← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038]

Lớp Phật Pháp Căn Bản
21 - Thứ Năm, ngày 30/05/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

KHẢ NĂNG CHẾ TÁC TRẦN CẢNH

Thưa đại chúng, chúng tôi vừa có một chuyến đi xa ra miền Bắc, cũng ghé vài nơi, và một cách tình cờ, chúng tôi có một chút trải nghiệm. Nói theo trong nước là trải nghiệm về đôi điều rất là đặc biệt, đó là khi lòng mình nghĩ tới cái gì nhiều, mình đi đâu, gặp ai, làm gì, thấy cái gì, thì đầu mình cũng quẫn quanh chuyện đó thôi. Hôm qua trong một bài giảng ở Hà Nam, tôi có nói đến một chuyện, mà chuyện đó tôi muốn nhắc lại ở đây như là phần bắt đầu cho bài giảng đêm nay.
Chúng tôi đã thuyết pháp trong một căn nhà đang ở cái giai đoạn mà Việt Nam gọi là phần thô, dở dang, và lấy đó làm đề tài gởi đến bà con gia chủ một bài giảng. Ở trong bài giảng tôi có nói chuyện này, tức là một cái căn nhà mà hoàn hảo thì nó phải có đủ phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, toilet và nhà bếp.

Phòng khách là cái chỗ mình tiếp khách, thì đó là cái nhà bằng vật chất, nhưng mà mỗi cá nhân con người mình cũng là một căn nhà. Chính Đức Phật Ngài cũng dạy là mỗi con người mình là một căn nhà. Trong cái căn nhà đó mình cũng phải có phòng khách, phòng khách của mình là cái gì? Tức là cái việc mà mình giao tiếp với mọi người, một phòng khách dễ thương là nó cho người ta thấy rằng chủ nhà là người có trình độ, chủ nhà là người dễ thương, chủ nhà là người có cái gu thẩm mỹ, chủ nhà là cái người hiếu khách. Và đặc biệt là đối với mình, mình đang là khách, thì mình có thể thông qua những gì mình bắt gặp ở phòng khách, mình có thể đoán ra được cái tâm tình của người chủ. Phòng khách của căn nhà thì bà con biết rồi. Nhưng mà phòng khách của mỗi con người là cái gì? Đó chính là khả năng giao tiếp của mình, mình làm thế nào mà ai gặp mình họ cũng được an lạc, họ gặp mình họ an lạc, họ nghe mình được an lạc, và họ nghĩ tới mình được an lạc, người như vậy đó được gọi là người có phòng khách tâm linh. Phòng khách của mình là vậy. Người ta nghe tới mình, người ta thấy mình, người ta nghĩ tới mình, người ta được an lạc. Trong Kinh nói Ngài A Nan, Ngài là người có được bốn cái gọi là Như Ý Đức. Như Ý Đức của Chuyển Luân Vương. Trong đó là người ta muốn gặp gỡ Ngài, luôn luôn muốn; đi xa thì muốn gặp gỡ, mà lại gần thì muốn nhìn ngắm. Khi Ngài nói, người ta hoan hỷ. Và khi Ngài im lặng người ta cũng hoan hỷ. Nhìn cái im lặng của Ngài người ta cũng hoan hỉ. Người như vậy gọi là một người có phòng khách hoàn hảo. Đến đây vẫn chưa phải là nội dung của bài giảng hôm nay.
Tiếp theo là mỗi căn nhà nó phải có một cái phòng ăn. Phòng ăn ở đây là cái chỗ mình tiêu thụ thực phẩm, thì phòng ăn của ngôi nhà ai cũng biết phòng ăn là cái gì rồi. Nhưng mà phòng ăn ở mỗi cá nhân đó là cái gì? Đó là mỗi ngày mình gặp ai, mình đọc cái gì, ,mình nghe cái gì, mình nghĩ ngợi nhiều về cái gì, mình thường làm việc gì. Sáu Căn của mình – cái đó mới quan trọng. Phòng ăn là cái chỗ mình tiêu thụ thực phẩm, thì mỗi người cũng vậy, mỗi ngày xem coi phòng ăn của mình, mỗi ngày mình tiếp nhận bao nhiêu thứ bằng Sáu Căn. Và những thứ mình tiếp nhận đó có lợi hay có hại cho mình và cho người.
Thứ ba đó là nhà bếp. Nhà bếp nó là một chỗ gọi là chế biến thức ăn. Cái này rất là quan trọng. 10 người cùng đi chợ ở một nơi, cùng mua chừng ấy nguyên liệu nấu ăn, nhưng mà chúng tôi đoan chắc là khi về, kể cả nấu một món, 10 người nấu một món giống nhau, nhưng mà theo 10 cách khác nhau, thì nó sẽ cho ra mùi vị khác nhau. Đó gọi là khả năng chế biến thực phẩm. Mình cũng vậy. Mình có thể ở chung với nhau trong một căn nhà, một thành phố, một môi trường xã hội, có thể cùng thấy, cùng nghe, những thứ giống nhau, nhưng mà cái cách gọi là chế biến, chế tác Sáu Trần thì không giống nhau. Rất là quan trọng. Chúng ta an lạc hay đau khổ, siêu hay đọa, là nằm ở chỗ mình chế tác Sáu Trần. Có người thì Sáu Trần dầu như ý hay bất toại, ngọt hay đắng, đối với họ nó đều là chất liệu. Đều là chất liệu nuôi dưỡng tâm linh. Nhưng có những người thì Sáu Trần cỡ nào, cũng chỉ là độc tố cho đời sống tâm linh. Cho nên nhà bếp rất quan trọng. Nhà bếp trong tâm tưởng của mỗi người rất là quan trọng.
Rồi cái gì nữa? Tới Toilet. Cái nhà nó phải có cái toilet. Toilet đó là cái chỗ gì? Tôi gom chung. Buồng tắm và toilet tôi gom chung. Nha. Bathroom gom chung. Cả buồng tắm hay là bồn cầu nó là chỗ mình làm sạch cơ thể và đào thải, bài tiết những cái [không] cần thiết. Mình nói tới phòng khách, mình nói tới phòng ăn, mình nói tới nhà bếp, nhưng mà mình không nhắc tới toilet không được. Trong một căn nhà có phụ nữ thì người ta có thể một cách khẩn cấp, người ta nhìn vào toilet, nhìn vào nhà bếp, người ta có thể đánh giá được khả năng nội tướng của người phụ nữ trong nhà đó. Tôi nhắc lại. Cái toilet đó là cái chỗ mà mình giải quyết chuyện vệ sinh, tắm rửa, và đào thải, thì trong đời sống của mình ai cũng có cái nhu cầu đào thải, bài tiết hết. Đó là những nỗi buồn, những cơn đau, những cơn giận, mình phải có chỗ mình phát tiết chứ. Nhưng mà tùy thuộc vào trình độ và nền tảng tâm thức mà chúng ta có một kiểu phát tiết, có một cách biểu lộ khác nhau. Ai không có phiền não, phải không? Ai không tham, không sân, nhưng mà cái quan trọng nhất, cái biểu lộ, cái phát tiết, của mình nó có làm phiền ai hay không? Và nếu mà nó có để lại một hậu quả tiêu cực, thì nó có lớn rộng và lây lan, truyền nhiễm, hay không? Nhớ cái đó. Rất là quan trọng. Mình phải có khả năng ổn định những tiêu cực một cách có lợi nhất. Thì đó được gọi là toilet – toilet của tâm hồn.
Sau cùng đó chính là buồng ngủ. Nhà nó có buồng ngủ. Thì mỗi người phải có khả năng an dưỡng. Khi chúng ta mệt, chúng ta cần an dưỡng. Khi chúng ta mỏi mệt, chúng ta căng thẳng, chúng ta cần có một chốn về, một góc riêng, thì chốn về, góc riêng đó, ở mỗi người không giống nhau. Có người thì họ an dưỡng bằng cách là họ đi du lịch, đi mua sắm, đi ăn uống, tụ tập bạn bè, trùm mền ngủ hoặc là uống say, hoặc là vũ trường, hoặc là đủ thứ hết. Nhiều cách: săn bắn, câu cá,… Nhưng mà là một người Phật Tử có nội hàm, có hàm dưỡng, thì chúng ta phải có một phòng ngủ cho mình. Có nghĩa là chúng ta phải có khả năng an dưỡng khi mà cảm thấy mệt mỏi. Và cách an dưỡng của mình, cách nghỉ ngơi của mình, cách rút lui của mình phải có lợi, tích cực, phải hướng thượng, phải lành mạnh, lợi mình lợi người. Thì tôi gọi đó là người có phòng ngủ OK. Rồi. Thì đó là nội dung tôi giảng hôm qua, hôm qua dài lắm. Bà con sẽ nghe lại bài giảng này ở trong Kālāma Journal.
Đêm nay tôi muốn nói cái gì? Muốn nói cái này. Là khả năng chế tác. Khả năng chế tác trần cảnh rất là quan trọng. Cùng thấy, cùng nghe đó, nhưng mà chúng ta có bị hút, có bị Sáu Trần hút hay không. Hút có hai cách, hai trường hợp: “Hút tiêu cực" và "Hút tích cực". Có người đời càng khổ họ tu càng tốt, học càng tốt, tư duy càng tốt, đạo hạnh càng tốt. Có những người khi mà đứng trước cái ngọt, trước cái đắng họ bị sa đà, họ bị suy sụp. Có, có trường hợp đó. Có nhiều người lạ lắm, đang rất là dễ thương, nhưng khi cái may mắn, cái vui vẻ ập đến họ tu không được nữa. Có người đang tu rất tốt, nhưng mà khi gặp cái đắng cay, nghiệt ngã cũng tu không được. Cho nên cái quan trọng nhất là cái khả năng chế tác, khả năng chế biến trần cảnh rất là quan trọng. Chứ còn mình không thể nào trong đợi là phải như ý mình, mình mới tu thì chết rồi.
Bởi vì, thứ nhất là phiền não của mình nó không cho phép mình dễ dàng thỏa hiệp với trần cảnh. Thứ hai là nguyên tắc Vô Ngã. Đời nó không như là mơ. Cái quan trọng nhất là nó ra sao mình vẫn an lạc. Ngày hôm qua khi nói về căn nhà, tôi có nói cái nhà tiện nghi nó không bằng người chủ nhà có khả năng thích nghi. Cái tiện nghi nó không bằng khả năng thích nghi là chỗ đó. "Vạn sự như ý" mình nó không hay bằng "Ý như vạn sự". Tức là dòng đời nó như thế nào mình vẫn OK. Cái đó là cái quan trọng. Tôi nói lại một lần nữa. Cũng là một pháp thoại, nhưng mà nó dìu chúng ta mỗi người về một phương trời khác nhau. Đó là cái chuyện lành mạnh. Một tôn dung của Đức Phật, một bức tượng, một kiểng chùa, một làn khói trầm, một búp sen, nghe thì thiêng liêng lắm. Nhưng mà tôi bảo đảm những cái thiêng liêng đó, chắc chắn nó sẽ đưa chúng ta về một cái góc trời không giống nhau. Là tùy thuộc vào nền tảng, căn cơ, tâm địa, của mình nó không giống nhau. Đấy. Nó không giống nhau.
Cho nên trong Kinh, Đức Phật, trong Kinh Đại Hội của Trường Bộ, thì Ngài có dạy rằng là: Giáo Pháp của Ngài có đủ nội dung để mà cung ứng đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, cho cả các căn tánh tốt xấu, năng động và thụ động, tiêu cực và tích cực. Thí dụ như trong Kinh Đại Hội, trong đêm đại hội vừa Thánh Tăng, vừa Thiên Chúng mười phương, thì Ngài đã thuyết giảng cùng một lúc sáu pháp thoại cho Sáu Căn Tánh khác nhau. Nhưng mà điều đó cho mình thấy rằng là ở một người căn cơ có hạn chế, thì khuynh hướng tâm lý đặc biệt là một vấn đề lớn. Ở hàng Thinh Văn khuynh hướng tâm lý nó ảnh hưởng đến chuyện mà mình tu tập, tu tập pháp lành, duyên lành giải thoát. Khuynh hướng tâm lý nó ảnh hưởng tới cái đó. Và kiểu tu của mình nó có ảnh hưởng đến hành trình tu chứng kiếp cuối cùng, mà ngay cả khi đã chứng La Hán rồi thì vị đó vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tác động của tiền nghiệp quá khứ. Có. Tức là tiền nghiệp đó nó chi phối chuyện tu hành của mình, mà nó chi phối luôn cả đời sống của mình sau khi mình chứng thánh. Nhưng riêng Chư Phật Chánh Đẳng Giác thì không. Các Ngài đương nhiên, các Ngài cũng phải trả nghiệp cũ. Nhưng trong Kinh ghi rất rõ, trong lúc hành Ba La Mật, tức là công đức mà giải thoát, thì rõ ràng là Bồ Tát có ba hạng. Đó là Tinh tấn, Đức tin và Trí tuệ. Nhưng trong giây phút mà chứng đạo thì cả ba cái hạng này có cách chứng đạo giống nhau. Đó là dùng Đề Mục Hơi Thở để chứng Tứ Thiền, rồi Xả Tứ Thiền, rồi quan sát 12 Duyên Khởi chứng thánh. Cách tu chứng này của tất cả Chư Phật Toàn Giác, Chánh Đẳng Giác – Tổ giống nhau. Các Ngài nằm ngoài cái gọi là thói quen hay là khuynh hướng. Các Ngài không có, các Ngài lên tới đỉnh rồi. Các vị Thinh Văn thì còn đi lên núi, có vị thì lên phía đông, phía nam, phía tây, phía bắc, lên phía nam thì phải bị lệ thuộc những điều kiện sinh thái của phía nam núi, phía tây núi, phía bắc núi. Nhưng khi mà một vị Chánh Đẳng Giác – Tổ thì các Ngài chứng đạo trên đỉnh núi. Thì trên đó đối với các Ngài chuyện mà Đông, Tây, Nam, Bắc đối với các Ngài không thành vấn đề nữa. Các Ngài đã vượt thoát mọi cái hạn cuộc giới hạn. Khả năng mà chế tác trần cảnh của các Ngài là không có vấn đề.
Chúng ta hôm nay nói là mình tu Phật, nói là học Phật, nói là tin Phật, nói là thờ Phật, nhưng mà do căn cơ, chúng ta có một cách tiếp nhận trần cảnh khác nhau nhiều lắm. Và đương nhiên rồi, đã là phàm phu mà, thì cái chuyện đó chuyện bắt buộc. Nhưng mà chúng ta làm sao mà cái khác đó ở cái mức độ chấp nhận được. Ví dụ như chúng ta đứng trước một cái gọi là dư luận, một cái cao trào, một cái phong trào rầm rộ của mạng xã hội mà mình bị hút theo. Chẳng hạn như có một thời người ta hút theo cái Gangnam Style, có một thời vào mùa bóng đá cả một vùng đất, cả một đất nước bị hút theo mùa bóng. Đấy. Rồi tới mùa Olympic, rồi v.v. Nói chung là mỗi một thời điểm thì phàm tâm chúng ta rất dễ dàng bị hút vào một lực hút nào đó. Chuyện này thứ nhất, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng mà nếu mình biết đạo thì mình phải cẩn trọng, bởi vì nếu mà mình liên tục bị thiên hạ cuốn hút như vậy đó, thì khả năng mà tự tại, tự quyết, của mình nó nằm ở đâu? Chúng ta hoàn toàn không có khả năng chế tác trần cảnh. Đấy. Không có khả năng đó. Thí dụ như vào cái mùa điên điển thì không nhất thiết chúng ta phải gọi là ăn điên điển. Đấy. Vào cái mùa sầu riêng, nếu mà mình bị tiểu đường thì không nhất thiết là mình phải ăn sầu riêng. Đấy. Nhớ. Chứ đâu có nhất thiết là mùa đó phải bị hút. Đúng. Ra đường là nhìn đâu cũng sầu riêng, ra đường là nhìn đâu cũng điên điển. Thậm chí ra đường mùa Vu Lan đi đâu cũng thấy người ta đốt vàng mã, nhưng mà mình không thể để chuyện sầu riêng, điên điển, vàng mã nó hút mình được. Mình coi mình là ai? Tôi nhớ tôi có nhớ đọc, Tây thì phải, có câu rất là hay. Tôi tốt với anh không phải vì anh là ai, mà vì tôi là ai. Yeah. Tôi chào anh, tôi lịch sự với anh, tôi khiêm tốn trước mặt anh, không phải vì anh là cái gì trong vũ trụ này hết. Trước hết bởi vì tôi là ai, cho nên tôi phải như vậy đó. Tôi phải đẹp như vậy. Tôi phải xử đẹp như vậy, tôi phải lịch sự như vậy, tôi phải hòa nhã như vậy. Chuyện đầu tiên là bởi vì tôi là ai. Câu đó rất là quan trọng. Tuyệt đối có thể ứng dụng vào hoàn cảnh mà chúng tôi đang nói, tình huống mà chúng tôi vừa đặt ra đó, rất là quan trọng. Đường đời muôn vạn lối, biết bao nhiêu là trần cảnh sẵn sàng đổ ập xuống, vây bủa lấy chúng ta. Chúng ta phải có khả năng tự quyết, chúng ta phải có khả năng tự lập, thì chúng ta mới có thể trụ được với lý tưởng, với con đường mà mình đang theo đuổi. Còn nếu như mà mình quá dễ dàng bị cuốn hút bởi thị phi, bởi trần cảnh đấy thì tôi gọi đó là trường hợp chúng ta là một người đầu bếp dở. Chúng ta không có khả năng chế tác Sáu Trần. Chúng ta không có khả năng chế biến những món ăn có lợi cho đời sống tâm linh từ nguồn nguyên liệu là Sáu Trần.
Trong bài giáng này tôi chỉ gợi ý chuyện đó thôi. Có nghĩa là đừng bao giờ biến mình thành một đầu bếp dở. Đang mùa gì không cần biết. Chợ đang bán nhiều thứ gì không cần biết. Chỉ biết là thể trạng, cơ địa, khẩu vị, sở thích của mình, của gia đình mình, của những người mà mình đang nấu ăn, thì mình xem coi cái gì là tốt nhất thì mình bèn chế tác, chế biến theo cái hướng đó, có lợi cho mình, cho những người mà mình đang phục vụ. Ăn cái gì ngon, lành, tối thiểu không ngon cũng phải là lành. Nói chung là buổi ăn không có vấn đề. Còn đằng này đó là mình nấu ăn cho gia đình mình, cho vợ chồng, con cái, Cha Mẹ, mà mình bị thiên hạ cuốn, thì tôi nghĩ hơi khó. Thí dụ như là tôi biết, tôi có đọc quyển "Thương Nhớ 12" của nhà văn Hữu Bằng. Thì tôi học được một điều rất là hay. Trong đó Cụ dạy cho tôi biết một chuyện, đó là Cụ nói, cái ẩm thực, chuyện ẩm thực, ăn uống, của người Việt nói riêng, và của người thế giới nói chung, ở một mức độ, trình độ nào đó thì nó là một thứ nghệ thuật, nó là một thứ khoa học, nó là một lãnh vực chuyên nghiệp, chứ không phải là cái chuyện dân gian, cái chuyện tùy hứng. Cụ nói thế này. Cụ mới dẫn chứng như người Huế chẳng hạn, người Tàu chẳng hạn, mùa nào thức nấy, mùa nào mình nên ăn cái thứ gì. Mùa đông, ban đêm nó khác với mùa hè ban đêm. Cái món tráng miệng của mùa hè nó phải khác cái món tráng miệng của mùa đông. Đấy. Cái món khai vị cũng vậy. Cái món khai vị của mùa hè nó phải khác mùa đông. Và sau khi mình ăn món gì, hoặc là trước khi mình ăn món gì, mình nên ăn cái gì. Đương nhiên Cụ đang nói ở một trường hợp mà gọi là người ta có đủ điều kiện. Chứ còn mình nghe qua thì không nhất thiết phải nhớ cái đó. Nhưng mà phải biết. Phải biết rằng ăn uống nó có cái đạo lý của nó. Nó có cái nguyên tắc rất là khoa học, rất là thuyết phục của nó. Có nghĩa là người ta nói “mùa nào thức nấy”, nhưng mà mình cũng có một chọn lựa rất là hợp lý, chứ không phải là mùa nào thức nấy, rồi cái gì mình thấy nó bán đầy ngoài chợ mình cũng rước về nấu, thì tôi nghĩ là có nhiều trường hợp chuyện đó rất đỗi không nên. Bởi vì mình phải xét lại thể trạng, cơ địa của mình, của người nhà của mình chứ, của những người mà mình sắp sửa thiết đãi đó. Nhớ. Cái đó rất là quan trọng. Mình một người đầy bếp thứ thiệt là phải nấu không phải cho riêng mình, mà cho những người mình nấu cho, cái đó cái đó rất là quan trọng. Nha. Thì sống, không phải chỉ có một mình mình, mình phải chế tác Sáu Trần như thế nào mà bản thân mình được an lạc, và người chung quanh mình an lạc, những người nhìn thấy mình an lạc, nghe mình nó được an lạc, và nghĩ về mình cũng được an lạc, thì tôi cho đó là người đầu bếp giỏi. Thì ngó kỹ lại coi. Đạo Phật vô thượng, chư Phật Tổ thực hiện Ba La Mật (Bắc Truyền Lục Độ. Nam Truyền Thập Độ). Bên Nam Truyền ghi rất rõ, trong suốt bao nhiêu tăng kỳ kiếp mà tu tập Thập Độ, thì các Ngài nhắm đến ba lý tưởng:
Một là Buddhatta-cariya, tức là lý tưởng Phật Đạo cho riêng mình.
Hai là Ñātatha-cariya, tức là tiếp độ những người mà cộng nghiệp, đồng hành chung đường với mình trong suốt một thời gian sinh tử, huân tập hạnh lành, để mà tầm cầu Phật Đạo Vô Thượng, gọi là "Ñātatha-cariya". Ñāta ở đây gọi là Ñāti – quyến thuộc hay là những người mà kề cận mình.
Ba là Lokattha-cariya, tức nghĩ đến vạn loại chúng sinh, những người mà mình sau này có thể sẽ gặp khi mà thành Phật. Điều đó cho thấy rằng một lần mà Ngài đi vào rừng sâu, những kiếp Ngài vào rừng sâu, vào hang, vào núi, sống một mình tu tập Thiền Định, giữ giới, giữ hạnh ở trong rừng, thì những lúc đó đó cái công hạnh đó vẫn nhắm đến mình và đời – nhắm đến những người mà hợp tác, cộng tác, cộng nghiệp với mình. Một đời sống hoàn hảo là phải có Ta và có Người. Mà các vị nhìn ra thế giới thiên nhiên có đúng vậy không? Những loài cây quý, hoa quý, trái ngon, củ, rễ, hoa, lá, thứ nó càng đắt tiền là nó phải có khả năng, giá trị của nó có thể lan tỏa, và nó phục vụ cho rất là nhiều người. Cái giá trị của một con người hay là của một sinh vật, thực vật hay động vật, trên hành tinh này, giá trị của nó nằm ở cái chỗ là cái khả năng đóng góp của nó. Những loại hoa dại, cỏ dại, trái dại, củ dại, mà không giá trị, nó không đem lại gì cho nhân quần, cho chúng sinh hết, mà trong khi đó mình thấy một ký lô long nhiên hương (chất thải của cá nhà táng), hay là một ký lõi trầm, hay là đông trùng hạ thảo, hay là linh chi, hay là nấm truffle của Pháp, đại khái. Những sản vật đắt tiền thì nó có một tác dụng, có một lợi ích, nó có một ý nghĩa, nó có một giá trị đóng góp cho nhân quần, cho chúng sinh rất là lớn. Thì con người cũng vậy. Cái giá trị ở mỗi con người nó không phải nằm ở cái chỗ là anh nhận được cái gì, anh là ai, mà nó nằm ở chỗ là anh đóng góp được gì cho thế giới chung quanh. Từ đó, mình thấy một người mà có đạo đức mà giàu nghèo tại sao họ có giá trị hơn cái người giàu sang mà thiếu đạo đức, bởi vì cái khả năng đóng góp của họ nó lớn hơn. Sống không có yêu thương, không có chia sẻ, không có cảm thông, không có che chở, thì không đem lợi về cho chúng sinh, thì dù mình có thân phận ghê gớm, hoành tráng, cách mấy nữa thì giá trị của mình rất là hạn chế. Thí dụ như mình thấy bao nhiêu bạo chúa đó, bao nhiêu bạo chúa cũng quyền lực, cũng tiền bạc, cũng đủ thứ, blah blah blah, nhưng mà có giúp được gì cho ai? Chỉ để lại cho đời máu và lệ và “lưu xú vạn niên”. Trong khi đó một bà cụ ở chùa không tiền, không bạc, không thân phận, họ chỉ quét chùa thắp hương, đốt nến, nhưng mà đóng góp của Cụ rất là lớn. Bởi vì không có Cụ ai chăm sóc cái chùa? Chùa không thầy bà, ai chăm sóc? Rồi cái chùa không được chăm sóc, thì ai? Tín đồ thập phương vãng lai, ai? Họ làm vì có chỗ để mà họ lui tới lễ Phật. Đấy. Cho nên một bà cụ, một bà già ở chùa mà sống thiện, bản thân Cụ là một đóng góp rất lớn cho nhân quần, cho chúng sinh. Bởi vì Cụ có khả năng chế tác hoàn cảnh, có khả năng chế tác tình huống, tức là hoàn cảnh nào thì người ta cũng có thể sống đóng góp, hoàn cảnh nào nó cũng có thể trở nên một cái thứ giá trị. Là bởi vì người ta có khả năng chế tác hoàn cảnh, chế tác Sáu Trần. Còn đằng này mình lơ tơ mơ là Sáu Trần, nó cuốn mình thấy thương lắm. Mình không có khả năng chế tác mà để nó chế tác mình mới ghê. Để cho Trần Cảnh chế tác mình. Có nghĩa là nay mình thế này, mai mình thế kia, là do dòng đời nó cuốn tắp vào bờ này, tắp vào bến nọ. Các vị về nghĩ kỹ coi có phải không? Chúng ta phải có khả năng làm chủ tình hình, làm chủ chiến trường, thương trường, chính trường. Thương trường chỉ thuộc về kẻ nào có khả năng chế tác hoàn cảnh. Bởi vì cơ hội trong chính trường, chiến trường, thương trường, cơ hội nó không có sẵn đâu quý vị. Các vị phải có khả năng tận dụng, khai thác, chế tác nó, chứ không có cái cục cơ hội nào mà nó tròn vo, mát mịn, vừa tay, nó bay tới nhẹ nhàng đáp vô trước mặt mình cho mình nhặt đâu. Cái đó không có. Tôi không tin. Tôi không tin. Trong bất cứ lĩnh vực nào thì cái người mà thành công phải là cái người gọi là tận dụng, khai thác, một cách đúng mức hợp lý và thông minh hoàn cảnh. Hoàn cảnh và Trần cảnh xảy đến với mình, trước mặt, sau lưng, trên dưới và chung quanh. Mình có khả năng chế tác bất cứ cái gì mình thấy, nghe, bắt gặp được trong mọi tình huống, trong mọi sự vật. Cái đó rất là quan trọng. Chứ còn mình để dòng đời nó cuốn mình thì mệt quá. Đấy. Nay thì làn sóng này, mai thì cao trào kia, mốt phong trào nọ, thì tôi nghĩ rằng là chúng ta trở thành một chiếc lá, thay vì là một con thuyền tự chủ, độc lập, có quyền tự quyết cuộc đời của mình. Còn đằng này mình chỉ là một chiếc lá thôi. Khổ quá. Chúng ta không có quyền tự quyết cuộc đời của mình.
Tại sao mà trong Kinh dạy thân phận luân hồi là khổ? Là bởi vì cơ hội mà chúng sanh trôi nổi thiếu cái quyền tự quyết rất lớn, cứ để cho phiền não nó đẩy mình đi, như rất là nhiều người hiểu lầm, cho rằng thích làm gì thì làm, đó được gọi là tự do, nhưng mà không. Theo tinh thần Phật Pháp không phải như vậy. Thích làm gì thì làm, cái đó không phải là tự do, mà đó là nô lệ cho phiền não. Nhớ cái đó. Trong khi người mà kiêng khem, khổ hạnh, tự chế, tự nhiếp phục, họ đi ngược lại ý thích của họ, chỉ xét thấy cái gì lợi ích cần thiết họ mới làm, còn cái gì mà tào lao vô ích dầu thích cũng không làm. Mình thấy họ có vẻ hơi khổ hạnh đấy, nhưng họ chính là ông chủ của chính họ. Họ có quyền tự quyết, tự quản, đấy. Còn người mà mình thấy là tung tăng, muốn sống sao sống, muốn làm gì làm, quay phim, chụp hình, đúng. Cái tay này rất là tự do. Nhưng mà xét về chiều sâu thì đây là một cái tay tự làm nô lệ cho cái phiền não, cho cái bản năng là hơi bị thấp của mình. Nhớ nha. Cái đó rất là quan trọng. Thì trong bài giảng đêm nay tôi chỉ nói đôi điều thôi, là tôi thấy đừng hiểu lầm tội nghiệp, tôi chỉ mượn chuyện của mình thì nó mới cụ thể sinh động, đúng không? Chứ mình nói chuyện trên trời làm sao cụ thể sinh động được. Thì tôi thấy mình đi ra Bắc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng. Đấy. Có điều thú vị là ở nơi nào cũng vậy, chỉ cần mình có cái định hướng, thì ở nơi nào, thì nó nóng cỡ nào, hoàn cảnh nhân tâm, tình huống ra sao, thì công việc nó vẫn vậy thôi. Ăn cơm xong là giảng, gặp gỡ là giảng, tiếp chuyện là giảng, rồi cứ vẫn chừng đó việc là làm. Đó là nói pháp thôi. Thì chuyến bay về tôi nghĩ cũng hay. Tức là đi qua bao nhiêu tỉnh, bao nhiêu địa phương, gặp gỡ bao nhiêu con người, bao nhiêu hoàn cảnh, chỉ cần mình có mục đích, thì trước sau mình vẫn như vậy, vẫn là một. Trong khi một người đi du lịch lại khác. Khi mà mình đi du lịch chỉ để tìm vui, mình không một có mục đích, một lý tưởng cụ thể, thì người đi chơi mà cái kiểu trong tâm tưởng du lịch, nó hơi có tí mạo hiểm. Có nghĩa là họ dễ bị ngoại trần tác động chỉ bởi vì họ không có cái định hướng rõ ràng. Trong khi người ta đi, thí dụ như mấy ông Tây ổng đi là để tìm hiểu văn hóa, tìm hiểu về chính trị, về ngôn ngữ, gọi là đi tìm thị trường. Ví dụ như vậy. Theo chúng được biết, người Âu Mỹ họ đi du lịch chiến lược lắm. Họ đi chiến lược lắm. Cho nên là họ đi có lý tưởng, cho nên họ đi cỡ nào cũng vui, mình biết được xuất thân của họ, họ sung sướng, nhung lụa, bơ sữa lắm, nhưng mà họ có thể lăn xả vào rừng sâu núi cao ở Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ, một cách tận tuyệt hết mình. Trong khi đó, trong nhận xét của tôi thì cái người Châu Á mình, đặc biệt là dân Đông Nam Á mình hiếm lắm, hiếm có người nào mà được như mấy ông Tây ba lô. Tôi nói một chuyện hơi lạc đề, các vị có biết là mình đi chơi có bao nhiêu người đi như Tây, mấy ông Tây? Họ qua đây là họ tìm hiểu văn hóa hát xẩm, chầu văn, mấy bài hát thờ mẫu, mái nhì, mái đẩy, rồi là quan họ Bắc Ninh, như tôi vẫn thường nói là như mấy cái nhạc cụ Tây Nguyên, cây khèn tám lỗ, chín lỗ, chắc gì ở Việt Nam có người mà tinh tường mấy cái lãnh vực đó bằng Tây. Hôm nay ở Sorbonne – Viện Bảo Tàng của Pháp, người ta có cái âm bản ghi lại hết, từng cái khúc hát cực kỳ dân gian, cải lương tài tử Nam bộ, rồi mái nhì, mái đẩy của Quan Họ Bắc Ninh, hát Sẩm, Kinh Đô Thất Thủ của miền Bắc, mấy bài thờ Mẫu, mấy người thờ Mẫu cũng của miền Bắc, rồi văn hóa của Tây Nguyên, họ lưu trữ lại hết. Và chính vì họ đi có mục đích, cho nên họ đi đâu cũng an lạc, đói cách mấy, lạnh cách mấy, ghẻ chóc, côn trùng, rắn rít, nhiều khi nguy hiểm họ vẫn vui, là vì họ có khả năng chế tác. Sống có một lý tưởng, có mục đích là mình tự nhiên mình có khả năng chế tác Trần Cảnh. Đấy. Còn đằng này mình mông lung, bung lung, lang bang, sống không có mục đích, không lý tưởng, cứ để dòng đời nó cuốn, đi chơi còn không vui, thì nói gì là sống đời. Đi chơi có mấy hôm mà còn không vui, không làm chủ được mình, không có quyền, không có khả năng tự quản, tự quyết thì làm sao mà mình sống đời an lạc được.
Đem chuyện riêng của mình chia sẻ với bà con một góc nhìn, cũng là về một góc đời thôi. Nói nhiều cũng vậy. Mà nói bao nhiêu nó đủ rồi. Chúc các vị một đêm vui và mong rằng sau khi nghe bài giảng này bà con thấy rằng mùa điên điển không hẳn là điên điển, mùa sầu riêng không hẳn phải ăn được sầu riêng, mùa vu lan không nhất thiết mà đốt vàng mã, và mùa thanh minh không nhất thiết phải đi tảo mộ, là bởi vì lỡ bà con mình vô hủ hết rồi, tảo tảo cái gì? Phải coi mình là ai chứ. Đâu phải là thân nhân mình vô hủ hết rồi mình đi táo là tảo cái gì? Lúc đó mình phải lên chùa chứ. Lúc đó mình thấy người ta cũng đi tảo mộ mình bắt chước mà trong khi thân nhân mình vô hủ hết là tảo cái gì? Mình phải coi mình là ai? Hoàn cảnh mình, tình huống mà mình đang có mặt nó là cái gì? Yeah. Cái đó rất quan trọng. OK. Chúc các vị một đêm vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe youtube trực tiếp bài giảng tại đây.
---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240530/BÀI 21- KHẢ NĂNG CHẾ TÁC TRẦN CẢNH.docx
  • 20240530/apartment_plan.jpg
  • ← Giáo Lý Căn Bản