qua bờ bên kia
Hỏi: Trong kinh Đại Bát Niết Bàn đức Phật dùng thần thông đưa chư tăng qua bờ bên kia, Ngài muốn dạy điều gì?
Đáp:
Nó như thế này. Tôi kể các vị nghe câu chuyện.
Có 2 chùa gần nhau, trụ trì bên đây là pháp sư, trụ trì bên kia là thiền sư. Mình kêu một bên học viện bên thiền viện đi. Bữa đó 2 chú tiểu ở thiền viện, học viện đi chợ, đi mua rau cải về nấu ăn cho chúng.
Chú bên thiền viện hỏi chú bên học viện: Đi đâu đó?
Chú kia nói: Chỗ nào có đất, nước, lửa, gió tui đi.
Chú kia biết ông nội này nổ cao siêu quá. Ổng về ổng hỏi sư phụ. Con hỏi nó trả lời vậy đó. Sư phụ nói: Chỗ nào mà không có đất, nước, lửa, gió. Con hỏi nó trả lời vậy thì con nói vậy đó, giờ ông đi đâu?
Bữa sau, đi chợ gặp chàng kia, hỏi Đi đâu? Anh chàng kia nói: Tui đi chợ.
Ảnh về ảnh suy nghĩ hoài không biết nó nói câu đó nghĩa là gì ta. Ảnh về ảnh hỏi sư phụ. Sư phụ nói: Con à con, nó giỡn con có ngày thôi. Bữa hổm nó nói chân đế bữa nay nó nói Tục đế. Cái đầu con cứ ám ảnh ba cái Chân đế, ba cái cao siêu con phải biết lúc nào nó ở trên mây mình xử trên mây còn lúc nào nó xuống đất mình xử nó xuống đất. Chứ cần gì, người ta nói đi chợ mà suy nghĩ chi.
Ở đây cũng vậy, có nhiều trường hợp, đức Thế Tôn sử dụng vô lượng phương tiện với những diệu dụng khác nhau.
Trong Chú giải nói ngài Xá Lợi Phất trong trường hợp cần thiết ngài thường sử dụng Tha Tâm Thông, đọc tâm người để thuyết pháp cho người ta. Ngài dùng nhiều Tha Tâm Thông. Nhưng ngài Mục Kiền Liên dùng Biến Hóa Thông để độ người ta. Thí dụ, bây giờ ngài Xá Lợi Phất ngài theo dõi tâm người ta, suy cái tiền nghiệp người ta, khuynh hướng tâm lý của người ta rồi ngài nhìn tâm người ta để ngài tìm pháp thoại thích hợp từng câu từng chữ. Còn ngài Mục Kiền Liên ngài dùng Biến Hóa Thông ngài tạo cho người ta âm thanh, hình ảnh mà để hướng người ta theo sự sắp xếp của ngài rồi ngài mới theo đó ngài giảng.
Đức Thế Tôn đương nhiên là bậc Đạo Sư, ngài dùng cả 3 cách:
- Cách 1: Ngài dùng Tha Tâm Thông.
- Cách 2: Ngài dùng Biến Hóa Thông.
- Cách 3: Ngài bình thường, có nghĩa là nhìn lỗ mũi người ta Ngài biết người ta nghĩ gì Ngài theo đó Ngài giảng, chứ không phải lúc nào cũng dùng thần thông.
Nói như vậy có nghĩa rằng, sinh hoạt chư Phật nói riêng và chư thánh nói chung y như mình. Có lúc người ta dùng con dao để điêu khắc, có lúc cũng con dao đó để cắt cái gì đó, có lúc dùng cũng con dao đó để gọt cái gì đó.
Tôi nghe câu hỏi tôi giật mình, đó là chuyện tôi tâm đắc mà không ngờ các vị quẹo qua một bên tôi thấy hết hay. Câu hỏi đó đáng lẽ phải hỏi: Tại sao trong những giây phút cuối cùng Thế Tôn rất là mệt, trong kinh nói chỉ có 9km mà Thế Tôn phải ngừng nghỉ 25 lần. Các vị lấy 9000m/25 lần, có nghĩa là đi không được bao nhiêu Ngài phải ngừng. Đó là những giây phút cuối cùng đi để về đến Kusinara, về khu vườn Sala của vua Malla. Mệt vậy.Mà trong khi đó cách đó có 1 ngày rõ ràng Ngài dùng thần thông đem chư tăng qua sông. Nó êm quá rồi. Chưa, còn chuyện nữa.
Ngài Ca Diếp trên đường đi đắt 500 vị, hốt nguyên đám bỏ vô bàn tay trong vòng nháy mắt về chỗ trà tỳ, hỏa táng Thế Tôn rồi, ngài túm cái tay hốt đi mất tiêu rồi cần gì phải đi bộ trời đất ơi, phải nói là tầm tã, trên đường đi gặp ông gặp hoa trời hoa Mandala, ngài thấy hoa đó ngài biết hoa này phải do đại sự nhân duyên mới có chứ hoa này cõi người không có hoa này. Ngài Hỏi: Ở đâu ông có hoa này. Ổng nói rằng: Sa-môn Cồ Đàm mới vừa viên tịch, có một trận mưa hoa rớt xuống tôi lụm tôi cầm đi chơi cho vui, thơm, đẹp, ngộ, lạ. Chư tăng nghe vậy, những vị thánh tỉnh bơ, mấy vị phàm khóc, đức Thế Tôn không còn nữa. Về gặp mà không kịp. Khóc cho vui vậy thôi chứ còn vẫn tiếp tục đi bộ. Ngài Ca Diếp vẫn tiếp tục dắt chư tăng đi bộ, như người không có thần thông. Đây là cái đặc biệt của chư thánh. Đặc biệt như vậy.
Tôi kể hơi dài dòng. Cũng chính ngài Ca Diếp là duyên sự đức Phật cho phép chư tăng sau mùa tăng y được phép rời Tăng-già-lê trong ít lâu. Vì sao? Vì đêm mưa tầm tã, ngài Ca Diếp về lạy Phật, mình mẩy ướt mem, Tăng- già -lê nặng trịch, nặng lắm, vì vải thô ngày xưa, may 2 lớp mà ngài đắp cái y trên người lội qua sông ướt mem. Đức Phật Ngài thấy nặng nề Ngài nói, thôi từ đây, ta cho phép vị tỳ-kheo, sau mùa tăng y, trong trường hợp cần thiết, có thể rời tăng-già-lê trong ít lâu. Mình biết lúc đó ngài chứng Lục thông rồi. Ngài thọ đại giới có 7 ngày là ngài chứng Lục thông rồi, ngài lên tới mấy tinh cầu cách mình 1 tỷ năm ánh sáng ngài đi trong nháy mắt, 1 tỷ năm ánh sáng nha, ngài đi trong nháy mắt. Vậy đó, mà có con sông cũng ì ạch lội qua mình mẩy lem nhem như chuột lột lạy Phật nước nhiễu ròng ròng. Thánh nhân như vậy đó. Họ coi thần thông nó không phải cái để hưởng thụ, cái để sung sướng như mình.
Đức Thế Tôn, trong trường hợp đặc biệt Ngài dùng thần thông. Nhưng không cần thiết thì Ngài sinh hoạt bình thường vậy.
Nãy giờ tôi kể bao nhiêu chuyện để cho các vị thấy.
Trong kinh giải thích, tại sao Ngài dùng thần thông thời điểm đó, bởi vì lúc đó trong kinh nói, con sông nó ngập, lên tràn bờ, nước cuồn cuộn chảy. Cũng trên hành trình, đi qua con sông Kakudha nước cạn thì Ngài với chư tăng bước xuống nước băng qua như mọi người đi bộ. Nhưng tới đoạn sâu sông Hằng Ngài biết, không thể, bắt buộc Ngài đem đi, chỉ vậy thôi. Các Ngài dùng thần thông như công cụ cần thiết. Chỉ vậy thôi.
Nhiều khi mình đặt vấn đề “có ẩn ý gì không?” Như nãy bắt đầu câu trả lời tôi kể chuyện chú tiểu đối đáp với nhau đó. Nhiều khi mình thấy ghê gớm nhưng không phải. Hoặc là như tôi hay kể hoài chuyện Socrates.
Ổng là một triết gia, một nhà tư tưởng lớn, những câu nói của ổng, ổng ho đệ tử còn ghi, ổng nhảy mũi đệ tử cũng phải chép lại. Bởi vì nghĩ sư phụ là bậc thông tuệ. Tới lúc ổng vào tù, trước khi ổng chết, ổng có trối lại với bạn tù: Ta ra không được, cho nên nhắn đệ tử, mấy thằng học trò, ta còn nợ hàng xóm 1 con gà, nhờ tụi nó ở lại trả dùm con gà. Ổng nghèo thiệt, ổng có vay hàng xóm con gà thiệt.
Vậy đó mà lúc ổng chết đệ tử chia 2 phe. Một phe nó đi kiếm thằng hàng xóm nó trả con gà. Đơn giản. Mọi chuyện xong. Còn phe thứ hai nó về mấy năm trời nó cứ tập hợp nhau phân tích: Con gà là gì, thằng hàng xóm là gì, vay là gì, trả là gì,… Hai ngàn mấy trăm năm qua công án con gà của Socrates vẫn chưa được giải quyết. Trong khi chuyện nó rất đơn giản, nó lại hỏi hàng xóm. Biết thằng Tèo hỏi Sư phụ tui thiếu con gà phải không? Nó gật đầu cái, trả, xong. Mà hai ngàn mấy trăm năm qua đám đệ tử Socrates vẫn còn ngồi đền Athens Hy Lạp để mà bàn con gà ẩn ý gì, hàng xóm ẩn ý gì.
Ok. Xong.

Niệm ân đức Phật
Hỏi: Vì sao Thế Tôn dạy khi hoảng sợ nên niệm ân đức của Ngài?
Đáp:
Khổ quá khổ trời đất ơi. Ngọn núi mênh mông thẻo có miếng đất. Khổ ghê luôn.
Sợ có 2: Sợ lớn & Sợ nhỏ.
Sợ lớn = Nỗi ưu tư của người cầu giải thoát trước sanh, già, bệnh, chết, vô thường, khổ, vô ngã, trầm luân, sa đọa. Đó gọi là nỗi sợ lớn.
Sợ nhỏ = Sợ bóng đêm, sợ ma, sợ chuột, sợ gián, sợ thằn lằn,… gọi là nỗi sợ nhỏ.
Trong kinh nói rõ, có bài kinh đức Phật Ngài dạy: Chỉ có kẻ ngu mới sợ hãi. Vì sao? Vì không hiểu Bốn Đế cho nên mới thấy thân này có ngọt có đắng. Gặp đắng cũng sợ mà gặp ngọt cũng sợ, sợ nó mất. Biết Chánh pháp rồi thì tất cả chỉ có sanh – diệt, tùy duyên xuất hiện, tùy duyên mà mất đi. Hiểu rốt ráo vậy không có sợ hãi nữa.
Vậy, chữ Sợ phải hiểu có 2: Sợ lớn và Sợ nohr.
Trong bài kinh tôi vừa trích dẫn cũng có trong Kālāma luôn. Sợ đó là sợ lớn. Để trừ sợ lớn phải học giáo lý & Tu tập niệm xứ. Nha. Để trừ cái sợ lớn thì phải tu tập Tứ Niệm Xứ và học giáo lý để bỏ cái sợ lớn = Ưu tư về sanh tử, sa đọa.
Sợ nhỏ (sợ ma, sợ bóng tối, sợ một mình,…) thì sợ nhỏ này mình mới xài nhiều cách.
Nghe cho kỹ nha. Từ bỏ nỗi sợ lớn thì sợ sanh tử, sợ sa đọa thì học giáo lý & Tu tập niệm xứ. Còn để bỏ sợ nhỏ thì dùng nhiều cách. Thí dụ, mình biết mình ở một mình không được thì kiếm bạn ở chung, nên ở chỗ có ánh sáng, ở chỗ có người qua lại. Và đặc biệt, trong những cách đó có một cách là khi mình sợ hãi thì niệm tưởng Ân đức Phật. Nên nhớ rằng, đây là một mảnh nhỏ trong lời Phật. Bởi vì, tất cả lời Phật đều có mục đích giúp mình hết sợ. Hết sợ cái gì? Hết sợ lớn. Mà hết nỗi sợ lớn thì nỗi sợ nhỏ nó hết theo.
Nhớ nha. Tất cả lời Phật đều có tác dụng dạy mình hết sợ, hết sợ lớn. Còn riêng sợ nhỏ thì có nhiều cách trong đó có một cách là niệm Phật. Tại sao vậy?
Bởi vì, trong kinh nói, khi niệm tưởng Thế Tôn. Trong đó nói không phải tôi nói. Trong Kālāma có luôn. Đức Phật giải thích, tại sao lúc niệm tưởng đến ta không sợ? Vì lúc đó nghĩ rằng:
- Thế Tôn là vị đã không còn tham sân si, Thế Tôn không còn sợ hãi, mình còn bậc Đạo Sư như vậy đó.
- Thứ hai là Giáo pháp. Mình niệm tưởng: Giáo pháp là con đường Thế Tôn vạch ra cho chúng sinh tu tập, đó cũng là con đường chấm dứt sự sợ hãi mà mình là người may mắn học và hành được giáo pháp đó.
- Thứ ba, Tăng chúng đệ tử Thế Tôn là những vị đã, đang và sẽ đi trên con đường Phật dạy, cũng là những vị đã, đang và sẽ không còn sợ hãi nữa.
Như vậy thì.
Phật là người không còn sợ hãi. Giáo pháp là con đường dẫn đến sự Vô úy không còn sợ hãi. Tăng chúng là những vị đã hoàn tất hành trình Vô Úy ấy. Khi niệm tưởng như vậy lòng được yên.
Nên nh. Tới chết phải nhớ câu này. Câu này là câu quan trọng nhất trong câu trả lời của tôi.
NIỆM PHẬT KHÔNG PHẢI LÀ ĐỂ MA ĐỪNG TỚI. Không phải. Hiểu sai. Hiểu sai bét. Ngay cả đức Phật cũng có phi nhơn hiện ra phá. Đức Phật – Ân đức của Ngài là bao trùm vô lượng vũ trụ, oai thần của Ngài bao trùm vô lượng vũ trụ mà những loài phi nhơn tà kiến còn xuất hiện phá Ngài. Phá sao? Phá là nó xuất hiện với ý ác, chứ đối với Ngài như ngọn núi gặp cơn gió nhẹ thổi qua làm gì được ngọn núi. Nha. Nhớ cái đó.
NIỆM PHẬT KHÔNG PHẢI ĐỂ MA ĐỪNG XUẤT HIỆN. NIỆM PHẬT ĐỂ LÒNG ĐƯỢC YÊN.
Còn Tây có câu thế này: Cầu nguyện lúc nguy cấp không phải để thoát nạn mà để bình tĩnh. Bằng vào cái bình tĩnh đó cơ hội thoát nạn cao hơn. Nhớ nha. Tây có câu đó.
Cầu nguyện lúc nguy cấp không phải để thoát nạn, không có ông thần ông thánh nào giúp mình lúc đó đâu. Cầu nguyện lúc nguy cấp không phải để thoát nạn mà để tìm sự bình tĩnh và với bình tĩnh đó cơ hội thoát nạn cao hơn. Tất cả những người cữu hộ trên cạn dưới nước họ đều đồng ý điểm này. Lúc nguy cấp, người bình tĩnh có cơ hội bình tĩnh có cơ hội thoát nạn cao hơn người mất bình tĩnh gấp trăm lần. Khi anh hốt hoảng rồi là coi như anh thua rồi, anh đã bỏ ngõ sinh mệnh. Cho nên, Niệm Phật ở đây chỉ tránh cái sợ nhỏ thôi. Sợ lớn là phải học giáo lý và tu tập niệm xứ. Khi chứng Sơ Quả rồi thì chắc chắn không bị đọa, có chết cũng không sao. Trời sập chỉ là đắp mền. Đắc Sơ Quả. Còn tầng thánh trên miễn nói, chỉ nói Sơ Quả. Còn chuyện niệm Phật, phải nhớ rằng: Chỉ có thời điểm đặc biệt, Ngài nói, khi chúng tỳ-kheo hay những ai đệ tử ta sợ hãi hãy niệm tưởng đến Như Lai, đến Giáo pháp và chúng Tăng. Vì sao vậy? Vì: Đây là 3 ngôi Tam Bảo không phải là chỗ cho bất cứ nỗi sợ hãi nào. Chư Phật không còn sợ hãi. Thánh Tăng không còn sợ hãi và Giáo pháp là con đường dẫn đến sự Vô úy - không sợ hãi. Nhớ cái đó.
Ok. Xong.


Mục lục
    1. Pháp đàm 04/09/2022
    2. Pháp đàm 18/09/2022
    3. Pháp đàm 25/09/2022
    4. Pháp đàm 02/10/2022
    5. Pháp đàm 09/10/2022
    6. Pháp đàm 16/10/2022
    7. Pháp đàm 23/10/2022
    8. Pháp đàm 30/10/2022
    9. Pháp đàm 27/11/2022
    10. Pháp đàm 04/12/2022

    ← trở về trang Vấn Đáp

    © www.giacnguyen.com