← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
2 - Thứ năm, 28/12/23.
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)

✴️ BỐN TIỀN ĐỀ CHÍNH

A Tỳ Đàm căn bản của bộ Thắng Pháp Tập Yếu, làm quen với giáo lý A Tỳ Đàm nói riêng và Phật Pháp nói chung.

Phật Pháp gồm những gì ?
Bốn khía cạnh giáo lý hoặc là bốn cái tiền đề giáo lý.
Tiền đề thứ nhất mà chúng ta phải biết khi bắt đầu học phật đó là :
VẠN PHÁP DO DUYÊN MÀ CÓ.
- Do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà mỗi kiếp sinh ra chúng ta thuộc về một cái chủng loại chúng sinh nào trong cái trời đất này, chúng ta thuộc về cái cảnh giới nào, chúng ta thuộc về cái đoàn thể xã hội, đất nước, dân tộc nào.
- Tiền đề đầu tiên chúng ta học giáo lý là chúng ta có KHÁI NIỆM VỀ VŨ TRỤ.

● Cái gọi là chúng sinh có sáu đại : đất, nước, lửa, gió, hư không, và thức.
Ở mỗi chúng sinh sau mỗi kết thúc của một đời sống chúng ta là có một cái tiếp nối, tiếp nối đó không phải là của một con người cũ mà nó là thành quả của con người cũ.
● Mọi thứ do các điều kiện mà có, các điều kiện đó trong Kinh gọi đó là DUYÊN.
Nói một cách chuyên môn gồm có 12 DUYÊN KHỞI và 24 DUYÊN HỆ.

● DUYÊN SINH VÀ DUYÊN HỆ.
- Duyên Sinh là cách trình bày của Đức Phật về hành trình sinh tử của mình, cái gì để tác động lên, cái gì để làm nên dòng Luân Hồi của mình thì cái đó gọi là Duyên Sinh.
- Duyên Hệ là cách thức vận hành tồn tại mọi hiện hữu trên cuộc đời này nói chung bao gồm cái thuộc về chúng sinh và ngoài chúng sinh. Thuộc về cái vòng Luân Hồi và ngoài chuyện Luân Hồi của chúng sinh miễn là hiện hữu, mọi điều kiện tác động lên được gọi chung là Duyên Hệ.
Duyên Sinh cũng chừng đó những điều kiện thôi, nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình sinh tử của muôn loài.
Như vậy mọi thứ do Duyên.

Sáng hôm nay chúng tôi nói tới bốn tiền đề giáo lý :
1️⃣ Tiền đề đầu tiên là MỌI THỨ Ở ĐỜI DO DUYÊN MÀ CÓ.

Duyên ở đây có hai thứ :
● DUYÊN TRỢ SINH và DUYÊN TRỢ LỰC.
- Duyên Trợ Sinh là những điều kiện hỗ trợ cho những cái gì đó từ không trở thành có, cho nó có mặt.
- Duyên Trợ Lực là những điều kiện hỗ trợ thêm sức cho những cái đã xuất hiện được lớn mạnh, được tăng trưởng, được phát triển, được kéo dài, được tồn tại.
Không có một thứ gì có mặt trên đời này mà lại thiếu hai thứ Duyên này.

● DUYÊN TRỢ SINH : Những điều kiện tạo từ không thành có.
1/ Giúp nhau bằng cách có mặt trước.
2/ Giúp nhau bằng cách có mặt sau.
3/ Giúp bằng cách có mặt cùng lúc.
4/ Giúp nhau bằng cách chính nó phải vắng mặt.

● DUYÊN TRỢ LỰC : Những điều kiện hỗ trợ cho nhau.
1/ Tiếp sức, dưỡng nuôi nhau bằng cách có mặt trước.
2/ Tiếp sức, dưỡng nuôi nhau bằng cách có mặt sau.
3/ Tiếp sức, dưỡng nuôi nhau bằng cách cùng có mặt.
4/ Tiếp sức, dưỡng nuôi nhau bằng cách chính nó vắng mặt.

Mỗi cái trợ sinh và mỗi cái trợ lực có bốn trường hợp :
1/Giúp nhau bằng cách có mặt trước
2/Giúp nhau bằng cách có mặt sau
3/Giúp nhau bằng cách cùng có mặt
4/Giúp nhau bằng cách cùng vắng mặt.
Nguyên tắc Duyên Trợ bao trùm mọi hiện hữu, dù đó là sự hiện hữu của một Đức Phật hay là hiện hữu của một con ong cái kiến cũng phải nhờ vào các Duyên.

● Đại Bi, Đại Trí ở đâu ra ?
- Là nhờ thân cận Thầy bạn, Minh sư, Thiện hữu, cộng với khả năng tư duy của bản thân, cộng với môi trường sống, cộng với vô số thứ để cho một cá nhân mới có thể sơ phát Bồ Đề Tâm.
- Đại Trí hiểu rằng mọi hiện hữu là Khổ. Mọi hiện hữu là vô nghĩa, là không cần thiết, thích cái gì cũng là thích trong khổ, muốn không khổ nữa thì đừng thích cái gì.
Đó là Đại Trí.
Nhưng mà Đại Bi là sao ?
Là vị này chạnh lòng trắc ẩn, bất nhẫn, không cam tâm, không đành lòng, khi mà nhìn thấy vô lượng chúng sinh không hiểu được điều đó như mình.
Vì họ không hiểu được cho nên họ khổ và họ tiếp tục gieo nhân khổ, vị ấy có lòng Đại Bi mong mai này thành Phật mình độ được bao nhiêu thì độ, đương nhiên là độ mấy người hữu duyên thôi chứ còn mấy kẻ vô duyên thì thua.
Phật lực vô biên
Phật trí vô cùng
Phật tâm vô lượng
Không độ được người vô duyên.
Chư Phật cũng chỉ là trợ duyên cho chúng sinh thôi.

Hôm nay chúng ta học lớp Giáo lý này là để tìm hiểu coi cái Duyên nào mà dắt về cảnh giới nào.
Cái chuyện mà quý vị gặp gỡ ai sáng nay, quý vị nói phone với ai, các vị có tin nhắn, nhận tin nhắn của ai, viết tin nhắn cho ai, nhận có cái nhận nha, nhận của ai, viết cho ai, gọi ai, và nghe ai gọi ... nhìn thấy nó nhỏ, nhỏ, nhỏ như vậy, nhưng mà tất cả đều là Duyên hết.
1/ Học về Duyên để mình sống có trách nhiệm hơn, thấy rằng tất cả mọi thứ do Duyên mà có và và bản thân mỗi thứ nó lại là Duyên tác động trở về một số thứ khác trong cuộc đời.
2/ Trên đời này đã nói tới Duyên thì không có cái gì là nhỏ hết.
Ý nghĩa Tương Duyên trong trời đất thì không có cái chi là nhỏ hết, có cái chi là lớn tuyệt đối và nhỏ tuyệt đối, mọi thứ do các điều kiện tác động và bản thân nó vừa là Quả cũng vừa là Nhân.
● Học về Duyên để thấy rằng mình sống có trách nhiệm hơn, phải cẩn trọng hơn.
● Học về Duyên để thấy rằng người ta là con số 0, tinh thần tánh không của Phật Giáo nó không phải là không có gì, nó không phải là notthing mà nó là nobody, không có ai, không có người nào, không có kẻ nào, không có bỉ thử, không có chúng sinh thọ giả.
Tất cả là các cái thành tố, những đơn vị pháp giới rời rạc, cộng hưởng, cộng sinh, cộng trú với nhau để nó làm nên cái mà ông A, bà B, một thân phận có hình hài, có nhãn mác, có nhãn hiệu để mà làm nên một cái xã hội, một đoàn thể, một cộng đồng chúng sinh.
Chỉ vậy thôi.
● Học về Duyên để thấy mình chẳng là gì hết, mình chỉ là một làn khói, do các điều kiện mà làn khói đó nó có mặt, do các điều kiện mà làn khói đó nó tan biến
Rất là quan trọng.
Mình học để mình hiểu được chữ Duyên trong đời sống, học để mọi ngôn từ tư duy và hành động lớn bé, cử chỉ sinh hoạt, hoat động lớn nhỏ của mình đều là cái Duyên lần cho những sự cố, sự kiện lần, là những điều kiện cho những người khác được an lạc, điều kiện cho những nụ cười, cho những niềm vui cho mình và cho người.

● Vật chất trong A Tỳ Đàm là những trạng thái :
- Đất : chỉ là cứng, mềm, mịn, nhám, nặng, nhẹ.
- Nước : chỉ là trạng thái hòa tan, ngưng tụ và kết dính.
- Lửa : là tất cả các nhiệt độ, nóng lạnh cở nào cũng là lửa.
- Gió : là trạng thái lay động, trương phòng, áp suất, xô đẩy, xê dịch, thì đó gọi là gió.
Khiếp như vậy.

Bốn cái tiền đề.
1️⃣ Duyên
2️⃣ Mọi hiện hữu chỉ là sự tổng hợp của vô số thành tố.
3️⃣ Tùy thuận, Tương thuận.
Anh thường sống với tâm tư, tình cảm, cảm xúc, khuynh hướng tâm lý, đầu tư tâm linh, như thế nào thì chính cái kiểu đó của anh nó sẽ dìu anh về một phương trời nào đó như tôi đã nói không dưới mười ngàn lần.
Trong từng giây đồng hồ trôi qua chúng ta đang kín đáo có mặt dẫn về đâu đó, trong mỗi giây đồng hồ trôi qua chúng ta đang kín đáo dựng xây một chốn về cho chính mình, tùy vào kiểu sống của mình.
Từng ngày chúng ta đang dọn chỗ và có mặt trên đường để dẫn về một nơi chốn tương thích, tương hợp với mình cho đời sau kiếp khác.
- Mình muốn Sinh Tử thì mình cứ sống với tất cả những điều kiện Thuận Ứng với tập khí Sinh Tử.
- Muốn Giải Thoát thì bắt buộc chúng ta phải có những cái kiểu sống mà nó Thuận Ứng, nó Tương Hợp với Lý Tưởng Giải Thoát và đó chính là cái điểm bắt đầu cho tiền đề thứ tư.
4️⃣ Giải Thoát.
- Khi mọi thứ do Duyên mà có, bây giờ muốn hết có thì cắt Duyên.
- Mọi thứ nó là một khối tổng hợp bây giờ mình không kết hợp nữa thì hết.
- Mọi thứ nó là sự Tùy thuận, Tùy thuộc mà có mặt. Bây giờ chúng ta không có tiếp tục Tùy thuận với nó nữa thì nó sẽ tự nó rả.
● Đó chính là lý tưởng Giải Thoát.

● Tu hành là gì ?
Là không có tiếp tục Thích và Ghét, không có tiếp tục đặt vấn đề, không có tiếp tục xem trọng cái gì nữa hết, chỉ nhìn mọi thứ do Duyên mà có, do Duyên mà mất, không cố tình đi tìm cái ngọt không cố tình trốn cái đắng.

● Giải thoát nghĩa là gì ?
Giải thoát là không có xuôi dòng, không có Thuận ứng, không có Tùy thuận vào cái dòng chảy xưa cũ từ vô lượng kiếp, chúng ta phá vỡ cái gọi là Duyên, phá vỡ từ chối cái gọi là sự kết nối tổng hợp, phá vỡ từ chối cái gọi là tùy thuận tương thuận.
Tu hành là một sự Tháo gỡ.
Tháo gỡ là Giải thoát.

🌾 Sư Giác Nguyên giảng.
☘️ Lớp học Theo Bước Chân Thầy.
(Lý Ngọc Nga ghi chép).

🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Youtube video
Xem thêm:
  • 20231228/595-NỘI DUNG ĐÚC KẾT LỚP GIÁO LÝ BUỔI 1 2.docx
  • 20231228/Buổi 3-HỌC GIÁO LÝ SƯ GIÁC NGUYÊN(02.01.2024).docx
  • 20231228/BỐN TIỀN ĐỀ GIÁO LÝ (Trần Ngọc Thanh Tâm).pdf
  • ← Giáo Lý Căn Bản