← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
5 - Thứ Ba, ngày 09/01/24

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).

✴️ CÁC CÕI TỤC SINH

Bạch Chư Tăng, các vị phật tử, chúng ta đang tiếp tục theo đuổi tiêu đề một của lớp Giáo lý.
Một trong bốn tiêu đề thì tiêu đề một là :
1️⃣ VẠN PHÁP DO DUYÊN
2️⃣ MỌI THỨ LÀ MỘT KHỐI TỔNG HỢP.
Thì bốn tiêu đề này cộng lại đó chính là lớp học của chúng ta.

Thì tiêu đề đầu tiên đó là Vạn Pháp Do Duyên chúng tôi có trình bày từ đâu mà nó có các cảnh giới như là có cõi đọa, cõi nhân loại, các cõi dục thiên, các cõi phạm thiên, vì đâu ... ?
Và sẳn đây tôi cũng nói luôn khi đề cập đến vấn đề này, bản thân chúng tôi cũng nhắm tới cả những người mà không có tin Phật Pháp, không tin có kiếp trước kiếp sau, không tin luân hồi quả báo, không tin sự hiện hữu của các cảnh giới. Thì sẳn ở đây chúng tôi cũng nói luôn. Nếu mà mình xui mà mình tìm đến Phật Pháp thông qua con đường của tín ngưỡng thì đối với một số người thì Ok. Cứ nhắm mắt nghe thầy bà, Tăng Ni giảng sao thì nghe vậy, có thì mình tin là có, họ nói không thì mình biết là không.
Nhưng mà nếu mình quay lại với Kinh gốc tức là Kinh Tạng Pali đọc thẳng trong đó, thì Đức Phật không hề làm cái chuyện nhồi sọ, tuyên truyền, tẩy não, ai hết. Ngài mở ra cho mình những gợi ý.
Ví dụ như là nguyên tắc
● VẠN PHÁP DO DUYÊN
Nếu mình học kỹ ở trong Kinh điển thì nó không có cái gì là mê tín, nó không có cái gì là mê tín hết.
Có nghĩa là hạt giống đó trong cái môi trường, trong cái điều kiện, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, như thế nào đó thì nó sẽ ra giống trái này, giống cây kia với kích thước, với những đặc điểm sinh học như thế nào.

Ví dụ như hạt ớt mình trồng trên tuyết, trên băng, thì dứt khoát không lên rồi. Nhưng mà nếu hạt ớt mà mình thả xuống đất mà phải đất gì ? chứ đất phèn, đất mặn, không được nha. Đầu tiên phải chấp nhận được thì hạt ớt mới phát triển và khi nó đã chịu phát triển thì nó sẽ thành ra cây ớt, hễ cây ớt thì nó sẽ cho ra trái ớt chứ không thể cho ra trái cà, trái mận, trái ổi được.
Nhớ cái đó.

Nó là một cái gì đó rất khoa học, ở đây chúng ta biết đến Phật Pháp chuyện đầu tiên là chúng ta phải học cách GIẢ ĐỊNH trước.
Giả định là sao ?
Giả định như có chuyện Luân hồi, Quả báo thì mình phải hiểu nó như thế nào ? chứ không ai bắt buộc mình phải tin hết. Không ai bắt, với cái trạng thái tâm lý như vậy đó, với các kiểu hành xử như vậy đó, nếu quả thật có kiếp trước kiếp sau, thì cái mà chúng ta gặt hái sẽ là đắng hay ngọt, chúng ta nghĩ ra mà.
Ví dụ như bây giờ mình tham lam, mình gian ác, mình lừa đảo, lật lộng, lương lẹo, một cái người sống chỉ biết bản thân, chỉ biết ăn ngủ, chỉ biết giới tính, chỉ biết tích lũy của cải tư hữu, một con người như vậy sống với tâm hồn như vậy, nếu quả thật có kiếp sau thì mình phải hình dung là chốn về của họ chắc chắn là không có an lạc rồi. Ngược lại một người mà có lòng từ mẫn sống tỉnh thức, có thiền định, có chánh niệm, có trí tuệ, biết phải biết quấy, biết có ta biết có người, biết sống có trách nhiệm, thì nếu mà có một chỗ tái sinh thì mình hình dung ra cái chỗ đó là chắc chắn phải tương ứng với cái lòng lành của đương sự. Chuyện đầu tiên là phải NẾU trước cái đã, chứ chưa gì hết mà bắt phải tin như vậy thì không.
Chỉ giả định như vậy.
Giả định thôi, giả định.
Thì theo tinh thần trong Kinh mình tất cả các cảnh giới thật ra mình nói cảnh giới nghe cho nó ghê chứ cái đó chỉ là miền đất thôi, cái đó chỉ là những miền đất thôi, cho nên từ đó mới có chữ TÂM ĐỊA.
Trên mảnh đất tâm đó mình trồng cái gì, mình trồng cái gì ? Ví dụ như mình còn thích nhìn, thích nghe, thích ngưởi, thích nếm, thì chính mấy cái tâm này nó là những chủng tử, là hạt giống để đưa mình về cảnh giới mà ở đó mình có mắt, có tay, có mũi, có lưỡi. Nhưng mà đủ chưa ? Chưa. Còn nữa, mình mới có Visa thôi, các vị muốn đi vào một đất nước nào đó, ngoài Visa các vị còn phải có bao nhiêu là thứ khác, có biết bao nhiêu người đặt chân lên nước Mỹ là lập tức trong vòng ba nốt nhạc là họ đã có nhà hàng, có tiệm Nail.
Còn có những người qua Mỹ ở 10 năm chỉ là trợ cấp xã hội thôi, họ có Visa vào Mỹ, có Visa vào Mỹ. Nhưng mà tôi biết có nhiều trường hợp đau lòng lắm, có người thì lớn tuổi lúc định cư trong gia đình có người lớn tuổi rồi có cả tật nguyền, thậm chí có người bị tâm thần. Trong đó có người bị nghiện ngập, chích thuốc hoặc là cờ bạc, thì nếu trong gia đình mình có chừng đó người là chết ... chết ... Bệnh hoạn, tâm thần, chích thuốc, nghiện ngập, thì trong nhà mình có là chết, cho nên Visa để đi vào Mỹ chưa đủ, Visa vào Thụy Sĩ chưa thấy ăn thua, chưa có đủ gì hết, bởi vì nó chỉ là cái giấy để mình đi vào trong xứ đó thôi. Còn cái chuyện sau khi mình ra khỏi phi trường đời sống mình ra sau đó lại là chuyện khác, Nếu các vị khỏe mạnh mà có bằng cấp, có học vị, có khả năng, có đầu óc làm ăn buôn bán thương mại, có hết, thì cái Visa nó giúp cho các vị rất là nhiều, còn nếu không tay trắng, trắng hoàn toàn, cái Visa nó chỉ đưa mình vào đất nước để làm công dân đất nước đó thôi, còn đời sống vẫn mịt mù bởi không có ngày mai. Nha.
Ở đây cũng vậy, chúng ta còn thích cái này, còn thích cái kia, thì chúng ta sẽ đi vào cảnh giới tương ứng với cái THÍCH đó, mà chúng tôi đã nói rất nhiều lần, rất rất là nhiều lần :
● KHI MÌNH THÍCH CÁI GÌ ĐÓ LÀ MÌNH SẼ GHÉT CÁI NGƯỢC LẠI.
Như vậy thì cứ một mớ thích cộng với một mớ ghét thì nó sẽ tạo ra cái gì ? Tạo ra tâm tư, tình cảm, cảm xúc, và cái con người của chúng ta cái tư duy, ý thức của chúng ta, tôi vẫn thường nói là cái nhân cách của chúng ta, cái tâm lý của chúng ta, hai cái đó, từ nền tảng đó, từ cái nền tảng do
● TIỀN NGHIỆP QUÁ KHỨ
● KHUYNH HƯỚNG TÂM LÝ QUÁ KHỨ.
● MÔI TRƯỜNG SỐNG HIỆN TẠI.
Ba cái này nó khiến cho mình thích cái gì, ghét cái gì. Từ đó nó mới dẫn đến chuyện mình sinh ra mình có đủ 6 Căn, 5 Uẩn hay không. Đó. Nhưng mà chưa, chưa tới đâu, nó còn nữa. Khi mà có 6 Căn, có 5 uẩn rồi thì chúng ta còn phải sống nhờ vào các loại Nghiệp quá khứ, như tôi nói mỗi lần mà mình sống thiện, nói thiện, làm thiện, nghĩ thiện. Nói ác, làm ác, nghĩ ác. Mỗi lần mình gieo Nghiệp thiện ác là mình đang kín đáo tạo ra hai thứ Nghiệp. Đó là :
1️⃣ NGHIỆP TÁI SINH.
2️⃣ NGHIỆP BÌNH SINH.

- Nghiệp Tái Sinh là Visa đưa mình vào Cảnh giới.
- Nghiệp Bình Sinh là những gì mà chúng ta có được sau giây phút đầu đời.

Ví dụ như cũng sanh vào trong một đất nước tiên tiến như nước Mỹ hay là Bắc âu, Tây âu, nhưng mà mình sinh ra mình bị đau ... hoặc là mình sinh ra bị tiểu đường, tim mạch bẩm sinh, là cũng kẹt, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, sinh ra trong một gia đình không có thiện pháp, thì các vị phải hiểu tôi muốn nói cái gì, một gia đình mà trên dưới không có kính nhường hiếu để, một gia đình mà không tôn trọng lẫn nhau, gia đình sẵn sàng đấu đá tương tranh, mà nếu mình xui sanh vô gia đình đó là cũng thua. Cho nên là do duyên mà.
● DO DUYÊN CHÚNG TA CÓ MẶT TRONG CẢNH GIỚI ĐÓ.
Nhưng mà cái đó mới có một phần, thứ hai là vào cảnh giới đó chúng ta sống như thế nào ? Như hồi nãy tôi có nói, đạo Phật thứ thiệt không có tuyên truyền nhồi sọ, đạo Phật thứ thiệt chỉ gợi ý thôi, bằng những cái giả định, giả định như có kiếp trước kiếp sau, có các cảnh giới tái sinh, thì người sống bằng 14 Tâm Sở Bất Thiện thì đương nhiên là họ phải đi về cái chỗ mà tương ứng với 14 cái đó.
Một người mà sống nhiều với 25 Tâm Sở Tịnh Hảo thì khi họ chết họ sẽ đi về cảnh giới tương ứng với cảnh giới đó.
Chỉ vậy thôi.
Nếu, nếu ... nếu có.

Và trong bài giảng chiều nay tôi muốn nói cái gì ?
Đó là nói về :
● PHẦN HỒN VÀ PHẦN XÁC.
Có nghĩa là tùy vào cái thiện nghiệp, ác nghiệp của mình, tùy vào chuyện thiện ác, chưa, còn gì nữa không ? Tùy vào cái thích và ghét nữa, mình có phước báo nhiều nhưng mà mình thích cái gì, ghét cái gì, mình sẽ đi vào cái chỗ tôi giả định đó là A1, mình phước báo nhiều nhưng mà thích, ghét không giống nhóm A1 thì mình sẽ đi vào nhóm A2, nếu mình thích ghét cái gì đó mà mình thiếu công đức thiếu phước báo thì mình sẽ về chỗ B1, mình thích mình ghét cái gì đó mà thiếu phước báo, mà cái thích cái ghét mình không giống cái nhóm B1 thì mình sẽ đi vô cái nhóm B2, chuyện đó rất rõ ràng vậy đó. Cũng là thích đó, ghét đó, nhưng mà có đứa sinh ra làm con chó, có đứa sinh làm con cọp, có sinh làm con giun, con dế. Cũng thích cũng ghét nhưng mà có công đức có người sinh ra làm nam, có người mang thân nam, có người mang thân nữ, có người về trời làm Chư Thiên, mà trong cái thân nam thân nữ, tiên nam tiên nữ lại cũng khác nhau về hình thức, về chất lượng của đời sống, có những người sinh ra sức khỏe rất tốt nhưng mà không có nhân dáng, không có ngoại hình, ngoại diện khó coi khó nhìn. Có.

Sức khỏe rất tốt nhưng mà không có nhan sắc, có người khỏe đẹp nhưng mà không có thông minh, có người rất thông minh rất khỏe nhưng không đẹp, cứ ba cái này được cái này mất cái kia, lâu lâu mới có một người được cả ba : khỏe - đẹp - thông minh.
Nhưng mà chưa, còn nữa.
Gia cảnh giàu hay nghèo.
Còn nữa, cái thông minh nó có ngàn lẻ một cái thông minh, thông minh đời hay là thông minh đạo.
Thông minh đời lại có một ngàn lẻ một nữa. Tức là anh là người có năng khiếu đặc biệt về toán lý hóa, văn sử địa, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, ngoại ngữ, hay là anh lại thông minh ở trong cái đường tâm linh.
Anh là người có những cái thành tựu, có những sáng kiến chiều sâu mà hiếm người có được, cái đó cũng là cái thông minh, mặc dù về mặt khoa học chuyên môn anh trớt quớt nhưng mà anh lại thành tựu thông minh khác, còn anh rất giỏi về vật chất nhưng không có tinh thần, anh chuyên về tinh thần nhưng không về vật chất.
Chỉ riêng thông minh là nó có nhiều cách.

Trong cái đẹp, trong cái đẹp nữa.
Có nhiều cách theo tôi biết đẹp có duyên và đẹp không duyên.
Đẹp mà người ta nhìn người ta nể, đẹp mà người ta nhìn chỉ ngắm như một cái hoa vậy thôi, nhưng có những cái đẹp người ta nhìn vô người ta trọng, cái đẹp của ông hoàng bà chúa.
Nó lại khác nữa.
Rồi khỏe cũng vậy.
Khỏe cơ bắp hay là đơn giản khỏe chỉ là không có bệnh, nhiều lắm.
Như vậy giàu cũng vậy.
Giàu là thừa kế hay là giàu phải do đổ mồ hôi sót con mắt, có nhiều người cái phước của họ rất giàu, nhưng do di sản thừa kế, có người họ giàu họ phải động tay động chân, họ phải ra tí sức mới giàu được. Chưa kể có nhiều người còn đặc biệt nữa. Cái giàu của họ phải đến từ con đường bất thiện, cũng phải hành nghề nhưng không phải hành nghề lương thiện, có người do tập khí phiền não, do khuynh hướng tâm lý họ đi kiếm tiền bằng con đường bất lương.

Như vậy thì tiền nghiệp không chưa đủ, còn có khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp cho anh giàu nhưng giàu kiểu nào, và tôi đã nói không biết bao nhiêu, lần cái sự hiện hữu của chúng ta chính là sự hiện hữu của 6 Căn 6 Trần.
Và đời sống của chúng ta là một hành trình hoạt động của 6 Căn trước 6 Trần.
Và tùy vào Tiền Nghiệp quá khứ của mình, tùy vào Nghiệp Ái, Sân, Tà kiến, Si mê của mình đời trước mà bây giờ mình sinh ra trong cảnh giới có đủ 5 Uẩn, đủ 6 Căn hay là thiếu.
Ví dụ như cái người đắc thiền về Phạm Thiên chỉ có Mắt, Tai, chỉ có thính giác, thị giác và trí giác thôi. Chứ họ không có mấy giác kia.
Họ không có vì họ không cần, họ không có khứu giác, vị giác, xúc giác, nhưng họ không phải là người khuyết tật. Họ rất là đẹp.

Cái đẹp của Phạm Thiên là cái đẹp của chuẩn mực, hôm bữa trước tôi nhớ tôi có nói cái đẹp mà được so sánh với Đức Phật, cái đẹp của Phạm Thiên từ giọng nói cho đến cái nhân dáng của họ đẹp lắm, đẹp tới mức mà nét đẹp của Đức Phật vẫn được trong Kinh so sánh với Phạm Thiên.

Rồi thì tôi quay trở lại, do tiền nghiệp của mình, mà tiền nghiệp ở đâu ra ?
Khuynh hướng tâm lý mà ra.
Mà tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý chưa đủ, phải có môi trường sống nữa.
Môi trường sống ở đâu ?
Tiền nghiệp mình Ok,
Khuynh hướng tâm lý Ok
Nhưng môi trường không Ok cũng khó. Có nhiều người cũng sinh ra trong cái xứ Bắc âu, Tây âu nhưng mà cuộc đời họ chẳng đi vào đâu hết.

Bởi vì môi trường sống họ sống ở đâu ? Sống với ai ? Đất nước không chưa đủ, còn thành phố, còn gia đình, còn người bên cạnh họ nữa.
Cái đó gọi là môi trường.
Thì như tôi nói, sự hiện hữu của mình là sự hiện hữu của 6 Căn, 6 Trần, đời sống của mình là chuỗi hoạt động của 6 Căn trước 6 Trần.
Tùy thuộc vào hai cái này mà mình sinh ra trong cảnh giới nào, và chính từ cái chỗ mình có 6 Căn hay không, 5 Uẩn của mình như thế nào ? Cho nên cái Sắc Pháp của mỗi cá nhân và mỗi cảnh giới nó cũng khác nhau. Theo trong A Tỳ Đàm nói thì hễ ở cõi Ngũ Uẩn thì phải có Sắc Pháp. Tức là thân xác sinh học, nhưng mà do Nghiệp chúng sinh, Nghiệp thiện ác của chúng sanh mà Sắc Pháp không giống nhau.

Ví dụ như mình thấy những loài cơ thể được nuôi lớn bằng những thức ăn rất là bất tịnh. Đấy.
Có những loài mình thấy chỉ sống bằng rau trái củ quả, có những loài sống bằng thịt sống máu tươi, còn nhân loại mình thì lại sống bằng đồ ăn thức uống đã qua chế biến : Chiên, nấu, xào, nướng ...V.v... thì mình thấy cách mà nuôi lớn tấm thân sinh học của mỗi loài khác nhau. Có loài sống ở cống rãnh, đống rác, tanh hôi bất tịnh. Có loài sống suốt đời chỉ có trên cây cối, hoa lá, củ rễ chứ nó không phải lăn lóc ở trong những chỗ bất tịnh.
Và chưa hết còn nữa.
Do cái Nghiệp dẫn đến thân xác, mà từ thân xác dẫn đến nhu cầu, những cái này cộng lại nó mới đẩy mình đi về chỗ tương ứng với thân xác, với nhu cầu của mình.

Và chưa hết, tôi quay lại với bài giảng hôm trước tôi nói. Nói tới Nhân Quả mình phải nói tới bốn trường hợp.
Đó là :
Nhân TẠO gạch dưới "tạo"
1/ Nhân tạo ra Quả.
Rồi Quả tác động Quả.
Do Quả quá khứ mà bây giờ mình tiếp tục nhận những Quả mà nó tương ứng.
2/ Quả tác động Quả.
3/ Quả tác động nhân.
Tức là khi mà nhận những Quả xấu, Quả thiện chúng ta dễ có tâm thiện hay là dễ có tâm bất thiện.
Không biết trong zoom có theo dõi cái lớp này hay không, theo dõi thì mới hiểu cái này. Nhân tác động Quả là do các Nghiệp thiện ác mà nó tạo ra Quả thiện ác.
Đó gọi là Nhân tạo ra Quả.
Nhưng mà Quả tác động Quả có nghĩa là khi mà mình do Quả quá khứ mà mình mình bệnh, từ bị bệnh mới kéo theo bao nhiêu vấn đề hệ lụy khác của bệnh.
Đó gọi là Quả tác động Quả.
Quả tác động Nhân.
Là khi mình nhận Quả thiện Quả ác vậy đó, thì tâm thiện, tâm ác mình dễ có hay là khó.
Có những hoàn cảnh sống rất là dễ có tâm thiện, mà hoàn cảnh đó là do Nghiệp. Do Quả quá khứ, nhưng mà do hoàn cảnh đó mình dễ có tâm thiện, rồi có những hoàn cảnh mà mình khó có tâm thiện.
Có những hoàn cảnh sống mà mình dễ có tâm ác.

Chính từ chỗ này, chính từ cái chỗ :
- Nhân tạo ra Quả
- Quả tác động Quả
- Quả tác động Nhân
- Nhân tác động Quả.
Chnh từ bốn cái này nó cứ xoay vòng làm nên cuộc sống của chúng ta, mà từ đó chúng ta có đủ 6 Căn hay không.
Nếu không đủ 6 Căn thì sao ta ? mình không đủ 6 Trần.
Ví dụ như mình sinh ra bị mù bẩm sinh thì đối với mình Sắc Trần là không.
Có đối với ai chứ mình không có, đối với người ta cái mùi hoa nhìn được, ngửi được, sờ được. Còn riêng chúng ta thì hoa chỉ có sờ với ngưởi thôi. Suốt đời không thể nào là cái để nhìn ngắm được, vì chúng ta bị mù. Cho nên khi thiếu 1 Căn thì bên Trần cũng bị thiếu theo Nhớ nha.
Trần bị thiếu theo.
Tùy theo cái Nghiệp của mình có đủ hay là thiếu.
Và trường hợp thứ ba còn thảm nữa, có vụ dư nữa, mình nghe chữ dư là mình hiểu rồi, cần phải thêm thì gọi là thiếu, còn cần phải bớt thì gọi là dư.
Có nhiều người thân xác của họ bị thiếu này thiếu kia là khổ, mà nó bị dư cũng khổ. Như mình thấy đường huyết cũng là một kiểu dư, cao máu cũng là một kiểu dư, cholesterol cũng là một kiểu dư, sỏi thận, sạn mật, ruột dư cũng là một kiểu dư.
Có nghĩa là lẽ ra nó không nên có, hoặc là tim lớn tim thòng cũng là một kiểu dư. Hoặc là những độc tố trong gan, trong mật của mình thì nó cũng là một kiểu dư.
Lẽ ra nó không nên có, nhưng mà nó lại có.
Cho nên do Tiền nghiệp mà về thân xác chúng ta có đủ thiếu hay là dư. Xong chưa.

Rồi chiều cao thước tấc, màu da cũng vậy.
Có trường hợp màu đen nó hơi bị dư, nhìn nó đen thui, có người màu trắng hơi bị dư, dư đến mức thành bạch tạng luôn. Mà theo trong Kinh nói.
Các vị hỏi Kinh nào ?
Dạ, Kinh Chuyển Luân Vương.
Đức Phật Ngài dạy một người đẹp hoàn hảo là người không mắc một trong sáu lỗi sau đây :
1/ Quá cao.
2/ Quá thấp
3/ Quá mập.
4/ Quá ốm.
5/ Quá đen.
6/ Quá trắng
Ngài dạy Đạo Giải Thoát mà tại sao Ngài nhắc đến cái này ? Thứ nhất, Ngài kể lại 10 Quả lành của Vua Chuyển Luân Vương.
Vua Chuyển Luân Vương được như vậy và phụ nữ của Chuyển Luân Vương cũng được như vậy.
Chứ không phải khơi khơi mà Ngài nhắc đến vẻ đẹp của chúng sinh làm chi.
Nên nhớ cái này.
Đức Phật không có thì giờ để mà nói mấy chuyện đó. Ngài nhắc đến Quả lành cho họ được những cái đó, mà từ cái đó mở cho mình những gợi ý khác.
Trên đời cái gì hoàn hảo là cái đó không có thiếu mà cũng không có dư.
Mặc dù Ngài nói về nhân dáng của một con người thôi, nhưng mà cái chuyện đó tuyệt đối có thể là một gợi ý cực tốt, cực hay, cho mình về một bài học tâm linh.
Có nghĩa là một tâm hồn, một đời sống, một thân xác, một thứ vật chất, một thứ tâm linh, tinh thần nào đó mà chỉ cần nó dư là nó bậy.
Nó có cái thiếu là nó bậy.
Tất cả chỉ hoàn hảo khi nó dừng lại ở mức đủ.
Đủ là gì ?
Đủ là không thể thêm và cũng không thể bớt.

Thì cái đó gọi là đủ.
Còn cái nữa là phải ở Tỷ Lệ Vàng.
Thì bài giảng trưa nay tôi muốn nói cái gì ?
Tôi muốn nói rằng xin quan tâm giùm mấy điểm sau đây trên biểu đồ A Tỳ Đàm, là mình liếc mình thấy cột trái là Tâm.
- Cột phải phía trên là 52 Tâm Sở.
- Xuống nữa là 28 Sắc Pháp.
Thì mấy cái này nè, nó tùy thuộc vào cái kiểu sống của chúng ta mà nó được quyết định chất lượng, phẩm tính của nó.
Tùy thuộc vào cách sống của mình, như mình thấy trong A Tỳ đàm nói rất rõ :
● Tham kể gọn là Tham - Sân - Si.
- Kể rộng hơn một tí là Tham gồm có 8.
- Nhưng mà kỳ thực vô số kiểu Tham.
- Có bao nhiêu chúng sinh là có bấy nhiêu kiểu Tham.

Chẳng hạn như hôm nay thì các vị có để ý, ngẫu nhiên thôi, mình không có thì giờ đâu. Quý vị thấy cái gu thẩm mỹ của nhân loại bữa nay nó kỳ lắm, một thời xưa thì ăn lông ở lỗ, từ từ nó thích cái gì mà nhung lụa ấm êm vàng son rực rỡ, cái nó đi riết ... từ từ ... từ từ nó quay trở lại, là trong những cái Resort, những nhà hàng đắt tiền thì họ không có thích xài những gốm sứ cao cấp, mà họ lại có khuynh hướng xài những mo cau, lá chuối, mấy cái rỗ tre, lá sen, rỗ mây rỗ tre, lá chuối khô, mo cau. Ví dụ như vậy.
Rồi họ thích trang trí cũng là cái gì thiên nhiên, nguyên một rá tre đựng đồ ăn thảy vô đó một đọt hoa, một nhánh hoa muồng, hoa vàng hoặc là sang sang thì phong lan, một nhánh phong lan để đĩa thức ăn.
Mình thấy chúng sanh liên tục thay đổi như vậy.
Do cái Nghiệp nó khiến.

Mình thấy rõ ràng như nảy tôi vừa nói, thế giới này chẳng là cái gì ngoài thích và ghét của chúng sinh.
Từ thích ghét đó nó tạo ra các Nghiệp
Từ cái nghiệp đó mới dẫn về các cảnh giới và ở các cảnh giới của chúng sanh có những nhu cầu khác nhau.

Hiểu được cái này mình nhìn cuộc đời khác đi nhiều lắm. Mình học Phật Pháp mình cần cái chuyện tìm đường Giải Thoát.
Còn chuyện trước mắt giúp cho mình giúp có cái nhìn khác đi về thế giới.
Chuyện mai mốt mình đắc A La Hán là cái chuyện xa, mà chuyện trước mắt là mình có cái nhìn rất là khác về thế giới nầy, nó lạ lắm.

Như trong Kinh Đại Hội, bản chánh kinh và đọc cả chú giải nữa thì chúng ta mới thấy cái chuyện mà tôi vừa nói, khi Đức Thế Tôn đang ở trên núi cùng với các vị Tỳ Kheo, La Hán, lúc đó thiên chúng mười phương về chầu hầu, nghe Pháp.
Từ phương đông, từ phương nam, phương tây, phương bắc, lần lượt xuất hiện các quầng sáng khổng lồ toàn là một màu tím, toàn là màu xanh lá mạ, xanh đọt chuối, màu vàng chanh, vàng mở gà, vàng nghệ, rồi đỏ máu, đỏ ngọc Ruby, xanh, vàng, đỏ, tím, trắng, đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím, từ các phương đổ về.
Đức Phật Ngài dạy rằng do cái sở thích của những người cộng nghiệp với nhau nó giống nhau, cho nên có những vị về chầu hầu Thế Tôn trong một hình thức trang phục giống nhau, trong cái màu hào quang giống nhau. Khiếp lắm, bởi vì mình không có thấy nhều, mình không có thiên nhãn, mình không thấy thế giới này thiên hình vạn trạng.
Nếu biết giáo lý nhất là có chứng đắc, có tu tập, khi mà nhìn thấy mấy cái đó mới thấy chán, thế giới này chỉ là một trò chơi và cuộc đời chỉ là những cuộc chơi của những người chưa trưởng thành. Chúng ta chỉ có già đi chứ không có trưởng thành. Từ vô lượng kiếp chúng ta chỉ là những hài nhi tóc bạc, chúng ta là những đứa trẻ sống lâu chứ chúng ta chưa kịp trưởng thành. Chúng ta chỉ già chứ chưa có lớn. Nhớ cái đó.
Bởi vì chúng ta rất là trẻ con trong cái nhìn của Thánh Nhân.
Trẻ con là sao ?
Trẻ con là chúng ta rất dễ bị vấp ngã, chúng ta chơi rất là ngu, dễ té, dễ bị bỏng lửa, dễ bị đứt tay, rồi gì nữa ? Dễ khóc, dễ cười, dễ bị dụ, dễ bị mơn trớn, dễ bị đắng tấn công, dễ bị vị ngọt tấn công y như con nít vậy đó.
Chứ một người trưởng thành thật sự đi khó té.
Té không khóc, cầm dao tiếp xúc lửa rất cẩn thận. Nếu đứt tay, nếu phỏng lửa không khóc, và biết cái gì là đồ chơi thì không rớ tới. Đồ chơi của trẻ con thì không rớ tới. Còn đằng này mình chỉ là người lớn so với con em trong nhà mình thôi, chứ trong tầm nhìn vũ trụ mình ngồi mình nghĩ mình là những đứa trẻ, mình rất là dễ buồn, dễ vui, dễ khóc, dễ cười và mình đam mê đắm đuối trong tất cả những cái thứ mà chính mình lúc bình tĩnh nhất mình cũng thấy là nó rất là mong manh.
Một là nó bỏ mình
Hai là mình bỏ nó
Nếu bây giờ mình bình tĩnh ngồi yên lại mình sẽ trả lời tôi sẽ mất nó trong vòng 15 phút. Biết hết.
Làm sao không biết.
Một người trên 18 tuổi có đầu óc bình thường không cần thông minh, chỉ cần bình thường không khùng thôi, không khùng, không sỉn, không lú lẫn, không Alzheimer's thì ai cũng phải hiểu rằng tất cả những cái mình gọi là của, của tôi, nó có thể bỏ mình trong vòng 15 phút.
Rất là dễ.
Dù mình là đại gia thì nó bỏ mình hoặc là mình bỏ nó trong vòng 15 phút.
Thí dụ chết, thí dụ tai nạn, thí dụ bị đột quỵ. 15 phút tôi nói hình như hơi lâu chứ nó chỉ cần có 3 phút thôi. 3 phút, chỉ cần nó bị cái gì đó nhồi máu cơ tim. Rồi xong. Rồi nó bị tai nạn xe quẹt một phát. Xong. Rắn cắn, trúng gió là xong.
Rất dễ và rất dễ.
Chỉ có mình biết, nhưng rõ ràng mình trẻ con, bởi vì mình chỉ tin được những thứ mà chính mình biết nó không có bền.
Tình cảm cũng vậy, tình cảm gia đình, anh em, cha mẹ, con cái, vợ chồng, nam nữ yêu đương ... tất cả những cái đó mình biết, mình biết.
Dù mình có dễ duôi, có bê bối, có bầy hầy, có súc vật cách mấy, thì mình cũng hiểu rằng mấy cái đó nó bỏ mình dễ ẹc.

Mà khi như vậy mình thấy mấy người mà họ mê tiền, mê danh, mê quyền, những kẻ đa tình đa cảm, mình nhìn họ mình thấy ngán. Ngán ở chỗ là trong vòng tích tắt tất cả những cái đó là chính mình biết nó sẽ bỏ mình đi, và đa phần chúng ta lại đầu tư rất là nhiều thời gian, công sức, cho những thứ đó.
Mà tôi không có thời giờ tôi nói nhiều vậy đâu.
Tôi đang giảng A Tỳ Đàm mà.
Tại sao goi mọi thứ do Duyên ?
Là chính vì, chính vì .. chính vì .. cái kiểu sống của mình, kiểu sống u mê thì dù mình có làm thiện, thì cũng là kiểu thiện của người u mê.
Còn mình làm ác thì đương nhiên là u mê rồi.
Mà làm thiện u mê là sao ?
Tức là vẫn có lòng đầu tư một kiếp sau giàu, đẹp, sung sướng, mà lẽ ra cái mình thiết tha đó là.
Nghe cho kỹ chỗ này.
Thường người ta chỉ nhắm tới cái gì mình thích, nhưng mà lý tưởng cao nhất của đạo Phật là nhắm tới một cái ngày, giờ, giây, phút, thời khắc, mà mình không còn thích cái gì nữa. Đó chính là cái cứu cánh của Phật Pháp. Nha.
Như cái ông đó cúng dường cho Phật Độc Giác ổng nguyện là :
- Xin cho con nhờ công đức này đạt đến một cứu cánh không còn gì để nguyện, không còn gì để thích.
Con nhìn Ngài con cảm nhận Ngài là người không có gì để nguyện ước, không có gì để mong đợi.
Tại sao con nghĩ như vậy.
Cho nên con mong được như Ngài và mong đời sau con mong như thế nào ? Mong do nhờ công đức này con sẽ không còn gì để nguyện, sẽ có một ngày con không còn về để trông đợi, mong chờ.
Con xin nguyện đạt đến giai đoạn không còn gì để nguyện.

● CÁC CẢNH GIỚI
Giờ mình nói qua các Cảnh giới.
Hồi đó giờ mình nói là 4 cõi đọa. Nhưng thật ra không có, cảnh giới thì được, cõi thì không được.
Theo trong kinh thì địa ngục là cõi có cõi riêng, như A Tu la có cõi riêng, ngạ quỷ cũng có cõi riêng.
A Tu La kêu là là nhóm, là đám, tức là nó sống rải rác ở các nơi theo từng nhóm từng bầy đàn. Trong đó chỉ có, rồi cái loài gì nữa, loài bàng sanh, phân tích là từ con cá voi, cá nhà táng, cho tới tê giác, hà mã, cho tới giun dế, cho tới mấy cái loài yếm quang, yếm khí, li ti côn trùng ở trong đất đá, gỗ lá, củ rễ đò đó, trong đống rác, trong ống cống, thì tất cả từ con cá nhà táng mấy chục tấn cho tới mấy con vi sinh cân không được. Tất cả đều gọi chung là BÀNG SANH.
Nha. Nhớ nha.

Từ con chim bay trên trời, con cá lội dưới nước, trùng đế ở trong chỗ ẩm thấp hay là chồn cáo, rắn rít, trong hang, trong bụi. Tắt cả đều được kể chung là Bàng Sanh.
Bàng Sanh không có cảnh giới riêng, dành cho bốn cõi đọa.Thật ra
- Bàng Sanh không có cõi riêng.
- Ngạ Quỹ không có cõi riêng.
- A Tu La không có cõi riêng.
Chỉ có Địa Ngục là có cõi riêng, và tôi dành một tí thời gian để tôi nói riêng về Địa Ngục.
Thì trong zoom này có thể có người không có tin, có người không địa ngục.
Địa Ngục chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người hoặc là một sản phẩm mang cá tính răn đe của tôn giáo. Ok. bà con nghĩ sao thì tùy, nhưng nếu bà con hỏi tôi có tin hay không ? thì tôi xin trả lời các kiểu ba phải bị gật như thế này. Chúng ta phải tuyệt đối đồng ý phải tuyệt đối đồng ý, trên và trong hành tinh này, có những chỗ rất là nóng và có những chỗ rất là lạnh, có những chỗ rất là khô và có những chỗ rất là ấm. Rất là nóng là mình thấy sa mạc. Rồi những cái vùng nhiệt đới rất là nóng mà trong lòng địa cầu, trong lớp lõi mắc ma là nóng mấy nghìn độ. Đó là trong và trên trái đất này có rất nhiều chỗ nóng. Cà lạnh cũng vậy, mình thấy Nam Cực Bắc Cực và các khu vực bắc âu rất là lạnh. nhưng có điều phía Bắc của thế giới thí dụ như mình thấy Trung Quốc ở miền bắc rất là lạnh. Như vậy là nóng, là lạnh nè, mình thấy có, trên trái đất này nó có, thì ở những chỗ như vậy có những giống sinh vật tương ứng với nó, nó có những loài nai, loài gấu mà nó chỉ ở xứ lạnh thôi qua xứ nóng là nó chết liền.

Nói chung càng đi xa là càng biền biệt.
Ở đây cũng vậy cứ thêm một tí thiện, thêm một tí ác, thêm một tí thích, thêm một tí ghét, là chúng ta bị đẩy, bị đẩy đi về những góc trời rất là riêng tư.
Dễ sợ như vậy đó.
Kể cả mai này chúng ta có mặt cùng với nhau trong một hội chúng, trong một ngôi nhà, một gia đình, một thành phố, một tổ ấp, quận huyện, phường khóm gì đi nữa, thì chúng ta vẫn có riêng tư một chốn về rất đỗi lẻ loi.
Vì ở đó không ai có thể chia sẻ được cho mình cái gì hết. Gọi là riêng tư.
Gọi là lẻ loi. Nhớ nha.
Cho nên trong đời sống thường gặp tại sao phải liên tục thường trực trong Chánh Niệm, bởi vì có Chánh Niệm thì mình mới có cơ hội thấy rõ mình được cấu tạo ra sao.


🙏Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

---------------------------☘️

🙏Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn .. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240109/Buổi 5-HỌC GIÁO LÝ SƯ GIÁC NGUYÊN(09.01.2024).docx
  • 20240109/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 5 (9-1-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản