← Giáo Lý Căn Bản
[001] 26.12.2023 [002] 28.12.2023 [003] 02.01.2024 [004] 04.01.2024 [005] 09.01.2024
[006] 11.01.2024 [007] 16.01.2024 [008] 18.01.2024 [009] 23.01.2024 [010] 25.01.2024
[011] 30.01.2024 [012] 06.02.2024 [013] 15.02.2024 [014] 26.03.2024 [015] 04.04.2024
[016] 12.04.2024 [017] 19.04.2024 [018] 25.04.2024 [019] 09.05.2024

Lớp Phật Pháp Căn Bản
13 - Thứ Năm, ngày 15/02/24
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng).

✴️ SẮC PHÁP

Trong buổi học cuối năm 23 chúng ta có dịp ôn lại một cách tổng quát những gì đã học, cho nên sáng nay chúng tôi chỉ nói vắn tắt thôi, tức là luôn luôn mình phải có nhịp cầu nối giữa bài cũ với bài mới, bài cũ là chúng ta học về cấu tạo của cái gọi là đời sống tinh thần hay là Tâm Pháp hay là Danh Pháp của chúng sinh, từ loài vi sinh trong nước, trong đất, trong cây cỏ, chỉ cần nó là chúng sinh thì cấu tạo tâm thức nó cứ như vậy cho đến một vị Thiên Chủ Ác Ma Thiên Tử hay là một vị Đại Phạm Thiên trên cõi cao nhất là Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng thì cấu tạo Tâm Pháp cũng y như vậy, có nghĩa là cái Biết tức là Tâm cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính và 14 Tâm Sở Bất Thiện, 14 Tâm Sở Tiêu Cực thì cho ra Tâm xấu, Tâm ác, cái Biết cộng với 13 Trung Tính cộng với 25 thì nó cho ra Tâm Tích Cực tức là Tâm thiện, chỉ vậy thôi, với cấu trúc đó chúng ta tự hình thành nên đời sống tâm linh hay tinh thần từ đời này sang kiếp khác, trong khi một người có đủ duyên lành BaLaMật, có nghĩa là cũng công đức, bố thí, trì giới ..V.v... với lòng cầu giải thoát thì sau nhiều kiếp sống sinh tử sẽ có một ngày khi lời nguyện xưa đến lúc chín muồi viên thành, hoàn mãn thì lúc đó mình mới có dịp tự mình hay là qua sự hướng dẫn của người khác mà hiểu, thấy, nhận thức được rằng mình được cấu tạo như thế nào, thấy được rằng đời sống tâm linh tinh thần của mình, thiện ác buồn vui của mình vốn dĩ chỉ là một cấu trúc phức hợp, một khối tập đại thanh của các thành tố do các Duyên tác động mà khối tổng hợp ấy xuất hiện và vận hành theo công thức
1 + 13 + 14
1 + 13 + 25
Và mỗi một Sát Na Tâm thiện ác như vậy thời gian diễn ra rất là nhanh, nhanh lắm, có nghĩa là trong một tích tắt nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng, một giây đồng hồ là có rất nhiều Sát Na Tâm xuất hiện và trong mỗi Sát Na Tâm như vậy nó vẫn được tồn tại với cấu trúc đó, có nghĩa là
1 + 13 + 14
1 + 13 + 25
chớp nhoáng nhanh như vậy, nhanh hơn cả khái niệm Sóng và Hạt trong thế giới vật lý hiện đại.
Sáng nay chúng ta học tiếp về vận hành bản chất và cấu trúc của cái gọi là vật chất, thế giới vật chất dưới góc nhìn của một người Phật Tử nói chung và một người học A Tỳ Đàm nói riêng, vật chất ở đây được định nghĩa như thế này :
1/ Theo thế gian thì vật chất là những gì mình có thể thấy được hoặc không thấy được nhưng mà nó có tiêu thụ năng lượng, nó có trọng lượng, nó có hình dáng, hoặc là nó có choáng chỗ không gian, và đặc biệt là nó bị tác động bởi vô vàn những điều kiện vật chất khác, đó là định nghĩa thế gian, còn định nghĩa theo trong A Tỳ Đàm vật chất là những gì mà nó được nhận biết bằng các giác quan mắt, tay, mũi, lưỡi, thân. Đó là một.
2/ Bản thân cái gọi là vật chất có thể bị tác động để xuất hiện lớn mạnh và hư hủy tiêu mất từ những điều kiện ngoại lai.
Ví dụ như cấu tạo căn bản của Sắc Pháp là đất, nước, lửa, gió, nhưng mà nó vận hành và nó có thể bị tiêu hủy bởi sự tác động của chính đất, nước, lửa, gió, thì cái đó được gọi là vật chất.
Nhắc lại nha, bản thân nó là đất, nước, lửa, gió, và nó được nhận biết bởi các giác quan vật chất, thì cái này được gọi là Sắc Pháp ở định nghĩa nôm na nhất, bây giờ mình nói hơi trừu tượng và chuyên sâu một chút, nói cái này khó nuốt, có nghĩa là trong cái nhìn gọi là nôm na bình dân thì mình nghĩ vật chất là cái gì đó có thể sờ chạm, nhưng ở một cái nhìn rốt ráo thì sở dĩ gọi là VẠN HỮU GIAI KHÔNG hay NGŨ UẨN GIAI KHÔNG là ở chỗ MỌI THỨ DO DUYÊN MÀ CÓ.
Duyên tụ Duyên tán tồn tại theo hình thức tổng hợp :
- Đủ Duyên sinh thì nó xuất hiện.
- Đủ Duyên diệt thì nó mất đi.
Nhưng cái này mới là trừu tượng, dù tinh thần hay vật chất, Sắc Pháp hay Danh Pháp, tất cả chỉ là những trạng thái, chữ trạng thái này mới mệt, chỉ là những trạng thái, cho nên gọi là giai không là như vậy.
Thí dụ như mình nói cái ly, cái chén, chiếc xe, máy bay, tàu thuyền, con người, nam nữ, đẹp xấu, trắng đen, mình chia ra theo khái niệm thi thiết, biến kế sở chấp, chế định tục đế là như vậy, nhưng mà ở cái nhìn rốt ráo thì không có tàu bè, máy bay, núi sông, gì hết mà nó chỉ nằm gọn trong bốn phạm trù vật chất đó là :
- Cứng mềm, mịn nhám, nặng nhẹ, trạng thái đó gọi là ĐẤT.
- Ngưng tụ, kết dính, hòa tan, được gọi là NƯỚC.
- Tất cả các nhiệt độ nóng cách mấy, lạnh cách mấy, đều được gọi là LỬA.
- Trạng thái xê dịch, xô đẩy, áp suất và dời đổi thì trạng thái đó đó được gọi là GIÓ.
Nó chỉ là trạng thái thôi.
Đây là bốn khái niệm vật chất căn bản, từ đó mới ra các thứ vật chất khác mà mình không có lường được, thì chúng ta thấy, chúng ta liếc vô bản đồ A Tỳ Đàm chúng ta thấy có 28 nút, mà trong đó chỉ có 18 Sắc Pháp có thiệt.
Ví dụ như :
- Đất, nước, lửa, gió, là có thiệt.
- Hormone nam nữ là có thiệt.
- Nutrition dưỡng tố là có thiệt.
Còn những cái không có thiệt, ví dụ như là hai Biểu Tri là không có thật, ba Sắc Kỳ Dị là không có thật, Sắc Giao Giới là không có thật, các vị trừ ra từ từ nha, các vị trừ ra dùm tôi, Biểu Tri nghĩa là Thân Biểu Tri và Khẩu Biểu Tri, có nghĩa là :
- Biểu hiện của tâm ý mình thông qua ngôn từ, mình nói, cười, gào, khóc kể lể, cái đó là KHẨU BIỂU TRI.
-THÂN BIỂU TRI có nghĩa là mọi hoạt động, những thao tác cử động lớn bé, thậm chí có những cử động vô danh của mình thì gọi là Thân Biểu Tri.
- Khẩu Biểu Tri tức là biểu hiện tâm ý qua lời.
- Thân Biểu Tri là biểu lộ tâm ý qua thân.
THÂN BIỂU TRI, KHẨU BIỂU TRI.

Tiếp theo nữa đó là ba Sắc Đặc Biệt hay là Sắc Kỳ Dị, có nghĩa là chữ kỳ dị dịch rất là kỳ …. một dịp khác sẽ quay lại chữ dịch kỳ cục này, đó là KHINH, NHU, THÍCH NGHIỆP có nghĩa là mỗi thứ vật chất như vậy nó phải tự có khả năng nhẹ nhàng, nghe.. nghe.. cái này phải gạch dưới nha, nhẹ nhàng khi cần thiết gọi là KHINH.
- NHU là nó mềm mại khi cần thiết.
- THÍCH NGHIỆP là nó có khả năng tương ứng, thích nghi khi cần thiết.
Giảng tới đây tôi hay nói hoài, mình thấy một hạt giống mà nó nằm ở trong khe đá nhỏ xíu vậy đó mà khi đủ duyên nắng gió, mưa sương, nó bèn nảy mầm, cũng ra dây, ra cây đàng hoàng, rồi nó cũng phát triển ra hoa ra trái trong một khe cực hẹp như vậy, thì đó là khả năng thích nghi của nó. Nhớ nha, hoặc là mình thấy như hòn đá thiên Kyaikhtiyo ở Miến Điện lẽ ra nó nghiêng nhưng mà ở trong một mức độ cân bằng tối thiểu nào đó nó vẫn đứng yên bao nhiêu đời không chịu nghiêng, thì mình tạm hiểu nôm na :
- Khả năng có thể nặng nhẹ một cách cần thiết thì đó gọi là KHINH.
- Khả năng cứng mềm một cách cần thiết thì đó gọi là NHU.
Chữ Nhu ở đây phải hiểu cả cứng mềm.
Khinh là khả năng nặng nhẹ đúng mức khi cần thiết, khả năng Nhu là khả năng mềm cứng đúng mức khi cần thiết, Thích Nghiệp là khả năng linh động thích ứng, thích nghi một cách cần thiết.
Thì ba cái này được gọi là ba SẮC ĐẶC BIỆT, BIỂU TRI ĐẶC BIỆT.

SẮC GIAO GIỚI có nghĩa là khe hở của các phân tử, nguyên tử, lượng tử, khe hở đó được gọi là Sắc Giao Giới, Sắc Hư Không.

SINH, TIẾN, DỊ, DIỆT
- Sinh là giai đoạn có mặt.
- Tiến là giai đoạn phát triển.
- Dị là giai đoạn cằn cõi chuẩn bị mất đi.
- Diệt là giai đoạn biến mất, băng hoại, tiêu hủy.
Đây là những cái được kể là Sắc Pháp nhưng thật ra nó không có thật, nó là cái bóng của Sắc thật, Sắc thật là 10 Pháp Sắc Chân Đế, mình trừ ra mười cái này thì cái còn lại mới là SẮC CHÂN ĐẾ Sắc thật.
Nãy giờ dân sơ cơ nghe tôi kể các vị trách tôi tại sao ổng không chịu giảng gì hết mà ổng đi kể từng cái, từng cái, thì các vị bắt buộc phải nghe lại băng giảng, BẮT BUỘC PHẢI NGHE LẠI BĂNG GIẢNG NÀY chớ không thể nào kỳ vọng vào một lần nghe mà có thể nắm được thì đó thuộc về thiên tài hoặc là thần tài rồi chứ không thể nào được như mình muốn đâu nha.

Rồi bây giờ tôi quay lại cái gọi là Sắc Pháp hay là Vật Chất ở đây nó chính là những gì tôi vừa nói, nó là những gì mà bản thân nó là Bốn Đại được Bốn Đại tác động tạo nên hoặc nó là đối tượng được nhận biết bởi các giác quan vật chất, gom chung lại được gọi là Sắc Pháp, là Vật Chất, thì Sắc Pháp có bốn nguồn để xuất hiện và nghe cho kỹ chỗ này, bốn nguồn này cũng là bốn nguồn mà nó tạo ra Vạn Hữu chứ không riêng gì vật chất. Nhớ nha.
Bốn nguồn này nó cũng là bốn nguồn xuất phát sinh khởi của Vạn Hữu không riêng gì Vật Chất.
Tuy nhiên mình đang học về Vật Chất thì bắt buộc mình tạm thời đóng khung đây là bốn đều kiện để xuất hiện Vật Chất :

1️⃣ Tiền Nghiệp.
Chính Tiền Nghiệp chúng sinh tác động cho các loại Sắc Pháp xuất hiện.
Ví dụ như mắt, tay, mũi, lưỡi, có những cảnh giới có mắt, tay, mũi, lưỡi, có những cảnh giới không có.
Có những cảnh giới có vấn đề giới tính Hormone nam nữ, nhưng có những cảnh giới không có, đó là do Nghiệp, và có những cảnh giới chuyện mà có đủ là Ok mà thiếu là bị xem là khuyết tật, nhưng có những cảnh giới không thể có đủ năm giác quan, nó chỉ có mắt tay thôi, ví dụ như Phạm Thiên, không phải nói vậy họ dị dạng mặt họ bằng chang như là tấm ván, không phải, như vậy là không phải. Họ đẹp nhất như có thể, tức là trong Tam Giới này nói về chúng sinh mà có hình dáng mặt mũi thì không ai đẹp bằng Phạm Thiên, nhưng do khả năng Ly Dục của họ.
Họ có mắt để nhìn, đúng.
Họ có tai để nghe, đúng.
Họ có đầu óc suy nghĩ, đúng.
Vì khả năng Ly Dục nhiều đời họ không cần đến thần kinh khứu giác, vị giác, xúc giác, cho nên họ cực đẹp, đẹp lắm. Trong Kinh nói thân tướng Phạm Thiên đẹp và chuẩn đến mức được dùng để so sánh với Phật Tướng của Thế Tôn, hảo tướng của Chư Phật.
Đẹp như vậy đó.
Cân đối với một tỷ lệ Vàng.
Đẹp như vậy đó, âm thanh giọng nói và ánh mắt của Phạm Thiên thì chỉ có đem so với Phật, một người ác tâm cách mấy mà nhìn ánh mắt của Phật, của Phạm Thiên, nghe giọng nói Phật Âm, Phạm Âm thì nhũn liền, nhũn mềm lòng, chuẩn như vậy đó.
Nét đẹp đạt tầm đẳng cấp vũ trụ chứ không phải châu lục, không phải là hành tinh này hành tinh kia, mà nó là cấp vũ trụ đẹp chuẩn. Nhưng mà có một điều do Ly Dục cho nên trên đó mặt mũi tướng tá là điểm 11/10 hết, nhưng mà họ không có thần kinh khứu giác, vị giác và xúc giác. Nhớ nha.

Như vậy thì mình thấy rõ ràng trường hợp thứ nhất là Sắc Pháp do được tạo ra bằng Tiền Nghiệp thiện hoặc Nghiệp ác.
Thí dụ như cũng mang thân nữ, cũng mang thân nam, cũng là người, cũng là nhân loại trên hành tinh này, trên nam bán cầu và bắc bán cầu giống nhau, nhưng có người sanh ra thì thiếu chều cao, có người thì đen quá, có người trắng bệch, trắng đến mức bạch tạng, có người trắng vừa đủ thì gọi là trắng nõn mà trắng quá lên tới bạch tạng, đen mà ngâm ngâm da trâu nhìn lâu thấy mê nhưng mà đen quá giống như cục than nhìn cũng ớn.
Cho nên Tiền Nghiệp tạo ra những dị biệt như vậy đó.
Đó gọi là Sắc Pháp.
Do Nghiệp tạo gọi là Sắc Nghiệp.

2️⃣ Trường hợp thứ hai là Sắc Pháp do Tâm tạo.
Tức là do tâm thái, tâm trạng, trạng thái tâm lý của chúng ta mà chúng ta có những biểu hiện khóc cười, nói năng, hít thở, thì những cái đó được gọi là Sắc Tâm.

3️⃣ Trường hợp thứ ba đó là thiên nhiên tạo.
Ví dụ như mình ở xứ lạnh, xứ nóng thì đó là môi trường để có những cây cỏ thảo mộc xứ này có mà xứ kia không có, thậm chí có luôn mà nó vẫn khác.
Ví dụ như mình thấy chuối, có những vùng trồng chuối già không chứ không trồng chuối xiêm được, đối với tôi tháng sáu bà con qua xách cho tôi buồng chuối xiêm là ơn tái tạo, mừng lắm, bên đây chỉ có chuối già, bên đây là Châu Âu.
Thí dụ như là Tây Ban Nha, Ý, Pháp, những vùng nắng ấm là nó chỉ có tới chuối già là maximum, nhưng mà bù lại ở Châu Âu nó có những vùng mà nó có rất nhiều nấm rất ngon.
Ví dụ như nấm của Pháp rất ngon, rất đắt tiền, nấm mà phải nhờ mấy con chó, mấy con heo thính mũi nó đi dò, rồi mình thấy nó ngửi ngửi, nó cào cào, mình đào lên, nấm đó cứ bỏ lên hai cái cân, cái cân vàng, cái cân nấm, vàng nhiêu nấm nhiêu, mắc như vậy. Châu Á mình không có, Châu Á mình nấm tào lao.
Tôi hơi lạc đề một chút cho thấy là thiên nhiên ở mỗi nơi nhiệt độ rồi thổ nhưỡng, kể cả những cái mà ở cái tầng sâu trầm tích của vỏ địa cầu nó cũng phần nào ở mỗi nơi mỗi khác, phần nào tác động đến môi trường sinh thái bên trên mặt đất, có những vùng rất là nhiều kim cương khoáng sản nhưng có những vùng không có khoáng sản. Nhớ nha.
Có những vùng có động đất, có những vùng núi lửa, những vùng không có và từ núi lửa nó mới ra những loại đá, bao nhiêu thứ cát bụi sỏi đá mà nơi khác không có, và với nền tảng đất đá sỏi cát đó nó cho ra những cây cối mà nơi khác không có, ví dụ như đảo ở Ấn Độ Dương nó được xem là đảo ngoài hành tinh có những loại cây mình kêu cây .... coi như là nó chỉ có thân chứ không có gì trơn, nhánh le que cho vui chứ không có lá, nhánh le que lắm, như bàn tay vậy đó, nhưng mà thân nó thì hoành tráng, chứa nước không tưởng được, mà cây nhìn thì phải nhìn nhận nó lạ thôi chứ còn kêu đẹp thì từ cái lạ mình tưởng nó đẹp chứ thật ra dạng cây dị.
Chính thiên nhiên phần nào ảnh hưởng đến cái gọi là vật chất, cuối cùng là Dưỡng Tố, tức là Nghiệp đó, Tâm đó, Thiên nhiên đó, nhưng nguồn Dưỡng Tố. Ví dụ mình cùng Cha cùng Mẹ ở chung một đất nước lãnh thổ, gia đình mái nhà đúng không ? nhưng mà kiểu ăn của mỗi người không giống nhau, ở đây tôi đang nói là thức ăn vật chất nha, chứ tôi chưa nói thức ăn tinh thần, thức ăn tinh thần là cái tư duy, giao tiếp, thấm thía của mỗi người, kiến thức cảm xúc mỗi người, tôi không nói, tôi chỉ nói riêng khoản vật chất, thức ăn sinh học, thì nguồn dinh dưỡng của mỗi người không giống nhau, cho nên một Cha một Mẹ sống chung một mái nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường, cấu trúc sinh học của mình trên nền tảng có giống nhau cách mấy nhưng về chi tiết nó phải có cái khác. Nhớ nha.
Cho nên mới có người thọ, có người yểu, cho nên sáng nay học tổng quát thôi, cái gọi là vật chất ở đây gồm có hai định nghĩa :
1/ Nó là đối tượng được nhận biết bởi các Căn vật chất mắt, tay, mũi, lưỡi, thân, thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác.
2/ Nó có thể bị tác động bởi các điều kiện vật chất một cách trực tiếp.
Hai điều kiện cộng lại được gọi là SẮC PHÁP và nguồn gốc của Sắc Pháp là vật chất ở đời nó gồm có bốn thứ, dựa vào bốn thứ nguồn gốc mà ta có bốn thứ vật chất, có những thứ vật chất được tạo ra từ tiền nghiệp chúng sinh, có những thứ vật chất được tạo ra từ đời sống tâm lý chúng sinh, từ hoạt động tâm thức, có những thứ vật chất được tạo ra từ môi trường thiên nhiên và có trường hợp vật chất được tác động trực tiếp, được sản sinh và bị tiêu hoại bởi nguồn dinh dưỡng, phải không ? tại sao phải học cái này ? học cái này có tới tám trăm cái lợi.
- Thứ nhất mình học cái này để mình hiểu rằng vạn hữu là lắp ráp, là ghép nối không có gì là một hết, phải không ? mình nói ngón tay đẹp, mái tóc đẹp, ánh mắt đẹp, nhưng mà đó là sự cộng hưởng, cộng sinh, sự hợp tác, sự kết nối, của vô số điều kiện, của vô số thành tố vật chất, học bản chất rã rời của nó.
- Thứ hai mình học cái này mình mới không có cực đoan, chẳng hạn như mình thấy bệnh là cứ đè ra cầu nguyện, rồi khấn vái, rồi thầy bà, rồi bệnh căn bệnh kiết, mệt.. mệt.. mệt... Dẹp.
Trong khi mình có học, mình không cần giỏi, học tới buổi học sáng nay, àh thì ra cái khỏe cái bệnh nó cũng có nhiều nguồn, bệnh mà ngoài đời kêu bệnh căn, bệnh quả là bệnh do tiền nghiệp. Nhưng mà có trường hợp bệnh đi ra từ đời sống tâm lý, rồi cái gì nữa ? bệnh nó đi ra từ tác động của thiên nhiên và cuối cùng bệnh nó đi ra từ những gì mình thồn nhét, dộng tống vào mồm, đó là nguồn dưỡng tố phải không ? nhớ nha, chỉ riêng cái bệnh thôi nó có một mối tương quan nhất định vật chất và tinh thần trong đời sống chúng sinh cõi Ngũ Uẩn và có những chúng sinh cõi Nhất Uẩn họ chỉ có Sắc Pháp, hoặc là cõi Tứ Uẩn họ chỉ có Tâm Pháp, những riêng cõi Ngũ Uẩn là ở đó đời sống chúng sinh được tác động với sự hổ tương mật thiết của các điều kiện Nghiệp, Tâm, Thiên nhiên và các điều kiện Dưỡng tố. Nói tới đây tôi nhớ có một chuyện anh hớt tóc thanh nữ, mấy cô hớt không, cổ vô vuốt, vuốt, vuốt.. vuốt kéo, vuốt lược rồi chỉnh sơ sơ, sửa trải khăn, choàng quấn khăn cho ảnh, cổ mới hỏi có vợ chưa ? thì nói có rồi.
Cô nhấp, nhấp, nhấp hai ba kéo cổ hỏi vợ mấy tuổi ? ảnh trả lời xong, hỏi quê quán ở đâu ? trình độ văn hóa, có công việc làm thu nhập nhiêu ? trắng đen mập ốm, đẹp xấu thế nào ? sở thích cái gì ghét ? cái gì sợ ? mà cổ cứ đem cô vợ hỏi hoài ảnh bực, ảnh mới nói rằng hớt thì hớt sao hỏi vợ tôi hoài. Cổ nói không, cứ mỗi lần nhắc tới vợ anh là tóc anh nó dựng lên thì em dễ hớt hơn. Thì đây có thể là câu chuyện cười, nhưng mà đối với tôi thì tôi nghĩ đúng. Trong thế giới này có những cái tương quan rất là lớn giữa cái gọi là vật chất và tinh thần, ổng chỉ nghe nói tới vợ là bắt đầu tóc dựng lên và bản thân tôi cũng vậy, thân mạng hình hài, lá y đắp trên người là Phật tử cho, đúng. Từng giọt máu, từng tế bào sinh học trong người của tôi là phật tử cho, đúng. Bốn mấy năm làm thầy chùa nhưng mà nói thiệt có nhiều Phật tử nhắc tới họ, may là tóc cạo rồi đó mà nó dựng từ ở trong cái chân tóc, tế bào tóc nó dựng chứ đừng có nói mà đợi tóc nó mọc lùm xùm, đó là tương quan tâm lý và tương quan sinh học giữa vật chất và tinh thần, và tôi nhắc lại chỗ này phải lưu ý, tùy thuộc vào chuyện chúng ta sống ở đâu ? nghe cho kỹ nha, các vị nghe kỳ kỳ phải không ? đang giảng vật chất tự nhiên quẹo qua, tùy thuộc vào việc ta sống ở đâu ? thường gặp gỡ ai ? đầu óc thường sống nhiều với đề tài gì ? nghe kỹ nha.
Một là cái gì ta ? sống ở đâu ? thường gặp gỡ ai ? đầu óc thường làm việc với những đề tài, chủ đề nào ? thích ghét cái gì ? chính cái này mới dẫn đến chuyện là chúng ta tạo Nghiệp gì ? Thiện như thế nào ? ác như thế nào ? Chính từ chuyện môi trường tác động đến tâm tư, sở thích, tình cảm và hoạt động của mình, nó mới dẫn đến Nghiệp Tái Sinh để đời sau mình sanh ra mình có hay không có tấm thân sinh học, và nếu có là có như thế nào ? Đấy, và đương nhiên khi mà tâm tư, tình cảm, cảm xúc, buồn vui của mình, thích ghét của mình, nó còn quá gắn bó khắn khít với vật chất thì đương nhiên là tất thảy những Nghiệp Thiện Ác của mình đều là thứ Tiền Nghiệp để tạo ra hình hài vật chất cho kiếp sau.
Chứ nếu người chuyên tâm Thiền Định sanh về các cõi Phạm Thiên thì họ đâu có cần đến đời sống vật chất nhiêu khê, rối rắm, đa đoan, phức tạp, phồn tạp như mình dưới đây, không có. Nhưng mà hễ mình có quan tâm cái này, lưu ý cái kia, thích cái này, ghét cái nọ. Đấy.

Rồi từ đó mình sát sanh trộm cắp hoặc là bố thí, trì giới thì tất cả những thiện ác đó vô hình chung trở thành một trong bốn nguồn tạo nên hình hài vật chất sinh học của chúng ta cho kiếp sau, kiếp sau sinh ra thì cũng đi chùa hết, nhưng mà kiếp sau sinh ra thì có kẻ làm nam, kẻ làm nữ, mà nam là nam thẳng hay là nam cong, nữ chuẩn hay là nữ pha, đẹp xấu, cao thấp, mập ốm, trí thức hay thất học, nhà giàu hay nhà nghèo, trí nhanh hay trí chậm, giỏi hay là dốt, ở xứ sở nào trong cái cơ chế xã hội, cơ chế chính trị nào, giáo dục nào, dễ sợ.. dễ sợ.. nó khác toàn tập từ cơ chế sinh học, cấu trúc tâm lý, bản chất tâm lý, nền tảng tâm thức rồi tâm tư tình
cảm, sở thích tâm trạng, những chọn lựa trong đời sống, hướng đi hoạch định, trù hoạch, không giống nhau, và trên hết một đời sống tâm lý mà nó gắn chặt với thế giới vật chất thì đương nhiên đương sự đó làm thiện làm ác gì đi nữa thì nó đều trở thành cái nền để dắt mình quay lại thế giới vật chất, cũng là con chó mà con chó xứ giàu hay xứ nghèo, con chó ở cái xứ ăn thịt chó hay là xứ không ăn thịt chó, cái xứ có đốt pháo hay là xứ không có đốt pháo, xứ mà con thú được kiểm soát, được chăm sóc hay là thú bị thả rong, chẳng hạn như hôm nay mình về Ấn Độ, mình về Nam Mỹ thì cái lượng chó rong nó nhiều coi như thành quốc nạn, có những xứ mình thấy Việt Nam, Nam Hàn mình đốt đuốc tìm con chó thả rong cũng là thiên tài, tìm được là thiên tài, ló con nào nó làm thịt con đó làm gì có vụ chó thả rong, chỉ cần nói mấy ông xì ke của tôi thôi, nói mấy ông bây giờ một ngày mình cần 200 kg thịt chó là tôi hứa với các vị trong vòng ba nốt nhạc nguyên một quê hương dấu yêu hình chữ S chúng ta đừng hòng mà có con chó, đúng ba nốt nhạc. Cũng là làm chó nhưng mà chó ở xứ nào ? cũng làm heo, làm bò, làm cá, làm tép, làm chim muôn súc vật, bò bay, mái cựa, làm nam làm nữ, nhưng mà ở mỗi nơi mỗi khác.

Và cái này mới quan trọng, một đời sống mà nó càng gắn liền vật chất thì nó biến cho tâm thức của mình trở nên nặng nề. Vì sao vậy ? Vì theo trong Kinh nói thế giới vật chất của súc vật nó nặng cả đời chỉ biết 100% vật chất. Con người thì có thể 30, 50, 70% vật chất nhưng mà lên đến các cõi Dục Thiên thì vật chất của họ nhẹ lắm.
Ví dụ như trên Chư Thiên, Dục Thiên cũng Chư Thiên nhưng mà hưởng dục, họ không có khái niệm gọi là kiếm tìm, tích trữ, bảo quản, chế biến vật chất. No. Chư Thiên có muốn bèn có.. muốn bèn có, thức ăn ở trong miệng họ muốn ăn cái gì đó theo chủng tử tập quán của nhân loại, họ muốn ăn cái gì đó thì cái đó tự nhiên có, họ đang ăn họ muốn nó ngọt hơn chút thì tự nó ngọt trong miệng của họ, họ muốn chua chút, mặn chút, chát chút, đắng chút, thì nó bèn chua, ngọt, mặn, đắng, chát, trong miệng của họ, trên đó không nói về nhu cầu vật chất ăn mặc ở không cần phải kiếm tìm, bảo quản, chế biến, cái đó không cần. Nhẹ lắm, nó nhẹ lắm. Và lên nữa là các Phạm Thiên đời sống vật chất càng gọn nhẹ, chỉ có mắt với tay thôi, còn ngoài ra họ không có nhu cầu mùi vị, êm ái, lụa là, chăn đệm.. No..No.. không cần, Phạm Thiên không cần. Chư Thiên Dục Thiên thì còn, cho nên còn chuyện nữa, chính vì Minh Sư, Thiện Hữu, Thầy bạn mình gặp, Trú xứ mình ở, và đời sống tâm linh thường ngày thường giờ của mình, chính những cái đó tác động cho mình có gắn liền, gắn bó và thiết tha với vật chất hay không, và hễ còn gắn bó thiết tha vật chất thì đời sống tinh thần mình bị chia trí, bị phân tâm rất là nhiều, đó là lý do tại sao Luật Phật dạy Vị Tỳ Kheo bằng mọi cách như có thể, tiết giảm tối đa nhu cầu vật chất, tiết giảm tối đa là vì sao ? là vì Phật thấy rất rõ hể mình càng chia trí, càng nặng lòng, càng phân tâm cho đời sống vật chất thì mình sẽ mất nhiều thời gian và công sức của cái lẽ ra phải dành cho đời sống tâm linh. Nhớ nha.

Nhưng mà nói vậy sở dĩ Chư Hiền Thánh phải ra đời ở cõi người là vì sao ? Là vì Chư Phật mà không ở cõi người làm sao mà có thể tiếp cận với chúng sinh để mà hoằng hóa một cách tự tại được, bắt buộc các Ngài theo nguyên tắc vũ trụ ba đời mười phương thì một vị Phật phải ra đời trong hình hài của nhân loại có đủ 5 Uẩn, nhưng mình cũng phải hiểu ngầm có để làm việc thôi chứ người ta mang cái thân này có mấy bữa là người ta đi tu mất tiêu rồi, như Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni có 29 năm, mà trong 29 năm đó Ngài có điều kiện cỡ nào Ngài cũng đâu có hưởng dục như ông hoàng tào lao của mình, đến lúc 29 rồi chỉ cần nhìn thấy một người bệnh, một xác chết, một cụ già là người ta bèn bỏ nhà đi ngay thời điểm, đỉnh điểm vàng son chói lọi, rực rỡ, lóng lánh, lung linh, lấp lánh của kiếp người. Ông Hoàng 29 tuổi, bà vợ trẻ măn bằng tuổi Ngài mà ngay cái đêm trong cung của Ngài tiệc tùng để đón mừng thành viên đầu tiên cực quý của hoàng gia đó là một vị Hoàng Tử đẹp như thiên thần chỉ thiếu cái cánh thôi, Rāhula đẹp từ lúc lọt lòng như một thiên thần không cánh, đẹp cực đẹp, một bà vợ hoàn hảo đến mức không thể hoàn hảo hơn, và Ngài bản thân 29 tuổi cơ bắp sáu múi hoàn chỉnh luôn, rồi thì sao ? bỏ hết đi, người ta chỉ mượn tạm để người ta làm việc thôi, phải không ? cho nên vật chất mình học về Sắc Pháp để làm cái gì ?
- Một là mình hiểu rằng một nửa cái gọi là hiện hữu của mình nó là sự cộng hưởng, sự lắp ráp, sự ghép nối, sự cộng sinh, sự cộng hưởng, sự cộng tác, của vô số thành tố.
- Thứ hai cái gọi là vật chất nó đến được từ nhiều nguồn chứ không phải chỉ một nguồn để đừng có sống cực đoan, cứ nghĩ mình có tiền ăn rồi thấy kì kì là đi kiếm bác sĩ mà mình quên rằng ở nhà mình ăn uống kiểu gì ? đời sống tâm linh mình thường là tiêu hay tích cực, rồi điều kiện thiên nhiên mà mình sống mỗi ngày nó ra sao ? và cuối cùng là tiền nghiệp, thôi thì tiền nghiệp mình chịu thua, nghiệp cho nhiêu thì mình chịu nhiêu mình đâu có truy được, đúng không ? mà ngay cả Đức Phật dù Ngài biết cũng đâu có can thiệp tiền nghiệp của Ngài và người khác được, như vậy thì còn lại ba cái sau, đó là đời sống tâm lý, môi trường thiên nhiên và nguồn dưỡng tố mình nạp vào mỗi ngày thì mình coi trong đời sống cái gì mình can thiệp được, ví dụ như mình thấy Nhân với Quả, cái Quả là gần như mình chỉ can thiệp được mấy chục phần trăm, nhưng Nhân mình can thiệp được. Ví dụ như thiện hay ác mình can thiệp được, thái độ, tâm lý của mình trước 6 Trần mình có thể can thiệp được, còn Trần nào mà nó đổ ập đến mình thì cái đó chỉ có mấy chục phần trăm. Ví dụ như mình đâu có muốn người ta chửi mình mà tự nhiên trên trời nó rớt xuống nguyên một lực lượng đông như kiến tràn tới chửi mình thì đó là Nghiệp. Nhưng cái này mình can thiệp được nè, thái độ tâm lý mình có thể can thiệp được. Nhớ nha.
Phật tử nhớ cái này :
- Có những cái mình can thiệp được có những cái mình không can thiệp được, là một.
- Có những cái mình nên can thiệp và không nên can thiệp. Nhớ nha, cái này quan trọng lắm nha.
Nhớ giùm bốn cái này nha, cái này chắc phải vạch áo XÂM nè, sẽ XÂM chỗ này nha :
● Có những cái mình can thiệp được và có những cái mình không can thiệp được.
● Có cái mình nên can thiệp và có cái mình không nên can thiệp.
Nên can thiệp là cái gì ?
Nghiệp gì của mình thì mình can thiệp, còn việc gì của người và của tạm gọi của Trời mình không can thiệp, chữ Trời nghĩa là cái gì nó quá sức con người mình gọi là của Trời, tôi là một người Tu Sĩ Nam Truyền dĩ nhiên phải biết chữ Trời không phải là Chúa Trời hay là Thượng Đế hay là một Đấng Ngọc hoàng Thượng đế, một đấng sáng tạo muôn loài, chữ Trời đây có nghĩa là cái gì mà nó ngoài mình, ngoài mấy người chung quanh mình tôi gọi là Trời.
Ví dụ như cái gì thuộc về thiên nhiên, cái gì thuộc về tiền nghiệp tôi gọi là Trời.
Ví dụ như bây giờ chuyện của người ta cần mình giúp thì mình giúp nhưng đừng có can thiệp sâu vì đó là việc của người.
- Thứ hai mình chỉ có thể trồng cây, trồng hoa, quét rác. Đúng, chứ mình đâu có thể nào thay đổi trời đất thiên nhiên cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cái đó thích thì làm, không thích thôi, nhưng mấy đó là chuyện của trời, phải không ? nó quá tầm mình, như vậy thì cuối cùng chỉ còn tập trung chuyện của mình thôi có thể can thiệp chuyện mình, nhưng mà chuyện của mình can thiệp cái gì ? can thiệp cái gì mà nó trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của mình. Ví dụ như bệnh là phải can thiệp, tinh thần của mình lúc này sa sút, đổ đốn, xuống dốc phải can thiệp, nhưng mà ví dụ đẹp xấu, nhu cầu vật chất, muốn cho cái nhà đẹp hơn, cái xe đẹp hơn, mắc tiền hơn, thì tôi nghĩ rằng, tôi nói lại lần nữa, tùy duyên nha, tùy duyên nhưng mà nếu trong quan điểm tu học rốt ráo của một người phật tử không cần phải can thiệp, kệ, Tùy duyên. Can thiệp đây có nghĩa là mình có bận lòng, có ra tay, có ra sức để làm một tí động thái nào đó, quan trọng nhất là mình nên nhớ câu thần chú này :
● Có những thứ ta can thiệp được và có những thứ không can thiệp được.
● Trong số những thứ can thiệp được thì có cái ta cần phải can thiệp và có những cái không cần thiết phải can thiệp.
Ví dụ như bẩm sinh tôi là người không có ngoại hình, xấu đó là tiền nghiệp, thì tôi cũng nghĩ riêng tôi nè không cần thết bận tâm, tôi can thiệp cái khác đó là tôi ăn uống, chế độ ăn uống của tôi phải Ok, đời sống tâm lý của tôi mỗi ngày phải ra sao, cái đó rất là quan trọng, cái đó quan trọng lắm nha. Cái đó quan trọng lắm, và đời sống tâm lý này nó gồm có hai nguồn :
- Một là vận động tự thân.
Tức là khả năng tư duy trầm tư của riêng tôi.
- Thứ hai là khả năng giao tiếp, giao tiếp với ai ? cách gì ? kiểu nào ? với ai và kiểu gì quan trọng lắm nha, mình đừng có nghĩ về Miến Điện gặp các vị Chân Tăng, Cao Tăng, Chân tu, Cao Tăng, Danh Tăng là đủ. No, mình gặp họ rồi nhưng mình đến gần họ mình có làm cái gì lợi lạc hay không ? mình có học hỏi, mình có lắng nghe, mình có hành trì theo sự hướng dẫn của họ hay không ? chứ còn mình đi về quốc giáo là mình đắc đạo hết, chứng thánh hết. No. Không có. Cho nên trong bốn thứ mình cứ nhớ thân xác hình hài này, đời sống vật chất này, đời sống sinh học này, được cấu tạo bởi từ bốn nguồn :
1️⃣ Tiền Nghiệp.
2️⃣ Đời sống tâm lý.
3️⃣ Môi trường thiên nhiên.
4️⃣ Nguồn dưỡng tố tiếp nạp mỗi ngày.
Mình coi trong bốn đó, cái nào mình can thiệp được và cái nào cần can thiệp, cái không can thiệp thì đừng nhắc tới, còn cái can thiệp được thì mình lại chia làm hai nhánh :
● Cần và không cần can thiệp.
Tôi nhắc lại lần nữa BUÔNG bớt được chừng nào thì đôi vai của kẻ luân hồi càng nhẹ chừng nấy, nhờ vậy có thể đi xa và lên cao. Nhớ.

Bữa nay tôi chốt lại từ tinh thần đến vật chất buông bớt gánh nặng chừng nào thì chúng ta càng nhẹ nhàng, rảnh tay và nhẹ vai để chi ? để có thể đi xa và lên cao.
Mình thấy tỷ lệ lông và thịt của một con chim và con vịt, tỷ lệ như thế nào mà nó bay được và tỉ lệ nào không bay được, nhớ không ?
Đó là lên cao, muốn bay cao là phải nhẹ ở mức độ nào, phải có một kí lô hợp lý như thế nào.
Đi xa là sao ?
Hành trình với hành trang tuyệt đối gắn liền với nhau.
Hành trang, hành trình.
Hành trình, hành trang.
Mình đi đâu cầm theo đúng cái gì thôi, đó là hành trang, hành trang hành trình hợp lý, còn hành trang hành trình không hợp lý thì đi xa không được. Nhớ nha.
Nhớ cái đó rất quan trọng.
Tôi mở mắt tôi coi, bây giờ, còn 20' nữa, tôi nhắc lại mình học về Sắc Pháp nói riêng, học về A Tỳ Đàm nói chung.
A Tỳ Đàm nói chung không phải là những bài vở để chúng ta khư khư ôm chặt vào đó, cho rằng đây là những công thức nguyên tắc bất di bất dịch, đời đời như vậy. No, học để biết và từ cái nền tảng biết này chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn tham khảo khác.
Nhớ nha.
Ví dụ như phiền não, mình học A Tỳ Đàm mới biết phiền não có lúc kể một, có lúc hai, kể ba, kể năm, kể tám, kể mười gì đó.. Biết. Nhưng mà tại sao có lúc kể ba ? tại sao có lúc kể năm ? tại sao có lúc kể sáu ? tại sao có lúc kể mười ? Tại sao vậy ? Phải học, học để biết, chỉ cần mình hiểu tại sao thôi.
Tại sao có lúc phiền não kể Tham và Ưu.
Trong Kinh Niệm Xứ chỉ kể Tham và Ưu thôi, rồi trong Trường Bộ Đại Bát Niết Bàn Ngài chỉ kể có một chữ là chữ dễ ngươi thôi là đủ rồi.
- Coi thường điều thiện nhỏ không làm, coi thường điều ác nhỏ rồi làm.
- Thứ ba là không trân quý thời gian của một kiếp người, không trân quý thời gian mà mình có thể tu tập.
Gom ba này lại là dễ duôi.
Mà dòng luân hồi mình đó
là chỉ một chữ .... đó là đủ rồi, dễ duôi là đủ.
- Nhưng có lúc kể thành hai đó là Tham và Ưu, đam mê và bất mãn,
- Có lúc phiền não kể ba là tam độc Tham, Sân, Si,
- Có lúc phiền não kể bốn là Tứ Thủ, Tứ Bộc, Tứ Phối, Tứ Phược, Tứ Lậu,
- Có lúc phiền não kể là năm đó là năm Triền Cái,
- Có lúc kể sáu là sáu Triền Cái, hoặc là phiền não thông qua sáu Trần,
- Có lúc phiền não kể bảy là bảy Tiềm Miên,
- Có lúc phiền não kể tám là Bát điên đảo,
- Có lúc phiền não kể mười là mười Kiết Sử.
....V.v.... nhiều lắm, nhưng mà tại sao có lúc kể như vậy, lúc kể khác. Nhớ nha, những cái tôi nói bà con, mới vừa nói, là nó hoàn toàn ở trong cuốn A Tỳ Đàm của chúng tôi. Nha, chứ không phải chúng tôi nói chuyện trên mây, các vị dò dò trong đó các vị tìm nha.
Các vị nghe tôi chỉ cách nè, nghe tôi đá động tới 37 Bồ Đề Phần, ví dụ như Chánh Cần, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, thì các vị vô trong mục lục các vị thấy mục gọi là Bồ Đề Phần, chúng tôi nói cái gì mà liên quan tới chữ Phiền Não thì các vị vô trong phần Bất Thiện Tập Yếu, còn các vị nghe cái gì mà liên hệ đến là Tâm Lý Học Phật Giáo, Lộ Tâm Lộ Sắc thì các vị vào trong chỗ Lộ Tâm Lộ Sắc các vị đọc, cái chỗ nào mà nghe tôi nói về Người Các Hạng Chúng Sinh và Các Cảnh Giới Tái Sinh các vị vào trong chỗ Người Và Cõi để đọc nha. Tôi chỉ cho cái cách vậy, vì cái lớp này là lớp dành cho đại chúng gồm đủ thành phần, đủ trình độ, đủ nhu cầu hết, thì bắt buộc chúng tôi chỉ hướng dẫn bằng cách tổng quát thôi, chứ còn vô sâu, vô chi tiết thì tôi có nghe phản hồi từ không ít bà con họ cảm kích ở chỗ chúng tôi nói tổng quát để họ nắm, họ nói rằng ai có nhu cầu chi ly thì về chong ngọn đèn khuya mày mò, mò mẫm, còn có nhiều người họ chỉ cần có một khái niệm tổng quát để tự họ đi tìm, hoặc là họ lấy cái bỏ túi đi tu thiền. Nha. Chứ còn dạy cho đại chúng thì không thể chi ly, còn bà con muốn chi ly thì ít bữa nữa đây, ít bữa tôi về Kalama chi ly hoặc tháng sáu này nè, tháng sáu bà con qua Thụy Sĩ là chi ly.
Hoặc là mong nếu không có chướng duyên, địch phá tan như mặt, nếu mà đừng có chuyện địch phá tan như mặt thì lâu lâu chúng tôi về Việt Nam, chúng tôi thiết tha mong là có một lớp chuyên sâu, không có nhiều đâu, tháng thôi, ở một đạo tràng cực kỳ dễ thương, nghèo như mọi cũng được nhưng mà cực kỳ dễ thương, là sao ? mát mẻ cách biệt, độc lập đơn lập, đặc biệt là phải mát, tôi là phải mát chứ còn không mát là tôi chịu thua, ăn nước suối rau rừng cũng được nhưng mà phải mát, phải xa cách dân gian, có nghĩa là đã vào trong đó rồi là thành phần bèo dạt mây trôi không có tấp vào được.
Ví dụ như kỳ rồi tôi về ở ngoài Hải Phòng có một đạo tràng dễ thương lắm, có một căn nhà không người nằm ở một mép sông dễ thương lắm, xung quanh là mấy giống cây thủy sinh giống như mắm nước của mình ở trong Nam, dễ thương lắm, Hải Phòng rồi Hà Nam, Hà Nam chúng tôi cũng có được hai chỗ, chùa thôi nhưng đặc biệt Tam Chúc mình có thể thuê chỗ đó, mình ở đó mà tổ chức lớp học là chuẩn. Rồi ở Bà Rịa, Vũng Tàu có một đạo tràng đẹp lắm, không phải đẹp theo nghĩa đời, không phải đẹp là sang trọng, tiện nghi, No.. no.. không phải. Đẹp là vị thế nó nằm trên đồi rồi ngó ra nước, rồi có cái gì đó biết rừng hay là vườn, nhưng mà giống giống nửa rừng nửa vườn dễ thương lắm, nằm trên đồi cao lộng gió mà nhà thì cũng lá tre thôi, dễ thương lắm, thì mong rằng chúng ta có được những nơi chốn lâu lâu chúng tôi về lén, xài chữ lén, lén, lén.. về đó làm tháng, thì đó những người có nhu cầu đặc biệt mà đã vào đó rồi là coi như không có đi ra, vào là không có ra ở trong suốt thôi. Thì chúng tôi thiết ra mong mỏi rằng lớp này nè là lớp phổ quát, phổ cập, cho tất cả mọi trình độ, mọi nhu cầu, còn những nhu cầu chuyên biệt, những trường hợp cá biệt thì chúng ta phải có một buổi họp mặt cá biệt, còn tại sao mà dạy intensive lớp chuyên sâu mà chúng tôi bây giờ khép lại không có dạy nữa là bởi vì bây giờ bị hai lớp là lớp đại chúng, lớp chủ nhật, lớp ba, năm, ngán quá không có muốn thêm nữa, bà con nào muốn chuyên sâu thì như tôi vừa nói đó mình hẹn nhau, hẹn nhau một tháng ở đâu đó, sống chết với nhau một tháng, có nghĩa là rau rừng nước suối một tháng trời ròng rã, cách biệt dân gian và tôi quay lại bài giảng sáng nay chúng ta học về Sắc Pháp tức là học về cái gọi là thế giới Vật Chất để
thấy rằng toàn bộ cái gọi là Vật Chất bên trong ta hay là ngoài ta, trong ngôi nhà này hay là cái xóm làng này, đất nước này, hành tinh này, vũ
trụ này, và nói theo trong Kinh là 11 phạm trù tất cả những gì thuộc về Vật Chất xa gần, trong ngoài, thô tế, thắng liệt, có nghĩa là xịn và dỏm, những vật chất quá khứ, hiện tại, vị lai tất cả là 11 Phạm Trù.
Đã gọi là Vật Chất thì dầu xa gần, xưa nay, trong ngoài, đẹp xấu, thô và tế, rồi sao nữa ? tất thảy đều là do Duyên mà có, có rồi phải mất đi, có một điều là vì sao có những cảnh giới có những chủng loại chúng sinh mà đời sống gắn liền với vật chất và có những chúng sinh, có những
chủng loại hữu tình, có những cảnh giới mà nó không có gắn liền với vật chất là vì sao ? là vì khuynh hướng, tiền nghiệp tâm lý của chúng sinh trong nhiều đời trước họ đã sống ở đâu ? gặp ai ? sống ở đâu và thường gặp ai ? khuynh hướng tâm lý thế nào ? cho nên đời này sinh ra trong một cảnh giới gắn liền với vật chất, đời sống của họ đầy ắp những nhu cầu vật chất và không có nhiều lắm
cái gọi là thời gian, cái gọi là gọi là sự rảnh rỗi của tâm tư, cho nhu cầu tâm linh. Nhớ nha.

Trong Kinh nói những vị Đại Thánh từ Đức Phật, chư Phật Tổ nói chung, các vị Độc Giác, các vị Đại Đệ Tử như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp, trong thuở còn phàm phu giai đoạn tiền đắc đạo, cận đắc đạo, các vị đó cứ sanh ra đời là đảo mắt cái là vọt vô rừng tu, sanh ra đời đảo mắt nhìn quanh bốn phía là vọt vô rừng tu hết, bởi vì các vị không có nhu cầu về hôn nhân, về tình cảm, về vật chất, về quyền lực, về chức vụ, về nhan sắc, về hưởng thụ. No.. no.. no... những vị mà đã đến giai đoạn gọi là cận kề bến bờ Giác ngộ Giải thoát thì họ không có nhu cầu đó. Nhớ.
Mình học về Sắc Pháp để mình thấy nó là một lựa chọn tồi trong hành trình sanh tử, một lựa chọn tồi, chúng sanh bậc thấp thì họ đam mê cả vật chất và một mãng tinh thần, chúng sanh khá hơn một chút thì chán hẳn vật chất chỉ còn tập trung vào đời sống tinh thần, chúng sinh cao cấp nhất là thấy ra sự vô nghĩa, vô vị, vô ích, vô dụng, của cái gọi là hiện hữu dù là hiện hữu trong bất cứ một hình thức nào của tinh thần hay vật chất đều là không cần thiết, và đương nhiên là trong thời buổi hiện tại khi mà tôi đem cái khái niệm này ra tôi trình bài thì bà con chịu không nổi, tại vì bà con thấy thế giới này nó dễ thương quá mà, nhân loại đang từng ngày văn minh dần đúng không ? nhưng mà họ quên rằng đó là mình thấy dầu có về trời sướng gấp tỷ lần kiếp người, sống lâu bao nhiêu triệu năm đi nữa thì chung cuộc cuối cùng kết thúc nó đi về đâu, là sự hòa tan và hư không, hễ Duyên còn thì tiếp tục đi nữa, đi nữa, cứ nó tan ở đây cái nó phình ra chỗ khác, nó xuất hiện chỗ khác, cứ như vậy đó làm nên một dòng chảy miên viễn bất tuyệt từ đời này sang đời khác để nó làm nên cái dòng luân hồi mà sửa mẹ mình bú nhiều hơn nước biển, nước mắt và máu mình đổ ra nó nhiều hơn nước trong bốn biển, đại khái là như vậy, đó là chọn lựa tồi trong Sắc Pháp.

Cho nên những chúng sinh mà thượng thừa, thượng căn là họ chán, kẹt quá, lỡ trót mang thân người Mẹ cho thì mình nhận, Mẹ cho hình hài này thì mình nhận lấy nó, nhưng mà khi có đủ nhận thức rồi thì chỉ chuyên tâm vào đời sống tinh thần, vật chất đó lúc bây giờ nó chỉ là cái gì đó không tránh được thì phải nhận lấy, không bỏ lơ được thì bèn phải chăm sóc và can thiệp ở mức độ cần và đủ. Nhớ nha, và kể từ hôm nay mình nhớ lấy mấy chuyện sau đây :
● Cái gọi là Vật Chất trong và ngoài chúng sinh là do các điều kiện tạo nên.
● Những thứ đó đều do Duyên tụ mà có, Duyên tán mà mất.
Hãy nên nhớ rằng những vấn đề thuộc về vật chất ngay trong đời sống này không phải lúc nào chúng ta cũng có thể can thiệp theo một cách bằng một giải pháp. No. Có lúc nó là vấn đề của Nghiệp, có lúc đó là vấn đề tâm lý, có lúc nó là vấn đề của thiên nhiên, có lúc nó là vấn đề đơn giản từ cái nguồn dưỡng tố mình nạp vào mỗi ngày, anh nói cho tôi biết anh chơi với ai, anh ăn cái gì, anh sống ở đâu và cái đầu anh thường nghĩ nhiều về cái gì, anh nói thiệt, đừng nói dóc thì tôi nghĩ rằng tôi đã đoán ra được phần nào đời sống tâm sinh lý của anh. Yeah. Anh chỉ cần cho tôi biết mấy chuyện thôi. Anh sống ở đâu ? Xứ nóng xứ lạnh ? Xứ giàu xứ nghèo ? Có dân
trí hay là dân trí kém ? Anh thường gặp ai ? Anh ăn uống thế nào ? Chỗ ở của anh ra sao ? Gửi cho tôi hình, cái đầu anh thường nghĩ về cái gì ? Anh ghét cái gì ? Anh thích cái gì ? Anh bận tâm cái gì ? Anh quan tâm cái gì ? Anh lơ là hờ hững cái gì ? Anh cho tôi xin một trang giấy học sinh thôi tôi chỉ liếc tới liếc lui, tôi đoán ra đại khái anh ra sao, đó là tổng thể con người của anh, còn nếu mà một bác sĩ thứ thiệt thì chỉ cần họ tí đàm, tí phân, tí nước bọt, tí máu, mỗi thứ chút, chút, chút, rồi họ lấy thân nhệt đo anh sơ sơ là họ đoán ra bị cái gì, bởi vì cái gọi là hình hài này dầu tâm lý hay vật lý thì nó đến từ các nguồn, và giải pháp để giải quyết các vấn đề của nó cũng phải được linh động và dàn trải ra một cách khách quan, chúng ta không thể phiến diện một chiều, một lề, để giải quyết vấn đề của thế giới, dầu đó là vấn đề của một cái răng, của một ngón tay, của một sợi tóc, tại sao tóc rụng hoài mình không thể nào vào chùa nhờ Tăng Ni tụng kinh. No, cái đó có thể là tiền nghiệp, cái đó có thể là tâm lý, tâm sầu thì bạch phát, buồn quá tóc trắng, cũng có thể là do nguồn nước chỗ đó, nguồn nước gội đầu nó có làm cho tóc rụng.
Ví dụ như những người quen của chúng tôi họ nói, tôi đâu có tóc tôi biết, họ nói rằng nguồn nước, có những chỗ mình gội xong tóc mình khô giòn, rờ nó không đã, nhưng nguồn nước mà ok gội xong tóc mình, thí dụ như cách đây mấy năm có một nhóm người quen của chúng tôi đi qua Na Uy Bắc Âu đi chơi mấy hôm về Thuy Sĩ gặp tôi họ nói bên đó nguồn nước sạch đến mức bên đó nước suối đóng chai nó ế chỏng gọng, người ta uống trực tiếp từ vòi nước máy, chưa hết họ nói gội đầu bên đó gội xong không cần Sampo, không cần bồ kết, không cần sự can thiệp hóa chất của dầu gội, chỉ gội bằng nước của nó, họ nói tóc họ mịn, láng đã lắm, chỉ riêng chuyện gội đầu thôi, và các vị biết tôi ở bên Thụy Sĩ tôi có hai Trú Xứ, một cái trên núi và cái dưới phố, mà về phố các vị biết nước uống của tôi phải lọc, tôi có cái bình lọc bằng than hoạt tính, trong khi đó tôi về núi nước trên đó tôi có thể uống trực tiếp được, nó không có chất vôi, trong khi ở dưới phố mình lấy nước máy trực tiếp không lọc đem nấu một tuần mình nhìn đáy ấm nó đóng cho một lớp dầy cui, nhìn nổi ốc mình nói trời ơi cái này mà nó chuyển thắng vô thận coi như mình là trụ sở, công ty, đại lý, là cung cấp vật tư xây dựng lượng vôi lượng đá mà chết, gớm như vậy. Cho nên Trú Xứ của mình, bạn bè của mình, thức ăn thức uống, môi trường thiên nhiên mà mình sống mỗi ngày và đời sống tâm lý của mình, cuối cùng là Tiền Nghiệp, thì đây là những thứ mà nó làm nên cái gọi là đời sống tinh thần và vật chất của mình và đặc biệt trong bài học sáng nay tôi nhấn mạnh về cái gọi là SỰ HIỆN HỮU CỦA VẬT CHẤT và phải học như vậy đó mình mới tìm thấy mối tương quan giữa Khoa học và Phật học, còn nếu mà mình cứ học, tôi xin nói rõ nha, cái phần mà giảng sâu về Sắc Pháp sẵn giảng sâu giảng rộng, vốn dĩ đó là nó chỉ được nhấn mạnh ở kinh sách chú giải đời sau, chứ riêng Đức Phật lúc thưở sinh tiền Ngài nói gọn lắm, Ngài chỉ cho mình biết rằng nguồn gốc của thân và tâm này thì cũng từ Tiền Nghiệp đời trước và Môi Trường hiện tại. Ví dụ như Ngài chỉ nói vắn tắt vậy thôi, trong Kinh kể có một một lần đó khi nói về một mối quan hệ của hai người Cư Sĩ thì Chư Tăng mới nói là :
- Bạch Thế Tôn thật là đặc biệt vi diệu khi họ trải qua bao nhiêu sóng gió mà họ vẫn giữ được nhau và như lời Thế Tôn vừa kể trong một câu chuyện tiền thân thì đúng là họ đã nhiều đời nhiều kiếp họ đến với nhau, thì chuyện đó cũng là chuyện lạ, thì Đức Phật Ngài dạy rằng tất cả mọi thứ ở đời này nó giống như một hoa sen, hoa súng trên nước vậy đó, nhờ nước, nhờ sình, nhờ bùn, mà nó phát triển một phần và một phần còn lại là nó nhờ nắng gió mưa sương bên trên mặt nước. Một nữa đó là nắng gió mưa sương bên trên mặt nước và một nữa đó là nước, là bùn, là sình, là cặn cáo, là phù sa trong nước. Cũng vậy đó, tất cả mọi sự ở đời này nó từ nhiều nguồn lắm chứ không phải chỉ một nguồn, rồi Ngài mới nói chẳng hạn như tình cảm của cặp Cư Sĩ mà Ngài vừa kể nó giống như vậy đó, tức là nó có :
- Tâm ý tương thông.
- Hạnh nghiệp phải tương đồng, tâm ý tương thông là khuynh hướng tâm lý nó phải giống nhau, cái đó là tâm lý tương thông, nhưng hạnh nghiệp tương đồng là nó phải có Tứ đồng.
Tứ đồng là gì ?
Nói về thiện đi, nói về thiện trước, tứ đồng là gì ? là Chánh tín, Giới hạnh, Bố thí, và Trí tuệ. Chánh tín, Bố thí, Trí tuệ, Niềm tin, bốn cái này nó phải tương đồng nhau.
- Niềm tin Chánh tín Chánh tín hết, cuồng tín cuồng tín hết.
Nếu mà Chánh tín.
Rồi cái gì nữa ? phải bố thí. Một đứa giàu một đứa thích bố thí, đứa không bố thí, kiếp sau sanh ra đứa làm tiểu thơ đứa làm thằng giữ ngựa, rồi sao kết được mà kết, mình thấy nội như là Romeo và Juliet là mình đã thấy rối rối rồi, chỉ trục trặc gia tộc là mình đã thấy đến nhau không được, còn cái này kiểu như Trương Chi với Mỵ Nương là các vị thấy khó lắm, nó phải môn đăng hộ đối, đẳng cấp nó mới đến với nhau dễ chứ, phải không ? Giới hạnh, không có Giới thì đẳng cấp xã hội, đẳng cấp tái sinh, đẳng cấp chủng loại nó khác, đứa thì làm người đứa làm thú sao được, hoặc là đứa quan quyền đứa bình dân cũng khó, cho nên Giới nó quan trọng lắm.
Bố thí, Trì giới, Niềm tin.
Bố thí, Trì giới rồi cái cuối cùng là Trí Tuệ tức là phải có khả năng cùng nhìn về một hướng, thấy sống là phải có trách nhiệm với mình với người, thấy sống là phải tránh ác hành thiện, đó là Trí Tuệ tối thiểu.
Trí Tuệ rốt ráo là gì ?
Thấy rằng mọi thứ do Duyên mà có, có rồi phải mất. Đó là rốt ráo, còn tối thiểu là phải biết chuyện gì nên làm và chuyện gì nên tránh, phải gọi là TÂM LÝ TƯƠNG THÔNG, HẠNH NGHIỆP TƯƠNG ĐỒNG thì mới gặp được nhau, cái đó rõ ràng mình thấy là nó do cái gì ? Do điều kiện xưa và điều kiện nay, hiện tại cũng phải trong một môi trường đặc biệt nào đó mới gặp nhau được, cộng hết lại Sắc Pháp và Tâm Pháp của chúng sanh y chang như vậy đó. Tức là đời sống của mình có cái là do tiền nghiệp, nhưng mà có cái nó phải được sự can thiệp ngay từ điều kiện hiện tại chung quanh, và hiểu được như vậy thì mình mới thấy ra nhiều điều hay lắm.
1/ Mỗi thứ là đồ lắp ráp.
2/ Mỗi thứ do Duyên mà có.
3/ Mình sẽ thấy rằng ở đời này không có cái gì là nhỏ, vì sao ? vì mọi thứ nó có thể là Duyên khởi, là điểm bắt đầu cho vô số, sự cố, sự kiện, từ đời sống tinh thần tới vật chất, đã nói Sắc Pháp vật chất có bốn nguồn mà đúng không ? Cho nên mình phước báo nhiều bằng trời mà mình ăn tầm bậy là banh xác, ví dụ như rau luộc, canh rau để qua đêm tiếc quất, Bệnh. Nước cốt dừa dầu mỡ để qua đêm bệnh, ăn dư bỏ, không thể để lại, bây giờ 8 bằng Tiến sĩ, nói được 15 thứ tiếng, gia thế ngất trời, tài sản như núi mà ăn bậy một phát là kết thúc. Phải không ? Cái gì cũng Number one chỉ cái tật ăn đồ ẩu thì ăn bậy thôi rồi xong. Nhớ nha.
Bây giờ các vị cái gì cũng số một hết nhưng mà đời sống tâm lý tệ quá, ăn rồi đầu óc xin lỗi nha, thấp kém, ăn là chỉ biết ghen tuông, hờn giận, hưởng thụ, mua sắm, bất biết nhu cầu nào thuộc về tâm lý, thuộc về tâm linh, tinh thần, đời sống nghèo nàn quá thì cái kẻ này khó lắm, đời sống kiểu nghèo nàn tâm linh kiểu đó không có vấn đề mới lạ.

Môi trường sống là môi trường thiên nhiên, mình sống ở chỗ nóng quá, lạnh quá, rậm rạp quá, côn trùng nhiều quá, ẩm ướt quá, hơi nước nhiều quá, bụi cát nhiều quá, cũng có phần nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và từ đó dẫn đến chất lượng của tâm linh, tinh thần. Cho nên mình học cái này mình thấy ra nhiều chuyện lắm, hiểu là thấy mọi thứ chỉ là một khối tổng hợp, thứ nhất, thứ hai cái gì cũng do vô số điều kiện tác động, chỉ cần trục trặc trong đó một tí thôi thì toàn khối tổng hợp đó lập tức có vấn đề, mà vấn đề lớn nhất của chúng ta là không biết vấn đề của mình nó nằm ở đâu, thế là chúng sanh chia ra nhiều nhóm, có đứa bệnh rồi là cứ chạy đi kiếm thầy bà cầu khẩn, có đứa chỉ tuyệt đối tin tưởng vào thầy thợ thuốc men, có đứa thì coi như tìm đến các thứ dược liệu trôi nổi trong dân gian trên mạng mua về uống tùm lum. Tới bữa nó đổ nợ ra thì cũng chết dịch.
Mình không thể đổ hết cho một nguồn mà mình phải nhớ rằng nó có tới bốn nguồn là ít. Nói tổng quát là bốn nguồn, phải không ?
- Tiền nghiệp.
- Chất lượng tâm lý.
- Chất lượng thiên nhiên, tình trạng thiên nhiên.
- Chất lượng của các nguồn dưỡng tố tiếp liệu từ bên ngoài đưa vào cơ thể qua các ngỏ thức ăn hay là thuốc men dạng lỏng, dạng bột, dạng khô, phải không ? Nhớ. Ok. Học để biết rồi để buông. Buông này có nghĩa là àh.. bữa nay vấn đề này, chỗ này nó như vầy ở chỗ khác nó khác, nhưng mà ít ra trong đầu mình có cái kiến thức mình biết rằng thì ra Phật Pháp có nói đến cái gọi là đời sống sinh học. Phật Pháp có nói đến cái gọi là kinh nghiệm kiến tạo một đời sống tâm linh. Có. Phật Pháp có nói, và Phật Pháp không chỉ đơn giản là những kỹ thuật Thiền Định khô khan chật hẹp như mình bị ai đó nhồi nhét, mà thật ra Phật Pháp dành cho mình một con đường mênh mông, mình có thể đá bóng và đánh Golf trên đó được chứ không phải là đi vừa khép nép, khép nép là No, đường đi mênh mông, vấn đề là con mắt mình nhìn có đủ xa và đôi chân mình có đủ khỏe để mà đi đường xa, để mà trèo cao để mà xuống dốc không thôi. Ok. Chúc các bạn ngày vui và hẹn lại nhau tuần sau.
Quên nữa, hôm nay là ngày 15 và ngày 20 chúng tôi có một lớp bên Kalama, trước đó chúng tôi phải về Thái cho nên e rằng buổi học tiếp theo khó mà thông báo được, khi nào được chúng tôi sẽ thông báo cho Ban Tổ Chức mong quý vị chờ đợi trong niềm hoan hỉ.
Chúc các vị một ngày vui và đầu năm Vạn Sự Cát Tường.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240215/GIÁO LÝ CĂN BẢN BUỔI 13 (15-2-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản