Lớp Phật Pháp Căn Bản 24 - Thứ Năm, ngày 04/07/2024 Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng Tử Du ghi chép chữ Pāḷi CÁC YẾU TỐ HỖ TRỢ ĐỜI TU Thưa đại chúng, chúng tôi đang có mặt trong phòng thu của Làng-Mai Sư ông Nhất-Hạnh. Lần đầu tiên chúng tôi có cơ duyên được về thăm viếng, chiêm bái, một đạo tràng lớn như vậy, có sức hút mãnh liệt như vậy, và có một cái hiệu quả hoạt động đáng kể như vậy. Chúng tôi bắt đầu bài giảng trưa nay cho bà con – đại chúng bằng một chút duyên-sự như vậy đó, bởi vì chúng tôi đến phi trường Bordeaux hồi trưa hôm qua, xế trưa hôm qua, buổi chiều có đi một ít, từ sáng đến giờ đi rất là nhiều. Chúng tôi đang ở Sơn-Hạ, chưa qua Xóm-Hạ, chỉ ở Sơn-Hạ rồi sáng nay lên viếng Sơn-Thượng. Đặc biệt là được ghé thăm Tịnh-thất Ngồi Yên của Sư Ông. Chúng tôi có dịp, mai đây chúng tôi sẽ post lên để khoe với bà con cho vui. Và đặc biệt là có được cơ hội ghé ngang vườn tượng mấy chục pho ngồi trên đất không có tòa, không có sen, không có bảo tọa, ngồi trực tiếp trên thảm cỏ trong một cái triền dốc rất là đẹp, rất là thơ mộng. Tất cả đều là những cái pho tượng nặng hơn, to hơn người thường, mỗi tượng như vậy chúng tôi nhẩm nhẩm chắc khoảng không dưới 200 kg, bằng đá đen, đá núi lửa của Indonesia và được các nghệ nhân ở đảo Bali người ta thực hiện. Và cách đây mấy mươi năm thì Sư Ông Làng-Mai đã cho thỉnh về và cho thực hiện khu vườn tượng đó. Khu vườn tượng được tôn trí trên một triền dốc của ngọn đồi và ngó xuống là một khoảng sân rộng, khoảng sân rộng lắm, rộng lắm, nói sân thật ra đó là một thảm cỏ mênh mông. Chúng tôi đã có dịp đến thăm khá nhiều trung tâm Thiền-định ở Thụy-Sĩ, ở Mỹ, chúng tôi có tới ở Mỹ, rồi ở Miến-Điện, đặc biệt là Thái-Lan, Thái-Lan thì giàu. Chúng tôi có tới được mấy trung tâm ghê lắm. Chúng tôi có tới thăm Dhammakaya, chúng tôi có đến Vườn Đạo, chúng tôi kêu là Vườn Đạo – Buddhamonthon, ở Bangkok hết. Nhưng mà phải nói đó, là kể cả cái trung tâm Pa-Auk ở Pyin Oo Lwin, Miến-Điện thì cũng không cho chúng tôi được cảm giác giống như là chúng tôi tìm thấy được ở đạo tràng Làng-Mai bên Pháp. Chúng tôi đang ở đó. Tức là xong bài giảng này chúng tôi lại tiếp tục đi nữa, tiếp tục đi nữa, đi cho hết. Tại sao chúng tôi bắt đầu bài giảng trưa nay bằng đề tài này? Thưa với bà con, trong chú giải Atthasālinī của A-Tỳ-Đàm, rồi ở trong chú giải của chương gọi là Bojjhaṅga-vagga – Thất-Giác-Chi của Tương-Ưng, chú giải – sớ giải của kinh Đại-Niệm-Xứ trong Trường-bộ (Sumangalavilāsinī). Trong tất cả ba nguồn đó và vô số nguồn khác, ở đây chúng tôi chỉ đơn cử ba nguồn đó thôi, thì có nói rất rõ thế này: Khi mà chúng ta muốn trao dồi một thiện-pháp nào đó – Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, Kham nhẫn, Từ tâm…, bất cứ một hạnh lành nào, một đức tu nào để mình trao dồi, thì chúng ta cần đến những điều kiện ngoại tại, điều kiện khách quan. Thí dụ như là Trú-xứ, Thầy-Bạn, nha. Thầy-Bạn quan trọng lắm. Trú-xứ là anh ở đâu? Thầy-Bạn, thời tiết, khí hậu, phải OK, và thực phẩm thích hợp – thực phẩm và thuốc men thích hợp. Thí dụ như tôi biết là có rất nhiều bà con, rất nhiều nghĩa là ở đây rất nhiều có nghĩa là 90% bà con mình là buổi đầu qua Miến-Điện không có quen được với thực phẩm và thuốc men của người Miến, người Miến họ có cái loại thuốc dân tộc từ là dầu thoa, thuốc xức cho đến thuốc uống, mình mà yếu tay ấn là mình khó chấp nhận được lắm. Rồi còn thực phẩm Miến-Điện thì tôi nghĩ rằng đó là cũng hiếm bà con nào mà chịu nổi quá một tuần. Mấy bữa đầu qua thì cũng sung lắm, thấy mình cũng thích nghi ngon lành lắm, nhưng mà tầm tầm khoảng chừng 5 bữa, 7 ngày gì đó, là tôi thấy bà con coi như là đuối hết. Cho nên mình phải đồng ý với kinh-điển điểm này, tức là cái Trú-xứ ở đây gồm có vùng đất, vùng miền nào, rồi Thầy-Bạn, rồi khí hậu thời tiết, rồi thực phẩm thuốc men, đặc biệt trong Trú-xứ đó có cái ngoặc đơn nữa: vùng miền nào mát lạnh hay là nóng bức. Nhưng mà có cái ngoặc đơn là cái cốc, cái phòng mình, nó phải OK. Cho nên mình thấy như là ở Thụy-Sĩ đó, thì khóa tu vừa rồi, khóa tu học vừa rồi rất là tuyệt vời. Nhiều bà con hẹn là sẽ trở qua, và trong số 80 người, 80 người từ 10 quốc gia về thì ai cũng hoan hỉ, cũng thích, nhưng mà mình không biết thích đây là họ thấy nó đẹp họ thích hay là họ thấy chỗ đó tu được họ thích mình không biết, nhưng mà phải nhìn nhận đó là Trú-xứ nó ảnh hưởng kinh khủng đến tâm tư con người. Có nhiều bà con ở trong số 80 đó họ nói rằng về đây ăn mì gói cũng được nữa, dĩ nhiên là lâu dài là không có được nha, lâu dài không có được, nhưng mà họ nói rằng là ăn mì gói rồi uống nước chai, rồi đi lang thang, lang thang vậy đó cũng vui nữa, nếu được thêm trái táo, trái cam, trái chuối nữa là xong, rồi. Tôi muốn nói cái gì? Tôi muốn nói cái gì qua cái việc lạc đề nãy giờ? Chúng ta muốn trao dồi cái gì đó chúng ta phải cần đến Trú-xứ, Thầy-Bạn, thời tiết, thực phẩm, đấy. Nhưng mà nó không phải chỉ như vậy đâu thưa bà con, không có phải, chỉ đơn giản như vậy thì tôi không có đem ra tôi nói ở đây, cái tôi muốn nói là cái gì? Đó là Trú-xứ đây nó có hai nghĩa, cái này kinh nói chứ không phải tôi nói, kinh nói, Trú-xứ đây có hai nghĩa, Thầy-Bạn cũng có hai nghĩa, nha. Thực phẩm cũng có hai nghĩa, đấy. Thời tiết cũng có hai nghĩa, chứ không phải chỉ có một nghĩa đâu nha. Cứ hiểu một nghĩa là chết. Trú-xứ có hai nghĩa là sao? Có nghĩa là Trú-xứ vật chất và Trú-xứ tinh thần, đấy. Trú-xứ vật chất và Trú-xứ tinh thần, hai cái đó đều rất là quan trọng. Trú-xứ vật chất nó có nghĩa là vùng miền địa phương, rồi phòng ốc chỗ mà mình có mặt, đó là Trú-xứ vật chất. Nhớ nha. Trú-xứ vật chất cái chỗ đó nó phải là thích hợp cho chuyện mà sinh hoạt, đi lại, theo tiêu chuẩn ngoài đời đó là điện đường, trường trạm, phải không? Đó là nói tiêu chuẩn ngoài đời, bệnh viện rồi trường lớp, chợ búa, rồi thêm đó là điện đường, trường trạm cho trẻ con, người lớn sinh hoạt, bán buôn, đi làm. Nhưng mà Trú-xứ hai là Trú-xứ cho tâm linh là sao? Trú-xứ cho tâm linh ở đây tức là ngoài cái gọi là Trú-xứ cho cái sinh hoạt thường nhật, đi lại, mua sắm, chợ búa, thì Trú-xứ đó nó còn phải có điều kiện thứ hai nữa đó là Trú-xứ cho tinh thần. Có nghĩa là cái chỗ đó theo trong Trung-Bộ-Kinh, bài Kinh-Khu-Rừng Đức-Phật dạy rất kỹ, chỗ đó dù nó có tiện nghi cách mấy nhưng mà nó không có giúp ích cho mình trong đời sống tâm linh, không có cho mình những tiến bộ, những thành tựu, thì phải xét lại. Nhớ nha. Trú-xứ đây nó có hai là: 1- Trú-xứ cho sinh hoạt vật chất 2- Trú-xứ cho đời sống tâm linh Nhớ cái đó, cái đó quan trọng lắm, lắm, lắm luôn. Mà đa phần bà con hôm nay, theo tôi nhận xét là tìm được một cái chỗ mà để gọi là tiện sinh hoạt, thí dụ như đêm hôm có gì là bệnh viện đi không có xa, cảnh sát, bệnh viện, cứu hỏa, hoặc là chỗ đó đi ra phi trường, chợ búa tiện, đấy. Mình chỉ chú ý cái đó, nhưng mà mình quên một chỗ là có những trường hợp chỗ đó nó hẻo lánh, nó xa xôi, nhưng mà về mặt gọi là tu tập thì mình dễ dàng có được những tiến bộ nhất định, thì cái chỗ này mình phải tính lại, tính tiếp, chứ không phải là đơn giản đâu. Cho nên là có được một nơi chốn tu tập vẹn toàn không phải dễ, như tôi vừa nói, chỗ đó phải có cho mình một năng lượng, một nguồn hỗ trợ, một sự tiếp sức cho đời sống tâm linh, thì chỗ đó mình mới ở được, chứ còn là những điều kiện, những tiện nghi thoải mái trong sinh hoạt vật chất thôi, sinh hoạt thường nhật thôi, nhưng mà nó không có tốt cho đời sống tâm linh thì có lẽ mình phải xét lại, nha. Và cái đó là Trú-xứ thì theo cái nghĩa đen, còn Trú-xứ theo nghĩa bóng là gì? Trú-xứ theo nghĩa bóng có nghĩa là tâm của mình, thân này nó có cái nhà ở đúng không? Mà cái tâm của mình nó thường sống trong cái gì? Nó thường nhận biết cái gì? 6 Căn mình nó thường nhận biết 6 Trần gì? Nó thường nhận biết 6 Trần gì cũng có nghĩa là nó sống trong Trần-Cảnh nào nhiều? Cái này quan trọng lắm, nha. Quan trọng lắm luôn. Nó sống trong Trần-Cảnh nào nhiều? Thí dụ như bây giờ mình được ở Làng-Mai, mình ở trung tâm Pa-Auk, về Trú-xứ là OK, ổn. Rồi thí dụ như mình được ở bên cạnh một vị Thiền-sư mà mình rất mực là tin tưởng, tôn kính, yêu quý. Nhưng bản thân mình là không có yên, không có chịu tu, ăn rồi cứ nghĩ nhớ ba cái chuyện tục sự thế gian, phải không? Thì như vậy "phần xác" của mình đúng là nó có chỗ ở ngon lành, nhưng "phần hồn" của mình thì không. "Phần hồn" của mình nó những cái đề tài, những cái trần-cảnh mà mình là mắc míu, dây dưa rất là tệ, rất là kém, nha. Cho nên Trú-xứ nó quan trọng lắm, nhưng mà phải định nghĩa lại Trú-xứ đây là cái gì? Nó gồm có cái gì? Trú-xứ cho "phần hồn". Trú-xứ cho "phần xác". Và Trú-xứ cho "phần xác" thì dễ hiểu rồi, đó là nhà cửa, đất đai, rừng vườn, đó là Trú-xứ cho "phần xác", rồi cốc liêu, phòng ốc là Trú-xứ cho "phần xác". Nhưng mà Trú-xứ cho "phần hồn" là sao? Là mình ở cái chỗ nào mà nó giúp ích cho đời sống tâm linh mình, thí dụ như chỗ đó nó yên, ở đó nó mát, ở đó nó gần người lành, ở đó không có bị đe dọa bởi những nguy cơ bạo hành, bạo lực, tội phạm, hình sự. Thí dụ như vậy. Ổn. Chỗ đó là ngon đó. Nhưng mà nó có cái ngoặc đơn, là mình ở những chỗ như vậy đó nhưng mà mình nè, cái đầu của mình nè thường nghĩ về cái gì? 6 Căn của mình nó thường chú ý đến 6 Trần nào? Tôi nói thẳng luôn, chúng tôi đang có mặt ở Làng-Mai sáng nay, chúng tôi nghe thầy Tri-sự, Tri-khách, thầy có nói một câu nghe rất là đáng suy nghĩ, tôi biết ở tại Làng-Mai này hiện giờ có cả hàng trăm Tăng-ni, mà đặc biệt là 2/3 cho đến 3/4 là Tây, 2/3 cho đến 3/4 là Tây, từ ngày Sư Ông tịch thì người Việt ít về. Nhưng mà trong số Tăng-ni, Cư-sĩ người Tây, người Âu-Mỹ đó là Bác-sĩ, Kĩ-sư, chuyên gia landscape, cây cảnh không hà, chứ không phải là mấy tay mơ đâu, nha. Nhưng mà tư thế nó có nhiều cái góc, có những cái góc khuất, có những cái góc chết, mà biết một miếng đất nó kỵ đất chết, đất chết là cái chỗ mà không được chăm sóc hoặc là cái chỗ không được sử dụng, không được để mắt, thì được gọi là góc chết, thì tôi thấy nó có những góc chết hơi bị nhiều, mặc dù Làng Mai tôi thiết tha, kêu gọi bà con phải tới một lần, phải tới để một là học hỏi về làm một cái gì đó cho mình nhỏ hơn nhưng mà học hỏi của người ta, thứ hai là biết đâu mình tới đây rồi mình có thêm được một cái chỗ đi về, mai này khi cần tới, đừng có nói là mình không có cần. Sai. Ở đời tự nhiên mình đẩy mình vô cái chỗ mà vô phương lựa chọn là sai. Đừng có nói là không có ngày về Làng-Mai – Sai. Bất cứ đạo tràng nào miễn là có thờ Phật, có tu Phật, có tin Phật, có học Phật, mà mình là người thờ Phật thì dứt khoát là mình không có loại trừ trường hợp là mình sẽ về đó, 1 tháng, 2 tháng, 1 tuần, 2 tuần, 1 năm, 2 năm, khó nói lắm. Các vị mà bị sốc chuyện nhà một cái, sốc, ví dụ sức khỏe, tánh mạng một cái là lúc đó hốt hoảng, cuống cuồng đi tìm một nơi, lúc đó mới nhớ văng vẳng lời của tôi là trong đầu nên có vài ba địa chỉ dự phòng, nhớ. Còn ai mà cảm thấy không có điều kiện thì thôi. Không có điều kiện đi xa nhưng mà cũng có điều kiện đi gần chứ, phải có lận lưng vài địa chỉ, tin tôi đi. Tất cả bà con đang nghe chúng tôi trong bài giảng này, phải nhớ lấy lời của tôi, nha. Ngay từ bây giờ là phải bóc phone lục lạo, còn không lên internet tìm sẳn vài ba cái địa chỉ nào mà như tôi nói đó, đẹp không chưa có đủ mà phải hỗ trợ cho mình một nguồn năng lượng tâm linh, nếu được thì thêm những điều kiện sinh hoạt tốt, tiện, mình không cần sang, không cần đẹp, mà mình cần tiện, sạch và hiệu quả là quý rồi. Và chúng tôi đã học được rất là nhiều điều, thí dụ như cách dựng cốc mà cất khẩn cấp cho bà con, hay quá. Và tôi trở lại chuyện sáng nay, đó là khi thầy Tri-khách đưa chúng tôi đi, chúng tôi có hỏi tại sao chỗ này mình bỏ lơ vậy? Thì thầy trả lời một câu rất là đáng suy nghĩ. Thầy nói, muốn làm cho đẹp cũng được, mình không có thiếu người, nhưng mà thời gian, về đây là thời gian để tu chứ không phải là thời gian bắt người ta làm mấy cái chuyện này, ai phát tâm thiện tự nguyện thì thôi, nhưng mà số đó thì không có nhiều bằng cái số họ về đây họ tịnh tâm, đấy. Đó là một câu nói rất là hay. Xin bà con mạng xã hội đừng có cắt chỗ này rồi đi cắt xén, rồi chỉnh sửa, rồi gây oan trái không có nên. Nhưng mà phải nói chúng tôi nghe câu này chúng tôi rất là hoan hỉ. Tức là cái chỗ đạo tràng này tu hành là ngon lành rồi, nhưng mà nó có những chỗ mà chưa được chăm sóc tới nơi, và người trong nội bộ người ta trả lợi như vậy, người ta nói muốn đẹp thì dễ ẹc, dễ ẹc, có 3 phút thôi là đẹp ngay. Một rừng người ở đây mà, một rừng, ở đây người ta chỉ cần mỗi người chỉ cần hai ngón tay thôi, hai ngón tay là 100 người mà nó tràn từ ở trên đồi Thượng xuống xóm Hạ, 100 người mà người có 2 ngón tay là trong vòng 3 phút là nó đẹp, nhưng mà không. Truyền thống ở đây, tinh thần ở đây là cái gì? Về là cho bà con tu tập. Còn những trường hợp cá nhân mà phát bồ đề tâm muốn làm giúp gì đó thì lén lén là làm, chứ còn nâng hoạt động đó lên thành một hoạt động chính thức thì không. Thiền-viện mà, để cho người ta tu, cho nên đó là những cái chuyện rất là đáng suy nghĩ, phải không? Cái chuyện đầu tiên tôi muốn nói Trú-xứ nó gồm có hai: Trú-xứ cho tâm linh và Trú-xứ cho thể xác, đấy. Và cái gạch đầu dòng thứ hai đó là Thầy-Bạn, cái này nhiều người hiểu lầm lắm luôn, nhiều người họ hiểu theo tiếng Việt, theo văn hóa Việt, họ nghe chữ bạn cái họ hiểu bạn có nghĩa là ngang, bạn có nghĩa là ngang với mình gọi là bạn, nhưng mà không. Theo tinh thần trong kinh thì trên mình, bằng mình, dưới mình, miễn là người nào mà thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với mình, thì ngoài cái việc mà họ là Cha, là Mẹ, là Thầy, là Sư phụ gì đó, ngoài cái chuyện đó ra nha. Cái đó giữ nguyên nha. Mình không có bỏ mất cái giai đoạn họ đâu nha. Vị trí của họ là mình vẫn giữ nguyên nha. Nhưng mà mình phải nhớ rằng cái người đó đó, cái người ở cạnh mình họ còn có một vai trò và ý nghĩa thứ hai nữa đó là "bạn". Bởi vì "bạn" trong kinh ghi rõ đó, "Metta" là "Tâm-từ", mà "Mitta" là "bạn", nó có quan hệ hai chữ này. "Mitta" là "bạn", mà "Metta" là "Tâm-từ", "Metta" là cái tâm tình của người bạn, còn "Mitta" là người có cái tâm từ đối với mình, đấy. Vậy là "Metta" và "Mitta", rồi, vậy đó nha. Cho nên người nào sống mà biết quan tâm đến mình, quan tâm một cách tích cực, chứ còn mà rủ đi nhậu nhẹt, bài bạc, chích hút, nghiện ngập, hư đốn, sa đà, trụy lạc thì cái đó không có kể là "bạn", bởi vì cái đó phải là "tâm từ", phải không? Còn này ta nói cái người "tâm từ" là người luôn luôn muốn mình được tốt hơn, đấy. Là "tâm từ", nhớ nha. Rồi. Và như bữa hổm tôi nói chữ Minh-sư đó, tôi đã nói 1000 lần, bữa nay nhắc lại. Minh-sư là cái gì? Là thầy sáng, thầy tốt, thì ông sư, ông sư phụ, ông thầy của mình có nhiều điều kiện, có nhiều tiêu chuẩn để mình nhận diện, trong đó có ba tiêu chuẩn căn bản: 1- Một là Sư-phụ của mình không có trông đợi gì ở học trò Ổng không có cái gì mà ổng chực chờ để học trò đem lại cho ổng hết. Không. Cái đó là không được. Cái đầu tiên là Sư-phụ không có lòng chực chờ, mong đợi cái gì từ đệ tử và một cái lợi ích nào đó nó làm cho mình. Hhông. 2- Thứ hai, đã là Sư-phụ thì phải chú ý đến cái lợi ích của học trò. Cái một là ổng tu cho ổng là lúc nào đó, nhưng mà khi tiếp xúc với mình là phải nghĩ về mình, ổng không nghĩ tới ổng. Tôi nhắc lại, các vị hiểu lầm Sư-phụ nghĩa là người không lo bản thân, sai. Ổng lo cho ổng khi nào ổng ở mình ổng kìa, ổng thiền-định, ổng giữ-giới, ổng tu tập cái gì là chuyện ổng. Nhưng mà khi ổng tiếp xúc với mình, chuyện đầu tiên là ổng không có cái dấu hiệu gì ổng trông đợi ở mình. Thứ hai là ổng chỉ đặc biệt nhắm đến cái lợi ích của mình nè, của học trò nè. 3- Thứ ba, Sư-phụ nào không cần biết, có tóc hay không có tóc, luôn luôn là phải nhắc mình nhớ về Phật. Nhớ. Luôn luôn phải nhắc mình nhớ về Phật. Chứ còn Sư-phụ mà bôi xóa, làm nhạt nhòa hình ảnh của Đức-Phật trong lòng đệ tử, bắt đệ tử chỉ nhớ tới mình là không được. Sư-phụ phải luôn luôn cứ trong một hai câu nói hoặc là một hai giờ đồng hồ hoặc là tệ đó là phải là trong một hai ngày. Một là một hai câu nói, một hai giờ đồng hồ, một hai ngày, là phải nhắc đệ tử quay về với Phật, nhắc cho đệ tử nhớ để mà thương Phật, kính Phật, tri ân Phật, đó là thầy tốt. Còn thầy mà ở chung cả tháng mà sao không thấy nhắc Phật là không được, thầy dỏm, nha. Nhớ cái đó quan trọng. Cho nên chữ Thầy-Bạn đây phải hiểu vậy đó. Thầy-Bạn thì Thầy là cái người mà có điểm hơn mình và mình nhận làm học trò, đó gọi là thầy. Còn bạn thì bao gồm luôn cả thầy luôn, là bởi vì người nào thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, tiếp viện, hỗ trợ, cho mình về mặt tâm linh thì đó gọi là Thầy-Bạn, nhớ nha. Rồi. Và cũng theo trong kinh nói, chữ "bạn" ở trong Pāḷi nó có nhiều lắm, như sampavaṇka nè , sahāya nè, mitta nè, nhiều lắm. Trong đó nó có cái chữ suhada là cái người mà có lòng tốt với mình. Rồi nó có cái chữ dutiyaka là cái người song hành với mình, đi chung với mình trên đường đời, bạn đời hay là bạn đường, phải không? Bạn đường hay là bạn đời, sau này mình biết đạo rồi thêm bạn đạo. Bạn đời, bạn đạo, bạn đường, ba thứ bạn đó. Dutiyaka nghĩa là người thứ hai bên cạnh mình, từ người thứ hai trở đi thì được gọi là "bạn", phải không? Rồi. Thì Đức-Phật ở trong Tăng-chi Ngài dạy rất rõ, đề tài nào, tư duy nào, hình ảnh nào, trần-cảnh nào, mà nó thường ám trong đầu mình nhất, thì cái đó cũng gọi là "bạn" của mình. Có nghĩa là mình có tới hai thứ "bạn". Bạn ngoài, bạn trong. Bạn ngoài là tất cả những cá thể biết đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, buồn vui, nói chuyện. Nhưng mà "bạn" thứ hai nó là những tư duy, những suy nghĩ, những trần-cảnh nào thường xuyên nó ám trong đầu của mình thì cái đó cũng là "bạn". Nhớ cái đó nha. Như vậy thì Trú-xứ, chỗ ở, cũng có nhiều định nghĩa, mà cái chữ Thầy-Bạn cũng có nhiều định nghĩa. Mình học đạo học cho nó tới, chứ học mà lơ mơ thì nhiều khi mất mấy chục năm mang tiếng Phật-tử không được gì hết trơn, phải không? Thứ hai, Thầy-Bạn là vậy đó. Cái thứ ba nữa là Thời-tiết. Thời-tiết này rất là quan trọng. Không biết bà con còn nhớ không hay quên sạch rồi. (Nãy lên đây quên đem theo miếng nước, khát muốn chết luôn. Trưa nay ăn đây ngon thiệt, mà chắc tại vì xài bột ngọt, giờ ai cho được miếng nước kêu bằng Má. Thiệt). OK. Thời-tiết ở đây nghĩa nó rộng lắm. Thôi thì bây giờ tôi nhắc lại chuyện này, cái này chắc cả ngàn lần rồi, tôi nói một căn nhà mà coi như là lý tưởng, là phải hội đủ ít nhất hai điều kiện, đó là "cách âm" và "cách nhiệt". "Cách nhiệt" có nghĩa là ở ngoài sao đi nữa trong cũng OK. Mùa hè ở ngoài nóng le lưỡi mà ở trong vẫn mát. Mùa đông ở ngoài lạnh cắt da mà trong vẫn ấm. Thì cái nhà đó là nhà có khả năng "cách nhiệt". Còn cái nhà "cách âm" là sao? Là nhà mà coi như ở ngoài nó ồn cỡ nào, xe cộ rồi còi xe, rồi người ngợm cải vả, cười nói cỡ nào đi nữa, thì ở trong mình cũng im ru, phăng phắc, phải không? Thì cái đó được gọi là nhà có khả năng "cách âm", thì một người Phật-tử mà muốn an lạc thì cũng phải có hai khả năng đó, hai khả năng đó là có khả năng "cách âm" và "cách nhiệt". Nha. Người Phật-tử phải có hai khả năng "cách âm" và "cách nhiệt". "Cách nhiệt" là sao? Là đời nó có sao đi nữa thì tâm tu mình vẫn giữ nguyên không bị thay đổi, tôi hay nói cái tình ấm lạnh, lòng người nó có ra sao, cư xử của thiên hạ đối với mình có ra sao, thì mình vẫn cứ thẳng đường mà đi, phải không? Không có vì chuyện đời nó thương, nó ghét, nó chưởi, nó khen, mà mình bị giao động, thì đó được gọi là người có khả năng "cách nhiệt", đấy. Còn khả năng "cách âm" là sao? Là thị phi. Khả năng chịu đựng thị phi. Nó nói gì thì nói, mình giống như điếc vậy đó. Đó là cái khả năng gọi là "cách âm", mình muốn an lạc mà mình thiếu hai khả năng "cách âm" và "cách nhiệt" thì coi như là, mình muốn an lạc thì tôi nghĩ là chắc kiếp sau, mà nói kiếp sau mà tiếp tục như vậy nữa là chắc ngàn đời không bao giờ an lạc hết. Ngàn đời muôn kiếp, phải không? Kiếp nào không cần biết, phải có hai khả năng đó là "cách âm" và "cách nhiệt". Mà tại sao nó quan trọng? Là bởi vì thằng Đức nó có câu thế này nè, người Đức nó nói rằng: "Không có thời tiết xấu, mà chỉ có áo quần OK hay không mà thôi." Không có thời tiết xấu, chỉ có cái y phục nó có thích hợp hay không mà thôi, chứ còn đừng có nói thời tiết xấu, sai. Thời tiết nó xấu bằng trời đi nữa nhưng mà mình ăn mặc OK, thì nó cứ OK. Tôi thưa với bà con, tôi đâu có phải là người khỏe mạnh, cơ bắp sáu múi, đâu có. Vậy chứ tôi thèm cái cảm giác mà được đi ở trong tuyết lắm, bà con biết không? Thèm lắm, nó mát, thở nó sướng, thở nó đầy cái phổi, mà nó no, mà nó mát, mà nó yên tâm lắm, không có khói bụi công nghệ, công nghiệp gì hết, đã. Mà tại sao tôi lại thích đi trong đó tôi không sợ lạnh? Là bởi vì tôi ở Thụy Sĩ, vừa đi vừa về, cứ Mỹ - Thụy sĩ - Mỹ - Thụy sĩ - càng thời gian sau này, càng về sau tôi càng ở bên Thụy sĩ nhiều, thì tổng thời gian mà qua qua, lại lại là 15 năm, 15 năm từ năm 2008 tới bây giờ, cho nên tôi có tí kinh nghiệm trong chuyện mặc đồ ấm – giày mũ, khăn choàng, măng tô, jacket ổn định, nhất là áo bó người, ngon lành rồi, mà này tôi toàn xài đồ cũ không hà, đồ chợ trời không, ngon lành rồi thì đi ngoài tuyết đã lắm, và vì sao? Vì tôi đã có khả năng "cách nhiệt". Tôi có khả năng "cách nhiệt" cho nên tôi an lạc lắm. Gọi là cuộc đời nó có lạnh lẽo, nó có giá băng cỡ nào tôi vẫn cứ an lạc, tôi có những cái thú lạ lắm. Ví dụ như tôi thèm được ngắm trăng, trăng mà nó rọi trên biển tuyết, tôi nói chỉ có chết thôi, chết. Chỉ có chết. Những buổi chiều mà nắng vàng, nắng mùa đông, mỗi một giọt nắng như vậy đó giá trị tương đương với 1 ký vàng quý vị biết không? 1 ký vàng, đẹp lắm. Nắng vàng rọi trên tuyết. Cái đó đó mới là khó. Trăng mà trên tuyết thì dễ, nhưng mà nắng trên tuyết là khó. Tức là tuyết nó rơi trong ngày hôm qua, hôm kia, mà tại vì nó lạnh quá, nó không có tan, nó nằm đó, rồi bữa sau nắng nó lên đẹp lắm, tuyết nó chưa kịp tan. Tuyết mà nó gặp trăng là nó chết, mà nó gặp nắng nó cũng chết. Cái nào tôi cũng mê hết. Mà tại sao? Là vì tôi ăn mặc OK. Tôi có khả năng "cách nhiệt". Còn "cách âm" là sao? Càng biết Phật-pháp nhiều, mình coi thị phi nó như gió, như khói độc vậy đó, chút xíu là thôi, phải có khả năng đó. Mình tu mà mình cứ trông đợi có một thời tiết và khí hậu như ý thì tôi nghĩ khó. Thời tiết, khí hậu mà của thiên nhiên thì mình có thể tìm được, thí dụ như miền này không có qua miền đất khác, đất nước này không có qua đất nước khác, mình bay là mình đã tới rồi, tới được cái chỗ như ý. Nhưng mà khí hậu nội tâm làm sao mà tìm ở đâu? Anh phải tự dàn xếp chứ. Đấy. Phải tự dàn xếp, chứ bây giờ anh để ý, lúc này sao mà mình sân si quá ta? Sao lúc này mình yêu đời quá ta? Lúc này mình dễ ngươi, mình làm biếng tu quá ta? Thì đó là coi như khí hậu thời tiết trong người mình đang có vấn đề. Thời tiết tâm linh. Tôi gọi đó là thời tiết tâm linh. Khí hậu tinh thần. Thời tiết tâm linh. Không được. Phải có khả năng an lạc. Và có nhiều người họ ghét chúng tôi kinh lắm, không biết tại sao, mà giống như chúng tôi ăn của cha, nó thù kinh lắm, nó nói rằng cái ông này không biết có tu hay không mà sao ông nói chuyện tu nhiều quá, thì thôi nay tôi cũng nói nhỏ bà con nghe chuyện này, bà con nghĩ tôi sao cũng được, nhưng có chuyện này bà con tin nè. Thứ nhất, tôi 55 rồi, cái đó bà con phải tin chuyện đó, tôi không còn trẻ nữa, tôi chỉ cho coi chỗ này nè, nhìn già, phải không? 55, mà 55 của tôi là nó bằng 65 của người khác, tôi già thiệt. Thứ hai, tôi có sợ chết, chứ không phải là tôi không có sợ đâu, phải không? Chắc bà con các vị tin chuyện này, cái chuyện tôi già thì tôi bịa ra làm cái gì, phải không? Rồi cái chuyện mà tôi sợ chết không lẽ tôi bịa ra, không lẽ quý vị không có tin tôi sợ chết sao? Rồi. Thì tôi có để ý cái này, khi mà sợ chết thì có cách nào mà bằng cách tự dàn xếp mình cho nó bớt "teo", người ta chửi tôi biết bao nhiêu, người ta nói tôi thuyết pháp xài chữ "thô", thì tiếng Việt tôi không có nhiều, tôi xài chữ Việt, tôi xài chữ "teo" cho nó rõ, "teo" chứ, thì phải nghĩ sao cho nó bớt "teo", phải không? Chứ tôi thấy mấy người hấp hối tôi ớn quá, ớn quá. Ngáp ngáp ngáp ngáp không chịu đi, rồi tiếc của, rồi thương người, rồi sợ chết, sợ đọa, tùm lum hết, ghê lắm. Thì mình phải tự dàn xếp, phải tự dàn xếp. Tôi nói mình có tu hành mà cà chớn cỡ nào đi nữa, cũng phải chuẩn bị ngày mấy tiếng đồng hồ, phải mấy tiếng đồng hồ, mấy tiếng đó có thể là ngồi im re nhắm mắt lim dim, hay là mấy tiếng đó nghiên cứu kinh điển, mấy tiếng đó ngồi yên trầm tư, mấy tiếng đó đi bộ, vừa vận động, vừa tư duy, hết cách này qua cách khác, để cho có thể thanh thản ra đi, nhớ nha. Cái này các vị phải tin thôi. Chứ còn mình nghi ngờ người ta, không biết ổng nói ổng có tu không? Cái chuyện của ổng. Nhưng mà nếu ngược thời gian mà ổng còn dưới 30 thì may ra mình nghi được, chứ cái tuổi này thì ghê lắm, tuổi này dù có cà chớn cách mấy, ngày cũng phải mấy tiếng đồng hồ chứ, phải không? Chuẩn bị đi. Tôi nói rồi, một nơi chốn tu học, mà mình đòi hỏi phải có khí hậu thời tiết thì đã khó, mà nói gì là thời tiết tâm linh và khí hậu tinh thần thì cái này khó lắm, khó lắm lắm luôn, nha. Khó lắm luôn. Cho nên mình phải có khả năng trao dồi nỗ lực để mà tình đời, cuộc đời, nó có nóng, nó có lạnh, nó có mát cỡ nào, mình không mê cái mát, mình không khổ tâm vì cái nóng, cái lạnh, là mình tu tới rồi đó, tôi đang nói đến "Thời-tiết tâm linh" và "Khí-hậu tinh thần" đấy, phải không? Rồi. Cuối cùng đó là Thực-phẩm. Thì cũng kinh nói. Kinh nói: Thực-phẩm nó có hai: 1- Thực phẩm cho "xác" 2- Thực phẩm cho "hồn" "Phần hồn, phần xác". "Phần xác" cơ thể mình không có ăn là chết, không ăn là chết. Ăn ít là cũng chết, ăn thiếu là chết, suy dinh dưỡng, mà ăn nhiều bội thực cũng chết, nhiều về số lượng là bội thực, mà ăn nhiều là dư chất cũng chết. Ăn quá nhiều đường, quá nhiều cholesterol cũng chết, phải không? Cho nên phải cẩn thận. Thức ăn đó là thức ăn "thể xác". Thức ăn "thể xác" là phải ăn đồ lành, ăn đúng liều lượng, phải không? Thì cái đó mình mới khỏe, còn ăn đồ độc, ăn không đúng mức, đúng chuẩn thì cũng chết. Còn thức ăn "tinh thần" là sao? Là cái đề tài tư duy nào, nếp sống tinh thần nào, mà nó làm cho mình được bình thản, được trí tuê, nhẹ nhàng, buông bỏ, yêu thương, bao dung, thì đường lối đó, chính cách sống đó, tư duy đó, được xem là nguồn thực phẩm cho "tâm linh". Còn tư duy nào, suy nghĩ nào, mà mình cứ sống với nó hoài để rồi chính mình bệ rạc, đổ đốn, Tham, Sân, Si đầy ắp, mà Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mòn hao, mong manh thì không được, coi như lúc đó đời sống tinh thần chúng ta đang bị bỏ đói, đang bị suy dinh dưỡng, đang bị suy kiệt. Mình sống làm sao mà mình có thể an lạc với một mình mình, có khả năng cười một mình như là một cái thằng khùng vậy đó. Sống là, nghe cho kỹ nè: Có khả năng cười một mình như một thằng khùng, có khả năng sống đơn giản như một thằng nghèo kiết xác, có khả năng sống bờ bụi như một thằng vô gia cư, có một khả năng gọi là buông bỏ, bất nhận lục thân như là một người mồ côi, mà lại có khả năng yêu thương muôn loài, vạn loài, như là một vị Bồ-tát, phải học tu bằng mấy cái chữ "như" như vậy đó. Đấy. Có khả năng cười một mình như một thằng khùng, có khả năng gọi là thanh thản đối với tình thân như một người mồ côi, có nghĩa là không bị nặng lòng, nhưng mà có khả năng yêu thương muôn loài như là một vị Bồ-tát. Tu 6 chữ "như" này là coi như không đắc mới lạ, không an lạc mới lạ, đủ duyên thì đắc, còn nếu mà không đủ duyên ít nhất cũng được an lành. Tu 6 chữ "như", phải không? Đấy. Đó là 6 thứ Thực-phẩm. Mình tư duy, mình học, mình nghĩ, mình hành, như thế nào mà cho đời sống mình nó được như vậy. Được 6 chữ "như" này, đó là 6 nguồn Thực-phẩm cho "tâm linh". Còn đằng này anh ăn mập cái thây, sâm, lộc nhung, ổ yến tùm lum, phải không? Mà trời đất ơi, đời sống tinh thần, niềm tin, trí tuệ, chánh niệm, thiền định, từ tâm, cái nào cũng không ra cái gì hết, thì cái đó gọi là "vỗ béo". Đó chỉ là "vỗ béo" thôi. "Vỗ béo" thân xác, chứ còn một nửa đời sống của mình, tức là về mặt tinh thần bị bỏ ngõ, bị buông trôi, thả nổi, mà cái người sống chỉ có một nửa như vậy đó, các vị nghĩ coi được không? Đời mình nó phải là 100%, nửa hồn, nửa xác, mà bây giờ chỉ lo "phần xác" mà không lo "phần hồn", vậy người đó sao ta? Chết hết một nữa. Mà cái người chết một nửa người ta gọi là cái gì? Là "bán thân bất toại". "Bán thân bất toại" nó có hai trường hợp: 1- Một là do đột quỵ, do stroke. 2- Trường hợp thứ hai là do đời sống tâm linh tinh thần có vấn đề, cho nên người này gọi là người "bán thân bất toại". Mặc dù họ đi te te, họ đánh tennis, họ chơi golf, họ chạy marathon, họ đi xe đạp, leo núi, trượt tuyết gì không cần biết, nhưng mà trong đạo mình gọi người đó là người "bán thân bất toại". Có nghĩa là nó chỉ điều hành được cái thân của nó thôi, còn mặt tâm linh tinh thần nó chây ì ra đó, nó nằm lì một chỗ như vậy đó. Nhớ cái đó. Nó phải đi lên, đi tới và đi ra mới khá. Còn đằng này cứ chây ì ngay điểm xuất phát, đó gọi là người "tàn tật", người đó là, thậm chí người đó gọi là "cái xác chưa có chôn" cũng được nữa. Bởi vì nó chỉ còn cái "phần xác" thôi. Còn "phần hồn" là coi như xong rồi. "Phần hồn" là coi như kết thúc, đúng không? Mà nó chỉ có "phần xác" mà không "phần hồn", vậy nó không phải là "cái xác chưa chôn" chứ còn gì nữa? Kêu nó "bán thân bất toại" là hên đó. Là hên. Nó là "cái xác chưa có chôn", đấy. Cho nên hôm nay về thăm đạo tràng Mai-Thôn tức là Làng-Mai, và tôi nói bà con không có tin, mà tôi đi tôi nghĩ về bà con rất là nhiều, ở đây thắc mắc hỏi: Ông biết tôi là ai không mà ông nghĩ về tôi? Lại ngu nữa. Tôi nghĩ về quý vị là tôi nghĩ về những người có nhu cầu tâm linh, những vị có nhu cầu tìm về một nơi chốn như thế này để sống an lạc, tôi nghĩ về những người mà mai này tôi có thể gặp họ ở Kālāma, ở các Thiền-viện nào đó, tôi biết có rất nhiều bà con tội nghiệp lắm, muốn mà không có tiền. Có người có tiền mà sức khỏe không cho phép. Có người thời gian không cho phép. Có người gia đình không cho phép, chồng không cho, vợ không cho, con không cho, Ba Má không cho, anh chị em không cho, tội nghiệp lắm. Gia đình không cho, tiền bạc không cho, thời gian không cho, sức khỏe không cho, còn có người còn nhiều cái, có nhiều người còn lạ nữa, tôi không biết cái gì không cho, mà nói vị hiểu. Xa quá, xa quá đường đi cực quá họ cũng ớn. Cái đó là chính mình không cho. Có vụ chính mình không cho đó nha. Cha không cho, Mẹ không cho, chồng không cho, vợ không cho, con không cho, em không cho, chị không cho, đúng rồi. Tiền bạc không cho, sức khỏe không cho, thời gian không cho, nhưng cuối cùng có cái là chính mình không thèm cho mình cơ hội. Nghe xa quá ngán, có tiền, có thời gian mà nghe xa quá ngán. Nghe tốn kém quá ngán. Nghe cái chỗ đó cực quá cũng ngán, nghe cái chỗ đó khó khăn cũng ngán. Đó là tự mình không cho. Nhớ cái đó. Cho nên là khi mà tôi đi đây tôi nhớ bà con là những người đó đó, tôi nói, trời ơi, ước gì tất cả những bà con nào có lòng tu, có lòng học, phải không? Mà có dịp ghé đây, ghé Làng- Mai. Rồi gì nữa? Ghé qua Pa-Auk rồi gì nữa? Ghé qua Kālāma. Rồi ghé vài ba cái Thiền-viện của Thái bên bờ sông Chao Phraya, Bangkok, phải không? Đi coi, đi vòng coi đâu nó hợp với mình. Ráng. Tại sao tôi cứ nói hoài mà các vị cứ đòi chém tôi. Tôi nói phải học giáo lý. Phải học giáo lý để là chi? Để mình biết, thứ nhất là tự biết đường tu. Hai là có giáo lý mình mới biết cái gì là Minh-sư Thiện-hữu. Ba, cái này quan trọng. Có giáo lý lót lòng rồi đó, nơi nào thấy được được, bèn xách ba lô tới, đấy. Còn cái thứ mà không có giáo lý nó đâu có tư cách làm cái chuyện đó. Giáo lý không có, mà mình kêu học thì chưởi mình, không biết ai xúi giục kêu đừng có học, giữ tâm rỗng rang không cần học, thì OK, thì tùy. Nhưng mà nó rỗng rang thời gian, tới lúc mà đụng chuyện đi mình không biết gì hết. Đằng này cứ học đi. Học để lấy căn bản, học. Học xong rồi đi qua Miến-Điện, Thái-Lan, Làng-Mai, làng mốt gì cứ thoải mái, làng Mai, làng mận gì đó, cứ đi. Như Làng-Mai bây giờ đó, bà con có giáo lý, phải không? Qua Làng-Mai ở tháng, hai tháng. Vừa rồi có một thầy ở bên Pháp, ở Nice, qua học lớp ở bên Thụy Sĩ, rồi thầy than, thầy nói thầy cần tìm một Trú-xứ thích hợp hơn để mà được an lạc, để được tu tập tiến bộ, thì rất nhiều bà con gợi ý cho thầy về Làng-Mai. Và tháng 10 này là thầy chính thức từ Nice thầy về đây. Về Bordeaux để mà ở đây. Thì chuyện của thầy là chuyện người thật việc thật, nhưng mà tôi muốn nói thông qua đó, là mong bà con có được một vốn liếng giáo lý, trang bị một nền tảng Phật-học căn bản, không có cần giỏi, bác học, học giả, không cần. Nhưng mà đại khái tôi gọi là căn bản, để mà có thể thanh thản, tự tại, ung dung, thoải mái, đi đến bất cứ nơi nào mà mình thấy thích hợp. Vì thầy bạn, vì thời tiết, vì phòng ốc, mà chỉ cần thấy đó thích hợp là mình cứ tới. Đó là cái lòng của tôi đối với các vị. Tôi đi mà tôi nghĩ đến các vị là nghĩ chỗ đó đó, nghĩ chỗ đó đó. Trời ơi, chứ phải mà họ về họ học ở Kālāma, học với ai cũng được trơn á. Phải học giáo lý. Học xong rồi bắt đầu qua đây, qua bên Làng-Mai, đi qua bên Thái. Trời ơi, tôi chưa có kể các vị nghe mấy cái Thiền-viện của Thái nằm sát bên bờ sông Chao Phraya, nó mát lồng lộng. Nó mát lắm. Trước chùa có cái bến đò, bến đò dọc. Trời ơi, mình ở mình tu nửa tháng, khi nào buồn buồn lén lén ngó trước, ngó sau không thấy ai cái mình chun xuống bến phà, bến đò, phải không? Mình cư sĩ mà, mình đâu có sợ, đúng không? Ông sư mới sợ chứ cư sĩ đâu có sợ. Chun xuống dưới phà chạy về phố, đò dọc nó cứ ghé bờ sông này trạm, nó qua bờ sông kia trạm, hay lắm, hay lắm. Ví dụ trạm 13 là cái chỗ trạm Sathorn, là trùm về mấy cái Đại-sứ-quán, Tổng-lãnh-sự, qua đó xin Visa, vi siết, qua đó rồi cái trạm số 5 là China Town, trạm 23, 10, 23 đó, rồi chỗ đó nhớ hình như 23 hay 18. Wat Pho, Wat Phra Kaew, Wat Arun, Wat Rakhang – Mấy chùa nổi tiếng không hà. Đó rồi về phố, ghé China Town, ăn cơm tấm, xá xíu, ăn dimsum, ăn trái cây, rồi thỉnh chuông, thỉnh tượng, mặc quần là áo lụa, ngà voi, trầm hương, tổ yến, sâm lộc nhung gì đó, làm cho mày một cái ba lô xong rồi trở về Thiền-viện tu tiếp. Đó. Thái-Lan đã lắm. Trái cây rồi đồ nướng, đồ chiên, đồ xào bán đầy phố. Đó là cư sĩ đó. Còn không là cứ xách ba lô về Chaing Mai, Chiang Rai. Mát lắm, mát lạnh như Đà-Lạt vậy đó, xong rồi về Miến-Điện. Tôi đâu có xúi quý vị về Kālāma. Nhiều người, Trời ơi! nó ăn cái gì nó khôn quá khôn. Nó cứ tưởng mình kêu nó về Kālāma. Trời ơi! Tôi có mập béo gì đâu? (Khát nước. Quá khát). Cứ nghĩ đi, cứ học giáo lý rồi đi tùm lum, thương là thương chỗ đó. Thương ở chỗ phải học giáo lý, rồi có điều kiện đi chỗ này chỗ kia. Trời ơi, bây giờ tôi giảng bà con xong tôi lại đi nữa nè. (Xuống uống một bụng nước xách thêm một chai nữa). Ở đây được cái toilet sinh thái nó đầy hết. Có những con đường không lẽ giờ mình, tôi giờ tôi lười ba cái vụ quay phim, chụp hình, nó nản lắm. Các vị biết tôi ghét mấy người đi đâu cầm cái máy chụp chụp, mấy người đó kỳ lắm, cảnh thật không nhìn, quay chụp toàn là, rồi tối về coi cảnh giả, mình nhìn cách sống của họ là biết đời sống họ là mê ảo, cảnh thật thí dụ như mình thích, như hồi sáng tôi tới chỗ, trời lúc đó đang trời mưa lất phất, lất phất mà tôi đi ngang cái triền đồi gặp mấy chục vị Phật mình ngồi đó. Tôi phải nói rằng lúc đó tôi không hề diễn xuất, đầu gối tự nhiên nó khuỵu xuống, đó là ba cái cúi lạy mà tôi phải nói rằng nó chơn tâm, nó nhiệt tình, mà nó sung sướng, lạy Phật mà nghe nghẹn, Phật ngồi bên một cái triền dốc mưa, một cái triền mưa, mấy chục vị ngồi mà đẹp lắm. Dân Pali nói là Hồi-giáo hay là Ấn-giáo tôi không biết nha. Dân Bali nói Ấn hay Hồi mình không biết, mặc dù Indonesia là Hồi, mà mấy nghệ nhân của họ, trời ơi, cái gọi là cái tôn nhan, tôn dung, chỉ có chết thôi, chết. Các vị vào Google đánh thử cái chữ là Bali, “B” trên, Bali buddha đẹp lắm luôn, bằng đá đen núi lửa đẹp lắm luôn, mà cái hình ảnh mà tôi mặc y thế này mà tôi không sợ dơ, mà đâu có dơ, cỏ sạch lắm, tôi khụy người xuống, tôi quỳ tôi lạy ba cái lạy mà nó đủ sanh thiên. Mà nghẹn. Mấy chục vị đẹp không. Bên cái triền mưa, đẹp lắm luôn, đẹp lắm luôn. Ừ. Rồi khi tôi đứng dậy tôi đi tôi nghĩ tôi nói: Trời ơi! Biết mong sao, làm sao mà mấy bà con của mình, bà con đây tức là tất cả, tôi không biết là bao nhiêu mạng, những người có lòng tu, lòng thương Phật, nhớ ơn Phật, muốn tu thiền, muốn học giáo lý, làm sao có dịp mà về đây? Họ phải về đây. Họ về đây đó là ngoài cái chuyện của họ đó là họ sẽ nhớ ơn mình, họ nhớ ơn mình, tại sao mình bắt họ về, mình nài nỉ, mình ép buộc họ về đây, họ phải về đây một lần, đấy. Rồi học giáo lý, đi tới mấy chỗ này rồi về học giáo lý, nó kích thích, đấy. Hoặc là học giáo lý xong tới mấy chỗ này để mà tu tập, đấy. Phải học giáo lý quý vị à. Phải học đặng chi? Chỗ nào mà mình thấy ngon lành là mình xách ba lô mình nhào tới. Trời ơi, nói các vị nghe các vị đau chứ. Phòng ốc ở đây trừ ra cái lúc cao điểm mấy ngàn người về, chứ ngoài cái cao điểm ra nó đầy, đầy, đầy, nhiều lắm, nhiều lắm lắm luôn, nhiều lắm luôn. Và Làng-Mai hồi xưa đó là cái trang trại nuôi bò heo, mà cả 1, 2 trăm năm về trước, cho nên cái tường của nó dày khoảng, Việt Nam mà 40 qua đây là rác, tường 40 là tường rác, cái tường này đó phải gọi là, tôi nghĩ là 60, tường này phải là tường 60, tường 60, 70, để chi? Để thời xưa không có máy sưởi, không có máy lạnh, thì bò với heo nó có thể chịu được các thời tiết, đấy. Và Sư ông Làng-Mai giữ nguyên, giữ nguyên, chỉ có chỉnh sửa thôi chứ không có đập phá, chỉnh sửa để sử dụng, hồi xưa chuồng bò, chuồng heo, chuồng ngựa, bây giờ thì cho người ở, như cái chỗ ngày qua giờ tôi đi qua nguyên cái xóm Sơn-Hạ này nè, là toàn mấy chuồng không, mà sửa lại đẹp lắm lắm lắm luôn, như cái thiền-đường, như chánh-điện mình là ngày xưa cũng là chuồng trại đó. Hay lắm. Thì tôi mong bà con học giáo lý, rồi ai có điều kiện, không có điều kiện mình đi gần, không có điều kiện đi Thái-Lan, đi Miến-điện, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, túi nhỏ làm việc nhỏ, nha. Người ta là "tuổi", còn mình là "túi", "Túi" nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Còn ai có điều kiện nên đi về Thụy-Sĩ, nên đi về Làng-Mai. Còn ai mà sung nữa đó tôi bày cho đi Na-Uy. Trời ơi, Na-Uy mà chỉ cần trang bị đồ ấm cho ngon, trời ơi, suối nước thiên nhiên là múc uống trực tiếp. Nếu sợ thì xách theo cái chai mà Katadyn, chữ “Dyn” ở đây là "y dài" đó, phải không? Katadyn mà kiếm cái có filter đó. Tôi có hai cái luôn, đi đâu lận tới đó. Thật ra nước suối của Thụy-Sĩ, của Na-Uy là gần như là uống được rồi đó, nhưng mà mình có lòng ngại, đúng không? Ngại thì mình cứ xách cái Katadyn theo lược, lược trực tiếp gọn lắm, nó giống như cái đèn pin vậy đó. Gắn cái ống đằng kia nó có cái bình, nước đầy nó nhiễu ra cái chai rỗng mình chứa đầu này nè, nó đầy bình kia cái nó chảy xuyên qua cái nó bằng cái đèn pin vậy nè, bằng nó lớn hơn cái trái chuối già chút, cỡ này nè, cỡ này. Nước nó vô đầy bên này cái nó chuyển qua bên cái chai dưới, múc là uống luôn, rồi thức ăn, nước uống, rồi khí hậu, bên đây là thở miễn phí mà trong lành. Tôi thiết tha mong bà con nào có lòng tu làm ơn đừng cất nhà cao, cửa rộng, rồi hồ cá Koi, rồi mấy cái bàn đá bằng cẩm thạch mấy tỷ, rồi gỗ lũa, rồi nghiến, nụ, đàn hương. Mệt lắm. Dẹp, dẹp, dẹp. Mấy cái đó dẹp hết không có mua, để dành nuôi ống heo đi tu, đi tu thiền, đi Bắc-Âu nè, Tây-Âu, Thụy-sĩ, Pháp, phải không? Rồi đi qua Thái, Miến, Tích-lan. Trời ơi, Tích-lan. Tích-lan có mấy cái đồi trà chỉ có chết. Đi về vùng Kandy hoặc là bên Ấn-Độ có vùng Ladakh, Kerala, Dharamshala… Trời ơi, chết, quý vị ơi. Chết, chết, chết. Nó đẹp dữ lắm luôn, tức là mình đi tới đó mình mới tin là có thiên đường. Mình tu mình không có đi kiếm mấy chỗ đẹp để mình hưởng thụ. No. Sai, sai. Nhưng mà mình kiếm cái chỗ nào nó thích hợp như trong Sumangalavilāsinī nói rất rõ tại sao Thế-Tôn chọn Kuru để mà thuyết kinh Tứ-Niệm-Xứ lần đầu tiên? Bởi vì nhân tình ở đó nó mềm, nó dễ thương lắm, nó mềm, nó ngoan, nó hiền, mà khí hậu thời tiết ở đó chẳng thể nghĩ bàn, đấy. Cho nên là Phật đã chọn chỗ đó để mà giảng kinh Niệm-Xứ, thì cái đoạn kinh ngắn ngắn, có mấy câu mà tôi vừa trích dẫn, tôi thấy hình như đó, hình như đó là cái thế giới khách quan nó cũng có đôi chút quan trọng. Đấy. Thì mong bà con học giáo lý, phải không? Giữ sức khoẻ, phải không? Nuôi heo đất, phải không? Học giáo lý, giữ sức khỏe, nuôi heo đất, rồi lục lọi tìm hiểu qua người, qua bạn bè hoặc là qua internet, phải không? Hoặc là muốn cho chắc ăn nữa là vô YouTube coi phim trực tiếp vùng đất mà mình muốn tới luôn. Ladakh là vùng trên núi cao mát lạnh, đồi trà bạt ngàn. Kerala là vùng biển nó đẹp như là Nha-Trang, đẹp lắm luôn, còn không Dharamshala thì nó giống giống như Làng-Mai của Pháp vậy đó. Hay lắm. Nhớ nha. Thì nhân tiện đang có mặt tại Làng-Mai, với một lòng phải nói là thiết tha nghĩ về chính mình, phải nói thiệt là nghĩ về mình trước, tuổi già của mình, rồi nghĩ đến những người bà con giống giống như mình, mong mỗi người làm ơn định nghĩa lại, thế nào là Thầy-Bạn? thế nào là Trú-xứ? Thế nào là Thời-tiết? Phải không? Mình phải sống sao để mình có thể được an lạc, chưa đủ, tiến bộ, để chi nữa? Cho đời sau, kiếp sau sinh ra khi nào giải thoát thì thôi, gặp Phật thì khỏi nói, phải không? Còn nếu mà chưa được gì hết, chưa giải thoát, chưa gặp Phật thì đời đời sinh ra phải điều kiện nào cần thiết cho đời sống tâm linh mình có hết. Đẻ ra là khỏe mạnh, không túng thiếu nhưng không hưởng thụ, khỏe mạnh, đẹp người, đẹp nết, nhưng mà không hưởng thụ. Quay lại con đường tâm linh như kiếp xưa, gặp Phật-pháp đi xuất gia, làm cư sĩ, phải không? Còn không nếu không gặp Phật-pháp ít ra cũng biết đeo ba-lô đọc sách, sống một mình, tư duy. Đó là những gì chúng tôi từ đạo tràng Mai-Thôn, chân thành nghĩ tưởng đến biết bao nhiêu bà con Việt Nam đã và đang, cũng như sẽ gặp nhau tại một Thiền-viện, một đạo tràng nào đó. Rất mong là nguyện ước của từng người sớm được thành tựu. Xin chúc các một vị một ngày vui và một đêm an lành. 🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. ☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây: https://www.youtube.com/live/lNc_yb3JLw4?si=HvpnVT0hIyDts0o1 --------------------------- Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏 |
Youtube video Xem thêm: |