← Trang Vấn Đáp

Sư Giác Nguyên →



Mục lục :: Ghi chép
Pháp đàm 04/12/2022
Kalama xin tri ân cô Hồ thị Vui ghi chép.

Vấn đáp Chủ Nhật 04/12/2022

  • Giáo lý trong cuộc sống
  • Tái sinh ở Việt Nam
  • Hệ phái xuất gia
  • Thích Kinh Nhu
  • Hình ảnh nam nữ không thanh tịnh
  • Đại diện Pháp bảo
  • Phạm giới tà dâm
  • Rác
  • LBGT
  • Pháp quán tâm Từ
  • Chú giải kinh tạng
  • Triết lý đặc trưng
  • Nghề tà mạng
  • Kiếm tiền
  • Ngủ thiền



  • Giáo lý trong cuộc sống

    Hỏi: Học giáo lý nhưng trong cuộc sống khó nhớ để áp dụng kịp thời?
    Đáp:
    Cũng câu này chắc chắn nhiều vị khác trả lời rất dài, nhưng riêng với chúng tôi trong trường hợp này câu hỏi này chúng tôi trả lời vắn tắt thôi.
    Mình thiết tha với cái gì thì nó sẽ thường ở bên cạnh mình, thường ở trong đầu mình. Bình thường mình không có nhớ tới đó, lúc gặp chuyện mà mong nó nảy ra trong đầu mình thì chuyện đó không có.
    Một người làm thơ chuyên nghiệp thì lúc nào họ cũng lãng đãng trên mây cho nên gặp chuyện nó bung ra. Một người giỏi khoa học trong tình huống nào họ cũng có giải đáp khoa học cho mọi tình huống. Người sống nhiều với Phật pháp trong mọi tình huống Phật pháp có sẵn trong đầu họ. Còn khi mình không thiết tha Phật pháp, nói thẳng luôn: Tôi nghi ngờ người này không thường sống trong Phật pháp. Chỉ vậy thôi.


    Tái sinh ở Việt Nam

    Hỏi: Nên nguyện thế nào để đời sau không tái sinh ở Việt Nam?
    Đáp:
    Người ta có câu nói này: Mình không chọn được chỗ sanh nhưng có thể chọn chỗ sống. Đó là một câu nói cần lưu ý. Thứ hai, một câu nguyện chung chung không có ý nghĩa gì hết. Tại sao mình sợ sanh ở đây mà mình muốn sanh đằng kia? Cái đó nó chung chung lắm.
    Trên thế giới này, tôi xin nói rõ, từ cõi Phi tưởng phi phi tưởng xuống đến Địa ngục không có chỗ nào đáng để mình có mặt hết. Đức Phật Ngài dạy mình nên tu tập để giải thoát sanh tử, không nên có mặt chỗ nào hết. Còn nếu nói chỗ nào mình nên có mặt, không nên có mặt thì nếu mình có phước, mình có chánh kiến thì dầu sinh môi trường nào, tự khắc có điều kiện để mình an lạc, tiến hóa, tiến bộ.
    Biết bao nhiêu người Việt Nam, hiện nay, trong số 100 triệu dân Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, tài sản Việt Nam, gia đình ở Việt Nam nhưng họ hoàn toàn có khả năng tu học rất ngon lành, trong nước và ngoài nước. Người hỏi câu này tôi e người này không có điều kiện như tôi nói. Nếu người này quốc tịch Việt Nam, nhà cửa Việt Nam, gia đình ở Việt Nam mà có điều kiện đi đứng khắp nơi như mình muốn thì sanh ra đâu cũng được hết.
    Theo tôi, thay vì nguyện đừng sanh ở đây, đừng sanh ở kia, theo tôi nên nguyện thế này: Mong mong đời đời sanh ra được ở nơi có điều kiện để gặp minh sư thiện hữu. Lời nguyện đó quan trọng hơn. Nếu hôm nay tôi ở Việt Nam mà tôi có điều kiện thường xuyên gặp gỡ ngài Hộ Pháp ở núi Dinh thì đối với tôi đó là số 1. Trong khi tôi về Thái Lan mà tôi ở chung quanh toàn mấy người thích cúng bái, mê tín, đeo bùa, đeo phép tùm lum thì tôi không ham. Tôi nói thiệt.
    Và, Phật giáo Tích Lan/ Sri Lanka có điều đặc biệt thế này. Phật giáo Tích Lan/Sri Lanka có điều rất đặc biệt tức là, so với mấy quốc gia Nam truyền khác, Phật giáo Tích Lan có điểm lạ là Tinh hoa tập trung. Nhớ nha. Nhớ cái đó nha. Tinh hoa tập trung là sao? Thí dụ ở Thái Lan, Miến Điện lâu lâu xa xa về thời gian, không gian, thời gian là lâu lâu, không gian là xa xa, mình có thể gặp một vài vị như ngài Ajhan Chah, bà Ajahn Naeb. Thí dụ vậy. Tích Lan thì không. Tích Lan họ có những người cư sĩ cực kỳ xuất sắc, và ngoài những người xuất sắc này ra, hầu hết Phật tử Tích Lan tôi chê. Phật tử Tích Lan, đi cất chùa, đi hoằng pháp mà đụng nhằm cộng đồng Tích Lan là tui kêu đi chết đi. Không sống với họ nổi. Mà ngay cả chùa Tích Lan ở Thụy Sỹ nè, chùa đó là chỉ có được Phật tử Thụy Sỹ, Phật tử người Việt hộ trì, chứ còn đừng hòng mà Phật tử Tích Lan. Tới xách chừng cà mên cơm, tụng nó quỳ lạy rồi nó đi về chứ đừng có ham mà làm Phật tử Tích Lan.
    Tích Lan tôi gọi là tinh hoa tập trung có nghĩa là: Có những người cư sĩ cực kỳ xuất sắc, có những vị tăng sĩ cực kỳ xuất sắc, tôi nhấn mạnh chữ cực kỳ. Họ là thiên tài, họ có những công trình nghiên cứu về Phật pháp phải nói là vô song mà tôi e Miến Điện phải nể mặt ba phần, ngoại trừ thành phần tinh hoa này ra thì là Phật tử Tích Lan coi chừng.
    Thái Lan cũng vậy. Thái Lan hơn một nửa, có thể nói 3/4 người Thái Lan là Phật tử nhưng đừng có ham chui vô đó, chui vô đó gặp nhầm Phật tử mê tín dị đoan thì mình cũng chết. Phật tử Việt Nam tôi hay nói này nói kia chứ thật ra chưa chắc tệ hơn người ta đâu. Vì mình là người Việt Nam mà mình có điều kiện tu học thì đâu có tệ. Với, mình cũng phải nói thiệt, có chuyện mình nói nhỏ, người ta nghe người ta giết mình. Người Việt Nam rất là thông minh, nó gian tới trời mà cái đầu nó chịu làm việc thì rất là ok. Cho nên, theo tôi: Cứ tiếp tục duy trì một nguyện duy nhất: Nguyện đời đời sanh ra có điều kiện tu học. Còn sanh ra đâu không quan trọng. Hết.


    Hệ phái xuất gia

    Hỏi: Mới học Phật, đang tìm hiểu các hệ phái, pháp môn, xin sư cho ý kiến về việc xuất gia và tu hành?
    Đáp:
    Đây là chuyện tế nhị. Chuyện các vị muốn đi tu và hỏi ý tôi là chuyện rất tế nhị. Bản thân tôi câu hỏi rất mơ hồ. Bản thân tôi không biết các vị là ai, các vị xuất phát điểm thế nào. Các vị trong gia đình vô thần, hay gia đình Thiên Chúa giáo hay gia đình Bắc Tông, hay gia đình Nam tông, Khất sĩ, gia đình Hòa Hảo, gia đình Cao Đài, hay chỉ đơn giản là thờ ông bà. Ở mỗi gia đình như vậy, xuất phát điểm khác nhau. Cho nên, câu hỏi này, tôi chỉ nói một cách chung chung.
    Nếu dốc lòng cầu đạo thì tự xem, tự mình xem, thông qua mạng, xã hội, thường xuyên đi chùa, gặp gỡ tăng ni Phật tử. Đó là chuyện cả đời cho nên mình đừng tiếc công. Bỏ thời gian đi tìm hiểu kinh điển, internet, xong đi đến chùa chiền, tiếp xúc Tăng ni Phật tử, trong thời gian 1 năm, 2 năm, tự mình coi đường hướng nào, sư phụ nào thích hợp với mình. Bởi nó có trường hợp, đường hướng thích hợp nhưng không phải sư phụ nào trong đường hướng đó cũng hợp. Hoặc là, bản thân sư phụ đó ok, ở gần người đó mình rất an lạc nhưng đường hướng vị đó phải xét lại. Thí dụ vậy.
    Cho nên, theo tôi. Nếu xem chuyện tu học là chuyện đại sự, là chuyện một đời, chuyện muôn kiếp thì tôi xin đề nghị các vị nên bỏ thời gian nghiên cứu kinh sách, đặc biệt online, trên đó nó mênh mông lắm. Ngoài đời nên tiếp xúc Phật tử tăng ni các chùa, các hệ phái, tự mình xem coi cái nào hợp với mình. Chứ còn giờ tôi dứt khoát không dám cho lời khuyên. Bởi vì, tôi đã nói, xuất phát điểm mỗi người không giống nhau.
    Câu hỏi rất mơ hồ.


    Thích Kinh Nhu

    Hỏi: Xin sư cho ví dụ về 3 sắc Nhẹ, mềm, thích sự và cách sống để chúng có mặt trong đời sống thường ngày.
    Đáp:
    Đây là cách nói ăn gian.
    Sắc pháp muôn đời là Sắc pháp, Sắc pháp nó là vật chất. Nha. Cho nên các vị chơi ăn gian có nghĩa là, tại trong kinh có một loạt pháp thoại của ngài Xá Lợi Phất. Ngài dạy: Mình tu là phải tự xem mình giống như đất, giống như nước, giống như lửa, giống như gió, giống như dẻ lau chân. Để chi? Ngài nói rằng: Đất, lửa, ngọn gió không bị cuộc đời làm cho nó buồn vui. Đống lửa đang cháy người ta liệng cái gì vô thì lửa cũng là lửa thôi. Dòng nước đang chảy thì mình có liệng cái gì xuống dưới mặt nước nó không bao giờ cảm ơn hay bất mãn. Mặt đất cũng vậy. Cái nùi dẻ cũng vậy, mình đối xử nó ra sao thì nó vẫn là vậy. Hoặc là tự ngài so sánh, ngài nói ngài xem ngài như một nô lệ hoặc con bò gãy sừng hoặc con cua gãy càng. Là sao? Có nghĩa ngài không thấy ngài quan trọng đến mức ngài phải phản ứng khi cuộc đời xử tệ với ngài. Chứ không phải tu với tâm trạng mặc cảm, tự ti thì không phải.
    Ngài nói rằng, ngài tự xét thấy: Ngài không có nhu cầu để phản ứng, và ngài cũng không có điều kiện tâm lý để phản ứng khi cuộc đời xử tệ với ngài.
    Ở đây cũng vậy, 3 loại Sắc pháp: Khinh, nhu, thích không mắc mớ gì mình, nhưng ăn gian thì nói thế này. Nếu Sắc pháp, vật chất có 3 thuộc tính đó thì người tu cần 3 thuộc tính tương tự trong quan hệ đẳng lập. Nghĩa là, trong Sắc pháp có Sắc mềm, sắc nhẹ, sắc thích nghiệp thì trong tâm hồn người tu cũng có lúc mình phải có sự nhẹ nhàng, mềm mỏng và khả năng thích nghi. Thích nghiệp trong tâm hồn mình phải hiểu là thích nghi. Có nghĩa là lúc nào cần mềm thì mềm, lúc nào cần nhẹ.
    Mềm = Không cần cứng cỏi, đấu đá với ai.
    Nhẹ = Mình thấy như cọng rơm tờ giấy trên lầu rớt xuống không sao.
    Thích nghi = Người ta nói: Tiện nghi không bằng thích nghi. Câu này rất đáng để người tu ghi nhớ. Điều kiện tiện nghi không bằng khả năng thích nghi, nghĩa là ở đâu sống cũng được.
    Các vị có biết rằng: Tôi có cái may mắn, chỗ ở tôi đang có mặt, tôi đang ở những chỗ rất là đẹp, may mắn đẩy đưa thôi, mặc dù không biết kéo dài được bao lâu. Nhưng có cái này, các vị xét trong hành lý tôi, trong phòng riêng của tôi, toàn đồ cắm trại, để mai này về Kālāma hoặc đi đến bất cứ nơi nào. Tôi có ý thế này: Kālāma làm xong, tổ chức các khóa tu cho bà con khả năng tôi có mặt ở đó rất là thấp, tôi sẽ về Heho hoặc về Taungyi hoặc về Inle tôi thích, cứ ở đâu có thiền viện thì tôi trôi về đó. Tôi tổ chức cho người ta xong tôi trôi về chỗ nào tôi thấy an lạc. Trong balo vali tôi toàn đồ cắm trại không thôi. Về chùa, chùa cho cốc cho liêu, tôi thích ra ngoài vườn ngoài sân tôi ở. Tại sao tôi đem chuyện riêng tôi nói?
    Bởi vì tôi muốn nói rằng: Người tu mình điều kiện tiện nghi không bằng khả năng thích nghi. Có nghĩa là mình sống ở đâu mình có thể tự xoay xở được, như bao nhiêu năm qua tôi sống trong điều kiện một mình. Tôi thấy có cái hay: Nhờ một mình tôi có thời gian nhiều để nghiên cứu, viết lách, dịch thuật kinh sách tốt hơn.
    Thì, ở đây, Sắc pháp/vật chất có 3 khía cạnh: Nhẹ mềm, thích nghiệp thì người tu cần có 3 khả năng: Mềm mỏng, nhẹ nhàng và khả năng thích nghi. Nhớ ý đó.


    Hình ảnh nam nữ không thanh tịnh

    Hỏi: Luyện tập theo dõi cảm xúc dấy lên trong công việc, công việc liên quan đến hình ảnh nam nữ không thanh tịnh, sau một thời gian khi nhìn vào những hình ảnh đó, cơ thể không phát sinh ham muốn mà phản ứng như khi nhìn vào bãi chất thải: Cổ họng nghẹn, buồn nôn, thấy ghê. Xin hỏi có phải khi sử dụng tâm quan sát lâu dài, mọi thứ sẽ như vậy không?
    Đáp:
    Không thể nói bừa được. Ở đây, có mấy gạch đầu dòng phải nhớ:
    (1) Tôi chán bánh bèo chưa chắc tôi ghét bánh xèo. Nói nghe hiểu không? Có nghĩa là, tôi chán cái này, chưa chắc, có một vài cái trong cảnh Dục mình chán, mình tưởng ly dục chứ chưa chắc. Mình chán cái này nhưng mình thích cái khác.
    Tôi biết chuyện này, cũng do kiến thức thôi đừng nghĩ do môi trường, tôi biết, có những người khi họ làm việc với giới nghệ sĩ họ rất dễ thành đồng tính. Mấy người chuyên gia makeup, hóa trang, trang điểm hay chuyên gia thiết kế thời trang, họ tiếp xúc với người đẹp riết, hồi đầu: Con Lan, con Cúc, con Đào, con Yến, đứa nào cũng đẹp, tới cuối cùng họ bị đuối trong biển giai nhân, lâu ngày thành ra giống như họ no xôi chán chè, trong môi trường đó họ không thích nữ sắc họ tưởng họ chứng thánh. No. Nó chuyển qua thích Nam mới ghê.
    Cho nên nhiều khi mình chán cái này nhưng thích cái khác. Nhớ nha. Nhiều người họ ẩu chỗ đó. Họ tưởng, họ thấy chán họ tưởng là cái cao siêu chứ không có.
    Đó là một chuyện.
    (2) Chuyện thứ hai, như hồi nãy tôi nói, tùy khuynh hướng tâm lý. Có nghĩa là, mình chỉ chán trong chuyện tình cảm, nam nữ, nhưng lại xoay qua thích cái khác.
    Tôi chỉ dựa câu hỏi tôi trả lời thôi chứ đúng ra tôi không hiểu mục đích người hỏi câu này là sao? Họ muốn hỏi đó có phải là thành tựu quả chứng hay không, phải vậy không? Chứ còn, cái này tôi không nghĩ là câu hỏi, kể chuyện cho vui thì có.
    Tức là tôi làm nghề đó tôi cảm giác vậy đó, các bạn nghĩ sao. Các bạn nghĩ sao mặc xác các bạn chứ tôi như vậy đó.


    Đại diện Pháp bảo

    Hỏi: Nếu có người xứng đáng đại diện Pháp bảo, đó là ai? Đức Phật có đề cập thì trong bài Kinh, Chú giải nào?
    Đáp:
    Trong Kālāma 4 chúng tôi có bài kinh đó, tựa Pāli tôi quên rồi nha, không biết là Ananda sutta hay dhammapūja sutta tôi quên rồi nhưng có bài kinh mà rất nhiều người hiểu lầm. Rất nhiều người hiểu lầm bài kinh đó.
    Bài kinh đó như thế này: Có một ông đó đến hỏi đức Phật:
    - Con cúng dường Thế Tôn là cúng dường Phật Bảo, thì con hiểu, dễ. Con đến gặp Thế Tôn là cúng dường Phật bảo.
    - Con cúng dường đại chúng tỳ-kheo là Tăng Bảo.
    - Giờ con muốn cúng dường Pháp bảo con phải làm sao?
    Đức Phật Ngài rất là tinh tế, Ngài chỉ nói: Hãy hỏi mọi người xem ai là người thọ trì giáo pháp, lời dạy của ta nhiều nhất thì hãy cúng dường vị ấy.
    Chứ Ngài không nói thẳng ngài Anan vì ngài Anan giống như đệ tử ruột, không lẽ giờ Ngài chỉ đích danh ngài Anan thì không đẹp. Cho nên Ngài nói: Hãy hỏi mọi người, xem ai là người thọ trì giáo pháp nhiều nhất thì hãy cúng dường cho vị đó thì đó là cúng dường cho Pháp.
    Tại sao tôi nói hiểu lầm? Hiểu lầm là như thế này: Đừng tưởng cúng dường mấy cha mình cho là uyên bác là cúng dường Pháp bảo là sai. Thí dụ, tôi giả định ông sư A, sư B trong mắt quý vị là uyên bác, mình đè ông ra cúng dường là cúng dường Pháp bảo. Thì tôi xin quý vị cẩn thận. Là bởi vì, sở dĩ đức Phật Ngài nhắc đến ngài Anan là vì:
    1. Ngài Anan là vị thánh Sơ Quả, những gì ngài hiểu và chấp nhận là không thay đổi. Còn Phàm phu dầu giỏi bằng trời đi nữa nhưng mà họ hoàn toàn có khả năng tà kiến, hoàn toàn có khả năng hoàn tục, hoàn toàn có khả năng phạm giới, dầu vị đó uyên bác bằng trời đi nữa. Cho nên, không thể nào mình lấy một ông tăng phàm phu ghép bài kinh đó rồi mình nói cúng cho cha nào uyên bác là cúng dường Pháp bảo là ăn gian. Nhớ cái đó. Đức Phật Ngài nhắc đến ngài Anan vì ngài Anan là vị thánh Sơ Quả.
    2. Uyên bác của ngài Anan là uyên bác của trời biển. Trong Chú giải có câu này: Trong dấu chân con bò không thể nào có khối nước khổng lồ như đại dương. Trong đầu óc của đa phần chúng sanh không thể tìm được sức nhớ khủng khiếp như ngài Anan. Các vị thấy dễ sợ không? Tức là, đầu óc con người mình so với ngài Anan mình chỉ như dấu chân con bò, sức nhớ ngài Anan nhiều như đại dương. Có nghĩa, nếu Thế Tôn trụ thế 1 tỷ năm, 9 con số 0, thì tất cả lời dạy của Thế Tôn trong suốt 1 tỷ năm đó, tôn giả Anan chỉ nghe một lần không hỏi lại, và không có hiểu lầm. Tu Đà Hườn, họ đã hiểu là không có lầm. Cái nào không hiểu là không hiểu mà hiểu là hiểu đúng. Và đặc biệt riêng ngài Anan chẳng những không có khả năng hiểu lầm mà còn không có khả năng nhớ lộn nữa. Khiếp như vậy. Cho nên, Thế Tôn trụ thế có 45 năm mà ngài Anan làm thị giả có 25 thì phải nói 25 năm đó không nghĩa lý gì với sức nhớ của ngài hết. Nếu Thế Tôn trụ thế 1 đại kiếp thì tôn giả Anan sẽ nhớ lời dạy của Thế Tôn suốt 1 đại kiếp, gớm như vậy đó. Trong trường hợp đó, ngài mới ám chỉ cho tôn giả Anan.
    Chứ còn nhiều người hiểu lầm cái đó: Giờ đi cúng mấy ông uyên bác. Tôi hỏi thiệt nha, Uyên bác là sao? Cỡ nào gọi là uyên bác? Có mực thước nào không?
    Bữa đó trong nước nó lan truyền mà tôi nghe tôi lạnh xương sống: Họ nói, muốn dạy thiền phải đắc ít nhất Sơ Quả. Tôi nghe tôi thắc mắc: Ai biết cha đó Sơ Quả trời? Ổng phải xì ra, ổng phải phun ra cho người ta biết ổng Sơ Quả đúng không? Chứ không lẽ đệ tử nó phun? Đệ tử nó phun sư phụ tôi đắc Sơ Quả thì đệ tử cũng phải cỡ đó trở lên nó mới phun được, đúng không? Còn nếu bản thân đương sự mà tự nhận Tôi là Sơ Quả nè thì Sơ Quả đó phải xét lại. Nha. Nhớ cái đó.
    Cho nên, câu trả lời xong rồi đó.
    Tôi đồng ý có bài kinh người này muốn ám chỉ. Nhưng tôi xin nhắc: PHẢI CẨN THẬN.


    Phạm giới tà dâm

    Hỏi: Nếu đang không có mối quan hệ chính thức với một ai thì ngủ với nhiều cô gái có phạm giới tà dâm không?
    Đáp:
    Trong Chú giải ghi rất rõ và vô cùng rõ về giới này. Tà dâm có nghĩa là sao?
    Tà dâm = Bất kể anh là người độc thân hay có gia đình, chuyện đó không thành vấn đề, vấn đề là đối tượng anh tiếp xúc, có nghe kịp không?
    Nhớ cái này. Tới chết phải nhớ cái này. Giới Tà dâm nhắm đến đối tượng, không nhắm đến anh. Anh là độc thân có gia đình chuyện đó không quan trọng, mà quan trọng là Đối tượng anh gần gũi.
    Trong kinh nói 21 trường hợp, nó lê thê lắm, gom gọn lại có 1 trường hợp thôi. Dễ sợ không. Kể 21 là để minh họa, kể gọn có 1, tức là: Mình quan hệ tình dục thân xác với một người nữ mà đang được cá nhân hay đoàn thể giám hộ.
    Giám hộ = Người ta có chồng thì chồng là người giám hộ người ta, người ta là cô nhi thì cô nhi viện hoặc mấy người coi sóc cô nhi viện, hoặc ai nữa, pháp luật giám hộ đứa bé đó. Tuy đứa bé không có cha mẹ, nhưng giờ mình ra ngoài xã hội mình hỏi coi, tôi thấy con nhỏ trong cô nhi viện đẹp quá tôi muốn này nọ với nó được không? Coi xã hội trả lời sao? Không có đứa nào được hết.
    Chỉ có một trường hợp duy nhất = Đối tượng đó được xã hội cho phép. Là sao?
    Thí dụ, ở thế giới Âu Mỹ, người đó họ trên 18 tuổi có quyền tự quyết trong sinh hoạt tình cảm cá nhân. Nghe kỹ nha. Trong xã hội Âu Mỹ, trên 18 tuổi họ có quyền tự quyết trong sinh hoạt cá nhân thì trong trường hợp đó là ok nhưng với điều kiện người đó độc thân. Chứ nếu người đó đang bị giám hộ như đang có cha, mẹ, hoặc là cô nhi viện, hoặc pháp luật, nói chung đó là đối tượng xã hội không đồng ý cho mình rớ vô, thì không được. Còn trường hợp như 2 đứa sinh viên, ok. Lan với Điệp là sinh viên với nhau nó buồn buồn nó dắt ra bờ tre bụi chuối, bình thường tại không xã hội nào lên án vụ đó hết. Nhớ. Giới tà dâm không phải là mình mà đối tượng.
    Ở đây không có mình, mà đối tượng nó ra sao. Chứ còn mình là không thành vấn đề.


    Rác

    Hỏi: Xin sư cho lời khuyên khi thấy người khác tu tập thấy hoan hỷ nhưng biết chồng mới của vợ cũ là người đã học đạo nhiều năm, được gần gũi minh sư thiện hữu nổi tâm sân, ganh tị với họ khi thấy mình thiếu duyên kém cỏi. Sợ trượt dốc dài trên con đường tu học vì sự ganh tị này.
    Đáp:
    Trong mọi tình huống, đống rác là đống rác đã biết nó là rác thì phải bỏ thôi, mình không thể gần đống rác được. Nếu biết đó là tâm ganh tị, biết nó là phiền não, biết nó là tâm trạng bất thiện, biết vậy là mừng lắm rồi. Chỉ sợ không biết. Biết đó là tâm ganh tị là quá tốt. Nhứt là mình ganh tị với người tu học thì chuyện đó càng không nên, cho nên chuyện đầu tiên, mình nhận diện được đó là tâm ganh tị là quý lắm rồi, đi hết nửa đường rồi.
    Nửa đường còn lại, phải nói rằng, tôi sợ ba vụ “quán chiếu” mệt lắm.
    Quên đi, không nghĩ tới nữa. Đó là cách của tôi. Nói là cách của tôi thật ra tôi có dựa trên kinh điển. Đức Phật có nhiều bài kinh Ngài dạy:
    - Khi không muốn tham khởi lên thì đừng tác ý, lưu tâm đến Mỹ tướng.
    - Khi không muốn Sân nổi lên thì đừng quan tâm Ngại tướng = Khía cạnh nào làm mình nổi sùng.
    Chính đức Phật Ngài dạy. Cho nên, riêng về phần tôi thì tôi cũng theo lời dạy đó, nhưng tôi không dám nói tôi làm theo lời Phật thì ghê quá, mà tôi chỉ nói, có kinh nghiệm, đó là:
    Có nhiều tình huống, tôi không cần quán chiếu, quán mùng gì hết, tôi chỉ tìm cách nghĩ chuyện khác, vì có nhiều chuyện để mình bận tâm lắm. Mình biết đó là tâm ganh tị thì thôi giờ mình nghĩ qua chuyện khác, mỗi lần nhớ tới họ biết là tào lao thì mình nghĩ chuyện khác. Có nhiều chuyện. Còn nếu nói rằng, tôi không có khả năng nhớ chuyện gì ngoài ra chuyện đó thì tôi xin chia buồn cùng quý vị, chứ còn thật ra: Mình có nhiều chuyện để mình bận tâm lắm, tại sao cứ quẩn quanh người ta hoài?
    Đại khái vậy.


    LBGT

    Hỏi: Trong Kinh nghiệm Tuệ Quán, đối trị Sân có thể tu tập pháp môn Từ Tâm. Đối với người LBGT thì nên tu thế nào?
    Đáp:
    Nhớ cái này, trường hợp mình thấy trong kinh ghi Từ tâm đối trị tâm sân, tôi xin nói rõ, đó là trường hợp đặc biệt. Là sao? Đức Thế Tôn Ngài nhìn vào căn cơ người trước mặt Ngài nói như vậy đó. Ngài nhìn căn cơ người trước mặt, Ngài nói: Ờ, trong trường hợp của con, muốn trừ sân phải tu Tâm Từ.
    Chính bài kinh đó, khi được ngài Anan nhắc lại, đưa vào kết tập trở thành khuôn mẫu chung cho nhiều người. Họ cứ tưởng hễ tâm sân cứ đè tâm Từ ra mà tu. Nghe kịp không?
    Thí dụ, tôi nói thế này. Mình giả định đức Phật là thần y Hoa Đà đi. Có một lần ông Hoa Đà ổng nghe người ta bị bón, ổng nói thế này: Ráng uống nhiều nước vô. Thế là lời nói đó được đưa vào y thư. Đời đời, người sau sanh ra, mỗi lần nghe bón là cứ đè y thư của ông Hoa Đà “Táo bón uống nhiều nước”. Có lúc ông Hoa Đà ổng gặp người nào đó, trong hoàn cảnh nào đó ổng nói: Ăn nhiều đậu bắp vô, ăn nhiều thứ có chất nhờn vào. Đúng không?
    Thì ở đây cũng vậy. Có những bài kinh đức Thế Tôn nhắm vào căn cơ người đối diện mà Ngài nói như vậy. Nhưng chắc chắn ở trường hợp khác sẽ nói khác. Bằng chứng:
    Các vị phải đồng ý với tôi: 37 Bồ Đề phần là con đường, pháp môn đạo lộ dẫn đến chấm dứt phiền não, đúng không? Mà trong phiền não có tâm Sân, đúng không? Tu Tứ Niệm Xứ có phải con đường chấm dứt phiền não không? Đúng. Mà trong đó có tâm Sân đúng không?
    Như vậy thì: Tất cả lời dạy của Thế Tôn đều là con đường đối phó phiền não trong đó có tâm sân, trong đó có tâm ganh tị, bủn xỉn, tà kiến, hoài nghi. Có hết. Đã nói phiền não là có hết. Tất cả lời dạy của Thế Tôn. Thí dụ: Ngài dạy mình niệm Phật, Ngài dạy mình quán thể trược, Ngài dạy mình niệm Tâm Từ, Ngài dạy mình tu Bốn niệm xứ,... Thí dụ vậy, thì tất cả pháp môn đó không riêng đối phó một kiểu phiền não đặc biệt nào, mà nếu tu cho tới nơi tới chốn nó có tác dụng rất lớn. Thí dụ, pháp môn Niệm Phật. Nếu nói rốt ráo thì chỉ riêng niệm Phật không thể dẫn đến giải thoát, không dẫn đến chuyện đắc thiền, đắc định; Niệm Phật không thể dẫn đến chuyện chấm dứt phiền não. Tuy nhiên, với những trường hợp đặc biệt, có những người phải niệm Phật để lòng nó lắng, trên nền lắng đó họ tu các đề mục thiền Chỉ hoặc thiền Quán. Nhớ nha.
    Nhiều người hiểu lầm. Bởi trong kinh, rõ ràng: Này các tỳ-kheo, đây là pháp môn niệm Phật có thể dẫn đến sự chấm dứt sanh tử. Rõ ràng trong kinh ghi cái đó. Nhưng trong Chú giải thích. Mà, có học A Tỳ Đàm mình mới thấy, cái đó đúng.
    Đó là cách nói tổng quát cho người ngồi trước mặt Ngài thôi. Với căn cơ họ, nghe vậy họ không có hiểu lầm. Còn người mình nghe đoạn đó mình hiểu lầm.
    Giống như hồi nãy ông Hoa Đà kêu uống nước chữa táo bón, thì cái đó không phải là bài thuốc duy nhất. Nó còn 1 tỷ bài thuốc khác chữa táo bón, nhưng vì người đệ tử ông Hoa Đà thầy nói gì họ cũng ghi lại hết, thế là mình đọc có một đoạn mình cứ nghĩ trong vũ trụ chỉ có một bài thuốc chữa táo bón duy nhất là uống nước lạnh thôi, hoặc ăn đậu bắp, hoặc ăn rau muống. Thí dụ vậy.
    Ở đây, cách thức chấm dứt tâm Sân hoặc cách thức tu tập Tâm Từ có vô số cách. Căn bản là: Làm ơn coi kỹ phần Xiển Minh trong Thanh Tịnh Đạo.
    Khổ một chỗ, Kinh sách Việt Nam ra một núi, mấy cái tài liệu quan trọng thì không thấy. Thí dụ, Thanh tịnh đạo bản dịch Thanh tịnh đạo của ngài Buddhaghosa do ni sư Trí Hải dịch thì có rồi. Nhưng Chú giải Thanh Tịnh Đạo là bộ Paramatthamañjusa thì mình không thấy. Mà kinh sách ra ào ào, năm nào cũng có cử nhân Phật học, rồi tiến sĩ tùm lum tà la, dịch sách ra một đống trùng trùng điệp điệp mà mấy tài liệu đó thì dứt khoát không là không. Nó lạ như vậy. Mà không biết dịch cái gì.
    Tôi biết nói vậy cũng làm nhiều vị phiền lòng. Nhưng biết đâu có những vị họ phiền họ chọn lựa sách dịch lại cho bà con nhờ. Học cho đã, về không biết dịch cái gì. Tôi ớn nhất là ba cái vụ: Phật giáo và chính trị học, Phật giáo và kinh tế, Phật giáo và xã hội, chữ Hiếu trong đạo Phật mà cứ nhiêu đó làm hoài. Ngay cả trong mấy buổi lễ nữa. Phật đản, Vu Lan, dâng y; Mấy đề tài làm tới làm lui hoài mà không mở ra cho Phật tử cơ hội học giáo lý này giáo lý kia. Năm nào cũng nhớ ơn Phật, nhớ ơn Phật thì phải làm Phật đản, coi đã không. Giống như nhớ ông nội làm giỗ ông nội vậy đó. Mà hồi đó ông nội là thợ bạc, thợ hồ gì mình không màng. Tinh hoa của ông nội mình không màng cứ đè ông nội cúng giỗ hoài. Cứ tưởng hay. Năm nào dâng y là đè mấy đề tài dâng y giảng hoài. Phật tử đi chùa mấy chục năm biết có nhiêu đó.
    Nam tông không có Vu Lan, bên Nam tông là 365 ngày ngày nào cũng là ngày nhớ cha nhớ mẹ để tu hành, để hồi hướng hết. Nhưng mà, giờ mình bắt chước người ta, mình rước Vu Lan vô làm của riêng Nam tông cũng được đi, nhưng mà cứ Vu Lan vụ cha mẹ làm hoài, mệt lắm.
    Cho nên, tôi chỉ chốt lại một chuyện. Tức là tôi nhân câu hỏi này tôi nói một số chuyện hơi lạc đề, nhưng tôi nhắc lại lần nữa: Để tu tập Tâm Từ là tất cả pháp môn Phật đều có khả năng giúp mình tu tập tâm Từ, hỗ trợ cho tâm Từ. Tất cả lời dạy của Phật đều có tác dụng giúp mình bỏ tâm Sân, tùy căn tánh mỗi người. Trong trường hợp này bắt buộc chúng ta phải nhờ Minh sư thiện hữu nếu không tự nghiên cứu được.
    Ok, xong rồi đó.


    Pháp quán tâm Từ

    Hỏi: Xin sư cho hỏi cách thực hành trong Pháp quán tâm Từ?
    Đáp:
    Trong A Tỳ Đàm của chúng tôi giải rất kỹ cái đó. Tôi mới vừa đó. Xem kỹ về Thanh tịnh đạo phần Định, phần giảng về Vô lượng tâm, Phạm trú. Còn trong A Tỳ Đàm của chúng tôi có nhắc rất là kỹ cái đó. Thí dụ, pháp niệm tâm từ có 2 trường hợp:
    1. Niệm tâm từ cho vui = Thí dụ, lễ Phật xong ngồi lắng tâm mong cho vô lượng chúng sanh Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, trong, ngoài, gần, xa thảy đều được an lạc. Đó là rải cho vui.
    2. Còn rải tâm từ để đắc định thì bắt buộc phải có kỹ thuật. Trong đó có quy định cho mình bao nhiêu đối tượng, bao nhiêu câu nguyện, thí dụ: Nguyện cho tất cả được an vui, đừng thù oán, đừng oan trái, đừng đau khổ gì đó = Bao nhiêu câu nguyện x cho mấy đối tượng x 10 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên, dưới = 4 hướng chánh, 4 hướng phụ + trên, dưới = 10).
    Như vậy đó, thí dụ: Nguyện cho tất cả người nam trong hướng Đông được vậy vầy, tất cả người nam trong hướng Tây, người nam trong hướng Bắc,… cứ một đối tượng mình phải rải hết bao nhiêu câu nguyện trong 10 hướng. Rồi đổi qua đối tượng khác. Đó là tu tâm từ để đắc định.
    Tại sao tu vậy đắc định? Tại vì mình cứ sao lãng là mình quên, không biết mình đang rải cho đối tượng nào ở hướng nào, với câu nguyện nào. Cái này bắt buộc coi kinh sách, không thể nào mà với cái đầu bư của mình nghe thoáng qua mà nhớ thì không nổi đâu.


    Chú giải kinh tạng

    Hỏi: Chú giải kinh tạng có được dịch sang tiếng Việt không?
    Đáp:
    Đó là câu hỏi thấy ghét nữa. Chú giải Tam Tạng thì Việt Nam có dịch, nhiều dịch giả lựa có dịch giả lựa chú giải Trung bộ, có dịch Trường bộ, có vị thì Tăng Chi, Tương Ưng tùm lum hết. Vừa qua mình thấy Việt Nam có:
    - Lê Kim Thoa.
    - Sư Bửu Nam
    Ghi rồi tự đi tìm nha.
    Không biết nữ nam, mà vui lắm, người ta là Trung Bộ Kinh sửa lại là Trung Kinh Bộ, Bộ Kinh Trung, đã lắm. Tôi chưa đọc bản dịch mà tôi thấy giới thiệu trên Facebook tôi nói tôi đuối luôn. Bộ kinh trung (Trung kinh bộ) mà để là dịch lại. Để là Bản dịch Trung bộ kinh và Chú giải thì tôi thấy nội tựa kinh là đuối rồi nhưng tôi vẫn xem đó là tài liệu quý, mong bà con có điều kiện điều tra, nghiên cứu.
    Một người nữa là sư Bửu Nam. Tôi chưa biết cái ruột mà tôi thấy đăng trên online, trên internet.
    - Mấy bản dịch của thượng tọa Thiện Minh.
    Làm ơn vô google, đánh tiếng Việt: Chú giải, thiện minh, chú giải Lê Kim Thoa, chú giải sư Bửu Nam coi dắt tới cái gì. Nhưng tôi cũng xin nói thiệt: Đừng có mong ngồi nhà mát ăn bát vàng. Có hiểu câu này không?
    Ngồi nhà mát ăn bát vàng là chuyện đó không có. Muốn làm triệu phú, có du thuyền, có chuyên cơ mà ngồi ngậm cây tăm, đọc báo rung đùi đưa võng dưới quê là chuyện đó không có. Không thể nào học mới lớp 2, ăn mì gói, ngậm cây tăm, đọc tờ báo cũ, đưa võng, ở vùng sâu vùng xa mong chờ có vàng tấn rớt xuống làm tỷ phú thì chuyện đó không có. Ở đây cũng vậy.
    Nếu mình thiết tha với Phật pháp, xem Phật pháp là đại sự thì bắt buộc phải học ngoại ngữ, học tiếng Thái, học tiếng Miến, học tiếng Anh, học tiếng Pali, học tiếng Đức.
    Có 3 lý do không nên trông đợi bản dịch tiếng Việt:
    1. Biết bao giờ cho đủ. Không lẽ mình ngồi chờ người ta dịch mình đọc à? Thứ nhứt là biết bao giờ cho đủ.
    2. Người ta dịch cái người ta thích không phải cái mình cần.
    3. Đọc bản dịch của người ta sao bằng bản gốc.
    Các vị nghĩ đi, tưởng tượng tiếng Việt của thằng Tèo làm sao thằng Tí nó chịu nổi. Nó khổ vậy đó. Như trưa nay có cha nội ngoài Hà Nội mới trưa nay, chả viết tôi tin nhắn, tôi coi tôi nổi sùng: Con đang coi sách của sư mà con không biết tâm sở Thắng Giải là gì con bèn tra từ điển.
    Các vị nghĩ coi chịu nổi không?
    Trong khi A Tỳ Đàm là lãnh vực rất là xa lạ đối với người Việt Nam và thế là từ ngữ chuyên môn A Tỳ Đàm càng không có trong từ điển, không biết chả tra bằng cuốn gì tôi không biết. Mà tôi ghét quá tôi khỏi trả lời luôn. Mà cần gì tra, trong đó người ta đã ghi rõ, tâm sở Thắng giải là cái gì, cần gì phải đi tra. Mà chả nghĩ sao chả đi tra? Chắc cha bệnh rồi.
    Cho nên, sách chú giải vậy đó.
    (hỏi) Sách Chú giải có bản tiếng Anh không sư?
    (Link tham khảo: Pali Commentaries Atthakatha - English Translations Collection : The Great Atthakatha Masters and Translators : Free Download, Borrow, and Streaming : Internet Archive)
    Tôi mới kêu học ngoại ngữ để đọc mà cô hỏi có bản tiếng Anh không. Người ta kêu học ngoại ngữ, đừng trông đợi các bản dịch. Tiếng Anh cái gì nó không có, nó có hết. Có điều, nói gì thì nói, tôi cũng đề nghị bà con chắc cũng phải tiếng Pāli. Còn tệ tệ phải tiếng Thái, tại vì, cái này tôi nói trong ngoặc đơn thôi nha. Sách Phật mà đọc qua bản tiếng Anh mang tính đối phó thôi. Kẹt quá bản Pāli, bản tiếng Thái tối nghĩa quá thì mình liếc qua bên mấy bản tiếng Anh, tiếng Đức để coi mấy người họ hiểu đoạn Pāli ra sao. Giống như để hỏi thầy, hỏi bạn vậy thôi. Chứ còn, tôi xin nói rõ cái này, ai trong room thiết tha cầu học Phật pháp thì tôi phải nói rõ cái này, tôi đã nói 1 tỷ lần rồi, bữa nay tôi thêm lần nữa: Đọc Kiều thì chỉ đọc bằng tiếng Việt thôi, đọc Kiều mà đọc bằng tiếng Đức tiếng Nhật kỳ lắm.
    Ở đây cũng vậy. Đừng tưởng đọc kinh Phật tiếng nào cũng giống nhau. Không. Các vị đọc bài kinh bằng tiếng Anh tâm tình nó không giống bản tiếng Thái. Cũng bài kinh đó mà đọc bằng Pāli, tâm tình nó lại khác. Mà không ai tin chuyện đó hết. Cho nên, rất nhiều và rất nhiều người cho đến bây giờ họ không biết chỗ này. Họ tưởng tiếng nào cũng được miễn là bài kinh đó thôi.
    Bữa nay tôi nói luôn.
    Tâm thức người Việt Nam trong ngôn ngữ của mình là mình đã vay mượn tiếng Hán rất nhiều. Phật giáo mình là Phật giáo Bắc truyền cũng lại là từ nguồn tham khảo tiếng Hán, cho nên, Phật pháp của mình là Phật pháp Hán truyền. Phải nói Hán truyền. Từ mái cong vát đao cho tới hoành phi, trướng, đối đều là Tàu rồi hình thức tụng niệm, bái xám cũng Tàu, Kinh mình đọc mỗi ngày “Như thị ngã văn,..” cũng là Hán truyền. Khi mình lớn lên, Pháp trong lòng được nuôi dưỡng bằng những dưỡng tố như vậy thì tâm tình mình không thể nào chấp nhận được kinh điển Pali. Không được. Và ngược lại, những người Âu Mỹ mắt xanh da trắng mà mấy ổng nghiên cứu đạo Phật thông qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, thì mấy ổng lại có cách hiểu về Phật pháp khác đi. Phải là tiếng Pāli.
    Tôi nói cho các vị một ví dụ.
    Tôi đã thấy một bản dịch của một bài kinh thôi, ông Phạm Công Thiện có dịch bài kinh Lửa, triết gia Phạm Công Thiện có dịch bài kinh Lửa – Adittapariyaya, rồi hòa thượng Tuệ Sỹ cũng có dịch 1, 2 đoạn Tương Ưng và cả 2 vị đó là ông Phạm Công Thiện và hòa thượng Tuệ Sỹ, những gì các vị đó dịch, hòa thượng Minh Châu đã dịch rồi. Khi mình đọc vô bản dịch của hòa thượng Minh Châu tâm tình mình khác khi mình đọc bản dịch 2 vị kia, mà đều tiếng Việt hết nha. Mà mình đọc bản dịch ông Phạm Công Thiện đọc bằng cảm xúc kỳ lắm, nó không giống bản dịch của hòa thượng Tuệ Sỹ. Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch A Hàm, thì mình đọc, kể cả hòa thượng có dịch 1, 2 đoạn của Tương Ưng nữa, có khi hòa thượng trích dẫn, hòa thượng dịch luôn, mình đọc bản dịch của hòa thượng Tuệ Sỹ mình không có được cảm xúc khi mình đọc bản dịch của ngài Minh Châu.
    Sau cùng, tôi chốt lại. Vẫn là bản Pāli.
    Tại sao bản dịch ngài Minh Châu có sức tác động lớn vậy? Dò kỹ lại các vị mới thấy khiếp. Trong cái biết của tôi, tôi nhấn mạnh là của tôi nha, chứ mấy vị uyên thâm tôi không biết, thì tôi thấy trong các bản dịch mà tôi biết thì bản dịch ngài Minh Châu là sát với Pāli nhất, kể cả mấy bản Âu Mỹ, tiếng Anh. Có một vài lần tôi ngồi dò như kỳ đó tôi dò một bài kinh cho Kālāma, tôi đâu biết bài kinh nào, thấy kỳ quá tôi mới dò qua bản tiếng Anh coi nó dịch sao, khi tôi dò tôi thấy đúng là hòa thượng Minh Châu mình đúng là Thiên tướng trên trời phái xuống, ngôi sao Văn Khúc đã rơi trên mảnh đất Việt Nam để hỗ trợ cho Phật pháp mình. Hòa thượng dịch sát rạt mà có thần, có cái duyên.
    Nếu bí quá không đọc được bản Pāli thì nên đọc bản dịch ngài Minh Châu rồi xem Chú giải Pāli. Thì tôi nghĩ rằng cảm xúc cần có, tâm cảnh cần có khi đọc kinh Phật có thể giữ lại được ít nhiều.
    Ok. Xong.


    Triết lý đặc trưng

    Hỏi: Triết lý đặc trưng của Nguyên Thủy Phật giáo là gì?
    Đáp:
    Dốt mà thích ham nói chữ. Phật giáo không có Triết lý. Bỏ câu này đi. Phật giáo không phải là Triết lý. Phải hỏi cốt lõi, tinh hoa của đạo Phật. Tại sao tôi không trả lời? Bởi vì, khi họ xài chữ “triết lý” là ba trợn rồi. Bỏ câu này đi.


    Nghề tà mạng

    Hỏi: Làm nghề tạo dựng, xây sửa không gian như những nơi quán pub, các địa điểm hưởng lạc khác,… có xét là làm nghề tà mạng không?
    Đáp:
    Tuyệt đối không.
    Có nghĩa: Mình bán rượu, bán thịt sống, bán thuốc độc hoặc buôn người là tà mạng. Còn mình là người công nhân chạy ống nước, chạy dây diện, ánh sáng, âm thanh cho vũ trường, quán bar, không thành vấn đề. Tại vì mình chỉ lo ánh sáng, âm thanh, mình chỉ lo điện, nước, không thành vấn đề. Lo trang trí nội thất cũng không sao hết.
    Vì thứ nhất là công việc của mình mình nghĩ đằng sau nó là gì là mình đi hơi xa rồi. Mình chỉ lo công việc mình thôi. Mình là ống nước mình chỉ lo ống nước đi, mình là thợ điện mình cứ bắt đèn cho người ta đi, mình cứ chạy dây điện cho người ta đi, mình trang trí nội thất người ta tới kêu mình làm sao cho nó có không khí chút thì mình làm thôi chứ còn nếu muốn bắt lỗi, nếu mà suy diễn xa quá thì tôi xin bảo đảm không có nghề nào Chánh mạng hết. Nếu mà suy diễn xa. Có hiểu không?
    Tức là, công việc mình tới đó thôi, mình đừng nghĩ thêm thì nó là chánh mạng. Còn nếu mình suy nghĩ xa quá thì tôi xin hứa trên đời không có nghề nào là nghề chánh mạng hết. Thí dụ, nghề bán vé số, nó cũng không phải chánh mạng, vì sao? Vì lỡ ta trúng về nó mua rượu nó nhậu là hóa ra mình tiếp tay cho nó nhậu à? Hiểu không? Hiểu tôi nói không? Tôi bán vé số, lỡ người ta trúng về nó đánh bài đánh bạc vậy có nghĩa là thằng vé số chịu trách nhiệm hay sao? Có hiểu tôi nói không? Hoặc là bà bán bánh mì, bả cũng là tà mạng luôn vì nó ăn no nó bắt đầu đi làm chuyện tầm bậy. Đúng không? Rồi bà bán nước mía cũng tà mạng vì nó uống nước mía xong, bắt đầu nó hết khát rồi, nó khỏe rồi, bắt đầu nó đi làm chuyện tầm bậy. Như vậy, không có cái nghề nào mà chánh mạng hết. Đại khái như vậy. Vấn đề là do mình suy diễn thôi.
    Như vậy thì tôi chốt lại, bán nước mía, bán bánh mì, bán vé số, thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, thợ nước,… tất cả đều tà mạng hết vì người ta nhờ mình giải quyết công việc xong bắt đầu người ta khỏe rồi người ta đi làm chuyện bậy, vậy mình chịu trách nhiệm hay sao? Bao nhiêu đó thôi.


    Kiếm tiền

    Hỏi: Kiếm tiền từ điện tử như crypto có phải là của cải hợp pháp không?
    Đáp:
    Không trả lời từng trường hợp, như ba cái chứng khoán, bitcoin, crypto, .. tôi không trả lời từng trường hợp, tôi chỉ nói vắn tắt thôi. Đó là:
    Nghề nào theo mình nó không gây thương tổn cho người khác, nó không gây bất lợi cho người khác, không làm ai phải vì mình mà bị ảnh hưởng về cảm xúc, sức khỏe, tánh mạng thì nghề đó nghề chánh mạng, nghề đó ok. Nghề nào làm cho có người buồn, có người khổ, có người đau đớn, có người mất mạng thì nghề đó không được. Thí dụ bây giờ, quý vị sản xuất bún đi. Bún bánh phở, nghề đó nghề rất là lành, nhưng mà lén lén bỏ ba chất bảo quản, tầm bậy tầm bạ vô là bậy. Cái đó không nên. Hiểu không?
    Thấy nó vậy đó. Trong khi người Phật tử bán hủ tiếu, thịt thà bằm bằm xắt xắt thấy ghê vậy đó nhưng mà theo tôi vẫn là chánh mạng. Vì mình không phải là chuyên gia chuyên bán thịt sống mà mình chỉ lấy đủ một phần về bán trong ngày đó thôi, dù nhìn rõ ràng thì có vẻ tiếp tay nhưng mà theo tôi, tôi biết cô Phật tử họ bán cháo lòng, bán phở, bán hủ tíu tôi không khó chịu bằng cô Phật tử đó cổ sản xuất tương chao, bún, đậu phụ với bánh phở thôi nhưng tôi biết cổ là bậc thầy bỏ ba cái tào lao vô trong đó thì tôi ớn bà này hơn bà kia. Hiểu tôi nói không?
    Bà kia tôi thấy một lần bả mua cả chục ký thịt về bả làm phở làm bánh canh tôi không ớn, tôi không thấy sợ con người bả, và tôi không nghĩ đó là ác nghiệp, nhưng cái bà kia bà làm đồ chay gian ác đối với tui là ác nghiệp. Bả làm tàu hũ, làm chao, làm tương hột, làm bánh phở, bún khổ mà bả bỏ ba cái trời ơi, ba cái hóa chất độc hại nó ăn lâu ngày nó bị ung thư, nó bị mục xương, nó bị cái gì đó thì đối với tôi cái đó..
    Cho nên, cái quan trọng nhất là, nghề gì không cần biết nhưng không gây bất lợi, không gây tổn thương cho cảm xúc, sức khỏe, tài sản, tánh mạng của người khác thì cái đó được xem là chánh mạng.


    Ngủ thiền

    Hỏi: “Bạn con ngồi thiền buổi tối ngủ cả tiếng đồng hồ”.
    Đáp:
    Tôi không hiểu câu này. Cô đọc cô hiểu câu hỏi này không? Tại sao không hỏi cho dễ hiểu hơn là “Tôi ngồi thiền mà tôi buồn ngủ quá tôi phải làm sao?” chứ mắc chứng gì, cô đọc nguyên văn câu này dùm tôi coi.
    Bạn con ngồi thiền buổi tối ngủ cả tiếng đồng hồ.
    Chuyện của thằng Tèo mà thằng Tí đem đi hỏi. Nghe nó đơn giản mà nó kỳ lắm. Câu này đối với tôi là giỡn mặt.


    Mục lục
      1. Pháp đàm 04/09/2022
      2. Pháp đàm 18/09/2022
      3. Pháp đàm 25/09/2022
      4. Pháp đàm 02/10/2022
      5. Pháp đàm 09/10/2022
      6. Pháp đàm 16/10/2022
      7. Pháp đàm 23/10/2022
      8. Pháp đàm 30/10/2022
      9. Pháp đàm 27/11/2022
      10. Pháp đàm 04/12/2022

      ← trở về trang Vấn Đáp

      © www.giacnguyen.com