← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038]

Lớp Phật Pháp Căn Bản
19 - Thứ Năm, ngày 09/05/2024

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)
(Tử Du ghi chép phần chữ Pali)

✴️ HỌC TU HIỂU PHẬT

Bắt đầu bài giảng chiều nay chúng ta lại có dịp để quay lại với một phần giáo lý đã học, đó là tất cả chúng sinh trong vô lượng vũ trụ, dầu là ở cảnh giới cao nhất, ở chủng loại thượng đẳng như là Phạm Thiên cho đến ở những cảnh giới tăm tối đau khổ và ở những chủng loại thấp kém, bé mọn nhất như các loài vi sinh và thủy sinh. Thì tất cả cấu tạo của mỗi chúng sinh nó chỉ là DANH và SẮC thôi. Cho nên Danh và Sắc mà nói gọn nghĩa là phần HỒN phần XÁC. Còn nói mà rộng ra chút thì đó là 5 UẨN. Còn nói rộng ra nữa nó chính là 6 CĂN, 6 TRẦN, 6 THỨC. Nhớ cái đó. Ôn lại cho bà con nhớ. Thì tùy vào chỗ mà mình quan tâm là cái gì thì Nghiệp thiện ác mình làm nó cũng tùy thuận, nó cũng tương ứng với cái mà mình thích, cái mình ghét, cái mình quan tâm. Tôi nhấn mạnh ba chữ này, THÍCH, GHÉT và QUAN TÂM là vì sao ? Là vì khi mình Thích cái gì đó thì mình sẽ Ghét cái ngược lại, và khi mình Ghét cái gì mình sẽ Thích cái ngược lại. Cho nên là đừng coi thường những khoảnh khắc mà mình vui cái này hoặc là mình buồn giận chuyện kia mình tưởng nó không có gì chứ nó rất là quan trọng. Đối với cái thích thì mình dễ hiểu, mình nói trong Kinh nói Tham Ái là cái cần tránh, đúng, nhưng mà cái ghét, bất mãn, mâu thuẫn xung đột cũng là cái đáng ngại không kém, phải nói không kém có nghĩa là tương đương, có nghĩa là vì mình để tránh cái gì đó mình sẵn sàng hành động bằng nhiều cách thiện ác khác nhau để mà mình né được cái mình tránh, né được cái mình ghét. Cũng giống như là cái thích cũng vậy. Vì mình muốn theo đuổi cái gì đó, mình cũng làm nhiều chuyện tầm bậy để mình có được cái mình thích. Điều đó cho thấy rằng để chạy trốn cái thích hay là chạy trốn cái ghét và theo đuổi cái thích thì nó đều là cơ hội để mình sống bất thiện hết. Nhớ nha. Cho nên cả 6 Căn đều là có tầm quan trọng như nhau. Có nghĩa là có những người họ sống nhiều với con mắt, có người sống nhiều với lỗ tai, có người sống nhiều với mũi, với lưỡi, với xúc giác, với tri giác. Có những người chẳng hạn như Họa Sĩ hoặc là những Kiến Trúc Sư hay là những người thích du lịch là cả đời họ sống nhiều với con mắt. Họa Sĩ hay Kiến Trúc Sư mà bỏ mắt ra thì làm sao mà được. Rồi như Nhạc Sĩ hoặc là những người mê âm nhạc, mê thơ ca, thì họ lại sống nhiều về cái âm thanh. Nhớ nha. Mà bài giảng chiều nay thật ra tôi không có muốn nói tới chuyện này, tôi đang muốn nói tới chuyện khác. Và trước hết tôi phải làm cái Nền. Tôi giảng là phải có cái Nền. Nghe cho kỹ nè. Sự hiện hữu của mình nó được cấu tạo bởi 6 Căn, 6 Thức, với 6 Căn, 6 Thức này nè mình mới lăng xăng buông bắt cái này, cái kia. Và tùy thuộc vào chuyện mình buông bắt cái gì mà mình sẽ đi về bên cảnh giới tương ưng. Xong chưa ? Nhớ cái đó. Và chính vì mỗi người có cái thích khác nhau, cho nên cái ghét cũng khác nhau. Và vì cái thích và ghét khác nhau cho nên khi mà sinh ra đời sau kiếp khác cái sự hiện hữu của mình cũng không giống nhau. Trong những người đẹp thì tất cả nhan sắc không giống nhau. Và trong tất cả những người xấu, những người bệnh, những người nghèo, những người dốt, họ cũng không ai giống ai hết. Vì sao ? Vì cái thích, cái ghét, nó không giống nhau. Và nó dẫn đạo cho các hành động của mình trong đời sống cũng không giống nhau. Và vì những dị biệt này mà chúng ta sinh ra trong những hình hài, những thân phận và mọi thứ đều khác nhau. Cái này bắt đầu vô cái tôi muốn nói nè. Từ chỗ mà cái nền tảng dị biệt đó, khi chúng ta làm ác cũng ác khác nhau, khi làm thiện, thiện khác nhau. Ví dụ nha, làm ác khác nhau là sao ? Có người thì họ thích bài gian bạc lận, còn có người thì thích săn bắn câu cá, có người thì thích lừa đảo lật lộng, có người thì sát sanh hay là bạo lực. Đại khái là mỗi một người có một kiểu bất thiện khác nhau. Nặng về tham, nặng về sân, nặng về si. Nhớ cái đó. Chính vì mỗi căn cơ khác nhau cho nên khi mình ác cũng khác nhau. Và tới lúc mình thiện, đương nhiên cái thiện cũng khác nhau. Mỗi người thiện một cách. Đấy. Tức là bài giảng chiều nay nó tiếp nối bài giảng của chúng tôi chiều hôm qua. Chiều nay tôi muốn nói chuyện gì ? Chuyện này chúng tôi cho là rất quan trọng. Tôi nhắc lại. Chúng ta vì không kiểm soát được 6 Căn cho nên đam mê trong 6 Trần, và hễ có đam mê trong 6 Trần thì sẽ có bất mãn trong 6 Trần. Tức là thích một số thứ và ghét một số thứ. Và chính vì có thích ghét không giống nhau nên làm ác không giống nhau và làm thiện cũng không giống nhau.

Bây giờ tôi mới nói tới cái thiện, có những người đến với Phật Pháp và biến, nghe cho kỹ, tùy thuộc vào cái dị biệt. Nãy giờ tôi nhấn mạnh 300 lần chữ dị biệt. Có những người đến với Phật Pháp biến mình thành một trang giấy, biến mình thành một trang giấy có nghĩa là thích ghi chép rất là nhiều kiến thức giáo lý trong đó, và trước sau chỉ là trang giấy thôi. Nhớ nha. Hoặc là biến mình thành một tấm ảnh, một ảnh chụp hoặc là một miếng giấy photo. Có nghĩa là ghi lại giáo lý và trước sau cũng chỉ là một tờ giấy, dù đó là tờ giấy photo hay là tờ giấy rửa hình hay là một trang vở, thì tất cả chỉ là giấy. Tất cả. Nên chuyện đầu tiên của những người đến với đạo đó là họ chỉ là giấy thôi. Họ đem hết Phật Pháp họ biết những cái gì họ học, họ nhớ, họ hiểu, đưa hết trên trang giấy.
- Trường hợp một là biến lòng mình thành trang giấy để mà thờ Phật, chuyển tải, lưu trữ, truyền thừa lời Phật bằng cái thân phận của một tờ giấy. Nhớ nha.
- Trường hợp hai, có những người khi mà biết Phật Pháp rồi họ biến họ thành một pho tượng. Là sao ? Có hành trì, có nghĩa là thân khẩu họ là Ok. Những gì họ nói, họ làm, những gì mà họ nói họ làm mình có thể quay phim chụp hình rất là đẹp. Đẹp lắm. Đẹp lắm. Quay phim chụp hình thì đẹp lắm.

Tức là cái hạng thứ nhất là chỉ biến mình thành trang giấy thờ Phật trong cái thân phận của một tờ giấy.
Cái hạng thứ hai là thờ Phật trong cái thân phận của một pho tượng. Có nghĩa là sao ? Có nghĩa là trang nghiêm, đoan chính như là một pho tượng vậy, ăn nói, đi đứng, phải không ? điềm đạm, chừng mực. Người ta nhìn mình người ta liên tưởng đến hiền thánh ba đời. Biến mình thành một pho tượng nó cụ thể hơn một tờ giấy. Nhưng mà mọi thứ nó không có dừng lại ở đó. Nó còn thêm bước ba nữa, tức là cái bước hai là chỉ tu hành thấy trang nghiêm mà trang nghiêm trên hình thức thôi. Hạng thứ nhất là không có tu, hạng thứ nhất là chỉ có học thôi. Còn hạng thứ hai là có tu nhưng mà chỉ biến mình vừa đủ để trở thành pho tượng cho người ta ngắm, cho người ta quay phim chụp hình thôi. Phải là hạng thứ ba là thờ Phật, tu Phật bằng thân phận của cái bao tử.

Cái này các vị thắc mắc, các vị hỏi tôi mấy điều này tôi giảng tôi dựa vào đâu ? Chú giải. Chú giải nói thế này, có người đến với Phật Pháp trong vị thế của một cái lưỡi, và có người đến Phật Pháp trong vị thế của cái muỗng, cái vá. Trong Kinh có nói cái đó. Đến Phật Pháp mà như cái vá là sao ? Nó múc bao nhiêu thứ thì bản thân nó không có nếm được cái gì hết. Phải không ? Đó gọi là biết đến Phật Pháp mà qua thân phận của một cái vá, cái muỗng. Còn cái hạng thứ hai là biết Phật Pháp mà qua cái lưỡi. Cái lưỡi thì nó nằm rất là xa cái nồi canh, rất là xa nồi cơm, người ta phải múc canh, múc cơm, đưa vô chén, từ chén người ta mới múc đưa hoặc người ta lùa đũa vào trong miệng. Thì mình thấy giữa cái lưỡi với cái chỗ chứa thức ăn nó có khoảng cách xa chứ, phải không ? Còn đôi khi cái muỗng, cái vá múc thức ăn là người ta để ngâm trong đó luôn. Có trường hợp ngâm thẳng trong đó luôn nhưng mà không biết gì hết. Trong khi đó cái lưỡi tuy nó ở xa cái nồi, cái chảo, nhưng mà có cái gì ở trên bếp nó biết hết. Cho nên chúng ta, tôi nhắc lại, tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lý của mình, nói cho đủ là tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống. Nha. Tùy thuộc vào mấy cái này mà mình sanh ra trong đời mình có đủ 6 Căn hay không ? Và mình vận dụng, mình khai thác tác dụng chức năng của 6 Căn nó không giống nhau. Có người họ dùng con mắt để mà hưởng thụ, tận hưởng, đó là gieo nghiệp Tham. Còn có người dùng con mắt để mà châm chích, soi mói, hấy nguýt, lườm liếc người khác, đó gọi là gieo chủng tử Sân Hận. Và ở đây không nói tới Si là vì sao ? Vì ở đâu có Sân là ở đó có Si. Ở đâu có Tham là đó có Si. Phải không ? Nhớ cái đó rất là quan trọng. Cho nên có người đến với Phật, thờ Phật, học Phật, theo thân phận của một tờ giấy cứ chép ra thôi.

Còn cái hạng thứ hai, đó là thờ Phật bằng cách trang nghiêm thân khẩu và biến mình thành một pho tượng. Và cái thứ ba nữa đó chính là thờ Phật theo thân phận của cái bao tử. Có nghĩa là sao ? Có nghĩa là những cái gì mà đưa vào bao tử thì trong vòng một thời gian rất ngắn nó sẽ trở thành máu, xương, thịt, da, gân, tóc, của mình. Cách học đó đó mới đúng là cách học, cách thờ Phật như vậy đó mới đúng là cách thờ Phật của người Phật tử. Có nghĩa là bây giờ các vị ăn cái gì đi nữa, dầu ăn khổ qua đắng nghét, rồi uống nước mía ngọt lịm, hay là bỏ miếng muối vô miệng mặn chát, hay là bỏ vô một miếng chanh chua lè, thì trong vòng ba giây tất cả cái đó là bao tử nó đẩy xuống dưới ruột non, ruột già và tải đi những thành phần dưỡng tố ở trong miếng ăn đó, ngụm nước đó, trong vòng tích tắc là bao tử nó làm cái chuyện tiêu hóa xong là nó tải tích tắc. Phật Pháp phải như vậy. Tức là học Phật Pháp phải như thế nào, và để mỗi cái biết của mình lập tức trong thời gian ngắn nhất có thể, nó phát huy được tác dụng nhanh nhất như có thể, và nó giúp can thiệp cho mình trở nên tốt hơn, để mình học Pháp theo cách của một cái bao tử. Còn cái trường hợp thứ hai, cách này phổ biến, học Pháp theo cách của pho tượng. có nghĩa là nhìn thì ngon
lắm, phải không ? Đi đứng, ăn nói, ngon lành lắm, rồi làm nhiều cái chuyện để cho người ta có thể nhìn thấy, nhìn và nghe. Dĩ nhiên tôi nói cái này nhiều vị hiểu lầm tưởng tôi châm chích. Không có. Bởi vì nói Pháp bắt buộc phải nói thiệt. Mà nói thiệt thì dĩ nhiên dễ gây hiểu lầm. Phải không ? Chứ có rất nhiều người tu Phật của mình, tôi chỉ nói chung là tu Phật thôi, cái giỏi nhất của họ chỉ lên làm tới tượng thôi. Tức là những gì họ làm là vừa đủ để cho người ta thấy, người ta nghe thôi, cất chùa to Phật lớn, rồi từ thiện xã hội, rồi bao nhiêu, rồi y áo trang nghiêm, rồi ăn nói chững chạc, chừng mực. Tất cả những cái này nó chỉ vừa đủ để cho người ta nhìn mình như là một pho tượng thôi.

Còn hạng đầu tiên là còn tệ nữa, có nghĩa là thờ Phật theo cách một tờ giấy, có nghĩa là chỉ chép, chỉ ghi những vấn đề giáo lý thôi. Nhớ nha. Chỉ ghi chép những vấn đề giáo lý, chứ bản thân mình cũng không có gì để cho người ta nhìn.
Và hạng thứ hai có cái để cho người ta nhìn, nhưng mà tu đó là tu cho người ta. Mình tu mà có ý để cho người ta nhìn, người ta có cái để nhìn là tu cho người ta. Mình chỉ là pho tượng thôi. Thì tôi cũng xin lạc đề chút nhưng mà nó cũng tô đậm cái điều tôi đang nói. Đó là cách đây khoảng tầm tầm chắc cũng ba tháng, tôi tới viếng một ngôi chùa khất sĩ mà bao nhiêu cây cối đã bị đốn, chùa toàn là xi măng, bê tông, mái tole, vị trí chùa nằm sát bờ biển đẹp lắm. Tôi tiếc lắm, tôi mới nói với mấy vị đi chung đoàn, tôi nói ở đây có vườn cây quá đẹp. Mới nói cho mấy câu thì thầy Trụ Trì thầy xuất hiện, thầy khoe là chùa đang đúc cái pho tượng trăm tỷ tiền Việt Nam. Thì tôi thấy trong bụng tôi hơi tiếc tiếc. Tiếc nhiều mặt lắm. Thứ nhất là mình cần cây xanh, mình cần oxy, cần bóng mát, cần oxy cho Tăng Ni, cho người cư trú ở chùa, và cũng cho môi trường sinh thái trong khu vực đó, mình nên trồng cây nhiều. Nhưng mà vị này thì rất là thờ ơ. Vị này chỉ có biết khoe cái bức tượng to đùng mà mình đang đúc trị giá trăm tỷ. Có nghĩa là rõ ràng rằng đối vị này tượng chỉ là cái để nhìn thôi, chỉ quan tâm tới cái để nhìn thôi chứ không có quan tâm đến cái gì ngoài ra. Nha. Nếu cái chùa đó mà giao cho người Nhật, người Do Thái, người Thụy Sĩ, thì họ đâu có làm chuyện kỳ cục đó. Là họ không có quan tâm đến, họ không có dồn hết mọi sự cho cái nhìn, họ còn phải xét đến nhiều cái cảnh khác nữa. Nhưng mà cái chùa này thì Sư Trụ Trì ổng chỉ mê có cái nhìn thôi. Mê sao mà chùa có một bức tượng to đùng ở xa bà con về nhìn ngắm để mà ngưỡng mộ, khen ngợi, thì cái kiểu tu thứ nhất là biến mình thành một tờ giấy để chép Kinh thôi.

Còn cái hạng thứ hai là biến mình thành pho tượng, khá hơn tí, để cho người ta có cái người ta nhìn, ngắm quay phim và chụp ảnh. Đấy.

Cái thứ ba đó là mình tu cách cái bao tử. Tức là nghe được bao nhiêu mình lập tức an lạc liền. Lập tức tháo cởi những nội kết liền. Lập tức là mình biến thành con người khác liền, theo cái hướng tích cực. Đấy. Thành con người khác mà theo hướng tích cực. Và tôi xin đoan chắc 1000% trong cái tích tắc nào mà mình trở thành người tốt hơn thì ngay giây phút đó khả năng an lạc của mình được bảo đảm, và khả năng là đóng góp cho đời cũng được bảo đảm. Bởi vì anh muốn rải tâm từ, anh muốn đem lại sự an lạc cho chúng sinh thì trước hết bản thân anh phải an lạc. Cho nên làm sao Phật Pháp, một câu Kinh, một trang Kinh, mà lọt vô lỗ tay mình rồi trong vòng mấy giây, nói theo kiểu của Hòa Thượng Nhất Hạnh chế tác. Mình có thể với một câu Kinh mà có thể chế tác an lạc. Và câu này quan trọng nè. Tu đúng, hiểu đúng, cả hai cái này đều phải gạch dưới hết. Tu đúng, hiểu đúng, phải không ? Thì dầu cho lúc đó mình đang làm cái việc cho mình, thì lúc đó cái nội dung, cái ý nghĩa của công việc đó, nó cũng nhắm đến chúng sinh khác. Tôi nhắc lại lần nữa. Tu đúng và hiểu đúng nha. Có cái hiểu đúng nữa thì khi mình làm cái gì cho mình, thì nội dung, tác dụng của việc đó nó cũng là một món quà cho người khác. Và khi mà mình làm cái gì cho người khác thì cái nội dung của cái việc đó nó cũng là dành cho mình. Đó là tu đúng. Thí dụ như tôi nói hoài cái chuyện này, là ở những xứ sở mà an ninh tốt, chiều tối hoặc giữa khuya, chúng ta không ngủ được, chúng ta tuyệt đối, như bên Thụy Sĩ 2 giờ sáng chúng ta tuyệt đối có thể mở cửa đi ra ngoài rừng, mà vì sao, mà tôi biết quý vị là người thân của tôi, tôi cũng chỉ nói là, tôi đang ngủ, tôi thấy tôi chỉ nhắc chừng là nhớ giữ ấm nha. Rồi xong. Chứ tôi không có hề dặn, nhưng mà ngược lại ở Campuchia, ở Việt Nam, ở Trung Quốc, mà người thân của tôi mà ở vị trí núi rừng ban đêm mà tôi thấy họ xăm xăm ra ngoài rừng tôi ngại lắm. Thấy chưa ? Mà tại sao tôi nói chuyện này ? Ý tôi muốn nói rằng, dầu cho chúng ta lặng lẽ không có kèn trống, lặng lẽ sống lành, thì một năm, hai năm, ở một nơi chốn nào đó người ta biết chỗ này là cái chỗ của cái ông vô hại. Phải không ? Thì tự nhiên người ta đi đến chỗ đó người ta rất là dạn, dù đó là một ngọn đồi, một góc rừng, một khu vườn, nhưng mà người ta yên tâm ghê lắm. Cho nên làm đúng, khi mình làm đúng, khi mình tu đúng, hiểu đúng lời Phật, thì dầu cho mình có làm việc gì cho mình, thì cái việc làm đó nó cũng đem lại lợi ích cho người khác. Thí dụ như cái việc này rõ ràng là cho tôi nè. Ví dụ tôi nói tôi quý vị chửi chết. Ví dụ ông A, bà B, gì đó, ổng tập thể dục là tập cho ổng đúng không ? Tập thể dục là tập cho ổng chứ làm gì có cái chuyện Cha Mẹ tập thể dục để cho cháu. Rồi con cái tập thể dục cho Cha Mẹ. No. Không có. Cái gì thì còn cãi chứ vụ mà tập thể dục là bắt buộc mình tập cho mình. Nhưng. Cái nhưng này mới quan trọng nè. Phật tử phải biết cái này. Nếu mà các vị có lý tưởng giải thoát, có lòng hiếu tu hiếu học, có lòng thờ Phật một cách thông minh, thì ngay cái lúc mà quý vị tập thể dục đó cũng là một cách đóng góp cho cuộc đời. Là vì sao ? Là vì khi mà con người các vị nó dễ thương, dễ mến, con người các vị có nội hàm, có nội dung, thì sao ? Thấy trước mắt các vị tập thể dục. Đúng. Nhưng mà nhờ tập thể dục quý vị sẽ khỏe hơn, và thời gian, khả năng cống hiến của các vị nó sẽ nhiều hơn. Hiểu chưa ? Rõ ràng tập thể dục là tập cho mình, nhưng chỉ cần anh là người thiện thôi, anh hiểu đúng, làm đúng lời Phật, cái chuyện anh tập thể dục nó cũng là một cách đóng góp cho thế giới. Còn anh đã là sống bất thiện rồi, thì dầu cho anh làm cái việc đó cho riêng anh thôi, nó cũng ngầm chứa một nội dung nguy cơ và phương hại cho người khác. Thí dụ như anh đi săn bắn, anh làm chuyện lừa đảo lật lọng, anh đi câu cá, mấy cái chuyện này mình thấy là nó cũng nhẹ mà, có cái gì đâu, đâu phải là đâm heo, thuốc chó, đâm cha, chém chú, đâu có, thì cũng thể thao lành mạnh, thì cũng câu cá, thì săn bắn nhắm đúng con nào bốn chân tôi bắn, hai chân tôi chừa, thí dụ vậy. Nhưng mà không. Nói theo trong A Tỳ Đàm, khi mà anh có ác tâm, khi mà anh săn bắn, câu cá, khi mà anh có lòng lừa đảo, lật lọng thì ngay lúc đó anh đã kín đáo, mặc nhiên, tạo ra một nguồn năng lượng xấu, để nó chiêu cảm các tai nạn đổ lên người của mình. Và chính nó cũng chiêu cảm cho anh có những quyết định rất là bậy để anh mới bị tai nạn được. Nó lạ vậy đó. Cho nên đối với người hiểu đúng và tu đúng, khi họ làm cái gì đó cho riêng họ, nó cũng ngầm có nội dung là cho người khác, mà khi họ làm cái gì cho người khác rõ ràng đó, nhưng mà nó cũng ngầm ý là cho riêng cho chính họ. Nó rất là quan trọng. Phải không ? Rồi. Thì tôi nói có ba cách tu của Phật tử.

1/ Là biến mình thành một tờ giấy để ghi chép hời hợt.
2/ Loại thứ hai khá tí, là thờ Phật theo cách của một pho tượng, biến mình thành pho tương.
3/ Là thờ Phật bằng vị thế, bằng chức năng của bao tử, đưa được vô bao nhiêu là lập tức có một tác dụng ngay tức khắc trong đời sống hiện tiền trước mắt của mình. Thì cái đó mới là đúng. Thì tùy các vị thôi, mình chọn lựa kiểu nào, và ở đây tôi cũng gợi ý một đoạn Kinh nhỏ trong bộ A Tỳ Đàm số bốn (Puggalapaññatti) Đức Phật Ngài dạy có những người mà Trần Cảnh đối với họ nó giống như là chữ cắt trên đá, là cái mà họ thích họ ghét nó in sâu vô đầu của họ như là chữ khắc trên đá.

Rồi trường hợp hai, là cái mà mình thích ghét, quan tâm, thì nó cũng có gây ấn tượng chút đỉnh, nhưng mà nó tầm tầm giống như là chữ mà viết trên trên đất.
Chữ khắc trên đá coi như là thiên thu. Nhưng mà chữ viết trên đất thì mai chiều bà con người ta đi tới lui, người ta chà, người ta dẫm cũng mất, hoặc là một trận mưa to đùng đổ xuống thì cái đó cũng mất. Như vậy thì trường hợp một, là có những người Trần Cảnh đến với họ nó để lại vết hằn rất sâu. Còn có những người Trần Cảnh đến với họ nó chỉ đơn giản như là chữ viết trên đất vậy đó. Nghĩa là đầu hôm sớm mai là tự động nó bị nhạt phai, nhạt mờ, nhạt nhòa. Trường hợp thứ ba là có những người mà Trần Cảnh đối với họ nó giống như chữ viết trên nước.
Trên đất, trên đá, trên cát.
Đá, đất, cát và nước.
Thì trường hợp thứ hai là chữ khắc trên cát, chữ mà viết trên cát thì nó mau mất hơn là trên đất. Và cuối cùng là chữ viết trên nước. Có nghĩa là mình chỉ vạch một đường trên đó là mất ngay. Chuyện này tôi muốn nói nè. Có trường hợp, có những thứ phải được mình khắc ghi như là khắc trên đá. Đó là những chuyện mà nó đem lại lợi ích cho mình, cho người. Còn cái gì mà nó làm khổ mình, khổ người, nếu mà mình có lỡ ghi thì chỉ ghi trên cát thôi, ghi trên nước thôi. Còn cái gì mà nó quan trọng, những bia đá nên để dành khắc những gì có lợi. Nhớ nha. Bia đá khắc có lợi. Trường hợp thứ hai thì nó ít hơn tý, có những người cái chuyện họ thích họ ghét, cái thiện cái ác của họ, gây ấn tượng trong đầu họ, nó cũng tầm tầm như là chữ viết trên đất vậy đó. Nhớ nha. Trên đất dĩ nhiên thua đá, nhưng mà nó khá hơn cát. Còn chữ viết trên cát thì gió thổi nhẹ là mất. Tôi nhớ tôi có thói quen kỳ cục lắm, bên Thụy Sĩ, mỗi lần trời tuyết tôi đang đi ngoài đường thì thôi, tôi đi trên núi vắng vắng người mà tôi gặp mấy bãi tuyết tôi hay ngừng lại, tôi lấy ngón tay hoặc là lấy cây gậy tôi vẽ hình lá Bồ Đề, tôi nghiện, tôi bị nghiện cái đó, cứ thấy bãi tuyết trống tôi hay thọc cây gậy xuống tôi vẽ. Vậy mà có người hiểu lầm. Có lần đó tôi dạy học bển, tôi đi đằng trước họ đi đằng sau mà tôi đâu có biết, mới vừa vẽ tới đây, cái họ nói Sư, Sư vẽ trái tim hả Sư, có cái đuôi nữa. Có nghĩa là ở trong cái đầu của mình ý, cái lá Bồ Đề đó là ấn tượng. Nhưng mà trong đầu của họ chỉ có trái tim thôi. Nhớ, nhớ cái đó, rất là quan trọng. Phải không ? Có nghĩa là Đức Phật Ngài cho mình biết, có những trường hợp mà Trần Cảnh in sâu vào đầu ta như là đá, và có trường hợp in sâu như là chữ viết trên đất, in sâu như là chữ viết trên cát, và in sâu như là chữ viết trên nước. Thì mình phải xét lại, cái gì thiện, cái gì tốt, lợi mình lợi người, đời này đời sau, thì mình nên khắc ghi như là chữ viết trên đá. Và có những chuyện mình chỉ nên lưu giữ nó lại như là chữ viết trên đất. Thí dụ như trong sinh hoạt thường nhật, sáng dậy phải làm cái gì ? Việc nhà. Trách nhiệm trong gia đình mình phải làm gì, gì, cái đó mình phải nhớ. Chứ mình đâu thể nói là ngũ uẩn giai không, cái gì cũng phù du tôi không cần nhớ, cái đó chết rồi. Làm sao làm vợ, làm sao làm mẹ, sao làm chị, làm anh trong nhà được. Đúng không ? Cho nên có trường hợp lời Phật và những hạnh tu, pháp tu, bắt buộc mình phải nhớ chí cốt, thiết tha, miệt mài như là chữ viết trên đá. Nhưng mà có những chuyện mà mình chỉ lưu trữ trong đầu mình cở mức là khắc trên đất thôi. Rồi có những việc mà khắc cở trên cát là được rồi. Giận ai lắm thì cũng cở trên cát. Yêu ai lắm cũng cở trên cát. Và nhiều lần, nhiều lần, chúng tôi nhắc lại một bài Kinh, trong Kinh nói cái này nghe hay. Càng gắn chặt vào 6 Trần, càng ghim sâu và gắn chặt vào 6 Trần thì chúng ta càng khẳng định cái cội rễ của mình trong cõi sinh tử. Tôi biết nhiều người nghe tới đây chưa hiểu. Càng khẳng định, càng ghim sâu, càng gắn chặt cái thích, cái ghét của mình vào 6 Trần, thì chúng ta đã kín đáo, đã mặc nhiên, vùi sâu cội rễ của mình trong cõi sanh tử. Là sao ? Mình thích cái gì, mình ghét cái gì, nó càng ít Căn càng tốt. Ít Căn là sao ? Ví dụ như mình ghét người ta cứ gặp người ta hoài, cho nên mình phải nhìn bằng cái hấy nguýt, mình ghét người ta mà mình cứ tìm, mình cứ để ý giọng nói người ta, mình nghe người ta hát, mình nghe tiếng người ta cười, nghe tiếng người ta nói. Chi vậy ? Nó không có lợi. Dẹp. Cho nên đó là cái ghét, giờ chuyển qua cái thích. Nghe cho kỹ nha. Càng ghim sâu, cắm chặt vào 6 Trần thì mình càng có nhiều gốc rễ trong sanh tử là sao ?

Ghét thì chỉ thoáng nghĩ đến người ta thôi, đừng biến cái ghét thành ngôn từ, đừng biến cái ghét thành hành động. Có nghĩa là đưa cái ghét đó vào trong hoạt động 6 Căn là sai. Nhiều lắm 1, 2 Căn thôi. Thí dụ như mình bực người ta lắm thì mỗi lần mình gặp người ta mình thấy hơi khó chịu, hoặc tối về tình cờ mình làm gì đó, mình nhớ người ta mình khó chịu, tới đó thôi. Chỉ 2 Căn. Thương người ta cũng vậy. Người, vật, cảnh, sự kiện, bốn cái nha. Dầu đó là với người, với vật, với cảnh hay là với sự kiện. Người là sao ? Như ông A, bà B, nam nữ, cái đó là người. Còn vật, nhà cửa, xe cộ, đồng hồ, mắt kính, dây nịt, bóp đầm, bla, bla... Đó là vât. Cảnh xứ lạnh, xứ nóng, Thụy Sĩ, Bắc Âu, Nam Mỹ, Đông Nam Á. Đó là Cảnh. Sự kiện là sao ? Nổi tiếng, quyền lực, V.v.. kiến thức. Tất cả cái đó gọi là Sự kiện. Tất cả những người, cảnh, vật, và sự kiện nào đi nữa. Nếu không phải là pháp môn giải thoát, mình càng ghim sâu, gắn chặt nó bằng cả 6 Trần là mệt lắm. Thương ai thương nhiều lắm là 1, 2 Trần thôi. Nhìn nhau, mừng. Nghe tiếng nhau nói, thích. Tối về nằm chiêm bao thấy nhau, hết. Chứ còn mà động tay, động chân mệt lắm. Phải không ? Ghét nhau cũng vậy. Ghét nhau mà càng ít Căn chừng nào nó càng ít hệ lụy, nó càng ít có hậu quả. Nhớ cái đó, nó càng ít, ghét hay thương cũng vậy. Cho nên khi mà mình ghét, mình thương cái gì mà bằng cả 6 Căn là mình đang khắc lên đá. Mà trước khi mình khắc mình tự hỏi lòng mình cái này nó có đáng khắc lên đá không ? Rồi có những cái nó chỉ là đủ để mình khắc ghi nó vào lòng mình. Nó cũng là 6 Trần đó, nhưng mà mình khắc ghi vào trong tâm khảm mình ở một cái mức đủ để nó có thể mau chóng nhạt nhòa. Đó là chữ viết trên đất, trên cát, và cuối cùng là trên nước. Chúng ta biết bên Tàu có ba câu mà tôi rất là thích. Nê Phật. Nê là đất sét.
- Nê Phật bất độ thủy, (tức là tượng Phật mà bằng đất sét kỵ nước).
- Mộc Phật bất độ hỏa, (tượng Phật bằng gỗ thì kỵ lửa).
- Kim Phật bất độ lô, (lô là cái lò nấu của thợ bạc), tức là Nê Phật bất độ thủy, là tượng Phật bằng đất sét kỵ nước, tượng Phật bằng gỗ thì kỵ lửa, kim Phật tức là Phật bằng kim loại hoặc là nói thẳng luôn là bằng vàng, thì kỵ bếp lò của ông thợ bạc. Có nghĩa là sao ? Có nghĩa là cái nhận thức của mình về Đức Phật, cái niềm tin của mình đối với Đức Phật, đối với giáo pháp, đối với đời sống tâm linh, mà có nhiều khi thấy ghê gớm vậy chứ thật ra Đức Phật trong lòng mình, hình ảnh Đức Phật trong lòng mình chỉ là bằng giấy, đốt nhanh lắm. Đấy. Hình ảnh trong lòng mình, giáo pháp của Ngài trong lòng mình nó cũng chỉ là cái tượng gỗ, lửa khè phát là mất. Còn có nhiều người tu hành thâm hậu thì Phật Pháp và hình ảnh của Bổn Sư giống như pho tượng bằng vàng. Nhưng mà pho tượng hoàn toàn có thể bị nung chảy. Nhớ. Sau bài giảng đêm nay mà con nhớ tự hỏi lòng mình, trong lòng người thờ Phật, trong lòng người tu Phật, tin Phật và học Phật, lúc nào cũng có Phật. Nhưng mà Phật của mình bằng cái gì ? Nhiều người miệng niệm tùm lum vậy chứ rất là dễ bị tổn thương, rất là dễ nổi cáu, rất dễ nổi điên. Tượng Phật trong lòng họ bằng giấy, có người còn tệ nữa, hình Phật trong lòng họ là bằng khói, một cơn gió nhẹ thôi, mà tôi thích kể hoài câu chuyện rất là tào lao, là Tô Đông Pha một trong Bát Đại Vương Gia đời Tống Trung Hoa. Ổng là một Phật tử, ổng chơi thân với Hòa Thượng Phật Ấn, mà ổng giỏi Phật Pháp lắm. Tô Đông Pha giỏi Phật Pháp lắm. Thì có lần Tô Đông Pha ổng kiếm đâu được cây quạt đẹp lắm, ổng viết trên đó mấy chữ "Bát Phong Xuy Bất Động" có nghĩa là "Tám ngọn gió đời Khen, Chê, Vinh, Nhục, Thương, Ghét, Sướng, Khổ, không làm lòng của Tô Thức này xao động". Tô Thức là ổng. Viết chữ đẹp mà cái câu đó lại là câu ý nghĩa hay. Ổng tâm đắc vừa ý quá, ổng mới kêu người ở, (đầy tớ). Nhà ông bên đây sông, chùa của Hòa Thượng Phật Ấn bên kia sông. Kêu đầy tớ chèo xuồng đưa quạt qua cho Hòa Thượng Phật Ấn khoe, khoe thư pháp, khoe tranh ổng vẽ trên quạt, khoe trình độ tu chứng. Hòa Thượng Phật Ấn vừa nhìn cái quạt Hòa Thượng rút cái cây bút lông Hòa Thượng phán mấy chữ thôi. Ở cái kia là "Bát Phong Xuy Bất Động", "Tám ngọn gió đời không làm rung động" Hòa Thượng mới để là "Hạ Phong Thường Động", (hạ phong là đánh rắm), đánh rắm là lắc, ông Hòa Thượng viết xong, ông mới xếp quạt lại đưa đầy tớ nói về đưa cho ông chủ. Trời đất ơi. Ông Tô Đông Pha ổng mở ra thấy cái chữ "Hạ Phong Thường Động" ổng nổi điên lên. Tức tốc kêu thằng đầy tớ chèo đưa ông qua chùa ổng gây, cái trận này là phải cháy chùa mới vừa lòng. Thì Hòa Thượng nói, đó thấy không, "Bát Phong Xuy Bất Động" mà cái tiếng đánh rắm nó đưa ông từ bờ bên kia qua bờ bên đây. Mà ta chưa có đánh "rắm". Ta mới có viết chữ "rắm" thôi, là nó đã đẩy ông từ bển văng qua tới bên đây thấy không ? Chứ ta mà "rắm" thiệt là nó đưa ông về tới là kinh đô luôn. Phải không ? Có đúng không ? Vậy mình tưởng mình hay chứ No, no, không hay. "Bát Phong Xuy Bất Động". Người Phật tử mình nói nhiều lắm, nói nghe đã lắm. Chứ thật ra "Bát Phong Không Động" mà tiếng đánh rắm của cuộc đời nó làm cho mình động. Chẳng hạn như ngày hôm qua, có cái thằng cha đó là chả gặp tôi, chả đi về mà tôi nghĩ Phật Pháp của tôi vậy mà cứu tôi không nổi. Mình về mình thuyết pháp, tôi đi có việc riêng, về rồi tôi về thuyết pháp, thuyết pháp xong xuống cái chả gặp riêng tôi, mà chắc cha đó chắc không biết lính của ai, gặp riêng tôi chả chào, đảnh lễ đồ đã lắm chả hỏi vậy chứ, chả nói câu mà tôi nói hơi hỗn nha. Chả nói câu mà tôi nhớ lại một, tại sao tôi nói hỗn ? Là bởi vì chả nói câu mà tôi nhớ lại lời của Phật ở trong Kinh lúc mà Ngài thành đạo, thì ác ma xuống hỏi Ngài, ông đắc đạo mình ông được rồi, ông mắc gì ông độ người khác chi ? Niết Bàn đi. Đó. Trong Kinh có nói câu đó. Thì cái ông này hôm qua ổng nói với tôi, ổng nói Phật Pháp như Sư ở yên chỗ được rồi tại sao Sư phải đi tùm lum. Phật Pháp như Sư vậy đó ở mình được rồi, tại sao Sư phải đi tùm lum. Khiếp như vậy đó.

Một cái câu họ nói mà nói không thể vô duyên hơn. Tại mình không biết người ta đi về đây để làm cái gì, thì lúc đó tôi vừa nhớ cái câu của ông Ma Vương hỏi Phật là đắc đạo mình độ người ta làm chi ? Rồi tôi lại nhớ luôn cái chuyện bát phong xuy bất động, là mình mới giảng Phật Pháp cho người ta nghe, chỉ vì một câu nói mà tôi cho là ngu xuẩn và nó thiếu muối iod của một cái người Việt Nam mà làm cho tôi bị phiền, thì mình phải xét lại mình, mình xem thứ nhất 6 Trần đối với mình là chữ viết trên đá, trên đất, trên cát, hay trên nước. Đấy. Phải tự hỏi lòng. Thứ hai là mình thờ Phật trong cái tâm tình, trong cái vị thế, cách thế của một cái tờ giấy, hay một pho tượng, hay là của một bao tử, và câu hỏi ba là Bổn Sư trong lòng của mình bằng cái gì ? Bằng giấy, gỗ, bằng đất sét, hay là bằng vàng, có việc này rất là quan trọng, rất là quan trọng. Phật tử tu Phật bắt buộc phải biết Đức Thế Tôn tuyệt đối là không ai đẹp bằng Ngài. Nhưng mà cái đẹp đó không hề mang ý nghĩa, mang cái tính cách tôn giáo ở đây, không phải là vì mình thờ Phật rồi mình nói Phật đẹp. No. Chính Ngài xác định rằng tất cả những cái gì Ngài có trên hảo tướng của Ngài, trên tôn dung và tôn nhan của Ngài là được trả giá bằng máu, máu chảy thành sông, xác của Ngài chất như núi, xương thịt Ngài đổ như núi Ngài mới được như vậy. Không phải là Ngài tu để được đẹp. Không phải. Nhưng mà Ngài phụng sự chúng sinh và trang nghiêm nội tâm chính mình. Nghe cho kỹ nha. Phụng sự chúng sinh và trang nghiêm chính mình trong vô lượng kiếp với lý tưởng cầu Phật Đạo. Và máu mà ngài đổ ra, thịt, da, gân, xương, mà Ngài đổ ra trên đường đạo phải tính bằng sông, bằng núi. Cho nên khi Ngài thành Phật rồi Ngài đẹp chuyện đó bình thường. Nhưng mà cái này mới quan trọng. Mỗi một nét đẹp trên người của Đức Phật là đến từ một công đức nào đó mà Ngài đã tu tập vô lượng kiếp. Thí dụ những gót chân của Ngài khác với người bình thường tí, vì nhiều đời Ngài tu hạnh bất sát, bất sát không giết, không có thích giết chứ không phải là không giết. Hai cái này khác nhau. Không giết khác, mà không thích giết khác. Rất nhiều Tăng Ni, Phật tử chỉ là người bất sát không có giết chứ không phải là không thích giết. Vì Giữ Giới thì không dám giết nhưng mà nhìn mấy con dán, kiến, chuột, rận, bù chét ghét lắm, mà tại vì Giữ Giới rồi, thì một là sợ Phạm Giới, hai là sợ mang tội. Chứ còn thấy nó chết được mừng lắm. Như tôi, cái thằng cha hỏi tôi hôm qua đó, giết chả thì tôi không giết, nhưng mà trời ơi, nghe nói chả chết tôi mừng, nó nở từng khúc ruột, 6m ruột tôi nó nở bung ra đã lắm, đã lắm. Mình là bất sát, mình là không giết chứ không phải là mình không thích giết. Còn Ngài, Ngài không muốn giết, không nỡ giết, không đành giết, không muốn giết. Ngài. Cho nên kiếp chót Ngài sinh ra Ngài đẹp lắm. Cặp mắt của Ngài không có háy, nguýt, lườm, liếc bằng Tâm Sân Hận. Cho nên Ngài sanh ra cặp mắt của Ngài nhìn ai, kể cả cái người ghét Ngài họ bị mềm, họ bị nhũn ra, ánh mắt của Ngài. Giọng nói Ngài, bao nhiêu kiếp Ngài chỉ nói cái gì mà đem lại sự hàn gắn, sự nối kết giữa những dị biệt với các giới tuyến mâu thuẫn, xung đột. Ngài dùng tiếng nói Ngài làm chuyện đó. Nên khi Ngài thành Phật, cái kẻ mà ghét Ngài bằng trời, nghe cái giọng Ngài mà rũ, nhũn mềm, đặc biệt. Trong Kinh nói có lần Đức Phật Ngài đi về Kusinārā trước khi Ngài tịch lâu lắm, Ngài về Kusinārā nhiều lần, có lần Ngài về đó thì Hoàng Tộc Malla thương Ngài lắm. Ông Vua ổng thương lắm, ổng thương, ổng quý, đến mức ổng nói Thế Tôn mấy thuở về đây, lần nào Thế Tôn về cũng là đem phước về cho xứ mình. Trẫm ra lệnh văn Quan, võ Tướng, dẹp, dẹp, dẹp, dẹp... bao nhiêu công việc, công vụ, dẹp. Thế Tôn về với mình một tuần là mình phải đi hầu Ngài tuần, Ngài ở một tháng là hầu Ngài tháng. Ai vắng mặt phạt 500 tiền, tiền vàng, thì cha nào là Phật Tử thì khỏi nói, còn có nhiều cha thì cũng không có Phật Tử lắm, thì thêm việc nhà, rồi tùm lum hết. Bây giờ ngày nào cũng đi chầu Phật, đi hầu Phật thì ngán quá. Thì cuối cùng có ông đó ổng tới ông gặp riêng Ngài A Nan ổng nói, con quý Thế Tôn lắm, thương quý vô bờ, nhưng mà thiệt, thì cũng khi sáng con bận rồi chiều vô nghe Pháp, ví dụ vậy. Bữa nay bận thì mai con đi, chứ con đâu có phải bất kính, không phải là con không có thương quý Thế Tôn, nhưng mà có điều con thấy lệnh Vua nó treo trên đầu thấy mệt quá. Không đi bị phạt vậy đó, mất vui. Ngài A Nan nghe vậy Ngài vào thưa với Phật, nói ổng nói vậy đó. Ông quan đó nói. Đức Phật Ngài nói thế này, mấy ngày qua ông đại thần đó đến đây là vì lệnh Vua, nhưng mà kể từ ngày mai ông ấy sẽ đến đây vì nhớ thương ta. Khi Ngài nói như vậy xong Thế Tôn chỉ nghĩ đến ổng và Ngài rải lòng Đại Bi, rải đây không phải như mình mà ngồi gồng nín thở, nhăn răng để cái hình trước mắt chăm chăm, săm soi, soi mói, No. Ngài chỉ nhẹ nhàng, Ngài chỉ gửi cho ổng một dòng năng lượng nhẹ nhàng, lòng đại bi mong cho ổng được an lành. Trong Kinh nói khi mà Đức Phật Ngài có cái thao tác nhẹ đó, cái động thái nhẹ đó, thì lập tức ông đại thần ở nhà ổng không có ngủ được, bồn chồn, đi tới đi lui, đi tới đi lui, rồi hé cửa, vén rèm, coi chừng nào trời sáng như là một con bò con mà xa Mẹ. Tức là trời mà sáng hẳn rồi đó là tức tốc chạy riết đến Đức Phật. Ổng quỳ ổng lạy, mà ổng nhìn Ngài suốt vậy. Thương đại bi của Ngài. Ở đây nó không phải là vấn đề phong thần, không phải. Ngài tu quá nhiều kiếp, Ngài tu quá nhiều. Cho nên khi mà đại bi nè, khả năng chánh niệm, trí tuệ, đại bi, bất cứ hạnh lành nào của Đức Phật đều ở đỉnh Top. Tại sao tôi nói giống như lạc đề, bây giờ mới quay trở lại. Từ Bi của Ngài khiếp như vậy đó. Con voi điên mà nó gặp Ngài nó còn phải sụp xuống, một ông quan mà không có thiết tha lắm, chỉ nhận nguồn từ trường từ xa vậy đó, ổng được chiêu cảm một cách mãnh liệt. Nhưng có một điều, mình hiểu về Phật ít quá, mình không học giáo lý, không hành trì, thì cái hiểu mình về Ngài ít quá, ấn tượng của mình về Ngài nó nhạt nhòa quá, thì khi mà mình nhìn hình ảnh Đức Phật hoặc là Đức Phật trong lòng mình không đủ 32 tướng. Là vì sao ? Là vì phải có học giáo lý mới biết 32 tướng và biết mỗi cái tướng đẹp, cái hảo tướng đó trên cái tôn dung, tôn nhan của Ngài có được từ hạnh lành nào, thì phải hiểu như vậy thì cái liên tưởng, cái hình dung, cái tưởng tượng, của mình về Đức Phật nó mới phong phú được. Thì tôi rất tiếc, tôi đâu có cho bà con thấy được tôi hình dung Đức Phật như thế nào, chứ còn hình ảnh Đức Phật mà qua tôi biết về giáo lý đó, từ giáo lý mà suy ra Đức Phật qua Ngài Xá Lợi Phất thì tôi ước gì bà con thấy được chắc bà con chết luôn. Chuyện đầu tiên Đức Phật trong lòng tôi không có bông sen, không có hào quang, và cái gì nữa, không có dùng thần thông, không dùng thần thông, không có hào quang, không có tòa sen, nhưng có cái này. Cặp mắt. Giọng nói. Rồi cái gì nữa ? Luôn luôn và luôn luôn có một giải pháp tốt nhất cho tất cả vấn đề mà người đến tìm gặp Ngài nhờ cậy. Cái đó tôi tin. Ngài có vô số giải pháp cho tất cả vấn đề, cách hình dung của tôi về Phật là như vậy. Còn có nhiều vị hình dung Phật là hào quang như là hàn gió đá, sen ta nói sen to đùng ngồi trển thơm ngát. Đấy. Thần thông ta nói ngút trời. Không được. Thì tùy. Như vậy thì Phật trong lòng mình là bằng giấy, bằng gỗ, bằng đất sét, hay là bằng vàng. Tùy mình nha. Tùy cái khả năng của mình. Vậy thì mình chốt lại nội dung bài giảng chều nay là những dấu hỏi ? Phải không ? Hỏi là mình thờ Phật như là một tờ giấy, hay là như một bức tượng, hay là như cái bao tử. Cái thứ hai là mình nhớ rằng, mình càng mắc míu với 6 Trần bằng cả 6 Căn, bằng cả 6 Thức, thì vấn đề nó sẽ lớn ghê lắm, trừ phi đó là chuyện cần thiết. Cho nên hôm nay chúng ta có nhiều pháp tu, pháp tu bằng mắt, bằng tai, có không ? Có. Có những người họ thích nghe pháp, có những người họ thích dùng mắt để đọc sách, họ đi chùa, có người thích dùng cái đầu, có người vui lắm. Tôi có đọc những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn như là "hồn bướm mơ tiên" rồi "một buổi chiều" "trống mái" "hồn vội" Nhất Linh, "dòng sông thanh thủy", "xưa rồi", hoặc là ba cái "tắt lửa lòng" của Nguyễn Công Hoan mà sau này người ta phóng tác thành Lan và Điệp. Thì mình thấy tiếng chuông chùa và mùi trầm ở trong chánh điện, vẻ trầm mặc u nhàn, thanh tĩnh của cái chùa. Tức là cái thần khí của chùa, âm thanh, mùi hương, của chùa ít nhiều có những tác động nhất định vào tâm hồn của cái kẻ mà nhìn thấy, hay nghe được tiếng chuông, hay dừng chân bên hiên chùa, có nhiều cách lắm. Chúng ta tu nhiều cách lắm. Chúng ta sanh tử là vì 6 Căn, 6 Trần, thì con đường giải thoát sinh tử cũng từ đó mà ra. Có người đến với Đức Phật chưa nghe gì hết, chỉ nhìn ánh mắt Ngài, nghe giọng Ngài nói, họ chưa kịp hiểu gì hết, chỉ nhìn Ngài là muốn theo Ngài. Nghe giọng nói của Ngài là muốn theo Ngài. Rồi có người họ phải quan sát Ngài một ngày, hai ngày, thấy bằng mắt nhưng mà nghiệm bằng cái đầu. Sau đó quyết định theo Ngài. Có. Có người nghe được một miếng lập tức là quay lưng đi lên núi, lên rừng, chiêm nghiệm, chứ không có cần ở gần Ngài nữa. Nhiều khi tôi coi mấy bài Kinh tôi cũng tiếc. Có nhiều vị, có nhiều nhóm Tỳ Kheo 5, 7 trăm đến đảnh lễ từ biệt Đức Phật. Chúng con nay sẽ đi về chỗ nào, chỗ nào, nào đó, không biết lúc nào có dịp gặp lại Thế Tôn. Đọc câu đó tôi thấy tôi tiếc. Trời ơi mình bây giờ chỉ cho mình gặp Ngài có chừng 5 phút mình chết cũng được nữa. Còn mấy vị đó gặp Phật mà các vị tỉnh bơ. Các vị quỳ lại Đức Phật, các vị nói là giờ chúng con đã học được một ít đề mục từ Thế Tôn, từ Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài A Nan, Ngài Ca Diếp. Bây giờ chúng con thấy gần đủ, đủ rồi, thôi bây giờ tụi con xin phép đi về chỗ này, chỗ nào, mà trong Kinh nói có nhiều chỗ cách Đức Phật cả mấy ngàn cây số. Mà toàn là dân không có thần thông không. Toàn là dân walking, walking, walking chứ đâu có bay, mà Ấn Độ thời Đức Phật là bao la bởi vì Ấn Độ thời Đức Phật là đâu có phương tiện đường xá như bây giờ. Nói là đi 1, 2 ngàn cây số là mình phải hiểu ngầm là trong đó đường rừng là hết một mớ khá khá đó. Chứ Ấn Độ giờ là đường nhựa, đường hỏa xa, đường hàng không thì nó êm quá, Ấn Độ ngày xưa đâu có được như bây giờ. Ngay cả ông Bùi Giáng mà ổng kể chuyện hồi đó ổng đi liên khu 5 tướng Nguyễn Bình, ổng kể hành trình từ Huế ra Bắc, từ Huế ra Hà Tĩnh, từ Hà Tĩnh ổng đi lộn trở ra về Quảng Nam, mà ổng kể đi bộ ổng mệt tới mức mà cái ba lô của ổng đi không nổi ổng liệng ra trước cho nó nhẹ. Rồi ổng đi tiếp. Khiếp như vậy đó. Nhớ nha.

Thì có nhiều vị hình ảnh Đức Phật trong lòng của họ tới đó đủ rồi. Họ học giáo lý học chừng đó đủ rồi. Họ xài nhiều cái gì ? Ý thức. Còn có nhều vị xài nhiều cái Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức. Có nhiều vị xài nhiều Ý thức. Tùy căn cơ của mình. Nghe cho kỹ. Tùy vào căn cơ của mình mà mình chọn cái gì để quan tâm. Chọn cái gì để Thích và Ghét. Một. Thứ hai, tùy vào căn cơ của mình, sau khi chọn rồi, mình tiếp cận nó, mình xử lý nó, mình làm việc với nó, theo kiểu gì ? Cách nào ? Bao lâu ? Bao nhiêu ? Nó còn nữa. Tùy thuộc vào căn cơ của mình mà mình cảm nhận được những thành quả nó ra sao ? Có người chỉ lướt qua, có người bồng bế, có người cất giữ, có người ôm chặc lấy nó như là sinh mệnh. Tùy thôi nha. Rồi. Giảng nhiêu đó mệt rồi, tôi đang bị jetlag. Chúc các vị một ngày vui. Thấy sương sương mà nhớ được mấy đó là Ok lắm. Rồi. Chúc các vị một ngày vui.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây :
https://www.youtube.com/live/IFFsVLvrz-I?si=IJkBtCBUn8fL44EB

---------------------------☘️

🙏Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn .. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240509/buổi 19 (09-05-2024).docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản