← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
15 - Thứ Năm, ngày 04/04/2024
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).

✴️ GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Thưa bà con là bây giờ mỗi tuần chúng ta chỉ có còn một ngày lớp Giáo Lý, vì sao vậy ? Là bởi vì chúng tôi có được nghe phản hồi từ nhiều bà con rằng, thứ nhất là bây giờ bà con cũng còn phải học rất là nhiều lớp Online chứ không phải chỉ có một lớp của chúng tôi, hai bài trong một tuần thì cũng nhiều, thứ hai nữa đó là cũng theo phản hồi bà con thì chúng tôi nên gieo duyên cho bà con nhiều hơn. Nên gieo duyên hơn là có cái ý trông đợi để mà gầy dựng một đội ngũ Cư Sĩ, cái chuyện đó nó cũng khó khăn và xa xôi, bởi vì online mà, không thấy mặt nhau nó khó, cho nên chỉ gieo duyên rồi hẹn gặp nhau ở Kalama hoặc là ở Việt Nam đó là tốt nhất. Hoặc ở Kalama hoặc ở Việt Nam, hoặc ở Châu Âu, Châu Âu thì xa cho nên tốt nhất vẫn là Kalama, còn sở dĩ chúng tôi không nói tới Việt Nam là bởi vì mình cũng biết vấn đề hành chánh cũng có chút khó khăn, thứ hai nữa là trú xứ cũng khó, và cái thứ ba đó là nhiều bà con mình có cái tâm lý ỷ lại gần nhà cho nên không có chuyên tâm dốc lòng được giống như bà con đi qua Kalama. Kỳ rồi chúng ta có một khóa học ba tuần mà tôi cho là ờ thành công bởi vì chỉ riêng những vị nào dốc lòng thì mới chịu khó, chịu tốn kém, và chịu thu xếp việc nhà, để mà đi trong một thời gian liên tục như vậy. Tôi tuyệt đối không có tin, tuyệt đối không có tin, không có tin là nếu lớp học vừa rồi ba tuần ở Kalama đó mà mình dời về Việt Nam mà mình có được chừng đó người học xuyên suốt ba tuần rất là khó, bằng chứng là có vài bà con nếu mà vợ không kèm chồng, chồng không kèm vợ, thì các vị đó đi bữa đầu vô học cũng hơi khó, hơi ngán. Nhưng khi hai người kèm qua kèm lại đó thì một phần nữa là do cái chuyện phải bay trở về nó ngán, thì họ ráng theo được mấy hôm thì cuối cùng thì cái lớp mình theo tôi là thành công 100%. Đó là theo tôi 100% lớp học rất hoan hỉ, và trưa nay tôi được một tin vui nhưng mà cũng là cái chuyện đáng lo, đó là số học viên về dự khóa học ở Châu Âu tính cho đến hôm nay đó là cũng chắc, cũng phải là 70, 80 người, thì trong 5 khóa mà chúng tôi tổ chức ở bên Thụy Sĩ vừa qua, 5 khóa thì khóa nào cũng chỉ là ba mấy thôi, nhưng mà khóa kỳ này là gấp đôi, có nghĩa là khoảng tầm 70, 70 hơn, hoan hỉ, hoan hỉ là bà con cũng vượt ngàn dặm đi học, mà có cái lo đó là không biết giờ cuối quý vị có được cấp Visa hay không, rồi các vị có vị nào nữa đường đổi ý hay không, một là nữa đường đổi ý, hai là các vị có được cấp Visa hay không, nếu mà có hai trường hợp đó là chúng tôi mệt, là bởi vì nếu không chuẩn bị chỗ sẵn thì bà con qua sẽ rất là mệt, còn nếu có chuẩn bị mà bà con qua không đủ thì chúng tôi làm gì với cái chỗ mà mình đã đặt, chỗ ở mình đã đặt sẵn cũng hơi khó, bởi vì nó có trường hợp là mình có thể hồi được nhưng mà thời hạn trước phải là bao nhiêu, mà có trường hợp đó là trễ quá không có hồi được, cho nên đó cũng chuyện đáng lo. Nhưng mà dù sao thì cái chuyện bà con ghi danh nhiều nó cũng là một tín hiệu rất là tích cực, cho thấy rằng là cũng còn nhiều bà con tinh tấn tu học.

Xin thưa với bà con rằng trước tình hình đó, những gì tôi vừa trình bày ở lớp học Kalama, tình hình trước mắt là Thụy Sĩ, và sau đó là ba tháng, chúng ta có tất cả là ba lớp, lớp thứ nhất là ở Kalama vừa qua, rồi lớp thứ hai là lớp Thụy Sĩ, lớp thứ ba là lớp ba tháng liên tục tại Kalama trong mùa an cư, thì trước tình hình đó, chúng tôi rất là muốn gửi đến bà con đôi điều mà chúng tôi cho là rất quan trọng, tiếp nối, tuy là quan trọng nhưng mà nội dung vẫn là tiếp nối những gì chúng ta đã được học trong 14 buổi học vừa qua, và hôm nay chúng tôi chỉ nói một nửa thời gian, một nửa thời gian theo đề nghị của Ban Tổ Chức thì chúng ta sẽ dành ưu tiên cho buổi vấn đáp, bởi vì hôm trước chúng tôi từ chối không có thêm phần vấn đáp vì chúng ta chưa có nói gì nhiều, nhưng bây giờ qua 14 buổi học thì chúng ta đã có được ít nhiều cái để bà con hỏi, bữa nay chúng ta chỉ nhắc sơ sơ mấy điều có liên quan, nó liên quan đến nội dung tiếp nối của mấy buổi giảng trước và liên quan đến sự kiện mà bà con ghi danh cho các khóa tiếp đây, kế đây nè.

Chuyện nó chư thế này, thời Đức Phật còn đó, hiện diện đó, Chư Thánh Tăng còn đó, có rất là nhiều người Tăng Ni và Cư Sĩ chưa từng học giáo lý, có nhiều vị mà Tăng thọ Tỳ kheo, Tăng thọ mới tu và có những người Cư sĩ rồi bận rộn gia đình công việc lung tung hết, nhưng mà chỉ cần một thời Pháp, một câu nói ngắn, một bài kệ bốn dòng của Đức Phật, của các vị Thánh Tăng, người ta cũng đủ để chứng
đạo, thì chúng ta làm ơn nhớ rằng là cái chuyện đó, cái chuyện mà không học gì hết mà chỉ cần nghe câu đắc đạo là cái chuyện khó như là dời núi vậy đó. Bởi vì người mà đủ duyên để gặp Phật không có nhiều lắm đâu, mặc dù trong Kinh nói là Đức Phật Ngài gặp được rất là nhiều người gồm có Chư thiên, Nhân loại, Phạm thiên. Nhưng mà mình phải hiểu làm sao cái gọi là biển người, đại dương chúng sinh thì số đó không bao nhiêu. Một vị Phật ra đời thì số lượng các Ngài độ được chúng sinh, số lượng chúng sinh mà người độ được cũng giống như một nắm cát trên sa mạc thôi. Một nắm cát trên sa mạc. Nếu tính tỷ lệ cỡ đó, một nắm cát thì cái số không có nhiều, số người đủ học Phật không có nhiều, và đủ duyên để nghe Ngài thuyết giảng, đủ duyên gặp Ngài là một chuyện, mà đủ duyên để hiểu được lời Ngài là một chuyện, có nghĩa là họ phải tu rất là nhiều, chính họ tu rất là nhiều kiếp cho nên bây giờ đơn giản thôi. Đức Phật chỉ gợi nhớ cho họ bài học cũ thôi là chứng đạo. Chúng ta hôm nay không có Phật, không có Thánh, chúng ta chỉ còn trông đợi vào hai nguồn, một là Kinh điển, hai là Thầy bạn mà mình bắt gặp trong đường tu. Chỉ có hai nguồn đó thôi.
- Một là Kinh điển.
- Hai là Thầy bạn.
Thì mình phải hiểu ngầm chắc phàm nhiều, nếu không muốn nói toàn là phàm, cho nên là mình phải cẩn thận, mình không thể giao phó 100% chuyện tu học của mình cho kiến giải cá nhân hay là cho hướng dẫn của Sư Phụ, của Thầy bạn mà phải là sự kết hợp thông minh, thông tuệ. Không có vị Thầy nào như Phật, như các vị Thánh thời Đức Phật như Ngài Ca Diếp, Ngài Mục Kiền Liên hết. Cho nên là thời này mình phải trông cậy vào hai nguồn đó là :
1️. Nguồn Kinh điển trên mạng và trên giấy in.
2️. Nguồn Thầy bạn mà mình bắt gặp được, gặp gỡ được, nhưng mà phải rất là cẩn thận.
Bởi vì như rất nhiều lần tôi nói, trừ ra có Tam Tạng, thì ngay cả Chú Giải, Sớ Giải, thì mình cũng phải rất là cẩn trọng. Bởi vì đọc kỹ lại Sử Truyền Thừa thì mình phải thấy rằng trong Chú giải không phải là một nguồn cứ liệu tuyệt đối 100% như là Chánh Tạng, mà thậm chí có người còn nghi ngờ Chánh Tạng được sao chép qua nhiều thế hệ chắc gì còn như là là thời Đức Phật. Chánh Tạng mà tôi còn nghi nói gì Sớ Giải.

Thì thôi bây giờ riêng tôi, thì tôi cứ giả định là chúng ta tuyệt đối tin cậy vào Tam Tạng và Sớ Giải. Nhưng mà các nguồn sau này là tuyệt đối phải xét lại. Bởi vì tất cả các soạn giả kể cả dịch giả, kể cả dịch giả họ dịch bản Pali nhưng mà mình phải đồng ý với với nhau một chuyện đó là văn phong, ngữ khí, kiến thức của người dịch tuyệt đối có ảnh hưởng đến giá trị chỗ đáng tin cậy của bản dịch, của cuốn sách mà họ biên soạn, biên dịch, và rất là nhiều lần tôi nói một điều mà bà con tuyệt đối đồng ý, đó là chúng ta không thể nào thấy được cái tài của cụ Nguyễn Du khi mà chúng ta đọc truyện Kiều bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật. Không thể nào, không thể nào, bởi vì rất là vô duyên. Nếu mà chúng ta đọc truyện Kiều mà bằng bản tiếng Nhật hay là tiếng Do Thái nó kỳ lắm. Bởi vì nói cho cùng nha, nói hơi đời chút, nội dung của truyện Kiều là gì ? Là chuyện kể về một cô gái điếm và một anh chàng ăn cướp. Hết. Một cuộc tình giữa một cô gái điếm và một anh chàng ăn cướp, hai đối tượng mà có một thân phận phải nói là không được trong sáng lắm, chuyện kể về cuộc tình của một cô gái điếm và một anh ăn cướp chứ có gì đâu, thì dĩ nhiên trong đó ảnh có lồng vào chút ít triết lý nhân sinh gồm có Phật, Khổng, Lão, chỉ có ba cái đó thôi, mà lồng chút đỉnh thôi, lồng chút đỉnh, một chút Phật Giáo, chút Khổng Giáo, một chút Lão Giáo. Chỉ vậy thôi. Gọi là Tam Giáo đó, rồi một chút cái tâm tình của người Việt Nam mặc dù truyện Kiều cái gốc đó là của Thanh Tâm Tà Nhân bên tàu, rồi mình chuyển thể nó thành một tác phẩm Việt Ngữ, chứ còn thật ra chuyện Kiều không phải là tác phẩm 100% do cụ Nguyễn Du của mình sáng tác, nó gần như một bản dịch của Đặng Trần Côn vậy đó, gần như bản dịch của Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị vậy đó.
Và dĩ nhiên hơi khác, cái này không phải dịch mà cái này là chuyển thể, thì làm gì làm chúng ta không thể nào thấy được cái hay của truyện Kiều khi mà chúng ta đọc bản văn ngoại quốc, ngoại ngữ. Tam tạng Kinh điển cũng vậy. Tôi xin đoan chắc một ngàn phần trăm là chúng ta không thể nào mà chúng ta có cùng một thứ tâm tình, một thứ cảm xúc. Nha. Chúng tôi nhấn mạnh tâm tình và cảm xúc. Khi mà đọc một bản dịch, một bài Kinh của các dịch giả khác nhau. Tôi nói thẳng luôn thí dụ của Ôn Minh Châu, bản dịch của Ôn Tuệ Sĩ, bản dịch của Ôn Nhất Hạnh, Ôn Thiện Châu bên Paris. Bốn vị. Của Ngài Minh Châu, của Ngài Tuệ Sĩ, của Ngài Nhất Hạnh, của Ngài Thiện Châu. Bốn vị. Bốn vị đều dịch một bài Kinh, tôi nói chẳng hạn như bài Kinh Pháp An Lành, Ngài Thiện Châu cũng có dịch, Hòa Thượng Nhất Hạnh cũng có dịch, Hòa Thượng Tuệ Sĩ, Hòa Thượng Minh Châu đều có dịch, hoặc là một Kinh nào đó trong Trung Bộ, trong Tăng Chi Tương Ưng thì có ông Phạm Công Thiện cũng dịch đó, Phạm Công Thiện cũng từng dịch một vài bài trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phạm Công Thiện, thì tôi nhìn qua các bản dịch tôi thấy rõ ràng rằng mình có một cái tâm tình, có một cảm xúc rất là khác biệt khi mà mình đọc các bản dịch khác nhau, thấy chưa. Mà liệu trong số những Tăng Ni, Phật tử Việt Nam có bao nhiêu người đọc thẳng nguyên bản Pali khi nghiên cứu về Tam Tạng và Chú Giải. Tuyệt đại đa số, tuyệt đại đa số chúng ta đọc qua các bản dịch, chưa kể là những bản dịch đó được người Âu Mỹ họ dịch qua tiếng Âu Mỹ, rồi ba cái tiếng Âu Mỹ đó lại được dịch ngược trở lại qua tiếng Việt, nó đi qua tới mấy trung gian như vậy thì rất là khó, khó lắm. Và chưa kể hôm nay có không ít Phật tử Việt Nam mà tôi không loại trừ là Tăng Ni tìm hiểu Phật Giáo không thông qua Tam Tạng sớ giải Pali mà lại tìm đến đọc kinh Phật, tìm đến Phật Pháp thông qua những học giả mới ghê chứ. Ví dụ như tôi có tiếp xúc nhiều, nhiều có nghĩa là không ít, nhiều người họ biết đến Phật Pháp thông qua ông Osho, biết đến Phật Pháp thông qua Krishnamurti, biết đến Phật Pháp thông qua Herman Hess, biết đến Phật Pháp thông qua một tác giả, một Sư Phụ người Thái hay là như Ngài Ajahn Chah hay là Bà Achaan Naeb, họ đọc ở đâu đó rồi họ thích quá họ mới tìm đến Phật Pháp, bây giờ mấy sách của Ngài Ajahn Chah với Bà Achaan Naeb được dịch qua tôi tận mắt thấy, tôi tận mắt thấy đó nha, là tôi thấy có tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, và các vị vào trong Google , đó là tôi thấy bằng sách giấy bán bên mấy nhà sách Đức với Thụy Sĩ, còn nếu mà các vị online các vị thấy Bà Achaan Naeb, Ngài Ajahn Chah, Ngài Buddhadāsa, thì có cả tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Indonesia, có trên Google tôi thấy có, tôi thấy vui mà tôi giựt mình, tôi nói chà đọc Ngài Ajahn Chah, đọc Ngài Achaan Naeb mà các vị này giảng về Kinh Phật, mà bây giờ lời dạy của các vị được dịch qua một ngoại ngữ như vậy, và từ đó ai đó mà họ dịch ngược trở lại là mệt mỏi lắm, rất là mệt mỏi. Thì nãy giờ tôi đánh một vòng rộng mênh mông để tôi nói cái gì? Muốn nói rằng:
1. Tôi kêu gọi nếu có thể nên làm quen với kinh Phật bản gốc .
2️. Đừng có tuyệt đối tin cậy vào cái biết của mình, của Sư Phụ mình, của các nguồn tư liệu tham khảo mà mình có được hoặc là mình có liếc mắt qua. Hãy cẩn thận. Nói như vậy không hề có nghĩa là chúng tôi gieo rắc cho các vị một cái sự hoang mang, nghi hoặc, không phải, mà tôi chỉ muốn gởi đến cho các vị sự cẩn trọng, cẩn trọng chứ không phải là gieo cho các vị sự hoang mang, tuyệt đối cái đó không phải ý chúng tôi, mà cái ý chúng tôi chỉ xin chia sẻ là rất hy vọng bà con cẩn trọng, cẩn trọng, cẩn trọng khi mà tiếp xúc với các văn bản Kinh Phật. Dầu đó là bản dịch hay là những biên soạn, là bởi vì tôi cũng dựa vào trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, rồi dựa vào trong Tăng Chi Bộ Kinh phần Năm Pháp, Đức Phật Ngài giảng cho ngài A Nan về hai ông thợ mộc, thì trong đó Ngài dạy rằng khi Ngài không còn nữa thì giữa hàng tứ chúng có những mâu thuẫn, những xung đột, có những chống trái bất đồng với nhau về giáo lý trong một cuộc tranh luận nào đó, thì cả các bên nên ngồi xuống để xét xem những cái điểm dị biệt đó nó có đáng được thông qua hay không, có đáng được thông qua hay không. Nha. Thí dụ như là có chút đỉnh dị biệt trong ngôn từ nhưng mà không có khác biệt, không có mâu thuẩn về nghĩa lý thì thôi thông qua. chứ còn chúng ta thấy rằng như trong Kinh nói có lúc Đức Phật Ngài nói về cảm thọ Ngài nói Thọ có 1 thôi, đó là :
- Thọ Uẩn, tức là cảm nhận của Thân và Tâm gom chung thành một.
- Có lúc Thọ Ngài kể có 2, đó là Thân thọ và Tâm thọ, tức là cảm giác của Thân, cảm giác của Tâm.
- Có lúc Thọ Ngài kể có 3, đó là Khổ, Lạc, Xả.
- Có lúc Ngài kể có 5, Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xã.
- Có lúc Ngài kể có 6, nghĩa là Thọ trong Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.
Tức là Thọ ở đây nói theo trong Tạng Kinh, theo trong A Tỳ Đàm thì Thọ của Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, thì nó đều Thọ Xả.
- Thọ của Thân thì có lúc Khổ lúc Lạc.
- Thọ của Ý là Ưu, Hỷ, Xả.
Nhưng mà ở bên đó là nói theo trong A Tỳ Đàm, chứ còn trong trường hợp mà Thọ kể có 6 thì nó như thế này, lúc bấy giờ Thọ ở đây không phải là Thọ Xả của Nhãn Thức, mà Nhãn Thọ đây có nghĩa là những cái cảm xúc Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả, khi mà mắt ta thấy cái gì, khi mà tai ta nghe cái gì, Thọ mà phân tích theo hướng này thì nó mới gần với pháp môn Tuệ Quán, chứ còn nếu Nhãn Thọ mình hiểu Nhãn Thức Thọ Xả là mình cái đó học cho biết vậy vì cái đó quá chi ly, học cho biết vậy thôi, chứ còn trong thực tế tu chứng là chúng ta phải học, phải biết thêm là có trường hợp 6 Thọ ở đây là những Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả, có từ chuyện thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, đương nhiên nó là gián tiếp chứ không phải là trực tiếp, nó là gián tiếp. Nhớ nha. Cho nên nhiều khi chúng ta chỉ cắm đầu chúng ta cãi nhất là học ba mớ đó. Tây nó có một câu thế này : Người không đọc sách thì rất là đáng sợ, mà người chỉ đọc có một cuốn còn đáng sợ hơn nữa, bởi vì nó dốt áh không đáng sợ, mà thứ nó biết ba mớ rồi nó tự hào với cái dốt thì đó mệt lắm. Phải không. Như một nhà thơ của Canada bà có nói thế này, một nữ sĩ, bà nói : Sự ngu dốt của ai đó tôi chịu được, nhưng mà có lòng tự mãn với cái ngu dốt thì tôi chịu thua, phải không. Nhớ cẩn thận cái đó rất là quan trọng, không cần cái gì cao siêu, chỉ riêng một chiếc lá me, tôi lựa cái lá nhỏ nhất là lá me, lá phượng, nó nhỏ xíu vậy đó mà nếu bây giờ chúng tôi tách riêng mỗi người trong lớp học đây nè, trong lớp học hiện giờ có 30 người đúng không, 30 người, 50 người, tui tách riêng ra không cho các vị thấy, không cho các vị nhìn nhau, không cho các vị nghe nhau, không cho các vị trao đổi tin nhắn với nhau, cách biệt hoàn toàn. Tôi hỏi riêng các vị, một là cho các vị viết ra giấy, hai là hỏi bằng miệng, đề nghị các vị diễn tả lá me đó đó, thì tôi nghĩ mỗi người diễn tả không có giống nhau, mỗi người diễn tả một cách, tức là anh hãy cho tôi biết hoặc là anh hãy viết xuống tất cả những gì anh biết về lá me, tất cả gì anh biết, những kỷ niệm, những kiến thức, những cảm xúc, những cảm nhận, những nhận thức, phải không ? những hình dung, những liên tưởng. Nha. Hình dung, liên tưởng, cảm nhận, kiến thức của anh về lá me này. Anh ghi hết xuống hết tờ giấy này cho tôi, chỉ có lá me thôi, thì mình biết có rất là nhiều cách nói, chứ không phải chỉ có một cách nha. Nhiều lắm. Thì tùy trường hợp mà Đức Thế Tôn Ngài trình bày các vấn đề giáo pháp theo một hướng nào đó, một cách nào đó, tinh thần thì có một thôi. Như Ngài dạy biển thì chỉ có một vị là mặn, tất cả lời dạy của Ngài chỉ có một hướng nhắm đến duy nhất đó là Giải Thoát. Rồi có một lúc khác Ngài dạy rằng trong toàn bộ các pháp thoại mà ta thuyết giảng một đời, ta chỉ nhắm đến hai nội dung :
- Một là nói về Khổ và con đường thoát Khổ.
- Xác định mọi hiện hữu là Khổ và xác định thế nào là con đường thoát Khổ.
Ngài chỉ nói chừng đó thôi, và tùy căn cơ của chúng sinh mà có lúc Khổ đó Ngài nói ở một cách khác nhau. Có chỗ nói tới Khổ Ngài nói nó Vô thường, Khổ, Vô ngã. Có chỗ Khổ Ngài chỉ nói Sanh Diệt đủ rồi. Ngài không nói đến cái gì, bao nhiêu bản chất căn bản của cuộc đời này Ngài chỉ nói trong chữ Vô Thường là đủ rồi. Ngài chỉ nói đến tính Sinh Diệt là đủ rồi. Có lúc Ngài nói đến các Cảnh Giới Tái Sinh, khi nói đến cái Khổ Luân Hồi Ngài chỉ nói rằng máu và lệ mà chúng sinh đổ ra trong dòng Luân Hồi nó nhiều như nước trong bốn biển, sữa Mẹ mình bú trong dòng Luân Hồi nó nhiều như nước trong bốn biển. Chỉ nói vậy thôi. Có lúc thì Ngài lại nói đến các Cảnh Giới Tái Sinh như là noãn, thai, thấp, hóa. Ngài không nói nhiều, Ngài không nói nhiều, không nói gì máu lệ hết, không có, Ngài chỉ cho biết rằng trong dòng Luân Hồi có lúc thì mình sanh ra nguyên con, có lúc sanh ra trong trứng, có lúc sanh ra trong môi trường ẩm thấp, có lúc thì sinh ra theo cách đột hiện. Một người mà hữu duyên nghe nhiêu đó là đã nổi da gà ớn rồi, các vị mà coi quá trình hình thành bào thai thấy ngán lắm, ngán lắm. Không có muốn tái sanh nữa. Ghê quá đi. Từ lúc còn là cái phôi ở trong bụng Mẹ đó, rồi nó từ từ hình thành ra một cái miếng thịt bằng ngón tay, bằng đầu ngón tay vậy đó, rồi từ từ nó ra các chi, rồi nó ra nguyên hình đầu, mình, tay, chân, rồi nó phập phồng, phập phiều ở trong bụng Mẹ. Rồi tới lúc mà nó được chào đời, trời đất ơi, chỉ riêng cái chuyện noãn, thai, thấp, hóa, là mình hết muốn luân hồi. Phải không ? Rồi có lúc thì Ngài nói đến cái Khổ Luân Hồi thông qua một chuyện nghe rất là lạ, đó là thực phẩm ở trong các đề mục, có đề mục đó là āhāre-paṭikūla-saññā (quán vật thực bất tịnh tướng) có nghĩa là quán niệm về sự đáng chán ở trong thực phẩm. Luân hồi mình chỉ nghĩ đến cái đó là đủ để ngán rồi. Tức là mỗi hạng chúng sinh nó có loại thực phẩm riêng, vì nhu cầu nuôi mạng, nuôi sống, mà phải làm bao nhiêu chuyện để kiếm ăn, hành trình kiếm ăn không phải dễ, và khi có được miếng ăn rồi phải là chế biến, rồi phải tiêu thụ, tiêu hóa, bài tiết, thì hành giả ngồi nghĩ tới nó thấy ớn, thấy toàn bộ tấm thân này nó chỉ có gói gọn trong miếng ăn thôi, không có miếng ăn thì thân này nó lăn ra nó chết. Bao nhiêu trí tuệ, sự nghiệp, đời đạo, danh tiếng, quyền lực, tình cảm, bao nhiêu thứ chỉ cần mà mình thiếu mình không có ăn là kết thúc. Chỉ cần mất thở là mình kết thúc. Chỉ cần thân nhiệt mà nó ngưng là kết thúc.

Thế là Ngài dùng nhiều cách để Ngài nói về cái Khổ. Chỉ riêng nãy giờ tôi đang nói về cái Khổ thôi đó.

Còn nói tới con đường Thoát Khổ thì Ngài có nhiều cách, có lúc Ngài chỉ nói không nên dễ duôi, trước khi Niết Bàn Ngài có nói rằng :
- VẠN HỮU Ở ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG, HÃY TINH TẤN TU TẬP CHỚ CÓ DỄ NGƯƠI. Xong. Có lúc Ngài gom hết toàn bộ con đường giải thoát vào một chữ là Không Dễ Ngươi. Rồi. Không dễ ngươi đây có nghĩa là không có tiếp tục sống trong bất thiện, không có coi thường điều ác nhỏ mà làm, không có coi thường điều thiện nhỏ rồi không làm, và biết trân quý từng giây phút thời gian của kiếp người, của một người biết Chánh Pháp. Hồi xưa mình không biết đạo thì không nói gì, nhưng mà khi mình biết Chánh Pháp rồi là thời gian nó quý ghê lắm, quý ghê lắm. Bởi vì mình phải nhớ rằng mang thân người là đã khó, mà gặp được Phật Pháp khó hơn, khó hơn nữa, và gặp được Phật Pháp rồi hiểu được Phật Pháp, mà tin được Phật Pháp, hành trì được Phật Pháp, thì càng bội phần, vạn phần khó khăn. Phải không.

Thì có lúc Ngài nói đến con đường tu học chỉ có một chữ Dễ ngươi, Không dễ ngươi. Có lúc Ngài nói đến có hai chuyện thôi Chỉ và Quán. Xem ở trong Tăng Chi, trong Tăng Chi Bộ Kinh, Tăng Chi phần Hai Pháp, Ngài chỉ nói đến Chỉ và Quán. Có lúc con đường giải thoát Ngài nói qua Tam Học Giới, Định, Tuệ. Có lúc Ngài nói qua số 4 là 4 Niệm Xứ, 4 Chánh Cần, 4 Như Ý Túc.
Rồi có lúc Ngài nói là số 5 Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Có lúc Ngài nói 6. Tức là sống bằng Niệm và Tuệ khi mà 6 Căn tiếp xúc 6 Trần. Có lúc Ngài nói tu là 7 là Thất Giác Chi. Có lúc Ngài nói 8 là Bát Chánh Đạo. Đấy.
Cho nên tùy chỗ mà Ngài trình bày về Khổ, trình bày cho mình ngán, mình sợ mình chán, không giống nhau. Rồi Ngài nói đến con đường giải thoát thì Ngài cũng tùy trường hợp mà Ngài nói không giống nhau. Hôm nay chúng ta học Phật Pháp, chúng ta cứ nhớ lấy mấy cái này, lời Phật nguyên thủy thường là rất cô động. Là vì sao ? Là vì Đức Phật nhìn thẳng vào bản tâm của đối tượng trước mặt Ngài biết rõ căn cơ của họ, trình độ của họ ra sao, họ hợp với cái gì, cái gì là nó khế hợp với căn cơ của họ, tâm lý của họ, cho nên Ngài chỉ nói một câu rất là ngắn gọn, rất là cô đọng, đủ để người đó chứng. Đủ rồi. Và có một điều là đối với người đó như vậy là Ok nhưng đối với người khác thì rất khó. Nếu không muốn nói là không thể, có nhiều câu nếu mà không có chú giải là không có tài nào hiểu nổi, không tài nào. Cho nên hôm nay có một bi kịch đó là rất nhiều người đọc Kinh Phật, đọc Chánh Tạng thông qua các bản dịch, họ dùng kiến thức ngôn ngữ, ví dụ như họ đọc bản tiếng Anh thì họ xài kiến thức tiếng Anh, họ đọc bản tiếng Việt thì họ dùng cái kiến thức tiếng Việt để họ hiểu lời Phật. Mặc dù các dịch giả có cố gắng tận lực cách mấy đi nữa nhưng mà phải hiểu ngầm là không tài nào mà có một bản dịch lột tả 100% ý nghĩa lời Phật, không phải nói vậy có nghĩa lời Phật là mù mờ khó hiểu nha, không phải nha. Tôi không có nói cái đó nha. Nhưng mà có nhiều chỗ nội dung rất là cô đọng.

Thí dụ tôi cho các vị địa chỉ nè, các vị vào ở trong Suttanipāta Ngài Minh Châu dịch Kinh Tập, đọc cái đó mới thấy khiếp, cho địa chỉ luôn chẳng hạn như là bài Kinh Tê Ngưu Một Sừng, đúng ra cái đó phải dịch là Sừng Tê Ngưu mới đúng, dịch sát dịch cho đúng là Sừng Tê Ngưu, Kinh Tê Giác, Tê là Tê Ngưu còn Giác là Sừng, Khaggavisāṇa là cái sừng của con tê giác, Kinh Tê Giác hoặc là Kinh Pārāyana Sutta tức là kinh Đáo Bỉ Ngạn của nam truyền chứ không phải là Kinh Bát Nhã Ba La Mật của bắc truyền, Đáo Bỉ Ngạn của nam truyền, kinh Pārāyana Sutta rồi thêm nữa 6 bài Kinh mà chúng tôi đã thuyết giảng, đã giảng trong nhiều năm trước, chúng tôi gom lại thành là Lục Tạng Chân Kinh, bài Kinh mà Đức Phật Ngài giảng sáu bài Ngài giảng trong một đêm Đại Hội Chư Thiên ở trên Tuyết Sơn, sáu bài cho sáu căn tính, sáu khuynh hướng tâm lý chúng sinh, thì các vị đọc sáu với hai là tám, tám bài đó mà đọc bảng Chú Giải đó, mà trước khi đọc Chú Giải các vị đọc bản Chánh Tạng trước. Cực kỳ mơ hồ. Tức là đọc gồng đó, mình gồng đó, mình dùng kiến thức tiếng Việt của mình thì mình đọc loáng thoáng, loáng thoáng, chứ còn phải nói cái đó là phải có kiến thức giáo lý. Tôi nói huỵt toẹt luôn là kiến thức A Tỳ Đàm, phải có kiến thức A Tỳ Đàm rồi đọc Chú Giải thì mới hiểu tám bài Kinh mà tôi vừa nói. Nha. Tức là bài Kinh Pārāyana Sutta bài Kinh Đáo Bỉ Ngạn, bài Kinh Tê Giác. Mà bài Kinh Tê Giác vui lắm, bài Kinh Tê Giác mình đọc sơ mình đọc thấy Ok, rất Ok. Hồi đó tôi cũng tưởng vậy, tưởng Ok. Nhưng mà tới lúc mình coi trong kia mình mới hết hồn. Thấy mình ngu thiệt, mình dốt thiệt mình mới nghĩ nó Ok. Rồi cái bài Kinh Đáo Bỉ Ngạn cũng vậy. Và bài Kinh mà Đức Phật Ngài giảng cho 16 vị đệ tử bà la môn Bāvari. Bài Kinh đó nội dung phải nói là khó khăn nghiêng trời đó, nhưng mình mới liếc vô thấy cũng Ok mà. Nhưng mà nó không Ok, không phải dễ nuốt đâu. Rồi thêm sáu bài kia nữa. Sáu bài mà chúng tôi giảng nhiều năm trước, nãy chúng tôi có giới thiệu. Thì tám bài này đó là các vị biết hồi đó tôi tưởng là tôi giỏi không hà. Thiệt. Lúc đó tôi tưởng tôi với Ngài Xá Lợi Phất chắc cũng tầm tầm nhau. Tôi nó thiệt luôn. Tôi nghĩ tôi với Ngài Xá Lợi Phất chẳng qua chắc Ngài giỏi hơn mình chút đỉnh thôi.

Chắc nhiều người Việt Nam cũng nghĩ như vậy. Nghĩ chắc mình với Ngài Xá Lợi Phất, Ngài A Nan cũng tầm tầm với nhau vậy đó, mình tưởng vậy. Trời đất ơi, tới lúc tôi vô ở trong bộ Mahāniddesa mà Ngài giải mấy bài Kinh mà tôi vừa nói, rồi tôi vô trong cái bộ Paṭisambhidāmagga đọc mới hết hồn, tôi nói trời đất ơi vậy mình hiểu lầm hả ta, mình hiểu lầm mà cái may là mình còn nhận ra là mình lầm, chứ bây giờ là mình cứ lặng lẽ mình online rồi mình thấy nhiều cha coi như vẫn còn giữ suy nghĩ là họ bằng Ngài Xá Lợi Phất. Có nghĩa là mấy cái bài Kinh cứ mở ra bản tiếng Việt của Ngài Minh Châu đó là cứ nhìn bản tiếng Việt đó rồi một bên là tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, bên là tự điển tiếng Việt của Nguyễn Lân Hà Nội, gia tài có nhiêu đó thôi. Một bên là quyển của ông Đào Duy Anh, bên là của ông Nguyễn Lân, hai cuốn đó là coi như hành trang đó, hành trang đó. Đấy. Hai quyển đó bắt đầu mới làm hai cái chìa khóa vàng coi như hai cái chìa khóa đó gọi là Thâm Nhập Kinh Tạng, bởi vì họ tự tin là họ có Trí Tuệ Như Hải. Đấy. Nhớ không. Rồi. Không đủ đâu quý vị.

Tuy nhiên nhớ giùm cái này là tất cả cái biết mà chúng ta có được từ nguồn Chú Giải Tam Tạng vẫn chưa tới đâu hết. Vì sao ? Là vì trong đó các vị Thánh họ chỉ giải thích cho mình điểm khó ở cái thứ nhất là vừa sức với các vị, và cũng tìm cách để cho mình nè, cái đám hậu học của mình nè, Hiểu. Chứ còn tôi tin chắc một ngàn phần trăm các vị cũng đồng ý với tôi rằng mỗi bài Kinh trong Tam Tạng, Ngài Xá Lợi Phất Ngài hiểu sâu và rộng hơn rất là nhiều vị A La Hán khác. Chắc các vị phải đồng ý với tôi chuyện đó. Đệ Nhất Trí Tuệ mà. Nhớ nha. Ngài Xá Lợi Phất hiểu những bài Kinh đó hoặc là Ngài Kaccāyana chắc chắn là Ngài Kaccāyana và Ngài Mahākoṭṭhita Đệ Nhất về Vô Ngại Giải, thì cả ba vị này nè, còn nhiều vị nữa Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp tôi chưa kể, nhiều lắm. Tôi kể ba vị tượng trưng thôi. Tôi tin chắc một ngàn phần trăm là ba vị này mà giải thích 152 bài Trung Bộ và 32 bài Trường Bộ, 7700 bài Tương Ưng và 9500 bài Tăng Chi thì khác mình nhiều lắm. Mà chẳng những khác mà còn vầy mới ghê nè, các Ngài tuyệt đối có khả năng triển khai mỗi bài như vậy theo nhiều cách khác nhau, chứ không phải bữa nay là ngày 13 tháng 7 năm 2024 các Ngài giải thích xong cái buổi sau mình hỏi các Ngài cũng giảng y chang vậy. Không. Nội dung, tinh thần, đúng là chỉ có một. Nhưng mà các Ngài còn có vô số cách để giải thích, để ví dụ, để chứng minh, để minh hoạ, chứ không phải chỉ có một cách. Đấy. Nhớ cái đó nha. Tôi tuyệt đối tôi tin chuyện đó. Bởi vì chính tôi thấy trong Chú Giải, chỉ một chữ đó mà có thể giải thích ra trăm cách trong trăm trường hợp, một chữ một thôi. Ghê như vậy đó. Đấy là lý do vì đâu mà tôi đang tận lực để làm bộ (tự điển) mà tôi nghĩ rằng tới ngày tôi chết bộ đó cũng không bao giờ in, vì nhiều lý do:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Ai xài cái đó đây ? Tôi dò hết trong Chú Giải, tôi đã đọc hết trong Chú Giải, tôi phải nói mạnh miệng tôi đã đọc hết Chú Giải. Tôi coi tất cả những cái chỗ mà định nghĩa cái chữ vipassana đó, tôi lựa cái chỗ nào mà tôi thấy rằng đầy đủ nhất, nói nhiều nhất về chữ vipassana. Bản Pali, tôi mới lấy cái đó tôi dồn vô một chỗ. Rồi chỗ nào mà nói về Ngài Xá Lợi Phất chữ Sariputta mà tôi thấy chỗ
nào mà nói nhiều về Ngài đó, tôi mới lấy cái phần đó tôi để vô một chỗ, và sau này cứ đọc đâu mà tôi thấy cái gì có liên quan đến Ngài Xá Lợi Phất tôi mới dồn vô hết một chỗ, sau này chỉ cần mà mình gõ cái chữ Sariputta thì có bao nhiêu chuyện Ngài Xá Lợi Phất. Rồi cái chữ vipassana mình cứ gom lại hết những định nghĩa mà mình thấy là cần thiết mình dồn vô hết một chỗ, và mình ghi xuất xứ nha. Ví dụ như theo trong Trung Bộ Kinh, bài Kinh nào, chữ vipassana được giải thích ra sao ? Bài Kinh nào ? Được giải thích ra sao ? Rất là thú vị. Rất là thú vị. Nha. Cho nên chỉ một chữ thôi đó có cả hàng trăm cách giải thích, không mâu thuẫn nhau nha, không mâu thuẫn. Có cái mỗi một chỗ vậy đó được triển khai sâu rộng về một hướng. Nhớ nha.

Mà tại sao trưa nay tôi lại nói cái này ? Là bởi vì tôi muốn nói cái này nè. Mình học mình thấy 121 Tâm. Tại sao có chỗ gom lại còn có 1 là sao ? Đấy.

Rồi mình thấy trong Kinh điển Chánh Tạng có cái chỗ nào mà nhắc tới con số 13 Tâm Sở Tợ Tha không ? Không. Không hề có nha. Mà tại sao ở đây có ? Rồi ở trong Kinh Tạng có chỗ nào mà mình thấy nói đến con số 14 phiền não không ? Không có. Mà tại sao mình học trong A Tỳ Đàm lại có. Thấy chưa, và chưa kể là phiền não có trường hợp kể theo Tạng Kinh, có trường hợp kể theo Tạng A Tỳ Đàm, kể Tạng Kinh mình thấy có não hại, gian dối, lừa đảo, khoác lác, huênh hoang, làm biếng, bất tín, Tạng Kinh kể rất là nhiều phiền não, nhưng mà trong A Tỳ Đàm mình thấy không phải chỉ có Tham, Sân, Si, mà còn Ái, Mạn, Kiến, Nghi, Hôn trầm, tùm lum hết. Sân, Tật, Lận, Hối, Tham, Tà kiến, Ngã mạn, đúng không ? Nhưng mà tại sao ở trong Chánh Tạng thì không, không có kể con số, không hề nhắc tới con số 14, rồi Tâm Thiện ở trong Chánh Tạng chỉ có kể đến 37 Bồ Đề Phần, mà trong đó Chánh Niệm được nhắc đi nhắc lại rất là nhiều lần. Trí Tuệ được nhắc đi nhắc lại rất là nhiều lần. Định được nhắc đi lại rất là nhiều lần. Nhưng mà trong Chánh Tạng, trong Kinh Tạng mình có thấy chỗ nào mà nói tới là 25 Tâm Sở trong Kinh Tạng. Không. Thấy chưa ? Rồi hôm nay những người mà chỉ có biết học Kinh Tạng mà mù tịt không biết gì về A Tỳ Đàm thì khi họ nghe mình nè, nghe cái đám trong lớp này nè, mở miệng ra mà nói Tâm 121 hoặc là 89 là thấy mình ngộ ngộ rồi, cái đạo nào lạ rồi phải không ? 6 Thức, nam truyền là 6 Thức, bắc truyền là 8 Thức, chứ làm gì có 121. Nha. Rồi.
Rồi mình thấy là Tham, Sân, Si, Ái, Mạn, Kiến, Nghi, thì le hoe vài ba phiền não thôi chớ mắc gì lên tới 14 là sao ? Rồi còn bên thiện, bên Tâm Thiện thì mình thấy rồi đó 37 Bồ Đề Phần, Đức Tin được nhắc tới đâu hai lần, rồi còn Chánh Niệm nhắc tới bao nhiêu lần ? Rồi Trí Tuệ, Định, nhắc được bao nhiêu lần ? Phải không ? Nhưng mà có cái nào mình thấy có 25 không ? Không. Chánh Tạng nha. Tôi nói Chánh Tạng, trong Kinh Tạng không có. Nói vậy có nghĩa là những người nào mà không có học A Tỳ Đàm thì làm ơn đừng có mắng là A Tỳ Đàm nói dư, nói thừa. Mà ai học A Tỳ Đàm mà không đọc Kinh Tạng thì làm ơn cũng đừng có nói người ta là nông cạn, dở hơn mình, người ta chật hẹp hơn mình, và ai mà chỉ biết Kinh Tạng và A Tỳ Đàm mà không biết Tạng Luật thì cũng làm ơn nhớ rằng Tạng Luật là mộttrong ba Tạng. Mà chỉ biết Tạng Luật mà không biết hai Tạng kia thì đương nhiên đó là một sự bất cập không tha thứ được. Phải không. Đấy. Cho nên tôi muốn nói cái gì ? cái gì cần học hết. Nhưng mà đừng bao giờ đào hang giấu mình, đừng bao giờ xây nhà ngục tự nhốt mình, vì ngoài kia là trời cao đất rộng, nắng gió mưa sương mênh mông bát ngát. Không lý gì bà Mẹ sanh mình ra tay chân lành lặn không bị xiềng xích, chỉ vì tôn giáo, chính trị, văn hóa, mà tự mình trở thành tù nhân tự nguyện chết ở trong một quan điểm, một học thuyết chính trị. Chết trong một quan điểm, một học thuyết, một lý luận tôn giáo. Tự giam nhốt mình trong cái gọi là Phật Giáo Bắc Truyền, Nam Truyền, Cao Đài, Hòa Hảo. Đấy. Không được. Không thể được. Chúng ta không thể, trời cao rất rộng, mình lành lặn tay chân Ok. Không nên làm tù nhân tự nguyện với những đời sống gọi là chim lồng cá chậu. Dầu đó là về khoa học. Có người bị nhốt tù trong khoa học nha. Có. Với kiến thức về toán, lý, hóa, mà họ tự giam nhốt họ, xin lỗi họ biết được bao nhiêu về toán, về lý, về hóa, họ biết được bao nhiêu ? Lấy đó làm cái chuồng nhốt mình trỏng, cái gì mà nó không có ứng, nó không có thuận ứng với cái biết của mình thì cái đó sai, cái đó nghĩa là mình đang tự nhốt tù, cái gì mà nó không có ứng với niềm tin Hồi giáo, Cơ đốc, Ấn giáo, Do thái, Phật giáo, của mình thì cái đó là sai. Có chịu nổi không ? Đó là tù. Cái gì mà nó không thuận ứng với quan điểm triết học, chính trị của mình thì cái đó là sai bét, thì cái đó phải là ở tù không ? Ở tù chứ. Ở tù. Có nghĩa là chính mình không
dám vượt thoát ra đó. Tuy nhiên. Vượt thoát ở đây là gì ? Vượt thoát có hai trường hợp :
- Vượt thoát để không bị cầm tù.
- Vượt thoát vì muốn nổi loạn, không tuân thủ một nguyên tắc nào hết.
Không biết là bao nhiêu lần tôi nói, một người được gọi là kẻ sĩ ngoài xã hội, hay là một tu sĩ, một cư sĩ trong Phật giáo, cũng phải nhớ nó bốn chữ :
- Kinh, Quyền, Hành, Tàng.
Kinh là phải nguyên tắc.
Sống là phải biết đến nguyên tắc, mình lấy mắt mình nhìn mình tưởng con thú nó không có nguyên tắc, Sai. Người ta hay nói là gì ? Như thú hoang. Sai. Thú hoang con thú nó có nguyên tắc, nó tuân thủ thiên nhiên kinh khủng lắm. Người thú gì cũng phải có những nguyên tắc. Sống sai nguyên tắc là chết. Cho nên phải biết tôn trọng những nguyên tắc. Đấy. Đó gọi là Kinh.
Kinh nghĩa là phải biết tôn trọng nguyên tắc.
Nhưng mà Quyền.
Quyền tức là quyền biến, là phải có khả năng linh hoạt, linh động, mình không thể nào mà tự giam nhốt mình trong những cái lồng chậu. Phải không ? Đó là Quyền.
Kinh là tôn trọng nguyên tắc, nhưng mà Quyền là có khả năng quyền biến, linh động.
Hành là lúc nào ?
Là lúc ra tay hoạt động.
dấn thân, trình diện, trình làng lúc nào. Nhưng mà Tàng, Tàng có g, trường hợp nào là phải ẩn thân dấu mặt, chứ không phải lúc nào mình cũng chường ra. No. No. Lúc nào là lúc mình phải lộ mặt, lúc nào mình cần phải lộ diện, lúc nào cần phải dấn thân, cần phải hành động trước ánh sáng mặt trời, trước bàn dân thiên hạ. Nhưng mà lúc nào co lại dấu mình, dấu mặt, ẩn thân. Lúc nào ? Lúc nào gọi là tùy duyên mà tiến thoái, tùy duyên tiến thoái.
Vậy bốn chữ Kinh, Quyền, Hành, Tàng, bốn chữ này trong Kinh gọi là kālena, tùy Duyên. Tùy duyên gọi là sống một cách thông minh, là yoniso manasikāra. Ở đây nó gồm bốn chữ này, biết trường hợp nào, biết lúc nào, biết thời điểm nào để Kinh, Quyền, Hành, Tàng, thì bốn cái đó được gọi là yoniso manasikāra biết lúc nào nên làm cái gì? Ngay cả một bậc đại thánh như Đức Phật có lúc Ngài đi hoằng pháp gặp gỡ vua chúa, đại gia, nông dân, bao nhiêu thành phần đen đúa mù mịt nhất của xã hội, cỡ nào hễ hữu duyên là Ngài gặp, nhưng có lúc Ngài quay về với các vị Tỳ Kheo không tiếp xúc Cư Sĩ. Có. Có lúc chung quanh Ngài suốt mấy tháng trời chỉ có Chư Tăng, rồi có lúc chỉ một mình Ngài với Ngài A Nan, và có lúc chỉ có một mình Ngài, một mình Ngài mà thôi. Chứ nói theo kiểu mình bây giờ Ngài là một nhân vật lớn sự có mặt của Ngài là đại phước cho chúng sinh, phải thường xuyên cho chúng sinh thấy mặt. No. Đó là phàm mới nghĩ vậy, chứ còn Ngài thì biết rất rõ lúc nào là lúc cần nói, lúc nào là lúc cần im lặng, lúc nào là dành cho đại chúng, lúc nào là dành cho nội bộ Tăng Già và lúc nào là Ngài chỉ còn lại một mình Ngài. Đấy. Nhớ nha. Thì mình đọc Kinh điển cũng vậy, đừng bao giờ tự giam nhốt mình cứ gương Phật, gương sáng, gương lành Thế Tôn còn đó. Mình cứ nhớ phải tỉnh táo, trang bị những thứ cần thiết để rồi tùy duyên, trang bị những thứ cần thiết để rồi tùy duyên mà sống, thích hợp thích ứng với từng thời điểm, chẳng hạn như tuổi nào làm được cái gì, tuổi nào nên học cái gì, tuổi nào nên bận tâm cái gì, và tuổi nào nên tránh cái gì, là bắt buộc phải biết.

Rồi tình trạng sức khỏe của mình nó có cho phép mình tung tăng như trước đây nữa hay không, rồi điều kiện tài chánh, hoàn cảnh gia đình. Nhớ nha. Tuổi tác - Sức khỏe - Tài chánh - Tình tfrạng gia đình. Rồi chưa kể là nếu mình còn ở ngoài công sở, hãng xưởng chung quanh mình còn có người khác nữa chứ đâu phải mình sống mình mình đâu. Nha. Với bao nhiêu thứ phiền phức tế toái đó, tự thu xếp, chứ không phải lúc nào cũng chỉ có một cách hành động, một cách tư duy. Không được. Đó là Kinh, Quyền, Hành, Tàng, là chỗ đó. Thì trưa nay tôi muốn nhấn mạnh một điều thôi. Đừng bao giờ cực đoan. Bởi vì ngay trong thời Pháp đầu tiên của Đức Phật Ngài đã nhấn mạnh chữ "Dveme, bhikkhave, antā pabbajitena na sevitabbā" đã là cực đoan thì phải tránh, "antā" là cực đoan "na sevitabbā" thì phải tránh, đã là cực đoan thì phải tránh.

Thì trong bài đó, bài Kinh Chuyển Pháp Luân Ngài đưa ra hai cực đoan. Đó là Khổ Hạnh. Tức là tu bằng cách mà mình cầu giải thoát mình tự đẩy mình vô cái chỗ dày vò đầy đọa thân xác là một cực đoan, cầu giải thoát mà đi tìm đến bơ sữa, nhung lụa cũng là một thứ cực đoan, quá khô quá ướt cũng là cực đoan, quá cứng quá mềm cũng là cực đoan, quá nóng quá lạnh cũng là cực đoan.

Thì tinh thần trung đạo của bài Kinh Chuyển Pháp Luân rất là sâu, trong khi mình chỉ tập trung có một chữ thôi, trong một cái tình huống mình nghĩ cực đoan là chỉ lợi dưỡng, hiếu hạnh. No. Trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài có dùng tới chữ này, này các Tỳ Kheo ta là người vibhajjavādi chứ không phải ekaṁsavādi. Các vị tra vào Google dùm tôi đánh dùm hai chữ đó đi. Vibhajjavādi, ta là người nói năng có phân tích đa chiều, chứ không phải là cực đoan, một chiều, phiến diện, cục bộ, đóng khung. No. Ngài không phải là ekaṁsavādi mà Ngài là vibhajjavādi, đó là trong Chánh Tạng nói đó. Trong Trung Bộ Kinh nói như vậy đó.

"Và từ câu nói này của Thế Tôn cho nên trong lịch sử Phật Giáo sau khi Ngài viên tịch, khoảng 200 năm thì có một nhánh Phật Giáo lấy tên là Vibhajjavāda là từ chỗ đó."

Thì tương truyền rằng đây là cái tên cũ của Theravāda mình đó, Theravāda. Rồi. Thì điểm sơ bà con thấy phiền não có nhiều cách nói chứ không phải chỉ có một. Thiện pháp, con đường luân hồi, con đường giải thoát, cũng có nhiều cách trình bày, không bao giờ, đừng bao giờ, nên không bao giờ đứng ở một cái góc nhìn nào đó, ở một góc tù, góc hẹp nào đó, rồi phán ra mấy câu khuôn thước chuẩn mực cho toàn thể vũ trụ. Mà chính mình hiểu không hết thì kẹt lắm. Cuối cùng chốt lại bài giảng bữa trưa nay, tôi cũng xin nhắc một chuyện nhỏ thôi, là có nhiều cách để học Phật Pháp :
1️. Học để thỏa mãn Trí Tuệ lý luận, thấy nó chặc chẽ hay quá, mê. Học giống như người ta học toán, lý, hóa, vậy đó.
2️. Học để cầu phước, nghe nói học đạo có phước ráng học.
3️. Học để mà tìm ra con đường Giải Thoát, học để tìm ra cái mối kết nối, tương quan giữa lý thuyết và thực hành.
Cách thứ ba này mới xài được, còn đa phần phải nói là đa phần mình học là lọt vô hai hàng trước. Thấy người ta học đạo có phước ráng học, còn không đó là học để thỏa mãn đầu óc lý luận thôi. Và tôi năm nay tôi làm Thầy chùa mấy chục năm tôi có thấy cái này, có rất nhiều người học A Tỳ Đàm xong rồi bỏ đạo ngon ơ, học A Tỳ Đàm chi pháp 13, 15, 18, 41 nói ào ào, về sau đó bỏ đạo ngon ơ. Là vì sao ? Là vì họ đã tiếp cận với A Tỳ Đàm theo cách mà người ta học toán, lý, hóa. Họ học không phải mục đích để hành trì, họ bước vào lớp A Tỳ Đàm họ học mà chuyện đầu tiên họ bị thiếu đó là họ không có thấy rằng họ có nhu cầu để tu học Giải Thoát. Không có. Cho nên trăm ngàn lần tôi đã nói, chuyện đầu tiên của một người tu hành Giải Thoát đó là phải xác định MỌI HIỆN HỮU LÀ KHỔ, thân xác này nó là một gánh nặng, chuyện đầu tiên phải xác định cái đó rồi muốn làm gì thì làm, cái đầu tiên anh muốn là cư sĩ hay là tu sĩ, anh muốn học đạo hay là hành đạo, thì cái chuyện đầu tiên anh phải treo tòn ten trước mặt anh cái mật đắng nghét, anh phải treo cái mật, túi mật hoặc là trái khổ qua, để anh nhớ rằng MỌI HIỆN HỮU LÀ KHỔ lấy cái đó làm câu THẦN CHÚ NỀN. Bệnh Covid mà còn cần có bệnh nền thì nói chi với hành đạo. Hành đạo phải có kiến thức Nền. Phải có Nền mới làm việc được. Covid mà không có bệnh Nền sao nó vật mình chết được. Phải không. Thì mình tu hành phải có kiến thức Nền nó mới vật được cái phiền não chứ. Kiến thức Nền là chuyện đầu tiên anh phải xác định với bản thân "Mọi hiện hữu là Khổ" mọi hiện hữu nó chỉ là gánh nặng thôi, sự có mặt trong đời này nó chỉ là vô nghĩa, vô ích, vô duyên, vô dụng. Bốn cái vô. Vô nghĩa, vô ích, vô duyên, vô dụng. Không có nghĩa lý gì hết. Đức Phật Ngài dạy rằng giống như một miếng phân người mà nó dính trên cái que gỗ nhỏ xíu, dầu chút xíu như vậy nó vẫn là phân, dầu một chút xíu như vậy nó cũng đáng gớm. Thì Ngài dạy rằng : Dầu chỉ có một hình thức hiện hữu nhỏ xíu xìu xiu thì cũng đáng chán, đáng sợ, bởi vì chỉ từ một chút xíu này nó sẵn sàng cơi nới diện tích, cơi nới kích thước, tầm vóc, sẵn sàng. Cho nên Ngài nói chỉ cần một hình thức hiện hữu bé xíu thôi, bé mọn, vô danh cách mấy cũng đáng chán, đáng sợ, đáng gớm, đáng tránh. Phải không. Rồi. Còn nếu anh học đạo mà không với lý tưởng này nè, thì cái chuyện mà anh lào lào, lào lào đó không chắc là xài được, thì nếu anh thích thì anh có thể nghĩ rằng : Kệ nó ít ra cũng gieo duyên. Nhưng mà học đạo mà để gieo duyên kiếp sau thì kẹt lắm, kẹt lắm.

Tại sao mà mình lại độ hết những kiếp sau ? Kiếp sau là kiếp nào ? Mang thân người đã khó chắc gì kiếp tới, 10 kiếp tới, 100 kiếp tới, mình được quay ra thân người phải không ? Nếu mà có niềm tin Phật thì mình phải hiểu chuyện đó. Chắc gì, chắc gì kiếp tới, 5 kiếp nữa, 10 kiếp nữa, 100 kiếp nữa, 1000 kiếp nữa mình được mang thân người mà mình hẹn lại kiếp tới.

Ok Bây giờ chúng ta dành thời gian cho buổi Vấn - Đáp. Và chúng tôi cũng nhắc lại tôn chỉ của các buổi học giáo lý của chúng tôi là bà con hỏi tránh dùm một chuyện thôi, là tránh hỏi về cá nhân, chẳng hạn như hôm trước chúng tôi sợ giựt mình, là có người hỏi chúng tôi về chuyện Chùa Ba Vàng! Không trả lời cũng khó, mà trả lời thì cũng khó. Thật ra cũng không có gì, nhưng mà sau đó tôi giựt mình, và tôi được một vài bà con thân hữu báo tin, không phải báo tin mà họ gợi ý thôi, chắc họ gài bẫy Sư để cho nội bộ xích mích. Tôi thấy cũng có lý, cho nên hãy cẩn thận cái đó nha. Tránh nói, tránh hỏi chuyện cá nhân. Dạ, xin mời bà con.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240404/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 15 (04-04-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản