← Giáo Lý Căn Bản



[001] [002] [003] [004] [005] [006] [007] [008] [009] [010] [011] [012]
[013] [014] [015] [016] [017] [018] [019] [020] [021] [022] [023] [024]
[025] [026] [027] [028] [029] [030] [031] [032] [033] [034] [035] [036]
[037] [038]

Lớp Phật Pháp Căn Bản
22 - Thứ Năm, ngày 06/06/2024

Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng
Tử Du ghi chép chữ Pāḷi

TU TẬP THÔNG QUA CHỮ "TỰ"

Trong buổi học trưa nay, chúng ta cùng bàn về một vấn đề [mà] ai cũng biết, nhắc tới thì ai cũng biết, nhưng mà đào sâu thêm một tí, mở rộng ra thêm một tí, thì cũng không phải là thừa. Đó chính là khả năng tu tập thông qua chữ "Tự" – Tự tu – Tự giác – Tự tỉnh – Tự ý thức – "Tự".

Tại sao chữ "Tự" đó là quan trọng? Là bởi vì chúng ta phải đồng ý với nhau một chuyện là từ vị Chánh-Đẳng Chánh-Giác tức là Đức-Phật-Tổ Như-Lai cho đến một hành giả vô danh, thì không ai, không ai trong số đó mà có thể bỏ đi chữ "Tự". Tức là chúng ta sống trong cuộc đời này, chuyện lớn, chuyện bé gì thì cũng phải luôn nhờ đến cái sự hỗ trợ từ rất là nhiều nguồn của thiên hạ. Không ai phủ nhận được chuyện này. Nhưng để đón nhận được nguồn tiếp liệu, đón nhận được những sự trợ lực, tiếp sức từ muôn phương, từ thiên hạ, từ vô số thượng duyên, vô số điều kiện, thì bản thân chúng ta phải có một nền tảng tốt, một nền tảng tốt. Chứ còn nếu mà bản thân mình không có một nền tảng tốt giống như một cái tấm tôn hay là một nền xi măng, thì mưa xuống chúng ta không có tiếp nhận được gì hết.

Và để tiếp nhận được trận mưa đó một cách lợi ích, một cách tích cực nhất, thì chúng ta phải là một miếng đất, chứ không thể nào là một tấm nilon hay là một tấm tôn, hay là một sân xi măng được, thì chúng ta phải có chuẩn bị. Nhưng mà nhớ cái này quan trọng nè. Tôi vừa nói, chúng ta phải là một miếng đất thì mới đón nhận được cơn mưa, nhưng mà vấn đề ở chỗ là miếng đất đó có được mình dọn cỏ hay chưa? Đó là một chuyện. Và cỏ, các vị biết cỏ nó có vô số loại cỏ. Đấy. Có những loại cỏ là mình chỉ lấy tay mình nhổ cái là xong, có những loại cỏ là mình phải gọi là bứng tận gốc, chứ còn nếu không nó chỉ sạch ở trên cái bề mặt thôi. Nó chỉ sạch trên bề mặt chứ còn phần cũ rễ bên dưới nó vẫn còn. Nha. Cho nên đó là chuyện đầu tiên phải dọn cỏ cho sạch, cho kỹ, với tất cả sự am tường, sự hiểu biết, thì cỏ nó mới sạch. Bước hai, trận mưa đó nó đổ xuống, nó giúp được gì cho miếng đất, đó lại là một chuyện khác. Sau khi mà nó đã sạch cỏ rồi, thì trận mưa nó giúp được gì? Nếu mà miếng đất đó nó đã sạch cỏ, nhưng mà nó đã có hạt giống ở đó chưa? Hạt giống đó là cái gì? Chúng ta gieo gì ở đó chưa? Và đã gieo đúng mức chưa? Đúng cách chưa? Tại vì có những hạt giống mình chỉ rãi trên mặt đất là xong. Nhưng mà có những hạt giống chúng ta phải vùi nó trong đất mới được. Cho nên hồi nãy tôi có nói làm cỏ nó cũng cần đến sự hiểu biết nhất định. Đấy. Tức là cỏ nào, làm sao. Có những cỏ mình nắm mình kéo lên là xong, có những cỏ là phải lấy cuốc. Rồi tới hồi mà mình gieo hạt cũng vậy. Mình phải xác định hạt mà mình thả xuống đó là cái hạt nó nằm trên đất, dễ dàng bị mưa gió cuốn đi, chim chóc ăn, hay là hạt đó đã nằm sâu trong đất. Và nếu mà nằm sâu trong đất thì nó có thể bị các loại côn trùng nó tấn công hay không. Đó lại là chuyện nữa, các vị thấy chưa? Tức là chỉ riêng cái chuyện mà đón nhận được cơn mưa, đó là mình thấy miếng đất nó đã đòi hỏi rất là nhiều công phu: Làm cỏ kỹ chưa với một kiến thức nhất định? Rồi đã gieo trồng chưa? Mà gieo trồng cái gì với một kiến thức nhất định? Thì với chừng đó chuẩn bị, với chừng đó công phu, với chừng đó công sức, mồ hôi, thì là chúng ta mới có thể đón nhận được cơn mưa.

Cho nên chúng tôi quay lại chữ "Tự". Làm gì thì làm, tâm tư của chúng ta là một miếng đất, là một cõi đất, cho nên mới có cái chữ "Tâm địa" – Một cõi đất, một miền đất, một khu đất, một mảnh đất, mà phải nhớ rằng để có được một tiến bộ tu tập thì đương nhiên chúng ta phải cần đến vô số sự hỗ trợ của Thầy-Bạn. Những Thầy-Bạn đang hiện tiền hay là những Thầy-Bạn đã không còn nữa. Những Thầy-bạn không còn nữa là những Bậc-Đạo-Sư, những Bậc-Tổ-Sư, những tác giả, dịch giả, soạn giả, nay đã không còn nữa. Nhưng mà bên cạnh đó còn có những Thầy, những bạn, mà hiện giờ họ đang còn hít thở, đang còn hiện hữu trên mảnh đất này với chúng ta. Đấy. Tất cả những người đã khuất họ vẫn còn để lại những dấu ấn, những tác động nhất định lên chúng ta. Thí dụ như mình thấy nguyên cái hội Pali Text Society của Luân-Đôn, thì hội đó bây giờ là những vị mà gọi là thế hệ "tiên phong" đó. Bây giờ nếu họ còn sống là đã từ 120 tới 150 tuổi hết, thì làm gì còn. Nhưng mà những công trình của họ thì cho đến hôm nay và có lẽ vài trăm năm nữa thì nó vẫn là những đóng góp, những người đã cực lớn cho người học đạo. Nhớ cái đó. Rồi một chuyện nữa là sự chuẩn bị của chúng ta nó ở mức độ nào, để chúng ta có thể đón nhận được sự trợ duyên từ những Thầy-Bạn quá vãng hay hiện tiền. Tùy thuộc vào khả năng chuẩn bị của chúng ta. Chúng ta vốn liếng chỉ có đơn giản niềm tin thôi, thì cái sự đón nhận của chúng ta nó ở mức độ niềm tin. Đấy. Còn nếu mà sự chuẩn bị chúng ta nó gồm có thêm Trí tuệ - Tinh tấn - Chánh niệm - Thiền định, thì chúng ta tiếp nhận sự hỗ trợ, sự trợ duyên đó lại khác nữa. Thí dụ tôi nói thẳng luôn. Thí dụ như nếu bây giờ mà Ngũ-Quyền của mình là Tín - Tấn - Niệm - Định - Tuệ, mà mình chỉ mạnh về Đức tin thôi thì mình có đi qua bao nhiêu Thiền Viện đi nữa, thì mình cũng chỉ tu bằng Đức tin thôi. Đấy. Bởi vì Chánh niệm mình yếu quá, hoặc có những hành giả [mà] Niệm của họ OK, ổn, tạm ổn, nhưng mà Định họ yếu; có những hành giả Định mạnh nhưng mà Tuệ yếu; có những hành giả Định mạnh, Tuệ mạnh, nhưng mà "Tinh tấn" nó yếu; hoặc là Tinh tấn, Niệm, Định mạnh nhưng mà Đức tin nó yếu, có, có trường hợp đó. Cả năm cái là yếu, 1, 2, 3, 4, 5 cái, có nhiều người yếu cả 5, có nhiều người mạnh cả 5. Mà nó hơi ác chỗ này, là khi mà nó mạnh cả 5, chứ thật ra đó là trong cái mạnh cả 5 đó, trong đó nó có những cái mà nó over, nó hơi vượt mức. Thí dụ như trong Chú-Giải-Trường-Bộ, đó là Kinh Tứ-Niệm-Xứ cho biết rằng có những hành giả mà Đức tin họ mạnh quá, hoặc là Tinh tấn họ mạnh quá, thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng giác ngộ. Cho nên sự quân bình 5 Quyền nó rất là quan trọng. Đó là lúc đang tu tập, còn lúc buổi đầu đi vào với đạo, đặt chân vào cửa đạo, thì tùy vào Ba-la-mật, cái cách tu tạo Ba-la-mật của mình ngày xưa nó ra sao, để hôm nay chuyện đầu tiên là chúng ta có được trú-xứ thích hợp hay không; chúng ta có được Minh-Sư, Thiện-hữu hay không; chúng ta có điều kiện thực phẩm thời tiết thích hợp hay không, Đấy. Rồi cái chuyện nhỏ xíu luôn, là mình có điều kiện cốc liêu hay không. Thí dụ như chỗ mát mẻ nhưng cái cốc của mình nó ồn quá, cái cốc mình nó kế nhà bếp, cái cốc mình nó kế bên cái đống rác lớn, cái cốc mình, cái phòng thiền mình nó kế bên cái chuồng bò. Như là tôi có từng tới Thiền Viện Chanmyay Mahasi ở Yangon… Không biết phải Yangon hay Mandalay… Hình như Mandalay đúng hơn chứ. Nó sát bên trại bò, nó hôi không có tả được. Đấy. Thì nói chung, do Ba-la-mật của mình mà nó đẩy mình vào một hoàn cảnh, Trú-xứ có thích hợp hay không. Rồi Thầy-Bạn có tốt hay không. Tốt nghĩa là Minh-Sư, Thiện-hữu họ sẵn sàng hỗ trợ cho mình về lý thuyết và thị phạm. Rồi thực phẩm, rồi thời tiết, rồi liêu cốc, rồi mình có điều kiện thuốc men, y phục, như ý hay không.

Có những người là họ phải hội đủ tất cả những điều kiện đó thì họ mới tu tập tiến bộ, còn có những người là những bậc tốc chứng, đốn ngộ, thì họ không có cần nhiều. Họ trong môi trường nào, họ chỉ cần nghe một câu thôi là xong. Đối với họ là không có cần quá nhiều cái điều kiện là vì sao? Là bởi vì có hai trường hợp mà người ta cần đến nhiều điều kiện. Nhớ nha. Có hai trường hợp. Một đó là bậc đại phước, trong Kinh nói giống như một ông vua vậy đó. Hoặc là một bậc đại gia, phú hộ vậy đó, họ làm việc gì cũng phải là tiền hô hậu ủng, cờ quạt nghi trượng. Đấy. Đó là bậc đại phước. Nhưng mà có trường hợp thứ hai, đó là người Ba-la-mật của họ nó vừa vặn chứ nó không có được sung mãn, thì coi như là họ cũng phải cần đến sự hỗ trợ rất là nhiều, chứ không thôi 5 Quyền của họ nó đều yếu hết. 5 Quyền họ đều yếu, cho nên họ phải cần sự hỗ trợ của Thầy-Bạn, trú xứ, thực phẩm, thuốc men, y phục, lung tung hết, họ mới có thể tu được. Trường hợp đó là Ba-la-mật chỉ vừa vặn, vừa đủ thôi. Còn trường hợp một là người đó bậc đại nhân, đại phúc, cho nên nghe hơi vô lý nhưng mà thật ra có, có trường hợp đó. Chẳng hạn như mình thấy ở trong xã hội mình cũng vậy. Có hai loại người mà đi đâu cũng phải cụ bị: Một là nhà giàu; hai là người bệnh. Các vị để ý không? Người già, người bệnh, khi họ đi đâu, như tôi từng thấy ở phi trường, những người mà họ đi, họ phải đem theo cả cái máy thở nữa. Họ đi ngoài phi trường mà họ phải có cái máy nhét vô mũi giống như nằm trong bệnh viện vậy đó. Họ có cái máy thở. Rồi mình biết chắc là trong túi xách bên hông họ là thuốc, coi như rất là nhiều. Nha. Nhớ. Thì tôi quay lại chữ "Tự". "Tự" ở đây nó có hai trường hợp.

Một là, “Tự” ở đây là “Tự tại”. “Tự” ở đây nghĩa là “có đầy đủ phước duyên”. Cho nên là có thể gọi là thoải mái trong mọi tình huống ở đâu cũng thể tu tập được.

Nhưng mà chữ "Tự" còn có nghĩa nữa là “không ai có thể giúp ta ngoại trừ ta”. Tất cả mọi sự hỗ trợ của Thầy-bạn, cùng các điều kiện ngoại giới, ngoại lực, thảy đều là điều kiện thứ hai hết. Điều kiện một vẫn là chữ "Tự". Đấy. Chữ "Tự" đây có nghĩa là bản thân mình phải có những trang bị, để chi? Để trong tình huống nào thì mình cũng có thể tu tập được.

Tôi nhớ hoài câu nói của Ngài A-Nan khi mà có người hỏi Ngài: Trong 6 Trần (sắc, thinh, khí, vị, xúc), trong những gì mình thấy, nghe, ngửi, mỗi ngày, thì theo Trí-Tuệ của Ngài, theo kiến-văn trời biển của Ngài, thì hình ảnh nào đáng nhìn, âm thanh nào đáng nghe nhất, mùi nào đáng được xem là số một, vị nào xem là số một trong trời đất vũ trụ. Thì Ngài A-Nan Ngài nói rằng: Hình ảnh, âm thanh, mùi vị nào mà nó là đề mục Niệm-Xứ để mà thông qua đó ta có được Trí-tuệ Giác-ngộ, thông qua đó ta có được sự buông bỏ đối với Uẩn - Xứ - Giới - Đế, có sự buông bỏ đối với chuyện sinh tử trong ba cõi bốn loài, thì Ngài nói rằng Trần-Cảnh đó là Trần-Cảnh tối thượng. Thí dụ như nếu mình nhìn một bộ xương mà thông qua bộ xương đó, mình thành tựu được trí tuệ giác ngộ thì bộ xương đó được xem là hình ảnh đẹp nhất trong dòng luân hồi của mình. Bởi vì thông qua đó mình tìm ra được cửa ngõ dẫn vào cảnh giới Giác Ngộ. Đấy.

Thì trong một bài Kinh khác Đức Phật dạy: Ông Vua có 3 chỗ mà suốt đời không bao giờ ổng quên.
1- Chỗ mà ổng sinh ra.
2- Chỗ mà ổng lên ngai, làm lễ phong Vương, đăng quang chỗ nào.
3- Chỗ ổng thắng trận. Chỗ nào mà ổng đánh thắng trận, chỗ đó là những ký ức huy hoàng mà ổng phải nhớ.

Cũng vậy, Đức Phật Ngài dạy rằng một vị Tỳ Kheo có ba chỗ cần phải nhớ, đó là:
1- Chỗ mình Thọ-Đại-Giới.
2- Lần đầu tiên mình chứng Sơ-Quả.
3- Là nơi chốn nào mà mình chứng Tứ-Quả, chỗ mà chấm dứt sinh tử.

Còn tại sao mà trong bốn tầng Thánh mà Ngài tách ra hai cái này là sao? Là bởi vì quả vị Tu-Đà-Hườn nó đặc biệt chỗ, đây là lần đầu tiên mà mình lìa bỏ cách nhìn phàm phu về vũ trụ và thế giới. Lần đầu tiên chúng ta nhìn mình và nhìn người khác không thông qua lăng kính của Thân-Kiến. Đặc biệt lắm. Nhẹ lắm. Nhẹ bâng, nhẹ tênh, nhẹ hẫng. Tôi nói hoài, mình vì hiểu lầm mà mình ghen tuông, mất ngủ, lên máu, trụy tim. Vì hiểu lầm mà mình lo âu về Cha, về Mẹ, mình nghe nói bà Má mình bị đi lạc mà nghe nói có ai đó vớt được cái xác của bà cụ là mình chết điếng. Hoặc là mình đang ghen chồng, ghen vợ, nhưng ra tới nơi mình biết người đó không phải là vợ, không phải là chồng của mình, thì mình nhẹ cỡ nào. Đấy. Hoặc mình biết được kết quả xét nghiệm ung thư đó là bị sai mình mừng cỡ nào, Nhớ nha.

Rồi. Thì đối với các vị Tu-Đà-Hườn mình tạm hiểu cảm giác họ giống như vậy. Nghĩa là lâu nay họ nhìn về thế giới từ hai góc độ "tôi là cái này", "tôi là cái kia", "cái này là của tôi", "cái kia là của tôi", nhưng mà lần đầu tiên trong vô số kiếp luân hồi, từ vô thỉ luân hồi, lần đầu tiên mà họ thấy rằng tất cả chỉ là những thành tố do các Duyên hội tụ. Duyên đủ thì nó hội, mà duyên hết thì nó tán. Nó tán xong, hễ mà chưa dứt hẳn thì tiếp tục nó hội tụ trong một hình thức khác. Tất cả chỉ là Sóngvà Hạt. Ở đây hoàn toàn tuyệt đối không có một cái gì là "tôi", là "của tôi" hết. Lần đầu tiên mà thấy được cái đó, cảm giác nó đặc biệt lắm. Đức Phật Ngài dạy cảm giác của vị đắc Sơ-Quả – Sơ-Đạo Tu-Đà-Hườn giống như một… Ngài dạy nó giống như là những cái gì mà vị đó bỏ xuống, buông xuống, nó nhiều như một dãy núi Himalaya mấy ngàn km, còn những vấn đề tồn đọng còn sót lại mà vị này cần phải giải quyết nó chỉ là mấy viên sỏi thôi. Các vị thấy đó là một tỉ lệ chênh lệch cực lớn, tử mẫu cực lớn. Tức là chuyện mà các Ngài bỏ được, đã giải quyết xong, là một dãy núi mấy ngàn km, còn chuyện đọng lại chỉ là mấy viên sỏi thôi. Cho nên quả Vị Tu-Đà-Hườn rất là quan trọng. Quan trọng lắm. Lần đầu tiên là bỏ mấy ngàn, gọi là hàng mấy triệu, mấy tỷ tấn đá, trong tay chỉ còn có một nắm nhỏ xíu, sao mà không đặc biệt được.

• Chỗ thứ nhất là chỗ Xuất-gia.
• Chỗ thứ hai là chỗ chứng Sơ-Quả.
• Chỗ thứ ba đó là chỗ mà vị đó chứng La-Hán.

Kể từ bây giờ không còn tái sinh dầu bất cứ cảnh giới nào, cao nhất đi nữa cũng không có về. Không còn mảy may hoan hỷ, thích thú trong chuyện hiện hữu nữa. Bởi vì xưa giờ còn là phàm thì mình còn thích sở hữu, hiện hữu, và hưởng thụ, rồi lên tới tầng thánh Tam-Quả cũng còn một chút thích trong Thiền, còn một chút thích trong chuyện tái sinh, còn chút thích trong hiện hữu. Nhưng mà lên tới chứng quả La-Hán không còn thích một chút gì hết. Cho nên đây là chỗ thứ ba mà vị Tỳ-Kheo cần nhớ.

Thì hồi nãy Ngài A-Nan Ngài có nói 6 Trần được xem là tối thượng chính là cái Trần-cảnh nào mà là đề mục Niệm-Xứ. Đấy. Thì ở đây Đức-Phật Ngài cũng nói một nội dung tương tự như vậy. Trú-xứ nào cũng vậy thôi, ở đâu cũng đất, nước, lửa, gió, ở đâu cũng chim muông, hoa lá, sông rạch, rừng núi, ở đâu cũng giống nhau thôi, chứ không có gì hết. Nhưng mà chỗ nào nó liên hệ đến Trí-tuệ Giác-ngộ, thì chỗ đó là chỗ đáng nhớ. Đấy. Thì Ngài A-Nan Ngài cũng nói cái ý giống vậy. Ngài nói Trần-Cảnh nào, dầu đó là một bộ xương, một chiếc lá, một giọt nước, một tia lửa, một áng mây hay là một bãi nước bọt, một chén cơm, miễn là nó là đối tượng để mà dẫn đến sự buông xả phiền não, buông xả sinh tử, thì Trần-cảnh đó được xem là tối thượng. Mà tại sao tôi đang giảng chữ "Tự", mà tại sao tôi trích bài Kinh này? Là bởi vì trong một ngày, dầu biết hay không biết, dầu muốn hay không muốn, 6 Căn của chúng ta luôn luôn và luôn luôn theo đuổi 6 Trần. Đấy. Nếu mà chúng ta có một khả năng "Tự" đó –Tự tu - Tự tỉnh - Tự giác, thì không có cái Trần-Cảnh nào bị bỏ sót. “Bỏ sót” nghĩa là gì? Là không có Trần-cảnh nào mà bị mình nhìn nó bằng sự thất niệm hết. Đấy. Cái quan trọng chỗ đó, nó quan trọng chỗ đó. Còn một người mà thất niệm, thì coi như là họ bỏ sót vô số cơ hội: Một là cơ hội Chứng-đạo; hai là cơ hội Ba-la-mật. Nhớ nha. Một người thất niệm – thiếu Trí nè, thiếu Niệm nè, mà mình phải hiểu mình học A Tỳ Đàm mình hiểu, ở đâu mà thiếu Niệm, thiếu Trí, thì ở đó nó thiếu luôn nguyên một chùm luôn. Nó thiếu luôn là Tín - Tấn - Niệm - Định - Tuệ luôn. Thiếu Trí, thiếu Niệm là mệt rồi. Có cái tâm thiện nào mà thiếu Niệm đâu? Thiếu Trí thì còn có, chứ còn cái tâm thiện nào mà thiếu Niệm đâu? Cho nên hễ tâm mà thiếu Niệm là mình biết dứt khoát là tâm đó không phải là tâm lành rồi. Nha. Nhớ cái đó, cái đó rất là quan trọng. Cho nên người mà… Đang giảng tới đây tôi cũng hồi hộp. Các vị không học A Tỳ Đàm nghe tôi giảng tới chỗ này quý vị bị rối. Các vị thấy không? Vì tâm thiện có tâm có Trí và tâm không có Trí. Nhưng mà tâm thiện dứt khoát là phải có Niệm. Không hề có cái tâm thiện nào mà không có Niệm hết. Mà kẹt cái chỗ là không học A Tỳ Đàm thì nghe chỗ này không hiểu. Khổ vậy. Tôi giảng mấy chỗ này tôi run, vừa giảng mà vừa run, run nó chỗ là mình nói cái này nó có quá tầm không. Thì thôi thông qua vụ đó đi.

Tôi muốn quay lại cái chữ "Tự". Là nếu mình có một nền tảng tốt tại giờ bây giờ… Bây giờ tôi giảng qua một loạt chữ "Nếu" nè. Nếu mình có một nền tảng tốt, thì cơ hội để chứng đạo trong một ngày có vô số. Nếu Ba-la-mật không đủ, Ba-la-mật tức là cái phước duyên giải thoát không đủ, thì trong một ngày mình cũng có vô số cơ hội để mà bổ túc Ba-la-mật. Đó là cái "Nếu" một.

"Nếu" thứ hai. Nếu mà mình có nền tảng tốt thì mình không bỏ sót một cơ hội gặp gỡ nào với Minh-Sư, Thiện-hữu. Đấy. Trong khi đó nếu mình gọi là có nền tảng yếu. "Nền tảng yếu" là gì? Là Ba-la-mật yếu nè, rồi nỗ lực trong hiện tại kém nè, Ngũ-Quyền yếu nè. Thì chuyện đầu tiên là bỏ lỡ cơ hội Giác-ngộ, bỏ lỡ cơ hội bổ túc Ba-la-mật. Rồi cái thứ hai nữa là bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc Minh-Sư, Thiện-hữu. Tại vì mình thiếu Niệm, thiếu Tuệ mà. Thiếu Niệm, thiếu Tuệ thì gặp Minh-Sư, Thiện-hữu cũng bằng không. Có biết bao nhiêu người gồm có Phi-nhơn và Nhân-loại đã gặp Đức Phật, gặp Ngài Xá-Lợi-Phất. Rồi thì sao? Gặp giống như đi ngang một đóa hoa, đi ngang một ngọn núi vậy thôi. Không hề có một ấn tượng, một khái niệm, một nhận thức gì hết. Đấy. Thiếu Niệm, thiếu Tuệ, chuyện đầu tiên là bỏ lỡ cơ hội đối với tự thân. Có nghĩa là bản thân mình không có cơ hội để mà chứng đạo, không có cơ hội để mà gieo trồng, bổ sung Ba-la-mật. Bây giờ cái thứ hai là, không có cơ hội để mà gọi là tận dụng sự có mặt của Minh-Sư, Thiện-hữu. Và tiếp theo nữa là gì? Khi mà sống không Niệm, không Tuệ đó, thì tất cả những điều kiện ngoại giới mình bỏ luôn. Thí dụ như mình có Niệm, có Tuệ đó thì bản thân mình, mình tận dụng được nhiều cơ hội, cho bản thân mình cơ hội đắc đạo. Rồi tận dụng được cơ hội gặp Minh-Sư, Thiện-hữu, tận dụng được cơ hội trú xứ, thời tiết, thực phẩm. Còn đằng này thiếu Niệm, thiếu Tuệ thì cái chuyện mà mình có được thời tiết, trú xứ, thực phẩm, nó chỉ là cơ hội để hưởng dục, chỉ là cơ hội để mà phiền não thôi. Cái đó quan trọng lắm.

Trưa nay tôi giảng chữ "Tự" là như vậy đó. Bởi vì nếu mà mình không có khả năng, không có một strong background, không có nền tảng tốt, thì bỏ hết, phí vô cùng, phí cơ hội làm người, phí cơ hội biết Phật-Pháp, bỏ phí cơ hội gặp gỡ Minh-Sư Thiện-hữu, bỏ phí luôn tất cả những cái thuận duyên trong đời sống. Từ trú xứ, thời tiết, y phục, thực phẩm, bỏ hết. Trong khi một người mà họ có Niệm, có Tuệ, họ có một cái nền tảng tốt thì Thầy-Bạn đối với họ là một cơ hội. Đấy. Thời tiết tốt, y phục, thực phẩm như ý là một cơ hội. Rồi cái gì nữa? Từng hơi thở, từng bữa ăn, từng ngụm nước uống đều là những cơ hội. Nó ghê gớm như vậy đó.

Bây giờ tôi không phải là thánh, mà bà con biết trong nước nó chửi tôi không còn cái gì hết. Cho nên tôi giảng ở chỗ này tôi cũng phải khéo lắm, chứ không thôi nó chửi nữa. Trong nước á, 100 triệu rồi, bữa tôi thăm dò rồi, là nó chửi tôi chín mươi mấy triệu rồi. Thì tôi không phải là Thiền-Sư nhưng mà có điểm là tôi dám, bởi vì tôi phải đem tôi làm chứng minh chứ. Tôi có điểm tôi hơn rất nhiều bà con ở trong room này là gì? Tôi không phải là hành giả, nhưng mà có cái này nè, cái cơ hội để mà tôi nghĩ về Phật Pháp rất là nhiều. Thí dụ như bây giờ tôi ra đường mà tôi nhìn một hình ảnh, một đoàn xe nó chạy trên xa lộ. Tôi nhìn tôi vẫn thấy Phật Pháp trong đó. Đấy. Tôi đâu dám nói tôi có Niệ", tôi có Tuệ, tôi không dám nhận nha. Mà tôi chỉ nói là tôi chỉ có một ít nền tảng thôi đó, một ít nền tảng, mà tôi chỉ nhìn một đoàn… Bây giờ tôi đang ngồi, quý vị có biết tôi đang giảng trên xe không? Tôi đang ngồi trên xe tôi giảng nè. Trước mặt tôi là một đoàn xe của trên freeway của Thụy Sĩ. Đấy. Mà bây giờ chỉ cần tôi tắt máy, tôi nhìn cái là tôi thấy Phật Pháp lồ lộ, lừng lững, sừng sững ở trong cái đoàn xe đó. Tôi mới hướng ánh mắt về rừng là tôi thấy Phật Pháp trùng điệp ở trong đó. Tôi mới nhìn xuống đám cỏ, đóa hoa bên đường, nếu tôi muốn, nếu tôi muốn là tôi nhìn thấy Phật Pháp sừng sững trong đó. Và tôi nói với các vị không biết là bao nhiêu lần. Nếu có lòng nghĩ đến Phật thì từ một cái vỏ lon, một cái bịch nilon, một cái tờ giấy rác, một cái cùi bắp, một cái vỏ chuối, một cái đầu thuốc lá, đều là đề tài Phật Pháp hết đó. Các vị thấy chưa? Và tôi rất ước ao, tôi rất mong mỏi có một ngày mà các vị nhìn thấy cái điều đó ở tôi. Tôi có thể làm cho các vị coi. Tức là tôi sẽ thuyết pháp theo cái cách tôi nói. Tức là, nghĩa là, tôi để cho các vị toàn quyền quyết định. Các vị lựa bất cứ cái gì mà tào lao nhất. Thí dụ như ngồi trước mặt các vị chỉ tôi cái nút chai, cái nắp chai nước ngọt. Các vị nói: “Thỉnh Sư thuyết bài Pháp về cái nắp chai đó đi”. Đấy. Thì bây giờ quý vị… Mong có một ngày mà chúng ta có một Pháp Hội một tháng trời cho các vị thử. Cái nắp chai hoặc là cái đầu thuốc lá, hay là một cái cùi bắp, hay là một cái chiếc dép, mà dép có hai nha. Dép lành nè, dép rách nè, giày da nè, giày mới, giày cũ, thì tôi bảo đảm mình hoàn toàn có hai thời Pháp khác nhau về đôi giày mới và đôi giày cũ. Hai thời Pháp hoàn toàn khác nhau về đôi giày đắt tiền và rẻ tiền. Hoàn toàn khác nhau. Đến mức như vậy. Mà tại sao tôi đem chuyện đó ra tôi nói? Là bởi vì các vị thấy rằng chỉ cần chúng ta có một cái strong background – một cái nền tảng tốt, thì chúng ta không bỏ lỡ một cơ hội nào hết. Từ Pháp-học tới Pháp-hành, mà nếu được là cả Pháp-thành. Cả sự chứng ngộ từ nhận thức, kiến thức, cho đến sự chứng ngộ, chỉ cần chúng ta tận dụng được. Mà cái khả năng tận dụng nó ở đâu nó ra? Nó ra từ cái chữ "Tự". Chữ "Tự" đây tôi dịch gọn từ cái chữ “strong background”, có nghĩa là nền tảng tốt. Đấy. Nền tảng tốt. Có những người có thể mặc cảm nói rằng: “Trời ơi, tôi già quá, tôi bệnh quá, tôi dốt quá, tôi mới biết đạo, tôi sơ cơ, thì làm sao mà tôi làm được lời của Sư đề nghị?”.

Dạ không. Đừng bao giờ có mặc cảm như vậy. Ngay đời này, kiếp này, mình có cảm giác là mình thua người ta, chứ còn đời trước và kiếp sau mình chưa biết ai hơn ai, đó là chuyện thứ nhất.

Chuyện thứ hai, ngay bây giờ mình tận dụng mọi khả năng mình có, thời gian mình có, vấn đề là mình có muốn hay không? Ngay bây giờ mình tận dụng mọi thứ mình có, để mình có một nền tảng tốt. Có này tôi tin nè. Tôi phải nói chuyện mà trần tục nhất các vị mới tin. Chứ còn nói chuyện mà thần tiên Phật-Tổ Như-Lai các vị không có tin. Đó là cụ Nguyễn Lê. Cụ nói đó. Muốn học ngoại ngữ, Cụ chỉ cho mình kinh nghiệm học ngoại ngữ. Mà tôi thấy kinh nghiệm đó tuyệt đối có thể áp dụng cho người học Đạo. Cụ nói [rằng] bây giờ bất cứ thứ tiếng nào, một ngày học có 3 từ vựng thôi. 1 ngày học 3 từ vựng và 3 ngày học 1 vấn đề văn phạm. Thí dụ như bây giờ chia vẹt phải không? Chia vẹt thì quá khứ: quá khứ xác định, quá khứ bất định. Đấy. Quá khứ gần, quá khứ xa. Đấy. Rồi chia thì tương lai cũng vậy, tương lai có bao nhiêu thì tương lai. Cứ mỗi 3 ngày mình học 1 vấn đề văn phạm thôi. Còn từ vựng 1 ngày mình học có 3 chữ thôi. Thí dụ cái ly nè, con rắn nè, lá cây nè. Đó. Mình học 3 chữ đó thôi. Rồi bữa sau mình học tiếp, thì cụ nói 1 tuần như vậy mình học có 5 ngày thôi. Có nghĩa là 1 tuần mình học có 5 ngày, mà 1 ngày mình học 3 chữ, nghĩa là mình học 1 ngày có 15 từ thôi, 15 chữ mới, và có hai vấn đề văn phạm thôi. Tại vì 3 ngày mình học một lần mà 1 tuần mình học 2 bài văn phạm và 15 từ vựng, thì Cụ nói, nếu kiên trì ba năm thôi thứ tiếng nào mình cũng đọc hiểu ở cái mức là căn bản. Tôi tuyệt đối tin Cụ. Cụ Nguyễn Lê nói như vậy. Cụ nói có ba năm, mà tiếng gì không cần biết, tiếng Do Thái, tiếng Á Rập, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Tàu, không cần biết, cứ 3 ngày là một bài văn phạm. Và mỗi ngày là 3 từ vựng mới, có thể là 3 từ vựng nó có thể là 1 chữ động từ nè, 1 chữ danh từ nè, 1 chữ tính từ, hay là 1 chữ trạng từ vậy đó. Mà đại khái ngày 3 chữ, một tuần như vậy là có 15 chữ mới. Phải không? Ở các từ loại nha. Một tuần học 15 từ và 2 bài văn phạm, thì cụ nói ba năm thôi, thế nào trong room là cũng có người le lưỡi nói trời ơi ba năm lâu. Xin thưa với bà con. Ba năm bà con không có làm gì hết nó cũng trôi, và rất là nhiều người bị cái này, kêu làm chuyện đàng hoàng thì than không có thời gian, kêu làm chuyện đàng hoàng thì than là trí nhớ kém, mà trong khi dành thời giờ làm toàn chuyện tầm bậy thì lại OK. Các vị nghĩ coi các vị có bị cái bệnh đó không? Tự xét lòng mình đi nha. Đừng nói tôi không biết. Tôi biết hết. Tôi biết quý vị rõ lắm. Tại vì quý vị chính là tôi mà, tôi chính là quý vị. Nha. Kêu làm chuyện đàng hoàng thì than là bệnh, yếu, rồi thiếu sức khỏe, rồi lớn tuổi, rồi tự thấy mình dốt, rồi thấy mình bận rộn, nhưng nếu mình dốc lòng, thì tôi hứa các vị đủ thời gian. Đấy. Thì cụ Nguyễn Lê cụ nói kinh nghiệm học ngoại ngữ, thì ở đây tôi khẳng định một chuyện, là mình bê nguyên cái kinh nghiệm đó mình chuyển qua bên đạo. Nghe giảng rồi thực tập, thực tập rồi nghe giảng. Có thắc mắc thì tìm Thầy, tìm bạn, mà hỏi nha. Thắc mắc thì tìm Thầy, tìm bạn mà hỏi. Thì trong từng ngày, từng tuần lễ, từng tháng, nền tảng của mình ngày một tốt, để chi? Để mình làm một chữ thôi. Đó là chữ "Tự". Đấy. "Tự". Làm cho xong chữ "Tự". Chứ bây giờ Thầy-Bạn nào mà đi kè kè bên mình. Đó là cái thứ nhất. Dầu Mẹ ruột của mình cũng đâu có đi theo mình suốt đời, vợ chồng, con cái không ai đi theo mình suốt đời, mình lúc nào cũng phải tự hết. Tự sướng - Tự khổ - Tự buồn - Tự vui - Tự khỏe - Tự bệnh. Cái gì cũng "Tự". Rồi Tự sống - Tự chết, chứ có ai, mấy cái đó có ai làm giùm ai đâu. Đấy. Và cái quan trọng nhất là gì? Dầu muốn, dầu không, dầu biết hay không, thì 6 Trần luôn trôi qua trước mặt chúng ta. Mà nếu chúng ta có một nền tảng tốt thì không có Trần nào là vô ích hết. Các vị vạch áo lên xăm câu này:

“Nếu ta có Niệm và Tuệ tốt thì 6 Trần không có Trần nào là vô ích.”

Không có Trần nào là vô ích. Đừng có nói là tôi nghe tiếng hát Karaoke, tôi bực. Sai. Nếu có Niệm, có Tuệ, cái tiếng động đó vẫn là Cảnh Niệm-Xứ, cái tâm sân, cái sự bực mình trong lúc đó vẫn là Niệm-Xứ. Nhớ nha. Tới chết cũng nhớ câu đó. Cái gì cũng là Niệm-Xứ. Vấn đề là cái Niệm của anh, cái Tuệ của anh nó đủ mạnh hay không? Đó là chuyện khác. Chứ còn tôi đoan chắc 1000% trong cái gọi là Paññābhumi – đối tượng của Tuệ Quán, thì trong đó gồm có gọi là gì? Uẩn - Xứ - Giới - Đế - Duyên-khởi, đúng không? Đấy. Thì trong khi đó là 6 Trần không có Trần nào là vô ích. Chính Ngài A-Nan Ngài cũng xác nhận:

Trần nào mà làm Cảnh Niệm-Xứ thì Trần đó được xem là Trần tối thượng.

Ngài A-Nan nói, Phật nói, chứ không phải tôi nói. Không phải là tôi nói. Nãy tôi trích dẫn hai bài Kinh, một bài Đức Phật dạy có ba chỗ quan trọng vị Tỳ Kheo phải nhớ. Còn Ngài A-Nan Ngài nói trong 6 Trần tất cả các Trần nào mà là cửa ngõ dẫn vào Giác-ngộ, Trần nào là Cảnh Niệm-Xứ thì Trần đó được xem là Trần tối thượng. Mà nếu Huệ-Căn mình nó kém quá thì trong một đời này của mình có bao nhiêu lần mình gặp Cảnh tối thượng? Trong khi người ta có Niệm, có Tuệ đấy. Thì Trần nào, dầu đó là Cảnh-Sắc hay là Cảnh-Danh. Đấy. Thì Trần nào cũng là đề mục Niệm-Xứ hết. Cái đó nó quan trọng. Mà tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, có thể các vị nghi ngờ, có thể có quyền nghi ngờ, nhưng mà coi tôi nói đúng hay sai? Tất cả cái chuyện mà tu tập Niệm-Xứ nói chung và đề mục Hơi-thở nói riêng, cho đến bao giờ mà mình còn thấy nó là cái công phu mà mình phải nỗ lực, thì ngày đó mình chưa có khá. Mà phải đến một lúc nào đó mình thấy cái chuyện mà mình tu tập nó là một quyền lợi, nó là một niềm vui, nó là chỗ trú ẩn an toàn, thì ngày đó bắt đầu, cuộc tu bắt đầu khởi sắc rồi đó. Các vị có thể nghi ngờ là ổng nói vậy nhưng mà không biết ổng có làm không? Tôi xin thưa, yên tâm đi. Đứa nào không làm, đứa đó tự nó khổ. Mình đừng có bận tâm mình bắt người ta tu. Tự nhiên cái đó. Niệm-Xứ là một cái đề mục đem lại an lạc cho người tu tập, còn chuyện người ta không tu tập [thì] kệ người ta. Nha. Mà cứ phần mình không có lo, mình cứ thắc mắc [rằng] ổng nói nghe đã quá mà không ổng biết có tu. Bây giờ tôi nhắc lại lần nữa. Ổng nói gì thì nói, nhưng mà niềm an lạc tu tập chỉ có ở người nào thực tập thôi. Tôi nhắc lại lần nữa. Niệm-Xứ nói chung và cái chuyện theo dõi hơi-thở nói riêng, cho đến bao giờ mà mình còn xem nó là cái thứ công phu phải nỗ lực thì ngày đó mình chưa khá. Có cái chữ "phải nỗ lực" là chưa khá. Mà phải tới một ngày mình thấy đó là chỗ trú ẩn an lạc nhất; có một ngày mà trước thị phi, mình có thể an lạc, trước trọng bệnh, mình có thể an lạc; và trước giây phút cận tử, mình có thể an lạc. Nha. Thị phi, trọng bệnh, cận tử, rồi từ từ ra cái gì nữa? Trước khi tới chạm được cái sự an lạc, tự tại trong ba cái này là mình phải có tự tại trong những chuyện nhỏ trước. Thí dụ như tự tại trong điều kiện sinh hoạt thường nhật. Thí dụ như mình có thể tự tại trong một cái áo rách, trong một cái áo mà trước giờ mình không muốn mặc, mà giờ mặc thấy thoải mái, mà cái thoải mái này nó có hai trường hợp: Một thoải mái là vì mình chấp nhận được cái xấu. Và cái thoải mái thứ hai nó cao hơn là mình không còn thấy nó đẹp xấu nữa. Bước một là mình còn thấy nó xấu nhưng mà mình thỏa hiệp được với nó, đó là mới bước một. Còn bước hai là mình đánh mất cái ý niệm đẹp xấu, tức là mình thấy áo mặc vô kín đáo, mặc vô che thân là mình thấy OK rồi. Đó là ngon lành đó.

Nhưng mà thôi đừng bận tâm mấy chuyện cao siêu. Nha. Nhưng mà sẽ có một ngày mình vượt qua từng bước:
1- Bước một là thoải mái trong nhu cầu vật chất.
2- Bước hai là thoải mái trước thị phi.
3- Bước ba là thoải mái trong trọng bệnh.
4- Bước bốn là thoải mái trong chuyện giây phút cận tử.

Nhớ bốn cái này. Bốn cái là Bốn cái Tự tại. Mà mình muốn có được Bốn cái Tự tại này là trước hết phải hoàn tất chữ "Tự" trước cái đã. Phải có "Tự" trước rồi mới có “Tự tại” sau. Thì "Tự" đây là gì? Là Tự tu - Tự tỉnh - Tự giác. Đấy. Chứ còn không thể nào mà thiếu chữ "Tự" đó. Bản thân chữ "Tự" làm không nổi làm gì có tự tại? Tự tại có tới hai chữ, còn đằng này chữ "Tự" là một chữ thôi. Cái gì cũng phải "Tự". Có cái nền chữ "Tự". Đây là cái strong background. Có cái nền rồi, thì tôi nhắc lại, có một cái nền tốt, thì từng hơi thở là cơ hội, từng giây phút buồn vui là cơ hội, từng miếng ăn, từng ngụm nước là cơ hội, từng bước đi, đứng, nằm, ngồi là cơ hội, từng giây phút nghe Pháp là cơ hội, từng cơ hội gặp gỡ Minh-Sư, Thiện-hữu là cơ hội, từng thời tiết, trú xứ, liêu cốc, thực phẩm, thuốc men là cơ hội. Nói chung bước đầu là cái gì mà thuận duyên nó là cơ hội. Tu đến một lúc tất cả cái đắng cay nó cũng là cơ hội. Đấy. Bài giảng bữa nay tôi muốn các vị phải xăm lên người nguyên một thời luôn nha.

Tu bữa đầu mình còn gọi là tranh thủ những cơ hội như Minh-Sư, Thiện-hữu, thời tiết thích hợp, thực phẩm thích hợp, y áo thích hợp, liêu cốc thích hợp, nhưng mà tu đến một mức nào đó thì tất cả đều là cơ hội. Còn đằng này là nếu thiếu Niệm, thiếu Tuệ, mà Niệm, Tuệ ở đâu nó ra? Nó đi theo một hệ thống rất là ngoạn mục. Đầu tiên là kiến thức trước. Phải có kiến thức giáo lý, có kiến thức mới có nhận thức, từ nhận thức mới đến hành trì, từ hành trì mới đến thực chứng. Không có kiến thức thì làm gì có nhận thức, không có nhận thức thì làm gì có hành trì, mà không hành trì làm gì có có thực chứng. Nha. Nhớ cái đó rất là quan trọng. Cho nên tôi nhắc lại chữ "Tự" mà trưa nay tôi giảng nè. Nó có nội dung rất là quan trọng. Thứ nhất là có cái "Tự", có khả năng Tự tại là một nền tảng tốt để chúng ta không bỏ lỡ những cơ hội thượng duyên. Bước hai, không còn vấn đề thuận hay nghịch duyên nữa, mà là 6 Trần, không có bỏ sót 6 Trần - Trần đắng, Trần ngọt, Trần như ý, Trần bất toại đều là cơ hội hết.

Và tôi nhắc lại lần nữa. Người giảng là ai không quan trọng. Nha. Cái đó không quan trọng nha. Đừng có bận tâm đến tôi. Nhiều người họ xui xui lạ lắm, do quá thông minh mà, không lẽ giờ tôi nói ngược chứ, do quá thông minh, cứ đi bận tâm cái người giảng, mà coi người ta giảng cái gì – Không chịu làm. Tới lúc gặp tôi, họ hỏi. Kỳ rồi tôi về Sài Gòn, họ gặp tôi, họ hỏi tôi mới hết hồn. Tôi nói: “Trời ơi, vậy là cô tu cho tôi chứ không phải cô tu cho cô”. Tôi kêu cô ăn kiêng, tôi kêu cô tập thể dục, tôi kêu cô sống chỗ dưỡng khí trong lành, tôi kêu cô giữ đầu óc thanh thản an lạc, cuối cùng cô cứ đi châm bẩm, cô dòm tôi, cô đi kiếm tôi, cô coi tôi làm sao để cô bắt chước là sao? Thứ nhất cô có hiểu những lời khuyên của tôi, ăn kiêng và dưỡng sinh cô có hiểu hay không? Nếu cô hiểu thì cô cứ làm đi. Rồi cứ bận tâm mấy chuyện thời cuộc chi? Ba cái phong trào này, ba cái dư luận, ba cái làn sóng, cái đó nó không quan trọng. Bây giờ ba cái vụ mà Olympic hay là mấy mùa bóng đá, cái đó là chuyện của người ta, mà mắc cái gì cứ hễ trong xã hội mà nó có nảy ra một hiện tượng là cả đám bu theo, là sao vậy? Mình đánh mất chữ "Tự". Khi mà anh không có chữ "Tự" là 6 Trần nó cuốn anh thảm thương. Nó cuốn anh thảm thương. Mà cuốn này nó có hai. Một là nó cuốn anh như một con heo mà bị nước cuốn. Trường hợp thứ hai là xác heo bị nước cuốn. Buổi đầu mình là con heo bị nước cuốn. Có nghĩa là bị nước cuốn nhưng mà con heo đó nó cũng còn ráng vùng vẫy, nó tìm cơ hội [để] nó vào bờ. Nhưng mà nếu mình tệ quá, mình không còn là con heo bị nước cuốn nữa, mà mình là xác heo bị nước cuốn. Có nghĩa là mình đã đánh mất cái khả năng gọi là tự cứu, đánh mất khả năng thoát hiểm. Nhớ nha. Nhớ lời của tôi. Khi ta không có khả năng Tự tu – Tự ngộ – Tự tỉnh – Tự giác, thì chúng ta hoàn toàn có thể làm một con heo bị nước cuốn. Bởi vì bị nước cuốn đã là heo rồi. Chỉ phải là heo rồi. Nếu mà con heo còn sống thì còn có hy vọng. Nhưng mà mình đánh mất chữ "Tự" thì từ con heo bị nước cuốn, nó chuyển qua xác heo bị nước cuốn. Có nghĩa là xong. Đã là xác heo rồi thì vô phương, không có ai cứu được mình hết. Thì mình cứ tự hỏi, thứ nhất mình là người hay là heo? Người phải đứng trên bờ, lọt xuống nước cũng là lọt theo cách của con người, chứ không thể nào lọt xuống nước theo cách của con heo. Mà lỡ làm heo thì cũng phải giữ sao đừng có để mình là xác heo. Bởi vì xác heo mà lọt xuống nước là nó phiền dữ lắm. Phiền bởi vì đã là xác heo rồi hết cứu. Nha. Thì thời cuộc, dư luận, trào lưu, xu thế của thiên hạ, đó là cái chuyện đương nhiên của vũ trụ. Hết chuyện này tới chuyện khác, cái vấn đề là chúng ta có đủ vững chải, tự tại, để mà thanh thản đi giữa cuộc đời đầy ba động và sóng gió này hay không? Cái đó mới là cái quan trọng. Và khả năng này đặc biệt là nó được thiết lập trên mỗi một cái chữ "Tự". Nha. Đằng này là không có chữ "Tự" thì làm sao mà sống chứ đừng nói là tu. Sống đã không nổi rồi. Chúng ta biết có rất là nhiều người trên thế giới tự tử vì cái Facebook các vị biết không? Rất là nhiều người. Mà trong đó có học sinh nữa, tôi biết có học sinh nữa, là bị bạn chơi xấu, một là nó ghép hình, nó dựng chuyện cũng có, có nhiều khi chuyện có thiệt, hình ảnh thiệt cũng có. Nhưng mà nó không đủ để cho mình chết. Đấy. Mà không. Vì chút đỉnh trên đó nhào ra đi chết. Tức là mình đó là con heo, hồi đầu là con heo, cuối cùng là xác heo bị nước cuốn. Cái đó rất là quan trọng, vô cùng và vô cùng quan trọng. Nha.

Cho nên là mong rằng bà con sau bài giảng này, bà con nhớ giùm dành thời giờ học giáo lý để có kiến thức, từ kiến thức nó có nhận thức, từ nhận thức nó có hành trì. Đừng có vì nhẹ dạ cả tin, nghe ai đó ru ngủ rồi nói là tu tâm không cần học. Trời đất ơi, khổ quá! Các vị tưởng tượng cứ ngồi xếp bằng không biết gì hết, rồi nhắm mắt để làm cái gì? Các vị tưởng tượng. Bây giờ các vị tưởng tượng đi. Mình không có biết chữ mà kêu mình ngồi mình vẽ ra cấu trúc, mô hình của máy bay, của xe hơi, rồi sao mình vẽ? Bây giờ mình muốn vẽ cơ cấu, cấu trúc của một chiếc xe đạp mình cũng phải có kiến thức nữa. Đằng này nói không, cứ giữ tâm thanh tịnh là tự nhiên cái xe đạp nó hiện ra. Các vị nghĩ có chịu nổi không? Mà chiếc xe đạp là đơn giản nhất cũng phải có một kiến thức cơ bản nhất định, thì hỏi cái tâm nó còn thiên hình vạn trạng, nó rối rắm ngàn vạn lần, mà không cho học, không cần học giáo lý. Rồi đã vậy họ tìm đủ lý do để họ bài xích, họ biếm nhẻ, họ bài bác chuyện học giáo lý, phải học giáo lý chứ. Chứ còn không học giáo lý, mai mốt bất cứ một trào lưu, một phong trào nào nó cũng cuốn mình theo hết. Tin tôi đi. Và từ cái chuyện con heo bị nước cuốn nó chuyển qua xác heo là lúc đó hết cứu. Và tôi không nói rõ thêm thù. Nhưng mà tôi thấy xác heo bây giờ hình như nó nhiều hơn là con heo rồi đó. Heo bị nước cuốn rồi đó, từ từ nó ít hơn là cái xác heo, bởi vì con heo bị nước cuốn buổi đầu thôi, chứ cuốn lâu quá chuyển qua xác heo không có lâu, khi mình bị cuốn ít ít thì được, mới bị cuốn thì mình cũng còn gượng gượng, chứ khi bị cuốn lâu quá, cảm giác bị cuốn đó đã trở thành thói quen rồi thì lúc đó thành xác heo rồi.

Thì mong rằng bài giảng hôm nay chia sẻ một vài suy nghĩ cho bà con tự gẫm, và tôi chưa hề dại dột nghĩ rằng mình ở vai trò vị Thầy cho ai hết. Tôi luôn luôn trong các bài giảng tôi chỉ nghĩ là tôi là người đọc sách và chia sẻ lại cho những bà con nào lười đọc, không có thời gian đọc, không có điều kiện đọc. Đấy. Thì tôi chỉ chia sẻ cho bà con và tôi hy vọng là mỗi lần mà nghe nhắc lại mấy cái này nè thì bà con có một cơ hội để nhìn lại mình. Và tu hành là chuyện đầu tiên, tôi nhắc lại nha, phải là nhận thức, phải có nhận thức chứ không thể nào mà để mình buông xuôi theo cái dòng đời, thầy bà nào cũng được, bạn bè nào cũng được, dư luận thời cuộc nào cũng được, miễn là có cái cuốn mình đi, mình bèn lao xuống và làm một xác heo trên dòng chảy, thì tôi nghĩ rằng uổng kiếp người quá. Và tôi nghĩ rằng cái đó là phụ lòng Cha Mẹ, tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, trả ơn Cha Mẹ nó có nhiều cách:
1- Một là phụng dưỡng Cha Mẹ về vật chất.
2- Hai là hỗ trợ tinh thần đời sống tâm linh cho Cha Mẹ. Và cái thứ ba mới ghê nè.
3- Hãy sống như thế nào để Cha Mẹ của mình là những người đã sanh ra những con người. Chứ không thể nào để Cha Mẹ mình sanh ra những xác heo được.

Cái đó là cách trả ơn rất là đặc biệt.
Cách trả ơn đầu tiên - Trả ơn Cha Mẹ bằng cách là phụng dưỡng vật chất, hỗ trợ tinh thần, thì cái này đó là có thể Cha Mẹ còn mình mới làm được. Còn cái chuyện mà hồi hướng là khi Cha Mẹ mất mình cũng có thể làm được. Nhưng mà riêng cách mà tôi vừa nói, cách mà trả ơn Cha Mẹ bằng cách là hãy sống làm sao để Cha Mẹ mình là đã từng sanh ra những con người chứ không phải sanh ra cái con gì đó. Thì cái cách trả ơn này là dầu Cha Mẹ đã mất 1000 năm mình vẫn có thể trả ơn được. Có nghĩa là làm sao mà để cho là mọi người nhìn vào thấy rằng Cha Mẹ mình đã sanh ra một con người. Nghĩa là phải có tư duy, phải có sống, phải có hành động, phải có suy nghĩ như là một con người, và hơn thế nữa đó là một con người Phật-tử đúng nghĩa. Nha. Chứ không thể nào, tôi nói nó giống như hơi nặng, nhưng mà mình bắt buộc đôi lúc chúng ta cũng phải nói rõ với nhau như vậy. Làm người mà dễ bị dụ quá, dễ bị dụ, dễ bị cuốn hút, và trong khi đó cái cơ hội để chúng ta ngửa mặt mà đi giữa đời, cơ hội đó nhiều lắm. Người ta làm Thầy mình một hai lần thôi chứ, một hai năm, một hai tháng thôi, chứ không thể nào cả đời này, mà mình cứ suốt đời, mình cứ sống bằng tâm thức là mặc cảm, tự ti, tâm thức tiểu thừa, cho rằng tôi là trí kém, tôi là tuổi già, tôi là nghèo khó, tôi là bệnh hoạn. Sai. Ai cũng có cơ hội hết. Ai cũng có cơ hội, ai cũng có cơ hội làm heo và ai cũng có cơ hỏi làm sư tử hết. Tôi đang nói với tất cả sự chân thành, chân tâm. Đừng có nghĩ rằng tôi đang nói mua lòng. Sự thật ai cũng có khả năng làm heo. Ai cũng có khả năng làm sư tử. Ai cũng có khả năng làm con giun đất và ai cũng có khả năng hóa rồng hết. Vấn đề là cái chữ "Tự" của mình. Mình là "Tự". Các vị biết cũng trong lòng đất mà có cái nó quý như là kim cương, kim cương nằm trong lòng đất, mà cũng trong lòng đất có cái nó chỉ là hạt sỏi. Trên núi cũng vậy. Có cái trên núi nó chỉ là cỏ dại, nhưng mà có cái trên đó nó là trầm, là gió bầu, nó là linh chi. Ngoài biển cũng vậy. Có cái ngoài biển chỉ là vỏ sò, vỏ ốc, chỉ là con cá bé tẹo bằng cái đầu đũa, nhưng mà cũng ngoài biển có cái đó là long diên hương. Đấy. Đó là cá nhà táng. Đấy. Là tùy mình.

Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên. Và trong đó là nói rộng, nói hẹp ở mỗi cá nhân con người chúng ta luôn luôn có những vốn quý, có những giá trị, mà vấn đề là chúng ta có tự khám phá, khai thác, khai quật, một cách đúng mức hay không. Tôi nghĩ một trong những cái bậy nhất của mình đó là chưa gì hết là mình tự ti. Và cái bậy thứ hai là chưa gì hết là mình đã tự tôn. Đó là cái bệnh cực lớn của tất cả phàm phu. Một là tự ti. Chưa gì hết là đã đẩy mình, tự đẩy mình xuống sình, rồi từ đó đánh mất cái khả năng gọi là tự tin. Không có được một cái ý hướng Đại-nhân. Chưa gì hết đã tự ti, hoặc là chưa gì hết mà đã là là tự tôn. Việt Nam mình có câu hay nói, tự tôn là cái trường hợp mà gọi là sông có khúc, người có lúc, mới chút chút mà tưởng mình 9 nút là trường hợp đó, có trường hợp đó, cũng sai. Mà chưa gì hết mình đã mặc cảm là sai. Hãy tận lực tự tin nhưng không tự tôn, khiêm tốn nhưng không tự ti. Nha. Tự tin nhưng không tự tôn, khiêm tốn nhưng không tự ti, đó chính là phép tu với một chữ thôi – Đó là chữ "Tự".

Và tôi mong rằng có một ngày tôi nhìn thấy "nếu", cái chữ "nếu" này tôi nói rất là rõ. Mình tu mình hạn chế không có bày, mà giả sử có bày đó thì tôi thấy trong phòng các vị có chữ "Tự" [thì] tôi thích hơn là chữ "Nhẫn". Bây giờ nó nhiều lắm rồi. Nó nhiều lắm. Chữ "Nhẫn", rồi chữ "Đạo", rồi chữ "Thiền", rồi chữ "Niệm", vậy đó. Nếu mà hỏi tôi xin một chữ để mà khắc trong phòng viết thư pháp, tôi đề nghị chữ "Tự", nhìn chữ "Tự" riêng tôi, tôi thấy cái chữ "Tự" đó nó bao hàm nhiều nghĩa lắm. Thì tôi nhắc lại, tu thì đừng có bày, nhưng mà giả sử có thích bày thì trong phòng nên treo một miếng gỗ, treo một cái bức thư pháp có cái chữ "Tự" để nhớ hoài là tất cả mọi thứ đi ra từ cái "Tự" như là Lão-Tử đã nói: "Cuộc đi ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu từ cái bước chân đầu tiên". Và bước chân đó nó có cái tên là "Tự". Nha . "Tự". Bây giờ các vị bắt đầu vào một hành trình vạn lý thì các vị, tự các vị phải có cái gì? Tự các vị phải có tiền, tự bản thân các vị phải có sức khỏe, tự các vị phải có giấy tờ hợp lệ, có Passport, có Visa, phải có giày, có dép, có hành lý, mình phải tự trước phần mình tròn trịa rồi mình mới dấn thân đi vào cuộc đời bao la, mênh mông và đầy hiểm nạn, bất trắc phía trước được. Còn chữ "Tự" làm chưa xong thì đừng có hòng đi đâu hết đó.

Thì nói nhiều cũng vậy thôi. Mong các vị sớm nhớ và luôn nhớ. Nhớ lại và luôn nhớ chữ "Tự" và tôi cho là rất đỗi quan trọng này. OK. Chúc các vị một ngày vui và một đêm an lành.

🙏 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
☘️ Kính mời nghe trực tiếp bài giảng tại đây :
youtu.be/pTe0wxIYXCs
---------------------------
Chúng con xin Cúng dường Đức Thế Tôn, Pháp Bảo và Tăng Bảo bằng sự hành đạo. Con nguyện sự chia sẻ Giáo Pháp nầy là nhân duyên giúp cho hàng Phật tử chúng con và gia quyến thoát khỏi sự Khổ Thân, thoát khỏi sự Khổ Tâm, đoạn tận Phiền Não, tránh mọi sự cám dỗ hướng Tâm Đến Giác Ngộ, Giải Thoát Niết Bàn. 🙏🙏🙏

Youtube video
Xem thêm:
  • 20240606/Bài 22-TU TẬP THÔNG QUA CHỮ TỰ.docx
  • ← Giáo Lý Căn Bản