← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038]

Lớp Phật Pháp Căn Bản
20 - Thứ Năm, ngày 23/05/2024

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)
(Tử Du ghi chép phần chữ Pali)

✴️ THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ

Thưa đại chúng, chúng ta đang trải qua một mùa hè rất là nóng tại Việt Nam, và nó cũng sắp sửa kết thúc với những trận mưa, tôi gọi là những trận mưa vàng, những trận mưa cứu rỗi. [...] Có một cái phản ứng của người Việt Nam vào thời điểm này, mà ai nhìn vào cũng thấy hết, đó là nhà nhà, người người, tìm đủ cách để mà đối phó với cái nóng như thiêu, nóng như thiêu của mùa hè đặc biệt năm nay. Tôi bắt đầu bài giải bằng cách nói đôi điều, nói đôi lời về mùa hè Việt Nam là để xem như một phần dẫn nhập của nội dung bài giảng.
Nội dung này tôi cũng đã nhắc tới cách đây ít hôm, trong một bài giảng cho Phật tử Việt Nam, bây giờ phong trào mà tu tập Tuệ Quán đã được bắt đầu một cách rất ngoạn mục tại Việt Nam trong mấy năm qua. Rất nhiều bà con Việt Nam đã tìm sang Miến Điện để mà tu tập Tuệ Quán ở các thiền viện. Và chúng ta Phật tử Việt Nam cũng đã có mời thỉnh rất là nhiều vị danh tăng từ ở Miến Điện về Việt Nam, tổ chức rất là nhiều khóa tu do ngài Kim Triệu hướng dẫn cũng như do các vị thiền sư Miến Điện hướng dẫn, rất nhiều sách thiền bằng tiếng Việt cũng đã được biên soạn phiên dịch và phát hành tại Việt Nam. Tất cả những điều đó cho thấy rằng phong trào tu tập Tuệ Quán ở Việt Nam đã khởi sắc và có nhiều hứa hẹn. Có một điều mà tôi muốn nói rõ ở đây, đó là có thể cái mục đích, cái lý do tu tập Tuệ Quán ở mỗi bà con Việt Nam không giống nhau, có người hỏi họ thì họ cầu mục đích giải thoát, có người hỏi họ, họ sẽ nói là họ cần tìm một sự bình yên, sự an yên trong tâm hồn. Có người đến với pháp môn Tuệ Quán như là một cách thăm dò và tìm hiểu Phật Giáo Nam Truyền, Phật Giáo Pāḷi, và tựu chung lại, gom chung lại mà nói, thì nếu các vị tu đúng, nếu mà các vị tu đúng, bởi vì tôi không tin là tất cả mọi người đều tu đúng. Tôi không tin. Và tôi giả định là mọi người đều tu đúng, những người tu đúng sẽ đồng ý với nhau một điểm, đó là những người mà thường xuyên sống trong chánh niệm họ sẽ có được ít nhất là ba lợi ích.
Lợi ích thứ nhất là khi họ sống sâu lắng thì họ được an lạc hiện tiền, bớt đi cái gọi là chộn rộn, lăng xăng của nội tâm. Thì đương nhiên là nó an lạc rồi. Đó là lợi ích thứ nhất, là an lạc hiện tiền.
Điều thứ hai nữa đó là thông qua những giây phút chánh niệm họ mới có cơ hội thẩm thía những cái gì mà họ đã được nghe, đã được đọc lâu nay, về cái gọi là Nhân Quả và Tam Tướng. Tam Tướng có nghĩa là họ nhìn thấy qua công phu tu tập sự biến chuyển không ngừng, sự thay đổi sinh diệt không ngừng, liên tục của Danh và Sắc, tức là của Thân và Tâm. Cái thấy này rất là lợi ích. Bởi vì sao? Là bởi vì xưa giờ khi mà mình một thời gian dài, nhiều kiếp thì thôi khỏi nói, nói ngay kiếp này đi, một thời gian dài trải qua mấy chục năm trời, mình nhìn về thế giới từ góc độ tôi và của tôi, thì đây là lần đầu tiên chúng ta quan sát cuộc đời, quan sát con người, quan sát thế giới, quan sát vũ trụ, quan sát ngoại trần và nội trần như là một người khách lạ đứng bên bờ nước nhìn nước trôi trên đó có hoa và rác, cành khô củi mục, lần đầu tiên họ có cơ hội nhìn ngắm bản thân và thế giới nó vận hành theo cái cách đó. Cái nhận thức này rất là quan trọng, và đương nhiên mình không loại trừ lợi ích thứ ba. Đó là nếu mà một người có tín tâm sâu dày, miên mật, thì thông qua đời sống chánh niệm, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng mình có thể chứng đạo. Chí ít thì mình cũng có thể là gieo duyên giác ngộ cho đời sau. Và ngay trước mắt ít nhiều mình cũng hiểu được thế nào, phần nào, trong muôn một cái gọi là đời sống nội tâm thanh tịnh và an lạc của một bậc thánh, ở trong đời sống đó, đời sống của bậc thánh, các ngài nhìn ra cái bản chất Sóng và Hạt chớp nhoáng của thân tâm. Ngài thấy ra được cái tính Nhân Quả tương tục của thân tâm. Và dĩ nhiên ở các ngài thì khác, nhưng mà ở mình, cái mà các ngài thấy chỉ là từ cái thiện này sang cái thiện khác, từ cái lành này sang cái lành khác. Nhưng mà ở chúng ta đấy, chúng ta thấy từ cái niềm vui qua nỗi buồn, từ cái thiện qua cái ác, từ cái ác qua cái thiện, và như chúng tôi nói rất là nhiều lần, tốc độ biến diễn, biến chuyển, của tâm nó gồm có các trường hợp sau đây:
Là tốc độ từ tâm bất thiện này sang tâm bất thiện khác, từ cái tham qua cái giận, từ cái giận qua cái giận, từ cái tham qua cái tham, từ tham qua cái giận, từ cái giận qua cái tham. Đó là tốc độ một, thì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đây đều rất là tốt, nói một cách mỉa mai rất là tốt, có nghĩa là tốc độ mà từ phiền não này qua phiền não kia cái chuyện đó là chuyện bình thường. Tốc độ một đó là từ ác này qua ác kia. Nhưng mà tốc độ hai là từ ác mà chuyển qua thiện, thì cái này rất khó. Đang bực mình, đang hờn dỗi, đang bất mãn, đang căm ghét, mà chuyển qua tâm thiện, tâm lành, từ bi bao dung, rất là khó. Từ tâm bủn xỉn mà chuyển qua tâm hào sảng rất là khó. Đấy. Cho nên là mình chỉ có tu Niệm Xứ mình mới thấy ra được mấy cái tốc độ tâm này.
- Tốc độ một là từ cái ác này qua cái ác kia, từ cái xấu này qua xấu kia.
- Tốc độ hai, từ cái ác qua cái thiện.
Vậy ác có hai trường hợp: Từ ác qua ác và từ ác qua thiện, trường hợp thứ hai này rất khó, phải tu tập lâu ngày mới thấy và mới có thể khắc phục.
- Tốc độ ba là từ thiện qua thiện. Nghe thì đơn giản nhưng không phải dễ đâu, từ thiện qua thiện có nghĩa là chúng ta tiếp tục duy trì thời gian có mặt của tâm thiện một cách liên tục, rất là khó, thì trường hợp này gọi là tốc độ ba. Từ thiện qua thiện, thiện này qua thiện kia.
- Và tốc độ bốn là từ thiện qua ác. Tốc độ này lại cũng rất nhanh. Đấy. Mình nói chung là từ thiện qua ác, từ ác qua ác mình đi rất nhanh. Nhưng mà từ ác qua thiện, từ thiện qua ác thì rất hiếm hoi và rất chật vật. Là vì sao? Là vì cái khuynh hướng tâm lý của mình, với cái tác động của tập khí sinh tử, với thói quen truyền đời từ nhiều kiếp. Đấy. Từ ác qua thiện rất khó. Từ thiện qua thiện rất khó. Chỉ có từ thiện qua ác hoặc là từ ác qua ác thì rất nhanh. Và để nhìn thấy rồi khắc phục được những trường hợp đó thì chỉ có người tu tập Tuệ Quán.
Và tôi quay lại quay lại hình ảnh ẩn dụ của đầu buổi giảng. Đó là chúng ta đang vật lộn với một mùa hè phải nói là cực kỳ khốc liệt, nóng lắm, nóng kinh hoàng, mà trong cái nóng đó chúng ta phải liên tục nhanh nhạy và tranh thủ để mà đối phó một cách hiệu quả kịp thời đối với cái nóng. Tại sao vậy? Vì cái nóng đối với chúng ta nó là một vấn đề quá lớn. Ở đây cũng vậy. Nói là tu Phật, nói là tin Phật, nói là học Phật, tin Phật, học Phật, tu Phật, tin, học, và tu theo Phật. Nhưng mà mình tự hỏi lòng mình đi, cái mối bận tâm của mình đối với việc tu tập, tu Phật, học Phật, và tin phật, nó có là vấn đề cấp thiết như là cái chuyện mà mình đối phó với cái nóng hay không? Tự hỏi lòng mình đi. Tôi không có trả lời giùm được. Nha. Tự hỏi lòng mình đi? Cái chuyện mà mình gọi là tu tập, mình có coi cái chuyện tu học và tin. Tu Phật, học Phật và tin Phật. Mình có xem cái chuyện đó nó cấp thiết như là cái chuyện mình đối phó với cái nóng hay không? Nếu không thì đừng hòng giống ai hết. Đừng hòng. Nha. Nói cho vui vậy thôi, chứ không thể nào, không thể nào mà chúng ta để Phật Pháp gọi là ngự trị nội tâm mình giống như là cái nóng mà nó đang chiếm lĩnh cảm xúc và tâm trạng của chúng ta. Trong suốt mùa hè này chúng ta phải thấy cái đó. Các vị có còn nhớ một câu chuyện ngắn mà chúng tôi kể ở trên Facebook, là có anh mà coi như là nhân viên trong khu bảo trì ở Kenya Nam Phi, ảnh nói rằng, hiếm khi mà con sư tử nó đuổi kịp con nai. Bởi vì con sư tử nó chỉ đuổi rượt con nai để mà kiếm miếng ăn. Trong khi con nai phải bằng mọi giá nó chạy bán mạng để giữ lại mạng sống. Thì một bên là đi tìm miếng ăn, một bên là để giữ lại mạng sống. Thì mình thấy con nai có quá nhiều lý do để mà nó chạy. Trong khi con sư tử nó chỉ có một lý do thôi, kiếm miếng ăn, không con này còn con khác. Nghĩa là sơ sảy trong vụ này thì mình còn thành công vụ khác. Nhưng mà con nai khi mà đã bị sư tử rượt thì nó không được quyền sơ sảy, không được quyền thất thố. Vì sao vậy? Vì sơ sảy và thất thố đồng nghĩa với cái chết. Và chính vì nó nâng chuyện chạy đó lên cái tầm sinh tử, cấp thiết, cho nên là nó đã có thể chạy bán mạng, chạy thương tật nó cũng chạy, chạy què quặt nó cũng chạy, gai gốc, hầm hố cỡ nào nó cũng chạy. Là bởi vì chạy ở đây có nghĩa là "sống". Bị vồ có nghĩa là "chết". Đấy. Thì thông điệp mà tôi muốn gửi trong bài giảng chiều nay đó là: Bố thí cũng phải bố thí bằng tâm trạng của một người cầu giải thoát. Giống như con nai mà nó chạy, nó phải chạy bằng tâm thái của một người tham sống sợ chết.
Bố thí, học đạo, ngồi thiền, giữ giới, phục vụ, tất cả là phải ở trong một tâm trạng của con nai mà đang bị sư tử rượt. Tất cả chúng ta dầu muốn, dầu không, dầu biết hay không, rõ ràng chúng ta đang bị cái chết nó rượt.
Chúng ta là người tin Phật, học Phật, và hiểu Phật, chúng ta không thể chết theo cách của mấy người không biết đạo. Chúng ta không thể sống theo cách của người không biết đạo. Cách sống của người biết đạo là gì? Nhiều cách trả lời lắm, nhưng mà cách tôi vừa ý nhất ngay trong trong bài giảng này, đó là: "Sống trong cái tâm tình của người chờ chết," thì cái sống đó nó mới hy vọng là một cái kiểu sống hết mình. Đấy. Anh đừng có nói với tôi là sống trí tuệ, sống với đạo tâm, sống với lý tưởng, mấy cái đó nó xa vời lắm. Nhưng mà rốt ráo nhất là sống bằng cách trong cái tâm tình của một người "sợ chết". Sống trong cái tâm tình của một người "chờ chết". Sống trong cái tâm tình của một người "sắp chết". Nếu mà tất cả nhân loại đều sống và hành động trong cái tâm tình đó, trong cái tâm tình của người chờ chết, không phải là bi quan đâu quý vị. Không phải bi quan mà là sự chuẩn bị và cẩn trọng hết mình, hết mức, thì thế giới hôm nay đã khác đi nhiều lắm. Nếu mà ai cũng nhớ cái chết, tuổi già và những cơn trọng bệnh nó chực chờ mình phía trước thì thế giới nó đã khác đi nhiều lắm. Mà chính vì chúng ta lúc sống không nghĩ tới lúc chết. Lúc trẻ không nghĩ tới lúc già. Lúc khỏe không nghĩ tới lúc bệnh. Thế là chúng ta sống không ra sống, chúng ta rất dễ trở thành xác chết chưa có chôn. Tại sao chúng tôi nói xác chết chưa chôn? Bởi vì chỉ có xác chết chưa chôn nó mới không biết là nó đang nằm, chỉ có xác chết chưa chôn nó mới sống thiếu trách nhiệm với mọi người chung quanh, chỉ có xác chết thì nó mới không bận tâm gì về cái gọi là trách nhiệm đối với bản thân. Nhớ nha. Nhớ cái đó rất là quan trọng. Thì hồi nãy tôi có nói, phải tu tập, phải sống đời và sống đạo, bằng cái tâm tình của con nai mà đang bị sư tử rượt. Phải bằng cách đó chúng ta mới khá được, ngay trong lúc thực hiện từng công đức, từng công đức lớn nhỏ, đều phải như vậy. Thực ra không hề có một công đức nào là nhỏ, công đức nào là lớn, chuyện đó không có. Nhưng mà tôi đang nói dựa trên những hình thức, biểu hiện, mà người ta có thể dùng mắt thường để nhìn thấy. Cho nên chúng tôi mới còn xài chữ lớn và nhỏ, chứ thực ra không có công đức nào là nhỏ, nếu mà nó được thực hiện với một nội tâm sâu và rộng thì không có công đức nào là nhỏ hết. Mà vì không được học đạo, cho nên chúng ta cứ nghĩ rằng công đức nào mà nó càng hoành tráng về công, về của, phải không? Nó càng hoành tráng nhờ vào tên tuổi của thí chủ, thì công đức đó mới đáng kể là sai bét, sai vô cùng. Vô cùng đáng tiếc, cái đó là sai bét. Quan trọng ở đây là bất cứ công đức nào, cái lớn bé của nó không phải trên quy mô nhìn thấy được bằng mắt thường, mà nó bằng chính cái tâm trạng của người thực hiện công đức đó. Tới chết cũng phải nhớ câu này. Tới chết cũng phải nhớ cái định nghĩa này. Nha.
Chiều nay chúng tôi đi ông thầy Đông Y để lo vụ cái chân, chục vấn đề, chúng tôi về đến nhà chùa thì gặp có một cặp, hai cô cậu đang đứng chờ ở ngõ vào, lúc đó tôi mệt, đi xa về mệt, đi bác sĩ, đi ông thầy về, là ổng dần, châm cứu mệt lắm. Rồi trời nóng mà đi về gặp hai người đứng đó lúc đó sao mình có thể dễ dàng buông ra một câu rất là lạnh lùng, thiếu trách nhiệm, tôi hỏi mình có hẹn không? Mình nghĩa là họ và tôi. Hỏi mình có hẹn không? Họ nói không. Tôi trách, tôi nói phải báo biết trước để người ta có thể về sớm, chứ bây giờ muộn lắm rồi, rồi tôi nói xong tôi đi lên phòng, mà trong khi nó xui một chỗ là miệng nói cứng mà cái lòng nó mềm như là tàu hũ đường. Tính tôi lên tôi rửa mặt xong tôi quay xuống tôi tìm họ, nhưng mà tiếc là rửa mặt xong, đắp lại cái y bước xuống thang lầu, hỏi người chùa, họ nói rằng hai cô cậu đã đi rồi. Mà cái này mới là ray rứt nè. Hai cô cậu đi từ Bình Phước cách chỗ chúng tôi 150 cây số. Bây giờ họ chờ từ buổi trưa lúc chúng tôi vừa rời chùa cho đến lúc chúng tôi trở về, chúng tôi vừa ra khỏi chùa là họ tới, họ chờ, họ chờ, họ chờ. Mà cặp đó sau đó tôi biết họ rất là nghèo, nghèo lắm, nghèo kinh khủng lắm. Tại sao tôi biết nghèo? Nghe tôi nói nè. Nghèo lắm. Cho nên, là vì muốn gặp mặt để nghe Pháp hay hỏi han cái chuyện gì mình không có biết, mà đổ đường 150 cây số xuống, mà đi bằng cái kiểu xe đò rẻ tiền nhất. Nếu mà có tí tiền áh, thì họ đã ở lại rồi, nếu mà ngại ở chùa thì có thể ở khách sạn. Ví dụ như vậy. Để hỏi, mai hỏi cho nó đã. Cứ ban đêm ở lại, ở cho tới khuya rồi về, một là ngủ lại ở chùa, còn nếu mà không thì ra ngoài. Thí dụ như vậy. Có đâu mà họ phải tranh thủ chuyến xe cuối cùng để trở lại nhà cho kịp, khi mà chúng tôi xong việc riêng, chúng tôi xuống tôi hỏi, họ đã đi rồi. Chúng tôi thương lắm, thương tiếc cho họ, không biết rằng trong bài giảng này họ có nghe được hay không? Có lẽ là không. Bởi vì cho đến bây giờ họ chưa về tới nhà nữa, chưa về tới nhà. Thì các vị thấy không? Các vị có thấy, chuyện mà mình thấy nó là cấp thiết, thì mình phải bằng mọi giá mà thực hiện.
Nhưng. Cách nào? Có thiện chí, có nghị lực, có sự kiên trì, có sự hy sinh, nhưng mà thiếu một chút cân nhắc. Ở đây tôi không nở nói là thiếu trí thì nặng quá, nhưng mà thiếu một tý cân nhắc, mình coi mình đi lúc nào, mình muốn gặp là phải đi sáng sớm, là một, để cho thời gian nó dài. Hai, trước khi đi mình moi cho bằng được, địa chỉ chùa trên mạng có mà. Không. Đằng này là họ cứ cắm đầu họ đi, lỡ chiều nay mà họ không gặp chúng tôi cũng là hoài công phí sức, mà nếu gặp, mà gặp có mấy phút như vậy cũng là phí sức hoài công. Quý vị thấy không? Tôi nói như vậy là tôi phải nói rõ là tôi rất là thương, thương xót xa, ngay lúc kể lại cái này tôi vẫn mong họ nghe được. Mà nếu không thì mai này họ nghe lại bài giảng này, họ phải nghe để họ hiểu rằng chúng tôi thương họ đến mức nào. Nhưng mà tiếc một chỗ họ thiếu cân nhắc, trưa ăn cơm xong mới lết xuống, lết xuống ngồi chờ, chờ mà trễ là hai người phải tranh thủ chuyến xe cuối để mà trở về nhà. Tôi muốn nói cái gì? Tôi muốn nói hai chuyện. Cũng chạy, cũng là chạy, nhưng mà chạy bằng tâm tình của con nai mà sợ chết nó tốt hơn là chạy bằng tâm trạng kiếm ăn, kiếm mồi, của con sư tử. Đó là một. Cái thứ hai, gì thì gì phải có trí. Gì thì gì phải có trí, chỉ chánh niệm không không đủ, phải có trí, mà trí ở đây là có ba nguồn:
Văn - Tư - Tu.
- Văn là những gì mình nghe được, học được, và đọc được từ người khác.
- Tư là khả năng thấm thía, gặm nhắm, tư duy, những gì mình đã nghe, đã học, và đã đọc.
- Trí tu là cái thấm thía của một người vứt hết kiến thức, vứt hết nhận thức, chỉ sống bằng cái gọi là nhận thức, trực quan. Nhớ nha. Nhớ phải sống bằng cái đó. Mà muốn có một trí tuệ dầu là Văn - Tư - Tu thì mình phải có một nền tảng, chứ nếu không có lòng tu, có lòng, có sức, nhưng mà không có đường hướng. Đấy. Có lòng, có sức, mà không có đường hướng, thì chỉ chuốc phiền thôi. Chiều nay hai người đi 300 cây số mà nó không được gì hết, thậm chí có khả năng trên đường về còn buồn, bất mãn, nói ông Sư gì đâu mà khó khăn như là diễn viên, ca sĩ, làm khó người ta. Có khả năng đó. Mình không loại trừ khả năng đó. Nha.
Cho nên tôi nhắc lại, chỉ thông qua pháp môn Tuê Quán chúng ta mới có thể có được những lợi ích là hiểu mình hơn, hiểu rõ các nguyên tắc giáo lý quan trọng. Tuy nhiên cái chuyện tu tập đó nó phải cần đến hai thứ điều kiện.
- Một là sự dốc lòng của một con nai, phóng chạy để giữ lại sinh mạng.
- Hai là thiện chí đó phải được thực hiện một cách có phương pháp.
Và tại sao chiều nay tôi muốn đem chuyện này ra tôi nói? Không riêng gì chuyện tu thiền, mà toàn bộ hành trình sống đời và hạnh đạo của chúng ta đều phải như vậy hết. Một là phải kiên trì, phải chịu khó, phải bán mạng. Đấy. Đó là một. Nhưng mà cái thứ hai, đó là sự đầu tư của trí tuệ. Sự đầu tư trí tuệ để chi? Tôi đã nói một triệu lần rồi, chúng ta phải tuyệt đối cẩn trọng với cái mình thích và ghét. Và tuyệt đối cẩn thận cảnh giác đối với cái mình thích mình ghét, với cái mà mình coi thường và xem trọng. Ta phải tuyệt đối cảnh giác. Đấy. Là vì sao? Là vì kiến thức của mình được bao nhiêu? Từ đó. Cái nhận thức của mình được bao nhiêu? Từ đó. Cái kinh nghiệm trực quan của mình được bao nhiêu? Từ đó. Cái nghĩ của mình, cái phán đoán của mình rất là khả nghi. Đấy. Rất là khả nghi. Chỉ vì một lời khen của ai đó, một lời khen của ai đó nhắm vào một đối tượng nào đó. Chỉ vì một phút giây hài lòng nhắm vào một đối tượng nào đó. Chúng ta không biết phân biệt gì hết, cứ cắm đầu thờ lạy một cách mù quáng và cuồng tín, chỉ vì thiếu một cái nền tảng trí tuệ. Chúng ta cắm đầu, cắm cổ, chống đối một người nào đó mà hầu hết trường hợp, hầu hết trường hợp chúng ta chưa kịp biết rõ chuyện này có thật hay không? Người đó là ai? Người đó là ai và liệu người đó có đáng để mình tấn công hay không? Rồi cái thích cũng vậy. Liệu cái chuyện mà mình cắm đầu, cắm cổ mình thờ lạy sùng tín, khát ngưỡng, thì liệu thái độ đó có đúng chỗ chưa? Mình tin là tin cái gì? Mình quý là quý cái gì? Mình chống là chống cái gì? Và mình ghét là ghét cái gì? Phần đó mình không có bận tâm. Đấy. Nhớ nha. Pháp môn Tuệ Quán giúp cho mình chuyện đó, tôi rất là muốn xài chữ sống chậm. Nhưng mà không. Thật ra pháp môn Tuệ Quán không phải là sống chậm, mà là sống buông. Sống buông là sao? Thay vì ngày trước trong mỗi phút chúng ta phải vật lộn tới hai, ba, cách tư duy. Nhưng mà kể từ hôm nay, chúng ta buông bớt bằng cách, chúng ta chỉ còn lại với một cách tư duy, đó là đối diện trực nhận, trực quan, đối diện thực tại bằng trí tuệ trực quan. Chỉ vậy thôi. Chứ còn nếu mà thiếu cái này nè, thì chúng ta sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân, của cái lòng căm ghét bất mãn, nạn nhân của cái sự sùng tín, mù quáng, rất là dễ. Vì chúng ta không sống tỉnh thức. Chúng ta là một bầy trừu, một bầy cừu thơ ngây. Chúng ta thực ra không có quá nhiều thời gian để mà tự biến mình thành con chuột bạch cho những đòn phép của nhân gian, cho những đòn phép của thiên hạ. Chúng ta không có nhiều thời gian. Chúng ta phải sống bằng cái đầu của mình, phải sống bằng cái khả năng tư duy, nhận thức của mình. Phải không? Và để làm được điều đó bắt buộc phải sống chánh niệm. Đấy. Phải sống chánh niệm. Chánh niệm ở đây không phải là bắt cái giò lim dim. No. Không phải nha.
Có nhiều người hiểu lầm cái đó, cứ nghe nói chánh niệm là hết hồn hết vía, xanh mặt. Nói con là bận rộn, rồi công ăn, việc làm, mà tu là tu cái gì? No. Tuyệt đối có thể tu được. Và có một câu mà phải nói thêm. Chẳng những tuyệt đối có thể tu được, mà còn phải tu nữa, để chi? Để được an lạc hơn. Công việc hiệu quả hơn. Yeah. An lạc hơn và công việc hiệu quả hơn, và đằng này họ hiểu lầm, họ tưởng là pháp môn Tuệ Quán này chiếm mất một phần thời gian của họ, cho nên họ mới than là họ không có thời gian để tu tập Tuệ Quán, tu tập pháp môn chánh niệm, có đáng tiếc không? Rất là đáng tiếc vô cùng, và vô cùng đáng tiếc. Nha. Thì trong bài giảng này nội dung chủ yếu tôi muốn nói cái gì? Rõ ràng là đông đảo Phật tử Việt Nam bây giờ đã có nhu cầu tu tập Tuệ Quán, đã có, nhưng mà làm ơn nhớ giùm hai chuyện:
Động cơ thúc đẩy mình tu tập Tuệ Quán có đủ mạnh chưa? Thứ hai, chúng ta đã có một định hướng thông minh, phương pháp thông minh, một lý tưởng thông minh, cho cái chuyện tu tập Tuệ Quán chưa? Có chưa? Nếu mà vẫn chưa, thì sự thành tựu trong chuyện tu tập Tuệ Quán tôi nghĩ rằng phải xét lại. Nha. Chúng ta phải tu tập Tu Quán bằng tâm tình của người tử tù, của người mà bị trọng bệnh giai đoạn cuối, và đồng thời chúng ta phải tu tập Tuệ Quán nói riêng và sống đời nói chung, là bằng cái khả năng định hướng của trí tuệ, khả năng xác định của trí tuệ, cái khả năng chọn lọc của trí tuệ. Xác định, định hướng, chọn lọc, của trí tuệ. Còn bằng không thì khoan nói đến chuyện tu tập Tuệ Quán. Ngay trong đời sống thường nhật của mình, chúng ta rất dễ là con chuột bạch cho thiên hạ, đừng có trách thiên hạ, hãy tự trách mình. Nha. "Tiên trách kỹ, hậu trách nhân". Phải trách mình trước rồi mới trách người ta. Cái mà tôi sợ nhất đó là sự hợp lý của dòng sinh tử, của thế giới phàm phu, hợp lý là sao? Ở hoàn cảnh của họ, với cái tâm tư đó, với nền tảng nhận thức đó, bắt buộc họ phải hành động như vậy. Cái vấn đề là mình nè. Mình có bị cuốn theo cái định mệnh, cái định phận, của người ta hay không? Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng. Nha.
Rồi từ cái khen, cái chê, cũng vậy. Một nhân vật nổi tiếng hay là một nhân vật tai tiếng. Cái chuyện đó không quan trọng, quan trọng là mình nhìn về họ như thế nào? Và mình có cần thiết phải quan tâm tới họ hay không? Đằng này không. Chúng ta học ba mớ, tu ba mớ, và dành hết thời gian cho cái chuyện nghi kỵ, bất mãn, chống đối, sợ hãi, tuyên truyền, kêu gọi, vì yêu thương một đối tượng nào đó. Thì tôi nghĩ cách sống này, cách hành động này, đi ngược lại tinh thần của Phật Pháp, tinh thần Phật Pháp là khi thấy con đường nào là con đường phải đi, thì phải dùng bằng cái tâm tình của người mà sắp chết để mà thực hiện, và điều thứ hai, thấy nó là cần thiết thì phải tìm đủ mọi cách động não và tư duy, soi rọi, chọn lọc, đánh giá, nhận xét, một cách thông minh để mà đi. Cái đó rất là quan trọng. Nha. Cái đó quan trọng lắm.
Các vị đừng có nghĩ là tôi đang nói về trường hợp của tôi, cái đó ngẫu nhiên tôi nhớ thôi. Nha. Mà nội dung chính của bài Pháp mà tôi thiết tha muốn gửi đến các vị bà con thính chúng, đó chính là, chúng ta luân hồi sanh tử là vì chúng ta cứ mãi hoài không biết mình là ai, là một. Không biết rằng cái gì nó đang diễn ra trong đầu của mình. Đấy. Thì kể từ hôm nay, khi chúng ta tu tập Tuệ Quán, thì chúng ta phải nhớ một điều, đó là trước mắt mình tu tập Tuệ Quán không phải để mà cầu công đức tái sinh, quả báo nhân thiên. Chuyện đó rất là quan trọng. Bởi vì mục đích đó nó không đủ để biến nhiệt tâm của ta trở thành ra là một dòng chảy mãnh liệt, và cái thứ hai, nếu mà chúng ta không có xác định được mục đích thì chúng ta khó mà vận dụng trí tuệ để mà tu tập. Bởi mình mấy chuyện ruồi bu mắc gì phải xài trí? Mấy chuyện ruồi bu. Nha. Bây giờ mình phải xác định việc mà đối phó với sinh tử phiền não là đại sự nhân duyên, phải xác định như vậy. Khi xác định như vậy đó, thì chúng ta mới có thể tu tập một cách hiệu quả hơn, và tu tập ở đây tu tập cách nào? Tôi ghét nhất là cách nói chung chung. Tu là tu cái gì? Thì đây nói rõ rồi. Niệm Xứ. Tu tập trên Niệm Xứ, thong thả chứ không phải là gà mờ, lò mò, chậm chạp, không phải. Mà là thong thả, thong thả mời gọi những người có thể hợp tác, hiệp sức với mình. Nhớ nha. Phải mời thôi. Tôi trong bài giảng này, tôi đặc biệt muốn lưu ý một chuyện, đó là chúng ta từ vô thủy luân hồi chúng ta vốn dĩ có rất là nhiều các thứ tập khí theo đuổi chúng ta, có rất là nhiều thứ tập khí thích cái này, ghét cái kia, theo đuổi cái này, trốn tránh cái nọ, thần tượng cái này, chà đạp cái kia, tất cả những tập khí đó nó chất đầy trong tâm khảm của chúng ta, bây giờ chỉ cần có một cơ hội nào đó là nó bùng phát. Thí dụ như các vị đâu có tin các vị là một người tiền kiếp đã nhiều lần nghiện ngập, bài bạc, chích hút, các vị đâu có biết. Chẳng qua là kiếp này mình sanh ra trong một bối cảnh gia đình mà không có chuyện đó, rồi lớn lên là đi vào chùa gặp thầy bạn, không có chuyện đó. Đấy. Thế là tập khí mà là đổ đốn trác táng, nghiện ngập, ăn chơi, tạm thời nó lắng xuống, chứ không phải là nó không có. Đấy. Và bên cạnh đó, song song đó, chúng ta cũng có nhiều thứ tập quán, tôi nói thẳng luôn, đó là tập khí, tôi vẫn xài chữ tập khí cho mọi trường hợp. Đấy. Chứ không phải là riêng cái bất thiện, cái thiện nó cũng là một thứ tập khí, cái thiện của phàm phu nó cũng là một thứ tập khí, vāsanā: tập khí, thì chúng ta bên cạnh những cái tập khí bất thiện, những thói quen bất thiện, chúng ta cũng có những cái tập khí thiện lành. Chúng ta cũng từng có vô số kiếp thích thú trong chuyện bố thí, trì giới, thiền tập, nhiều lắm, nhiều vô số kiếp.
Bởi vì nếu mà không có cái đó, thì đời này mắc gì mà mình phải dẹp hết mọi sự mà vào đây nghe giảng, dẹp hết mọi sự để mà tìm hiểu giáo lý, dẹp hết mọi sự để sống chánh niệm, đâu phải dễ chút nào. Có chủng tử, có, có, chỉ có một điều để chúng ta không sống chánh niệm, để chúng ta không nhận ra, thế là chúng ta buông xuôi, cứ để cho dòng đời nó cuốn trôi, tiện đâu thì tấp đó. Cho nên bài giảng này chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh chuyện đó. Hãy hiểu rằng trong người của mỗi người, trong tâm khảm, trong đáy sâu tâm tưởng của mỗi người, vốn dĩ có đủ thứ tập khí thiện và bất thiện. Chúng ta phải cảnh giác để lựa bạn mà chơi, lựa chỗ mà ở, nếu không có điều kiện để lựa chỗ mà ở, để lựa bạn mà chơi, thì chí ít chúng ta cũng phải lựa chọn đề tài tư duy, lựa chọn cái để mà học, lựa chọn cái để mà gọi là thực tập hành trì. Có. Phải nói là có. Chứ nếu không mà mình buông xui là mình chết. Chết là cái chắc. Thì hãy cẩn trọng với cái gọi là suối nguồn tập khí của mình, chuyện mà mình bỏ đạo Phật theo đạo Chúa, chuyện đó không có gì lạ hết. Thậm chí nhiều khi mình cứ tưởng là mình chán ghét, bất mãn, một cái gì đó, thì đời này mình sẽ không thuộc về nó, và trong tâm tư của mình không có cái đó. Sai. Cái đó sai. Chống như vậy là bởi vì một vài lý do rất là hiện tại, rất là tạm thời, nhưng mà nay mai, chỉ cần có một sức hút đặc biệt nào đó, là chúng ta sẽ quay lại với cái sức đẩy của tập khí. Đấy. Thì chúng ta biết rằng chúng ta có nhiều kiểu ác, chúng ta có nhiều kiểu thiện, không phải bất thiện chỉ có một đâu, ác nhiều kiểu lắm. Tham nhiều, Sân nhiều, Si nhiều, Hoài nghi nhiều, Tà Kiến nhiều. Đấy. Cái thiện cũng vậy. Chúng ta cũng có nhiều tập khí về cái thiện, có nhiều lắm, chúng ta có nhiều tập khí về cái thiện. Thì tùy thuộc vào nhu cầu trước mắt, tùy thuộc vào môi trường sống, mà bây giờ chúng ta có cơ hội để nuôi lớn chủng tử tập khí nào. Làm ơn nhớ giùm cái này. Nha. Dầu hôm nay có người than là rất khó tìm được một chỗ tu học, chuyện đó chỉ là một chuyện, chứ nó không phải là tất cả mọi sự. Cái việc đó chỉ là một chuyện thôi.
Cái điều quan trọng nhất chúng ta có thể tu tập một cách miễn phí mà, miễn phí. Đó là tự không tìm thấy được, làm ơn tìm đến Thầy Bà, Tăng Ni, bạn đạo, rồi nghiên cứu Kinh sách, chừng đó cộng với một nếp sống chánh niệm để kịp thời phát hiện mình đang sống nhiều với cái gì? Tập khí nào đang thống lĩnh trong đầu óc, tâm tư của chúng ta. Nhớ nha. Cái đó rất là quan trọng. Phải không? Nhớ cái đó rất quan trọng, hãy cẩn trọng cái này nè, đừng có nói là đang học tiếng Pāḷi, học A Tỳ Đàm, là xong. No. Có 1001 lý do để chúng ta học tiếng Pāḷi, có 1001 lý do để mà chúng ta học giáo lý Phật Pháp. Phải không. 1001 lý do. Chứ đừng tưởng là chỉ có một. Rồi cho rằng mình đang học, đang thiền là đã Ok. No. Không được. Có rất nhiều người học giáo lý, càng học, càng thấy ghét. Tin tôi đi. Nay mai thế nào các vị cũng đụng. Càng học càng thấy ghét. Càng học càng tà kiến. Càng học cái u mê nó càng dày lên, và hành thiền cũng vậy.
Có nhiều người càng tu thiền càng dễ thương, càng sáng cái đầu ra. Đấy. Còn có những người càng tu thiền là nó càng trở nên bệnh hoạn. Có, cái đó có. Thì bà con phải gặp bà con mới biết. Phải không? Chứ đừng ép tôi nói, nói nó chém tôi nữa, chém nữa, tôi không có vệ sĩ. Nha. Tôi không có vệ sĩ, tôi cần giữ lại cái mạng cùi này ít lâu nha. Ừ. Đừng có tưởng, đừng có tưởng thiện chỉ có một cách biểu hiện, ác chỉ có một cách biểu hiện. No. Nó rất là nhiều cách, nó đến từ rất là nhiều nhân duyên, rất là nhiều động lực, và rất là nhiều cái kiểu thức, kiểu thức tức là, một, gọi là moral đó, rất là nhiều kiểu thức, nó nhiều kiểu, nhiều hình thức lắm chứ không phải chỉ có một. Cho nên sơ sẩy một cái là mình tưởng mình đang tu, nhưng mà không, chẳng qua là mình né được cái ác này mà mình dính vô cái ác khác. Ngay cả khi mình hành thiện, mình tưởng mình đang hành thiện, nhưng mà mình đang hành thiện trên nền tảng của cái bất thiện mà mình không biết. Học là thiện, học để cầu danh trục lợi, học để cho người ta biết tới mình, học để thỏa mãn ý thức lý luận, sở thích lý luân. Đấy. Học đạo đó. Nhớ cái đó, hãy rất cẩn thận cái đó quan trọng. Thương, thích, khinh, trọng. Bốn cái. Thương ghét. Phải không? Thương, ghét, khinh, trọng. Ai? Cái gì? Sự kiện nào? Thì cũng làm ơn nhớ rằng mình đang sống với một cái thứ tập khí nào đây? Bởi vì, nhắc lại, chúng ta có tất cả là bốn thứ tốc độ:
- Từ bất thiện qua bất thiện,
- Từ bất thiện qua ác,
- Từ thiện qua thiện,
- Từ thiện qua ác.
Chúng ta luôn luôn vật lộn, đối đầu, với bốn tốc độ này. Cho nên là đừng có vội tự tin, cho rằng mình đã biết Phật Pháp, mình đang học giáo lý, mình đang là hành giả, cẩn thận cái đó. Phải không? Phật Pháp các vị tưởng tượng, chuyện tu học nó giống như chuyện người ta ăn kiêng vậy đó. Chuyện ăn kiêng khi mà người ta thấy ra lợi ích của việc ăn kiêng, thấy ra cái hại của việc ăn uống bừa bãi, thì người ta mới dốc sức ăn kiêng. Phật Pháp cũng vậy thôi. Tùy vào góc độ nhận thức của mình mà mức cấp thiết của Phật Pháp đối với mình nó là bao nhiêu? Và cái thiện của mình nó có thể thế chỗ được cho bao nhiêu cái bất thiện. Chứ không phải nghĩ rằng tu là có tất cả pháp lành, có nghĩa là bất thiện sẽ lùi, chưa chắc, chưa chắc. Và cái bất thiện cũng vậy. Mình để ý coi cái bất thiện nào mà nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mình, để ý cái đó, bởi vì có những người họ chỉ né được một thứ phiền não đời họ nó tốt hơn. Một thứ thôi. Thí dụ như mê tiền, mê tiếng, mê danh, hoặc là người dễ tự ái, dễ bị chạm nọc, chỉ một thứ phiền não là đủ vật họ trào máu rồi. Nha. Nhớ.
Cho nên tôi nhắc lại trong bài giảng chiều nay, đó là trước hết phải xác định thân tâm này là gánh nặng, là cái khổ. Thứ hai, tạm thời (chúng tôi viết bằng mực đỏ), tạm thời, giả định, Phật Pháp có một con đường giải thoát duy nhất đó là Tứ Niệm Xứ. Thì hãy cẩn trọng, cân nhắc, xác định, xem coi cái khả năng tu học của mình đã đủ, đã đúng chưa? Chúng ta đang tu tập với cái lý tưởng nào? Và cái tiếp theo, mình phải xác định xem công phu tu học của mình nó đang được điều động, nó đang được chỉ đạo, nó đang được hướng dẫn, bởi trí tuệ hay chưa? Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng. Còn nếu như mà lực đẩy không đủ ánh sáng soi rọi không đủ, thì tôi e rằng công phu của mình, một là hoài công. Hai là chuốc họa. Nhớ nha. Nhớ. Và tôi nhắc lại lần nữa, học cho nhiều mà không biết mình học cái gì, hành cho nhiều mà không biết mình hành cái gì, phải không? Rồi sao nữa? Cái học, cái hành đó, rất dễ bị dòng đời nó tước lấy. Tin tôi đi. Trong số mấy người quen của tôi, có một thời hiếu học vô cùng, chép từng câu, từng câu, còn gửi cho tôi nữa, hỏi con chép như vậy có đủ, có đúng không? Có sai không? Có nhầm không? Chỉ cho biết. Ấy vậy mà có một ngày, cách đây năm ba hôm, chính thức lìa bỏ tôi, và phát nguyện một đời này chỉ hộ trì những vị nào tu hạnh Đầu Đà. Họ nói không cần Pháp học, không cần học giáo lý, chỉ việc thờ cái đó còn hơn là thờ tượng Phật, càng rách càng tốt, càng nghèo càng tốt, càng khổ càng tốt. Họ nói với tôi như vậy. Họ nói, mà cũng lạ là họ đâu phải là cái gì của tôi. Tôi đâu có trách nhiệm gì với họ. Và họ cũng chẳng phải là cái gì của tôi. Mắc gì phải thông báo chuyện đó. Nhưng mà dù gì tôi cũng cảm ơn là họ nhắc lại một điều mà tôi vốn dĩ đã biết rồi. Dó là khi chúng ta không có một nền tảng, chúng ta rất dễ bị lung lay, rất dễ bị dao động. Tôi không nói họ đúng, họ sai. Tôi chỉ nhắc vậy thôi. Hóa ra lâu nay họ lầm àh! Hóa ra lâu nay họ lầm àh! Các vị có nghe kịp không? Hóa ra lâu nay họ lầm, mà không phải họ đâu, chính những người đang nghe tôi nè, tôi chưa bao giờ ngu xuẩn đến mức mà tôi kêu các vị thờ tôi, hay là thờ ai đó, nhưng mà tôi chỉ xác định một chuyện, chí ít mình cũng phải xác định tại sao mình làm như vậy? Đấy. Và khi mình biết đó là chuyện cần làm, thì mình phải xem động cơ, tác động của hành động đó là gì? Sức đẩy của nó là gì? Và cái chuyện mà mình hành động đó, cái kiểu sống đó, nó có được điều động, nó có được soi rọi, soi sáng, bởi trí tuệ hay chưa? Thiếu hai cái này thì chúng ta sẽ bị, nói một cách đời, thì chúng ta sẽ bị đời nó cuốn, còn nói theo trong đạo, nếu thiếu hai cái đó, thì chúng ta sẽ bị những tập khí của chính mình nó cuốn phăng mình, sẽ cuốn phăng mình. Thí dụ như tôi nè, nói tôi đi khỏi nói người khác, nói tôi đi, có một thời gian dài tôi thích ngồi tôi viết lách, tôi tra cứu, tôi tưởng vậy là tôi hay rồi. Nhưng mà tôi chưa có xác định được là vì sao? Vì sao mà tôi có hứng thú trong chuyện đó. Thứ hai, con đường mà biên soạn, viết lách, dịch thuật, sáng tác đó, nó có thực sự là đã được trí tuê soi rọi và định hướng hay chưa? Tôi không xác định được chuyện đó. Thế là có một ngày tôi buông hết, tôi buông hết để mà tôi theo đuổi một nếp sống tào lao vô ích. Cách đây khoảng 10 hôm có một cặp anh chị, chàng nàng, đến gặp chúng tôi. Thì chàng mới tự xác định, tự giới thiệu, đây là người bạn gái của con. Bây giờ con tạm biệt để đưa nàng đi xuất gia, tạm biệt đây có nghĩa là thỉnh thoảng muốn gặp thì vẫn gặp, nhưng mà kiếp này thì coi như là xong rồi đó. Thì cô đó cổ xin chúng tôi đôi lời để mà tiễn vong, tiễn biệt cho cô đi vào chùa, tiễn vong, tiễn biệt. Thì tôi nói rằng, tôi nhớ nhiêu nói nhiêu, tôi chỉ xin cô tự xác định với bản thân ba chuyện thôi. Đúng ra tôi có nhiều điều để nói, nhưng bây giờ nhớ được gì nói cái đấy. Thì tôi nói cổ chuyện đầu tiên là cổ về phải tự xác định với lòng cổ cái ý muốn mà bỏ hết, kể cả một cuộc tình đang rất đổi ngọt ngào và thơ mộng, lãng mạn này, để mà đi tu. Thì xin hỏi, xin tự hỏi lòng mình quyết định đó là cao hứng nhất thời hay nó đã trải qua những thao thức, trăn trở, và ray rứt đúng mức hay chưa? Chứ không thể nào mà cao hứng nhất thời là không được. Chuyện thứ hai, là cô phải tự xác định sau khi xuất gia trở thành một Sư Cô như thế nào? Chuyên tu thiền định hay là một Sư Cô thông tuệ uyên bác. Phải tự xác định. Hay là cả hai. Phải không? Hoặc là chuyên tu miên mật, thanh tịnh, trong sáng, vững chải, yên tĩnh, hay là trở thành một học giả thông tuệ, hoặc là cả hai. Phải xác định được. Chứ không thể nào mà một ngày, một buổi, cao hứng rồi là vô tu, không biết tu để thành cái gì? Như vậy. Thứ nhất phải xác định cái ý thích, ý muốn đó nó có căn cơ hay không? Nó có cội rễ hay không? Thứ hai phải xác định là mình sẽ trở thành cái gì? Là cái thứ ba, phải xác định xem còn chuyện gì mà mình chưa có dứt điểm ở trước cổng chùa. Có nghĩa là những gì thuộc vềtục sự, về gia đình, về thế gian, đã tới cổng chùa để mà đi luôn, chuyến này đi luôn phải không? Nói phải. Thì trước khi mà bước vào cổng chùa là mình phải xác định được những dây mơ rể má, hệ lụy, trách nhiệm, gánh nặng, phận sự gì đó, phải dứt điểm. Đấy. Và trong đó nó gồm có một chuyện nữa. đó là lỡ mai này? là mình phải xác định cái thứ ba đó, cái dây mơ rể má đây nó gồm có trách nhiệm, bổn phận, mà nó luôn cả những chuyện chuẩn bị cho những cái gọi là bất trắc cho cuộc đời tu của mình, mình có chưa? Thí dụ như bây giờ thình lình mình nhổ răng, mổ thận. Phải không? Gãy xương. Đấy. Rồi ai lo. Cho nên tôi phải nói rõ là đây là ba cái điều mà xin các vị phải tự xác định trước khi các vị quyết định. Chẳng hạn như chiều nay suýt nữa tôi bị hố rồi, là có một cái anh đó ảnh tới ảnh hỏi, cái mặt ảnh sáng rực, ảnh hỏi chúng tôi vậy chứ cho ảnh một cái góp ý, là bây giờ anh muốn đi tu quá sức, bây giờ ảnh phải làm sao? Mà sao tự nhiên lúc đó tôi khôn vong, chắc ma nó nhập sao đó tự nhiên sáng lên. Tôi sáng lên, bình thường đâu có sáng dữ thần vậy, tự nhiên tôi nghi nghi, tôi hỏi vậy chứ ông có biết làm thầy chùa nó khó lắm không? Làm thầy chùa mà cái thứ thầy chùa không ra gì áh là nó khổ dữ lắm. Mà làm cái thứ mà chân tu thì bội phần, vạn phần khó khăn. Thì tôi cũng nhắc lại. Tôi nói ông có coi đó là một quyết định nhất thời, một cảm hứng nhất thời hay không? Thứ hai, ông đã thấy cái gì? Ông tâm đắc cái gì trong đời sống xuất gia mà ông quyết định? Và ông có quyết định trở thành một ông Sư như thế nào hay không? Trong lúc mà ông trả lời từng điều nó mới lòi ra một chuyện. Là bây giờ đó là ảnh có vợ, có con. Đấy. Không. Xin lỗi, có vợ mà đang chờ con, đang cầu tự. Bây giờ anh muốn có xong rồi anh mới đi tu. Thì lúc đó tôi chỉ nhìn ảnh,tôi không có tưởng tượng trên đời này mà có một con người như vậy. Tức là hồi nãy tôi có nói đó. Cái dây mơ rể má chưa có dứt điểm được, mà nghĩ sao, mà đặt vấn đề xuất gia. Rồi tới hồi bị người ta truy quá nó mới xì ra là bây giờ đang cầu tự. Giống như giỡn mặt mình vậy đó. Cho nên. Kể từ hôm nay bà con nào đi đến gặp gỡ Tăng Ni mà hỏi đạo, thì các vị hỏi kiểu đó là các vị đang gieo họa cho chúng sinh. Bởi vì kể từ hôm nay bắt đầu chúng tôi bắt đầu bớt Từ Tâm rồi. Mình cắm đầu, cắm cổ, mình giải thích, cho một cái thằng chưa sẵn sàng, muốn đi cướp nhà băng mà chưa có súng mà không biết lái xe, sợ ở tù. Các vị nghỉ không? Muốn đi cướp nhà băng, mà không biết bắn súng, không biết lái xe, sợ ở tù, sợ cảnh sát, mà cướp nhà băng là cướp cái gì? Muốn nấu ăn mà không biết cái nồi, cái chảo, nó khác cái gì? Tự nhiên cao hứng vô nhà hàng ăn ngon quá, muốn đi học làm Chef cook, làm đầu bếp có chịu nổi không? Nhớ. Cho nên cái chuyện tu học Tuệ Quán y chang như vậy. Phải xác định động cơ, lý do, phải xác định được hành trình tu học đó nó có được soi sáng, hướng dẫn, được chỉ đạo bởi trí tuệ hay không? Nhớ cái đó rất là quan trọng. Mà để chi? Một là để không hoang phí thời gian. Hai, là mới hi vọng có kết quả, có tác dụng như ý. Cái thứ ba, giữ mình không bị lôi cuốn bởi những lực đẩy và lực kéo, không bị tác động bởi những lực đẩy và lực kéo từ cuộc đời, tất cả chúng ta rất dễ dàng bị tác động bởi những lực đẩy và lực kéo của cuộc đời. Lực đẩy là sao? Chúng ta dễ dàng bị cuốn phăng ra khỏi cái lý tưởng mà mình đang theo đuổi. Đó gọi là lực đẩy. Mà lực kéo nghĩa là chúng ta dễ dàng bị cuốn hút vào vào một lý tưởng, một nơi chốn, một cảnh đời, một kiểu sống, một nhận thức, một hoàn cảnh nào đó. Rất là dễ. Chúng ta rất dễ dàng trở thành một chiếc lá bị đẩy hoặc bị kéo bởi cái dòng gọi là cuồng lưu của cuộc đời. Nhớ nha. Rất là dễ. Chúng tôi đang có mặt bên cạnh các vị đây, nghe nhiều, thấy nhiều, và rất muốn gửi đến các vị một tí suy nghĩ thôi. Phải ngay bây giờ và tại đây xác định mình muốn cái gì? Xác định được rồi, phải xác định thêm điều thứ hai, cái đó đó, ý muốn đó đó, nó được mình thực hiện bằng cái tâm tình nào? Của con sư tử kiếm mồi hay là của một con nai. Nó chạy để mà giữ mạng. Và cái thứ ba, xác định xem cái ý muốn đó, cái lý tưởng, cái chí hướng đó có được soi rọi, soi sáng, dẫn đường bởi trí tuệ hay không? Phải không? Đừng có để mình bị hút và bị kéo, bị xô đẩy hoặc là bị cuốn hút, bởi một cái lực kéo, lực đẩy, nào từ cuộc đời. Rất dễ. Các vị tin tôi đi. Dễ lắm. Đừng có nói với tôi là con bao nhiêu tuổi, con có bằng cấp học vị, con là người có bản lãnh tư duy. No. No. Đó. Tôi gặp rồi đó.
Tôi gặp rồi mới chiều nè, nói cho đã cuối cùng bây giờ là chả chỉ mong chả có con thôi. Chịu nổi không? Muốn làm thầy tu, mà bây giờ đang đi cầu tự quý vị coi có chịu nổi không? Thì họ chính là họ đang gieo họa đó. Đang gieo họa. Có nghĩa là từ đây, từ lúc mà ổng chào ổng đi về là tôi đã phát nguyện trong tâm không có đại bi với chúng sinh nữa. Gặp là cứ phải chưởi té tát, là bởi vì nó đi học đạo mà nó giởn mặt với mình, mình không có thời gian. Không có thời gian. Nó vô nó hỏi mình con đường tu hành, xong nó xác định là nó đang muốn vợ nó có bầu, các vị chịu nổi không? Nó là giởn mặt các vị biết không? Ok. Chúc các vị một ngày vui và hẹn lại kỳ sau.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây :
https://www.youtube.com/live/Cuk5_ewukvs?si=Q9WNMuisjjQfCp_W

---------------------------☘️

🙏Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn .. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240523/BUỔI-HỌC-20-ngày-23-05-24-1.docx
  • 20240523/Bài 20-TU TẬP TUỆ QUÁN.docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản