← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Giáo Lý Căn Bản
1 - Thứ Ba, ngày 26/12/23

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).


✴️ KHAI GIẢNG LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN.

Thưa đại chúng trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua chúng ta có cơ hội để thấy rằng nhu cầu tìm hiểu Giáo lý ở trong nước cũng khá là mạnh và theo yêu cầu của một nhóm Phật tử trẻ tuổi ở Sài Gòn chúng ta có lớp theo dự kiến buổi đầu là Khoảng vài ba chục người, mà hôm nay đã lên gấp 10 lần rồi, lên tới mấy trăm. Thưa bà con để khỏi làm mất thời giờ bù cho 20 phút mà chúng ta lãng phí do cái lỗi là thiếu chuyên nghiệp, mình không có thử máy trước khi chính thức làm việc với nhau cho nên chúng ta mất 20 phút.
Cho nên buổi nói chuyện sáng nay khai giảng chúng tôi chỉ nói đều ngắn gọn vắn tắt thôi.
Thứ nhất chúng ta học giáo lý là học cái gì ? Trước hết lấy Kinh trả lời cho chắc ăn, Đức Phật Ngài dạy rằng trong suốt cuộc đời Hoằng Pháp của Ngài, Ngài chỉ nói hai chuyện thôi, đó là :

NGÀI XÁC ĐỊNH CÁI GÌ LÀ KHỔ VÀ THẾ NÀO LÀ CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ.

Đó là một bài Kinh ngắn có nội dung như vậy, ta trước sau chỉ có nói một nội dung đó là về cái khổ.
Thế nào là khổ và thế nào là con đường thoát khổ.
Và trước bài Kinh này thì bài pháp thoại đầu tiên sau khi thành đạo đó là bài Kinh Chuyển Pháp Luân, thì Đức Phật Ngài đã thuyết giảng bài Chuyển Pháp Luân, nội dung của Chuyển Pháp Luân là cái nền cho bài Kinh mà tôi vừa trích dẫn. Bài Kinh mà Ngài nói rằng cả đời hoằng dương của ta, ta chỉ có nói hai chuyện thôi. Đó là xác định mọi thứ ở đời là khổ và thế nào là con đường thoát khổ. Thì ở trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân là Ngài xác định cho mình thấy rằng mọi hiện hữu đời đều là khổ, cái gì có sanh, có già, có chết, cái gì là sự hiện hữu của 5-Uẩn thì cái đó gọi là khổ. Và ở đây Tôi chỉ nói về một chút xíu thôi, tức là chữ khổ hồi đó giờ mình hiểu chỉ là một phần ba định nghĩa của chữ khổ mà Đức Phật nói đến trong Kinh Tạng.

Ở trong Tăng Chi Ngài dạy khổ có ba. Đó là :
1️⃣ Khổ-Khổ : tức là sự có mặt của tất cả những gì làm cho mình khó chịu đau đớn về thân về tâm, về hồn về xác, sự có mặt của tất cả cái gì làm cho mình khó chịu đó là Khổ-Khổ.
2️⃣ Hoại-Khổ
Sự vắng mặt của cái gì nó làm cho mình thấy ngọt ngào, thấy sung sướng hạnh phúc thì sự vắng mặt đó bản thân nó cũng là cái khổ. Có nghĩa là sự có mặt của vị đắng cũng là khổ, mà sự vắng mặt của vị ngọt cũng là khổ.
Cái thứ ba mới ghê.
3️⃣ Hành-Khổ
Có nghĩa là bất cứ một sự hiện hữu nào trên đời này nó cũng phải lệ thuộc vào vô số điều kiện để mà nó có mặt, bản thân cái sự lệ thuộc đó cũng là một cái khổ. Thì nói như vậy có nghĩa là không có một cái gì trên đời này mà nó hiện hữu mà nó nằm ngoài ba cái khổ này hết. Và Phật dạy suốt cuộc đời của Ngài cái lý tưởng của Ngài nói riêng và Chư Phật ba đời mười phương nói chung, là cho chúng sinh thấy một chuyện rất là khó thấy, rất là khó tin, kẹt cái chỗ rất là khó thấy, rất là khó chấp nhận, rất là khó hiểu và rất là khó chấp nhận.
Đó là Ngài nói một sự thật mà nó đi ngược dòng đời, theo thế gian thì có sướng, có khổ, có đắng, có ngọt, có nước mắt và có nụ cười. Nhưng mà Chư Phật thì ở một cách nói rất rốt ráo nhất thì Chư Phật dạy rằng tốt nhất không nên có, không nên có cái gì hết, bản thân cái có đó là một cái chuyện không nên, thì cái chữ không nên đó tiếng Phạn là dukkha mà mình dịch sát là đau khổ. Chứ còn chữ dukkha đây mình nên hiểu một nghĩa thoáng hơn, nó là chìa khóa cho tất cả giáo lý. Có nghĩa là không nên có. Tất cả mọi hiện hữu ở đời dù là Nhân hay là Quả, thiện ác buồn vui, kể cả cái Phàm, cái Thánh, có cả Thánh nữa nha. Có cả Thánh nữa.
Phàm và Thánh tất cả lẽ ra nó không nên có, nó không nên có cái gì hết, nhưng mà có một điều ở đây chúng ta không có đi theo cái học thuyết hư vô, tức là chủ trương mọi thứ là không thì không thể được, chúng ta tin là mình tuyệt đối phải chịu trách nhiệm những gì mình nói, làm và tư duy, thì tất cả cái thiện ác mà nó thông qua tư tưởng, ngôn từ, hành động, thì tất cả cái thiện ác đó bản thân nó cũng là phù du, cái Thân - Ngữ - Ý nó cũng là phù du, cái quả báo, cái báo ứng mà buồn vui sướng khổ từ thiện ác nó cũng là phù du.

Có một điều là cái phù du đó mà nó cứ lặp đi lặp lại quá nhiều lần thì nó là chuyện không cần thiết, chúng ta không có lý do gì để lặp đi lặp lại cái chuyện đó hết.
Thế là trong vô lượng chúng sinh có người thấy ra cái đó. Đó là Đại Trí. Và thương cho những kẻ không thấy được điều đó, đó là Đại Bi.

Lấy cái Đại Trí - Đại Bi này nè mà huân tập các hạnh lành trong suốt nhiều đời nhiều kiếp. Cuối cùng ở một thời điểm nhất định nào đó thì các hạnh lành này nó đạt đến mức độ hoàn bị, hoàn chỉnh, hoàn thiện, không thể thêm bớt được nữa. Thì các cá nhân đó được gọi là Phật. Và Đức Phật nói riêng và Chư Phật nói chung mới đem cái sự thật đó mà đi giảng cho người khác, thì những ai đủ duyên lành giải thoát nghe cái đó và được giác ngộ lừa bỏ ngộ nhận thì được giác ngộ, được giải thoát, được thanh tịnh, như là các Ngài.
Còn người nào không đủ duyên như là chúng ta chẳng hạn, nghe để mà bớt khổ thôi rồi tiếp tục huân tập các hành lành để chờ đến một cơ hội nào đó để nà hết khổ, nhưng mà trước mắt dù chưa chứng thánh cũng được an lạc.
Chúng ta nói nảy giờ có vẻ lạc đề, bởi vì cái chính mà chúng tôi muốn nói đến trong buổi khai giảng là chỉ có nói đến ba chuyện thôi.
● Chuyện thứ nhất :
Phật Pháp này chỉ dành cho một người duy nhất thôi, dành cho một loại người duy nhất đó là người chịu thấy ra MỌI THỨ LÀ KHỔ. Như là chúng tôi vừa nói, không có hạng thứ hai, chỉ có một hạng đó thôi.

Nếu ai trong zoom này tự thấy mình không có nhu cầu để mà tìm hiểu thêm cái chuyện đó, cái chuyện là xác định mọi hiện hữu là khổ và chúng ta tự có trách nhiệm thoát khổ.
Nếu tự thấy mình không có nằm trong cái số này thì chúng ta không có lý do gì có mặt ở đây hết. Còn nếu mà chúng ta thử đi, chúng ta thử, thử tại sao mà Phật Pháp có mặt ở đời phải có lý do chứ.
Phải có lý do.
Thì nếu mà mình có lòng thì mình thử tìm hiểu, tìm hiểu cái lý do đó ở đây chúng tôi thông qua lớp học này gửi đến các vị một số nội dung. Đó là mình mượn A Tỳ Đàm căn bản, A Tỳ Đàm là một trong ba Tạng Nam Truyền, mượn A Tỳ Đàm căn bản để làm nền tảng nghiên cứu Nikaya mà cũng có nghĩa là nghiên cứu A Hàm bên Hán Tạng. Nha.

Ở đây tôi không nói tới Tạng Luật, bởi vì Tạng Luật đó là một lĩnh vực chuyên biệt cho Tăng Ni. Ở đây chúng ta cầu đạo giải thoát và đặc biệt là cư sĩ thì chúng ta đặc biệt nên chú ý tới hai mảng giáo lý mà mình tuyệt đối phải biết. Tôi nhấn mạnh chữ TUYỆT ĐỐI chữ này không phải tôi lỡ lời đâu, mà tôi có ý xài chữ Tuyệt Đối.
Tuyệt đối ở đây có nghĩa là nó không phải là thứ kiến thức biết được thì tốt.
Giống như Yoga, khí công, nấu ăn, chưbg hoa, làm vườn, điêu khắc, hội hoa, âm nhạc, không phải.
Phật Pháp không phải như vậy, Phật Pháp không phải là cái biết được là tốt, mà PHẬT PHÁP LÀ CÁI MÀ ANH PHẢI BIẾT.
Kể cả anh không phải là phật tử, cái câu này nghe rất là kỳ, rất là kỳ nhưng mà tôi cũng xác định là tôi nói câu này trong tất cả sự minh mẫn và tỉnh táo, khách quan, chứ không phải là một vị trí của thầy tu Phật Giáo. Mà từ vị trí một người bạn, một người cùng với các vị bước vào khu vườn học thuật để tìm hiểu một góc nhỏ trong minh triết văn hóa của nhân loại.
Ở đây không hề có sự can thiệp của bàn tay tôn giáo hay chính trị, bè phái, phe nhóm nào hết, mà ở đây là một cái nhìn rất là trung thực của những người cùng nhau đi vào khu vườn văn hóa, văn minh, minh triết của nhân loại, thì tôi phải nói một lần nữa Phật Pháp là một lĩnh vực mà chúng ta tuyệt đối phải biết. Bởi vì nếu chúng ta có thích Chúa, thích đạo Hồi, đạo Ấn, đạo Do thái gì đi nữa, mà chúng ta biết được Phật Pháp vẫn tốt hơn. Để coi trong Phật Giáo dạy cái gì, thử đi, thử đi.

Và trong zoom này tôi cũng đặc biệt chú ý đến những người không có cảm tình với Phật Pháp hoặc là đang ở ngã ba phân vân là liệu mình có cần thiết bỏ ít thì giờ để tìm hiểu Phật Pháp hay không.
Thì tôi xin nói bằng cái sự khách quan, trung thực, không có ở lề phải, lề trái gì hết. Theo tôi tuyệt đối nên biết.
Vì sao vậy ,
Vì Phật giáo theo cho tôi biết, thì có thể trước mắt cho chúng ta câu trả lời cho một số câu hỏi mà tôi thấy cũng hay. Ví dụ như :
● TÔI LÀ AI ?
● TÔI LÀ CÁI GÌ Ở TRONG TRỜI ĐẤT NÀY ?
Đó là một, thứ hai :
● CÁI THẾ GIỚI TÔI ĐANG CÓ MẶT NÓ LÀ CÁI GÌ ?
Cái vị trí nó trong vũ trụ bao la vô tận nó là cái gì ?
Nó được cấu tạo ra sao ?
Và cái được gọi là tôi hay là của tôi, ông A bà B bản chất nó là cái gì và cấu tạo ra sao ?
● TÔI TỪ ĐÂU TỚI ?
● TÔI SẼ ĐI VỀ ĐÂU ?
Và bây giờ tôi phải làm gì trong từng giờ, từng phút, từng ngày, trong đời của tôi ? Thì đương nhiên câu trả lời mà chúng tôi cung cấp cho các vị, tôi đề nghị cho các vị có thể rất nhiều bà con đồng ý. Nhưng mà tôi có tâm nguyện như thế này, trong những ngày mà tôi về Việt Nam vừa qua.
● Tôi có hai cái nhận xét :
Nhận xét thứ nhất nhu cầu học đạo, hành đạo của người Phật tử Việt Nam rất cao, rất lớn, rất mạnh.
● Đó là nhận xét một.
Nó không giống như tôi nghĩ, nó không giống như tôi nghĩ, tôi nghĩ ngược lại. Cho nên nhiều năm trời, nhiều năm ... ít nhất, ít nhất ... bắt đầu từ lúc xây dựng Kalama tôi không có ý về Việt Nam, về là về công việc, về thăm một vài người quen rồi đi chứ tôi không có ý mà làm một cái gì ở Việt Nam hết.
Tôi không có niềm tin.
Đó là cái nhận xét thứ nhất trong chuyến đi vừa rồi tôi thấy nhu cầu học đạo ở Việt Nam rất cao.
● Cái thứ hai, mình học đạo mình nói thiệt nha, mình nói thiệt với nhau chớ đâu cần nói vòng vo mất thời gian. Tôi có cảm giác Phật tử Việt Nam phần lớn là thích đi phượt, thích dã ngoại, thích cắm trại, thích sống ngoài trời, thích sống trong thiên nhiên. Nhưng cả đời chỉ biết ngủ lều thôi. Ngủ lều tạm thời, cái đó tôi không muốn, đi chơi thì được, nhưng mà một đời mình sống dưới bầu trời mà gồm có nắng gió mưa ương đi chơi với cái lều thì Ok.

Nhưng mà nếu mình muốn sống trong lòng thiên nhiên thì bắt buộc mình phải có mái nhà cho ổn định, chắc chắn một chút, thì tôi không cam tâm, khi mà tôi xác đinh nhu cầu học đạo của bà con là không có ít, không có nhẹ, không có thấp.
Bắt đầu tôi có sự lưu tâm. Cái điều thứ hai tôi nhận xét là bà con không thể ngủ lều hoài được, thì tôi mong có một dịp nào đó, tôi mong trong bụng thôi, mà đến khi cậu Long này nè đề nghị có lớp học, lớp giáo lý cho bà con thì tôi mới quay trở lại cái niềm trăn trở ray rứt hôm trước, chỉ không tôi chỉ trăn trở một mình rồi im không nói ra.
Tức là tôi mong có một dịp mà tôi giúp các vị một chuyện thôi, đó là tôi giúp cho quý vị một căn chòi, cái lều. Đó là sao ? Cái lều quý vị biết rồi, nó chỉ là một khung nhôm, khung nhựa, rồi mình phủ tấm bạc lên gọi là lều. Có thể gió thổi tốc, hoặc cũng có thể là nắng mưa lâu ngày mình không thể nào trụ hoài ở giữa thiên nhiên với cái lều được.
Cho nên ý của tôi là chúng ta cần có một lớp Giáo lý để mà tôi dựng cho quý vị một cái chòi. Cái chòi nó gồm có 6 cây cột, 4 cây cột bằng nhau và hai cái cột cao để chúng ta có được cái nhà hai mái. Đã cái chòi thì không lớn được đâu. Nhiều lắm là vài hai người, ba người thôi, nằm đầu với chân chạm vách, mà ít ra cái chòi nó có cái lợi hơn cái lều ở chỗ này, là tôi dựng lên cho các vị gồm có 6 cây cột và vách và mái. Tại sao như vậy ? Tại sao phải làm chuyện đó ? Để nay mai này nè tôi biết trước là trong lớp học này nè, những người mà lắng nghe tôi đó, tôi không gọi ai là học trò, tôi chỉ nói là người nghe tôi.
Tôi chỉ nói là người nghe tôi thôi, chứ tôi kỵ cái chữ học trò.
Và tôi ở đây, tôi chỉ gọi chung là những người nghe tôi đó, tôi muốn làm cho họ một cái chòi, rồi khi mà mai này các vị đi gặp gỡ Thầy bạn tham khảo kinh sách, các vị thấy cần thì các vị mới thay cái mái, cái mái tôi chỉ bằng tranh, bằng lá thôi. Các vị mới lột cái mái ra các vị để tole lên, nha. Lột mái lá bỏ tole lên, từ 4 cái cây cột hoặc là 4 cây cọc mà tôi đóng cho các vị nó bằng tre, thì từ từ các vị mới thay nó bằng gỗ, mà trong lúc thay đó các vị vẫn có cái chòi để ở nha, các vị vẫn có chòi để ở. Rồi cứ thay từ từ ... từ từ ... thay mái rồi thay cột, rồi thay vách trước vách sau vách phải vách trái, mái cũng vậy. Lúc thay phần trước, lúc thay phần sau, rồi dần dần ..dần dần... có một ngày có một ngày các vị không còn giữ cái gì của tôi hết, tôi vẫn vui, tôi vẫn vui. Mà ít ra tôi vui là bởi vì tôi nhớ rằng nhờ có cái chòi các vị có chỗ ở vững chãi, vững chắc, và nhờ có cái chòi đó các vị mới có cái chỗ để mà thêm bớt chỉnh sửa, chứ còn bây giờ các vị cứ lấy cây dù che cái mặt nằm ngủ giữa trời mưa thì tôi không có cam tâm.

Hoặc lấy cái lều dựng lên rồi chui vô đó tôi cũng không cam tâm, mà tôi muốn các vị phải có cái chòi, mục đích là để chi ? để cho nó chắc chắn hơn, mà đồng thời có cái để mà thêm bớt chỉnh sửa. Thì trong bài nói chuyện buổi khai giảng sáng nay, tôi nói các vị ba chuyện.

1️⃣ Chuyện thứ nhất :
Nội dung giáo lý học về cái gì ? xác định đầu tiên là xác định cái gì ? chuyện mình có phải là cái người giải thoát hay không ?

2️⃣Thứ hai tất cả sách vở thầy bà đều là những cái để mình tham khảo, mình học cái gì đi nữa thì cũng chỉ để tham khảo thôi.
Cái đáng ngại nhất của người học đạo là vội vã, hối hả, chấp nhận hay là phủ bác ai đó, cái đó là cái đại kỵ, chúng ta có bài Kinh Kalama là lời nhắc nhở 26 thế kỷ vẫn còn vang vọng bên tai và trong tim, trong óc của người học Phật, kể cả những người không học Phật. Đó là :
● Chớ nên hối hả, chớ nên vội vã, chớ nên hấp tấp, chớ nên manh động khi mà chấp nhận hay là phủ nhận ai đó.
Tất cả chỉ là tham khảo thôi.

Lớp học này chúng tôi cũng mong là cung cấp cái nguồn tham khảo cho bà con, nhưng có một điều thay vì bà con tự tham khảo, dán mắt vào trong sách hoặc là nghe đầy, chỗ này giảng một chút, chỗ kia giảng một chút, thôi thì tôi nghĩ mình cần một lớp học mà nó hơi bày bản một chút, và tôi nhắc lại bà con nghĩ sao về tôi cũng được hết, sao cũng được hết, nhưng mà có một điều nếu mà đã chịu mất thời gian vào học thì nên học cho nghiêm túc. Tôi đề nghị tôi đang giảng bài 3 thì tôi nói rằng khi học tới bài 5 bà con phải nhớ rõ bài 3 mình học cái gì. nha.
Tôi nhắc cái đó là về bà con phải làm. Đấy.
Tôi đang nói riêng những người nào tự nhận mình là người học viên tốt, còn nếu mà, ở đây học viên chứ không phải học trò, học viên ... học viên nghiêm túc ấy, còn các vị không nghiêm túc thì thôi, chơi cho biết vì tò mò thì thôi. Nếu mà người nào có ý học nghiêm túc thì nhớ tôi nói cái này. Tôi đang giúp cái vị dựng cái chòi, cho nên các vị cũng phải tôn trọng tôi một chút, tôi kêu gắn cái gì vô thì gắn cái đó cho xong cái chòi cái đã, rồi mai nay quý vị muốn thêm bớt chỉnh sửa, thêm bớt chỉnh sửa, thêm bớt chỉnh sửa ... thêm bớt chỉnh sửa đó là chuyện của các vị.

Nhưng phải có cái chòi, mà đã dựng cái chòi thì các vị phải theo tôi một thời gian, chứ còn không thể nào tự ý dựng cái chòi theo ý của mình thì tôi đã nói rồi, tôi không bắt các vị phải tuyệt đối chấp nhận tôi.
Nhưng mà nếu thấy Ok thì nên thử ... thử từ 9 tháng tới 1 năm, một tuần có hai buổi, mỗi buổi 2 tiếng, thử đi ...thử đi ...thử coi một tuần 4 tiếng 4 giờ đồng hồ ấy, thì từ 9 tháng cho tới 10 tháng cho tới năm sau vào ngày này, tháng này, nếu mà tôi đoán không lầm thì 1000 bây giờ nó sẽ xuống còn 50, nhưng mà 50 đó là 50 xài được, xài được là sao ? xài được có nghĩa là quý vị có thể nghỉ học và tự nghiên cứu tham khảo một cách thoải mái, tự tại. Còn hai nữa là lúc đó chúng ta chính thức đi vào cái lớp chuyên sâu một cách rất là thoải mái, chứ còn hôm nay thì phải nói thiệt.
Trong số những bà con đến nghe chúng tôi ở Xá lợi, Giác ngộ, rồi ở các Thiền Viện miền bắc, tư gia ở Sài Gòn, thì tôi xét thấy rằng tôi thương, tôi quý, cái tinh thần của bà con, cái lòng hiếu tu, hiếu học của bà con.
Nhưng mà phải nói là để mở một cái lớp chuyên sâu thì hơi khó, khó cho cả đôi bên. nha.

3️⃣ Rồi giờ tôi nói qua chuyện thứ ba. Đức Phật không hề nói cái gì mà làm khó chúng sinh hết.
Có nghĩa là nói cái gì mà không có người hiểu nổi thì không, không có.
Chư Phật không có cái chuyện đó. Chư Phật không nói cái gì mà làm khó chúng sinh, nói cái chuyện mà quá tầm hiểu của chúng sinh, không có. Có như vậy nè, thí dụ như Ngài gặp người này cơ duyên của họ như thế nào đó thì Ngài nói hợp với cái khuynh hướng tâm lý, trình độ tư duy của họ, rồi mai gặp người khác Ngài cũng theo khuynh hướng, trình độ của người kia mà Ngài nói khác đi một chút. Nhưng mà tựu trung lại không có một buổi pháp thoại nào, không có câu nói nào của Đức Phật mà làm khó chúng sinh hết, không có. Thì theo trong Kinh điển mình học, thì mình biết rằng Đức Thế Tôn tùy thời, tùy lúc, tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh, mà Ngài có hai trường hợp thuyết giảng Chánh Pháp.

● Tùy hoàn cảnh mà Ngài có hai trường hợp thuyết giảng Chánh Pháp
1️⃣ TỤC ĐẾ
2️⃣ CHÂN ĐẾ
Tùy theo căn duyên chúng sinh, bởi vì thế giới này chúng ta có hai góc nhìn :
1/ Góc nhìn hiện tượng.
2/ Góc nhìn bản thể.
- Hiện tượng Pháp Giới do Duyên mà có rồi cũng do Duyên mà mất đi.
- Thời gian và không gian chỉ là khái niệm giả lập.
- Về vật chất gồm đất, nước, lửa, gió.
- Về tâm linh, tinh thần gồm có các thành tố sau :
TÂM và TÂM SỞ
- Tâm chỉ là cái Biết
- Tâm sở gồm có : Tâm Sở trung tính, Tâm Sở tiêu cực, Tâm Sở tích cực.
Đó là những thành tố để cấu tạo nên cái gọi là Tâm.
- Bốn đại thuộc về SẮC
- Tâm thuộc về DANH
Cộng lại thành ra là 6 đại.
6 đại là 6 thành tố mà làm nên thế giới này. Thay vì đó giờ mình học 4 đại tức là 4 đại vật chất là đất nước lửa gió. Nhưng mà trong kinh Đức Phật Ngài dạy rằng 4 đại là về vật chất nhưng mà nếu muốn gồm luôn cả tinh thần, tâm linh thì không thể nào 4 đại được.
- 4 đại là đất, nước, lửa, gió, cộng thêm hai đại nữa đó là hư không và thức.
- Hư không là khoảng trống giữa các đại.
- Thức là tâm linh, là tinh thần.
Như vậy mình có tất cả là 6 đại.
Đó là thế giới phân tích qua 6 đại là phân tích về khía cạnh Bản thể.

● Phân tích về khía cạnh hiện tượng
- Thế giới gồm có các cảnh giới, các chủng loại chúng sinh, nam nữ, đực cái, trống mái, trên dưới, xa gần, có nụ cười, có nước mắt, có gai góc, có hoa hồng ...
Nhưng mà chúng ta cũng phải biết cả hai.
- Khả năng nhìn thế giới qua khía cạnh Bản thể.
- Khả năng nhìn thế giới qua khía cạnh Hiện tượng.

Trong lớp Phật Học này mình sẽ cùng nhau tìm hiểu mấy câu trả lời cho các câu hỏi mà tôi đã nêu từ lúc đầu của bài nói chuyện này.
● Chúng ta là ai ? là cái gì trong cuộc đời này ? Thì rõ ràng mình thấy mình có phần hồn và phần xác.
Hai cái này được cấu tạo ra sao ?
Có cơ cấu, cấu trúc như thế nào ? rồi thế giới khi mà mình hiểu về mình cũng có nghĩa là mình hiểu về người khác.
Đó là nói về chúng sinh.
Ngoài chúng sinh ra còn có thế giới, còn có vũ trụ, thì ở đây mình thấy thế giới nó gồm có các cảnh giới thô và tế, thì chúng ta học cái này chúng ta lại cũng có cơ hội để hiểu thêm về một khía cạnh nữa đó là Phật Giáo nói gì về cái gọi là Vũ Trụ. Hay là Thế Giới hay là Cảnh Giới cư trú của chúng sinh.
Đương nhiên ở đây nói về khía cạnh hiện tượng. Nhưng phải học cho biết, và chỉ là buổi nói chuyện đầu tiên trong ngày khai giảng, tôi vẫn phải nhắc chừng một chuyện để bà con chuẩn bị tâm lý. Đó là Phật Pháp kỳ lắm, Phật Pháp kỳ cục lắm như hồi nãy tôi nói không học không được.
Bởi vì Phật giáo, Phật pháp nói riêng và kiến thức ở đời nói chung, nó cho ta một cái nhìn cái thế giới này nó ra sao là tùy thuộc vào khả năng quan sát của mình, và Phật Pháp cung cấp cho ta một cái nhìn về người và vũ trụ, và đương nhiên thông qua các kinh sách, thông qua các Tăng Ni hướng dẫn, thì chúng ta có thể được hướng dẫn Phật Pháp ở nhiều cách khác nhau.
Nhưng mà tựu trung lại, hồi nãy tôi có nói một sự thật mà tôi phải nói trước để bà con đừng có bị sốc. Đó là học thì cứ học nhưng sẽ có một ngày bà con thấy rằng cái BIẾT đầu tiên của mình nó chỉ là cái nền cho mấy cái BIẾT sau đó.
Và cái BIẾT sau đó nó lại là tiếp tục là cái nền cho cái BIẾT sau nữa, không thể nào ôm khư khư cái BIẾT buổi đầu rồi lấy đó làm hành trang, làm của, làm hành lý, để mà đề suốt cuộc đời này, đi suốt hành trình giải thoát là không được.
Nha. Nhớ cái này rất là quan trọng.
Học để biết, mà tại sao chúng tôi phải nhấn mạnh cái này ? bởi vì có một chuyện nữa là Phật Pháp mình không nên học bằng cái tâm thế chống đối hay là thần tượng, mù quáng, manh động, hãy nhớ tất cả chỉ là tham khảo.
Và vì thế bản thân hãy nhớ rằng cái kiến thức nào đi nữa, do ai dạy đi nữa, ai hướng dẫn đi nữa, thì kiến thức buổi đầu nó chỉ là cái NỀN để chúng ta đi xa hơn, đi cao hơn.
Đi sâu, xa, cao, rộng hơn.
Nó chẳng là cái gì hết.
Khi lên tới tầng nào đó thì chúng ta lại tiếp tục phải bỏ cái đang có để hướng tới một cái khác.
Nhớ cái này nha.
Và sau cùng, cái ngày mà, giả định cái ngày chúng ta chứng thánh, chứng đạo.
Chúng ta sẽ nhận ra một chuyện đó là cái BIẾT của mình từ cái biết qua từ chương chữ nghĩa sách vở, kinh điển, trường lớp, nó không giống cái BIẾT của người thắm thía tiêu hóa, và từ thắm thía tiêu hóa đó lại khác với người thực tế hành trì, thực chứng.
Nhưng mà cái BIẾT của phàm nó không thể nào giống như cái BIẾT của Bậc Thánh người Chứng Đạo được hết.
Nhớ cái đó.

Cho nên cái chuyện bậy bạ nhất đó là cuồng tín, mù quáng, manh động, hối hả, vội vã, hấp tấp, để mà phủ bác hay thờ phụng một Sư Phụ, một đường hướng, một quan điểm, một lập trường, một chủ trương, một học thuyết, một nền tảng, một cơ sở, một căn bản ... nào đó. Nha.
Cái đó tối kỵ.
Tất cả những cái đó chỉ là những chỗ ghé lại thôi, lấy ít gạo, ít nước rồi đi tiếp.


🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

---------------------------☘️

🙏Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn .. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20231226/BỐN TIỀN ĐỀ GIÁO LÝ (Trần Ngọc Thanh Tâm).pdf
  • ← Giáo Lý Căn Bản