← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản 26

Thứ Sáu, ngày 19/07/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

ĐIỀU KIỆN & GIẢI PHÁP

Thưa với tất cả bà con, tôi nói rất là nhiều lần, chúng ta có rất nhiều cách nói về bản thân mình, về cuộc đời, về thế giới, về vũ trụ. Tất cả do "duyên" mà có, đó là cái nguồn gốc. Tất cả do "duyên" mà có. Từ mặt trăng, mặt trời, các tinh tú, thiên thể, đại dương, vũng nước mưa, hạt cát hay là ngọn núi, chiếc lá, sợi tóc, các loài nhuyễn thể vi sinh cho đến những động vật mấy chục tấn ở dưới biển, tất cả do duyên mà có. Như vậy cái nguồn gốc đó là chữ "duyên", và toàn bộ hoạt động của chúng ta đương nhiên cũng không nằm ngoài chữ "duyên”, do duyên mà có. Và để tiếp tục hiện hữu, hoạt động, vận hành ở trong cuộc đời này, thì muôn loài sinh vật, trong đó gồm có thực vật, động vật, khoáng chất, kể cả khoáng chất, thì muôn loài phải tự tìm tới thông qua các duyên, tự tìm tới những điều kiện để mà tiếp tục tồn tại. Thì như mình thấy, một bãi phân của con chim, nó ăn rau trái, củ quả đâu đó không biết, rồi nó đi bừa ở trên một cái đầu tường, một cái vách đá, thì nắng gió mưa sương là những cái duyên, những cái điều kiện, để cho hạt giống trong bãi phân chim nó được nảy mầm. Và từ cái hình vóc bé xíu của mầm sống nhỏ nhoi ấy, thì cái cây tí ti, cái mầm sống tí ti đó, tự nó phải tiếp nhận thiên nhiên, các nguồn sống từ nắng gió mưa sương để mà nó phát triển, và cuối cùng chúng ta có những cây đa, cây đề mọc ở đầu tường, những nhánh lan rừng ở trên vách đá ngàn trượng, những tưởng là không ai có thể đặt chân lên đó nói gì là chăm sóc, phải không? Ấy vậy mà, những cái sinh vật đó nó vẫn tồn tại, nó vẫn phát triển, thì như vậy chốt lại, tôi muốn nói cái gì?

Cái gốc của chúng ta là từ do các duyên mà đến, rồi chúng ta cũng phải tự tìm tới, và có đôi khi chúng ta phải tạo ra các duyên để mà tiếp tục hiện hữu, vận hành, và tồn tại. Thì nói như vậy, đời sống của mình, tôi nói một lần nữa, có nhiều cách lắm, có nhiều chữ lắm, có nhiều cách diễn dịch lắm, để trình bày, để giải thích, để nói về bản thân mình và thiên nhiên chung quanh, muôn loài chung quanh. Nhưng mà trong bài giảng sáng nay, tôi đặc biệt muốn nhắc đến hai chữ. Đó là chữ "duyên" hay là chữ "điều kiện", là “condition”. Và toàn bộ đời sống của chúng ta trên nền tảng của điều kiện đó, trên nền tảng của chữ “condition” đó, từ vật hữu thức, hữu tâm, cho đến loài vô tri, thì trên điều kiện của chữ “condition” đó, trên điều kiện của chữ "tâm", trên nền tảng của chữ "duyên" đó.

Chúng ta có chữ thứ hai đó là chữ “resolution” tức là "giải pháp", resolution –giải pháp. Dầu là lời vô tri, tự nó, thí dụ như là mình thấy cái cây nó nằm kế bên mé nước là nó có khuynh hướng nó de ra, nó de ra mé nước để ở đó nó tiếp nhận được nhiều hơi nước hơn. Hoặc là khi cái cây mà nó de vào, bên cạnh nó có cái nhà là nó phải tránh, tự nó tránh, nó phải đi tìm hướng khác để nó phát triển, thì khi nó tìm được một cái hướng để nó đi nữa, nó tồn tại, nó phát triển, nó vận hành, thì tôi gọi cái hướng đó là “resolution”, là "giải pháp". Tôi nói lại một lần nữa, cái cây mà nó còn cần đến những giải pháp để nó giải quyết những cái problem của nó, những cái vấn đề của nó, thì mình cũng vậy. Từ một con giun đất, tại sao nó không bò qua bên đây mà nó lại chun qua bên hướng kia, ở trong đất ý? Vì bên đây nó chạm phải một vật mà nó không có xuyên thấu được. Ví dụ như nó đang rút ở trong đất mà nó gặp khối đá, hay là gặp một miếng tole, một miếng kim loại, hoặc là mình biết bây giờ là rác thải của nhân loại bây giờ nó dễ sợ lắm. Thí dụ mấy miếng foam chẳng hạn. Nó cần đến một thời gian rất là lâu để mà có thể tự hủy. Thì mấy cái đó nó làm cho đất trở nên khó sống hơn, nó không còn là môi trường đẹp như là trước đây nữa. Đó là lý do tại sao mà các nhà bảo vệ môi trường người ta vận động mình hạn chế sản xuất, tiêu thụ, và xả rác những thứ mà khó tự hủy là chỗ đó đó. Ngay cả con giun mà nó gặp cái đó nó phải né, nó đi tìm một hướng khác, thì cái hướng đó gọi là resolution. Và chúng ta cũng vậy. Người giàu có vấn đề người giàu. Người nghèo có vấn đề người nghèo. Người phàm có vấn đề người phàm. Và bậc Thánh cũng có vấn đề bậc Thánh. Hễ còn có cái hiện hữu là có vấn đề. Thí dụ như vị A-La-Hán hết phiền não, nhưng mà Ngài cũng có vấn đề của Ngài chứ. Vấn đề gì? Vấn đề Ngài nhẹ thôi, lạnh, nóng, đói, khát, bệnh, phải không? Bệnh, ngứa, tê, nhức, buốt,… Vị A-La-Hán còn chứ. Còn. Thì khi còn như vậy các Ngài cũng phải tìm đến những giải pháp theo cái cách của một bậc Thánh. Còn mình thì sao?

Trong bài giảng ở Thụy-Sĩ, trong lớp học 3 tuần, tôi có nói đến một chuyện, đó là mỗi người chúng ta sanh ra trong cuộc đời này đều bị giam nhốt ở trong hai cái thứ nhà, nhà ngục, nhà tù:
1- Nhà tù "Nhân"
2- Nhà tù "Quả"

Nhà tù "Quả" là sao? Tức là cái sự hiện hữu của chúng ta bây giờ nè, 6 Căn của chúng ta bây giờ do tác động của tiền-nghiệp quá-khứ mà chúng ta phải đi vào bụng Mẹ, vào bụng của con heo, con chó, con bò, con trâu, con vịt, con chim, hay là đi vào bụng Mẹ nhưng mà của nhân loại, và trong cái nền tảng sinh học đó, chúng ta phải tiếp nhận một cái mã di truyền, để mà lớn lên chúng ta thông minh, khỏe đẹp, có nhiều khi đẹp nhưng mà không có khỏe, có khi khỏe đẹp nhưng mà không có thông minh. Đó là nói về sinh-học. Còn về tâm-lý thì ở trong cái gen di truyền đó, trí-tuệ chúng ta khó mà phát triển lắm, khó lắm. Thí dụ như bây giờ chúng ta sinh ra trong một dòng máu, trong một huyết thống, mà trải qua nhiều thế hệ thiếu cái sự tôi luyện, hun đúc, Bố Mẹ chỉ quần quật thôi, thì trong cái gen di truyền đó con nó khó lắm, nếu mà mình sinh ra trong một cái gen di truyền tốt, nhiều đời khoa bảng thì nó sẽ khá hơn.

Ở đây đương nhiên không có phải mã di truyền là tất cả nha. Bởi vì có những trường hợp như mình thấy Đức-Phật mình đấy, Ngài vĩ đại chừng ấy. Nhưng mà cái gốc của Ngài là Vua Tịnh-Phạn và bà Ma-Da đó, thì chưa được một phần tỷ của Ngài nữa. Hai vị đó khả kính lắm, vĩ đại lắm, công đức nhiều lắm, trời biển lắm, mênh mông bao la lắm, nhưng mà không bằng Đức-Phật, không bằng một phần tỷ Đức-Phật. Nhưng mà trên cái nền đó, Ngài lại có một hướng đi riêng. Đó là trường hợp đặc biệt. Mà đa phần thì chúng ta khó mà thoát ra được cái nền, cái khung của tiền-nghiệp. Nó đẩy mình vô đó. Thường mình bị kẹt trong đó. Thí dụ như mình sinh ra trong một môi trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, ở những vùng khó tiếp cận nền văn minh bên ngoài, chuyện đi lại truyền thông nó khó khăn, thì mình cứ sanh con ra bao nhiêu thế hệ, nếu mà không có vùng thoát, khó lắm. Chưa kể là cái mã di-truyền của mình. Thí dụ như mình sinh ra trong một cái dòng tộc mà cao máu, tim mạch, ung thư, tiểu đường, thì mình rất dễ bị giam nhốt ở trong cái khung đó. Thì trong Kinh gọi đó là "Nhà ngục của Quả", gọi là “vipakā-bandhanāgāra”.

Trường hợp hai là "Nhà ngục của Nhân". Nhân ở đây là Thiện và Ác. Các vị nhớ, người mà sơ cơ trong cái room này nè, cứ nhớ thế này:
- Sướng – Khổ, Buồn – Vui là "Quả".
- Thiện – Ác đó là "Nhân".
Cứ nhớ nhiêu đó. Sướng – Khổ đời này là Quả Thiện – Ác đời trước. Cứ nhớ như vậy.
Cho nên ở đây mình ôn sơ sơ đại khái vậy đó, mang tính khái niệm cho bà con dễ hình dung, thì cái “Thiện – Ác” nó chính là cái gọi là "Nhân", còn cái "Sướng – Khổ", điều kiện mà sinh hoạt tồn tại đó là "Quả". Thì cái điều kiện mà mình có mặt đó là "Quả". Khó thoát cái đó đã đành, nhưng mà nó có cái nhà tù thứ hai đó là "nhà tù Nhân", gọi là “hetu-bandhanāgāra”, có nghĩa là tập khí, khuynh hướng tâm lý nhiều đời của mình, mental tendency của mình. Thí dụ như là phiền não nhiều, tham nhiều, tánh hay cáu gắt, bất mãn, sân si, thù hận, nhỏ mọn, ti tiện, toan tính, phải không? Tiểu tâm, hoặc là ham hố cũng là một thứ khuynh hướng tâm lý. Cả đời khao khát rồi kiếm tìm, tích lũy, huân tập, chất đóng, ke re cắc rắc, vắt chày ra nước. Ví dụ như vậy. Đó là khuynh hướng tâm lý. Rồi có người sinh ra là hào sảng, bao dung, vị tha, rất là dễ thương. Có người thì thông-tuệ, minh-triết, có người thì cù lần, cục mịch, củ chuối ân lịch. Đấy. Thì tùy thôi. Thì đó gọi là "nhà tù Nhân".

Thì đó là khuynh hướng tâm lý, nó cũng là một thứ "nhà tù", và cái điều kiện sống cũng là một thứ "nhà tù". Người ta nói rằng: "Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh, nhưng mà hoàn toàn có thể lựa nơi để mình sống". Mình không thể lựa chọn Cha Mẹ, nhưng mà mình có thể lựa chọn bạn bè, lựa chọn đối tác, lựa chọn kẻ đồng hành, bạn đời hay bạn đường, được, cái đó mình lựa chọn được. Trên những cái gì mà đến với mình sau 18 tuổi thì mình hoàn toàn có thể lựa chọn. Đó là nơi chốn, không gian cư trú hay là bạn bè đồng hành, điều kiện sinh hoạt, đấy. Thì tất cả những cái đó, nó nằm trong tầm tay của mình, do mình thôi, có nhiều khi chúng ta vì một trở ngại nào đó về tâm lý và chúng ta cứ đổ cho hoàn cảnh, thí dụ như là chỗ này thu nhập cao, tốt, ông chủ dễ thương, đồng nghiệp dễ mến, giờ đi chỗ khác đâu có được như vậy, nhưng mà tiếp tục ở đây, tiếp tục với công việc này, thì tôi không có thời giờ cho đời sống tâm linh. Chết rồi, thấy chưa? Đó, đó bị tù đó, bị tù. "Nhà tù dễ thương" là "nhà tù dễ thương" đó. Tức là vì dính ở trong cái dễ thương mà đi không được. Hoặc là bị nhốt trong "nhà tù dễ ghét". Nhốt những cái chính mình bất mãn, một người chồng, một người vợ, những bầy con, đám con mà không ra gì hết, nhưng bây giờ bỏ không được, cho nên đời sống chúng ta là gì?

Chúng ta từ condition, từ các điều kiện mà đến, và toàn bộ mục đích, cứu cánh, hành trình mà mình đi trong cuộc đời này đó là resolution, tức là giải pháp. Đó là đi tìm giải pháp thôi. Ăn chính là giải pháp cho cái đói, uống là giải pháp cho cái khát, nghỉ ngơi là giải pháp cho cái mệt mỏi, gặp gỡ là giải pháp cho cái nhung nhớ. Đấy. Đại khái như vậy. Đó là "giải pháp". Co duỗi nó cũng là cái giải pháp thôi nó nhẹ, co duỗi cũng là giải pháp, nó không giải pháp thì nó là cái gì? Tê nhức, mỏi buốt, gãi gãi, nó cũng là giải pháp. Đôi khi ngứa, nháy mắt nó cũng là giải pháp, cho cái gì? Cho cái mỏi mắt, yeah, gật đầu, xoay cổ, cũng là một cái giải pháp, mỏi nhức – giải pháp hết đó. Đến nỗi cái nháy mắt mà nó còn là một cái giải pháp mà. Nó là giải pháp để giải quyết một cái vấn đề nào đó, mà nhiều khi nó nhanh quá, nó ngắn quá, nó chóng vánh quá, nó chớp nhoáng quá, cho nên mình không có "Chánh-niệm", sống không có "Niệm", không có "Tuệ", cho nên mình không có kịp ghi nhận. Đời sống này nó do các duyên mà có, và nó vận hành nhắm đến một mục đích là "Giải-thoát". Đấy.

Thì trong bài giải này tôi đi một vòng muốn nói cái gì? Cái gì nó thuộc về quá-khứ chúng ta không có can thiệp được, nhưng mà hiện-tại chúng ta can thiệp được. Vì sao? Vì đời sống chúng ta chỉ có giây phút hiện-tại thôi. Như Đức Dalai Lama, Ngài nói 1 năm có 365 ngày, có đúng 2 ngày mình không làm ăn được gì hết, đó là "ngày hôm qua" và "ngày mai". Ngày hôm qua đã xong rồi, bây giờ làm sao được? Mình làm được gì ngày hôm qua đây? Bây giờ mình can thiệp gì, cái chuyện ngày hôm qua là thua rồi đó, rồi ngày mai nó chưa tới lấy gì làm? Chúng ta chỉ có "tại đây" và "bây giờ" thôi. Cho nên, 1 năm 365 ngày, có 2 ngày không làm ăn được gì, dầu mình có thông minh bằng trời, thần thông của mình là coi như Lục Thông, Tam Minh, cũng không làm được cái gì. Ngày hôm qua, nó qua rồi. Và ngày mai cũng chịu thua. Chúng ta chỉ có bây giờ thôi. Nếu bây giờ mà chúng ta sống tốt thì chúng ta mới có thể can thiệp làm chủ được 3 thời, quá khứ và vị lai. Chỉ có ngay bây giờ, thì sống tốt bây giờ là chúng ta mới có thể can thiệp được quá khứ và vị lai. Chứ còn chúng ta không thể nào mà bỏ cái hiện tại mà và đi can thiệp hai ngày kia được. Nhưng mà nếu sống đẹp bây giờ nè, là chúng ta sẽ can thiệp được 3 thời. Là tại sao? Nếu ngay bây giờ, right here right now, tại đây và bây giờ mình sống tốt, sống có từ tâm, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định, chánh niệm ngay bây giờ, thì ngày mai mình sẽ có một được một ngày hôm qua tuyệt vời, đúng không? Đấy. Và nếu hôm nay mà mình sống tốt thì mình sẽ có một ngày mai tuyệt vời, yeah. Nếu mà hôm nay mình sống tốt thì ngày mai mình sẽ có một ngày hôm qua tuyệt vời. Và nếu mình sống tốt ngay bây giờ, thì ngày mai tuy nó chưa đến, nhưng mà nó sẽ là một ngày mai tuyệt vời. Bởi vì ngày mai nó sẽ là thừa tiếp, nó là kế tục của ngày hôm nay, nhớ nha.

Và tôi quay lại chủ đề chính của bài giảng sáng nay, đó là chữ "giải pháp". Khi sống hết mình ngay trong giây phút hiện tại là chúng ta đang có những giải pháp tốt cho tương lai của mình. Thì đi một vòng xa mà chưa đi vào cái cốt lõi của bài giảng sáng nay.

Đó là tùy vào căn cơ, trình độ, khuynh hướng tâm lý, lý tưởng cứu cánh và đích đến của mỗi người, mà chúng ta có những vấn đề để giải quyết không giống nhau.

Nhớ nha. Nhớ kỹ chỗ này. Chính vì tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, rồi môi trường sống, ba cái này cộng lại nó khiến cho chúng ta… Mà ba cái này toàn của mình không hà, tiền nghiệp của mình, khuynh hướng tâm lý lại cũng của mình, rồi môi trường sống lại cũng do mình, nha. Ba cái này đều của mình hết, không có thượng-đế nào ở đây hết, không có một đấng, không có một bậc nào can thiệp vô đây vụ này hết. Mình thôi, nha. Thì chính vì ba cái này của mình, mà những cái vấn đề của từng người trong chúng ta không giống nhau. Có người cái vấn đề gọi là gì? Xấu, làm sao cho nó đẹp. Nghèo, làm sao cho nó giàu. Dốt, làm sao cho nó giỏi. Bệnh, làm sao cho nó khỏe. Vô danh, làm sao cho nó nổi tiếng. Cu ky, làm sao cho nó có quyền lực. Phải không? Đấy. Đó là chính vì khuynh hướng tâm lý, cứu cánh đời sống, lý tưởng sinh hoạt, của chúng ta không giống nhau, cho nên cái đích đến của mỗi người cũng khác nhau. Và để đạt đến đích đến đó chúng ta phải có những giải pháp.

Trong Kinh dạy rất rõ, ở trong bộ gọi là Paṭisambhidāmagga, Ngài Xá-Lợi-Phất nhắc lại, Ngài nói nhưng mà Ngài nhắc lại tinh thần của Đức-Phật, phải không? Ý tưởng của Đức-Phật. Ngài dạy rằng do Xúc – Thọ – Tưởng – Tư sai biệt, có nghĩa là various, different, không giống nhau. Do Xúc - Thọ - Tưởng - Tư không giống nhau, cho nên sở thích không giống nhau, và vì sở thích không giống nhau, cho nên hạnh nghiệp, hoạt động, không giống nhau, và vì hành động thiện-ác không giống nhau, cho nên chốn về mai này ở đời sau, kiếp khác lại càng không giống nhau. Và Xúc - Thọ - Tưởng - Tư đó là gì?

"Xúc" là gì? Tức là cái nhãn-xúc, nhĩ-xúc… Có nghĩa là mình thường thấy gì? Nghe gì? Ăn uống, tư duy, nếm đụng gì? Đó gọi là "Xúc".

Rồi "Tưởng" là gì? "Tưởng" tức là những ý niệm, những khái niệm, những hồi ức, những kiến thức, những kinh nghiệm trong đời sống, từ văn hóa, tôn giáo, chính trị, triết học, blah blah blah, nghệ thuật luôn, thì những cái đó gom chung là "Tưởng".

"Xúc" tức là mình thường tiếp xúc với trần-cảnh nào? Còn "Tưởng" là mình thường sống với những khái niệm nào, những quan niệm nào, những kiến thức nào, những hồi ức nào, những kinh nghiệm nào, gọi là "Tưởng".

"Tư". "Tư" tức là mental investment, tức là cái đầu tư ý thức, cái chủ ý trong hành động. Thí dụ như mình thấy cũng đi chùa, mà có người nhào vô chùa là lên chánh điện gõ chuông, thắp hương, xin xăm, rồi khấn nguyện tùm lum hết. Chủ đích của họ đến chùa là cái gì? Chủ ý. Có người vào chùa là nhào xuống nhà bếp, vô nhà cầu, rửa chén, chùi cầu, lao dịch, chấp tác, kiếm cái gì dơ, cái gì nặng để làm. Có người thích nặng về đức tin thì lên chánh điện xin xăm, cầu nguyện, phải không? Chuông mỏ, bái sám. Có người nặng về phục vụ, nặng về tinh tấn, thì xuống dưới là chùi cầu, rửa chén, lau nhà, hút bụi, quét rác, nhặt lá. Đấy. Còn có anh thì đến chùa chủ yếu là cái gì? Ảnh nặng về trí, vô chùa là nhào lên thư viện đọc sách, tra cứu, ghi ghi, chép chép, nhăn mày, nhíu mặt, thắc mắc, kiếm thầy tham khảo, tham vấn. Đấy. Rồi có tay thì khoái thiền-định, vào chùa là coi góc nào vắng nhào vô đó không biết khỉ móc gì hết cũng lim dim nhắm mắt, hít vào thở ra, trì chú, niệm Phật. Còn không, có học ba mớ ở đâu thì hít thở, chánh niệm, rõ ràng mình thấy. Có người vào chùa thì thích hành thiền. Có người thì thích phục vụ. Có người thì thích cầu nguyện, bái sám. Có người thích nghiên cứu giáo lý. Có người thích gặp riêng tăng-ni để tám, bàn ba cái chuyện mà nắng gió, mưa sương, thời tiết, khí tượng, chính trị, thế giới, tình hình khu vực, blah blah blah. Đấy. Có người tâm sự chuyện nhà, tâm sự chuyện riêng. Đấy. Mình thấy vào chùa đó, vào chùa đấy, chứ đừng có nói mà ra ngoài chợ, ra ngoài quán ăn, tiệm phở, tiệm nail… Trời ơi, cái đó là ngã tư quốc tế khỏi nói rồi, còn đằng này là cửa thiền thanh tịnh, mà cái chốn về của tâm tư mỗi người không giống nhau về chủ đích. Chủ ý mỗi người không giống nhau. Cái đó là "Tư" đó – "Tư". Xúc – Thọ – Tưởng – Tư.

Còn "Thọ" là gì? Cảm xúc. Nghe thấy nó thường chứ nó sâu lắm. Chính vì cái "Xúc", cái "Tưởng", cái "Tư", của mình không giống nhau, cái "Thọ" của mình nó không giống nhau, cái feeling của mình… Có người sống nhiều với sự khó chịu. Có người sống nhiều với sự dễ chịu, có người dễ thương lắm, sao họ cũng cười. Có người cứ bất mãn hết cái này, bất mãn tới cái kia, nóng quá cũng không được, lạnh quá không được, nắng không được, mưa không được. Nắng không ưa, mưa không chịu. Ghét gió kỵ mù sương. Rồi ai cư xử mà không có vừa ý thì bực, ai mà ngọt ngào mình bắt đầu nghĩ bậy, coi đã không? Người ta ngọt với mình là mình nghĩ bậy người ta, nghi ngờ người ta này nọ, rồi hễ người ta mà xử tệ mình, là bắt đầu mình lại đương nhiên là nổi dịch lên rồi, đó gọi là "thú tính". Có nghĩa là một thứ tâm lý mà nó nằm ngoài kiểm soát của con người. Đấy. "Thú tính". Chữ "thú tính" tôi dùng nghĩa rộng lắm. Cái gì mà nó nằm ngoài cái kiểm soát. Cho nên nhiều khi mình có học vị, có văn bằng, nhưng mình sống thuần tí bằng bản năng, bằng instinct của mình, sống bằng khuynh hướng tự nhiên, không có nằm ở trong cái kiểm soát, không nằm trong cái hàm dưỡng. Nhớ nha. Cho nên cái "Thọ" – cái cảm giác mình nó khác nhau nhiều lắm. Có người họ vui với điều thiện, hễ thiện là vui, nắng mưa, nóng lạnh cỡ nào, mà được làm thiện, được giúp người, họ vui lắm. Cái niềm vui của họ đến từ đâu? Còn có người niềm vui của họ đến từ đâu? Đến từ cái chuyện có cái gì bỏ túi được là vui, gạt được người ta là vui, chơi gác kèo người ta được là vui, phải không? Chơi sốc người ta được cái là vui, chơi đểu được người ta là vui. Có. Có người tranh thủ tí quyền lợi là vui, đúng không? Còn có người niềm vui của họ đến từ cái lành họ mới vui, cái chuyện tầm bậy họ không có vui. Rồi khổ cũng vậy.

Cái khổ cũng có "khổ cao cấp" và cái "khổ hạ cấp". "Khổ hạ cấp" là sao? "Khổ hạ cấp" là cái khổ những cái bất mãn, những cái bực mình, mà tới từ những cái lý do, những điều kiện rẻ tiền, ví dụ như là đói cũng bực mình, nóng lạnh bực mình, ai nói sốc bực mình. Nhưng mà người bậc thượng căn họ không có như vậy. Bậc thượng căn họ vui, họ khổ khác người hạ căn. Người thượng căn họ vui như thế nào? Họ chỉ vui với điều thiện, hễ có điều thiện, có điều kiện để hành thiện, có điều kiện để giúp người, có điều kiện để trao dồi bản thân là họ vui. Chứ còn ngoài mấy cái vụ mà liên hệ tới thiện đối với họ là vui. Còn khổ, người thiện họ có khổ chứ, họ khổ cái gì? Họ khổ là vì họ ngay lúc này mà không ngồi thiền được, ngay lúc này mà không giúp người khác được, ngay lúc này lẽ ra phải hành động mà bị bó tay, bị trói chân, kiểu này không có làm được, người thiện họ bực, họ khổ, là khổ như vậy đó. Chứ còn cái bệnh, cái nghèo, cái đói, cái nóng, cái lạnh, ngứa ngáy, tê nhức, mỏi buốt, không có làm khổ, làm khó được người lành, đấy. Nó khác nhau. Cho nên thế giới cảm xúc của mình nó đã là toàn bộ con người của mình, anh chỉ cần cho tôi biết cái gì làm cho anh bực mình? Cái gì làm cho anh vui? Tôi biết con người anh là ai. Yeah. Tôi tuyệt đối tin tưởng như vậy 1000%. Anh chỉ nói cho tôi biết cái gì làm cho anh vui? Cái gì làm cho anh thấy hạnh phúc? Cái gì làm cho anh đau khổ? Cái gì làm cho anh khó chịu? Cái gì làm cho anh bất mãn? Cái gì làm anh không chịu nổi? Anh chỉ cho tôi biết sơ sơ.

Thí dụ như tôi, có nhiều cái tôi ghét, có nhiều cái tôi sợ, nhiều lắm. Tôi chỉ kể ra hai, ba cái làm mẫu thôi. Thí dụ tôi ghét nhất là ai bắt tôi chờ, ghét lắm luôn – Chờ. Mới cách đây 2, 3 hôm, tôi mới bị nè. Mà mới ngày hôm qua tôi đi với một thầy – một sư Tích-Lan, sư thấy tôi cầm đồ nặng sư đòi cầm, mình đi ra mình trả tiền, mà trong khi trước đó sư đi ra sư cầm, mà trước đó mình – tôi đâu có là nhỏ mọn đày người ta, mà thấy ổng thiết tha lắm, tại vì mình cũng có giúp đỡ sư đó, thì sư thương giống như trả ơn vậy đó, nhưng mà sư chậm quá, mình ra mình trả tiền mà giờ đó sư còn cà rờ, cà mò, cà rờ, cà mò. Tìm sư quá trời. Nhắn phone chàng không trả lời. Cuối cùng chàng đi từ từ, từ từ, từ từ tới. Trời đất ơi ta nói… Trời nó nóng, mà đứng chờ thướt tha, tha thướt, nổi dịch lên. Ghét chờ lắm. Hoặc là tôi sợ, cái đó là cái ghét. Còn sợ cái gì? Tôi sợ chỗ hẹp lắm. Sợ lắm. Khi tôi phải đứng ở trong cái, có mấy lần tôi không nhớ ở đâu, nhưng tôi đi vô cái hẻm chợ ở Thụy-Sĩ, nó có mấy cái con đường, mà nó kêu là Straße, là con đường lớn, nhưng mà nó có những cái chỗ kêu là Gasse, tức là mấy cái hẻm, mấy cái Ally nhỏ, nhỏ, nhỏ, trong tiếng Đức kêu là Gasse. Ở Zürich cũng có, ở Bern cũng có, nhiều nhất là Zürich. Bước vô đó mà hai bên nhà cao vun vút lên vậy nè, Thụy-Sĩ thì không có nhà cao tầng nhưng ít ra nó có mấy cái vách tường xưa, tường cũ, mà nó cao hơn 10 mét là tôi khó chịu. Tôi biết là hẻm hẹp, tôi có cảm giác là sẽ khép lại, kỳ vậy, cái đó là phobia đó. Sợ mà cỡ đó thành phobia rồi, chứ không phải đơn giản, không phải là fear mà nó là phobia. Một hội chứng tâm lý chứ không phải phobia đâu. Thì là mình mỗi người có cái thích, cái ghét riêng, và do khuynh hướng tâm lý, đích đến không giống nhau, cho nên giải pháp của mỗi người cũng không giống nhau. Giải pháp mình bất thiện thì toàn bộ đời sống của mình, cái resolution của mình, giải pháp của mình là gì? Là cái gì mà nó giải quyết mấy cái rẻ tiền, đấy. Mỗi ngày mình sống – Mình là Phật-tử hả? Có học đạo hả? Thì mỗi ngày có tự hỏi lòng mình, sáng dậy đi làm là để giải quyết vấn đề gì? Cái resolution mình là cái gì? Giải quyết cái gì? Tự hỏi lòng minh, tự biết mình là mình đứng ở trong cái hàng ngũ nào? Phải không? Thì có nhiều người vui lắm, đi làm để sống, sống để đi làm, đi làm để sống, rồi đến một ngày buồn, không đi làm được nữa, thì sao ta? Một, về hưu là chắc cú rồi. Chắc chắn rồi. Nhưng mà là về vô nhà già. Hai là ở nhà một vợ, một chồng, vào ra như hai cái bóng chờ chết. Đấy. Chỉ vậy. Còn có cụ coi như là bị Alzheimer, bị chứng lẫn, là chứng đãng trí người già đó, còn mệt nữa. Thì con cháu phải hốt đem về nó nuôi, còn không nó gởi nhà già hoặc là thuê người ta tới chăm sóc. Đấy. Mình nhìn cái đời sống nó nản không? Thì tự hỏi mình, mỗi ngày khi mình rời nhà làm ơn tự hỏi lòng mình đi? Mình đi tìm cái gì? Để bây giờ mình đang đi làm phải không? Đúng. Đi để giải quyết cái gì? Hả? Đi để giải quyết cái gì? Đấy. Thì vẫn đi làm, tôi đâu có kêu các vị bỏ việc, không có nha, Việt-Nam đừng có ba cái mạng truyền thông mà cắt khúc này nói sư Toại Khanh ổng xúi đừng có làm gì hết, là bậy nha. Cái này mạng truyền thông Việt Nam nhiều cái người vui lắm. Đấy. Có cái đầu đội nón thôi chứ không có xài. Tôi không có kêu nghỉ làm, nhưng mà tôi chỉ nhắc các vị, thường xuyên tự hỏi, tự tra vấn chính mình, mình đi làm cái này để giải quyết cái gì? Những cái khi câu hỏi này nó cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần, các vị sẽ có những cái hướng đi đẹp lắm. Có những cái quyết định đẹp lắm. Còn quyết định là cái gì thì tự biết. Nha. Trên 18 tuổi rồi, bỏ bú bình rồi nha. Hết bú bình rồi. Rồi nha. Rồi.

Cho nên, chuyện đầu tiên là chúng sanh vì môi trường sống, khuynh hướng tâm lý, và tiền nghiệp không giống nhau, cho nên cái chỗ mà mình nhắm đến không giống nhau. Và cái giải pháp của mỗi người không giống nhau. Vì sao? Vì giải pháp là cái hướng giải quyết vấn đề, đúng không? Mà vấn đề mỗi người không giống nhau, vì mỗi vấn đề không giống nhau nên giải pháp không giống nhau. Thì trong Kinh nói, vấn đề của mỗi người là cái gì? Kẻ bất thiện, cái vấn đề của họ là gì? Là quẩn quanh trong cái chuyện "trốn khổ, tìm vui". Chỉ vậy thôi. Còn cái người lành, người thiện, bậc thượng căn, thượng trí, thì cái vấn đề của họ là gì? Là làm sao bớt ác, thêm thiện. Còn cái vấn đề của người không có biết Phật-Pháp là thêm sướng, bớt khổ. Nguyên bài giảng sáng nay tôi chỉ nói có nhiều đó thôi. Chỉ có bao nhiều đó thôi. Vấn đề của người không tu là làm sao mà thêm sướng, bớt khổ. Còn vấn đề của người tu hành, dầu có tóc hay không có tóc, thì vấn đề của mình là làm sao thêm thiện, bớt ác. Thì tùy mình thôi, nha.

Giải pháp thì trong Kinh nói có 3, có 4, 5, 6, 7, 8 giải pháp. Nhiều lắm. Người mà bất thiện thì cứ loay hoay làm sao mà thêm sướng bớt khổ. Thế là như một con khỉ, từ cái nhánh này qua nhánh kia mà vẫn không ra được cái lùm cây đó. Thì cái người ác cứ quẩn quanh như là con khỉ vậy. Trong Kinh, cái này Kinh nói chứ không phải tôi nói, Đức-Phật Ngài dạy, giống như con chó mà nó bị cột vô trong một cái nơi nào, nó có cào, nó có cấu, nó có cắn, nó có sủa, thì nó cũng quẩn quanh gốc cây đó. Thì kẻ phàm-phu mà còn, gọi là còn sống trong vô-minh, ái-mạn, kiến-nghi, thì cứ làm cái gì đi nữa cũng quẩn quanh trong nền tảng đó thôi. Chỉ nền tảng tâm thức đó thôi. Nha. Cứ làm sao mà bớt khổ, thêm sướng, cả đời chỉ sống trong lý tưởng là "trốn khổ, tìm vui", bất chấp hậu quả. Thiên hạ chung quanh mặc xác, miễn là mình thêm sướng, bớt khổ là OK. Nha. Nhưng mà người có tu hành thì khác, anh làm cái gì, anh vẫn đi làm, anh vẫn làm một nhân viên quèn lương ba cộc, ba đồng, hay là làm một CEO, hay là làm một president, hay là làm một ông cha, ông chú gì trong trung-ương, trong chính-phủ gì đi nữa, nhưng mà anh nhớ, mục đích cao nhất của anh là phải thêm thiện, bớt ác. Làm sao mà mình mỗi ngày, mỗi hơi thở, mỗi giây phút có mặt trong đời này, là một sự đóng góp cho cuộc đời, làm sao cho mình ngày một được tốt hơn.

Tốt hơn là sao phải nói rõ chứ. Tốt hơn là sao? Là lòng thương người nhiều hơn. Khả năng tư duy sâu hơn, rộng hơn, bén nhạy hơn. Đấy. Khả năng buông bỏ tốt hơn, khả năng yêu thương, khả năng bao dung nhiều hơn, vòng tay rộng hơn, tầm nhìn xa hơn. Nhớ nha. Vòng tay ôm thiên hạ đó, ôm thiên hạ chứ không phải ôm tài sản nha, không phải ôm danh vọng. No, no. Ôm thiên hạ đó. Vòng tay phải rộng hơn, và cái tầm nhìn, cái viễn kiến, phải xa hơn, sâu hơn, rộng hơn. Xa hơn, cao hơn, rộng hơn. Mà phải cho mình, cho người. Mà cho cái gì? Cho cái thiện thôi. Đối với người mình chỉ giúp cho người ta được vui, nhưng mà phải vui thiện mình mới giúp. Chứ còn mình không có hỗ trợ cái vui bất thiện. Đấy. Thí dụ như người ta đói, mình cho người ta ăn để người ta có sức, mong là với sức khỏe đó người ta sẽ sống tốt hơn cho họ và cho người khác. Nhưng mà hỗ trợ cho người ta nhậu, hỗ trợ cho người ta trụy lạc, hỗ trợ cho người ta đổ đốn, hỗ trợ cho người ta sa đà. No. Không giúp. Nha. Nhớ cái đó. Cho nên người mà bậc thượng căn, nói thượng căn nghe ghê, chứ mình, chứ không ai, mình chỉ cần chuyển hướng là lên hàng thượng căn liền. Chứ đừng có nghe nói thượng-căn [là] nói: “Trời, trời ơi, chắc tôi không có đâu, rồi tôi không dám đâu”. No, no. Thượng căn trong đạo Phật vui lắm. Người mà ngoài đời cái bằng cấp, học vị đó là phải mất bao nhiêu năm mới có, nhưng mà trong đạo mà cái bằng cấp, mà bằng cấp tâm lý đó, một búng tay, một tróc tay. Bằng cấp tâm lý là sao? Đẳng cấp chứ không phải bằng cấp. Đẳng cấp nó cao hơn bằng cấp. Đẳng cấp có nghĩa là anh chỉ cần anh dời đối tượng yêu thương ra khỏi vợ chồng, con cái, gia đình quen biết của anh, anh dời ra xa xa chút là anh đã đổi đẳng cấp. Và lý tưởng mà anh nhắm đến nó vượt khỏi quyền lợi cá nhân, vượt khỏi quyền lợi gia đình, vượt khỏi quyền lợi của những người anh yêu thương, phải không? Mà anh ra được với người dưng kẻ lạ là anh đã đổi đẳng cấp rồi. Đấy.

Trong kinh nói có 5 đẳng cấp chúng sinh:

1- Cấp một là chỉ biết có mình thôi.

2- Cấp hai là biết những người có liên hệ đến quyền lợi, cảm xúc, và tình cảm của mình. Đấy. Tức là có những loại động vật mà nó chỉ biết lo thân nó thôi. Các vị đừng có bắt tôi nói con gì, phải không? Rồi có những loài mà nó sống quần thể bầy đàn, đúng không? Khá hơn tí.


3- Nhưng mà tới tầng thứ ba, đẳng cấp thứ ba là gì? Là có những chúng sinh nó có thể quan tâm đến người dưng kẻ lạ, không có liên hệ đến cảm xúc và tình cảm của nó. Đấy. Mà vẫn thương được. Thí dụ như mình thấy những người mà tự nhiên xách tiền đi làm từ thiện, mà từ thiện ai? Từ thiện toàn mấy người lạ hoắc không. Câm, đui, mù, điếc, cơ nhỡ, hàn vi, tuổi già không ai nuôi, trẻ con không ai chăm sóc, mình đi tới mình cho tiền, coi đã không? Mà họ mắc mớ gì mình? Như vậy là mình đẳng-cấp thứ ba rồi đó.

Bắt đầu, đẳng cấp một, là chỉ biết có mình thôi. Đẳng cấp hai là chỉ biết lo cho những người chung quanh mình, vệ tinh của mình, đối tượng chung quanh mình. Nhưng mà, đẳng cấp ba là mình hướng tới những người mà không có mắc mớ gì mình, không thù, không bạn.

4- Đẳng cấp thứ tư là thương được bạn của kẻ thù.
Cái này hơi bị khó, hơi bị khó. Bạn kẻ thù là sao? Tức là những người mà nó có liên hệ ít nhiều tới kẻ mình ghét, mà mình thương được cái loại đó là mình khá, khá. Tôi nói thẳng luôn. Thí dụ như bây giờ, nhiều lắm, thí dụ như bây giờ mình không có, mình đâu có biết Phật-pháp là gì? Tự nhiên mình bất mãn một tăng-ni nào đó, thế là mình thấy không có tóc là mình ghét. Đấy. Hoặc là mình có ác cảm với một ông xích lô hoặc bà bán hàng rong nào đó, thế là từ đây về sau hễ mình nghe nó tới xích lô nè, hàng rong nè, đánh giày nè, vé số, là mình ghét. Bậy, bậy. No. Một cá nhân để mình ghét vốn dĩ không có, chứ đừng có vụ mà ghét lây là càng bậy nữa. Tại sao? Tại sao không có một đối tượng nào để mình ghét? Vì trong Kinh nói rất rõ. Chúng sinh trong đời này chỉ có hai hạng thôi. Người xấu là đáng thương, mà người tốt là dễ thương. Chứ không có người nào để mình ghét hết. Đấy. Cho nên bây giờ mình đi, mình gọi là ghét lây lan là bậy, phải không? Mà bây giờ đa phần chúng ta, 99% chúng ta là cái tình cảm của mình là không kiểm soát. Mình rẻ tiền lắm. Mình ghét thằng Tèo, thằng Tí, là mình ghét luôn cả những đối tượng liên quan chung quanh vệ tinh của Tèo, Tí, đấy. Nhiều lắm luôn. Mình bất mãn Tăng-ni là bất mãn toàn bộ Phật-giáo, sai, sai, sai, sai. Mình bất mãn giới tiểu-thương, có một người nào đó thôi, mình bèn ghét nguyên cái giới tiểu-thương, mình ghét một ông đại gia nào đó mình bèn ghét nguyên một cái giới thượng-lưu, mình ghét một chính-khách nào đó mình bèn ghét chung tất cả thế giới chính-trị. Sai, sai, sai, sai.

5- Và cái cuối cùng là thương được kẻ thù. Đẳng cấp này là đẳng cấp của Bồ-tát. Đẳng cấp của Bồ-tát. Bồ-tát không làm bậy, không hại người, nhưng mà khi thấy kẻ khác làm bậy, thấy kẻ khác hại người, thì Bồ-tát chỉ không có a-tầm-phù, không có tùy-hỷ, không có a-dua theo. Chứ còn Bồ-tát… Giống như thánh Gandhi từng nói: “I hate the sin but I love the sinner” – "Tôi ghét điều ác, nhưng mà tôi vẫn thương người ác". Là Bồ-tát đó. Bồ-tát Ngài ghét điều ác – tham – sân – si, rồi sát sanh, trộm cướp, hại người, Ngài ghét. Đúng. Ngài ghét nhưng mà kẻ ác thì Bồ Tát không bao giờ ghét. Bồ-tát đó. Thậm chí người ta giết con của Ngài, giết vợ của Ngài. Nếu Ngài can thiệp được Ngài can thiệp, nhưng mà nếu không. Có những lúc Ngài đứng Ngài nhìn, không phải là Ngài bất lực, không phải là cảm xúc của người bất lực, mà bởi vì Ngài biết bây giờ đã không làm được gì thì ít nhất Ngài cũng còn tự lo cho cái tâm của Ngài được. Trong Kinh nói như vậy. Không bảo toàn lực lượng mình, ít nhất mình cũng phải bảo toàn bộ tham mưu của mình. Bảo toàn lực lượng không được, khi Ngài không có lo, không có lo ôm đồm được người bên ngoài nữa, thì mình phải quay trở về với nội tâm của mình. Khiếp như vậy đó.

Thì có 5 hạng chúng sinh, 5 đẳng cấp:
1- Một là chỉ biết mình.
2- Hai là biết quần thể, bầy đàn.
3- Ba là thương được kẻ không mắc mớ tình cảm gì hết.
4- Thứ tư là thương được bạn của kẻ thù.
5- Thứ năm là thương được chính kẻ thù, bản thân kẻ thù.

Thì chính vì chúng ta thuộc đẳng cấp nào, thì cái giải pháp trong đời sống của mình nó cũng không giống nhau, nó cũng tùy thuộc vào cái đẳng cấp đó. Thì nãy tôi nói rồi. Bài giảng sáng nay tôi xác định hai chuyện. Mọi thứ ở đời do "duyên" mà có. Hoạt động, vận hành. Nhưng mà đời sống của mình nó lại còn có chữ thứ hai nữa, đó là toàn bộ đời sống mình nó chỉ là những "giải pháp" thôi. Và tùy thuộc vào cái vấn đề chúng ta là cái gì. Người bất thiện thì chỉ có đời sống cảm xúc thôi. Đời sống tình cảm, cảm xúc, tình cảm. Nhưng mà đối với bậc thượng căn. Đẳng cấp của bậc thượng căn, cái họ bận tâm không phải là Sướng – Khổ, mà là Thiện – Ác. Cho nên giải pháp toàn bộ đời sống của bậc hiền-trí, bậc thượng căn, tất cả những hành động của họ nó chỉ là một giải pháp mang ý nghĩa là thêm thiện, bớt ác, phải không? Nâng cấp bản thân, nội hàm, hàm dưỡng nội thân, và giúp ích chúng sinh cũng được như mình. Còn chúng ta hạ căn, thiếu trí thì cái vấn đề của chúng ta là gì? Là đói lạnh, nghèo túng, bệnh tật, buồn vui, sướng khổ, đúng không? Cho nên chính vì vấn đề chúng ta nó quẩn quanh chừng đó, cho nên tất cả giải pháp chúng ta nó nhiều lắm, nhiều lắm, thì nó cũng giải quyết được chừng đó thôi. Nó giải quyết những cái vấn đề của chúng ta. Mà bậc thượng trí là gì? Là cái vấn đề của họ nó vượt khỏi cái vấn đề của kẻ tầm thường. Đấy. Và chính vì vậy cho nên những hành động của họ nhìn thấy cũng giống giống những người tầm thường, nhưng mà vì cái mục đích của họ, cái vấn đề của họ, cái cứu cánh họ nó không giống, cho nên cái khái niệm mà giải pháp của họ cao lắm. Thí dụ như biết bao nhiêu ông đao-sĩ thời Đức-Phật cũng bỏ nhà đi tu. Nha. Bỏ nhà đi tu, nhưng mà cái mấy ổng hướng tới là gì? Thanh lọc bản thân. Để chi ta? Để đời sau, kiếp khác tiếp tục sung sướng ở trên một thiên-giới vĩnh hằng, được trở về nhập một với Thượng-ngã Chí-tôn. Bởi vì mỗi người theo niềm tin của Ấn-Độ thời đó, mỗi người là một mảnh vụn rời rạc được rớt ra từ một cái đại ngã hoàn vũ. Trong nhiều kiếp luân hồi, chúng ta lăn lóc. Nếu chúng ta tu tập đàng hoàng thì sẽ có một ngày viên thành chánh quả. Đấy. Thì chúng ta – cái mảnh vụn này được trở về hợp nhất với đại ngã Chí-tôn, với một đấng nào đó, chúng ta trở thành là một khối với Ngài. Đấy.

Nhưng mà riêng Bồ-tát Tất-Đạt thì không. Cái vấn đề của Ngài không phải là sướng khổ. Vấn đề không phải là hợp nhất với ai hết. Mà Ngài đặt cho Ngài vấn đề thế này. Làm sao? Đẻ ra là cứ bệnh, cứ chết, vậy sao được? Bây giờ làm sao đừng sanh ra, đừng bệnh, đừng chết nữa. Thế là Ngài dấn thân trên con đường tìm đạo. Cái vấn đề mà Ngài đặt ra nó không giống mấy ông đạo-sĩ khác. Cho nên cái chữ “giải pháp” của Ngài đó chính là khi mà Ngài thành đạo, nó chính là Bát-Chánh-Đạo, cái giải pháp của Ngài, giải pháp Bát-Chánh-Đạo của Ngài nó không giống với những giải pháp của mấy tôn giảo khác. Mà vì sao nó không giống? Là vì nó được nhắm tới cứu cánh là giải quyết những vấn đề mà người khác không có nhắm tới. Yeah. Tôi nè, tôi nè. Tôi cầm một cái áo, quý vị cầm cái áo, đúng không? Nhưng mà tôi nè, cái vấn đề của tôi là gì? Cái áo tôi nó bị dơ, cho nên giải pháp của cái áo dơ là cái gì? Là tôi đem tôi giặt. Còn quý vị là sao? Cái áo các vị đang cầm nó vấn đề gì? Nhăn, đúng không? Cho nên giải pháp của các vị đang nhắm đó là cái gì? Ủi. Là. Bắc kì kêu "là áo, là quần". Đấy. Còn miền Nam kêu là "ủi", "ủi phẳng, ủi thẳng". Đấy. Cho nên hai người chúng ta cầm hai cái áo giống nhau, kích thước, màu dáng, chất liệu y chang, đúng không? Nhưng mà tôi, cái vấn đề của tôi là dơ, cho nên tôi phải tìm đến cái giải pháp của tôi nó hơi khác chút, đó là giặt. Còn các vị cái vấn đề các vị là nó nhăn nhúm, đúng không? Cho nên cái giải pháp của các vị là ủi thẳng, là thẳng, đúng không? Thấy rõ ràng, cầm hai cái áo mà chính vì vấn đề khác nhau cho nên hướng hành động khác nhau. Và từ đó giải pháp đương nhiên là không giống nhau. Nhớ nha. Trong bài giảng sáng nay, tôi muốn nói tới cái đó, trong Kinh nói:

- Người mà thích hưởng thụ, thì vấn đề của họ là hưởng thụ, và những gì họ làm chỉ là giải pháp cho cái chuyện hưởng thụ. Người mà thấy vấn đề của mình là sinh tử, thì toàn bộ đời sống của họ là giải pháp để giải quyết vấn đề sanh tử.
- Người mà coi nặng vấn đề cảm xúc buồn vui, sướng khổ, thì giải pháp của họ nó là chỉ quẩn quanh trong cái buồn vui, sướng khổ. Nhưng mà có người cao hơn một tí, ly dục, chứng thiền.

Trong Kinh nói rõ lắm. Có người, có hạng người thì tránh ác, chuyển qua hành thập-thiện, để được trở lại các cõi nhân-thiên dục-giới. Có người vấn đề của họ là làm sao họ chán dục quá, họ chán đời sống vật chất quá, họ mới bèn tu tập thiền-định để mà sanh về các cõi Phạm-thiên. Nhưng mà khi Chư-Phật ra đời Ngài nói: “Không. Sống trong ác cũng là bậy. Mà cái thiện quẩn quanh trong dục cũng bậy. Mà cái thiện mà quẫn quanh trong các cõi thiền cũng bậy”. Là sao? Không có còn sanh tử nữa. Cái vấn đề của chúng ta là không còn sanh tử. Vấn đề chúng ta là cái chuyện sanh tử. Nha. Chứ không phải cái chuyện sướng – khổ, buồn – vui. Sướng – khổ, buồn – vui, nó chuyện nhỏ. Chuyện đó chuyện bạc lẻ, bạc cắt, tiền xu, tiền hào, không có đáng kể. Ba cái xu tiền xu, tiền trinh, tiền hào, đó là vất đi. Mà cái vấn đề ở đây là gì? Là sinh tử. Hễ còn có tiếp tục hiện hữu là còn khổ.

Hôm nay, tôi giảng bài giảng này, vừa giảng vừa run. Run là giảng cái này giống như bắn tên vào bóng đêm, giống như đang nói Pháp giữa một cái viện bảo tàng đầy những pho tượng. Tôi không có tin là trong cái room này có người chia sẻ quan điểm này của chúng tôi. Đó là tùy thuộc vào cái khuynh hướng tâm lý mà chúng ta thấy cái vấn đề của mình nó không giống nhau, rồi từ đó cái hướng sống của mình nó trở thành những giải pháp không giống nhau. Nhớ nha. Có người chỉ quẩn quanh trong những vấn đề vật chất. Có người thì hướng tới cái cao hơn. Cái vấn đề họ không phải vật chất mà nó là vượt khỏi cái vật chất, nó là những vấn đề tâm linh, tinh thần, rồi tưởng sao? Đi vào đạo rồi trở thành những người cư sĩ có tóc. Thì cái vấn đề mà họ giải quyết, cái giải pháp mà họ hướng tới, cũng chỉ giải quyết những vấn đề của người cư sĩ, vượt hơn một chút nữa, họ đi xuất-gia, họ làm tăng-ni, họ có nhiều thời gian hơn.

Giống nhiều người cứ hỏi chúng tôi hoài, họ nói tu tâm chứ đâu phải tu tướng mà mắc gì phải cạo đầu đắp y? Thì tôi chỉ nói là thế này, hễ còn là phàm-phu cái tâm, cái tướng, nó đều là quan trọng hết. Đúng. Cái chánh là tu tâm, nhưng mà cái tướng ảnh hưởng nhiều lắm. Thí dụ như mình trong cái nếp sống tu-sĩ, mình không phải lo cho vợ chồng, con cái, chuyện trước mắt là mình có thời gian rồi đó. Đấy. Mình có thời gian để mà gọi là đào sâu, ghim chặt vào đời sống tâm linh, khi mà tôi đi giảng, tôi liếc liếc, tôi thấy mấy người mà cư sĩ đó nha, không có tóc mà mặc áo lam tôi đã cảm tình hơn mấy người có tóc. Tại sao? Vì tôi biết rồi mấy người này, chuyện thứ nhất là họ đã buông bỏ rất là nhiều thứ. Một là họ nếu mà họ có cái để buông thì khỏi nói, còn nếu không, thì họ không có cái để buông, nhưng mà họ cũng trước mắt là cũng không có cái để nắm. Cho nên họ mới dám cạo đầu, dám mặc áo lam. Đấy. Còn có những người mà coi như là không có gì mà họ chịu buông hết, cái gì họ cũng nắm hết, rồi. Vậy thì cái vấn đề mà quẩn quanh của họ là chỉ là chuyện mà nắm, siết, ôm, ghì thôi. Còn người mà có lòng cầu giải thoát, thì vấn đề của họ là làm sao mà tháo gỡ, là giải phóng, là giải trừ, là buông bỏ, là dứt điểm, là tẩy xóa. Thì nãy tôi có nói, tôi giảng mà tôi run có nghĩa là có người đi đến, có người ở ngoài đời quẩn quanh đi kiếm tiền để giải quyết những vấn đề liên hệ tới tiền, liên hệ tới sức khỏe, liên hệ tới nhan sắc, liên hệ tới quyền lực, liên hệ đến tiếng tăm. Có người đi vào đạo thì họ cũng giải quyết được học ba mớ để giải quyết cái dốt, để trả lời những câu hỏi liên hệ tới niềm tin, rồi có người thì họ đi tìm đến đạo để mà tìm ra những câu trả lời cho vấn đề nó vượt khỏi niềm tin, mà nó là lên tới vấn đề nhận thức. Niềm tin là bậc dưới, mà nhận thức là cao hơn. Nhưng mà chưa. Có những người họ đi tìm học đạo, tìm gặp gỡ Minh-sư, Thiện-hữu để mà giải quyết vấn đề hành trì, kiến thức chưa có đủ phải lên tới nhận thức, nhận thức chưa có đủ, phải lên tới hành trì, mà hành trì thì chưa đủ, nó còn phải nhắm tới thực chứng. Nhớ nha.

Kiến thức - Nhận thức - Hành trì và Thực chứng. Thì tùy vào trình độ của mỗi người mà vấn đề của mình nó khác nhau, và giải pháp của mình cũng không không giống nhau. Trong bài giảng sáng nay tôi nhắc lại một chuyện thôi. Tại sao mà có những người cư sĩ đến chùa chịu khó học Phật-Pháp và không chịu học Phật-Pháp? Chịu học và không chịu học. Là bởi vì mỗi người thấy vấn đề của mình nó là một góc riêng, mà không giống với người khác. Tùy thuộc vào chuyện anh thấy vấn đề của anh là gì, thì cái giải pháp của anh nó sẽ theo đó mà được quyết định. Và cái vấn đề lớn nhất của chúng ta là không thấy cái vấn đề của mình nó nằm ở đâu.

Cho nên sau bài giảng này, tôi mong rằng có một số bà con trong đây biết mình nên để tóc hay cạo trọc, biết mình nên bái sám, tụng niệm, hay là nghiên cứu giáo lý, biết mình nên nghiên cứu giáo lý hay là chuyên tâm sống chánh niệm. Đấy. Biết mình nên tiếp tục sống đời tại gia cư sĩ hay là buông hết để mà tìm về một góc riêng, đấy. Không được riêng một góc trời thì ít nhất cũng riêng một góc phòng. Hoặc là riêng một góc mùng để mà ngồi thiền. Nha. Để mà tư duy. Tùy thôi. OK. Tôi mệt rồi. Chúc các vị một ngày vui và hẹn lại kỳ sau.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/9CELkPnNQQI?si=BWZLAJoXZs8BN21c

---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật-tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240719/ĐIỀU KIỆN VÀ GIẢI PHÁP (bài 26 ngày 18-7).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản