← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038] [039] [040] [041] [042] [043] [044] [045] [046] [047] [048]

Lớp Phật Pháp Căn Bản
23 - Thứ Năm, ngày 27/06/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

BÁT CHÁNH ĐẠO

Thưa bà con, nó có chuyện thế này, cái anh đó ảnh bị tai nạn xe và bị hỏng cả hai mắt. Năm đó ảnh khoảng 20 ngoài, 20 ngoài bị hỏng mắt. Gia đình ảnh thì đương nhiên rất là khổ tâm, và gặp nhiều khó khăn khi phải chăm sóc ảnh. Ảnh bị mù, không biết nó va chạm cách nào đó mà coi như là giữ được cái mạng là mừng lắm rồi, giữ được cái mạng nhưng mà bị mù mắt. Thì ảnh có một người em gái. Người em gái đó cũng cùng với Cha Mẹ và mọi người trong nhà chăm sóc ảnh trong thời gian ảnh bị mù lòa, thì cô em gái một ngày kia có dắt về một cô bạn thân. Bạn thân với nhau mà, nhiều khi cô bạn này cũng đỡ đần công việc gì mà trong khả năng của cổ, cổ giúp, mà cổ giúp lâu ngày thì anh thanh niên mù mắt này nè, ảnh mến cổ qua giọng nói, qua những cử chỉ chăm sóc mà ảnh "cảm" được thôi, chứ ảnh không có "thấy", tức là mỗi lần mà cổ rót nước hay là cổ gọt cam, hay là cổ lau mặt gì cho ảnh, thì ảnh thấy nó nhẹ nhàng hơn người nhà, rồi cộng với giọng nói, tiếng cười khúc khích, giọng nói thỏ thẻ của cổ, thì ảnh hình dung ra cổ theo cách riêng của ảnh, sau thời gian thì có người hiến giác mạc và ảnh thấy đường trở lại. Khi mà ảnh thấy đường trở lại thì... Các vị nghe tôi cười các vị đoán ra là cái gì rồi... Thì ảnh nhìn thấy cô này không giống như là ảnh tưởng tượng, và đương nhiên là ảnh vỡ mộng, thì câu chuyện tôi đọc vậy đó. Trong đó người ta không nói là cô này đẹp xấu ra sao, nhưng mà nếu người ta có tả tôi cũng không đủ sức để mà hình dung được, đại khái mình hiểu ngầm là cô này cũng dưới mức mà ảnh tưởng tượng. Hôm nay bắt đầu bài giảng ngày thứ năm, sau lớp học ở Thụy Sĩ, tôi bắt đầu bài giảng bằng câu chuyện này, bà con có lẽ cũng lơ mơ đoán tôi nói cái gì? Có nghĩa là chúng ta sống trong đời này có ít nhất là hai góc nhìn. Góc nhìn thứ nhất là mình nhìn qua cái nhìn trực quan: cuộc đời nó ra sao thấy nó như vậy. Nhưng có cái nhìn thứ hai, đó là cách nhìn thông qua những lăng kính. Đấy. Những lăng kính. Thí dụ như anh này ảnh bị mù, thì không thể nào có cái nhìn trực quan được rồi, thế là ảnh chỉ còn cái nhìn thứ hai thôi, đó là cái nhìn thông qua tưởng tượng, thông qua sự hình dung, thông qua sự liên tưởng. Đấy. Thì chúng ta đừng có nghĩ rằng chuyện đó chỉ có ở người mù. No. Theo tinh thần Phật-Pháp thì tất cả phàm phu chúng ta đều là những người mù. Thậm chí trong Kinh còn nói là người điên nữa. Điên là sao? Có nghĩa là không có gì đáng để vui mà mình lại nhăn răng mình cười, không có gì đáng để khóc mà mình lại rơi lệ. Thì đó gọi là điên. Còn mù ở đây có nghĩa là có những cái nó sờ sờ trước mặt mà mình không thấy, đấy. Thí dụ như Vô thường – Khổ – Vô ngã, mình không thấy. Cái đó là bất thiện, đó là mầm khổ, là nguồn khổ, mà mình không thấy, mình cứ cắm đầu mình lao vào. Đó là thiện pháp, đó là suối nguồn của an lạc, nhưng mà chúng ta thấy biết chứ. Nhưng mà chúng ta vẫn né tránh, thì đó không phải mù chứ còn gì nữa? Mù. Vừa mù mà vừa tâm thần, mù lòa và tâm thần – phàm phu mình ấy. Bậc thánh nhìn mình các Ngài thấy như vậy đó, nhưng mà mình đâu ai chịu, đâu ai chịu mình là khùng, phải không? Thì bài giảng này chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện của anh thanh niên bị mù mắt khi nãy, ảnh đã vỡ mộng khi mà ảnh thấy ra thực tế, ảnh nhìn thấy vấn đề bằng cái nhìn trực quan, thì ảnh thấy nó không giống như ảnh tưởng tượng. Ở đây từ câu chuyện đó chúng ta có hai vấn đề lớn làm nền cho bài giảng chiều nay.
Chuyện thứ nhất, trong Kinh Phật dạy rằng: Này các Tỳ-kheo, khi con sư tử mỗi sáng sớm mà nó gầm lên thì nó làm cho muôn thú gọi là kinh hoàng, thì cũng vậy, khi mà vị Chánh-Đẳng Chánh-Giác Như-Lai Phật-Tổ ra đời, các Ngài nói ra những sự thật mà khiến cho Nhân-Thiên kinh hoàng. Thí dụ như là có những người mà đó giờ khi nào chết hẳn hay, khi nào già hẵng biết, chứ còn đang trẻ trung, phơi phới thế này mà lại nghe nói quá kỹ về thân phận phù du của kiếp người, nói quá kỹ về con đường sinh tử mù mịt đầy hiểm nạn, thì chúng ta không có chịu. Nhưng mà khi chúng ta nghe nói, chúng ta mới hết hồn. Chúng ta biết chúng ta chỉ là một bọt nước trên dòng chảy của biển sinh tử, và chúng ta biết rằng tắt thở rồi thì chốn về tiếp theo nó rất là mù mịch. Biết như vậy mình mới thấy hết hồn. Thì Đức-Phật Ngài dạy rằng là lời tuyên bố của chư Phật về bản chất của vũ trụ làm cho không ít chúng sinh phải bàng hoàng với kinh hãi, phải bị chấn động, và trong số đó có những người nhờ chấn động như vậy họ mới bắt đầu biết quay lui, biết nhìn lại, nhìn vào trong, nhìn xuống chân, để mà tìm ra một con đường sống. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai mà tôi muốn nói trong bài giảng này, đó là tôi rất mong bà con có dịp ngồi lại để thấy rằng chúng ta thật sự là đang "chiêm bao", mà "chiêm bao" có nghĩa là trong giấc ngủ, chúng ta đang ngủ. Có điều "chiêm bao" thì nó có hai, đó là Mộng lành và Ác mộng. "Mộng lành" và "Ác mộng", tiếng Tàu là "cát mộng", cát "t", và "ác mộng". Thì "cát mộng" bà con nghe không có quen, thôi giờ tôi dịch là "mộng lành" đi nha. "Mộng lành", "Mộng đẹp". Chúng ta có hai cách "mộng": "Mộng lành", "Mộng đẹp". Rồi cách thứ hai đó là "Ác mộng". "Ác mộng" thì làm cho mình buồn, làm cho mình sợ, làm cho mình kinh hãi, làm cho mình tức giận, gọi là "Ác mộng". Giấc mộng đem lại những tâm trạng, cảm xúc tiêu cực thì gọi là "ác mộng", đấy. Còn giấc mộng nó đem lại cho mình những cảm xúc, những tâm trạng tích cực, thì gọi là "mộng lành", "mộng đẹp". Nói theo Phật-Pháp đã là "mộng" thì cứ là "chiêm bao" thôi. Hễ "mộng" phải là "chiêm bao", mà hễ "chiêm bao" thì cứ là "mộng" thôi. Có nghĩa là không có thật. Và ông G. M. Power –một doanh nhân người Mỹ, một thượng nghị sĩ Mỹ, ông có một câu rất là nổi tiếng, đó là: "Muốn biến những ước mơ của mình thành sự thật, thì chuyện đầu tiên chúng ta phải thức giấc." Nghe rất là kỳ. Muốn biến tất cả những giấc mơ của mình nó thành ra sự thật thì việc làm đầu tiên là chúng ta phải thức giấc, giật mình choàng dậy, choàng tỉnh.
Ngày xưa khi mà chưa biết Phật-Pháp, chúng ta chỉ biết có hai chuyện thôi, đó là "thích" và "ghét". Đó là một cặp. Cặp thứ hai là “buồn – vui”. Chỉ có “thích – ghét” với “buồn – vui” thôi. "Thích" và "ghét" là cặp. "Buồn” – “Vui” là một cặp nữa, là hai cặp. Hai cặp tâm trạng và cảm xúc, mình chỉ có hai cái đó thôi. Tức là chỉ có vật lộn chừng đó, chỉ vật lộn chừng đó hai thứ thôi. Cái này tôi "thích" nè, cái này tôi "ghét" nè, cái này tôi "thích" thì tôi theo đuổi, cái này tôi "ghét" thì tôi trốn chạy, tôi từ khước. Còn cái này là làm cho tôi vui nè, tôi theo đuổi. Cái này làm cho tôi buồn, tôi khổ, tôi giận, tôi sợ nè, tôi chối từ, tôi trốn chạy, thì suốt thời gian mà chưa biết Phật-Pháp mình chỉ biết có cái "thích-ghét", "buồn-vui" thôi, phải không? "Thích-ghét", "buồn-vui", chỉ biết hai cặp đó thôi. Biết Phật-Pháp rồi thì mình phải quan tâm đến cái cặp thứ ba, đó là "thiện-ác", rất là quan trọng. Bởi vì chính từ "thiện-ác" này nó mới dẫn tới chuyện mà "thích-ghét", "buồn-vui", bởi vì anh ác-nghiệp ảnh nhiều quá, nợ xấu của ảnh nhiều quá thì đời đời sanh ra là gặp toàn là "ghét", mà "ghét" tránh không được đương nhiên nó là khổ, đời đời sanh ra không có dịp để mà có được cái mình "thích", mà không có được cái mình "thích" lại cũng là khổ. Đấy. Không có được cái mình "thích" cũng là khổ, mà tránh không được cái mình "ghét" cũng là khổ. Đấy. Mà tại sao có cái chuyện tréo ngoe đó? Là tại vì mình cái thiện nó thiếu, thiện thiếu quá, có nhiều người họ cực kỳ toại nguyện luôn, đời sống của họ có thể nói là có viên ngọc ước, có tấm thảm bay, có đôi hia bảy dặm, có hết. Trong khi đó có những người sinh ra gọi là đen đủi, bất hạnh từ thưở nằm nôi, mà nhiều khi không có nôi để nằm nữa chứ, từ thưở lọt lòng cho đến khi tắt thở, chứ chưa chắc, tôi tính nói vào quan tài, mà nhiều người tới chết cũng không có quan tài nữa, có nữa, có, có, quấn chiếu, bó chiếu. Cho nên là cái nôi nằm, lọt lòng không có nôi nằm, mà chết cũng không có cái quan tài liệm xác, khổ vậy. Nha. Thế là chúng sanh có hai, sơ sơ mình thấy có hai cấp rồi đó. Cấp một là chỉ biết có "sướng-khổ", "thích-ghét". Người tiếp theo họ biết thêm chuyện nữa, họ biết cái "thiện", cái "ác", nhưng mà "thiện-ác" của người này, của hạng hai này nè, nó lại vẫn là một sự quẩn quanh, có nghĩa là ảnh làm thiện, ảnh hành thiện tránh ác với một mục đích là "trốn khổ, tìm vui". Rồi cái gì nữa? Có được cái mình "thích" và tránh được cái mình "ghét", đấy. Anh hành thiện đó chứ, anh hành thiện mà ảnh thấy vậy.
Thì trong bài giảng trưa nay tôi bắt đầu bằng chuyện anh mù. Khi mà mình không học giáo lý, mình không hề biết chuyện này, cái biết ở đời nên có ba, sống ở đời mà không có hiểu biết là chỉ có chết thôi. Cái biết đầu tiên là cái biết của "Thức". Tức là cái biết của các giác quan. Cái biết thứ hai là cái biết của "Tưởng". Tức là cái biết mà gọi là thông qua những hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm, trí nhớ, thì đó gọi là cái biết qua "Tưởng". Dù đó là cái biết về khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, kinh tế, bla… bla... Tất cả những cái gì nó về kiến thức, hồi ức, kinh nghiệm, trí nhớ, thì nó đều là cái biết của "Tưởng". Đấy. Cái biết thứ ba là cái biết của "Trí". Tức là cái biết phân biệt, phân tích, bản chất của vấn đề nó ra làm sao thấy nó như vậy. Thí dụ như lẽ ra, người ta mắng vô mặt mình là mình giận, mình nghĩ sao để mình giận, đó là cái biết của "Tưởng", nghe được tiếng chưỡi đó là cái biết của "Thức". Nhưng mà mình phân tích sao mà để mình giận đó là cái biết của "Tưởng", mình dựa trên những văn hóa hay là quy ước xã hội, nhịn là nhục, gì tùm lum hết đó, mình nghĩ tới đó bắt đầu mình mới có giận, nhưng mà phải ở cái biết thứ ba, đó là cái biết của "Trí", mình hiểu sao để mình không có giận, đó là cái biết của "Trí", các vị nghe kịp không? Sống ở đời có ba cái biết. Một là cái biết của "Thức". Tức là cái biết của các giác quan. Cái biết cái thứ hai là biết của "Tưởng", thông qua hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm, hình dung, liên tưởng, tưởng tượng. Rồi cái biết thứ ba là cái biết của "Trí". Tức là cái biết trên cái nhận thức khách quan, trung thực, không có dựa trên một nền tảng mặc định nào của xã hội, của văn hóa, của bối cảnh sinh trưởng. Đấy. Biết này rất là khó. Thì chúng ta biết rằng "Trí" nó gồm có ba trường hợp, đó là: Văn – Tư – Tu. Bài giảng hôm nay tôi hy vọng rằng bà con nghe mà nghe bằng cây bút chì và một tờ giấy trắng, để ghi lại những điểm mà tôi cho rằng cần thiết, nhé.
Trí gồm có ba là: Văn – Tư – Tu, tôi nói hoài. Trí-văn là những cái biết có được từ chuyện mà mình tiếp nhận thông qua người khác, gồm có cái gì mình đọc, mình nghe và đọc, thì cái đó được gọi là "Trí-văn". Còn Trí-tư là cái gì mà mình thấm thía, mình tiêu hóa được qua những lần suy tư, tư duy. Còn Trí-tu là cái Trí-tuệ, khả năng nhận thức thông qua sự lắng tâm của sự thực tập Thiền-định. Dầu đó là Thiền-chỉ hay Thiền-quán. Đấy. Nó qua công phu tu tập chứ không phải là cái kinh nghiệm kiến thức, nhớ nha.
Thì bài giảng này tôi đặc biệt nói về BÁT-CHÁNH-ĐẠO. Đấy. Khi mà mình không biết Phật-Pháp thì mình mù tịch, mình chỉ biết làm sao mà cho có tiền thôi, mình chỉ biết có tiền thôi, rồi có được mái ấm gia đình, có vợ có chồng, có con có cái, thế là vui, phải không? Thế là vui. Cả nhà mình ấm no. Thế là vui. Cả nhà có xe để đi. Thế là vui. Có cái nhà đàng hoàng để ở. Thế là vui. Có những chuyến đi chơi xa mỗi năm. Thế là vui. Nhưng mà ở trong Phật-Pháp mình thì cái vui kiểu đó nó nghèo lắm, cái vui kiểu đó, cái vui kiểu cạn cợt, nghèo nàn, như vậy đó, cái vui này nó chỉ dẫn đến khổ kiếp sau. Nó có cái vui khác lành hơn, bởi vì vui trong Kinh nói rõ lắm, trong A Tỳ Đàm nói vui có hai, là cái vui "Nhân" và cái vui "Quả". (Các vị chờ tôi tí). Vui "Nhân" và "Quả". Vui "Quả" là sao ta? Vui "Quả" là cái vui tôi mới nói, đó là đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có vợ có chồng, có con có cái, nhà cửa, xe cộ, đi đứng, điều kiện, phương tiện sinh hoạt, cực kỳ thoải mái, như ý, toại nguyện. Thì vui này gọi là vui "Quả". Cái vui này là nó là quả-lành của một thiện-tâm, một công-đức đời trước, cái vui này vui "Quả", cái vui này nó nguy lắm. Bởi vì sao? Là bởi vì đã là "Quả" thì nó không có khả năng tạo ra "Nhân" khác. Nha. Nó tác động thì được chứ không có tạo thêm, trong khi đó người mà không biết đạo khi họ nhận quả-đắng, tức là "Quả-báo-ứng" của nghiệp-xấu thì họ đón nhận bằng "Tâm-bất-mãn", lại là tạo "Nghiệp" mới. Khi mà đã nhận quả-lành thì họ lại tạo ra "Nghiệp-tham-ái", "Nghiệp-dính-mắc", Nghiệp-đam-mê", đấy. Nó cũng khổ. Như vậy hồi nãy tôi nói vui nó có hai là: "Vui-quả" và "Vui-nhân". "Vui-quả" là cái vui mà nó có được từ công-đức quá khứ, thì hôm nay bà con cứ liếc ra ngoài đường là bà con thấy ngay, đấy. Nhà cửa rồi phố xá, xe cộ, toàn là "Quả-lành" của bà con không đó. Nhưng mà cái vui trên cái "Quả-lành" nó ghê chỗ này nè, là cứ chìm đắm ở trong đó, không có cơ hội để nhìn lại ba chuyện, thứ nhất: Cái này từ đâu mà có? Là "Quả-lành". Người mà có "Trí", gọi là biết Phật-Pháp, người ta biết nó là "Quả-lành" thì người ta vừa hưởng "Quả-lành" vừa tạo thêm "Nhân-lành", người không biết thì coi như thua. Cho nên cái thứ nhất là người ta chỉ biết ăn chứ người ta không biết trồng. Cho nên chuyện đầu tiên họ không biết cái mình đang hưởng đó là "Quả-lành", vì không biết nó là "Quả-lành" cho nên không có màng chuyện tạo "Nhân-lành". Rồi chuyện thứ hai nữa là họ không hề biết rằng "Quả-lành" mà họ đang hưởng nó chỉ là một phần tỷ so với "Quả-xấu" mà họ chưa có đến lúc nhận lấy báo ứng thôi. Tại sao tôi dám nói tới 1 phần tỷ? Là tại vì trong vô số kiếp luân hồi mình nợ xấu mình nó nhiều lắm, mà trong một ngày của người Phật-tử biết thờ Phật, biết tu hành đó nha, là Tâm-xấu, Nghiệp-xấu, nó đã nhiều hơn Nghiệp-thiện rồi, nói gì những kiếp mà mình không biết, phải không? Cho nên cái không biết đầu tiên của người phàm phu, không biết đầu tiên là gì ta? Là không biết rằng những sung sướng mà mình đang hưởng đây nè, nó là "Quả-lành", mà vì không biết nó là "Quả-lành" cho nên họ không có màng đến chuyện tạo "Nhân-lành". Cái không biết thứ hai nữa là họ không biết rằng "Quả-lành" này nè, nó là chỉ là một phần tỷ so với "Quả-xấu" mà mình sẽ gặt hái. Cái không biết thứ ba đó là họ không biết rằng, đúng ra không biết, nhưng mà cố ý làm lơ, nhưng mà kể như là không biết, cố ý làm lơ thì cũng đồng giá trị với cái không biết rồi, phải không? Nó y chang thôi. đấy. Có nghĩa là giống như bây giờ tôi không biết đó là con rắn hổ, hoặc tôi biết, nhưng mà tôi làm lơ, tôi vẫn thò tay tôi giỡn với nó, thì có nghĩa là lúc này hai cái nó giống nhau. Chứ các vị đâu có nói khác chứ, mình không biết nó cắn kiểu khác, còn mình biết mà mình vẫn lì lợm, mình đưa tay vô nó cắn kiểu khác. No, no. Nó có một kiểu cắn thôi. Phải không? Con rắn có một kiểu cắn thôi, theo tôi biết hình như là vậy, Phải không? Các vị thử đi. Một người không biết đó là con rắn, thì đưa tay vô nó cũng cắn theo cách đó, mà người biết đó là con rắn, thì đưa vô nó cũng cắn theo kiểu đó. Có điều nếu mà con rắn nó rắn độc thì tình hình nó khác, chỉ vậy thôi, nha. Cho nên ở đây mình thấy người không biết Phật-Pháp, khi mà họ nhận "Quả-lành", bây giờ tôi phải ôn lại cho bà con nhớ tôi đang giảng cái gì? Tôi đang giảng "giấc mơ", đời sống là "giấc mơ" mà, đúng không? Thì chuyện đầu tiên tôi nói rằng, đó là hạnh phúc của đời này nó có hai, là cái sướng "Quả" và sướng "Nhân". Tôi đang giảng về sướng "Quả". Người mà không biết Phật-Pháp, khi mà được cái sướng mà sướng "Quả" đó, phải không? Thì họ không biết ba cái này. Không biết cái đầu tiên là cái sướng này là quả-lành quá-khứ, lẽ ra là mình hưởng "Quả" là phải trồng thêm "Nhân". Không biết thứ hai là họ không hề biết rằng "Quả-lành" này nè, nó rất là ít so với vô số "Quả-xấu". Biết vậy cái tình hình nó khác nhiều lắm quý vị. Nhiều lắm, lắm, lắm. Phải không? Rồi biết thứ ba, đó là họ không hề biết rằng nó ngọt cách mấy nó cũng phải vô-thường. Đấy. Cái không biết thứ ba, như nãy tôi nói nhiều người biết nhưng cố ý làm lơ, biết mà làm lơ, có những người tôi biết mà họ với tôi không có quen, tôi chỉ biết họ thôi, hàng xóm tôi nè, hàng xóm bên Thụy Sĩ nè, sát bên chỗ đang giảng đây, và trong số những người tôi quen cũng có, giàu lắm, giàu kinh khủng lắm, mà cái khiếp đảm của họ, bây giờ phải xài chữ khiếp đảm. Là bây giờ tôi hiểu, tôi hiểu họ đó. Bây giờ mà họ ngủ đêm mà sáng ngày dậy, mà họ tay trắng, có thể là ít khổ hơn. Dễ sợ như vậy. Là vì sao? Là vì bây giờ tuổi cao quá rồi. Tuổi cao lắm. Ông hàng xóm tôi đó là chín mươi mấy tuổi, mà coi như ổng là biết bao nhiêu triệu, triệu phú, theo những người quen tôi họ cho biết, ông này chắc không biết bao nhiêu nhà đất, mà nhà đất ở bên Châu Âu kinh khủng. Ổng nhà đất bên Thụy Sĩ đó, biết bao nhiêu, toàn là đất vàng không, không có con thừa kế mới ghê chứ, không có con thừa kế, mà chín mươi ngoài, còn vô số, bởi tôi nói hoài, bên Thụy Sĩ nó nhiều lắm, mấy chỗ mà đẹp, đẹp, đẹp, đẹp, nhà mà nhà bỏ hoang tới một tỷ lận, nhiều lắm. Và trong số những người tôi quen cũng nhiều lắm, nhiều lắm, khoảng chắc cũng phải hơn một chục người, tôi nghĩ chắc là, không phải là tôi quen biết gì họ đâu, tôi biết họ thôi, nhưng mà trong tình cờ mà tôi biết, là mấy người này tiền của họ đủ để mà hỏa-táng. Tờ mệnh giá lớn nhất của Việt-Nam là tờ 500 phải không ta? Thì họ không biết là mấy trăm, mấy ngàn tỷ, giàu lắm, đủ để mà hỏa-táng. Nhưng mà sao? Bây giờ không già thì cũng bệnh, mà không bệnh thì cũng già, ăn được cái gì? Mua sắm được cái gì? Đi du lịch những đâu? Biết làm gì với cái đống tiền đó? Mà kiếp sau thì mù mịt. Khiếp như vậy. Cho nên tôi nghĩ thà bây giờ mà họ chỉ còn lại có cái nồi nhôm đựng mì gói vậy mà họ ít khổ, bởi vì họ không bị tiếc của. Còn cái thứ mà bây giờ biết là sắp đi rồi mà cái đống tiền này để lại, để cho ai? Ai xứng đáng? Rồi nó đau một chỗ đó là hồi trẻ rồi không không dám xài. Một là không có xài. Hai là không dám xài. Tới cái tuổi mà xài được thì không được xài. Đấy. Khổ vậy đó. Cho nên chúng ta sống trong "giấc mơ" không là vậy đó. Cho nên tôi nói sướng ở đời nó gồm có hai: "Sướng-quả" và "Sướng-nhân". Thì người ta toàn là người không biết đạo họ chỉ cắm đầu vô "Sướng-quả" thôi. Nhưng mà "Sướng-nhân" là sao? Tức là sống với Tâm-lành, đấy. Sống với Tâm-lành. Tôi có một niềm tin tuyệt đối sắc son vào một chuyện đó là, cho dầu đời sống vật chất có nghèo cỡ nào nhưng mà có Phật-Pháp, có Trí-tuệ, có Hành-trì, có Nhận-thức, thì chắc chắn rằng mình sẽ an lạc cực kỳ, gấp triệu, triệu là 6 số 0, 6 hoặc thậm chí 9 số 0 luôn, tức là tỷ, gấp triệu, gấp tỷ, cái người mà không biết Phật-Pháp. Cái sự gọi là an tâm gấp triệu, gấp tỷ lần, tôi biết tôi nói nhiều người không đồng ý, các vị nói tại sao gì nhiều vậy? Gấp trăm, gấp chục, là nhiều lắm. Nhưng mà không. Tôi biết. Vì cái tâm nó vốn vô hình. Cho nên mình phán nó số mấy cũng được hết. Cái tâm nó vô hình mà. Biết Phật-Pháp sẵn sàng ra đi, cái cảm giác của người mà sẵn sàng ra đi nó nhẹ nhàng lắm, mà cái kinh hoàng nhất đó là không sẵn sàng ra đi, cái không sẵn sàng nó gồm có nhiều lý do lắm. Một là bỏ lại quá nhiều thứ không đành lòng, không cam tâm, nên không sẵn sàng ra đi. Trường hợp thứ hai đó là không biết tắt thở rồi mình sẽ đi về đâu, bởi vì mình đâu có học bên Chúa, mình đâu có học bên Phật, mình đâu có học bên Hindu, đạo Hồi, Do thái. Cái nào cũng lơ mơ hết, cho nên bây giờ mới chết rồi mình không biết đi về đâu, đấy. Thứ nhất là chết bỏ lại quá nhiều thứ người và của. Thứ hai là chết rồi không biết đi về đâu? Thứ ba, cái thứ biết Phật-Pháp mà lại không có hành-trì, nó lại khổ cách khác, ngồi nhớ lại biết rằng nghiệp-thiện của mình quá ít, mà nghiệp-ác nó quá nhiều, thế là cái hạng này đi cũng hơi bị khó, hơi khó, phải không? Rồi. Cho nên tôi nói sướng gồm có hai, đó là "Sướng-quả" và "Sướng-nhân", thì "Sướng-quả" là khỏi nói rồi, nãy tôi nói nó nguy hiểm lắm, biết tận dụng điều kiện mình có để mình sống thiện thì khỏi nói, còn đa phần mình hễ mà có thu nhập kha khá, điều kiện sống nó hơi cao cao tí, là coi như nó đi chùa thấy ghét lắm, nhìn cách đi chùa là nó thấy ghét rồi, phải không? Bước vô cổng chùa mà sợ dơ giày, quỳ gối chánh điện mà sợ dơ áo, rồi coi như là dòm ai cũng nghèo hơn mình, dốt hơn mình, khờ hơn mình, ngu hơn mình, dòm ai cũng sợ người ta móc túi mình. Thí dụ như vậy. Khổ lắm. Khổ rất là khổ. Đó là sướng "Quả", còn sướng "Nhân" là sống trong Tâm-lành. Xong chưa? Rồi. Bây giờ bắt đầu tôi giảng về Bát-Chánh-Đạo nè. Chính vì không có biết mấy cái căn bản này, tới hồi biết Phật-Pháp được ba mớ, không có dịp ngồi lại coi mình có hiểu đúng không? Thí dụ như bây giờ mình nói Phật-Pháp có nhiều cách nói, Tứ-Niệm-Xứ là cốt lõi đạo Phật, đúng. 12 Duyên-Khởi là cốt lõi đạo Phật, đúng. Tứ-Diệu-Đế là cốt lõi đạo Phật, đúng. Nhưng mà với điều kiện hiểu sao mới đáng gọi là cốt lõi, chứ hiểu lơ tơ mơ mà nói tôi hiểu được cốt lõi là mệt nha. Tôi xin nhắc bà con cái đó. Nhắc kỹ cái đó nha. Hiểu cỡ nào thì mới đáng gọi là hiểu cốt lõi, chứ còn hiểu kiểu ầu ơ, ví dầu, mà gọi là hiểu được cốt lõi thì cái đó khó, rất là khó, phải không? Đấy. Thì có nhiều cốt lõi, mà trong bài giảng này đặc biệt, không biết tại sao tôi nổi hứng, tôi muốn giảng Bát-Chánh-Đạo thôi, thì chúng ta hồi xưa giờ chúng ta mù tịch không biết gì hết, bây giờ biết Phật-Pháp rồi, biết Thiện-Ác, biết Siêu-Đọa là gì rồi. Biết Giải-thoát, biết Sinh-tử là gì rồi. Thế là chúng ta chỉ có một con đường để đi thôi, đó là hành trì Bát-Chánh-Đạo, vấn đề nó nằm ở chỗ này. Chánh-kiến là cái gì? Tôi nói này ra rồi mới đau lòng. Chánh-kiến là cái gì thì ngay cả cái Chánh-kiến mình cũng hiểu cái chữ Chánh-kiến bằng cái Tà-kiến. Cái này mới ghê, cái này mới ghê chứ. Ngay cả chữ Chánh-kiến mình đã hiểu nó bằng Tà-kiến, lấy cái Tà-kiến mà đi hiểu Chánh-kiến. Thôi rồi Lượm ơi. Thôi rồi Lượm ơi. Còn nói theo giọng của miền trung Tố Hữu là "Thôi rồi Lượm ơi", còn mà nói giọng nam-bộ là "Ôi! thôi rồi nồi xôi", đấy. Một vấn đề mà thấy hiểu gọi theo cách nói miền trung với miền nam mà thấy chát chua lắm. "Thôi rồi Lượm ơi". Hiểu Chánh-kiến mà bằng cái nhìn Tà-kiến, là sao? Chuyện đầu tiên là anh biết Chánh-kiến là cái gì không cái đã, anh nói với tôi anh là Phật, đúng không? Thì anh làm ơn anh định nghĩa tôi nghe Chánh-kiến là gì? Thì tôi nghĩ là 100% Phật-tử Việt-Nam là không định nghĩa được rồi đó. Nhưng mà cái đó chưa đau, cái này mới đau nè, Sư cho tôi cầm sách không? Tôi cầm sách tôi đọc được không? Lại cũng không được. Là vì sao? Là vì có tới 1 tỷ cuốn sách nó nói về chữ Chánh-kiến, bây giờ mình biết cầm cuốn nào? Nó lại đau kiểu khác. Hồi nãy là tự mình không biết Chánh-kiến là cái gì thì nó đau kiểu khác, mà bây giờ nói, thôi bây giờ tôi cho ông cầm sách, ông đi lục tung kinh sách ông coi, biết cầm cuốn nào, nó có tới 1 tỷ định nghĩa Chánh-kiến. Tôi nói cho biết để mà các vị tự liệu, chứ không phải dễ đâu, nha. Đừng có thấy ngoài để Giáo-hội Phật-giáo Việt-Nam, hoặc là để cư sĩ Nguyễn văn A, Trần văn B gì đó, rồi chức danh, rồi giáo phẩm gì đó là mình, khác nhau hết. Tôi không dám nói ai nói sai nha. Tôi nhắc lại, tôi không dám nói ai nói sai. Tôi chỉ nói rằng mỗi tác giả, mỗi soạn giả, mỗi dịch giả, là họ có cái kiểu nói khác nhau về Chánh-kiến, đó là cái lỗi chúng ta, là không có tham khảo Kinh điển bậc một, tức là Tam-Tạng, mà đặc biệt là bản Pali, không, không bao giờ, ngu gì đọc, đọc mất thời gian, mất vui, phải không? Mình phải tung tăng cho nó đã chứ, khỏi có Kinh sách gì hết, lâu lâu xẹt vô cúng dường ba mớ cái là rồi yên tâm, phải không? Rồi rảnh rảnh xẹt vô ông Thầy nào quen quen ngồi uống trà, hỏi ổng nói ba mớ bỏ túi coi như xong rồi đó. Xong. Hoặc là lên mạng YouTube Google gì đó, vô đó 3 giây là có ngay định nghĩa Chánh-kiến, mà nó vui ở chỗ là tôi nói một tỷ lần, chúng ta có hai cách tìm đến với chân lý. Một là thấy nó như nó là. Nó là sao thấy như vậy. Còn trường hợp thứ hai là thấy nó như mình muốn. Thế là chúng ta đến Thầy-bà, Tăng-ni, Kinh-sách, tài liệu, luôn luôn chúng ta chọn cái nào nó vừa ý mình, đấy. Thế là ngay chữ đầu tiên đó là chữ Chánh-kiến là mình đã hiểu nó theo cái lăng kính của Tà-kiến, trong Kinh ghi rất rõ, trong Tam-Tạng Chú-giải Pāḷi ghi rất rõ, Chánh-kiến là cái gì? Là thấy đúng. Nói dễ nghe quá. Chưa, còn nữa. Chánh-kiến mà nói gọn gồm có hai, đó là nói gọn áh nha, nói gọn gồm có hai. Một là: Mọi thứ do "Duyên" mà có. Tức là "Trí" thấy "Nhân-quả". Mọi thứ do "Duyên", do các điều kiện mà có. Cái "Trí" thứ hai nó thấy rằng: Đã có rồi phải mất đi. Đây là cái "Trí-Tam-Tướng", "Vô thường-Khổ-Vô ngã". Hai cái "Trí" này nè, cộng lại nó mới thành ra gọi là "Chánh-kiến", và trong Kinh ghi rất rõ, khi mình thấy mọi thứ do "Duyên" mà có, hễ còn "Duyên" thì nó phải có mặt. Thì như vậy với cái thấy này, với cái Chánh-kiến này nè, mình trừ được cái "Đoạn-kiến", đấy. Rồi cái thứ hai thấy rằng: Mọi thứ đã có rồi mất đi. Thì với cái này nè, với cái "Chánh-kiến" này nè, mình trừ được cái "Thường-kiến", cái "Đoạn-kiến" này cho rằng chết rồi là hết, còn "Thường-kiến" là cho rằng nó có một cái "thằng tôi" mà coi như nó đi hết đời này qua kiếp khác, thay vì thấy rằng hiện hữu của mình nó chỉ là một chuỗi lắp ráp "Sóng và Hạt". Thí dụ như vậy, nha. Rồi. Cho nên cái chuyện đầu tiên là "Chánh-kiến" mình không có, mình hiểu "Chánh-kiến" đa phần hiểu theo cái góc độ "Tà-kiến", thấy chưa? Thế là nó dẫn đến những cái hệ lụy sau đây, khi mà anh không hiểu được anh không có được hai cái "Chánh-kiến" này nè: Một là anh không biết thiện-ác là gì hết, anh thích anh cứ làm. Thứ hai là khi mà anh biết được cái thiện-ác để anh hành động, thì sao ta? Luôn luôn thấy rằng "tôi" thiện, người kia ác, khi mà cái đã thiện thì được, nhưng mà có uýnh "cái tôi" vô trong đó là nó đã sai bét, phải không? Gắn "cái tôi" vô là đã sai, thay vì chỉ cần nhớ cái thiện nó đang được phát triển, cái thiện nó đang có mặt, chỉ cần ở đây gắn "cái tôi" vào đó là nó đã sai, đấy. Rồi "tôi" tu tập, "tôi" làm công đức thì "tôi" sẽ được sung sướng, ở kiếp sau "tôi" sẽ được về trời, "tôi" sẽ được làm đại gia ở một kiếp khác. Ví dụ như vậy. Thì hành thiện, lánh ác, mà bằng ý niệm "tôi" và "tôi là" là đã sai. Tiếp tục còn cầu. Cầu cho "tôi" được thế này, "tôi" được thế kia, cho nên mang tiếng là Phật-tử, mang tiếng là hành thiện, nhưng mà lúc nào cũng có "cái tôi" to đùng trên đầu. Đấy. Rồi sao nữa? Khi mà "cái tôi" nó càng to thì cái khả năng mà bị tổn thương nó cực lớn. Cái lu bao giờ nó cũng dễ bị tổn thương, xâm phạm, hơn là một hạt cát, một sợi tóc, một hạt cát, một sợi tóc ít bị tổn thương bởi vì bản thân nó là chi li. Thay vì mình thấy mình chỉ là một nắm cát thì mình sẽ không bị tổn thương. Còn đằng này mình thấy mình là một cái gì đó nó ghê gớm, nó cồng kềnh, nó hoành tráng, mà nó càng cồng kềnh, nó càng hoành tráng thì khả năng bị tổn thương nó càng lớn. Chỉ vậy thôi. Nha. Chuyện đầu tiên là mình đã hiểu chữ Chánh-kiến bằng cái góc nhìn Tà-kiến, mình đã hiểu "giấc mơ" bằng một cái cái "cơn mộng". Hiểu "giấc mộng" bằng một cuộc "chiêm bao". Lấy "chiêm bao" mà giải thích "chiêm bao". Lấy "mộng" mà giải "mộng" thì chết rồi. Nha. Rồi. Cái chuyện nữa, tức là Bát-Chánh-Đạo là con đường Thoát-khổ đúng không? Đấy. Thì trong Kinh A Tỳ Đàm nói rất rõ, rất rõ và rất rõ, Bát-Chánh-Đạo là một hình thức nói gọn của 38 Tâm Sở, dân học A Tỳ Đàm nghe này nổi điên, nhảy dựng tưng tưng, tưng tưng, tưng tưng lên, nhưng mà tôi xác định, tôi vẫn chịu trách nhiệm câu nói này. Đấy. Thì bây giờ Thập-độ, Thập-thiện hay là Bát-Chánh-Đạo, rồi nói gọn là nó là 38. Tức là 38 thành tố Tâm-Sở-Thiện. Rồi. Mà chính vì mình không có thấy cái này nè, cho nên khi mà hành thiện là mình thấy "tôi" tu. Xong chưa? Rồi "tôi" sẽ đắc. Xong chưa? Rồi trong lúc mà "tôi" tu thế này, "tôi" chưa đắc thì "tôi" sẽ được về trời, "tôi" sẽ được sung sướng. Tức là chuyện đầu tiên mình tu bằng ý niệm "tôi", rồi cái gì nữa? Đó là cái chuyện mình gieo Nhân-lành cho kiếp sau, còn hiện tại mình được sung sướng, thì mình sẽ thấy rằng là "tôi" được sướng, "tôi" được giàu, "tôi" đẹp, "tôi" giỏi, "tôi" uy tín, "tôi" quyền lực, "tôi" tiếng tăm, lại "tôi" nữa. Thì suốt một cuộc sống mà bị gọi là bị đè nặng bởi cái khái niệm "tôi" thế này khổ quá. Khi làm thiện, khi tạo nhân thiện cũng có cái "tôi", mà khi hưởng Quả-lành lại cũng "tôi", thì một người mà trong cả hai, lúc sống với Nhân và với Quả mà bằng ý niệm "tôi là" và "cái gì là của tôi?", "Me”, “Mine" là coi như xong. Chỉ có chuốc khổ thôi. Cho nên chuyện đầu tiên là cái Chánh-kiến là chỗ đó. Chánh-kiến thấy rằng chỉ có thiện có mặt, chỉ có ác có mặt. Thiện nó tạo ra cái sướng, mà ác tạo ra cái khổ, thì chỉ có cái sướng nó có mặt, cái khổ có mặt, ở đây không có "tôi" không có "ta" gì hết. Dĩ nhiên bà con không có quen nghe đạo thì nghe cái này thấy nó hơi kỳ kỳ, nhưng mà có hành trì sẽ thấy nó, một ngày sẽ thấy như vậy, một ngày sẽ thấy nó như vậy, thấy rằng cái thân này nè, gọi là "tôi" đó, thật ra nó là một cái cục thịt mấy chục kg và một mớ đồ lòng trong đó, bao nhiêu là tế bào, bao nhiêu đơn tử, bào tử trong đó, bao nhiêu cái gọi là chỉ máu, gân máu, thần kinh, rồi tùm lum hết. Thần kinh thực vật, động vật, tùm lum trong đó, phải không? Rồi. Mình nói "tôi", thật ra về cái "xác" và "hồn", về cái "xác" trước đi, thì nó là một đống thịt, nó bầy nhầy, nó đủ thứ hết trơn, da xương thịt, đồ lòng, xong chưa? Mà cái đống thịt này là nó rất là dễ dàng bỏ mình mà đi. Mà tôi không biết mình là ai tôi cũng không biết. Bởi vì gọi là mình là phần "hồn", phần "xác", mà trong khi cái phần "xác" thì nó thấy ớn như vậy đó, phải không? Chỉ cần bị đột quỵ một phát là cái này thành ra của nợ liền. Anh đừng có nói với tôi anh là Giáo-sư, là Viện-sĩ, là Bác-sĩ, là Hoa-hậu, Người-mẫu, Linh-mục, Hòa-thượng giáo-phẩm, chức-sắc không, có tất cả, khi mà có chuyện rồi thì cái phần "xác" này nó là của nợ, mình nói nó ác chứ, mình chết thì mình ít làm phiền người ta hơn mình sống, tôi nói thiệt. Nếu mà mình đi xe lăn, rồi chưa kể xe lăn còn khá, kiểu mà nằm liệt chỗ mà cái miệng nó lệch qua bên, nước miếng nó chảy, rồi mắt đứng tròng Ớ ớ ớ ớ đó là nó khổ kinh lắm, phải không? Rồi mai này đó là cái cục này mà nó lạnh ngắt, cứng đơ, đem đi chôn, đi thiêu thì coi như không còn gì để nói, đúng không? Rồi. Cái đó là phần "xác". Còn phần "hồn" là cái gì? Thiên-ác, buồn-vui, lúc thiện, lúc ác, ác nhiều hơn thiện, lúc buồn lúc vui, buồn nhiều hơn vui, ngồi nghĩ kỹ coi tôi nói có đúng không? Nghĩ kỹ lại cái gọi là Nguyễn văn Tèo này nè, cái mà anh chàng đang nói chuyện này nè, anh gồm có hai là phần "xác", phần "hồn", đúng không? Mà cái phần "xác" của ảnh chưa có chuyện gì xảy ra nó đã là bất tịnh, là bệnh hoạn, là nặng nề rồi. Bất tịnh, bệnh hoạn, và nặng nề. Còn mai này mà nó có chuyện một phát, nó là của nợ, là báo đời nữa, phải không? Rồi. Đó là phần "xác". Còn phần "hồn" thì sao? Thiên-ác, buồn-vui, mà thiện ít ác nhiều, rồi buồn nhiều vui ít, thì hỏi chi cái "xác", cái "hồn", kiểu tào lao như vậy đó, thì nó có đáng để mình gắn lên đó một cái nhãn mát "đây là tôi", "đây là của tôi" không? Đấy. Mà nó xui chỗ mình không có thấy, không có thấy được như vậy, cho nên đó được gọi là Tà-kiến. Mà né được Tà-kiến này là Chánh-kiến. Thì thử hỏi chúng ta đang sống bằng nghịch lý. Chúng ta thờ Phật bằng một núi nghịch lý đúng không? Chuyện đầu tiên là Bát-Chánh-Đạo và cái Chánh-kiến là mình đã hiểu nó, thứ nhất mình có hiểu hay không cái đã? Mà đa phần là hiểu Chánh-kiến bằng cái góc nhìn Tà-kiến. Rồi chưa? Rồi.
Thứ hai là Chánh-Tư-Duy. Đa phần bà con mình mà tôi tiếp xúc, chữ Tư-duy là cứ đem Nguyễn-văn-Lân hay là từ điển Hán-Việt của ông Đào-Duy-Anh ra tra, Thiều-Chủ tra cái chữ Tư-duy coi phải báo đời không? Trong khi Tư-duy ở đây người ta định nghĩa là cái suy nghĩ, phải không? Mà Chánh-Tư-Duy mà dịch là suy nghĩ đúng là chết rồi. Đó là mình hiểu kinh Phật mà thông qua kiến thức ngôn ngữ, mà ngôn ngữ gì ta? Ngôn ngữ Hán-Việt mới ghê chứ. Cho nên Chánh-Tư-Duy mà trong kinh Phật không có phải là suy nghĩ đúng một cách gọi là đại khái, sơ sài như mình hiểu. Nha. Chánh-Tư-Duy ở đây nó còn có ba, đó là: Ly-dục, Vô-sân và Bất-hại. Ly-dục là gì? Không có dính mắc. Mà nói không dính mắc chưa có tới, mà định nghĩa là tâm thái buông bỏ, chứ còn nói không dính mắc Tâm-sân nó cũng đâu có dính mắt đâu, đúng không? Rồi. Như vậy thì mình phải nói Ly-dục đây là cái tâm thái, cái trạng thái, cái tâm trạng buông bỏ một cách có ý thức. Thì cái đó được gọi là Ly-dục. Không có bám chấp cái này, cái kia. Thấy cái này ngọt, cái kia thơm, cái nọ ngon là không có bám chấp. Tâm thái buông bỏ một cách có ý thức nó gọi là Ly-dục. Tâm thái thứ hai là Vô-sân, nếu mà Ly-dục là không đam mê dính mắc, thì Vô-sân nó có nghĩa là không có bất mãn, không có chống trái, không có mâu thuẫn, không có xung đột, nói chung, nói gọn là không bất mãn. Mình sống ở đời mình khổ là vì cái gì ta? Vì hai tâm trạng: Một là đam mê. Hai là bất mãn. Hai cái này trong kinh Tứ-Niệm-Xứ đức Phật Ngài gọi chung là Tham-ưu. Đấy. Tại sao tôi nói tất cả đau khổ trên đời này nó đi ra từ cái "thích và ghét", từ cái "tham và sân". Tại sao vậy? Tại sao? Là vì khi mình "thích" cái gì mình sẽ "ghét" cái ngược lại. Và khi mình "ghét" cái gì mình sẽ "thích" cái ngược lại. Đúng không? Mà khi mình "thích" mà không được là khổ. Mà khi mình "ghét" mình tránh không được nó cũng khổ, đúng không? Và các vị nhớ lại giùm tôi đi, trong đời của các vị từng người trong room đang nghe tôi nói chuyện nè, chúng ta tránh được bao nhiêu cái mình "ghét"? Bao nhiêu cái mình sợ tránh được bao nhiêu? Mình tránh được bao nhiêu cái mình bất mãn? Đấy. Và mình có được bao nhiêu cái mình "thích"? Tự hỏi lòng đi, tôi không có nói đâu. Tôi không thèm nói. Tôi không thèm bàn tới. Quý vị tự hiểu, nha. Trong 100, 1000 cái mình "thích", mình có được bao nhiêu? Thứ nhất là đã được, không được bao nhiêu, mà những cái mình được nó cũng chỉ gượng lắm, gượng gạo khiên cưỡng lắm. Mà chưa kể có rồi cái giữ không được. Sáng còn chiều mất, có vụ đó, hoặc là nó không mất mà nó biến tướng, biến dạng, còn nếu nó không biết tướng, biến dạng thì sao ta? Mình chán mình ghét. Rồi. Cái thứ tư là gì ta? Mình chưa kịp chán ghét thì nó bỏ mình nó đi, đó là những cái mà mình "thích" đó, đã không? Kiếm được thì cực, kiếm được rồi giữ không nổi, mà giữ được thì mình bèn chán nó, hoặc là mình chưa kịp chán nó bèn bỏ mình nó đi. Đấy. Nó khổ vậy đó. Những cái mình "thích", còn cái "ghét" thì sao? Cũng theo cái đó mà hiểu. Mình tránh được bao nhiêu cái mình ghét? Khó lắm. Bởi vì nếu mình tránh được cái mình "ghét" đâu gọi đời là biển khổ quý vị? Đâu có gọi là biển khổ, quý vị có cần tôi nói thiệt ra không? Nói ra nó nhục, phải không? Chứ có ai mà muốn mình tiếp tục sống với cái hình hài này không? No. Bây giờ bấm một cái nút on-off mà cho cái thân này nó đẹp hơn, nó lùi lại tuổi 20 nè, 6 múi, cao 1m85, mắt tai mũi họng y như Alender Long vậy đó, y như là Tom Cruise, y như là như anh chàng Brad Pitt của Mỹ vậy đó, ai muốn không? Muốn chứ. Ai cũng muốn mình đẹp như là người mẫu, như Nam-vương, ai cũng muốn hết, nhưng mà có được không? Không. Mình chán với hình này lắm. Nhưng mà bây giờ mình gượng, rồi nói ra thì chối, nói tôi thấy OK, tôi OK, cái đó nói dóc, đó là gạt con nít nha, chứ bấm nút mà đổi qua cái xác khác là đổi được liền. Mình ghét nó lắm như mình bỏ được nó hay không? Rồi cái gì nữa? cái nhà của mình. Tôi dám bảo đảm 100% trong cái nhà, trong cái người trong room này nè, đổi được cái nhà là quý vị đổi liền, chẳng qua là không có điều kiện thôi, nha. Rồi nói dóc, nói là về nhà OK, nhà OK, chứ thật ra quý vị mà nếu mà bấm nút một phát mà đổi được cái nhà khác thì đổi liền, rồi nói xa, nói cái hôn nhân của các vị, hôn nhân, các vị có bao nhiêu người ở đây muốn tiếp tục sống với người chồng, người vợ, mà cũ xì của mấy chục năm nay, chẳng qua là không có điều kiện thôi, rồi con cái của mình, tình Mẹ tình Cha là bao la, nhưng nếu bấm nút một phát mà con mình nó thành tiên-đồng ngọc-nữ coi như một đứa 8 bằng Bác-sĩ, 8 bằng Tiến-sĩ, nói 15 thứ tiếng mình có muốn không? Con mình từ học hành, thể thao, ngoại hình, năng khiếu, nghệ thuật, boxing, bơi lội, quyền anh, đá bóng, bóng rổ, cái gì cũng giỏi hết mình có muốn không? Hay là một thằng con tối ngày nhỏng nhẽo, xanh lè xanh lét, gái giống trai, trai giống gái, mình có muốn không? No. Vấn đề là mình không có né được, mình bèn nói dóc, nói là đời tôi Ok. Cho nên nội mà hai cái "thích" và "ghét" là làm cho mình khổ biết là bao nhiêu. Không có được cái mình "thích" là khổ, có được rồi lo cắm đầu mà giữ nó cũng khổ, giữ không được cũng khổ, mà chán nó rồi bỏ không được cũng khổ. Đấy. Còn cái mình "ghét" cũng vậy. Tránh không được là khổ, mà tránh được bao lâu? Thứ nhất là tránh được bao lâu, rồi nó mất rồi có cái khác còn ghê cái đó nữa, tránh được vỏ dưa thì dính vỏ dừa đó là còn chết nữa, phải không? Đấy. Cho nên đó là trong cái gọi là Chánh-Tư-Duy đầu tiên là gì? Là không đam mê. Thứ hai là không bất mãn, Đấy. Ly-dục, Vô-sân, và thứ ba là Bất-hại, cái Bất-hại tức là một ý niệm bạo lực, bạo động, bạo hành, sách nhiễu, xâm phạm, tổn thương đối tượng mà mình không có ác ý sách nhiễu, bất hại, tổn thương, bạo lực, bạo hành, bạo động, thì cái đó gọi là Bất-Hại-Tư-Duy. Đấy. Nhớ nha. Thì ba cái này cộng lại mới là Chánh-Tư-Duy. Nội mà tu ba này không là đủ rồi, một phát một, nói Bát-Chánh-Đạo là nói mênh mông chứ thật ra chỉ cần 1 trong 3, 1 trong 8 Chánh mà tu tới nơi, thì 1 trong 8 Chánh nó đã bao gồm 7 Chánh còn lại, chẳng qua là vì nói chi ly thì nói ra số 8, thế nào trong room cũng có người nhảy dựng lên, nói vậy là phỉ báng. No. Quý vị coi coi, con đường tu có chỗ chỉ nói Giới-Định-Tuệ thôi, yeah, vậy Bát-Chánh-Đạo nằm ở đâu? Lúc đó giờ mình thấy Bát-Chánh-Đạo lúc bấy giờ được nói gọn lại, nó có trăm ngàn cách để nói Bát-Chánh-Đạo chứ đâu phải một cách, nha. Biết ba mớ rồi, Trời ơi, chưởi người ta không còn một cái nước non nào hết, xong chưa? Rồi. Cho nên chỉ riêng cái anh Chánh-kiến đó mà tu cho tới nơi là tự động có 7 anh còn lại, mà anh Chánh-Tư-Duy này mà tu cho đúng thì tự nhiên nó có 7 anh còn lại, nha. Mà vấn đề là tu cho tới àh nha, chứ còn thứ chập chờn là không được. Rồi số ba đó là Chánh-ngữ, Ngữ-Nghiệp-Mạng, 3 cái này gom chung lại tôi giảng đi, nha. Chứ già mệt, mà lúc này già thiệt, nhiều người họ ngộ lắm họ tưởng tôi nói đùa, họ nói Thầy mới có 55, mà xin lỗi chứ, không biết họ có biết cái này không? Con số muôn đời nó giống nhau, nhưng mà thực tế người 55 này nó không giống người 55 kia, đấy. Nha. Trên con số 55 nào cũng là 55 hết, là 2 con số 5, nhưng người mà 55, ông Tèo 55 nó khác, Tí 55 khác, bố Tèo, bố Tí là hai khác, nha. Bốn người tất cả. Phải không? Cha con của Tí, cha con của Tèo, tất cả đều 55 hết, nhưng mà khác nhau nhiều lắm, giờ nói gọn, nha. Các vị tưởng tôi đem chuyện riêng ra tôi nói để lạc đề, No. Không có lạc đề. Tôi đang nói Bát-Chánh-Đạo, có nghĩa nội mà mình hiểu 55 nào cũng giống nhau là mình đã Tà-kiến rồi, yeah, nó là một kiểu Tà-kiến rồi, làm sao mà giống nhau được?
Rồi bây giờ tới Ngữ – Nghiệp – Mạng. Chánh-ngữ, Chánh-nghiệp, Chánh-mạng là sao? Tôi đã nói 1 tỷ lần rồi. Tôi nói riết mà mấy người họ ghét tôi, họ nói ổng biết có nhiêu đó thôi hà, quý vị phải hỏi kỹ lại coi, tại sao mà tôi cứ nhắc tới, nhắc lui, bởi vì các vị, các vị tới học với tôi, không có cho một cái "nền" thì lấy cái gì mà học cái cao hơn? Trời ơi nó chưởi, có cái nhóm nó vô nó chưởi tôi không còn cái gì, nó kéo từ Sài Gòn nó ra Vũng Tàu, nó làm đại bản doanh dưới sự chỉ đạo của một vị phương trượng hoành tráng, mà nó chống, mà không biết chuyện gì mình không biết, mình tổn thương, mình xúc phạm gì ai mà tự nhiên nó lập ra chống kinh khủng, rồi. Thì Ngữ – Nghiệp – Mạng là cái gì? Chúng ta có ba cái nhu cầu trong đời sống. Một là nhu cầu kiếm sống, dầu con chó, con lợn, con dòi, con sâu, con giun, con dế, hay là một ông hoàng-đế, một đại-gia, một doanh-nhân, tất cả đều phải có cái nhu cầu đầu tiên, đó là nhu cầu kiếm sống. Còn kiếm kiểu nào thì tùy tầng lớp, tùy chủng loại chúng sinh, đúng không? Nhưng mà ai có mặt trên đời này cũng có nhu cầu đầu tiên là nhu cầu kiếm sống. Nhu cầu thứ hai là nhu cầu giao tiếp. Đấy. Mình không thể là một ốc đảo cô đơn tuyệt đối im lặng ngàn đời dưới cuộc sanh tử nghìn trùng này được, chúng ta phải luôn luôn có nhu cầu giao tiếp, phải không? Con này, con ếch với con ếch, con chim với con chim, con cá với con cá, con người với con người, phải có khả năng giao tiếp, xong chưa? Rồi. Nhu cầu thứ ba là nhu cầu hoạt động. Tùy chủng loại, tùy cảnh giới, tùy tầng lớp, mà chúng ta có hoạt động khác nhau, chứ còn căn bản ai cũng có nhu cầu hoạt động. Như vậy tổng chi, đã có mặt trên đời này, ai cũng phải có ba thứ nhu cầu sau đây:
1- Nhu cầu kiếm sống
2- Nhu cầu giao tiếp
3- Nhu cầu hoạt động
Thì một người mà sống không có làm chủ được mình, không có kiểm soát được mình trong ba cái nhu cầu này, thì được gọi là Tà-ngữ, Tà-nghiệp, và Tà-mạng. Chỉ vậy thôi, yeah. Tà-nghiệp là gì? Là anh không có khả năng tự chủ kiểm soát và kiềm chế trong nhu cầu hoạt động, anh làm toàn là chuyện hại người không, đó gọi là Tà-nghiệp. Còn Tà-ngữ là anh không có khả năng kiểm soát, giữ mình, trong nhu cầu giao tiếp, anh chỉ để lại máu và lệ cho người khác, anh đã làm tan nhà nát cửa, phá hại cho người ta sống không bằng chết, bằng cái miệng lưỡi của anh, bằng cái ngòi bút của anh, phải không? Thì cái này nói chung là khả năng giao tiếp. Thì không làm chủ, không giữ được mình, không kiểm soát được mình, trong nhu cầu giao tiếp thì được gọi là Tà-ngữ, nha. Còn cái nữa là không có làm chủ được mình, không có kiểm soát được mình trong nhu cầu kiếm sống, anh sống trên nước mắt, trên máu lệ của người khác, anh sống trên nỗi khổ niềm đau của người khác, thì đó gọi là Tà-mạng, đấy. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chốt lại ba cái "Chánh" này, nó chính là ba cái khả năng, kiểm soát, giữ mình, trong ba cái nhu cầu: Hoạt động, Giao tiếp, Kiếm sống. Mà có bao nhiêu người Phật-tử hiểu được 3 cái "Chánh" này, không hiểu. Vì chúng ta đang "chiêm bao". Tôi nhắc lại lần nữa, ngày xưa không biết gì thì chúng ta chỉ biết sướng-khổ, buồn-vui, thích-ghét, biết đạo rồi là bèn biết làm-lành, lánh-dữ, nhưng mà tưởng như vậy là tu. No. Tất cả các pháp tu, tất cả các công đức, đều gói trọn trong Bát-Chánh-Đạo, đấy. Mà chữ Bát-Chánh-Đạo anh hiểu được cái gì? Lâu nay anh tưởng anh là Phật-tử là đó là cái sai, là vì sao? Vì anh là Phật-tử nhưng anh không có biết tu cái gì, tránh cái gì, và thế nào cũng người nổi dựng nói biết, biết, tôi biết chứ, tôi biết Bát-Chánh-Đạo, nếu mà anh biết Bát-Chánh-Đạo, anh biết Bát-Chánh-Đạo là gì vậy anh định nghĩa Bát-Chánh-Đạo là cái gì? Lại không biết nữa. Như vậy là xưa nay đó là khi chưa biết đạo là đã "chiêm bao", biết đạo rồi lại "chiêm bao" cách khác, đấy. Hồi xưa là không biết thiện-ác thì chỉ có "chiêm bao" ở trong cái sướng-khổ, buồn-vui, thích-ghét, bây giờ biết đạo rồi lại "chiêm bao" trong cái hành-thiện, lánh-ác, trong cái gọi là sinh-tử và giải-thoát. Nằm "chiêm bao" đợt hai, cái này mới ghê, cái này mới ghê. Tại vì cái người mà không biết gì họ "chiêm bao" không có đáng trách, vì đã nói là không biết gì. Còn đằng này mình biết, nhưng mà lại tiếp tục "chiêm bao" tập hai, mà cái tập hai này nó đậm lắm. Nó đậm lắm. Bởi vì "chiêm bao" trong "chiêm bao", "mộng trong mộng", "mộng trong chiêm bao" và "chiêm bao trong mộng" làm sao mà coi thường được. Phải không? Đấy. Thế là nội chỉ riêng Bát-Chánh-Đạo mình đã không hiểu, tu là tu cái gì? Tu là tu cái gì? Phật-Pháp đâu có như mình nghĩ, nhưng mà mình nghĩ đó là Phật-Pháp, đó là "chiêm bao" tập hai. Còn người ta không biết tu hành gì hết, người ta chỉ biết cắm đầu gục mặt người ta hưởng thụ đời sống, người ta chỉ biết cắm đầu gục mặt để mà lấy lệ mà lau mặt thôi đó. Nói chung là người sướng và người khổ đi. Người sướng và người khổ không biết Phật-Pháp thì họ lại "chiêm bao" trong cái sướng và khổ không có trách, còn đằng này mình biết Phật-Pháp nhưng mà mình không có tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, thế là mình lại "chiêm bao" lần nữa. Người ta "chiêm bao" vì người ta không biết người ta đang ngủ, còn mình biết mình đang ngủ, mình biết mình đang "chiêm bao", nhưng khổ thay chúng ta lại "chiêm bao" lần nữa trong cái cuộc "mộng" ấy, đấy. Cho nên, kể từ hôm nay mong bà con nhớ: Tu là để thoát "chiêm bao", tu là để thoát khổ. Nhưng mà làm ơn coi kỹ lại cái hiểu của mình về Bát-Chánh-Đạo có đúng không? Coi chừng mình hiểu về Bát-Chánh mà bằng cái lăng kính của Bát-Tà mới ghê, ghê là ghê chỗ đó, phải không? Dán cái nhãn Bát-Chánh lên trán nhưng mà trong cái Tư-duy, trong cái nhận thức toàn là Bát-Tà không. Hiểu không? Đấy. Thì đó gọi là "mộng trong mộng", "mộng" mà "mộng tập một" là đã thấy ớn rồi. Cái này là "mộng tập hai" mới ghê chứ. Đấy. Ngữ – Nghiệp – Mạng.
Rồi cái thứ ba là Chánh-Niệm. Theo trong A Tỳ Đàm nói, theo giáo lý A Tỳ Đàm là một trong ba Tạng đó chứ không phải là của ai chế đâu đó nha. Thì là Chánh-Niệm này, một người không có tu hành gì hết cũng có, bởi vì nó là một cái thành tố tâm lý thôi, chứ không có cái gì ghê gớm, một người mà không có tu hành gì hết thì là họ cũng có Trí-tuệ, nhưng mà cái "Trí" đó không gọi là Chánh-kiến, bởi vì "Trí" đó là cái "Trí" về những vấn đề của tục lụy, của thế gian, kiểu hiểu biết mà nó không dẫn đến chuyện buông bỏ và giải thoát. "Trí" đó không đủ dẫn đến "Bi", đến "Dũng", đấy. "Trí" nó không đủ để mà tháo gỡ những vấn đề nội kết tự thân. Thì "Trí" đó gọi là Thế-trí, cái đó chưa được gọi là Chánh-kiến, nhớ nha. Rồi. Bây giờ biết Phật-Pháp mình biết Chánh-kiến là gì? Tư-duy là gì? Ngữ-Nghiệp-Mạng là gì? Chánh-niệm, "Niệm" là cái gì? Không biết Phật-Pháp mình cũng có Chánh-niệm. Cũng có "Niệm" chứ. Nhưng mà "Niệm" mình là cái gì? Đó là cái "ghi nhớ". Chữ này phải xin lỗi bà con, dịch được cũng le lưỡi, cho nên tạm thời dùng chữ tạm thế thôi, thế nào cũng có mấy cái cha mà, xin lỗi, ba mớ nhào vô cãi tùm lum, tự điển Nguyễn văn Lân, Nguyễn văn Phụng gì đó tùm lum. Đây tôi tạm dịch là chữ "ghi nhớ", biết mình. Thì một anh lái xe là anh phải có "niệm", dầu ảnh mới vừa đốt chùa, giết tăng, phá tượng xong, nha. Đốt chùa, giết tăng, phá tượng xong, ảnh lái xe ngoài đường ảnh vẫn phải có "niệm", vì ảnh không có "niệm" sao lái, ảnh phải có khả năng ghi nhận, ghi nhớ, là mindfulness, mindfulness, chứ không có cái gì ghê gớm, là cái khả năng gọi là tỉnh táo biết mình, một người mà đang sửa máy móc, đang lái xe, đang leo trèo, đi đứng ở chỗ cheo leo thì bắt buộc phải có "niệm". Một người đang lượm thóc, đang nhặt gạo, phải có "niệm", phải không? Bắt buộc như vậy. Một đứa bé mà nó ngồi vẽ tranh trong lớp Kindergarten – lớp mẫu giáo, thì nó cũng phải có "niệm" nó mới vẽ được chứ. Nhưng mà "niệm" này nó không phải là Chánh-niệm, bởi vì nó không được đặt trên nền tảng của Chánh-kiến, Chánh-tư-duy. No. Nó phải trên đó mới được gọi là Chánh-niệm, còn đằng này cái "niệm" này nó không có đặt trên nền tảng, nó được tác động một cách trực và gián tiếp bởi phiền não, tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, phải không? Cho nên vô số kiếp chúng ta cũng có Trí-tuệ, cũng có Niềm-tin, cũng có Tinh-tấn, cũng có Thiền-định, cũng có Chánh-niệm, có đủ thứ hết. Nhưng mà tới bây giờ bao nhiêu Phật ra đời nhiều như số cát sông hằng, mà chúng ta vẫn còn ngồi thù lù ở đây, là vì sao? Là vì chúng ta có lửa, có dao, có ánh sáng, nhưng mà chúng ta không biết dùng nó một cách thông minh, phải không? Đó là những công cụ tuyệt vời, lửa, dao, ánh sáng, nhưng mà mình không biết dùng, cứ toàn là dùng cho chuyện tào lao không. Lửa thì dùng để đốt nhà. Dao để dùng đi ăn cướp. Ánh sáng thì dùng để soi rọi đường mà đi làm chuyện tầm bậy, chuyện phi pháp. Ví dụ như vậy. Nhớ nha. Cho nên Chánh-niệm đây là cái gọi là Chánh-niệm mà Đức-Phật đề nghị khuyến khích mình, đó là cái "niệm" của người có học giáo-lý, có cứu-cánh, có lý tưởng giải-thoát, đấy. Người này đi đứng, nằm ngồi, sinh hoạt lớn nhỏ, tắm rửa, ăn uống, nhai nuốt, nói cười, buồn vui, nói hay là nín, thảy đều ở trong Chánh-niệm. Biết rõ rằng cái gì đang có mặt. Biết rõ tôi đang đi, đang ngồi biết rõ, biết rõ đang đi, biết rõ tham-sân-si đang có mặt, biết mình đang hoạt động thế nào, đó là "niệm". Biết cái gì vừa xuất hiện đó là gì? Đó là "tuệ", trong tiếng Pāḷi gọi là “ñāṇamattaya patissatimattaya”, tức là đời sống Niệm-Xứ là đời sống gì? Đời sống chỉ có "Niệm" và "Tuệ", hai cái này nó không rời nhau. “Ñāṇamattaya patissatimattaya”. Nhớ ha. Rồi. Đó là Chánh-niệm, khả năng biết mình và khả năng biết mình ở đây nó phải ra sao? Tỉnh thức trong từng giây phút. Nhiều người hiểu lầm nói trời Sư ơi nói dễ chứ làm khó. Tôi xin nói thiệt. Tôi không phải hành giả, nhưng mà cho tôi mắng một câu, không có thử đừng có nói bậy, tội chết, thử đi. Thực ra đời sống thất-niệm nó mới khó và khổ. hơn là đời sống có Chánh-niệm nó dễ mà nó sướng, vấn đề là chúng ta chịu không chịu tin, chúng ta không chịu thử, tin tôi đi, nha. Thử đi. Các vị đâu có mất xu nào, thử đi, tôi nhắc lại lần nữa, đúng ra sống Thất-niệm nó vừa khó mà nó vừa khổ, mà tại vì mình không có tập, mình quen, mình thích làm một đứa bé thích chơi giỡn với sình, giờ kêu mình lên tắm rửa, ăn mặc đàng hoàng mình chịu không có nổi, nói thẳng luôn. Sạch sẽ, khô ráo, nó rất là xa lạ với mình, xa lạ lắm luôn, lắm lắm luôn, phải không? Cũng như có nhiều người cứ chiều chiều là bắt nhè lè, nhè lè, nhè lè, mình mảy hôi hám, dưới sức nóng của Việt-Nam hừng hực, hừng hực cầm chai nửa lít đi lè nhè, lè nhè, chưởi làng trên xóm dưới, vậy mà nó vui, chứ còn giờ đó mà sạch sẽ, ngồi đong đưa trên võng đọc báo, đọc sách, hoặc ngồi trước bàn trà, ghế mây sau vườn, ngồi lật lật, tra tra tự điển, cuốn này, cuốn kia, rồi kinh Phật tiếng Phạn, tiếng Nhật, nó vui biết bao nhiêu. Nhưng mà không. Có những người họ nghe nói cái vụ tra cứu sách vở mà lật lật, tra tra, là họ sợ lắm. Giờ đó là phải mặc áo ba lỗ, ở trần càng tốt, còn dưới kia thì xà lõn lá chuối, cái lúc nó hết quan trọng rồi, cầm nửa chai nó đi lè nhè, lè nhè, đi nhà ai thấy ghét là chưởi đó, nó mới đã, đúng không? Mình cũng vậy. Mình là một người có tin Phật mới thấy, sống Chánh-niệm, sống trong tỉnh thức, trong kiểm soát, trong quan sát, nó sướng và nó lại dễ sống hơn là Thất-niệm. Thất-niệm thấy vậy chứ nó khó mà nó khổ lắm. Bởi vì sao? Là vì bao nhiêu tên bay đạn lạc của cuộc đời nó trút xuống là mình lãnh đủ. Còn người mà sống Chánh-niệm an lạc, an toàn lắm, phải không? Ok. Thì tôi cũng cạn lời. Tôi nói tin hay không thì mặc xác. OK. Rồi.
Chánh-định. Không có biết Phật-Pháp gì hết cũng có "định". "Định" là khả năng tập trung tư tưởng thôi. Nhưng mà cái được gọi là Chánh-định ở đây nó khác "định" của anh thợ sửa đồng hồ hay là của người lái xe, của anh đang làm việc nguy hiểm, hoặc là của con cò, con vạc nó đang ngồi nó rình cá, nó đang đứng nó rình cá, phải không? Nó khác xa. "Định" đây là khả năng tập trung tư tưởng của một người mà đang là sống chánh-niệm, tỉnh-thức, sống bằng "niệm", nhưng mà với sự hỗ trợ của "định". Bởi vì theo A Tỳ Đàm trong cái giây phút tu tập của mình có tới 38 thành-tố tâm-lý có mặt cùng lúc. Nghe cho kỹ nha. 38 thành-tố tâm-lý. Thì trong đó có "niệm" và "định". Người không học A Tỳ Đàm thì không biết hoặc không dám nói cái này, bởi vì họ nghĩ là "định" riêng, "niệm" riêng, nhưng mà trong A Tỳ Đàm nói không. Ở bên Thiền-chỉ thì "niệm" hỗ trợ cho "định". Mà bên Thiền-quán là "định" hỗ trợ cho "niệm". Có nghĩa là mấy ông Thầy này là khắn khít với nhau một cách gọi là chặt chẽ. "Định" là khả năng tập trung tư tưởng. Mà tại sao khả năng tập trung tư tưởng nó quan trọng? Tại sao vậy? Hồi nãy tôi quên nói "niệm", quên nói tác dụng của "niệm", "niệm" là khả năng mà tỉnh táo trong lúc mình nói, mình im, mình đi đứng sinh hoạt, buồn vui thiện ác, bởi vì xưa giờ là mình, một là khổ, hai là phiền não, hoàn toàn là do Thất-niệm. Chứ nếu mà mình làm chủ cảm giác, cảm xúc và tâm trạng bằng Chánh-niệm rất là an lạc. Thì "định" cũng vậy. "Định" là khả năng tập trung tư tưởng. Nó giống như ánh nắng mà nó hội tụ với kiếng lúp vậy đó. Đấy. Tức là ánh nắng nó bị tản nhiệt, sức nóng nó bị phân tán, bị khuếch tán, thì nó không có làm được gì hết. Nhưng mà nó được hội tụ qua một lăng kính lúp, cái magnifier thì nó sẽ làm nhiệt độ tăng lên, nó đốt cháy mọi thứ. Hoặc là Hòa-thượng Bổn-sư chúng tôi ngày xưa Ngài dùng ví dụ là giống như bóng khói đèn, cũng ngọn lửa đó, ngọn đèn đó, nhưng mà nếu mình có cái bóng khói mình chụp lên trên, mình để ngón tay cách đó ba tấc, nó nóng le lưỡi, phải không? Mà trong khi nếu mình tháo bóng đèn ra thì khoảng cách ba tấc bên trên không có nóng. Đấy. Là vì nhiệt độ nó bị khuếch tán, nó không có tập trung. Hoặc là mình thấy đập thủy điện, khi mà nước nguyên một dòng nước gọi là một lượng nước khổng lồ, hàng mấy trăm triệu mét khối mà bây giờ nó được nén lại nó thành ra cái dòng thủy điện, nó tác động lên cái tuabin để mà tạo ra điện. Thì lúc đó lực đẩy nó kinh khủng lắm. Kinh khủng lắm, phải không? Thì tâm mỗi người không phải nó yếu đâu nó mạnh lắm. Nó có thể dời non lấp biển. Nhưng có điều là vì nó bị khuếch tán lăng xăng, lăng xăng, thiện ác buồn vui, lúc nghe lúc nhìn, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, nó lăng xăng làm cho nó yếu, còn những bậc mà có tu tập, cái "định" của họ nó mạnh. "Định" của họ khi mà chứng thiền, chứng thông, nó có thể là di sơn đảo hải, dời non lấp biển, sai đậu thành binh, hô phong hoán vũ, đằng vân giá võ, đi mây về gió. Rồi. Chánh-định ở đây phải hiểu là khả năng tập trung tư tưởng ở cái người mà đang tu Tứ-Niệm-Xứ thì mới gọi là Chánh-định. Nhớ nha. Trước hoặc sau nha. Trước, sau hoặc đang khi tu Tứ-Niệm-Xứ chứ không hẳn, trước hoặc sau, bởi vì trong Kinh nói, trong Tăng Chi nói có bốn loại hành giả, tu "định" trước rồi mới "niệm" sau, hoặc "niệm" trước rồi "định" sau, hoặc "định-niệm" cùng lúc, hoặc là chỉ tập trung là tu "niệm" thôi. Tập trung tu "niệm" thôi. Nhưng mà đó là nói vắn tắt, chứ còn mình phải hiểu ngầm trong A Tỳ Đàm không bao giờ "niệm-định" rời nhau. Nhưng mà cái chủ đạo, chủ lực thì bên Thiền-chỉ thì "định" là chủ lực, chủ đạo, nhớ không? Chứ còn không có thể nào mà "định" với "niệm" rời nhau trong công phu mà tu chứng được hết. Dù là đắc thiền hay chứng thánh thì bắt buộc "định" và "niệm" phải có, phải không? Bắt buộc.
Rồi Chánh-Tinh-Tấn là cái gì ta? Chánh-Tinh-Tấn này dịch tắt là "siêng". Tinh-tấn hay là Chánh-cần là "siêng". Từ vô thỉ luân hồi, từ lúc mà làm con lợn, con chó, con giun, là kiếp nào mình cũng có "siêng" hết. Không "siêng" chết sao? Con chó ghẻ ở ngoài đường hôi rình, bù chét, xà mâu, phải không? Máu me, nước vàng từa lưa, tầy lầy vậy đó, nhưng mà nó cũng phải có cái "siêng", nó phải đi kiếm ăn chứ, phải không? Một ông hoàng, một học giả, một vị đại đế, một công nương, một hoa hậu, một người mẫu, một linh mục, một tu sĩ, một du đảng, một gái điếm, một ăn mày, một người bán vé số. Tất cả đều phải "siêng". Phải có cái "siêng" mới sống được. Chứ còn mà cứ nằm thừ lừ giống như bại liệt sao sống? Phải không? Cái "siêng", nhưng có điều được gọi là Chánh-Tinh-Tấn hay là Chánh-Cần đó chính là khả năng tinh-tấn của một người mà đang cầu đạo giải-thoát. Chứ còn vào chùa mà cứ cắm đầu làm một cái chuyện gì đó mà không có biết đến lý tưởng giải-thoát, tôi nghĩ vô để cầu phúc thôi, cầu phúc hoặc do thương mến ai đó là vô chùa cắm đầu mà làm, hoặc là có khi ở nhà buồn, vô chùa quen với ai ham vui vô chùa làm, có, tôi biết không có biết Phật-Pháp, không biết giải thoát Niết-Bàn sinh tử; không biết cái gì hết, thì có một lần nào đó do duyên vô chùa quen với mấy bà Tư, bà Tám, buôn dưa lê ở dưới đó, rồi cứ buồn buồn chạy vô chùa làm, vừa làm vừa nói xấu người khác, siêng có siêng, cũng dầm mưa phơi nắng đồ dữ dằn lắm, rồi cũng chùi cầu, rửa chén, hút bụi, lau sàn, làm gớm lắm. Nhưng mà "siêng" đó không gọi là Chánh-Tinh-Tấn, bởi vì nó không có được thiết lập trên nền tảng của cái gọi là lý-tưởng giải-thoát, đấy. Nhớ nha. Bữa nay tôi mới nói cái sai của mình khi mình hiểu về Bát-Chánh-Đạo. Bây giờ tôi mới nói về cái sai. "Siêng" ai cũng có hết, đấy. Nhưng mà cái "siêng" của người cầu giải-thoát mới được gọi là chánh-tín, cái "niệm" ai cũng có hết, phải không? Thậm chí trong Kinh nói là con cò, con vạc, con hạt, con cút, con nào cũng có "niệm", có "định" hết. Nhưng mà đó là của loài bàng sinh, nhớ không? Bàng-sinh, cái đó xài mới được, cái đó không gọi là chánh-niệm, chánh-định, phải không?
Mà mình nói ra là nó nổi điên, nó đòi giết mình, biết bao nhiêu người đòi giết, rồi tôi chỉnh giùm quý vị, làm ơn hiểu giùm cái Bát-Chánh-Đạo nó là cái gì? Phải không? Chánh-kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-ngữ, Chánh-nghiệp, có nhiều người hiểu lầm tội nghiệp lắm. Họ nói Chánh-ngữ là không có nói bậy thì gọi là chánh-ngữ. Cái đó là một cái suy nghĩ, một cái cách nói rất bậy, mình phải hiểu Chánh-ngữ đây nghĩa là một tâm thái mà nó có cái nội dung, nó có cái bản chất, đi ngược lại cái chuyện nói năng gọi là hại người, hại mình, một cái tâm thái mà nó đi ngược lại chuyện nói năng hại mình, hại người, thì tâm thái đó mới được gọi là chánh-ngữ. Chứ còn mình nói là không nói bậy thì được gọi là chánh-ngữ. Vậy lúc tôi đang ngủ tôi có chánh-ngữ hả? Các vị nghĩ tôi đang ngủ, tôi đâu có nói gì đâu? Đúng không? Tôi đang ngủ tôi đâu có, hoặc là một đứa bé mà nó nằm, đứa bé nó đang bú bình, vậy nó có chánh-ngữ-nghiệp-mạng. Bởi vì nó đâu có làm gì hại ai? Nó đâu nói gì hại ai? Nó đâu có kiếm sống phi pháp, phải không? Nó đâu có gì đâu. Nó nằm nó bú sữa bình mà. Như vậy nó không nói, không làm bậy, không nói bậy, vậy nó có Chánh-kiến, Chánh-định, Chánh-niệm. No. "Chánh" ở đây là khi nào mà công phu đó, thân đó, khẩu đó, ý đó, nó được thực hiện trên nền tảng của lý tưởng Giải-thoát, thì cái đó mới gọi là Bát-Chánh-Đạo. Chứ còn định nghĩa vui lắm. Chánh-mạng là không nuôi mạng một cách tội lỗi. Lúc tôi đang ngủ sao mà tôi kiếm sống tội lỗi được? Rồi tôi đang ngủ làm sao mà tôi tôi Tà-ngữ, tôi nói chuyện hại người được? Tôi đang ngũ làm sao mà tôi làm việc hại người được? Thế là tôi Chánh-nghiệp hay sao? Nhớ không? Rồi. Như vậy thì bữa nay tôi chỉ nhắc bà con một chuyện, là người ta, một anh thanh niên mà ảnh bị mù, thì trong lúc bị mù ảnh nghĩ về cuộc đời thông qua hình dung tưởng tượng. Một ngày kia khi mà ảnh tỉnh dậy, không phải tỉnh dậy, mà ảnh sáng mắt được, thì cũng có nghĩa là lúc anh tỉnh dậy. "Tỉnh" này là cái tỉnh của "tâm tưởng". Chứ không phải tỉnh từ giấc ngủ. Thì ảnh mới biết là bấy lâu nay ảnh lầm, ảnh đi thương một người mà coi như là nó trớt quớt không có giống như anh tưởng tượng. Nhớ cái đó. Cái đó rất là quan trọng.
Chúc bà con ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây:
https://www.youtube.com/live/sjqHm4qAtBQ?si=jjmFc8EO6sZIeLnC
---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240627/23 BÁT CHÁNH ĐẠO.docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản